ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẬU GIANG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1939/QĐ-UBND
|
Hậu Giang, ngày 09 tháng 11
năm 2023
|
QUYẾT
ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN DU LỊCH
CỘNG ĐỒNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẬU GIANG ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
ỦY BAN
NHÂN DÂN TỈNH HẬU GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức
chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số
điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22
tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Nghị quyết số 08-NQ/TW
ngày 16 tháng 01 năm 2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành
ngành kinh tế mũi nhọn;
Căn cứ Luật Du lịch
2017 ngày 19 tháng 6 năm 2017;
Căn cứ Luật Bảo vệ
môi trường ngày 17 tháng 11 năm 2020;
Căn cứ Quyết định số
1685/QĐ-TTg ngày 05 tháng 12 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án
Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi
nhọn;
Căn cứ Quyết định số
147/QĐ-TTg ngày 22 tháng 01 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến
lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2030”;
Căn cứ Quyết định số
263/QĐ-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương
trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025;
Căn cứ Quyết định số
287/QĐ-TTg ngày 28 tháng 02 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy
hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Căn cứ Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 02 tháng 8 năm
2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển du
lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025;
Căn cứ Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24 tháng 02 năm
2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí và quy
trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm;
Căn cứ Quyết định số
3941/QĐ-BKHCN ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về
việc công bố Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13259:2020 Du lịch cộng đồng yêu cầu về
chất lượng dịch vụ;
Căn cứ Quyết định số 2292/QĐ-BVHTTDL
ngày 13 tháng 8 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc
ban hành Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025;
Căn cứ Nghị quyết số 04-NQ/TU
ngày 26 tháng 11 năm 2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển công
nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2021 - 2025 và
các năm tiếp theo;
Căn cứ Nghị quyết số 26/2019/NQ-HĐND
ngày 06 tháng 12 năm 2019 của HĐND tỉnh Hậu Giang quy định về chính sách hỗ trợ
đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2020 - 2024;
Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 26/2019/NQ-HĐND ;
Căn cứ Nghị quyết số 51/NQ-HĐND
ngày 04 tháng 12 năm 2020 của HĐND tỉnh Hậu Giang về chủ trương đầu tư Dự án
Xây dựng Chính quyền điện tử và đô thị thông minh tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021
- 2025;
Căn cứ Quyết định số 2548/QĐ-UBND
ngày 31 tháng 12 năm 2021 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án tạo dựng hình ảnh tỉnh
Hậu Giang giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 331/QĐ-UBND
ngày 07 tháng 3 năm 2023 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban
đêm ở Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030;
Căn cứ Kế hoạch số 1983/KH-UBND
ngày 10 tháng 12 năm 2020 của UBND tỉnh Hậu Giang về việc phát triển kinh tế -
xã hội tỉnh Hậu Giang 5 năm 2021 - 2025;
Căn cứ Kế hoạch số
74/KH-UBND ngày 20 tháng 4 năm 2021 của UBND tỉnh Hậu Giang về quảng bá, xúc
tiến du lịch tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025;
Căn cứ Kế hoạch số
213/KH-UBND ngày 22 tháng 12 năm 2021 của UBND tỉnh Hậu Giang thực hiện Nghị
quyết số 04-NQ/TU ngày 26 tháng 11 năm 2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về
phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch tỉnh Hậu Giang, giai đoạn
2021 - 2025 và các năm tiếp theo;
Căn cứ Kế hoạch số 177/KH-UBND
ngày 12 tháng 10 năm 2022 của UBND tỉnh Hậu Giang về phát triển du lịch nông thôn
trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang;
Căn cứ Kế hoạch số 176/KH-UBND
ngày 14 tháng 9 năm 2023 của UBND tỉnh Hậu Giang thực hiện quy định về chính
sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn
2020 - 2024;
Căn cứ Công văn số
568/UBND-NCTH ngày 29 tháng 4 năm 2022 của UBND tỉnh Hậu Giang về việc chủ
trương xây dựng Đề án phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang;
Căn cứ kết luận của
tập thể Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang tại cuộc họp ngày 18 tháng 10 năm 2023;
Theo đề nghị của Giám
đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 125/TTr-SVHTTDL ngày 02
tháng 11 năm 2023.
QUYẾT
ĐỊNH:
Điều 1. Phê
duyệt Đề án phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đến năm
2025, định hướng đến năm 2030 với các nội dung cơ bản sau:
1. Tên Đề án: Đề án phát triển du
lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đến năm 2025, định hướng đến năm
2030.
2. Cơ quan lập Đề án:
Sở
Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
3. Quan điểm và mục
tiêu phát triển
3.1. Quan điểm
Phát triển du lịch
cộng đồng (DLCĐ) phải gắn với phát triển kinh tế - xã hội địa phương với bảo vệ
tài nguyên, bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên văn hóa, tôn trọng những
giá trị văn hóa bản địa, giá trị cộng đồng, đảm bảo vệ sinh môi trường, an
ninh, quốc phòng. Phát triển DLCĐ mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương.
Trong đó, người dân tại địa phương tham gia DLCĐ với tư cách vừa là nhà tổ
chức, vừa là người thụ hưởng, vừa chủ động cung cấp các dịch vụ như nhà nghỉ,
phương tiện vận chuyển, phục vụ ăn uống, bán hàng lưu niệm, hỗ trợ du khách…
Phát triển DLCĐ đa
dạng và bền vững các sản phẩm, mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch
sinh thái, văn hóa, lịch sử, nghệ thuật, thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền
thống….
Tranh thủ huy động
mọi điều kiện, nguồn lực nhằm khai thác có hiệu quả các điều kiện, tiềm năng và
thế mạnh để phát triển DLCĐ trên địa bàn tỉnh; ưu tiên bố trí nguồn lực cho đầu
tư phát triển du lịch tại các địa bàn nông thôn; thực hiện lồng ghép với các
chương trình, dự án như chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới,
chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để thúc đẩy phát triển du lịch, góp phần
đưa du lịch tỉnh Hậu Giang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Phát triển DLCĐ là
nhiệm vụ quan trọng trong phát triển du lịch của Tỉnh, đóng góp vào phát triển kinh
tế - xã hội của tỉnh Hậu Giang một cách bền vững…
3.2. Mục tiêu
3.2.1. Mục tiêu tổng
quát
Đến năm 2025 và tầm
nhìn đến 2030, Hậu Giang sẽ trở thành điểm đến mới về DLCĐ trong khu vực đồng
bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Khi nói về DLCĐ tại Hậu Giang, du khách sẽ ghi nhớ về
những cộng đồng dân cư hào sảng, hồn hậu, hiếu khách; về các trải nghiệm đậm
chất văn hóa Nam Bộ; sự phong phú ẩm thực; sự kết nối, hòa hợp với thiên nhiên,
sông nước; các hoạt động và sản vật nông nghiệp. Các giá trị cốt lõi đó sẽ do DLCĐ
Hậu Giang mang tới với du khách trong và ngoài nước.
DLCĐ tại Hậu Giang
được phát triển bởi người dân và phục vụ lợi ích của người dân địa phương. Khắc
phục những nhược điểm: tính tự phát, phục vụ thiếu chuyên nghiệp, khả năng quản
lý kém, sản phẩm kém hấp dẫn, thiếu kỹ năng kinh doanh, tiếp thị, điều hành và
sẽ tạo được sự gắn kết hiệu quả giữa chính quyền, người dân và doanh nghiệp.
3.2.2. Mục tiêu cụ
thể
- Đến năm 2025: Tập
trung đầu tư, xây dựng và phát triển 03 mô hình thí điểm tại thành phố Vị
Thanh, huyện Châu Thành A và thành phố Ngã Bảy; tiếp tục hỗ trợ các điểm DLCĐ
hiện có.
- Đến năm 2030:
+ Tiếp tục hỗ trợ
nhân rộng các điểm DLCĐ tại huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn Tỉnh, tiếp tục
hỗ trợ các điểm DLCĐ khác, đặc biệt là các điểm DLCĐ theo kế hoạch đăng ký của
cấp huyện.
+ Tập trung phát
triển các mô hình DLCĐ kết hợp với: Du lịch văn hóa lịch sử, tâm linh; Du lịch
nông nghiệp, sinh thái, trải nghiệm; Du lịch ẩm thực, mua sắm, nghỉ dưỡng.
Quảng bá rộng rãi các sản phẩm DLCĐ của tỉnh, thông qua sử dụng công nghệ số
trong du lịch (du lịch thông minh).
+ Nâng cấp tổng thể
cơ sở vật chất, các dịch vụ gia tăng kèm theo và kéo dài thời gian lưu trú;
thúc đẩy chi tiêu của du khách khi sử dụng các sản phẩm DLCĐ tại Tỉnh, hình
thành các công ty có điều kiện phát triển DLCĐ trên địa bàn Tỉnh, tạo việc làm
cho người lao động tại các điểm DLCĐ, tăng nguồn thu nhập cho người dân từ hoạt
động du lịch.
4. Định hướng phát
triển DLCĐ tỉnh Hậu Giang
4.1. Định hướng sản
phẩm DLCĐ
Dựa trên các thế mạnh
đặc trưng của Tỉnh, cùng với các xu hướng thị trường hiện tại, Hậu Giang có thể
định hướng các nhóm sản phẩm du lịch phù hợp, gắn với cộng đồng như sau:
- Sản phẩm DLCĐ gắn
với các công trình di tích lịch sử - văn hóa và danh thắng nổi bật.
- Sản phẩm DLCĐ gắn
với sinh thái nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, nông thôn mới, làng nghề
truyền thống.
- Sản phẩm DLCĐ gắn
với ẩm thực đặc trưng.
- Sản phẩm DLCĐ gắn
với du lịch tâm linh.
4.2. Không gian phát
triển du lịch
Việc phân cụm du lịch
được xác định trên 02 yếu tố chính là thuận lợi về giao thông, vị trí địa lý và
tương đồng về tài nguyên và sản phẩm du lịch. Từ đó, có thể chia DLCĐ Hậu Giang
thành 04 cụm như sau:
- Cụm du lịch thành
phố Vị Thanh và huyện Vị Thủy.
- Cụm du lịch thị xã
Long Mỹ và huyện Long Mỹ.
- Cụm du lịch huyện
Phụng Hiệp và thành phố Ngã Bảy.
- Cụm du lịch huyện
Châu Thành và huyện Châu Thành A.
5. Một số giải pháp
đẩy mạnh phát triển DLCĐ tỉnh Hậu Giang
5.1. Giải pháp về
nâng cao nhận thức xã hội
- Nâng cao nhận thức của
các cấp ủy đảng, chính quyền và người dân nhằm tạo sự thống nhất cao về nhận
thức và hành động giữa các cấp, các ngành, trong phát triển DLCĐ ở địa phương.
- Thực hiện tốt công
tác phối hợp giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các ban, ngành, đoàn thể và
Nhân dân trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển DLCĐ; tăng cường công
tác hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết về phát triển du
lịch ở các cấp.
- Giáo dục và tuyên
truyền để nâng cao nhận thức xã hội của người dân.
- Tăng cường sự tham
gia của người dân trong các hoạt động DLCĐ.
- Tạo ra những kênh
thông tin, tư vấn, giới thiệu về DLCĐ Hậu Giang.
5.2. Giải pháp chính
sách khuyến khích, hỗ trợ kinh doanh DLCĐ
- Vận dụng các chính
sách hiện có của tỉnh và các Chương trình, chính sách hỗ trợ của Trung ương
nhằm hỗ trợ tài chính đối với các doanh nghiệp, các hộ dân đang hoạt động trong
lĩnh vực DLCĐ.
- Hỗ trợ giải quyết
các thủ tục pháp lý, giúp các doanh nghiệp và hộ dân làm DLCĐ hoạt động một
cách đầy đủ và hợp pháp.
- Xây dựng các quy
định và chính sách nhằm bảo vệ và phát triển các giá trị văn hóa, lịch sử và
thiên nhiên địa phương, thúc đẩy sự phát triển bền vững của DLCĐ.
- Tạo ra môi trường
kinh doanh thuận lợi và hấp dẫn đối với các doanh nghiệp và hộ dân làm DLCĐ,
bằng cách thúc đẩy hợp tác giữa chính quyền địa phương, các doanh nghiệp và hộ
dân làm DLCĐ để tạo ra các sự kiện, hoạt động thu hút du khách và các dịch vụ
hỗ trợ khác.
5.3. Giải pháp về
nâng cao khả năng tiếp cận điểm đến DLCĐ
- Xây dựng đường giao
thông kết nối giữa các điểm đến DLCĐ.
- Xây dựng cơ sở hạ
tầng du lịch: Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch như: khách sạn, resort, nhà
hàng, khu du lịch sinh thái.
- Quảng bá và quảng
cáo: Có chiến lược quảng bá và quảng cáo đúng đắn nhằm giới thiệu các điểm đến
DLCĐ địa phương.
- Tăng cường đào tạo
và nâng cao năng lực người dân địa phương: Đảm bảo chất lượng dịch vụ, để người
dân địa phương tham gia vào ngành du lịch một cách hiệu quả.
5.4. Giải pháp về
nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến DLCĐ
- Áp dụng Bộ Tiêu chí
Quốc Gia TCVN 13259:2020 Du lịch cộng đồng - Yêu cầu về chất lượng dịch vụ; Bộ
tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản
phẩm và xây dựng Bộ Sản phẩm DLCĐ đặc thù Hậu Giang.
- Nâng cao chất lượng
dịch vụ của DLCĐ tỉnh Hậu Giang, đặc biệt là “Tinh thần và thái độ phục vụ” của
người Hậu Giang. Tăng cường kiểm soát chất lượng dịch vụ, đảm bảo các du khách
được trải nghiệm tốt nhất.
- Quảng bá thương
hiệu: Đẩy mạnh việc quảng bá thương hiệu và các sản phẩm DLCĐ thông qua các
phương tiện truyền thông và các sự kiện quảng bá du lịch để thu hút sự quan tâm
của du khách.
- Hợp tác địa phương:
Tăng cường hợp tác địa phương trong việc phát triển DLCĐ với các tỉnh, thành
phố vùng ĐBSCL và Thành phố Hồ Chí Minh; tận dụng các sản phẩm DLCĐ các địa
phương khác để cùng phát triển.
- Đầu tư hạ tầng:
Tăng đầu tư hạ tầng du lịch như xây dựng cơ sở vật chất, cải tạo và bảo tồn các
di tích lịch sử, văn hóa, môi trường.
- Đẩy mạnh chất lượng
sản phẩm DLCĐ, tăng cường quản lý môi trường và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên,
tạo ra những trải nghiệm du lịch độc đáo và sáng tạo; đóng vai trò quan trọng
trong việc thu hút khách du lịch quay lại.
5.5. Giải pháp về đào
tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực DLCĐ và định hướng khởi nghiệp DLCĐ
5.5.1. Giải pháp về
đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực DLCĐ
- Đẩy mạnh xã hội hóa
thu hút nguồn lực để phát triển nguồn nhân lực DLCĐ.
- Đa dạng hóa các
hình thức đào tạo DLCĐ.
- Từng bước bồi
dưỡng, nâng cao năng lực cho lực lượng lao động trong ngành du lịch về chuyên
môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học và các kỹ năng sử dụng mạng xã hội, ứng xử theo
hướng chuẩn hóa, chú trọng đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ,...
- Tập huấn, triển
khai bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch; kỹ năng giao tiếp; nghiệp vụ thuyết
minh cơ bản cho mỗi người dân khi tham gia vào hoạt động du lịch; nâng cao năng
lực, trách nhiệm bảo tồn và quảng bá sản phẩm du lịch của cộng đồng dân cư nơi
có sản phẩm du lịch.
5.5.2. Định hướng
khởi nghiệp DLCĐ
Dựa trên những đặc
thù của tỉnh, đề xuất một số định hướng khởi nghiệp về mô hình DLCĐ theo phương
châm “Trải nghiệm cộng đồng xanh, hành trình du lịch (sống) chậm” tại
địa phương cho người dân Hậu Giang, đó là:
- Khởi nghiệp với mô
hình “Từ đồng ruộng đến bàn ăn” với hình thức kết hợp du lịch lưu trú và trải
nghiệm sản xuất nông nghiệp sạch và an toàn.
- Khởi nghiệp với mô
hình “Sông nước hội tụ”.
5.6. Giải pháp xây
dựng và kết nối tuyến điểm du lịch với các mô hình DLCĐ
- Việc xây dựng và
kết nối tuyến điểm du lịch hiện có bằng cách tận dụng, bảo tồn tài nguyên và
văn hóa địa phương.
- Xây dựng sản phẩm DLCĐ
mới và độc đáo được phát triển dựa trên những nét văn hóa đặc trưng địa phương,
như các bản nhạc cổ truyền, giai thoại nhân vật, sự tích điểm đến, văn hoá ẩm thực,
nghề thủ công, văn hóa tín ngưỡng,...
5.7. Giải pháp tăng cường
năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu; cảnh quan, bảo vệ môi trường; quản lý an
ninh trật tự
5.7.1. Giải pháp ứng
phó với biến đổi khí hậu
- Xây dựng các quy
hoạch, chiến lược, kế hoạch hành động thích ứng với biến đổi khí hậu trong sinh
kế du lịch ở các địa bàn chịu ảnh hưởng biến đổi khí hậu của tỉnh.
- Cần khuyến cáo các
chủ kinh doanh dịch vụ du lịch sử dụng các trang thiết bị tiết kiệm năng lượng,
quản lý chặt chẽ việc sử dụng năng lượng và tài nguyên thiên nhiên; xây dựng hệ
thống chứa, tích trữ nước, hệ thống xử lý nước tự chảy phục vụ du lịch và sinh
hoạt của người dân ở vùng chịu tác động biến đổi khí hậu tại tỉnh Hậu Giang,...
- Phối hợp, liên kết
với các công ty du lịch trong và ngoài tỉnh, các đơn vị kinh doanh trên địa bàn
để hình thành các tour, tuyến du lịch DLCĐ chuyên biệt về biến đổi khí hậu.
5.7.2. Giải pháp về
cảnh quan, bảo vệ môi trường
- Nghiên cứu ứng dụng
các biện pháp sử dụng năng lượng sạch, tái tạo; công nghệ xử lý rác thải, công
tác thu gom rác thải,…; tăng cường sử dụng tái chế các chất thải để có thể tiếp
tục sử dụng…
- Sử dụng các vật
liệu thân thiện với môi trường trong xây dựng các cơ sở vật chất kỹ thuật du
lịch, hạn chế thay đổi môi trường cảnh quan trong xây dựng,…
- Chú trọng phát
triển các sản phẩm DLCĐ sinh thái, sản phẩm hữu cơ, sản phẩm sạch để phục vụ khách
du lịch.
- Khuyến khích người
dân xây dựng nếp sống văn hóa, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền
thống của địa phương. Mỗi khu xóm, ấp cần đầu tư đường nông thôn xanh, sạch đẹp
và trồng hoa theo các thương hiệu hình ảnh mà du lịch Hậu Giang đã chọn lọc.
- Tăng cường công tác
thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường tại các cơ
sở lưu trú du lịch, tại các khu điểm du lịch DLCĐ….
5.7.3. Giải pháp về
quản lý an ninh, trật tự
- Đẩy mạnh, nâng cao
hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan công tác bảo đảm an
ninh, trật tự trong hoạt động DLCĐ; phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo đảm
phòng, chống cháy nổ tại các điểm DLCĐ; tuyên truyền, đẩy mạnh phong trào Toàn
dân bảo vệ an ninh Tổ quốc cho các bên liên quan hoạt động DLCĐ; kịp thời phát hiện
sai phạm, sơ hở, thiếu sót, nguy cơ mất an toàn để chấn chỉnh kịp thời.
- Tăng cường quản lý
các hoạt động DLCĐ, tình hình sử dụng nhân sự phục vụ các hoạt động DLCĐ, tình
hình phát triển cơ sở vật chất của các khu vực đăng ký tham gia hoạt động DLCĐ,
tình hình sử dụng đất,… để giảm đến mức tối thiểu tình trạng chiếm dụng đất và
hoạt động sai với quy hoạch, giảm thiểu các hoạt động gây mất trật tự xã hội,…
- Tăng cường đào tạo,
nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự như: Công tác
quản lý cư trú, hoạt động của khách du lịch nước ngoài đến địa phương, công tác
phòng cháy, chữa cháy; công tác phòng, chống cháy nổ của từng hộ dân, cơ sở
tham gia hoạt động DLCĐ, công tác quản lý nhà nước về an ninh quốc phòng,… Căn cứ
tình hình phát triển DLCĐ tại địa phương, xây dựng, triển khai các kế hoạch đảm
bảo an ninh trật tự. Điều tra, xử lý các vụ việc vi phạm an ninh trật tự xảy
ra, đấu tranh phòng, chống tội phạm trong hoạt động DLCĐ.
5.8. Giải pháp xây
dựng hệ thống quản lý, công cụ quản lý DLCĐ tỉnh
Mô hình hệ thống,
công cụ quản lý DLCĐ tỉnh Hậu Giang
5.9. Giải pháp xây
dựng bộ nhận diện thương hiệu, phần mềm hướng dẫn, quảng bá DLCĐ
5.9.1. Xây dựng bộ
nhận diện thương hiệu DLCĐ
- Tên thương hiệu:
Tạm xác định là “DLCĐ tỉnh Hậu Giang”.
- Logo: Thiết kế để
tương xứng với hình ảnh bảy chiếc xuồng Ngã Bảy với màu sắc chủ đạo của bộ nhận
diện toàn tỉnh Hậu Giang là màu xanh lá.
- Slogan/tagline: Có thể
thay đổi linh hoạt theo từng chiến dịch truyền thông, quảng bá cụ thể.
Slogan/tagline phục vụ chiến dịch hình thành và quảng bá DLCĐ trước mắt của
tỉnh Hậu Giang là “Về Ngôi Nhà Xanh”.
- Thiết kế trang phục
Mascot: Thiết kế một bộ trang phục riêng đặc trưng cho DLCĐ tỉnh Hậu Giang để
Bé Khóm có thể khoác lên mình với hai tone màu chính là tone màu xanh lá và
tone màu nâu.
- Các ấn phẩm và vật
phẩm văn phòng: Tuân thủ theo các thiết kế của bộ nhận diện thương hiệu DLCĐ
tỉnh Hậu Giang, từ màu sắc chủ đạo, đến logo,... cho tất cả các hoạt động, các vật
phẩm như danh thiếp, trang mẫu văn bản, phong bì, hóa đơn, thẻ nhân viên, ấn
phẩm, vật phẩm marketing,...
- Đồng bộ bộ nhận
diện thương hiệu online, offline và ngoài trời.
5.9.2. Phần mềm hướng
dẫn, quảng bá DLCĐ
- Phần mềm phải hoạt
động linh hoạt trên cả 03 hệ điều hành nền tảng Windows (cho máy tính PC),
Android và IOS (cho điện thoại thông minh).
- Phần mềm phải đảm
bảo kết nối, liên thông với các hệ thống dữ liệu khác của tỉnh (website của
tỉnh, website du lịch Hậu Giang, App Hậu Giang).
- Phần mềm phải đảm
bảo có khả năng mở rộng thêm các chức năng khi có nhu cầu trong tương lai.
5.10. Giải pháp xây
dựng bộ sản phẩm DLCĐ và các phương án xây dựng mô hình DLCĐ tại tỉnh Hậu Giang
5.10.1. Các bước xây
dựng bộ sản phẩm DLCĐ tại tỉnh Hậu Giang
(Kèm theo Phụ lục I)
5.10.2. Phương án
hình thành các sản phẩm đặc trưng của DLCĐ tại Hậu Giang
a) Nhóm sản phẩm DLCĐ
gắn với nông nghiệp
- Tại cụm DLCĐ khu
vực trồng Khóm Cầu Đúc (Vị Thanh): kêu gọi đầu tư vào các dịch vụ vận chuyển nội
vùng (ghe xuồng tham quan), lưu trú (homestay), ẩm thực, mua sắm đặc sản, tham
quan trải nghiệm. Sản phẩm du lịch này sẽ lấy điểm nhấn từ món ngon từ khóm,
check in vườn khóm và liên kết với các hoạt động buôn bán của chợ nông sản Vị
Thanh (chợ Chồm Hổm); kết hợp hài hòa giữa việc khai thác sản phẩm tàu du lịch
với các di tích như: Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Chiến thắng Chương
Thiện, Khu trù mật Vị Thanh
- Hỏa Lựu, Di tích
lịch sử Chiến thắng Vàm Cái Sình,…
- Tại cụm DLCĐ huyện Châu
Thành A: trọng tâm là homestay Mương Đình kết nối các điểm tham quan như trang
trại nuôi dê Ngọc Đào, nuôi ba ba Thạnh Lợi và các nhà vườn khác; kêu gọi đầu
tư vào các dịch vụ ẩm thực, mua sắm đặc sản, tham quan trải nghiệm.
- Tại cụm DLCĐ huyện
Châu Thành: lấy làng bè Hai Khanh và các hộ dân có vườn cây ăn trái như: Mít,
Chanh không hạt, Bưởi Năm roi làm cơ sở để phát triển loại hình du lịch sinh
thái nông nghiệp, du lịch vườn gắn với các đặc sản chủ lực của huyện.
b) Nhóm sản phẩm DLCĐ
gắn với làng nghề
- Tại cụm DLCĐ làng
nghề trồng trầu Vị Thủy: kêu gọi đầu tư vào các dịch vụ vận chuyển nội vùng (xe
đạp, xe lam), lưu trú (homestay), ẩm thực, mua sắm đặc sản, tham quan trải
nghiệm; tái hiện lại hoạt cảnh sự tích Trầu Cau, trải nghiệm têm trầu, tạo dịch
vụ y học cổ truyền với tinh dầu trầu,… có thể bổ sung thêm điểm tham quan Hợp tác
xã nuôi ba ba, ẩm thực ba ba theo dạng thực dưỡng y học cổ truyền.
- Tại cụm DLCĐ làng
nghề đan Cần xé, thành phố Ngã Bảy: Kêu gọi đầu tư vào các dịch vụ làm hàng lưu
niệm, trải nghiệm đan Cần xé. Lấy làng nghề đan Cần xé và Chợ nổi Ngã Bảy làm
trung tâm kết nối với các nhà vườn, phát triển thành cụm DLCĐ trải nghiệm sông
nước, văn hóa bản địa.
- Tại cụm DLCĐ huyện Phụng
Hiệp: Rà soát các hộ dân làm nghề bó chổi, vót đũa,… tại xã Tân Long, xã Thạnh
Hòa có nhu cầu làm DLCĐ để có cơ sở hỗ trợ hướng dẫn từng bước đưa nơi này
thành điểm DLCĐ gắn với phát triển làng nghề của huyện.
c) Nhóm sản phẩm DLCĐ
gắn với di tích lịch sử văn hóa
- Tại cụm DLCĐ thành
phố Vị Thanh: Kết hợp hài hòa với các di tích lịch sử cách mạng thu hút khách
tham quan như: Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Chiến thắng Chương Thiện, Khu
trù mật Vị Thanh - Hỏa Lựu, Di tích lịch sử Chiến thắng Vàm Cái Sình,…
- Tại cụm DLCĐ huyện
Châu Thành A gần Di tích lịch sử Chiến Thắng Tầm Vu sẽ xây dựng sản phẩm DLCĐ
cùng các hộ gia đình có cựu chiến binh kể câu chuyện lịch sử trong nhà vườn,…
- Tại cụm DLCĐ thành
phố Ngã Bảy với các nhà vườn sầu riêng, măng cụt, vườn dâu, một số điểm du lịch
vườn đang khai thác kết hợp với Di tích lịch sử Trụ sở Ủy ban liên hiệp đình
chiến Nam bộ, Đình thần Phụng Hiệp, Chùa Vĩnh Hiệp, Già Lam cổ tự,….
- Cụm DLCĐ tại huyện
Phụng Hiệp với các hộ dân trồng khóm MD2, trồng bông súng đỏ, các hộ dân làm
nghề bó chổi, vót đũa… là cơ sở quan trọng để kết hợp với các di tích lịch sử
trên địa bàn như: Di tích lịch sử Căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ, Cây Lộc Vừng, các cơ
sở thờ tự, tâm linh,… để thu hút khách du lịch.
d) Nhóm sản phẩm DLCĐ
gắn với sinh thái, cảnh quan thiên nhiên
- Tại cụm DLCĐ tại
huyện Phụng Hiệp, lấy điểm nhấn là Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng kết
hợp với Công ty Cổ phần Nông nghiệp Mùa Xuân Hậu Giang.
- Tại một số cụm DLCĐ
Vị Thanh phù hợp có thể phối hợp các hoạt động trên cảnh quan tự nhiên của kênh
xáng Xà No gắn với sản phẩm tàu du lịch và các kênh rạch khác.
đ) Nhóm sản phẩm DLCĐ
gắn với nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn
- Tại cụm DLCĐ huyện
Châu Thành A: Kêu gọi khởi động lại tour du lịch Miệt Ngàn làm trọng tâm cho
sản phẩm DLCĐ gắn với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp tuần
hoàn.
- Tại cụm DLCĐ huyện
Châu Thành: Kêu gọi Hợp tác xã Ngọc Thành chuyên trồng dưa lưới phát triển mô
hình DLCĐ trong Hợp tác xã gắn với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông
nghiệp tuần hoàn.
g) Nhóm sản phẩm DLCĐ
gắn ẩm thực và sản phẩm OCOP
- Tại cụm DLCĐ trồng
và chế biến mãng cầu xiêm huyện Long Mỹ: sản phẩm DLCĐ là uống trà mãng cầu, ăn
mứt mãng cầu, sinh tố mãng cầu; có thể tạo ra các hoạt động trải nghiệm: Học
làm mứt, làm trà hay tạo cách sinh hoạt văn hóa dưới các tán cây mãng cầu,…
- Tại cụm DLCĐ quýt
đường xã Long Trị (thị xã Long Mỹ): Sản phẩm du lịch có thể xác định trên ẩm
thực với sự sáng tạo của người dân: Bánh xèo ngũ sắc, chè bưởi, bánh dân gian, các
món ăn chay,… lấy khu vực Long Trị làm trọng tâm để xây dựng mô hình DLCĐ giúp
người dân có động lực khôi phục lại cây quýt truyền thống bên cạnh việc có thể
lồng ghép thêm các hình thức khác như: Ẩm thực, sản phẩm OCOP,…
5.10.3 Các bước xây
dựng mô hình DLCĐ chung trên địa bàn tỉnh
(Kèm theo Phụ lục II)
6. Nhu cầu vốn đầu tư
Tổng kinh phí đầu tư
phát triển du lịch cộng đồng của tỉnh: 32,610 tỷ đồng.
- Vốn ngân sách:
20,460 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ: 62,74%.
- Vốn huy động:
12,150 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ: 37,26%.
- Trong đó:
+ Vốn ngân sách giai
đoạn 2023 - 2025: 5,885 tỷ đồng.
+ Vốn huy động giai
đoạn 2023 - 2025: 2,275 tỷ đồng.
+ Vốn ngân sách giai
đoạn 2026 - 2030: 14,575 tỷ đồng.
+ Vốn huy động giai
đoạn 2026 - 2030: 9,875 tỷ đồng.
(Kèm theo Phụ lục III
và Đề án chi tiết)
7. Tổ chức thực hiện
Đề án
7.1. Sở Văn hóa, Thể thao
và Du lịch (Thường trực Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh)
- Là cơ quan đầu mối,
chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND huyện, thị xã,
thành phố cùng các đơn vị liên quan trong việc triển khai thực hiện Đề án. Phối
hợp kêu gọi đầu tư vào các dự án phát triển DLCĐ.
- Căn cứ vào chương
trình hàng năm xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí để triển khai thực hiện
hiệu quả Đề án theo quy định.
- Hướng dẫn, đôn đốc,
kiểm tra việc thực hiện Đề án; tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá việc thực
hiện Đề án theo từng giai đoạn, báo cáo UBND tỉnh.
- Phối hợp với các sở,
ngành liên quan, theo dõi phát hiện những khó khăn, vướng mắc kịp thời tham mưu
UBND tỉnh điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương.
- Thuê đơn vị tư vấn:
Hướng dẫn quy hoạch, lập dự án các mô hình DLCĐ mẫu, đầu tư xây dựng mới, chỉnh
trang điểm đến, tập huấn xây dựng và phát triển các dịch vụ tại điểm đến,
nghiệp vụ quản lý vận hành điểm đến, biểu diễn văn nghệ,... kết nối tour DLCĐ
tại các điểm.
7.2. Đề nghị Ủy ban
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh: Chỉ đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các
cấp phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương, các ngành có liên
quan trong việc tuyên truyền, thực hiện Đề án; vận động Nhân dân nâng cao nhận
thức và tích cực hưởng ứng các hoạt động trực tiếp hoặc gián tiếp góp phần phát
triển du lịch tại địa phương với quan điểm: Phát triển du lịch là trách nhiệm
của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, của toàn xã hội.
7.3. Sở Kế hoạch và
Đầu tư
- Chủ trì, phối hợp
với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cơ quan liên quan, UBND huyện, thị xã,
thành phố kêu gọi đầu tư vào các dự án phát triển DLCĐ.
- Phối hợp với Sở Văn
hóa, Thể thao và Du lịch lồng ghép, vận dụng các chính sách và các chương trình
phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để hỗ trợ phát triển DLCĐ và thực hiện Đề
án.
7.4. Sở Tài chính: Chủ trì cân đối ngân
sách, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các đơn vị có liên quan
tham mưu UBND tỉnh kinh phí thực hiện Đề án theo đúng quy định của pháp luật
hiện hành. Chủ động rà soát, phân bổ, cân đối, sử dụng ngân sách, chú trọng
lồng ghép các nhiệm vụ đã được bố trí trong dự toán hàng năm của cơ quan, đơn
vị theo quy định.
7.5. Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội: Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và
các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tổ chức đào tạo bồi dưỡng, tập
huấn các dự án DLCĐ và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ, phát triển DLCĐ của
tỉnh.
7.6. Công an tỉnh: Chủ trì, phối hợp với
Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch và các sở, ngành, địa phương, tổ chức, doanh
nghiệp có liên quan thực hiện công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự
trong lĩnh vực DLCĐ; đấu tranh phòng, chống tội phạm lợi dụng DLCĐ hoạt động
xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
7.7. Sở Tài nguyên và
Môi trường: Căn
cứ chức năng nhiệm vụ, chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan
tham mưu thực hiện các nội dung trong Đề án theo thẩm quyền.
7.8. Sở Thông tin và
Truyền thông: Chủ
trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cơ quan truyền thông xây
dựng kế hoạch, định hướng nội dung tuyên truyền về phát triển DLCĐ trên các
phương tiện thông tin đại chúng.
7.9. Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn: Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch,
các cơ quan, đơn vị liên quan, UBND huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch,
định hướng phát triển các mô hình du lịch nông nghiệp dựa vào cộng đồng, phát
triển sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch nói chung và DLCĐ nói riêng.
7.10. Sở Công Thương:
Chủ
trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cơ quan, đơn vị liên quan,
UBND huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch, định hướng phát triển hàng hóa
và dịch vụ trong lĩnh vực du lịch để tạo điều kiện phát triển DLCĐ trên địa bàn
tỉnh Hậu Giang.
7.11. Sở Giao thông
vận tải: Căn
cứ chức năng nhiệm vụ, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan, UBND huyện,
thị xã, thành phố tham mưu trong công tác duy tu, bảo dưỡng hạ tầng giao thông
và quản lý, bảo đảm trật tự an toàn giao thông; phát triển mạng lưới giao thông
và phương tiện vận chuyển phục vụ du lịch.
7.12. Sở Xây dựng: Chủ trì phối hợp với
các sở, ban, ngành tỉnh và địa phương liên quan nghiên cứu tích hợp, lồng ghép
quy hoạch phát triển DLCĐ trong quá trình xây dựng quy hoạch những khu vực, địa
bàn, tuyến có khả năng phát triển DLCĐ.
7.13. Báo Hậu Giang, Đài
Phát thanh và Truyền hình Hậu Giang: Xây dựng các chuyên mục, chuyên trang và tăng
cường thời lượng phát, phát sóng nhằm phổ biến các chủ trương, hoạt động của
tỉnh trong thực hiện Đề án; tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các mô hình du lịch
DLCĐ hoạt động hiệu quả để lan tỏa, nhân rộng.
7.14. Đề nghị Liên
minh Hợp tác xã tỉnh: Chủ trì, phối hợp hướng dẫn, hỗ trợ cho các hộ dân và các
doanh nghiệp du lịch đăng ký thành lập các hợp tác xã Du lịch hoặc hợp tác xã
Nông nghiệp - Du lịch phù hợp với điều kiện cụ thể trên từng địa bàn theo đúng
quy định của pháp luật.
7.15. UBND huyện, thị
xã, thành phố
- Xây dựng kế hoạch, chỉ
đạo các địa phương có tiềm năng phát triển DLCĐ nghiên cứu và xây dựng mô hình
phù hợp với lợi thế và điều kiện thực tiễn ở địa phương, phù hợp với khả năng
xây dựng các cơ sở hạ tầng hỗ trợ, nguồn lực đầu tư và khả năng huy động, thu
hút đầu tư ở từng địa điểm cụ thể.
- Phối hợp với sở,
ban, ngành tỉnh kêu gọi đầu tư thu hút và lựa chọn các doanh nghiệp có đủ năng
lực tài chính và kinh nghiệm trong việc tham gia phát triển hoạt động du lịch
cộng đồng tại địa phương.
- Phối hợp với Sở Văn
hóa, Thể thao và Du lịch thành lập các Tổ kinh tế hợp tác quản lý hoạt động
DLCĐ trên địa bàn theo Đề án đã được phê duyệt.
- Hỗ trợ các hộ dân
tham gia DLCĐ về thủ tục vay vốn, thủ tục đăng ký kinh doanh tạo điều kiện cho
người dân tham gia hoạt động kinh doanh du lịch.
Điều 2. Chánh
Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Giám đốc Sở, Thủ
trưởng các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Chủ tịch UBND huyện, thị xã,
thành phố; các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này kể từ ngày ký./.
Nơi nhận:
-
TT: TU, HĐND, UBND tỉnh;
- Như Điều 2;
- Lưu: VT. NCTH. DK
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Hòa
|
PHỤ
LỤC I
Các bước xây dựng bộ sản phẩm DLCĐ tại tỉnh Hậu Giang
(Kèm
theo Quyết định số: 1939/QĐ-UBND ngày 09 tháng 11 năm 2023 của UBND tỉnh Hậu
Giang)
1) Bước 1: Trang bị
kiến thức về DLCĐ và sản phẩm DLCĐ cho người dân làm DLCĐ.
2) Bước 2: Nghiên cứu,
khảo sát và xác định điểm đến DLCĐ có kết hợp giữa tiềm năng du lịch và cộng
đồng.
3) Bước 3: Xây dựng
niềm tin cộng đồng khi thiết kế sản phẩm, cùng cộng đồng sáng tạo ý tưởng.
4) Bước 4: Xác định
nhóm du khách mục tiêu.
5) Bước 5: Xây dựng sản
phẩm DLCĐ:
- Sản phẩm lưu trú;
- Sản phẩm ẩm thực;
- Sản phẩm tour - hoạt động trải nghiệm sống
động và cảm xúc;
- Dịch vụ chăm sóc sức khỏe;
- Hoạt động thể lực: Thể thao,
dưỡng sinh,…
- Hàng hóa, đặc sản địa phương là một trong
những nguồn thu nhập phụ trợ cho hoạt động DLCĐ và du khách cũng vui lòng khi
mua sắm đặc sản, quà lưu niệm;
- Lưu thông và phương tiện vận chuyển;
- Hướng dẫn viên địa phương;
- Dịch vụ cấp cứu;
- Lịch trình tour hoàn chỉnh dựa trên các
dịch vụ, hoạt động trải nghiệm đã được xác định và lựa chọn phù hợp với yêu cầu
của du khách.
6) Bước 6: Thử nghiệm
sản phẩm - Famtrip - Nhận góp ý, chỉnh sửa và hoàn thiện.
7) Bước 7: Cơ cấu định
giá theo thị trường.
8) Bước 8: Hoàn chỉnh
và xúc tiến bán hàng.
PHỤ
LỤC II
Các
bước xây dựng mô hình DLCĐ chung trên địa bàn tỉnh
(Kèm
theo Quyết định số: 1939/QĐ-UBND ngày 09 tháng 11 năm 2023 của UBND tỉnh Hậu
Giang)
1) Bước 1: Xác định địa bàn, rà
soát quy hoạch sử dụng đất tại địa bàn xây dựng.
- Nếu phù hợp quy hoạch sử dụng đất tại địa bàn, thực hiện
tiếp bước 2.
- Nếu không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, địa phương
điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sử dụng đất hàng năm để phù hợp với tình hình
phát triển thực tế tại địa phương.
2) Bước 2: Xác định tên cho mô
hình.
3) Bước 3: Xác định không gian
phát triển mô hình.
4) Bước 4: Tiến hành xây dựng
các thiết chế để vận hành mô hình:
- Thiết lập các hộ kinh doanh DLCĐ.
- Thiết kế cảnh quan chung và từng hộ.
- Xây dựng bộ sản phẩm du lịch cùng các tour, tuyến kết
nối:
+ Sản phẩm lưu
trú;
+ Sản phẩm ẩm
thực;
+ Sản phẩm
tour - các hoạt động trải nghiệm;
+ Dịch vụ chăm
sóc sức khỏe;
+ Hoạt động
thể lực: thể thao, dưỡng sinh…;
+ Hàng hóa,
đặc sản địa phương;
+ Lưu thông và
phương tiện vận chuyển;
+ Hướng dẫn
viên địa phương;
- Xây dựng lịch
trình tour hoàn chỉnh dựa trên các dịch vụ, hoạt động trải nghiệm đã được xác
định và lựa chọn phù hợp với yêu cầu của du khách.
- Xây dựng bộ
thuyết minh chuẩn cho các sản phẩm DLCĐ.
- Xây dựng bộ
thực đơn chuẩn
- Cụ thể hoá
các quy tắc ứng xử cho mô hình
- Nghiên cứu
thị trường và xác định nhóm du khách mục tiêu.
5) Bước 5: Tập huấn.
6) Bước 6: Thành lập tổ kinh tế
hợp tác quản lý hoạt động DLCĐ.
7) Bước 7: Thử nghiệm.
8) Bước 8: Xây dựng,
định giá và phát triển sản phẩm.
9) Bước 9: Marketing và
bán hàng theo cách truyền thống và hiện đại đạt hiệu quả.
10) Bước 10: Đánh giá,
giám sát và đào tạo nguồn nhân lực bền vững.