Thủ tục đề nghị trích lục bản đồ địa chính theo quy định mới

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Ngọc Quế Anh
07/01/2025 12:45 PM

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin chi tiết về thủ tục đề nghị trích lục bản đồ địa chính theo quy định mới.

Thủ tục đề nghị trích lục bản đồ địa chính theo quy định mới (Hình từ internet)

1. Trích lục bản đồ địa chính là gì?

Theo Thông tư 25/2014/TT-BTNMT (hết hiệu lực từ 15/01/2025) thì trích lục bản đồ địa chính là hình thức cung cấp, xác thực thông tin thửa đất với các nội dung như: 

- Số thứ tự thửa đất, tờ bản đồ số,…

- Diện tích (mét vuông);

- Mục đích sử dụng đất;

- Tên người sử dụng đất và địa chỉ thường trú;

- Các thay đổi của thửa đất so với giấy tờ pháp lý về quyền sử dụng đất;

- Bản vẽ thửa đất gồm thông tin về sơ đồ thửa đất và chiều dài cạnh thửa.

Đồng thời, tại Điều 22 Thông tư 26/2024/TT-BTNM (có hiệu lực từ 15/01/2025) thì trích lục bản đồ địa chính thực hiện đối với từng thửa đất để thể hiện thông tin không gian và thuộc tính của thửa đất đã thể hiện trên bản đồ địa chính, mảnh trích đo bản đồ địa chính và sổ mục kê đất đai để sử dụng theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 8 Nghị định 101/2024/NĐ-CP.

Tương tự như Thông tư 25/2014/TT-BTNMT, trích lục bản đồ địa chính tại Thông tư 26/2024/TT-BTNM cũng thể hiện những nội dung cơ bản về: Số thứ tự thửa đất, tờ bản đồ số,…; Diện tích (mét vuông); Loại đất; Tên người sử dụng đất, người quản lý đất;

Tuy nhiên, từ 15/01/2025 mẫu trích lục bản đồ địa chính sẽ có thêm các thông tin về: 

- Tài liệu đo đạc: (ghi: Bản đồ địa chính hoặc mảnh trích đo bản đồ địa chính và ngày tháng năm phê duyệt và tên cơ quan có thẩm quyền ký duyệt);

- Giấy chứng nhận (ghi: đã cấp hoặc chưa cấp GCN);

- Tình hình thay đổi ranh giới thửa đất (nếu có);

- Các thông tin khác cần trích lục;

- Sơ đồ thửa đất, tài sản gắn liền với đất

- Tọa độ đỉnh thửa, kích thước cạnh.

Tóm lại, có thể hiểu trích lục bản đồ địa chính là sao y bản chính của một hay nhiều thửa đất trên bản đồ địa chính nhằm xác thực thông tin thửa đất.

Trích lục bản đồ địa chính về bản chất không phải là một văn bản pháp lý chứng minh quyền sử dụng đất của người sử dụng đất mà chỉ có ý nghĩa cung cấp những thông tin, đặc điểm của một thửa đất nhất định; là bằng chứng trong các vụ việc giải quyết tranh chấp liên quan đến đất đai.

2. Thủ tục đề nghị trích lục bản đồ địa chính theo quy định mới

Theo Điều 60 Nghị định 101/2024/NĐ-CP thì trình tự, thủ tục cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai như sau: 

- Tổ chức, cá nhân có nhu cầu khai thác thông tin, dữ liệu đất đai theo hình thức trực tiếp nộp phiếu yêu cầu theo Mẫu số 13/ĐK ban hành kèm theo Nghị định 101/2024/NĐ-CP hoặc gửi văn bản yêu cầu cho cơ quan cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai hoặc hợp đồng. 

Mẫu số 13/ĐK​

Thông tin, dữ liệu đất đai chỉ được sử dụng đúng mục đích như đã ghi trong phiếu yêu cầu cung cấp thông tin hoặc văn bản yêu cầu hoặc hợp đồng và không được cung cấp để sử dụng vào mục đích khác.

- Việc nộp văn bản, phiếu yêu cầu cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai tới cơ quan cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai theo một trong các phương thức sau:

+ Nộp trên Cổng thông tin đất đai quốc gia, Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cổng dịch vụ công cấp tỉnh;

+ Nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường công văn, điện tín, qua dịch vụ bưu chính;

+ Nộp thông qua các phương tiện điện tử khác theo quy định của pháp luật.

- Cơ quan cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai tiếp nhận, xử lý và thông báo phí, giá sản phẩm, dịch vụ cung cấp thông tin đất đai cho tổ chức, cá nhân. Trường hợp từ chối cung cấp thông tin, dữ liệu thì phải nêu rõ lý do và trả lời cho tổ chức, cá nhân yêu cầu cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai biết trong 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu.

- Sau khi tổ chức, cá nhân thực hiện nộp phí, giá sản phẩm, dịch vụ cung cấp thông tin đất đai, cơ quan cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai thực hiện cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai theo yêu cầu.

- Thời gian cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai thực hiện theo quy định sau:

+ Đối với thông tin, dữ liệu có sẵn trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai thì cung cấp ngay trong ngày làm việc. Trường hợp nhận được yêu cầu sau 15 giờ thì cung cấp vào ngày làm việc tiếp theo;

+ Đối với thông tin, dữ liệu không có sẵn trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai thì chậm nhất là 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu hợp lệ cơ quan cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai phải thực hiện cung cấp thông tin, dữ liệu hoặc gửi thông báo về việc gia hạn thời gian cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai cho tổ chức, cá nhân yêu cầu cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai.

Trường hợp cơ quan cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai cần thêm thời gian để xem xét, tìm kiếm, tập hợp, tổng hợp, phân tích hoặc lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị có liên quan thì có thể gia hạn nhưng tối đa không quá 15 ngày làm việc;

+Trường hợp cơ quan cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai và tổ chức, cá nhân có thỏa thuận riêng về việc khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu đất đai thì thời gian cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai được xác định theo thỏa thuận.

- Cơ quan cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai

+ Cơ quan cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai ở trung ương là Trung tâm Dữ liệu và Thông tin đất đai trực thuộc Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường;

+ Cơ quan cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai ở địa phương là Văn phòng đăng ký đất đai. Đối với địa phương chưa xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, Văn phòng đăng ký đất đai, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai từ hồ sơ địa chính theo phân cấp quản lý hồ sơ địa chính.

Xem thêm: Bản trích lục bản đồ địa chính có được xem là giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất khi khai nhận di sản thừa kế không?

 

3. Những trường hợp không cung cấp trích lục bản đồ địa chính 

Những trường hợp không cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai được quy định tại Điều 61 Nghị định 101/2024/NĐ-CP bao gồm: 

- Thông tin, dữ liệu đất đai thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật. Khi thông tin thuộc bí mật nhà nước được giải mật thì công dân được tiếp cận theo quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin và quy định của Nghị định 101/2024/NĐ-CP.

- Những thông tin, dữ liệu đất đai gây nguy hại đến lợi ích của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh quốc gia, quan hệ quốc tế, trật tự, an toàn xã hội mà pháp luật quy định.

- Thông tin về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất mà chưa được sự đồng ý của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất đó, trừ trường hợp phục vụ hoạt động điều tra, thi hành án dân sự, xác minh xử lý hành vi vi phạm pháp luật và phục vụ công tác quản lý nhà nước của cơ quan có thẩm quyền.

- Văn bản, phiếu yêu cầu cung cấp thông tin, dữ liệu không hợp lệ theo quy định.

- Tổ chức, cá nhân yêu cầu cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai nhưng không thực hiện nộp phí khai thác, sử dụng tài liệu đất đai hoặc giá sản phẩm, dịch vụ gia tăng sử dụng thông tin từ cơ sở dữ liệu, Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai theo quy định.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 45

Bài viết về

lĩnh vực Đất đai

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]