ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1558/QĐ-UBND
|
Quảng Nam, ngày
09 tháng 6 năm 2022
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH ĐẦU TƯ, PHÁT TRIỂN VÙNG ĐỆM TẠI CÁC
KHU RỪNG ĐẶC DỤNG VÀ SẢN XUẤT NÔNG, LÂM, NGƯ NGHIỆP TẠI CÁC CỘNG ĐỒNG GIÁP CÁC
KHU RỪNG PHÒNG HỘ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM ĐẾN NĂM 2025
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ
chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;
Căn cứ Luật Lâm nghiệp ngày
15/11/2017;
Căn cứ Nghị quyết số
06-NQ/TU ngày 04/5/2021 của Tỉnh ủy Quảng Nam về tiếp tục đẩy mạnh công
tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025;
Căn cứ Nghị quyết số
12-NQ/TU ngày 20/7/2021 của Tỉnh ủy Quảng Nam về phát triển kinh tế - xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; định hướng thực hiện một số dự án
quan trọng tại vùng Tây tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm
2030;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở
Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 114/TTr-SNN&PTNT ngày 30/5/2022.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này “Chương trình đầu
tư, phát triển vùng đệm tại các khu rừng đặc dụng và sản xuất nông, lâm, ngư
nghiệp tại các cộng đồng giáp các khu rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
đến năm 2025”.
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở, ngành:
Nông nghiệp và PTNT, Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và
Môi trường, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh,
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh; Chi cục
trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Thủ
trưởng các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và chủ rừng chịu trách nhiệm
thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- TTTU, HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- CPVP;
- Lưu: VT, TH, KTN.
D:\Dropbox\minh tam b\Nam 2022\Quyet dinh\06 07 ban hành Chuong_trinh_sinh_ke_tai_cac_khu_rung_Quang
Nam.doc
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Hồ Quang Bửu
|
CHƯƠNG TRÌNH
ĐẦU TƯ, PHÁT TRIỂN VÙNG ĐỆM TẠI CÁC KHU RỪNG ĐẶC DỤNG VÀ SẢN
XUẤT NÔNG, LÂM, NGƯ NGHIỆP TẠI CÁC CỘNG ĐỒNG GIÁP CÁC KHU RỪNG PHÒNG HỘ TRÊN ĐỊA
BÀN TỈNH QUẢNG NAM ĐẾN NĂM 2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1558/QĐ-UBND ngày 09/6/2022 của UBND
tỉnh Quảng Nam)
I. MỤC ĐÍCH,
YÊU CẦU
1. Mục đích:
- Cụ thể hóa, thực hiện đầy đủ,
kịp thời, toàn diện các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra trong
các Nghị quyết, Chỉ thị, Kế hoạch của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh về phát triển
kinh tế - xã hội gắn bảo vệ rừng với sinh kế của người dân để tạo việc làm,
tăng thu nhập đối với người dân khu vực miền núi, đặc biệt là người dân sống ở
vùng đệm các khu rừng đặc dụng và vùng giáp các khu rừng phòng hộ trên địa bàn
tỉnh.
- Tăng cường sự phối hợp đồng bộ
giữa các Sở, Ban, ngành, Hội, đoàn thể, địa phương và cơ quan, đơn vị liên quan
trong thực hiện Chương trình; phân công trách nhiệm cụ thể để tổ chức triển
khai thực hiện đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả.
2. Yêu cầu:
Chỉ đạo triển khai chủ động,
quyết liệt, đề cao tính thực tiễn và hiệu quả; đồng thời, tăng cường công tác
kiểm tra, giám sát, đôn đốc và đưa vào đánh giá, bình xét thi đua khen thưởng đối
với các địa phương và chủ rừng.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu tổng quát
Phấn đấu đưa các xã thuộc vùng
đệm các khu rừng đặc dụng và vùng giáp các khu rừng phòng hộ (sau đây gọi tắt
là vùng đệm) đến năm 2025 phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội; đời sống vật
chất, văn hóa và tinh thần của Nhân dân được nâng lên, đảm bảo quốc phòng an
ninh và trật tự xã hội được giữ vững; nâng cao nhận thức cộng đồng vùng đệm
trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản thiên nhiên, văn hóa phi vật
thể của cộng đồng các dân tộc thiểu số miền núi. Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng
bộ, từng bước hiện đại; phát triển nguồn lực đáp ứng được yêu cầu phát triển mới;
bảo vệ tốt môi trường sinh thái vùng đệm và các giá trị bảo tồn tài nguyên
thiên nhiên vùng lõi.
2. Mục tiêu cụ thể
- Năm 2022, mỗi địa phương, Ban
quản lý rừng xây dựng và triển khai tối thiểu 01 mô hình, dự án phát triển sinh
kế cho mỗi xã tại vùng đệm các khu rừng đặc dụng, phòng hộ trên địa bàn tỉnh; tổ
chức sơ kết rút kinh nghiệm.
- Hàng năm tiếp tục phát triển
và nhân rộng các mô hình, dự án sinh kế; đến năm 2025, tất cả các địa phương,
Ban quản lý rừng có ít nhất từ 02 - 03 mô hình, dự án sinh kế bền vững cho mỗi
xã.
- Tổ chức triển khai, duy trì
và phát triển các mô hình, dự án đạt hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập bình
quân của người dân miền núi đến năm 2025 đạt 26,3 triệu đồng, tỉ lệ hộ nghèo giảm
xuống còn 18,09%.
- Từng bước giảm thiểu tác động
bất lợi, tăng cường áp dụng phương thức khai thác tài nguyên rừng bền vững, giảm
phát thải; góp phần đưa độ che phủ rừng đến năm 2025 của tỉnh là 61% và 09 huyện
miền núi là 69%.
III. CƠ SỞ
PHÁP LÝ
- Luật Lâm nghiệp ngày
15/11/2017;
- Nghị quyết số 120/2020/QH14
ngày 19/6/2020 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu
quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021 - 2030;
- Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày
05/8/2021 của Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình phát triển lâm
nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025;
- Quyết định số 1719/QĐ-TTg
ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc
gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai
đoạn 2021 - 2030;
- Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày
04/5/2021 của Tỉnh ủy Quảng Nam về tiếp tục đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững
trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025;
- Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày
20/7/2021 của Tỉnh ủy Quảng Nam về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào
dân tộc thiểu số và miền núi; định hướng thực hiện một số dự án quan trọng tại
vùng Tây tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030;
- Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày
14/10/2021 của Tỉnh ủy Quảng Nam về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát
triển rừng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030;
- Nghị quyết số 40/2017/NQ-HĐND
ngày 07/12/2017 của HĐND tỉnh Quảng Nam về cơ chế hỗ trợ bảo tồn và phát triển
cây Quế Trà My trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2018 - 2025;
- Nghị quyết số 42/2017/NQ-HĐND
ngày 07/12/2017 của HĐND tỉnh Quảng Nam về quy định cho thuê môi trường rừng để
trồng cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ và kinh doanh du lịch sinh thái trên địa
bàn tỉnh;
- Nghị quyết số 17/2019/NQ-HĐND
ngày 17/12/2019 của HĐND tỉnh Quảng Nam về chính sách khuyến khích phát triển hợp
tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh;
- Nghị quyết số 05/2020/NQ-HĐND
ngày 15/7/2020 của HĐND tỉnh Quảng Nam Quy định một số nội dung, mức chi từ
ngân sách nhà nước thực hiện các hoạt động khuyến nông trên địa bàn tỉnh;
- Nghị quyết số 35/2021/NQ-HĐND
ngày 29/9/2021 của HĐND tỉnh Quảng Nam Quy định cơ chế hỗ trợ phát triển kinh tế
vườn, kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025;
- Nghị quyết số 37/2021/NQ-HĐND
ngày 08/12/2021 của HĐND tỉnh Quảng Nam về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng
bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022 - 2025;
- Nghị quyết số 38/2021/NQ-HĐND
ngày 08/12/2021 của HĐND tỉnh Quảng Nam Quy định mức chi hỗ trợ công tác quản
lý, bảo vệ rừng tự nhiên trong các lưu vực thủy điện trên địa bàn tỉnh Quảng
Nam giai đoạn 2022 - 2025;
- Nghị quyết số 09/2022/NQ-HĐND
ngày 21/4/2022 của HĐND tỉnh Quảng Nam Quy định cơ chế khuyến khích bảo tồn,
phát triển Sâm Ngọc Linh và cây dược liệu khác trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai
đoạn 2022 - 2025;
- Quyết định số 978/QĐ-UBND
ngày 13/4/2022 của UBND tỉnh Quảng Nam về ban hành Chương trình sinh kế cho người
dân lưu vực các hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đến năm 2025;
- Kế hoạch số 3311/KH-UBND ngày
03/6/2021 của UBND tỉnh Quảng Nam về triển khai thực hiện Nghị quyết số
06-NQ/TU ngày 04/5/2021 của Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền
vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025;
- Quyết định số 121/QĐ-UBND
ngày 28/10/2021 của UBND tỉnh Quảng Nam về ban hành Chương trình triển khai thực
hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 20/7/2021 của Tỉnh ủy.
IV. NGUYÊN TẮC
CHUNG VÀ NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH
1. Nguyên
tắc chung
- Thực hiện quy hoạch phát triển
kinh tế - xã hội các xã vùng đệm trên cơ sở quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội
của tỉnh giai đoạn 2021 - 2030; rà soát, đánh giá cụ thể hóa và làm rõ thực trạng
phát triển kinh tế - xã hội của vùng đệm, từ đó nhận định những thuận lợi và
thách thức nhằm xây dựng các nhiệm vụ cụ thể ngắn hạn và dài hạn để thúc đẩy
phát triển sinh kế bền vững đối với cư dân vùng đệm gắn với các mục tiêu bảo tồn.
- Phát huy và sử dụng hiệu quả
các nguồn lực tự nhiên và xã hội tại vùng đệm, đảm bảo khai thác, bảo vệ và
phát triển hợp lý tài nguyên thiên nhiên theo hướng bền vững.
2. Nội
dung chương trình khung
2.1 Hoạt
động trồng trọt
- Khuyến khích liên kết mở rộng
quy mô diện tích, bố trí các loại cây trồng phù hợp, đa dạng hóa các loại cây
trồng để giảm thiểu rủi ro. Đẩy mạnh công tác liên kết sản xuất, tiêu thụ sản
phẩm nông nghiệp theo chuỗi hàng hóa. Hạn chế diện tích đất bỏ hoang, chuyển đổi
diện tích đất lúa nước, lúa rẫy kém hiệu quả sang trồng rừng và các loại cây
hàng năm để tăng hiệu quả kinh tế; đối với diện tích lúa nước có nguồn nước tưới,
áp dụng kỹ thuật canh tác lúa cải tiến SRI nhằm tăng năng suất, góp phần cung cấp
nguồn lương thực tại chỗ cho người dân.
- Xây dựng các vùng nguyên liệu
Nghệ, Dứa, rau xanh và các loài cây ăn quả theo từng vùng lập địa, như Bưởi, Trụ
tại thôn Đại Bình, xã Quế Trung, huyện Nông Sơn; Lòn bon, Măng cụt tại các huyện
Tiên Phước, Đông Giang, Phước Sơn và Nam Giang; mô hình trồng Cam Vinh, rau
xanh tại huyện Nam Giang.
- Để hạn chế những bất lợi của
thời tiết, thích ứng với biến đổi khí hậu và chu trình sản xuất bền vững, cần
khuyến khích nông dân có đất nhưng không có khả năng sản xuất cho thuê, góp cổ
phần bằng quyền sử dụng đất, tổ chức liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, hợp
tác xã trong sản xuất, tiêu thụ nông sản.
2.2 Hoạt
động chăn nuôi
Chăn nuôi là hoạt động sinh kế
có lợi thế của vùng đệm nhưng hoạt động chăn nuôi gia súc có xu hướng giảm xuống
ở một số vùng, do vốn đầu tư thấp, công tác thú y và vệ sinh môi trường hạn chế,
tập quán chăn nuôi thả rong gây ảnh hưởng môi trường, cây trồng. Vì vậy, giải
pháp trong thời gian tới cần tập trung xây dựng và thực hiện các mô hình theo
hướng liên kết, lấy doanh nghiệp, hợp tác xã làm động lực nhằm kiểm soát tốt chất
lượng, an toàn thực phẩm, điều tiết cung - cầu; xây dựng nhãn hiệu sản phẩm nhằm
phát triển thị trường tiêu thụ nội địa, hướng tới xuất khẩu:
- Bố trí quỹ đất để phát
triển chăn nuôi quy mô trang trại theo quy hoạch kinh tế - xã hội của tỉnh. Đẩy
mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi để phát triển các loài gia súc
như Bò, Dê,… theo hướng tập trung; tận dụng lợi thế môi trường rừng để nuôi
Ong,… nhằm tạo ra nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường.
- Tận dụng lòng hồ, sông suối để
phát triển các mô hình nuôi cá lồng/bè với nhiều loài phù hợp điều kiện sinh
thái và có giá trị kinh tế cao như cá Thác lác, cá Lăng, cá Trắm đen,…
- Trên cơ sở phát huy thế mạnh
của từng vùng, từng địa phương, phát triển mô hình gây nuôi các loài động vật
hoang dã hợp pháp kinh tế cao như: Lợn rừng, Nhím, Dúi, Cầy vòi hương, Chim trĩ
đỏ khoang cổ,… tiến tới hình thành các sản phẩm đặc trưng vùng, miền.
- Đẩy mạnh công tác khuyến nông
giúp người dân tiếp cận được các nguồn giống mới, đảm bảo chất lượng; đồng thời
hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh, các phương pháp chế biến,
bảo quản thức ăn chăn nuôi từ nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương nhằm cung
cấp kịp thời nguồn thức ăn tại chỗ cho vật nuôi; cập nhật kịp thời thông tin thị
trường sản phẩm chăn nuôi giúp người dân có kế hoạch sản xuất phù hợp, chăn
nuôi đảm bảo hiệu quả.
2.3 Hoạt
động lâm nghiệp
a) Bảo vệ rừng
- Bảo vệ và phát triển rừng
theo hướng nâng cao giá trị, chất lượng, góp phần bảo vệ môi trường, đa dạng
sinh học, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu gắn với nâng cao sinh kế, xóa
đói giảm nghèo là chiến lược mũi nhọn của vùng đệm; ưu tiên những hộ nghèo, hộ
sống gần rừng được chăm sóc và giao khoán để tạo việc làm và nâng cao trách nhiệm
bảo vệ rừng.
- Triển khai giao khoán quản
lý, bảo vệ rừng theo các chương trình, dự án như Chương trình phát triển lâm
nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2035 theo Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày
05/8/2021 của Chính phủ, Nghị quyết số 38/2021/NQ- HĐND ngày 08/12/2021 của
HĐND tỉnh Quảng Nam về Quy định mức chi hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ rừng tự
nhiên trong các lưu vực thủy điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn
2022-2025; dịch vụ môi trường rừng, các dự án hỗ trợ của tổ chức quốc tế và phi
chính phủ,...
b) Phát triển và sử dụng rừng
Hoạt động lâm nghiệp đòi hỏi
nguồn vốn lớn, có kỹ thuật sản xuất, thực hiện có quy trình và thời gian thu hồi
giá trị dài. Vì vậy, cần phát huy hiệu quả các chương trình hỗ trợ phát triển rừng
đồng thời với triển khai các chương trình khuyến lâm để nâng cao kỹ thuật trồng
rừng, chăm sóc rừng. Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm
năng thế mạnh của các vùng, miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị thuộc
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc
thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày
14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ để thực hiện Nghị quyết số 120/2020/QH14
ngày 19/6/2020 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục
tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền
núi giai đoạn 2021 - 2030.
- Phát triển rừng theo hướng
chuyển đổi từ trồng keo chu kỳ ngắn (4 - 5 năm) sang trồng rừng gỗ lớn (8 - 10
năm) theo cơ chế hỗ trợ của Nhà nước và hỗ trợ xây dựng các mô hình cây bản địa
đa mục tiêu như rừng Lim xanh, Giỗi, Ươi, Trám,… gắn với phát triển dược liệu
dưới tán rừng.
- Phát triển lâm sản ngoài gỗ:
Là hoạt động lợi thế và tiềm năng đối với vùng đệm của tỉnh theo hướng trồng
xen canh và dưới tán rừng tự nhiên, như: Mô hình trồng và chế biến chè dây của
Hợp tác xã xã Tư huyện Đông Giang; mô hình trồng Mây (loài Mây nước - Calamus
armarus Lour, Daemonrop jenkiana Mart, Daemonrop polanei Dranst) dưới tán rừng
tự nhiên tại xã ATing, Mà Cooih huyện Đông Giang, xã Cà Dy, Tà Bhing huyện Nam
Giang; Nấm Linh chi tại huyện Núi Thành,... để dần tiến đến hình thành vùng
nguyên liệu thì việc hỗ trợ thành lập các nhóm hộ sản xuất và kết nối các nhóm
với những doanh nghiệp đáng tin cậy để đảm bảo thị trường ổn định, giá tốt. Vì
vậy, cần tổ chức rà soát, đánh giá hiệu quả các mô hình, loài cây và địa điểm để
triển khai hiệu quả, như:
+ Sâm Ngọc Linh và các loài dược
liệu khác: Tiếp tục hỗ trợ và giúp người dân tiếp cận được nguồn vốn phát triển
mô hình trồng Sâm Ngọc Linh và các loài dược liệu chủ lực khác tại các vùng có
điều kiện lập địa phù hợp như trồng Ba kích, Đảng sâm tại các huyện Phước Sơn,
Tây Giang,… theo Nghị quyết số 09/2022/NQ-HĐND ngày 21/4/2022 của HĐND tỉnh Quảng
Nam Quy định cơ chế khuyến khích bảo tồn, phát triển Sâm Ngọc Linh và cây dược
liệu khác trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022 - 2025; thực hiện cho thuê
môi trường rừng để trồng cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ và kinh doanh du lịch
sinh thái theo tinh thần Nghị quyết số 42/2017/NQ-HĐND ngày 07/12/2017 của HĐND
tỉnh Quảng Nam.
+ Cây Quế Trà My: Tiếp tục hỗ
trợ thực hiện theo Nghị quyết số 40/2017/NQ-HĐND ngày 07/12/2017 của HĐND tỉnh
Quảng Nam Quy định cơ chế hỗ trợ, bảo tồn và phát triển cây Quế Trà My trên địa
bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2025 tại các địa phương có điều kiện lập địa phù hợp.
c) Khai thác lâm sản tự
nhiên
Khai thác lâm sản ngoài gỗ được
thực hiện theo phương án quản lý rừng bền vững đã được cấp thẩm quyền phê duyệt
của từng khu rừng quy định tại Thông tư số 28/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của
Bộ Nông nghiệp và PTNT. Theo đó, thực hiện khoanh vùng các khu vực được khai
thác lâm sản ngoài gỗ, đảm bảo khai thác theo hướng tái sinh, tăng trưởng, song
song với đó là thực hiện công tác kiểm tra, giám sát để tránh tình trạng khai
thác sai vị trí, chủng loại lâm sản. Thực hiện đúng quy trình cấp phép khai
thác lâm sản ngoài gỗ sẽ mang ý nghĩa giúp bà con Nhân dân phát triển kinh tế rừng,
từ đó giảm thiểu tình trạng chặt, phá rừng, góp phần giúp bà con ổn định đời sống
đối với sinh kế lâm nghiệp.
Đối với rừng đặc dụng, nghiêm cấm
khai thác dưới mọi hình thức trong khu bảo vệ nghiêm ngặt và phục hồi sinh
thái. Tuy nhiên, đối với một số loài cây như Ươi, Trám sẽ xem xét cho phép người
dân khai thác quả (đã rụng dưới tán) có kiểm soát của chủ rừng và xác nhận của
cơ quan Kiểm lâm sở tại theo Điều 10, Thông tư số 27/2018/TT-BNNPTNT ngày
16/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc
lâm sản; đồng thời, xây dựng cơ chế đồng quản lý và hưởng lợi của cộng đồng
vùng đệm, thí điểm thực hiện các hoạt động đặc thù gắn bảo vệ rừng đặc dụng với
phát triển sinh kế cộng đồng vùng đệm như: khai thác bền vững lâm sản ngoài gỗ;
phát triển lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng có kiểm soát, không tác động làm ảnh
hưởng xấu đến hệ sinh thái rừng đặc dụng,…
2.4 Hoạt
động tiểu thủ công nghiệp
Các hoạt động phi nông nghiệp ở
vùng đệm đa dạng và phong phú; tuy nhiên hiện nay còn phân tán, nhỏ lẻ, tự phát
nên yếu tố liên kết thị trường rất hạn chế, đa số là tự cung tự cấp, chưa thu
hút được nhiều lao động và đang sản xuất theo hướng truyền thống. Vì vậy cần
khôi phục, mở rộng quy mô các hoạt động sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề
truyền thống theo chuỗi giá trị trên cơ sở tận dụng lợi thế các nguồn nguyên liệu
của địa phương và kết nối với các tổ chức, doanh nghiệp, các Hiệp hội nghề để mở
rộng thị trường tiêu thụ và hướng đến xuất khẩu, như:
- Phát triển nghề đan lát, dệt
thổ cẩm theo mô hình Hợp tác xã tại huyện Tây Giang (xã Gari, Lăng), Đông Giang
(xã Tà Lu và Sông Kôn) và Nam Giang (xã Tà Bhing) theo các mẫu mã của doanh
nghiệp đặt hàng đáp ứng nhu cầu khách du lịch nội địa và mở rộng theo hướng xuất
khẩu.
- Thu mua từ khai thác tự
nhiên; đầu tư và hỗ trợ kỹ thuật để trồng các loài Ba kích, Đảng sâm để sơ chế
và chế biến thành các sản phẩm như Cao Đảng sâm, Mứt, Kẹo Đảng sâm và các sản
phẩm rượu.
2.5 Hoạt
động du lịch và dịch vụ du lịch
Là hoạt động sinh kế tiềm năng ở
vùng đệm, người dân sống gần rừng có lợi thế để phát triển các dịch vụ du lịch,
đây cũng là hoạt động giúp nhiều cư dân vùng đệm chuyển đổi sinh kế, tạo việc
làm cho một lượng lớn lao động địa phương. Tuy nhiên, chất lượng lao động đối với
lĩnh vực du lịch chưa cao, thiếu kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ, quy định phân
phối người hưởng lợi vẫn chưa cụ thể. Để phát triển bền vững hoạt động sinh kế
này cần chú trọng xây dựng một hệ thống thiết chế rõ ràng đối với tổ chức khai
thác sản phẩm du lịch của địa phương trên cơ sở khảo sát, đánh giá tiềm năng,
hiện trạng, lập quy hoạch đảm bảo quy mô trước mắt, lâu dài, có chiến lược để
kêu gọi thu hút đầu tư, hợp tác phát triển du lịch dựa trên các lợi thế:
- Du lịch khám phá cảnh quan
thiên nhiên rừng - núi - sông suối - hồ đập; trải nghiệm tuần tra rừng cùng du
lịch mạo hiểm với hệ thống thác, ghềnh đá thông qua việc thiết kế các tuyến tuần
tra bảo vệ rừng, giám sát đa dạng sinh học, đặt bẫy ảnh trong rừng.
- Du lịch tìm hiểu văn hóa, lịch
sử, làng nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số miền núi thông qua các làng
du lịch cộng đồng sẵn có và đầu tư phát triển mở rộng trong tương lai (mô hình
tại thôn Tà làng, xã Bhalêê, huyện Tây Giang; thôn BhơHôồng, xã Sông Kôn, huyện
Đông Giang; thôn ĐhơRôồng, xã Tàlu, huyện Đông Giang, Làng du lịch cộng đồng dựa
vào Cơ tu Nam Giang…).
- Du lịch sinh thái gắn với
nông nghiệp và các cảnh quan thiên nhiên dọc theo sông ở vùng trung du như:
Làng du lịch Đại Bình, Nông Sơn; Làng du lịch cộng đồng Lộc Yên, Tiên Phước...
- Nghiên cứu phát triển các sản
phẩm du lịch trên các lòng hồ thủy điện như: Du thuyền, chèo thuyền kayak, câu
cá, đánh lưới, thưởng thức ẩm thực địa phương, các loại hình thể thao mạo hiểm,
vui chơi giải trí cao cấp trên núi và trên mặt nước.
- Xây dựng kế hoạch đào tạo
chuyên môn nghiệp vụ về du lịch dịch vụ cho đội ngũ lao động tại địa phương.
3. Về
kinh phí thực hiện
- Ngân sách Trung ương thông
qua Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững; Dự án Bảo vệ phát triển rừng
và lồng ghép vốn từ hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất của 03 chương trình
(nông thôn mới, giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc
thiểu số và miền núi).
- Ngân sách địa phương: Từ nguồn
kinh phí sự nghiệp thực hiện các cơ chế, chính sách như hỗ trợ công tác quản
lý, bảo vệ rừng tự nhiên trong các lưu vực thủy điện trên địa bàn tỉnh tại Nghị
quyết số 38/2021/NQ-HĐND ngày 08/12/2021 của HĐND tỉnh Quảng Nam; cơ chế khuyến
khích bảo tồn, phát triển Sâm Ngọc Linh và cây dược liệu khác trên địa bàn tỉnh
theo Nghị quyết số 09/2022/NQ-HĐND ngày 21/4/2022 của HĐND tỉnh Quảng Nam; Cơ
chế hỗ trợ, bảo tồn và phát triển cây Quế Trà My trên địa bàn tỉnh theo Nghị
quyết số 40/2017/NQ-HĐND ngày 07/12/2017 của HĐND tỉnh Quảng Nam; cơ chế, chính
sách hỗ trợ phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại theo Nghị quyết
35/2021/NQ-HĐND ngày 29/9/2021 của HĐND tỉnh Quảng Nam; cơ chế, chính sách hỗ
trợ về liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị quyết
số 17/2019/NQ-HĐND ngày 17/12/2019 của HĐND tỉnh Quảng Nam; cơ chế, chính sách
hỗ trợ phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
giai đoạn 2022-2025,...
- Nguồn kinh phí khác: Chi trả
dịch vụ môi trường rừng, kinh doanh tín chỉ cac-bon, các dự án hỗ trợ từ các tổ
chức quốc tế, phi chính phủ đã và đang triển khai trên địa bàn tỉnh (dự án Dự
trữ cac-bon và bảo tồn đa dạng sinh học - CarBi 2, dự án Quản lý rừng bền vững
và bảo tồn đa dạng sinh học - VFBC); nguồn huy động viện trợ, liên doanh, liên
kết từ doanh nghiệp, hiệp hội nghề nghiệp và nguồn tự đầu tư của tổ chức, hộ
gia đình, cá nhân.
IV. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Sở Nông nghiệp và PTNT
- Là cơ quan chủ trì theo dõi,
đôn đốc, giám sát việc triển khai thực hiện Chương trình này.
- Tổng hợp tình hình và tham
mưu UBND tỉnh Quảng Nam sơ kết đánh giá kết quả thực hiện trong tháng 12 năm
2022 và định kỳ 06 tháng, hàng năm kể từ năm 2023 để rút kinh nghiệm, kịp thời
tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và thực hiện tốt hơn trong thời gian tiếp theo.
- Ưu tiên lồng ghép việc hỗ trợ,
phát triển sinh kế cho người dân vào các chương trình khuyến nông theo quy định
của pháp luật.
2. Sở Công Thương chủ trì, phối
hợp lồng ghép để triển khai các nội dung trong Chương trình sinh kế cho người
dân lưu vực các hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 tại Quyết định số
978/QĐ-UBND ngày 13/4/2022 của UBND tỉnh Quảng Nam.
3. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông
nghiệp và PTNT hướng dẫn UBND cấp huyện về hồ sơ, thủ tục giao đất gắn với giao
rừng tự nhiên cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn theo Nghị quyết số
15-NQ/TU ngày 14/10/2021 của Tỉnh ủy Quảng Nam.
- Hướng dẫn, giải quyết thủ tục
để sớm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các Ban quản lý rừng làm cơ sở
pháp lý triển khai cắm mốc; xử lý tranh chấp về đất lâm nghiệp và phối hợp với
Sở Nông nghiệp và PTNT giải quyết các tranh chấp, xử lý vi phạm trong lĩnh vực
lâm nghiệp.
4. Các Sở, Ban ngành, đơn vị
liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chịu trách nhiệm phối hợp triển
khai thực hiện Chương trình đầu tư, phát triển vùng đệm tại các khu rừng đặc dụng
và sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tại các cộng đồng giáp các khu rừng phòng hộ
trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đến năm 2025 theo đúng quy định của pháp luật; triển
khai có hiệu quả Kế hoạch số 3311/KH-UBND ngày 03/6/2021 của UBND tỉnh Quảng
Nam triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 04/5/2021 của Tỉnh ủy về
tiếp tục đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021
- 2025.
5. UBND các huyện, thị xã,
thành phố có rừng
- Thường xuyên tổ chức vận động,
tuyên truyền người dân về ý thức, tinh thần và trách nhiệm về phát triển kinh tế
gia đình, chuyển đổi mô hình kinh tế hộ gia đình, đảm bảo sinh kế bền vững, lâu
dài.
- Chủ động định hướng và phối hợp
với Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công Thương và các Ban quản lý rừng xây dựng các
mô hình và kế hoạch thực hiện các mô hình phát triển sinh kế bền vững cho người
dân đảm bảo hiệu quả và sát với nhu cầu thực tế, điều kiện cụ thể của địa
phương mình.
- Nghiên cứu xây dựng và đề xuất
Đề án phát triển du lịch sinh thái khu vực vùng đệm các khu rừng đặc dụng,
phòng hộ gắn với du lịch cộng đồng, văn hóa, lịch sử, làng nghề truyền thống.
- Lồng ghép các chương trình
như xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -
xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; hỗ trợ
kỹ thuật, giống, tài chính để hỗ trợ người dân có điều kiện phát triển sinh kế.
6. Các Ban quản lý rừng đặc dụng,
phòng hộ trên địa bàn tỉnh
- Chủ trì, tăng cường phối hợp
hơn nữa với chính quyền địa phương (thôn, bản, xã, huyện) tổ chức xây dựng các
mô hình cho vùng đệm tại lâm phận quản lý và triển khai hiệu quả các mô hình
phát triển sinh kế bền vững cho người dân phù hợp với đặc thù địa hình, tập
quán của địa phương; tham khảo, vận dụng triển khai các mô hình phát triển sinh
kế cho người dân vùng đệm đảm bảo thiết thực, hiệu quả.
- Thường xuyên theo dõi, hướng
dẫn kỹ thuật, nâng cao kiến thức, phương thức tổ chức sản xuất và chuyển giao
các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt, hoạt động sản xuất của
người dân trong quá trình triển khai các mô hình sinh kế.
- Tiếp tục thực hiện tốt công
tác quản lý bảo vệ rừng, ổn định đời sống của người dân trên địa bàn; quan tâm,
giúp đỡ, hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao sinh kế cho người dân vùng đệm.
- Tăng cường hỗ trợ, bố trí nguồn
vốn, lồng ghép các nguồn kinh phí cho chương trình đầu tư, phát triển sinh kế
người dân vùng đệm trên lâm phận./.