Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Quyết định 222/QĐ-TTg 2023 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 2030

Số hiệu: 222/QĐ-TTg Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Trần Hồng Hà
Ngày ban hành: 14/03/2023 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 222/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 14 tháng 3 năm 2023

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỈNH THÁI NGUYÊN THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch ngày 15 tháng 6 năm 2018;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Quốc hội tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030;

Căn cứ Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch;

Căn cứ Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 05 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ về triển khai thi hành Luật Quy hoạch;

Căn cứ Nghị quyết 119/NQ-CP ngày 27 tháng 9 năm 2021 của Chính phủ về các nhiệm vụ và giải pháp để nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030:

Căn cứ Quyết định số 664/QĐ-TTg ngày 20 tháng 5 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Báo cáo thẩm định số 4654/BC-HĐTĐ ngày 11 tháng 7 năm 2022 của Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 về Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Báo cáo ĐMC của Quy hoạch;

Theo đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên tại Tờ trình số 02/TTr-UBND ngày 12 tháng 02 năm 2023 về việc đề nghị phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; ý kiến của Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh tại văn bản số 824/CV-HĐTĐ ngày 08 tháng 02 năm 2023; ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản số 1490/BKHĐT-QLQH ngày 03 tháng 3 năm 2023 về việc rà soát tổng thể hồ sơ Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh) với những nội dung chủ yếu sau:

I. PHẠM VI, RANH GIỚI QUY HOẠCH

Phạm vi, ranh giới lập quy hoạch tỉnh Thái Nguyên bao gồm toàn bộ tỉnh Thái Nguyên, với tổng diện tích tự nhiên là 352.196 ha, với 09 đơn vị hành chính gồm: 03 thành phố (Thái Nguyên, Sông Công, Phổ Yên) và 06 huyện (Định Hóa, Võ Nhai, Phú Lương, Đông Hỷ, Đại Từ, Phú Bình). Ranh giới tọa độ địa lý từ 20°20’ đến 22°25’ vĩ độ Bắc, từ 105°25’ đến 106°16’ kinh độ Đông. Phía Bắc tiếp giáp với tỉnh Bắc Kạn; phía Nam giáp với thành phố Hà Nội; phía Tây tiếp giáp với tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Tuyên Quang; phía Đông tiếp giáp với tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Bắc Giang.

II. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU VÀ CÁC ĐỘT PHÁ PHÁT TRIỂN

1. Quan điểm phát triển

a) Phù hợp với định hướng, tầm nhìn phát triển đất nước, tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 của cả nước, Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10 tháng 02 năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030; các quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch vùng; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX.

b) Chủ động, kiến tạo và tiếp tục đổi mới toàn diện, mạnh mẽ trong tư duy; phát triển nhanh và bền vững, toàn diện trên mọi lĩnh vực về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh; tăng cường thu hút đầu tư; chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh liên kết vùng; phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; đẩy mạnh chuyển đổi số và tận dụng những thành quả, cơ hội mới, công nghệ mới do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại; tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế và tham gia sâu rộng, có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.

c) Phát triển xã hội thân thiện, văn minh và hài hòa; kết hợp phát triển kinh tế gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển; khơi dậy và phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Thái Nguyên, truyền thống cách mạng, văn hóa, sự năng động và khát vọng đổi mới, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, vượt lên mạnh mẽ và bền vững của Nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên. Lấy đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển giáo dục - đào tạo là nền tảng cho sự phát triển bền vững, lâu dài; tạo chuyển biến căn bản trong đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với tăng quy mô và chất lượng dân số.

d) Phát triển các hành lang kinh tế gắn với các trục giao thông chính và đô thị nhằm thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng, phát huy các tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh từng địa phương của tỉnh, trong vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, vùng Thủ đô Hà Nội.

đ) Bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, văn minh.

2. Mục tiêu phát triển đến năm 2030

a) Mục tiêu tổng quát

- Phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực để đưa tỉnh Thái Nguyên phát triển nhanh, toàn diện, bền vững; xây dựng tỉnh Thái Nguyên bình yên, hạnh phúc, sung túc, thân thiện, trở thành một trong những tỉnh phát triển ở miền Bắc. Đến năm 2025, tỉnh Thái Nguyên là một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp theo hướng hiện đại, thông minh của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ và vùng Thủ đô Hà Nội. Đến năm 2030, tỉnh Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm sản xuất điện, điện tử, cơ khí chế tạo trình độ cao; trung tâm giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; trung tâm y tế, chăm sóc sức khỏe; trung tâm du lịch; trung tâm chuyển đổi số của khu vực Trung du và miền núi Bắc Bộ; xây dựng thành phố Thái Nguyên trở thành một trong những cực tăng trưởng hạt nhân quan trọng trong phát triển kinh tế của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ và vùng Thủ đô Hà Nội.

- Về kết cấu hạ tầng: Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại tạo bước đột phá góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó tập trung xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối với hệ thống giao thông của vùng, quốc gia. Hệ thống cấp điện, cấp nước, thủy lợi an toàn, hiện đại, đồng bộ đáp ứng đầy đủ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt. Kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đô thị, khu dân cư đảm bảo đồng bộ. Xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông, hạ tầng số hiện đại, an toàn. Phát triển hạ tầng phục vụ các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Hệ thống hạ tầng xã hội được quy hoạch và xây dựng đảm bảo chức năng là trung tâm y tế, giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao của vùng.

- Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội: Gắn phát triển kinh tế - xã hội với củng cố thế trận quốc phòng, an ninh, chủ động nắm chắc tình hình, không để bị động, bất ngờ; xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc; đảm bảo trật tự kỷ cương, an toàn, bình yên và hạnh phúc của nhân dân.

b) Một số mục tiêu cụ thể

- Về kinh tế

+ Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt khoảng 8% đến 8,5%/năm; quy mô kinh tế đạt khoảng 13,5 tỷ USD; tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 45 tỷ USD.

+ Cơ cấu kinh tế: Công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 60,0%; dịch vụ chiếm khoảng 32,8%; nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 7,2%.

+ GRDP bình quân/người đạt khoảng 8.900 USD (giá hiện hành).

+ Tỷ lệ lao động theo ngành kinh tế: Ngành công nghiệp, xây dựng chiếm 37%; ngành nông lâm nghiệp - thủy sản chiếm 27%; ngành dịch vụ chiếm 36%.

- Về văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường

+ Quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 1,52 triệu người.

+ Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt 48,5%, đến năm 2030 đạt 61,7%.

+ Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 80%; trong đó đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt khoảng 37%.

+ Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đến năm 2030 là 95%.

+ Tỷ lệ bác sỹ/10.000 dân là 19 người.

+ Tỷ lệ giường bệnh/10.000 dân là 60 giường.

+ Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế trên dân số là 98%.

+ Tỷ lệ dân số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 100%.

+ Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 95%.

+ 100% các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; đô thị có hệ thống xử lý nước thải tập trung; các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt quy chuẩn về môi trường.

+ Tỷ lệ che phủ rừng ổn định khoảng 46% trở lên.

3. Tầm nhìn phát triển đến năm 2050

Phấn đấu xây dựng tỉnh Thái Nguyên đạt tiêu chuẩn để trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương, xanh, thông minh, có bản sắc rõ ràng; là một trong những trung tâm công nghiệp hiện đại của vùng Thủ đô Hà Nội và cả nước; nơi đáng sống, đáng đến, an toàn và thịnh vượng.

4. Các đột phá phát triển của tỉnh

a) Tập trung phát triển cơ sở hạ tầng tại khu vực phía Nam của tỉnh; ưu tiên đầu tư giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất thu hút các nhà đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đô thị, dịch vụ gắn kết với sự phát triển của vùng Thủ đô Hà Nội.

b) Đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số; phát triển kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ số; hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có sức cạnh tranh trên thị trường.

c) Chú trọng phát triển khu vực kinh tế tư nhân, công nghệ cao; khuyến khích hình thành những cụm ngành, cụm sản xuất có sự tương quan trong cùng lĩnh vực làm tiền đề, cơ sở kết nối chuỗi sản xuất, chuỗi sản phẩm, chuỗi giá trị; nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

d) Nâng cao năng lực, hiệu quả của bộ máy hành chính các cấp; đẩy mạnh cải cách hành chính, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp; tập trung nâng cao kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là đạo đức công vụ.

đ) Quan tâm phát triển nguồn nhân lực địa phương, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; phát huy các lợi thế, thành quả, cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với tiềm năng, thế mạnh của các trường đại học, trung tâm nghiên cứu khoa học, y tế trên địa bàn tỉnh.

e) Quan tâm, triển khai thực hiện tốt các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào các dân tộc thiểu số; phát triển tiềm năng về du lịch, nông nghiệp công nghệ cao; thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng dân cư trên địa bàn tỉnh.

III. PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH, LĨNH VỰC VÀ PHƯƠNG ÁN TỔ CHỨC CÁC HOẠT ĐỘNG KINH TẾ, XÃ HỘI

1. Phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng

a) Ngành công nghiệp - xây dựng

- Phấn đấu đến năm 2030, Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại của vùng Thủ đô Hà Nội gắn với phát triển bền vững, có sức lan tỏa, tác động đến phát triển công nghiệp toàn vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ; trong đó chú trọng phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với các nhóm ngành/sản phẩm công nghiệp hiện đại, chuyên môn hóa cao tại các công đoạn có giá trị cao trong chuỗi giá trị gia tăng.

- Phát triển các cụm ngành công nghiệp cơ khí chế tạo, điện tử và sản xuất kim loại; ưu tiên phát triển các nhóm ngành, sản phẩm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, thân thiện với môi trường. Gắn phát triển công nghiệp với đào tạo nguồn nhân lực và dịch vụ hỗ trợ chất lượng cao: Logistic, tài chính, ngân hàng, bất động sản, công nghệ thông tin và truyền thông.

- Phát triển ngành xây dựng theo hướng hiện đại, đủ điều kiện, năng lực về trình độ chuyên môn, tài chính và nhân lực, đáp ứng nhu cầu xây dựng tỉnh trở thành một trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại.

b) Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản

- Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất an toàn, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, gắn với du lịch sinh thái cảnh quan. Tập trung phát triển các cây trồng, vật nuôi có lợi thế của tỉnh; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực (chè, cây ăn quả, thịt lợn, gà, gỗ, quế,...), sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản địa phương có giá trị kinh tế và sức cạnh tranh cao.

- Phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn theo hướng tăng cường liên kết theo chuỗi, nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản toàn cầu. Nâng cao hiệu quả kinh tế của các sản phẩm OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu bền vững, giàu bản sắc văn hóa.

c) Ngành thương mại, dịch vụ

- Thương mại:

+ Phát triển nhanh và bền vững các loại hình thương mại trên địa bàn, xây dựng tỉnh Thái Nguyên thành trung tâm thương mại cấp vùng, trung tâm giao thương và kinh tế của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, vùng Thủ đô Hà Nội. Củng cố, phát triển các kênh phân phối hàng hóa theo hướng văn minh, hiện đại; kết hợp hài hòa giữa phát triển các loại hình thương mại truyền thống gắn với phát triển thương mại điện tử. Tạo sự đột phá trên cơ sở mở rộng quy mô, đa dạng hóa loại hình thương mại, nâng cao chất lượng đáp ứng nhu cầu xã hội và đời sống nhân dân. Thu hút đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại, hội chợ triển lãm, siêu thị, chợ.

+ Xây dựng, xúc tiến các mô hình triển lãm, hội chợ trong nước và quốc tế về các sản phẩm, dịch vụ thế mạnh của Tỉnh, đặc biệt là các sản phẩm, dịch vụ về văn hóa và du lịch; thực hiện hợp tác. liên doanh, liên kết trong sáng tạo, sản xuất, tiếp thị sản phẩm, dịch vụ và tiêu dùng; tạo điều kiện để các sản phẩm, dịch vụ của Tỉnh tham gia các triển lãm, hội chợ có uy tín của quốc tế.

- Du lịch

+ Phát triển du lịch Thái Nguyên dựa trên các thế mạnh về du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái gắn với lịch sử, văn hóa, tâm linh; trong đó, tập trung vào Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc, khu vực sườn đông Tam Đảo, văn hóa trà, Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt An toàn khu (ATK), Khu di tích Lý Nam Đế.

+ Nghiên cứu và đầu tư xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh. Xây dựng cơ sở dữ liệu về du lịch, tiến hành các hoạt động truyền thông thương hiệu và hình ảnh về du lịch Thái Nguyên.

+ Chuyển đổi mô hình hoạt động du lịch và các loại hình dịch vụ kinh doanh du lịch để đảm bảo khả năng thích ứng với thị trường mới, bối cảnh mới.

- Các ngành dịch vụ khác: Phát triển khu vực dịch vụ trên cơ sở phát huy hiệu quả, tiềm năng, lợi thế; tăng cường đổi mới sáng tạo, ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ và phát triển kinh tế số; ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ có lợi thế.

d) Phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực khác

- Giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực

+ Phát huy vai trò tỉnh Thái Nguyên là một trong những trung tâm đào tạo nhân lực có chất lượng cao của Vùng và cả nước.

+ Chủ động, tích cực tận dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật, nhất là thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và xu hướng chuyển đổi số để đổi mới phương thức giáo dục, tạo đột phá trong phát triển giáo dục thông minh, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của tỉnh Thái Nguyên gắn với yêu cầu của hội nhập quốc tế.

+ Triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông; nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục các cấp học và trường chuẩn quốc gia. Đẩy mạnh xã hội hóa trong phát triển giáo dục và đào tạo. Tiếp tục quan tâm đến giáo dục ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

+ Phát triển hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập.

+ Xây dựng lộ trình đào tạo, đào tạo lại và chuyển đổi nghề cho lao động đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả phù hợp với nhu cầu phát triển công nghiệp của tỉnh và nhu cầu thị trường.

- Y tế, chăm sóc sức khỏe

+ Phát triển ngành y tế theo hướng công bằng, hiệu quả, chất lượng, bền vững, phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân trong tỉnh về công tác bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe; góp phần cải thiện chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tại địa phương.

+ Nâng cao sức khỏe người dân về thể chất, tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống. Giảm tỷ lệ mắc bệnh, tử vong do bệnh, dịch bệnh. Xây dựng hệ thống y tế phát triển đồng bộ, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế. Quan tâm việc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, người yếu thế trên địa bàn tỉnh. Xây dựng đội ngũ cán bộ y tế có phẩm chất đạo đức tốt, đủ năng lực đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

+ Phát triển nhanh các dịch vụ y tế chất lượng cao, xã hội hóa đầu tư một số bệnh viện với dịch vụ chất lượng cao. Hình thành hệ thống trung tâm kiểm soát dịch bệnh đồng bộ ở tất cả các cấp và kết nối với mạng lưới kiểm soát bệnh tật thế giới. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống dịch, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh, chăm lo bảo vệ sức khỏe nhân dân, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, sẵn sàng ứng phó có hiệu quả với các dịch bệnh trong tương lai.

- Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

+ Phấn đấu để tỉnh Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, có hệ thống thiết chế và cơ sở hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị hiện đại, đồng bộ; có đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ đủ khả năng tiếp thu, làm chủ, phát triển và chuyển giao các công nghệ tiên tiến, hiện đại hóa công nghệ truyền thống; có nhiều công trình nghiên cứu giá trị trên các lĩnh vực khoa học và công nghệ.

+ Mở rộng và đẩy nhanh tốc độ ứng dụng những thành tựu của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhất là thành tựu của cuộc cách mạng 4.0, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học, trọng tâm vào các lĩnh vực: Công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông, cải cách hành chính, quản lý nhà nước, y tế, giáo dục, văn hóa, an ninh, du lịch, bảo vệ môi trường; xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và xây dựng đô thị thông minh.

- An sinh xã hội

+ Thực hiện hiệu quả các chính sách, giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động gắn với nâng cao chất lượng việc làm, ưu tiên hỗ trợ việc làm, tạo sinh kế, đào tạo nghề cho thanh niên lập nghiệp, lao động thuộc các xã vùng khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Triển khai hiệu quả các chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện quan hệ lao động theo chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

+ Nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp xã hội, bảo trợ xã hội, thực hiện tốt các chính sách trợ giúp thường xuyên và đột xuất đối với các đối tượng yếu thế; tạo môi trường sống an toàn, thực hiện đầy đủ quyền trẻ em; thực hiện tốt các chính sách thúc đẩy bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ ở tất cả các cấp, các lĩnh vực. Đẩy mạnh công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, tiến tới ngăn chặn và từng bước đẩy lùi lây nhiễm HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội về ma túy, mại dâm, mua bán người.

- Văn hóa, thể thao

+ Phát triển văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển kinh tế nhanh, bền vững của tỉnh. Chăm lo xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh. Phát triển văn hóa, nâng cao hiệu quả công tác gia đình đảm bảo giữ gìn bản sắc của vùng đất và con người Thái Nguyên; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững. Tập trung bảo tồn và phát huy giá trị kho tàng di sản văn hóa của tỉnh; ưu tiên tu bổ, tôn tạo các di tích đã xếp hạng bị xuống cấp, các di tích có giá trị phát triển du lịch.

+ Tập trung xây dựng, từng bước hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao. Phát triển sâu rộng và bền vững hoạt động thể dục thể thao, phát triển thể thao thành tích cao, tập trung vào các môn thế mạnh, môn thể thao Olympic.

- Thông tin, truyền thông

+ Đổi mới căn bản, toàn diện công tác quản lý, điều hành của Nhà nước tiến tới xây dựng chính quyền số; phát triển kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ số, hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có sức cạnh tranh trên thị trường.

+ Phát triển mạnh mẽ các loại hình thông tin báo chí, đặc biệt chú trọng phát triển các loại hình thông tin điện tử; ứng dụng công nghệ Internet kết nối vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) trong thu thập và xử lý thông tin, sản xuất chương trình; tăng cường quản lý truyền thông trên nền tảng số.

- Quốc phòng, an ninh

+ Xây dựng, củng cố khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng, an ninh. Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương.

+ Huy động các nguồn lực xây dựng tiềm lực trong khu vực phòng thủ cấp tỉnh và cấp huyện vững chắc. Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, bảo đảm phù hợp với từng đối tượng.

2. Phương án tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội

- Phát triển các hành lang kinh tế chủ yếu của tỉnh Thái Nguyên gồm: (i) Hành lang theo trục giao thông Quốc lộ 3, Quốc lộ 37, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên và đường Vành đai 5 - Vùng Thủ đô Hà Nội; (ii) Hành lang Quốc lộ 37 và Quốc lộ 17, là hành lang kết nối các thị trấn, đô thị mới, thu hút đầu tư các ngành công nghiệp khai thác tài nguyên, khoáng sản, công nghiệp chế biến và một số trung tâm dịch vụ, đầu mối kỹ thuật, trung chuyển giữa tiểu vùng phía Bắc và phía Nam của tỉnh; (iii) Hành lang Quốc lộ 3, Quốc lộ 3C gắn kết chuỗi đô thị Đu - Giang Tiên - Chợ Chu, là hành lang “xương sống” của khu vực Tây Bắc của tỉnh; (iv) Hành lang Quốc lộ 1B kết nối chuỗi đô thị Hóa Thượng - Quang Sơn - La Hiên - Đình Cả, là hành lang “xương sống” của khu vực Đông Bắc của tỉnh.

- Phát triển 02 vùng kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên bao gồm:

+ Vùng phía Nam với 03 khu vực: (i) Cụm thành phố Thái Nguyên - Sông Công - Phổ Yên, là khu vực đô thị hóa tập trung, là hạt nhân và là động lực phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên; (ii) Huyện Phú Bình định hướng trở thành thị xã Phú Bình, là đô thị công nghiệp, công nghệ cao, đổi mới và sáng tạo; (iii) Huyện Đại Từ, định hướng trở thành thị xã Đại Từ, là đô thị sinh thái - văn hóa - du lịch.

+ Vùng phía Bắc được phân thành 02 khu vực: (i) Khu vực Đông Bắc gồm 02 huyện: Võ Nhai và Đồng Hỷ; (ii) Khu vực Tây Bắc gồm 02 huyện: Định Hóa và Phú Lương. Định hướng phát triển là vùng bảo vệ thiên nhiên; bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa; phát triển nông, lâm nghiệp; công nghiệp chế biến; khai thác khoáng sản và du lịch.

IV. PHƯƠNG ÁN QUY HOẠCH HỆ THỐNG ĐÔ THỊ, NÔNG THÔN VÀ CÁC KHU CHỨC NĂNG

1. Phương án quy hoạch hệ thống đô thị

- Đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, phát triển hệ thống đô thị gắn với phát triển các khu chức năng (khu công nghiệp, cụm công nghiệp; khu công nghệ thông tin tập trung; khu du lịch; khu nghiên cứu, đào tạo; khu thể dục thể thao). Quy hoạch nhà ở, công trình xã hội, văn hóa, thể thao cho người lao động khu công nghiệp, cụm công nghiệp gắn với quy hoạch các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn đảm bảo đủ tiêu chuẩn về diện tích, chất lượng công trình, mỹ quan, an toàn và môi trường theo quy định của pháp luật.

- Đến năm 2030, quy hoạch hệ thống đô thị tỉnh Thái Nguyên có 15 đô thị gồm:

+ 01 đô thị loại I là thành phố Thái Nguyên.

+ 02 đô thị loại II là thành phố Sông Công và thành phố Phổ Yên.

+ 05 đô thị loại IV là các đô thị mới: (1) Thị xã Đại Từ, (2) Thị xã Phú Bình; các thị trấn: (3) Hóa Thượng - huyện Đồng Hỷ, (4) Đu - huyện Phú Lương và (5) Chợ Chu - huyện Định Hóa.

+ 07 đô thị loại V là các thị trấn: (1) Trại Cau - huyện Đồng Hỷ, (2) Sông Cầu - huyện Đồng Hỷ, (3) Đình Cả - huyện Võ Nhai, (4) Giang Tiên - huyện Phú Lương và các đô thị mới: (5) Quang Sơn - huyện Đồng Hỷ, (6) Bình Yên - huyện Định Hóa và (7) La Hiên - huyện Võ Nhai.

- Phát triển, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thành phố Thái Nguyên đồng bộ, hiện đại, giữ vững tiêu chí đô thị loại I, là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục của tỉnh Thái Nguyên; trở thành một trong những cực tăng trưởng hạt nhân quan trọng trong phát triển kinh tế của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ và vùng Thủ đô Hà Nội.

- Xây dựng thành phố Phổ Yên và thành phố Sông Công gắn với xây dựng các khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; hấp dẫn đầu tư, thu hút lực lượng lao động, đảm bảo môi trường xanh, sạch, đẹp.

2. Phương án quy hoạch khu vực nông thôn

- Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên gắn với công tác xây dựng nông thôn mới, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quá trình đô thị hóa của tỉnh phù hợp với điều kiện tự nhiên, sinh thái của mỗi vùng, khu vực; gắn kết với các vị trí của các vùng; sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp chuyên ngành hoặc vùng nông nghiệp ngoại thành, ngoại thị.

- Hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn, từng bước nâng cao chất lượng, môi trường sống nông thôn (trong đó có bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa làng, xã) và bảo tồn môi trường tự nhiên; triển khai các mô hình, giải pháp xây dựng xã thông minh để tăng cường liên kết, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

- Phương án tổ chức không gian khu vực nông thôn

+ Phát triển trên cơ sở duy trì sự ổn định của hệ thống khu dân cư hiện có, đồng thời phát triển các khu vực dân cư mở rộng (các khu giãn dân, các trung tâm xã) nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển nội tại của dân cư nông thôn. Từng bước cải tạo và mở rộng không gian công cộng truyền thống tại các thôn xóm nhằm đáp ứng những hoạt động cộng đồng, phát huy sắc thái văn hóa cộng đồng ở từng địa phương.

+ Phát triển nông thôn bền vững; cân đối giữa nhu cầu phát triển các không gian chức năng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội với duy trì bảo vệ hệ sinh thái nông thôn.

+ Đối với những khu vực có ngành nghề truyền thống (làng nghề), dành diện tích dự trữ đất cho phát triển sản xuất ngành nghề và thương mại dịch vụ ngành nghề.

+ Đối với các khu dân cư thuần nông, có định hướng chuyển dịch sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa, áp dụng mô hình kinh tế trang trại. Bố trí các điểm dịch vụ thương mại hàng hóa tại các trung tâm cụm xã và trung tâm các xã, nhằm khuyến khích phát triển trao đổi sản phẩm nông nghiệp hàng hóa.

+ Các làng nghề sản xuất gây ô nhiễm môi trường cần quy hoạch vào khu sản xuất tập trung, không bố trí trong khu dân cư, ứng dụng công nghệ sạch và hiện đại, đảm bảo thân thiện với môi trường.

- Phương án phân bổ hệ thống điểm dân cư nông thôn: Mô hình hệ thống các điểm dân cư nông thôn gắn với mô hình xã, bản mới, gắn với các vùng sản xuất tập trung kết hợp với du lịch. Xây dựng các điểm dân cư nông thôn mới, các khu vực tái định cư cần kế thừa và gắn kết với hiện trạng phân bổ dân cư sẵn có để phát triển và mở rộng. Phân bố các điểm dân cư nông thôn cần đảm bảo các điều kiện:

+ Điều kiện tự nhiên, có các lợi thế về kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật và môi trường.

+ Đảm bảo yêu cầu về phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Không bố trí xây dựng trong khu vực có nguy cơ tai biến địa chất, có khả năng bị ngập lụt, lũ ống, lũ quét.

+ Không thuộc phạm vi trong khu vực khai thác mỏ, bảo tồn thiên nhiên, khu khảo cổ, khu vực ô nhiễm môi trường.

+ Hạn chế tối đa sử dụng đất canh tác, đặc biệt là đất canh tác nông nghiệp năng suất cao, tận dụng các khu vực đất đồi, núi, gò bãi, đất có năng suất trồng trọt kém để xây dựng và mở rộng các điểm dân cư.

- Phương án phát triển nông lâm nghiệp và thủy sản: Phát triển nông lâm nghiệp và thủy sản tỉnh Thái Nguyên với 02 vùng phát triển:

+ Vùng Nam Thái Nguyên: Tập trung phát triển nông nghiệp đô thị sinh thái, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với phát triển du lịch nông nghiệp sinh thái cảnh quan, du lịch trải nghiệm. Các sản phẩm nông nghiệp chủ yếu: Chè, rau, hoa, sản phẩm chăn nuôi.

+ Vùng Bắc Thái Nguyên: Là vùng trọng điểm về phát triển nông lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh với các sản phẩm chủ lực như: Chè, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm, sản phẩm gỗ, quế. Phát triển rừng sản xuất gắn với chế biến lâm sản. Phát triển rừng đặc dụng; quản lý phát triển rừng phòng hộ đầu nguồn. Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái cảnh quan, du lịch trải nghiệm nông nghiệp, du lịch tham quan rừng phòng hộ gắn với tham quan di tích lịch sử cách mạng và du lịch văn hóa cộng đồng.

3. Phương án quy hoạch và phát triển các khu chức năng

a) Khu công nghiệp - Cụm công nghiệp

Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thu hút đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư lớn, có thương hiệu; ưu tiên thu hút các ngành có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện môi trường, mang lại giá trị gia tăng cao, tăng nhanh tỷ lệ lấp đầy, nâng cao hiệu quả kinh tế các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã thành lập. Phát triển theo chiều sâu các khu công nghiệp để tăng tính cạnh tranh quốc gia và quốc tế, hình thành các cụm liên kết ngành có quy mô lớn.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Tập trung và ưu tiên thu hút đầu tư phát triển khu công nghiệp và cụm công nghiệp tại khu vực phía Nam của tỉnh gắn kết với sự phát triển của vùng Thủ đô Hà Nội.

- Khu công nghiệp: Đến năm 2030, tỉnh Thái Nguyên phát triển, mở rộng 11 khu công nghiệp và 01 khu công nghệ thông tin tập trung, với tổng diện tích là 4.245ha.

(Chi tiết tại Phụ lục I kèm theo)

- Cụm công nghiệp: Đến năm 2030, tỉnh Thái Nguyên phát triển 41 cụm công nghiệp, với diện tích 2.067ha.

(Chi tiết tại Phụ lục II kèm theo)

b) Khu du lịch: Tỉnh Thái Nguyên tập trung phát triển các khu du lịch bao gồm: Hồ Núi Cốc; Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa; Quần thể hang Phượng Hoàng - suối Mỏ Gà, các hang động trên địa bàn huyện Võ Nhai, huyện Định Hóa; Khu vực Đông Tam Đảo, Rừng Khuôn Mánh (huyện Võ Nhai); Khu du lịch sinh thái Hồ Ghềnh Chè (thành phố Sông Công); Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng Hồ Suối Lạnh (thành phố Phổ Yên); Khu du lịch sinh thái Hồ Kim Đĩnh (huyện Phú Bình); Khu di tích Đình Đền Chùa Cầu Muối (huyện Phú Bình); Khu di tích Núi Văn - Núi Võ (huyện Đại Từ); Khu di tích Lý Nam Đế (thành phố Phổ Yên).

c) Khu dịch vụ tổng hợp nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, thể thao sân gôn

Quy hoạch các khu chức năng tổng hợp sân gôn và nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, trong đó có 13 sân gôn.

(Chi tiết tại Phụ lục III kèm theo)

d) Các khu quân sự, an ninh, phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ (CNCH).

- Khu vực quân sự: Đối với khu vực quân sự, ngoài diện tích đang sử dụng, đến năm 2030, tổng diện tích đất quốc phòng khoảng 4.349ha. Việc bố trí xây dựng các công trình quốc phòng trên địa bàn được thực hiện theo các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Khu vực an ninh: Đối với khu vực an ninh, ngoài các diện tích đang sử dụng, đến năm 2030, tổng diện tích đất an ninh khoảng 610ha. Việc bố trí xây dựng các công trình an ninh trên địa bàn được thực hiện theo các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Khu vực phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ

Quy hoạch địa điểm xây dựng các công trình hạ tầng PCCC (như trụ sở doanh trại, công trình phục vụ PCCC&CNCH) tại trung tâm các huyện, thành phố, thị xã, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và địa bàn trọng điểm nguy hiểm về cháy nổ bảo đảm thuận tiện về giao thông, nguồn nước, thông tin liên lạc, phù hợp với Quy hoạch ngành quốc gia về hạ tầng PCCC và đáp ứng các quy định hiện hành.

đ) Phương án phát triển khu vực có vai trò động lực.

Khu vực có vai trò động lực của tỉnh Thái Nguyên là khu vực phía Nam và vành đai V Thủ đô Hà Nội; bao gồm 5 đơn vị hành chính là thành phố Thái Nguyên, thành phố Sông Công, thành phố Phổ Yên, huyện Phú Bình và huyện Đại Từ.

Khu vực có vai trò động lực cần tiếp tục thu hút đầu tư phát triển, trong đó tập trung phát triển các hành lang kinh tế gắn với các trục giao thông chính, các trung tâm đô thị, vùng công nghiệp tập trung và các khu vực dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng thể dục thể thao.

e) Phương án phát triển các khu vực khó khăn, đặc biệt khó khăn

- Về thực hiện chính sách và phát triển kinh tế: Thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia và các chính sách dành cho đối tượng thuộc vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn. Thực hiện chính sách khuyến nông, khuyến lâm, khuyến khích sản xuất, hình thành chuỗi liên kết phát triển kinh tế bền vững với các vùng động lực của tỉnh, các thị trường ngoài tỉnh. Thực hiện chính sách ưu đãi tín dụng dành cho các đối tượng thuộc địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn. Phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, hiệu quả; hình thành và phát triển vùng chuyên canh, các sản phẩm chủ lực như cây dược liệu, trồng và chế biến lâm sản, gắn với phát triển du lịch lịch sử, cộng đồng, sinh thái. Đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; ưu tiên các chương trình, đề án hỗ trợ phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn.

- Về phát triển cơ sở hạ tầng: Đầu tư xây dựng, kiên cố hóa, nâng cấp mạng lưới giao thông nông thôn, kết nối liên thông mạng lưới giao thông nông thôn với các trục đường tỉnh, quốc lộ; xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu như điện, trường lớp học, y tế, hạ tầng viễn thông phục vụ sản xuất và dân sinh ở các xã đặc biệt khó khăn, các thôn, bản đặc biệt khó khăn; đầu tư, hỗ trợ các dự án bố trí, sắp xếp ổn định dân cư.

- Về phát triển văn hóa, xã hội: Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ, đào tạo nghề nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn phát huy giá trị bản sắc dân tộc, thực hiện chính sách giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

g) Các khu chức năng khác

Phát triển một số khu trung tâm chuyên ngành tập trung: Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, cụm công trình khu đại học và nghiên cứu khoa học; cụm công trình Trung tâm y tế, chăm sóc sức khỏe; cụm công trình thể dục thể thao và các khu vực bảo tồn, khu vực cần được bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, hệ thống các di tích lịch sử - văn hóa, danh thắng được xếp hạng, một số khu CBD (Central Business District - Phố kinh doanh trung tâm) tại cụm thành phố Thái Nguyên - Sông Công - Phổ Yên.

V. PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN KẾT CẤU HẠ TẦNG KỸ THUẬT

1. Phương án phát triển mạng lưới giao thông

Bám sát định hướng của quy hoạch cấp quốc gia để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh bảo đảm đồng bộ, hiện đại, liên thông, thúc đẩy liên kết vùng.

Ứng dụng các kỹ thuật công nghệ tiên tiến, thành tựu khoa học kỹ thuật trong phát triển hệ thống giao thông thông minh, điều hành và quản lý hệ thống giao thông vận tải một cách hiệu quả, đảm bảo an toàn giao thông, giảm thời gian, chi phí đi lại, thuận tiện và thân thiện với môi trường, nhất là hệ thống giao thông kết nối phục vụ phát triển kinh tế - xã hội về lâu dài. Hình thành các bãi đỗ xe thông minh ở các khu đô thị trọng điểm.

a) Đường bộ

Hệ thống giao thông đường bộ của tỉnh Thái Nguyên gồm 3 tuyến trục dọc, 4 tuyến trục ngang và 02 tuyến vành đai. Quy mô tối thiểu đường cấp IV miền núi, 2 làn xe, các đoạn tuyến đi trùng với đường cao tốc, quốc lộ, đường tỉnh có quy mô theo quy hoạch các tuyến đã xác định. Đối với các đoạn tuyến đi qua các khu dân cư tập trung, nghiên cứu, chấp thuận quy mô, hướng tuyến theo điều kiện đặc thù khu vực.

- Đường bộ Quốc gia: Thực hiện theo quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01 tháng 9 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó: Tuyến cao tốc vành đai V vùng Thủ đô Hà Nội: Giai đoạn 2021 - 2025 là đường cấp II, 4 làn xe và đường đô thị 6 làn xe. Giai đoạn sau, khi có đủ nguồn lực đầu tư và yêu cầu về nhu cầu vận tải, thực hiện đầu tư hoàn thiện đường vành đai V có quy mô là đường cao tốc, 6 làn xe bằng phương án xây dựng đường cao tốc trên cao hoặc đường thông thường.

- Hệ thống đường tỉnh

+ Nâng cấp, cải tạo các tuyến đường tỉnh hiện có đạt quy mô tối thiểu đường cấp III, IV miền núi với 2 làn xe. Đối với các đoạn tuyến đi qua đô thị, đảm bảo tuân thủ theo quy hoạch đô thị. Đối với các đoạn tuyến đi qua các khu dân cư tập trung, nghiên cứu quy mô, hướng tuyến theo điều kiện đặc thù khu vực.

+ Phát triển một số tuyến mới nhằm tăng cường kết nối các khu vực trong tỉnh với quy mô tối thiểu đạt tiêu chuẩn đường cấp III, 2 làn xe; đường đô thị, 2 làn xe.

+ Cải tạo, nâng cấp, xây dựng 15 tuyến đường huyện lên đường tỉnh, quy mô tối thiểu đường cấp III - IV miền núi với 2 làn xe. Đối với các đoạn tuyến đi qua đô thị, đảm bảo tuân thủ theo quy hoạch đô thị. Đối với các đoạn tuyến đi qua các khu dân cư tập trung, nghiên cứu, chấp thuận quy mô, hướng tuyến theo điều kiện đặc thù khu vực.

(Chi tiết tại Phụ lục IV kèm theo)

b) Đường sắt: Định hướng quy hoạch mạng lưới đường sắt đảm bảo tuân thủ theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt được phê duyệt tại Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ.

- Giai đoạn 2021 - 2030: Nâng cấp, cải tạo tuyến Hà Nội - Thái Nguyên từ ga Đông Anh đến ga Quán Triều: Đường đơn, khổ lồng 1.000mm và 1.435mm, chiều dài 55km; tuyến Kép - Lưu Xá từ ga Kép đến ga Lưu Xá: Đường đơn, khổ 1.435mm, chiều dài 56km.

- Giai đoạn đến năm 2050: Xây dựng mới tuyến đường sắt Thái Nguyên - Tuyên Quang - Yên Bái, khổ đường 1.435mm, tuyến dựa trên hướng tuyến Quán Triều - Núi Hồng kéo dài từ xã Yên Lãng huyện Đại Từ sang đến đèo Ông Cai, xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, tiếp tục đi về phía xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Chiều dài tuyến dự kiến khoảng 73km.

c) Đường thủy: Định hướng phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy đảm bảo tuân thủ theo Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa được phê duyệt tại Quyết định số 1829/QĐ-TTg ngày 31 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ.

- Về luồng tuyến

+ Sông Cầu, đoạn từ ngã ba sông Cầu - Công đến Hà Châu (thuộc tuyến vận tải thủy chính Phả Lại - Đa Phúc), đoạn qua tỉnh Thái Nguyên dài 21km, quy hoạch cấp III.

+ Sông Công, đoạn từ ngã ba Cầu - Công đến Cải Đan (thuộc tuyến đường thủy nội địa sông Công), đoạn qua tỉnh Thái Nguyên dài 19km: Từ ngã ba Cầu - Công đến cầu đường bộ Đa Phúc dài 5km, quy hoạch cấp III và từ cầu đường bộ Đa Phúc đến Cải Đan dài 14km, quy hoạch cấp IV.

- Hệ thống cảng đường thủy

+ Đầu tư cụm cảng Thái Nguyên với cỡ tàu 600 - 1.000 tấn, công suất 3 triệu tấn/năm theo quy hoạch được duyệt, gồm: Cảng Đa Phúc, công suất 1,5 triệu tấn/năm; cảng Yên Bình công suất 1 triệu tấn/năm; cảng khác công suất 0,5 triệu tấn/năm.

+ Nâng cấp và xây dựng thêm hệ thống bến thủy nội địa hồ Núi Cốc, sông Cầu, sông Công.

d) Công trình hạ tầng giao thông khác

- Bến xe khách: Xây dựng bến xe khách của các huyện, thành phố, thị xã tại vị trí có hạ tầng giao thông thuận lợi, phù hợp với quy hoạch các huyện, thành phố, thị xã. Đến năm 2030, thành phố Thái Nguyên có 03 bến xe đạt tiêu chuẩn loại 1, mỗi huyện, thành phố, thị xã có ít nhất 01 bến xe đạt tiêu chuẩn loại 2 trở lên. Tiếp tục khuyến khích xã hội hóa đầu tư xây dựng các bến xe khách tại các địa phương.

- Bãi đỗ xe công cộng: Xây dựng các bãi đỗ xe công cộng trong khu vực trung tâm các huyện, thành phố, thị xã và tại vị trí các khu công nghiệp, khu dân cư, khu thương mại dịch vụ, khu hành chính. Đồng thời, xây dựng các chính sách khuyến khích xã hội hóa đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe công cộng tại các địa phương.

- Cảng cạn: Quy hoạch 02 cảng cạn tại thành phố Phổ Yên và huyện Phú Bình với quy mô theo quy định.

- Trạm dừng nghỉ: Nâng cấp, cải tạo Trạm dừng nghỉ trên tuyến Quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên (Km36 - Km37, thuộc địa phận thành phố Phổ Yên). Xây dựng mới Trạm trên tuyến Quốc lộ 3 cũ (Km75 - Km77 thuộc địa phận thành phố Thái Nguyên) và một số trạm dừng nghỉ khác tại các tuyến cao tốc, quốc lộ khác, phù hợp với định hướng phát triển.

2. Phương án phát triển mạng lưới cấp điện

- Duy trì, phát triển các nguồn điện hiện có trên địa bàn tỉnh; phát triển mới một số nhà máy điện sinh khối, nhà máy điện rác và các nguồn năng lượng tái tạo.

- Cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới trạm, đường dây 500kV, 220kV, 110kV, để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt.

(Chi tiết tại Phụ lục V kèm theo)

3. Phương án phát triển mạng lưới viễn thông

- Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số, mạng kết nối vạn vật (IoT) liên thông, đồng bộ, hiện đại nhằm phục vụ chuyển đổi số toàn diện, xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế, xã hội số; tạo sự bứt phá về hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông. Đến năm 2030, hạ tầng thông tin và truyền thông tỉnh Thái Nguyên đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, phát triển ổn định, thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền, đáp ứng phương thức sống mới, phương thức làm việc mới trong một môi trường số an toàn.

- Phát triển mạng lưới hạ tầng viễn thông, trong đó tập trung phát triển hạ tầng mạng băng rộng; trong đó, xây dựng và nâng cấp tuyến truyền dẫn quang liên tỉnh (bao gồm cả tuyến truyền dẫn dự phòng) thuộc các tuyến Hà Nội - Vĩnh Phúc - Thái Nguyên - Tuyên Quang - Bắc Kạn - Lạng Sơn. Ngầm hóa mạng cáp ngoại vi trên địa bàn tỉnh; cải tạo mạng truyền dẫn, tăng cường chia sẻ, sử dụng chung hạ tầng viễn thông đảm bảo chất lượng dịch vụ, tiết kiệm nguồn lực đầu tư, an toàn mạng lưới và mỹ quan đô thị. Phát triển hạ tầng đi đôi với đảm bảo an ninh quốc phòng, an ninh thông tin, an toàn mạng lưới.

- Phát triển bưu chính theo hướng hoàn thiện chất lượng dịch vụ số, cải thiện mạng lưới rộng hơn đưa dịch vụ đến gần hơn với khách hàng, với chất lượng cao hơn. Bưu chính phát triển hội tụ với viễn thông và công nghệ thông tin, hội tụ đa ngành, đa dạng loại hình dịch vụ, đa dạng hình thức thanh toán.

(Chi tiết tại Phụ lục VI kèm theo)

4. Phương án phát triển mạng lưới thủy lợi, cấp nước, thoát nước

- Phát triển thủy lợi theo hướng hiện đại, bảo đảm cấp, thoát nước cho dân sinh, phục vụ chữa cháy và các ngành kinh tế; nâng cao năng lực phòng, chống lũ, ngập lụt góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh.

- Xây dựng, nâng cấp hệ thống cấp nước đô thị và nông thôn, quy hoạch, bố trí các trụ nước chữa cháy để đáp ứng nhu cầu cấp nước sản xuất, sinh hoạt, chữa cháy; ưu tiên xây dựng hệ thống cấp nước tập trung, quy mô liên đô thị, liên xã. Xây dựng mới hệ thống cấp nước tập trung tại các xã để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, sản xuất và chữa cháy.

- Tiếp tục nâng cấp, mở rộng, nâng cao hiệu quả thu gom, xử lý của các hệ thống xử lý nước thải tập trung quy mô lớn tại các đô thị và các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; xây dựng hệ thống thoát nước thải đô thị, nông thôn.

(Chi tiết tại Phụ lục VII, VIII kèm theo)

5. Các khu xử lý chất thải

- Quy hoạch các cơ sở xử lý chất thải rắn phân tán tại các huyện, thị xã, thành phố (mỗi địa phương bố trí tối thiểu 01 cơ sở xử lý hoặc dự trữ quỹ đất để bố trí khu xử lý chất thải rắn đảm bảo thu gom, xử lý cho địa phương hoặc liên huyện).

- Thu gom, xử lý: Chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp thông thường của từng huyện, thị xã, thành phố sẽ được thu gom và đưa về các khu xử lý chất thải rắn của từng huyện, thị xã, thành phố; chất thải rắn nguy hại được thu gom xử lý tại các cơ sở có chức năng xử chất thải rắn nguy hại; chất thải rắn y tế được thu gom và xử lý đưa về các khu xử lý được phân theo vùng, theo cụm.

- Nước thải đô thị, nông thôn phải được thu gom, xử lý đảm bảo tiêu chuẩn trước khi thoát ra môi trường. Nước thải công nghiệp, nước thải y tế phải được thu gom xử lý tại cơ sở đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn trước khi xả ra nguồn tiếp nhận.

(Chi tiết tại Phụ lục IX kèm theo)

VI. PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN KẾT CẤU HẠ TẦNG XÃ HỘI

1. Phương án phát triển mạng lưới cơ sở y tế và chăm sóc sức khỏe

Phát triển hệ thống y tế tỉnh Thái Nguyên hiện đại và bền vững, kết hợp hài hòa giữa y tế chuyên khoa, chuyên sâu với y tế phổ cập; giữa phòng bệnh với khám, chữa bệnh - phục hồi chức năng; giữa y học cổ truyền với y học hiện đại. Phát triển hạ tầng y tế chất lượng cao; đẩy mạnh xã hội hóa thu hút các nguồn lực đầu tư xây dựng các bệnh viện tư nhân chất lượng cao. Đẩy mạnh hợp tác công - tư trong công tác phòng bệnh, khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân; khuyến khích hình thành và phát triển các trung tâm dưỡng lão, nhà dưỡng lão.

2. Phương án phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo

- Rà soát, sắp xếp, tổ chức hình thành trường phổ thông có nhiều cấp học (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) ở nơi có điều kiện phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của địa phương. Rà soát, sắp xếp, điều chỉnh lại quy mô lớp học hợp lý; thu gọn lại các điểm trường lẻ trên nguyên tắc thuận lợi cho người dân và phù hợp với điều kiện thực tế của vùng, miền, địa phương trong tỉnh. Khuyến khích đầu tư xây dựng và phát triển các trường mầm non, phổ thông ngoài công lập, các trường có vốn đầu tư nước ngoài.

- Phát triển quy mô, mạng lưới trường trung học phổ thông: 41 trường (giữ nguyên 35 trường và quy hoạch mới 06 trường trong và ngoài công lập, trong đó thành lập 01 trường phổ thông dân tộc nội trú).

- Phát triển quy mô, mạng lưới giáo dục thường xuyên: Giữ ổn định mạng lưới, loại hình các trung tâm. Khuyến khích phát triển hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập ngoài công lập trên địa bàn tỉnh.

- Phương án phát triển giáo dục đại học: Đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh có Đại học Thái Nguyên, Trường Đại học Kinh tế và Công nghệ Thái Nguyên. Phát triển Đại học Thái Nguyên trở thành đại học trọng điểm định hướng nghiên cứu đa ngành, trong đó có một số ngành mũi nhọn đạt trình độ khu vực và quốc tế như: Giáo dục, nông - lâm - ngư nghiệp, y tế, kinh tế, công nghiệp, công nghệ thông tin và truyền thông.

3. Phương án phát triển khoa học công nghệ

Phát triển hạ tầng khoa học, công nghệ của tỉnh đồng bộ với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh, hình thành, phát triển mạng lưới trung tâm đổi mới sáng tạo; phát triển khoa học, công nghệ, kinh tế số, xã hội số, chính quyền số. Đầu tư nâng cấp, bổ sung trang thiết bị cho đơn vị quản lý và các tổ chức khoa học và công nghệ công lập trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung xây dựng trại thực nghiệm ứng dụng của Trung tâm phát triển Khoa học và Công nghệ. Thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng Khu công nghệ thông tin tập trung, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

4. Phương án phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp và trợ giúp xã hội

- Cơ sở giáo dục nghề nghiệp: Phát triển mạng lưới giáo dục nghề nghiệp vận hành hiệu quả, đảm bảo chất lượng với năng lực quản trị hiện đại. Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cho quốc gia đang phát triển, có công nghiệp hiện đại; chủ động tham gia vào thị trường đào tạo nhân lực quốc tế. Đến năm 2030, tỉnh Thái Nguyên có 22 cơ sở giáo dục nghề nghiệp do tỉnh quản lý và xây dựng 01 trung tâm đánh giá kỹ năng nghề quốc gia phục vụ cho nhu cầu đánh giá kỹ năng nghề cho người lao động.

- Phát triển cơ sở trợ giúp xã hội: Duy trì, nâng cấp 03 trung tâm bảo trợ xã hội trong và ngoài công lập; phát triển mới 07 trung tâm ngoài công lập.

5. Phương án phát triển các thiết chế văn hóa, thể thao

- Đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế công trình văn hóa, thể thao đạt chuẩn để tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ các giá trị văn hóa, thể thao của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.

- Bảo tồn và phát huy hiệu quả di sản văn hóa của các cộng đồng dân tộc trên địa bàn tỉnh, trong đó ưu tiên bảo tồn di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia; di sản văn hóa phi vật thể đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; các di sản văn hóa đang xuống cấp, bị xâm hại không gian, cảnh quan di tích.

- Xây dựng sản phẩm du lịch mang tính sáng tạo đột phá dựa trên nguồn tài nguyên di sản văn hóa - thiên nhiên đặc thù của tỉnh, với sự tham gia của cộng đồng.

- Tăng cường đầu tư của nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa, đảm bảo hiệu quả, thiết thực.

6. Phương án phát triển mạng lưới cơ sở dịch vụ, trung tâm thương mại, triển lãm, hội chợ.

- Phát triển các trung tâm thương mại đa năng, phức hợp, tổng hợp đáp ứng nhu cầu mua sắm kết hợp vui chơi, giải trí; trong đó, tập trung thu hút, đầu tư các dự án: Trung tâm Hội chợ triển lãm - chợ vùng; trung tâm thương mại, siêu thị; chợ đầu mối, chợ nông thôn và các hạ tầng khác phục vụ phát triển du lịch, dịch vụ.

- Phát triển hệ thống hạ tầng cung ứng, dự trữ xăng dầu, khí đốt đảm bảo đầy đủ, an toàn, liên tục cho phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh và khu vực.

VII. PHƯƠNG ÁN PHÂN BỔ VÀ KHOANH VÙNG ĐẤT ĐAI

Nguồn lực đất đai phải được điều tra, đánh giá, thống kê, kiểm kê, sử dụng hiệu quả, hợp lý, tiết kiệm, bền vững; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; phát triển giáo dục, văn hóa, thể thao; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo động lực cho sự phát triển của tỉnh. Đảm bảo việc bố trí sử dụng đất hợp lý trên cơ sở cân đối nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực phù hợp với chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 -2030.

Đến năm 2030, tổng diện tích tự nhiên tỉnh Thái Nguyên là 352.195,99ha, trong đó: Đất nông nghiệp khoảng 283.109,99ha; đất phi nông nghiệp khoảng 66.638,00ha; đất chưa sử dụng khoảng 2.448ha.

(Chi tiết tại Phụ lục X kèm theo)

VIII. PHƯƠNG ÁN QUY HOẠCH XÂY DỰNG VÙNG LIÊN HUYỆN, VÙNG HUYỆN

1. Phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện

a) Vùng liên huyện phía Nam bao gồm 5 đơn vị hành chính là thành phố Thái Nguyên; thành phố Sông Công; thành phố Phổ Yên; huyện Đại Từ và huyện Phú Bình.

- Tính chất vùng: Là vùng kinh tế hiện đại, năng động của tỉnh Thái Nguyên, vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ và khu vực phía Bắc của Vùng Thủ đô Hà Nội. Là vùng đô thị, công nghiệp, dịch vụ thương mại có vai trò trung tâm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên, vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ và khu vực phía Bắc của Vùng Thủ đô Hà Nội.

- Định hướng phát triển không gian: Trở thành trung tâm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ; hình thành, phát triển mạng lưới trung tâm đổi mới sáng tạo; phát triển khoa học, công nghệ, kinh tế số, xã hội số, chính quyền số. Đóng vai trò quan trọng, đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Hành lang kinh tế Bắc - Nam kết nối các vùng động lực, các đô thị, trung tâm kinh tế, tạo tác động lan tỏa thúc đẩy sự phát triển của khu vực.

Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng hiện đại, nhất là hạ tầng khu, cụm công nghiệp, đô thị, giao thông, điện, thương mại, dịch vụ, y tế, giáo dục.

b) Vùng liên huyện phía Bắc bao gồm 4 đơn vị hành chính là huyện Định Hóa, huyện Võ Nhai, huyện Phú Lương, huyện Đồng Hỷ.

- Tính chất: Là vùng nông, lâm nghiệp và công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản của tỉnh. Là vùng du lịch lịch sử - văn hóa, du lịch sinh thái của Tỉnh và vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.

- Định hướng phát triển không gian: Tập trung phát triển đô thị, dịch vụ thương mại, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, khám phá; khai thác, chế biến khoáng sản; sản xuất vật liệu xây dựng; nông, lâm nghiệp.

Tăng cường đầu tư vào bảo tồn di tích và phát triển giá trị đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên, bảo vệ và phát huy giá trị các nguồn lợi từ rừng kết hợp với phát triển du lịch sinh thái. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng hiện đại đồng bộ, ưu tiên hạ tầng giao thông, thoát nước, xử lý nước thải.

2. Phương án quy hoạch xây dựng vùng huyện

a) Vùng huyện Đại Từ

- Tính chất: Là trung tâm chuyên ngành cấp tỉnh về công nghiệp, nông nghiệp, du lịch của tỉnh.

- Định hướng phát triển: Phát triển công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, dịch vụ; phấn đấu đạt huyện nông thôn mới trước năm 2025, đến năm 2025 cơ bản đạt các tiêu chí chủ yếu theo tiêu chuẩn của thị xã và đến năm 2030, trở thành thị xã Đại Từ với cấp đô thị loại IV.

b) Vùng huyện Phú Bình

- Tính chất: Là vùng trọng điểm của tỉnh về phát triển công nghiệp, dịch vụ.

- Định hướng phát triển: Tập trung phát triển công nghiệp, dịch vụ; đến năm 2025 cơ bản đạt các tiêu chí chủ yếu theo tiêu chuẩn của thị xã; phấn đấu đến năm 2030, huyện Phú Bình trở thành thị xã Phú Bình, với cấp đô thị loại IV.

c) Vùng huyện Định Hóa

- Tính chất: Là khu vực phát triển ngành nông nghiệp và du lịch.

- Định hướng phát triển: Tập trung phát triển nông, lâm nghiệp, du lịch lịch sử, sinh thái. Phấn đấu đến hết năm 2023, đạt huyện nông thôn mới.

d) Vùng huyện Phú Lương

- Tính chất: Là khu vực phát triển ngành nông, lâm nghiệp, công nghiệp khai khoáng.

- Định hướng phát triển: Tập trung phát triển nông, lâm nghiệp, công nghiệp khai khoáng.

đ) Vùng huyện Võ Nhai

- Tính chất: Là khu vực phát triển ngành nông nghiệp, làm nghiệp, du lịch, công nghiệp khai khoáng.

- Định hướng phát triển: Tập trung phát triển nông, lâm nghiệp, khoáng sản, du lịch sinh thái.

e) Vùng huyện Đồng Hỷ

- Tính chất: Là khu vực phát triển ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, khai khoáng, du lịch.

- Định hướng phát triển: Tập trung phát triển ngành nông, lâm nghiệp, khai khoáng, du lịch.

IX. PHƯƠNG ÁN BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC; KHAI THÁC, SỬ DỤNG, BẢO VỆ TÀI NGUYÊN; PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI VÀ ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

1. Phương án bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học

a) Bảo vệ môi trường

Phân vùng bảo vệ môi trường theo 3 vùng: (i) Vùng bảo vệ nghiêm ngặt: Khu dân cư tập trung ở đô thị bao gồm: nội thành, nội thị của các đô loại I, loại II, loại III (bao gồm các đô thị: Thành phố Thái Nguyên, Sông Công, Phổ Yên); nguồn nước mặt Hồ Núi Cốc, sông Công, sông Cầu (nguồn nước dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt); Khu dự trữ thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng; Khu bảo vệ cảnh quan ATK Định Hóa; Vườn Quốc gia Tam Đảo (phần trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên); (ii) Vùng hạn chế phát thải: Rừng phòng hộ xung quanh Hồ Núi Cốc; Khu dân cư tập trung là nội thành, nội thị của các đô thị loại IV, loại V (gồm đô thị loại IV, V tại các huyện Đồng Hỷ, Võ Nhai, Định Hóa, Phú Lương, Phú Bình, Đại Từ); Các khu khai thác khoáng sản (trừ khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường); Hành lang bảo vệ nguồn nước mặt lưu vực sông Công, sông Cầu; (iii) Vùng khác: Các vùng còn lại trên địa bàn tỉnh.

b) Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học

- Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học gắn với Khu dự trữ thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng, Vườn Quốc gia Tam Đảo (phần trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên), Khu bảo vệ cảnh quan ATK Định Hóa.

- Phát triển các cơ sở bảo tồn như: Vườn thực vật Phú Đình, Thần Sa, Hồ Núi Cốc, Sảng Mộc, Nghinh Tường; Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Thần Sa tại khu dự trữ Thần Sa - Phượng Hoàng.

c) Các trạm, điểm quan trắc môi trường

Mạng lưới quan trắc thời kỳ 2021 - 2030 được phân thành 2 loại: Quan trắc môi trường nền và quan trắc tác động môi trường gồm 277 điểm quan trắc định kỳ và 21 trạm quan trắc môi trường tự động, liên tục, cố định đối với nước mặt và không khí.

d) Bảo vệ và phát triển rừng

- Đến năm 2030, diện tích đất rừng của tỉnh là 172.000ha; trong đó, diện tích đất rừng đặc dụng là 35.652ha, đất rừng phòng hộ là 37.028ha, đất rừng sản xuất là 99.320ha.

- Định hướng bảo vệ và phát triển rừng trên cơ sở triển khai có hiệu quả cơ chế, chính sách của Trung ương, cụ thể hóa Quy hoạch lâm nghiệp Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh. Hoàn thiện cơ sở dữ liệu về lâm nghiệp, đẩy mạnh cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, phát triển dịch vụ chi trả môi trường rừng và đa dạng hóa các lợi ích từ rừng (du lịch rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, phát triển nông nghiệp dưới tán rừng như: trồng dược liệu, chăn nuôi dưới tán rừng).

- Quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững hệ thống rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng tự nhiên để tăng khả năng chống chịu biến đổi khí hậu, đồng thời khai thác hiệu quả các giá trị về bảo tồn đa dạng sinh học, dịch vụ môi trường rừng và các loại dịch vụ khác, phát triển các mô hình nông lâm kết hợp, gắn với khai thác rừng bền vững.

đ) Phương án phát triển nghĩa trang và nhà tang lễ liên huyện

Định hướng quy hoạch xây dựng nghĩa trang, cơ sở hỏa táng tập trung đô thị theo quy hoạch đô thị, nghĩa trang tập trung xã theo định hướng quy hoạch xây dựng nông thôn; bố trí nhà tang lễ tại các đô thị đảm bảo tiêu chuẩn về phân loại đô thị; duy trì các nghĩa trang hiện trạng đến khi lấp đầy; di dời đối với các nghĩa trang trong khu vực phát triển đô thị hoặc không đảm bảo yêu cầu môi trường.

(Chi tiết tại Phụ lục XI kèm theo)

2. Phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên trên địa bàn tỉnh

- Khai thác, chế biến, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên khoáng sản, không làm ảnh hưởng môi trường và các danh lam, thắng cảnh trên địa bàn. Giai đoạn 2021 - 2030, thực hiện đóng cửa các mỏ khoáng sản đã hết thời hạn, trữ lượng khai thác; quy hoạch thực hiện và mở rộng các mỏ khoáng sản, mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng theo quy định của pháp luật.

- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn tỉnh theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tận dụng tối đa nguồn đất, đá làm vật liệu san lấp mặt bằng các dự án phát triển hạ tầng đô thị, giao thông.

(Chi tiết tại Phụ lục XII kèm theo)

3. Phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước; phòng chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra

- Ưu tiên phân bổ nguồn nước cho các đối tượng khai thác, sử dụng nước theo thứ tự: (i) Nhu cầu sử dụng nước cho sinh hoạt; (ii) Nhu cầu sử dụng nước cho công nghiệp; (iii) Nhu cầu sử dụng nước cho du lịch, dịch vụ; (iv) Nhu cầu sử dụng nước cho nông nghiệp, thủy sản và các lĩnh vực khác.

- Cải thiện chất lượng nước, khắc phục tình trạng ô nhiễm tại các đoạn sông, nguồn nước nội tỉnh hiện đang bị ô nhiễm hoặc chưa đáp ứng được mục đích sử dụng đề ra; duy trì, bảo vệ chất lượng nước mặt chưa bị ô nhiễm để bảo đảm đáp ứng được mục tiêu chất lượng nước trong kỳ quy hoạch.

- Kiểm soát hiệu quả các nguồn thải hiện có và các nguồn thải mới phát sinh trong kỳ quy hoạch: Nước thải công nghiệp, sinh hoạt, y tế và các loại nước thải khác được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn.

4. Phương án phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu

- Xây dựng được các giải pháp trọng tâm và ưu tiên nhằm ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu đối với từng ngành, từng lĩnh vực và khu vực. Tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức cho toàn dân về tác động tiêu cực, đồng thời nâng cao ý thức và trách nhiệm của toàn dân vào các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu.

- Hoàn thiện cơ sở dữ liệu phục vụ chỉ đạo điều hành phòng chống thiên tai được hình thành theo hướng đồng bộ, liên thông; khu vực trọng điểm, xung yếu phòng chống thiên tai được lắp đặt hệ thống theo dõi, giám sát.

- Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động phòng, chống các loại thiên tai thường xuyên xảy ra như lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập úng, hạn hán và thích ứng với biến đổi khí hậu. Di dân, tái định cư cho người dân nằm trong vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng thiên tai.

- Củng cố hệ thống đê sông, hồ chứa nước, các công trình phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Nâng cao năng lực chống chịu với biến đổi khí hậu của hệ thống cơ sở hạ tầng. Thiết lập hệ thống giám sát và đánh giá các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu. Xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh.

- Xây dựng cắm mốc chỉ giới hành lang thoát lũ, chứa lũ; mốc cảnh báo lũ khu vực không có đê; chỉ giới khu vực dân cư tập trung hiện có trước mắt được tồn tại khu vực có đê. Xây dựng hệ thống công trình thoát lũ hạ du hồ Núi Cốc trên sông Công nhằm đảm bảo khả năng phòng, chống thoát lũ và an toàn cho hồ xả lũ.

X. DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ

Trên cơ sở định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực trọng điểm, xác định các dự án lớn, có tính chất quan trọng, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội để đầu tư và thu hút đầu tư, tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng cân đối, huy động vốn đầu tư của từng thời kỳ.

(Chi tiết tại Phụ lục XIII kèm theo)

XI. CÁC NHÓM GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Về huy động vốn đầu tư

- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành thu, chi ngân sách và đầu tư công. Sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương, địa phương và các nguồn vốn huy động khác để đầu tư các dự án trọng điểm về kết cấu hạ tầng kỹ thuật như: Giao thông, thủy lợi, điện, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đô thị và kết cấu hạ tầng xã hội.

- Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); tập trung thu hút phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ, chế biến nông, lâm sản có lợi thế cạnh tranh của tỉnh; các ngành mũi nhọn như: Công nghiệp điện, điện tử, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ.

- Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng khu vực phía Nam; hạ tầng du lịch, trọng tâm là Khu du lịch quốc gia hồ Núi Cốc để thu hút đầu tư nhằm tạo đột phá trong phát triển kinh tế.

2. Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực

- Xây dựng đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước có chất lượng, đủ mạnh ở mọi lĩnh vực.

- Xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu từng thời kỳ phát triển của tỉnh, phù hợp xu thế phát triển chung của vùng và cả nước.

- Xây dựng các thể chế, cơ chế, chính sách nhằm khai thác tốt nguồn lực từ đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật hiện có; thu hút cán bộ có trình độ cao, các chuyên gia giỏi, quản lý doanh nghiệp, công nhân lành nghề về làm việc tại tỉnh.

- Tăng cường đầu tư cho các lĩnh vực, loại hình giáo dục - đào tạo để nâng cao dân trí, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề của lao động; tăng nhanh tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề, nhất là đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

- Tăng cường liên kết các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp; áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng lực quản lý, điều hành của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đáp ứng yêu cầu của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

3. Giải pháp về chuyển đổi số

- Cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về chuyển đổi số.

- Xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của tỉnh; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực phục vụ quá trình chuyển đổi số.

- Quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số; tăng cường quản lý an ninh mạng, bảo mật thông tin và an toàn dữ liệu; phòng chống hiệu quả các hoạt động phá hoại, thâm nhập hệ thống quản lý, điều hành chính quyền điện tử; tham gia chia sẻ dữ liệu quản lý công dân trong một số lĩnh vực công trực tuyến như: Định danh điện tử, lưu trữ và truy xuất thông tin người dân.

- Huy động và lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, đề án có liên quan để thực hiện chuyển đổi số; nguồn đầu tư của doanh nghiệp, cộng đồng và các nguồn kinh phí hợp pháp khác thông qua các chính sách khuyến khích, thu hút doanh nghiệp công nghệ số đầu tư phát triển chuyển đổi số.

4. Giải pháp phát triển nguồn lực đất đai

- Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất; khẩn trương hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai; xây dựng hệ thống thông tin thị trường bất động sản gắn với thông tin đất đai.

- Thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất, mặt bằng để sẵn sàng thu hút các dự án đầu tư phát triển. Tăng cường kiểm tra, giám sát; kịp thời phát hiện, kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ, có sai phạm, gây lãng phí đất đai theo quy định của pháp luật.

- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phù hợp, hiệu quả đối với địa phương; đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tiếp tục hoàn thiện, nâng cao năng lực các tổ chức dịch vụ công trong lĩnh vực đất đai.

5. Nhóm giải pháp về khoa học và công nghệ

- Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về vai trò, vị trí của khoa học và công nghệ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

- Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu - ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh. Hỗ trợ tạo lập, quản lý và phát triển quyền sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.

- Đưa khoa học - công nghệ gắn liền với sản xuất, kinh doanh sản phẩm chủ lực để nâng cao năng suất, chất lượng, đạt các tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap để hướng tới mục tiêu xuất khẩu và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

6. Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách liên kết phát triển

- Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10 tháng 02 năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

- Nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách trên các lĩnh vực để thu hút các nguồn lực cho phát triển như: cơ chế, chính sách phát triển vùng động lực, chính sách thu hút các nhà đầu tư lớn, chính sách phát triển các ngành sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường, chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

- Thường xuyên rà soát các thủ tục hành chính, xây dựng phát triển chính quyền điện tử; nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh. Nâng cao trách nhiệm, tính chuyên nghiệp, năng động, sáng tạo trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức.

- Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình hợp tác với các địa phương đã ký kết, đồng thời mở rộng hợp tác với các địa phương khác.

7. Nhóm giải pháp về quản lý, kiểm soát phát triển đô thị, nông thôn

- Nghiên cứu các mô hình và thực tiễn quản lý phát triển nông thôn và đô thị toàn cầu để nâng cao năng lực quản lý và thực thi của chính quyền; ứng dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến trong quản lý phát triển đô thị và nông thôn nhằm đảm bảo sự phát triển hiện đại, văn minh và thân thiện với môi trường. Xây dựng và thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách để phát triển các đô thị trung tâm vùng trở thành các đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị.

- Quản lý giám sát chặt chẽ đảm bảo việc xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật, kết nối mạng lưới hạ tầng chung của địa phương và các vùng phụ cận. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án, chương trình quốc gia về phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh; cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và nâng cấp đô thị; xây dựng và phát triển các đô thị thông minh.

8. Thực hiện tốt công tác đảm bảo quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội

Tiếp tục thực hiện tốt các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, các Nghị quyết, Chỉ thị, Kế hoạch, Chương trình hành động của tỉnh về công tác nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương; bảo vệ an ninh trật tự, xây dựng lực lượng Công an Nhân dân.

9. Tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch

- Tổ chức công bố công khai quy hoạch theo quy định.

- Tổ chức xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch theo Điều 45 Luật Quy hoạch; bố trí nguồn lực thực hiện quy hoạch tỉnh.

- Lập các kế hoạch 5 năm, hằng năm, các chương trình phát triển trọng điểm, các dự án cụ thể để triển khai thực hiện Quy hoạch.

- Thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung và xây dựng mới các quy hoạch khác theo quy định.

- Định kỳ 5 năm tổ chức rà soát, đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch, bổ sung và điều chỉnh lại mục tiêu cho phù hợp với tình hình thực tế.

XII. BẢN ĐỒ QUY HOẠCH

Chi tiết danh mục bản đồ Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

(Chi tiết tại Phụ lục XIV kèm theo)

Điều 2.

1. Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phê duyệt tại Quyết định này là căn cứ để triển khai lập các quy hoạch đô thị và nông thôn, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên theo quy định của pháp luật có liên quan.

2. Việc chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư và triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn, bao gồm cả các dự án chưa được xác định trong các phương án phát triển ngành, lĩnh vực, phương án phát triển các khu chức năng, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và danh mục ưu tiên đầu tư ban hành kèm theo Quyết định này phải phù hợp với các nội dung quy định tại Điều 1 Quyết định này và phù hợp với các quy hoạch khác có liên quan (nếu có), bảo đảm thực hiện đầy đủ, đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền và các quy định pháp luật hiện hành có liên quan; đồng thời, người quyết định chủ trương đầu tư phải chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về quyết định của mình.

Trong quá trình triển khai các dự án cụ thể, cơ quan có thẩm quyền chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về việc xác định vị trí, diện tích, quy mô, công suất, phân kỳ đầu tư dự án bảo đảm phù hợp với tiến độ, điều kiện thực tiễn, yêu cầu phát triển của tỉnh trong từng giai đoạn và theo đúng các quy định pháp luật hiện hành có liên quan.

3. Đối với các dự án quy hoạch đầu tư sau năm 2030, trường hợp có nhu cầu đầu tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và huy động, bố trí được đầy đủ các nguồn lực thực hiện, cơ quan được giao chủ trì thực hiện dự án báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, chấp thuận cho đầu tư sớm hơn.

Điều 3.

1. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên

a) Tổ chức công bố, công khai Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định của pháp luật về quy hoạch.

b) Xây dựng, trình ban hành Kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh gắn với chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; tổ chức đánh giá thực hiện Quy hoạch tỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14.

c) Nghiên cứu xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển và theo quy định của pháp luật để huy động các nguồn lực thực hiện Quy hoạch.

d) Tiếp tục thực hiện các yêu cầu, nội dung bảo vệ môi trường khi triển khai các dự án thực hiện Quy hoạch, bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, góp phần phát triển bền vững; tổ chức quan trắc, giám sát, quản lý môi trường; lưu giữ cơ sở dữ liệu, chia sẻ thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường phục vụ quá trình chuyển đổi số trong quá trình thực hiện Quy hoạch.

đ) Sau khi các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt, tổ chức rà soát Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nếu có nội dung mâu thuẫn so với quy hoạch cấp cao hơn thì khẩn trương có giải pháp xử lý để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho các tổ chức, cá nhân có liên quan; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tỉnh theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Quốc hội.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và các cơ quan thanh tra, kiểm tra về tính chính xác của các nội dung, thông tin, số liệu, tài liệu, hệ thống bản đồ, cơ sở dữ liệu trong hồ sơ Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; phụ lục các phương án phát triển ngành, lĩnh vực, phương án phát triển các khu chức năng, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và danh mục dự án ưu tiên đầu tư trong thời kỳ quy hoạch được ban hành kèm theo Quyết định này.

Điều 4. Các Bộ, ngành liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên trong quá trình thực hiện Quy hoạch; trường hợp cần thiết, phối hợp với tỉnh nghiên cứu, xây dựng hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành một số cơ chế, chính sách phù hợp nhằm huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thực hiện Quy hoạch.

Điều 5. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 6. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, QHĐP (3).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Trần Hồng Hà

PHỤ LỤC I

PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN KHU CÔNG NGHIỆP TỈNH THÁI NGUYÊN THỜI KỲ 2021 - 2030
(Kèm theo Quyết định số 222/QĐ-TTg ngày 14 tháng 3 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

TT

Tên khu công nghiệp (KCN)

Địa điểm

Diện tích khoảng (ha)

Tổng cộng:

4.245

I

Các KCN đã thành lập

1.470,98

1

KCN Sông Công I

Thành phố Sông Công

196,88

Trong đó: Mở rộng 1,88ha

2

KCN Điềm Thụy

Huyện Phú Bình và Thành phố Phổ Yên

361,1

Trong đó: Mở rộng thêm 11,1ha

3

KCN Nam Phổ Yên

Thành phố Phổ Yên

263

Trong đó: Mở rộng thêm 143ha

4

KCN Yên Bình

Thành phố Phổ Yên

400

5

KCN Sông Công II

Thành phố Sông Công

250

II

Các KCN có trong quy hoạch

1.175

1

KCN Sông Công II giai đoạn 2

Thành phố Sông Công

300

2

Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Phú Bình (tổng diện tích 900ha, trong đó đất KCN là 675ha)

Huyện Phú Bình

675

3

Khu CNTT tập trung Yên Bình

Thành phố Phổ Yên và huyện Phú Bình

200

III

KCN quy hoạch mới

1.599

1

KCN Yên Bình 2

Thành phố Phổ Yên và Phú Bình

301

2

KCN Yên Bình 3

Huyện Phú Bình

300

3

KCN Thượng Đình

Huyện Phú Bình

130

4

Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Tây Phổ Yên (Quy hoạch toàn khu là 1.128ha, trong đó có 868ha đất KCN, 260ha đất đô thị - dịch vụ)

Thành phố Phổ Yên

868

Ghi chú: Quy mô và phạm vi ranh giới các khu công nghiệp sẽ được xác định chính xác trong quá trình lập quy hoạch xây dựng và lập dự án đầu tư.

PHỤ LỤC II

PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN CỤM CÔNG NGHIỆP TỈNH THÁI NGUYÊN THỜI KỲ 2021 - 2030
(Kèm theo Quyết định số 222/QĐ-TTg ngày 14 tháng 3 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

TT

Tên cụm công nghiệp

Địa điểm

Diện tích dự kiến (ha)

I

Các cụm công nghiệp có trong quy hoạch thời kỳ trước đã thành lập

839,12

1

Cụm công nghiệp Sơn Cẩm 1

Thành phố Thái Nguyên

70,53

2

Cụm công nghiệp Sơn Cẩm 2

Thành phố Thái Nguyên

75

3

Cụm công nghiệp Sơn Cẩm 3

Thành phố Thái Nguyên

28,63

4

Cụm công nghiệp Nguyên Gon

Thành phố Sông Công

14,85

5

Cụm công nghiệp Bá Xuyên

Thành phố Sông Công

48,53

6

Cụm công nghiệp Lương Sơn

Thành phố Sông Công

75

7

Cụm công nghiệp Tân Phú 1

Thành phố Phổ Yên

74,5

8

Cụm công nghiệp Tân Phú 2

Thành phố Phổ Yên

56,5

9

Cụm công nghiệp Bảo Lý - Xuân Phương

Huyện Phú Bình

75

10

Cụm công nghiệp Hạnh Phúc - Xuân Phương

Huyện Phú Bình

73,88

11

Cụm công nghiệp Kim Sơn

Huyện Định Hoá

20

12

Cụm công nghiệp Tân Dương

Huyện Định Hoá

30

13

Cụm công nghiệp Hà Thượng

Huyện Đại Từ

59,4

14

Cụm công nghiệp Phú Lạc 2

Huyện Đại Từ

16,8

15

Cụm công nghiệp Cây Bòng

Huyện Võ Nhai

15,2

16

Cụm công nghiệp Trúc Mai

Huyện Võ Nhai

50

17

Cụm công nghiệp Quang Sơn 1

Huyện Đồng Hỷ

15,3

18

Cụm công nghiệp Yên Lạc

Huyện Phú Lương

40

II

Cụm công nghiệp đã có trong quy hoạch thời kỳ trước chưa được thành lập

500,67

1

Cụm công nghiệp Cao Ngạn 1

Thành phố Thái Nguyên

30

2

Cụm công nghiệp Minh Đức 1

Thành phố Phổ Yên

75

3

Cụm công nghiệp Khuynh Thạch

Thành phố Sông Công

19,27

4

Cụm công nghiệp số 3 Cảng Đa Phúc

Thành phố Phổ Yên

38,5

5

Cụm công nghiệp Tân Đức

Huyện Phú Bình

74,5

6

Cụm công nghiệp Điềm Thụy

Huyện Phú Bình

64

7

Cụm công nghiệp An Khánh 1

Huyện Đại Từ

50,0

8

Cụm công nghiệp Nam Hoà

Huyện Đồng Hỷ

35,5

9

Cụm công nghiệp Yên Ninh

Huyện Phú Lương

28

10

Cụm công nghiệp Kha Sơn

Huyện Phú Bình

11,4

11

Cụm công nghiệp Lương Phú - Tân Đức

Huyện Phú Bình

74,5

III

Cụm công nghiệp quy hoạch mới

727,28

1

Cụm công nghiệp Tích Lương

Thành phố Thái Nguyên

72

2

Cụm công nghiệp Đức Hoà

Thành phố Thái Nguyên

70

3

Cụm công nghiệp Hoà Bắc

Thành phố Thái Nguyên

75

4

Cụm công nghiệp Lương Sơn 2

Thành phố Sông Công

75

5

Cụm công nghiệp Hà Châu 1

Huyện Phú Bình

74,68

6

Cụm công nghiệp Hà Châu 2

Huyện Phú Bình

72

7

Cụm công nghiệp Cầu Bình

Huyện Phú Lương

35,6

8

Cụm công nghiệp Bá Sơn

Huyện Phú Lương

50,0

9

Cụm công nghiệp Cổ Lũng

Huyện Phú Lương

55

10

Cụm công nghiệp Quân Chu

Huyện Đại Từ

50

11

Cụm công nghiệp Cát Nê-Ký Phú

Huyện Đại Từ

68

12

Cụm công nghiệp Minh Tiến

Huyện Đồng Hỷ

30

Ghi chú: Tên, vị trí, quy mô và phạm vi ranh giới các cụm công nghiệp sẽ được xác định chính xác trong quá trình lập quy hoạch xây dựng và lập dự án đầu tư.

PHỤ LỤC III

PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN SÂN GÔN TỈNH THÁI NGUYÊN THỜI KỲ 2021 - 2030
(Kèm theo Quyết định số 222/QĐ-TTg ngày 14 tháng 3 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

TT

Tên dự án

Địa điểm

1

Sân gôn tại Khu vực hồ Suối Lạnh

Thành phố Phổ Yên

2

Khu thể thao sân gôn Tân Thái

Huyện Đại Từ

3

Sân gôn Hồ Núi Cốc

Thành phố Thái Nguyên

4

Khu thể thao sân gôn tại thị trấn Quân Chu và xã Cát Nê, huyện Đại Từ

Huyện Đại Từ

5

Sân gôn và học viện gôn Phú Bình

Huyện Phú Bình

6

Khu tổ hợp văn hóa thể dục thể dục thể thao sân gôn Quân Chu

Huyện Đại Từ

7

Sân gôn tại Khu đô thị sinh thái thể thao phường Châu Sơn

Thành phố Sông Công

8

Sân gôn tại Khu đô thị sinh thái thể thao hồ Ghềnh Chè

Thành phố Sông Công

9

Sân gôn tại Khu Tổ hợp thể thao và du lịch nghỉ dưỡng Thái Nguyên

Thành phố Thái Nguyên

10

Sân gôn tại Khu đô thị, văn hóa thể thao Nam Núi Cốc, thành phố Thái Nguyên

Thành phố Thái Nguyên

11

Sân gôn tại Khu đô thị, văn hóa thể thao Nam Núi Cốc, thành phố Phổ Yên

Thành phố Phổ Yên

12

Sân gôn tại Khu đô thị sinh thái - thể thao Vạn Phái

Thành phố Phổ Yên

13

Sân gôn tại Khu Bảo tồn giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc kết hợp du lịch văn hóa thể thao, huyện Đồng Hỷ

Huyện Đồng Hỷ

Ghi chú: Tên, vị trí, quy mô và phạm vi ranh giới các sân gôn sẽ được xác định chính xác trong quá trình lập quy hoạch xây dựng và lập dự án đầu tư.

PHỤ LỤC IV

PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI GIAO THÔNG TỈNH THÁI NGUYÊN THỜI KỲ 2021 - 2030
(Kèm theo Quyết định số 222/QĐ-TTg ngày 14 tháng 3 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

TT

Tên đường

Điểm đầu (địa phận tỉnh Thái Nguyên)

Điểm cuối (địa phận tỉnh Thái Nguyên)

Quy mô quy hoạch (cấp/làn xe)

A

CAO TỐC

I

Các tuyến hiện có

1

Cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn (CT.07)

1.1

Đoạn Hà Nội - Thái Nguyên

Thành phố Phổ Yên (ranh giới Hà Nội - Thái Nguyên)

Phường Tân Long, Thành phố Thái Nguyên

6

1.2

Đoạn Thái Nguyên đi Chợ Mới (Bắc Kạn)

Phường Tân Long, Thành phố Thái Nguyên

Ranh giới Thái Nguyên - Bắc Kạn

4

II

Các tuyến quy hoạch mới

1

Vành đai 5 (CT.39)

Ranh giới Bắc Giang - Thái Nguyên

Ranh giới Thái Nguyên - Vĩnh Phúc

6

B

QUỐC LỘ

Các tuyến hiện có

1

Quốc lộ 3 (QL.3)

Ranh giới Hà Nội - Thái Nguyên

Ranh giới Thái Nguyên - Bắc Kạn

III-IV, 2- 4 làn xe

2

Quốc lộ 1B (QL.1B)

Ranh giới Lạng Sơn - Thái Nguyên

Phường Tân Long, thành phố Thái Nguyên

III-IV, 2- 4 làn xe

3

Quốc lộ 37 (QL.37)

III-IV, 2- 4 làn xe

3.1

Đoạn Cầu Ca - TP Thái Nguyên (đoạn Km96-Km119+800)

Ranh giới Bắc Giang - Thái Nguyên

Giao QL.3, phường Tích Lương, thành phố Thái Nguyên

3.2

Đoạn Bờ Đậu - Đèo Khế (đoạn Km139-Km172+800)

Ngã ba Bờ Đậu, xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương

Ranh giới Thái Nguyên - Tuyên Quang

4

Đường Hồ Chí Minh (HCM)

Ranh giới Bắc Kạn - Thái Nguyên

Ranh giới Thái Nguyên - Tuyên Quang

II-III, 2- 4 làn xe

5

Quốc lộ 3C (QL.3C)

Ngã ba 31, xã Yên Đổ, huyện Phú Lương

Ranh giới Thái Nguyên - Bắc Kạn

IV, 2 làn xe

6

Quốc lộ 17 (QL.17)

Ranh giới Bắc Giang - Thái Nguyên

Giao QL.1B, thành phố Thái Nguyên

IV, 2 làn xe

C

ĐƯỜNG TỈNH

I

Các tuyến hiện có

1

Đường tỉnh 261 (ĐT.261)

Thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ

Xã Điềm Thụy, huyện Phú Bình

III-MN, 2 làn xe

2

Đường tỉnh 261C (ĐT.261C)

Xã Kha Sơn, huyện Phú Bình

Xã Dương Thành, huyện Phú Bình

III-MN, 2 làn xe

3

Đường tỉnh 261D (ĐT.261D)

Thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình

Xã Dương Thành, huyện Phú Bình

III-MN, 2 làn xe

4

Đường tỉnh 261E (ĐT.261E)

Thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình

Xã Tân Đức, huyện Phú Bình

III-MN, 2 làn xe

5

Đường tỉnh 262 (ĐT.262)

Ngã ba Dốc Lim, thành phố Thái Nguyên

Phường Châu Sơn, thành phố Sông Công

III-MN, 2 làn xe

6

Đường tỉnh 263 (ĐT.263)

Thị trấn Đu, huyện Phú Lương

Xã Phú Thịnh, huyện Đại Từ

III-MN, 2 làn xe

7

Đường tỉnh 263B (ĐT.263B)

Thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ

Xã Ký Phú, huyện Đại Từ

III-MN, 2 làn xe

8

Đường tỉnh 263C (ĐT.263C)

Xã Hà Thượng, huyện Đại Từ

Xã Phú Lạc, huyện Đại Từ

III-MN, 2 làn xe

9

Đường tỉnh 264 (ĐT.264)

Xã Phú Xuyên, huyện Đại Từ

Xã Trung Hội, huyện Định Hoá

III-MN, 2 làn xe

10

Đường tỉnh 264B (ĐT.264B)

Xã Bình Yên, huyện Định Hoá

Xã Phú Đình, huyện Định Hoá

III-MN, 2 làn xe

11

Đường tỉnh 265 (ĐT.265)

Thị trấn Đình Cả, huyện Võ Nhai

Xã Bình Long, huyện Võ Nhai

III-MN, 2 làn xe

12

Đường tỉnh 266 (ĐT.266)

Thành phố Sông Công

Xã Hà Châu, huyện Phú Bình

III-MN, 2 làn xe

13

Đường tỉnh 267 (ĐT.267)

Dốc Lim, thành phố Thái Nguyên

Xã Phúc Trìu, thành phố Thái Nguyên

III-MN, 2 làn xe

14

Đường tỉnh 269B (ĐT.269B)

Thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình

Xã Hợp Tiến, huyện Đồng Hỷ

III-MN, 2 làn xe

15

Đường tỉnh 269C (ĐT.269C)

Cầu Mây, huyện Phú Bình

Thị trấn Trại Cau, huyện Đồng Hỷ

III-MN, 2 làn xe

16

Đường tỉnh 269D (ĐT.269D)

Xã Khe Mo, huyện Đồng Hỷ

Xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai

III-MN, 2 làn xe

17

Đường tỉnh 269E (ĐT.269E)

Xã Bảo Lý, huyện Phú Bình

Xã Đồng Liên, thành phố Thái Nguyên

III-MN, 2 làn xe

18

Đường tỉnh 270 (ĐT.270)

Ngã ba Đán, thành phố Thái Nguyên

Thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ

III-MN, 2 làn xe

19

Đường tỉnh 271 (ĐT.271)

Xã La Hiên, huyện Võ Nhai

Xã Sảng Mộc, huyện Võ Nhai

III-MN, 2 làn xe

20

Đường tỉnh 274 (ĐT.274)

Phường Đắc Sơn, thành phố Phổ Yên

Đèo Nhe, giáp ranh tỉnh Vĩnh Phúc

III-MN, 2 làn xe

II

Các tuyến quy hoạch mới

1

Tuyến Ba Hàng - Tiên Phong - Đê Sông Cầu (Thù Lâm): Đặt tên ĐT.261B

Phường Ba Hàng, thành phố Phổ Yên

Phường Tiên Phong, thành phố Phổ Yên

III-MN, 2 làn xe

2

Tuyến Cù Vân - An Khánh - Phúc Hà: Đặt tên ĐT.270B

Xã Cù Vân, huyện Đại Từ

Xã Quyết Thắng, thành phố Thái Nguyên

IV-MN, đô thị, 2 làn xe

3

Tuyến Quang Sơn - Phú Đô - Núi Phấn: Đặt tên ĐT.272

Xã Quang Sơn, huyện Đồng Hỷ

Núi Phấn, xã Phú Đô, huyện Phú Lương

III-MN, 2 làn xe

4

Tuyến Hóa Thượng - Minh Lập - Hòa Bình: Đặt tên ĐT.273

Xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ

Xã Hòa Bình, huyện Đồng Hỷ

III-MN, 2 làn xe

5

Đường Yên Ninh - Yên Trạch - Phú Tiến - Ôn Lương: Đặt tên ĐT.263D

Xã Yên Ninh, huyện Phú Lương

Xã Ôn Lương, huyện Phú Lương

III-MN, 2 làn xe

6

Đường Bình Long đi xã Đồng Tiến, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang: Đặt tên ĐT.265B

Xã Bình Long, huyện Võ Nhai

Xã Bình Long, huyện Võ Nhai

III-MN, 2 làn xe

7

Đường Cầu Mây - Tân Kim - Tân Thành: Đặt tên ĐT.266B

Cầu Mây, huyện Phú Bình

Xã Tân Thành, huyện Phú Bình

III-MN, 2 làn xe

8

Đường Hương Sơn - Trại Cau: ĐT.269F

Phường Hương Sơn, thành phố Thái Nguyên

Thị trấn Trại Cau, huyện Đồng Hỷ

III, 2 làn xe

9

Đường Bản Ngoại - La Bằng: ĐT.264C

Xã Bản Ngoại, huyện Đại Từ

Xã La Bằng, huyện Đại Từ

IV-MN, 2 làn xe

10

Đường TT Hùng Sơn - Tiên Hội - Hoàng Nông: Đặt tên ĐT.263E

Thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ

Xã Hoàng Nông, huyện Đại Từ

IV-MN, 2 làn xe

11

Đường nối Liên kết vùng - TT Quân Chu - Tây Trúc: Đặt tên ĐT.261F

Xã Cát Nê, huyện Đại Từ

Thị trấn Quân Chu, huyện Đại Từ

IV-MN, 2 làn xe

12

Đường nối ĐT.270 - ĐT.261 - ĐT.263B - Khôi Kỳ - La Bằng - Yên Lãng - QL.37: Đặt tên ĐT.270C

Giao ĐT.270, huyện Đại Từ

Xã Yên Lãng, huyện Đại Từ

IV-MN, 2 làn xe

13

Đường nối từ ĐT.270C - QL.37 - ĐT.264 - ĐT.263: Đặt tên ĐT.270E

Xã Yên Lãng, huyện Đại Từ

Xã Đức Lương, huyện Đại Từ

IV-MN, 2 làn xe

14

Đường nối ĐT.270C đến xã Lương Thiện, Tuyên Quang: Đặt tên ĐT.270D

Xã Yên Lãng, huyện Đại Từ

Xã Yên Lãng, huyện Đại Từ

IV-MN, 2 làn xe

15

Đường Tràng Xá - Phương Giao: Đặt tên ĐT.265C

Xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai

Xã Phương Giao, huyện Võ Nhai

IV-MN, 2 làn xe

D

QUY HOẠCH CÁC TUYẾN TRỌNG ĐIỂM

1

Tuyến liên kết các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc

Nút giao Yên Bình, thành phố Phổ Yên

Giao QL.37, xã Phú Xuyên, huyện Đại Từ

II, đô thị, 4 làn xe

2

Đường Hương Sơn - Thượng Đình - Bảo Lý - Xuân Phương - Kha Sơn

Phường Hương Sơn, thành phố Thái Nguyên

Xã Kha Sơn, huyện Phú Bình

II, Đô thị, 4 làn xe

3

Đường tránh đô thị Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ

Xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ

Xã Khe Mo, huyện Đồng Hỷ

Đô thị, 4 làn xe

4

Đường Hồ Núi Cốc

Xã Tân Thái, huyện Đại Từ

Trùng điểm đầu

III, Đô thị, 2 làn xe

5

Đường tránh phía Bắc Thị trấn Hùng Sơn

Thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ

QL.37, xã Bản Ngoại, huyện Đại Từ

IV-MN, 2 làn xe

6

Đường kết nối tỉnh Thái Nguyên - Tuyên Quang

Xã Phú Thịnh, huyện Đại Từ

Huyện Đại Từ

II, 4 làn xe

Đ

QUY HOẠCH CÁC TUYẾN TRỤC DỌC

1

Trục dọc phía Tây D1 (tuyến đi theo QL.3C - ngã 3 Quán Vuông - ĐT.264 - QL.37 - Tuyến liên kết Vùng - nút giao Yên Bình)

Đèo So, huyện Định Hoá

Nút giao Yên Bình, thành phố Phổ Yên

IV-MN, 2 làn xe

2

Trục dọc trung tâm D2 (trùng với CT.07)

Phường Thuận Thành, thành phố Phổ Yên

Xã Yên Lạc, huyện Phú Lương

Theo CT07, 4 - 6 làn xe

3

Trục dọc phía Đông D3 (Sảng Mộc - Vũ Chấn - Đình Cả - ĐT.265)

Xã Sảng Mộc, huyện Võ Nhai

Xã Bình Long, huyện Võ Nhai

IV-MN, 2 làn xe

E

QUY HOẠCH CÁC TUYẾN TRỤC NGANG

1

Trục ngang N1 (trùng đường HCM)

Xã Yên Ninh, huyện Phú Lương

Đèo Muồng, huyện Định Hoá

II-III, 2- 4 làn xe

2

Trục ngang N2 (QL1B - Minh Lập - Phú Đô - QL.3 - ĐT.263 - Phúc Lương - Minh Tiến - ĐT.264 - Bình Thành - Phú Đình - ĐT.264B)

Huyện Võ Nhai

ĐT.264B, xã Phú Đình, huyện Định Hóa

III-MN, 2 làn xe

3

Trục ngang N3 (đi theo QL.17 đến cầu Linh Nham - Hóa Thượng - CT.07 - ngã ba Bờ Đậu - QL.37)

Xã Hợp Tiến, huyện Đồng Hỷ

Xã Yên Lãng, huyện Đại Từ

IV, 2 làn xe

4

Trục ngang N4 (Trại Cau - Tân Lợi - Bàn Đạt - Tân Thành - vành đai 5 Vùng Thủ đô Hà Nội)

4.1

Đoạn tuyến Trại Cau - Tân Thành

Thị trấn Trại Cau, huyện Đồng Hỷ

Phường Tân Thành, thành phố Thái Nguyên

III, 2 làn xe

4.2

Đoạn tuyến Vành đai 5

Phường Tân Thành, thành phố Thái Nguyên

Đèo Nhe, giáp ranh tỉnh Vĩnh Phúc

Theo CT39, 6 làn xe

G

QUY HOẠCH CÁC TUYẾN VÀNH ĐAI

1

Vành đai 1

Bờ Đậu, xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương

Trùng điểm đầu

III-MN, 2 làn xe

2

Vành đai 2

Xã Yên Đổ, huyện Phú Lương

Trùng điểm đầu

III-MN, 2 làn xe

PHỤ LỤC V

PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI CẤP ĐIỆN TỈNH THÁI NGUYÊN THỜI KỲ 2021 - 2030
(Kèm theo Quyết định số 222/QĐ-TTg ngày 14 tháng 3 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

A. PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN NGUỒN ĐIỆN

TT

Hạng mục

Quy mô, công suất (MW)

Hiện trạng

Dự kiến quy mô

1

Nhiệt điện

-

Nhà máy nhiệt điện Cao Ngạn

115

115

-

Nhà máy nhiệt điện An Khánh

120

120

2

Thủy điện

-

Nhà máy thủy điện Hồ Núi Cốc

1,89

1,89

3

Điện rác

30

4

Điện sinh khối

20

5

Điện mặt trời

220

6

Điện gió

100

B. PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN TRẠM ĐIỆN

TT

Tên trạm

Máy

Hiện trạng

Quy hoạch

Điện áp (kV)

Quy mô (MVA)

Điện áp (kV)

Quy mô (MVA)

I

Trạm 500kV

*

Xây dựng mới

1

Trạm 500kV Thái Nguyên

AT1

500/220

900

AT2

500/220

900

II

Trạm 220kV

*

Xây dựng mới

1

Trạm 220kV Phú Bình 2

AT1

220/110

250

AT2

220/110

250

AT3

220/110

250

2

Trạm 220kV Đại Từ

AT1

220/110

250

3

Trạm 220kV Sông Công

AT1

220/110

250

Mở rộng, nâng công suất

1

Trạm 220kV Lưu Xá

AT2

220/110

250

III

Trạm 110kV

*

Xây dựng mới

1

Núi Cốc

T1

110/35/22

40

T2

110/35/22

40

2

Gia Sàng

T1

110/35/22

63

T2

110/35/22

63

3

Yên Bình 4

T1

110/35/22

63

T2

110/35/22

63

T3

110/35/22

63

4

Yên Bình 5

T1

110/35/22

63

T2

110/35/22

63

T3

110/35/22

63

5

Yên Bình 6

T1

110/35/22

63

6

Yên Bình 7

T1

110/35/22

63

T2

110/35/22

63

7

Yên Bình 8

T1

110/35/22

63

T2

110/35/22

63

T3

110/35/22

63

8

Phú Bình 2

T1

110/35/22

63

T2

110/35/22

63

T3

110/35/22

63

9

Phú Bình 3

T1

110/35/22

63

T2

110/35/22

63

T3

110/35/22

63

10

Phú Bình 4

T1

110/35/22

63

T2

110/35/22

63

11

Đa Phúc

T1

110/35/22

63

T2

110/35/22

63

12

Minh Đức

T1

110/35/22

63

T2

110/35/22

63

13

Võ Nhai

T1

110/35/22

40

T2

110/35/22

40

14

Trại Cau

T1

110/35/22

63

T2

110/35/22

63

15

Phú Lương 2

T1

110/35/22

40

T2

110/35/22

40

16

Định Hóa

T1

110/35/22

40

T2

110/35/22

40

17

Quyết Thắng

T1

110/35/22

40

18

Hương Sơn

T1

110/35/22

63

T2

110/35/22

63

19

Phố Cò

T1

110/35/22

63

T2

110/35/22

63

20

Gang Thép 2

T1

110/35/22

63

T2

110/35/22

63

T3

110/35/22

63

21

Sông Công 3

T1

110/35/22

63

T2

110/35/22

63

T3

110/35/22

63

22

Sông Công 4

T1

110/35/22

63

T2

110/35/22

63

T3

110/35/22

63

23

Sông Công 5

T1

110/35/22

63

T2

110/35/22

63

T3

110/35/22

63

24

Đại Từ 2

T1

110/35/22

40

25

Thịnh Đức

T1

110/35/22

63

T2

110/35/22

63

26

Cao Ngạn

T1

110/35/22

63

T2

110/35/22

63

*

Mở rộng, nâng công suất

1

Thịnh Đán

T1

110/35/22

40

110/35/22

63

2

Sông Công 2

T2

110/35/22

63

3

Phú Bình

T3

110/35/22

40

110/35/22

63

4

Đại Từ

T2

110/35/22

40

5

Lưu Xá

T1

110/35/22

40

110/35/22

63

T2

110/35/22

40

110/35/22

63

T3

110/35/22

63

C. PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN ĐƯỜNG DÂY

TT

Tên đường dây

Cấp điện áp (kV)

Tiết diện (mm2)

Số mạch

Chiều dài dự kiến (km)

Hiện tại

Xây dựng mới hoặc sau cải tạo

I

Đường dây 500 kV

*

Xây dựng mới

1

Hiệp Hòa - Thái Nguyên

500

2

35

2

Thái Nguyên - Yên Thế

500

2

45

II

Đường dây 220 kV

*

Xây dựng mới

1

500 kV Thái Nguyên - Rẽ Malungtang (Trung Quốc) - Thái Nguyên

220

2

20

2

500 kV Thái Nguyên - Rẽ Tuyên Quang (TBA) - Phú Bình

220

2

20

3

500 kV Thái Nguyên - Rẽ Lưu Xá - Phú Bình

220

2

15

4

500 kV Hiệp Hòa - Phú Bình 2

220

2

14

5

Phú Bình 2 - rẽ Thái Nguyên - Bắc Giang

220

2

13

6

Sông Công - Rẽ Tuyên Quang - Phú Bình

220

2

2

7

Đại Từ - Rẽ Hà Giang - Thái Nguyên

220

2

2

8

500 kV Thái Nguyên - Phú Bình

220

1

26

*

Cải tạo, nâng tiết diện, khả năng tải (KNT)

1

Nâng KNT Hiệp Hòa - Phú Bình

220

1

10

2

Nâng KNT Thái Nguyên - Lưu Xá - Phú Bình

220

1

30

3

Nâng KNT Hà Giang - Thái Nguyên

220

1

51

III

Đường dây 110 kV

*

Xây dựng mới

1

Trạm 220kV Phú Bình - Trạm 220kV Phú Bình 2

110

400

2

13,5

2

Trạm 220kV Sông Công - rẽ Lưu Xá - VT 67

110

400

2

1

3

Trạm 220kV Sông Công - rẽ trạm 110 kV Sông Công 2 - Gò Đầm

110

400

2

1

4

Trạm 220kV Sông Công - VT 67

110

400

2

2,5

5

Yên Bình 1 - VT 67

110

400

1

6,8

6

Trạm 220kV Phú Bình 2 - rẽ Trạm 220kV Sông Công - Yên Bình 1

110

400

2

16,5

7

Trạm 220kV Phú Bình 2 - rẽ Trạm 110kV Phú Bình - Yên Bình 3

110

400

2

8,5

8

Nhánh rẽ (NR) trạm Núi Cốc

110

400

2

16,5

9

NR trạm Gia Sàng

110

400

2

4,5

10

NR trạm Yên Bình 4

110

400

2

3

11

NR trạm Yên Bình 5

110

400

2

2,5

12

NR trạm Yên Bình 8

110

400

2

0,9

13

NR trạm Phú Bình 2

110

400

2

6,8

14

NR Phú Bình 3

110

400

2

4,5

15

NR Đa Phúc

110

400

2

1

16

NR Minh Đức

110

400

2

10,2

17

NR Võ Nhai

110

300

1

18

18

NR Trại Cau

110

400

2

14,5

19

NR Phú Lương 2

110

240

2

2,5

20

NR Định Hóa

110

400

2

11

21

NR Quyết Thắng

110

400

2

5

22

NR Hương Sơn

110

400

2

12

23

NR Phố Cò

110

400

2

1

24

NR Gang Thép 2

110

400

2

9,5

25

NR Sông Công 3

110

400

2

1,5

26

Trạm 220kV Sông Công - rẽ trạm 220kV Lưu Xá - trạm 110kV Sông Công 5

110

400

4

2

27

NR Sông Công 5

110

400

2

12

28

Đại Từ (220) - Đại Từ

110

300

2

1

29

Đại Từ (220) - rẽ Núi Pháo - Tuyên Quang

110

300

2

1

30

NR Yên Bình 6

110

400

2

2,5

31

NR Yên Bình 7

110

400

4

0,5

32

NR Sông Công 4

110

400

2

1,5

33

NR Phú Bình 4

110

400

2

2,5

34

NR Đại Từ 2

110

300

2

10,5

35

NR Thịnh Đức

110

400

2

1,5

36

NR Cao Ngạn

110

400

2

1

37

Võ Nhai - Bình Gia

110

300

1

35

38

Trạm 220kV Phú Bình 2 - Yên Bình 8

110

400

1

10,2

39

Phú Bình 2 - Trại Cau

110

400

1

15

*

Cải tạo, nâng tiết diện

1

ĐZ 110kV Tuyên Quang - Thái Nguyên

110

185

240

1

66,8

2

NR trạm 110kV Thịnh Đán

110

185

400

2

0,96

3

NR trạm 110kV Gia Sàng

110

185

400

2

0,96

4

ĐZ 110kV Thái Nguyên - Phú Lương - NR Định Hóa

110

185

400

1

83

5

Trạm 220kV Thái Nguyên - XM Quang Sơn

110

185

400

2

17

6

NR trạm Gang Thép

110

185

400

2

4,5

7

NR Lưu Xá

110

185

400

2

1,5

Ghi chú:

- Việc đầu tư các dự án phát triển nguồn điện trên địa bàn căn cứ vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch liên quan được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Việc đầu tư xây dựng các trạm biến áp và tuyến đường dây 500kV và 220kV phải căn cứ vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch liên quan được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

PHỤ LỤC VI

PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI VIỄN THÔNG TỈNH THÁI NGUYÊN THỜI KỲ 2021 - 2030
(Kèm theo Quyết định số 222/QĐ-TTg ngày 14 tháng 3 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

TT

Danh mục dự án

Địa điểm

Nội dung, quy mô đầu tư

1

Xây dựng Chính quyền số

Toàn tỉnh

Thực hiện theo Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15 tháng 6 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030

2

Dự án về chuyển đổi số của tỉnh

Toàn tỉnh

- Nâng cấp hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và hạ tầng phụ trợ đồng bộ với các nền tảng chuyển đổi số trên cơ sở kế thừa các hạ tầng đã có

- Xây dựng kho dữ liệu dùng chung và nền tảng dữ liệu mở tỉnh Thái Nguyên.

- Đầu tư các phần mềm, giải pháp an toàn thông tin.

3

Triển khai chuyển đổi số tại các lĩnh vực ưu tiên

Toàn tỉnh

Các lĩnh vực: Y tế, giáo dục, tài chính, ngân hàng, nông nghiệp, giao thông vận tải, logistics, tài nguyên, môi trường, sản xuất công nghiệp, du lịch

4

Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số xây dựng cơ quan báo chí chủ lực đa phương tiện

Toàn tỉnh

Tại các cơ quan báo chí

5

Số hóa hệ thống truyền thanh cơ sở trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

Toàn tỉnh

Các đơn vị thực hiện nhiệm vụ thông tin cơ sở

PHỤ LỤC VII

PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN CÔNG TRÌNH CẤP NƯỚC SẠCH TỈNH THÁI NGUYÊN THỜI KỲ 2021 - 2030
(Kèm theo Quyết định số 222/QĐ-TTg ngày 14 tháng 3 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

TT

Hạng mục

I

Vùng 1

1

Nhà máy nước Nam Núi Cốc (Voi Phun)

2

Nhà máy nước Bình Thuận

3

Xây dựng nhà máy nước Tân Thái

4

Nâng công suất nhà máy nước Đại Từ

5

Nâng công suất nhà máy nước Tích Lương

6

Nâng công suất nhà máy nước Yên Bình

7

Xây dựng nhà máy nước Yên Bình 2

8

Xây dựng hệ thống đường ống truyền dẫn nước từ Hồ Núi Cốc về TP Thái Nguyên

9

Xây dựng mạng lưới cấp nước thị xã Đại Từ

II

Vùng 2

1

Nâng công suất nhà máy nước Sông Công

2

Xây dựng và mở rộng hệ thống đường ống truyền dẫn

3

Xây dựng nhà máy nước Sông Công 2

4

Xây dựng nhà máy nước Sông Công 3

5

Xây dựng nhà máy nước Phú Bình 1

6

Xây dựng nhà máy nước Phú Bình 2

7

Xây dựng nhà máy nước Phổ Yên

8

Xây dựng mạng lưới cấp nước cho các đô thị và các xã thuộc thị xã Phú Bình

III

Đầu tư sửa chữa nâng cấp xây dựng mới các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn tỉnh

PHỤ LỤC VIII

DANH MỤC ƯU TIÊN CÔNG TRÌNH THỦY LỢI, PHÒNG CHỐNG LŨ TỈNH THÁI NGUYÊN THỜI KỲ 2021 - 2030
(Kèm theo Quyết định số 222/QĐ-TTg ngày 14 tháng 3 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

TT

Hạng mục

Địa điểm xây dựng

I

Công trình tưới

1

Hồ Kẹm

Huyện Đại Từ

2

Hồ Khuôn Tát

Huyện Định Hóa

3

Hồ Đầm Làng

Huyện Đại Từ

4

Hồ Ngàn Me

Huyện Đồng Hỷ

5

Đập tràn sông Công

Thành phố Phổ Yên

6

Sửa chữa nâng cấp đập Đá Gân và Cống 10 cửa

Thành phố Thái Nguyên

7

Gia cố đảm bảo an toàn kênh, đường quản lý dọc bờ kênh và cầu qua kênh trên hệ thống kênh hồ Núi Cốc

Thành phố Phổ Yên, thành phố Sông Công

8

Nâng cấp công trình tưới, tiêu

Các huyện, thành phố

9

Xây mới công trình tưới, tiêu

Các huyện, thành phố

10

Xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ tái cơ cấu vùng sản xuất chè huyện Phú Lương, huyện Đồng Hỷ, thành phố Phổ Yên

Huyện Phú Lương, huyện Đồng Hỷ, thành phố Phổ Yên

11

Hồ Đồng Giã

Huyện Võ Nhai

II

Công trình tiêu

1

Cụm CT tiêu (nâng cấp 4 cống, xây mới 38 cống, 4 trạm bơm)

Các huyện, thành phố

2

Hệ thống kênh tiêu

Các huyện, thành phố

III

Phòng, chống lũ

1

Tràn xả lũ bổ sung hồ Núi Cốc

Thành phố Thái Nguyên

2

Xây dựng hệ thống công trình thoát lũ hạ du hồ Núi Cốc trên sông Công (cầu Đá Mài, kè Sông Công, khơi thông dòng chảy Sông Công)

Thành phố Phổ Yên, thành phố Sông Công, thành phố Thái Nguyên

3

Tràn Thác Huống 2

Thành phố Thái Nguyên

4

Nạo vét lòng sông Cầu đoạn qua thành phố Thái Nguyên

Thành phố Thái Nguyên

5

Mở rộng cầu Gia Bảy

Thành phố Thái Nguyên

6

Củng cố, nâng cấp, xây mới các tuyến đê và công trình trên đê hiện có

Thành phố Thái Nguyên, huyện Phú Bình, thành phố Phổ Yên

PHỤ LỤC IX

PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN CÁC KHU XỬ LÝ CHẤT THẢI TỈNH THÁI NGUYÊN THỜI KỲ 2021 - 2030
(Kèm theo Quyết định số 222/QĐ-TTg ngày 14 tháng 3 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

TT

Tên khu xử lý, địa điểm

I

Thành phố Thái Nguyên

1

Khu liên hợp xử lý chất thải Đá Mài tại xã Tân Cương

2

Khu tái chế, xử lý rác thải vật liệu xây dựng, bùn thải

3

Nhà máy xử lý chất thải tại xã Tân Cương

II

Thành phố Sông Công

1

Khu liên hợp xử lý chất thải rắn tại xã Tân Quang

III

Thành phố Phổ Yên

1

Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt và công nghiệp tại xã Minh Đức

2

Nhà máy xử lý rác thải tại xã Minh Đức

3

Nhà máy xử lý rác thải công nghiệp

4

Nhà máy xử lý chất thải rắn công nghiệp và y tế

5

Dự án nhà máy xử lý rác thải

6

Khu tái chế, xử lý rác thải vật liệu xây dựng, bùn thải

IV

Huyện Đại Từ

1

Khu liên hợp xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại xã Bình Thuận và xã Lục Ba

2

Khu tái chế, xử lý rác thải vật liệu xây dựng, bùn thải

V

Huyện Đồng Hỷ

1

Khu liên hợp xử lý rác xã Hóa Trung

2

Khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt thị trấn Trại Cau

3

Khu xử lý rác thải xã Nam Hòa

4

Bãi xử lý rác thải xã Minh Lập

5

Khu tái chế, xử lý rác thải vật liệu xây dựng, bùn thải

VI

Huyện Phú Lương

1

Bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt Yên Lạc

2

Khu tái chế, xử lý rác thải vật liệu xây dựng, bùn thải

VII

Huyện Định Hóa

1

Khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt thị trấn Chợ Chu

2

Khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt xã Bình Yên

3

Khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt xã Phú Đình

4

Khu xử lý chất thải rắn xã Trung Lương

5

Khu tái chế, xử lý rác thải vật liệu xây dựng, bùn thải

VIII

Huyện Võ Nhai

1

Khu xử lý rác thải sinh hoạt tập trung tại thị trấn Đình Cả

2

Khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại xã Liên Minh

3

Khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại xã Cúc Đường

4

Khu tái chế, xử lý rác thải vật liệu xây dựng, bùn thải tại xã Cúc Đường

5

Khu tái chế, xử lý rác thải vật liệu xây dựng, bùn thải tại xã La Hiên

IX

Huyện Phú Bình

1

Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại thị trấn Hương Sơn

2

Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại xã Tân Khánh

3

Lò đốt rác thải công nghệ cao tại xã Tân Khánh, Bảo Lý

4

Nhà máy xử lý môi trường công nghệ cao tại xã Tân Thành

5

Khu tái chế, xử lý rác thải vật liệu xây dựng, bùn thải tại xã Tân Thành

6

Khu tái chế, xử lý rác thải vật liệu xây dựng, bùn thải tại xã Bảo Lý

Ghi chú: Ngoài ra, đất bãi thải, xử lý rác, lò đốt rác nhỏ, lẻ khác sẽ được bố trí thêm tại các quy hoạch cấp huyện, cấp xã. Quy mô, diện tích đất sử dụng, cơ cấu tổng mức đầu tư của các công trình, dự án số được tính toán, lựa chọn và xác định cụ thể trong từng giai đoạn lập và trình duyệt dự án đầu tư, tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng cân đối, huy động vốn đầu tư của từng thời kỳ.

PHỤ LỤC X

CHỈ TIÊU SỬ DỤNG ĐẤT ĐẾN NĂM 2030 TỈNH THÁI NGUYÊN THỜI KỲ 2021 - 2030
(Kèm theo Quyết định số 222/QĐ-TTg ngày 14 tháng 3 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

Đơn vị tính: ha

TT

Chỉ tiêu sử dụng đất

Năm 2020

Quy hoạch đến năm 2030

Tăng (+)
giảm (-)

Diện tích

Cơ cấu (%)

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

(7)

TỔNG DIỆN TÍCH ĐẤT

352.195,99

352.195,99

100,00

1

Đất nông nghiệp

NNP

302.181,03

283.109,99

80,38

-19.071,04

Trong đó:

1.1

Đất trồng lúa

LUA

42.521,76

34.035,00

9,66

-8.486,76

Trong đó: Đất chuyên trồng lúa nước

LUC

29.078,37

23.539,00

6,68

-5.539,37

1.2

Đất trồng cây lâu năm

CLN

53.556,77

55.215,73

15,68

1.658,97

1.3

Đất rừng phòng hộ

RPH

37.937,50

37.028,00

10,51

-909,50

1.4

Đất rừng đặc dụng

RDD

38.269,29

35.652,00

10,12

-2.617,29

1.5

Đất rừng sản xuất

RSX

110.990,15

99.320,00

28,20

-11.670,15

Trong đó: Đất có rừng sản xuất là rừng tự nhiên

RSN

6.340,96

3.602,00

1,02

-2.738,96

2

Đất phi nông nghiệp

PNN

46.786,60

66.638,00

18,92

19.851,40

Trong đó:

2.1

Đất quốc phòng

CQP

2.672,51

4.349,00

1,23

1.676,49

2.2

Đất an ninh

CAN

486,47

610,00

0,17

123,53

2.3

Đất khu công nghiệp

SKK

972,61

4.245,00

1,21

3.272,39

2.4

Đất cụm công nghiệp

SKN

216,50

2.067,04

0,59

1.850,54

2.5

Đất thương mại, dịch vụ

TMD

120,28

893,15

0,25

772,87

2.6

Đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp

SKC

1.243,59

1.420,11

0,40

176,52

2.7

Đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản

SKS

2.664,24

2.723,91

0,77

59,67

2.8

Đất phát triển hạ tầng cấp quốc gia, cấp tỉnh

DHT

17.850,05

23.773,00

6,75

5.922,95

Trong đó:

-

Đất giao thông

DGT

10.316,28

13.965,00

3,97

3.648,72

-

Đất thủy lợi

DTL

4.951,97

4.972,38

1.41

20,41

-

Đất xây dựng cơ sở văn hóa

DVH

255,69

356,00

0,10

100,31

-

Đất xây dựng cơ sở y tế

DYT

150,53

224,00

0,06

73,47

-

Đất xây dựng cơ sở giáo dục và đào tạo

DGD

909,17

1.100,00

0,31

190,83

-

Đất xây dựng cơ sở thể dục thể thao

DTT

121,68

1.242,00

0,35

1.120,32

-

Đất công trình năng lượng

DNL

44,50

340,00

0,10

295,50

-

Đất công trình bưu chính viễn thông

DBV

7,86

215,00

0,06

207,14

-

Đất cơ sở tôn giáo

TON

94,66

110,45

0,03

15,79

-

Đất làm nghĩa trang, nhà tang lễ, nhà hỏa táng

NTD

881,97

1.108,29

0,31

226,32

2.9

Đất xây dựng kho dự trữ quốc gia

DKG

11,00

0,00

11,00

2.10

Đất có di tích lịch sử - văn hóa

DDT

65,88

508,00

0,14

442,12

2.11

Đất bãi thải, xử lý chất thải

DRA

153,84

400,00

0,11

246,16

2.12

Đất danh lam thắng cảnh

DDL

2.13

Đất ở tại nông thôn

ONT

10.055,48

11.088,06

3,15

1.032,58

2.14

Đất ở tại đô thị

ODT

2.738,21

5.694,38

1,62

2.956,17

2.15

Đất xây dựng trụ sở cơ quan

TSC

147,86

239,77

0,07

91,91

2.16

Đất xây dựng trụ sở của tổ chức sự nghiệp

DTS

45,55

55,52

0,02

9,97

2.17

Đất xây dựng cơ sở ngoại giao

DNG

3

Đất chưa sử dụng

CSD

3.228,36

2.448,00

0,70

-780,36

II

KHU CHỨC NĂNG

1

Khu sản xuất nông nghiệp

KNN

109.842,70

100.645,38

28,58

-9.197,32

2

Khu lâm nghiệp

KLN

187.196,94

172.000,00

48,84

-15.196,94

3

Khu du lịch

KDL

2.612,00

5.063,32

1,44

2.451,32

4

Khu bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học

KBT

35.652,00

35.652,00

10,12

5

Khu phát triển công nghiệp

KPC

1.189,11

6.312,04

1,79

5.122,93

6

Đất đô thị

KDT

22.950,61

29.095,00

8,26

6.144,39

7

Khu đô thị

DTC

6.845,53

18.960,95

5,38

12.115,42

8

Khu thương mại - dịch vụ

KTM

120,28

893,15

0,25

772,87

9

Khu dân cư nông thôn

DNT

25.138,71

27.720,15

7,87

2.581,44

PHỤ LỤC XI

PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG NGHĨA TRANG TỈNH THÁI NGUYÊN THỜI KỲ 2021 - 2030
(Kèm theo Quyết định số 222/QĐ-TTg ngày 14 tháng 3 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

TT

Hạng mục

Cấp nghĩa trang

I

Nghĩa trang

1

Nghĩa trang Ngân Hà Viên, xã Thịnh Đức, thành phố Thái Nguyên

Cấp II

2

Nghĩa trang An Lạc Viên, thành phố Thái Nguyên

Cấp I

3

Nghĩa trang Dốc Lim, xã Thịnh Đức, thành phố Thái Nguyên

Cấp III

4

Nghĩa trang tại thành phố Sông Công

Cấp III

6

Nghĩa trang tại xã Minh Đức, thành phố Phổ Yên

Cấp I

7

Nghĩa trang tại huyện Đại Từ

Cấp III

8

Nghĩa trang tại xã Tân Thành, huyện Phú Bình

Cấp II

9

Nghĩa trang Sông Cầu, xã Nga My, huyện Phú Bình

Cấp III

II

Nhà tang lễ

1

Thành phố Thái Nguyên

2

2

Thành phố Sông Công

1

3

Thành phố Phổ Yên

1

4

Huyện Đại Từ

1

5

Huyện Phú Bình

1

Ghi chú: Về quy mô, diện tích đất sử dụng, cơ cấu tổng mức đầu tư của các công trình, dự án sẽ được tính toán, lựa chọn và xác định cụ thể trong từng giai đoạn lập và trình duyệt dự án đầu tư, tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng cân đối, huy động vốn đầu tư của từng thời kỳ.

PHỤ LỤC XII

PHƯƠNG ÁN QUY HOẠCH BẢO VỆ, THĂM DÒ, KHAI THÁC VÀ SỬ DỤNG KHOÁNG SẢN TỈNH THÁI NGUYÊN THỜI KỲ 2021 - 2030
(Kèm theo Quyết định số 222/QĐ-TTg ngày 14 tháng 3 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

TT

Khoáng sản

Số lượng mỏ

Tổng số

Hiện trạng

Bổ sung

I

Khoáng sản làm vật liệu xây dựng

148

105

43

1

Cao lanh

5

5

-

2

Sét chịu lửa

1

1

-

3

Sét xi măng

2

2

-

4

Đá vôi xi măng

3

3

-

5

Dolomit

2

2

-

6

Đá vôi xây dựng

38

34

4

7

Đá cát, bột kết

10

9

1

8

Cát cuội sỏi

29

29

-

9

Sét gạch ngói

12

6

6

10

Đất, đá làm vật liệu san lấp

46

14

32

II

Khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ

9

6

3

1

Đồng

1

1

-

2

Vàng

2

2

-

3

Chì kẽm

1

1

-

4

Photphorit

1

-

1

5

Sắt

3

2

1

6

Than

1

-

1

III

Khoáng sản ngoài khoáng sản làm vật liệu xây dựng, phân tán, nhỏ lẻ và xây dựng thông thường

44

44

0

1

Than

8

8

-

2

Sắt

15

15

-

3

Chì kẽm

4

4

-

4

Thiếc, thiếc - bismut

3

3

-

5

Antimon

2

2

-

6

Titan

5

5

-

7

Wolfram đa kim

1

1

-

8

Vàng

5

5

-

9

Quarzit

1

1

-

Ghi chú: Trong quá trình thực hiện quy hoạch, UBND tỉnh căn cứ quy hoạch cấp cao hơn, phương án quy hoạch này và các phương án quy hoạch khác có liên quan để rà soát, xác định và điều chỉnh theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh số lượng, ranh giới, công suất, lộ trình khai thác, mục tiêu sử dụng (nếu cần) bảo đảm phù hợp với thực tiễn của địa phương và các quy định hiện hành.

PHỤ LỤC XIII

DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ TỈNH THÁI NGUYÊN THỜI KỲ 2021 - 2030
(Kèm theo Quyết định số 222/QĐ-TTg ngày 14 tháng 3 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

A. DỰ ÁN SỬ DỤNG VỐN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

TT

Danh mục dự án

Địa điểm

I

Giao thông

1

Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc

Tỉnh Thái Nguyên, tỉnh Bắc Giang, tỉnh Vĩnh Phúc

2

Cải tạo, nâng cấp đường ĐT266 đoạn từ Ngã tư Sông Công (giao Quốc lộ 3 cũ) đến Ngã tư Điềm Thụy (giao Quốc lộ 37)

Thành phố Phổ Yên, huyện Phú Bình

3

Tuyến đường vành đai V qua địa bàn tỉnh Thái Nguyên (đoạn từ huyện Phú Bình nối với tỉnh Bắc Giang)

Huyện Phú Bình

4

Đường nối QL3 mới Hà Nội - Thái Nguyên đến Khu công nghiệp Yên Bình, từ Km 3+516,9 đến Km 5+434,18 và ĐT261 - giai đoạn 2

Thành phố Phổ Yên

5

Đường vành đai I (Đoạn Bờ Đậu Phú Lương - Hóa Thượng Đồng Hỷ)

Huyện Phú Lương, huyện Đồng Hỷ, thành phố Thái Nguyên

6

Đường kết nối ĐT265 (xã Bình Long, huyện Võ Nhai) đi Bắc Giang

Huyện Võ Nhai

7

Xây dựng Cầu An Long và Đường kết nối tỉnh lộ ĐT270 với tỉnh lộ ĐT261 huyện Đại Từ

Huyện Đại Từ

8

Đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ Km31 (Quốc lộ 3) đến Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa (Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh)

Huyện Phú Lương, huyện Định Hóa

9

Đường vành đai I đoạn từ Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ đến điểm cuối Ngã ba Bờ Đậu

Huyện Đồng Hỷ, Phú Bình, Đại Từ, Phú Lương, thành phố Phổ Yên, Sông Công, Thái Nguyên

10

Đường vành đai II

Huyện Đồng Hỷ, Phú Bình, Đại Từ, Phú Lương, Võ Nhai, thành phố Phổ Yên

11

Đường vành đai 1 vùng tỉnh Thái Nguyên (đoạn từ đường vành đai 5 Hà Nội đến ĐT267)

Xã Tân Quang (thành phố Sông Công); xã Thịnh Đức; phường Thịnh Đán (thành phố Thái Nguyên)

12

Đường Hồ Núi Cốc

Huyện Đại Từ, thành phố Phổ Yên, thành phố Thái Nguyên

13

Tuyến đường liên kết, kết nối tỉnh Thái Nguyên - Tuyên Quang, đoạn từ Ngã ba Khuôn Ngàn, Quốc lộ 37 đến giáp ranh địa phận tỉnh Tuyên Quang

Huyện Đại Từ

II

Văn hóa, thể thao, du lịch

1

Cải tạo, sửa chữa Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (ATK Định Hóa), xã Phú Đình, huyện Định Hóa

Xã Phú Đình, huyện Định Hóa

2

Tu bổ di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia Đình Xuân La, xã Xuân Phương, huyện Phú Bình

Xã Xuân Phương, huyện Phú Bình

3

Xây dựng sân vận động tỉnh Thái Nguyên

Xã Phúc Trìu, thành phố Thái Nguyên

4

Xây dựng, mở rộng, tôn tạo di tích “Nơi thành lập cơ sở Đảng đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên năm 1936, xã La Bằng huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên

Xã La Bằng, huyện Đại Từ

5

Xây dựng cơ sở vật chất, huấn luyện và thi đấu môn đua thuyền

Xã Tân Thái, huyện Đại Từ

6

Xây dựng Trung tâm thể dục thể thao và Trường phổ thông năng khiếu thể dục thể thao

Xã Quyết Thắng và xã Phúc Trìu, thành phố Thái Nguyên

7

Xây dựng Sân vận động huyện Đại Từ

Thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ

8

Quần thể văn hóa thể thao công viên cây xanh thành phố Phổ Yên

Thành phố Phổ Yên

9

Khu liên hợp Thể thao

xã Phúc Trìu, xã Quyết Thắng, thành phố Thái Nguyên

10

Thực hiện Tu bổ, tôn tạo các di tích trong Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt An toàn khu (ATK) Định Hóa

Huyện Định Hóa

11

Tu bổ, tôn tạo di tích Đền thờ Lý Nam Đế

Thành phố Phổ Yên

III

Y tế

1

Xây dựng Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Thái Nguyên

Phường Thịnh Đán, thành phố Thái Nguyên

2

Xây dựng, mở rộng nâng cấp Bệnh viện A Thái Nguyên

Phường Thịnh Đán, thành phố Thái Nguyên

3

Nâng cấp Bệnh viện Tâm thần Thái Nguyên

Phường Thịnh Đán, thành phố Thái Nguyên

4

Khoa khám chữa bệnh, Bệnh viện Mắt Thái Nguyên

Phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Thái Nguyên

5

Xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng các cơ sở y tế công lập

Các huyện thành phố

IV

Giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp

1

Trường THPT Tức Tranh, huyện Phú Lương

Huyện Phú Lương

2

Trường phổ thông dân tộc nội trú Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên (giai đoạn 2)

Huyện Định Hóa

3

Hoàn thiện cơ sở vật chất Trường Trung cấp nghề dân tộc nội trú tỉnh Thái Nguyên

Thành phố Phổ Yên

4

Trường THPT Sông Công 2

Thành phố Sông Công

5

Trường THPT Đồng Hỷ

Huyện Đồng Hỷ

6

Trường THPT Lý Nam Đế

Thành phố Phổ Yên

V

Lao động, thương binh và xã hội

1

Dự án: Nâng cấp, cải tạo cơ sở cai nghiện đa chức năng tỉnh Thái Nguyên

Huyện Phú Bình

2

Cải tạo, nâng cấp mở rộng Trung tâm điều dưỡng người có công và người cao tuổi tỉnh Thái Nguyên

Huyện Đại Từ

3

Nâng cấp mở rộng Trung tâm Điều dưỡng và Phục hồi chức năng Tâm thần tỉnh Thái Nguyên

Xã Thịnh Đức, thành phố Thái Nguyên

4

Dự án Nâng cấp, cải tạo cơ sở trợ giúp xã hội

Thành phố Thái Nguyên

5

Dự án nâng cấp, mở rộng Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Hợp tác và phát triển nguồn nhân lực Thái Nguyên.

Thành phố Thái Nguyên

VI

Khoa học Công nghệ

1

Xây dựng trại thực nghiệm của Trung tâm phát triển Khoa học và Công nghệ

Thành phố Thái Nguyên

2

Nhóm các dự án nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản xuất nông lâm nghiệp

Các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh

3

Dự án hỗ trợ xây dựng mô hình nông nghiệp cận đô thị; mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc thù của tỉnh (chè, rau, hoa quả, quế,...)

Các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh

VII

Trụ sở khối cơ quan quản lý nhà nước, đô thị

1

Trụ sở tiếp công dân tỉnh Thái Nguyên

Thành phố Thái Nguyên

2

Trụ sở Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh và một số cơ quan

Thành phố Thái Nguyên

3

Trụ sở làm việc khối các cơ quan tỉnh Thái Nguyên

Thành phố Thái Nguyên

4

Dự án khu đô thị mới, phố đi bộ trung tâm thành phố Thái Nguyên

Thành phố Thái Nguyên

5

Trường Chính trị tỉnh

Thành phố Thái Nguyên

VIII

Thông tin truyền thông

1

Đầu tư dự án về chuyển đổi số

Thành phố Thái Nguyên

2

Xây dựng hệ thống thông tin các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

Thành phố Thái Nguyên

3

Dự án phát triển thông tin cơ sở giai đoạn 2021 - 2025

Các huyện, thành phố

4

Xây dựng nền tảng tích hợp dữ liệu, điều hành tập trung và phát triển hệ thống chuyên ngành y tế tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2021 - 2025

Sở Y tế và các đơn vị có liên quan

5

Đầu tư hiện đại hóa kỹ thuật, công nghệ phục vụ nhiệm vụ chính trị, sự nghiệp Phát thanh - Truyền hình tỉnh Thái Nguyên

Thành phố Thái Nguyên

IX

Nông nghiệp - Hạ tầng nông nghiệp

1

Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Thái Nguyên

Thành phố Phổ Yên

2

Cải tạo, nâng cấp các hồ đập trên địa bàn tỉnh

Các huyện Phú Bình; Phú Lương; Định Hóa; Đại Từ; Võ Nhai; Đồng Hỷ; thành phố Phổ Yên; thành phố Sông Công

3

Bảo vệ và phát triển rừng sản xuất, phòng hộ, đặc dụng và nâng cao năng lực Phòng cháy chữa cháy rừng tỉnh Thái Nguyên

Các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh

4

Dự án Bố trí ổn định dân cư tại chỗ vùng thiên tai có nguy cơ sạt lở và lũ ống, lũ quét thuộc 06 xã: Na Mao, Đức Lương, Hoàng Nông, Khôi Kỳ, Tân Linh và Ký Phú, huyện Đại Từ

xã: Na Mao, Đức Lương, Hoàng Nông, Khôi Kỳ, Tân Linh và Ký Phú, huyện Đại Từ

5

Dự án Khu tái định cư tập trung vùng thiên tai có nguy cơ sạt lở đất và lũ quét xã Kim Phượng, huyện Định Hóa

Xã Kim Phượng, huyện Định Hóa

6

Dự án phát triển cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu để hỗ trợ sản xuất cho đồng bào dân tộc các tỉnh miền núi, trung du Bắc Bộ - Tỉnh Thái Nguyên

Huyện Đại Từ, huyện Đồng Hỷ, huyện Võ Nhai, huyện Định Hóa và huyện Phú Lương

7

Dự án cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và các dự án cấp nước sinh hoạt nông thôn thuộc Chương trình MTQG phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS, miền núi

Các xã trên địa bàn tỉnh

8

Khu tái định cư xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên thuộc Dự án: Đầu tư tổng thể bố trí ổn định dân cư vùng bán ngập hồ Núi Cốc, tỉnh Thái Nguyên

Xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ

9

Khu tái định cư vùng thiên tai có nguy cơ lũ ống, lũ quét xã Thần Sa, huyện Võ Nhai

Huyện Võ Nhai

10

Khu tái định cư vùng thiên tai có nguy cơ sạt lở núi, có nguy cơ lũ ống, lũ quét xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ

Huyện Đồng Hỷ

11

Dự án xây dựng Khu tái định cư tập trung để di chuyển khẩn cấp cho 12 hộ dân bị ảnh hưởng do thiên tai xã Quân Chu, huyện Đại Từ

Huyện Võ Nhai

12

Dự án: Xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ di dân, tái định cư xóm Yên Thái, xã Tân Thái, huyện Đại Từ

Huyện Định Hóa

13

Dự án bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai có nguy cơ sạt lở đất, nguy cơ lũ ống, lũ quét và vùng đặc biệt khó khăn

Huyện Võ Nhai, huyện Đồng Hỷ, huyện Định Hóa và huyện Phú Lương

14

Dự án Sửa chữa, nâng cấp Hệ thống thủy lợi Thác Huống, tỉnh Bắc Giang - Thái Nguyên

Thành phố Thái Nguyên

15

Dự án thành phần: Xây dựng kè sông Công đoạn qua Thị trấn Hùng Sơn, kè suối Điệp, huyện Đại Từ thuộc dự án Xử lý sạt lở cấp bách sông, suối một số tỉnh Miền núi phía Bắc

Huyện Đại Từ

16

Dự án Sửa chữa cấp bách đảm bảo an toàn hồ, đập chứa nước Hồ Núi Cốc: Sửa chữa đập chính, đập phụ, tràn xả lũ; cầu Đá Mài, kè chống sạt lở hai bên bờ sông Công, nạo vét cục bộ lòng dẫn sông Công hạ du hồ Núi Cốc

Thành phố Thái Nguyên, thành phố Phổ Yên và thành phố Sông Công

17

Dự án Tu bổ xung yếu hệ thống đê điều tỉnh Thái Nguyên

Thành phố Phổ Yên

18

Xây dựng khu tái định cư vùng thiên tai có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét, ngập úng và khu rừng đặc dụng

Huyện Võ Nhai và huyện Định Hóa

19

Các dự án bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai có nguy cơ sạt lở đất, nguy cơ lũ ống, lũ quét và vùng đặc biệt khó khăn

Huyện Võ Nhai, huyện Đồng Hỷ, huyện Định Hóa và huyện Phú Lương

20

Dự án cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Các xã trên địa bàn tỉnh

21

Di dời nâng cấp cơ sở sản xuất giống gia súc, gia cầm tỉnh Thái Nguyên

Huyện Phú Lương

22

Dự án Phục hồi và quản lý rừng bền vững tại miền Trung và miền Bắc Việt Nam (gọi tắt là Dự án KfW9.2) tỉnh Thái Nguyên

Huyện Võ Nhai, huyện Định Hóa, huyện Đại Từ, thành phố Thái Nguyên, thành phố Phổ Yên

23

Xây dựng các hồ chứa trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

Huyện Định Hóa, huyện Đại Từ

24

Xây dựng các tuyến đê Hữu Cầu, Tả cầu; Tả, Hữu Mo Linh và đê bao Kim Sơn

Thành phố Thái Nguyên và thành phố Phổ Yên

25

Xây dựng Tràn Thác Huống 2

Thành phố Thái Nguyên

26

Nạo vét lòng sông Cầu đoạn qua thành phố Thái Nguyên

Thành phố Thái Nguyên

27

Sửa chữa, nâng cấp các hồ đập trên địa bàn tỉnh

Trên địa bàn tỉnh

28

Hệ thống công trình thoát lũ hạ du hồ Núi Cốc trên sông Công

Thành phố Phổ Yên và thành phố Thái Nguyên

29

Xây dựng hồ Nghinh Tường

Huyện Võ Nhai

X

An ninh quốc phòng

1

Ban Chỉ huy quân sự thành phố Phổ Yên (GĐ3)

Thành phố Phổ Yên

2

Di chuyển Đại đội kho C29

Huyện Phú Lương

3

Rà phá bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

Thành phố Thái Nguyên, thành phố Sông Công, thành phố Phổ Yên, huyện Đại Từ

4

Trụ sở Phòng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh

Phường Phan Đình Phùng, thành phố Thái Nguyên

5

Trụ sở công an huyện

Huyện Võ Nhai, huyện Định Hóa

6

Cải tạo, sửa chữa Khu căn cứ chiến đấu 1

Huyện Phú Lương

7

Cải tạo, nâng cấp cơ quan Bộ CHQS tỉnh

Phường Đồng Quang, thành phố Thái Nguyên

8

Cải tạo, sửa chữa 9 Ban CHQS các huyện, thành phố

Các huyện, thị xã, thành phố

9

Cải tạo, sửa chữa Trung tâm huấn luyện dự bị động viên tỉnh Thái Nguyên

Xã Lục Ba, huyện Đại Từ

10

Trụ sở, doanh trại, trung tâm huấn luyện và BDNV Công an tỉnh

Xã Phúc Xuân, xã Quyết Thắng và xã Phúc Trìu, thành phố Thái Nguyên

11

Bến thủy Công an nhân dân

Xã Phúc Trìu, thành phố Thái Nguyên

12

Trụ sở đồn Công an và đội Cảnh sát chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Khu công nghiệp Sông Công II

Xã Tân Quang

13

Trụ sở Đội Cảnh sát chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn các huyện thành phố

Trên địa bàn Tỉnh

14

Trụ sở đồn công an trên địa bàn các huyện, thành phố

Xã Điềm Thụy huyện Phú Bình; Xã Tân Thái huyện Đại Từ

15

Trụ sở Trạm kiểm soát giao thông Quốc lộ 3 cầu Đa Phúc

Phường Thuận Thành, thành phố Phổ Yên

16

Các trụ sở Trạm cảnh sát giao thông đường bộ

Xã Sơn Cẩm, thành phố Thái Nguyên; Xã Kha Sơn huyện Phú Bình; Xã Quang Sơn huyện Đồng Hỷ; Xã Phú Thượng huyện Võ Nhai; Xã Yên Lãng huyện Đại Từ; Xã Yên Ninh huyện Phú Lương; Xã Trung Hội huyện Định Hóa

17

Mở rộng Công an huyện Đồng Hỷ mới

Xã Hóa Thượng huyện Đồng Hỷ

18

Hầm họp Công an tại khu căn cứ chiến đấu

Huyện Đồng Hỷ

19

Nhà khách, nghỉ dưỡng, điều dưỡng Bộ Công an tại Hồ Núi Cốc

Xã Vạn Thọ huyện Đại Từ

20

Cụm công an khu vực

Xã Phú Cường huyện Đại Từ, Xã Vô Tranh, xã Yên Đổ huyện Phú Lương; Xã Bình Yên huyện Định Hóa

B. DỰ ÁN ĐẦU TƯ SỬ DỤNG VỐN NGOÀI NGÂN SÁCH

TT

Danh mục dự án

Địa điểm

I

CÔNG NGHIỆP

1

Hạ tầng khu công nghiệp

1.1

Hạ tầng KCN Sông Công II giai đoạn 2

Thành phố Sông Công

1.2

Hạ tầng Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Phú Bình

Huyện Phú Bình

1.3

Hạ tầng Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Tây Phổ Yên

Thành phố Phổ Yên

1.4

Hạ tầng KCN Yên Bình 2

Thành phố Phổ Yên và huyện Phú Bình

1.5

Hạ tầng KCN Yên Bình 3

Huyện Phú Bình

1.6

Hạ tầng KCN Thượng Đình

Huyện Phú Bình

1.7

Mở rộng KCN Nam Phổ Yên

Thành phố Phổ Yên

2

Hạ tầng cụm công nghiệp

2.1

Hạ tầng CCN Sơn Cẩm 2

Thành phố Thái Nguyên

2.2

Hạ tầng CCN Tích Lương

Thành phố Thái Nguyên

2.3

Hạ tầng CCN Đức Hòa

Thành phố Thái Nguyên

2.4

Hạ tầng CCN Hòa Bắc

Thành phố Thái Nguyên

2.5

Hạ tầng CCN Lương Sơn 2

Thành phố Sông Công

2.6

Hạ tầng CCN Minh Đức 1

Thành phố Phổ Yên

2.7

Hạ tầng CCN Hà Châu 2

Huyện Phú Bình

2.8

Hạ tầng CCN Lương Phú - Tân Đức

Huyện Phú Bình

2.9

Hạ tầng CCN Tân Đức

Huyện Phú Bình

2.10

Hạ tầng CCN Hà Thượng

Huyện Đại Từ

2.11

Hạ tầng CCN Quân Chu

Huyện Đại Từ

2.12

Hạ tầng CCN Cát Nê - Ký Phú

Huyện Đại Từ

2.13

Hạ tầng CCN Yên Ninh

Huyện Phú Lương

2.14

Hạ tầng CCN Bá Sơn

Huyện Phú Lương

2.15

Hạ tầng CCN Cầu Bình

Huyện Phú Lương

2.16

Hạ tầng CCN Cổ Lũng

Huyện Phú Lương

2.17

Hạ tầng CCN Kim Sơn

Huyện Định Hóa

2.18

Hạ tầng CCN Nam Hòa

Huyện Đồng Hỷ

2.19

Hạ tầng CCN Minh Tiến

Huyện Đồng Hỷ

2.20

Hạ tầng CCN Hà Châu 1

Huyện Phú Bình

II

HẠ TẦNG KHU ĐÔ THỊ, KHU DÂN CƯ

1

Dự án khu đô thị mới, phố đi bộ trung tâm thành phố Thái Nguyên

Thành phố Thái Nguyên

2

Khu đô thị Nam Sông Cầu

Phường Quang Vinh, Thành phố Thái Nguyên

3

Khu đô thị mới Linh Sơn - Huống Thượng

Xã Linh Sơn, xã Huống Thượng, Thành phố Thái Nguyên

4

Khu đô thị mới Tích Lương

Thành phố Thái Nguyên

5

Khu đô thị mới Cao Ngạn

Thành phố Thái Nguyên

6

Khu dân cư Đồng Xe, xã Sơn Cẩm

Thành phố Thái Nguyên

7

Khu đô thị Hương Sơn, phường Hương Sơn

Thành phố Thái Nguyên

8

Khu dân cư Nam Tiến (khu số 4)

Thành phố Phổ Yên

9

Khu đô thị Đông Cao (khu số 1)

Thành phố Phổ Yên

10

Khu đô thị Hồng Tiến (khu nhà ở đường 47m)

Thành phố Phổ Yên

11

Khu đô thị Nam Thái (phần diện tích 49,58ha)

Thành phố Phổ Yên

12

Khu đô thị Nam Thái (phần diện tích 48,89ha)

Thành phố Phổ Yên

13

Khu đô thị Nam Tiến (khu số 5)

Thành phố Phổ Yên

14

Khu đô thị Vạn Xuân 2

Thành phố Phổ Yên

15

Khu đô thị Tiên Phong (khu số 1)

Thành phố Phổ Yên

16

Khu đô thị Đông Cao - Tân Phú

Thành phố Phổ Yên

17

Khu đô thị Vạn Xuân 1

Thành phố Phổ Yên

18

Khu đô thị Đắc Sơn (khu số 1)

Thành phố Phổ Yên

19

Khu đô thị, khu nhà vườn sinh thái nghỉ dưỡng Nam Tiến

Thành phố Phổ Yên

20

Khu đô thị sinh thái thể thao Hồ Ghềnh Chè

Thành phố Sông Công

21

Khu đô thị sinh thái thể thao phường Châu Sơn

Thành phố Sông Công

22

Khu đô thị số 1 phường Cải Đan (khu A)

Thành phố Sông Công

23

Khu đô thị Tân Sơn

Thành phố Sông Công

24

Khu dân cư nông thôn mới xóm Bãi Bằng

Huyện Đại Từ

25

Khu dân cư nông thôn mới xóm Gốc Mít

Huyện Đại Từ

26

Trung tâm đô thị, hành chính tổng hợp xã Kha Sơn

Huyện Phú Bình

27

Khu đô thị sinh thái Seoul Park City Thái Nguyên thuộc đô thị mới Điềm Thụy

Huyện Phú Bình

28

Khu đô thị Đồng Đầm, xã Điềm Thụy

Huyện Phú Bình

29

Khu dân cư Phương Độ, xã Xuân Phương

Huyện Phú Bình

30

Khu đô thị dịch vụ Phú Bình (trong Quy hoạch Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Phú Bình)

Huyện Phú Bình

31

Khu đô thị dịch vụ Tây Phổ Yên (Trong quy hoạch Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Tây Phổ Yên)

Thành phố Phổ Yên

32

Tổ hợp văn hóa đa năng và đô thị sinh thái

Huyện Phú Lương

33

Khu đô thị sinh thái phía Tây Bắc xã Phúc Xuân

Thành phố Thái Nguyên

34

Khu đô thị sinh thái phía Tây Nam xã Phúc Xuân

Thành phố Thái Nguyên

35

Khu đô thị, Tổ hợp dịch vụ, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp

Thành phố Thái Nguyên

36

Khu đô thị sinh thái Núi Cốc Escape

Thành phố Thái Nguyên

37

Khu Tổ hợp thể thao và du lịch nghỉ dưỡng Thái Nguyên

Thành phố Thái Nguyên

38

Khu đô thị, văn hóa thể thao Nam Núi Cốc, xã Phúc Trìu

Thành phố Thái Nguyên

39

Khu đô thị sinh thái và thể dục thể thao tại thị trấn Quân Chu và xã Cát Nê

Huyện Đại Từ

40

Khu đô thị Nam Thái 2

Thành phố Phổ Yên

41

Khu đô thị, văn hóa thể thao Nam Núi Cốc, xã Phúc Tân

Thành phố Phổ Yên

42

Khu đô thị sinh thái - thể thao Vạn Phái

Thành phố Phổ Yên

43

Khu dân cư sinh thái, vui chơi giải trí hồ Kim Đĩnh

Huyện Phú Bình

III

DỊCH VỤ

1

Sân gôn tại Khu vực hồ Suối Lạnh

Thành phố Phổ Yên

2

Khu thể thao sân gôn Tân Thái

Huyện Đại Từ

3

Sân gôn Hồ Núi Cốc, thành phố Thái Nguyên

Thành phố Thái Nguyên

4

Khu thể thao sân gôn tại thị trấn Quân Chu và xã Cát Nê, huyện Đại Từ

Huyện Đại Từ

5

Sân gôn và học viện gôn Phú Bình

Huyện Phú Bình

6

Sân gôn Quân Chu

Huyện Đại Từ

7

Sân gôn tại Khu đô thị sinh thái thể thao phường Châu Sơn

Thành phố Sông Công

8

Sân gôn tại Khu đô thị sinh thái thể thao hồ Ghềnh Chè

Thành phố Sông Công

9

Sân gôn tại Khu Tổ hợp thể thao và du lịch nghỉ dưỡng Thái Nguyên

Thành phố Thái Nguyên

10

Sân gôn tại Khu đô thị, văn hóa thể thao Nam Núi Cốc, xã Phúc Trìu, thành phố Thái Nguyên

Thành phố Thái Nguyên

11

Sân gôn tại Khu đô thị, văn hóa thể thao Nam Núi Cốc, xã Phúc Tân, thành phố Phổ Yên

Thành phố Phổ Yên

12

Sân gôn tại Khu đô thị sinh thái - thể thao Vạn Phái

Thành phố Phổ Yên

13

Sân gôn tại Khu Bảo tồn giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc kết hợp du lịch văn hóa thể thao, huyện Đồng Hỷ

Huyện Đồng Hỷ

14

Trường đua ngựa, tổ hợp thương mại dịch vụ Núi Văn Núi Võ

Huyện Đại Từ

15

Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế 5 sao Hồ Núi Cốc

Thành phố Thái Nguyên

16

Công viên giải trí gắn liền với dịch vụ du lịch trải nghiệm có trách nhiệm và bảo tồn thiên nhiên Eco Valley

Thành phố Thái Nguyên

17

Khu giáo dục trải nghiệm và sản xuất nông nghiệp hữu cơ Eco Valley

Thành phố Thái Nguyên

18

Khu du lịch nghỉ dưỡng Eco Valley

Thành phố Thái Nguyên

19

Khu du lịch cộng đồng, sinh thái, thương mại dịch vụ Khuân Tát - Thác Bảy Tầng, xã Phú Đình

Huyện Định Hóa

20

Tổ hợp du lịch sinh thái, thương mại dịch vụ, nghỉ dưỡng Thâm Bây

Huyện Định Hóa

21

Vùng bảo tồn kết hợp khu du lịch sinh thái và trải nghiệm dưới tán rừng đồi Khà Què

Huyện Định Hóa

22

Khu du lịch sinh thái Bảo Linh

Huyện Định Hóa

23

Khu đô thị nghỉ dưỡng kết hợp khu sinh thái và dịch vụ hỗn hợp Phượng Hoàng

Huyện Võ Nhai

24

Khu đô thị sinh thái Hồ Trại Gạo

Huyện Phú Bình

25

Làng sinh thái Núi Cốc Escape

Thành phố Phổ Yên

26

Khu du lịch trải nghiệm Núi Cốc Escape

Thành phố Phổ Yên

27

Chợ đầu mối Điềm Thụy

Huyện Phú Bình

28

Chợ đầu mối Linh Sơn

Thành phố Thái Nguyên

29

Chợ vùng Việt Bắc và Trung tâm hội chợ triển lãm

Thành phố Thái Nguyên

IV

GIAO THÔNG

1

Cảng cạn

Thành phố Phổ Yên và huyện Phú Bình

V

NÔNG NGHIỆP

1

Dự án Trang trại nuôi lợn, gà công nghệ cao

Xã Yên Ninh, huyện Phú Lương

2

Khu sản xuất dược liệu kết hợp du lịch sinh thái

Xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai

3

Dự án Khu chăn nuôi lợn, gà công nghệ cao kết hợp sản xuất phân vi sinh và trồng cây nông nghiệp, lâm nghiệp tập trung

Xã La Hiên, huyện Võ Nhai

4

Vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với bảo tồn dược liệu và dịch vụ du lịch cộng đồng xóm Là Đông

Xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai

5

Tổ hợp Chăn nuôi công nghệ cao

Huyện Định Hóa

6

Chuỗi sản xuất Nông nghiệp ứng dụng Công nghệ cao

Xã Mỹ Yên, Văn Yên, Lục Ba, huyện Đại Từ

7

Tổ hợp chăn nuôi và chế biến nông sản tập trung, huyện Đại Từ

Huyện Đại Từ

8

Khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Huyện Đại Từ

9

Dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại xã Tân Đức

Huyện Phú Bình

10

Dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại xã Úc Kỳ

Huyện Phú Bình

11

Dự án khu Trang trại chăn nuôi tập trung kết hợp sinh thái

Xã Bàn Đạt, huyện Phú Bình

12

Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Thái Nguyên

Thành phố Phổ Yên

VI

MÔI TRƯỜNG

1

Nhà máy xử lý rác thải

1.1

Khu liên hợp xử lý môi trường Phú Bình

Xã Tân Thành, huyện Phú Bình

1.2

Lò đốt rác thải công nghệ cao tại xã Tân Khánh và xã Bảo Lý, huyện Phú Bình

Huyện Phú Bình

1.3

Nhà máy xử lý rác thải huyện Đồng Hỷ

Xã Nam Hòa, Cây Thị, huyện Đồng Hỷ

1.4

Nhà máy xử lý rác thải số 1 huyện Đại Từ

Xã Bình Thuận, xã Lục Ba, huyện Đại Từ

2

Nhà máy nước sạch

2.1

Đầu tư nâng công suất Nhà máy nước Tích Lương

Phường Tích Lương, thành phố Thái Nguyên

2.2

Nhà máy nước Nam Núi Cốc

Đồi Von Phun, Xà Phúc Trìu, thành phố Thái Nguyên

2.3

Đầu tư nâng công suất Nhà máy nước Sông Công

Thành phố Sông Công

2.4

Đầu tư Nhà máy nước Phú Bình

Huyện Phú Bình

2.5

Đầu tư nâng công suất Nhà máy nước Yên Bình

Thành phố Phổ Yên

2.6

Đầu tư Nhà máy nước Sông Công 2

Thành phố Sông Công

2.7

Đầu tư nâng công suất Nhà máy nước Đại Từ

Huyện Đại Từ

2.8

Nhà máy nước Bình Thuận, huyện Đại Từ

Xã Bình Thuận, huyện Đại Từ

3

Nghĩa trang

3.1

Công viên nghĩa trang tâm linh tại xã Minh Đức

Thành phố Phổ Yên

3.2

Công viên nghĩa trang tại xã Tân Thành

Huyện Phú Bình

3.3

Nghĩa trang Vĩnh Hằng tại thị trấn Hùng Sơn

Huyện Đại Từ

VII

VĂN HÓA, XÃ HỘI

1

Cơ sở giáo dục tư nhân

1.1

Trường học liên cấp tại xã Quyết Thắng

Xã Quyết Thắng, thành phố Thái Nguyên

1.2

Dự án trường liên cấp tại phường Tân Lập

Phường Tân Lập, thành phố Thái Nguyên

1.3

Trường học liên cấp tại xã Thượng Đình và xã Nga My, huyện Phú Bình

Xã Thượng Đình, huyện Phú Bình

2

Cơ sở y tế tư nhân

2.1

Bệnh viện chuyên khoa tư nhân điều dưỡng và phục hồi chức năng

Thành phố Thái Nguyên

2.2

Bệnh viện đa khoa

Huyện Phú Bình

Ghi chú: Tên, quy mô và phạm vi ranh giới các dự án sẽ được xác định chính xác trong quá trình lập quy hoạch xây dựng và lập dự án đầu tư.

PHỤ LỤC XIV

DANH MỤC BẢN ĐỒ QUY HOẠCH TỈNH THÁI NGUYÊN THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 222/QĐ-TTg ngày 14 tháng 3 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

TT

KÝ HIỆU

TÊN BẢN ĐỒ

Phần I: Vị trí hiện trạng và đánh giá tổng hợp đất đai

1

QH1

Bản đồ vị trí và các mối quan hệ của tỉnh

QH2

Các bản đồ về hiện trạng phát triển

2

QH2.1

Bản đồ hiện trạng hệ thống đô thị, nông thôn

3

QH2.2

Bản đồ hiện trạng các khu chức năng

4

QH2.3

Bản đồ hiện trạng mạng lưới giao thông

5

QH2.4

Bản đồ hiện trạng kết cấu hạ tầng kỹ thuật

6

QH2.5

Bản đồ hiện trạng kết cấu hạ tầng xã hội

7

QH2.6

Bản đồ hiện trạng thăm dò, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên

8

QH2.7

Bản đồ hiện trạng môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học

9

QH2.8

Bản đồ hiện trạng phòng chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu

10

QH2.9

Bản đồ hiện trạng sử dụng đất

11

QH3

Bản đồ đánh giá tổng hợp đất đai theo các mục đích sử dụng

Phần II: Các phương án quy hoạch và phát triển

QH4

Các bản đồ phương án tổ chức không gian và lãnh thổ

12

QH4.1

Bản đồ phương án quy hoạch hệ thống đô thị, nông thôn

13

QH4.2

Bản đồ phương án tổ chức không gian và phân vùng chức năng

QH5

Các bản đồ phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật

14

QH5.1

Bản đồ phương án phát triển mạng lưới giao thông

15

QH5.2

Bản đồ phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật

16

QH6

Bản đồ phương án phát triển kết cấu hạ tầng xã hội

QH7

Bản đồ phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện

17

QH7.1

Bản đồ Phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện phía Bắc

18

QH7.2

Bản đồ Phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện phía Nam

19

QH7.4

Bản đồ Phương án quy hoạch xây dựng vùng huyện Đại Từ, huyện Phú Bình, huyện Định Hóa, huyện Phú Lương, huyện Võ Nhai và huyện Đồng Hỷ

20

QH8

Bản đồ phương án quy hoạch sử dụng đất

QH9

Các bản đồ phương án bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phòng chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu

21

QH9.1

Bản đồ phương án thăm dò, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên

22

QH9.2

Bản đồ phương án bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học

23

QH9.3

Bản đồ phương án phòng chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu

24

QH10

Bản đồ vị trí các dự án và thứ tự ưu tiên thực hiện

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 222/QĐ-TTg ngày 14/03/2023 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


12.632

DMCA.com Protection Status
IP: 3.144.31.86
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!