Đó là
chia sẻ của Viện sỹ, TSKH tiền tệ - tín dụng Trương Công Phú, nguyên
Tổng cục trưởng Tổng cục Đầu tư phát triển, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn
kinh tế thuộc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Ông nói:
-
Quan điểm của tôi, từ thực tiễn của các quốc gia trên thế giới cho thấy
có thể thành lập những công ty mua bán nợ, nhưng nó phải là của tư nhân
không thể dính dáng gì với Nhà nước. Không thể có chuyện Nhà nước thành
lập ra một công ty có vốn ngân sách hoặc có nguồn gốc từ ngân sách.
Trước
hết phải nói rằng tình hình nợ xấu trong nền kinh tế quốc dân không
phải chỉ có gần đây mà đã có từ lâu. Ngay thời kỳ bao cấp tình hình dây
dưa công nợ cũng đã rất lớn. Thậm chí Chính phủ phải thành lập Ban thanh
toán công nợ dây dưa, chính tôi cũng được tham gia vào ban thanh toán
công nợ hồi đó. Nhưng hồi ấy hầu như không có tư nhân chỉ có quốc doanh
và nợ nần quanh quẩn với nhau, ví dụ anh A mắc nợ anh B, anh B mắc nợ
anh C, anh C lại mắc nợ anh A tức là lòng vòng với nhau như vậy... Và nợ
xấu chủ yếu là do cơ chế chứ rất ít có chuyện thất thoát, tham nhũng vì
thế việc tổ chức thanh toán những món nợ này dễ hơn. Chỉ cần dùng
phương pháp bù trừ là ra hết và con số còn lại là rất nhỏ và giải quyết
thường là thành công.
“Nợ kia cũng có ba bảy đường”Nợ
bây giờ xuất phát từ rất nhiều lý do. Có thể do các doanh nghiệp, các
nhà đầu tư, đầu tư vào sản xuất dài và ngắn hạn, nhưng người ta không
lường trước hết được những rủi ro sẽ xảy ra nên không thu hồi được vốn
sinh ra công nợ dây dưa. Mặt khác, có thể do dự án tốt nhưng những người
điều hành, thực hiện dự án kém nên nảy sinh những bất cập. Trước đây
khi cho vay chúng tôi thường tìm hiểu con người, lý lịch và năng lực
liệu những người thực hiện có năng lực điều hành được dự án hay không.
Đặc
biệt, nợ xấu xuất phát là do phía ngân hàng, quản lý không chặt, không
tôn trọng đúng cơ chế cho vay. Một trong những nguyên tắc được cho vay
là phải có vật tư đảm bảo.
Ví
như cho anh vay 100 tỷ để anh mua 1 con tàu thì anh phải đánh giá được
công nghệ của con tàu đó như thế nào, trình độ sử dụng hiệu quả ra sao
ngân hàng phải đánh giá được. Nhưng thực tế nhiều khi đã không làm được
như vậy. Ngân hàng phải tính được hiệu quả của từng dự án dù đó là món
lớn như vay mua một con tàu hay những món vay nhỏ hơn rất nhiều. Vì
không làm được nên đơn vị vay đã sai rồi, ngân hàng lại sai thêm.
Điều
này dẫn tới hệ lụy là vay đầu tư không hiệu quả. Ví như các món nợ của
Vinashin dù cho ai đó có nói sẽ thu hồi được nợ nhưng với tư cách là nhà
quản lý kinh tế tôi không tin sẽ làm được điều này. Với những món vay
khổng lồ như vậy thì chuyện trả lãi đã khó chứ đừng nói đến chuyện trả
gốc.
Tôi muốn
nói một chút về tái cơ cấu Vinashin. Hiện nay người ta đang đẩy một số
đơn vị đang thua lỗ sang vào một số đơn vị khác, nhưng hậu quả xấu là có
thể thấy được. Ví như 1 con gà đã bị dịch rồi, nay đưa sang các chuồng
khác thì bệnh dịch nó sẽ lây lan theo.
Nợ
xấu sinh ra do khâu thẩm định kém, nhưng nguy hiểm nhất là bóng dáng
của trục lợi, tham nhũng lấp ló đằng sau đó. Trên thực tế có những
trường hợp khi vay người ta được hưởng những khoản “hoa hồng” rất lớn.
Tôi đã từng khuyên cán bộ ngân hàng cần cảnh giác với những người vay
mới. Đã sẵn sàng “chi đậm” hoa hồng lên tới hàng chục, hàng trăm triệu
đồng là “có vấn đề”, vì họ sắp chết nên mới có những động thái bất
thường ấy.
Tại sao ngân hàng thích bán nợ xấu?Vì
nếu bán được những món nợ ấy thì mọi tội lỗi của họ sẽ được xóa hết,
thậm chí được hợp pháp hóa những món nợ ấy. Hiện mỗi ngân hàng đều có
quĩ phòng ngừa rủi ro trích lập từ lợi nhuận kinh doanh tại sao không
dùng quĩ này để xử lý các món nợ đi. Nhưng thực tế các ngân hàng chỉ
thích bán các món nợ. Sâu xa của vấn đề này là do các ngân hàng thương
mại sợ khi cơ quan chức năng vào cuộc xử lý sẽ phát hiện ra những khuất
tất và sẽ lòi ra nhiều chuyện khác ra.
Thực
ra, qui định của nhà nước cũng đã có cả rồi. Ví như nếu để phát sinh ra
nợ xấu mà do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng như thiên tai, địch
họa hay thị trường thế giới thay đổi đột biến, nghĩa là lỗi không thuộc
về bên cho vay thì có thể dùng quĩ phòng ngừa rủi ro đó để xóa nợ. Nhưng
những món nợ như vậy đã được xử lý hết rồi, nay chỉ còn lại toàn xương
xẩu, nghĩa là những món nợ xấu. Nguyên nhân của những khoản xương xẩu
này là do sai sót trong quản lý, do tham nhũng nên rất khó xử lý.
Quan
điểm của tôi, từ thực tiễn của các quốc gia trên thế giới cho thấy có
thể thành lập những công ty mua bán nợ, nhưng nó phải là của tư nhân
không thể dính dáng gì với Nhà nước. Không thể có chuyện Nhà nước thành
lập ra một công ty có vốn ngân sách hoặc có nguồn gốc từ ngân sách, ví
như một doanh nghiệp có vốn 100 tỷ làm lãi ra thành 150 tỷ nhưng phần
lãi ấy cũng có nguồn vốn từ ngân sách chứ không thể là vốn riêng của
doanh nghiệp được. Và đương nhiên, tất cả những khoản vốn này phải sử
dụng theo Luật Ngân sách không thể sử dụng vào những mục đích khác, ví
như để mua bán nợ của các thương mại...
Tôi
ủng hộ việc thành lập 1 công ty mua bán nợ, nhưng công ty đó phải là
của tư nhân. Hơn thế, việc hoạt động mua bán nợ như thế nào cũng phải
xem xét kỹ lưỡng, chứ cứ mua nợ về nhưng không biết sẽ thu hồi lại như
thế nào thì trước sau gì cũng chết.
Nhà
nước và Chính phủ phải đề phòng những vấn đề sau: ví như người ta nói
món nợ ấy giá 100 tỷ nhưng nay giá trị thực còn lại là bao nhiêu lại
chưa xác định được. Những phát biểu gần đây nhiều vị cứ nói chung chung
chứ chưa cụ thể về vấn đề này. Mà cái này quan trọng lắm, nếu xác định
giá nợ cao thì ngân hàng được lợi mà giá thấp thì người mua nợ có khi
không thu hồi được.
Đây
là một vấn đề phức tạp, mà thu hồi được hay không còn phụ thuộc vào một
yếu tố quan trọng là chỉ có ngân hàng và đơn vị vay nợ ngân hàng mới
hiểu rõ các ngóc ngách phát sinh những món nợ xấu. Nên nếu anh là người
ngoài cuộc cứ mua và tự xử lý thì khó lắm, vì ông ngân hàng đã rõ hết
mọi chuyện mà còn không thu được, thì người ngoài vào thu thì còn lâu!
Khi
đã xác định được giá rồi thì vấn đề tiếp theo sẽ là mua của ai, anh mua
của ngân hàng nào hay mua nợ của tất cả các ngân hàng? Anh có mua hết
được nợ không, nếu không mua được hết thì sẽ dẫn tới tiêu cực: ngân hàng
nào “hậu đãi” anh thì anh sẽ mua nợ cho ngân hàng đó, còn đơn vị nào
không có màu mè thì không mua... Mua của ai, ai được bán, ai được mua nợ
cần phải làm rõ ràng, minh bạch.
Tôi
luôn phản đối chuyện Nhà nước đứng ra mua những khoản nợ này vì rủi ro
nhiều lắm, lớn lắm. Cho nên nếu Nhà nước ứng vốn của ngân sách ra mà mua
thì thực chất tiền này là lấy tiền đóng thuế của dân. Mà nhân dân đóng
thuế không phải để đi mua nợ, tại sao lại bắt nhân dân phải nai lưng ra
gánh chịu những món nợ xuất phát từ những sai lầm của một nhóm người?
Cũng có lập luận tại sao các nước tư bản lại có công ty mua bán nợ xấu?
Tôi
muốn nhấn mạnh rằng Việt Nam tuy là nền kinh tế thị trường nhưng lại có
định hướng xã hội chủ nghĩa, chứ không phải nền kinh tế thị trường của
chủ nghĩa tư bản. Nhà nước tư bản bảo vệ quyền lợi của tầng lớp tư sản,
nên sẵn sàng lấy tiền thuế của dân để mua nợ nhưng chúng ta là Nhà nước
của dân, do dân và vì dân tại sao lại phải dùng tiền để mua lại một món
nợ của một nhóm lợi ích nào đó và để cho nhóm này giàu lên?
Hơn
thế, ngân sách hàng năm của chúng ta đã được Quốc hội phê duyệt lấy đâu
ra 100.000 tỷ đồng bây giờ, còn nếu sử dụng đến động thái in tiền ra
thì sẽ ngay lập tức sẽ gây ra lạm phát khiến đời sống nhân dân càng thêm
điêu đứng. Có ý kiến là phát hành trái phiếu trong nước, ngoài nước để
có tiền. Nhưng nếu Chính phủ làm như vậy thì cũng là lấy tiền của dân
sau này phải trả cho họ, nếu không thu hồi được thì phải lấy thuế trả
cho họ chứ. Điều này là không thể được!
Nợ xấu không phải do cơ chếChính
phủ không thể lấy tiền để nuôi béo giới ngân hàng thương mại, mà đằng
sau những ngân hàng này là thường chỉ là một số cá nhân. Để làm rõ
chuyện này cũng cần thiết phải đi ngược lại câu chuyện: Tại sao một số
người lại thích đầu tư vào ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng cổ phần
ngoài quốc doanh. Câu chuyện này không đơn giản là chuyện đầu tư làm ăn
của những người có tiền, mà đây thực chất là những câu chuyện của một số
“đại gia” muốn kiếm lãi khủng.
Vì
đầu tư vào các ngành khác thì anh có 1 đồng vốn chỉ huy động được vài
ba đồng khác, nhưng đầu tư vào ngân hàng thì 1 đồng vốn có thể sẽ huy
động được 20 đồng khác. Hơn thế, với cơ chế hiện hành thì ngân hàng
không bao giờ lỗ. Thời trước, chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi
suất cho vay khoảng 2,5% cũng đã thoải mái rồi, nay thì cho tới 3%, thậm
chí có thể 4%, biên độ chênh lệch này là quá lớn ví như người ta huy
động 10% nhưng có thể cho vay đến 15 - 17%. Trong bối cảnh mà các doanh
nghiệp đang chết mòn như hiện nay, khoản chênh lệch lãi suất theo tôi
chỉ 1-2% là vừa chứ cho 3 - 4% là quá cao!
Cơ
chế như vậy đã cho phép ngân hàng lúc nào cũng lãi. Vì thế không thể
nói các khoản nợ xấu tại hệ thống ngân hàng thương mại là do cơ chế quá
ngặt nghèo mà là do trình độ quản trị, yếu kém, sơ hở ngay trong hệ
thống và phần khác là do thất thoát, tham nhũng...
Theo Hà Tâm
Vneconomy