ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 55/NQ-HĐND
|
Sơn La, ngày 21 tháng 07 năm 2017
|
NGHỊ QUYẾT
PHÊ CHUẨN ĐỀ ÁN XÃ HỘI HÓA CÁC HOẠT ĐỘNG TRONG LĨNH VỰC Y TẾ TRÊN ĐỊA
BÀN TỈNH, GIAI ĐOẠN 2017 - 2021
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH SƠN LA
KHOÁ XIV, KỲ HỌP THỨ 4
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương năm 2015; Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015; Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009; Luật Bảo hiểm y tế năm 2008; Luật sửa đổi,
bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế năm 2014; Luật đất đai năm 2013; Luật
Đầu tư năm 2014; Nghị định số 53/2006/NĐ-CP ngày 25/5/2006 của Chính phủ về
chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập;
Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về Chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động
trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường; Nghị
quyết số 40/NQ-CP ngày 09/8/2012 của Chính phủ ban
hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện thông báo kết luận của Bộ
Chính trị về đề án “Đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập,
đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công”; Nghị định số
43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều
của Luật Đất đai; Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy
định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp y tế; Nghị
quyết số 93/NQ-CP ngày 15/12/2014 của Chính phủ quy định về một số cơ chế chính
sách phát triển y tế về một số cơ chế, chính sách phát triển y tế; Quyết định số
1466/QĐ-TTg ngày 10/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục chi tiết
các loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn của các cơ sở
thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục - đào
tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường; Quyết định số 122/QĐ-TTg
ngày 10/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo vệ,
chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011- 2020, tầm nhìn đến năm
2030;
Xét đề nghị của UBND tỉnh tại Tờ
trình số 313/TTr-UBND ngày 30/6/2017; Báo cáo thẩm tra số 168/BC-HĐND ngày
17/7/2017 của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND và ý kiến thảo luận tại kỳ họp;
QUYẾT NGHỊ
Điều 1. Phê chuẩn
Đề án xã hội hóa các hoạt động trong lĩnh vực y tế trên địa bàn tỉnh, giai đoạn
2017 - 2021 (có Đề án kèm theo).
Điều 2. Tổ chức
thực hiện.
1. UBND tỉnh tổ chức thực hiện Nghị
quyết.
2. Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của
HĐND tỉnh, Tổ đại biểu HĐND tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện
Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được HĐND tỉnh Sơn La khoá XIV, kỳ họp thứ tư thông qua ngày 20
tháng 7 năm 2017 và có hiệu lực thi hành từ ngày thông qua./.
Nơi nhận:
- Ủy ban thường vụ Quốc
hội; Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội; VP Chủ tịch nước; VP Chính phủ;
- UB Tài chính - Ngân sách của Quốc hội;
- Ban Chỉ đạo Tây Bắc;
- Ban công tác đại biểu của UBTVQH; .
- Bộ Nội vụ; Bộ Tài chính; Bộ Tư pháp; Bộ Y tế;
- Cục Kiểm tra VBQPPL - Bộ Tư pháp;
- Ban Thường vụ tỉnh ủy;
- TT HĐND; UBND; UBMTTQVN tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh; Đại biểu HĐND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, Đoàn thể tỉnh;
- VP: Tỉnh ủy, ĐĐBQH, HĐND, UBND tỉnh;
- TT Huyện ủy, Thành ủy, HĐND;UBND huyện, thành phố;
- Trung tâm công báo tỉnh; Chi cục VTLT tỉnh;
- HĐND, UBND xã, phường, thị trấn;
- Lưu: VT, Hương (250b).
|
CHỦ TỊCH
Hoàng Văn Chất
|
ĐỀ ÁN
XÃ HỘI HÓA CÁC HOẠT ĐỘNG TRONG LĨNH VỰC Y TẾ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH, GIAI ĐOẠN
2017 - 2021
(kèm theo Nghị quyết số 55/NQ-HĐND ngày 21/7/2017 của HĐND tỉnh)
Phần I
SỰ CẦN THIẾT XÂY
DỰNG ĐỀ ÁN
I. CƠ SỞ PHÁP LÝ
- Luật Tổ chức
chính quyền địa phương năm 2015; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm
2015; Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015; Luật Bảo hiểm y tế năm 2008; Luật Khám
bệnh, chữa bệnh năm 2009; Luật Đất đai năm 2013; Luật sửa đổi, bổ sung một số
điều của Luật Bảo hiểm y tế năm 2014; Luật Đầu tư năm 2014; Luật Giá năm 2012;
Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2008;
- Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày
23.02.2005 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe
nhân dân trong tình hình mới;
- Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày
18/4/2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao;
- Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày
15/12/2014 của Chính phủ quy định về một số cơ chế chính sách phát triển y tế;
- Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày
25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu
trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối
với đơn vị sự nghiệp công lập;
- Nghị định số 53/2006/NĐ-CP ngày
25/5/2006 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở cung ứng
dịch vụ ngoài công lập;
- Nghị định số
69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về Chính sách khuyến khích xã hội
hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể
thao, môi trường;
- Nghị định số 85/2012/NĐ-CP ngày
15/10/2012 của Chính phủ về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn
vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở
khám bệnh, chữa bệnh công lập;
- Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày
14/02/2015 của Chính phủ về quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp y tế ;
- Quyết định số
1466/QĐ-TTg ngày 10/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục chi tiết các loại
hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn của các cơ sở thực hiện xã hội hoá trong lĩnh
vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường;
- Công văn số 193/TTg-VX ngày
26/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số
05/2005/NQ-CP của Chính phủ ngày 26/01/2006;
- Nghị quyết số 31-NQ/TU ngày
24/6/2005 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức
khoẻ nhân dân trong tình hình mới;
- Chỉ thị số 08-CT/TU ngày 28/11/2016
của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Kết luận số 118-KL/TW ngày 04/01/2016 của
Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa
IX về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
- Đề án được thực hiện tuân thủ theo
các văn bản pháp luật hiện hành.
II. CƠ SỞ THỰC TIỄN
Trong những năm qua, sự nghiệp bảo vệ,
chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân của nước ta nói chung và tỉnh Sơn La nói
riêng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Cơ hội tiếp cận với các dịch vụ chăm
sóc sức khỏe của người dân trong tỉnh ngày càng được tăng cường và cải thiện,
các chỉ tiêu về sức khỏe không ngừng được tăng lên. Hệ thống y tế từng bước được
củng cố, các dịch vụ y tế được triển khai trên địa bàn khá đa dạng; cơ sở vật
chất, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ người bệnh từng bước
được cải thiện; việc cung ứng thuốc và thiết bị y tế cơ bản đáp ứng được nhu cầu
thiết yếu của hoạt động khám, chữa bệnh cũng như dự phòng; nhiều kỹ thuật mới
trong chẩn đoán điều trị được triển khai hiệu quả; việc thực hiện quy tắc giao
tiếp ứng xử giữa nhân viên y tế với bệnh nhân được chú trọng; trình độ của đội
ngũ cán bộ y tế và chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được nâng
cao.
Tuy nhiên, công tác bảo vệ chăm sóc
và nâng cao sức khỏe nhân dân của tỉnh hiện vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập
như: Hệ thống y tế chậm đổi mới, chưa thích ứng kịp với tốc độ phát triển kinh
tế - xã hội của tỉnh chất lượng dịch vụ y tế chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng
tăng và đa dạng của nhân dân; tổ chức mạng lưới và các hoạt động của hệ thống y
tế dự phòng còn nhiều hạn chế. Hạ tầng cơ sở chưa đạt chuẩn, một số đơn vị chưa
có trụ sở làm việc hoặc đang phải ghép với trụ sở của đơn vị khác; trang thiết
bị y tế thiếu đồng bộ, xuống cấp và lạc hậu. Đội ngũ cán bộ y tế thiếu về số lượng
và hạn chế về chất lượng, cơ cấu nhân lực chưa hợp lý.
Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội,
nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ngày càng cao, trong khi khả năng đáp ứng
của hệ thống y tế còn hạn chế. Đặc biệt hiện nay, hệ thống y tế trên địa bàn tỉnh
Sơn La cũng như toàn ngành y tế trong cả nước đang phải đối mặt với rất nhiều
thay đổi như: Mô hình tổ chức của các đơn vị y tế dự phòng tuyến tỉnh và các
đơn vị tuyến huyện đang có sự chuyển đổi; việc tuyển dụng
và sử dụng nhân lực trong các đơn vị sự nghiệp y tế cũng có nhiều thay đổi theo
các quy định mới. Đáng chú ý là sự đổi mới về phương thức quản lý các đơn vị sự
nghiệp y tế theo phương châm quản lý dịch vụ công, đẩy mạnh tự chủ cổ phần hóa
và hạch toán giá dịch vụ.
Thực tế hiện nay trên địa bàn tỉnh có
nhiều người có nhu cầu và khả năng tài chính để khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe
theo yêu cầu riêng; đồng thời với tình hình kinh tế - xã hội và đặc điểm hoạt động
ngành y tế hiện nay, thì việc xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án xã hội hóa
các hoạt động trong lĩnh vực y tế trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2017 - 2021 là hết
sức cần thiết.
III. NGUYÊN TẮC
XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
1. Đảm bảo
thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.
2. Phù hợp
với điều kiện thực tế của địa phương.
3. Bảo đảm
được mức thu để bù đắp chi phí thực tế hợp lý, có tích lũy phù hợp với mặt bằng
giá cả thị trường và chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà
nước trong từng thời kỳ có tác động đến giá dịch vụ.
4. Công
khai minh bạch, dân chủ và thống nhất.
IV. QUAN ĐIỂM XÂY
DỰNG ĐỀ ÁN
1. Xã hội
hóa y tế là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, thực hiện xã hội hóa y tế là
chính sách lâu dài, nhằm xác định một cách đúng đắn quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi
người dân với sự phát triển của xã hội, vận động mọi người,
mọi lực lượng trong xã hội tích cực góp phần vào sự phát triển sự nghiệp chăm
sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
2. Đa dạng
hóa các hình thức chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, mở rộng cơ hội cho các
tầng lớp nhân dân tham gia chủ động và bình đẳng vào các hoạt động y tế trong
khuôn khổ chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước; Mở rộng các nguồn đầu
tư, khai thác tiềm năng về nhân lực, vật lực và trí lực trong xã hội cho công
tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
3. Góp phần
quan trọng để thực hiện chính sách công bằng xã hội trong
chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Xã hội hóa y tế không loại trừ trách
nhiệm của Nhà nước và cộng đồng trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe những
người thuộc diện chính sách, người có công, người nghèo.
4. Xã hội
hóa y tế phải đảm bảo gắn với chất lượng và hiệu quả; đảm bảo công bằng xã hội
về chăm sóc sức khỏe cho mọi người dân; thực hiện hiệu quả các hoạt động khám,
chữa bệnh.
V. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG
ÁP DỤNG
1. Phạm
vi thực hiện: Trên địa bàn tỉnh.
2. Đối tượng
áp dụng
- Đơn vị sự nghiệp y tế công lập do
cơ quan có thẩm quyền của nhà nước thành lập theo quy định của pháp luật, có tư
cách pháp nhân, cung cấp dịch vụ công, phục vụ quản lý nhà nước (sau đây gọi
chung là đơn vị sự nghiệp công).
- Các cơ sở y tế ngoài công lập, các
doanh nghiệp có đủ điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật đầu tư dự án
hoạt động trong lĩnh vực y tế.
- Người hưởng lợi từ đề án: Nhân dân
các dân tộc tỉnh Sơn La; cán bộ viên chức các đơn vị y tế có thực hiện xã hội
hóa; cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động xã hội hóa.
Phần II
NỘI DUNG ĐỀ ÁN
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Huy động tối đa nguồn lực của các tổ
chức, cá nhân và cộng đồng đầu tư phát triển sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng
cao sức khỏe nhân dân theo hướng giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước; gia
tăng các dịch vụ kỹ thuật cao, chuyên sâu, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế,
xây dựng hệ thống y tế từng bước hiện đại, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu ngày càng
cao, ngày càng đa dạng trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân giảm số lượng
bệnh nhân phải chuyển tuyến trên, nâng cao năng lực chuyên môn và đời sống của
cán bộ viên chức ngành y tế; đảm bảo các chính sách ưu việt trong chăm sóc sức
khỏe nhân dân, nhất là đối tượng được hưởng BHYT, người nghèo..., phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
2. Mục tiêu cụ thể: Phấn đấu đến năm 2021 đạt các mục tiêu sau:
2.1. Huy
động khoảng 550 tỷ đồng ngoài ngân sách đầu tư vào lĩnh vực y tế.
2.2. Chuyển
05 bệnh viện đa khoa và 01 số bệnh viện chuyên khoa công lập sang mô hình hoạt
động theo cơ chế tự chủ hoàn toàn.
2.3. Tăng
thêm 200 số cơ sở y tế ngoài công lập hiện có, trong đó có 02 bệnh viện tư nhân
với 300 giường bệnh; số giường bệnh xã hội hóa của các bệnh viện công lập đạt
1.800 giường.
2.4. Tăng
bình quân từ 8-10 dịch vụ kỹ thuật mới hiện đại, tiên tiến/năm
II. NỘI DUNG ĐỀ
ÁN
1. Các loại
dịch vụ thực hiện xã hội hóa
1.1. Dịch
vụ khám bệnh và điều trị bệnh theo yêu cầu: Người bệnh được quyền đăng ký, lựa chọn
thầy thuốc có trình độ tại bệnh viện hoặc các thầy thuốc tuyến tỉnh, tuyến
trung ương do các bệnh viện hợp đồng về khám chữa bệnh.
1.2. Dịch
vụ kỹ thuật xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh; thăm dò chức năng theo yêu cầu: Xét
nghiệm huyết học, sinh hóa, miễn dịch; chụp X-quang kỹ thuật số, chụp cắt lớp
vi tính, chụp cộng hưởng từ; điện não đồ, lưu huyết não...
1.3. Dịch
vụ phẫu thuật theo yêu cầu, thực hiện các gói dịch vụ theo yêu cầu: Đẻ trọn
gói; các loại phẫu thuật nội soi: tán sỏi tiết niệu laser nội soi, cắt dạ dày nội
soi, cắt đại tràng nội soi, phẫu thuật thoát vị bẹn nội soi, phẫu thuật thoát vị
đĩa đệm nội soi, phẫu thuật khớp gối nội soi; các loại phẫu
thuật khó khác: thay khớp háng, thay khớp gối...
1.4. Dịch
vụ giường bệnh, buồng bệnh theo yêu cầu: Bệnh viện (hoặc nhà đầu tư) đầu tư các
buồng bệnh nội trú đầy đủ tiện nghi sinh hoạt: giường, tủ, bàn, ghế, ti vi, tủ
lạnh, điều hòa, hoa tươi.... Thực hiện việc chăm sóc, điều trị người bệnh theo
quy định và yêu cầu chuyên môn tại buồng bệnh.
1.5. Dịch
vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà theo yêu cầu.
1.6. Dịch vụ y tế dự
phòng: Tiêm vắc xin theo yêu cầu.
1.7. Dịch
vụ vệ sinh, bảo vệ, dinh dưỡng
- Dịch vụ bảo vệ, an ninh trật tự;
- Dịch vụ vệ sinh công nghiệp, vệ
sinh ngoại cảnh; dịch vụ giặt là, hấp, sấy,..;
- Dịch vụ ăn uống trong bệnh viện;
- Dịch vụ trông giữ xe; bãi xe dịch vụ;
- Dịch vụ vận chuyển người bệnh không
cần trợ giúp của y tế;
- Dịch vụ vận chuyển người bệnh cần
có trợ giúp y tế;
- Dịch vụ bảo quản thi hài người bệnh
tử vong trong bệnh viện;
- Dịch vụ ngân hàng hỗ trợ thanh toán
cho người bệnh;
- Dịch vụ cung cấp hàng hóa, siêu thị
mini, thuê kho;
- Dịch vụ bưu
chính viễn thông;
- Các loại hình dịch vụ khác.
2. Sử dụng hạ tầng hiện có tại các
cơ sở y tế công lập
- Các cơ sở thực hiện xã hội hoá y tế
được phép sử dụng một phần hạ tầng hiện có (gồm đất và tài sản trên đất) để
liên kết hợp tác phát triển hạ tầng y tế, nhưng không làm ảnh
hưởng đến hoạt động chuyên môn theo chức năng, nhiệm vụ, kế hoạch Nhà nước
giao; chủ động xây dựng phương án sửa chữa, nâng cấp (sửa chữa lớn, sửa chữa
nhỏ) tài sản cố định sử dụng cho các hoạt động xã hội hóa. Hết thời gian liên kết hợp tác thì tài sản đã đầu tư từ vốn ngoài ngân sách
thuộc về cơ sở y tế công lập.
- Việc thực hiện trích khấu hao thực
hiện theo quy định của Nhà nước về quản lý trích khấu hao tài sản cố định, phân
bố chi phí dịch vụ trong các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và các
tổ chức có sử dụng ngân sách Nhà nước.
3. Các cơ
sở thực hiện xã hội hoá y tế được phép sử dụng một số trang thiết bị y tế của
Nhà nước tham gia vào hoạt động cung cấp dịch vụ cho cơ sở xã hội hoá y tế, có hạch toán chi phí theo quy định để hoàn trả cho cơ sở y tế công lập,
nhưng không làm ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn theo chức năng, nhiệm vụ, kế
hoạch nhà nước giao. Việc tham gia cung cấp dịch vụ phải tuân theo quy định của
cơ sở y tế công lập, không ưu tiên cho đối tượng của cơ sở xã hội hoá y tế.
4. Các cơ
sở xã hội hoá được phép lựa chọn tên thiết bị, cấu hình kỹ thuật, thế hệ, hãng
sản xuất, nước sản xuất, xuất xứ, giá của tài sản, hạ tầng để liên kết hợp tác
đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.
5. Trong liên kết hợp tác thực hiện
xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, các bên tham gia liên kết hợp tác có trách nhiệm
xác định hình thức tham gia và vốn của mỗi bên, trách nhiệm cụ thể trong quá
trình vận hành sử dụng thiết bị; trách nhiệm bảo dưỡng, duy tu; cơ chế cung cấp vật tư tiêu hao, hoá chất phải thực hiện theo quy định hiện
hành của nhà nước.
6. Tổ chức cơ sở xã hội hóa
- Các cơ sở y tế thực hiện xã hội hóa
được thành lập các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện xã hội hóa (khoa khám bệnh
và điều trị tự nguyện, phòng khám tự nguyện) là đơn vị sự nghiệp công lập
được Nhà nước xác định giá trị tài sản nhà nước để giao cho đơn vị quản lý theo
cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp.
- Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được
thực hiện theo quy định của Bộ Y tế, Bộ Tài chính về khung giá dịch vụ khám bệnh,
chữa bệnh trong trường hợp thanh toán theo dịch vụ; khung giá của từng loại bệnh,
nhóm bệnh trong trường hợp thanh toán theo trường hợp bệnh; giá dịch vụ khám bệnh,
chữa bệnh được điều chỉnh thay đổi theo quy định hiện hành.
- Trong trường hợp đơn vị sử dụng tài
sản để liên doanh liên kết hoặc góp vốn liên doanh để mua sắm trang thiết bị phục
vụ hoạt động dịch vụ của các cơ sở y tế thì thủ trưởng các đơn vị chỉ đạo xây dựng
phương án chi phí của từng dịch vụ và thủ trưởng đơn vị quyết định mức thu trên
cơ sở tính toán đầy đủ các yếu tố chi phí.
- Các cơ sở y tế
công lập thực hiện các hoạt động xã hội hóa theo các nội dung tại Thông tư số
15/TT-BYT ngày 12/12/2007 của Bộ Y tế thì Đề án do thủ trưởng đơn vị phê duyệt
và chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp và trước pháp luật
về việc phê duyệt và triển khai thực hiện Đề án.
7. Chính sách về nhân lực
7.1. (1)
Đối với các cơ sở y tế công lập được giao tự chủ hoàn toàn về thực hiện nhiệm vụ,
tổ chức bộ máy nhân sự, tài chính được quyết định số lượng người làm việc tại
cơ sở y tế công lập và cơ sở xã hội hóa theo quy định của pháp luật; (2) cơ sở
thực hiện xã hội hóa y tế có nhu cầu thu hút khuyến khích bác sỹ, dược sỹ về
làm việc được sử dụng nguồn kinh phí xã hội hóa để thu hút, khuyến khích bác sỹ, dược sỹ về làm việc tại cơ sở như đối với cơ sở y tế
công lập; (3) đơn vị sự nghiệp y tế công lập thực hiện xã hội
hóa một số nội dung thực hiện theo Quyết định số 17/2013/QĐ-UBND ngày
03/10/2013; Quyết định số 18/2013/QĐ-UBND ngày 03/10/2013 của UBND tỉnh; Nghị định
số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ: Việc thành lập, tổ chức lại, giải
thể các đơn vị không thuộc cơ cấu tổ chức các đơn vị cấu thành theo quyết định
của cơ quan có thẩm quyền, khi đáp ứng các tiêu chí, điều kiện, tiêu chuẩn theo
quy định của pháp luật thì đơn vị sự nghiệp y tế công lập tự bảo đảm chi thường
xuyên và chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp y tế công lập tự bảo đảm chi thường
xuyên được quyết định.
7.2. Cơ sở
thực hiện xã hội hoá y tế trên cơ sở đảm bảo nhân lực cho hoạt động bình thường
của đơn vị, được phép cử công chức, viên chức, người lao động (sau đây gọi
chung là người lao động) của đơn vị sang quản lý, điều hành hoặc thực hiện
các nhiệm vụ chuyên môn kỹ thuật theo nguyên tắc bình đẳng, công khai, dân chủ,
tự nguyện của người lao động tại cơ sở xã hội hoá y tế theo
các hình thức sau:
7.2.1. Cơ sở khám, chữa bệnh công lập
được cử người lao động sang làm việc 100% thời gian tại cơ sở xã hội hoá y tế
theo nguyên tắc bình đẳng, công khai, dân chủ, tự nguyện của
người lao động theo quy định của Bộ Luật Lao động.
Tiền lương, phụ cấp, các khoản đóng
góp cho người lao động lấy từ nguồn thu của cơ sở xã hội hoá y tế để chi trả
theo quy định của Bộ Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội và các quy định hiện
hành. Không sử dụng ngân sách nhà nước giao để chi trả tiền
lương, tiền công cho số người lao động cử sang làm việc 100% thời gian tại cơ sở
xã hội hoá y tế; phần ngân sách nhà nước giao cơ sở y tế công lập tiết kiệm được
dùng để sử dụng vào thực hiện nhiệm vụ khác theo quy định
của pháp luật.
7.2.2. Cơ sở khám, chữa bệnh công lập
được phép cử người lao động sang làm việc theo một thời gian nhất định (bao
gồm làm việc kiêm nhiệm, theo vụ việc hoặc theo một số giờ, một số ngày trong
tháng) tại cơ sở xã hội hoá y tế thì được chi trả tiền công theo hợp đồng
thoả thuận.
7.2.3. Cơ sở thực hiện xã hội hoá y tế
phải sử dụng các nguồn thu để chi trả tiền lương, các khoản
phụ cấp, các khoản đóng góp theo chế độ, tiền công, thù lao của các hợp đồng
lao động đã thoả thuận với người lao động.
7.2.4. Người lao động được cử sang
làm việc tại cơ sở xã hội hoá y tế vẫn là viên chức, người
lao động của cơ sở sự nghiệp y tế công lập.
7.2.5. Cơ sở thực hiện xã hội hoá y tế
được thuê chuyên gia, hợp đồng người lao động vào làm việc tại cơ sở xã hội hoá
y tế phù hợp với yêu cầu công việc và có trách nhiệm thực hiện các chế độ với
người lao động theo quy định của Bộ Luật lao động; thực hiện xã hội hóa thuê,
khoán một số loại công việc trong đơn vị sự nghiệp là lao động hợp đồng theo
Nghị định số 68/2000/NĐ-CP của Chính phủ (sửa chữa bảo trì đối với hệ thống cấp điện, cấp, thoát nước ở công sở, xe
ô tô và các máy móc, thiết bị khác đang được sử dụng trong cơ quan, đơn vị sự
nghiệp; lái xe; bảo vệ, vệ sinh; trông giữ phương
tiện đi lại của cán bộ công chức và khách đến làm việc với cơ quan, đơn vị sự
nghiệp; công việc khác).
7.3. Cơ sở
thực hiện xã hội hoá y tế có trách nhiệm bố trí, sắp xếp nhân lực hợp lý để bảo
đảm hoạt động bình thường của đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Đồng
thời đảm bảo nhân lực cho tổ chức, hoạt động của các cơ sở y tế xã hội hóa.
7.4. Cơ sở
thực hiện xã hội hoá y tế có nhu cầu về đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ
cho cán bộ, nhân viên được sử dụng nguồn kinh phí xã hội hóa để đào tạo, bồi dưỡng
cán bộ, công chức, viên chức như đối với công chức, viên chức công tác tại các
đơn vị y tế công lập.
7.5. Khuyến
khích xã hội hóa trong công tác đào tạo nhân lực y tế như tranh thủ sự hợp tác
quốc tế trong lĩnh vực đào tạo nghiệp vụ y tế chuyên khoa cao cấp trong nước và
nước ngoài; hợp tác với các bệnh viện đầu ngành Trung ương.
7.6. Có
chính sách thỏa đáng cho việc công nhận danh hiệu cán bộ quản lý, bác sĩ giỏi
..., xét tặng các danh hiệu thi đua cho tập thể, cá nhân theo quy định của nhà
nước.
8. Giao chỉ tiêu giường bệnh xã hội
hóa
Chủ tịch UBND tỉnh nghiên cứu xem xét
thực hiện ủy quyền cho Giám đốc Sở Y tế quyết định giao chỉ tiêu số giường bệnh
xã hội hóa cho các bệnh viện, phê duyệt đề án vị trí việc làm đối với giường bệnh
xã hội hóa của các bệnh viện, các bệnh viện thực hiện tuyển dụng theo đúng quy
định của Nhà nước về tuyển dụng viên chức theo vị trí việc làm.
9. Cơ chế
về vốn, tín dụng đầu tư
9.1. Các
cơ sở thực hiện xã hội hoá y tế được vay vốn tín dụng đầu tư của tổ chức tín dụng
để triển khai thực hiện các dự án đầu tư xã hội hóa được cấp có thẩm quyền phê
duyệt.
9.2. Trường
hợp vay vốn của tổ chức tín dụng sẽ được ngân sách Nhà nước hỗ trợ phần chênh lệch
giữa lãi suất cho vay của tổ chức tín dụng và lãi suất cho vay đầu tư phát triển
của Nhà nước.
9.3. Vốn
góp, vốn vay của các tổ chức, cá nhân (kể cả công chức, viên chức, người lao
động trong đơn vị); Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp.
9.4. Vốn
góp bằng giá trị năng lực, chất lượng và uy tín của đơn vị: Phải được đánh giá
tương xứng với giá trị, do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập và nhà đầu tư thỏa
thuận trong Đề án liên doanh, liên kết và được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tỷ
lệ này được ổn định trong suốt quá trình hoạt động của liên doanh, liên kết, kể
cả trong trường hợp mở rộng quy mô hoặc tăng vốn hoạt động của cơ
sở liên doanh, liên kết.
9.5. Các cơ
sở y tế công lập thực hiện xã hội hóa theo các nội dung quy định tại Nghị quyết
số 93/NQ-CP ngày 15/12/2014 của Chính phủ thì cơ sở y tế xây dựng đề án trình Sở
Y tế thẩm định, trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt.
10. Quy định về lựa chọn đối tác
10.1. Các
đối tác tham gia liên doanh, liên kết, hợp tác lắp đặt thiết bị hoặc góp vốn liên doanh phải có tư cách pháp nhân, có đủ năng lực về tài chính, trừ
các trường hợp huy động vốn góp của cán bộ, viên chức, người lao động trong đơn
vị.
10.2. Việc
lựa chọn đối tác phải trên nguyên tắc: có sự thảo luận công khai, dân chủ và thống
nhất giữa Đảng ủy, Ban giám đốc và tổ chức công đoàn đơn vị; khuyến khích các
đơn vị mời nhiều đối tác tham gia để thương thảo và lựa chọn đối tác đáp ứng
yêu cầu trong việc tổ chức hoạt động dịch vụ và bảo đảm lợi ích cho đơn vị và
người bệnh.
10.3. Các
đối tác liên doanh, liên kết được pháp luật cho phép kinh doanh các mặt hàng
trang thiết bị y tế; có kinh nghiệm trong lĩnh vực cung cấp các sản phẩm; trực
tiếp tham gia tư vấn, lắp đặt bảo hành, bảo trì thiết bị y tế; tham gia đầu tư
liên doanh liên kết lắp đặt thiết bị y tế tại các bệnh viện theo chủ trương xã
hội hóa y tế của Bộ Y tế.
11. Quy định về trang thiết bị do đối tác lắp đặt
11.1.
Trang thiết bị do phía đối tác đầu tư lắp đặt để thực hiện Đề án liên doanh,
liên kết cùng khai thác phải là các loại trang thiết bị mới 100%, thuộc thế hệ
tiên tiến, có khả năng nâng cấp, có chứng chỉ chất lượng, xuất xứ hàng hóa. Đối
với các thiết bị chuyên khoa có yêu cầu đặc biệt khác (các thiết bị phát tia
bức xạ, thiết bị xạ trị) phải theo đúng quy định của pháp luật về an toàn bức
xạ và được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền.
11.2.
Không được nhận liên kết, lắp đặt các thiết bị y tế cũ đã qua sử dụng; chưa được
Bộ Y tế cho phép nhập khẩu theo quy định. Trừ trường hợp các cơ sở y tế công lập
sử dụng các tài sản của mình để tham gia liên doanh, liên
kết.
11.3. Đối
với những trang thiết bị y tế có sử dụng công nghệ, kỹ thuật cao trong chẩn
đoán, điều trị như: Hệ thống chụp mạch, cộng hưởng từ, chụp cắt lớp điện toán,
các thiết bị xạ trị (bao gồm: hệ thống Co-ban 60, gia tốc tuyến tính, Gamma knife, Cyber knife), thiết bị
tán sỏi ngoài cơ thể, Laser, những
thiết bị để triển khai các kỹ thuật vượt quá phạm vi quy định của tuyến chuyên
môn kỹ thuật, các danh mục thiết bị này phải được Sở Y tế cho ý kiến trước khi
thực hiện.
11.4. Các
đơn vị phải thành lập Hội đồng khoa học kỹ thuật cấp cơ sở, có chuyên gia kỹ
thuật về trang thiết bị, chuyên gia về các lĩnh vực chuyên môn có liên quan để
thẩm định cấu hình, tính năng kỹ thuật của thiết bị sử dụng trong Đề án liên
doanh, liên kết.
11.5. Trường
hợp đơn vị không có các chuyên gia kỹ thuật, chuyên gia về lĩnh vực chuyên môn
thì phải mời chuyên gia ngoài đơn vị hoặc xin ý kiến tư vấn của Hội đồng tư vấn
kỹ thuật trang thiết bị y tế của Bộ Y tế do Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế
- Bộ Y tế làm thường trực.
11.6. Các đơn vị sử dụng trang thiết bị, vật tư hóa chất phải đảm bảo an
toàn đến tính mạng người bệnh và Giám đốc đơn vị chịu trách nhiệm trước pháp luật
về thực hiện nhiệm vụ của mình trong quá trình triển khai
thực hiện;
12. Chính sách cho phát triển đầu
tư bệnh viện tư nhân
12.1. Về giải phóng mặt bằng: Đối với hình thức đầu tư tư, tỉnh chịu trách nhiệm
tổ chức giải phóng mặt bằng bằng nguồn kinh phí từ ngân sách của tỉnh và bàn
giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư. Đối với hình thức đầu tư 100% vốn hoặc liên
doanh, tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức giải phóng mặt bằng bằng tiền thuê đất do
nhà đầu tư ứng trước; số tiền ứng trước của nhà đầu tư sẽ được tính khấu trừ
vào tổng số tiền thuê đất mà nhà đầu tư phải trả;
12.2. Về tiền thuê đất: Đối với cơ sở thực hiện xã hội hóa sử dụng đất tại đô
thị thuộc diện được miễn tiền thuê đất xây dựng công trình công cộng có mục
đích kinh doanh (xã hội hóa), mức miễn tiền thuê đất cho toàn bộ thời gian của
Dự án theo quy định của pháp luật.
12.3. Về chính sách thuế: Đối với hình thức đầu tư tư, trường hợp dự án đáp ứng
đủ về tiêu chí, quy mô, tiêu chuẩn của cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực
y tế quy định tại Mục III Quyết định số 1466/QĐ-TTg ngày 10/10/2008 của Thủ tướng
Chính phủ thì được hưởng ưu đãi thuế Thu nhập Doanh nghiệp.
III. CƠ CHẾ TÀI
CHÍNH VÀ PHÂN CHIA THU NHẬP
1. Quy định về nguồn vốn
- Các cơ sở thực hiện xã hội hoá y tế
được phép huy động các nguồn vốn hợp pháp, tự vay vốn, góp
vốn để đầu tư, xây dựng thành lập mới cơ sở khám, chữa bệnh
trong khuôn viên đất hiện có, mua sắm thiết bị, thuê các thiết bị, thuê dịch vụ
phục vụ cho các hoạt động của cơ sở xã hội hoá y tế.
- Các cơ sở y tế công lập được liên
doanh, liên kết với các nhà đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tổ chức triển khai
các dịch vụ y tế ở bên trong khuôn viên đất hiện có của cơ sở y tế công lập.
- Đối với các dự án xây dựng trên đất
được giao của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công thì quyền sử dụng đất vẫn thuộc
cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công. Hết thời gian liên doanh,
liên kết thì tài sản trên đất thuộc về cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập.
- Đối với các dự án xây dựng trên đất
không thuộc quyền sử dụng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công thì cơ sở khám bệnh,
chữa bệnh mới được mang tên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công; tên gọi cụ thể do
các bên thỏa thuận.
- Mức huy động huy vốn phù hợp với
quy mô của Đề án.
- Đối với việc sử dụng cơ sở hạ tầng,
trang thiết bị dùng chung cho việc khai thác các hoạt động cung cấp dịch vụ xã
hội hoá y tế, cơ sở xã hội hoá y tế phải hạch toán cụ thể để thanh toán phần
chi phí này cho cơ sở y tế công lập.
- Mức trả lãi vay vốn phải được quy định
cụ thể trong Đề án. Mức lãi huy động vốn tối đa không quá 02 lần lãi vay của
các ngân hàng thương mại.
2. Quy định về rút vốn: Trong từng Đề án cụ thể, quy định thời gian rút vốn cho từng đối tượng, mức vốn rút.
3. Quy định chế độ mua sắm hoá chất,
sinh phẩm, vật tư tiêu hao: Cơ sở thực hiện xã hội hoá y tế được phép quyết định hình thức, tổ chức
mua sắm hoá chất, vật tư y tế tiêu hao phục vụ hoạt động dịch vụ, việc mua sắm
tài sản phải được thực hiện theo quy định của nhà nước hiện hành.
4. Quy định về đầu tư xây dựng cơ
sở hạ tầng kỹ thuật: Cơ sở thực
hiện xã hội hoá y tế được phép quyết định hình thức đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng
phục vụ hoạt động theo quy định hiện hành.
5. Xây dựng phương án chi phí của
từng dịch vụ
- Từng loại dịch vụ phải được xây dựng
phương án chi phí để làm căn cứ giúp thủ trưởng đơn vị quyết định mức thu trên
cơ sở tính toán đầy đủ các yếu tố chi phí sau:
- Chi phí về hoá chất, vật tư tiêu
hao, chi tiết cho từng dịch vụ và từng hoá chất cụ thể, định mức sử dụng và đơn
giá.
- Chi phí tiền lương, tiền công và
các khoản đóng góp của người lao động để quản lý và thực hiện dịch vụ.
- Chi phí về điện, nước và chi phí hậu
cần trực tiếp khác.
- Chi phí bảo trì, duy tu bảo dưỡng
thiết bị, tài sản.
- Chi phí khấu hao tài sản, trang thiết
bị.
- Chi phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ
chuyên môn, kỹ thuật.
- Chi phí xử lý ô nhiễm môi trường, xử
lý chất thải trong quá trình hoạt động.
- Chi phí quảng cáo, dự phòng rủi ro.
- Chi phí quản lý và lãi huy động vốn.
- Chi phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.
- Chi phí thuế.
- Chi phí thuê ngoài...
- Chi phí khác theo quy định của pháp
luật.
6. Quy định mức thu và niêm yết
công khai các hoạt động dịch vụ
- Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh
theo yêu cầu, giá dịch vụ khám, chữa bệnh của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định
được thực hiện theo nguyên tắc tính đủ chi phí và có tích lũy để đầu tư phát
triển, mức tích lũy tối đa không quá 10% chi phí của dịch vụ và được bổ sung
vào Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị; Thủ trưởng đơn vị y tế công
lập quyết định mức giá cụ thể trong phạm vi khung giá do Liên Bộ Y tế - Tài
chính quy định. Trường hợp cơ sở khám, chữa bệnh hoạt động theo mô hình doanh
nghiệp được quyền quyết định mức giá.
- Người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế khi khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở xã hội hoá y tế được cơ
quan Bảo hiểm xã hội thanh toán chi phí khám, chữa bệnh theo quy định của pháp
luật về bảo hiểm y tế, phần chênh lệch do người bệnh tự chi trả cho cơ sở xã hội
hoá y tế.
- Các khoa, phòng bộ phận cung cấp dịch
vụ phải thực hiện niêm yết công khai danh mục và mức thu của các dịch vụ xã hội
hoá để người bệnh biết và tự nguyện lựa chọn. Nghiêm cấm việc ép buộc khách
hàng sử dụng dịch vụ xã hội hoá.
- Đối với các dịch vụ khám bệnh, chữa
bệnh không thuộc phạm vi thanh toán từ quỹ bảo hiểm y tế thì khung giá và thẩm
quyền quy định mức giá cụ thể thực hiện theo quy định tại Luật Giá, Luật Khám bệnh,
chữa bệnh và các văn bản hướng dẫn liên quan.
7. Quy định
về hạch toán, kế toán và chế độ báo cáo
- Đơn vị mở sổ sách kế toán, tổ chức
theo dõi, quản lý, hạch toán đầy đủ nguồn thu, các khoản chi phí của từng hoạt
động theo quy định của Luật Kế toán năm 2015 và Nghị định số 174/2016/NĐ-CP
ngày 30/12/2016 của Chính phủ.
- Phần thu của đơn vị từ các hoạt động
góp vốn, xã hội hoá, khám chữa bệnh tự nguyện, theo yêu cầu..., sau khi thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước và các khoản chi phí thực hiện
hoạt động cung cấp dịch vụ là một nguồn tài chính của đơn vị, được quản lý, sử
dụng theo Nghị định số 43/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ; Nghị định số
16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ về quy định quyền cơ chế tự chủ của
đơn vị sự nghiệp công lập và sẽ thay đổi khi Chính phủ ban hành Nghị định tự chủ
ngành cho đơn vị sự nghiệp y tế công lập.
- Phương thức hạch toán:
+ Tất cả các hoạt
động dịch vụ có thu, được thực hiện trên các máy móc thiết bị, phương tiện của
đơn vị được mua sắm từ nguồn ngân sách Nhà nước đều phải hạch
toán phần giá dịch vụ theo quy định giá viện phí, bảo hiểm y tế tại thời điểm
đó và hạch toán chung vào nguồn thu dịch vụ của đơn vị;
+ Các dịch vụ thực hiện trên máy móc,
thiết bị đầu tư từ nguồn góp vốn của cán bộ viên chức cơ quan hoặc liên doanh
liên kết (không phải nguồn ngân sách) thì hoạch toán vào nguồn thu dịch
vụ xã hội hoá;
+ Phần giá dịch vụ tăng thêm so với
giá quy định của viện phí, bảo hiểm y tế do phải mời chuyên gia tuyến trên, tự
chọn kíp phẫu thuật, hợp đồng thêm nhân công để rút ngắn thời gian chờ đợi cho
khách hàng, đầu tư nhà cửa, máy móc thiết bị... thì được hạch toán vào nguồn
thu dịch vụ xã hội hoá.
- Chế độ báo cáo:
+ Đề án phải quy định cụ thể chế độ
báo cáo của từng cơ sở về nội dung báo cáo về thời gian báo cáo;
+ Hàng năm, đơn vị phải lập báo cáo
hoạt động, báo cáo quyết toán Đề án gửi Sở Y tế và các cơ quan chức năng theo
quy định, thời gian gửi báo cáo hoạt động và báo cáo quyết toán được quy định cụ
thể trong Đề án;
+ Hàng năm đơn vị thuê kiểm toán độc
lập (để đảm bảo cho công tác thanh quyết toán, phân chia lợi nhuận cho công
xã hội hóa).
8. Việc thực hiện nghĩa vụ với
ngân sách nhà nước
- Đơn vị có trách nhiệm thực hiện đầy
đủ các nghĩa vụ thuế và nghĩa vụ tài chính khác với nhà nước theo quy định của
Pháp luật hiện hành.
- Đơn vị thực hiện bảo toàn vốn nhà
nước khi sử dụng tài sản nhà nước giao theo cơ chế giao vốn doanh nghiệp để thực
hiện đề án xã hội hóa và khám chữa bệnh theo yêu cầu.
9. Liên doanh, liên kết và thuê mướn
nhân công
- Căn cứ nhu cầu thực tế của người
dân về các loại hình dịch vụ mà đơn vị có thể cung cấp, đơn vị có thể thương thảo
với các Bệnh viện tuyến Trung ương hoặc các đơn vị y tế trong tỉnh để liên
doanh, liên kết thực hiện dịch vụ. Quá trình liên doanh, liên kết phải được thực
hiện bằng các hợp đồng cụ thể và thanh quyết toán theo quy định.
- Trong quá trình thực hiện hoạt động
cung cấp dịch vụ theo Đề án xã hội hoá, đơn vị có thể hợp đồng thuê, khoán nhân
công như các bác sỹ giỏi tuyến Trung ương và của tỉnh; các y, bác sỹ tuyến cơ sở
khi triển khai các dịch vụ tại tuyến huyện hoặc phòng khám đa khoa khu vực để
nâng cao hiệu quả hoạt động chuyên môn và thuận tiện cho nhân dân. Mức thuê,
khoán theo thoả thuận cụ thể với từng trường hợp và thanh toán theo hợp đồng
thoả thuận lao động.
- Mọi hợp đồng thoả thuận hoặc lao động
phải được thực hiện theo các quy định hiện hành của nhà nước.
10. Liên doanh, liên kết và thuê
trang thiết bị máy móc
Căn cứ nhu cầu thực tế về trang thiết
bị, máy móc để cung cấp dịch vụ cho người dân, đơn vị có thể thương thảo với
các công ty trong và ngoài tỉnh để liên doanh, liên kết, thuê trang thiết bị,
máy móc thực hiện dịch vụ.
Quá trình liên doanh, liên kết, thuê
mướn trang thiết bị, máy móc phải được thực hiện theo thảo luận bằng hợp đồng cụ thể đối với từng loại thiết bị. Mọi hợp đồng thoả thuận
phải được thực hiện theo các quy định hiện hành của Nhà nước.
11. Các khoản chi khác
- Công tác đào tạo nhân lực: Hỗ trợ
kinh phí đào tạo, bồi dưỡng đối với làm việc tại các cơ sở xã hội hoá như đối với viên chức các đơn vị y tế sự nghiệp công lập.
- Chi hội nghị, tiếp khách: Các hội
nghị phục vụ hoạt động xã hội hoá hoặc tiếp khách, đối tác làm việc về nội dung
Đề án xã hội hoá được chi theo quy định.
- Chi đối tác giúp đỡ, hoặc tạo điều
kiện cho hoạt động xã hội hoá.
- Các cá nhân, tổ chức trong và ngoài
tỉnh có công lao đóng góp cho hoạt động xã hội hoá của cơ
quan, căn cứ từng thời điểm (ngày lễ, tết, sơ kết, tổng kết năm...) có thể được chi hỗ trợ sau khi
có đề xuất của các khoa, phòng bộ phận và tổ chức Công đoàn cơ quan. Căn cứ vào
mức độ thành tích, công lao đóng góp và khả năng tài chính hiện có, Giám đốc
đơn vị quyết định mức chi phù hợp.
- Chi khuyến khích cá nhân, tổ chức,
bộ phận của cơ quan có mối quan hệ và thành tích đặc biệt.
- Khuyến khích các cá nhân, bộ phận,
khoa phòng của bệnh viện tranh thủ mối quan hệ để chắp mối, hợp đồng kinh tế
trong khuôn khổ hoạt động xã hội hoá của cơ quan. Mức thưởng cho các đối tượng
phải căn cứ vào mức lợi nhuận đem lại cho từng hoạt động cụ thể. Mức thưởng do
Giám đốc đơn vị thống nhất với tổ chức công đoàn quyết định.
- Chi các hoạt động khác của cán bộ
viên chức (đóng góp từ thiện, hoạt động văn
hóa, văn nghệ, TDTT, tham quan du lịch...).
- Căn cứ vào tình hình thực tế quỹ hiện
có và đề xuất của tổ chức công đoàn, Giám đốc sẽ quyết định nội dung, mức chi cụ
thể cho từng hoạt động.
12. Trích lập các quỹ
Căn cứ kết quả hoạt động và hạch toán
tài chính hàng quý, sau khi đã thực hiện đầy đủ các nghĩa
vụ với ngân sách nhà nước; chi phí chi trực tiếp cho hoạt động dịch vụ; nguồn
thu còn lại được xác định là lợi nhuận thu được từ hoạt động xã hội hoá.
Lợi nhuận hoạt động
xã hội hoá được thực hiện theo Điều 32, 33 Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước;
Nghị định số 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ, Nghị định 52/2009/NĐ-CP ngày
03/6/2009; Thông tư số 23/2016/TT-BTC ngày 16/02/2016 của Bộ Tài chính; Nghị định
số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định quyền cơ chế tự chủ của
đơn vị sự nghiệp công lập, và sẽ thay đổi khi Chính phủ ban hành Nghị định tự
chủ ngành cho đơn vị sự nghiệp y tế công lập.
13. Chi trả lãi góp vốn và chi thu
nhập tăng thêm
- Chỉ những người tham gia góp vốn hoạt
động xã hội hoá mới được chi trả lãi góp vốn và chi thu nhập tăng thêm từ nguồn
xã hội hoá.
- Việc chi trả lãi góp vốn được thực
hiện theo quý. Những người góp vốn bằng nhau và thời gian
góp vốn như nhau sẽ được chi trả như nhau.
IV. QUY ĐỊNH VỀ
QUẢN LÝ TÀI SẢN
1. Quy định về đầu tư mua sắm, quản
lý, sử dụng tài sản
- Việc sử dụng tài sản để liên doanh,
liên kết hoặc góp vốn liên doanh mua sắm trang thiết bị để
hoạt động dịch vụ phải căn cứ vào nhu cầu sử dụng của đơn vị, phù hợp với chức
năng, nhiệm vụ của đơn vị, với quy hoạch phát triển tổng
thể của đơn vị đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và
không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn do cơ quan có thẩm
quyền giao cho đơn vị.
- Trang thiết bị để triển khai các kỹ
thuật phải phù hợp với tuyến chuyên môn kỹ thuật của đơn vị. Những thiết bị để triển khai các kỹ thuật vượt quá phạm vi quy định của
tuyến chuyên môn kỹ thuật, đơn vị phải trình lên cơ quan quản lý cấp trên thẩm
định và phê duyệt theo quy định phân tuyến kỹ thuật và
danh mục kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh được ban hành
kèm theo Thông tư số 43/2013/TT-BYT ngày 11/12/2013 của Bộ Y tế quy định chi tiết
phân tuyến chuyên môn kỹ thuật đối với hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
- Việc sử dụng tài sản để liên doanh,
liên kết hoặc góp vốn liên doanh phải đảm bảo hiệu quả kinh tế; đảm bảo nguyên
tắc kết hợp hài hòa lợi ích giữa đơn vị, người bệnh và các bên đối tác.
- Máy móc trang thiết bị đầu tư phải được giao cho khoa, phòng và cá nhân quản lý, bảo quản và sử dụng một
cách có hiệu quả. Người nào vô tình, cố ý, do vi phạm quy trình kỹ thuật vận
hành máy móc để thiết bị, máy móc bị hỏng hóc thì phải có trách nhiệm sửa chữa
hoàn toàn cho đơn vị hoặc bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
- Trường hợp sử dụng
tài sản của cơ quan, đơn vị (từ nguồn ngân sách) phải thực hiện theo quy định của
Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước được Quốc hội khoá XII thông qua ngày
03/6/2008; Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 03/06/2009 quy định chi tiết và hướng
dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước; Thông tư số
23/2016/TT-BTC ngày 16/2/2016 và các văn bản hướng dẫn hiện hành.
- Thực hiện trích
khấu hao thiết bị tài sản đối với tài sản thuộc nguồn ngân sách nhà nước theo
Thông tư số 162/2014/TT-BTC ngày 06/11/2014 của Bộ Tài chính về quy định chế độ
quản lý, tính hao mòn tài sản cố định trong các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự
nghiệp công lập và các tổ chức có sử dụng ngân sách Nhà nước và các văn bản hiện
hành.
- Thực hiện tính, trích khấu hao thiết
bị, tài sản vào chi phí của dịch vụ theo chế độ khấu hao áp dụng cho doanh nghiệp
nhà nước quy định tại Thông tư số 28/2017/TT-BTC ; Thông tư số 45/2013/TT-BTC
ngày 25/4/2013 và Thông tư số 147/2016/TT-BTC ngày
13/10/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao
tài sản cố định. Trường hợp đặc biệt,
thủ trưởng đơn vị được quyết định tỷ lệ khấu hao cao hơn
quy định nhằm thu hồi vốn kịp thời đối với các tài sản sớm
lạc hậu về công nghệ nhưng phải đảm bảo giá dịch vụ không được cao hơn trường hợp
khấu hao tài sản cố định theo tỷ lệ bình thường và không được vượt quá 50% tỷ lệ
khấu hao tài sản cố định xác định
theo phương pháp đường thẳng của tài sản đó. Khi khấu hao
nhanh, đơn vị phải đảm bảo bù đắp chi phí hoạt động và có tích lũy, phù hợp với
khả năng chi trả của người bệnh.
2. Quy định bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên máy móc, thiết bị
- Kinh phí bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa
máy móc trích từ kinh phí bảo trì, bảo dưỡng hàng năm của đề án xã hội hóa.
- Phải xây dựng kế hoạch sửa chữa, bảo dưỡng định kỳ.
- Sau khi hoàn thành, tổng chi phí sau bảo trì, sửa chữa lớn máy móc, thiết bị được cộng thêm vào
giá trị của tài sản. Chi phí sửa chữa thường xuyên được tính vào chi phí
trực tiếp của hoạt động xã hội hoá.
V. LỘ TRÌNH THỰC
HIỆN ĐỀ ÁN
1. Năm 2017-2018
Thực hiện thí điểm các hoạt động xã hội
hóa công tác y tế tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Sơn La, Bệnh viện đa khoa Thảo
nguyên huyện Vân Hồ (địa chỉ thị trấn Nông trường Mộc Châu), Bệnh viện
đa khoa huyện Mộc Châu; Bệnh viện đa khoa Cuộc sống.
Nội dung thực hiện:
- Bệnh viện đa khoa tỉnh: Thành lập
khoa khám bệnh và điều trị tự nguyện hoặc phòng khám bệnh và điều trị tự nguyện
trực thuộc bệnh viện; Liên doanh lắp đặt các trang thiết bị
y tế hiện đại và dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà theo yêu
cầu trên địa bàn thành phố Sơn La.
- Bệnh viện đa khoa Thảo Nguyên huyện
Vân Hồ (địa chỉ thị trấn Nông trường Mộc Châu): Vay vốn đầu tư xây dựng
mới cơ sở hạ tầng.
- Bệnh viện đa khoa huyện Mộc Châu:
Liên doanh liên kết lắp đặt hệ thống chạy thận nhân tạo; lắp đặt hệ thống chụp
cắt lớp điện toán 16 lát; góp vốn mua hệ thống nội soi dạ dày, đại tràng; góp vốn
mua hệ thống chẩn đoán siêu âm màu 4D.
- 01 bệnh viện tư nhân với quy mô 100
giường bệnh bắt đầu hoạt động.
- Ngoài các nội dung trên, các bệnh
viện thực hiện xã hội hóa thuê khoán một số loại công việc trong đơn vị sự nghiệp
công lập gồm: Sửa chữa, bảo trì đối với hệ thống cấp điện, cấp, thoát nước ở
công sở, xe ô tô và các máy móc thiết bị khác đang được sử dụng trong cơ quan, đơn vị sự nghiệp; lái xe; bảo vệ; vệ sinh; trông gửi phương tiện; y công, hộ lý theo Quyết định số 6197/QĐ-BYT ngày
17/10/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế;
Tổng vốn huy động khoảng 390 tỷ đồng.
Quý IV năm 2018, đánh giá, rút kinh nghiệm, xem xét mở rộng diện thực hiện theo lộ trình
của Đề án.
- Giao UBND tỉnh lựa chọn Bệnh viện
Đa khoa tỉnh là đơn vị thực hiện thí điểm về xã hội hóa (thành lập khoa hoặc bộ
phận khám bệnh và điều trị tự nguyện) hết năm 2017 tổng kết, rút kinh nghiệm để triển khai trên diện rộng.
- Giao UBND tỉnh tổ chức thực hiện
phân cấp tối đa cho các đơn vị bệnh viện được lựa chọn điểm để rút kinh nghiệm,
triển khai hiệu quả.
3. Năm 2019
- Các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh,
huyện; các bệnh viện chuyên khoa (trừ Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi) thực hiện cơ bản các hoạt động xã hội hóa.
- Các Trung tâm y tế thực hiện tiêm vắc
xin chất lượng cao theo yêu cầu.
- Các bệnh viện: Đa khoa tỉnh, đa
khoa huyện Mộc Châu, đa khoa Thảo Nguyên thực hiện 100% nội dung hoạt động xã hội
hóa.
- Trung tâm y tế các huyện: Mai Sơn,
Mộc Châu, Phù Yên thực hiện tiêm vắc xin chất lượng cao theo yêu cầu.
- Các bệnh viện đa khoa tuyến huyện,
bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh (trừ Bệnh viện
Lao và Bệnh phổi, Bệnh viện Tâm thần) thực hiện một số hoạt động xã hội hóa (phòng điều trị theo yêu cầu,
lắp đặt trang thiết bị,...).
- Các bệnh viện: Đa khoa huyện Mai
Sơn, Đa khoa khu vực Phù Yên và Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản thực hiện
một số hoạt động xã hội hóa (phòng điều trị theo yêu cầu, lắp đặt trang thiết
bị,...).
- Trung tâm y tế Dự phòng tỉnh duy
trì phòng tiêm vắc xin chất lượng cao theo yêu cầu.
Tổng vốn huy động khoảng 25 tỷ đồng.
4. Năm 2020
Các bệnh viện trên địa bàn tỉnh (trừ
Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện
Lao và bệnh phổi) thực hiện
toàn bộ hoặc một số hoạt động xã hội hóa.
- 100% trung tâm y tế các huyện thực
hiện tiêm vắc xin chất lượng cao theo yêu cầu.
Tổng vốn huy động khoảng 35 tỷ đồng.
5. Năm 2021
- Giao tự chủ
hoàn toàn về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính đối với Bệnh
viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện đa khoa khu vực Phù Yên, Bệnh viện đa khoa Thảo
nguyên, Bệnh viện đa khoa huyện Mộc Châu, Bệnh viện đa
khoa huyện Mai Sơn) và 20% số bệnh viện chuyên khoa công lập (01 đơn vị: Bệnh
viện Phục hồi chức năng).
- Thực hiện thêm một bệnh viện ngoài
công lập 100 giường bệnh (Bệnh viện Lão khoa).
- Bệnh viện đa khoa Cuộc sống nâng
quy mô lên 200 giường bệnh.
Tổng vốn huy động khoảng 100 tỷ
đồng.
VI. GIẢI PHÁP THỰC
HIỆN
1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản
lý nhà nước, phát huy sức mạnh của các đoàn thể chính trị xã hội, sức mạnh đoàn
kết trong nhân dân tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác
lãnh đạo, chỉ đạo, công tác kiểm tra giám sát việc thực hiện chủ trương xã hội
hóa các hoạt động trong lĩnh vực y tế trên địa bàn tỉnh.
2. Công tác tuyên truyền, nâng cao
nhận thức của cán bộ, nhân dân
2.1. Tập
trung làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về xã hội hoá y tế đến
các cơ quan, đơn vị và mọi tầng lớp nhân dân nhằm thu hút mọi
nguồn lực của các tổ chức xã hội đầu tư có hiệu quả vào
các đề án xã hội hóa thuộc lĩnh vực y tế.
2.2. Tổ
chức các hội nghị chuyên đề, xây dựng các giải pháp cụ thể về quản lý nhà nước
đối với chất lượng dịch vụ y tế, giá dịch vụ y tế đối với các dịch vụ do đầu tư
xã hội hóa cung cấp.
2.3. Tổ
chức tập huấn cho các cơ sở y tế ngoài công lập triển khai các Nghị định của
Chính phủ, Thông tư của các Bộ và các văn bản liên quan đến hoạt động của hệ thống
y tế ngoài công lập.
2.4. Xây
dựng, ban hành các quy định về thi đua, khen thưởng phù hợp, đảm bảo khuyến
khích, động viên, khích lệ các đơn vị, tổ chức và cá nhân
tích cực tham gia thực hiện và nâng cao hiệu quả công tác xã hội hoá trên địa
bàn tỉnh.
3. Công tác quản lý nhà nước
3.1. Tăng
cường quản lý Nhà nước đối với các cơ sở y tế công lập và
ngoài công lập; phân công, phân cấp rõ ràng, cụ thể nhiệm vụ từng cấp, từng
ngành đối với việc thực hiện chủ trương xã hội hoá cũng như thực hiện mục tiêu
của Đề án; phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành; huyện, thành phố; xã, phường,
thị trấn để tập trung chỉ đạo, điều hành, tăng cường sự phối hợp liên ngành
trong tổ chức thực hiện Đề án.
3.2. Đẩy
mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu
tư trong nước và nước ngoài thực hiện đầu tư, hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật trong các lĩnh vực xã hội hóa các hoạt động y tế phù hợp với pháp
luật hiện hành.
3.3. Đề
cao vai trò của các cấp ủy đảng, chính quyền trong chăm sóc sức
khỏe nhân dân, tiết kiệm chi tiêu, chống thất thoát, lãng
phí, tăng cường năng lực quản lý các lĩnh vực hoạt động của
y tế.
3.4. Xây
dựng kế hoạch hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ việc sắp xếp, tuyển dụng
nhân lực đối với các đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi sang loại hình cơ sở
xã hội hóa.
3.5. Sở Y
tế có trách nhiệm tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo, quản lý hiệu quả các hoạt động
xã hội hóa trên địa bàn tỉnh đảm bảo đúng các quy định.
4. Công tác quy hoạch
4.1. Tiếp
tục rà soát bổ sung quy hoạch ngành, quy hoạch mạng lưới thuộc lĩnh vực y tế đến
năm 2021; xây dựng quy hoạch quỹ đất, kế hoạch sử dụng đất dành cho cơ sở thực
hiện xã hội hóa theo lộ trình thực hiện,
ưu tiên dành quỹ đất cho thuê đối với các cơ sở y tế ngoài công lập.
4.2. Hoàn
thiện quy hoạch mạng lưới, quy hoạch đất, kế hoạch sử dụng đất các cơ sở y tế đến
năm 2021, danh mục các dự án xã hội hóa kêu gọi đầu tư, giới thiệu địa điểm đã
được quy hoạch hoặc trong kế hoạch giải phóng mặt bằng để các doanh nghiệp, nhà
đầu tư xem xét quy hoạch xây dựng công trình hạ tầng xã hội gan với quy hoạch
ngành thực hiện xã hội hóa y tế.
5. Xây dựng cơ chế chính sách xã hội
hóa
5.1. Tạo
điều kiện để các nhà đầu tư, doanh nghiệp tự bỏ vốn đầu tư
xây dựng cơ sở hạ tầng một số cơ sở y tế công lập, sau đó cho nhà nước thuê dài
hạn, hết thời hạn cho thuê, nhà đầu tư, doanh nghiệp bàn giao cơ sở vật chất cho nhà nước quản lý sử dụng phục vụ hoạt động y tế của tỉnh.
5.2. Xây
dựng cơ chế chính sách hỗ trợ lãi suất hay một phần lãi suất
khi vay vốn của các tổ chức tín dụng triển khai các dự án xã hội hóa đặc biệt
các vấn đề xã hội hóa triển khai theo tinh thần Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày
15/12/2014 của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách phát triển y tế, cho vay ưu đãi với
các đề án xã hội hóa y tế.
5.3. Về giao đất cho thuê đất: Căn cứ điều kiện thực tế và từng trường hợp cụ
thể, cơ sở thực hiện xã hội hóa được UBND tỉnh xem xét, quyết định giao đất có
thời hạn hoặc cho thuê đất có thời hạn đã hoàn thành giải phóng mặt bằng để xây
dựng các công trình xã hội hóa y tế; cơ sở thực hiện xã hội hóa y tế phải sử dụng
đất đúng mục đích và phù hợp với quy hoạch đất dành cho lĩnh vực xã hội hóa y tế,
trường hợp cơ sở xã hội hóa sử dụng đất không đúng mục đích được giao thì bị
thu hồi đất và xử lý theo quy định của pháp luật; các cơ
quan nhà nước khi quy hoạch hoặc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của
tỉnh phải bố trí quỹ đất phù hợp quy hoạch sử dụng đất dành cho các lĩnh vực xã
hội hóa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
5.4. Về hỗ trợ nguồn nhân lực: các bệnh viện chủ động sắp
xếp khoa phòng, bố trí nhân lực, đào tạo nâng cao trình độ
chuyên môn cho cán bộ, cử cán bộ đi học tập, tiếp thu các kỹ thuật từ tuyến trên đối với các dịch vụ y tế.
6. Tăng
cường huy động nguồn lực: Có cơ chế huy động nguồn lực từ
xã hội hóa để hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị;
nâng cao dịch vụ công từ nguồn xã hội hóa, đáp ứng nhu cầu
chăm sóc sức khỏe cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
7. Công
tác thi đua khen thưởng: Xây dựng, ban hành các quy định về thi đua, khen thưởng
phù hợp, đảm bảo khuyến khích, động viên, khích lệ các đơn
vị, tổ chức và cá nhân tích cực tham gia thực hiện và nâng
cao hiệu quả công tác xã hội hóa trên địa bàn tỉnh./.