ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI BÌNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2526/QĐ-UBND
|
Thái Bình, ngày
14 tháng 11 năm 2023
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ
DUYỆT ĐỀ ÁN “PHÁT TRIỂN NHÀ Ở XÃ HỘI GIAI ĐOẠN 2021-2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI
BÌNH”
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính
phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Nhà ở ngày 25 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng
10 năm 2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội;
Căn cứ Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng
4 năm 2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
100/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý
nhà ở xã hội;
Căn cứ Quyết định số 2161/QĐ-TTg ngày 22 tháng
12 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển nhà
ở Quốc gia giai đoạn 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2045;
Căn cứ Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 03 tháng 4
năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất
01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công
nghiệp giai đoạn 2021-2030”;
Căn cứ Văn bản số 69/TB-BXD ngày 31 tháng 5 năm
2023 của Bộ Xây dựng về việc Thông báo kết luận của Bộ trưởng Bộ Xây dựng tại Hội
nghị triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho
đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”;
Căn cứ Quyết định 1616/QĐ-UBND ngày 26/7/2023 của
Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Thái
Bình giai đoạn 2021-2030;
Theo đề nghị của Sở Xây dựng tại Văn bản số
165/TTr-SXD ngày 27/9/2023, Văn bản số 2608/SXD-HTKT ngày 03/11/2023.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án
“Phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Thái Bình”.
(Có Đề án kèm theo)
Điều 2. Sở Xây dựng chịu
trách nhiệm toàn diện về thông tin và tính chính xác về số liệu, tài liệu, nội
dung của Đề án.
Giao Sở Xây dựng chủ trì có trách nhiệm phối hợp,
hướng dẫn các đơn vị liên quan trong quá trình triển khai thực hiện Đề án bảo đảm
tiến độ, hiệu quả, tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật; định kỳ trước
ngày 28 của tháng cuối quý báo cáo kết quả triển khai thực hiện Đề án về Ủy ban
nhân dân tỉnh.
Điều 3. Quyết định này có
hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các
Sở; Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế và các Khu công nghiệp; Chủ tịch Ủy ban
nhân dân huyện, thành phố; các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan
chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Lãnh đạo VP UBND tỉnh;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh TB;
- Lưu: VT, CTXDGT.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Quang Hưng
|
ĐỀ ÁN
PHÁT
TRIỂN NHÀ Ở XÃ HỘI GIAI ĐOẠN 2021-2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI BÌNH
(Kèm theo Quyết định số 2526/QĐ-UBND ngày 14 tháng 11 năm 2023 của Ủy ban
nhân dân tỉnh Thái Bình)
PHẦN
1: MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ, PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU
1. Mục tiêu
- Dự báo nhu cầu nhà ở của nhóm đối tượng được hưởng
chính sách hỗ trợ về cho thuê, cho thuê mua, bán nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh
Thái Bình.
- Dự báo quỹ đất cần thiết để đáp ứng nhu cầu phát
triển nhà ở xã hội tại các khu công nghiệp tập trung và các địa phương trong tỉnh
Thái Bình.
- Xác định các chỉ tiêu phát triển nhà ở cho nhóm đối
tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2025, giai đoạn
2026-2030.
- Thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản
về loại hình nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh Thái Bình.
2. Nhiệm vụ
- Xây dựng các tiêu chí đánh giá và phân loại các đối
tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội cần được hỗ trợ về nhà ở.
- Phân tích đánh giá về thực hạng nhà ở của các
nhóm đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh Thái Bình.
- Xác định chỉ tiêu kế hoạch phát triển nhà ở xã hội
trong giai đoạn đảm bảo phù hợp với Chương trình phát triển nhà ở, Chương trình
phát triển đô thị và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, đặc điểm của tỉnh.
- Đề xuất các giải pháp phát triển nhà ở cho các
nhóm đối tượng được hưởng chính sách mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội tại các
khu công nghiệp tập trung và các địa phương trong tỉnh, đảm bảo phù hợp với cơ
chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có chính sách hỗ trợ về nhà ở phù hợp
với các đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội.
- Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách về quản lý
và phát triển nhà ở xã hội.
3. Phạm vi và đối tượng
nghiên cứu
- Phạm vi nghiên cứu: Trên địa bàn toàn tỉnh Thái
Bình trong giai đoạn 2021- 2025; giai đoạn 2026-2030.
- Đối tượng nghiên cứu: Các nhóm đối tượng theo quy
định tại Điều 49, Luật Nhà ở năm 2014.
PHẦN
2: KHÁI QUÁT ĐIỀU KIỆN KINH TẾ - XÃ HỘI
1. Phần mở đầu
1.1. Sự cần thiết
Trong những năm gần đây, tỉnh Thái Bình đã và đang
thực hiện mục tiêu xây dựng tỉnh theo hướng hiện đại, là tỉnh ven biển phía
Đông Nam vùng đồng bằng sông Hồng, trong tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng
- Quảng Ninh, ở trung tâm tam giác phát triển vùng Duyên hải Bắc Bộ là Hà Nội -
Ninh Bình - Hải Phòng. Trên địa bàn tỉnh trong tương lai sẽ hình thành 03 tuyến
cao tốc, trong đó có 02 tuyến theo quy hoạch cấp trên là Cao tốc Ninh Bình - Hải
Phòng (CT.08); đường Vành đai 5 Hà Nội (CT.39) và 01 tuyến Cao tốc phục vụ kết
nối Khu kinh tế ven biển - Đô thị Trà Giang và thành phố Thái Bình với với vùng
kinh tế phía Đông Nam Thủ đô. Bên cạnh đó, với hệ thống đô thị được mở rộng và
điều kiện kinh tế phát triển sẽ tạo ra luồng di cư từ các địa phương khác và dịch
cư từ khu vực nông thôn tới khu vực đô thị trên địa bàn tỉnh để tìm kiếm cơ hội
việc làm. Thái Bình xác định lấy Khu kinh tế Thái Bình là động lực phát triển đồng
bộ trên cả 3 lĩnh vực, công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ hướng đến sự phát
triển nhanh, ổn định và bền vững. Trong đó lấy công nghiệp là động lực chủ yếu
cho tăng trưởng, phấn đấu đưa Thái Bình trở thành một trong những trung tâm
phát triển công nghiệp lớn của vùng.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh với 07 Khu công nghiệp
và 35 Cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng số công nhân đang làm việc
khoảng 119.000 người, trong đó công nhân làm việc trong các khu công nghiệp khoảng
63.700 người, trong các cụm công nghiệp khoảng 55.000. Theo Quy hoạch chung xây
dựng Khu kinh tế Thái Bình (diện tích tự nhiên 30.583 ha), trên địa bàn huyện
Thái Thụy quy hoạch 11 Khu công nghiệp và Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ;
trên địa bàn huyện Tiền Hải quy hoạch 11 Khu công nghiệp và Khu công nghiệp -
đô thị - dịch vụ. Tổng diện tích đất quy hoạch cho phát triển công nghiệp là
8.020 ha; dự báo đến năm 2025, quy mô dân số của Khu kinh tế là 227.000 người
(dân số đô thị là 94.000 người); Đến 2040, quy mô dân số của Khu kinh tế là
300.000 người (dân số đô thị là 210.000 người). Việc triển khai thực hiện các dự
án theo quy hoạch sẽ phát sinh lượng lớn nhu cầu về người lao động cùng với đó
là nhu cầu về nhà ở.
Như vậy, kết quả của sự phát triển mạnh về công
nghiệp và phát triển kinh tế đô thị đã tạo sự thu hút dân cư làm gia tăng nhu cầu
về nhà ở, đặc biệt là nhu cầu về nhà ở của công nhân khu công nghiệp và người
thu nhập thấp khu vực đô thị.
Mặc dù có nhu cầu lớn về nhà ở xã hội nhưng nguồn
cung về nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh còn hạn chế. Hiện tại trên địa bàn tỉnh
có 07 dự án nhà ở xã hội đã đi vào hoạt động, người dân đã ổn định sinh sống,
ngoài ra có thêm một dự án đang xây dựng trong khi nhu cầu về nhà ở xã hội còn
nhiều; chưa có dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân.
Thực trạng có thể thấy sự hạn chế trong việc tạo
nguồn cung để đáp ứng nhu cầu về nhà ở xã hội hiện tại chủ yếu do các cơ chế,
chính sách của pháp luật chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư; các dự án hiện tại
chủ yếu là nhà ở xã hội thuộc quỹ đất 20% trong dự án nhà ở thương mại. Vì vậy,
cần xây dựng Đề án phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn
2021-2025, 2026-2030 để nghiên cứu đánh giá, xác định các vị trí phát triển nhà
ở xã hội và đưa ra các giải pháp phù hợp để thúc đẩy thu hút đầu tư các dự án
nhà ở xã hội.
1.2. Căn cứ pháp lý
- Luật Nhà ở số 65/2014/QH13.
- Luật Đầu tư số 61/2020/QH14.
- Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13.
- Luật Kinh doanh bất động sản số 66/2014/QH13.
- Luật Xây dựng số 50/2014/QH13.
- Luật số 62/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều
của Luật Xây dựng.
- Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của
Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
- Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 của Chính
phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày
20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
- Nghị quyết số 09-NQ/ĐH ngày 15/10/2020 của Đại hội
đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
- Quyết định số 251/QĐ-UBND ngày 24/11/2018 của Ủy
ban nhân dân tỉnh Thái Bình về việc phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở tỉnh
Thái Bình đến năm 2020 định hướng đến năm 2025.
2. Đặc điểm phân bố dân cư và
các đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội
2.1. Đặc điểm phân bố dân cư
Dân số tỉnh Thái Bình đến năm 2020 là 1.874.768 người.
Mật độ dân số toàn tỉnh đạt 1.182 người/km2, cao hơn mật độ dân số
trung bình của vùng đồng bằng sông Hồng (mật độ dân số của vùng là 961,36 người/km2).
Phân bố dân cư của tỉnh tập trung cao chủ yếu ở các
khu vực thành phố, thị trấn. Dân cư khu vực các huyện ven biển thấp hơn như huyện
Thái Thụy với mật độ 963 người/km2, huyện Tiền Hải 93 8 người/km2.
Mật độ dân số khu vực thành phố Thái Bình với mật độ 3.057 người/km2
gấp 3,2 lần so với khu vực ven biển; gấp 2,5 lần so với các khu vực còn lại;
Dân số tập trung cao nhất tại thành phố Thái Bình,
với vị trí là trung tâm hành chính của tỉnh, là khu vực trọng điểm về phát triển
kinh tế - xã hội; hệ thống hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội được đầu
tư đồng bộ và mặt bằng thu nhập cao hơn các khu vực khác trên địa bàn tỉnh nên
thành phố có khả năng thu hút dân cư cao.
Việc phát triển kinh tế không đồng đều đã tạo ra xu
hướng dịch cư nội tỉnh. Dân cư di chuyển từ các khu vực có điều kiện kinh tế
khó khăn tới các đô thị lớn và những khu vực kinh tế phát triển, tập trung nhiều
khu công nghiệp, khu đô thị lớn để tìm kiếm cơ hội việc làm.
2.2. Nhóm đối tượng được hỗ trợ về nhà ở theo
các chương trình mục tiêu
Thực hiện chương trình mục tiêu của Chính phủ hỗ trợ
người có công với cách mạng về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày
26/4/2013, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành đề án hỗ trợ và thường xuyên rà
soát, điều chỉnh kịp thời. Đến nay, tỉnh Thái Bình đã thực hiện hỗ trợ cho
17.114 hộ gia đình người có công có nhà ở xuống cấp bao gồm: 10.955 hộ được hỗ
trợ xây mới nhà ở và 6.159 hộ được hỗ trợ sửa chữa nhà ở thuộc Đề án được phê
duyệt. Sau khi được hỗ trợ, nhà ở của các hộ gia đình này đã đảm bảo diện tích
sử dụng tối thiểu 30 m2 và cơ bản đạt tiêu chí 3 cứng (nền cứng,
khung - tường cứng và mái cứng). Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 8.716 hộ
người có công chưa nhận được hỗ trợ theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg , với
4.872 hộ cần được hỗ trợ xây mới nhà ở và 3.844 hộ cần được hỗ trợ sửa chữa nhà
ở; dự báo nhu cầu hỗ trợ về nhà ở đến năm 2025 là 3.243 hộ, giai đoạn 2026-2030
là 3.360 hộ.
Nhóm thứ hai là các hộ nghèo, Ủy ban nhân dân tỉnh
phê duyệt điều chỉnh Đồ án cho vay ưu đãi và hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo trên
địa bàn tỉnh giai đoạn 2016- 2020 tại Quyết định số 2260/QĐ-UBND ngày
15/8/2019, với tổng số 2.105 hộ. Tính đến hết năm 2020, có 468 hộ được giải
ngân vay vốn để xây dựng mới nhà ở (đạt 22,23%), còn lại 1.637 hộ do nhiều
nguyên nhân, nên không thực hiện vay vốn hỗ trợ để làm nhà ở. Các hộ gia đình
được hỗ trợ xây dựng nhà đã hoàn thành đảm bảo diện tích sử dụng tối thiểu 24m2
(đối với những hộ độc thân không nơi nương tựa, có thể xây dựng nhà ở có diện
tích sử dụng nhỏ hơn nhưng không thấp hơn 18m2) và đảm bảo tiêu chí
“3 cứng” (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng); tuổi thọ căn nhà từ 10 năm
trở lên..
Nhóm thứ ba là các hộ gia đình thuộc khu vực nông
thôn thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu. Trên địa bàn
tỉnh có khoảng 5.935 hộ sống trong vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên
tai, biến đổi khí hậu và có khó khăn về nhà ở. Do đó trong thời gian tới, cần
có biện pháp rà soát, di dời, đảm bảo tính mạng và tài sản và hỗ trợ nhà ở cho
các hộ dân khi xảy ra thiên tai, biến đổi khí hậu.
2.3. Nhóm đối tượng được bố trí thuê, thuê
mua, mua nhà ở xã hội
Nhóm thứ nhất là công nhân, người lao động làm việc
trong Khu công nghiệp, chủ yếu tập trung trên địa bàn thành phố Thái Bình với
khoảng 48.778 (ở 03 Khu công nghiệp: Phúc Khánh, Nguyễn Đức Cảnh, Sông Trà) và
huyện Tiền Hải, Đông Hưng, Quỳnh Phụ với tổng số công nhân hiện nay khoảng
63.700 người (1.370 công nhân là người ngoài tỉnh); trong đó có 61.900 người đã
có chỗ ở; 1.775 công nhân chưa có chỗ ở. Các công nhân hiện đang ở nhà ở của
gia đình, ở trọ tại nhà người thân hoặc thuê nhà trọ do người dân tự xây dựng
gàn nơi làm việc (1.775 người). Ngoài ra có khoảng 55.000 công nhân làm việc
trong các cụm công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh, tình trạng về nhà ở tương tự
như công nhân làm việc trong các khu công nghiệp.
Nhóm thứ hai là người thu nhập thấp khu vực đô thị.
Theo ước tính tổng số người thu nhập thấp tại khu vực đô thị khoảng 22.000 người
(ước tính khoảng 10% dân số đô thị), trong đó phần lớn tập trung tại
thành phố Thái Bình. Một bộ phận người thu nhập thấp thuộc nhóm lao động tại địa
phương đang sống chung với gia đình, có nhà ở ổn định. Một bộ phận khác là các
lao động dịch cư từ khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh, các hộ gia đình mới
tách hộ hoặc lao động ngoại tỉnh tới làm việc phải ở nhờ nhà người thân hoặc
thuê trọ.
Nhóm thứ ba là cán bộ, công chức, viên chức theo
quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức. Theo số liệu báo cáo của
các sở, ban ngành, các đơn vị tổ chức đoàn thể của tỉnh Thái Bình đến thời điểm
hiện nay trên địa bàn tỉnh có 30.160 cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc.
Trong số đó, số cán bộ công chức, viên chức có độ tuổi dưới 30 là 3.257 nhóm đối
tượng này cơ bản đều chưa có nhà ở, hiện đang ở chung với gia đình gồm nhiều thế
hệ; với độ tuổi 31-40 là 11.023 người nhóm đối tượng này cũng có tỷ lệ nhất định
(ước tính khoảng 30%) chưa có nhà ở (hiện đang ở chung với gia đình) khoảng
3.300 người.
Nhóm thứ tư là sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ
quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn
vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân, hiện có 2.800 cán bộ, chiến sỹ
có nhu cầu về nhà ở.
(Số liệu về công nhân lao động trong khu, cụm
công nghiệp do Ban Quản lý Khu kinh tế và các Khu công nghiệp tỉnh và Sở Công
Thương; người thu nhập thấp khu vực đô thị có nhu cầu ước tính khoảng 10% dân số
đô thị; số liệu về cán bộ, công chức, viên chức do Sở Nội vụ; sĩ quan, hạ sĩ
quan do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh cung cấp)
PHẦN
3: THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN NHÀ Ở XÃ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI BÌNH
1. Phân tích thực trạng nhà ở
xã hội trên địa bàn tỉnh Thái Bình
1.1. Hiện trạng chung
a) Quy hoạch xây dựng gắn với phát triển nhà ở
xã hội
Xác định công tác quy hoạch là một trong những nhiệm
vụ trọng tâm quan trọng nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh
đã chỉ đạo các huyện, thành phố tổ chức xây dựng hệ thống quy hoạch xây dựng
theo các quy định của pháp luật.
Tại thành phố Thái Bình trên cơ sở quy hoạch chung
xây dựng được phê duyệt, hệ thống quy hoạch phân khu đã và đang từng bước được
hoàn thiện tiến tới phủ kín trên địa bàn Thành phố. Theo chỉ đạo của Ủy ban
nhân dân tỉnh, giai đoạn đến năm 2025 trên địa bàn thành phố Thái Bình không
phát triển dự án nhà ở xã hội độc lập, dự án xây dựng được thực hiện theo quỹ đất
20% trong các đồ án quy hoạch nhà ở thương mại trên địa bàn Thành phố; trên địa
bàn các huyện, tại một số dự án nhà ở thương mại thuộc khu vực trung tâm các đô
thị loại IV, V đã quy hoạch dành quỹ đất 20% xây dựng nhà ở xã hội với 19 khu đất
(quỹ đất 20% Khu dân cư hai bên đường nối thị trấn Hưng Nhân với thị trấn Hưng
Hà gồm 04 phân khu), tổng diện tích đất khoảng 37,8ha.
Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 63 vị trí quy hoạch
chi tiết phát triển nhà ở xã hội tổng diện tích đất dự kiến để xây dựng nhà ở
xã hội là 162,74ha; bao gồm:
- 09 vị trí là quy hoạch các dự án nhà ở xã hội độc
lập với diện tích 51 ha; trong đó gồm:
06 vị trí là các quỹ đất để thực hiện các dự án nhà
ở xã hội độc lập cho công nhân lao động trong khu công nghiệp; tổng diện tích đất
xây dựng nhà ở xã hội khoảng 49,83ha (bao gồm 04 phân khu thuộc khu Công nghiệp
- Đô thị - Dịch vụ Liên Hà Thái trong Khu kinh tế tỉnh với phần đất nhà ở xã hội
40,93ha);
03 vị trí xây dựng nhà ở xã hội độc lập cho người
có thu nhập thấp khác với diện tích 1,17ha.
- 54 vị trí là quỹ đất 20% tại các dự án khu nhà ở
thương mại, khu đô thị đang triển khai trên địa bàn tỉnh; tổng diện tích đất ở
xã hội khoảng 111,5 ha; tập trung nhiều tại địa bàn thành phố Thái Bình với
73,89ha, các huyện còn lại với 37,84ha.
Nhìn chung, trong công tác quy hoạch đã quan tâm bố
trí quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân trong các khu
công nghiệp trên địa bàn tỉnh đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật về quy
hoạch, nhà ở và xây dựng hiện hành.
b) Nhà ở xã hội hoàn thành đưa vào sử dụng
Hiện tại, dự án nhà ở xã hội được xây dựng tập
trung trên địa bàn thành phố Thái Bình gồm 07 dự án nhà ở xã hội và nhà ở cho
người thu nhập thấp hoàn thành và đưa vào sử dụng với tổng diện diện tích sàn
căn hộ là 93.113,7m2 sàn, quy mô 1.545 căn hộ. Giá bán phổ biến ở mức
7-9 triệu đồng/m2; ngoài ra còn hiện có Dự án Nhà ở xã hội khu c dự
án khu dân cư xã Vũ Phúc, thành phố Thái Bình đang thi công xây dựng, quy mô
40.506 m2 sàn xây dựng, với 429 căn hộ nhà ở xã hội.
c) Nhà trọ công nhân trong hộ dân
Bên cạnh nhà ở xã hội theo dự án, gần các Khu công
nghiệp còn có quỹ nhà trọ do người dân tự xây dựng để cho thuê, đây là nguồn
cung lớn để đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho công nhân. Theo thống kê sơ bộ, khu vực
gần các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh có khoảng 3.500 phòng trọ cho công
nhân thuê ở với mức giá cho thuê bình quân khoảng 300.000 đến 600.000 đồng/phòng
tùy theo khu vực và diện tích phòng trọ.
Tuy số lượng nhà trọ đáp ứng một phần nhu cầu về chỗ
ở cho công nhân nhưng chất lượng sử dụng nhìn chung còn thấp với diện tích sử dụng
bình quân chỉ khoảng từ 10-13m2/phòng, diện tích sử dụng chung chật
hẹp do các hộ dân tận dụng tối đa quỹ đất để xây dựng phòng trọ cho thuê. Tại một
số khu nhà trọ xây dựng tập trung, lối đi giữa các dãy trọ thường thiết kế sâu
nhưng chiều rộng hẹp chỉ khoảng 1,5m. Một số khu trọ có chất lượng sử dụng kém
do ít được cải tạo, sửa chữa.
1.2. Thực trạng cơ sở hạ tầng giao thông
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh, hệ thống đường giao
thông đang sử dụng với tổng số 161km đường Quốc lộ (QL10, QL37, QL37B, QL39) và
đang được đầu tư tuyến Quốc lộ ven biển chiều dài 44km, tuyến đường từ thành phố
Thái Bình đi cầu Nghìn chiều dài 21,6km; tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Nam Định
- Thái Bình - Hải Phòng tổng chiều dài khoảng 80km, đoạn qua Thái Bình khoảng
33km đã được Chính phủ giao Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình làm cơ quan có thẩm
quyền triển khai Dự án theo phương thức PPP, hình thức hợp đồng BOT; ngoài ra
trên địa bàn tỉnh bao gồm hệ thống đường tỉnh với 21 tuyến, tổng chiều dài khoảng
300km; các tuyến đường đô thị trên địa bàn các huyện, Thành phố khoảng 370km;
trong 10 năm xây dựng nông thôn mới, Thái Bình đã xây dựng khoảng: 1.090,22km
đường trục xã, 1.910,93km đường trục thôn, 3.192,17km đường nhánh cấp 1 trục
thôn, 2.215km đường ngõ xóm và các loại đường giao thông khác. Hệ thống đường
giao thông của tỉnh tạo sự kết nối thông suốt toàn bộ từ địa bàn các xã, huyện
trong tỉnh đến kết nối giao thông liên tỉnh Thái Bình với các tỉnh xung quanh.
Với các điều kiện về kết cấu hạ tầng giao thông,
phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp, dịch vụ, du lịch... hiện tại của tỉnh
nêu trên sẽ là lực đây lớn cho phát triển thị trường bất động sản, cùng với đó
là nhu cầu lớn về nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, đặc biệt là nhu cầu
về nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động làm việc tại các khu công nghiệp
trong phạm vi Khu kinh tế.
1.3. Thực trạng công tác phát triển, quản lý nhà
ở xã hội
Trong những năm qua, tỉnh Thái Bình đã thực hiện
các chính sách hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội do Chính phủ
ban hành theo quy định tại Luật Nhà ở 2014, Nghị định số 188/2013/NĐ-CP ngày
20/11/2013, Nghị định số 100/2015/NĐ-CP , Nghị định số 49/2021/NĐ-CP của Chính
phủ về quản lý và phát triển nhà ở xã hội.
- Hiện tại, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng hoàn
thành 7 dự án nhà ở xã hội, với tổng số 1.545 căn chung cư nhà ở xã hội;
- Tất cả các dự án phát triển nhà ở thương mại trên
địa bàn Thành phố, trong quá trình thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê
duyệt quy hoạch, Sở Xây dựng đều yêu cầu bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội.
Hiện tại, trên địa bàn thành phố Thái Bình có 30 dự án có bố trí quỹ đất 20% để
xây dựng nhà ở xã hội.
- Mặt khác, tại một số khu vực trung tâm đô thị loại
4, loại 5 khi lập quy hoạch các dự án nhà ở thương mại cũng đã bố trí quỹ đất
20% để xây dựng nhà ở xã hội.
- Số lượng vị trí, quỹ đất quy hoạch nhà ở xã hội
cho người thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp trên địa bàn: khoảng 54 vị
trí, quỹ đất 144,49ha.
1.4. Thực trạng thị trường nhà ở xã hội
Theo Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Thái Bình đến
năm 2020 định hướng đến năm 2025:
Căn cứ tình hình triển khai thực tế của các dự án
nhà ở xã hội giai đoạn năm 2015-2016, số lượng dự án nhà ở xã hội được chấp thuận
chủ trương đầu tư đến năm 2020; giai đoạn 2021-2030 nhu cầu về nhà ở xã hội
trên địa bàn tỉnh là khá lớn, chủ yếu tập trung ở các nhóm đối tượng: Công
nhân, người lao động đang làm việc trong Khu công nghiệp; người thu nhập thấp
đô thị; cán bộ, công chức, viên chức; sỹ quan, hạ sỹ quan... thuộc lực lượng vũ
trang. Mặc dù có nhu cầu lớn về nhà ở xã hội nhưng nguồn cung đến từ các dự án
vẫn còn hạn chế do số lượng dự án nhà ở xã hội được chấp thuận chủ trương đầu
tư hiện tại không đáng kể; giai đoạn 2017 đến nay chỉ có 02 dự án gồm:
- Dự án nhà ở xã hội thuộc khu C - Dự án khu dân cư
xã Vũ Phúc, thành phố Thái Bình: Gồm 02 tòa nhà (quy mô mỗi tòa 09 tầng), tổng
diện tích sàn xây dựng là 40.506 m2, tổng diện tích sàn các căn hộ
là 27.241,6m2, tổng số căn hộ nhà ở xã hội là 429 căn; quy mô dân số:
1.500 người (hiện đang triển khai xây dựng và trình thẩm định đối tượng đăng ký
mua nhà ở xã hội).
- Dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thuộc khu đất
quy hoạch khu dân cư xã Phú Xuân, thành phố Thái Bình: Gồm 02 tòa nhà (quy mô mỗi
tòa 15 tầng và 01 tâng hâm), tổng diện tích sàn xây dựng là 64.244 m2,
tổng diện tích sàn các căn hộ là 42.132,6m2, tổng số căn hộ là 690 căn; quy mô
dân số: 1.750 - 1.900 người.
2. Đánh giá chung
2.1. Kết quả đạt được
- Tính đến nay, công tác phát triển nhà ở xã hội
trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận với 07 dự án nhà ở
xã hội cho người có thu nhập thấp; ngoài ra với 01 dự án đang triển khai xây dựng
và 01 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư để triển khai. Tuy nhiên, chưa
có nhà ở xã hội cho công nhân làm việc trong các khu công nghiệp;
- Trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị đã
thực hiện nghiêm túc quy định bố trí quỹ đất 20% để phát triển nhà ở xã hội
theo quy định;
- Bổ sung quy hoạch quỹ đất phát triển nhà ở xã hội
trong quy hoạch phát triển các Khu công nghiệp trong Khu kinh tế tỉnh, Khu thiết
chế công đoàn tại xã Song An, huyện Vũ Thư.
2.2. Những tồn tại
Trong những năm qua, tỉnh Thái Bình đã tập trung
vào thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội
do Chính phủ ban hành. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện việc
phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn, các cơ quan chức năng của địa phương còn
gặp một số vướng mắc liên quan đến việc áp dụng các quy định của pháp luật về
nhà ở xã hội, cụ thể là:
- Theo quy định tại khoản 4 Điều 9 Nghị định số
100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định “Chủ đầu tư dự án được
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí đầu tư xây dựng
hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội theo quy định
tại Điểm d Khoản 1 Điều 58 của Luật Nhà ở. Trường hợp đầu tư xây dựng nhà ở xã
hội chỉ để cho thuê thì được hỗ trợ toàn bộ kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ
tầng kỹ thuật.”. Tuy nhiên do điều kiện kinh tế của tỉnh còn hạn hẹp nên
chưa có cơ chế hỗ trợ kinh phí được cho nhiều chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở
xã hội trên địa bàn tỉnh.
- Số lượng dự án nhà ở xã hội trên địa bàn hiện nay
còn ít (ngoài một số dự án đã hoàn đưa vào sử dụng thi hiện mới có 01 dự án
đang triển khai xây dựng, 01 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư), chưa bảo
đảm đáp ứng nhu cầu về nhà ở của các đối tượng chính sách của địa phương.
- Việc xây dựng nhà ở cho công nhân còn vướng một số
quy định của các luật như Luật Đất đai, Luật Đâu thâu, Luật Kinh doanh bất động
sản; quy trình để chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự
án theo quy định pháp luật còn nhiêu bước, thời gian thực hiện kéo dài, ảnh hưởng
đến việc thu hút, triển khai đầu tư;
- Pháp luật về nhà ở chưa có quy định riêng để đẩy
mạnh triển khai dự án nhà ở xã hội cho công nhân làm việc trong khu công nghiệp
và dự án nhà ở xã hội cho công nhân theo thiết chế công đoàn tại các khu công
nghiệp; việc lựa chọn chủ đầu tư vẫn theo quy định chung về nguồn vốn, pháp luật
đấu thầu với dự án không sử dụng vốn Nhà nước;
- Thực tế hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa có dự án
nhà ở xã hội cho công nhân nên người lao động không chỉ thiếu chỗ ở, mà còn thiếu
thốn về cơ sở hạ tầng xã hội;
- Về đầu tư Nhà ở xã hội hiện nay trên địa bàn tỉnh
thực hiện chủ yếu từ vốn của doanh nghiệp; do vốn đầu tư bỏ ra lớn, thời gian
thu hồi vốn chậm, lợi nhuận không cao; mặt khác gói hỗ trợ lãi suất vay của
Trung ương chậm triển khai, lượng vốn hỗ trợ cho vay lãi suất thông qua Ngân
hàng chính sách địa phương còn thấp, hồ sơ giải ngân phức tạp.
- Đối với các chương trình, chính sách hỗ trợ như:
Hỗ trợ nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg , Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg của
Thủ tướng Chính phủ cũng có nhiều khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện do
thời gian triển khai thực hiện rà soát, lập đề án đòi hỏi phải nhanh trong khi
địa bàn quản lý rộng nên gặp khó khăn trong quá trình rà soát, lập đề án, hay
do thời gian thực hiện kéo dài dẫn đến nhiều phát sinh trong quá trình thực hiện
dẫn đến gặp khó khăn trong quá trình tham mưu, đề xuất giải quyết. Mặt khác nguồn
vốn hỗ trợ, vốn vay còn hạn chế nên một số gia đình đối tượng chính sách không
có khả năng huy động các nguồn vốn khác nên sẽ rất khó khăn trong việc cải thiện
nhà ở khi chỉ sử dụng nguồn vốn hỗ trợ hoặc nguồn vốn vay từ chính sách.
2.3. Nguyên nhân
a) Nguyên nhân khách quan
- Trong những năm vừa qua, hệ thống các văn bản
pháp luật của nhà nước về lĩnh vực quản lý nhà ở, đất đai, xây dựng, đầu tư, phát
triển đô thị thường xuyên có sự cập nhật, thay đổi, chưa có sự thống nhất dẫn đến
gây khó khăn trong công tác chỉ đạo điều hành; hệ thống các văn bản luôn có sự
thay đổi, chồng chéo làm ảnh hưởng đến trình tự thủ tục thực hiện các dự án
phát triển nhà ở nói chung và nhà ở xã hội nói riêng như thủ tục lựa chọn chủ đầu
tư, thủ tục quyết định/chấp thuận chủ trương đầu tư, lập thẩm định báo cáo
nghiên cứu khả thi các dự án làm ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình tổ chức thực
hiện.
- Việc thực hiện các chương trình, chính sách hỗ trợ
nhà ở còn bị kéo dài, nguồn vón hỗ trợ không được bố trí kịp thời dẫn đến phát
sinh đối tượng, thậm chí có đối tượng đã được hưởng hỗ trợ từ đầu chương trình
nhưng đến khi kết thúc chương trình căn nhà đó đã bị xuống cấp hay đối tượng
trong đề án được duyệt chưa được hưởng hỗ trợ nhưng đã chết hoặc nhà ở quá xuống
cấp không thể ở được nữa đã phải tự vay mượn để làm nhà ở... những nguyên nhân
đó phần nào ảnh hưởng đến tính cấp bách và kịp thời của chính sách hỗ trợ đối với
những người có khó khăn về nhà ở cần được hỗ trợ.
- Do dịch bệnh Covid 19 đã kéo dài gây ảnh hưởng đời
sống của người dân, tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng trực
tiếp đến nguồn thu và công tác thu hút đầu tư của tỉnh; ảnh hưởng đến tiến độ
triển khai các dự án phát triển nhà ở nói chung cũng như nhà ở xã hội nói riêng
của địa phương.
b) Nguyên nhân chủ quan
- Một số quy định pháp luật còn vướng mắc trong việc
phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi tại
Luật Nhà ở và các luật khác liên quan dẫn đến các cấp, ngành, nhà đầu tư chưa
quan tâm nhiều đến phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn; Các chủ đầu tư dự án
nhà ở thương mại trên địa bàn tỉnh chủ yếu tập trung xây dựng nhà ở thương mại
trước do hiệu quả đầu tư cao hơn, phần nhà ở xã hội thuộc quỹ đất 20% của dự án
chưa được quan tâm triển khai sớm.
- Việc bồi thường, giải phóng mặt bằng còn gặp khó
khăn dẫn đến chưa có quỹ đất sạch phục vụ phát triển nhà ở xã hội tại địa
phương.
- Tình hình ngân sách tỉnh còn khó khăn, chưa có
chính sách hỗ trợ tạo môi trường thuận lợi cho việc đầu tư các dự án nhà ở xã hội.
- Các doanh nghiệp, tổ chức chưa thực sự quan tâm đầu
tư nhà ở xã hội do lợi nhuận thấp, nhiều thủ tục, nội dung phức tạp.
- Một số nhà đầu tư các dự án trong Khu công nghiệp
chưa nhận thức được tầm quan trọng, chưa quan tâm đến việc đầu tư xây dựng nhà ở
cho công nhân.
- Các dự án phát triển nhà ở xã hội cho công nhân
làm việc tại các khu công nghiệp phần lớn phục vụ nhu cầu cho thuê, dự án chậm
thu hồi vốn, hiệu quả đầu tư thấp nên chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư quan
tâm thực hiện.
PHẦN
4: DỰ BÁO NHU CẦU NHÀ Ở XÃ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2021-2025 VÀ
2026-2030
1. Cơ sở dự báo nhu cầu
1.1. Định hướng phát triển
Về kinh tế xã hội, tiếp tục đổi mới cơ cấu nền kinh
tế và các ngành sản xuất gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát
triển các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, giá trị gia tăng lớn; chủ động
tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học
- công nghệ, quản trị hiện đại, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hội nhập quốc
tế để nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế
Các chỉ tiêu phát triển kinh tế giai đoạn 2021-2025
theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, bình quân giai đoạn
2021-2025:
- Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP)
10%/năm trở lên. GRDP bình quân đầu người đến 2025 đạt 90 triệu đồng (3.500
USD) trở lên.
- Cơ cấu kinh tế đến năm 2025: Tỷ trọng công nghiệp,
xây dựng và thương mại, dịch vụ trong GRDP (không tính thuế sản phẩm) đạt 80%
trở lên.
Đến năm 2030:
- Quy mô nền kinh tế đến năm 2030 (tính theo GRDP,
giá thực tế) tăng gấp 1,8 lần so với năm 2025. GRDP bình quân đầu người đến năm
2030 tương đương với bình quân chung của cả nước.
- Tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và thương mại, dịch
vụ trong GRDP (không tính thuế sản phẩm) đến năm 2030 đạt 85% trở lên
- Bên cạnh các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển về
kinh tế, Nghị quyết cũng đưa ra định hướng phát triển cơ sở hạ tầng trong giai
đoạn 2021-2025:
Tập trung xây dựng, phát triển Khu kinh tế Thái
Bình toàn diện về công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ, đô thị và kinh tế
biển, trở thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh là nhiệm vụ
chính trị trọng tâm hàng đầu trong cả nhiệm kỳ 2020-2025 và các nhiệm kỳ tiếp
theo;
Tập trung xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế
- xã hội, nhất là hạ tầng giao thông kết nối các trục giao thông đầu mối trong
tỉnh với các trung tâm kinh tế vùng Duyên hải Bắc Bộ; trong đó, tập trung hoàn
thành đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển và các tuyến đường huyết mạch
trong tỉnh. Xây dựng và phát triển Khu kinh tế Thái Bình thành trọng điểm, động
lực phát triển kinh tế của tỉnh.
Tập trung rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy hoạch đô
thị trong Quy hoạch tỉnh và triển khai thực hiện quy hoạch xây dựng, nhất là ở
khu vực thành phố Thái Bình và các đô thị. Xây dựng thành phố Thái Bình trở
thành đô thị loại I và xây dựng một số đô thị loại IV, loại V, đô thị phục vụ
Khu kinh tế Thái Bình theo hướng phát triển đô thị xanh, hiện đại. Chú trọng
quy hoạch và xây dựng không gian đô thị hai bên bờ sông Trà Lý theo hướng hiện
đại, phát huy lợi thế cảnh quan.
Việc đẩy nhanh thực hiện chương trình, kế hoạch
phát triển nhà ở tại thành phố Thái Bình và các thị trấn; khuyến khích phát triển
nhà ở xã hội và nhà ở công nhân trong các khu công nghiệp, Khu kinh tế, đặc biệt
là nhà ở xã hội đê giải quyết nhu cầu về nhà ở tại khu vực đô thị, nhất là
thành phố Thái Bình và tại địa bàn Khu kinh tế tỉnh có thể coi là một trong những
nhiệm vụ quan trọng góp phần hoàn thành mục tiêu theo Nghị quyết Đại hội đại biểu
Đảng bộ tình lần thứ XX.
1.2. Các yêu cầu khi xác định chỉ tiêu nhà ở
Việc xác định các chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội
đảm bảo các yêu cầu sau:
- Phù hợp với các quy định của pháp luật.
- Phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội.
- Phù hợp với mục tiêu của Chương trình, Kế hoạch
phát triển nhà ở.
- Phù hợp chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất quốc gia
thời kỳ 2021 - 2030; phù hợp với Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030 và
Kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2025.
2. Dự báo nhu cầu nhà ở xã hội
2.1. Nhu cầu chung của các nhóm đối tượng được
hưởng chính sách nhà ở xã hội
a) Nhu cầu về nhà ở xã hội theo dự án Giai đoạn
2021 - 2025
- Đối với công nhân, người lao động đang làm việc tại
các Khu công nghiệp, cụm công nghiệp căn cứ theo định hướng phát triển và dự
báo về tỷ lệ lấp đầy tại các Khu công nghiệp, cụm công nghiệp trong giai đoạn
2021-2025 dự báo nhóm có nhu cầu về nhà ở bao gồm:
+ Dự kiến khoảng 50% số công nhân đang thuê trọ tại
quỹ nhà trọ do người dân tự xây dựng có nhu cầu chuyển sang nhà ở xã hội để cải
thiện điều kiện ở; số lượng khoảng 1.000 người.
+ Dự kiến khoảng 10% tổng số công nhân hiện có chỗ ở
(có nhà ở không gần nơi làm việc) trong giai đoạn 2021-2025 có nhu cầu về nhà ở
xã hội gần nơi làm việc (đa số tại thành phố Thái Bình, huyện Tiền Hải) khoảng
6.000 người.
+ Dự kiến khoảng 60% tổng số công nhân dự kiến tăng
thêm trong giai đoạn 2021-2025 có nhu cầu về nhà ở, trong đó khoảng 60% có nhu
cầu về nhà ở xã hội khoảng 17.400 người, còn lại có nhu cầu về nhà lưu trú, một
phần thuê trọ, ở nhà ở gia đình.
- Đối với nhóm đối tượng thu nhập thấp khác bao gồm:
Người thu nhập thấp; cán bộ, công chức, viên chức; sỹ quan, hạ sỹ quan,... thuộc
các lực lượng vũ trang; người lao động có thu nhập thấp làm việc ngoài các Khu
công nghiệp. Dự báo trong giai đoạn 2021-2025 có khoảng 10.000 người có nhu cầu
về nhà ở xã hội (ước tính với khoảng 30% số lượng người thu nhập thấp khu vực
đô thị, công chức, viên chức, chiến sỹ công an quân đội).
Tổng nhu cầu chung: 34.400 người.
b) Nhu cầu về nhà ở xã hội theo dự án Giai đoạn
2026-2030
- Đối với công nhân, người lao động đang làm việc tại
các Khu công nghiệp, cụm công nghiệp căn cứ theo định hướng phát triển và dự
báo về tỷ lệ lấp đầy tại các Khu công nghiệp, cụm công nghiệp trong giai đoạn
2026-2030 dự báo nhóm có nhu cầu về nhà ở bao gồm:
+ Dự kiến khoảng 1.000 công nhân đang thuê trọ tại
quỹ nhà trọ do người dân tự xây dựng có nhu cầu chuyển sang nhà ở xã hội để cải
thiện điều kiện ở;
+ Dự kiến khoảng 10.000 công nhân hiện có chỗ ở (có
nhà ở không gần nơi làm việc) có nhu cầu về nhà ở xã hội gần nơi làm việc (đa số
tại thành phố Thái Bình, huyện Tiền Hải, Thái Thụy).
+ Khoảng 50% tổng số công nhân dự kiến tăng thêm
trong giai đoạn 2026- 2030 có nhu cầu về nhà ở xã hội khoảng 50.000 người (Trên
cơ sở dự báo về nhu cầu nhà ở xã hội dự kiến trong giai đoạn 2026-2030 khoảng
100.250 người), còn lại có nhu cầu về nhà lưu trú, một phần thuê trọ, ở nhà ở
gia đình.
- Đối với nhóm đối tượng thu nhập thấp khác bao gồm:
Người thu nhập thấp; cán bộ, công chức, viên chức; sỹ quan, hạ sỹ quan,... thuộc
các lực lượng vũ trang; người lao động có thu nhập thấp làm việc ngoài các Khu
công nghiệp. Dự báo giai đoạn 2026-2030, khoảng 15.000 người có nhu cầu về nhà ở
xã hội.
Tổng nhu cầu chung: 76.000 người.
2.2. Tham khảo nhu cầu nhà ở theo khảo sát
Tham khảo kết quả khảo sát phục vụ xây dựng chính
sách phát triển nhà ở xã hội Việt Nam giai đoạn 2021-2025 do Bộ Xây dựng phối hợp
với Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc thực hiện, một số nhu cầu cụ thể về nhà ở
xã hội của nhóm đối tượng thu nhập thấp và công nhân Khu công nghiệp như sau:
a) Đối với nhóm đối tượng thu nhập thấp có
nhu cầu về nhà ở xã hội
- Về nhu cầu loại hình nhà ở xã hội: Có 59,4% có
nhu cầu về nhà ở xã hội là nhà riêng lẻ; 40,6% còn lại có nhu cầu về nhà ở xã hội
là nhà chung cư.
- Về nhu cầu vị trí nhà ở xã hội:
+ Đối với nhu cầu về vị trí nhà ở xã hội gần nơi làm
việc: Có 23,4% số người có nhu cầu mong muốn ờ nhà ở xã hội gần nơi làm việc;
+ Đối với nhu cầu về vị trí nhà ở xã hội gần khu vực
trung tâm (nội thành, nội thị): Có 46,9% người có nhu cầu mong muốn ở nhà ở xã
hội cách trung tâm dưới 5km; 38,7% người có nhu cầu mong muốn ở nhà ở xã hội
cách trung tâm từ 5 đến 10km.
- Về nhu cầu giá mua, thuê mua nhà ở xã hội:
+ Có 46,5% người có nhu cầu có thể chi trả chi nhà ở
xã hội dưới 500 triệu đồng. Nhu cầu tiếp cận gói tín dụng cho vay bình quân khoảng
50 triệu đồng;
+ Có 39,8% người có nhu cầu có thể chi trả chi nhà ở
xã hội từ 500 triệu đồng đến dưới 1,0 tỷ đồng. Nhu cầu tiếp cận gói tín dụng
cho vay bình quân khoảng 150 triệu đồng;
+ 13,7% người có nhu cầu còn lại có thể chi trả nhà
ở xã hội trên 1,0 tỷ đồng.
- Về nhu cầu đối với các công trình hạ tầng cung cấp
dịch vụ xã hội và phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần:
+ Chợ là công trình có tỷ lệ lựa chọn cao nhất với
tỷ lệ mong muốn dự án nhà ở xã hội có hoặc ở gần chợ là 40,9%;
+ Trường mẫu giáo là công trình có tỷ lệ lựa chọn
cao thứ hai với tỷ lệ mong muốn dự án nhà ở xã hội có hoặc ở gần trường mẫu
giáo là 17,4%;
+ Bệnh viện là công trình có tỷ lệ lựa chọn cao thứ
ba với tỷ lệ mong muốn dự án nhà ở xã hội có hoặc ở gần bệnh viện là 10,8%;
+ Các công trình khác có tỷ lệ lựa chọn khá tương đồng
như siêu thị, khu vui chơi, văn hóa thể thao...
b) Đối với nhóm công nhân, người lao động làm
việc trong khu công nghiệp có nhu cầu về nhà ở xã hội
- Về nhu cầu loại hình nhà ở xã hội: Có 64,4% có
nhu cầu về nhà ở xã hội là nhà riêng lẻ; 35,6% còn lại có nhu cầu về nhà ở xã hội
là nhà chung cư.
- Về nhu cầu vị trí nhà ở xã hội:
+ Đối với nhu cầu về vị trí nhà ở xã hội gần nơi
làm việc: Có 40,8% số người có nhu cầu mong muốn ở nhà ở xã hội gần nơi làm việc;
+ Đối với nhu cầu về vị trí nhà ở xã hội gần khu vực
trung tâm (nội thành, nội thị); Có 67% người có nhu cầu mong muốn ở nhà ở xã hội
cách trung tâm dưới 5km; 29,3% người có nhu cầu mong muốn ở nhà ở xã hội cách
trung tâm từ 5 đến 10km.
- Về nhu cầu giá mua, thuê mua nhà ở xã hội:
+ Có 74,5% người có nhu cầu có thể chi trả chi nhà ở
xã hội dưới 500 triệu đồng. Nhu cầu tiếp cận gói tín dụng cho vay bình quân khoảng
50 triệu đồng;
+ Có 22,4% người có nhu cầu có thể chi trả chi nhà ở
xã hội từ 500 triệu đồng đến dưới 1,0 tỷ đồng. Nhu cầu tiếp cận gói tín dụng
cho vay bình quân khoảng 150 triệu đồng;
+ 3,1% người có nhu cầu còn lại có thể chi trả nhà ở
xã hội trên 1,0 tỷ đồng.
- Về nhu cầu đối với các công trình hạ tầng cung cấp
dịch vụ xã hội và phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần:
+ Chợ là công trình có tỷ lệ lựa chọn cao nhất với
tỷ lệ mong muốn dự án nhà ở xã hội có hoặc ở gần chợ là 26,8%;
+ Trường mẫu giáo là công trình có tỷ lệ lựa chọn
cao thứ hai với tỷ lệ mong muốn dự án nhà ở xã hội có hoặc ở gần trường mẫu
giáo là 19,2%;
+ Các công trình khác có tỷ lệ lựa chọn khá tương đồng
như siêu thị, khu vui chơi, bệnh viện, văn hóa thể thao...
2.3. Nhu cầu về nhà ở xã hội theo dự án
Trên cơ sở phân tích số liệu khảo sát phục vụ xây dựng
chính sách phát triển nhà ở xã hội Việt Nam giai đoạn 2021-2025 do Bộ Xây dựng
phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc thực hiện và tình hình phát triển
kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Bình, kết hợp việc điều tra khảo sát thực tế nhu
cầu của các đối tượng công nhân, người thu nhập thấp trên địa bàn tỉnh, xác định
dự kiến tổng số đối tượng có nhu cầu về nhà ở xã hội như sau:
a) Giai đoạn 2021-2025 nhu cầu nhà ở xã hội cho
khoảng 34.400 người, bao gồm:
- Công nhân tại các Khu công nghiệp khoảng 24.400
người.
- Các nhóm đối tượng khác có điều kiện thu nhập thấp
khoảng 10.000 người.
Với mức diện tích sàn nhà ở xã hội trung bình tối
thiểu khoảng 18m2 (căn hộ cho công nhân với 02 phòng ngủ cho 04 người);
55-60m2/căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp (cho 02 người lao động
thu nhập thấp) thì tổng nhu cầu về nhà ở xã hội theo dự án là khoảng 713.605m2
sàn căn hộ nhà ở xã hội, với tổng số khoảng 11.100 căn (ứng với khoảng
1.019.436m2 sàn xây dựng).
b) Giai đoạn 2026-2030 nhu cầu nhà ở xã hội cho
khoảng 76.000 người, bao gồm:
- Công nhân tại các Khu công nghiệp khoảng 61.000
người.
- Các nhóm đối tượng khác có điều kiện thu nhập thấp
khoảng 15.000 người.
Với mức diện tích sàn nhà ở xã hội trung bình tối
thiểu khoảng 18m2 (căn hộ cho công nhân với 02 phòng ngủ cho 04 người);
55-60m2/căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp (cho 02 người lao động
thu nhập thấp) thì tổng nhu cầu về nhà ở xã hội theo dự án là khoảng 1.510.500m2
sàn nhà ở xã hội, với tổng số khoảng 22.750 căn (ứng với khoảng 2.157.860m2
sàn xây dựng).
PHẦN
5: QUAN ĐIỂM, ĐỊNH HƯỚNG, MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CƠ BẢN ĐỂ THỰC
HIỆN ĐỀ ÁN
1. Quan điểm, định hướng
1.1. Quan điểm phát triển nhà ở xã hội
Bên cạnh tuân thủ theo các quan điểm chung về phát
triển nhà ở theo Chương trình phát triển nhà ở, công tác phát triển nhà ở xã hội
trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2021-2030 cần được thực hiện theo những quan
điểm sau:
- Tập trung phát triển nhà ở xã hội tại các khu vực
có tốc độ đô thị hóa cao, khu vực tập trung khu công nghiệp trong Khu kinh tế tỉnh.
- Kết hợp giữa bố trí nguồn vốn hỗ trợ theo các
chương trình mục tiêu với nguồn vốn kêu gọi hỗ trợ từ xã hội để thực hiện hỗ trợ
về nhà ở cho các đối tượng thụ hưởng chính sách.
- Lồng ghép việc thực hiện hỗ trợ về nhà ở theo các
chương trình mục tiêu với các chương trình hỗ trợ cải thiện về đời sống, thu nhập.
- Phát triển nhà ở xã hội theo dự án đảm bảo tính bền
vững trên cơ sở phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, phù hợp với nhu cầu của
các nhóm đối tượng trong giai đoạn 2021-2030.
- Khuyến khích các thành phần kinh tế phù hợp với
quy định của pháp luật tham gia phát triển nhà ở xã hội theo dự án nhất là các
doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp hoặc doanh nghiệp sản xuất
trong khu công nghiệp hoặc doanh nghiệp có chức năng kinh doanh bất động sản và
Quỹ đầu tư phát triển tỉnh theo quy định của pháp luật.
- Việc phát triển nhà ở xã hội phải đảm bảo đồng bộ
xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội để nâng cao đời sống người lao động.
1.2. Định hướng phát triển nhà ở xã hội
Theo Chương trình phát triển nhà ở được phê duyệt tại
Quyết định số 251/QĐ-UBND ngày 24/01/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh, nhà ở xã hội
được định hướng khuyến khích phát triển tại địa bàn thành phố Thái Bình, đô thị
trung tâm các huyện, đặc biệt là địa bàn Khu kinh tế tỉnh là vùng đô thị hóa,
công nghiệp và dịch vụ.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2021-2030, việc phát
triển nhà ở xã hội cần thực hiện theo các định hướng sau:
- Đối với nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp:
+ Ưu tiên kêu gọi đầu tư trên quỹ đất 20% tại các dự
án nhà ở thương mại, khu đô thị thuộc đô thị từ loại in trở lên; các quỹ đất
20% dành để xây dựng nhà ở xã hội phù hợp theo nhu cầu thực tế tại các dự án
nhà ở thương mại, khu dân cư tại đô thị loại IV, V đã quy hoạch theo chỉ đạo của
Ủy ban nhân dân tỉnh.
+ Phát triển nhà ở xã hội ưu tiên theo loại hình
nhà chung cư để tiết kiện quỹ đất.
- Đối với nhà ở xã hội cho công nhân làm việc trong
khu công nghiệp:
+ Ưu tiên kêu gọi đầu tư trên quỹ đất được quy hoạch
phát triển nhà ở xã hội gắn với quy hoạch phát triển các Khu công nghiệp; các
khu Thiết chế công đoàn.
+ Phát triển nhà ở xã hội cho công nhân ưu tiên
theo loại hình nhà chung cư, gắn với phát triển đồng bộ các công trình thiết chế
văn hóa phục vụ đời sống như siêu thị, nhà trẻ, khu vui chơi, thể thao .v.v.
2. Các khu vực và mục tiêu
phát triển giai đoạn 2021-2025
2.1. Các khu vực và mục tiêu phát triển nhà ở xã
hội (chi tiết theo Phụ lục)
a) Thành phố Thái Bình
Thành phố Thái Bình là đô thị loại II (phấn đấu trở
thành đô thị loại I) trực thuộc tỉnh, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa,
giáo dục, y tế của tỉnh Thái Bình. Dân số trung bình của Thành phố trong năm
2021 đạt 208.162 người với mật độ 3.074 người/km2; năm 2025 dự kiến
quy mô dân số Thành phố khoảng 370.000 người (dân số nội thị khoảng 363.500 người
- định hướng mở rộng khu vực nội thành lên 18/19 phường xã hiện tại).
Toàn thành phố hiện có khoảng 39 vị trí phát triển
các dự án nhà ở xã hội thuộc quỹ đất 20% trong dự án nhà ở thương mại, khu đô
thị, trong đó:
- Dự án nhà ở xã hội tại khu C khu dân cư xã Vũ
Phúc, thành phố Thái Bình:
Gồm 02 tòa nhà (quy mô mỗi tòa 09 tầng), tổng diện
tích sàn xây dựng là 40.506 m2, tổng diện tích sàn các căn hộ là
27.241,6m2, tổng số căn hộ nhà ở xã hội là 429 căn; quy mô dân số:
1.500 người (hiện đang triển khai xây dựng và trình thẩm định đối tượng đăng ký
mua nhà ở xã hội).
- Dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thuộc khu đất
quy hoạch khu dân cư xã Phú Xuân, thành phố Thái Bình đã được UBND tỉnh quyết định
chấp thuận chủ trương đầu tư: Gồm 02 tòa nhà (quy mô mỗi tòa 15 tầng và 01 tầng
hầm), tổng diện tích sàn xây dựng là 64.244m2, tổng diện tích sàn
các căn hộ là 42.132,6m2, tổng số căn hộ là 690 căn (598 căn nhà ở
xã hội); quy mô dân số: 1.750 - 1.900 người. Đã hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật khu
đất xây dựng nhà ở xã hội.
- 37 vị trí là quỹ đất 20% tại các dự án nhà ở
thương mại, khu đô thị đang triển khai. Trong đó, có 03 vị trí thuộc dự án nhà ở
thương mại đã được đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật hoàn thiện (Dự án khu dân
cư xã Vũ Phúc khu A, B; khu dân cư giáp khu tái định cư xã Đông Mỹ) đảm bảo
phát triển nhà ở xã hội; có 08 dự án nhà ở thương mại dành quỹ đất 20% xây dựng
nhà ở xã hội dự kiến ký hợp đồng trong quý I, quý II năm 2023 với tổng diện
tích sàn xây dựng khoảng 504.500m2, tổng số căn hộ khoảng 5.690 căn.
- Một số vị trí khác theo các đồ án quy hoạch được
cấp có thẩm quyền phê duyệt, được triển khai phù hợp theo thời kỳ để đáp ứng
nhu cầu nhà ở xã hội theo thực tiễn.
* Mục tiêu, kế hoạch thực hiện trong giai đoạn
2021-2025 như sau:
- Tiếp tục giám sát, kiểm tra việc thực hiện đầu tư
xây dựng của các dự án đang triển khai trên địa bàn thành phố Thái Bình đảm bảo
hoàn thiện sản phẩm và cung cấp cho thị trường trong giai đoạn 2021-2025 với tổng
diện tích sàn xây dựng là 40.506m2; diện tích sàn xây dựng phần nhà ở
xã hội là 32.408m2, với 429 căn hộ nhà ở xã hội.
- Trong năm 2023 khuyến khích chủ đầu tư các dự án:
Nhà ở thương mại khu dân cư xã Vũ Phúc khu A, B; khu dân cư giáp khu tái định
cư xã Đông Mỹ trình chấp thuận chủ trương đầu tư dự án và chủ đầu tư dự án khu
dân cư xã Phú Xuân, thành phố Thái Bình triển khai xây dựng nhà ở xã hội trên
các quỹ đất 20%; trong giai đoạn 2021-2025 thực hiện xây dựng khoảng 42.600m2
sàn, 450 căn hộ nhà ở xã hội (khoảng 20% tổng quy mô của các dự án nhà ở xã hội).
- Năm 2023 đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư một số dự
án nhà ở thương mại (xây dựng cả nhà ở xã hội) dự án: Khu dân cư phía đông đường
Võ Nguyên Giáp, dự án phát triển nhà ở khu dân cư tại xã Đông Hòa, Dự án phát
triển nhà ở thương mại khu đô thị Hoàng Diệu - Đông Hòa. Theo quy định tại Nghị
định số 49/2021/NĐ-CP các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại phải trực tiếp đầu
tư xây dựng nhà ở xã hội theo tiến độ (khoảng 2-3 năm kể từ ngày có Quyết định
giao đất) theo chủ trương đầu tư được duyệt và Hợp đồng ký kết giữa Tỉnh và Nhà
đầu tư. Trong giai đoạn 2021-2025 thực hiện xây dựng khoảng 52.000m2
sàn, 600 căn hộ nhà ở xã hội (khoảng 20% tổng quy mô của các dự án nhà ở xã hội).
- Trong năm tiếp theo thực hiện các thủ tục lựa chọn
nhà đầu tư, giải phóng mặt bằng để đảm bảo điều kiện giao đất cho chủ đầu tư
triển khai thi công xây dựng NOXH trong giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn
2026-2030.
b) Các huyện Tiền Hải, Thái Thụy
Là hai huyện có địa giới hành chính các xã thuộc
Khu kinh tế tỉnh; trong Khu kinh tế có 22 khu công nghiệp, Khu công nghiệp-Đô
thị-Dịch vụ với diện tích 7.829,3 ha;
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình đã xác định
mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu 5 năm 2020-2025, định hướng đến năm
2030 là “Tập trung xây dựng, phát triển Khu kinh tế Thái Bình toàn diện về
công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ, đô thị và kinh tế biển, trở thành trọng
điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh là nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng
đầu trong cả nhiệm kỳ 2020- 2025 và các nhiệm kỳ tiếp theo. Trước mắt, tập
trung giải phóng mặt bằng và hoàn thành xây dựng hạ tầng một số khu công nghiệp
có quy mô lớn trong Khu kinh tế ngay trong năm 2021 để kịp thời đón bắt làn
sóng chuyển dịch đầu tư, sẵn sàng tiếp nhận các dự án đầu tư của các tập đoàn
kinh tế lớn trong và ngoài nước”.
Trong số các khu công nghiệp trong Khu kinh tế, Dự
án Khu Công nghiệp-Đô thị-Dịch vụ Liên Hà Thái có tổng diện tích 588,84ha do
Công ty cổ phần Green i- Park làm chủ đầu tư, đang triển khai thi công hạ tầng
kỹ thuật. Hiện tại nhà đầu tư đã ký cho thuê 06 dự án (Công ty TNHH Compal
Electronics (VietNam), Công ty TNHH Greenworks Việt Nam; Công ty TNHH Lotes Việt
Nam; Công ty TNHH Ohsung Vina, Công ty TNHH Nam Tài Group, Công ty KOREASMT) với
tổng vốn đầu tư FDI 721 triệu USD. Sau khi dự án đi vào hoạt động sẽ thu hút
thêm nhiều nhà đầu tư, hình thành khu công nghiệp lớn, thu hút hàng chục nghìn
công nhân lao động. Vì vậy, sẽ có nhu cầu lớn nhà ở xã hội dành cho công nhân.
* Các vị trí phát triển nhà ở xã hội gồm:
- 05 vị trí phát triển nhà ở xã hội độc lập và quỹ
đất 20% phục vụ công nhân lao động với tông quy mô đất nhà ở xã hội khoảng
46,13ha gồm đất xây dựng nhà ở xã hội tại Khu Công nghiệp-Đô thị-Dịch vụ Liên
Hà Thái với 04 phân khu tổng cộng khoảng 40,93ha (trên địa bàn huyện Thái Thụy)
và Khu nhà ở xã hội giáp khu công nghiệp Tiền Hải khoảng 5,2ha (trên địa bàn
huyện Tiền Hải), tổng cộng đáp ứng quy mô khoảng 1.637.200m2 sàn, với
15.563 căn.
- 02 vị trí phát triển nhà ở xã hội độc lập xây dựng
nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp và công nhân lao động, tổng cộng đáp ứng
quy mô khoảng 145.000m2 sàn, 1.600 căn nhà ở xã hội. Trong đó có 01
vị trí (Nhà ở xã hội tại thị trấn Diêm Điền thuộc quy hoạch khu dân cư Nguyễn Đức
Cảnh) đã triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật phù hợp, đảm bảo phát triển
nhà ở xã hội.
- 02 vị trí là quỹ đất 20% tại các dự án nhà ở
thương mại, khu đô thị đang triển khai trên địa bàn huyện Thái Thụy gồm: Dự án
nhà ở xã hội thuộc quỹ đất 20% Khu OĐT 14, 15 và Khu OĐT 16 thị trấn Diêm Điền,
tổng cộng đáp ứng quy mô khoảng 120.600m2 sàn, với 1.400 căn nhà ở
xã hội.
- Tùy thuộc tốc độ phát triển các khu công nghiệp
trong khu kinh tế sẽ có định hướng bổ sung phát triển các khu nhà ở xã hội với
quy mô phù hợp đáp ứng nhu cầu tương ứng cho công nhân thuộc giai đoạn.
* Mục tiêu thực hiện giai đoạn 2021-2025 cụ thể như
sau:
- Trong 06 tháng đầu năm 2023, triển khai thủ tục để
đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư tại 02 vị trí phát triển nhà ở xã hội độc lập: Khu
nhà ở xã hội tại khu công nghiệp Tiền Hải khoảng 5,2ha; phân khu 3 Khu Công
nghiệp-Đô thị-Dịch vụ Liên Hà Thái diện tích đất xây dựng nhà ở xã hội phục vụ
công nhân lao động khoảng 7,69ha; giai đoạn 2021-2025 hoàn thành khoảng 86.400m2
sàn, quy mô khoảng 840 căn (20% quy mô, theo phân kỳ đầu tư Dự án).
- Triển khai các dự án Nhà ở xã hội tại thị trấn
Diêm Điền, huyện Thái Thụy triển khai dự án nhà ở xã hội hoàn thành xây dựng
42.500m2 sàn, quy mô 450 căn.
c) Huyện Vũ Thư
* Các vị trí phát triển nhà ở xã hội gồm:
- 01 vị trí phát triển nhà ở xã hội độc lập (Dự án
nhà ở xã hội khu thiết chế công đoàn) phục vụ công nhân lao động với tổng quy
mô khoảng 3,7ha, tổng cộng đáp ứng 65.544 m2 sàn, quy mô khoảng 765
căn nhà ở xã hội.
- 05 vị trí nhà ở xã hội là quỹ đất 20% tại các dự
án nhà ở thương mại, khu đô thị đang triển khai trên địa bàn huyện Vũ Thư với tổng
diện tích đất là 9,3ha, tổng cộng đáp ứng quy mô khoảng 296.760m2, với
3.462 căn nhà ở xã hội.
* Mục tiêu thực hiện giai đoạn 2021-2025 cụ thể như
sau:
- Trong 06 tháng đầu năm 2023, xây dựng phương án đấu
thầu lựa chọn chủ đầu tư tại 01 vị trí phát triển nhà ở xã hội độc lập khu thiết
chế công đoàn; giai đoạn 2021-2025 hoàn thành xây dựng 20.000 m2
sàn, quy mô khoảng 250 căn nhà ở xã hội (30% quy mô, theo phân kỳ đầu tư Dự
án).
- Đăng tải danh mục dự án nhà ở xã hội thuộc quỹ đất
20% của 05 dự án nhà ở thương mại, khu dân cư thu hút các nhà đầu tư quan tâm đầu
tư nhà ở xã hội. Giai đoạn 2021-2025 dự kiến triển khai 02 dự án, hoàn thành
xây dựng 12.850 m2 sàn, quy mô khoảng 150 căn nhà ở xã hội (50% quy
mô).
d) Các huyện còn lại
* Các vị trí phát triển nhà ở xã hội gồm:
- 10 vị trí phát triển nhà ở xã hội với quy mô diện
tích đất ở khoảng 28,5ha, tổng cộng đáp ứng quy mô khoảng 840.000m2 sàn,
với 10.000 căn.
* Mục tiêu thực hiện giai đoạn 2021-2025 như sau:
Căn cứ nhu cầu về phát triển nhà ở xã hội trên địa
bàn huyện, quy hoạch nhà ở xã hội tại các quỹ đất 20%, quỹ đất quy hoạch nhà ở
xã hội độc lập đề xuất triển khai xây dựng nhà ở xã hội. Dự kiến triển khai
03/10 dự án, hoàn thành xây dựng khoảng 24.000 m2 sàn, quy mô khoảng
300 căn nhà ở xã hội (30% quy mô xây dựng của 03 dự án).
2.2. Tổng mục tiêu thực hiện
Theo đó trong giai đoạn 2021-2025, trên địa bàn
tỉnh đặt ra mục tiêu hoàn thành xây dựng khoảng 11.100 căn nhà ở xã hội, tương ứng
khoảng 713.605m2 sàn nhà ở xã hội (khoảng 1.019.436m2 sàn
xây dựng); phần còn lại được đáp ứng đa số từ dự án nhà lưu trú; một phần thuê
nhà trọ.
2.3. Chỉ tiêu thực hiện
- Theo Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn
hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn
2021 - 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 338/QĐ-TTg
ngày 03/4/2023, chỉ tiêu của tỉnh Thái Bình từ nay đến năm 2025 xây dựng
2.300 căn nhà ở xã hội;
- Từ cuối quý IV/2022 đến nay, tình hình phát triển
nhà ở đang gặp nhiều khó khăn cùng với khó khăn chung của thị trường bất động sản,
do các chính sách thắt chặt về tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp; các vướng mắc
về tính pháp lý của pháp luật về Đất đai, Nhà ở... chưa được tháo gỡ triệt để;
những khó khăn này đã ảnh hưởng lớn đến tình hình, tiến độ triển khai các dự án
nhà ở trên địa bàn tỉnh; mặt khác hệ thống pháp luật về Nhà ở, Kinh doanh bất động
sản, Đất đai, Đấu thầu dự kiến khoảng đầu năm 2024 mới ban hành Luật và Nghị định
hướng dẫn nên thời gian thực hiện của giai đoạn chỉ còn khoảng 02 năm. Do đó,
trong giai đoạn 2021-2025, trên địa bàn tỉnh đặt ra chỉ tiêu hoàn thành xây dựng
khoảng 3.469 căn nhà ở xã hội, tương ứng khoảng 320.910m2 sàn nhà ở
xã hội (đạt tỷ lệ 31% so với mục tiêu dự kiến, phần còn lại được đáp ứng đa số
từ dự án nhà lưu trú, một phần thuê nhà trọ). So với chỉ tiêu được Thủ tướng
Chính phủ giao, trên địa bàn tỉnh đặt ra chỉ tiêu đến năm 2025 hoàn thành xây dựng
nhà ở xã hội đạt tỷ lệ 150%.
3. Các khu vực và mục tiêu
phát triển giai đoạn 2026-2030
3.1. Các khu vực phát triển nhà ở xã hội
(Các khu vực còn lại chưa triển khai trong giai
đoạn 2021-2025)
Giai đoạn 2026-2030 tập trung phát triển nhà ở xã hội
tại các khu vực gồm:
a) Thành phố Thái Bình
Thành phố Thái Bình dự kiến là đô thị loại I (năm
2025) trực thuộc tỉnh, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế
của tỉnh Thái Bình. Quy mô dân số giai đoạn 2026-2030 dự kiến khoảng 566.400
người (theo định hướng quy hoạch tỉnh Thái Bình đến năm 2030, mở rộng địa giới
hành chính).
* Các vị trí phát triển nhà ở xã hội gồm:
- Để đáp ứng nhu cầu về nhà ở xã hội cho người thu
nhập thấp, công nhân làm việc trong khu công nghiệp, tiếp tục hoàn thành xây dựng
nhà ở xã hội thuộc các dự án trong giai đoạn 2021-2025 và triển khai mới các dự
án được chấp thuận chủ trương đầu tư; giai đoạn 2026-2030 dự kiến triển khai
khoảng 30 đến 40 vị trí nhà ở xã hội thuộc quỹ đất 20% (hiện tại đã được chấp
thuận chủ trương đầu tư hoặc có quy hoạch chi tiết được duyệt) và một số khu đất
có quy hoạch xây dựng nhà ở xã hội khác; quy mô khoảng 3.347.368m2
sàn, 39.200 căn nhà ở xã hội.
- Một số vị trí khác theo các đồ án quy hoạch được
cấp có thẩm quyền phê duyệt, được triển khai phù hợp theo thời kỳ để đáp ứng
nhu cầu nhà ở xã hội theo thực tiễn.
* Mục tiêu thực hiện trong giai đoạn 2026-2030 cụ
thể như sau:
Hoàn thành xây dựng khoảng 6.000 căn nhà ở xã hội với
620.000m2 sàn (đạt khoảng 15% quy mô).
b) Các huyện Tiền Hải, Thái Thụy
Tiếp tục tập trung, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội
phục vụ nhu cầu nhà ở cho công nhân trong khu kinh tế, trong đó hoàn thành xây
dựng toàn bộ các dự án nhà ở xã hội đã triển khai trong giai đoạn 2021-2025 và
các vị trí còn lại trên địa bàn.
* Các vị trí phát triển nhà ở xã hội gồm:
- 03 vị trí phát triển nhà ở xã hội độc lập phục vụ
công nhân lao động tại 03 phân khu khoảng 33,24ha của Khu Công nghiệp-Đô thị-Dịch
vụ Liên Hà Thái (trên địa bàn huyện Thái Thụy), đáp ứng quy mô khoảng
1.329.600m2 sàn xây dựng, với 930.720m2 sàn nhà ở xã hội,
12.927 căn nhà ở xã hội.
- 02 vị trí phát triển nhà ở xã hội độc lập xây dựng
nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp và công nhân lao động, tổng cộng đáp ứng
quy mô khoảng 137.140m2 sàn xây dựng, với khoảng 95.998m2
sàn nhà ở xã hội, 1.600 căn nhà ở xã hội; 02 vị trí là quỹ đất 20% tại các dự
án nhà ở thương mại, khu đô thị đang triển khai trên địa bàn huyện Thái Thụy gồm:
Dự án nhà ở xã hội thuộc quỹ đất 20% Khu OĐT 14, 15 và Khu OĐT 16 thị trấn Diêm
Điền, đáp ứng quy mô khoảng 120.000m2 sàn xây dựng, với với khoảng
84.000m2 sàn nhà ở xã hội, 1.400 căn nhà ở xã hội (Giai đoạn
2021-2025 đã xây dựng 42.500m2 sàn, quy mô 450 căn).
- Tiếp tục triển khai với các khu đất xây dựng nhà ở
xã hội khác tương ứng khi thực hiện các khu công nghiệp trong Khu kinh tế.
* Mục tiêu thực hiện giai đoạn 2026-2030 cụ thể như
sau:
- Triển khai xây dựng 03 vị trí phát triển nhà ở xã
hội độc lập: Phân khu 1,2,4 Khu Công nghiệp-Đô thị-Dịch vụ Liên Hà Thái (tổng
diện tích đất quy hoạch là 112,54ha) diện tích đất xây dựng nhà ở xã hội phục vụ
công nhân lao động khoảng 33,24ha; hoàn thành xây dựng khoảng 930.720m2
sàn xây dựng, với 651.500m2 sàn căn hộ nhà ở xã hội, 9.050 căn nhà ở
xã hội (đạt 70% quy mô dự án).
- Triển khai hoàn thành xây dựng các dự án Nhà ở xã
hội tại thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy triển khai dự án nhà ở xã hội đáp ứng
181.800m2 sàn, quy mô 1.800 căn dành cho công nhân lao động trong
khu công nghiệp (đạt 60% quy mô dự án).
c) Các huyện còn lại
* Các vị trí phát triển nhà ở xã hội:
Căn cứ nhu cầu về phát triển nhà ở xã hội trên địa
bàn, Ủy ban nhân dân các huyện quy hoạch quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội tại các
quỹ đất 20%, quỹ đất quy hoạch nhà ở xã hội độc lập đề xuất triển khai xây dựng
nhà ở xã hội. Dự kiến triển khai mới 07 dự án và phần còn lại của các dự án đã
xây dựng trong giai đoạn 2021-2025, khi hoàn thành đáp ứng 800.000 m2
sàn, quy mô khoảng 9.500 căn nhà ở xã hội.
* Mục tiêu thực hiện giai đoạn 2026-2030 như sau:
- Triển khai hoàn thành xây dựng các dự án Nhà ở xã
hội trên địa bàn huyện đáp ứng 160.000m2 sàn, quy mô 1.900 căn (đạt
20% quy mô), trong đó dành khoảng 1.500 căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp,
400 căn nhà ở xã hội cho công nhân lao động trong khu công nghiệp.
3.2. Tổng mục tiêu thực hiện
Theo đó trong giai đoạn 2026-2030, trên địa bàn
tỉnh đặt ra mục tiêu hoàn thành xây dựng khoảng 22.750 căn nhà ở xã hội, tương ứng
khoảng 1.510.500m2 sàn căn hộ nhà ở xã hội (phần công nhân không có
nhu cầu nhà ở xã hội còn lại được đáp ứng đa số từ dự án nhà lưu trú, một phần
thuê nhà trọ).
3.3. Chỉ tiêu thực hiện
- Theo Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn
hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn
2021 - 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 338/QĐ-TTg
ngày 03/4/2023, chỉ tiêu của tỉnh Thái Bình giai đoạn 2026-2030 xây dựng 3.700
căn nhà ở xã hội;
- Trên cơ sở tiến độ thực hiện các dự án nhà ở
xã hội, sự thay đổi về chính sách ưu đãi phát triển nhà ở xã hội so với trước
đây, giai đoạn 2026-2030, trên địa bàn tỉnh đặt ra chỉ tiêu hoàn thành xây dựng
khoảng 18.750 căn nhà ở xã hội, tương ứng khoảng 1.324.764m2 sàn căn
hộ nhà ở xã hội (khoảng 1.892.520m2 sàn xây dựng); đạt tỷ lệ 82% so
với nhu cầu; phần còn lại được đáp ứng đa số từ dự án nhà lưu trú, một phần
thuê nhà trọ.
So với chỉ tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao, trên
địa bàn tỉnh đặt chỉ tiêu đến năm 2030 hoàn thành xây dựng 18.750 căn nhà ở xã
hội (gấp khoảng 5 lần chỉ tiêu được giao).
4. Tổng hợp cân đối cung, cầu
Trên cơ sở chỉ tiêu xây dựng nhà ở xã hội đặt ra,
cân đối cung, cầu nhà ở xã hội được tổng hợp như san:
BẢNG TỔNG HỢP CÂN
ĐỐI CUNG, CẦU GIAI ĐOẠN 2021-2025
Nội dung
|
Nhu cầu giai đoạn
2021-2025
|
Nguồn cung giai
đoạn 2021-2025
|
Nhu cầu chưa được
đáp ứng giai đoạn 2021-2025
|
Tổng số đối
tượng (người)
|
Tổng diện
tích sàn XD NOXH (m2)
|
Tổng số căn
|
Đáp ứng nhu
cầu (người)
|
Diện tích XD
NOXH dự kiến hoàn thành (m2)
|
Tổng số căn
|
Tổng số đối
tượng (người)
|
Tổng diện
tích sàn (m2)
|
Tổng số căn
|
Số lượng
|
34.400
|
1.020.285
|
11.100
|
9.118
|
320.910
|
3.469
|
25.282
|
699.375
|
7.631
|
Công nhân
|
24.400
|
627.428
|
6.100
|
4.360
|
106.400
|
1.090
|
20.040
|
521.028
|
5.010
|
Thu nhập thấp
|
10.000
|
392.857
|
5.000
|
4.758
|
214.510
|
2.379
|
5.242
|
178.341
|
2.621
|
BẢNG TỔNG HỢP CÂN
ĐỐI CUNG, CẦU GIAI ĐOẠN 2026-2030
Nội dung
|
Nhu cầu giai
đoạn 2026-2030
|
Nguồn cung
giai đoạn 2026-2030
|
Nhu cầu chưa
được đáp ứng giai đoạn 2026-2030
|
Tổng số đối
tượng (người)
|
Tổng diện
tích sàn XD NOXH (m2)
|
Tổng số căn
|
Đáp ứng nhu
cầu (người)
|
Diện tích XD
NOXH dự kiến hoàn thành (m2)
|
Tổng số căn
|
Tổng số đối
tượng (người)
|
Tổng diện
tích sàn (m2)
|
Tổng số căn
|
Số lượng
|
76.000
|
2.157.860
|
22.750
|
58.600
|
1.892.520
|
18.750
|
17.400
|
394.130
|
4.000
|
Công nhân
|
61.000
|
1.568.570
|
15.250
|
44.200
|
1.303.230
|
11.250
|
16.800
|
279.606
|
4.000
|
Thu nhập thấp
|
15.000
|
589.290
|
7.500
|
15.000
|
589.290
|
7.500
|
0
|
0
|
0
|
5. Kinh phí dự kiến thực hiện
(Kinh phí dự kiến thực hiện tính theo Suất vốn đầu
tư xây dựng trung bình 9 triệu/m2 sàn xây dựng, theo suất vốn xây dựng
nhà ở xã hội tại Quyết định 510/QĐ-BXD ngày 19/5/2023 của Bộ Xây dựng có tính đến
trượt giá trong giai đoạn lập Đề án, hạ tầng kỹ thuật liên quan khoảng 10%; hạ
tầng kỹ thuật dự án nhà ở xã hội độc lập khoảng 8 tỷ/ha)
- Dự kiến tổng kinh phí để thực hiện hoàn thành mục
tiêu phấn đấu trong giai đoạn 2021-2025 khoảng 2.787 tỷ đồng, trong đó:
+ Kinh phí xây dựng hoàn thiện nhà ở khoảng 2.652 tỷ
đồng;
+ Kinh phí bố trí xây dựng hạ tầng nhà ở xã hội độc
lập khoảng 135 tỷ đồng.
- Dự kiến tổng kinh phí để thực hiện hoàn thành mục
tiêu phấn đấu trong giai đoạn 2026-2030 khoảng 15.895 tỷ đồng, trong đó:
+ Kinh phí xây dựng hoàn thiện nhà ở khoảng 15.640
tỷ đồng;
+ Kinh phí bố trí xây dựng hạ tầng nhà ở xã hội độc
lập khoảng 255 tỷ đồng.
6. Loại nhà và tiêu chuẩn diện
tích nhà ở xã hội
Loại nhà và tiêu chuẩn diện tích nhà ở xã hội thực
hiện theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015, được
sửa đổi bổ sung tại Khoản 6 Điều 1 Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 của
Chính phủ. Ưu tiên phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn
2021-2025 theo loại hình nhà ở chung cư có thiết kế xây dựng phù hợp với quy
chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư:
- Đối với nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp đô thị,
quy mô đầu tư khoảng 5 đến 20 tầng phù hợp theo quy hoạch, có thang máy, tầng hầm,
bố trí đủ chỗ để xe.
- Đối với nhà ở xã hội cho công nhân, xây dựng nhà
chung cư quy mô đầu tư khoảng 5 đến 9 tầng phù hợp theo quy hoạch, có thang
máy, bố trí đủ chỗ để xe.
- Tại các vị trí quỹ đất 20% tại các dự án nhà ở
thương mại, khu đô thị, ưu tiên phát triển loại hình chung cư nhà ở xã hội cao
tầng với diện tích xây dựng trung bình 55-60m2/căn hộ.
7. Đề xuất các thiết chế về văn
hóa
Đối với dự án nhà ở xã hội đầu tư tại quỹ đất 20% tại
các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị sử dụng chung các công trình hạ tầng xã
hội của toàn khu. Công trình hạ tầng cần xem xét đầu tư bổ sung là khu vui chơi
với quy mô đáp ứng đủ nhu cầu của cư dân tại dự án nhà ở xã hội.
Đối với dự án nhà ở xã hội đầu tư tại các vị trí quỹ
đất độc lập cần gắn với đầu tư các công trình bao gồm: Siêu thị, nhà trẻ, khu
vui chơi...
Đối với dự án nhà ở xã hội trong Khu công nghiệp, cần
đầu tư hệ thống thiết chế văn hóa đảm bảo phục vụ đời sống sinh hoạt của công
nhân, người lao động.
8. Các giải pháp thực hiện
8.1. Giải pháp tác động vào nguồn cung
- Đối với các dự án chung cư nhà ở xã hội cần xem
xét cho phép bố trí diện tích đất để xây dựng công trình kinh doanh thương mại
hoặc sàn nhà ở kinh doanh thương mại theo quy định của pháp luật, có phương án
trích lợi nhuận thu được từ việc kinh doanh thương mại này để giảm giá bán, cho
thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội.
- Sử dụng nguồn thu từ việc nộp bằng tiền tương
đương với giá trị quỹ đất 20% theo giá đất mà chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ với
Nhà nước tại các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị (trường hợp thuộc diện phải
bố trí quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định tại khoản 3 Điều 5
Nghị định số 100/2015/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số
49/2021/NĐ-CP) để phát triển nhà ở xã hội như:
+ Hỗ trợ đầu tư kết nối giữa hạ tầng của dự án với
hạ tầng chung của khu vực;
+ Đối với các dự án có cơ cấu sản phẩm cho thuê chiếm
từ 20% trở lên, xem xét hỗ trợ một phần chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật
bên trong dự án.
- Tiếp tục tập trung chỉ đạo, triển khai các nhiệm
vụ, giải pháp mà Thủ tướng Chính phủ đã giao trong Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày
25/01/2017 về việc đẩy mạnh phát triển nhà xã hội; đồng thời phối hợp chặt chẽ
với Tổng liên đoàn lao động Việt Nam trong việc triển khai Quyết định số
655/QĐ-TTg ngày 12/5/2017 và Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 04/11/2020 của Thủ
tướng Chính phủ về đầu tư xây dựng các thiết chế công đoàn tại các Khu công
nghiệp, Khu chế xuất (bao gồm nhà ở, nhà trẻ, siêu thị, y tế, giáo dục và các
công trình văn hóa, thể thao) để phấn đấu từ năm 2026 - 2030 các Khu công nghiệp
trên địa bàn tỉnh đều có thiết chế công đoàn.
8.2. Giải pháp tác động vào nhu cầu
- Tiếp tục sử dụng nguồn vốn vay hỗ trợ của Chính
phủ giúp người dân (nếu có), đặc biệt là công nhân lao động tại các Khu công
nghiệp mua, thuê mua nhà ở xã hội.
- Nhà nước, các tổ chức kinh tế - xã hội, công
đoàn, cộng đồng hỗ trợ một phần kinh phí, kết hợp cho vay ưu đãi để các hộ tự cải
tạo, sửa chữa nhà ở; đối với các hộ nghèo đặc biệt khó khăn thì thực hiện theo
nguyên tắc Nhà nước, cộng đồng, các tổ chức kinh tế - xã hội xây dựng nhà tình
nghĩa, tình thương để giúp họ có chỗ ở phù hợp.
- Tiếp tục thực hiện đa dạng hóa các phương thức đầu
tư xây dựng nhà ở xã hội cho những đối tượng thuộc diện được hưởng chính sách hỗ
trợ về nhà ở xã hội theo quy định, chủ yếu sử dụng vốn ngoài ngân sách; trong
điều kiện có thể, tỉnh xem xét sử dụng vốn ngân sách để đầu tư xây dựng các dự
án nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước để cho thuê, cho thuê mua.
8.3. Giải pháp về đất đai
- Bố trí đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội
trong các đồ án quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn, quy hoạch phát
triển Khu công nghiệp và quy hoạch xây dựng các cơ sở giáo dục đại học, trường
dạy nghề.
- Yêu cầu chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại,
khu đô thị trên địa bàn thành phố Thái Bình phải dành 20% tổng quỹ đất ở trong
các đồ án quy hoạch chi tiết được phê duyệt, đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ
thuật phục vụ xây dựng nhà ở xã hội.
- Đơn giản hóa thủ tục miễn tiền sử dụng đất đối với
chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh.
- Thực hiện cơ chế hỗ trợ, ưu đãi chủ đầu tư xây dựng
nhà ở xã hội theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định 100/2015/NĐ-CP của
Chính phủ, được sửa đổi bổ sung tại điểm a Khoản 8 Điều 1 Nghị định
49/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
8.4. Giải pháp về tài chính, tín dụng
- Tạo lập nguồn kinh phí hỗ trợ các đối tượng chính
sách có khó khăn về nhà ở theo cơ chế huy động các nguồn lực cùng tham gia. Nguồn
kinh phí được huy động một phần từ ngân sách, một phần từ các quỹ từ thiện, một
phần từ nguồn xã hội hóa do các doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ; phần còn lại
huy động từ cộng đồng dân cư, họ hàng và của chính đối tượng được hỗ trợ.
- Sử dụng nguồn thu từ việc nộp bằng tiền tương
đương với giá trị quỹ đất 20% theo giá đất mà chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ với
Nhà nước (trường hợp thuộc diện phải bố trí quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội
theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP được sửa đổi bổ
sung tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số 49/2021/NĐ-CP) để phát triển nhà ở xã hội
thuộc sở hữu nhà nước cho các đối tượng thuê, thuê mua;
- Bố trí đủ nguồn lực để ưu tiên thực hiện những dự
án phát triển hệ thống hạ tầng theo quy hoạch làm cơ sở thúc đẩy phát triển nhà
ở nói chung và phát triển nhà ở xã hội nói riêng.
- Phối hợp với các cơ quan trung ương xây dựng cơ
chế huy động các nguồn tài chính quốc tế để phát triển nhà ở xã hội; hỗ trợ về
nhà ở cho các đối tượng chính sách có khó khăn về nhà ở gắn với chống chịu,
thích ứng biến đổi khí hậu thông qua các chương trình, dự án thí điểm.
- Kiến nghị Trung ương bổ sung kịp thời ngân sách
cho Ngân hàng chính sách xã hội để cho các đối tượng chính sách theo quy định
vay mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội với lãi suất ưu đãi.
- Thực hiện cơ chế hỗ trợ, ưu đãi chủ đầu tư xây dựng
nhà ở xã hội theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 Điều 9 Nghị định số
100/2015/NĐ-CP của Chính phủ, được sửa đổi bổ sung tại điểm b khoản 8 Điều 1
Nghị định 49/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
8.5. Giải pháp về quy hoạch
- Bổ sung nguồn vốn ngân sách kết hợp kêu gọi hỗ trợ
từ nguồn xã hội hóa để điều chỉnh, bổ sung và xây dựng mới hoàn thiện hệ thống
quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 và quy hoạch chi tiết 1/500 tại khu vực đô thị
để xác định cụ thể các quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là tại thành
phố Thái Bình, địa bàn hai huyện Tiền Hải, Thái Thụy thuộc Khu kinh tế.
- Tại khu vực các đô thị loại IV và loại V có nhu cầu
về nhà ở xã hội, tùy từng dự án nhà ở thương mại quy hoạch dành quỹ đất để phát
triển nhà ở xã hội nhất là các khu vực gần khu công nghiệp.
- Rà soát quy hoạch các Khu công nghiệp, trường hợp
chưa bố trí quỹ đất phát triển nhà ở cho công nhân, người lao động trong Khu
công nghiệp thì xem xét điều chỉnh quy hoạch để bổ sung quỹ đất trong Khu công
nghiệp hoặc quy hoạch bổ sung quỹ đất gần khu công nghiệp để phát triển nhà ở
cho công nhân, người lao động.
- Quy hoạch chi tiết các dự án nhà ở thương mại phải
dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội cần lưu ý về việc bố trí quỹ đất phát
triển nhà ở xã hội tại các vị trí phù hợp, thuận lợi trong dự án.
PHẦN
6: TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Trách nhiệm chung
Nội dung trách nhiệm của các sở, ban, ngành, Ủy ban
nhân dân các cấp, đơn vị liên quan cụ thể tại Đề án, trong đó tập trung thực hiện
phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính
phủ tại Chỉ thị số 03/CT- TTg ngày 25/01/2017 về việc đẩy mạnh phát triển nhà ở
xã hội trên cơ sở nội dung sau:
- Các cấp chính quyền phải có quyết tâm và xác định
việc phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân là một nhiệm vụ chính
trị, trong đó chính quyền địa phương là cấp quyết định sự thành công của chương
trình phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân.
- Nhiệm vụ phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở
cho công nhân là của nhà nước, xã hội và người dân, vì vậy yêu cầu các cấp, các
ngành phải có trách nhiệm tạo môi trường thuận lợi về đất đai, thủ tục hành
chính... để huy động các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, doanh nghiệp có
sử dụng nhiều lao động và người dân tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội, đặc
biệt là nhà ở cho công nhân tại các khu, cụm công nghiệp để người dân, công
nhân lao động... được thuê, mua cải thiện chỗ ở.
- Tiếp tục nâng cao chất lượng nhà ở xã hội, nhất
là nhà ở cho công nhân, có cơ cấu sản phẩm nhà ở phù hợp, bảo đảm các điều kiện
hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, thiết yếu về giao thông, y tế, giáo dục, văn
hóa của các dự án xây dựng nhà ở xã hội ở đô thị và khu công nghiệp.
- Phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành, Ủy ban
nhân dân các cấp, đơn vị liên quan trong thực hiện quy định pháp luật về phát
triển nhà ở xã hội theo chức năng, nhiệm vụ chuyên môn quản lý.
2. Trách nhiệm của các sở,
ban, ngành
1.1. Sở Xây dựng
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan
trong việc thực hiện đề án phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030.
- Trên cơ sở Chương trình, Kế hoạch phát triển nhà ở
giai đoạn 2021-2030 và Đề án phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030, xây dựng
và trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở 5 năm và hăng
năm, trong đó nêu rõ kế hoạch phát triển nhà ở xã hội.
- Phối hợp với các địa phương trong công tác lập
các đồ án quy hoạch chi tiết và phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho
Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư tại các vị trí phát triển nhà
ở xã hội làm căn cứ tổ chức đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án.
- Phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu,
xem xét việc thực hiện thí điểm dự án phát triển nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà ở
để bố trí cho thuê, cho thuê mua phù hợp theo nhu cầu của người dân và điều kiện
đáp ứng của Ngân sách tỉnh.
- Phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng cơ chế
sử dụng nguồn thu từ việc nộp bằng tiền tương đương với giá trị quỹ đất 20%
theo giá đất mà chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước để hỗ trợ các dự án
phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, bổ
sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các Sở
ngành có liên quan thực hiện thẩm định giá bán, thuê mua, thuê nhà ở xã hội được
đầu tư xây dựng theo dự án không phải bằng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài
đầu tư công trên phạm vi địa bàn;
- Định kỳ hằng năm tổ chức rà soát các vị trí quỹ đất
20% tại các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị được chủ đầu tư bàn giao lại cho
nhà nước. Tổng hợp các vị trí quỹ đất 20% không còn phù hợp, lập đề xuất chuyển
mục đích đầu tư và xác định quỹ đất phát triển nhà ở xã hội thay thế và tham
mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.
1.2. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan thẩm
định kế hoạch sử dụng đất hàng năm để trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt;
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan
tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thu hồi đất đối với dự án chậm triển khai hoặc
không thực hiện để tạo quỹ đất tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất hoặc để giao
cho các chủ đầu tư khác thực hiện đáp ứng yêu cầu tiến độ;
- Chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Cục
Thuế tỉnh và các đơn vị liên quan hướng dẫn việc giao diện tích đất bố trí thay
thế quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã theo quy định của pháp luật về đất đai và
pháp luật có liên quan theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định số
100/2015/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số
49/2021/NĐ-CP .
1.3. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Phối hợp với Sở Xây dựng tổng hợp, bổ sung các
chi tiêu phát triển nhà ở nói chung và phát triển nhà ở nói riêng vào kế hoạch
phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh hằng năm và 05 năm theo quy định.
- Phối hợp với Sở Xây dựng và các đơn vị có liên
quan nghiên cứu các giải pháp khuyến khích, ưu đãi đặc thù của tỉnh để thu hút
đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài chính
và các đơn vị liên quan lập phương án sử dụng nguồn thu từ việc nộp bằng tiền
tương đương với giá trị quỹ đất 20% tại các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị
(nếu có) theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP được sửa
đổi bổ sung tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số 49/2021/NĐ-CP để đầu tư xây dựng
nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn.
1.4. Sở Tài chính
- Chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường,
Sở Xây dựng, Cục Thuế tỉnh và các đơn vị liên quan hướng dẫn chủ đầu tư các dự
án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị về việc thực hiện nghĩa vụ nộp
tiền tương đương giá trị quỹ đất 20% (nếu có) theo giá đất mà chủ đầu tư thực
hiện nghĩa vụ với Nhà nước để bổ sung vào ngân sách tỉnh dành để đầu tư xây dựng
nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn trong trường hợp thuộc diện phải bố trí quỹ đất
20% để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định số
100/2015/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số
49/2021/NĐ-CP .
- Phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư
và các đơn vị liên quan lập phương án sử dụng nguồn thu từ việc nộp bằng tiền
tương đương với giá trị quỹ đất 20% tại các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị
(nếu có) theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP được sửa
đổi bổ sung tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số 49/2021/NĐ-CP để đầu tư xây dựng
nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn;
- Phối hợp với Sở Xây dựng thực hiện thẩm định giá
bán, thuê mua, thuê nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng theo dự án không phải bằng
vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công trên phạm vi địa bàn.
1.5. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
- Phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc
xác định đối tượng người lao động được thuê, thuê mua, mua nhà ở xã hội.
- Phối hợp với Sở Xây dựng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc
tỉnh và các cơ quan, địa phương có liên quan rà soát nhu cầu nhà ở của các hộ
chính sách người có công với cách mạng, hộ nghèo cần hỗ trợ nhà ở trong quá
trình triển khai thực hiện.
- Phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc
xác định đối tượng người lao động được thuê, thuê mua, mua nhà ở xã hội.
1.6. Sở Nội vụ
Phối hợp với Sở Xây dựng trong việc xác định nhu cầu
về nhà ở công vụ phát sinh và rà soát nhu cầu về nhà ở xã hội của đối tượng cán
bộ, công chức, viên chức.
1.7. Ban Quản lý các Khu kinh tế và các Khu công
nghiệp tỉnh Thái Bình
Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và các cơ quan có
liên quan đánh giá, xác định nhu cầu về nhà ở của công nhân, người lao động làm
việc tại các khu công nghiệp để có cơ sở lập và triển khai các dự án phát triển
nhà ở dành cho công nhân khu công nghiệp.
1.8. Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thái Bình
- Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội tham gia quản lý nguồn vốn và quản lý việc sử dụng nguồn
vốn để phát triển nhà ở xã hội.
- Thực hiện huy động tiền gửi tiết kiệm của hộ gia
đình, cá nhân trong nước có nhu cầu mua, thuê mua nhà ở xã hội để cho các đối
tượng này vay với lãi suất ưu đãi và thời hạn vay dài hạn sau một thời gian gửi
tiết kiệm nhất định.
1.9. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các
đoàn thể thuộc tỉnh
Tổ chức tuyên truyền, vận động các tổ chức, nhân
dân phối hợp, tham gia thực hiện Chương trình phát triển nhà ở, đặc biệt là
tham gia hỗ trợ, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách.
2. Trách nhiệm của Ủy ban
nhân dân cấp huyện
- Rà soát và lập mới hoạch chi tiết xây dựng các vị
trí xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn.
- Chủ trì cùng với Sở Xây dựng tổng hợp, cập nhật
nhu cầu sử dụng đất để phát triển nhà ở xã hội vào kế hoạch sử dụng đất hàng
năm trên địa bàn, đảm bảo phù hợp với Quy hoạch sử dụng đất và Chương trình, Kế
hoạch phát triển nhà ở chung của tỉnh.
- Tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện việc hỗ trợ
nhà ở cho các đối tượng chính sách của các xã trên địa bàn (gồm số hộ gia đình
đã được hỗ trợ, số nhà ở đã được xây dựng mới hoặc sửa chữa, số tiền hỗ trợ đã
cấp cho các hộ gia đình, số tiền huy động được từ các nguồn khác, các khó khăn,
vướng mắc, kiến nghị trong quá trình thực hiện).
3. Trách nhiệm của các tổ chức,
cá nhân có liên quan
- Tuân thủ các quy định của pháp luật trong phát
triển và quản lý, sử dụng nhà ở xã hội.
- Cung cấp đầy đủ các thông tin về nhà ở, thông tin
các giao dịch về nhà ở xã hội theo quy định.