BỘ
THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 797/BTTTT-THH
V/v Hướng dẫn một số nhiệm vụ
quan trọng thúc đẩy triển khai chuyển đổi số năm 2022
|
Hà Nội,
ngày 06 tháng 03 năm 2022
|
Kính
gửi:
|
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan
thuộc Chính phủ;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
|
Thực hiện Quyết định
số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình
Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó, đã xác
định quan điểm người dân là trung tâm của chuyển đổi số;
Thực hiện Quyết định
số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát
triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng
đến năm 2030, trong đó, đã xác định định hướng mở để người dân, doanh nghiệp và
tổ chức khác tham gia một cách phù hợp vào hoạt động của cơ quan nhà nước,
tương tác với cơ quan nhà nước để cùng tăng cường minh bạch, nâng cao chất
lượng dịch vụ, cùng giải quyết vấn đề và cùng tạo ra giá trị cho xã hội;
Thực hiện Quyết định
số 146/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Nâng cao
nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia
đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó, đã xác định phổ cập kỹ năng số
là chìa khóa để người dân được tiếp cập kiến thức, kỹ năng số để cùng tham gia
vào quá trình chuyển đổi số, mở ra cơ hội tiếp cận các dịch vụ số một cách bình
đẳng, giúp xây dựng một xã hội số bao trùm và toàn diện;
Thực hiện Thông báo
số 331/TB-VPCP ngày 10/12/2021 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của
Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp lần thứ nhất của Ủy ban Quốc gia về chuyển
đổi số, trong đó, một lần nữa khẳng định quan điểm chuyển đổi số phải lấy người
dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là động lực của chuyển đổi số.
Người dân, doanh nghiệp cũng phải tham gia vào quá trình chuyển đổi số;
Từ thực tiễn triển
khai chuyển đổi số thời gian qua, có thể coi năm 2020 là năm khởi động nhận
thức về chuyển đổi số, năm 2021 là năm bắt đầu triển khai, trải nghiệm về chuyển
đổi số trong bối cảnh đại dịch, năm 2022 là năm đẩy mạnh chuyển đổi số theo
hướng lấy người dân làm trung tâm, toàn dân và toàn diện.
Thực hiện chức năng
quản lý nhà nước về công nghệ thông tin, chuyển đổi số và nhiệm vụ cơ quan thường
trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Bộ Thông tin và Truyền thông trân trọng
đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung thúc đẩy chuyển đổi số năm 2022
với định hướng xuyên suốt là đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp
lên môi trường số và quan tâm, tập trung chỉ đạo triển khai 22 nhiệm vụ, giải
pháp quan trọng trong năm 2022, cụ thể như sau:
I. Định hướng xuyên
suốt
Định hướng xuyên suốt
năm 2022 là đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số thông
qua phổ cập sử dụng các nền tảng số Việt Nam, giúp người dân, doanh nghiệp thụ
hưởng trực tiếp sự tiện lợi cũng như lợi ích của chuyển đổi số:
1. Phổ cập sử dụng
sàn thương mại điện tử cho người dân và các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh
doanh cá thể.
2. Phổ cập sử dụng
nền tảng dạy học trực tuyến, trong đó chú trọng hướng dẫn người dân chủ động sử
dụng các nền tảng số phục vụ việc học tập, ôn luyện các môn học về khoa học tự
nhiên, ngoại ngữ, kỹ năng số, kỹ năng mềm.
3. Phổ cập sử dụng
nền tảng số hỗ trợ tư vấn sức khỏe cá nhân, kết nối trực tiếp giữa người dân
với bác sĩ theo quy định của pháp luật, sử dụng nền tảng số hỗ trợ tư vấn khám
chữa bệnh từ xa của các bệnh viện.
4. Phổ cập sử dụng
nền tảng số khác phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân như liên lạc, giải
trí, du lịch, đi lại, ăn uống và bảo đảm an toàn thông tin mạng.
5. Phổ cập sử dụng
dịch vụ công trực tuyến do cơ quan chính quyền các cấp cung cấp cho người dân,
doanh nghiệp.
6. Phổ cập sử dụng
nền tảng số phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Bộ Thông tin và Truyền
thông công bố, định kỳ cập nhật danh mục các nền tảng số Việt Nam xuất sắc phục
vụ người dân, doanh nghiệp.
II. Nhiệm vụ, giải
pháp
Nhiệm vụ, giải pháp
vừa mang tính trung hạn, vừa mang tính ưu tiên triển khai trong năm 2022:
1. Tham mưu, đề xuất
ban hành Nghị quyết của cấp ủy Đảng về chuyển đổi số theo hướng dẫn tại Văn bản
số 16-CV/BCSĐ ngày 26/5/2021 của Ban cán sự Đảng Bộ Thông tin và Truyền thông.
2. Xây dựng và ban
hành Kế hoạch tổng thể giai đoạn 05 năm và Kế hoạch hành động hàng năm về chuyển
đổi số theo hướng dẫn tại Văn bản số 2390/BTTTT-THH ngày 29/6/2020 của Bộ Thông
tin và Truyền thông, phù hợp với định hướng chuyển đổi số năm 2022.
3. Ban hành Kiến trúc
Chính phủ điện tử phiên bản 2.0 phù hợp với Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử
Việt Nam phiên bản 2.0 đã được ban hành tại Quyết định số 2323/QĐ-BTTTT ngày 31/12/2019
của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; tổ chức phổ biến, quán triệt tới
toàn bộ các tổ chức, cá nhân liên quan về quản lý, duy trì, cập nhật và tuân
thủ Kiến trúc Chính phủ điện tử; tổ chức giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý,
khắc phục các trường hợp không tuân thủ.
4. Tổ chức phổ biến,
quán triệt tới toàn bộ các tổ chức, cá nhân liên quan về việc tăng cường quản
lý đầu tư, bảo đảm hiệu quả khi ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển chính
phủ số, chuyển đổi số sử dụng ngân sách nhà nước theo hướng dẫn tại Văn bản số
639/BTTTT-THH ngày 28/2/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông.
5. Tổ chức phổ biến,
quán triệt tới toàn bộ các tổ chức, cá nhân liên quan về hai nguyên tắc bảo đảm
an toàn, an ninh mạng, cụ thể là hệ thống chưa kết luận bảo đảm an toàn, an
ninh mạng chưa đưa vào sử dụng; hệ thống thử nghiệm, có dữ liệu thật thì phải
tuân thủ đầy đủ quy định như hệ thống chính thức.
6. Tổ chức triển khai
đầy đủ bốn giải pháp bảo đảm an toàn thông tin mạng, cụ thể là phần mềm nội bộ
do đơn vị chuyên nghiệp phát triển, tuân thủ phát triển theo quy trình Khung
phát triển phần mềm an toàn (DevSecOps); hệ thống thông tin triển khai đầy đủ
phương án bảo đảm an toàn thông tin mạng theo cấp độ; hệ thống thông tin được
kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin mạng trước khi đưa vào sử dụng, khi nâng
cấp, thay đổi, định kỳ theo quy định; hệ thống thông tin được quản lý, vận hành
theo mô hình 4 lớp theo Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 07/6/2019 của Thủ tướng Chính
phủ.
7. Thiết lập mạng
lưới công nghệ số cộng đồng hỗ trợ triển khai chính phủ số, kinh tế số và xã hội
số đến tận cấp đơn vị, cấp cơ sở, phường, xã, tổ, đội với nòng cốt là đơn vị
chuyên trách về công nghệ thông tin, có sự tham gia của Đoàn Thanh niên Cộng sản
Hồ Chí Minh, Hội Nông dân Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hội Liên hiệp
Phụ nữ Việt Nam và đại diện các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, công nghệ
thông tin tại mỗi địa phương; tham gia vào Mạng lưới công nghệ số cộng đồng
toàn quốc theo hướng dẫn tại Văn bản số 793/BTTTT-THH ngày 05/3/2022 của Bộ
Thông tin và Truyền thông.
8. Ban hành Kế hoạch
bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý về
chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số để thực hiện
các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ
tướng Chính phủ và hướng dẫn tại Văn bản số 489/BTTTT-THH ngày 17/02/2022 của
Bộ Thông tin và Truyền thông, trong đó đặc biệt chú trọng tới bồi dưỡng, tập
huấn kỹ năng phân tích, khai thác dữ liệu để ra quyết định và hoạch định chính
sách; huy động nguồn lực xã hội cùng tham gia bồi dưỡng, tập huấn cho mạng lưới
công nghệ số cộng đồng để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sử dụng các nền tảng
số và khi tham gia các hoạt động trên môi trường số. Tham khảo Quyết định số
64/QĐ-BTTTT ngày 19/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phê
duyệt Kế hoạch tổ chức bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số năm 2022 để xây dựng
Kế hoạch của bộ, ngành, địa phương mình, gắn kết với các hoạt động chung trên
phạm vi toàn quốc do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì triển khai.
9. Ban hành Kế hoạch
thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số,
phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số thuộc ngành, lĩnh vực và địa
bàn theo hướng dẫn tại Quyết định số 186/QĐ-BTTTT ngày 11/02/2022 của Bộ trưởng
Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt Chương trình thúc đẩy phát triển và sử
dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và
xã hội số. Trong đó, ưu tiên thúc đẩy sử dụng các nền tảng số Việt Nam phục vụ
nhu cầu thiết yếu của người dân thuộc các lĩnh vực liên lạc, mua sắm, giải trí,
sức khỏe, học tập, du lịch, đi lại, ăn uống và bảo đảm an toàn thông tin mạng.
10. Tổ chức triển
khai kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc
đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn theo hướng dẫn
tại Quyết định số 1034/QĐ-BTTTT ngày 21/7/2021 và Quyết định số 350/QĐ-BTTTT
ngày 24/02/2022 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
11. Nâng cao năng
lực, chất lượng dịch vụ và mở rộng kết nối, giám sát, kiểm soát truy cập tập trung
Mạng truyền số liệu chuyên dùng ổn định, thông suốt, kết nối bốn cấp hành chính
từ Trung ương đến cấp xã để phục vụ chính phủ số.
12. Ban hành Kế hoạch
sử dụng hoặc dịch chuyển lên nền tảng điện toán đám mây, trong đó đặc biệt chú
trọng tới việc rà soát, đánh giá, bảo đảm trung tâm dữ liệu và nền tảng, dịch
vụ điện toán đám mây phục vụ chính phủ số, chính quyền số tuân thủ tiêu chuẩn,
quy chuẩn kỹ thuật và yêu cầu bảo đảm an toàn, an ninh mạng; ưu tiên hình thức
thuê dịch vụ chuyên nghiệp.
13. Công bố công khai
danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung để hệ thống hóa tài nguyên dữ liệu, tăng cường
quản trị, nâng cao chất lượng dữ liệu và thúc đẩy chia sẻ dữ liệu. Công bố công
khai danh mục các dịch vụ chia sẻ dữ liệu; chỉ định một cán bộ làm đầu mối phụ
trách kết nối và chia sẻ dữ liệu; công khai số điện thoại, địa chỉ thư điện tử,
tên và vị trí, chức năng cán bộ đầu mối phụ trách; tổ chức phổ biến, quán triệt
tới toàn bộ các tổ chức, cá nhân liên quan về việc cơ quan nhà nước phải có
trách nhiệm chia sẻ dữ liệu với cơ quan, tổ chức, cá nhân khác theo quy định
của pháp luật; không cung cấp thông tin qua hình thức văn bản đối với thông tin
đã được khai thác qua hình thức kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống
thông tin; không được thu thập, tổ chức thu thập lại dữ liệu hoặc yêu cầu người
dân, doanh nghiệp cung cấp thông tin, dữ liệu trong quá trình giải quyết các
thủ tục hành chính nếu dữ liệu này đã được cơ quan nhà nước khác cung cấp, sẵn
sàng cung cấp thông qua kết nối, chia sẻ dữ liệu, trừ trường hợp dữ liệu đó không
bảo đảm yêu cầu về chất lượng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn chuyên ngành hoặc pháp
luật có quy định khác.
14. Thực hiện kết
nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước thông qua Nền tảng tích hợp, chia
sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP); bảo đảm việc kết nối, chia sẻ dữ liệu được thực
hiện thông suốt, tránh đầu tư chồng chéo, lãng phí, tuân thủ đúng quy định của
Nghị định số 47/2020/NĐ-CP .
15. Triển khai hoặc
thí điểm triển khai Nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp cấp bộ, cấp tỉnh
nhằm lưu trữ tập trung, tổng hợp, phân tích, xử lý dữ liệu về phát triển kinh
tế - xã hội từ các nguồn khác nhau, từ đó tạo ra thông tin mới, dịch vụ dữ liệu
mới phục vụ chính phủ số, hướng tới việc hình thành kho dữ liệu dùng chung cấp
bộ, ngành, địa phương.
16. Ban hành Kế hoạch
thúc đẩy người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ cao
hiệu quả, trong đó đặc biệt chú trọng tới việc rà soát, tham mưu cho cấp có thẩm
quyền ban hành chính sách giảm lệ phí nếu thực hiện thủ tục hành chính theo
hình thức trực tuyến; giao chỉ tiêu về tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh
hồ sơ và tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến đến từng Sở, Ban, Ngành, Ủy ban nhân
dân các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn; huy động sự tham gia của các tổ
chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp và cộng đồng trong việc phổ biến, hướng
dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
17. Thực hiện kết
nối Cổng Thông tin điện tử, Cổng Dịch vụ công trực tuyến và Hệ thống một cửa điện
tử với Hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ chính phủ
số để đánh giá, đo lường, công bố trực tuyến, mức độ, chất lượng cung cấp thông
tin và dịch vụ công trực tuyến.
18. Triển khai hoặc
thí điểm triển khai Trợ lý ảo trong cơ quan nhà nước để hỗ trợ cán bộ, công
chức, viên chức nâng cao hiệu quả và năng suất lao động.
19. Ban hành Chương
trình đánh giá xác định chỉ số mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp và Kế hoạch hỗ
trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số theo hướng dẫn tại Quyết định số
1970/QĐ-BTTTT ngày 13/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phê
duyệt Đề án xác định Chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp và hỗ
trợ thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số; Quyết định số 377/QĐ-BTTTT ngày
26/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt Chương trình hỗ
trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số SMEdx và Văn bản số 294/BTTTT-QLDN
ngày 28/01/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong đó chú trọng các chỉ
tiêu: số doanh nghiệp thực hiện đánh giá, xác định chỉ số mức độ chuyển đổi số
trên cổng https://dbi.gov.vn ; số doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số
để chuyển đổi số (trên cổng SMEdx https://smedx.mic.gov.vn ).
20. Ban hành Kế hoạch
hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường
học, cơ sở giáo dục và bệnh viện, cơ sở y tế tại địa phương theo hướng dẫn tại
Văn bản số 781/BTTTT-QLDN ngày 04/3/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông,
trong đó chú trọng các chỉ tiêu: số trường học, cơ sở giáo dục thực hiện chuyển
đổi số, áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt; tỷ lệ số tiền thanh toán không
dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục; số bệnh viện, cơ sở y tế
thực hiện chuyển đổi số, áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt; tỷ lệ số tiền
thanh toán không dùng tiền mặt trong các bệnh viện, cơ sở y tế.
21. Tổ chức tuyên
truyền, phổ biến, chia sẻ kinh nghiệm về các nội dung, mô hình chuyển đổi số của
các bộ, ngành, địa phương; chủ động thí điểm triển khai sáng kiến mới tại địa
phương, có khả năng nhân rộng trên toàn quốc. Bộ Thông tin và Truyền thông liên
tục cập nhật Cẩm nang chuyển đổi số tại địa chỉ: https://dx.mic.gov.vn; liên
tục cập nhật, chia sẻ bài học, kinh nghiệm chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa
phương tại địa chỉ: https://t63.mic.gov.vn; sẽ công bố danh sách các bài toán
chuyển đổi số để các bộ, ngành, địa phương tham khảo.
22. Định kỳ hàng năm
thực hiện đo lường, đánh giá, công bố xếp hạng mức độ phát triển chính phủ điện
tử, chính phủ số, chuyển đổi số đối với các cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi quản
lý.
Trên đây là hướng
dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông - Cơ quan thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển
đổi số, trân trọng đề nghị các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch triển
khai các nhiệm vụ năm 2022 (gửi kế hoạch sau khi phê duyệt về Bộ Thông tin và
Truyền thông), tập trung nguồn lực thực hiện, định kỳ hàng quý có báo cáo gửi
Bộ Thông tin và Truyền thông để tổng hợp, báo cáo Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi
số.
Trong quá trình triển
khai, nếu có vướng mắc hoặc phát sinh vấn đề cần trao đổi, làm rõ, đề nghị liên
hệ theo đầu mối: Ông Đỗ Công Anh, Cục trưởng Cục Tin học hóa; Thư điện tử:
dcanh@mic.gov.vn ; Điện thoại: 0988220366.
Trân trọng./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- TTgCP (để b/c);
- PTTgCP Vũ Đức Đam (để b/c);
- BCĐ CĐS các bộ, ngành, địa phương;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Các Thứ trưởng;
- Đơn vị chuyên trách về CNTT các bộ, ngành;
- Sở TT&TT các tỉnh, thành phố;
- Các Vụ: BC, QLDN, CNTT, các Cục: VT, ATTT, BĐTƯ, NEAC, các Viện: CL, CNPM,
VTC, VNPOST;
- Lưu: VT, THH (CĐS). (100b)
|
KT.
BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Huy Dũng
|