Chính sách mới >> Tài chính 21/07/2012 11:03 AM

21/07/2012 11:03 AM

NHNN đã đề nghị Chính phủ điều hành chính sách tiền tệ và tài khóa theo hướng tăng mạnh trong quý III nhưng giảm tốc nhanh trong quý IV để tránh nguy cơ lạm phát cho năm 2013.

Tại hội nghị Đối thoại giữa Doanh nghiệp và Ngân hàng do NHNN tổ chức đã có nhiều ý kiến tâm huyết, xây dựng từ phía các doanh nghiệp đối với lãnh đạo NHNN cũng như các NHTM trên địa bàn Thủ đô. 

Thay mặt cho hội doanh nghiệp trẻ của Hà Nội, ông Trần Anh Vương, Chủ tịch HĐQT Thép Bắc Việt đã thay mặt 650 thành viên của hội giãi bày khó khăn, mong nhận được hỗ trợ chính sách từ cơ quan quản lý Nhà nước

11 ý kiến và 3 câu hỏi của hiệp hội doanh nghiệp trẻ

Mở đầu phần trình bày, ông Vương cho biết có 14 gạch đầu dòng là ý kiến, thắc mắc được tập hợp từ các thành viên hiệp hội.

Thông tin đầu tiên ông Vương cho biết là 650 doanh nghiệp thuộc hiệp hội thì đa phần chưa nhận được thông tin hạ lãi suất xuống 15%/năm. Nhiều doanh nghiệp cho rằng phải cuối tháng 7 doanh nghiệp mới biết vì lãi suất thường đến cuối tháng mới điều chỉnh

Thay mặt hội, ông Vương cũng đánh giá chính sách tái cơ cấu nợ của NHNN đã đánh rất trúng, rất hiệu quả đã giúp nhiều doanh nghiệp thoát khỏi cơn hoạn nạn

Về vấn đề tiếp cận vốn vay, do từ năm 2009-2012 tình hình kinh doanh năm sau thường khó khăn hơn năm trước nên việc tiếp cận vốn vay cũng tương tự. Hiệp hội doanh nghiệp trẻ cho biết năm 2012 tiếp cận vốn vay rất khó

Đối với vấn đề tài sản đảm bảo của doanh nghiệp đã có sự sụt giảm đáng kể, dẫn tới một số doanh nghiệp phải bổ sung thêm nhưng thực tế tài sản cũng không có. Nếu không có xử lý khéo léo giữa NH và DN thì rất dễ bị coi là lừa đảo.

Cộng đồng doanh nghiệp rất quan tâm điều này bởi nếu đã chấp nhận cơ cấu, hoãn giãn nợ thì cũng cần xem xét đến vấn đề tài sản đảm bảo.

“Đất trả tiền thuê hằng năm đều không được thế chấp mặc dù giá thuê đất có thể lên tới hàng chục USD/m2. Ví dụ đất thuê 50 năm có giá trị thị trường có thể lên trăm tỷ nhưng lại không có giá trị tài sản đảm bảo”- ông Vương nói.

Hiệp hội cũng tán thành việc thành lập công ty mua bán nợ Quốc gia bởi theo hiệp hội DN trẻ thì theo kinh nghiệm tại một số nước như Nhật(1990), Mỹ(2008) thì nếu không có sẽ không giải quyết được nợ. Hội cũng muốn Thống đốc “dũng cảm” nhận trách nhiệm quản lý công ty nợ về NHNN.

Chính sách tiền tệ 6 tháng cuối năm cũng nhận được sự quan tâm rất lớn của các doanh nghiệp. Bởi 6 tháng  tăng trưởng tín dụng mới 0,76%; trong khi nếu trung bình lãi suất đầu năm là 18-20%/năm thì sau 6 tháng doanh nghiệp đã hoàn trả cho ngân hàng gần 10% tiền lãi nhưng dư nợ tín dụng không hề trở lại nền kinh tế.Nếu 6 tháng cuối năm vẫn tiếp tục giữ mục tiêu tăng 15% thì các doanh nghiệp lo sẽ nguy cơ gây lạm phát.

Trước khi hội nghị câu hỏi được nhiều hội viên mong muốn Thống đốc cho biết quy định hạ lãi suất các khoản vay cũ về 15%/năm có tính pháp quy đến mức độ nào. Bởi đã có lãnh đạo của NHNN đề nghị doanh nghiệp “tố” ngân hàng không thực hiện chỉ đạo hạ lãi suất và thực tế còn nhiều doanh nghiệp hội chưa nhận được đề xuất hạ lãi suất.

Hiệp hội cũng đề nghị nâng room cho NĐT nước ngoài để có nguồn vốn cho ngân hàng vượt qua lúc khó khăn, có vốn cho doanh nghiệp vay.

Còn nợ xấu theo ông Vương hiện không chỉ là nợ của doanh nghiệp với ngân hàng mà còn doanh nghiệp với doanh nghiệp rồi ngân hàng nợ ngân hàng.

Hiệp hội cũng muốn biết Thành phố Hà Nội có chính sách cụ thể gì hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn, ví dụ xây dựn cơ sở hạ tầng. Đặc biệt có một số quỹ của Thành phố rất dễ tiếp cận, nên mong muốn lãnh đạo Hà Nội cho biết cụ thể

Ông Vương cũng thay mặt hiệp hội doanh nghiệp trẻ gửi 3 câu hỏi đến lãnh đạo NHNN và thành phố Hà Nội: Thứ nhất là tại Hà Nội nếu doanh nghiệp muốn phản ánh thông tin về việc hạ lãi suất thì sẽ liên hệ ở đâu? Tiếp đến là room tín dụng cho 6 tháng cuối năm như thế nào để doanh nghiệp xác định hướng kinh doanh? Và thành phố có chính sách cụ thể gì hỗ trợ doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp nhỏ, vốn đã chịu nhiều tổn thương suốt thời gian qua?

Thống đốc: Tôi chưa công bố với bất kỳ ai đề án thành lập công ty mua bán nợ

Sau khi nghe chia sẻ của hiệp hội DN trẻ, Thống đốc cho rằng đây không chỉ là câu hỏi của 650 doanh nghiệp mà còn là đại diện cho hàng ngàn doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội. Vì vậy những câu hỏi liên quan vĩ mô được Thống đốc lần lượt trả lời.

Thứ nhất việc hạ lãi suất khoản vay cũ về dưới 15%/năm chỉ là đề nghị của NHNN với các TCTD thể hiện chia sẻ với doanh nghiệp. Cũng có ngân hàng điều kiện không cho phép thực hiện nhưng chỉ đạo của NHNN là nếu có điều kiện thì phải thực hiện ngay, và hầu hết các TCTD đều đã có văn bản cam kết thực hiện.

Tiếp cận vốn vay khó không khó giải thích bởi tăng tín dụng trung bình 33%/năm trước 2010, trong khi đó năm 2011 chỉ 14% như thế có đến 50% doanh nghiệp khó tiếp cận.

Về tài sản đảm bảo thì đúng là vấn đề đau đầu của người điều hành không chỉ của NHTM mà cả NHNN. Tài sản đảm bảo thời gian qua được định giá chưa chính xác, nay lại còn giảm giá khiến các ngân hàng cảm thấy rủi ro hơn nhưng cũng khó có thể buộc doanh nghiệp đưa thêm tài sản

“Đây là thời điểm ngân hàng và doanh nghiệp ngồi lại để chia sẻ chứ không phải căng thẳng với nhau”- Thống đốc nói.

Về việc thành lập công ty mua bán nợ, Thống đốc cho biết bản thân chưa chia sẻ với bất kể ai, kể cả người thân tín đề án như vậy và mọi người cần hết sức bình tĩnh trong vấn đề này.

Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình cần nhìn nhận mua bán nợ là điều hết sức bình thường trong kinh tế thị trường, bởi cái doanh nghiệp không quản lý được thì doanh nghiệp khác quản lý tốt, vô ích với doanh nghiệp này nhưng với doanh nghiệp khác thì hữu ích.

Thống đốc cho biết NHNN cũng đã họp với Hội đồng chính sách tiền tệ để có ý kiến sơ bộ, thời gian tới sẽ trình đề án.

Cũng theo người đứng đầu ngành ngân hàng thì dù đề án nào cũng phải đảm bảo giám sát công khai, minh bạch chứ không thể có đề án mà đến bản thân người làm chính sách không chấp nhận được.

NHNN cho biết đầu năm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 15-16% được tính dựa trên chỉ tiêu kinh tế nhưng thực tế thì rất khó đạt được. Do vậy NHNN đề nghị Chính phủ tăng chi đầu tư công để hỗ trợ kinh tế.

Thống đốc đã đề nghị với Chính phủ về điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa sẽ đẩy mạnh vào quý III và giảm tốc mạnh vào quý IV bởi chính sách có độ trễ.

Nếu vốn được đẩy mạnh trong quý IV sẽ gây tiềm ẩn lạm phát trong năm sau còn quý III sẽ tác động lên quý IV. Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống theo Thống đốc sẽ phấn đầu từ 8-10%.

Vấn đề mở room cho NĐT Nước ngoài liên quan đến quyền lợi của Quốc gia,  Thống đốc cho rằng cần có xử lý khéo léo, hợp lý.

Đối với việc các ngân hàng nợ quá hạn lẫn nhau xuất phát từ suy nghĩ cho vay ngân hàng không có rủi ro bởi cho rằng Nhà nước không cho ngân hàng đổ vỡ, khoản vay này coi như là được bảo lãnh bảo NHNN. Nhưng đó là suy nghĩ không đúng bởi ngân hàng cũng là doanh nghiệp, cũng có rủi ro.

“Các TCTD cứ suy nghĩ được NHNN bảo lãnh nên khi thấy lãi suất cao hơn 20%/năm thì lao vào cho vay, đó thường là ông NH thiếu thanh khoản trầm trọng, sắp chết ”- Thống đốc kết luận.

Vì thế mới đây NHNN đã có ban hành quy định các khoản cho vay giữa các TCTD cũng phải trích dự phòng rủi ro và xem xét như cho vay thông thường.

Thanh Hải

Theo TTVN

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,211

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]