Kính gửi:
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang
Bộ Y tế nhận được Công văn số 655/BDN ngày
02/8/2024 của Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc đề nghị trả lời
kiến nghị của cử tri gửi tới sau kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, trong đó có một
số kiến nghị của cử tri tỉnh An Giang.
Bộ Y tế xin trả lời đối với từng kiến nghị liên
quan đến lĩnh vực quản lý của ngành Y tế, cụ thể như sau:
1. Hiện nay, giá mua bảo hiểm y
tế tăng theo mức tăng của lương cơ sở làm cho người dân gặp khó khăn trong việc
tham gia bảo hiểm y tế, đặc biệt là đối với các hộ dân có thu nhập thấp, người
không hưởng lương, học sinh, sinh viên. Cử tri đề nghị cơ quan chức năng điều
chỉnh giá mua bảo hiểm y tế phù hợp. Bên cạnh đó, đề nghị xem xét, tạo điều kiện
thuận lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế được khám, chữa bệnh ở bất cứ bệnh
viện công lập nào trên phạm vi cả nước khi họ có nhu cầu.
1.1 Về việc điều chỉnh mức giá mua bảo hiểm y tế
Theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế, mức đóng bảo
hiểm y tế hàng tháng tối đa bằng 6% mức tiền lương hoặc tiền lương hưu, trợ cấp
mất sức lao động, trợ cấp thất nghiệp hoặc mức lương cơ sở. Trên cơ sở quy định
của Luật, Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ về việc quy
định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế,
mức đóng bảo hiểm y tế là 4,5%.
Dựa trên phạm vi quyền lợi của người tham gia bảo
hiểm y tế, Quốc hội và Chính phủ đã quy định mức đóng bảo hiểm y tế dựa trên điều
kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và khả năng đóng góp của nhà nước,
doanh nghiệp, người lao động và người dân. Để khuyến khích và hỗ trợ người dân
tham gia bảo hiểm y tế, Luật Bảo hiểm y tế, Nghị định số 146/2018/NĐ-CP và Nghị
định số 75/2023/NĐ-CP ngày 19/10/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều
của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 quy định chi tiết và hướng dẫn
biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế đã quy định các mức đóng
và hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc
thiểu số, người sinh sống tại các vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn,
hộ nông, lâm, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình. Đối với nhóm
tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình; điểm e, khoản 1 Điều 7
Nghị định số 146/2018/NĐ-CP quy định mức đóng bảo hiểm y tế như sau: (1) Người
thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; (2) Người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng
lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; (3) Từ người thứ năm
trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
Để chia sẻ với ngân sách Trung ương và hỗ trợ các đối
tượng tham gia bảo hiểm y tế có điều kiện kinh tế khó khăn; điểm
b, khoản 3 Nghị định số 75/2023/NĐ-CP đã quy định: Căn cứ khả năng ngân
sách của địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác, Ủy ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương trình Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố quyết định
mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho các đối tượng cao hơn mức hỗ trợ tối thiểu và
mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho các đối tượng không được hưởng mức hỗ trợ
theo quy định hiện hành[1].
Với phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế được hưởng
tương đối đầy đủ, mức đóng bảo hiểm y tế hiện tại được đánh giá là tương đối thấp
so với các nước có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội tương đồng. Vì vậy, Bộ
Y tế mong cử tri thấu hiểu và ủng hộ chính sách bảo hiểm y tế của Đảng và Nhà
nước, tích cực tham gia bảo hiểm y tế để đảm bảo tài chính khi ốm đau, bệnh tật.
1.2 Về việc thông tuyến bảo hiểm y tế toàn quốc
Hiện nay, thủ tục chuyển tuyến được thực hiện theo
Thông tư số 14/2014/TT-BYT của Bộ Y tế. Theo quy định, từ ngày 01/01/2016, người
tham gia bảo hiểm y tế đã được thông tuyến huyện trong phạm vi toàn tỉnh và từ
ngày 01/01/2021, đã được thông tuyến tỉnh trên toàn quốc đối với khám chữa bệnh
nội trú. Điều này tạo thuận lợi cho người dân khi khám chữa bệnh ở các cơ sở
tuyến huyện và tuyến tỉnh mà không cần giấy chuyển tuyến.
2. Cử tri tiếp tục phản ánh và
đề nghị có biện pháp giải quyết hiệu quả tình trạng thiếu thuốc tại các cơ sở y
tế công lập, người bệnh phải mua thuốc bên ngoài, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của
người tham gia bảo hiểm y tế. Đồng thời, cử tri kiến nghị ngành chức năng xem
xét mở rộng danh mục thuốc bảo hiểm y tế để người dân được thuận lợi trong khám
và điều trị bệnh.
2.1 Về việc thiếu thuốc tại cơ sở y tế công lập
Trong thời gian vừa qua, có tình trạng thiếu thuốc,
trang thiết bị, vật tư y tế do một số nguyên nhân khách quan như ảnh hưởng hậu
đại dịch COVID-19 và chiến tranh tại Châu Âu dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng
toàn cầu, giá cả tăng cao; bên cạnh đó có nguyên nhân chủ quan về cơ chế chính
sách mua sắm còn chưa phù hợp, một số cơ sở y tế thiếu chủ động trong dự trù,
xác định nhu cầu, lập kế hoạch, thực hiện công tác đấu thầu, mua sắm...nên còn
gây ra hiện tượng thiếu thuốc, thiết bị vật tư y tế.
Để giải quyết tình trạng này, Bộ Y tế cùng các Bộ,
ngành tham mưu Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Quốc hội đã có nhiều giải pháp để
giải quyết. Quốc hội thông qua Luật Đấu thầu sửa đối với nhiều cơ chế tháo gỡ,
hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực y tế; ban hành Nghị quyết số 80/2023/QH15
ngày 09/01/2023 về việc cho phép các thuốc đủ điều kiện được gia hạn duy trì hiệu
lực lưu hành đến hết năm 2024[2].
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 04/3/2023 về việc tiếp tục thực
hiện các giải pháp để bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế; Nghị định số
24/2024/NĐ-CP ngày 27/02/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện
pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.
Bộ Y tế đã tích cực rà soát và hoàn thiện các cơ chế,
chính sách, triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, bao gồm: (1) Ban hành theo thẩm
quyền: Thông tư số 03/2024/TT-BYT ngày 16/4/2024 ban hành danh mục thuốc có ít
nhất 03 hãng trong nước sản xuất trên dây chuyền sản xuất thuốc đáp ứng nguyên
tắc, tiêu chuẩn EU-GMP hoặc tương đương EU-GMP và đáp ứng tiêu chí kỹ thuật
theo quy định của Bộ Y tế và về chất lượng, giá, khả năng cung cấp; Thông tư số
04/2024/TT-BYT ngày 20/4/2024 quy định Danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia
đối với thuốc; Thông tư số 05/2024/TT-BYT ngày 14/5/2024 quy định Danh mục thuốc,
thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm được áp dụng hình thức đàm phán giá và quy
trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu áp dụng hình thức đàm
phán giá; Thông tư số 07/2024/TT-BYT ngày 17/5/2024 quy định về đấu thầu thuốc
tại các cơ sở y tế công lập... (2) Tháo gỡ nguồn cung: Đẩy nhanh tiến độ thẩm định
và cấp giấy đăng ký lưu hành[3].
(3) Phối hợp với các tổ chức quốc tế: Tranh thủ sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế
giới (WHO) để viện trợ một số loại thuốc rất hiếm. (4) Tổ chức các lớp tập huấn,
hướng dẫn cán bộ y tế tại các cơ sở và địa phương về quy trình đấu thầu, mua sắm
thuốc, vật tư y tế, nhằm nâng cao năng lực và trách nhiệm của cán bộ y tế trong
việc quản lý và đảm bảo nguồn cung ứng.
Đến nay, tình trạng này đã được tháo gỡ cơ bản. Bộ
Y tế đang rà soát, tiếp tục tham mưu cơ chế, chính sách liên quan để tiếp tục
giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế; nắm bắt tình hình địa
phương, đơn vị y tế; đảm bảo bệnh nhân được chữa trị kịp thời, nâng cao chất lượng
dịch vụ y tế, đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh của Nhân dân.
2.2 Về việc mở rộng danh mục thuốc bảo hiểm y tế
Việt Nam được đánh giá là một trong số ít các nước
trên thế giới có danh mục thuốc thuộc phạm vi chi trả của Quỹ Bảo hiểm y tế
tương đối đầy đủ, toàn diện và mở rộng so với mức phí đóng bảo hiểm y tế.
- Về danh mục thuốc tân dược: Thông tư số
20/2022/TT-BYT ngày 31/12/2022 của Bộ Y tế ban hành danh mục và tỷ lệ, điều kiện
thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu
thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế gồm 1037 hoạt chất/thuốc
hóa dược và sinh phẩm chia làm 27 nhóm lớn và 59 thuốc phóng xạ và chất đánh dấu.
Trong đó, thuốc hầu hết được sử dụng tại bệnh viện hạng II trở lên, bệnh viện hạng
III sử dụng khoảng 795 thuốc chiếm khoảng 77%. Trạm y tế xã được sử dụng khoảng
262 thuốc chiếm 25,26% và một số thuốc điều trị các bệnh mãn tính cấp tại Trạm
theo hướng dẫn chẩn đoán điều trị của Bộ Y tế.
- Về danh mục thuốc y học cổ truyền: Thông tư số
05/2015/TT-BYT ngày 17/3/2015 của Bộ Y tế ban hành và hướng dẫn danh mục thuốc
đông y, thuốc từ dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền thuộc phạm vi thanh toán
của Quỹ Bảo hiểm y tế gồm 229 thuốc đông y, thuốc từ dược liệu chia thành 11
nhóm tác dụng và 349 vị thuốc cổ truyền chia thành 30 nhóm tác dụng theo y lý y
học cổ truyền. Trong đó, các thuốc được sử dụng tại gần như tất cả các bệnh viện;
chỉ một số rất ít thuốc đông y, thuốc từ dược liệu chỉ được sử dụng tại bệnh viện
hạng III trở lên.
Bên cạnh đó, danh mục thuốc bảo hiểm y tế tại Việt
Nam được ghi dưới dạng tên hoạt chất/thành phần, không ghi hàm lượng, dạng bào
chế và tên thương mại nên việc lựa chọn thuốc thành phẩm được Quỹ Bảo hiểm y tế
thanh toán tại các cơ sở khám, chữa bệnh không bị giới hạn bởi chủng loại thuốc
với giá rẻ hay đắt, thuốc nội hay thuốc ngoại. Căn cứ vào mô hình bệnh tật, nhu
cầu khám chữa bệnh, năng lực chuyên môn và khả năng chi trả của Quỹ Bảo hiểm y
tế, cơ sở khám, chữa bệnh xây dựng danh mục thuốc sử dụng tại đơn vị để mua sắm
lựa chọn thuốc thành phẩm phù hợp. Về chuyên môn, việc sử dụng thuốc tại cơ sở
khám, chữa bệnh phải phù hợp với tuyến chuyên môn kỹ thuật, phạm vi hoạt động
chuyên môn của cơ sở khám, chữa bệnh (phụ thuộc vào nhân lực hành nghề, trang
thiết bị y tế, danh mục kỹ thuật có thể thực hiện được, cơ sở vật chất...).
Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiến hành rà soát,
sửa đổi và bổ sung danh mục thuốc bảo hiểm y tế, trong đó đặc biệt chú trọng việc
mở rộng danh mục thuốc cho tuyến dưới, nhất là tuyến tỉnh, huyện, xã phù hợp với
sự phát triển năng lực chuyên môn; tăng phạm vi cấp phát thuốc đối với một số bệnh
mãn tính tại y tế cơ sở nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị, khám chữa bệnh và bảo đảm
quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế.
3. Cử tri đề nghị tăng cường đầu
tư hơn nữa về máy móc, trang bị thiết bị y tế hiện đại, phân bổ vaccine, thuốc
tốt cũng như phân công đội ngũ y bác sĩ có trình độ, năng lực, thái độ phục vụ
tốt về công tác tại tuyến y tế cơ sở, giúp người dân an tâm trong khám chữa bệnh,
từ đó giảm tải lượt khám chữa bệnh tại các tuyến y tế trên.
3.1. Về việc tăng cường đầu tư máy móc, trang
thiết bị y tế cho tuyến cơ sở và luân chuyển cán bộ có năng lực về tuyến cơ sở
Công tác đầu tư nâng cấp trang thiết bị y tế cho bệnh
viện tuyến dưới, trước hết thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương theo
các chính sách của Đảng, Nhà nước và hướng dẫn của Bộ Y tế. Bộ Y tế đã tham mưu
trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2348/QĐ-TTg ngày 05/12/2016
phê duyệt Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới,
trong đó đã quy định: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
bố trí ngân sách địa phương (cả chi đầu tư và chi sự nghiệp) cho Đề án, ưu tiên
phân bổ kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới,
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu đầu
tư phát triển hệ thống y tế địa phương, Chương trình mục tiêu y tế - dân số và
huy động các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện Đề án. Bảo đảm đủ nhân lực, nguồn
tài chính cho hoạt động của y tế cơ sở; xây dựng và ban hành các cơ chế, chính
sách, chế độ để thu hút bác sĩ về làm việc tại tuyến y tế cơ sở; đảm bảo chất
lượng khám chữa bệnh theo phân tuyến kỹ thuật.
Bộ Y tế đã triển khai các chương trình luân phiên
có thời hạn đối với người hành nghề tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để hỗ trợ
kỹ thuật và nâng cao năng lực cho y tế cơ sở; cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ
bệnh viện tuyến Trung ương, bệnh viện tuyến cuối về hỗ trợ các trạm y tế xã,
phường, thị trấn; tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, nâng cao năng lực
chuyên môn y tế xã, phường... Chú trọng công tác đào tạo và phát triển nguồn
nhân lực y tế. Mở rộng mạng lưới bệnh viện vệ tinh; liên thông kết quả xét nghiệm,
chẩn đoán. Phát triển hệ thống y tế tư nhân cả về số lượng và quy mô, nhiều cơ
sở có hạ tầng khang trang cùng các trang thiết bị y tế hiện đại và chất lượng dịch
vụ tương đối cao. Thực hiện chính sách ưu đãi, thu hút cán bộ y tế về cơ sở làm
việc. Ngoài ra, một số địa phương đã xây dựng các văn bản thu hút đội ngũ nguồn
lực chất lượng cao trong lĩnh vực y tế góp phần hoàn thiện các chính sách thu
hút, trọng dụng đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực y tế.
Ngày 30/01/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số
11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai
Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ
Chương trình. Chương trình phân bổ gần 14.000 tỷ đồng cho ngành Y tế (trên cơ sở
tổng hợp nhu cầu của các địa phương và đơn vị của Bộ Y tế) để đầu tư xây mới, cải
tạo, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, Trung tâm Kiểm
soát bệnh tật tỉnh, nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh của các Viện
nghiên cứu, Bệnh viện cấp trung ương gắn với đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn
nhân lực trong lĩnh vực y tế, sản xuất vắc xin trong nước, thuốc điều trị
COVID-19. Ngày 08/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số
202/QĐ-TTg về việc giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương của Chương
trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Thực hiện Nghị quyết số 99/2023/QH15 ngày 24/6/2023
và Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn
thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới, Chính
phủ ban hành Nghị quyết số 218/NQ-CP về Kế hoạch triển khai thi hành Nghị quyết
số 99/2023/QH15; Bộ Y tế phê duyệt Quyết định số 172/QĐ-BYT ngày 22/01/2024 ban
hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 218/NQ-CP ngày 18/12/2023 của Chính phủ.
Theo đó, hiện nay Bộ Y tế đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự thảo: (1) Nghị định
về phụ cấp theo nghề thay thế Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của
Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức
công tác tại các cơ sở y tế công lập; (2) Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định
số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định một
số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các
cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống; (3) Quyết định sửa đổi, bổ sung
Quyết định số 75/2009/QĐ-TTg ngày 11/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy
định chế độ phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn, bản; gửi Bộ Tư pháp thẩm định,
trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Ngoài ra, Bộ Y tế đã và đang nỗ lực huy động các
nguồn lực đầu tư cho y tế cơ sở, triển khai một số chương trình, dự án lớn nhằm
tăng cường đầu tư toàn diện cho tuyến y tế cơ sở trong thời gian tới; triển
khai các nguồn lực đầu tư từ Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn
mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu
số và miền núi giai đoạn 2021-2025; các dự án đầu tư cho y tế cơ sở nguồn vốn
vay của Ngân hàng thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).
3.2 Về việc phân bổ vắc xin
Việc mua sắm vắc xin trong tiêm chủng mở rộng được
thực hiện hằng năm, bao gồm nhu cầu sử dụng hằng năm và dự trữ trong 6 tháng
theo quy định tại Nghị định số 104/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định
về hoạt động tiêm chủng.
Giai đoạn 2016 - 2020: Kinh phí mua vắc xin được bố
trí trong Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết
định số 1125/QĐ-TTg ngày 31/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Kinh phí Chính phủ
cấp cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng thường trong Quý I, việc mua sắm thực
hiện trong Quý II - III và đến Quý IV. Vắc xin được phân bổ cho các địa phương
để tổ chức tiêm chủng trong năm và gối đầu để sử dụng trong đầu năm tiếp theo.
Giai đoạn 2021 - 2022: Chương trình mục tiêu Y tế -
Dân số đã kết thúc. Theo Nghị quyết số 129/2020/QH14 của Quốc hội về phân bổ
ngân sách trung ương năm 2021, ngân sách trung ương vẫn tiếp tục bố trí kinh
phí cho Bộ Y tế mua vắc xin tiêm chủng mở rộng năm 2021 - 2022 tương tự như
giai đoạn 2016 - 2020.
Từ năm 2023, theo quy định Luật Ngân sách nhà nước,
các địa phương có nhiệm vụ thực hiện các thủ tục mua sắm vắc xin từ ngân sách của
địa phương. Tuy nhiên trong quá trình tổ chức triển khai, đây cũng là năm đầu
tiên các địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ này, nên gặp nhiều khó khăn
trong việc bố trí, phê duyệt kinh phí, vướng mắc thủ tục đấu thầu, phê duyệt
giá cũng như kinh nghiệm triển khai... Để khắc phục tình trạng hết và thiếu hụt
vắc xin trong tiêm chủng mở rộng, Bộ Y tế đã trình Chính phủ báo cáo Quốc hội
và được Quốc hội ủng hộ và ngày 24/6/2023 Quốc hội ban hành Nghị quyết số
99/2023/QH15 trong đó chỉ đạo bố trí ngân sách Trung ương để tiếp tục thực hiện
Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia bảo đảm thống nhất, kịp thời, hiệu quả
trong cả nước. Năm 2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày
10/7/2023 về việc bố trí ngân sách trung ương năm 2023 cho Bộ Y tế để mua vắc
xin cho Chương trình tiêm chủng mở rộng. Đối với năm 2024, để đảm bảo cung ứng
đầy đủ vắc xin cho Chương trình tiêm chủng mở rộng, Bộ Y tế đã xây dựng và
trình Chính phủ ban hành Nghị định số 13/2024/NĐ-CP ngày 05/2/2024 về sửa đổi,
bổ sung một số điều của Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ
quy định về hoạt động tiêm chủng; theo đó ngân sách Trung ương được bố trí
trong ngân sách chi thường xuyên của Bộ Y tế để đảm bảo kinh phí cho các hoạt động
trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Bộ Y tế đã hướng dẫn, chỉ đạo các tỉnh/thành phố và
tổng hợp nhu cầu vắc xin trên cả nước; hoàn thành thủ tục mua sắm 10 loại vắc
xin sản xuất trong nước và chỉ đạo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tiếp nhận
khoảng 24,2 triệu liều vắc xin các loại sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở
rộng từ nguồn thu mua và viện trợ; đã phân bổ 21,4 triệu liều theo kế hoạch cho
các địa phương. Bộ Y tế ban hành Quyết định số 1596/QĐ-BYT ngày 10/6/2024 về Kế
hoạch tiêm chủng mở rộng năm 2024; căn cứ vào Kế hoạch này, các địa phương và
đơn vị xây dựng và triển khai Kế hoạch tiêm chủng để đảm bảo việc cung ứng đầy
đủ vắc xin, tránh tình trạng gián đoạn. Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo các đơn vị
liên quan để đảm bảo cung ứng đủ vắc xin trong thời gian tới, đồng thời chỉ đạo
các địa phương chủ động triển khai hoạt động tiêm chủng, tăng cường giám sát,
phát hiện dịch và triển khai đồng bộ các biện pháp phòng bệnh khoanh vùng,
không để bệnh lây lan.
4. Cử tri đề nghị ngành chức
năng xem xét cấp thẻ bảo hiểm y tế đối với thân nhân của thương binh, bệnh binh
3/4 tương tự như thương binh, bệnh binh 1/4 để giảm bớt khó khăn trong cuộc sống,
sinh hoạt
Chế độ bảo hiểm y tế cho các đối tượng là thân nhân
của thương binh hạng 3/4 đã được quy định cụ thể tại Pháp lệnh số
02/2020/UBTVQH14 ngày 09/12/2020 về Ưu đãi người có công với cách mạng và được
sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ
quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách
mạng.
Ngoài ra, theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế,
thân nhân của Thương binh hạng 3/4 tại Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 ngày
09/12/2020 về Ưu đãi người có công với cách mạng, được ngân sách nhà nước đóng
hoặc hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế[4]. Nếu không thuộc nhóm đối tượng được hỗ trợ, họ có thể tham
gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình để hưởng mức đóng giảm dần theo quy định của
Luật Bảo hiểm y tế[5].
Để chia sẻ với ngân sách Trung ương và hỗ trợ các đối
tượng tham gia bảo hiểm y tế có điều kiện kinh tế khó khăn; điểm
b, khoản 3 Nghị định số 75/2023/NĐ-CP đã quy định: Căn cứ khả năng ngân
sách của địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác, Ủy ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương trình Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố quyết định
mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho các đối tượng cao hơn mức hỗ trợ tối thiểu và
mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho các đối tượng không được hưởng mức hỗ trợ
theo quy định hiện hành.
5. Cử tri đề nghị cơ quan có thẩm
quyền quan tâm, xem xét hỗ trợ chế độ bảo hiểm y tế cho người dân sống ở vùng
biên giới, hải đảo.
Chính sách bảo hiểm y tế cho người dân tại vùng
biên giới, hải đảo đã và đang được Nhà nước đặc biệt chú trọng. Theo quy định
hiện hành, đối tượng là người dân sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc
biệt khó khăn, bao gồm cả vùng biên giới và hải đảo, đều thuộc diện được ngân
sách nhà nước hỗ trợ chi trả hoặc cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Khi gặp phải
tình trạng ốm đau, người dân ở các khu vực này được ưu tiên điều trị tại các cơ
sở khám chữa bệnh từ tuyến huyện lên thẳng tuyến trung ương. Ngoài ra, các đối
tượng thuộc diện người nghèo, người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng sâu, vùng
xa còn được thanh toán chi phí vận chuyển từ tuyến huyện lên tuyến trên để bảo
đảm họ nhận được dịch vụ chăm sóc sức khỏe kịp thời và chất lượng.
Hiện nay, Bộ Y tế đang tiếp tục xây dựng và triển
khai các giải pháp để hỗ trợ hiệu quả hơn nữa công tác khám chữa bệnh cho người
dân tại các khu vực biên giới, hải đảo. Một trong những giải pháp đang được đề
xuất là xây dựng cơ chế thanh toán phù hợp cho ngư dân khi gặp phải tình huống ốm
đau trên biển, nhằm đảm bảo việc khám chữa bệnh kịp thời và đáp ứng điều kiện
thực tế.
Trên đây là nội dung trả lời đối với kiến nghị của
cử tri tỉnh An Giang liên quan đến lĩnh vực Y tế, Bộ Y tế trân trọng kính gửi
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang để biết, thông tin tới cử tri.
Xin trân trọng cảm ơn./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Ban Dân nguyện - UBTVQH;
- VPCP: QHĐP, TH;
- VPQH;
- Các đ/c Thứ trưởng BYT;
- BYT: BH, QLD, HTTB, DP, KH-TC, TCCB;
- Cổng TTĐT Bộ Y tế (để đăng tải);
- Lưu: VT, VPB1.
|
BỘ TRƯỞNG
Đào Hồng Lan
|
[1]
Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ khả năng ngân sách
của địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác trình hội đồng nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương quyết định:
a) Mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho các đối tượng
cao hơn mức hỗ trợ tối thiểu quy định tại các điểm b và c khoản 1 Điều 8 Nghị định
này;
b) Mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho các đối tượng
không được hưởng mức hỗ trợ quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định này;
c) Đối tượng được hỗ trợ và mức hỗ trợ cùng chi trả
chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho người tham gia bảo hiểm y tế khi
đi khám bệnh, chữa bệnh.
[2]
Thực hiện Nghị quyết số 80/2023/QH15, Bộ Y tế đã gia hạn hiệu lực giấy đăng ký
lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc đến hết ngày 31/12/2024, với tổng số thuốc,
nguyên liệu làm thuốc được gia hạn lên đến 13.202 (bao gồm 10.301 thuốc trong
nước, 2.656 thuốc nước ngoài, và 245 vắc xin, sinh phẩm)
[3]
Trong năm 2023 và 05 tháng đầu năm 2024, Bộ Y tế đã cấp trên 11.000 đơn hàng nhập
khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc, cấp mới/gia hạn giấy đăng ký lưu hành cho
8.048 thuốc
[4]
Theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế, đối tượng được ngân sách nhà nước đóng hoặc
hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế: (1) Người có công với cách mạng; (2) Người thuộc
hộ gia đình nghèo theo Chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025; (3) Người thuộc
hộ chuẩn hộ nghèo, chuẩn hộ cận nghèo, chuẩn hộ có mức sống trung bình giai đoạn
2022-2025; (4) Hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức
sống trung bình giai đoạn 2022-2025; (5) Người dân tộc thiểu số đang sinh sống
tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn theo quy định của Chính phủ, Thủ
tướng Chính phủ; (6) Người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội
đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; (7) Người
đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng
Chính phủ.
[5]
Luật Bảo hiểm y tế quy định mức đóng giảm dần đối với đối tượng tham gia bảo hiểm
y tế theo hộ gia đình: (1) Người thứ nhất đóng tối đa bằng 6% mức lương cơ sở;
(2) Người thứ hai, thứ ba, thứ tư lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người
thứ nhất; (3) Từ người thứ 5 trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.