VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 311/TB-VPCP
|
Hà Nội, ngày 02
tháng 10 năm 2016
|
THÔNG BÁO
KẾT
LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH
PHÚ YÊN
Ngày 28 tháng 8 năm 2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn
Xuân Phúc thăm một số cơ sở kinh tế, xã hội
và làm việc với lãnh đạo Tỉnh Phú Yên. Tham gia Đoàn công tác của Thủ tướng có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng
Chính phủ Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn
Xuân Cường; đại diện lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Công thương, Xây
dựng, Tài Nguyên và Môi trường, Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tại buổi làm việc,
sau khi nghe lãnh đạo Tỉnh báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế
- xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh 6 tháng đầu năm 2016, phương hướng, nhiệm
vụ 6 tháng cuối năm và một số đề xuất, kiến nghị của Tỉnh; ý kiến phát biểu của
lãnh đạo các bộ, cơ quan tham dự, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã kết
luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG
Biểu dương sự cố gắng và những kết quả đã đạt được
của Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc tỉnh Phú Yên. Kết quả thực hiện
một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội tăng so với cùng kỳ năm trước, công tác phòng,
chống hạn hán, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và chăm lo hỗ trợ cho dân (trong
đó có ngư dân bám biển) được triển khai kịp thời. Công tác cải cách hành chính
được tập trung chỉ đạo; hoạt động xúc tiến đầu
tư được đẩy mạnh, tạo thuận lợi để thu hút đầu tư. Các lĩnh vực văn hóa,
an sinh xã hội được quan tâm. An ninh, quốc phòng được đảm bảo, trật tự an toàn
xã hội được giữ vững.
Biểu dương Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả, hai tỉnh
Phú Yên, Khánh Hòa, các Bộ, cơ quan liên quan đã quyết tâm, năng động, bảo đảm
chất lượng, tiến độ và an toàn cho Dự án hầm đường bộ Đèo Cả.
Tuy nhiên, Phú Yên vẫn còn một số hạn chế, yếu kém.
Ngoài ảnh hưởng khách quan từ những khó khăn
của kinh tế trong nước và thế giới, có nguyên nhân chủ quan là chưa thật sự nỗ
lực, quyết liệt khắc phục khó khăn. Tăng trưởng kinh tế đạt thấp và chưa bền vững;
chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh chậm được cải thiện; khả năng thu hút các
nguồn lực đầu tư xã hội còn hạn chế; thu ngân sách nhà nước và tỷ lệ giải ngân
các nguồn vốn đạt thấp; tiến độ đầu tư xây dựng nhiều công trình còn chậm, nhất
là trong khâu giải phóng mặt bằng, tái định cư; ứng dụng tiến bộ khoa học công
nghệ vào sản xuất còn chậm; tỷ lệ hộ nghèo năm 2015 theo chuẩn cũ là 7,7% (so với
cả nước là 4,45%); chỉ số năng lực cạnh tranh và cải cách hành chính còn thấp
và chậm được cải thiện (năm 2015 chỉ số PCI xếp thứ 55/63, chỉ số PAPI xếp thứ
54/63 tỉnh, thành phố trong cả nước). Một
số vụ khiếu nại, tố cáo về đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng còn để kéo dài,
chưa giải quyết dứt điểm.
II. VỀ NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN
TỚI
Về cơ bản thống nhất với mục tiêu, nhiệm vụ và giải
pháp phát triển kinh tế - xã hội những
tháng cuối năm 2016 và giai đoạn 2016 - 2020 mà Tỉnh đã đề ra, nhấn mạnh thêm một
số việc:
1. Cần nêu cao ý chí tự lực, tự cường, đề ra giải
pháp mạnh mẽ, hành động quyết liệt và đồng bộ; phát huy những giá trị truyền thống
của người dân Phú Yên: cần cù, năng động, sáng tạo và thân thiện; sử dụng có hiệu
quả các nguồn lực hỗ trợ của Trung ương, tăng cường liên kết với các địa phương trong
vùng và cả nước; đẩy mạnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa, hội nhập sâu, rộng; quyết tâm phấn đấu đưa Phú Yên phát triển nhanh,
toàn diện và bền vững, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
2. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng
XII; các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, nhất là Nghị quyết số 01/NQ-CP ,
Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP, Nghị quyết số 35/NQ-CP ; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ
Tỉnh lần thứ XVI. Tập trung chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đồng bộ các giải
pháp, tháo gỡ khó khăn, phấn đấu đạt và vượt mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch
năm 2016, tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện kế hoạch 5 năm 2016 - 2020.
3. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy hoạch phát
triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, lĩnh vực trên địa bàn Tỉnh; bảo đảm gắn
kết chặt chẽ với quy hoạch vùng; tăng cường
liên kết vùng để mở rộng không gian phát triển, phát huy tối đa lợi thế của địa
phương (vị trí chiến lược; hệ thống cơ sở
hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt Bắc - Nam, cảng biển, sân bay); chú trọng
phát triển các lĩnh vực: du lịch, dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao; đánh bắt
hải sản xa bờ; bảo vệ và phát triển rừng; năng lượng sạch; bảo tồn và phát huy
giá trị các di tích lịch sử, văn hóa;... Trên cơ sở rà soát, hoàn thiện quy hoạch,
cần xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, tạo điều kiện phát triển nhanh một số ngành, lĩnh vực quan trọng làm
đầu tàu phát triển kinh tế của Tỉnh.
4. Tăng cường quản lý đầu tư; làm tốt công tác giải
phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm về
giao thông, công nghiệp. Làm tốt công tác đánh giá tác động môi trường và có giải
pháp bảo vệ môi trường hữu hiệu đối với dự án Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô, các
Khu kinh tế, khu, cụm công nghiệp. Tổ chức kiểm tra, đánh giá tác động của việc
khai thác các nguồn tài nguyên khoáng sản
đối với môi trường và hạ tầng giao thông, trường hợp việc khai thác cát nhiễm mặn
ảnh hưởng trực tiếp đến xói lở bờ biển cần kiên quyết đình chỉ, thu hồi và
không tiếp tục cấp phép khai thác. Tăng cường thu hút đầu tư hạ tầng, bảo vệ môi trường theo hướng xã hội hóa đầu tư để
ngân sách nhà nước tập trung đầu tư vào những lĩnh vực mà doanh nghiệp và người
dân không có khả năng hoặc không sẵn sàng làm.
5. Tập trung, ưu tiên cho công tác chống hạn, chuyển
đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Thực hiện
có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông
nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất
nông nghiệp. Thu hút doanh nghiệp và huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển
nông nghiệp, nông thôn. Tập trung phát triển, tăng cường liên kết hợp tác trong
sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp có tiềm năng, lợi thế và sức
cạnh tranh cao của Tỉnh, đặc biệt là chăn nuôi đại gia súc, nuôi
trồng và đánh bắt tôm hùm, cá ngừ đại dương...
Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, khôi phục và
phát triển rừng; triển khai có hiệu quả cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển
rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc
thiểu số theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP của Chính phủ.
6. Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, phát triển mạnh
du lịch, dịch vụ. Tỉnh phải có chiến lược, kế hoạch, chương trình hành động với
mục tiêu cụ thể để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Chú trọng
phát triển hạ tầng du lịch, phát huy hiệu quả các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng
giao thông quan trọng như hầm đường bộ Đèo Cả, hầm đèo Cù Mông, quốc lộ 1 và đường
cao tốc Bắc - Nam, sân bay Tuy Hòa để tạo ra bước phát triển đột phá cho du lịch
của Tỉnh. Thu hút và tạo điều kiện phát triển cho các doanh nghiệp du lịch bằng
tăng cường thể chế, tăng cường hoạt động của Hiệp hội doanh nghiệp du lịch và
phát triển thương hiệu; hình thành các sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, phù hợp
với các đối tượng, nhất là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, khám phá thiên
nhiên... Đẩy mạnh liên kết vùng và liên kết với các địa phương trong cả nước,
nhất là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng,
Khánh Hòa, Lâm Đồng,... để cùng phát triển du lịch.
7. Chú trọng cải thiện đời sống vật chất, tinh thần
của người dân. Chăm lo, thực hiện tốt các chính sách người có công, bảo đảm an
sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, nhất là đối với các huyện miền núi, vùng đồng
bào dân tộc thiểu số và 16 xã bãi ngang ven biển; trong đó, thực hiện tốt Quyết
định số 755/TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ đất sản xuất, nước
sinh hoạt, chuyển đổi nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số và các chính sách dân
tộc khác. Chú trọng phát triển giáo dục,
đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của Tỉnh;
tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống người
dân ở nông thôn.
8. Tập trung cải cách thủ tục hành chính, xây dựng
(các cấp) chính quyền liêm chính, năng động, sáng tạo, phục vụ người dân, doanh
nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP của Chính phủ; trong đó, cụ thể hóa thành các tiêu chí cụ thể để tháo gỡ
những rào cản gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp; tăng cường đối thoại
giữa chính quyền với doanh nghiệp; cải thiện mạnh môi trường đầu tư, kinh doanh
bằng việc khai thông các “điểm nghẽn” về thể chế, tạo sự thông thoáng, hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, các
doanh nghiệp; phấn đấu có sự tiến bộ vượt bậc trong thứ hạng PCI.
Khuyến khích khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp.
Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thu hút các doanh nghiệp, các dự án lớn về du lịch, phát triển đô thị,... tạo động lực phát triển
cho cộng đồng doanh nghiệp.
9. Thực hiện tốt công tác phòng chống tham nhũng,
lãng phí và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Làm tốt công tác bảo đảm
an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và xử lý kịp thời các vấn đề phát
sinh trên địa bàn.
III. VỀ MỘT SỐ ĐỀ NGHỊ CỦA TỈNH
1. Về đề nghị tham gia Dự án phát triển đô thị bền
vững và thích ứng với biến đổi khí hậu: Đồng ý về nguyên tắc; giao Bộ Kế hoạch
và Đầu tư tổng hợp, đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ.
2. Về đề nghị hỗ trợ các dự án thuộc Chương trình mục
tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh:
Giao các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi
trường phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tổng hợp, xử lý theo quy định đối
với các kiến nghị của Tỉnh liên quan các Dự án kè chống xói lở đầm Cù Mông giai
đoạn 2, Dự án đê ngăn mặn và chống xâm thực hạ lưu sông Đà Rằng và Dự án tuyến
đường tránh lũ, cứu hộ, cứu nạn nối các huyện, thành phố Tây Hòa - Phú Hòa -
thành phố Tuy Hòa - Tuy An để xem xét đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn
giai đoạn 2016 - 2020, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
Đối với các dự án khác: Tỉnh sắp xếp thứ tự ưu
tiên, căn cứ kế hoạch đầu tư công trung hạn
giai đoạn 2016 - 2020 để thực hiện trước những dự án cấp thiết; đồng thời huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực
hiện.
3. Về đề nghị bố trí vốn đầu tư công trình hồ chứa
nước Mỹ Lâm: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính, tổng hợp Dự
án vào Danh mục dự án đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016
- 2020, trình Thủ tướng Chính phủ theo
quy định.
4. Về đề nghị hỗ trợ vốn đầu tư đoạn 12,5 km còn lại
của tuyến đường ven biển: Tỉnh rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên, đưa dự án vào kế
hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 của Tỉnh.
5. Về đề nghị tham gia vào Chương trình chống hạn,
chống lũ, chống ngập lụt ứng phó với biến đổi khí hậu dự kiến được Cơ quan phát triển Pháp (AFD) tài trợ: Đồng ý về nguyên
tắc, Tỉnh làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu
tư để được xem xét, tổng hợp vào Chương trình theo quy định.
6. Về đề nghị hỗ trợ đầu tư các tuyến đường giao
thông nối Phú Yên với các tỉnh Tây Nguyên:
Bộ Giao thông vận tải tổng hợp các dự án nâng cấp,
mở rộng Quốc lộ 25 và Quốc lộ 29 đoạn qua Phú Yên vào kế hoạch đầu tư công
trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 của Bộ, gửi
Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
Đối với Dự án tuyến đường bộ nối tỉnh Phú Yên với tỉnh
Gia Lai: Đây là công trình dở dang, Ủy ban
nhân dân các tỉnh Phú Yên và Gia Lai rà soát quy mô, tổng mức đầu tư, phân kỳ đầu
tư Dự án (đoạn qua địa phận mỗi tỉnh) phù hợp với khả năng nguồn vốn; trên cơ sở
đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp
với Bộ Tài chính tổng hợp nhu cầu vốn của Dự án vào Danh mục dự án đầu tư bằng
nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016 - 2020, theo chỉ đạo của Thủ tướng
Chính phủ tại Công văn số 1961/TTg-KTN ngày 02 tháng 12 năm 2015 và Công văn số 10117/VPCP-KTTH ngày 02 tháng 12 năm
2015, bảo đảm đầu tư đồng bộ tuyến đường nối hai tỉnh Phú Yên - Gia Lai; trình
Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
7. Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Kế
hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Ủy ban
nhân dân tỉnh Phú Yên rà soát, tính toán quy mô phù hợp, xem xét, bố trí vốn hỗ
trợ đầu tư cầu Đà Rằng, cầu Sông Chùa trên Quốc lộ 1 (cũ) từ nguồn vốn trái phiếu
Chính phủ còn dư của các dự án mở rộng quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua
Tây Nguyên, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
8. Về đề nghị hỗ trợ vốn đầu tư Dự án kè chống sạt lở, bồi lấp cửa biển Đà Diễn từ nguồn vốn
thuộc Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh
năm 2016: Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và
Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, tổng hợp, xử lý
kiến nghị của Tỉnh theo quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
9. Về đề nghị bổ sung vốn thực hiện Dự án kè chống
xói lở bờ biển khu vực xóm Rớ giai đoạn 2: Đồng ý chủ trương tiếp tục đầu tư
giai đoạn 2 của Dự án. Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, hỗ
trợ Tỉnh nghiên cứu, xây dựng phương án và giải pháp kỹ thuật, bảo đảm ổn định
lâu dài và có kiến trúc đẹp để kết hợp làm du lịch.
Tỉnh bố trí vốn thực hiện giai đoạn 2 của Dự án vào
kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Căn cứ kế hoạch đầu tư
công trung hạn được phê duyệt, các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính xem xét,
báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho ứng trước để xử lý những khu vực nguy hiểm.
10. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ
Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp 3 dự án giao thông phục vụ du lịch của tỉnh Phú
Yên: Dự án nâng cấp tuyến đường ven biển kết nối thành phố Tuy Hòa với Ghềnh Đá
Đĩa; Dự án xây dựng tuyến đường chính và đường nhánh kết nối hệ thống giao
thông quốc lộ 1A và trung tâm huyện Tuy
An với Ghềnh Đá Đĩa; Dự án xây dựng tuyến đường chính và đường nhánh kết nối hệ
thống giao thông bao quanh Vịnh Xuân Đài với quốc lộ 1A và trung tâm thị xã
Sông Cầu vào “Dự án phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực tiểu vùng Mê Công giai
đoạn II”, do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ, báo cáo Thủ tướng Chính
phủ.
11. Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế
hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải xem xét, có biện pháp tháo gỡ khó khăn,
vướng mắc trong giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ cho Dự án hầm đường bộ Đèo Cả.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn Ngân hàng thương mại cung cấp tín dụng cho Dự án (Ngân hàng thương mại cổ
phần Công thương Việt Nam) và Nhà đầu tư về hợp đồng tín dụng, giới hạn tín dụng
và lãi suất vốn vay cho Dự án, bảo đảm cho Nhà đầu tư thực hiện và sớm hoàn
thành Dự án.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên và các bộ, cơ quan
liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Xây dựng, Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Lao động
- Thương binh và Xã hội, Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- Ban Chỉ đạo Tây Nguyên;
- Ủy ban Dân tộc;
- Ngân hàng thương mại CP Công thương VN;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Phú Yên;
- UBND tỉnh Gia Lai;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg CP, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TH, KTTH, KTN,
KGVX, TKBT;
- Lưu: VT, VIII (3) Ch.
|
BỘ TRƯỞNG, CHỦ
NHIỆM
Mai Tiến Dũng
|