THỦ TƯỚNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 208/QĐ-TTg
|
Hà Nội, ngày 27
tháng 01 năm 2014
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN "ĐẨY MẠNH CÁC HOẠT ĐỘNG HỌC TẬP SUỐT ĐỜI TRONG CÁC
THƯ VIỆN, BẢO TÀNG, NHÀ VĂN HÓA, CÂU LẠC BỘ"
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày
25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật giáo dục ngày 14 tháng
6 năm 2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục ngày 25 tháng
11 năm 2009;
Căn cứ Luật di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều
của Luật di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Pháp lệnh thư viện ngày 28 tháng 12 năm 2000;
Căn cứ Quyết định số 89/QĐ-TTg
ngày 09 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Xây dựng
xã hội học tập giai đoạn 2012- 2020";
Căn cứ Quyết định số 2164/QĐ-TTg ngày 11 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ Phê
duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở
giai đoạn 2013 - 2020, định hướng đến năm 2030;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn
hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số
255/TTr-BVHTTDL ngày 05 tháng 11 năm 2013,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án "Đẩy mạnh các hoạt động học
tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ" (sau
đây gọi tắt là Đề án) với những nội dung chủ yếu sau đây:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu tổng thể
Tăng cường tổ chức các hoạt động giáo
dục, học tập, phục vụ học tập trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ phù hợp đối tượng người sử dụng ở từng vùng, miền, địa phương nhằm tạo điều
kiện thuận lợi và cung cấp nhiều cơ hội cho người dân, đặc biệt ở vùng sâu,
vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn được học tập thường xuyên, từ đó khuyến khích nhu cầu, thói quen học tập suốt đời, góp
phần nâng cao trình độ dân trí, năng lực sáng tạo, kỹ năng lao động; cải thiện
và nâng cao chất lượng cuộc sống.
2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020
a) Đối với hệ thống thư viện:
- Phấn đấu 100% thư viện cấp tỉnh,
80% thư viện cấp huyện và 50% thư viện cấp xã tổ chức cung cấp dịch vụ truy nhập Internet miễn phí để người dân được tiếp cận với thông tin,
tri thức phục vụ nhu cầu học tập, nâng cao hiểu biết và các nhu cầu khác; thường
xuyên tổ chức các lớp hướng dẫn sử dụng thư viện, tra cứu
tìm kiếm thông tin, tri thức phù hợp với nhu cầu của người sử dụng, người dân
sinh sống trên địa bàn; tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về các vấn đề mà
cộng đồng quan tâm;
- Phấn đấu 80% thư viện cấp tỉnh, 60% thư viện cấp huyện và 40% thư viện cấp xã ở khu vực thành thị,
đồng bằng; 60% thư viện cấp tỉnh, 40% thư viện cấp huyện, và 20% thư viện cấp
xã vùng trung du, miền núi phối hợp với các cơ quan, đơn vị
có liên quan thường xuyên tổ chức các lớp hướng dẫn, cập nhật kỹ năng, kiến thức
cần thiết cho lực lượng lao động ở địa phương;
- Số lượt người sử dụng thư viện công
cộng hằng năm tăng bình quân 10%; tỷ lệ người dân trên địa bàn sử dụng thư viện
phục vụ nhu cầu học tập, tìm hiểu kiến thức nâng cao hiểu biết đạt 10-15% số
dân.
b) Đối với hệ thống bảo tàng:
- Phấn đấu thu hút số lượt khách nội
địa tham quan bảo tàng hằng năm tăng bình quân 10% trong đó khuyến khích khách
thăm quan là học sinh, sinh viên; một số bảo tàng cấp quốc
gia và bảo tàng chuyên ngành xây dựng bộ sưu tập hiện vật tiêu biểu để trưng
bày lưu động;
- Phấn đấu 100% bảo tàng cấp tỉnh ký
kết với Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương chương trình
phối hợp giáo dục thông qua di sản văn hóa; tổ chức học tập về lịch sử, văn hóa
địa phương ngay tại bảo tàng;
- Phấn đấu 60% bảo tàng cấp tỉnh tổ
chức hoạt động giới thiệu các di sản văn hóa nhân Ngày Di sản văn hóa nhằm thu hút nhân dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên tham dự.
c) Đối với hệ thống
nhà văn hóa, câu lạc bộ:
- Thu hút 60% số dân ở khu vực thành thị,
đồng bằng và 40% số dân ở khu vực trung du, miền núi tham gia các hoạt động văn
hóa, thể thao, du lịch phục vụ cho mục đích học tập, nâng cao kiến thức, hiểu
biết.
II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP
1. Củng cố cơ sở hạ tầng, hiện đại hóa
phương thức hoạt động, phát triển mạng lưới thư viện, bảo tàng,
nhà văn hóa, câu lạc bộ, tổ chức các hoạt động học tập, dịch vụ phục vụ học tập
phù hợp với đối tượng ở từng vùng, miền, địa phương.
a) Thư viện:
- Xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất,
trang thiết bị bảo đảm cơ sở hạ tầng để tăng cường tổ chức các hoạt động học tập,
phục vụ học tập trong các thư viện; đổi mới phương thức hoạt động theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ
thông tin, chú trọng xây dựng nguồn lực thông tin điện tử, xây dựng bộ phận tài
liệu phù hợp với đặc điểm dân cư trên địa bàn, trong đó đặc biệt chú ý tới người
dân tộc, người khiếm thị, trẻ em;
- Chú trọng phát triển mạng lưới thư
viện phục vụ nông thôn theo hướng tổ chức mô hình thư viện lưu động, thư viện kết
hợp với trung tâm văn hóa, thể thao cấp xã, trung tâm học tập cộng đồng, điểm
bưu điện - văn hóa xã; tăng cường công tác luân chuyển sách báo giữa các thư viện;
khuyến khích, tạo điều kiện cho thư viện tư nhân phục vụ cộng đồng phát triển.
b) Bảo tàng:
- Cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất,
trang thiết bị cho bảo tàng đủ điều kiện tổ chức các hoạt động học tập suốt đời; tăng cường đưa di sản tới cơ sở thông qua các hình thức triển lãm
lưu động, trưng bày chuyên đề; đổi mới hoạt động bảo tàng, gắn di sản văn hóa với
giáo dục học đường;
- Khuyến khích và tạo điều kiện phát
triển mạng lưới bảo tàng ngoài công lập; khuyến khích và tôn vinh các tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ xây dựng các
chương trình giáo dục trong bảo tàng.
c) Nhà văn hóa, câu lạc bộ:
- Hoàn thiện, phát triển thiết chế
văn hóa, thể thao thuộc ngành văn hóa, thể thao và du lịch
quản lý bao gồm thiết chế văn hóa cấp tỉnh, huyện, đặc biệt là cấp xã và thôn,
bản, ấp, buôn, làng, phum, sóc (sau đây gọi là thôn, bản) theo hướng chuẩn hóa
về mô hình tổ chức, cơ sở vật chất,
trang thiết bị, cơ cấu tổ chức và đội ngũ công chức, viên chức;
- Tăng thời gian và nâng cao chất lượng
hoạt động của nhà văn hóa, câu lạc bộ, đội thông tin lưu động; tổ chức các loại
hình câu lạc bộ theo sở thích, phù hợp với từng đối tượng.
2. Nâng cao năng lực tổ chức hoạt động
học tập suốt đời cho đội ngũ công chức, viên chức làm việc trong các thư viện,
bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ; đổi mới nội dung,
phương thức hoạt động tuyên truyền về học tập suốt đời trong các thư viện, bảo
tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ.
a) Nâng cao năng lực tổ chức hoạt động
học tập suốt đời cho đội ngũ công chức, viên chức làm việc trong các thư viện,
bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ trên các mặt: kiến thức, kỹ năng tổ chức,
cũng như vai trò, trách nhiệm viên chức trong quá trình
triển khai nhiệm vụ này thông qua các lớp tập huấn, tham quan, học tập trong nước và nước ngoài; đặc biệt nâng cao ý thức về
tự học, học tập thường xuyên của chính bản thân công chức, viên chức làm việc
trong các thiết chế văn hóa này, để cán bộ thư viện thực sự trở thành người tư
vấn hướng dẫn tìm kiếm và sử dụng thông tin, tri thức một cách phù hợp, đáp ứng
nhu cầu học tập của mọi tầng lớp nhân dân.
b) Đổi mới nội dung, phương thức hoạt
động tuyên truyền về học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn
hóa, câu lạc bộ:
- Nội dung tuyên
truyền: Tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học tập suốt đời để
nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân trong
việc học tập thường xuyên, từ đó hình thành thói quen tự học; về vai trò, ý
nghĩa của thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ trong việc học tập suốt đời
của người dân, từ đó khuyến khích nhân dân, cộng đồng tham gia hưởng ứng các hoạt
động giáo dục, học tập, hỗ trợ học tập được tổ chức trong các thư viện, bảo
tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ cũng như đóng góp về vật lực, trí lực, nhân lực
cho hoạt động này;
- Phương thức tuyên truyền:
+ Tổ chức tuyên truyền trên các
phương tiện thông tin đại chúng; thành lập chuyên mục xây dựng xã hội học tập,
học tập suốt đời; xây dựng phóng sự chuyên đề về học tập suốt đời trong các thiết
chế thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ;
+ Khuyến khích, tạo điều kiện cho các
đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp và không chuyên xây dựng các chương trình nghệ
thuật, các tác phẩm về việc học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ.
3. Tăng cường hợp tác quốc tế
a) Tăng cường giao lưu, học hỏi kinh nghiệm quốc tế về: tổ chức các hoạt động học tập ngoài
nhà trường tại các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ; đào tạo nhân lực;
và tuyên truyền, vận động cộng đồng.
b) Huy động các nguồn lực tài chính hợp
pháp và tranh thủ sự hỗ trợ kỹ thuật của các nước, các tổ chức quốc tế để triển
khai Đề án này.
III. KINH PHÍ VÀ CƠ CHẾ TÀI
CHÍNH
1. Nguồn kinh phí thực hiện Đề
án bao gồm: nguồn ngân sách nhà nước theo
phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành (Ngân sách Trung ương, Ngân sách địa
phương) và các nguồn tài chính hợp pháp khác.
2. Các cơ quan, đơn vị có liên quan
căn cứ các nhiệm vụ được giao, hàng năm, lập dự toán kinh phí thực hiện và tổng
hợp chung vào dự toán chi ngân sách nhà nước của cơ quan, đơn vị mình, gửi cơ
quan tài chính cùng cấp để bố trí kinh phí thực hiện theo
quy định.
a) Ngân sách Trung ương chi cho các
nhiệm vụ sau:
- Nghiên cứu, xây dựng mô hình đẩy mạnh
các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng,
nhà văn hóa, câu lạc bộ;
- Biên soạn tài liệu và tổ chức tập
huấn;
- Triển khai thí điểm và triển khai
nhân rộng;
- Kiểm tra, giám
sát, đánh giá tác động, hiệu quả của việc triển khai thực hiện Đề án.
b) Ngân sách địa phương chi cho các
nhiệm vụ sau:
- Củng cố, nâng cấp cơ sở hạ tầng,
phát triển mạng lưới thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ;
- Các hoạt động tuyên truyền tại địa
phương;
- Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức,
viên chức của ngành, in ấn tài liệu học tập.
IV. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
- Xây dựng kế hoạch và tổ chức triển
khai thực hiện Đề án;
- Xây dựng mô hình
hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ;
chỉ đạo và hướng dẫn triển khai thực hiện;
- Biên soạn tài liệu hướng dẫn tổ chức
các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo
tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ; tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho công chức, viên
chức của Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch về kỹ năng tổ chức các hoạt động học
tập suốt đời trong các thiết chế văn hóa nằm trong phạm vi thực hiện của Đề án;
- Chỉ đạo, hướng
dẫn các địa phương củng cố, kiện toàn về tổ chức, nâng cấp cơ sở vật chất của
các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ;
- Kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu
quả việc triển khai thực hiện Đề án của các địa phương và định kỳ báo cáo Thủ
tướng Chính phủ.
2. Bộ Giáo dục và Đào tạo:
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa,
Thể thao và Du lịch xây dựng các chương trình giáo dục thông qua thư viện, bảo
tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ trong
trường phổ thông các cấp;
- Chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo các
địa phương củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các trung tâm học
tập cộng đồng; phối hợp chặt chẽ với Sở Văn hóa, Thể thao và
Du lịch trong việc xây dựng mô hình hoạt động lồng ghép giữa trung tâm học tập
cộng đồng và trung tâm văn hóa, thể thao cấp xã;
- Kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu
quả việc giáo dục thông qua các thiết chế thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu
lạc bộ trong các cơ sở giáo dục và định kỳ gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
3. Bộ Thông tin và Truyền thông:
Tích cực xây dựng và triển khai có hiệu
quả Đề án Truyền thông về xây dựng xã hội học tập (trong đó có nội dung tuyên
truyền về hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa,
câu lạc bộ.
4. Bộ Tài chính:
- Bố trí nguồn kinh phí thường xuyên
hằng năm để thực hiện Đề án theo quy định của pháp luật;
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa,
Thể thao và Du lịch và các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn cơ chế quản lý tài
chính, đầu tư đối với các hoạt động của Đề án; phối hợp kiểm tra, giám sát việc
thực hiện Đề án.
5. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương:
- Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án hàng năm và từng giai đoạn phù hợp với chiến
lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đến năm 2020; bố trí ngân sách
cho các hoạt động học tập suốt đời được tổ chức trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa,
câu lạc bộ;
- Xây dựng kế hoạch củng cố, kiện
toàn, phát triển các thiết chế thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ theo
quy hoạch đã được phê duyệt; bảo đảm các nguồn lực để các thiết chế này hoạt động
có hiệu quả, bền vững;
- Chỉ đạo các cơ quan phát thanh,
truyền hình, báo của địa phương xây dựng chuyên mục tuyên
truyền về xây dựng xã hội học tập trong đó có tuyên truyền về học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ;
- Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám
sát việc thực hiện Đề án tại địa phương; định kỳ hàng năm báo cáo tình hình thực
hiện Đề án gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổng hợp báo cáo Thủ tướng
Chính phủ.
6. Các tổ chức
chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp:
- Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam,
Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam,
Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu giáo chức Việt Nam,
Hội Người cao tuổi Việt Nam phối hợp với các cơ quan nhà nước có liên quan và các tổ chức xã hội khác tích cực tuyên truyền, nâng cao
ý thức tự học, học tập thường xuyên của cán bộ, công chức, viên chức, người lao
động thuộc cơ quan, tổ chức mình và của nhân dân;
- Hội Thư viện Việt Nam, Hội Di sản
văn hóa Việt Nam tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan của Bộ Văn
hóa, Thể thao và Du lịch trong việc xây dựng mô hình học tập
suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa; tham gia giám sát, đánh giá việc thực hiện Đề án;
- Hội Khuyến học Việt Nam nghiên cứu
đưa nội dung tổ chức và triển khai các hoạt động học tập
suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc
bộ thành một trong những tiêu chí công nhận "cộng đồng
học tập" của các địa phương.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký ban hành.
Điều 3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng
cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các
đoàn thể;
- Các Hội: Cựu Giáo chức VN, Người cao tuổi VN, Thư viện
VN, Di sản văn hóa VN, Khuyến học VN;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: KTTH, TCCV,
TKBT, TH, V.III;
- Lưu: Văn thư, KGVX (3b)
|
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Vũ Đức Đam
|