Kính gửi: Bộ
Công Thương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận được văn bản số
8184/BCT-KHTC ngày 17/11/2023 của Bộ Công Thương đề nghị tham gia ý kiến đối với
dự thảo Đề án phát triển công nghiệp và thương mại vùng đồng bào dân tộc thiểu
số và miền núi (vùng ĐBDTTS&MN) đến năm 2030. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được
giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến như sau:
1. Sự cần thiết xây dựng Đề án
Chủ trương, định hướng phát triển công nghiệp và
thương mại vùng ĐBDTTS&MN đã được đề cập trong các Văn kiện Đại hội Đảng,
Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương, văn bản quy phạm pháp luật của nhiều
ngành, lĩnh vực. Theo báo cáo rà soát của Bộ Công Thương thì hầu hết các địa
phương có vùng ĐBDTTS&MN đã ban hành một số chính sách và các cơ chế đặc
thù (như chính sách hỗ trợ đầu tư; quy chế quản lý và sử dụng kinh phí khuyến
công; chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng chợ nông thôn; chính sách đặc thù khuyến
khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông
nghiệp, nông thôn; chính sách phát triển hạ tầng chợ miền núi, biên giới; chính
sách phát triển thị trường xuất khẩu hàng nông sản chủ lực...) để tổ chức thực
hiện các hoạt động thúc đẩy sản xuất và chế biến sản phẩm nông nghiệp nông
thôn.
Căn cứ Chương trình hành động thực hiện Chiến lược
công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 ban hành kèm theo
Quyết định số 1657/QĐ-TTg ngày 30/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch
và Đầu tư thống nhất về việc xây dựng Đề án với mục tiêu đánh giá thực trạng
chính sách và kết quả phát triển công nghiệp và thương mại vùng ĐBDTTS&MN,
trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp có tính đột phá, đặc thù để phát triển công
nghiệp và thương mại của vùng đến năm 2030, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo
các Bộ, cơ quan nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản
quy phạm pháp luật hoặc lồng ghép trong các quy hoạch có liên quan đến phát triển
công nghiệp và thương mại vùng DBDTTS&MN.
2. Về phạm vi, đối tượng,
phương pháp nghiên cứu của Đề án
Theo báo cáo của Đề án, trong số 51 tỉnh, thành phố
trực thuộc trung ương có xã là vùng dân tộc thiểu số và miền núi tại Quyết định
số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ, có 21 tỉnh có số lượng xã
(2.474 xã) chiếm 72,04% số lượng xã là vùng dân tộc thiểu số và miền núi của cả
nước. Do vậy, Đề án đã chủ yếu sử dụng số liệu thống kê về kinh tế - xã hội của
21 tỉnh để phân tích, đánh giá thực trạng kết quả phát triển công nghiệp và
thương mại vùng ĐBDTTS&MN của cả nước. Đồng thời, phương pháp nghiên cứu của
cơ quan chủ trì chủ yếu là tổng hợp, thống kê, phân tích, so sánh và chuyên
gia.
Với mục tiêu xây dựng Đề án như đã nêu ở mục 1, Bộ
Kế hoạch và Đầu tư đề nghị cơ quan chủ trì nghiên cứu, chỉnh sửa bổ sung một số
ý như sau:
- Trong trường hợp đối tượng của Đề án chỉ thu hẹp
về phạm vi nghiên cứu ở một số vùng như Vùng duyên hải miền Trung (chỉ có 01 tỉnh
được đại diện gọi là tỉnh vùng ĐBDTTS&MN như cách gọi của Đề án), tương tự
Vùng Đông Nam bộ (có 01 tỉnh), Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (có 02 tỉnh), thì kết
quả đánh giá thực trạng phát triển công nghiệp, thương mại vùng ĐBDTTS&MN
giai đoạn 2011 - 2020 của các Vùng nêu trên là chưa toàn diện (điều này được thể
hiện tại các mục 1.2, 1.3, 1.4 của Báo cáo tổng hợp Đề án).
- Làm rõ đối tượng nghiên cứu thực tế của Đề án là
“Ngành công nghiệp và thương mại tại địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số và
miền núi”.
- Bổ sung thêm các phương án nghiên cứu như điều
tra khảo sát, tổ chức hội thảo để củng cố thêm các luận chúng, nhận định trong
Đề án sát với thực tế của từng vùng ĐBDTTS&MN của cả nước.
3. Về đánh giá thực trạng phát
triển công nghiệp và thương mại vùng ĐBDTTS&MN
- Đề nghị hoàn thiện mục 2.1 Báo cáo tổng hợp Đề án
về thực trạng chính sách phát triển công nghiệp vùng ĐBDTTS&MN giai đoạn
2011 - 2020. Hiện nay đề án đang liệt kê các chính sách phát triển kinh tế - xã
hội khác nhau có liên quan đến vùng ĐBDTTS&MN, tuy nhiên, cần phải lựa chọn
xem xét các chính sách có liên quan trực tiếp đến phát triển công nghiệp và các
chính sách gián tiếp hỗ trợ phát triển công nghiệp và thương mại (chính sách
khuyến công; chính sách thuế, phí, lệ phí; chính sách hỗ trợ phát triển doanh
nghiệp trong lĩnh vực công thương; chính sách phát triển các khu, cụm công nghiệp,...).
Nội dung đánh giá thực trạng chính sách cần phải chỉ ra những tồn tại, hạn chế
chưa phát huy được tác dụng trên thực tế hoặc các quy định đang kiềm chế sự
phát triển.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng cần phải bổ sung làm
rõ hơn về những nguyên nhân dẫn đến tồn tại, hạn chế, trong đó cần phải lượng
hóa các nội dung về đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, tổng vốn đầu tư toàn xã hội
của các tỉnh (trong đó vốn đầu tư cho sản xuất, thương mại, cơ sở hạ tầng),
giáo dục, y tế,...
4. Về mục tiêu phát triển
- Đề nghị bổ sung một số chỉ tiêu cụ thể của ngành công
nghiệp, thương mại đến năm 2030 có thể lượng hóa được (tốc độ tăng trưởng theo
khu vực, tỷ trọng của ngành công nghiệp và thương mại trong cơ cấu các lĩnh vực
kinh tế của vùng ĐBDTTS&MN, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của địa phương
và cả nước, tạo việc làm cho người dân địa phương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và
dịch vụ..Ngoài ra, cần cụ thể hóa mục tiêu đa dạng các thành phần kinh tế tham
gia hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại của vùng để làm nổi bật mục
tiêu của Đề án, sự thay đổi của vùng so với thời kỳ trước.
5. Về định hướng chính sách
phát triển công nghiệp, thương mại của vùng ĐBDTTS&MN
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng chính sách hỗ trợ,
thúc đẩy phát triển sản xuất và thương mại vùng DTTS&MN cần phải gắn với đặc
thù của từng vùng, từng địa phương và từng nhóm ngành để nâng cao hiệu quả và
tính khả thi của chính sách. Ví dụ như, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất
công nghiệp vùng ĐBDTTS&MN theo không gian (có thể theo các vùng kinh tế -
xã hội hay theo các tiểu vùng...) hay chính sách phát triển theo các nhóm
ngành, lĩnh vực như: ngành công nghiệp khai khoáng, ngành công nghiệp năng lượng,
công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản...Trong đó, đặc biệt quan tâm nghiên cứu
lồng ghép với một số chính sách có liên quan đã được ban hành, phù hợp với cơ
chế, chính sách đã được nêu trong các quy hoạch có liên quan như Quy hoạch tổng
thể quốc gia, quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng,...
- Đề nghị bổ sung rà soát các định hướng phát triển
công nghiệp và thương mại vùng ĐBDTTS&MN đảm bảo phù hợp với chiến lược
phát triển các ngành công nghiệp, thương mại đã được Thủ tướng Chính phủ phê
duyệt như: Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến
năm 2045 (Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 14/9/2023), Chiến lược phát triển nông
nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết
định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022),...
6. Về giải pháp nhằm phát triển
công nghiệp và thương mại
- Đề nghị nghiên cứu đề xuất các nhóm giải pháp ngắn
hạn và dài hạn gắn với các chỉ tiêu, mục tiêu cụ thể. Đồng thời đối với 30/51 địa
phương có vùng ĐBDTTS&MN đã được xác định tại Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày
04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ thì cân nhắc, bổ sung quan điểm, mục tiêu hoặc
khuyến nghị giải pháp, định hướng phát triển đối với các đối tượng này để đảm bảo
tính toàn diện, đồng bộ của Đề án.
- Các vùng ĐBDTTS&MN có vị trí địa lý, hiện trạng
kinh tế - xã hội, văn hóa, lối sống của người dân khác với các khu vực thành thị.
Do đó, đề nghị cân nhắc lựa chọn đề xuất một số giải pháp mang tính đột phá, đặc
trưng phù hợp với hiện trạng phát triển của vùng ĐBDTTS&MN, định hướng đưa
sự phát triển công nghiệp và thương mại của các vùng tiến gần với tốc độ phát
triển của khu vực thành thị.
- Đề án có đề cập đến việc rà soát, xây dựng và
hoàn thiện chính sách đặc thù và đảm bảo huy động hiệu quả các nguồn lực phát
triển ngành công nghiệp và thương mại vùng ĐBDTTS&MN (các mục 3.3.1.2,
3.3.1.3, 3.3.1.4, 3.3.1.5 Báo cáo tổng hợp Đề án), tuy nhiên, chủ yếu căn cứ
vào các giải pháp đã được nêu trong các Chương trình, đề án có liên quan đã được
phê duyệt, chưa đề xuất các cơ chế, chính sách đột phá nhằm tháo gỡ các nút thắt,
vướng mắc hiện nay. Đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu, bổ sung định hướng phát
triển các cụm công nghiệp, chuỗi cung ứng tại vùng ĐBDTTS&MN. Việc phát triển
khu công nghiệp tại các vùng này là không khả thi, khó có thể thu hút được các
nhà đầu tư do hệ thống kết cấu hạ tầng và khả năng cung cấp nguồn nhân lực chưa
đáp ứng được nhu cầu (các khu công nghiệp có nhu cầu về lao động rất lớn).
- Nhiều vùng ĐBDTTS&MN có biên giới với các nước.
Vì vậy, bên cạnh phát triển thương mại trong nước, cần đề xuất giải pháp thúc đẩy
hoạt động thương mại biên giới tại vùng ĐBDTTS&MN để tạo động lực thu hút đầu
tư, phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế trên các
lĩnh vực thương mại, công nghiệp.
- Báo cáo tổng hợp Đề án chưa bao gồm dự toán kinh
phí triển khai và đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội của Đề án. Theo khoản 4 Điều 9 Luật Ngân sách nhà nước thì việc ban hành và thực
hiện chính sách, chế độ mới làm tăng chi ngân sách phải có giải pháp bảo đảm
nguồn tài chính, phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách từng cấp. Theo quy
định tại Điều 5 Luật Đầu tư công thì vốn đầu tư công được bố
trí thực hiện đầu tư các chương trình, dự án đầu tư, không quy định bố trí thực
hiện đầu tư các Đề án. Các nhiệm vụ sử dụng vốn đầu tư công quy định tại các Đề
án cần được cụ thể hóa bằng các chương trình đầu tư, dự án đầu tư để cấp có thẩm
quyền quyết định. Do đó, đề nghị Bộ Công Thương rà soát, đảm bảo việc đáp ứng
các quy định của pháp luật về đầu tư công, ngân sách nhà nước, các quy định
pháp luật khác có liên quan và văn bản chỉ đạo cụ thể của cấp có thẩm quyền
liên quan đến nội dung của Đề án.
7. Về tổ chức thực hiện
Đối với nhiệm vụ dự kiến giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu
tư, đề nghị Bộ Công Thương rà soát, chỉnh sửa như sau:
- Về nhiệm vụ “chủ trì, tổng hợp, trình cấp có
thẩm quyền giao kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm từ ngân sách nhà nước
cho các Bộ, ngành, trung ương để thực hiện các nhiệm vụ có liên quan thực hiện
Đề án” và nội dung “Phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương bố trí,
huy động nguồn vốn đầu tư cho việc thực hiện Đề án”: Luật Đầu tư công bố
trí vốn theo chương trình, dự án, đối tượng đầu tư công khác, không bố trí cho
Đề án, đồng thời chức năng, nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã được quy định
cụ thể tại Điều 80 Luật Đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
chí tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định kế hoạch đầu tư công
trung hạn và hằng năm theo quy định, việc bố trí vốn cho các dự án đầu tư công
thuộc chức năng của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương. Do vậy, đề nghị bỏ
nội dung giao nhiệm vụ nêu trên trong Đề án.
- Đối với nhiệm vụ “Chủ trì phối hợp với Bộ Công
Thương và các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp liên quan
đến đầu tư; phát triển các khu công nghiệp; kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh”:
Căn cứ ý kiến đã nêu tại mục 6 ở trên, đồng thời, các nhiệm vụ, giải pháp liên
quan đến tăng trưởng xanh đã được nêu cụ thể tại Chiến lược quốc gia về tăng
trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 (Quyết định số 1658/QĐ-TTg
ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ) và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng
trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 (Quyết định số 882/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của
Thủ tướng Chính phủ), do vậy, đề nghị Bộ Công Thương bỏ nội dung này.
- Nhiệm vụ “Thu hút việc xã hội hóa đầu tư hoặc
có chính sách hỗ trợ nhà đầu tư phát triển hạ tầng công nghiệp vùng đồng bào
dân tộc thiểu số và miền núi”: đề nghị không đưa vào dự thảo Đề án do các
chính sách về phát triển khu công nghiệp đã được quy định cụ thể tại Nghị định
số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ về quản lý khu công nghiệp và khu
kinh tế, việc thu hút đầu tư được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu
tư.
- Nhiệm vụ xây dựng “Đề án cải thiện môi trường
đầu tư tại vùng ĐBDTTS&MN”: đề nghị bỏ nhiệm vụ này do Chính phủ đã có
nghị quyết hằng năm về “Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh
tranh quốc gia”, trong đó có giao cho các địa phương tổ chức triển khai thực
hiện.
- Nhiệm vụ “Xây dựng hệ thống thông tin về công
nghiệp và thương mại vùng ĐBDTTS&MN” và “Xây dựng mạng lưới hợp tác,
trao đổi hỗ trợ thông tin giữa các ngành, các cơ quan quản lý địa phương và
trung ương về kinh tế - xã hội và các ngành kinh tế của vùng ĐBDTTS&MN”:
đề nghị Bộ Công Thương không ghi 02 nhiệm vụ này cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư do
không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao. Chương trình mục tiêu quốc gia
phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 -2030
được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày
19/6/2020 và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg
ngày 14/10/2021. Trong khuôn khổ của Chương trình có 02 nội dung có tác động trực
tiếp tới hoạt động thương mại của vùng ĐBDTTS&MN, gồm : (i) Hướng dẫn thực
hiện nội dung hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng ĐBDTTS&MN (thuộc nội
dung 3, tiểu dự án 2, dự án 3); (ii) Đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp mạng lưới
chợ vùng ĐBDTTS&MN (thuộc nội dung số 2, tiểu dự án 1, dự án 4). Do vậy, đề
nghị Bộ Công Thương phối hợp với Ủy ban Dân tộc để tích hợp vào nội dung của
các dự án thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030 cho thống nhất.
- Nhiệm vụ “Nâng cao năng lực cạnh tranh cho các
doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vùng ĐBDTTS&MN”: Hiện nay, Luật Hỗ trợ
doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có các quy
định hỗ trợ DNNVV nâng cao năng lực cạnh tranh (bao gồm các DNNVV vùng
DTTS&MN) với nhiều nội dung hỗ trợ khá toàn diện, như: hỗ trợ công nghệ,
thông tin, tư vấn và phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ về khởi nghiệp sáng tạo,
tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; hỗ trợ lãi suất cho DNNVV. Từ năm
2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo cấp
có thẩm quyền bố trí nguồn ngân sách trung ương (NSTW) cho một số địa phương có
vùng ĐBDTTS &MN để triển khai các hoạt động hỗ trợ DNNVV. Do đó, đề nghị Bộ
Công Thương sửa đổi nhiệm vụ theo hướng “Đẩy mạnh việc triển khai các chính
sách hỗ trợ DNNVV nâng cao năng lực cạnh tranh, ưu tiên hỗ trợ các DNNVV vùng
ĐBDTTS&MN”.
Về Danh mục các nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2030: Đề
nghị chỉnh sửa theo ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nêu trên, đồng thời, thời
gian nghiên cứu của Đề án đến năm 2030, do đó đề nghị cân nhắc kéo dài thời
gian triển khai, hoàn thành nhiệm vụ của các Bộ ngành tại danh mục trên.
8. Về các bảng số liệu
- Đề nghị rà soát kiểm tra lại các bảng số liệu, tính
logic của các chỉ tiêu.
Ví dụ: Tại Bảng 1 - Đầu tư FDI được cấp giấy phép tại
21 tỉnh vùng ĐBDTTS&MN, số liệu tổng vốn đầu tư nước ngoài của 5 vùng
(trang 21) của 21 tỉnh là 23.932,67 triệu USD, tỷ lệ so cả nước bằng 5,43%,
nhưng trong Bảng số liệu tổng được tính lại là 47.865,34 triệu USD, tỷ lệ so cả
nước bằng 10,87% là không đúng.
- Đề nghị ban soạn thảo sử dụng số liệu quy mô
GRDP, tốc độ tăng trưởng GRDP cũng như các chỉ tiêu liên quan khác (GRDP bình
quân đầu người, năng suất lao động bình quân đầu người) do cơ quan Tổng cục Thống
kê biên soạn và công bố giai đoạn 2011-2022 (tại trang website Gso.gov.vn). Ban
soạn thảo cập nhật các số liệu thống kê mới nhất tại trang website Gso.gov.vn.
- Đối với các bảng, hình có nguồn “Số liệu của Tổng
cục Thống kê” (ví dụ: Hình 1, bảng 2), đề nghị ghi rõ số liệu năm 2022 là số
liệu sơ bộ.
- Bang 2 (trang 16): Thu nhập bình quân đầu người của
21 tỉnh vùng ĐBDTTS& MN giai đoạn 2010 - 2022: Sửa lại năm của cột năm
2021.
Trên đây là ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để Bộ
Công Thương tổng hợp, hoàn thiện Đề án./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Tổng cục Thống kê, Viện QLKTTU, Cục PTDN, các Vụ: PC, KTNN, QLKKT,
KTĐP<, THKTQD, QLQH, KHGDTN&MT;
- Lưu: VT, KTCNDV (TQD2).
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Đỗ Thành Trung
|