VIỆN
KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
- TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO - BỘ CÔNG AN - BỘ QUỐC PHÒNG -
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
01/2022/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP-BLĐTBXH
|
Hà
Nội, ngày 18 tháng 02 năm 2022
|
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
QUY ĐỊNH VỀ PHỐI HỢP GIỮA CÁC CƠ QUAN CÓ THẨM QUYỀN TRONG TIẾP NHẬN, GIẢI
QUYẾT TỐ GIÁC, TIN BÁO VỀ TỘI PHẠM, KIẾN NGHỊ KHỞI TỐ, ĐIỀU TRA, TRUY TỐ, XÉT XỬ
SƠ THẨM CÁC VỤ ÁN XÂM HẠI TÌNH DỤC NGƯỜI DƯỚI 18 TUỔI
Căn cứ Bộ luật Tố tụng hình sự
ngày 27 tháng 11 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng
hình sự ngày 12 tháng 11 năm 2021;
Căn cứ Luật Tổ chức Cơ quan điều
tra hình sự ngày 26 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy
phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Nghị quyết số 121/2020/QH14
ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả
việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em;
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân
tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ
Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội liên tịch ban hành
quy định về phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong tiếp nhận, giải quyết
tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ
thẩm các vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi
điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Thông tư liên tịch này quy định
quan hệ phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong thực hiện một số quy định
của Bộ luật Tố tụng hình sự về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm,
kiến nghị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm các vụ án xâm hại tình dục
người dưới 18 tuổi.
2. Thông tư liên tịch này áp dụng đối
với các đối tượng sau:
a) Các cơ quan có thẩm quyền tiến
hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;
b) Cơ quan Lao động - Thương binh và
Xã hội các cấp và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của
pháp luật;
c) Người bị tố giác, người bị kiến
nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị buộc tội, người
làm chứng; người bị xâm hại tình dục dưới 18 tuổi.
Điều 2. Nguyên tắc
phối hợp
1. Bảo đảm tuân thủ đúng chức năng,
nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật.
2. Bảo đảm phối hợp thường xuyên, nhanh
chóng, kịp thời.
3. Tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền
con người, danh dự, nhân phẩm, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của người bị
xâm hại tình dục dưới 18 tuổi, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố,
người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị buộc tội, người làm chứng.
4. Bảo mật thông tin cá nhân của người
bị xâm hại tình dục dưới 18 tuổi, người tố giác, báo tin có liên quan đến hành
vi xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi.
5. Bảo đảm tuân thủ các quy định của
Bộ luật Tố tụng hình sự và các văn bản pháp luật có liên quan.
Điều 3. Trách nhiệm
phối hợp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân
1. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố
tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, cơ quan Lao động - Thương binh và
Xã hội các cấp và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong phạm vi chức
năng, nhiệm vụ của mình khi tham gia giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm,
kiến nghị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm vụ án xâm hại tình dục người
dưới 18 tuổi có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ thực hiện các nội dung sau:
a) Bảo mật thông tin cá nhân của người
dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục; có biện pháp ứng phó kịp thời, loại trừ những
nguy cơ dẫn đến người dưới 18 tuổi có thể tiếp tục bị xâm hại đến tính mạng, sức
khỏe, danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác;
b) Kịp thời thu thập, bảo quản chứng
cứ và nhanh chóng thực hiện khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ ổn định tinh thần cho
người bị xâm hại tình dục dưới 18 tuổi, bảo đảm việc giải quyết tố giác, tin
báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm vụ án
nhanh chóng, kịp thời, đúng pháp luật;
c) Bảo đảm quyền có người đại diện,
người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi
trong hoạt động tố tụng;
d) Thực hiện các hoạt động khác trong
quá trình giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra,
truy tố, xét xử sơ thẩm vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi theo quy định
của pháp luật.
2. Khi người bị tố giác, người bị kiến
nghị khởi tố, người bị buộc tội, người làm chứng, người bị xâm hại dưới 18 tuổi
tham gia tố tụng, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền
tiến hành tố tụng phải phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan
bảo vệ và tạo điều kiện để cho họ yên tâm học tập và lao động, đồng thời tham
gia tố tụng thuận lợi.
Điều 4. Bảo đảm
quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi trong hoạt động tố tụng
Việc phối hợp cử người giám hộ, người
đại diện, người trợ giúp pháp lý, người bào chữa tham gia tố tụng bảo vệ quyền
và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị
buộc tội, người bị xâm hại tình dục dưới 18 tuổi được thực hiện theo quy định tại
các điều 8, 9 và 10 Thông tư liên tịch số
06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 21/12/2018 của Viện kiểm
sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động
- Thương binh và Xã hội về phối hợp thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng
hình sự về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi (sau đây viết tắt là
Thông tư liên tịch số 06/2018).
Điều 5. Thu thập,
bảo quản, đánh giá, sử dụng chứng cứ
1. Các cơ quan có thẩm quyền tiến
hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và cơ quan, tổ chức, cá
nhân có liên quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối
hợp chặt chẽ trong việc thu thập, bảo quản, đánh giá, sử dụng chứng cứ chứng
minh hành vi xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi.
2. Ngay khi phát hiện hành vi xâm hại
tình dục người dưới 18 tuổi, cơ quan có thẩm quyền phải kịp thời phối hợp với
cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người có thẩm quyền kiểm tra thân thể người bị
xâm hại tình dục, thu thập các dấu vết sinh học chứng minh hành vi xâm hại tình
dục.
3. Việc thu thập chứng cứ chứng minh
hành vi xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi phải kịp thời, ngay từ khi phát hiện
sự việc xảy ra, phải bảo đảm vừa thu thập dấu vết, vừa ứng phó kịp thời tình huống
cấp cứu người bị xâm hại tình dục, hạn chế đến mức thấp nhất số lần lấy lời
khai người bị xâm hại tình dục dưới 18 tuổi. Đối với các vụ xâm hại tình dục
người dưới 18 tuổi xảy ra từ lâu, có nhiều khó khăn trong thu thập chứng cứ,
thu thập các dấu vết, xác định hiện trường thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát
phải phối hợp chặt chẽ ngay từ khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến
nghị khởi tố để kịp thời thu thập, đánh giá, sử dụng chứng cứ. Cơ quan điều
tra, Viện kiểm sát cấp trên có trách nhiệm hướng dẫn về nghiệp vụ, pháp luật, kịp
thời trả lời thỉnh thị của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát cấp dưới để bảo đảm
quá trình giải quyết tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Chương II
PHỐI HỢP TRONG
GIAI ĐOẠN TIẾP NHẬN, GIẢI QUYẾT TỐ GIÁC, TIN BÁO VỀ TỘI PHẠM VÀ KIẾN NGHỊ KHỞI
TỐ, GIAI ĐOẠN ĐIỀU TRA VỤ ÁN
Điều 6. Tiếp nhận
tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của các cơ quan có thẩm quyền tiến
hành tố tụng
1. Việc tiếp nhận tố giác, tin báo về
tội phạm, kiến nghị khởi tố của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng được
thực hiện theo quy định của Thông tư liên tịch số
01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29/12/2017 của Bộ Công an, Bộ
Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện kiểm sát
nhân dân tối cao quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc
thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải
quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố (sau đây viết tắt là
Thông tư liên tịch số 01/2017) và Thông tư liên tịch số
01/2021/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29/11/2021 sửa đổi, bổ sung
một số điều của Thông tư liên tịch số 01/2017 (sau đây viết tắt là Thông tư
liên tịch số 01/2021).
2. Cơ quan điều tra có thẩm quyền sau
khi thụ lý giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thì thông
báo ngay cho cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện nơi người bị
xâm hại tình dục dưới 18 tuổi cư trú hoặc nơi xảy ra vụ việc xâm hại tình dục
biết để phối hợp thực hiện ngay các hoạt động hỗ trợ, bảo vệ người dưới 18 tuổi
bị xâm hại tình dục theo quy định của pháp luật.
Điều 7. Tiếp nhận
tố giác, tin báo về tội phạm của Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm
Công an, Đồn Biên phòng, Trạm kiểm soát Biên phòng ở khu vực biên giới đất liền,
bờ biển, hải đảo
1. Công an xã, phường, thị trấn, Đồn
Công an, Trạm Công an khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm xâm hại tình dục
người dưới 18 tuổi thực hiện theo quy định tại Điều 5, Điều 6 Thông tư số
43/2021/TT-BCA ngày 22/4/2021 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định trách nhiệm của
lực lượng Công an nhân dân trong việc thực hiện một số trình tự, thủ tục tố tụng
hình sự thân thiện trong quá trình tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội
phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra vụ án xâm hại người dưới 18 tuổi; Thông tư
liên tịch số 01/2017 và Thông tư liên tịch số 01/2021.
2. Đồn Biên phòng, Trạm kiểm soát
Biên phòng ở khu vực biên giới đất liền, bờ biển, hải đảo khi tiếp nhận tố
giác, tin báo về tội phạm xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi thực hiện theo
quy định Thông tư liên tịch số 01/2017 và Thông tư liên tịch số 01/2021.
Trường hợp cần giải cứu, bảo vệ người
Việt Nam dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục ở khu vực biên giới đất liền, hải đảo
thì Đồn Biên phòng, Trạm kiểm soát Biên phòng ở khu vực biên giới đất liền, bờ
biển, hải đảo có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền của nước có
chung đường biên giới để giải cứu, bảo vệ họ; đồng thời báo ngay cho Cơ quan điều
tra có thẩm quyền và tiếp tục phối hợp, hỗ trợ trong quá trình giải quyết tiếp
theo.
Điều 8. Cơ quan
Lao động - Thương binh và Xã hội nhận thông tin, thông báo, tố giác về hành vi
xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi, thực hiện kiến nghị khởi tố
1. Cơ quan Lao động - Thương binh và
Xã hội các cấp, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111) khi nhận
thông tin, thông báo, tố giác về việc người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục
thì thực hiện theo quy trình được quy định tại Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày
09/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em.
2. Trường hợp có các thông tin, tài
liệu phản ánh về việc người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục trên địa bàn thì
cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội có văn bản kiến nghị khởi tố và tài liệu
kèm theo gửi đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền, đồng thời thông báo ngay bằng
văn bản cho Viện kiểm sát có thẩm quyền biết. Cơ quan điều tra có thẩm quyền có
trách nhiệm thụ lý và giải quyết kiến nghị khởi tố, thông báo kết quả giải quyết
cho cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội biết theo đúng quy định của Bộ luật
Tố tụng hình sự.
Điều 9. Các cơ
quan, tổ chức khác nhận thông tin, thông báo, tố giác về hành vi xâm hại tình dục
người dưới 18 tuổi
Các cơ quan, tổ chức khác ngay sau
khi phát hiện, tiếp nhận thông tin, thông báo, tố giác về hành vi xâm hại tình
dục người dưới 18 tuổi phải chuyển ngay cho Công an xã, phường, thị trấn, Đồn
Công an, Trạm Công an hoặc Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Các cơ sở y tế trong phạm vi chức
năng, nhiệm vụ được giao, khi tiếp nhận, khám chữa bệnh nếu phát hiện bệnh nhân
là người dưới 18 tuổi có dấu hiệu bị xâm hại tình dục thì ưu tiên điều trị
thương tích, kiểm tra, ghi nhận, thu thập, bảo quản các dấu vết trên cơ thể người
bị xâm hại đồng thời thông báo và phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền theo
quy định của pháp luật về khám, chữa bệnh.
Điều 10. Phân loại,
kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
1. Việc phối hợp trong phân loại, kiểm
tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố về hành vi xâm hại
tình dục người dưới 18 tuổi thực hiện theo quy định của Thông tư liên tịch số
01/2017 và Thông tư liên tịch số 01/2021.
2. Việc kiểm tra, xác minh, thu thập
chứng cứ phải khẩn trương đồng thời tạo điều kiện cho các cơ sở khám chữa bệnh,
các cơ quan có chức năng và tổ chức xã hội khác khám, điều trị, hỗ trợ cho người
bị xâm hại dưới 18 tuổi. Các cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội, giám định
và cơ quan chức năng khác có trách nhiệm kịp thời hỗ trợ Cơ quan điều tra có thẩm
quyền, Viện kiểm sát trong quá trình giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm,
kiến nghị khởi tố.
3. Chậm nhất 07 ngày trước khi kết
thúc việc kiểm tra, xác minh hoặc hết thời hạn kiểm tra, xác minh tố giác, tin
báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Điều tra viên chủ động trao đổi với Kiểm
sát viên rà soát đánh giá toàn bộ các chứng cứ, tài liệu đã thu thập được, việc
phối hợp đánh giá chứng cứ được thể hiện bằng văn bản. Nếu thấy cần bổ sung chứng
cứ thì Kiểm sát viên yêu cầu bổ sung kịp thời. Nếu thấy các chứng cứ còn mâu
thuẫn chưa được làm rõ thì Điều tra viên tiếp tục thu thập bổ sung các chứng cứ.
Trường hợp việc đánh giá chứng cứ khó khăn thì Điều tra viên và Kiểm sát viên
báo cáo lãnh đạo hai cơ quan để đánh giá các chứng cứ đã thu thập được, bảo đảm
việc kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố về hành
vi xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi có căn cứ, đúng thời hạn luật định.
Điều 11. Phối hợp
xác định tuổi của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị buộc tội,
người bi xâm hại tình dục dưới 18 tuổi
1. Việc xác định tuổi của người bị
xâm hại tình dục, người bị buộc tội dưới 18 tuổi được thực hiện theo trình tự,
thủ tục quy định tại Điều 417 của Bộ luật Tố tụng hình sự và
Điều 6 Thông tư liên tịch số 06/2018.
Việc xác định tuổi người bị tố giác,
người bị kiến nghị khởi tố dưới 18 tuổi được thực hiện theo quy định tương ứng
tại khoản 1, khoản 2 Điều 417 của Bộ luật Tố tụng hình sự và
khoản 1, khoản 2 Điều 6 Thông tư liên tịch số 06/2018.
2. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có
trách nhiệm tạo điều kiện cung cấp cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền các giấy
tờ, tài liệu theo quy định của Thông tư liên tịch số 06/2018 để xác định độ tuổi
của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị buộc tội và người bị
xâm hại tình dục dưới 18 tuổi.
Điều 12. Phối hợp
trong khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, xem xét dấu vết trên thân thể
1. Việc phối hợp trong khám nghiệm hiện
trường, khám nghiệm tử thi được thực hiện như sau:
a) Trình tự, thủ tục khám nghiệm hiện
trường, khám nghiệm tử thi được thực hiện theo quy định tại Điều
201 và Điều 202 của Bộ luật Tố tụng hình sự;
b) Trước khi khám nghiệm, Điều tra
viên chủ trì cung cấp thông tin liên quan đến nội dung cần khám nghiệm cho Kiểm
sát viên biết để thực hiện việc kiểm sát. Điều tra viên chủ động trao đổi với
Kiểm sát viên, Giám định viên, người có chuyên môn khi phát hiện, ghi nhận, thu
giữ, bảo quản các dấu vết, vật chứng, tài liệu tại hiện trường, tử thi trong
khi khám nghiệm để bảo đảm việc khám nghiệm tuân thủ đúng quy định của pháp luật;
c) Kiểm sát viên chủ động trao đổi với
Điều tra viên về những nội dung phát hiện, ghi nhận, thu giữ, bảo quản các dấu
vết, vật chứng, tài liệu tại hiện trường, tử thi. Trường hợp không thống nhất
được các nội dung cần thu thập chứng cứ thì Kiểm sát viên, Điều tra viên phải
báo cáo lãnh đạo hai cơ quan để kịp thời xử lý theo quy định.
2. Việc phối hợp xem xét dấu vết trên
thân thể người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị buộc tội, người bị
xâm hại tình dục dưới 18 tuổi thực hiện theo quy định tại Điều
203 của Bộ luật Tố tụng hình sự và bảo đảm hạn chế tối đa phải thực hiện
nhiều lần đối với người bị xâm hại dưới 18 tuổi.
Quá trình xem xét dấu vết trên thân
thể, thực hiện việc giám định phải ghi nhận đầy đủ trong biên bản ghi nhận dấu
vết trên thân thể, đánh dấu vị trí thương tích, chụp ảnh dấu vết thương tích. Nếu
nhận thấy người bị xâm hại có biểu hiện bất thường, hoảng loạn về tâm lý thì mời
và phối hợp với cha, mẹ, người thân trong gia đình, chuyên gia tâm lý, người
đang có trách nhiệm quản lý, chăm sóc, giáo dục người dưới 18 tuổi bị xâm hại
tình dục hoặc cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội liên hiệp phụ nữ,
Đoàn thanh niên cùng cấp nơi phát hiện người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục
tham gia hỗ trợ.
Điều 13. Phối hợp
trong việc trưng cầu giám định
1. Cơ quan điều tra có trách nhiệm
như sau:
a) Kịp thời ban hành quyết định trưng
cầu giám định khi có căn cứ cho rằng người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục;
cung cấp đầy đủ các thông tin, tài liệu có liên quan cho Giám định viên. Trường
hợp người có hành vi phạm tội bị bắt quả tang, dấu vết rõ ràng, Cơ quan điều
tra có thẩm quyền có thể mời tổ chức giám định phân công Giám định viên tham
gia trực tiếp để kiểm tra dấu vết thân thể, thu mẫu giám định người bị bắt, người
bị xâm hại tình dục;
b) Phối hợp với Viện kiểm sát thuyết
phục nếu người bị xâm hại tình dục dưới 18 tuổi và gia đình từ chối giám định,
trường hợp họ vẫn từ chối mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại
khách quan thì ra quyết định dẫn giải và thông báo cho Viện kiểm sát biết;
c) Trước khi ra quyết định trưng cầu
giám định có thể trao đổi với cơ quan, tổ chức, cá nhân dự kiến được trưng cầu
giám định những vấn đề cần trưng cầu giám định, thực hiện giám định;
d) Gửi quyết định trưng cầu giám định
và kết luận giám định cho Viện kiểm sát có thẩm quyền trong thời hạn quy định tại
khoản 3 Điều 205 và khoản 2 Điều 213 của Bộ luật Tố tụng hình sự;
đ) Theo dõi, đôn đốc việc thực hiện
quyết định trưng cầu giám định;
e) Yêu cầu tổ chức, cá nhân thực hiện
giám định giải thích cụ thể về kết quả giám định trong trường hợp kết luận giám
định chưa rõ ràng.
2. Giám định viên, tổ chức được trưng
cầu giám định có trách nhiệm như sau:
a) Giám định và ban hành kết luận
giám định trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được quyết định trưng cầu giám
định. Trường hợp không thể tiến hành trong thời hạn thì kịp thời thông báo bằng
văn bản để cơ quan trưng cầu giám định biết, nêu rõ lý do, thời gian dự kiến
ban hành kết luận giám định;
b) Gửi kết luận giám định cho cơ quan
đã trưng cầu giám định trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều
213 của Bộ luật Tố tụng hình sự;
c) Kịp thời có mặt để thực hiện kiểm
tra dấu vết, thu mẫu giám định trong trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều
này; trường hợp không thể có mặt thì phải thông báo ngay và nêu rõ lý do cho Điều
tra viên biết;
d) Khi tiến hành giám định, nếu thấy
nội dung yêu cầu giám định chưa rõ ràng thì yêu cầu cơ quan trưng cầu giám định
giải thích và bổ sung tài liệu. Khi cơ quan trưng cầu đề nghị, Giám định viên kịp
thời giải thích cụ thể các vấn đề trong kết luận giám định.
3. Viện kiểm sát có trách nhiệm như
sau:
a) Phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều
tra xác định các nội dung yêu cầu cần trưng cầu giám định để làm rõ hành vi xâm
hại tình dục; đánh giá kết luận giám định, yêu cầu tổ chức, cá nhân thực hiện
giám định giải thích rõ nội dung kết luận giám định theo quy định của pháp luật;
b) Trường hợp Viện kiểm sát trưng cầu
giám định thì Viện kiểm sát thực hiện theo quy định tương ứng tại khoản 1 Điều
này.
4. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có
trách nhiệm như sau:
a) Cơ quan Lao động - Thương binh và
Xã hội, cơ quan đang có trách nhiệm quản lý, chăm sóc, giáo dục người dưới 18
tuổi bị xâm hại tình dục, Hội liên hiệp Phụ nữ, Đoàn thanh niên và chính quyền
địa phương có trách nhiệm tạo điều kiện cử đại diện tham gia phối hợp trong hoạt
động giám định khi có yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;
b) Khi có yêu cầu của cơ quan, người
có thẩm quyền tiến hành tố tụng thì chính quyền địa phương và các cơ quan, tổ
chức, cá nhân có liên quan cung cấp hồ sơ, lý lịch và các tài liệu cần thiết
khác cho tổ chức, cá nhân thực hiện giám định để hỗ trợ hoạt động giám định.
Điều 14. Phối hợp
trong việc lấy lời khai, hỏi cung người tham gia tố tụng dưới 18 tuổi
1. Việc lấy lời khai người bị xâm hại
tình dục dưới 18 tuổi được thực hiện theo quy định tại Điều
188, Điều 421 của Bộ luật Tố tụng hình sự và Điều 14 Thông
tư liên tịch số 06/2018.
Trường hợp người bị xâm hại tình dục
dưới 18 tuổi có biểu hiện bất thường, hoảng loạn về tâm lý, Điều tra viên có thể
mời thêm người thân trong gia đình, đại diện nhà trường, chuyên gia tâm lý, đại
diện cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc các tổ chức, cá nhân khác
tham gia khi lấy lời khai để phối hợp hỗ trợ ổn định tâm lý cho người bị xâm hại
tình dục. Người được mời tham gia có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ Điều tra viên
ổn định tâm lý cho người bị xâm hại tình dục và phải giữ bí mật thông tin liên
quan đến việc lấy lời khai.
2. Hoạt động lấy lời khai người làm
chứng, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường
hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, hỏi cung bị can là người dưới 18
tuổi được thực hiện theo quy định tại các điều 183, 186, 421 của
Bộ luật Tố tụng hình sự, Điều 14 Thông tư liên tịch số
06/2018 và quy định tương ứng tại khoản 1 Điều này.
3. Kiểm sát viên kiểm sát chặt chẽ việc
lấy lời khai, hỏi cung của Điều tra viên; nếu thấy lời khai chưa rõ, còn mâu
thuẫn, không phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác thì yêu cầu Điều tra viên
lấy lời khai, hỏi cung bổ sung; nếu phát hiện có vi phạm trong việc lấy lời
khai, hỏi cung thì yêu cầu Điều tra viên khắc phục ngay. Điều tra viên có trách
nhiệm thực hiện các yêu cầu của Kiểm sát viên. Nếu thấy cần thiết, Kiểm sát
viên trực tiếp lấy lời khai, hỏi cung. Điều tra viên có trách nhiệm hỗ trợ, tạo
điều kiện để Kiểm sát viên lấy lời khai, hỏi cung theo quy định pháp luật. Trường
hợp cần ghi lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người
bị tạm giữ, hỏi cung bị can đang bị tạm giam, Điều tra viên phối hợp cung cấp
cho Kiểm sát viên biết về diễn biến tâm lý, thái độ của người bị giữ trong trường
hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can và các thông tin liên quan
để phục vụ việc lấy lời khai và hỏi cung.
Điều 15. Phối hợp
trong hoạt động nhận dạng, thực nghiệm điều tra, nhận biết giọng nói
1. Việc nhận dạng, thực nghiệm điều
tra, nhận biết giọng nói được thực hiện theo quy định tại các điều
190, 191, 204 và 421 của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Chậm nhất 24 giờ trước khi tiến hành,
Điều tra viên báo cho Kiểm sát viên biết thời gian, địa điểm nhận dạng, thực
nghiệm điều tra, nhận biết giọng nói. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát. Điều
tra viên và Kiểm sát viên phối hợp kiểm tra, đánh giá kết quả nhận dạng, thực
nghiệm điều tra, nhận biết giọng nói để đề ra các yêu cầu điều tra tiếp theo.
Trường hợp vì lý do khách quan không có mặt để kiểm sát trực tiếp thì Kiểm sát
viên báo cho Điều tra viên trước khi tiến hành 02 giờ.
2. Trước khi tổ chức nhận dạng, nhận
biết giọng nói, thực nghiệm điều tra, Điều tra viên và Kiểm sát viên trao đổi
thống nhất các nội dung, biện pháp thực hiện. Việc thực nghiệm điều tra chỉ được
tiến hành trong trường hợp nếu không thực hiện thì không giải quyết được vụ án
và chỉ sử dụng biện pháp phù hợp (như dùng mô hình cơ thể người bị hại) để tiến
hành thực nghiệm điều tra. Đối với trường hợp có khó khăn trong thu thập dấu vết
hoặc chưa thu thập được dấu vết hoặc không xác định được hiện trường nơi xảy ra
vụ việc thì Điều tra viên chủ động phối hợp với Kiểm sát viên tiến hành hoạt động
theo quy định của pháp luật để dựng lại hiện trường, diễn lại hành vi, tình huống
để kiểm tra, xác minh tài liệu, tình tiết có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ
án.
3. Trường hợp cần thiết hoặc theo yêu
cầu của người bị hại, bị can hoặc người đại diện hợp pháp của người dưới 18 tuổi,
người bào chữa, có thể mời đại diện cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội
liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Nhà trường, chuyên gia tâm lý hoặc cán bộ trợ
giúp khác tham gia. Những người được mời có trách nhiệm tham gia và phối hợp với
người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người đại diện hợp pháp của người dưới
18 tuổi, người bào chữa để hỗ trợ, ổn định tâm lý cho người dưới 18 tuổi trong
suốt quá trình nhận dạng, thực nghiệm điều tra, nhận biết giọng nói.
Điều 16. Đề ra
yêu cầu điều tra và thực hiện yêu cầu điều tra
Kiểm sát viên phải chủ động phối hợp
hỗ trợ Điều tra viên điều tra thu thập chứng cứ chứng minh sự thật vụ án, chủ động
đề ra yêu cầu điều tra. Nội dung yêu cầu điều tra phải rõ ràng, cụ thể, thực chất
và đầy đủ, bảo đảm việc điều tra vụ án được khách quan, toàn diện, đúng pháp luật.
Điều tra viên phải thực hiện đầy đủ các nội dung của yêu cầu điều tra, chủ động
trao đổi với Kiểm sát viên về những
nội dung cần điều tra. Trường hợp việc thu thập chứng cứ khó khăn thì Điều tra
viên và Kiểm sát viên phối hợp đánh giá để thống nhất những vấn đề cần điều
tra, nếu vẫn không thống nhất được thì báo cáo lãnh đạo hai cơ quan để chỉ đạo
giải quyết.
Điều 17. Kết
thúc điều tra
Chậm nhất 20 ngày trước khi kết thúc
điều tra hoặc hết thời hạn điều tra vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi,
Điều tra viên và Kiểm sát viên phải phối hợp để đánh giá toàn bộ chứng cứ, các
tài liệu và thủ tục tố tụng của vụ án theo quy định tại Điều 31
Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 19/10/2018 của Viện
kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quy định về phối hợp giữa
Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của Bộ
luật Tố tụng hình sự (sau đây viết tắt là Thông tư liên tịch số 04/2018).
Chương III
PHỐI HỢP TRONG
GIAI ĐOẠN TRUY TỐ
Điều 18. Giao nhận
hồ sơ vụ án kết thúc điều tra và vật chứng
1. Việc phối hợp giao nhận hồ sơ vụ
án kết thúc điều tra và vật chứng được thực hiện theo quy định tại Điều 238 của Bộ luật Tố tụng hình sự và Điều
36 Thông tư liên tịch số 04/2018. Cơ quan điều tra thông tin cho Viện kiểm
sát về việc giao nhận hồ sơ vụ án và vật chứng để bố trí, sắp xếp thời gian, tiếp
nhận nhanh chóng, kịp thời.
2. Khi bàn giao hồ sơ vụ án, Cơ quan
điều tra chuẩn bị đầy đủ các tài liệu chứng cứ, hoàn thiện các thủ tục tố tụng
để bàn giao hồ sơ cho Viện kiểm sát. Nếu hồ sơ vụ án chưa đầy đủ (như chưa giao
được kết luận điều tra cho bị can, chưa có bản thống kê vật chứng) hoặc sắp xếp
tài liệu không đúng trình tự so với bảng kê tài liệu, vật chứng; đánh số bút lục
nhầm lẫn thì Viện kiểm sát yêu cầu Cơ quan điều tra bổ sung, khắc phục ngay.
Điều 19. Phối hợp
trong việc bổ sung chứng cứ
1. Việc phối hợp bổ sung chứng cứ phải
tuân thủ quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Trong giai đoạn truy tố, nếu thấy
các chứng cứ đã thu thập còn mâu thuẫn chưa được làm rõ thì Kiểm sát viên trao
đổi với Điều tra viên để yêu cầu bổ sung chứng cứ. Điều tra viên có trách nhiệm
thực hiện yêu cầu bổ sung chứng cứ và chuyển ngay các tài liệu, chứng cứ sau
khi thu thập, bổ sung được cho Kiểm sát viên.
2. Trường hợp cần làm rõ thêm các nội
dung nêu trong kết luận giám định thì Kiểm sát viên mời Giám định viên, đồng thời
thông báo cho Điều tra viên biết để cùng nghe Giám định viên giải thích. Giám định
viên có trách nhiệm giải thích rõ những nội dung yêu cầu của Kiểm sát viên, nội
dung giải thích phải lập thành biên bản và lưu hồ sơ vụ án.
3. Trường hợp Tòa án trả hồ sơ yêu cầu
điều tra bổ sung, Kiểm sát viên phối hợp với Điều tra viên nghiên cứu nội dung
yêu cầu điều tra bổ sung. Nếu yêu cầu điều tra bổ sung có căn cứ và xét thấy
không cần phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì Viện kiểm sát trực tiếp tiến
hành điều tra bổ sung tài liệu, chứng cứ. Điều tra viên có trách nhiệm phối hợp
với Kiểm sát viên tiến hành các hoạt động điều tra. Trường hợp không thể tự điều
tra bổ sung được thì Viện kiểm sát ra quyết định trả hồ sơ vụ án yêu cầu điều
tra bổ sung.
Điều 20. Viện kiểm
sát trực tiếp thực hiện một số hoạt động điều tra
1. Trong giai đoạn truy tố, nếu chứng
cứ chưa được thu thập đầy đủ mà thấy có thể tự khắc phục được thì Kiểm sát viên
và Điều tra viên phối hợp thu thập chứng cứ. Nếu không thể khắc tự phục thì Viện
kiểm sát trả hồ sơ vụ án yêu cầu điều tra bổ sung.
2. Trường hợp thấy cần thiết phải trực
tiếp kiểm tra hiện trường, xem xét các vật chứng, dấu vết thì Kiểm sát viên trao
đổi để Điều tra viên phối hợp thực hiện. Điều tra viên có trách nhiệm phối hợp,
tạo điều kiện để Kiểm sát viên thực hiện các hoạt động trên.
3. Trường hợp cần dựng lại hiện trường
vụ án, diễn lại tình huống thực nghiệm điều tra đơn giản thì Kiểm sát viên chủ
trì, phối hợp với Điều tra viên để thực hiện. Việc thực nghiệm điều tra phải
tuân thủ đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Chương IV
PHỐI HỢP TRONG
GIAI ĐOẠN XÉT XỬ SƠ THẨM
Điều 21. Phối hợp
chuyển, nhận hồ sơ vụ án và bản cáo trạng
1. Viện kiểm sát bàn giao hồ sơ vụ án
xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi và bản cáo trạng cho Tòa án để xét xử sơ thẩm
theo quy định tại Điều 244 và Điều 276 của Bộ luật Tố tụng hình
sự, thông tin cho Tòa án để bố trí, sắp xếp thời gian, tiếp nhận hồ sơ
nhanh chóng, kịp thời.
2. Khi bàn giao hồ sơ vụ án, Viện kiểm
sát chuẩn bị đầy đủ các tài liệu chứng cứ, hoàn thiện các thủ tục tố tụng để
bàn giao hồ sơ cho Tòa án. Nếu hồ sơ vụ án chưa đầy đủ (như chưa giao được cáo
trạng cho bị can, chưa có bản thống kê vật chứng, thiếu danh sách những người cần
triệu tập đến phiên tòa) hoặc sắp xếp tài liệu không đúng trình tự so với bảng
kê tài liệu, vật chứng; đánh số bút lục nhầm lẫn, thì Tòa án yêu cầu Viện kiểm
sát bổ sung, khắc phục ngay.
Điều 22. Phối hợp
trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm
1. Phối hợp trong việc trả hồ sơ vụ
án yêu cầu điều tra bổ sung:
a) Việc phối hợp giữa Tòa án và Viện
kiểm sát khi phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung được thực hiện theo quy định của
Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP ngày 22/12/2017 của
Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc
phòng quy định việc phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong thực hiện
một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về trả hồ sơ để điều tra bổ sung;
b) Trường hợp cần thiết, Tòa án có thể
trao đổi với Viện kiểm sát về các tài liệu, chứng cứ, vật chứng kèm theo (nếu
có) để làm rõ các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 280 của
Bộ luật Tố tụng hình sự trước khi quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung. Hạn
chế tối đa việc phải trả hồ sơ điều tra bổ sung hoặc đến phiên tòa mới trả hồ
sơ điều tra bổ sung, làm kéo dài thời gian giải quyết vụ án.
2. Phối hợp trước khi mở phiên tòa:
a) Tòa án ghi rõ trong quyết định đưa
vụ án ra xét xử hình thức tổ chức phiên tòa tại phòng xử án hình sự thông thường
hay phòng xử án giải quyết các vụ việc về gia đình và người chưa thành niên để
Kiểm sát viên chuẩn bị trang phục phù hợp khi tham gia phiên tòa;
b) Trường hợp Viện kiểm sát đề nghị
triệu tập bị hại đến phiên tòa thì Tòa án xem xét quyết định việc triệu tập đến
phiên tòa. Nếu buộc phải triệu tập bị hại có mặt tại phiên tòa thì bố trí phòng
xử án phù hợp hoặc phải có màn che ngăn cách với khu vực của bị cáo tại phiên
tòa; xem xét, đề nghị bác sĩ, chuyên gia tâm lý hỗ trợ bị hại, áp dụng các biện
pháp bảo vệ bị hại tại phiên tòa;
c) Trường hợp Viện kiểm sát cần đề
nghị nghe, xem nội dung được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh hoặc công khai một
số tài liệu, chứng cứ bằng dữ liệu điện tử tại phiên tòa trong vụ án xâm hại
tình dục người dưới 18 tuổi thì phải trao đổi với Tòa án để bố trí phương tiện,
kỹ thuật phục vụ tại phiên tòa phù hợp với điều kiện thực tế của Tòa án.
Điều 23. Phối hợp
khi xét xử sơ thẩm tại phiên tòa
1. Người tiến hành tố tụng và người tham
gia tố tụng khi tham gia phiên tòa phải thực hiện theo quy định của Thông tư số
02/2018/TT-TANDTC ngày 21/09/2018 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định
chi tiết việc xét xử vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18
tuổi thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên (sau đây viết tắt
là Thông tư số 02/2018), Thông tư số 01/2017/TT-TANDTC ngày 28/7/2017 của Chánh
án Tòa án nhân dân tối cao quy định về phòng xử án.
2. Trường hợp thấy cần thiết phải công
bố công khai tại phiên tòa các chứng cứ, tài liệu là dữ liệu điện tử, công bố lời
khai đã được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong quá trình giải quyết vụ án
thì Kiểm sát viên phối hợp với Thẩm phán chủ tọa phiên tòa thực hiện việc công
bố. Việc công bố tài liệu, chứng cứ công khai tại phiên tòa được thực hiện
khách quan, đúng pháp luật.
Chương V
PHỐI HỢP TRONG MỘT
SỐ HOẠT ĐỘNG KHÁC
Điều 24. Phối hợp
thực hiện các hoạt động tương trợ tư pháp hình sự
1. Trường hợp vụ án xâm hại tình dục
người dưới 18 tuổi có liên quan đến yếu tố nước ngoài, nếu cần thu thập chứng cứ,
lấy lời khai người tham gia tố tụng đang ở nước ngoài thì các cơ quan tiến hành
tố tụng chủ động trao đổi phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao để thực
hiện các hoạt động ủy thác tư pháp hình sự.
Trường hợp cần phối hợp thực hiện các
hoạt động thu thập chứng cứ ở nước ngoài, nhận dạng người hoặc đồ vật bằng hình
thức trực tuyến thì cơ quan tiến hành tố tụng phối hợp với Viện kiểm sát nhân
dân tối cao trao đổi với cơ quan tư pháp nước có liên quan để phối hợp thực hiện.
2. Khi nhận được kết quả ủy thác tư
pháp của phía nước ngoài, Viện kiểm sát nhân dân tối cao kịp thời chuyển cho cơ
quan có thẩm quyền. Trường hợp kết quả ủy thác tư pháp chưa đầy đủ thì cơ quan
tiến hành tố tụng lập yêu cầu ủy thác tư pháp phối hợp với Viện kiểm sát nhân
dân tối cao tiếp tục đề nghị cơ quan nước ngoài thực hiện ủy thác tư pháp bổ
sung.
Điều 25. Trang
phục của người có thẩm quyền trong quá trình giải quyết các vụ án xâm hại tình
dục người dưới 18 tuổi
1. Trong giai đoạn kiểm tra, xác minh
tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, giai đoạn điều tra và giai
đoạn truy tố vụ án, nếu có mặt người bị xâm hại tình dục dưới 18 tuổi thì người
có thẩm quyền tiến hành tố tụng và những người có thẩm quyền khác không nhất
thiết phải mặc trang phục của ngành, cơ quan, tổ chức mình, có thể mặc thường
phục dân sự nhưng phải bảo đảm gọn gàng, lịch sự.
2. Trường hợp phiên tòa tổ chức tại
phòng xử án và giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người
chưa thành niên thì Thẩm phán mặc trang phục theo quy định của Thông tư số
02/2018, những người tiến hành tố tụng khác và những người được triệu tập đến
phiên tòa mặc trang phục theo quy định tại khoản 1 Điều này.
Chương VI
ĐIỀU KHOẢN THI
HÀNH
Điều 26. Hiệu lực
thi hành
Thông tư liên tịch này có hiệu lực
thi hành kể từ ngày 05 tháng 4 năm 2022.
Điều 27. Tổ chức
thực hiện
1. Trong phạm vi thẩm quyền của mình,
Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc
phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm triển khai, tổ chức
thực hiện Thông tư liên tịch này.
2. Trong quá trình triển khai thực hiện,
nếu có khó khăn, vướng mắc hoặc có vấn đề mới phát sinh, các cơ quan, tổ chức
và cá nhân liên quan phản ánh với Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân
dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để
xem xét, hướng dẫn thực hiện hoặc sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
KT. CHÁNH
ÁN
TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
PHÓ CHÁNH ÁN
Nguyễn Trí Tuệ
|
KT. VIỆN
TRƯỞNG
VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
PHÓ VIỆN TRƯỞNG
Nguyễn Duy Giảng
|
KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ CÔNG AN
THỨ TRƯỞNG
Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc
|
KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ QUỐC PHÒNG
THỨ TRƯỞNG
Thượng tướng Võ Minh Lương
|
KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Thị Hà
|
Nơi nhận:
-
Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Ủy ban Pháp luật của Quốc hội;
- Ủy ban Tư pháp của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Hội đồng dân tộc của Quốc Hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ (02 bản);
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Bộ Công an;
- Bộ Tư pháp;
- Bộ Quốc phòng;
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
- Công báo;
- Lưu: VT (VKSNDTC, TANDTC, BCA, BQP, BLĐTBXH), V2.
|