BỘ CÔNG THƯƠNG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 10/2014/TT-BCT
|
Hà Nội, ngày 12 tháng 03 năm 2014
|
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH THỰC HIỆN CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI, PHÁT TRIỂN
THỊ TRƯỜNG, PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP HỖ TRỢ PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM QUỐC GIA
Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP
ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Quyết định số 2441/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc
phê duyệt Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia
đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 72/2010/QĐ-TTg
ngày 15 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế xây
dựng, quản lý và thực hiện Chương trình xúc tiến
thương mại quốc gia;
Căn cứ Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg ngày 22 tháng 2 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ
và Quyết định số 1483/QĐ-TTg ngày 26 tháng 08 năm
2011 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục sản
phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu
tiên phát triển;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa
học và Công nghệ,
Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành
Thông tư quy định thực hiện cơ chế, chính sách xúc tiến thương mại, phát triển
thị trường, phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ phát triển sản phẩm quốc gia
như sau:
Chương 1.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi
điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Thông tư này quy định thực hiện cơ
chế, chính sách xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, phát triển công
nghiệp hỗ trợ phục vụ phát triển sản phẩm quốc gia thuộc Chương trình phát triển
sản phẩm quốc gia đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định
số 2441/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2010 (sau đây viết tắt là Chương trình SPQG
và Quyết định số 2441/QĐ-TTg).
2. Thông tư này áp dụng đối với các
cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có liên quan tham gia thực hiện phát
triển sản phẩm quốc gia nằm trong Danh mục sản phẩm quốc gia thuộc Chương trình
phát triển sản phẩm quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Điều 2. Giải
thích từ ngữ
1. Sản phẩm quốc gia là sản phẩm thuộc
Danh mục sản phẩm quốc gia thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia được
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và được cấp có thẩm quyền giao cho Cơ quan chủ quản,
Đơn vị quản lý sản phẩm quốc gia (sau đây viết tắt là SPQG).
2. Cơ quan chủ quản sản phẩm quốc gia
(sau đây viết tắt là Cơ quan chủ quản) là các Bộ, ngành được giao trách nhiệm
quản lý, phát triển sản phẩm quốc gia.
3. Đơn vị quản lý sản phẩm quốc gia
(sau đây viết tắt là Đơn vị quản lý) là Ban Chủ nhiệm Chương trình SPQG (đối với
các SPQG do Bộ Khoa học và Công nghệ là Cơ quan chủ quản) hoặc đơn vị được Cơ
quan chủ quản giao trách nhiệm quản lý các Dự án sản phẩm quốc gia.
4. Dự án sản phẩm quốc gia (sau đây
viết tắt là Dự án SPQG) là Dự án khoa học và công nghệ hoặc dự án đầu tư sản xuất
sản phẩm quốc gia. Dự án khoa học và công nghệ, dự án đầu tư sản xuất sản phẩm
quốc gia, Đề án khung phát triển sản phẩm quốc gia được hiểu theo khái niệm nêu
tại Điều 2 của Thông tư số 10/2013/TT-BKHCN ngày 29 tháng 3
năm 2013 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc hướng dẫn quản lý Chương trình
phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020 (Thông tư số 10/2013/TT-BKHCN).
5. Tổ chức chủ trì Dự án SPQG là tổ
chức, doanh nghiệp được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền quyết định giao chủ trì
thực hiện Dự án SPQG.
6. Đề án xúc tiến thương mại được hiểu
theo những quy định tại Điều 13 của Quy chế xây dựng, quản lý
và thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia ban hành kèm theo Quyết
định số 72/2010/QĐ-TTg ngày 15 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ
(sau đây viết tắt là Chương trình XTTMQG và Quyết định số 72/2010/QĐ-TTg).
7. Dự án phát triển công nghiệp hỗ trợ
phục vụ phát triển SPQG là dự án đầu tư sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ
cung cấp cho lắp ráp các SPQG. Dự án phát triển công nghiệp hỗ trợ được hiểu
theo khái niệm nêu tại Điều 2 Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg
ngày 24 tháng 02 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển một
số ngành công nghiệp hỗ trợ (sau đây viết tắt là Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg).
8. Ban chỉ đạo Chương trình SPQG là
Ban chỉ đạo được thành lập theo Quyết định số 1893/QĐ-TTg ngày 26 tháng 10 năm
2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban chỉ đạo Chương trình phát
triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020.
Chương 2.
XÚC TIẾN THƯƠNG
MẠI SẢN PHẨM QUỐC GIA
Điều 3. Nội dung
ưu đãi về xúc tiến thương mại sản phẩm quốc gia
1. Đề án xúc tiến thương mại cho sản
phẩm quốc gia được ưu tiên tham gia Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia.
2. Hỗ trợ các Hiệp hội ngành hàng
liên quan và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm quốc gia xây dựng, phát
triển thương hiệu đạt Thương hiệu quốc gia và ưu tiên tham gia Chương trình
Thương hiệu quốc gia.
4. Đề án xúc tiến thương mại cho sản
phẩm quốc gia được ưu tiên xét duyệt, tham gia Chương trình xúc tiến thương mại
do các Bộ, ngành quản lý.
5. Các nội dung ưu đãi khác về xúc tiến
thương mại được quy định tại Quyết định số 2441/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm
2010 của Thủ tướng Chính phủ do Ban chỉ đạo Chương trình phát triển sản phẩm quốc
gia trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Điều 4. Trình tự,
thủ tục thực hiện ưu đãi về cơ chế, chính sách xúc tiến thương mại cho sản phẩm
quốc gia
1. Căn cứ Quyết định phê duyệt Dự án
SPQG của cơ quan có thẩm quyền, Cơ quan chủ quản lựa chọn đơn vị chủ trì thực
hiện hoạt động xúc tiến thương mại cho SPQG (sau đây viết tắt là Đơn vị chủ
trì) theo quy định hiện hành.
2. Đơn vị chủ trì phối hợp với Đơn vị
quản lý SPQG để xây dựng đề án xúc tiến thương mại cho SPQG tham gia Chương
trình XTTMQG theo quy chế hiện hành.
Đề án xúc tiến thương mại SPQG phải
được Cơ quan chủ quản chấp thuận bằng văn bản trước khi trình cơ quan có thẩm
quyền xét duyệt.
3. Đối với đề án xúc tiến thương mại
cho SPQG tham gia Chương trình XTTMQG:
a) Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với
các cơ quan, tổ chức có liên quan thẩm định, xét duyệt và quản lý đề án XTTMQG
cho SPQG theo quy định hiện hành;
b) Khi xét duyệt, Đề án XTTMQG cho
SPQG được nhận điểm tối đa cho nhóm chỉ tiêu đánh giá về sự cần thiết của đề án
và ưu tiên xét điểm cho các nhóm chỉ tiêu còn lại;
c) Đề án XTTMQG cho SPQG thẩm định đạt
yêu cầu được ưu tiên phê duyệt tham gia Chương trình XTTMQG.
Chương 3.
PHÁT TRIỂN THỊ
TRƯỜNG SẢN PHẨM QUỐC GIA
Điều 5. Nội dung
ưu đãi về phát triển thị trường sản phẩm quốc gia
1. Các dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước ưu tiên mua, sử dụng sản phẩm quốc gia
và được xem xét áp dụng hình thức chỉ định thầu theo các quy định tại Điều 40, Điều 41 Nghị định 85/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm
2009 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng
theo Luật Xây dựng (sau đây viết tắt là Nghị định số 85/2009/NĐ-CP) và Quyết định
số 50/2012/QĐ-TTg ngày 09/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng hình
thức chỉ định thầu đối với các gói thầu thuộc trường hợp đặc biệt do Thủ tướng
Chính phủ xem xét quyết định (sau đây viết tắt là Quyết định số 50/2012/QĐ-TTg).
2. Sản phẩm quốc gia thuộc các đối tượng
được quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư số 68/2012/TT-BTC
ngày 26 tháng 4 năm 2012 của Bộ Tài Chính quy định việc đấu thầu để mua sắm tài sản nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước,
tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề
nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân
(sau đây viết tắt là Thông tư số 68/2012/TT-BTC) được ưu tiên tham gia vào các
chương trình, hoạt động và dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Khi đó sản phẩm
quốc gia được xem xét áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy định tại Điều 14 và Điều 32 Thông tư số 68/2012/TT-BTC.
3. Tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành
phần kinh tế tham gia kinh doanh sản phẩm quốc gia bao gồm mua, tham gia vào hệ
thống phân phối, xuất khẩu sản phẩm quốc gia được xem xét vay vốn tín dụng Nhà
nước với lãi suất ưu đãi từ Ngân hàng phát triển Việt Nam.
4. Các nội dung ưu đãi khác về phát
triển thị trường sản phẩm quốc gia được quy định tại Quyết định số 2441/QĐ-TTg
ngày 31 tháng 12 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ do Ban chỉ đạo Chương trình
phát triển sản phẩm quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Điều 6. Trình tự,
thủ tục thực hiện ưu đãi về cơ chế, chính sách phát triển thị trường phục vụ
phát triển sản phẩm quốc gia
1. Đơn vị quản lý SPQG xây dựng Đề án
phát triển thị trường SPQG theo mẫu được quy định tại Thông tư này và trình Cơ
quan chủ quản thẩm định.
2. Cơ quan chủ quản thành lập Hội đồng
thẩm định gồm ít nhất 07 thành viên do đại diện Cơ quan chủ quản làm Chủ tịch Hội
đồng và đại diện Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học
và Công nghệ và các Bộ, ngành, địa phương có liên quan.
Hội đồng thẩm định có trách nhiệm xét
duyệt Đề án phát triển thị trường SPQG đảm bảo khả thi, phù hợp với các quy định
hiện hành. Cơ quan chủ quản quyết định tiêu chí đánh giá Đề án phát triển thị
trường SPQG phù hợp với từng sản phẩm quốc gia được giao trách nhiệm quản lý.
3. Cơ quan chủ quản tổ chức thẩm định
Đề án phát triển thị trường SPQG.
Hồ sơ thẩm định Đề án phát triển thị
trường SPQG bao gồm: Đề án phát triển thị trường SPQG; Đề án khung phát triển
SPQG, Dự án SPQG đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và các tài liệu có
liên quan. Hồ sơ thẩm định Đề án phát triển thị trường SPQG phải được gửi đến
các thành viên ít nhất 05 ngày làm việc trước khi họp Hội đồng thẩm định. Đề án
phát triển thị trường SPQG được thông qua khi có trên 70% số thành viên Hội đồng
thẩm định đồng ý.
4. Cơ quan chủ quản phối hợp với Đơn
vị quản lý SPQG hoàn thiện Đề án phát triển thị trường SPQG trình Thủ tướng
Chính phủ xem xét, quyết định.
5. Sau khi có ý kiến của Thủ tướng
Chính phủ, Cơ quan chủ quản tổ chức phê duyệt và thực hiện Đề án phát triển thị
trường SPQG theo quy định hiện hành.
Chương 4.
PHÁT TRIỂN CÔNG
NGHIỆP HỖ TRỢ PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM QUỐC GIA
Điều 7. Nội dung
ưu đãi về phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ phát triển sản phẩm quốc gia
1. Dự án đầu tư sản xuất sản phẩm
công nghiệp hỗ trợ cung ứng cho Dự án sản phẩm quốc gia được xem xét hưởng những
ưu đãi về chính sách theo quy định của Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg và các văn
bản pháp lý có liên quan.
2. Dự án đầu tư sản xuất sản phẩm
công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho Dự án sản phẩm quốc gia được xem xét áp dụng
hình thức chỉ định thầu khi thực hiện dự án theo các quy định tại Điều 40, Điều 41 của Nghị định số 85/2009/NĐ-CP và Quyết định
số 50/2012/QĐ-TTg .
3. Các ưu đãi khác liên quan đến phát
triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ phát triển sản phẩm quốc gia được quy định tại
Quyết định số 2441/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ do
Ban chỉ đạo Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ
quyết định.
Điều 8. Thực hiện
ưu đãi về cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ phát triển sản
phẩm quốc gia
1. Căn cứ Quyết định phê duyệt Dự án
SPQG của cơ quan có thẩm quyền, Đơn vị quản lý SPQG phối hợp với chủ đầu tư dự
án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cung ứng cho SPQG xây dựng dự án sản xuất
sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phục vụ phát triển SPQG.
2. Chủ đầu tư dự án sản xuất sản phẩm
công nghiệp hỗ trợ cung ứng cho SPQG có trách nhiệm lập dự án đầu tư gửi về Bộ
Công Thương theo quy định và hướng dẫn hiện hành về trình tự thủ tục lập dự án
đầu tư sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
3. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với
Ban Chủ nhiệm Chương trình SPQG, Cơ quan chủ quản và các Bộ, ngành có liên quan
thành lập Hội đồng thẩm định dự án đầu tư. Bộ Công Thương tổ chức thẩm định dự
án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ theo quy định hiện hành và trình
Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
4. Sau khi có ý
kiến của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương chỉ đạo chủ đầu tư hoàn thiện, tổ
chức thẩm định và phê duyệt dự án theo quy định hiện hành.
Chương 5.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 9. Trách nhiệm
của Bộ Công Thương
1. Vụ Khoa học và Công nghệ chủ trì,
phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện:
a) Hướng dẫn, tổ chức thực hiện Thông
tư này;
b) Định kỳ hàng năm hoặc đột xuất khi
có yêu cầu báo cáo Ban chỉ đạo Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia về
tình hình thực hiện.
2. Cục Xúc tiến thương mại có trách
nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức thẩm định,
phê duyệt, quản lý các Đề án xúc tiến thương mại phát triển sản phẩm quốc gia
và triển khai các hoạt động thuộc Chương trình Thương hiệu Quốc gia cho sản phẩm
quốc gia theo quy định hiện hành.
3. Vụ Công nghiệp nặng có trách nhiệm
chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức thẩm định, phê
duyệt và quản lý việc thực hiện các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ
phục vụ phát triển sản phẩm quốc gia theo quy định hiện hành.
Điều 10. Trách
nhiệm của Cơ quan chủ quản sản phẩm quốc gia
Cơ quan chủ quản
sản phẩm quốc gia chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thẩm
định, phê duyệt và thực hiện Đề án phát triển thị trường sản phẩm quốc gia.
Điều 11. Hiệu lực
thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ
ngày 25 tháng 4 năm 2014.
Trong trường hợp các văn bản pháp lý
dẫn chiếu tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay mới thì thực hiện
theo quy định tại các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay mới tương ứng.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó
khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức phản ánh về Bộ Công Thương để được
xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
Nơi nhận:
- Văn phòng TW Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Viện kiểm sát ND tối cao;
- Tòa án ND tối cao;
- Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Cục kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Công báo;
- Website: Chính phủ; Bộ Công Thương;
- Lưu: VT, KHCN, CNNg, Cục XTTM.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Cao Quốc Hưng
|
Mẫu Đề án phát triển thị trường sản phẩm quốc gia
(Ban
hành kèm theo Thông tư số 10/2014/TT-BCT ngày 12
tháng 3 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương)
TÊN CƠ
QUAN CHỦ QUẢN
TÊN ĐƠN VỊ QUẢN LÝ
ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG SẢN PHẨM QUỐC GIA
TÊN SẢN PHẨM QUỐC GIA
Đơn vị
quản lý
Hà
Nội, .../20...
(Địa
điểm, thời gian lập đề án)
TÊN CƠ
QUAN CHỦ QUẢN
TÊN ĐƠN VỊ QUẢN LÝ
ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG SẢN PHẨM QUỐC GIA
TÊN SẢN PHẨM QUỐC GIA
Phần
I
Thuyết
minh
Đơn vị tư vấn
(nếu có)
(Đại diện pháp nhân ký và đóng dấu)
|
Đơn vị quản lý
(Đại diện pháp nhân ký và đóng dấu)
|
Mục
lục
(Trình
bày mục lục của đề án)
Mở
đầu
(Trình
bày lời giới thiệu mở đầu của đề án)
Nội
dung đề án phát triển thị trường sản phẩm quốc gia
Chương 1 - Giới thiệu chung
1.1. Giới thiệu về
Dự án SPQG
- Các thông tin cơ bản về Dự án SPQG:
sản phẩm, quy mô, công nghệ, kế hoạch triển khai, thị trường mục tiêu, thị trường
tiềm năng, hiệu quả kinh tế-xã hội của sản phẩm quốc gia...
1.2. Giới thiệu về
tổ chức chủ trì Dự án SPQG
Các thông tin cơ bản:
- Tên tổ chức chủ trì Dự án;
- Người đại diện;
- Địa chỉ liên lạc;
- Lĩnh vực hoạt động;
- Quá trình hình thành và phát triển;
- Thành tựu và kinh nghiệm...
Chương 2 - Sự cần thiết của đề án
phát triển thị trường
2.1. Các căn cứ
pháp lý
- Nêu các văn bản pháp lý có liên
quan,
- Các tài liệu và nguồn gốc được sử dụng
trong thuyết minh.
2.2. Thị trường mục
tiêu
Trình bày, phân tích các thông tin
chi tiết về thị trường mục tiêu:
- Quy mô thị trường mục tiêu, thị phần
hiện có của đơn vị và các đối thủ,
- Lợi thế và hạn chế của sản phẩm quốc
gia do đơn vị chủ trì,
- Tác động của các cơ chế, chính sách
hiện hành đến hoạt động phát triển thị trường mục tiêu của đơn vị.
2.3. Thị trường
tiềm năng
Trình bày, phân tích các thông tin cơ
bản về thị trường tiềm năng:
- Quy mô thị trường tiềm năng, thị phần
hiện có của đơn vị và các đối thủ,
- Lợi thế và hạn chế của sản phẩm quốc
gia do đơn vị chủ trì,
- Tác động của các cơ chế, chính sách
hiện hành đến hoạt động phát triển thị trường tiềm năng của đơn vị.
Chương 3 - Phương án phát triển thị
trường sản phẩm quốc gia
3.1. Kế hoạch
phát triển thị trường mục tiêu
- Thời gian và các hoạt động cụ thể
phù hợp với tiến độ Đề án khung, Dự án sản phẩm quốc gia trong đó trình bày các
phương án phát triển thị trường: cơ sở (bắt buộc), khả quan và thấp (nếu có).
- Cam kết, kế hoạch hợp tác của các đối
tác, bạn hàng và nhu cầu phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị quản lý và đơn vị chủ
trì Dự án SPQG.
3.2. Kế hoạch
phát triển thị trường tiềm năng
- Thời gian và hoạt động dự kiến:
trình bày các phương án phát triển thị trường: cơ sở (bắt buộc), khả quan và thấp
(nếu có).
- Khả năng hợp tác của các đối tác và
nhu cầu phối hợp giữa các cơ quan quản lý, đơn vị chủ trì Dự án SPQG.
3.3. Phương án
tài chính
- Trình bày phương án tài chính cho
các phương án phát triển thị trường: kế hoạch huy động, cơ cấu nguồn vốn...
- Trình bày tác động của phương án
tài chính đến các mục tiêu của Dự án SPQG...
Chương 4 - Kết luận và kiến nghị
4.1. Kết luận
- Phương án cơ sở phát triển thị trường
mục tiêu.
- Phương án cơ sở phát triển thị trường
tiềm năng.
- Tác động của chính sách hiện hành đến
hoạt động phát triển thị trường sản phẩm quốc gia của đơn vị.
4.2. Kiến nghị
- Kiến nghị về giải pháp thực hiện đề
án.
- Kiến nghị về cơ chế, chính sách và
các ưu đãi để phát triển thị trường sản phẩm quốc gia.
- Kiến nghị khác.
Phần
II
Phụ
lục
(Các
văn bản pháp lý và tài
liệu có liên quan)