ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 08/KH-UBND
|
Cần Thơ, ngày 16
tháng 01 năm 2017
|
KẾ HOẠCH
THỰC
HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG THÀNH PHỐ CẦN THƠ NĂM
2017
Căn cứ Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19 tháng 5
năm 2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011
đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02
tháng 9 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục
tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020;
Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ ban hành Kế
hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững thành phố
Cần Thơ năm 2017, cụ thể như sau:
I. ĐẶC ĐIỂM VÀ THỰC
TRẠNG NGHÈO, CẬN NGHÈO
1. Đặc điểm tình hình:
Sau một năm thực hiện chuẩn nghèo tiếp cận đa
chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020, với những chính sách trợ giúp chung
theo quy định và các chính sách hỗ trợ đặc thù của thành phố được triển khai
thực hiện đồng bộ có hiệu quả, đã giúp cho hàng ngàn hộ nghèo, hộ cận nghèo
giảm bớt thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản, thu nhập được nâng cao, mức sống
được cải thiện, vượt qua chuẩn nghèo về thu nhập.
Qua đó, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố đã hạ
xuống còn 3,75% so với hộ dân, giảm 1,37% tỷ lệ hộ nghèo, đạt 137% so với mục
tiêu kế hoạch đề ra1. Tuy nhiên,
số hộ thoát nghèo chỉ mới vượt qua chuẩn nghèo về thu nhập hoặc giảm bớt thiếu
hụt về dịch vụ xã hội cơ bản, sau khi vượt qua chuẩn nghèo phần lớn đều rơi vào
diện cận nghèo, cần được tiếp tục trợ giúp và đây cũng là vấn đề mà các địa
phương cần quan tâm hơn nữa trong việc triển khai thực hiện Chương trình; đồng
thời cũng cần nghiên cứu và đề ra nhiều hơn nữa các giải pháp khả thi để đảm
bảo Chương trình thực hiện có tính hiệu quả và bền vững.
2. Thực trạng nghèo,
cận nghèo:
Qua kết quả rà soát
hộ nghèo, hộ cận nghèo đến ngày 31 tháng 12 năm 2016; thành phố Cần Thơ hiện còn 11.993 hộ
nghèo chiếm tỷ lệ 3,75% và 10.274
hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 3,21%; với các đặc trưng sau:
a) Hộ nghèo khu vực
thành thị: 6.577 hộ - tỷ lệ 3,02%
b) Hộ nghèo khu vực
nông thôn: 5.416 hộ - tỷ lệ 5,33%
c) Hộ nghèo dân tộc
thiểu số: 1.146 hộ - tỷ lệ 9,56%2
d) Hộ nghèo chính
sách Người có công: 101 hộ - tỷ lệ 0,84%
đ) Hộ nghèo chính
sách bảo trợ xã hội: 1.830 hộ - tỷ lệ 15,26%3
e) Phân theo nhóm
thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản:
- Tiếp cận dịch vụ y
tế: 827 hộ - tỷ lệ 6,90%
- Bảo hiểm y tế: 7.817
hộ - tỷ lệ 65,18%
- Trình độ giáo dục
người lớn: 2.992 hộ - tỷ lệ 24,95%
- Tình trạng đi học
của trẻ em: 1.724 hộ - tỷ lệ 14,38%
- Chất lượng nhà ở
tạm bợ, thiếu kiên cố: 7.775 hộ - tỷ lệ 64,83%
- Diện tích nhà ở
dưới 8m2/người: 4.236 hộ - tỷ
lệ 35,32%
- Nguồn nước sinh
hoạt chưa hợp vệ sinh: 3.272 hộ - tỷ lệ 27,28%
- Hố xí hợp vệ sinh: 6.758
hộ - tỷ lệ 56,35%
- Sử dụng dịch vụ
viễn thông: 2.272 hộ - tỷ lệ 18,94%
- Tài sản phục vụ
tiếp cận thông tin: 1.034 hộ - tỷ lệ 8,62%
II.
MỤC TIÊU GIẢM NGHÈO:
1.
Mục tiêu chung:
Nâng dần tỷ lệ hộ
nghèo tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản; nâng cao mức sống, thu nhập
của hộ nghèo, hộ cận nghèo; phấn đấu đến cuối năm 2017 giảm 1% tỷ lệ hộ nghèo
tương ứng 3.124 hộ, hạ tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 2,75% so với hộ dân; giảm 2% tỷ
lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số, tương ứng 179 hộ; hạ tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu
số xuống còn 10,80% so với hộ dân tộc thiểu số.
2.
Các chính sách, dự án thuộc Chương trình:
Để đạt được mục tiêu
trên, ngay từ đầu năm 2017 các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố và Ủy ban
nhân dân quận, huyện cần triển khai đồng bộ các chính sách, dự án hỗ trợ người
nghèo như: y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng ưu đãi, khuyến nông, dạy nghề, giải
quyết việc làm, xuất khẩu lao động, nhân rộng mô hình giảm nghèo hiệu quả, hỗ
trợ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31
tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ ... được cụ thể hóa bằng các chỉ tiêu
như sau:
a) Chính sách trợ
giúp:
- Cung cấp tín dụng
ưu đãi cho 36.403 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và đối tượng
chính sách khác vay số tiền 810.882 triệu đồng; trong đó có 5.545 lượt hộ nghèo
được vay 122.459 triệu đồng, 9.153 lượt hộ cận nghèo vay 234.059 triệu đồng,
8.684 lượt hộ mới thoát nghèo vay 204.321 triệu đồng để phát triển sản xuất, tăng thu nhập,
cải thiện mức sống, có điều kiện vươn lên thoát nghèo.
- Cấp thẻ bảo hiểm y
tế miễn phí cho 44.246 người nghèo, người dân tộc thiểu số vùng khó khăn, người
đang sinh sống trên địa bàn đặc biệt khó khăn; 35.137 người thuộc hộ cận nghèo; đảm bảo 100%
các thành viên trong hộ
nghèo,
hộ cận nghèo đều được cấp thẻ (bao gồm các trường hợp đã được cấp thẻ diện khác
như: chính sách người có công, bảo trợ xã hội, trẻ em dưới 6 tuổi...).
- Thực hiện đầy đủ
chính sách hỗ trợ giáo dục cho khoảng 25.000 học sinh, sinh viên nghèo theo Nghị
định số 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ như: hỗ trợ chi phí học tập, miễn giảm học
phí cho học sinh nghèo, kinh phí 8.685 triệu đồng; thực hiện chính sách đặc thù
của thành phố hỗ trợ kinh phí học tập cho 30 học sinh, sinh viên dân tộc thiểu
số nghèo, cận nghèo đang theo học tại các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp,
trung cấp nghề với kinh phí 155,2 triệu đồng.
- Xây dựng 1.000 căn
nhà hỗ trợ hộ nghèo kinh phí 33.680 triệu đồng; trong đó, xây dựng 210 căn theo
Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg kinh phí 8.400 triệu đồng; 790 căn còn lại từ
nguồn vận động xã hội hóa của các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể kinh phí
25.280 triệu đồng.
- Tổ chức thực hiện
tuyên truyền, tư vấn và trợ giúp pháp lý miễn phí cho 100% hộ nghèo có nhu cầu
trên địa bàn thành phố theo Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
- Trợ cấp tiền điện
hàng quí cho 11.993 hộ nghèo và 1.999 hộ chính sách xã hội với số tiền 8.082
triệu đồng.
- Trợ cấp trực tiếp
để hỗ trợ phát triển sản xuất cho 324 hộ nghèo vùng khó khăn4, với
1.270 khẩu với số tiền 101,60 triệu đồng.
- Thực hiện chính
sách đặc thù của thành phố trợ cấp Tết Nguyên đán năm 2017 cho 11.993 hộ nghèo
số tiền 9.594 triệu đồng.
- Lồng ghép đề án dạy
nghề cho lao động nông thôn theo quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, để hỗ
trợ cho 400 người nghèo, cận nghèo được học nghề gắn với tạo việc làm, kinh phí
1.200 triệu đồng.
- Lồng ghép Chương
trình khuyến nông theo Nghị định số 02/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2010 của
Chính phủ, để tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn cách làm ăn cho
1.000 lượt hộ nghèo, kinh phí 1.000 triệu đồng.
- Triển khai thực
hiện một số chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở và giải quyết việc làm cho hộ
dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn theo Quyết định 29/2013/QĐ-TTg của
Thủ tướng Chính phủ, với 206 hộ được hỗ trợ, kinh phí thực hiện 11.031 triệu
đồng.
b) Dự án thuộc Chương
trình:
- Nhân rộng mô hình
giảm nghèo bền vững.
Các quận, huyện tiếp
tục nhân rộng các mô hình sinh kế/giảm nghèo hiệu quả trên địa bàn, dự kiến có
109 mô hình được thực hiện với kinh phí 46.010 triệu đồng, trong đó nguồn vốn
tín dụng ưu đãi 30.428 triệu đồng và vận động cộng đồng 15.882 triệu đồng.
- Nâng cao năng lực
giảm nghèo, truyền thông, giám sát.
+ Tổ chức tập huấn
công tác giảm nghèo cho 854 cán bộ cơ sở, trong đó có trên 90% là cán bộ
làm công tác giảm nghèo cấp xã, ấp;
+ Thực hiện các hoạt
động truyền thông về giảm nghèo bền vững thông qua hình thức tuyên truyền từ
báo, đài, tờ rơi.
+ Tổ chức các cuộc
đối thoại cộng đồng về chính sách giảm nghèo, đối thoại cán bộ cơ sở về công
tác quản lý và thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững ở
địa phương;
+ Tổ chức kiểm tra,
giám sát, đánh giá tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo trên
địa bàn huyện, xã;
Tổng kinh phí thực
hiện là 600 triệu đồng từ nguồn ngân sách thành phố. Thực hiện quản lý Chương
trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững bằng phần mềm do Bộ Lao động -
Thương binh và Xã hội chuyển giao trên địa bàn quận, huyện và thành phố, khuyến
khích và chuyển giao nghiệp vụ quản lý bằng phần mềm cho các xã, phường, thị
trấn có điều kiện tiếp cận và sử dụng.
c) Trợ giúp xã hội:
Thực hiện đầy đủ
chính sách trợ giúp đối tượng bảo trợ xã hội ngoài cộng đồng và đang được nuôi
dưỡng tập trung trong các cơ sở xã hội theo Nghị định số 06/2011/NĐ-CP, Nghị
định số 28/2012/NĐ-CP và Nghị định số 136/2013/NĐ- CP của Chính phủ.
3.
Kinh phí thực hiện:
Tổng dự toán kinh phí
thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn thành
phố năm 2017 là 935.685,25 triệu đồng, trong đó:
a) Ngân sách Trung
ương: 32.102,40 triệu đồng
b) Ngân sách địa
phương: 58.000,85 triệu đồng
c) Vốn vay ưu đãi: 817.152,00
triệu đồng
d) Vận động cộng
đồng: 28.430,00 triệu đồng
III.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
1. Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội: Chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và Ủy
ban nhân dân quận, huyện triển khai thực hiện tốt các chính sách, dự án giảm
nghèo thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững theo quy định; tổ chức thực
hiện các hoạt động truyền thông, nâng cao năng lực giảm nghèo, giám sát đánh
giá, dạy nghề cho người nghèo, điều tra rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối
năm.
2. Sở Kế hoạch và Đầu
tư: Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính cân đối ngân sách và phân bổ nguồn lực
cho kế hoạch; phối hợp các sở, ban, ngành liên quan thực hiện lồng ghép Chương trình mục
tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới với Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm
nghèo bền vững của thành phố đạt hiệu quả cao.
3. Sở Tài chính: Phối
hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư bố trí ngân sách thực hiện kế hoạch; theo dõi cấp
phát, hướng dẫn và giám sát chi tiêu tài chính thực hiện chương trình.
4. Sở Y tế: Tổ chức
và thực hiện khám chữa bệnh cho người nghèo, người cận nghèo; tạo điều kiện
thuận lợi cho người nghèo, người thuộc hộ cận nghèo tiếp cận các dịch vụ chăm
sóc sức khỏe, nhất là ở tuyến cơ sở.
5. Sở Giáo dục và Đào
tạo: Chủ trì, phối hợp với các địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ chi phí
học tập, miễn giảm học phí, trợ cấp học bổng, hỗ trợ dụng cụ học tập đối với
học sinh con hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, gia đình chính sách, dân tộc
thiểu số, theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ và các chính sách trợ
giúp khác đối với học sinh, sinh viên nghèo, hoàn cảnh khó khăn theo quy định.
6. Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn: Chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành liên quan chỉ đạo và
hướng dẫn các địa phương thực hiện các công trình cơ sở hạ tầng phục vụ sản
xuất, lồng ghép các chính sách, dự án về khuyến nông, khuyến ngư và hỗ trợ phát
triển nông nghiệp để trợ giúp người nghèo.
7. Sở Xây dựng: Chủ
trì, phối hợp các sở, ban, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện tổ chức
thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg .
8. Sở Tư pháp: Chủ
trì, chỉ đạo thực hiện tư vấn và trợ giúp pháp lý miễn phí cho hộ nghèo, hộ dân
tộc thiểu số có nhu cầu theo Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
9. Sở Thông tin và
Truyền thông: Chủ trì phối hợp các sở, ban, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân
quận, huyện triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp
cận thông tin và sử dụng dịch vụ viễn thông theo quy định.
10. Cục Thuế: Thực
hiện miễn giảm thuế nông nghiệp, đất ở cho hộ nghèo theo quy định.
11. Bảo hiểm xã hội
thành phố: Chỉ đạo và hướng dẫn Bảo hiểm xã hội quận, huyện phối hợp Phòng Lao
động - Thương binh và Xã hội thực hiện cấp thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, hỗ
trợ kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo, hộ gia đình làm nông
nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình kịp thời, tránh trùng lắp đối tượng.
12. Ngân hàng Chính
sách xã hội chi nhánh thành phố Cần Thơ: Chủ trì, phối hợp quận, huyện, tổ chức
chính trị, xã hội, đoàn thể cung cấp tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
và các đối tượng chính sách khác vay vốn phát triển sản xuất, tham gia mô hình
sinh kế/giảm nghèo, tham gia xuất khẩu lao động, làm nhà ở, vay vốn học tập...
để tạo điều kiện nâng cao thu nhập, cải thiện mức sống, vươn lên thoát nghèo.
13. Ban Dân tộc thành
phố: Chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành thành phố theo dõi, đôn đốc nhắc nhở,
tổng hợp tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố kiểm tra, chỉ đạo các địa phương tổ
chức thực hiện một số chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở và giải quyết việc làm
cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn trên địa bàn thành phố
Cần Thơ theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng
Chính phủ và chính sách trợ giúp khác đối với đồng bào dân tộc thiểu số theo
quy định.
14. Đề nghị Ủy ban
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố tiếp tục đẩy mạnh vận động quỹ “Vì người
nghèo” để thực hiện các hoạt động hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở và tham gia nhân
rộng mô hình sinh kế/giảm nghèo để tăng thu nhập. Chỉ đạo các thành viên Mặt
trận, các tổ chức xã hội, đoàn thể tiếp tục phát huy thành quả đạt được về xã
hội hóa góp phần thực hiện tốt Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền
vững ở các địa phương.
15. Đề nghị Hội Liên
hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh…: Thực hiện công
tác tuyên truyền, giáo dục thường xuyên đối với hội viên nghèo để nâng cao nhận
thức, ý thức vươn lên thoát nghèo; hỗ trợ công tác dạy nghề, phối hợp Ngân hàng
Chính sách xã hội chi nhánh thành phố Cần Thơ hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho hộ
nghèo phát triển sản xuất và tham gia xây dựng các mô hình sinh kế/giảm nghèo
bền vững ở địa phương.
16. Ủy ban nhân dân
quận, huyện:
a) Xây dựng và triển
khai kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững năm
2017 trên địa bàn; chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn xây dựng và
triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền
vững trên cơ sở kế hoạch chung của quận, huyện.
b) Chỉ đạo Ủy ban
nhân dân xã, phường, thị trấn phân loại các nhóm hộ nghèo theo nguyên nhân, để
có các chính sách, giải pháp trợ giúp phù hợp; chủ động xây dựng và nhân rộng
các mô hình sinh kế/giảm nghèo hiệu quả, phấn đấu các xã, phường, thị trấn đều
có ít nhất 1 mô hình được thực hiện nhân rộng trên địa bàn; phân công giao
nhiệm vụ và kêu gọi sự trợ giúp từ doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, các tổ chức
chính trị - xã hội và cá nhân đối với hộ nghèo; tạo phong trào thi đua làm kinh
tế giỏi, thoát nghèo vươn lên khá giả trong cộng đồng dân cư.
Các sở, ban ngành,
đoàn thể liên quan và Ủy ban nhân dân quận, huyện triển khai thực hiện kế
hoạch, nhiệm vụ được giao; lồng ghép thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia
giảm nghèo bền vững với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới
và các kế hoạch: Kế hoạch số 37/KH-UBND ngày 24 tháng 3 năm 2016 của Ủy ban nhân dân thành
phố Cần Thơ về triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ đối
với đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020; Kế hoạch số 68/KH-UBND ngày
31 tháng 5 năm 2016 của
Ủy ban
nhân dân thành phố Cần Thơ về việc triển khai thực hiện Quyết định số 401/QĐ-TTg ngày 14
tháng 3 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch số 58/KH-UBND ngày 20
tháng 5 năm 2015 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ về thực hiện Chỉ
thị số 1971/CT-TTg ngày 27 tháng 10 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về
tăng cường công tác dân tộc thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai
đoạn 2015 - 2020; Kế hoạch liên tịch số 02/KHLT-UBND- UBMTTQVNTP ngày 01 tháng
12 năm 2016 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam thành phố Cần Thơ về tổ chức thực hiện Nghị quyết liên tịch số 88/NQLT/CP-UBMTTQVN
ngày 07 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, về
việc phối hợp thực hiện giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn
minh.
Trên đây là Kế hoạch
thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững tại thành phố Cần
Thơ năm 2017; yêu cầu các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân quận, huyện xây
dựng Kế hoạch và triển khai thực hiện. Đồng thời, Báo cáo kết quả thực hiện Kế
hoạch định kỳ 6 tháng (trước ngày 10 tháng 6), cả năm (trước ngày 15 tháng 11)
về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân
thành phố và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội./.
(Đính kèm Phụ lục 1,
Phụ lục 2 và Phụ lục 3)
Nơi nhận:
-
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội;
- Văn phòng QG về giảm nghèo;
- TT.TU, TT.HĐND, UBND TP (1AB);
- Các sở, ban, ngành liên quan;
- UBND quận, huyện;
- VP.UBND TP (3C);
- Lưu: VT.TP
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.
CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê
Văn Tâm
|