HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
35/2021/NQ-HĐND
|
Quảng Nam, ngày
29 tháng 9 năm 2021
|
NGHỊ QUYẾT
QUY ĐỊNH CƠ CHẾ HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN KINH TẾ VƯỜN, KINH TẾ
TRANG TRẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM GIAI ĐOẠN 2021-2025
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
KHÓA X, KỲ HỌP THỨ BA
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11
năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản
quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước
ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số
163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi
hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Nghị định số
55/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục
vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07 tháng
9 năm 2018 về sửa đổi, bổ sung Nghị định 55/2015/NĐ-CP ;
Căn cứ Thông tư số
02/2020/TT-BNNPTNT ngày 28 tháng 02 năm 2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn quy định về tiêu chí kinh tế trang trại;
Xét Tờ trình số
6103/TTr-UBND ngày 14 tháng 9 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về đề nghị ban
hành Nghị quyết quy định cơ chế hỗ trợ phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang
trại trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025; Báo cáo thẩm tra số
129/BC-HĐND ngày 22 tháng 9 năm 2021 của Ban Dân tộc Hội đồng nhân dân tỉnh; ý
kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Phạm
vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định cơ chế hỗ trợ phát triển
kinh tế vườn (KTV), kinh tế trang trại (KTTT) trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai
đoạn 2021-2025.
2. Đối tượng áp dụng
a) Cá nhân, chủ hộ gia đình có
vườn (gọi tắt là chủ vườn), chủ trang trại có hoạt động sản xuất trong lĩnh vực
nông, lâm nghiệp và thủy sản đáp ứng các nguyên tắc được quy định tại Nghị quyết
này.
b) Các tổ chức, cá nhân khác có
liên quan trong thực hiện cơ chế phát triển KTV, KTTT.
Điều 2. Một
số quy định chung
1. Quy định khu vực áp dụng
a) Khu vực I: Gồm các huyện, thị
xã, thành phố: Tam Kỳ, Hội An, Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên, Thăng Bình, Quế
Sơn, Phú Ninh và Núi Thành.
b) Khu vực II: Gồm các huyện:
Hiệp Đức, Tiên Phước và Nông Sơn.
c) Khu vực III: Gồm các huyện:
Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Bắc Trà My và Nam Trà My.
2. Quy định đối với vườn, trang
trại
a) Quy định đối với vườn
Vườn là phần diện tích tối thiểu
đất canh tác còn lại sau khi trừ diện tích nhà ở, vật kiến trúc, công trình xây
dựng khác hoặc là phần diện tích đất liền thửa của vườn đồi/vườn rừng.
Quy mô diện tích tối thiểu của
vườn từ 1.000m2 trở lên.
b) Quy định đối với trang trại
Trang trại đạt tiêu chí quy định
tại Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT ngày 28 tháng 02 năm 2020 của Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn quy định về tiêu chí kinh tế trang trại và các quy định
khác tại Nghị quyết này.
Ưu tiên lựa chọn chủ trang trại
có dự án/phương án sản xuất để khai thác các giá trị kinh tế dưới tán rừng.
3. Quy định đối với các loại
cây trồng được hỗ trợ; không được hỗ trợ
a) Các loại cây trồng được hỗ
trợ
Các loại cây hàng năm (rau củ
quả các loại, hoa, cây dược liệu ngắn ngày); các loại cây lâu năm (cây ăn quả,
cây công nghiệp, cây dược liệu dài ngày) được ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo
sản xuất.
b) Không áp dụng cơ chế hỗ trợ
đối với chủ trang trại lâm nghiệp trồng các loại keo làm nguyên liệu giấy.
Điều 3.
Nguyên tắc và phương thức hỗ trợ
1. Nguyên tắc hỗ trợ
a) Chủ vườn, chủ trang trại thường
trú tại tỉnh Quảng Nam, có phương án/dự án sản xuất - kinh doanh phù hợp với định
hướng phát triển sản xuất nông nghiệp, cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong quy
hoạch vùng huyện và Đề án phát triển KTV, KTTT của các huyện, thị xã, thành phố.
b) Đất sản xuất phải đảm bảo sử
dụng ổn định, lâu dài, không tranh chấp, không vi phạm quy định pháp luật về đất
đai và được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận. Đối với các phương án/dự án KTV,
KTTT thực hiện trên diện tích đất sử dụng cho mục đích lâm nghiệp thì đối tượng
đưa vào sản xuất phải phù hợp và áp dụng các quy định sản xuất nông, lâm nghiệp
kết hợp trên đất lâm nghiệp theo quy định tại Nghị định 156/2018/NĐ-CP ngày
16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật lâm nghiệp.
c) Đối tượng thụ hưởng cơ chế hỗ
trợ theo quy định tại Nghị quyết này được hỗ trợ tối đa 01 vườn và 01 trang trại
và chỉ được hỗ trợ một lần cho một nội dung được hỗ trợ.
d) Tại cùng một thời điểm triển
khai thực hiện, cùng nội dung mà có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ khác nhau,
thì đối tượng thụ hưởng chỉ được lựa chọn một chính sách ưu đãi, hỗ trợ có lợi
nhất.
2. Phương thức hỗ trợ: Hỗ trợ
sau đầu tư (trừ các nội dung tại các điểm a, b, c, khoản 1 Điều 4 Nghị quyết
này).
Điều 4. Nội
dung và mức hỗ trợ
1. Hỗ trợ chung đối với KTV, KTTT
a) Chi thông tin, tuyên truyền
về KTV, KTTT: Theo dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt; nội dung, mức chi
cụ thể thực hiện theo Nghị định số 18/2014/NĐ-CP ngày 14/3/2014 của Chính phủ
quy định chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản và các quy định hiện
hành khác.
b) Chi hội nghị, hội thảo, tập
huấn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, chủ vườn, chủ trang trại: Theo dự
toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt; nội dung, mức chi cụ thể thực hiện theo
Thông tư số 36/2018/TT-BTC ngày 30/3/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự
toán quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng
cán bộ công chức, viên chức; Thông tư số 76/2018/TT-BTC ngày 17/8/2018 của Bộ
Tài chính hướng dẫn nội dung, mức chi ngân sách nhà nước để thực hiện việc xây
dựng chương trình đào tạo, biên soạn giáo trình môn học đối với giáo dục đại học,
giáo dục nghề nghiệp và các quy định hiện hành khác; Nghị quyết số
20/2017/NQ-HĐND ngày 19/7/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định mức chi chế
độ công tác phí, chế độ hội nghị áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh.
c) Chi tham quan, học tập kinh
nghiệm về KTV, KTTT trong và ngoài tỉnh: Theo dự toán được cấp có thẩm quyền
phê duyệt; nội dung, mức chi cụ thể thực hiện theo Nghị quyết số 20/2017/NQ-HĐND
của Hội đồng nhân dân tỉnh.
d) Hỗ trợ xây dựng, áp dụng hệ
thống quản lý chất lượng tiên tiến cho các sản phẩm từ KTV, KTTT: Theo dự toán
được cấp có thẩm quyền phê duyệt; nội dung, mức chi thực hiện theo quy định tại
Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐND ngày 12/7/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định
một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển hoạt động khoa học và công nghệ
trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2019-2025.
e) Hỗ trợ thiết kế mẫu mã, bao
bì đóng gói, tem điện tử (truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản từ vườn, trang
trại): Hỗ trợ 50% chi phí và không quá 05 triệu đồng/01 sản phẩm. Tổng mức hỗ
trợ không quá 05 triệu đồng/chủ vườn và không quá 10 triệu đồng/chủ trang trại.
f) Hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu
hàng hóa nông sản từ vườn, trang trại: Chi theo dự toán được cấp có thẩm quyền
phê duyệt; nội dung, mức hỗ trợ thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số
02/2019/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh.
g) Hỗ trợ lãi suất tiền vay:
Ngân sách tỉnh hỗ trợ kinh phí trả lãi suất tiền vay cho các tổ chức tín dụng,
chi nhánh ngân hàng nước ngoài được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật
các tổ chức tín dụng để đầu tư phát triển vườn, trang trại; mức lãi suất tiền
vay để làm cơ sở cho việc hỗ trợ từ ngân sách tỉnh phải được chủ vườn, chủ
trang trại thỏa thuận phù hợp với mức lãi suất quy định của Ngân hàng Nhà nước
Việt Nam trong từng thời kỳ, cụ thể:
Đối với vườn trồng cây hàng
năm: Hạn mức vốn vay được hỗ trợ lãi suất tối đa 60% tổng vốn đầu tư nhưng
không quá 300 triệu đồng/vườn; mức hỗ trợ là 50% lãi suất vay thực trả; thời
gian hỗ trợ tối đa 01 năm (12 tháng)/chủ vườn.
Đối với vườn trồng cây lâu năm:
Hạn mức vốn vay được hỗ trợ lãi suất tối đa 60% tổng vốn đầu tư nhưng không quá
500 triệu đồng/vườn; mức hỗ trợ là 50% lãi suất vay thực trả; thời gian hỗ trợ
tối đa 03 năm (36 tháng)/chủ vườn.
Đối với trang trại: Hạn mức vốn
vay được hỗ trợ lãi suất tối đa 60% tổng vốn đầu tư nhưng không quá 1.000 triệu
đồng/trang trại; mức hỗ trợ là 50% lãi suất vay thực trả. Thời gian hỗ trợ tối
đa: 01 năm (12 tháng)/chủ trang trại trồng cây hàng năm, trang trại chăn nuôi,
nuôi trồng thủy sản có chu kỳ nuôi từ 01 năm trở xuống, trang trại tổng hợp
(không có đối tượng có chu kỳ sản xuất lớn hơn 01 năm); 03 năm (36 tháng)/chủ
trang trại trồng cây lâu năm, trang trại lâm nghiệp, trang trại tổng hợp (có ít
nhất 01 đối tượng có chu kỳ sản xuất lớn hơn 01 năm), trang trại chăn nuôi,
nuôi trồng thủy sản có chu kỳ nuôi lớn hơn 01 năm (hỗ trợ không quá 01 chu kỳ sản
xuất, từ khi nuôi đến khi khai thác).
Khi Nghị quyết này hết hiệu lực
thi hành theo thời gian, trường hợp chủ vườn, chủ trang trại đã được cấp có thẩm
quyền thống nhất hỗ trợ lãi suất tiền vay trước thời điểm 31/12/2025 thì được hỗ
trợ lãi suất cho đến hết thời hạn hỗ trợ vay vốn.
h) Hỗ trợ xây dựng công trình cấp
nước: Hỗ trợ xây dựng 01 công trình (đối với chủ vườn) và tối đa 02 công trình
(đối với chủ trang trại) để xây dựng công trình cấp nước như: Giếng khoan/giếng
đóng, giếng đào hoặc lắp đặt đường ống dẫn nước từ các nguồn. Hỗ trợ tối đa:
70% giá trị một trong các công trình cấp nước, nhưng không quá 30 triệu đồng/công
trình đối với Khu vực I; 80% giá trị một trong các công trình cấp nước, nhưng
không quá 40 triệu đồng/công trình đối với Khu vực II; 90% giá trị một trong
các công trình cấp nước, nhưng không quá 50 triệu đồng/công trình đối với Khu vực
III.
i) Hỗ trợ xây dựng, lắp đặt các
hệ thống tưới (tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm như: Tưới nhỏ giọt, phun mưa, tưới
ngầm) để phục vụ cho phát triển KTV, KTTT: Mức hỗ trợ thực hiện theo quy định tại
Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 13/01/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định
chính sách hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến,
tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025.
2. Hỗ trợ riêng đối với kinh tế
vườn
a) Hỗ trợ tối đa 50% kinh phí
cho chủ vườn thực hiện chỉnh trang, cải tạo vườn (loại bỏ cây tạp, cải tạo mặt
bằng, làm tường rào, cổng ngõ: xếp đá, hàng rào bằng cây xanh để tạo cảnh
quan). Mức hỗ trợ tối đa: 04 triệu đồng/1.000m2 đối với Khu vực I;
4,5 triệu đồng/1.000m2 đối với Khu vực II; 05 triệu đồng/1.000m2
đối với Khu vực III. Tổng mức hỗ trợ tối đa 10 triệu đồng/chủ vườn.
b) Hỗ trợ giống cây trồng và vật
tư phục vụ sản xuất
Hỗ trợ kinh phí mua giống cây
trồng dài ngày: Hỗ trợ tối đa: 30% kinh phí nhưng không quá 3,5 triệu đồng đối
với Khu vực I; 50% kinh phí nhưng không quá 4,0 triệu đồng đối với Khu vực II;
80% kinh phí nhưng không quá 4,5 triệu đối với Khu vực III.
Hỗ trợ kinh phí mua phân bón và
thuốc bảo vệ thực vật (khuyến khích sử dụng các sản phẩm từ sinh học). Mức hỗ
trợ tối đa: 400.000 đồng/1.000m2 đối với Khu vực I; 600.000 đồng/1.000m2
đối với Khu vực II; 800.000 đồng/1.000m2 đối với Khu vực III. Hạn mức
diện tích được tính hỗ trợ không quá 3.000m2/chủ vườn.
3. Hỗ trợ riêng đối với trang
trại
a) Hỗ trợ tối đa 50% tổng kinh
phí thực hiện thiết kế và cải tạo mặt bằng làm trang trại. Mức hỗ trợ tối đa:
30 triệu đồng đối với Khu vực I; 35 triệu đồng đối với Khu vực II; 40 triệu đồng
đối với Khu vực III.
b) Hỗ trợ hạ tầng sản xuất bên
trong trang trại
Hỗ trợ tối đa 50% tổng kinh phí
đầu tư máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản tại
trang trại, nhưng không quá 250 triệu đồng/trang trại.
Hỗ trợ 50% kinh phí xây dựng
các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất, bao gồm: Chi phí xây dựng chuồng trại
(chuồng trại phải có hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi, đảm bảo không gây ô
nhiễm môi trường), xây dựng ao nuôi/lồng nuôi đối với trang trại thủy sản; nhà
lưới, nhà kính; hàng rào bảo vệ; nhà xưởng; nhà sơ chế, bảo quản, chế biến nông
lâm thủy sản. Tổng kinh phí hỗ trợ tối đa 300 triệu đồng/trang trại.
Điều 5.
Kinh phí thực hiện
1. Ngân sách tỉnh bố trí khoảng
50 tỷ đồng/năm từ nguồn vốn sự nghiệp để thực hiện Nghị quyết này. Hằng năm, tùy
vào điều kiện, khả năng cân đối ngân sách của tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo
rà soát, tổng hợp vào dự toán ngân sách trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, bố
trí thêm mức vốn cho phù hợp để triển khai thực hiện.
2. Vốn ngân sách cấp huyện.
3. Vốn lồng ghép từ các Chương
trình mục tiêu quốc gia, đề án, dự án khác.
4. Vốn huy động từ các chủ vườn,
chủ trang trại và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Điều 6. Tổ
chức thực hiện
1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh
triển khai thực hiện Nghị quyết.
2. Thường trực Hội đồng nhân
dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh
giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
3. Trường hợp các văn bản được
dẫn chiếu tại Nghị quyết này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản mới
thì áp dụng theo văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.
Nghị quyết này đã được Hội đồng
nhân dân tỉnh Quảng Nam khóa X, kỳ họp thứ ba thông qua ngày 29 tháng 9 năm
2021 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11 tháng 10 năm 2021.
Nơi nhận:
- UBTVQH;
- Chính phủ;
- VP: QH, CTN, CP;
- Ban CTĐB-UBTVQH;
- Các Bộ: NN và PTNT, TC, KH-ĐT;
- Cục Kiểm tra VBQPPL - Bộ Tư pháp;
- Ban TVTU, TT HĐND, UBND tỉnh;
- UBMTTQVN, Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Các Ban của HĐND tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- VP: Tỉnh ủy, UBND tỉnh;
- Sở, ban, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh;
- TT HĐND, UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- TTXVN tại Quảng Nam;
- Báo Quảng Nam, Đài PT-TH tỉnh;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- VP Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh: CPVP, các phòng;
- Lưu: VT, CTHĐND (Hà).
|
CHỦ TỊCH
Phan Việt Cường
|