Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 162/KH-UBND Loại văn bản: Kế hoạch
Nơi ban hành: Thành phố Cần Thơ Người ký: Nguyễn Ngọc Hè
Ngày ban hành: 27/07/2023 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 162/KH-UBND

Cần Thơ, ngày 27 tháng 7 năm 2023

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ, HỢP TÁC XÃ NĂM 2024

Thực hiện Công văn số 4879/BKHĐT-KTHT ngày 23 tháng 6 năm 2023 về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã năm 2024. Căn cứ tình hình phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã năm 2023 trên địa bàn thành phố Cần Thơ, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Cần Thơ ban hành Kế hoạch Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã năm 2024, với những nội dung như sau:

Phần thứ nhất

ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ, HỢP TÁC XÃ NĂM 2023

I. TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ, HỢP TÁC XÃ NĂM 2023

1. Đánh giá dựa trên các chỉ tiêu về hoạt động sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã

a) Về số lượng, doanh thu và thu nhập của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác (HTX, LH HTX, THT):

- Hợp tác xã: Tính đến 30 tháng 6 năm 2023, toàn thành phố có 321 HTX, trong đó: 164 HTX nông nghiệp, 25 HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, 45 HTX vận tải, 31 HTX thương mại - dịch vụ, 49 HTX xây dựng, 07 quỹ tín dụng; tổng vốn điều lệ đăng ký 736,31 tỷ đồng. Ước thực hiện cả năm 2023 là 325 HTX.

+ Số HTX thành lập mới trong 6 tháng đầu năm 2023: 15 HTX (trong đó 12 HTX nông nghiệp, 02 HTX vận tải, 01 HTX thương mại - dịch vụ,) đã đăng ký và được cấp mã số thuế, đạt 75% kế hoạch năm 2023; ước đến cuối năm thực hiện thành lập mới 21 HTX, đạt vượt 5% kế hoạch phát triển mới HTX năm 2023.

+ Số HTX đã giải thể trong 6 tháng đầu năm 2023: 03 HTX nông nghiệp, ước giải thể năm 2023: 05 HTX.

+ Số HTX trong diện phải tổ chức lại theo Luật: đã thực hiện xong việc tổ chức hoạt động theo Luật HTX 2012 (106/106 HTX).

+ Số HTX đang hoạt động: 209 HTX, trong đó 126 HTX nông nghiệp, 08 HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, 29 HTX vận tải, 21 HTX xây dựng, 18 HTX thương mại - dịch vụ, 07 Quỹ tín dụng.

+ Số HTX ngưng hoạt động, tạm ngưng hoạt động: 112 HTX, trong đó có 68 HTX đang làm thủ tục giải thể.

+ Doanh thu bình quân của HTX: 4,2 tỷ đồng/năm (tăng 5% so với năm 2022).

+ Doanh thu bình quân của THT: 1,25 tỷ đồng/ năm.

+ Lãi bình quân HTX, THT: chưa có số liệu cụ thể.

- Tổ hợp tác: Toàn thành phố có 1.480 tổ hợp tác, trong 6 tháng đầu năm 2023 thành lập mới 30 THT trong lĩnh vực nông nghiệp. Ước thực hiện cuối năm 2023 là 1.500 tổ.

- Số HTX, THT hoạt động có hiệu quả: Hiện có trên 65% HTX tổ chức hoạt động có hiệu quả, tổ chức được ít nhất 02 dịch vụ cho thành viên trở lên. Số lượng các THT hoạt động hiệu quả khoảng trên 50% tổ, có 03 THT phát triển thành HTX.

b) Về thành viên, lao động của HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác:

- Thành viên HTX: Tổng số thành viên 06 tháng đầu năm 13.038 thành viên, tăng 102 thành viên so với năm 2022 (trong đó thành viên mới 594 thành viên, 492 thành viên ra HTX và do HTX giải thể). Ước thực hiện cuối năm 2023 khoảng 13.090 thành viên, trong đó thành viên gia nhập mới là 654 thành viên, tập trung ở các HTX được thành lập mới và các Quỹ tín dụng; số thành viên ra HTX khoảng 500 thành viên, chủ yếu ở các HTX đã giải thể, chờ giải thể.

- Tổng số lao động thường xuyên là 18.335 người, trong đó có 5.715 lao động là thành viên HTX.

- Thành viên tổ hợp tác: có khoảng 53.343 thành viên, bình quân 36 thành viên/tổ, đa số hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; nhiều tổ hợp tác có quy mô khá lớn tạo được sự liên kết rộng rãi trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn, cánh đồng lớn, góp vốn, góp công, tổ chức hoạt động dịch vụ phục vụ thành viên sản xuất có hiệu quả.

- Thu nhập bình quân:

+ Thu nhập bình quân một thành viên HTX là 73 triệu đồng/năm.

+ Thu nhập bình quân một lao động trong HTX là 57 triệu đồng/năm.

+ Thu nhập bình quân một thành viên tổ hợp tác khoảng 36,5 triệu đồng/năm.

c) Về trình độ cán bộ quản lý HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác:

- Tổng số cán bộ quản lý:

+ Hợp tác xã: 1.601 cán bộ.

+ Tổ hợp tác: 4.145 cán bộ.

- Trình độ cán bộ quản lý:

+ Hợp tác xã: Cán bộ có trình độ: sơ cấp, trung cấp: 768 người, chiếm tỷ lệ 48%; trình độ cao đẳng, đại học trở lên 384 người, chiếm tỷ lệ 24%. Trên 80% cán bộ quản lý HTX đã qua các lớp bồi dưỡng về nghiệp vụ quản lý, điều hành HTX.

+ Tổ hợp tác: Cán bộ có trình độ sơ cấp trở lên chiếm khoảng 10%.

2. Đánh giá theo lĩnh vực

a) Lĩnh vực nông nghiệp:

- Về số lượng, doanh thu, thu nhập của hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp (HTX, THT):

+ Tính từ đầu năm đến nay thành lập mới 151 HTXNN. Lũy kế đến nay trên địa bàn thành phố có 167 HTXNN với 3.107 thành viên, tổng diện tích hơn 4.332,33 ha, vốn điều lệ hơn 161,685 tỷ đồng.

+ Phân chia theo loại hình có 1.131 HTX trồng trọt, 05 HTX chăn nuôi, 15 HTX Thủy sản và 16 HTX tổng hợp; phân chia theo địa phương: Ninh Kiều 06 HTX, Cái Răng 05 HTX, Bình Thủy 08 HTX, Ô Môn 14 HTX, Thốt Nốt 14 HTX, Phong Điền 27 HTX, Thới Lai 27 HTX, Cờ Đỏ 39 HTX, Vĩnh Thạnh 27 HTX (HTXNN ngừng hoạt động còn 35 HTX).

+ Từ khi Luật HTX 2012 có hiệu lực thi hành, thành phố Cần Thơ có 166 HTX hoạt động theo Luật HTX 2012, trong đó có 134 HTXNN đăng ký mới; 31 HTX tổ chức lại hoạt động theo luật HTX 2012, 01 HTX chưa chuyển đổi ngừng hoạt động chưa giải thể do còn vướng vấn đề thủ tục pháp lý theo quy định hiện hành.

+ Doanh thu bình quân của 01 HTX nông nghiệp ước đạt 3,0-3,5 tỷ đồng. Doanh thu chủ yếu từ việc sản xuất nông nghiệp của các thành viên, việc doanh thu do HTX tổ chức dịch vụ chưa thống kê đầy đủ, nguyên nhân các HTX nông nghiệp không báo cáo kết quả hoạt động cho Ngành nông nghiệp. Lãi bình quân của HTX ước đạt 01-1,2 tỷ đồng/năm tăng so với cùng kỳ. Thu nhập bình quân của lao động làm việc thường xuyên trong HTX nông nghiệp giao động từ 35-45 triệu đồng/người/năm tăng so với cùng kỳ.

+ Về hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp: Theo kết quả đánh giá đầu năm 2022 có 98 HTX nông nghiệp xếp loại từ mức trung bình trở lên chiếm 63,6% tổng số HTXNN trên địa bàn thành phố; HTX nông nghiệp xếp loại yếu 07 HTX chiếm 4,5%; 14 HTX thành lập trong năm chưa đủ thời gian xếp loại chiếm 9,1%; Số HTX ngừng hoạt động chờ giải thể 35 HTX chiếm 22,8%.

+ Tình hình phát triển THT: Từ đầu năm đến nay thành phố đã thành lập mới 30 THT (đồng thời chuyển đổi loại hình và giải tán 30 THT), lũy kế đến nay thành phố có tổng số 1.435 THT với 47.462 thành viên, với hơn 56.527,8 ha, trong đó phân theo lĩnh vực: trồng trọt 636 THT, chăn nuôi 42 HTX, thủy sản 10 THT, dịch vụ, bơm tưới 777 THT. Tổ hợp tác hoạt động chủ yếu thông qua các nội dung trao đổi, học tập, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất,... hoạt động của THT thường theo thời vụ và đa phần các THT không có vốn góp và tài sản chung, tổ hợp tác hoạt động đúng Nghị định số 77/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2019 của Chính phủ về tổ hợp tác, tạo sự liên kết hợp tác sản xuất và đáp ứng nhu cầu đa dạng của thành viên, một số tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả, được bà con nông dân tín nhiệm, tuy nhiên tính ổn định của THT không cao, các địa phương chưa thường cập nhật và báo cáo biến động về loại hình này hàng năm. Các THT chủ yếu hoạt động hợp tác trong lĩnh vực bơm tưới, hỗ trợ kỹ thuật sản xuất và tiêu thụ nông sản đầu ra, đa phần các THT hoạt động mang tính mùa vụ nên không có doanh thu.

- Về thành viên, lao động của HTX, THT:

+ Tổng số thành viên HTX đến nay là 3.107 thành viên tăng so với cùng kỳ do mới thành lập 182 thành viên.

+ Về THT nông nghiệp số thành viên đến hiện nay là 47.462, tăng so với cùng kỳ là 1.580 thành viên.

+ Về lao động trong HTX là hơn 5.000 người, trong đó lao động là thành viên HTX là 3.107 người, lao động ngoài HTX hơn 2.000 người, giá trung bình thuê mướn lao động trong HTX là từ 3-5 triệu đồng/người/tháng.

+ Đối với THT số lao động trong THT là 47.462 người, bên cạnh đó THT đã giải quyết việc làm cho khoảng 14.000-16.000 người lao động mang tính thời vụ trong việc làm đất, bón phân, phun thuốc, thu hoạch, vận chuyển,...

- Về trình độ cán bộ quản lý HTX, THT:

+ Tổng số cán bộ quản lý: Hợp tác xã: 601 cán bộ; Tổ hợp tác hơn: 4.000 cán bộ.

+ Trình độ cán bộ quản lý: Hợp tác xã: Cán bộ có trình độ sơ cấp, trung cấp, chiếm tỷ lệ 47%; trình độ cao đẳng, đại học trở lên chiếm tỷ lệ 21%. Trên 75% cán bộ quản lý HTX đã qua các lớp bồi dưỡng về nghiệp vụ quản lý, điều hành HTX, cho thấy trình độ quản lý HTX nông nghiệp đã có bước tăng lên so với năm 2022.

b) Lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp:

- Tổng số 25 HTX, tổng vốn điều lệ: 9,753 tỷ đồng, 397 thành viên, lao động thường xuyên 2.373 người (trong đó có 397 lao động là thành viên HTX). Số HTX đang hoạt động 08 HTX, số HTX ngừng hoạt động 17 HTX (chiếm đa số các HTX điện bị thu hồi lưới điện nhưng chưa giải thể được).

- Doanh thu bình quân HTX tiểu thủ công nghiệp: 4,5 tỷ đồng/ năm (tăng 4,65% so với năm 2022).

- Thu nhập bình quân của thành viên HTX: 48 triệu đồng/năm (tăng 6,67% so với năm 2022).

- Các HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp hoạt động tập trung chủ yếu ở một số ngành, nghề: Đan tre, đan lục bình, bánh kẹo. Vai trò của các HTX khá rõ nét trong giải quyết việc làm, khôi phục phát triển làng nghề thông qua việc dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho thành viên và người lao động. Hoạt động dịch vụ hỗ trợ thành viên khá đa dạng: Tổ chức các lớp dạy nghề, cung cấp nguyên liệu đầu vào, sơ chế nguyên vật liệu, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, hướng dẫn thành viên đa dạng hóa sản phẩm, cải tiến mẫu mã để đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người dùng và mở rộng thị trường góp phần tích cực vào giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động địa phương. Một số HTX hoạt động nổi bật như HTX Quốc Noãn (huyện Thới Lai), HTX Kim Hưng (quận Cái Răng).

- Tuy nhiên, mặt yếu của HTX trong lĩnh này là khó vận động thành lập mới, khả năng đa dạng sản phẩm và năng lực cạnh tranh còn hạn chế do thiếu vốn, ít được đầu tư đổi mới công nghệ, thị trường thiếu ổn định.

c) Lĩnh vực giao thông vận tải:

- Tổng số 45 HTX, vốn điều lệ 114,313 tỷ đồng, 1.241 thành viên, lao động thường xuyên 2.121 người (trong đó có 1.241 lao động là thành viên HTX). Số HTX đang hoạt động 29, số HTX ngừng hoạt động 16 HTX.

- Doanh thu bình quân của HTX vận tải: 6,8 tỷ đồng/năm (tăng 17,24% so với năm 2022).

- Thu nhập bình quân của thành viên HTX: 100 triệu đồng/năm (tăng 14,94% so với năm 2022).

- Trong ngành vận tải các HTX đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, vận chuyển hành khách theo tuyến cố định, theo hợp đồng. Các HTX tuân thủ tốt các quy định của Nhà nước, thực hiện các dịch vụ hỗ trợ thành viên như đăng ký thủ tục hành chính trong kinh doanh vận tải, quản lý phương tiện, tìm kiếm hợp đồng vận tải... Mặt khác còn hỗ trợ thành viên trong công tác kê khai tài chính, đóng BHXH, BHYT, thu và nộp thuế phương tiện vận tải thành viên HTX trên địa bàn. Tiêu biểu có HTX Vạn Hưng (quận Thốt Nốt), HTX Thủy bộ Hưng Phú (quận Cái Răng) hoạt động hiệu quả, làm tốt nhiều khâu dịch vụ hỗ trợ cho thành viên.

- Khó khăn hiện nay đối với HTX thuộc lĩnh vực vận tải là thiếu nguồn vốn vay để đổi mới phương tiện, bị cạnh tranh gay gắt bởi chất lượng dịch vụ và cách quản lý chưa theo kịp với các doanh nghiệp vận tải lớn.

d) Lĩnh vực xây dựng:

- Tổng số 49 HTX, tổng vốn điều lệ 167,848 tỷ đồng, 514 thành viên, lao động thường xuyên 1.250 người (trong đó có 514 lao động là thành viên HTX). Số HTX đang hoạt động 21, số HTX ngưng hoạt động 28 HTX (nhiều HTX ngưng hoạt động tạm thời do chưa có công trình).

- Doanh thu bình quân của HTX: 5,8 tỷ đồng/năm (tăng 3,57% với năm 2022).

- Thu nhập của thành viên HTX: 70 triệu đồng/năm.

- Lĩnh vực xây dựng có số lượng HTX khá lớn, hoạt động theo mô hình HTX tạo việc làm cho người lao động. Các HTX nâng cao chất lượng công trình thi công, cố gắng tìm kiếm công trình để tạo việc làm, tăng thu nhập cho thành viên. Nhiều HTX tạo được uy tín, đảm bảo chất lượng thi công nhiều công trình giao thông, thủy lợi, công trình công cộng, nhà ở dân cư, như: HTX Xây dựng Tiến Lợi (quận Bình Thủy), HTX Xây dựng Quốc Thắng (quận Thốt Nốt).

- Cạnh tranh trong lĩnh vực xây dựng rất quyết liệt, phần lớn HTX xây dựng hoạt động không ổn định, năng lực về vốn, thiết bị còn hạn chế nên khó cạnh tranh với doanh nghiệp trong đấu thầu. Một số HTX hoạt động không thường xuyên hoặc ngưng hoạt động do không có công trình thi công.

đ) Lĩnh vực thương mại - dịch vụ:

- Tổng số 31 HTX, tổng vốn điều lệ 211,056 tỷ đồng, 393 thành viên, lao động thường xuyên 582 người (trong đó có 393 lao động là thành viên HTX). Số HTX đang hoạt động 18, số HTX ngừng hoạt động 13 HTX.

- Doanh thu bình quân của HTX: 35 tỷ đồng/năm (giảm 22% so với năm 2022 do 01 HTX chuyên xay sát, lau bóng gạo xuất khẩu có doanh thu lớn ngưng hoạt động).

- Thu nhập của thành viên HTX: 100 triệu đồng/năm (tăng 8,7% so với năm 2022).

- Hoạt động đa dạng như: chế biến, thu mua nông sản, xay xát lúa gạo có bước phát triển. Các HTX chế biến, thu mua nông sản hoạt động có hiệu quả, mở rộng sản xuất kinh doanh, có hợp đồng chặt chẽ với các doanh nghiệp, góp phần tiêu thụ sản phẩm cho thành viên và các HTX. Nổi bật như HTX nông sản xanh Cần Thơ (quận Thốt Nốt), HTX Nhất Tâm (quận Ninh Kiều), HTX Thuận Phát (huyện Thới Lai) đã liên kết và tiêu thụ hàng nông sản an toàn cho nhiều HTX khác, cung cấp hàng hóa theo tiêu chuẩn an toàn, có nguồn gốc xuất xứ cho hệ thống siêu thị trong và ngoài thành phố, từng bước hình các HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị.

- Hạn chế trong HTX lĩnh vực thương mại - dịch vụ là khả năng cạnh tranh của HTX còn yếu, chưa bảo đảm cung cấp ổn định được chuỗi sản xuất nông sản sạch.

e) Quỹ tín dụng nhân dân:

- Tổng số 7 Quỹ tín dụng, vốn điều lệ 48,374 tỷ đồng, 7.447 thành viên, lao động thường xuyên 124 người đồng thời là thành viên của quỹ.

- Doanh thu bình quân của Quỳ tín dụng nhân dân: 8,5 tỷ đồng/năm.

- Thu nhập của thành viên sáng lập Quỹ tín dụng nhân dân: 74 triệu đồng/năm.

Đa số các Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động hiệu quả, đảm bảo an toàn vốn, không để dư nợ xấu quá quy định, phát triển thêm thành viên, đội ngũ cán bộ được tăng cường về trình độ nghiệp vụ, chuyên môn. Trong điều kiện khó khăn, tính tương trợ của các Quỹ tín dụng được phát huy, hỗ trợ thành viên vốn đầu tư sản xuất kinh doanh nhỏ, góp phần hạn chế được nạn cho vay nặng lãi, thiết thực giúp cho hộ nghèo vượt khó, cải thiện đời sống, tiêu biểu như Quỹ tín dụng nhân dân Tín nghĩa (quận Ninh Kiều), Quỹ tín dụng nhân dân Thạnh An (huyện Vĩnh Thạnh).

Khó khăn của quỹ tín dụng nhân dân hiện nay là điều kiện để tham gia thành viên và cho vay được siết chặt hơn, ảnh hưởng cho hoạt động của hầu hết các quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn, khó phát triển thành viên mới, dư nợ cho vay tăng thấp.

3. Đánh giá tác động của HTX, THT đến thành viên, kinh tế hộ

HTX nông nghiệp đã từng bước thu hút, tập hợp người dân tham gia để tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, tạo ra hàng hóa của mỗi địa phương tương đối quy mô, đồng đều để cung ứng cho thị trường. Nhiều HTX nông nghiệp đã và đang xây dựng được nhãn hiệu, thương hiệu tập thể như: lúa giống, lúa hàng hóa chất lượng cao; hoa kiểng; rau an toàn; nhiều loại trái cây như: vú sữa, nhãn, xoài, sầu riêng, cam, ổi, chanh không hạt,...; thủy sản có cá tra là những sản phẩm được chủ lực liên kết hợp tác với các đối tác để thực hiện xây dựng phát triển các chuỗi giá trị nông sản. Sản phẩm của nhiều HTX nông nghiệp có chất lượng tốt, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc rõ ràng,... từ đó có thể đáp ứng được yêu cầu của một số thị trường xuất khẩu. Đây cũng là nền tảng để các địa phương thực hiện xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương góp phần thực hiện thành công Chương trình OCOP, chung tay xây dựng nông thôn mới.

HTX nông nghiệp cũng đã góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững tại địa phương. Nhiều nông hộ là thành viên HTX nông nghiệp làm ăn hiệu quả vươn lên khá, giàu từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Các loại hình Kinh tế tập thể cũng góp phần vào phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương, hỗ trợ phát triển và cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong thời gian qua, đã dần từng nước hình thành có mô hình kinh tế tập thể liên kết bền vững và ổn định.

Cộng đồng thành viên trong các HTX nông nghiệp xây dựng được tinh thần đoàn kết và tương trợ giúp đỡ nhau trong làm ăn kinh tế và đời sống hàng ngày,... góp phần xây dựng văn hóa cộng đồng, gắn chặt tình làng nghĩa xóm.

HTX đã thu hút được thành viên tham gia, hạn chế được việc sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu tập trung trong thời gian qua, đã giúp thành viên ổn định thị trường đầu ra cho hàng hóa nông sản, qua đó từng bước tạo được lòng tin cho thành viên, thu hút ngày càng nhiều thành viên tham gia và nhiều HTX mới được thành lập.

4. Một số mô hình hoạt động hiệu quả theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị

Số hợp tác xã đã được chọn để xây dựng mô hình hoạt động hiệu quả theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị là 30 HTX, phối hợp với các ngành và địa phương xây dựng HTX sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao. Giới thiệu 5 HTX sản xuất các nông sản chủ lực (lúa gạo, trái cây, cá tra) tham gia Đề án xây dựng mô hình HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị của Liên minh HTX Việt Nam.

- Thực hiện tư vấn, hỗ trợ các HTX có điều kiện tham gia các chương trình dự án nhằm phát huy nguồn lực hỗ trợ HTX về vốn, công nghệ, thị trường, đào tạo nhân lực, nhất là 5 HTX đã được chọn theo Quyết định 274/QĐ-UBND ngày 26 tháng 01 năm 2022 của UBND thành phố Cần Thơ về phê duyệt danh sách Hợp tác xã thí điểm tham gia Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhận rộng mô hình Hợp tác xã kiểu mới hiệu quả giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

- Một số mô hình tiêu biểu: Mô hình HTX Khiết Tâm (sản xuất lúa - huyện Vĩnh Thạnh), HTX Nông nghiệp thủy sản Thắng Lợi (nuôi cá tra - huyện Vĩnh Thạnh), HTX Sản xuất - thương mại Nhất Tâm (lĩnh vực chế biến thủy sản, quận Ninh Kiều), HTX Trường Trung A (cây ăn quả, huyện Phong Điền), HTX Nông nghiệp Thân Thiện (rau màu, quận Thốt Nốt),... là những HTX hoạt động hiệu quả theo mô hình sản xuất gắn chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thành viên trong nâng cao chất lượng sản phẩm như: sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn, sản xuất sạch, truy xuất nguồn gốc qua mã vạch, mã vùng trồng, tham gia vào các sàn giao dịch thương mại điện tử,... giúp cho thành viên có đầu ra ổn định thông qua các hợp đồng nhiều năm qua với các doanh nghiệp, nhà máy chế biến, công ty, siêu thị.

II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VÀ CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ, HỢP TÁC XÃ (KTTT, HTX)

1. Kết quả thực thi pháp luật và các văn bản về KTTT, HTX

Thành ủy, UBND thành phố Cần Thơ đã chỉ đạo, ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện:

- Chương trình số 28-CTr/TU ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Thành ủy về hỗ trợ nông nghiệp, nông dân, nông thôn thành phố Cần Thơ giai đoạn 2022-2030.

- Chương trình số 49-Ctr/TU ngày 27 tháng 12 năm 2022 của Thành ủy Cần Thơ thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.

- Kế hoạch số 95/KH-UBND ngày 19 tháng 8 năm 2020 của UBND thành phố Cần Thơ về phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021-2025.

- Kế hoạch số 124/KH-UBND ngày 14 tháng 6 năm 2021 của UBND thành phố Cần Thơ về thực hiện Chương trình Hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

- Kế hoạch số 125/KH-UBND ngày 14 tháng 6 năm 2021 của UBND thành phố Cần Thơ về triển khai thực hiện Đề án “lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021-2025”, trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

- Kế hoạch số 200/KH-UBND ngày 28 tháng 9 năm 2021 của UBND thành phố Cần Thơ về hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn thành phố Cần Thơ.

- Quyết định số 274/QĐ-UBND ngày 26 tháng 01 năm 2022 của UBND thành phố về phê duyệt danh sách HTX thí điểm tham gia Đề án “lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới giai đoạn 2021 - 2025” trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

- Kế hoạch số 185/KH-UBND ngày 05 tháng 9 năm 2022 của UBND thành phố Cần Thơ về phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn thành phố Cần Thơ năm 2023.

- Kế hoạch số 53/KH-UBND ngày 16 tháng 3 năm 2023 của UBND thành phố Cần Thơ thực hiện Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2023 của Chính phủ và Chương trình số 49-Ctr/TU ngày 27 tháng 12 năm 2023 của Thành ủy Cần Thơ về thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022, Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới tại thành phố Cần Thơ.

- Kế hoạch số 93/KH-UBND ngày 10 tháng 5 năm 2023 của UBND thành phố Cần Thơ thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2023- 2025 trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

2. Công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể

- Ban Chỉ đạo Kinh tế tập thể của thành phố thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn củng cố, kiện toàn các Ban chỉ đạo kinh tế tập thể quận, huyện; tăng cường tham mưu cho Thành ủy, UBND thành phố tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về HTX; đồng thời, nghiên cứu đề xuất những giải pháp thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển.

- Về tổ chức bộ máy quản lý nước về HTX: Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối giúp UBND thành phố thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về kinh tế tập thể, HTX; phòng Tài chính - Kế hoạch thuộc Ủy ban nhân các quận huyện theo dõi và tham mưu quản lý Nhà nước ở cấp huyện. Các sở, ngành chuyên môn liên quan đều có phân công cán bộ phụ trách lĩnh vực kinh tế tập thể, HTX.

- Hoạt động giám sát, kiểm tra, hướng dẫn các HTX bổ sung hoàn thiện các thủ tục, giúp HTX tuân thủ các nguyên tắc, quy định của Luật HTX được Liên minh HTX thành phố phối hợp với phòng Tài chính - Kế hoạch và các phòng chức năng của quận, huyện thực hiện thường xuyên, đã xử lý một số trường hợp HTX nông nghiệp chậm đăng ký mã số thuế và kê khai thuế, giải thể 03 HTX, đang kiểm tra củng cố hoặc giải thể các HTX ngưng hoạt động trên 12 tháng.

3. Kết quả triển khai chính sách hỗ trợ, ưu đãi HTX

a) Chính sách hỗ trợ thành lập mới, củng cố tổ chức KTTT, HTX:

Nhằm để cung cấp các thông tin, kiến thức về kinh tế tập thể cũng như giới thiệu các mô hình kinh tế tập thể có hiệu quả giúp người dân hiểu và tham gia các mô hình KTTT trên địa bàn, ngành Nông nghiệp đã thực hiện công tác tuyên truyền phổ biến với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, với nhiều cách thức khác nhau, như qua họp nhóm, qua mạng xã hội gửi các văn bản tuyên truyền, phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ ước thực hiện đến cuối năm 2023 tổ chức 19 lớp tuyên truyền phổ biến pháp luật, tư vấn chính sách hỗ trợ củng cố, phát triển kinh tế tập thể, HTX nông nghiệp với khoảng 570 lượt người tham dự, qua kết quả tuyên truyền đã giúp người dân, thành viên THT, HTX nhận thức vai trò của KTTT hiện nay trong nền kinh tế thị trường.

- Tổ chức 20 lớp cung cấp thông tin, tư vấn quy định của pháp luật về HTX cho 20 nhóm sáng lập viên HTX lĩnh vực nông nghiệp, vận tải, thương mại - dịch vụ và xây dựng trước khi thành lập HTX, có trên 620 người tham dự.

- Cung cấp, giới thiệu tài liệu 24 mô hình HTX, 03 mô hình tổ hợp tác điển hình tiên tiến và trên 620 quyển luật HTX 2012, các văn bản về kinh tế tập thể, HTX. Bảo đảm người dân hiểu về HTX kiểu mới theo Luật HTX 2012 và tự nguyện tham gia HTX.

b) Chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực:

Thực hiện Kế hoạch số 185/KH-UBND ngày 05 tháng 9 năm 2022 của UBND thành phố “phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn thành phố Cần Thơ năm 2023”, đã phối hợp xây dựng Kế hoạch bồi dưỡng cán bộ, cán bộ quản lý HTX, tuyên truyền về kiến thức kinh tế tập thể năm 2023, được UBND thành phố phê duyệt và cấp kinh phí thực hiện 400 triệu đồng. Liên minh đã thực hiện cụ thể:

- Tổ chức 02 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho 86 cán bộ quản lý HTX, tổ hợp tác với chuyên đề 1: “Quản trị và điều hành hoạt động của HTX”, chuyên đề 2: “Quản trị sản xuất gắn với chuỗi giá trị sản phẩm HTX”. Đồng thời, tổ chức cho học viên đi thực tế tham quan và học tập kinh nghiệm mô hình HTX ở tỉnh Sóc Trăng và Thành phố Hồ Chí Minh.

- Tổ chức 03 lớp bồi dưỡng kiến thức kinh tế tập thể cho 214 cán bộ, hội viên Hội Phụ nữ, hội viên Hội Cựu chiến binh ở xã phường, thị trấn.

- Đang xây dựng kế hoạch thực hiện các bước đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn tại các HTX, theo Kế hoạch 124/KH-UBND ngày 14 tháng 6 năm 2021.

c) Chính sách xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường:

- Tổ chức hỗ trợ đưa sản phẩm HTX và OCOP địa phương tham gia Hội chợ xuân Quý Mão 2023 tại Co.opmart Cần Thơ do Sở Công Thương tổ chức từ 05/01/2023 - 08/01/2023, gắn với hoạt động hỗ trợ kết nối, mở rộng thị trường cho HTX và nhằm hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Phiên chợ sản phẩm HTX lần thứ I - Đà Nẵng 2023” tại Đà Nẵng do Liên minh HTX thành phố Đà Nẵng tổ chức.

- Phối hợp với HTX Sản xuất - Thương mại Nhất Tâm tổ chức Chương trình bán hàng ưu đãi “Tết Quý Mão năm 2023” (ưu đãi đồng giá 10.000 đồng/sản phẩm chả cá ba sa, chả tôm, chả bạch tuộc...) tại Điểm trưng bày giới thiệu sản phẩm hợp tác xã (thuộc Liên minh HTX) từ ngày 14 - 15/01/2023. Qua hai ngày tổ chức, đã tiêu thụ hơn 4.000 sản phẩm chất lượng của HTX với giá ưu đãi cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân trong thành phố.

- Hỗ trợ trên 20 lượt HTX tham gia cuộc Hội nghị kết nối, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho HTX, THT và người dân trên địa bàn thành phố với công ty, doanh nghiệp.

- Thực hiện hỗ trợ, hướng dẫn các HTX có hàng hóa nông sản và hàng thủ công mỹ nghệ... tham gia các sàn giao dịch điện tử của Bộ Công Thương, Tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kết nối tiêu thụ của Liên minh Việt Nam theo Chương trình 503 và đăng thông tin quảng bá sản phẩm các HTX trên trang thông tin điện tử Liên minh HTX Cần Thơ để đẩy mạnh kết nối tiêu thụ sản phẩm HTX, THT. Liên minh HTX có thành lập Tổ công tác chỉ đạo hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho HTX, THT ở địa phương.

- Hoạt động trưng bày giới thiệu sản phẩm tại tầng trệt cơ quan Liên minh HTX thành phố Cần Thơ, giúp cho nhiều HTX, THT quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thông qua hoạt động này Liên minh HTX làm cầu nối cho nhiều HTX mở rộng quan hệ thương mại, ký kết được các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các tổ chức, doanh nghiệp.

- Nhằm hướng người dân sản xuất ra các sản phẩm an toàn, chất lượng, hạn chế tình trạng lạm dụng phân bón, thuốc BVTV làm gia tăng chi phí, giảm lợi nhuận trong hoạt động sản xuất, đồng thời là cơ hội để các tổ chức kinh tế tập thể tìm kiếm thị trường tiêu thụ hàng hóa sản phẩm, tăng cường liên kết sản xuất và tiêu thụ với các doanh nghiệp, siêu thị, tổ chức kinh doanh nhằm để sản xuất đáp ứng theo yêu cầu của thị trường, ổn định đầu ra trong thời gian tới, hạn chế tình bị thương lái ép giá, năm 2023 đã hỗ trợ xây dựng 06 mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap cho 06 HTX nông nghiệp.

- Bên cạnh đó, hỗ trợ cho hơn 50 HTX tạo tài khoản trên sàn giao dịch điện tử chonongsancantho.vn để đưa sản phẩm kết nối tiêu thụ. Vận động hơn 10 HTX nông nghiệp tham gia trưng bày giới thiệu sản phẩm thông qua các hội nghị, hội chợ trong và ngoài địa bàn thành phố.

- Đánh giá vai trò, vị trí của KTTT, HTX trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và trong xây dựng nông thôn mới nói riêng.

- HTX giúp những người lao động, những người sản xuất nhỏ tự nguyện tập hợp nhau lại trong một tổ chức kinh tế chung để giải quyết có hiệu quả hơn những vấn đề sản xuất, kinh doanh và đời sống, tăng cường sức cạnh tranh và chống lại sự chèn ép của các doanh nghiệp và tập đoàn kinh tế lớn. Bên cạnh đó, HTX cũng góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và giảm tỷ trọng lao động nông nghiệp trong nền kinh tế; cung cấp các yếu tố đầu vào như vốn, vật tư, hỗ trợ kỹ thuật, giảm thiểu rủi ro và chia sẻ thông tin, kiến thức; áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, thiết bị kỹ thuật hiện đại; là nơi đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp, phổ cập thông tin khoa học - kỹ thuật và thông tin thị trường cho người dân; phát huy hiệu quả kinh tế nhờ quy mô; thực hiện các hoạt động tiếp thị, thương lượng giúp người nông dân có được mức giá bán tốt hơn so với những nông dân hoạt động riêng lẻ,...

- Thực tế cho thấy, trong thời hội nhập, việc sản xuất của người nông dân gặp nhiều khó khăn do không tìm được đầu ra ổn định nên dễ bị tư thương ép giá; nhiều khi không nắm bắt được nhu cầu thị trường nên tập trung sản xuất một loại sản phẩm nào đó nhiều dẫn đến cung vượt cầu và rớt giá là điều dĩ nhiên,...

- Do vậy, vai trò của HTX trong điều kiện này là rất quan trọng. HTX làm tốt dịch vụ cho người dân như định hướng sản xuất, bao tiêu sản phẩm, cung ứng các dịch vụ như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; là tổ chức trung gian tiếp nhận sự hỗ trợ của nhà nước đối với nông dân.

- Trong xây dựng nông thôn mới HTX đóng vai trò trong việc nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm tại địa phương, tăng tính đoàn kết trong cộng đồng góp phần thực hiện các tiêu chí trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

- Tình hình tổ chức hoạt động của tổ hợp tác, HTX phát triển theo hướng tích cực, dần có sự thích ứng với điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh hiện nay. Được sự quan tâm, hỗ trợ ngày càng tốt hơn của các ngành các cấp, nhất là lĩnh vực nông nghiệp và địa bàn nông thôn. HTX thành lập mới tuy không nhiều, nhưng các HTX thành lập mới đều xuất phát từ nhu cầu chung thực tế của thành viên, hoạt động của HTX từng bước thể hiện tính bản chất, nguyên tắc của Luật HTX. Đa số HTX đang hoạt động đã thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động một cách linh hoạt như kê khai, báo cáo thuế qua mạng, ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối tiêu thụ hàng hóa qua sàn giao dịch, mạng xã hội... thích ứng với nhu cầu thị trường. Các THT, HTX hoạt động khá tốt đầu tư thêm trang thiết bị phục vụ sản xuất, nâng cao năng lực hoạt động hỗ trợ có hiệu quả cho thành viên sản xuất, kinh doanh, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường, hợp tác tập trung sản xuất để giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh là phương pháp tổ chức sản xuất, kinh doanh mà mô hình HTX đem lại cho thành viên.

- Hoạt động liên kết trong sản xuất, đầu tư giữa HTX với HTX, giữa HTX với doanh nghiệp có những hình thức hiệu quả và lâu dài hơn. Các HTX phi nông nghiệp đang hỗ trợ thành viên và người lao động với sự đa dạng về cách thức, phương pháp cung cấp các dịch vụ cho thành viên. Trong những năm gần đây sự phát triển HTX lĩnh vực cây ăn trái, lúa gạo, chăn nuôi và HTX dịch vụ tiêu thụ nông sản phát triển khá mạnh; đang hình thành chuỗi liên kết giữa các HTX sản xuất và HTX, doanh nghiệp dịch vụ cung cấp nông sản an toàn của các HTX đến với người tiêu dùng của thành phố, thị trường trong nước và xuất khẩu. Những kết quả đạt được trong tổ chức và hoạt động của các HTX tạo niềm tin cho người dân, nhất là nông dân tin tưởng vai trò của HTX kiểu mới, từ đó số lượng HTX phát triển khá, nông dân và người lao động tự nguyện tham gia vào HTX.

- Hoạt động của HTX gắn với cộng đồng dân cư, giúp cho thành viên hợp tác tương trợ nhau có hiệu quả trong sản xuất kinh doanh, ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất; liên kết với doanh nghiệp nhằm hỗ trợ đầu tư, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên và nông dân; góp phần chuyển dịch từ sản xuất theo hộ gia đình riêng lẻ sang mô hình sản xuất hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị có quy mô lớn, hiệu quả hơn, giúp tăng thu nhập cho hộ nông dân, xóa đói giảm nghèo, xây dựng tinh thần hợp tác, đoàn kết trong cộng đồng góp phần giữ ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội địa phương, đóng góp thiết thực vào xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, nhiều HTX tích cực tham gia phát triển cộng đồng, tiêu biểu như HTX Thủy sản Thắng Lợi (huyện Vĩnh Thạnh), HTX Thân Thiện (quận Thốt Nốt) đầu năm đến nay đã đóng góp làm cầu, đường, vệ sinh môi trường ở địa phương với số tiền gần 120 triệu đồng.

III. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Kết quả đạt được

Các HTX, tổ hợp tác tiếp tục phát triển sản xuất, kinh doanh theo hướng tích cực, dần có sự thích ứng với điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh hiện nay. Được sự quan tâm, hỗ trợ ngày càng tốt hơn của các ngành, các cấp, nhất là ở lĩnh vực nông nghiệp và địa bàn nông thôn.

Đa số HTX đang hoạt động đã thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động một cách linh hoạt như kê khai, báo cáo thuế qua mạng, ứng dụng công nghệ thông tin, thích ứng với nhu cầu thị trường. Từng bước nâng cao năng lực hoạt động, hỗ trợ có hiệu quả cho thành viên sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường.

Liên kết trong đầu tư, sản xuất giữa HTX với HTX, giữa HTX với doanh nghiệp có những hình thức hiệu quả và lâu dài hơn. Ngoài ra, một số HTX còn quan tâm đến công tác xã hội từ thiện, tiêu biểu như HTX Nông nghiệp Thủy sản Thắng Lợi.

2. Những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân

a) Những tại, hạn chế

- Hoạt động của HTX còn hạn chế, quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thiếu động lực để tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các thành viên trong HTX và THT để liên kết sản xuất mở rộng quy mô, phát triển bền vững, quy mô thành viên tham gia HTX tuy có tăng nhưng chưa đáng kể, còn ở mức thấp.

- Một số thành viên HTX nông nghiệp khó khăn về kinh tế và khả năng tiếp cận các ứng dụng khoa học kỹ thuật còn hạn chế, trách nhiệm một số thành viên chưa cao, tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước vẫn còn.

- Trình độ năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ quản lý HTX không đồng đều còn hạn chế chuyên môn, hình thức tổ chức và hoạt động chưa ổn định và khả năng đảm đương thực hiện hoạt động HTX như một doanh nghiệp chưa đáp ứng được, tầm nhìn về hoạt động kinh doanh dịch vụ của HTX thiếu và yếu, chưa nắm bắt kịp thời thông tin thị trường, vì vậy việc tổ chức các dịch vụ trong HTX nông nghiệp vẫn còn những hạn chế nhất định.

- Các chính sách vốn, đất đai và các hỗ trợ cho HTX, hầu hết các HTX nông nghiệp khó tiếp cận, HTX không vay được vốn ngân hàng theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn vì không có tài sản thế chấp nên không mở rộng thêm các dịch vụ sản xuất kinh doanh trong hoạt động của HTX.

- Các nguồn lực để hỗ trợ HTX theo quy định còn hạn chế nên các chính sách hỗ trợ chưa mang lại hiệu quả cao.

- Một số HTX nông nghiệp ngưng hoạt động từ lâu nhưng chưa giải thể được do chưa giải quyết xong công nợ, Ban quản lý không còn hoạt động, sản xuất kinh doanh không hiệu quả, thành viên không tham gia... làm ảnh hưởng đến phong trào phát triển HTX tại địa phương.

b) Nguyên nhân hạn chế

- Phần lớn HTX quy mô còn nhỏ, sự hợp tác tương trợ của thành viên trong từng HTX chưa cao, sức mạnh tập thể chưa được phát huy; các hoạt động dịch vụ phục vụ thành viên hiệu quả chưa cao.

- Năng lực tổ chức quản lý, điều hành của một số cán bộ HTX, nhất là HTX nông nghiệp tuy có được quan tâm bồi dưỡng nhưng vẫn còn nhiều hạn chế.

- Hoạt động tiêu thụ nông sản, nhất là trái cây (xoài, ổi...) được mùa nhưng giá cả giảm thấp ảnh hưởng đến thu nhập của các HTX.

IV. ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ

Kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương bố trí kinh phí để thực hiện các chính sách hỗ trợ kinh tế tập thể, HTX tham gia các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, nông thôn mới, tái cơ cấu kinh tế, chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án, đề án cần cụ thể để HTX dễ tiếp cận và thụ hưởng. Cụ thể, kiến nghị Bộ, ngành Trung ương bố trí kinh phí thực hiện Quyết định số 167/QĐ-TTg ngày 03 tháng 02 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13 tháng 11 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022, Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.

Phần thứ hai

ĐÁNH GIÁ SƠ KẾT TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KTTT, HTX GIAI ĐOẠN 2021-2025 VÀ CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN KTTT, HTX GIAI ĐOẠN 2021-2023

I. KẾT QUẢ BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN

Căn cứ Quyết định số 1318/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ và Chiến lược phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021-2030 (Quyết định số 340/QĐ-TTg ngày 12 tháng 3 năm 2021), Thành ủy, UBND thành phố đã ban hành các chương trình kế hoạch sau:

Chương trình số 49-CTr/TU ngày 27 tháng 12 năm 2022 của Thành ủy Cần Thơ thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.

Kế hoạch số 95/KH-UBND ngày 19 tháng 8 năm 2020 của UBND thành phố Cần Thơ về việc Phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021-2025.

Kế hoạch số 53/KH-UBND ngày 16 tháng 3 năm 2023 của UBND thành phố thực hiện Nghị quyết 09/NQ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2023 của Chính phủ và Chương trình số 49-CTr/TU ngày 27 tháng 12 năm 2022 thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới tại thành phố Cần Thơ.

II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN GIAI ĐOẠN 2021-2023

1. Về công tác hỗ trợ phát triển KTTT, HTX

a) Về công tác nâng cao trình độ quản lý:

Đã tổ chức 062 cuộc tập huấn ngắn hạng với hơn 226 lượt người tham dự.

b) Công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách:

Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố Cần Thơ thực hiện 06 phóng sự về mô hình kinh tế tập thể, các chính sách hỗ trợ kinh tế tập thể, phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ tổ chức 313 lớp tuyên truyền phổ biến pháp luật, tư vấn chính sách hỗ trợ củng cố, phát triển kinh tế tập thể, HTX nông nghiệp với ước 921 lượt người tham dự, qua kết quả tuyên truyền đã giúp người dân, thành viên THT, HTX nhận thức vai trò của KTTT hiện nay trong nền kinh tế thị trường.

c) Công tác hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn chất lượng:

Hỗ trợ xây dựng 134 mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap cho 12 HTX và 01 THT nông nghiệp.

d) Hỗ trợ củng cố, giải thể HTX nông nghiệp:

Tổ chức 15 đợt vận động, củng cố hoạt động HTX nông nghiệp, trong giai đoạn đã hỗ trợ đăng báo giải thể cho 12 HTX nông nghiệp và đến nay đã giải thể 08 HTX nông nghiệp.

2. Đánh giá tình hình phát triển KTTT, HTX trên các khía cạnh

- Đánh giá sự phát triển về số lượng HTX nông nghiệp: Tổng số HTX nông nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ đến nay là 167 HTX nông nghiệp, giai đoạn 2021-2023, ngành nông nghiệp đã tư vấn, vận động thành lập mới 43 HTX nông nghiệp, số HTX nông nghiệp hoạt động hiện nay là 129 HTX, trong giai đoạn đã giải thể 08 HTX nông nghiệp.

+ HTX nông nghiệp phát triển mạnh trong lĩnh vực trồng trọt, nhất là cây ăn trái và lúa, chiếm 78%, HTX lĩnh vực chăn nuôi chiếm 3%, HTX lĩnh vực thủy sản chiếm 9,1% và HTX lĩnh vực khác chiếm 9,9%.

+ HTX nông nghiệp phân bổ theo địa phương: theo số liệu thống kê cho thấy HTX nông nghiệp chủ yếu tập trung nhiều ở các huyện do đây là những đơn vị thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới với 71,2% số HTX; tại các quận chỉ chiếm 28,8%.

- Đánh giá sự phát triển về thành viên tham gia vào HTX: Số lượng thành viên HTX đến thời điểm hiện tại là 3.107 thành viên, trong giai đoạn 2021-2023 tăng 441 thành viên do thành lập mới, số thành viên giảm trong giai đoạn này 92 thành viên do việc xóa tên, giải thể HTX. Năm 2023 trung bình 19 thành viên/HTX, giảm 01 thành viên so với năm 2021, các HTX nông nghiệp hiện nay đang có xu hướng tăng thành viên liên kết sử dụng dịch vụ hợp tác xã hơn là kết nạp thành viên chính thức.

- Đánh giá chất lượng thành viên trên các khía cạnh: Thông qua các lớp tập huấn và tuyên truyền của các cơ quan thì tỷ lệ thành viên đã hiểu biết rõ Luật HTX trên 80%, tỷ lệ thành viên chưa hiểu biết Luật HTX là 20%; tỷ lệ thành viên có tinh thần tham gia xây dựng HTX ước đạt mức 60%, tỷ lệ thành viên không tham gia xây dựng HTX ước đạt mức 40% (thể hiện qua tham gia các hoạt động do HTX tổ chức).

- Đánh giá sự phát triển về vốn điều lệ của HTX: Tổng vốn điều lệ của HTX đến thời diêm hiện tại là hơn 161,6 tỷ đồng tăng 25,4 tỷ đồng so với năm 2021, bình quân vốn điều lệ/HTX 983 triệu đồng tăng 23 triệu đồng/HTX so với năm 2021; bình quân vốn góp của thành viên 53 triệu đồng; hầu hết các thành viên góp vốn đúng theo tỷ lệ quy định góp vốn khi tham gia HTX, không vượt quá 20% tổng vốn điều lệ, tỷ lệ góp vốn theo vốn điều lệ ước đạt 59,4%.

- Đánh giá theo quy mô nguồn vốn điều lệ thì có 120/164 HTX có quy mô siêu nhỏ (tổng nguồn vốn dưới 01 tỷ đồng), chiếm 73,1%; Hợp tác xã quy mô vốn nhỏ có 38/164 HTX (tổng nguồn vốn từ 01 tỷ đồng đến dưới 05 tỷ đồng) chiếm tỷ lệ 23,2 %, HTX quy mô vốn vừa có 06 HTX (tông nguồn vốn từ 05 tỷ đến dưới 50 tỷ đồng) chiếm tỷ lệ 3,7 %; Không có HTX có quy mô vốn lớn (tổng nguồn vốn từ 50 tỷ đồng trở lên).

Phần thứ ba

KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ NĂM 2024

1. Dự báo những thuận lợi, khó khăn

a) Dự báo những thuận lợi:

- Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến kinh tế tập thể, HTX, gần đây đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Ban chấp hành Trung ương khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới; Tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012, sửa đổi, bổ sung dự thảo Luật HTX mới; Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Ban chấp hành Trung ương khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới... Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13 tháng 11 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025”; Quyết định số 167/QĐ-TTg ngày 14 tháng 6 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021-2025”; Nghị quyết số 21/NQ-HĐND ngày 08 tháng 7 năm 2022 của Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ về chủ trương thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã thành phố Cần Thơ...

- Sự quan tâm lãnh, chỉ đạo trực tiếp của Thành ủy, UBND thành phố và được sự phối hợp tích cực của các sở, ban, ngành đoàn thể, các quận, huyện trong thực hiện đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

b) Dự báo những khó khăn:

- Tình trạng quy mô HTX còn nhỏ, hoạt động dịch vụ phục vụ thành viên nhỏ lẻ, manh mún dẫn đến hiệu quả thấp, chưa tạo được sản xuất hàng hóa, dịch vụ ổn định có quy mô lớn, số HTX hoạt động có hiệu quả chưa nhiều.

- Khả năng thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao còn hạn chế.

- Các HTX đều khó khăn tiếp cận các nguồn vốn từ các ngân hàng, khả năng huy động vốn trong nội bộ thành viên hạn chế từ đó hạn chế đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.

- Việc xây dựng được chuỗi liên kết để tạo sức cạnh tranh sản phẩm và đáp ứng nhu cầu trên thị trường còn nhiều hạn chế, còn bỏ trống khâu chế biến, cung cấp tín dụng nội bộ cho thành viên.

2. Định hướng chung về phát triển kinh tế tập thể, HTX

- Xác định kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tập thể phải tôn trọng bản chất, giá trị, nguyên tắc hoạt động của kinh tế tập thể, phù hợp với điều kiện, đặc điểm kinh tế - xã hội của thành phố.

- Phát triển kinh tế tập thể cả về số lượng và chất lượng, trong đó chú trọng chất lượng, bảo đảm sự hài hòa trong tất cả các ngành, lĩnh vực, địa bàn; có chính sách ưu tiên cho các tổ chức kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp, gắn hoạt động sản xuất kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; ưu tiên phát triển các tổ chức kinh tế tập thể gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức.

3. Mục tiêu tổng quát

Phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững, cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Với nhiều mô hình hợp tác, liên kết trên cơ sở tôn trọng bản chất, giá trị và nguyên tắc của kinh tế tập thể, thu hút ngày càng đông hộ gia đình và cá nhân tham gia; góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của các thành viên, hộ gia đình; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn thành phố.

4. Một số mục tiêu cụ thể

- Phấn đấu thành lập mới từ 20 HTX, 50 - 60 tổ hợp tác, trong đó tập trung xây dựng từ ít nhất 03 HTX có quy mô lớn trong lĩnh vực nông nghiệp.

- Thành viên HTX đạt: 13.300 thành viên, trong đó phát triển thành viên mới 700 thành viên.

- Thành viên tổ hợp tác đạt 54.000 trong đó thành viên phát triển mới từ 500 đến 700 thành viên.

- Ước tổng doanh thu của các HTX năm 2024: khoảng 2.500 tỷ đồng.

- Doanh thu bình quân HTX: 4,3 tỷ đồng.

- Thu nhập bình quân của thành viên: 73.000.000đồng/thành viên/năm

- Thu nhập bình quân của người lao động: 57.000.000 đồng/năm.

- Tỷ lệ cán bộ HTX đạt trình độ sơ, trung cấp: 48%

- Tỷ lệ cán bộ HTX đạt trình độ cao đẳng, đại học: 24%

5. Các giải pháp phát triển kinh tế tập thể năm 2024

a) Tiếp tục thực hiện và hoàn thiện thể chế, chính sách:

- Triển khai thực hiện Chương trình hành động của Thành ủy Cần Thơ và Kế hoạch của UBND thành phố thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới; Quyết định số 340/QĐ-TTg ngày 12 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2030. Tiếp tục triển khai thực hiện và chủ động, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn khi Luật HTX mới được ban hành. Tập trung hỗ trợ, tư vấn sáng lập viên thành lập Quỹ hỗ trợ Hợp tác xã trên địa bàn thành phố theo Nghị quyết số 21/NQ-HĐND ngày 08 tháng 7 năm 2022 của Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ.

- Triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ đề ra của Kế hoạch 95/KH-UBND ngày 19 tháng 8 năm 2020 của UBND thành phố về Phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch 124/KH-UBND ngày 14 tháng 6 năm 2021 của UBND thành phố về Thực hiện Chương trình “Hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025” trên địa bàn thành phố Cần Thơ theo Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13 tháng 11 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch 125/KH-UBND ngày 14 tháng 6 năm 2021 của UBND thành phố về triển khai thực hiện Đề án “lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021-2025” trên địa bàn thành phố Cần Thơ theo Quyết định số 167/QĐ-TTg ngày 03 tháng 02 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ.

- Thể chế hóa các định hướng, quy định của Đảng, Nhà nước để ban hành các chính sách ưu đãi của thành phố Cần Thơ đối với khu vực kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn thành phố.

b) Tuyên truyền, tập huấn các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành và nâng cao năng lực nguồn nhân lực HTX:

- Công tác tuyên truyền:

+ Tổ chức các lớp Bồi dưỡng kiến thức về kinh tế tập thể, HTX cho đối tượng cán bộ phụ trách kinh tế tập thể cấp huyện và cấp xã; làm rõ mô hình HTX kiểu mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa nhằm thống nhất nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về bản chất HTX và các quy định trong Luật HTX (sửa đổi, bổ sung); Tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm về kinh tế tập thể, HTX và triển khai các chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước và các nghị quyết, cơ chế, chính sách của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, UBND thành phố về phát triển kinh tế tập thể, HTX.

+ Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin gắn với phong trào thi đua đẩy mạnh phát triển KTTT, HTX. Giao Liên minh HTX thực hiện tốt vai trò Khối trưởng khối thi đua các Hội có tính chất đặc thù số 1; triển khai, hướng dẫn nội dung Ban thi đua khen thưởng thành phố đến khối thi đua HTX nông nghiệp và khối thi đua HTX phi nông nghiệp thực hiện có hiệu quả, tổng kết, khen thưởng HTX hoạt động có hiệu quả; tổ chức tốt Hội nghị Điển hình tiên tiến HTX, THT năm 2022-2024 (02 năm tổ chức 1 lần); tích cực hưởng ứng các phong trào Cụm thi đua Liên minh HTX tỉnh, thành phố Tây Nam Sông Hậu; tổ chức hội nghị đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, HTX giữa Liên minh HTX 5 thành phố Hà Nội - Hải Phòng - Đà Nẵng - Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ giai đoạn 2023-2025.

+ Tăng cường cung cấp thông tin tuyên truyền rộng rãi về kinh tế tập thể, HTX; nâng cao chất lượng trang thông tin điện tử, bản tin kinh tế tập thể, HTX; giới thiệu mô hình HTX điển hình tiên tiến có hiệu quả trên các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Trong đó quan tâm xây dựng nội dung, phương pháp tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, đảm bảo thiết thực hiệu quả với hình thức đa dạng, phong phú.

- Công tác đào tạo bồi dưỡng, nâng cao năng lực nguồn nhân lực HTX:

+ Tổ chức tốt các lớp đào tạo cán bộ quản lý, điều hành HTX, tổ hợp tác, chú trọng việc tổ chức cho học viên đi học tập thực tế kinh nghiệm mô hình HTX kiểu mới hiệu quả trong và ngoài thành phố.

+ Phối hợp Trường trung cấp nghề và Đào tạo cán bộ HTX Miền Nam tổ chức lớp sơ cấp kế toán cho các đối tượng kế toán HTX và các lớp nghiệp vụ về công tác Kế toán và nâng cao kỹ năng quản lý điều hành HTX.

+ Thực hiện đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn tại các HTX theo Kế hoạch 124/KH-UBND ngày 14 tháng 6 năm 2021 của UBND thành phố Cần Thơ.

+ Tranh thủ nguồn vốn từ Đề án đào tạo nghề cho người lao động của thành phố hỗ trợ cho các HTX dạy nghề cho thành viên và người lao động.

- Công tác hỗ trợ thành lập mới HTX: Đẩy mạnh công tác tư vấn hỗ trợ cho 25 - 30 sáng lập viên vận động thành lập HTX:

+ Tổ chức các lớp tập huấn cung cấp thông tin cho các sáng lập viên, tư vấn, tập huấn về quy định pháp luật làm rõ nguyên tắc, bản chất, vai trò của HTX và mô hình pháp lý theo Luật HTX 2012 trước khi thành lập HTX.

+ Hỗ trợ tư vấn trực tiếp cho sáng lập viên về xây dựng điều lệ, cách thức tổ chức Hội nghị thành lập HTX và thực hiện các thủ tục thành lập, đăng ký và tổ chức hoạt động của HTX.

+ Hỗ trợ máy móc, thiết bị phục vụ quản lý, điều hành HTX như: bộ máy tính bàn; máy in; phần mềm kế toán và hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm HTX nông nghiệp.

- Công tác hỗ trợ củng cố HTX hoạt động kém hiệu quả và HTX ngưng hoạt động chờ giải thể:

+ Tổ chức các buổi làm việc hướng dẫn hỗ trợ củng cố từ 40 - 50 HTX kém hiệu quả thực hiện tổ chức lại, hoạt động phù hợp với các quy định hiện hành.

+ Tư vấn, hỗ trợ thủ tục giải thể các HTX ngưng hoạt động trên 12 tháng theo Luật định. Đồng thời, đẩy mạnh phối hợp đưa ra những nội dung khó khăn, vướng mắc chưa xử lý được trong giải thể HTX và kiến nghị giải pháp cho từng nội dung.

- Xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường:

+ Tổ chức hỗ trợ đoàn đưa sản phẩm, hàng hóa các HTX của địa phương đi tham gia Hội chợ quốc tế sản phẩm của khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã (Coop-Expo 2024); tham gia các Hội nghị, Chương kết nối giao thương, xúc tiến thương mại, đầu tư cho HTX trên địa bàn cả nước do Liên minh HTX Việt Nam tổ chức và các Hội chợ tổ chức tại thành phố Cần Thơ.

+ Tăng cường hỗ trợ các HTX tham gia Chương trình “Kết nối cung - cầu hàng hóa giữa các tỉnh, thành năm 2024”; Tham gia Chương trình “Kết nối nhà sản xuất và nhà phân phối giới thiệu sản phẩm”. Đẩy mạnh hỗ trợ hoạt động liên kết hợp tác giữa HTX với doanh nghiệp, giữa HTX với HTX nhằm hỗ trợ bao tiêu đầu ra cho sản phẩm của thành viên; Hỗ trợ mở rộng thị trường kết nối sản phẩm, tăng cường đưa sản phẩm HTX tham gia Điểm trưng bày giới thiệu sản phẩm tại trụ sở cơ quan Liên minh HTX.

+ Tiếp tục hỗ trợ các HTX ký kết hợp đồng cung cấp nguồn phân bón bảo đảm chất lượng và giá cả hợp lý. Xây dựng và hình thành chuỗi liên kết hàng hóa nông sản an toàn, gắn với Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” của thành phố.

- Triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 03 tháng 6 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã.

+ Phối hợp tổ chức cho các HTX, tổ hợp tác trong vùng qui hoạch cánh đồng lớn, vùng cây ăn trái, vùng nuôi thủy sản... của các quận, huyện, giúp các HTX, tổ hợp tác tiếp cận và ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất tạo ra sản phẩm hàng hóa có số lượng lớn, truy xuất được nguồn gốc và đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu và chỉ dẫn địa lý... Đẩy mạnh hỗ trợ phát triển KTTT, HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh và đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp; hỗ trợ kinh phí ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất kinh doanh, quản lý chuỗi cung ứng, an toàn vệ sinh thực phẩm, dự báo giá, thời vụ,...

+ Hỗ trợ HTX xây dựng các dự án đổi mới công nghệ, khai thác nguồn vốn từ quỹ khuyến công cho các HTX làng nghề, thủ công mỹ nghệ nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm. Ưu tiên hỗ trợ HTX trong lĩnh vực nông nghiệp đổi mới ứng dụng công nghệ cao, thiết bị tiên tiến; hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị, hạ tầng kỹ thuật số, kết nối mạng Internet, ứng dụng công nghệ số cho HTX thực hiện quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh.

+ Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn dài hạn cho đội ngũ nhân viên công nghệ thông tin, sử dụng công nghệ số, kỹ năng chuyển đổi số; kỹ năng quản lý, điều hành chuyển đổi số cho Hội đồng quản trị, giám đốc các HTX. Hỗ trợ đưa lao động trẻ có trình độ cao đẳng, đại học phù hợp nhu cầu, lĩnh vực hoạt động của HTX.

c) Nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tập thể, HTX:

- Tăng cường khảo sát nắm bắt kịp thời các mô hình, xu hướng phát triển kinh tế tập thể, HTX để tổng hợp, báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương có giải pháp phù hợp.

- Đẩy mạnh hoạt động tư vấn hỗ trợ, giúp các HTX khắc phục, sửa chữa những hạn chế, thiếu sót trong tổ chức hoạt động theo Luật HTX năm 2012, nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động của HTX. Xây dựng niềm tin trong nội bộ thành viên HTX và tạo niềm tin cho các đối tác là doanh nghiệp, đồng thời đáp ứng các tiêu chí, điều kiện để thụ hưởng các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước.

- Giúp các HTX tiếp cận khai thác có hiệu quả các chính sách hỗ trợ và từ chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ thành viên nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm. Hỗ trợ, khuyến khích HTX mở rộng quy mô, đa dạng dịch vụ phục vụ thành viên; phát triển mở rộng quy mô HTX phải gắn liền với đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, hỗ trợ thí điểm đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn trong HTX.

- Quan tâm xây dựng và nhân rộng mô hình HTX điển hình tiên tiến theo Kế hoạch số 125/KH-UBND ngày 14 tháng 6 năm 2021 của UBND thành phố Cần Thơ.

+ Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng và nhân rộng làm rõ mô hình HTX kiểu mới; Tổ chức cho các HTX tham quan, học tập các mô hình điểm, mô hình HTX kiểu mới có hiệu quả của các tỉnh, thành khác.

+ Đẩy mạnh xây dựng mô hình HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị theo đề án của Liên minh HTX Việt Nam. Chú trọng xây dựng các HTX nông nghiệp sản xuất các sản phẩm nông nghiệp theo danh mục sản phẩm chủ lực: Gạo, trái cây, rau an toàn, thủy sản, chăn nuôi theo danh mục sản phẩm quan trọng cần khuyến khích và ưu tiên hỗ trợ thực hiện liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn thành phố (theo Quyết định số 1629/QĐ-UBND ngày 08 tháng 7 năm 2019); liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị.

- Triển khai thực hiện kế hoạch thi đua khen thưởng hàng năm; triển khai thực hiện chương trình phối hợp với các Sở ngành, đoàn thể liên quan, làm việc với các quận, huyện đánh giá sơ, tổng kết tình hình kinh tế tập thể trên từng địa bàn, kịp thời hướng dẫn cho HTX hoạt động đúng luật và có hiệu quả.

d) Tăng cường công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể:

- Tăng cường công tác chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể, HTX; tập trung những giải pháp cụ thể để thúc đẩy phong trào kinh tế tập thể, nòng cốt HTX phát triển góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

- Tiếp tục hướng dẫn triển khai các văn bản mới; đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022, Nghị quyết số 09/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW; tổ chức triển khai Luật HTX (sửa đổi); góp ý xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện Luật HTX (sửa đổi); tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế hợp tác, HTX.

- Kiểm soát chất lượng nông sản chặt chẽ, khoa học, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế; đảm bảo sản phẩm khi được lưu thông trên thị trường quốc tế có chất lượng ổn định, có thể truy xuất được nguồn gốc một cách dễ dàng. Điều này giúp giữ vững uy tín và danh tiếng của sản phẩm trên thị trường; tăng cường tổ chức triển khai các chiến dịch quảng bá nông sản trên địa bàn thành phố, từ đó tham gia vào các sự kiện quốc tế về quảng bá thương hiệu.

- Nâng cao năng lực cho các nhà sản xuất - kinh doanh nông sản địa phương; thành lập và nâng cao năng lực cho tổ chức tập thể các nhà sản xuất - kinh doanh để họ chủ động triển khai và vận hành hệ thống quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm một cách chuyên nghiệp; triển khai các hoạt động thiết thực để đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình quảng bá hình ảnh nông sản địa phương đến các nước.

6. Nguồn vốn thực hiện

Tùy điều kiện thực tế, thành phố xem xét cân đối, bố trí vốn theo quy định để phục vụ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; lồng ghép trong các chương trình, kế hoạch cụ thể khác có liên quan; đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ từ từ nguồn kinh phí vận động, các dự án để thực hiện Kế hoạch này.

Huy động các nguồn lực xã hội, các tổ chức đoàn thể trong nước và quốc tế tham gia thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể.

Nhu cầu vốn thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã năm 2024 được dự kiến tại Phụ lục III, tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện các đơn vị căn cứ tình hình thực tế, khả năng cân đối ngân sách Trung ương và nhu cầu hỗ trợ phát triển HTX, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ xem xét quyết định để triển khai thực hiện.

Trên đây là Kế hoạch Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã năm 2024 của thành phố Cần Thơ, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ kính báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư được biết, phối hợp thực hiện./.

(Đính kèm các phụ lục).


Nơi nhận:
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Liên minh Hợp tác xã Việt Nam;
- CT, PCT UBND thành phố (1AC);
- Sở Kế hoạch và Đầu tư;
- Liên minh Hợp tác xã thành phố;
- VP. UBND thành phố (2D,3B);
- Cổng thông tin điện tử thành phố;
- Lưu: VT.HN.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Hè

PHỤ LỤC I

TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ NĂM 2023 VÀ KẾ HOẠCH NĂM 2024
(Kèm theo Kế hoạch số 162/KH-UBND ngày 27 tháng 7 năm 2023)

TT

Chỉ tiêu

Đơn vị tính

Thực hiện 2022

Năm 2023

Kế hoạch 2024

Kế hoạch

Thực hiện 6 tháng

Ước thực hiện cả năm

I

Hợp tác xã

1

Tổng số hợp tác xã

HTX

309

313

321

325

335

Trong đó:

Số hợp tác xã đang hoạt động

196

232

209

212

222

Số hợp tác xã thành lập mới

HTX

21

20

15

21

20

Số hợp tác xã giải thể

HTX

5

10

3

5

10

Số hợp tác xã đạt loại tốt, khá (*)

HTX

130

170

150

160

Số HTX ứng dụng công nghệ cao

HTX

Số HTX nông nghiệp liên kết với DN theo chuỗi giá trị

HTX

Số HTX thành lập doanh nghiệp, góp vốn, mua cổ phần

HTX

Số HTX có thành viên là doanh nghiệp

HTX

Số HTX có thành viên là người nước ngoài

HTX

Số xã đạt chuẩn tiêu chí 13,.1 về HTX trong bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới

2

Tổng số thành viên hợp tác xã

Người

12.936

13.400

13.038

13.090

13.300

Trong đó:

Số thành viên mới

Thành viên

470

1.000

594

654

700

Số thành viên ra khỏi hợp tác xã

Thành viên

142

500

492

500

500

3

Tổng số lao động thường xuyên trong hợp tác xã

Người

17.097

17.600

18.335

18.400

18.900

Trong đó:

Số lao động thường xuyên mới

Người

842

1.298

1.400

1.500

Số lao động thường xuyên là thành viên hợp tác xã

Người

5.596

6.000

5.715

5.750

5.850

4

Tổng số cán bộ quản lý hợp tác xã

Người

1.547

1.570

1.601

1.620

1.670

Trong đó:

Số cán bộ quản lý HTX đã qua đào tạo đạt trình độ sơ, trung cấp

Người

734

770

768

780

800

Số cán bộ quản lý hợp tác xã đã qua đào tạo đạt trình độ cao đẳng, đại học trở lên

Người

366

400

384

390

400

5

Doanh thu bình quân một hợp tác xã

Tr.đồng/năm

4.000

4.200

4.200

4.300

Trong đó: Doanh thu của HTX với thành viên

Tr.đồng/năm

6

Lãi bình quân một hợp tác xã

Tr.đồng/năm

7

Thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong hợp tác xã

Tr.đồng/năm

55

55

57

57

II

Liên hiệp hợp tác xã

1

Tổng số liên hiệp hợp tác xã

LHHTX

Trong đó:

Số liên hiệp hợp tác xã đang hoạt động

LHHTX

Số liên hiệp hợp tác xã thành lập mới

LHHTX

Số liên hiệp hợp tác xã giải thể

LHHTX

Số LHHTX thành lập doanh nghiệp, góp vốn, mua cổ phần

LHHTX

2

Tổng số hợp tác xã thành viên

HTX

3

Tổng số lao động trong liên hiệp hợp tác xã

Người

4

Doanh thu bình quân của một liên hiệp HTX

Tr.đồng/năm

5

Lãi bình quân của một liên hiệp HTX

Tr.đồng/năm

III

Tổ hợp tác

1

Tổng số tổ hợp tác

THT

1.450

1.500

1.480

1.500

1.550

Trong đó:

Số tổ hợp tác có đăng ký hoạt động với chính quyền

THT

940

990

990

1.040

2

Tổng số thành viên tổ hợp tác

Thành viên

52.893

53.000

53.343

53.550

54.000

Trong đó:

Số thành viên mới thu hút

Thành viên

3

Doanh thu bình quân một tổ hợp tác

Tr.đồng/năm

4

Lãi bình quân một tổ hợp tác

Tr.đồng/năm

(*) Theo Thông tư số 01/2020/TT-BKHĐT ngày 19/02/2020 của BKHĐT về hướng dẫn phân loại và đánh giá HTX

PHỤ LỤC II

SỐ LƯỢNG HỢP TÁC XÃ, LIÊN HIỆP HỢP TÁC XÃ, TỔ HỢP TÁC PHÂN LOẠI THEO NGÀNH NGHỀ NĂM 2023 VÀ KẾ HOẠCH NĂM 2024
(Kèm theo Kế hoạch số 162/KH-UBND ngày 27 tháng 7 năm 2023)

STT

Chỉ tiêu

Đơn vị tính

Thực hiện năm 2022

Năm 2023

Kế hoạch năm 2024

Kế hoạch

Thực hiện 6 tháng

Ước thực hiện

1

HỢP TÁC XÃ

Tổng số HTX

HTX

309

313

321

325

335

Chia ra

Hợp tác xã nông - lâm - ngư - diêm nghiệp

HTX

155

156

164

167

180

Hợp tác xã công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp

HTX

25

25

25

25

25

Hợp tác xã xây dựng

HTX

49

49

49

49

49

Hợp tác xã tín dụng

HTX

7

7

7

7

7

Hợp tác xã thương mại

HTX

30

31

31

32

34

Hợp tác xã vận tải

HTX

43

45

45

45

47

Hợp tác xã khác

HTX

2

LIÊN HIỆP HỢP TÁC XÃ

Tổng số liên hiệp hợp tác xã

LHHTX

Chia ra

LH hợp tác xã nông - lâm - ngư - diêm nghiệp

LHHTX

LH hợp tác xã công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp

LHHTX

LH hợp tác xã xây dựng

LHHTX

LH hợp tác xã tín dụng

LHHTX

LH hợp tác xã thương mại

LHHTX

LH hợp tác xã vận tải

LHHTX

LH hợp tác xã khác

LHHTX

3

TỔ HỢP TÁC

Tổng số tổ hợp tác

THT

1.450

1.480

1.500

1.550

Chia ra

Tổ hợp tác nông - lâm - ngư - diêm nghiệp

THT

1386

1.416

1.436

1.486

Tổ hợp tác công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp

THT

Tổ hợp tác xây dựng

THT

Tổ hợp tác tín dụng

THT

Tổ hợp tác thương mại

THT

Tổ hợp tác vận tải

THT

Tổ hợp tác khác (phi nông nghiệp)

THT

64

64

64

64

PHỤ LỤC III

NHU CẦU VỐN SỰ NGHIỆP THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN KTTT, HTX NĂM 2024
(Kèm theo Kế hoạch số 162/KH-UBND ngày 27 tháng 7 năm 2023)

STT

Chỉ tiêu

Đơn vị tính

Thực hiện năm 2023

Kế hoạch 2024

Ghi chú

Kế hoạch

Thực hiện 6 tháng

Thực hiện

Kế hoạch

Dự kiến đơn vị thực hiện

I

NGUỒN NGÂN SÁCH TRUNG ƯƠNG

1

Nâng cao năng lực, nhận thức cho khu vực KTTT

1.1

Đào tạo

- Số người được cử đi đào tạo

Người

Tổng kinh phí hỗ trợ

Tr đồng

1.2

Bồi dưỡng

- Số người được tham gia bồi dưỡng

Người

- Tổng kinh phí hỗ trợ

Tr đồng

2

Xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu, tuyên truyền, hỗ trợ về KTTT

- Số hợp tác xã được hỗ trợ

HTX

- Tổng kinh phí hỗ trợ

Tr đồng

3

Hỗ trợ về xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường

- Số hợp tác xã được hỗ trợ

HTX

- Tổng kinh phí hỗ trợ

Tr đồng

4

Hỗ trợ khác (cụ thể theo từng nội dung hỗ trợ)

- Số hợp tác xã được hỗ trợ

HTX

- Tổng kinh phí hỗ trợ

Tr đồng

II

NGUỒN NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG

1

Thành lập mới, củng cố tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã

- Số hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được hỗ trợ

HTX

20

15

21

20

20

- Tổng kinh phí hỗ trợ

Tr đồng

200

75

200

600

600

2

Nâng cao năng lực, nhận thức cho khu vực KTTT

2.1

Đào tạo

- Số người được cử đi đào tạo

Người

Tổng kinh phí hỗ trợ

Tr đồng

2.2

Bồi dưỡng

- Số người được tham gia bồi dưỡng

Người

600

300

450

450

450

- Tổng kinh phí hỗ trợ

Tr đồng

200

150

500

500

500

3

Xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu, tuyên truyền, hỗ trợ về KTTT

- Số hợp tác xã được hỗ trợ

HTX

- Tổng kinh phí hỗ trợ

Tr đồng

4

Hỗ trợ về xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường

- Số hợp tác xã được hỗ trợ

HTX

50

21

50

50

50

- Tổng kinh phí hỗ trợ

Tr đồng

350

350

400

400

5

Hỗ trợ khác (cụ thể theo từng nội dung hỗ trợ)



1 Quận Ninh Kiều 01 HTX, Quận Thốt Nốt 01 HTX; huyện Thới Lai 04 HTX; huyện Phong Điền 03 HTX; huyện Cờ Đỏ 06 HTX, trong đó lĩnh vực trồng trọt 14 HTX và 01 HTX Lĩnh Vực Thủy sản.

2 Năm 2022 tổ chức 03 lớp tập huấn với 106 học viên tham dự, năm 2023 dự kiến tổ chức 03 lớp cho 120 học viên tham dự

3 Năm 2022 tổ chức 12 lớp tuyên truyền với 351 lượt người, năm 2023 dự kiến tổ chức 19 lớp với 570 người

4 Tổng 13 mô hình cho địa phương như sau: huyện Cờ Đỏ 05 mô hình; huyện Phong Điền 01 mô hình; huyện Vĩnh Thạnh 01 mô hình; huyện Thới Lai 02 mô hình; Quận Thốt Nốt 02 mô hình và quận Ô Môn 01 mô hình, phân theo năm cụ thể: Năm 2022 hỗ trợ 07 mô hình, năm 2023 ước hỗ trợ 06 mô hình.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Kế hoạch 162/KH-UBND ngày 27/07/2023 về Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã năm 2024 do Thành phố Cần Thơ ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


547

DMCA.com Protection Status
IP: 3.131.13.196
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!