Hướng dẫn chi tiết 05 hình thức xử lý tài sản công là nhà đất

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
19/02/2025 17:19 PM

Các hình thức xử lý tài sản công là nhà đất theo quy định tại Nghị định 03/2025/NĐ-CP bao gồm các hình thức nào? Chi tiết việc thực hiện các hình thức xử lý tài sản công ra sao?

05 hình thức xử lý tài sản công là nhà đất

Hướng dẫn chi tiết 05 hình thức xử lý tài sản công là nhà đất (Hình ảnh từ Internet)

Các hình thức xử lý tài sản công:

Theo Điều 40 Luật Quản lý sử dụng tài sản công 2017, các hình thức xử lý tài sản công gồm các hình thức sau:

(1) Thu hồi.

(2) Điều chuyển.

(3) Chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý

(4)  Bán.

(5) Sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao.

(6) Thanh lý.

(7) Tiêu hủy.

(8) Xử lý tài sản công trong trường hợp bị mất, bị hủy hoại.

(9) Hình thức khác theo quy định của pháp luật.

05 hình thức xử lý tài sản công là nhà đất

Đối với tài sản công là nhà đất, theo quy định tại Điều 9 Nghị định 03/2025/NĐ-CP Quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công là nhà, đất, có 05 hình thức xử lý tài sản công, bao gồm:

(1) Giữ lại tiếp tục sử dụng.

(2) Thu hồi.

(3) Điều chuyển.

(4) Chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý.

(5) Tạm giữ lại tiếp tục sử dụng.

Chi tiết các hình thức xử lý tài sản công là nhà đất

Giữ lại tiếp tục sử dụng

Theo quy định tại Điều 10 Nghị định 03, Việc giữ lại tiếp tục sử dụng được áp dụng đối với nhà, đất đang sử dụng phù hợp với mục đích được Nhà nước giao, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển đổi công năng sử dụng của tài sản, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, đầu tư xây dựng, mua sắm. Cơ quan, tổ chức, đơn vị có nhà, đất được phê duyệt phương án giữ lại tiếp tục sử dụng có trách nhiệm quản lý, sử dụng nhà, đất theo đúng quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về đất đai và pháp luật khác có liên quan.

Thu hồi

Theo khoản 1 Điều 11 Nghị định 03, việc thu hồi nhà, đất được áp dụng trong các trường hợp sau:

(i) Nhà, đất không sử dụng liên tục quá 12 tháng, trừ trường hợp đang triển khai thủ tục để thực hiện dự án đầu tư theo quy định của pháp luật mà không thuộc trường hợp thu hồi theo quy định của pháp luật về đất đai

(ii) Tặng cho, góp vốn, cho mượn, cho thuê, liên doanh, liên kết, sử dụng nhà, đất để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự không đúng quy định, trừ nhà, đất thuộc vụ việc đã được Tòa án nhân dân có thẩm quyền thụ lý

(iii) Nhà, đất sử dụng không hiệu quả hoặc giảm nhu cầu sử dụng do thay đổi tổ chức bộ máy, thay đổi chức năng, nhiệm vụ.

Theo khoản 2 Điều 11 Nghị định 03, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (nơi có nhà, đất) ban hành Quyết định thu hồi nhà, đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương và địa phương quản lý (bao gồm cả nhà, đất của địa phương khác trên địa bàn) sau khi cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt phương án thu hồi.

Bên cạnh đó, khoản 3 quy định: Nội dung Quyết định thu hồi, việc bàn giao, tiếp nhận và xử lý, khai thác nhà, đất sau khi có Quyết định thu hồi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền được thực hiện theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Nghị định 151/2017/NĐ-CP; không thực hiện sắp xếp lại, xử lý theo quy định tại Nghị định này khi xử lý nhà, đất sau khi đã có Quyết định thu hồi.

Khoản 4 Điều 11 Nghị định 03 quy định về bồi thường, hỗ trợ như sau: Việc bồi thường, hỗ trợ trong trường hợp thu hồi nhà, đất được thực hiện theo quy định về bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của pháp luật về đất đai. Trong đó, trường hợp thu hồi nhà, đất trong trường hợp (i) và (ii) như trên thì việc bồi thường, hỗ trợ được xác định tương tự trường hợp Nhà nước thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai; trường hợp thu hồi nhà, đất trường hợp (iii) thì việc bồi thường, hỗ trợ được xác định tương tự trường hợp Nhà nước thu hồi đất do người sử dụng đất tự nguyện trả lại đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Điều chuyển

Hình thức điều chuyển tài sản công là nhà đất được quy định tại Điều 12 Nghị định 03

Việc điều chuyển được áp dụng trong các trường hợp sau và thực hiện khi xác định được cụ thể đối tượng tiếp nhận.

(i) Từ nơi thừa sang nơi thiếu theo tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công do cơ quan, người có thẩm quyền quy định;

(ii) Việc điều chuyển tài sản mang lại hiệu quả sử dụng cao hơn;

(iii) Cơ quan nhà nước được giao quản lý, sử dụng tài sản nhưng không có nhu cầu sử dụng thường xuyên;

(iv) Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Trường hợp đối tượng tiếp nhận là cơ quan, tổ chức, đơn vị thì tại văn bản đề nghị tiếp nhận nhà, đất phải thuyết minh sự phù hợp của việc tiếp nhận nhà, đất với quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công.

Trường hợp tài sản khác (không phải là nhà, đất) hiện có tại cơ sở nhà, đất mà cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng không còn nhu cầu sử dụng thì được điều chuyển đồng thời với cơ sở nhà, đất đó (trong trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tiếp nhận nhà, đất có nhu cầu tiếp nhận và được Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan đồng ý); thẩm quyền quyết định điều chuyển, việc bàn giao, tiếp nhận đối với các tài sản khác trong trường hợp này được thực hiện theo quy định áp dụng đối với điều chuyển nhà, đất. Trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp không có nhu cầu tiếp nhận thì cơ quan, tổ chức, đơn vị có tài sản điều chuyển báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền xử lý tài sản đó theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Trường hợp điều chuyển nhà, đất sang doanh nghiệp thì chỉ điều chuyển sang doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ để làm văn phòng làm việc. Không điều chuyển nhà, đất sang doanh nghiệp để sử dụng vào mục đích xây dựng nhà ở, kinh doanh bất động sản hoặc sử dụng nhà, đất đã tiếp nhận điều chuyển để sử dụng vào mục đích xây dựng nhà ở, kinh doanh bất động sản hoặc các mục đích khác (không phải để làm văn phòng làm việc).

Trường hợp đối tượng tiếp nhận tài sản điều chuyển là cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc: Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội thì sau khi tiếp nhận được giữ lại tiếp tục sử dụng; cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp nhận có trách nhiệm thực hiện theo quy định về giữ lại tiếp tục sử dụng đã nêu trên; không phải báo cáo kê khai để phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định tại Nghị định này. Trường hợp sau khi tiếp nhận mà trong quá trình quản lý, sử dụng, cơ quan, tổ chức, đơn vị không còn nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng không đúng quy định thì việc xử lý được thực hiện theo quy định tương ứng của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về đất đai và pháp luật khác có liên quan.

Trường hợp đối tượng tiếp nhận tài sản điều chuyển là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thì sau khi tiếp nhận được giữ lại tiếp tục sử dụng làm văn phòng làm việc; trường hợp không còn nhu cầu sử dụng vào mục đích làm văn phòng làm việc hoặc sử dụng không đúng quy định thì Nhà nước thực hiện thu hồi theo quy định của pháp luật về đất đai.

Chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý

Chi tiết hình thức xử lý chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý được quy định tại Điều 10 Nghị định 03

Theo đó, chuyển giao nhà, đất về địa phương quản lý, xử lý là việc chuyển giao nhà, đất từ cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý hoặc địa phương khác quản lý về Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc từ cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc địa phương quản lý về các cơ quan chức năng của địa phương (gồm cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, tổ chức phát triển quỹ đất, tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã) để quản lý, xử lý theo quy định của pháp luật.

Việc chuyển giao nhà, đất về địa phương quản lý, xử lý được thực hiện trong các trường hợp sau:

(i) Nhà, đất đã được giao, bố trí làm nhà ở không đúng thẩm quyền trước ngày Luật Đất đai 2024 có hiệu lực thi hành có khuôn viên độc lập hoặc có thể tách biệt khỏi khuôn viên cơ sở nhà, đất, có lối đi riêng mà cơ quan, tổ chức, đơn vị không còn nhu cầu sử dụng;

(ii) Nhà, đất không thuộc trường hợp quy định tại điểm (i) mà cơ quan, tổ chức, đơn vị không còn nhu cầu sử dụng.

Trường hợp tài sản khác (không phải là nhà, đất) hiện có tại cơ sở nhà, đất mà cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng không còn nhu cầu sử dụng thì được chuyển giao đồng thời với cơ sở nhà, đất đó (trong trường hợp địa phương tiếp nhận nhà, đất có nhu cầu tiếp nhận); thẩm quyền quyết định chuyển giao, việc bàn giao, tiếp nhận đối với các tài sản khác trong trường hợp này được thực hiện theo quy định áp dụng đối với chuyển giao nhà, đất. 

Trường hợp địa phương không có nhu cầu tiếp nhận thì cơ quan, tổ chức, đơn vị có tài sản chuyển giao báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền xử lý tài sản đó theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Tạm giữ lại tiếp tục sử dụng

Tại Điều 14 Nghị định 03, hình thức tạm giữ lại tiếp tục sử dụng được thực hiện như sau:

Việc tạm giữ lại tiếp tục sử dụng được áp dụng đối với nhà, đất được giao, bố trí làm nhà ở không đúng thẩm quyền và không đủ điều kiện chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý theo quy định.

Sau khi hoàn thành việc di dời, chấm dứt việc sử dụng nhà, đất không đúng quy định thì cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định tại Nghị định 03.

Lê Quang Nhật Minh

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5

Bài viết về

lĩnh vực Tài chính nhà nước

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]