VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 45/TB-VPCP
|
Hà Nội, ngày 25
tháng 01 năm 2017
|
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG
CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH GIA LAI
Ngày 17 tháng 12 năm 2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn
Xuân Phúc đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Gia Lai về tình hình kinh tế - xã hội
năm 2016, nhiệm vụ kế hoạch năm 2017 và một số kiến nghị của Tỉnh. Cùng dự buổi
làm việc có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ
Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Phó Trưởng ban Ban Tổ chức Trung ương Hà
Ban, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên Điểu K'Ré, Chủ tịch Tổng
Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường và đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan:
Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông
vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Văn hóa, Thể thao và
Du lịch, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ủy ban
Dân tộc.
Tại buổi làm việc sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo
Tỉnh, ý kiến của lãnh đạo các Bộ, cơ quan; Thủ tướng Chính phủ đã kết luận như
sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG
Biểu dương và đánh giá cao những kết quả đã đạt được
của tỉnh Gia Lai. Trong điều kiện còn rất nhiều khó khăn, thách thức, song Đảng
bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai đã đoàn kết một lòng,
tranh thủ thời cơ, vượt qua khó khăn, phát huy tiềm năng, lợi thế, nỗ lực phấn
đấu, đạt kết quả tương đối toàn diện: Tăng trưởng kinh
tế khá cao (7,48%), bước đầu hình thành một số vùng sản xuất cây công nghiệp như cây cà phê, hồ tiêu,
cao su, làm tốt việc tái canh cây cà phê, tưới tiết kiệm... Tỉnh đã huy động được
nhiều nguồn lực xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Các lĩnh vực văn
hóa, giáo dục, y tế, lao động việc làm tiếp
tục được quan tâm và có nhiều tiến bộ, cơ sở vật chất trường lớp được đầu tư, mở
rộng; chất lượng giáo dục từng bước được nâng cao; mạng lưới y tế cơ sở được củng
cố và tăng cường; thực hiện tốt các chính sách xã hội trên địa bàn; công tác
phòng, chống tham nhũng, cải cách hành chính tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh;
an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; chủ quyền biên giới quốc
gia được giữ vững.
Tuy nhiên, Gia Lai còn rất nhiều khó khăn, quy mô
kinh tế nhỏ, đặc biệt công nghiệp chế biến các sản phẩm nông nghiệp còn hạn chế,
số doanh nghiệp còn ít so với tỷ lệ người dân, phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và
vừa, tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới còn thấp so với bình quân toàn quốc, tỷ
lệ hộ nghèo tuy có giảm nhưng vẫn còn cao, chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều
hạn chế, an ninh chính trị còn tiềm ẩn những yếu tố gây mất ổn định; đặc biệt cần
quan tâm hơn nữa công tác bảo tồn và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRONG
THỜI GIAN TỚI
Về cơ bản nhất trí với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải
pháp của Tỉnh đã đề ra, trong đó nhấn mạnh
một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
1. Tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả
các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng XII, các Nghị quyết của Quốc
hội, Chính phủ và Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XV, phấn
đấu hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
2. Triển khai quyết liệt Kế hoạch hành động của Tỉnh
thực hiện các Nghị quyết số 19, 35, 60 của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu
tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, đẩy
nhanh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư
công. Tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh
nghiệp để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, phát huy các tiềm năng, thế
mạnh của Tỉnh. Phấn đấu đến năm 2020 có trên 7 nghìn doanh nghiệp.
3. Xác định đúng vị trí trung tâm tam giác phát triển
Campuchia - Lào - Việt Nam, tạo khung chính sách để thu hút các nhà đầu tư,
không ngừng đổi mới, sáng tạo, tổ chức thử nghiệm và thực nghiệm những đột phá
mới về thể chế, chính sách, mô hình tiên tiến trong phát triển nông nghiệp ứng
dụng công nghệ cao. Phấn đấu là một Tỉnh tiên phong đổi mới, phát triển mạnh
doanh nghiệp nông nghiệp, mô hình hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao
trong đó tập trung vào sản xuất, chế biến sâu tạo ra các sản phẩm có giá trị
tăng cao, thương hiệu quốc gia, tăng cường liên kết giữa sản xuất với thị trường,
giữa nông nghiệp với công nghiệp và liên kết vùng.
4. Phát huy tiềm năng để phát triển du lịch, quy hoạch
tổng thể các điểm, loại hình sản phẩm,
tuyến du lịch phù hợp với tiềm năng lợi thế so sánh, đặc biệt là du lịch sinh
thái và du lịch văn hóa gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống
của các dân tộc thiểu số, tăng cường liên kết với các Tỉnh trong vùng và các
trung tâm du lịch lớn của cả nước, giữ gìn môi trường sinh thái, nguồn nước và
các sản phẩm sạch phục vụ cho dịch vụ du lịch.
5. Cập nhật, điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện các
quy hoạch nhất là quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp, bao gồm đất có rừng và đất
chưa có rừng, từ đó có kế hoạch trồng, bảo vệ, phát triển rừng gắn với sắp xếp
lại nông lâm trường, giải quyết đất cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp, dịch
vụ, đất cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào nghèo phát triển sản xuất. Tập
trung các nguồn lực, triển khai tốt các giải pháp, đảm bảo hiệu quả phù hợp với
điều kiện của địa phương để đẩy nhanh tiến
độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
6. Tiếp tục đổi mới giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe
nhân dân, gia cường nền tảng xã hội và tập trung giải quyết các vấn đề xã hội,
nhất là tệ nạn ma túy, tranh chấp khiếu kiện liên quan đến đất đai, ô nhiễm môi
trường, phân hóa giàu nghèo và trấn áp các loại tội phạm không để xảy ra các điểm
nóng phức tạp về an ninh trật tự và an
toàn xã hội, giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, an ninh, chủ quyền,
biên giới quốc gia.
7. Chuẩn bị đầy đủ, cung cấp kịp thời hàng hóa phục
vụ Nhân dân; quan tâm, chăm lo thiết thực cho các gia đình chính sách, hộ
nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số đón Tết Nguyên Đán Đinh Dậu sắp tới trong
không khí vui tươi, đầm ấm, an toàn và tiết kiệm.
III. VỀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CỦA TỈNH
1. Về kiến nghị có cơ chế mở (ưu đãi về tiền thuê đất,
thuế thu nhập doanh nghiệp, chi phí vận chuyển, ổn định lãi suất đối với các dự
án đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến): Giao Bộ Kế
hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên
quan rà soát, đề xuất cơ chế phù hợp để tháo gỡ khó khăn cho địa phương, báo
cáo Thủ tướng Chính phủ.
2. Về hỗ trợ đầu tư 01 khu lâm nghiệp ứng dụng công
nghệ cao tại tỉnh Gia Lai: Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì,
phối hợp với Tỉnh và các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất, báo cáo Thủ
tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Về bố trí nguồn lực để triển khai thực hiện Nghị định
số 75/2015/NĐ-CP , ngày 09 tháng 9 năm 2015; Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg , ngày
14 tháng 9 năm 2016: Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối
hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
phân bổ vốn cho địa phương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét,
quyết định.
3. Về lĩnh vực du lịch:
a) Về xác định Gia Lai là trung tâm du lịch của khu
vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam: Giao Bộ Văn hóa, Thể thao
và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan ba nước Campuchia - Lào
- Việt Nam xây dựng Quy hoạch phát triển du lịch khu vực tam giác phát triển
(trong đó có xem xét kiến nghị của tỉnh Gia Lai) để trình tại Hội nghị Ủy ban Điều phối chung Hợp tác phát triển
Campuchia - Lào - Việt Nam trong thời gian tới.
b) Về bổ sung Khu du lịch sinh thái Vườn Quốc gia
Kon Ka Kinh, Khu bảo tồn Kon Chư Răng, Khu Du lịch sinh thái Lâm viên Biển Hồ -
Chư Đăng Ya, khu du lịch Tây Sơn thượng đạo thành Khu và Điểm du lịch quốc gia
trong “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam và vùng Tây Nguyên đến
năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”: Tỉnh lập Đề án, gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và
Du lịch thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
c) Về tổ chức Festival cồng chiêng 02 năm/lần, kinh
phí thực hiện từ nguồn xã hội hóa: Giao tỉnh Gia Lai chủ trì, phối hợp với 5 tỉnh
Tây Nguyên lập Đề án về tổ chức Festival cồng chiêng Tây Nguyên, giao Bộ Văn
hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tổ chức thẩm định,
báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
4. Về xây dựng cơ chế đặc thù cho Khu Kinh tế Cửa
khẩu quốc tế Lệ Thanh: Tỉnh đề xuất Đề án cụ thể; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ
trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát, đề xuất cơ chế
đối với khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, trước mắt vẫn thực hiện theo quy
định hiện hành để đảm bảo tính thống nhất.
5. Về Dự án nâng cấp Quốc lộ 19 đoạn Bình Định -
Gia Lai và đoạn nối trung tâm thành phố Pleiku với thị trấn Đắk Đoa thuộc dự án
kết nối khu vực Duyên hải Miền trung và Tây Nguyên sử dụng vốn vay IDA của Ngân
hàng Thế giới (WB): Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, cơ quan liên quan khẩn
trương hoàn tất các thủ tục đầu tư theo quy định.
Dự án tuyến đường nối 02 tỉnh Gia Lai - Phú Yên: Tỉnh
làm việc với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính khẩn trương thực hiện theo
chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 311/TB-VPCP ngày 02 tháng 10
năm 2016.
6. Về bổ sung vốn để trồng rừng thay thế tại công
trình Hồ chứa nước Ia Mơr: Giao Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch
và Đầu tư xem xét về phân bổ vốn trồng rừng cho địa phương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, tổng hợp, báo
cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.
7. Về hỗ trợ kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp nước
ngoài, ưu tiên vốn ODA đầu tư các công
trình ứng phó với biến đổi khí hậu, hệ thống thoát
nước, xử lý nước thải và cải thiện môi trường nước tại các đô thị của Tỉnh: Đồng
ý về nguyên tắc; Tỉnh chủ động xây dựng đề
án, báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư để kêu
gọi đầu tư.
8. Về đề nghị xây dựng quỹ bình ổn giá đối với các
mặt hàng chủ lực như tiêu, cà phê, cao su, điều: Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính
và các cơ quan liên quan nghiên cứu tổng thể, đề xuất chính sách, giải pháp
bình ổn giá và thực hiện bảo hiểm nông nghiệp, báo cáo cấp có thẩm quyền theo
quy định.
9. Về điều chỉnh quy hoạch cảng cạn dự kiến tại xã
An Phú - thành phố Pleiku về khu vực xã Trà Đa và bổ sung thêm 01 cảng cạn tại
Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh: Tỉnh lập Đề
án, gửi Bộ Giao thông vận tải thẩm định,
trình duyệt theo quy định.
10. Về xem xét, sửa đổi một số Nghị định, Quyết định:
a) Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg , ngày 07 tháng 8
năm 2009 về chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó
khăn: Giao Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp
với các Bộ, địa phương liên quan nghiên cứu kiến nghị của Tỉnh, đề xuất, báo
cáo Thủ tướng Chính phủ.
b) Về sửa đổi Điều 4, Nghị định số
48/2016/NĐ-CP ngày 27 tháng 5 năm 2016 quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ,
quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế của Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương: Giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ, địa phương nghiên cứu kiến
nghị của Tỉnh, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
c) Nghị định số
05/2008/NĐ-CP , ngày 14 tháng 01 năm 2008 về quỹ bảo vệ và phát triển rừng: giao
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, địa phương
nghiên cứu kiến nghị của Tỉnh, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
d) Nghị định số 99/2010/NĐ-CP , ngày 24 tháng 9 năm
2010 về chính sách chi trả môi trường rừng: Chính phủ đã ban hành Nghị định số
147/2016/NĐ-CP ngày 02 tháng 11 năm 2016 về sửa đổi, bổ sung Nghị định nêu
trên, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2017.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai và các Bộ, cơ quan
liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
Công Thương, Giao thông vận tải, Nội vụ, Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa,
Thể thao và Du lịch;
- Ủy ban Dân tộc;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- Ban Chỉ đạo Tây Nguyên;
- Đ/c Hà Ban, Phó Trưởng ban Ban Tổ chức TW
- Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động VN
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Gia Lai;
- UBND tỉnh Bình Định;
- UBND tỉnh Phú Yên;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TH, KTTH, CN, NN,
TCCV, KGVX, TKBT;
- Lưu: VT, QHĐP(3b). Phg 29
|
BỘ TRƯỞNG, CHỦ
NHIỆM
Mai Tiến Dũng
|