ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
202/KH-UBND
|
Hải
Phòng, ngày 07 tháng 8 năm 2020
|
KẾ HOẠCH
TỔNG KẾT THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 89/QĐ-TTG NGÀY 09/01/2013 CỦA THỦ TƯỚNG
CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “XÂY DỰNG XÃ HỘI HỌC TẬP GIAI ĐOẠN 2012 - 2020”
Thực hiện Kế hoạch số 326/KH-BGDĐT
ngày 22/5/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về triển khai tổng kết thực hiện Quyết
định số 89/QĐ-TTg ngày 09/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây
dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020”, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành
Kế hoạch tổng kết thực hiện Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 09/01/2013 của Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020” (sau
đây gọi là Đề án 89) như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Đánh giá toàn diện, tổng thể kết quả
thực hiện Đề án 89, trên cơ sở đánh giá kết quả của các Đề án thành phần, tập
trung đánh giá kết quả đạt được so với mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra, những
mặt được, chưa được, nguyên nhân và rút ra bài học kinh nghiệm trong triển khai
thực hiện Đề án 89.
- Đề xuất định hướng, mục tiêu,
phương hướng và giải pháp chủ yếu triển khai nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập
giai đoạn 2021 - 2030.
- Tổ chức biểu dương, khen thưởng các
cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị xã hội, xã hội - nghề nghiệp, các cá nhân
tiêu biểu có đóng góp tích cực trong quá trình thực hiện Đề án 89.
2. Yêu cầu
- Đánh giá tổng kết được tổ chức thực
hiện từ cơ sở xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là cấp xã) đến cấp quận, huyện
(sau đây gọi là cấp huyện) và cấp thành phố.
- Tổng kết phải bám sát các mục tiêu,
nhiệm vụ và giải pháp của Đề án 89 và hướng dẫn tại Kế hoạch này. Hình thức tổng
kết phải bảo đảm thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế, đặc điểm
của từng sở, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, Ủy ban nhân dân các quận, huyện.
- Việc lựa chọn nhân tố, điển hình
tiên tiến để biểu dương, khen thưởng cần bảo đảm chính xác, đúng đối tượng. Các
tập thể, cá nhân được biểu dương, khen thưởng có tác dụng động viên, giáo dục,
có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.
II. NỘI DUNG TỔNG
KẾT
1. Đánh giá công tác chỉ đạo điều
hành, cơ chế phối hợp và trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc triển
khai thực hiện Đề án 89; Công văn số 822/BCĐQG-XHHT ngày 30/01/2013 của Ban Chỉ
đạo Quốc gia xây dựng xã hội học tập về việc triển khai Đề án “Xây dựng xã hội
học tập giai đoạn 2012 - 2020” và các Đề án thành phần; Văn bản số 9467/BCĐ
ngày 20/12/2013 của Ban Chỉ đạo Đề án xây dựng xã hội học tập thành phố về việc
hướng dẫn lập kế hoạch, triển khai, theo dõi và tổng hợp báo cáo kết quả trong
quá trình thực hiện Đề án ở các ngành, các cấp; đồng thời hướng dẫn triển khai
thực hiện các Đề án thành phần, cơ chế phối hợp và trách nhiệm của các cơ quan,
tổ chức liên quan trong việc triển khai thực hiện các Đề án thành phần của Đề
án 89 theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đối với các bộ, ngành;
2. Đánh giá công tác tham mưu, xây dựng
các văn bản chính sách, chỉ đạo thúc đẩy học tập suốt đời, xây dựng xã hội học
tập của các sở, ngành theo lĩnh vực, nhiệm vụ được giao.
3. Đánh giá kết quả việc huy động,
phân bổ ngân sách cho các hoạt động của Đề án 89.
4. Đánh giá những kết quả đạt được so
với mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra, những mặt được, chưa được qua các năm
thực hiện Đề án 89, theo Công văn số 822/BCĐQG-XHHT ngày 30/01/2013 của Ban Chỉ
đạo Quốc gia xây dựng xã hội học tập về việc triển khai Đề án “Xây dựng xã hội
học tập giai đoạn 2012 - 2020” và các Đề án thành phần; Văn bản số 9467/BCĐ
ngày 20/12/2013 của Ban Chỉ đạo thành phố và Kế hoạch thực hiện của các sở,
ngành, cơ quan liên quan, Ủy ban nhân dân các quận, huyện trong quá trình thực
hiện Đề án.
5. Phân tích nguyên nhân của những kết
quả đạt được và hạn chế, yếu kém, từ đó đề xuất định hướng, mục tiêu, phương hướng
và giải pháp chủ yếu triển khai nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021
- 2030.
6. Ghi nhận, giới thiệu, biểu dương,
khen thưởng các điển hình tiên tiến, các mô hình tiêu biểu, có đóng góp tích cực
trong quá trình thực hiện Đề án 89.
III. THỜI GIAN THỰC
HIỆN VÀ HÌNH THỨC TỔ CHỨC
1. Thời gian thực hiện
- Cấp xã: hoàn thành tổng kết trước
ngày 15/8/2020.
- Cấp huyện: hoàn thành tổng kết trước
ngày 31/8/2020.
- Hội nghị tổng kết toàn thành phố dự
kiến tổ chức vào cuối tháng 9/2020.
2. Hình thức tổ chức
- Cấp xã và các sở, ngành, đơn vị và
các cơ quan, đoàn thể liên quan thực hiện tổng kết qua báo cáo.
- Cấp huyện tùy tình hình thực tế có
thể tổ chức hội nghị hoặc tổng kết qua báo cáo.
- Cấp thành phố sẽ tổ chức hội nghị tổng
kết Đề án 89 cùng với Đề án 281 do Hội Khuyến học chủ trì.
IV. ĐỐI VỚI CÔNG
TÁC KHEN THƯỞNG
1. Đối tượng khen thưởng
Các tập thể, cá nhân thuộc sở, ngành,
đoàn thể, đơn vị và các địa phương có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong việc
triển khai Đề án 89.
2. Hình thức khen thưởng
- Tặng bằng khen của Thủ tướng Chính
phủ.
- Tặng bằng khen của Bộ Giáo dục và
Đào tạo.
- Tặng bằng khen của Chủ tịch Ủy ban
nhân dân thành phố.
(Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với
Ban Thi đua Khen thưởng - Sở Nội vụ hướng dẫn cụ thể về công tác khen thưởng).
V. KINH PHÍ THỰC
HIỆN
Các sở, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội,
và các cơ quan có liên quan, Ủy ban nhân dân các quận, huyện sử dụng nguồn ngân
sách nhà nước giao hàng năm và kinh phí cho tổng kết Đề án 89; huy động các nguồn
kinh phí hợp pháp khác (nếu có) để thực hiện tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện
Đề án 89.
VI. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Là cơ quan thường trực, giúp Ủy ban
nhân dân thành phố triển khai thực hiện Kế hoạch này; hướng dẫn các sở, ngành,
đơn vị và các địa phương thực hiện báo cáo kết quả thực hiện Đề án 89 (đề cương
báo cáo, phụ lục báo cáo...). Trên cơ sở tổng hợp báo cáo của các các sở,
ngành, tổ chức, cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân các quận, huyện xây dựng dự
thảo báo cáo của Ủy ban nhân dân thành phố về tổng kết kết quả thực hiện Đề án
89.
- Tổng kết 02 Đề án thành, phần: Đề
án “Phát triển đào tạo từ xa giai đoạn 2015-2020” theo Quyết định số
1559/QĐ-TTg ngày 10/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ; Đề án “Xóa mù chữ đến năm
2020” theo Quyết định số 692/QĐ-TTg ngày 04/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ và
các Thông tư, văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan
liên quan triển khai các công việc chuẩn bị cho Hội nghị tổng kết thực hiện Đề
án 89 trên phạm vi toàn thành phố.
- Chủ trì, phối hợp với Ban Thi đua -
Khen thưởng (Sở Nội vụ) hướng dẫn công tác biểu dương, khen thưởng các tập thể,
cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong công tác thực hiện Đề án 89 và các Đề án
thành phần của các sở, ngành, tổ chức và Ủy ban nhân dân các quận, huyện.
- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền
thông, Báo Hải Phòng, Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng đẩy mạnh công tác
tuyên truyền về kết quả thực hiện Đề án 89 của thành phố; xây dựng các phóng sự,
chuyên đề về những tập thể, cá nhân điển hình, cố gắng tự học, tự bồi dưỡng
thành tài, tích cực học tập suốt đời, tham gia xây dựng xã hội học tập.
2. Các sở, ngành, đoàn thể, tổ chức
xã hội
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao,
tiến hành tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án 89 và các Đề án thành phần;
đề xuất khen thưởng tập thể, cá nhân tiêu biểu của ngành, tổ chức, gửi Sở Giáo
dục và Đào tạo (cơ quan thường trực) tổng hợp, đề nghị các cấp khen thưởng, cụ
thể:
- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Tổng
kết, đánh giá kết quả thực hiện Quyết định số 208/QĐ-TTg ngày 27/01/2014 của Thủ
tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong
các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ”.
- Sở Thông tin và Truyền thông: Tổng
kết, đánh giá kết quả thực hiện Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 13/11/2014 của
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Truyền thông về xây dựng xã hội học tập”.
- Sở Lao động Thương binh và Xã hội:
Tổng kết, đánh giá kết quả học tập của người lao động nông thôn, những người hết
tuổi lao động, người nội trợ, người khuyết tật theo các mục tiêu đề ra tại Đề
án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, Đề án “Trợ giúp người
khuyết tật giai đoạn 2012 - 2020” và Chương trình hành động quốc gia về người
cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2012 - 2020. Đánh giá việc mở rộng các hình thức dạy
nghề trong các doanh nghiệp, công ty, khu công nghiệp trên địa bàn thành phố, dạy
nghề gắn với sản xuất và dạy nghề ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo; xây
dựng các chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên diện chính sách, nhóm đối tượng
những người hết tuổi lao động, người khuyết tật có điều kiện thuận lợi để học tập
suốt đời.
- Sở Nội vụ: Tổng kết, đánh giá kết
quả thực hiện đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội
ngũ cán bộ, công chức từ cấp xã đến cấp thành phố theo các mục tiêu đề ra trong
kế hoạch của Bộ, ngành và theo hướng dẫn triển khai của Ban Chỉ đạo Đề án xây dựng
xã hội học tập thành phố.
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn: Tổng kết, đánh giá kết quả xây dựng các chương trình, học liệu học tập suốt
đời liên quan đến nông nghiệp và nông thôn, xây dựng chính sách hỗ trợ cho lao
động nông thôn có điều kiện thuận lợi để học tập suốt đời.
- Liên đoàn Lao động thành phố: Tổng
kết, đánh giá kết quả thực hiện Quyết định số 231/QĐ-TTg ngày 13/02/2015 của Thủ
tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong
công nhân lao động tại các doanh nghiệp đến năm 2020”.
- Hội Khuyến học thành phố: Tổng kết,
đánh giá kết quả thực hiện Quyết định số 281/QĐ-TTg ngày 20/02/2014 của Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình,
dòng họ, cộng đồng đến năm 2020” kết hợp với tổ chức biểu dương, khen thưởng
các mô hình học tập tiêu biểu giai đoạn 2016 - 2020.
- Thành đoàn Hải Phòng: Tổng kết,
đánh giá kết quả tuyên truyền về xây dựng xã hội học tập cho các đoàn viên,
thanh niên; xây dựng phong trào thanh niên tình nguyện, thanh niên tài năng; vận
động gây quỹ hỗ trợ thanh niên có hoàn cảnh khó khăn tham gia học tập.
- Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố: Tổng
kết, đánh giá kết quả tuyên truyền về xây dựng xã hội học tập trong phong trào
“Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và cuộc
vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”; tuyên truyền, vận động phụ nữ, trẻ
em gái ở những vùng khó khăn chưa biết chữ ra học các lớp xóa mù chữ.
3. Ban Thi đua Khen thưởng - Sở Nội vụ
Chịu trách nhiệm phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo
hướng dẫn cụ thể về công tác khen thưởng trong việc triển khai Đề án 89; thẩm định,
đề xuất, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố khen thưởng các tập thể, cá nhân có
thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong việc triển khai Đề án 89 theo quy định.
4. Ủy ban nhân dân các quận, huyện
- Chỉ đạo triển khai tổng kết, đánh giá kết quả thực
hiện Đề án 89 và các Đề án thành phần trên địa bàn.
- Khen thưởng, biểu dương tập thể, cá nhân có thành
tích xuất sắc trong quá trình thực hiện Đề án 89 và Đề án thành phần.
- Đề xuất khen thưởng tập thể, cá nhân tiêu biểu
trên địa bàn quận, huyện gửi Sở Giáo dục và Đào tạo tổng hợp, đề nghị các cấp
khen thưởng.
- Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về kết
quả thực hiện Đề án 89.
5. Báo cáo tổng kết Đề án 89 và hồ sơ đề nghị
khen thưởng của các sở, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, Ủy ban nhân dân các quận,
huyện gửi về Sở Giáo dục và Đào tạo (qua Phòng Giáo dục thường xuyên - Chuyên
nghiệp & Đại học và theo địa chỉ thư điện tử: dohonghai@haiphong.edu.vn, điện
thoại 02253.810486; di động: 0913575506) trước ngày 05/9/2020. Sở Giáo dục và
Đào tạo tổng hợp, báo cáo Ủy ban trước ngày 20/9/2020.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc
đề nghị các sở, ngành, đơn vị và Ủy ban nhân dân quận, huyện phản ánh kịp thời
về cơ quan thường trực (Sở Giáo dục và Đào tạo) để xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận:
- Bộ GD&ĐT;
- TT Thành ủy, TT HĐND TP;
- CT, PCT Lê Khắc Nam;
- UBMTTQVN thành phố;
- Ban Tuyên giáo Thành ủy;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể TP;
- UBND các quận, huyện;
- Ban Thi đua Khen thưởng - Sở NV;
- Báo HP, Đài PT&TH HP;
- Cổng Thông tin điện tử TP;
- Hội Khuyến học Hải Phòng;
- Hội Cựu giáo chức, Hội Cựu chiến binh, Hội nông dân, Hội người cao tuổi TP;
- CVP, PCVP Tr.H.Kiên;
- Phòng NCKTGS;
- CV: GD;
- Lưu: VT.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Khắc Nam
|