THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
134/2004/QĐ-TTg
|
Hà
Nội, ngày 20 tháng 7 năm 2004
|
QUYẾT ĐỊNH
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 134/2004/QĐ-TTG NGÀY 20 THÁNG 7 NĂM
2004 VỀ MỘT SỐ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ ĐẤT SẢN XUẤT, ĐẤT Ở, NHÀ Ở VÀ NƯỚC SINH HOẠT
CHO HỘ ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ NGHÈO, ĐỜI SỐNG KHÓ KHĂN
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ
ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Theo đề nghị của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm
Văn phòng Chính phủ và ý kiến các Bộ, ngành, cơ quan: Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn (Công văn số 1409/BNN-HTX ngày 23 tháng 6 năm 2004); Uỷ ban Dân tộc
(Công văn số 398/UBDT-CSDT ngày 28 tháng 6 năm 2004); Lao động - Thương binh và
Xã hội (Công văn số 1986/LĐTBXH-BTXH ngày 21 tháng 6 năm 2004); Xây dựng (Công
văn số 934/BXD-QLN ngày 22 tháng 6 năm 2004); Tài nguyên và Môi trường (Công
văn số 2019/BTNMT-ĐKTKĐĐ ngày 22 tháng 6 năm 2004); Tư pháp (Công văn số
975/TP/PLHSHC ngày 22 tháng 6 năm 2004); Tài chính (Công văn số 7184 TC/NSNN
ngày 29 tháng 6 năm 2004), Hội đồng dân tộc của Quốc hội (Công văn số 443
CV/HĐDT ngày 17 tháng 6 năm 2004),
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Thực hiện một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt
cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn nhằm mục đích cùng với
việc thực hiện các chương trình kinh tế- xã hội, Nhà nước trực tiếp hỗ trợ hộ đồng
bào dân tộc thiểu số nghèo để có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện đời sống,
sớm thoát nghèo.
1. Đối tượng:
Hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại
chỗ, định cư thường trú tại địa phương; là hộ nghèo sinh sống bằng nghề nông,
lâm nghiệp chưa có hoặc chưa đủ đất sản xuất, đất ở và có khó khăn về nhà ở, nước
sinh hoạt.
2. Nguyên tắc:
a) Hỗ trợ đất sản xuất, đất ở và
nhà ở, nước sinh hoạt trực tiếp đến hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo;
b) Bảo đảm công khai, công bằng
đến từng hộ, buôn, làng trên cơ sở pháp luật và chính sách của Nhà nước;
c) Phù hợp với phong tục, tập
quán của mỗi dân tộc, vùng, miền, bảo tồn bản sắc văn hoá của từng dân tộc; phù
hợp với điều kiện thực tiễn và gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-
xã hội của từng địa phương;
d) Các hộ được hỗ trợ đất sản xuất,
đất ở và nhà ở, nước sinh hoạt phải trực tiếp quản lý và sử dụng để phát triển
sản xuất, cải thiện đời sống, góp phần xoá đói giảm nghèo. Trường hợp đặc biệt,
khi hộ được hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở có nhu cầu di chuyển đến nơi khác
thì phải ưu tiên chuyển nhượng quyền sử dụng đất sản xuất và đất ở cho chính
quyền địa phương để giao lại cho hộ đồng bào dân tộc nghèo khác.
Người nhận chuyển nhượng quyền sử
dụng đất không theo quy định này, Nhà nước sẽ thu hồi không bồi hoàn để giao
cho hộ đồng bào dân tộc chưa có đất hoặc thiếu đất.
Điều 2.
Về chính sách:
1. Đối với
đất sản xuất:
Mức giao đất sản xuất tối thiểu
một hộ là 0,5 ha đất nương, rẫy hoặc 0,25 ha đất ruộng lúa nước một vụ hoặc
0,15 ha đất ruộng lúa nước hai vụ. Căn cứ quỹ đất cụ thể của từng địa phương,
khả năng lao động và số nhân khẩu của từng hộ và khả năng của ngân sách địa
phương, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có thể xem xét, quyết định giao đất sản xuất
cho hộ đồng bào với mức cao hơn.
2. Đối với đất ở : Mức giao diện tích đất ở tối thiểu 200
m2 cho mỗi hộ đồng bào sống ở nông thôn. Căn cứ quỹ đất ở và khả năng ngân sách
của địa phương, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có thể xem xét quyết định giao đất ở
cho hộ đồng bào với mức cao hơn.
Việc hỗ trợ đất sản xuất và đất ở
đối với hộ đồng bào dân tộc Khơme nghèo do đặc thù của vùng đồng bằng sông Cửu
Long, Nhà nước sẽ có chính sách riêng.
3. Về nhà ở
: Đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo tại chỗ (kể cả đồng bào dân tộc
Khơ me) hiện chưa có nhà ở hoặc nhà ở quá tạm bợ và đã hư hỏng, dột nát thì thực
hiện phương châm: Nhân dân tự làm, Nhà nước hỗ trợ và cộng đồng giúp đỡ.
a) Ngân sách
Trung ương hỗ trợ với mức 5 triệu đồng/ hộ để làm nhà ở. Căn cứ tình hình và khả
năng ngân sách, các địa phương hỗ trợ thêm và huy động sự giúp đỡ của cộng đồng.
b) Đối với
các địa phương có rừng, có quy hoạch, kế hoạch khai thác gỗ hàng năm được duyệt
thì cho phép uỷ ban nhân dân cấp tỉnh được khai thác gỗ theo quy định để hỗ trợ
đồng bào làm nhà ở. Mức gỗ hỗ trợ cụ thể cho mỗi hộ làm nhà ở do Uỷ ban nhân
dân cấp tỉnh quyết định. Nghiêm cấm việc lợi dụng khai thác gỗ hỗ trợ làm nhà ở
để chặt phá rừng
4. Về hỗ trợ
giải quyết nước sinh hoạt :
a) Đối với các
hộ đồng bào dân tộc ở phân tán vùng cao, núi đá, khu vực khó khăn về nguồn nước
sinh hoạt thì ngân sách Trung ương hỗ trợ 0,5 tấn xi măng/hộ để xây dựng bể chứa
nước mưa hoặc hỗ trợ 300.000 đồng/ hộ để đào giếng hoặc tạo nguồn nước sinh hoạt.
b) Đối với công trình cấp nước
sinh hoạt tập trung: Ngân sách Trung ương hỗ trợ 100% cho các thôn, bản có từ
50% số hộ là đồng bào dân tộc thiểu số trở lên; hỗ trợ 50% đối với các thôn, bản
có từ 20% đến dưới 50% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Các địa phương khi xây
dựng các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung cho đồng bào phải bảo đảm tính
bền vững và hiệu quả.
Điều 3.
Quỹ đất để giao cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ chưa có hoặc chưa đủ đất
sản xuất, đất ở, bao gồm :
1. Đất công Nhà nước thu hồi
theo quy hoạch. Đất điều chỉnh giao khoán trong các nông trường, lâm trường;
2. Đất thu hồi từ các nông trường,
lâm trường hiện đang quản lý nhưng sử dụng kém hiệu quả; đất cho thuê, mướn hoặc
cho mượn;
3. Khai hoang đất trống đồi núi
trọc, đất chưa sử dụng;
4. Đất thu hồi từ các doanh nghiệp
sản xuất không hiệu quả, sử dụng sai mục đích hoặc giải thể; đất thu hồi từ các
cá nhân chiếm dụng hoặc cấp đất trái phép.
5. Đất do
nông trường, lâm trường đang quản lý và sử dụng mà trước đây đất này do đồng
bào dân tộc tại chỗ sử dụng thì nay phải điều chỉnh giao khoán lại (kể cả diện
tích đất có vườn cây công nghiệp, rừng trồng) cho hộ đồng bào chưa được giao đất
sản xuất hoặc chưa đủ đất sản xuất để tiếp tục quản lý, sử dụng theo quy định
chung. Mức giao khoán cụ thể do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định.
6. Đất điều chỉnh từ các hộ gia
đình tặng, cho hoặc tự nguyện chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
7. Trường hợp
không có đất sản xuất nông nghiệp thì giao đất sản xuất lâm nghiệp, hạn mức
giao thực hiện theo Nghị định số 163/1999/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 1999 của
Chính phủ về giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp cho các tổ chức, hộ gia đình và
cá nhân sử dụng lâu dài vào mục đích lâm nghiệp và các quy định của Luật Đất
đai.
Điều 4. Hỗ
trợ để tạo quỹ đất sản xuất và đất ở.
1. Ngân sách Trung ương hỗ trợ để
tạo quỹ đất sản xuất và đất ở, bao gồm : Khai hoang, đền bù khi thu hồi đất, nhận
chuyển nhượng lại của hộ có nhiều đất với mức bình quân 5 triệu đồng/ ha. Các tỉnh
căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương mình mà có quy định cụ thể.
2. Các Nông trường, Lâm trường
được giao nhiệm vụ tổ chức cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số sản xuất thì
cũng được ngân sách Trung ương hỗ trợ khai hoang bình quân 5 triệu đồng/ha; đồng
thời hỗ trợ vốn làm đường giao thông, đầu tư lưới điện và xây dựng công trình
thuỷ lợi nhỏ.
Điều 5.
Nguồn vốn thực hiện
1. Ngân sách
Trung ương bảo đảm các khoản chi theo định mức hỗ trợ quy định tại Quyết định
này.
2. Ngân sách địa
phương bố trí kinh phí không dưới 20% so với số vốn Ngân sách Trung ương bảo đảm,
đồng thời huy động thêm các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện mục tiêu,
chính sách này.
3. Các địa
phương chủ động bố trí kinh phí để thực hiện việc đo đạc, cấp giấy chứng nhận
quyền sử dụng đất cho đồng bào.
Điều 6.
Tổ chức thực hiện :
1. Uỷ ban
nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm trực tiếp và toàn diện trong việc chỉ đạo và
tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh
hoạt cho các hộ đồng bào dân tộc nghèo.
a) Công bố công khai các tiêu
chuẩn, đối tượng và điều tra lập danh sách các hộ đồng bào dân tộc thiểu số
nghèo tại chỗ chưa có hoặc chưa đủ đất sản xuất, đất ở và có khó khăn về nhà ở,
nước sinh hoạt trên địa bàn.
b) Lập và phê duyệt đề án giải
quyết đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số
nghèo trên địa bàn tỉnh mình ( kể cả việc ra quyết định điều chỉnh khoán và thu
hồi đất của các nông, lâm trường do các Bộ và các cơ quan, đơn vị quản lý trên
địa bàn), gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp trình Thủ tướng
Chính phủ quyết định kế hoạch hàng năm.
Các công việc trên phải hoàn
thành trong quý 3 năm 2004. Trường hợp có khó khăn, vướng mắc phải báo cáo Thủ
tướng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan để xem xét, giải quyết.
c) Chỉ đạo các cơ quan có liên
quan, các cấp chính quyền địa phương và phối hợp với các tổ chức đoàn thể chính
trị - xã hội trên địa bàn, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ
đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, đẩy nhanh việc xoá đói, giảm nghèo,
nâng cao đời sống đồng bào dân tộc.
d) Thường xuyên kiểm tra việc thực
hiện, đảm bảo các chính sách đến được từng hộ đồng bào dân tộc; không được để xảy
ra thất thoát, tiêu cực.
đ) Đến cuối
năm 2006 phải cơ bản thực hiện xong các chính sách quy định tại Quyết định này.
2. Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, hướng dẫn và giúp đỡ các địa phương
trong việc xây dựng, cải tạo các công trình thuỷ lợi nhỏ, hỗ trợ giống cây trồng,
vật nuôi, giải quyết nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn theo hướng
phát triển sản xuất xoá đói giảm nghèo.
3. Bộ Xây dựng hướng dẫn, đôn đốc
các địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho các hộ đồng bào dân tộc
thiểu số.
4. Căn cứ đề
án giải quyết đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt đã được Chủ tịch Uỷ
ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thống nhất với Bộ
Tài chính tổng hợp kế hoạch và bố trí vốn bổ sung có mục tiêu cho các địa
phương trong kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước năm 2005 và năm 2006, trình
Thủ tướng Chính phủ.
5. Bộ Tài
chính trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chính sách cụ thể việc thu hồi đất sản
xuất của các nông trường, lâm trường (kể cả vườn cây lâu năm, rừng trồng) để
giao khoán cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo.
6. Uỷ ban
Dân tộc chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc
việc thực hiện Quyết định này; định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
7. Các Bộ,
ngành có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm kiểm tra, hỗ
trợ các địa phương thực hiện có hiệu quả các chính sách quy định tại Quyết định
này.
Điều 7.
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo. Bãi bỏ Quyết định
số 154/2002/QĐ-TTg ngày 12 tháng 11 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về chính
sách cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ và hộ dân thuộc diện chính
sách ở các tỉnh Tây Nguyên mua trả chậm nhà ở.
Điều 8.
Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính
phủ và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này.