TPHCM: Bỏ quy định về kiểm tra hiện trạng nhà ở, công trình xây dựng khi cấp chứng nhận nhà đất (Hình từ Internet)
UBND TPHCM ban hành Quyết định 120/2024/QĐ-UBND ngày 14/12/2024 sửa đổi Quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh kèm theo Quyết định 17/2024/QĐ-UBND.
Quyết định 120/2024/QĐ-UBND có hiệu lực thi hành kể từ ngày 24/12/2024
Theo đó, Quyết định 120/2024/QĐ-UBND đã sửa đổi khoản 1 Điều 10 Quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh kèm theo Quyết định 17/2024/QĐ-UBND như sau:
“1. Trong quá trình giải quyết thủ tục liên quan việc chứng nhận tài sản gắn liền trên đất, nếu phát hiện các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng thì có văn bản thông tin đến cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định pháp luật”
Trong khi đó, trước đây tại khoản 1 Điều 10 Quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh kèm theo Quyết định 17/2024/QĐ-UBND quy định trong quá trình giải quyết thủ tục liên quan việc chứng nhận tài sản gắn liền trên đất, trường hợp kiểm tra hiện trạng nhà ở hoặc công trình xây dựng theo quy định của pháp luật đất đai, nếu phát hiện các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng thì chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định pháp luật.
Như vậy, theo quy định nêu trên thì đã bỏ quy định về việc kiểm tra hiện trạng nhà ở hoặc công trình xây dựng theo quy định của pháp luật đất đai khi cấp chứng nhận tài sản gắn liền trên đất tại TPHCM.
Nguyên tắc chung trong Quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh kèm theo Quyết định 17/2024/QĐ-UBND như sau:
- Sở Xây dựng, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp huyện), Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp xã), Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Thành phố, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Thành phố chịu trách nhiệm toàn diện về quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn theo phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân Thành phố).
- Việc quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố phải được thực hiện từ khi tiếp nhận thông báo khởi công, khởi công xây dựng công trình cho đến khi công trình bàn giao đưa vào sử dụng (trừ công trình bí mật Nhà nước; công trình an ninh, quốc phòng không thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân Thành phố); tất cả các vi phạm hành chính về xây dựng phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục toàn bộ, triệt để theo đúng quy định của pháp luật.
- Việc xử lý công trình vi phạm trật tự xây dựng phải được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, đảm bảo kỷ cương, công tâm, công bằng, đúng quy định của pháp luật; tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức và Nhân dân cùng tham gia giám sát.
- Mọi thông tin phản ánh về công trình vi phạm trật tự xây dựng đều phải được kiểm tra, xử lý theo quy định pháp luật, đảm bảo bí mật về thông tin cá nhân và các thông tin có liên quan đến người cung cấp thông tin.
- Cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng nhưng thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, buông lỏng quản lý hoặc có dấu hiệu tiếp tay, bao che cho các hành vi vi phạm trật tự xây dựng thì tùy theo tính chất, mức độ sai phạm sẽ xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật; trường hợp gây thiệt hại vật chất phải bồi thường theo quy định.
- Thủ trưởng, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị được phân cấp, ủy quyền quản lý trật tự xây dựng phải chịu trách nhiệm chính trong việc để xảy ra công trình vi phạm trật tự xây dựng thuộc thẩm quyền quản lý nhưng không được phát hiện và xử lý kịp thời.
- Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo phát sinh trong quá trình xử lý công trình vi phạm trật tự xây dựng được thực hiện theo quy định của Luật Khiếu nại 2011, Luật Tố cáo 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành.