Chính sách mới >> Tài chính 09/07/2012 09:33 AM

09/07/2012 09:33 AM

Để xử lý tài sản đảm bảo bằng bất động sản mất 3 năm, do vậy khó có thể khuyến khích các TCTD mạnh dạn cấp thêm tín dụng cho khách hàng.

Nợ xấu được ví như cục máu đông rất lớn đang tốn tại trong hệ thống ngân hàng. Phá vỡ cục máu đông càng sớm thì các ngân hàng càng sớm bơm tín dụng ra nền kinh tế. Nhiều ý kiến đóng góp để xử lý nợ xấu như sử dụng nguồn dự phòng rủi ro, bán tài sản đảm bảo thu hồi nợ, thành lập công ty mua bán nợ quốc gia, hay tạo ra thị trường mua bán nợ xấu..

Trong đó bán tài sản đảm bảo vay vốn được coi là biện pháp khả thi nhưng hiện đang gặp nhiều khó khăn.

Quyết định 780/QĐ-NHNN:Mở đường cho ngân hàng cơ cấu nợ

Để giúp các TCTD có cơ chế xử lý nơ phù hợp với hoàn cảnh hiện tại, NHNN đã ban hành Quyết định 780/QĐ-NHNN cho phép các TCTD giữ nguyên nhóm nợ đối với khoản nợ sau khi cơ cấu hoãn giãn nợ.

Với quyết định này của NHNN, các TCTD sẽ rà soát, đánh giá lại hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng.  Nếu hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có chiều hướng tích cực và có khả năng trả nợ tốt sau khi điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ thì sẽ giữ nguyên nhóm nợ như đã được phân loại trước khi thực hiện tái cơ cấu. Điều này giúp doanh nghiệp không bị tụt hạng tín nhiệm với ngân hàng, từ đó ngân hàng có cơ sở để cho vay tiếp.

Theo ông Hàn Ngọc Vũ, Chủ tịch HĐQT VIB, Quyết định 780 của NHNN đã giúp ngân hàng giảm áp lực với quản trị nợ xấu. Tuy nhiên trong thực tế thì hiệu quả cơ cấu nợ không cao như mong đợi.

Lý giải cho điểm này, ông Vũ cho rằng theo quy định thì ngân hàng chỉ cơ cấu cho các khách hàng có chiều hướng hoạt động sản xuất kinh doanh tích cực, có khả năng trả nợ sau khi cơ cấu. Trong khi đó các khách hàng có nhu cầu cơ cấu nợ đều khó khăn về tài chính, thiếu hụt hoặc không có khẳ năng thanh toán. Phương án kinh doanh và trả nợ ngân hàng không thực sự rõ ràng, khó đáp ứng các điều kiện tại quyết định 780 của NHNN

“Cùng với đó các TCTD vẫn phải đối diện với thực tiễn là những tỷ lệ nợ xấu trên báo cáo tài chính không đáp ứng được nhu cầu quản trị để thực sự thu hồi được nợ xấu.” – ông Vũ nói.

Chia sẻ quan điểm với ông Vũ, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HDQT Seabank đánh giá quyết định 780 thực sự là “cẩm nang giúp ngân hàng” cơ cấu lại nợ cho các khách hàng.

“Quyết định 780 giúp ngân hàng cơ cấu lại nợ một cách đàng hoàng mà không phải sợ cơ quan Thanh tra giám sát của NHNN”- bà Nga phát biểu.

Tuy nhiên theo bà Nga thì để việc cơ cấu nợ thực sự hiệu quả cần phối hợp thêm nhiều chính sách khác, nếu chỉ dừng lại ở đây thì khó thúc đẩy được quá trình cơ cấu nợ cho doanh nghiệp, người dân. Như thế thì nguy cơ nợ xấu tiếp tục dâng lên là hiện hữu.

Cần 3 năm để xử lý tài sản đảm bảo bằng bất động sản

Cơ chế hỗ trợ cơ cấu nợ đã có nhưng để xử lý được nợ xấu còn gặp nhiều vướng mắc.  Và một nút thắt lớn đối với xử lý nợ xấu hiện nay tại các ngân hàng là quá trình xử lý tài sản đảm bảo rất rắc rồi và kéo dài.

Theo ông Vũ thì để xử lý một tài sản đảm bảo là bất động sản theo chương trình thông thường hay không thông thường mất khoảng 3 năm.

“Đối với hoạt động xử lý nợ, trong bối cảnh nợ quá hạn nợ xấu được dự báo tăng mạnh trong 6 tháng cuối năm, các thủ  tục hành chính đối với công tác xử lý tài sản đảm bảo vẫn là rào cản rất lớn”- ông Vũ chia sẻ.

Nếu việc xử lý tài sản đảm bảo kéo dài, với nhiều thủ tục hành chính rắc rối thì khó có thể khuyến khích các TCTD mạnh dạn cấp thêm tín dụng cho khách hàng.

Theo chủ tịch Seabank, thực tế cũng có nhiều doanh nghiệp muốn bán tài sản thế chấp để giải quyết nợ nần với ngân hàng, từ đó có thể chuyển hướng kinh doanh hay khôi phục lại sản xuất. Tuy nhiên với rào cản thủ tục hành chính như hiện nay thì tiến trình này diễn ra rất chậm.

“Giải quyết tài sản thế chấp sao cho hài hòa quyền lợi, trách nhiệm giữa của 2 bên, như vậy thì mới sớm khơi thông nguồn vốn qua lại giữa NH và doanh nghiệp”- bà Nga nhận xét.

Khi không xử lý thu hồi được nợ thì sẽ chuyển thành nợ quá hạn rồi thành nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng vì thế tăng lên. Nợ xấu tăng khiến các ngân hàng càng thận trọng cho vay ra. Vòng luẩn quẩn giữa nợ xấu và tăng trưởng tín dụng khó phá vỡ. Có thể thấy một nút thắt cần sớm tháo gỡ chính là đẩy nhanh quá trình xử lý tài sản đảm bảo tại ngân hàng.

Kiến nghị của chủ tịch VIB là NHNN cần phối hợp với Bộ tư pháp và các bộ ngành liên quan để giảm bớt thủ tục hành chính. Từ đó xây dựng cơ chế chính sách nhằm tăng sự chủ động cho các TCTD trong việc xử lý tài sản đảm bảo. Có như vậy mới đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, tạo điều kiện cho các TCTD mở rộng tín dụng.

Thanh Hải

Theo TTVN

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,279

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]