Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Quyết định 555/QĐ-BNN-TT 2021 Phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam

Số hiệu: 555/QĐ-BNN-TT Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Người ký: Lê Quốc Doanh
Ngày ban hành: 26/01/2021 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

Đề án Tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2025 và 2030

Bộ NN&PTNT vừa ban hành Quyết định 555/QĐ-BNN-TT phê duyệt "Đề án Tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2025 và 2030”.

Theo đó, đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam ghi nhận mục tiêu cụ thể với chỉ tiêu đến năm 2025 như sau:

- Giữ diện tích đất lúa 3,6 - 3,7 triệu ha, diện tích gieo trồng 7,0 - 7,2 triệu ha, sản lượng lúa 40 - 41 triệu tấn.

- Xuất khẩu khoảng 5 triệu tấn gạo; trong đó gạo thơm, đặc sản và gạo japonica chiếm 40%, gạo nếp 20%, gạo trắng phẩm chất cao 20%, gạo phẩm trung bình và thấp 15%, sản phẩm từ gạo 5%; tỷ lệ xuất khẩu có thương hiệu 20%.

- Tỷ lệ diện tích gieo trồng sử dụng hạt giống xác nhận trên 80%; sử dụng giống chất lượng cao trên 70%; giảm lượng giống gieo sạ; ứng dụng quy trình canh tác tiên tiến, thực hành tốt trên 60%; ứng dụng công nghệ cao 10%.

- Giảm lượng phân bón hóa học, lượng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học dùng trong sản xuất lúa từ 30% trở lên.

- Tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 8%.

- Tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất lúa bình quân 70%, riêng đồng bằng sông Cửu Long đạt trên 90%.

- Tỷ lệ diện tích gieo trồng có liên kết sản xuất – tiêu thụ trên 30%.

- Lợi nhuận cho người trồng lúa trên 30%.

- Giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa 5%.

Quyết định 555/QĐ-BNN-TT có hiệu lực ngày 26/01/2021, thay thế Quyết định 1898/QĐ-BNN-TT năm 2016.

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 555/QĐ-BNN-TT

Hà Nội, ngày 26 tháng 01 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT “ĐỀ ÁN TÁI CƠ CẤU NGÀNH LÚA GẠO VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2025 VA 2030”

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 15/2017/QĐ-CP ngày 17/02/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Quyết định số 748/QĐ-BNN-KH ngày 11/3/2020 về việc phê duyệt đề cương, dự toán nhiệm vụ “Rà soát, đánh giá thực hiện đề án tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo”;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Trồng trọt và Vụ trưởng vụ Kế hoạch.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án “Tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2020 và 2030”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành. Quyết định này thay thế Quyết định số 1898/QĐ-BNN-TT ngày 23/5/2016 phê duyệt “Đề án Tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Thủ trưởng các đơn vị liên quan thuộc Bộ; Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ: KH&ĐT, TC, CT, KH&CN; TN&MT; GTVT; Y tế;
- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường (để b/c);
- Các Thứ trưởng Bộ NN&PTNT;
- Ban cán sự Đảng bộ;
- Hiệp hội Thương mại GCT, Hiệp hội lương thực Việt Nam; Hội GCT Việt Nam;
- Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp;
- Sở NN & PTNT các tỉnh/TP trực thuộc TƯ;
- Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Bộ NN&PTNT;
- Lưu: VT, TT.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Lê Quốc Doanh

 

ĐỀ ÁN

TÁI CƠ CẤU NGÀNH LÚA GẠO VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2025 VÀ 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số   /QĐ-BNN-TT ngày   tháng   năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT)

I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU

1. Quan điểm

Ngành lúa gạo có vị trí quan trọng đối với sự phát triển nông nghiệp và nông thôn, đóng góp cho đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, ảnh hưởng đến đời sống của số đông nông dân, an sinh và ổn định xã hội và là ngành có lợi thế về điều kiện sinh thái gắn với các giá trị văn hóa và di sản của nền văn minh lúa nước lâu đời. Tuy nhiên, sự phát triển của ngành lúa gạo đang đứng trước các thử thách do hiệu quả thấp, thâm dụng tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường và do tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt ở những vùng đồng bằng sản xuất lúa trọng điểm. Để vượt qua thử thách, phát huy lợi thế, giữ vững vị trí quan trọng của lĩnh vực trồng trọt, ngành lúa gạo cần được tiếp tục tái cơ cấu đến năm 2025 và 2030 nhằm đáp ứng những yêu cầu mới cho sự phát triển cao hơn và bền vững hơn.

2. Mục tiêu

a) Mục tiêu tổng quát

Tiếp tục cơ cấu lại ngành lúa gạo theo hướng nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững với các mục tiêu (i) đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước, làm nòng cốt cho đảm bảo an ninh lương thực quốc gia (ii) nâng cao chất lượng, giá trị dinh dưỡng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (iii) hình thành và nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị lúa gạo (iv) thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu (v) sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường sinh thái (vi) nâng cao thu nhập của nông dân và lợi ích cho người tiêu dùng (vii) xuất khẩu gạo chất lượng cao và giá trị cao.

b) Một số chỉ tiêu cụ thể

i) Chỉ tiêu đến năm 2025

- Giữ diện tích đất lúa 3,6-3,7 triệu ha, diện tích gieo trồng 7,0-7,2 triệu ha, sản lượng lúa 40-41 triệu tấn.

- Xuất khẩu khoảng 5 triệu tấn gạo; trong đó loại gạo thơm, đặc sản và gạo japonica chiếm 40%, gạo nếp 20%, gạo trắng phẩm chất cao 20%, gạo phẩm cấp trung bình và thấp 15%, sản phẩm chế biến từ gạo 5%; tỷ lệ gạo xuất khẩu có thương hiệu trên 20%.

- Tỷ lệ diện tích gieo trồng sử dụng hạt giống xác nhận trên 80%; sử dụng giống chất lượng cao trên 70%; giảm lượng giống gieo sạ (bình quân còn 80 kg/ha) trên 70%; ứng dụng quy trình canh tác tiên tiến (ICM, IPM, SRP, SRI, 1P5G,...), quy trình thực hành sản xuất tốt (VietGAP và tương đương, canh tác lúa thông minh với biến đổi khí hậu, nông nghiệp hữu cơ,...) trên 60%; ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số khoảng 10%.

- Giảm lượng phân bón hóa học, lượng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học dùng trong sản xuất lúa từ 30% trở lên.

- Tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 8%.

- Tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất lúa đạt bình quân 70%, riêng đồng bằng sông Cửu Long đạt trên 90%.

- Tỷ lệ diện tích gieo trồng có liên kết sản xuất - tiêu thụ trên 30%.

- Lợi nhuận cho người trồng lúa trên 30%.

- Giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa 5%.

ii) Chỉ tiêu đến năm 2030

- Giữ diện tích đất lúa 3,5 triệu ha, linh hoạt diện tích gieo trồng, đảm bảo tối thiểu sản lượng 35 triệu tấn lúa/năm.

- Xuất khẩu khoảng 4 triệu tấn gạo; trong đó loại gạo thơm, đặc sản và gạo japonica chiếm 45%, gạo nếp 20%, gạo trắng phẩm chất cao 15%, gạo phẩm cấp trung bình và thấp 10%, sản phẩm chế biến từ gạo 10%; tỷ lệ gạo xuất khẩu có thương hiệu trên 40%.

- Tỷ lệ diện tích gieo trồng sử dụng hạt giống xác nhận trên 90%; sử dụng giống chất lượng cao 80%, giảm lượng giống gieo sạ (bình quân còn 80 kg/ha) trên 80%; ứng dụng quy trình canh tác tiên tiến (ICM, IPM, SRP, SRI, 1P5G...), quy trình thực hành sản xuất tốt (VietGAP và tương đương, canh tác lúa thông minh với biến đổi khí hậu, nông nghiệp hữu cơ,...) khoảng 70%; ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số khoảng 20%.

- Giảm lượng phân bón hóa học, lượng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học dùng trong sản xuất lúa 40%.

- Tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch 5%.

- Tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất lúa đạt bình quân 80%, riêng đồng bằng sông Cửu Long đạt 100%.

- Tỷ lệ diện tích gieo trồng liên kết sản xuất - tiêu thụ khoảng 50%.

- Lợi nhuận cho người trồng lúa trên 30%.

- Giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa 10%.

II. GIẢI PHÁP TÁI CƠ CẤU NGÀNH LÚA GẠO

1. Tái cơ cấu sản xuất lúa

a) Chuyển đổi diện tích đất lúa và diện tích gieo trồng lúa

- Chuyển đổi đất lúa ưu tiên nơi sản xuất lúa hiệu quả thấp, thường xuyên bị ảnh hưởng mặn, hạn, ngập úng sang các mục đích nông nghiệp khác có hiệu quả cao. Hạn chế việc chuyển đổi đất lúa có độ phì cao, năng suất cao, có hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh; chấm dứt tình trạng bỏ hoang đất lúa.

- Diện tích gieo trồng lúa chuyển đổi linh hoạt theo hướng tăng tỷ lệ diện tích lúa luân canh (với rau màu, thủy sản) đáp ứng nhu cầu thị trường.

b) Định hướng sản xuất lúa theo vùng

- Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất lúa trọng điểm của cả nước, đây là vùng có lợi thế trong sản xuất lúa, đóng góp trên 50% sản lượng lúa cả nước và có khối lượng lúa dư thừa lớn để cung cấp cho thị trường ngoài vùng và 90% lượng gạo xuất khẩu. Tuy nhiên, đây lại là vùng bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nặng nề nhất; trong đó xâm nhập mặn và hạn gia tăng, đồng thời với sự thiếu hụt nguồn nước ngọt từ sông Cửu Long do việc xây dựng thủy điện ở các nước thượng nguồn sông Mê Kông. Ngoài ra, hiệu quả chuỗi giá trị ngành lúa gạo lúa thấp là một trở ngại cho sự phát triển bền vững của vùng lúa trọng điểm của cả nước. Vì vậy, định hướng cho sản xuất lúa ở đồng bằng sông Cửu Long là thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao giá trị và hiệu quả thông qua nâng cao chất lượng lúa gạo; mở rộng liên kết sản xuất - tiêu thụ; chuyển đổi đất lúa hiệu quả thấp sang cây trồng khác hoặc nuôi trồng thủy sản và tăng diện tích lúa luân canh với thủy sản (tôm - lúa, lúa - cá) hoặc rau, màu.

- Đồng bằng sông Hồng là vựa lúa của phía Bắc, là vùng sản xuất lúa có trình độ thâm canh cao, năng suất cao, đảm bảo nguồn nước tưới với hệ thống thủy lợi khá tốt. Cơ cấu hai vụ lúa (vụ xuân - vụ mùa) ổn định, với các trà lúa chủ lực là xuân muộn và mùa sớm, trong đó một phần diện tích được luân canh với cây trồng vụ đông. Sản xuất lúa ở đồng bằng sông Hồng hướng đến thị trường nội địa, bao gồm thị trường lớn là Hà Nội và các đô thị trong vùng, với xu thế tiêu dùng gạo đặc sản, gạo chất lượng cao gia tăng. Hạn chế sản xuất lúa của vùng là mức độ cơ giới hóa thấp, năng suất lao động thấp. Định hướng cho sản xuất lúa ở đồng bằng sông Hồng là sản xuất lúa chất lượng cao theo thị hiếu tiêu dùng trong vùng, trong đó quy hoạch các vùng sản xuất lúa đặc sản địa phương, lúa nếp, lúa japonica; tăng ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ cao.

- Vùng đồng bằng ven biển miền Trung (Bắc Trung Bộ - Nam Trung Bộ), ổn định sản xuất lúa 2 vụ ở các vùng chủ động được nguồn nước tưới và chuyển đổi diện tích lúa ở các nơi khó khăn về nguồn nước, sản xuất bấp bênh sang cây trồng khác ngô (bao gồm ngô sinh khối), đậu, mè, cỏ chăn nuôi,... Hạn chế của sản xuất lúa của vùng là ảnh hưởng của thiên tai, thời tiết cực đoan (bão, lũ, ngập, hạn) gia tăng. Định hướng sản xuất cho vùng là thích ứng với các điều kiện bất lợi, nâng cao năng suất lúa vùng có tưới, sử dụng giống lúa có chất lượng phù hợp với thị hiếu tiêu dùng địa phương, giống phục vụ nhu cầu chế biến, ở một số địa bàn có thể sản xuất lúa đặc sản phục vụ cho khách du lịch. Chuyển đổi vụ lúa bấp bênh sang cây trồng khác như rau, đậu, ngô (bao gồm ngô sinh khối, cỏ chăn nuôi),...

- Các vùng Trung du miền núi phía Bắc và Tây nguyên, cần tập trung thâm canh tăng năng suất lúa ở nơi có điều kiện nước tưới, phát triển lúa đặc sản, lúa nếp, lúa japonica và tăng tính đa dạng sản xuất nông nghiệp của từng địa phương để đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ. Gìn giữ các di sản vùng lúa như ruộng bậc thang, vùng lúa đặc sản địa phương,... gắn với phát triển du lịch và bảo tồn đa dạng sinh học.

c) Phát triển giống lúa

i) Định hướng cơ cấu giống

Cơ cấu giống lúa được xây dựng cho từng vùng và tiểu vùng sinh thái trồng lúa. Ngành nông nghiệp ở các vùng, tiểu vùng xác định giống lúa chủ lực, giống lúa bổ sung theo nhu cầu thị trường để hướng dẫn nông dân sử dụng, chấm dứt tình trạng sử dụng quá nhiều giống lúa ở mỗi địa phương.

Đối với đồng bằng sông Cửu Long, định hướng cơ cấu giống phục vụ cho xuất khẩu giá trị cao và thị hiếu tiêu dùng gạo ngon trong nước gia tăng. Theo đó cơ cấu giống có tỷ lệ diện tích gieo trồng như sau: giống lúa thơm, lúa đặc sản 35%, lúa chất lượng cao (gạo trắng thon, dài, cơm mềm) 40%, lúa nếp, lúa japonica 15%, lúa chất lượng trung bình 10%. Ngoài đặc tính về chất lượng gạo, các giống lúa cần có tính thích nghi với từng tiểu vùng (mặn, hạn, ngập) và kháng các loại sâu bệnh hại chủ yếu (rầy nâu, đạo ôn).

Đối với đồng bằng sông Hồng, định hướng cơ cấu giống phục vụ cho thị trường nội địa với các giống lúa thơm, chất lượng gạo, cơm ngon. Tỷ lệ diện tích gieo trồng giống chất lượng cao; bao gồm, giống đặc sản địa phương, lúa thơm, lúa nếp và lúa japonica chiếm khoảng 60%, giống năng suất cao khoảng 40%. Giống lúa có thời gian sinh trưởng ngăn, phù hợp cho cả vụ xuân muộn và mùa sớm và kháng các loại sâu bệnh hại chủ yếu (rầy nâu, bạc lá, đạo ôn).

Đối với các vùng khác, chủ yếu sử dụng giống năng suất cao, kháng sâu bệnh, giống có thời gian sinh trưởng cực ngắn ngày (để né hạn, lũ) và tùy theo sinh thái các tiểu vùng có thể bố trí các giống chất lượng cao, giống đặc sản địa phương, lúa nếp, lúa japonica.

ii) Sản xuất, kinh doanh giống

Khuyến khích các doanh nghiệp hiện đại hóa sản xuất - chế biến hạt giống lúa đảm bảo cung cấp đủ hạt giống xác nhận cho sản xuất. Phát triển hệ thống sản xuất giống lúa 4 cấp hoàn chỉnh (giống tác giả, siêu nguyên chủng, nguyên chủng và xác nhận) nhằm nâng cao tỷ lệ sử dụng giống xác nhận trong sản xuất lúa. Đối với một số giống đặc biệt cho xuất khẩu hoặc an ninh lương thực, nhà nước có thể thương lượng mua bản quyền tác giả để mọi doanh nghiệp đều có thể sản xuất giống cung cấp cho sản xuất.

d) Ứng dụng hệ thống các quy trình thực hành sản xuất tốt

Hệ thống các quy trình canh tác tiên tiến (ICM, IPM, SRP, SRI, 1P5G...), quy trình thực hành sản xuất tốt (VietGAP và tương đương, canh tác lúa thông minh với biến đổi khí hậu, nông nghiệp hữu cơ,...); ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số. Hệ thống các quy trình này giúp tiết kiệm đầu vào gồm phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn hóa học, lượng lúa giống, nước tưới, nhưng tăng hiệu quả, chất lượng sản phẩm và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái vùng lúa và giảm nhẹ biến đổi khí hậu. Hệ thống các quy trình thực hành sản xuất tốt cần được nhân rộng, tùy điều kiện địa phương có thể lựa chọn hoặc kết hợp các biện pháp kỹ thuật trong quy trình.

Triển khai thực hiện các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số vào sản xuất lúa, cánh đồng lớn 4.0, theo hướng canh tác chính xác, trước nhất cho vùng lúa trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng.

Lựa chọn những vùng sinh thái đặc thù để phát triển lúa hữu cơ như vùng sản xuất lúa - tôm ở ven biển đồng bằng sông Cửu Long hoặc các vùng sản xuất lúa đặc sản địa phương.

đ) Cơ giới hóa sản xuất lúa

- Tiếp tục đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất lúa, nhất là ở những vùng có mức độ cơ giới hóa thấp như miền núi phía Bắc và Tây nguyên; trong các khâu có mức độ ứng dụng cơ giới thấp như cấy/gieo sạ và chăm sóc (bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật). Riêng đồng bằng sông Cửu Long đã đạt mức cơ giới hóa cao cần tiến đến đạt cơ giới hóa đồng bộ, trong đó một số khâu có thể từng bước tự động hóa ví dụ sử dụng thiết bị bay không người lái (drone) để phun thuốc bảo vệ thực vật, chế phẩm sinh học hoặc ứng dụng công nghệ cao như san phẳng mặt ruộng điều khiển bằng tia laser, điều khiển tự động nước tưới, ……….

- Hoàn thiện chính sách về tích tụ ruộng đất để tạo điều kiện ứng dụng cơ giới hóa và các chính sách ưu tiên hỗ trợ vốn vay với điều kiện dễ dàng cho nông dân để kiến thiết đồng ruộng, mua máy móc thiết bị, hỗ trợ tập huấn cho nông dân và công nhân kỹ thuật, phát triển dịch vụ cơ giới và sửa chữa máy móc ở nông thôn và hỗ trợ vốn vay cho doanh nghiệp để kinh doanh, chế tạo máy nông nghiệp và đổi mới công nghệ. Nhà nước có chính sách đặc biệt hỗ trợ phát triển những cánh đồng cơ giới hóa đồng bộ liên kết với tiêu thụ và phát triển trên diện rộng các mô hình tự động hóa trong sản xuất lúa.

e) Sau thu hoạch, bảo quản và chế biến lúa gạo

- Tăng cường ứng dụng máy sấy 2 giai đoạn (sấy tầng sôi ở giai đoạn 1 và sấy tháp ở giai đoạn 2) nhằm nâng cao tỷ lệ thu hồi gạo trắng và chất lượng gạo.

- Rà soát tích lượng kho chứa lúa gạo cả nước, thu hẹp chênh lệch tích lượng kho chứa lúa và chứa gạo ở các vùng sản xuất trọng điểm theo hướng xây dựng mới và nâng cấp hệ thống kho chứa lúa có hệ thống đồng bộ sấy, làm sạch, ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa vận hành để nâng cao chất lượng bảo quản; hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng tồn trữ lúa khô bằng silo.

- Thực hiện quy trình “xay xát một giai đoạn duy nhất” từ lúa khô ẩm độ khoảng 14% trực tiếp ra gạo thay cho quy trình “ngược” xay bóc vỏ lúa còn ẩm độ cao ra gạo lức, sau đó vận chuyển, tồn trữ gạo lức ở nơi khác để xay xát, đánh bóng gạo, sấy gạo, gây ra tỷ lệ hao hụt cao, chất lượng gạo thấp. Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong khâu làm sạch, phân loại và tách màu để cải thiện hơn nữa chất lượng của gạo sau khi xay xát; ứng dụng dây chuyền đóng gói gạo tự động. Nâng trình độ chế biến gạo đạt mức tiên tiến của thế giới.

- Khai thác tiềm năng chế biến sâu lúa gạo để tăng thêm hiệu quả của chuỗi giá trị. Từ cám gạo và gạo có thể chế biến sâu thành nhiều loại sản phẩm có giá trị cao cho ngành thực phẩm, dược và mỹ phẩm như dầu ăn cao cấp, sáp cám gạo, sữa gạo lứt, sản phẩm từ bột gạo, tinh chất oryzanol,... Rơm rạ có thể dùng để sản xuất phân bón hữu cơ, trồng nấm, sản xuất giấy hoặc làm thức ăn chăn nuôi. Trấu được tái chế thành củi trấu, sản xuất gas sinh học (khí hóa trấu), làm nguyên liệu xây dựng sạch, than hoạt tính,...

- Nhà nước tiếp tục bổ sung các chính sách hỗ trợ nguồn vốn cho doanh nghiệp để đầu tư phát triển và ứng dụng công nghệ, đồng thời hình thành các cụm chế biến công nghệ cao liên kết với vùng nguyên liệu để tăng hiệu quả kết nối chặt chẽ từ sản xuất đến chế biến và thị trường.

e) Kiểm soát chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm

- Thanh tra, kiểm tra thường xuyên vật tư đầu vào cho sản xuất lúa chủ yếu gồm giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trong các khâu sản xuất, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường, sử dụng trong sản xuất; chấm dứt tình trạng nông dân sử dụng vật tư giả hoặc kém chất lượng. Tăng kiểm tra lấy mẫu phân tích hậu kiểm các tiêu chuẩn chất lượng và dư lượng hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật trong gạo. Chủ động cảnh báo nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm cho người sản xuất lúa và doanh nghiệp tiêu thụ.

- Mở rộng ứng dụng hệ thống các quy trình thực hành sản xuất tốt để giảm lượng giống gieo sạ, phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất lúa, tăng sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm bảo vệ thực vật sinh học, áp dụng các quy trình tiên tiến trong bảo quản, chế biến lúa, gạo. Khuyến khích sản xuất lúa có chứng nhận (trong nước hoặc quốc tế) ứng dụng quy trình kỹ thuật sản xuất lúa bền vững và truy xuất nguồn gốc, trong đó có hỗ trợ cho chứng nhận sản xuất lúa hữu cơ.

- Khuyến khích sản xuất và sử dụng phân hữu cơ, phân hữu cơ vi sinh, phân bón nano cho sản xuất lúa nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón, giảm lượng phân bón hóa học, đồng thời nâng cao chất lượng lúa, gạo.

- Hỗ trợ các dịch vụ phân tích kiểm tra tiêu chuẩn về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm đối với gạo phục vụ cho thương mại trong nước và xuất khẩu. Khuyến khích đầu tư phòng kiểm định chất lượng lúa, gạo đạt tiêu chuẩn quốc tế tại vùng đồng bằng sông Cửu Long.

- Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về nhận thức an toàn thực phẩm trong sản xuất, bảo quản và chế biến lúa gạo; quảng bá về chất lượng và tính an toàn của gạo Việt Nam trên thế giới.

2. Đổi mới tổ chức sản xuất

- Tiếp tục nhân rộng phương thức nông dân liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo nhằm nâng cao hiệu quả của chuỗi giá trị lúa gạo, mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp là trụ cột của chuỗi giá trị lúa gạo. Mục tiêu phát triển ngành lúa gạo theo chuỗi giá trị không thể đạt được nếu thiếu mối liên kết này.

- Để mở rộng diện tích sản xuất lúa có liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp cần thực hiện tốt các chủ trương của nhà nước về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã và chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đã ban hành gồm: hỗ trợ về chi phí tư vấn xây dựng liên kết, hạ tầng phục vụ liên kết, khuyến nông, đào tạo, tập huấn và giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm.

- Thực tiễn cho thấy trở ngại lớn nhất cho liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ là doanh nghiệp thiếu vốn để thực hiện kinh doanh có liên kết (đòi hỏi vốn lớn, thời gian vay dài) và nông dân thiếu điều kiện sản xuất như kiến thiết đồng ruộng, cơ giới hóa, vật tư đầu tư đầu vào. Vì vậy, sự tham gia của ngành ngân hàng trong cung cấp thuận lợi vốn cho doanh nghiệp và sự hỗ trợ của nhà nước trong nâng cấp kết cấu hạ tầng vùng sản xuất là hai trụ cột cho sự phát triển mối liên kết bền vững giữa sản xuất và tiêu thụ lúa gạo. Bên ngoài các thể chế, văn hóa đối tác như niềm tin, sự tin cậy, sự quý trọng chữ tín giữa nông dân và doanh nghiệp cần được đề cao và phát huy.

3. Phát triển thị trường

a) Thị trường trong nước

- Sản xuất lúa trừ đồng bằng sông Cửu Long phục vụ chủ yếu cho tiêu dùng nội địa. Vì vậy, phát triển thị trường gạo trong nước có ý nghĩa quan trọng đối với sự tăng trưởng bền vững của ngành lúa gạo. Hiện nay và trong tương lai về số lượng nguồn cung gạo cho thị trường nội địa được bảo đảm, nhưng về tính hiệu quả cần tiếp tục nâng cao theo các hướng (i) phát triển chuỗi cung ứng gạo đến các trung tâm tiêu thụ lớn (ii) phát triển hệ thống bán lẻ ở khu vực nông thôn, đảm bảo người dân vùng sâu, vùng xa được tiếp cận nguồn cung mọi thời điểm (iii) mọi loại gạo đều phải đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm (iv) đa dạng hóa chủng loại gạo phù hợp với các phân khúc thị trường.

- Xu hướng chung trong tiêu thụ gạo nội địa là nhu cầu các loại gạo đặc sản, gạo thơm, chất lượng cao và gạo hữu cơ gia tăng, đồng thời là nhu cầu gạo cho chế biến gia tăng. Vì vậy, các vùng sản xuất cho tiêu thụ nội địa cần có cơ cấu giống phù hợp, trong đó ngoài các giống chủ lực cần khai thác các giống đặc sản địa phương gắn với chỉ dẫn địa lý.

b) Xuất khẩu và phát triển thương hiệu gạo xuất khẩu

- Tiếp tục thực hiện Chiến lược xuất khẩu gạo Việt Nam giai đoạn 2017- 2020 và tầm nhìn 2030 (Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 03/7/2017) và Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 706/QĐ-TTg ngày 21/05/2015).

- Tăng cường chọn tạo và phát triển giống lúa đáp ứng cơ cấu chủng loại gạo theo chiến lược xuất khẩu, trong đó cần ưu tiên cho giống lúa thơm, đặc sản; phát triển các vùng sản xuất tập trung theo giống được xác định có sự liên kết sản xuất - tiêu thụ, xuất khẩu; kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất để sản phẩm có chất lượng đồng nhất và đảm bảo các chỉ tiêu vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó đáp ứng tuyệt đối quy định mức dư lượng tối đa cho phép của thuốc bảo vệ thực vật (MRL), truy xuất được nguồn gốc; ứng dụng công nghệ sau thu hoạch, bảo quản và chế biến tiên tiến để giảm thất thoát và đảm bảo chất lượng, hương vị gạo.

- Cụ thể hóa chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu gạo có thương hiệu và được gắn nhãn chứng nhận quốc gia gạo Việt Nam (Vietnam Rice).

- Hỗ trợ thiết lập các văn phòng giới thiệu, quảng bá gạo Việt Nam ở các thị trường trọng điểm, lồng ghép với quảng bá du lịch và các mục tiêu khác.

4. Nâng cao tính chống chịu đối với biến đổi khí hậu và điều kiện bất lợi, rủi ro

a) Chống chịu đối với biến đổi khí hậu

- Biện pháp thích nghi: sử dụng giống lúa có tính chống chịu cao với điều kiện ngoại cảnh bất lợi (chống chịu mặn, hạn, nóng, ngập) và kháng sâu bệnh, có thời gian sinh trưởng ngắn để né mặn, hạn, lũ; điều chỉnh thời vụ gieo cấy dựa trên cảnh báo sớm về điều kiện thủy văn, thay đổi cơ cấu sản xuất trên đất lúa như áp dụng cơ cấu tôm - lúa cho vùng nhiễm mặn, luân canh lúa - cây trồng cạn ngắn ngày cho vùng hạn; phát triển hệ thống rừng phòng hộ và xây dựng, củng cố cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống thủy lợi, đê sông, đê biển. Hoàn thiện, bổ sung hệ thống bản đồ cảnh báo xâm nhập mặn, hạn, ngập lụt cho các vùng lúa trọng điểm làm cơ sở để chỉ đạo linh hoạt thời vụ và các giải pháp kỹ thuật canh tác lúa bền vững.

- Biện pháp giảm nhẹ: chủ yếu thông qua giảm phát thải khí nhà kính từ canh tác lúa: giảm lượng phân đạm, bón vùi phân, sử dụng phân chậm tan; sử dụng, tái chế hết rơm rạ sau thu hoạch, chấm dứt việc đốt rơm rạ; giảm lượng nước tưới (san bằng mặt ruộng, tưới ướt khô xen kẽ).

- Tùy theo điều kiện cụ thể, các thành phần trong biện pháp thích ứng hoặc giảm nhẹ trên có thể được lựa chọn để tổng hợp thành quy trình sản xuất lúa thông minh đối với biến đổi khí hậu hoặc lồng ghép trong các quy trình sản xuất thực hành tốt như “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, “1 phải 6 giảm”, SRI, SRP,... Ngoài ra, một số biện pháp công nghệ cao, công nghệ số phù hợp cho hiện đại hóa, tự động hóa sản xuất lúa cần được khuyến khích thử nghiệm để tổng kết nhân rộng.

- Xây dựng tiêu chuẩn chứng nhận canh tác lúa các - bon thấp, lúa thông minh với biến đổi khí hậu để làm cơ sở tích hợp giá trị ứng phó biến đổi khí hậu vào giá trị lúa gạo, tiến tới bán chứng chỉ cacbon trong sản xuất lúa gạo

b) Quản lý rủi ro

- Xây dựng hệ thống thông tin phục vụ công tác cảnh báo sớm (cảnh báo lũ, mặn, sạt lở), dự báo thời tiết, phòng chống thiên tai, dịch bệnh; triển khai chương trình bảo hiểm sản xuất nông nghiệp cho lúa gạo (hỗ trợ và khuyến khích nông dân mua bảo hiểm, khuyến khích các công ty bảo hiểm tham gia thị trường).

- Hỗ trợ vốn, vật tư, kỹ thuật cho nông dân trồng lúa khôi phục sản xuất và ổn định sinh kế trong trường hợp có thiên tai lớn; hỗ trợ kịp thời gạo cho người dân vùng bị ảnh hưởng từ nguồn gạo dự trữ quốc gia và đảm bảo dự trữ quốc gia lúa giống để hỗ trợ kịp thời cho nông dân tái sản xuất.

- Áp dụng các quy trình sản xuất lúa thích nghi tốt với điều kiện bất lợi, đa dạng hóa sản xuất trên đất lúa và thu nhập nông dân; thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng trong phòng chống thiên tai.

- Quản lý rủi ro là hoạt động mang tính xã hội cao, vì vậy cần nâng cao nhận thức của nông dân sản xuất lúa và huy động sự vào cuộc của cộng đồng cùng chung sức trong quản lý rủi ro.

5. Sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và giá trị văn hóa của lúa gạo

a) Sử dụng hiệu quả tài nguyên

(i) Tài nguyên nước

- Tiếp tục thực hiện Nghị định số 77/2018/NĐ-CP ngày 16/5/2018 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước để hoàn thành nâng cấp hệ thống thủy lợi nội đồng trên toàn bộ diện tích canh tác lúa, đồng bộ với kiến thiết đồng ruộng, mở rộng quy mô lô thửa, sử dụng hệ thống bơm điện và cơ giới hóa sản xuất. Nâng cao năng lực quản lý nước cộng đồng ở các cánh đồng lớn, hợp tác xã,... Áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất lúa tiết kiệm nước như san bằng mặt ruộng, tưới ướt khô xen kẽ, chuyển đổi hệ thống sản xuất trên đất lúa theo hướng luân canh như cơ cấu tôm - lúa hoặc lúa - cây trồng cạn, sử dụng giống lúa chịu hạn và điều chỉnh thời vụ gieo cấy lúa để thích ứng với điều kiện sử dụng nước tối thiểu và né được xâm nhập mặn hoặc hạn cuối vụ.

- Quy hoạch hợp lý và áp dụng chính sách quản lý thủy lợi giữa các địa phương thượng nguồn và hạ nguồn để điều tiết, chia sẻ nguồn nước và tăng hiệu quả sử dụng nước một cách hài hòa, giảm nước thải từ sản xuất lúa vào môi trường.

- Đối với đồng bằng sông Cửu Long, hoàn thiện quy hoạch thủy lợi và áp dụng chính sách quản lý thủy lợi để điều tiết hợp lý việc sử dụng nguồn nước giữa các địa phương thượng nguồn và hạ nguồn; xây dựng các hồ trữ và chứa nước ngọt có dung tích vừa phải, kết hợp nuôi trồng thủy sản ở các vùng có nguy cơ thiếu nước trầm trọng do hạn, xâm nhập mặn, qua đó nâng cao hiệu quả sử dụng và hài hòa giữa các mục tiêu sử dụng nước, đặc biệt giữa sản xuất lúa và nuôi trồng thủy sản. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế để giảm thiểu tác động của các hoạt động phát triển thủy điện ở các nước thượng nguồn sông Mê Công đến môi trường, sản xuất nông nghiệp và sinh kế của người dân ở hạ nguồn.

- Đối với đồng bằng sông Hồng, nâng cấp hệ thống thủy lợi và hệ thống trạm bơm để đảm bảo tưới, tiêu chủ động; điều tiết hợp lý việc xả nước từ các công trình thủy điện phục vụ cho sản xuất lúa.

- Đối với các tỉnh miền Trung, Đông Nam Bộ, Tây nguyên và Trung du miền núi phía Bắc, tiến hành rà soát các vùng sản xuất thiếu nước và vùng cần dự trữ nước cho mùa khô. Tại các vùng này, trên cơ sở cân đối quỹ nước tưới lúa với các cây trồng khác, bố trí hợp lý diện tích gieo trồng lúa với các hoạt động sản xuất nông nghiệp khác; ưu tiên nâng cấp, xây dựng mới hệ thống hồ đập để chứa ngọt trong mùa mưa; phát triển hệ thống thủy lợi nhỏ ở các cánh đồng nhỏ, cánh đồng thung lũng, ruộng bậc thang.

- Áp dụng phí sử dụng nước để tăng ý thức sử dụng nước tiết kiệm; chuyển kinh phí hỗ trợ thủy lợi phí sang kinh phí xây dựng, bảo dưỡng, sửa chữa các công trình thủy lợi.

- Hạn chế sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu có nguồn gốc hóa học, tăng sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc trừ sâu sinh học để giảm áp lực ô nhiễm nguồn nước trong sản xuất lúa.

- Đảm bảo việc trồng và bảo vệ rừng theo quy định của pháp luật để giữ nguồn nước.

(ii) Tài nguyên đất

- Thực hiện quy hoạch sử dụng đất lúa gắn kết chặt chẽ với đảm bảo an ninh lương thực lương thực quốc gia. Việc chuyển đổi đất lúa thực hiện theo các quy định pháp luật.

- Áp dụng các biện pháp nâng cao chất lượng, độ phì của đất lúa, ngăn chặn sự suy thoái chất lượng đất, xói mòn rửa trôi, sa mạ hóa, chua hóa gồm (i) xây dựng cơ sở dữ liệu về chất lượng đất lúa ở các vùng sinh thái để định hướng nâng cao hiệu quả sử dụng (ii) bổ sung chất hữu cơ cho đất để giảm lượng phân bón hóa học và sử dụng cân đối nguồn dinh dưỡng cung cấp từ chất hữu cơ và phân bón vô cơ phù hợp với từng loại đất lúa, chuyển đổi canh tác theo hướng hữu cơ (iii) giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học bằng áp dụng IPM và chế phẩm bảo vệ thực vật sinh học để tăng đa dạng sinh học, nhất là tăng các vi sinh vật có lợi (iv) áp dụng các tiến bộ mới về phân bón cho lúa như các loại phân chậm tan, bón phân theo nhu cầu cây, bón phân chính xác,....

- Ở những vùng đất dốc, đồi núi, áp dụng các biện pháp kỹ thuật bảo vệ đất lúa, giảm xói mòn, rửa trôi (giữ rừng đầu nguồn, xây dựng ruộng bậc thang, xây dựng cây bờ chắn...) và bảo tồn đa dạng sinh học và tôn tạo cảnh quan, ở vùng ven biển, hạn chế đất lúa bị mặn hóa bằng các giải pháp công trình và phi công trình (trồng rừng phòng hộ ven biển).

- Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tác hại của việc lạm dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học đối với sức khỏe đất lúa và tăng cường khuyến nông về sử dụng phân bón cho sản xuất lúa.

(iii) Các giải pháp bảo vệ đa dạng sinh học

- Bảo vệ tính đa dạng của nguồn gen giống lúa thông qua việc thu thập, đánh giá và bảo tồn quỹ gen giống lúa tại Ngân hàng gen cây trồng quốc gia để khai thác, sử dụng lâu dài và gia tăng tính đa dạng di truyền của các giống lúa sử dụng trong sản xuất thông qua chọn tạo giống, chọn thuần và sản xuất các giống lúa đặc sản địa phương có giá trị thương mại cao. Xây dựng một số vùng bảo tồn nguồn gen tự nhiên và hệ thống cảnh quan ở một số vùng sinh thái trồng lúa đặc thù (đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long, miền núi phía Bắc,...).

- Bảo vệ đa dạng sinh học trong hệ sinh thái lúa nước thông qua các hoạt động nhằm giảm thiểu tác động của thâm canh lúa đến các loài sinh vật có lợi trong ruộng lúa, áp dụng các giải pháp thu hút tăng quần thể thiên địch ở ruộng lúa, khai thác giá trị của nguồn động, thực vật trong ruộng lúa nước.

b) Bảo vệ môi trường

- Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn nông dân trong sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đồng thời áp dụng hệ thống các quy trình thực hành sản xuất tốt (IPM, 3G3T, 1P5G, SRI, SRP, VietGAP,...) để giảm lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, tăng lượng phân bón hữu cơ, vi sinh và chế phẩm sinh học bảo vệ thực vật trong sản xuất lúa, nâng cao nhận thức của nông dân và doanh nghiệp về bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất lúa, tránh các xu hướng lạm dụng hóa chất trong sản xuất hoặc quảng cáo, kinh doanh vật tư đầu vào không đúng quy định về sử dụng.

- Xây dựng cảnh quan bền vững ở vùng lúa trên các nguyên tắc thực hành sản xuất tốt, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và tài nguyên tự nhiên.

- Xây dựng và giám sát các quy định về hạn chế ô nhiễm môi trường trong sản xuất lúa gạo; tăng cường quản lý nhà nước về chất lượng vật tư nông nghiệp, ngăn chặn việc kinh doanh, sử dụng vật tư độc hại, không rõ nguồn gốc nằm ngoài danh mục được phép; ngăn chặn các chất thải công nghiệp xâm nhập vào ruộng lúa ở những vùng sản xuất gần đô thị, khu công nghiệp.

c) Di sản và giá trị văn hóa

- Duy trì và phát huy giá trị cảnh quan của các vùng sản xuất lúa gạo mang tính đặc thù; khai thác, phát triển các giá trị tinh thần trong sản xuất lúa gạo, gồm các giá trị vật thể gắn liền với sản xuất lúa như các công trình kiến trúc, công cụ canh tác lúa..., các giá trị phi vật thể như ẩm thực, âm nhạc, lễ hội,....

- Xây dựng các điểm du lịch gắn với di sản lúa gạo như ruộng bậc thang miền núi phía Bắc, vùng lúa hoang (lúa ma) Đồng Tháp Mười, vùng tôm - lúa hữu cơ Cà Mau, vùng sản xuất giống lúa bản địa đặc sản và các sản phẩm địa phương chế biến từ gạo; phát huy sự tham gia của cộng đồng địa phương trong bảo tồn các di sản lúa gạo.

- Quảng bá các sản phẩm địa phương từ lúa gạo, đồng thời phát triển du lịch sinh thái để tăng nguồn thu nhập cho cộng đồng; xây dựng bảo tàng lúa gạo ở các điểm du lịch nông nghiệp, ở các trung tâm nghiên cứu lúa.

6. Phát triển nguồn nhân lực

- Chú trọng đào tạo nông dân thông qua các hoạt động khuyến nông về công nghệ mới trong sản xuất lúa và các kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm và thị trường. Hỗ trợ các chương trình đào tạo nghề cho nông dân trẻ đặc biệt về ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa, tự động hóa, hướng đến hình thành một thế hệ nông dân trẻ chuyên nghiệp, có kỹ năng và kiến thức đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa ngành lúa gạo.

- Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và chuyên gia khuyến nông, đặc biệt khuyến nông cấp cơ sở và khuyến nông trong doanh nghiệp. Hỗ trợ khởi nghiệp trong ngành lúa gạo cho thanh niên; tăng đầu tư cho công tác đào tạo cán bộ khoa học chuyên sâu về lúa gạo trong và ngoài nước và sử dụng hiệu quả nguồn cán bộ đã đào tạo ở các đơn vị công lập.

- Thực hiện đào tạo nghề phi nông nghiệp tại chỗ cho nông dân để tạo cơ hội việc làm giúp nông dân trồng lúa tăng thêm thu nhập.

7. Vấn đề giới trong sản xuất lúa

Đẩy mạnh cơ giới hóa để giảm nhẹ lao động nặng nhọc của phụ nữ trong sản xuất lúa nhất là ở các khâu gieo cấy, thu hoạch, phơi lúa. Tạo điều kiện nâng cao vai trò phụ nữ trong đưa việc ra các quyết định về sản xuất, vay vốn, tiêu thụ lúa gạo cho gia đình và lựa chọn các kỹ thuật như chọn giống; phát huy vai trò phụ nữ trong đa dạng hóa sản xuất gắn với an ninh dinh dưỡng gia đình và tăng nguồn thu nhập. Khuyến khích phụ nữ tham dự các lớp tập huấn khuyến nông, tham gia xây dựng các mô hình trình diễn tiến bộ kỹ thuật, tham gia các chương trình dạy nghề phi nông nghiệp tại địa phương để có cơ hội thêm việc làm ngoài sản xuất lúa, tăng thu nhập.

8. Hợp tác quốc tế

- Thực hiện có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để phát triển thị trường xuất khẩu gạo, trong đó tận dụng khả năng gạo xuất khẩu của Việt Nam có điều kiện thâm nhập các phân khúc gạo cao cấp, giá trị cao; hỗ trợ các hoạt động quốc tế quảng bá gạo Việt Nam, tổ chức Festival lúa gạo Việt Nam ở nước ngoài, tham gia các diễn đàn quốc tế về lúa gạo.

- Hợp tác với các nước trong lĩnh vực lúa gạo như chia sẻ thông tin, chuyển giao khoa học công nghệ, trao đổi quỹ gen, đào tạo và phát triển thương mại; hợp tác với các nước thượng nguồn sông Mê Kông và sông Hồng trong bảo vệ, sử dụng hợp lý tài nguyên nước chung của lưu vực. Nâng cao vai trò của Việt Nam trong ASEAN về xây dựng quỹ dự trữ gạo khẩn cấp cho khu vực.

- Tăng cường hợp tác về khoa học công nghệ với các tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc tế. Chuyển giao kinh nghiệm, công nghệ về sản xuất và chế biến lúa gạo cho các quốc gia khác, nhất là khu vực châu Phi trong khuôn khổ hợp tác song phương hoặc đa phương Nam - Nam.

9. Quản lý nhà nước trong ngành lúa gạo

- Xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến lúa gạo, hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế; quy định việc cấp chứng nhận sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn.

- Xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho nông dân và doanh nghiệp tham gia phát triển chuỗi giá trị lúa gạo hiệu quả cao, trong đó ưu tiên tháo gỡ các nút thắt về tích tụ đất đai, liên kết sản xuất - thụ, ứng dụng khoa học công nghệ; xây dựng các tiêu chuẩn về sản xuất, chế biến và chất lượng sản phẩm phù hợp với hội nhập quốc tế.

- Định hướng và huy động nguồn lực cho nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ về lúa gạo; đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ đối với phát minh sáng kiến, chọn tạo giống lúa mới,... phục vụ cho phát triển ngành lúa gạo.

- Quản lý chặt chẽ chất lượng vật tư nông nghiệp dùng trong sản xuất lúa, ngăn chặn sản xuất, kinh doanh, sử dụng các vật tư thiết yếu như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và lúa giống không đạt tiêu chuẩn chất lượng, giả mạo.

- Minh bạch hóa thông tin về thị trường lúa gạo, xuất khẩu gạo; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo kinh doanh theo cơ chế thị trường.

- Đảm bảo dự trữ quốc gia về gạo và lúa giống để trợ cấp kịp thời cho người dân trong trường hợp thiên tai, rủi ro.

III. GIẢI PHÁP ƯU TIÊN

1. Thực hiện, hoàn thiện và đổi mới cơ chế, chính sách

a) Cơ chế, chính sách đối với đất lúa

- Chính phủ ban hành Nghị định khuyến khích tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp, theo đó tạo điều kiện tích tụ đất lúa, tăng quy mô sản xuất lúa nông hộ và thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất lúa quy mô lớn.

- Đánh giá, rà soát kết quả thực hiện chính sách chuyển đổi đất trồng lúa theo Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ về quản lý và sử dụng đất trồng lúa và Nghị định số 62/2019/NĐ-CP ngày 11/7/2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 về quản lý, sử dụng đất trồng lúa. Do mức độ cân đối cung cầu lúa khác nhau ở từng vùng sinh thái, trong đó nhiều vùng chưa đảm bảo cân bằng cung cầu vững chắc, cần bổ sung chính sách định hướng việc chuyển đổi đất lúa trên phạm vi cả nước để tránh nguy cơ mất cân đối lớn cung cầu ở các vùng mà sản lượng lúa không dư thừa. Đối với các địa bàn sản xuất lúa trọng điểm (tính hàng hóa cao, đất phì nhiêu, thủy lợi hoàn chỉnh,...) để khuyến khích nông dân giữ đất lúa làm nòng cốt cho đảm bảo an ninh lương thực; Nhà nước có chính sách đặc thù như ưu tiên tích tụ đất lúa, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, hiện đại hóa sản xuất, phát triển chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả ngành lúa gạo và thu nhập nông dân; chuyển đổi hỗ trợ cho các địa phương theo diện tích trồng lúa sang hỗ trợ cho các vùng sản xuất lúa trọng điểm và vùng lúa có luân canh với rau màu hoặc thủy sản.

b) Một số cơ chế, chính sách chủ yếu liên quan đến ngành lúa gạo

i) Liên kết sản xuất - tiêu thụ

Tiếp tục thực hiện chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ lúa theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Theo đó, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ bao gồm: hỗ trợ chi phí tư vấn xây dựng liên kết; hỗ trợ hạ tầng phục vụ liên kết; hỗ trợ khuyến nông, đào tạo, tập huấn, giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm. Đối với ngành lúa gạo, ngoài các hỗ trợ trên cần bổ sung hỗ trợ nguồn vốn vay cho doanh nghiệp đủ lớn và kéo dài thời hạn vay để doanh nghiệp có điều kiện liên kết tiêu thụ lúa cho nông dân và dự trữ lúa, gạo với sự tham gia hỗ trợ của ngành ngân hàng trong cho vay theo chuỗi giá trị.

ii) Cơ giới hóa nông nghiệp

Để đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ và tự động hóa trong nông nghiệp đến năm 2025 và 2030, cần thiết xây dựng và ban hành Nghị định về chính sách đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp thay thế Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp. Đổi mới chính sách cơ giới hóa, ngành lúa gạo có điều kiện thuận lợi để cơ giới hóa đồng bộ và tự động hóa không những khâu sản xuất mà toàn bộ chuỗi giá trị.

iii) Tín dụng nông nghiệp

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP. Trong chính sách tín dụng nông nghiệp, chương trình tín dụng đặc thù góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân đầu tư phát triển một số mặt hàng nông sản thế mạnh của Việt Nam như lúa gạo cần được hoàn thiện theo hướng thúc đẩy tích tụ đất đai, phát triển chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ, ứng dụng công nghệ cao, xuất khẩu có thương hiệu và kết hợp chặt chẽ giữa chương trình cho vay và bảo hiểm theo chuỗi giá trị lúa gạo.

iv) Bảo hiểm nông nghiệp

Đánh giá kết quả thực hiện Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 18/4/2018 của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp và Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp (trong đó lúa là đối tượng cây trồng được hỗ trợ bảo hiểm tại 07 tỉnh: Thái Bình, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, An Giang, Đồng Tháp); hoàn thiện chính sách bảo hiểm nông nghiệp, đối với cây lúa mở rộng chính sách hỗ trợ bảo hiểm cho các địa bàn sản xuất lúa tập trung, phát triển loại hình sản phẩm bảo hiểm theo chỉ số năng suất có ứng dụng công nghệ viễn thám giúp giảm thiểu chi phí, thời gian và tăng tính minh bạch, chính xác.

v) Đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp

Thực hiện các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất kinh doanh lúa gạo theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 (Nghị định số 57) của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; trong đó, ưu tiên các doanh nghiệp có liên kết sản xuất - tiêu thụ, ứng dụng công nghệ cao, xuất khẩu gạo có thương hiệu, chế biến sâu. Thúc đẩy sự tham gia chủ động của chính quyền địa phương trong tạo điều kiện triển khai Nghị định số 57 đối với ngành lúa gạo nhất là cơ chế tích tụ đất đai, danh mục các dự án sản xuất - chế biến lúa gạo khuyến khích đầu tư tại địa phương.

vi) Phát triển hệ thống các quy trình thực hành sản xuất tốt

Hệ thống các quy trình thực hành sản xuất tốt là điểm khởi đầu cho ngành lúa gạo phát triển bền vững và hiệu quả và là cốt lõi để hình thành vùng nguyên liệu đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì vậy, cần thiết có các chính sách hỗ trợ, khuyến khích áp ứng dụng hệ thống các quy trình thực hành sản xuất tốt, thích ứng biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính và hỗ trợ cấp chứng nhận sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất tốt.

vii) Xuất khẩu gạo

- Thực hiện hiệu quả Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 (Nghị định số 107) của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo; xây dựng và ban hành một số chính sách cụ thể theo tinh thần Nghị định số 107 gồm (i) cơ chế, chính sách ưu đãi đối với thương nhân đầu tư sản xuất, chế biến lúa gạo công nghệ cao và sản xuất, kinh doanh sản phẩm gạo sạch, gạo hữu cơ, gạo có chất lượng, giá trị gia tăng cao hoặc chế biến phế phẩm, phụ phẩm từ lúa gạo (ii) chính sách khuyến khích, hỗ trợ triển khai xây dựng vùng nguyên liệu, thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo; nâng cao năng lực tổ chức đại diện của nông dân.

- Tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án Thương hiệu gạo Việt Nam, Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo và Nghị định số 103/2020/NĐ-CP ngày 04/9/2020 của Chính phủ Quy định về chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang Liên minh Châu Âu.

viii) Đảm bảo an ninh lương thực

- Lúa gạo có vai trò làm nòng cốt cho an ninh lương thực. Vì vậy, chính sách an ninh lương thực trước nhất là tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân, địa phương và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lúa gạo an tâm sản xuất, đầu tư kinh doanh đạt hiệu quả cao và thu nhập cao.

- Nhà nước xây dựng các cơ chế, chính sách để đảm bảo sản xuất lúa gạo đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của toàn dân trong mọi tình huống; đồng thời hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối gạo ở vùng sâu, vùng xa, vùng chuyên canh lâm nghiệp để người dân có thể tiếp cận nguồn cung gạo vào mọi thời điểm; phân bố kho dự trữ gạo quốc gia ở một số địa bàn nhạy cảm thiếu lương thực cục bộ. Trường hợp những vùng khó khăn vào thời điểm giáp hạt hoặc gặp thiên tai, nhà nước hỗ trợ cung cấp gạo cứu đói kịp thời.

- Khuyến khích đa dạng hóa sản xuất và nguồn thu nhập của nông dân để giảm lượng gạo tiêu thụ trên đầu người và tăng tiêu thụ nguồn thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao.

- Phát triển hệ thống giám sát an ninh lương thực và an ninh dinh dưỡng quốc gia, dự báo về tình hình sản xuất - tiêu thụ lúa gạo, dự báo các nguy cơ mất an ninh lương thực trong nước và trên thế giới để có biện pháp ứng phó sớm, từ xa.

- Xây dựng cơ chế phối hợp, quản lý điều hành hoạt động dự trữ gạo lưu thông và dự trữ gạo quốc gia để đảm bảo nguồn cung gạo trong trường hợp khẩn cấp.

2. Tăng cường nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ

a) Xây dựng và triển khai chương trình nghiên cứu lúa gạo quốc gia giai đoạn 2021-2030 với các trọng tâm sau:

i) Chọn tạo, phát triển giống lúa

- Tăng cường công tác thu thập, bảo tồn và sử dụng nguồn gen giống lúa để làm nguồn vật liệu di truyền lâu dài; hiện đại hóa cơ sở hạ tầng bảo tồn quỹ gen cây trồng quốc gia và số hóa dữ liệu quỹ gen giống lúa; xây dựng quy định thuận lợi cho việc khai thác, sử dụng nguồn gen phục vụ cho nghiên cứu và phát triển giống lúa của các tổ chức nghiên cứu nhà nước và doanh nghiệp trong nước.

- Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, chọn tạo giống lúa mới đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu, trong đó ưu tiên chọn tạo các giống lúa thơm, đặc sản, giống lúa có giá trị dinh dưỡng, lúa dược liệu; kết hợp đặc tính về chất lượng cao với tính chống chịu đối với biến đổi khí hậu và sâu bệnh hại chính. Ứng dụng công nghệ hiện đại (công nghệ sinh học, tin học) trong chọn tạo giống lúa. Nghiên cứu cơ bản về di truyền và hệ gen cây lúa làm cơ sở cho chọn tạo giống. Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện chứng nhận bảo hộ giống lúa mới.

- Thực hiện công tác bảo tồn, chọn lọc dòng thuần (phục tráng) và duy trì sản xuất các giống lúa địa phương đặc sản ở các vùng sinh thái gắn với chỉ dẫn địa lý.

ii) Nghiên cứu và phát triển hệ thống các quy trình thực hành sản xuất tốt, thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu

Nghiên cứu và phát triển hệ thống các biện pháp sản xuất lúa bền vững, thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu. Trong đó, ngoài việc hoàn thiện những biện pháp đã xác định, cần nghiên cứu các biện pháp mới ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số, tự động hóa để đưa vào hệ thống, tiến đến phát triển hệ thống canh tác lúa chính xác.

iii) Nghiên cứu cơ giới hóa và nâng cao chuỗi giá trị lúa gạo

Tập trung nghiên cứu cơ giới hóa đồng bộ sản xuất lúa phù hợp cho từng vùng, cơ giới hóa đồng bộ hệ thống dây chuyền sấy, bảo quản, chế biến; tiến đến hiện đại hóa toàn bộ chuỗi giá trị lúa gạo. Trong đó, ưu tiên đối với các vùng trồng lúa trọng điểm. Nghiên cứu chế tạo các thiết bị trong nước có công nghệ tương thích với công nghệ nhập khẩu. Phát triển và ứng dụng các công nghệ chế biến sâu sản phẩm lúa gạo.

iv) Nghiên cứu sử dụng hiệu quả và bảo vệ tài nguyên tự nhiên

- Tài nguyên tự nhiên mang tính nền tảng cho sản xuất lúa gồm đất, nước và đa dạng sinh học. Từ hiện trạng các nguồn tài nguyên này ngày càng trở nên suy giảm về lượng và chất, cần tập trung nghiên cứu các giải pháp sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên đất, nước, bảo vệ đa dạng sinh học; đồng thời khôi phục, nâng cao, độ phì của đất lúa, bảo vệ nguồn nước, chống sạt lở đất, bờ sông, bờ biển và bảo vệ nâng cao đa dạng sinh học (động vật, thực vật, vi sinh vật) của hệ sinh thái vùng lúa. Nghiên cứu hệ thống tổng hợp sử dụng tài nguyên tự nhiên để phát triển cảnh quan vùng lúa phì nhiêu và bền vững lâu dài.

- Ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ 4.0 trong nghiên cứu sử dụng và bảo vệ tài nguyên tự nhiên trong sản xuất lúa.

v) Nghiên cứu về thể chế và chính sách, thị trường và thương mại lúa gạo

Nghiên cứu phân tích tác động của các chính sách liên quan đến ngành lúa gạo và đề xuất đổi mới cơ chế, chính sách; nghiên cứu dự báo thị trường và thương mại lúa gạo, nhất là dự báo về thị trường gạo thế giới trung hạn và dài hạn.

b) Ứng dụng khoa học công nghệ

- Đổi mới hoạt động khuyến nông và chuyển giao công nghệ theo chuỗi giá trị lúa gạo, xây dựng các điển hình liên kết sản xuất - tiêu thụ hiệu quả cao, đẩy mạnh khuyến nông ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất lúa gạo, khuyến nông về tổ chức, quản lý sản xuất. Gắn kết các hoạt động khuyến nông với đào tạo, phát triển lớp nông dân sản xuất lúa chuyên nghiệp, có trình độ tay nghề cao.

- Phát triển các dịch vụ tư vấn khuyến nông ứng dụng công nghệ thông tin để cung cấp thông tin về kỹ thuật, thị trường, dự báo khí hậu, thời tiết cho nông dân.

c) Huy động nguồn lực cho nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ

- Phát triển liên kết trong nghiên cứu và chuyển giao công nghệ về lúa gạo giữa các tổ chức trong nước (viện, trường, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân ở địa phương). Khuyến khích sự tham gia của xã hội, nhất là các doanh nghiệp vào hoạt động khuyến nông phát triển lúa gạo.

- Phát triển hợp tác với Viện nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) và các tổ chức quốc tế như Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) trong nghiên cứu và phát triển lúa gạo, đặc biệt trong nghiên cứu cơ bản và đào tạo nguồn nhân lực khoa học có trình độ cao.

- Khuyến khích phát triển liên kết công tư, kể cả các tổ chức tư nhân nước ngoài trong nghiên cứu và phát triển lúa gạo.

d) Tăng đầu tư cho nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ

- Tăng kinh phí cho nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và khuyến nông từ ngân sách nhà nước, nguồn đóng góp từ doanh nghiệp và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực lúa gạo.

- Đầu tư nâng cấp Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long đạt trình độ quốc tế, nâng cấp Trung tâm Tài nguyên thực vật và các Viện có thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu lúa cho các vùng sinh thái. Nâng cao năng lực hoạt động của các tổ chức khuyến nông nhà nước từ trung ương đến địa phương và trong doanh nghiệp.

- Hỗ trợ nguồn lực cho doanh nghiệp nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển công nghệ trong lĩnh vực lúa gạo; hỗ trợ nguồn lực cho nông dân phát huy các sáng kiến của mình trong sản xuất lúa để hoàn thiện, phát triển công nghệ, phát huy kinh nghiệm bản địa trong sản xuất lúa bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học.

- Đầu tư đào tạo cán bộ nghiên cứu khoa học chuyên sâu về lúa gạo trong nước và ở nước ngoài.

3. Đầu tư cơ sở hạ tầng

- Tập trung hoàn thiện hệ thống thủy lợi đảm bảo chủ động cấp nước cho diện tích trồng lúa 2 vụ; tăng cường đầu tư các công trình thủy lợi phục vụ vùng khó khăn về nguồn nước; các công trình chống lũ, giảm lũ, ngăn mặn, trữ nước ngọt, chống sạt lở; củng cố nâng cấp hệ thống đê biển, đê sông. Phát triển, nâng cấp hệ thống thủy lợi nội đồng kết hợp với kiến thiết đồng ruộng.

- Phát triển đồng bộ hệ thống kết nối giao thông (đường bộ, đường thủy, đường sắt, cảng nội địa, cảng xuất khẩu), đặc biệt đối với đồng bằng sông Cửu Long nơi cung cấp sản lượng gạo lớn cho thị trường nội địa ngoài vùng và xuất khẩu.

- Hỗ trợ xây dựng hệ thống điện phục vụ sản xuất cho các vùng sản xuất lúa tập trung. Khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất và chế biến lúa gạo.

- Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng kho lúa khô đảm bảo chất lượng lúa lưu kho ở các vùng sản xuất lúa tập trung; xây dựng phát triển kho ngoại quan tại một số thị trường trọng điểm.

- Xây dựng hạ tầng kỹ thuật phát triển hệ thống thông tin về thị trường, bệnh dịch, thời tiết, kỹ thuật sản xuất,... để cung cấp thông tin cho người dân và doanh nghiệp.

- Hỗ trợ nâng cấp giao thông, thủy lợi và kiến thiết đồng ruộng cho các vùng sản xuất lúa mang tính di sản văn hóa, đặc thù kết hợp phục vụ du lịch.

- Áp dụng công nghệ số trong vận hành các dịch vụ hậu cần. Rút ngắn thời gian hoàn thành các thủ tục hải quan. Minh bạch hóa thông tin kinh doanh - xuất khẩu lúa gạo. Xây dựng hệ thống thông tin tự động về tình hình xuất nhập khẩu lúa gạo của thị trường Việt Nam và thế giới, kết nối các tổ chức liên quan.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Cục Trồng trọt

- Xây dựng kế hoạch hành động thực hiện các giải pháp triển khai Đề án đến năm 2025 và 2030, định kỳ báo cáo Bộ về tiến độ và kết quả thực hiện hàng năm; đề xuất sửa đổi, bổ sung Đề án khi cần thiết.

- Chủ trì và phối hợp với các Tổng cục, Cục, Vụ, Viện liên quan xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ cụ thể để thực hiện Đề án.

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách phục vụ Đề án, trình cấp thẩm quyền ban hành.

- Phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa, điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp.

b) Tổng cục Thủy lợi

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức chỉ đạo rà soát, xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất lúa, ưu tiên đối với vùng sản xuất lúa 2 vụ; xây dựng hệ thống thủy lợi phù hợp với đối tượng cây trồng chuyển đổi trên đất trồng lúa.

- Nghiên cứu và phổ biến các mô hình tưới tiết kiệm trong sản xuất lúa.

- Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách quản lý thủy lợi để nâng cao hiệu quả sử dụng nước và hài hòa giữa các mục tiêu sử dụng nước.

c) Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách liên quan đến bảo quản, chế biến, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, phát triển thương hiệu lúa gạo Việt Nam trình cấp thẩm quyền ban hành.

d) Vụ Kế hoạch

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng và lựa chọn danh mục dự án đầu tư đến năm 2025 và giai đoạn 2025-2030 phục vụ Đề án; cân đối, bố trí nguồn vốn thực hiện các dự án theo danh mục được lựa chọn.

- Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách huy động nguồn lực để thực hiện Đề án.

đ) Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng, an toàn thực phẩm đối với lúa gạo hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế và khu vực.

- Hướng dẫn các tổ chức cá nhân đề xuất danh mục các đề tài, dự án nghiên cứu chọn tạo các giống lúa mới, các giải pháp về công nghệ nhằm tăng hiệu quả sản xuất lúa gạo theo Đề án.

đ) Các đơn vị khác

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với các Tổng cục, Cục chuyên ngành triển khai thực hiện các nội dung của Đề án.

2. Các Bộ, Ngành Trung ương

- Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương xây dựng chính sách trình cấp có thẩm quyền ban hành để triển khai thực hiện các nội dung của Đề án.

- Thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong quá trình triển khai Đề án.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương

Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện các nội dung Đề án; đề xuất cơ chế, chính sách triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh; định kỳ báo cáo kết quả về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, Ngành liên quan.

4. Hiệp hội lương thực Việt Nam

Hướng dẫn thành viên Hiệp hội thực hiện chủ trương, chính sách của Nhà nước liên quan đến sản xuất, kinh doanh lúa gạo; phối hợp với các đơn vị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện Đề án./.

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

 

THE MINISTRY OF AGRICULTURE AND RURAL DEVELOPMENT
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
---------------

No. 555/QD-BNN-TT

Hanoi, January 26, 2021

 

DECISION

APPROVING SCHEME FOR RESTRUCTURING OF VIETNAM’S RICE INDUSTRY BY 2025 AND 2030

MINISTER OF AGRICULTURE AND RURAL DEVELOPMENT

Pursuant to the Government’s Decree No. 15/2017/ND-CP dated February 17, 2017 on functions, duties, powers and organizational structure of the Ministry of Agriculture and Rural Development;  

Pursuant to Decision No. 748/QD-BNN-KH dated 11/3/2020 approving outline and cost estimate of assessment of implementation of rice industry restructuring scheme;

At the request of the Director General of the Department of Crop Production and Director General of Planning Department.

HEREBY DECIDES:

Article 1. Promulgated together with this Decision is the scheme for restructuring of Vietnam’s rice industry by 2025 and 2030 (hereinafter referred to as “Scheme”).

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 3. Chief of Office of the Ministry of Agriculture and Rural Development, Director General of Department of Crop Production, Director General of Planning Department, heads of relevant affiliates of the Ministry of Agriculture and Rural Development; and Directors of Departments of Agriculture and Rural Development shall implement this Decision./.

 

 

P.P. THE MINISTER
THE DEPUTY MINISTER




Le Quoc Doanh

 

SCHEME

RESTRUCTURING OF VIETNAM’S RICE INDUSTRY BY 2025 AND 2030

(Promulgated together with Decision No. … / QD-BNN-TT dated … / … / 2021 by Minister of Agriculture and Rural Development)

I. VIEWPOINTS AND OBJECTIVES

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

The rice industry plays a crucial role in agricultural and rural development, contributes to national food security, affects the life of the majority of farmers, social security and social stability and has ecological advantages in connection with cultural values and heritages of the time-honored rice civilization. However, the rice industry is facing challenges posed by low productivity, natural resource exploitation, environmental pollution and climate change, especially in key rice production deltas. In order to overcome these challenges, utilize advantages and maintain the important position of crop production, the rice industry needs to be restructured by 2025 and 2030 to meet new requirements of better and more sustainable development.

2. Objectives

a) General objectives

Continue to restructure the rice industry by improving productivity and facilitating sustainable development with the following objectives: (i) meet domestic demand, act as the core of national food security, (ii) improve quality and nutritional value, ensure food safety, (iii) establish and improve the rice chain value, (iv) adapt to and mitigate climate change, (v) utilize natural resources and protect the environment, (vi) increase farmer income and consumer benefits, and (vii) export high-quality and high-value rice.

b) Some specific objectives

i) Objectives by 2025

- Maintain paddy field area at 3,6-3,7 million ha, planting area at 7,0-7,2 million ha and rice yield at 40-41 million tonnes.

- Export approximately 5 million tonnes of rice with fragrant rice, specialty rice and japonica rice accounting for 40%, glutinous rice 20%, high-quality milled rice 20%, medium- and low-quality rice 15% and rice products 5%; branded rice accounts for more than 20% of exported rice.

- Use certified seeds on more than 80% and high-quality seeds on more than 70% of planting area; reduce direct seeding (80 kg/ha on average) by 70%; apply advanced cultivation processes (ICM, IPM, SRP, SRI, 1P5G,...) and good production practices (VietGAP and equivalent, climate-smart rice cultivation, organic agriculture, etc.) on more than 60% and high technology and digital technology on 10% of planting area.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Keep post-harvest loss under 8%.

- Rice production automation reaches 70% on average and more than 90% in the Mekong Delta.

- Increase planting area production upon which is connected with trade to more than 30%.

- More than 30% of profit go to farmers.

- Reduce greenhouse gas emission in rice production to 5%.

ii) Objectives by 2030

- Maintain paddy field area at 3,5 million ha, use planting area flexibly and ensure annual rice yield of at least 35 million tonnes.

- Export approximately 4 million tonnes of rice with fragrant rice, specialty rice and japonica rice accounting for 45%, glutinous rice 20%, high-quality milled rice 15%, medium- and low-quality rice 10% and rice products 10%; branded rice accounts for more than 40% of exported rice.

- Use certified seeds on more than 90% and high-quality seeds on more than 80% of planting area; reduce direct seeding (80 kg/ha on average) by 80%; apply advanced cultivation processes (ICM, IPM, SRP, SRI, 1P5G,...) and good production practices (VietGAP and equivalent, climate-smart rice cultivation, organic agriculture, etc.) on more than 70% and high technology and digital technology on 20% of planting area.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Keep post-harvest loss under 5%.

- Rice production automation reaches 80% on average and more than 100% in the Mekong Delta.

- Increase planting area production upon which is connected with trade to more than 50%.

- More than 30% of profit go to farmers.

- Reduce greenhouse gas emission in rice production to 10%.

II. RICE INDUSTRY RESTRUCTURING SOLUTIONS

1. Rice production restructuring

a) Conversion of paddy fields and rice planting areas

- Convert paddy fields having low productivity and frequently affected by saltwater intrusion, drought and flooding into other more efficient agricultural purposes. Avoid converting paddy fields with high soil fertility, high productivity or completed irrigation systems; end paddy field abandonment.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Region-based rice production orientations

- The Mekong Delta is a key rice production region of the country that has advantages in rice production, contributes more than 50% to national rice yield, has sufficient rice for other markets and accounts for 90% of exported rice. However, this region is hardest hit by climate change with worsening saltwater intrusion and drought along with fresh water shortage due to building of hydropower plants in countries where the sources of the Mekong are located. In addition, low efficiency of the rice industry chain value hinders sustainable development in this region. Therefore, orientations for rice production in the Mekong Delta include adapting to climate change; improving value and efficiency by enhancing rice quality; expanding the production-trade connection; planting other plants or practicing aquaculture on unproductive paddy fields and increasing rice rotation with aquatic products (shrimp - rice, shrimp - fish) or vegetables.

- The Red River Delta is the granary of the North and a rice production region with high intensive farming capacity, high productivity, readily available water sources, good irrigation systems, stable two-crop rice production (spring season - off season) with key seasons being late spring and early off season, and partial crop rotation with winter plants. Rice production in the Red River Delta aims for the domestic market, primarily Hanoi and other cities in the region where demand for specialty rice and high-quality rice is on the rise. Challenges faced by the region comprise low automation and low labor productivity. Orientations for rice production in the Red River Delta include producing high-quality rice according to local demand, with planning for local specialty rice, glutinous rice and japonica rice production areas, and promoting automation and high technology.

- The Central Coast (North Central Coast - South Central Coast) has stable two-crop rice production in areas with readily available water sources and switches to other plants such as corn (including corn for biomass production), beans, sesame, grass for livestock feeding, etc. in areas with water shortage. Challenges facing this region are natural disasters and severe weather phenomena (storms, flooding and drought). Orientations for rice production in this region include adapting to adverse conditions, increasing rice yield in areas with readily available water, using rice varieties whose quality suits local demand, varieties suitable for processing and specialty varieties for tourists. Switch from unproductive rice crops to other plants such as vegetables, beans, corn (including corn used for biomass production, grass for livestock feeding, etc.).

- The Northern Highlands and Central Highlands shall focus on intensive farming to improve rice productivity in areas with readily available water sources, developing specialty rice, glutinous rice and japonica rice as well as promoting diversity of local agricultural development to ensure local food security. Protect heritages of rice production areas such as terraced paddy fields, local specialty rice production areas, etc. in connection with tourism development and biodiversity conservation.

c) Rice variety development

i) Variety structure orientations

Each rice production region and sub-region shall have their own rice variety structures. The agriculture sector in each region and sub-region shall identify the key varieties and additional varieties according to market demand to provide instructions for use to farmers and end excessive use of varieties in each locality.

For the Mekong Delta, its variety structure shall support high-value export and increasing domestic demand for good rice. Planting areas shall be divided as follows: 35% for fragrant rice and specialty rice, 40% for high-quality rice (long-grain soft milled rice), 15% for glutinous rice and japonica rice, and 10% for medium-quality rice. Besides quality, rice varieties need to be adaptive to each sub-region (saltwater intrusion, drought and flooding) and resistant to common pests and diseases (nilaparvata lugens and magnaporthe grisea).

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

For the other regions, mainly use high-yield varieties resistant to pests and diseases and varieties with extremely short growth period (to avoid drought and flooding), and consider using high-quality varieties, local specialty varieties, glutinous rice and japonica rice depending on their ecological features.

ii) Variety production and trade

Enterprises are encouraged to modernize their rice seed production - processing processes to provide sufficient certified seeds for production. Complete 4-level rice variety production system (authored seeds, super-prototypal seeds, prototypal seeds and certified seeds) to increase use of certified seeds in production. The state may negotiate to purchase copyright on some special varieties used for export or food security to enable all enterprises to produce these varieties.

d) Application of good production practices

Apply advanced cultivation processes (ICM, IPM, SRP, SRI, 1P5G,...), good production practices (VietGAP and equivalent, climate-smart rice cultivation, organic agriculture, etc.), high technology and digital technology. These processes help conserve input materials such as chemical fertilizers, agrochemicals, seeds and water but improve productivity and product quality, ensure food safety, protect the environment and ecosystems of rice production regions and mitigate climate change. Good practices should be adopted on a large scale and technical measures thereof may be selected or combined depending on local conditions.

Adopt high technology and digital technology production models in rice production, 4.0 large fields and precise farming, first in the Mekong Delta and Red River Delta.

Select special ecological areas for organic rice development such as rice - shrimp production areas along the coast of the Mekong Delta or local specialty rice production areas.

dd) Rice production automation

- Continue to boost rice production automation, especially in areas with low automation rate such as the Northern Highlands and Central Highlands, for steps with low automation rate such as transplanting/direct seeding and care (fertilization, agrochemical spraying). As for the Mekong Delta, which has high automation rate, strive for synchronized automation and gradual automation of some steps such as by using drones to spray agrochemicals or biological, laser field leveling, automated watering, etc.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

e) Post-harvest, storage and processing

- Increase use of 2-stage dryers (fluidized bed dryer for stage 1 and columnar dryer for stage 2) to improve milling recovery and rice quality.

- Review rice and rice plant storage capacity of the whole country, narrow the gap between rice storage capacity and rice plant storage capacity in key production regions by building and upgrading rice plant storage with synchronized drying and cleaning systems and automated operations to improve storage quality; enable enterprises to store dried rice plants in silos.

- Apply the one-step hulling process to produce rice directly from dried rice plants with 14% humidity instead of the "backward” process where brown rice is produced from highly humid whole grain rice and then transported and stored in another location for hulling, polishing and drying, which results in high loss and poor quality. Apply advanced technology to cleaning, classification and color sorting to further enhance hulled rice quality; adopt automated rice packaging lines. Meet international rice processing standards.

- Tap into rice deep processing potential to boost efficiency of the value chain. Deep processing of mash and rice can create many high-value food, pharmaceutical and cosmetic products such as high-class cooking oil, mask wax, brown rice milk, products from rice flour, oryzanol essence, etc. Straw can be used to produce organic fertilizers, grow fungi, make paper or produce animal feeds. Hulls can be recycled into wood or used to produce biogas (rice hull gasification), clean construction materials, activated carbon, etc.

- The state shall continue to provide funding policies to enable enterprises to invest in technology development and application as well as establishing high-tech processing clusters connected with ingredient production areas to strengthen the connection between production, processing and market.

e) Quality control and food safety

- Regularly inspect input materials of rice production, mostly including rice varieties, fertilizers and agrochemicals, in production, import and trade; end use of counterfeit or poor-quality materials. Boost post-inspection sample collection for inspection of conformity to quality standards and chemical and agrochemical residue in rice. Proactively give warnings about risk to food safety to rice producers and traders.

- Expand application of good production practices to reduce direct seeding, chemical fertilizers and agrochemicals in rice production, increase use of organic fertilizers and biological plant protection preparations, apply advanced rice storage and processing processes. Encourage rice production domestically or internationally certified to be conformable to sustainable rice production processes and origin tracing processes, and support organic rice production certification.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Support services of inspection of conformity to quality and food safety standards of rice domestically sold and exported. Encourage investment in offices for inspection of rice meeting international standards in the Mekong Delta.

- Raise awareness of food safety in rice production, storage and processing; promote the quality and safety of Vietnam’s rice to the world.

2. Production reform

- Continue to expand connection between rice production and trade to enhance efficiency of the rice value chain. The connection between farmers and enterprises is an indispensible pillar of the rice value chain.

- To expand rice planting areas with farmer - enterprise connection, properly implement state guidelines on collective economy and cooperative development and incentive policies for connection in production and trade of agricultural products that have been promulgated, including assistance for costs of connection establishment consultancy, infrastructures for connection, agricultural extension, training, rice varieties, materials and product packaging and labels.

- The greatest challenges to the connection between production and trade is that enterprises lack funding for this connection (requiring much funding and long-term loan) while farmers do not possess the conditions necessary for field improvement, automation and input materials. Thus, the banking sector’s participation in funding enterprises and state assistance in upgrading infrastructures of production areas are two pillars of the sustainable connection between rice production and trade. Besides institutions, elements of the partnership culture such as trust and honoring trust between farmers and enterprises should be promoted.

3. Market development

a) Domestic market

- Rice production in regions besides the Mekong Delta primarily aims for the domestic market. Thus, development of the domestic rice market is of importance to the sustainable development of the rice industry. For the present and in the future, rice supply for the domestic market is secured but rice production efficiency needs to be improved by (i) expanding the rice supply chain to large trade centers, (ii) developing retail in rural areas, ensuring that people living in remote and isolated areas have access to rice supply at all times, (iii) ensuring that all rice types meet food safety standards, and (iv) diversifying rice types to meet demand of each market segment.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Export and exported rice brand development

- Continue to adopt the rice export market development strategy of Vietnam for the period of 2017-2020 with vision towards 2030 (Decision No. 942/QD-TTg dated 03/7/2017) and scheme for Vietnamese rice brand development by 2020 with vision towards 2030 (Decision No. 706/QD-TTg dated 21/05/2015).

- Create, select and develop more rice varieties according to the rice variety structure of export strategies, prioritizing fragrant and specialty varieties; develop variety-based production areas where production, trade and export are connected; strictly control the production process to obtain products with consistent quality and ensure satisfaction of food safety criteria, including maximum residue levels applicable to agrochemicals, and origin traceability; apply advanced post-harvest, storage and processing technologies to reduce loss and preserve rice quality and taste.

- Elaborate policies supporting exporters of rice branded and affixed with the Vietnam Rice label.

- Support establishment of Vietnamese rice promotion offices in key markets in connection with tourism promotion and other activities.

4. Enhancement of adaptability to climate change, adverse conditions and risks

a) Climate change adaptability

- Adapting measures: use rice varieties highly resistant to adverse conditions (saltwater intrusion, drought, heat and flooding) as well as pests and diseases, and having short growth period to avoid saltwater intrusion, drought and flooding; adjust planting seasons based on early warnings about hydrologic conditions, change production structure on paddy fields such as by rotating rice with shrimp in areas affected by saltwater intrusion and with fast-growing terrestrial plants in drought-stricken areas; grow protection forests, build and reinforce infrastructure, especially irrigation systems, river dikes and sea dikes. Complete saltwater intrusion, drought and flooding warning maps for key rice production regions, which will provide the basis for flexible changes to planting seasons and technical solutions for sustainable rice cultivation.

- Mitigating measures: reduce greenhouse gas emission in rice production; reduce use of nitrogenous fertilizers, fertilize by burying, use slow-release fertilizers; use and recycle all straw post-harvest, end straw burning; reduce water use (field leveling, watering alternatively).

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Formulate standards for certification of low-carbon rice and climate-smart rice cultivation to provide the basis for incorporating climate change adaptability value to rice value, aim for selling of carbon credits in rice production.

b) Risk management

- Develop information systems supporting early warnings (about flooding, saltwater intrusion and landslides), weather forecasting and prevention of natural disasters and epidemics; launch agricultural production insurance programs for rice (encourage farmers to buy the insurance and insurance companies to join the market).

- Provide rice farmers with funding, materials and techniques to facilitate production recovery and livelihood protection in the event of major disasters; promptly provide rice from the national reserve for people in affected areas and ensure that the national reserve has sufficient rice varieties for production recovery.

- Adopt production processes for rice highly resistant to adverse conditions, diversify production on paddy fields and farmer income; raise the community’s awareness of natural disaster prevention and control.

- Risk management is a highly social activity that requires rice farmers' understanding and participation of the whole community.

5. Efficient use of natural resources, environmental protection and preservation of rice-related cultural values

a) Efficient use of natural resources

(i) Water resources

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Have appropriate planning and implement policies on irrigation management between localities where river upstream and downstream areas are respectively located to regulate and share water, improve water use efficiency in a harmonious manner and reduce discharge of rice production wastewater into the environment.

- For the Mekong Delta, complete irrigation planning and apply irrigation management policies to regulate water use between localities where upstream and downstream areas are respectively located properly; build fresh water reservoirs with suitable volume, practice aquaculture in areas facing great water shortage due to drought and saltwater intrusion to improve water use efficiency and harmonize water sharing, especially between rice production and aquaculture. Promote international cooperation to mitigate the impacts of hydropower development in countries where the Mekong’s sources are located upon the environment, agricultural production and livelihoods of people living downstream.

- For the Red River Delta, upgrade irrigation systems and pumping stations to ensure proactive watering and drainage; regulate discharge from hydropower structures supporting rice production properly.

- For Central, Southeast, Central Highlands and Northern Highlands provinces, review production areas facing water shortage and areas requiring water storage during dry season. In these areas, balance amounts of water used for rice and other plants to allocate land to rice cultivation and other agricultural production activities; prioritize upgrading and building of reservoirs to store fresh water during rainy season; develop small irrigation systems on small fields, valley fields and terraced paddy fields.

- Impose water use fees to raise awareness of economical water use; transfer funding for irrigation to funding for construction, maintenance and repair of irrigation structures.

- Limit use of chemical fertilizers and pesticides, increase use of organic fertilizers and biological pesticides to reduce water pollution in rice production.

- Plant and protect forests as per the law to preserve water sources.

(ii) Land resources

- Adopt paddy field planning in close connection with assurance of national food security. Convert paddy fields as prescribed by law.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- On mountainous, hilly or sloped land, adopt technical measures to protect paddy fields, reduce erosion and washaway (preserve watershed forests, make terraced paddy fields, plant windbreaks, etc.), conserve biodiversity, embellish landscapes; in coastal areas, prevent salinization by structural and non-structural solutions (plant protection forests along the coast).

- Raise awareness of the harm done by misuse of chemical fertilizers and agrochemicals to paddy field health and further educate on fertilization in rice production.

(iii) Biodiversity protection solutions

- Protect diversity of rice genetic resources by collecting, assessing and conserving rice genetic resources in the national plant genetic resource bank for long-term use and enrichment of genetic diversity of rice varieties used in production via variety creation and selection, pure variety selection and production of local specialty varieties with high commercial value. Establish some natural genetic resource conservation areas and landscapes in some special rice production areas (Red River Delta, Mekong Delta, Northern Highlands, etc.).

- Protect biodiversity in the wet rice field ecosystem by mitigating the impacts of intensive farming upon beneficial organisms in paddy fields, adopt solutions for growing natural enemy populations in paddy fields, tap into value of flora and fauna in paddy fields.

b) Environmental protection

- Provide farmers with instructions on use of fertilizers and agrochemicals as well as application of good production practices (IPM, 3G3T, 1P5G, SRI, SRP, VietGAP,...) to reduce use of chemical fertilizers and agrochemicals, increase use of organic fertilizers, microbial fertilizers and biological plant protection preparations in rice production, prevent chemical misuse in production or advertising or trade of input materials against regulations on use.

- Create sustainable landscapes in rice production areas in compliance with rules of smart and good production practices, climate change adaptation, and environmental and natural resource protection.

- Formulate regulations on prevention of pollution in rice production and supervise compliance therewith; enhance state management of agricultural material quality, prevent trade and use of materials that are toxic or have unclear origin and are not included in lists of permitted materials; prevent industrial wastes from penetrating paddy fields in production areas near cities and industrial parks.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Maintain and promote landscape value of special rice production areas; tap into and enhance spiritual values in rice production, including tangible values related to rice production such as architectural structures, rice cultivation tools, etc. and intangible values such as cuisine, music, festivals, etc.

- Establish tourist attractions connected with rice heritages such as terraced paddy fields in the Northern Highlands, wild rice in Dong Thap Muoi, organic shrimp - rice areas in Ca Mau, and production areas of local specialty rice and local rice products; encourage participation of the local community in conservation of rice heritages.

- Promote local rice products and, concurrently, develop ecotourism to generate more income for communities; build rice museums at agritourism attractions and in rice research centers.

6. Human resource development

- Focus on farmer training via agricultural extension activities concerning new rice production technologies and knowledge about food safety and markets. Launch vocational training programs for young farmers, especially about high technology application and automation, to nurture a generation of professional, skilled and knowledgeable young farmers for modernization of the rice industry.

- Build capacity of agricultural extension officials and experts, especially grassroots-level agricultural extension and agricultural extension in enterprises. Support youth entrepreneurship in the rice industry; boost investment in domestic and international in-depth training about rice for science officials and properly employ officials having undergone training in public units.

- Provide farmers with local non-agricultural vocational training to create job opportunities and generate more income for rice farmers.

7. Gender issues in rice production

Boost automation to reduce women’s hard labor in rice production, especially for planting, harvesting and rice plant drying. Facilitate promotion of women's role in making decisions concerning rice production, capital borrowing and rice trade in the family and choosing techniques such as variety selection; enhance women’s role in production diversification in connection with family nutrition security and increase in income. Encourage women to participate in agricultural extension classes, developing demonstrations of technological advancements and local non-agricultural vocational programs to take on more work besides rice production and earn more income.  

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Implement free trade agreements (FTAs) in an effective manner to develop rice export markets, including penetration into high-class and high-value rice segments; support international promotion of Vietnamese rice, organize Vietnamese rice festivals abroad and join international rice forums.

- Cooperate with other countries in rice-related matters such as sharing information, transferring technologies, exchanging genetic resources, training and trade development; cooperate with countries where sources of the Mekong and the Red River are located in protecting and using common water resources properly. Elevate Vietnam’s role in ASEAN in developing a regional emergency rice reserve.

- Promote scientific and technological cooperation with international research and development organizations. Transfer rice production and processing experience and technology to other countries, especially Africa, within the framework of bilateral or multilateral cooperation.

9. State management of rice industry

- Finish developing national technical regulations and standards concerning rice in consistency with international standards; stipulate certification of products in conformity to regulations and standards.

- Finish formulating policies and institutions enabling farmers and enterprises to develop a highly efficient rice chain value, prioritizing resolution of difficulties in relation to land assembly, production - trade connection and science and technology application; develop production, processing and product quality standards suitable for international integration. 

- Provide orientations and mobilize resources for scientific research and technology transfer concerning rice; ensure intellectual property rights over inventions, new rice variety selection, etc. in support of rice industry development.

- Properly manage quality of agricultural materials used in rice production, prevent production, trade and use of poor-quality or counterfeit essential materials such as fertilizers, agrochemicals and seeds.

- Publish information on rice export and rice markets; enable rice exporters to trade according to the market mechanism.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

III. PRIORITIZED SOLUTIONS

1. Implementation, completion and renovation of policies and mechanisms

a) Policies and mechanisms concerning paddy fields

- The Government shall promulgate a Decree encouraging land assembly for agricultural production to enable paddy field assembly, increase in the scale of rice production in farming households and enterprises to invest in large-scale rice production.

- Assess and review results of implementation of paddy field conversion policies according to the Government’s Decree No. 35/2015/ND-CP dated 13/4/2015 on management and use of paddy land and the Government's Decree No. 62/2019/ND-CP dated 11/7/2019 on amendments to Decree No. 35/2015/ND-CP. As each region has a different balance between rice supply and demand and multiple regions have yet to ensure a sustainable supply and demand balance, it is necessary to provide policies stipulating paddy field conversion throughout the country to maintain the large supply and demand balance in regions without excess rice yield. For key rice production regions (high commodification, fertile soil, completed irrigation systems, etc.), in order to encourage farmers to keep their paddy fields to preserve the core of food security, the State shall provide specific policies such as prioritizing paddy field assembly, investing in infrastructure, modernizing production, developing the value chain, improving efficiency of the rice industry and increasing farmer’s income; transfer assistance based on rice planting area to key rice production regions and areas where rice is rotated with vegetables or aquatic products.    

b) Some main policies and mechanisms concerning rice industry

i) Production - trade connection

Continue to implement incentive policies for development of rice production and trade connection according to the Government’s Decree No. 98/2018/ND-CP dated 05/7/2018 on incentive policy for development of linkages in production and consumption of agricultural products. According to this Decree, incentive policies include assistance for costs of connection establishment consultancy; assistance for infrastructures for connection; and assistance for agricultural extension, training, rice varieties, materials and product packaging and labels. For the rice industry, besides the abovementioned types of assistance, it is necessary to provide enterprises with sufficiently large loan and long loan term to enable rice trade connection and rice reserve with the participation of the banking sector in providing loans based on the value chain.

ii) Agricultural automation

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

iii) Agricultural credit

Continue to implement the Government’s Decree No. 55/2015/ND-CP dated 9/6/2015 on credit policy for agricultural and rural development and the Government’s Decree No. 116/2018/ND-CP dated 7/9/2018 amending a number of Articles of Decree No. 55/2015/ND-CP. In agricultural credit policies, specific credit programs that assist enterprises and people with investing in some key agricultural products of Vietnam such as rice must be completed in a manner that promotes land assembly, development of production - trade connection chain, high technology application, branded product export and strong connection between lending programs and insurance based on the rice value chain.

iv) Agricultural insurance

Assess results of implementation of the Government's Decree No. 58/2018/ND-CP dated 18/4/2018 on agricultural insurance and the Prime Minister’s Decision No. 22/2019/QD-TTg on agricultural insurance assistance policies (in which assistance for rice insurance is provided for the following 7 provinces: Thai Binh, Nam Dinh, Nghe An, Ha Tinh, Binh Thuan, An Giang and Dong Thap); complete agricultural insurance policies for rice, extend insurance assistance policies for centralized rice production areas, and develop insurance products according to productivity indicators and by applying remote sensing technology to reduce costs and time and increase transparency as well as accuracy.

v) Investment of enterprises in agriculture

Adopt policies encouraging enterprises to invest in rice production and trade according to the Government’s Decree No. 57/2018/ND-CP dated 17/4/2018 (hereinafter referred to as “Decree No. 57”) on incentive policies for enterprises investing in agriculture and rural development sector; prioritize enterprises having production - trade connection, applying high technology, exporting branded rice and/or engaging in deep processing. Promote active participation of local governments in facilitating implementation of Decree No. 57 for the rice industry, especially land assembly mechanisms and list of rice production - processing projects investment in which is encouraged of each locality.

vi) Development of systems of good production practices

Systems of good production practices are the start of sustainable and efficient development of the rice industry and the core of establishment of ingredient production areas meeting food safety and quality standards. Thus, it is necessary to provide policies facilitating application of systems of good production practices, adaption to climate change, greenhouse gas emission reduction and certification of conformity to good production practices.

vii) Rice export

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Continue to properly implement the scheme for Vietnamese rice brand development, rice export market development strategy and the Government’s Decree No. 103/2020/ND-CP dated 04/9/2020 on certification of fragrant rice varieties exported to the European Union.

viii) Food security assurance

- Rice is the core of food security. Therefore, food security policies shall first enable farmers, localities and enterprises engaging in rice production to produce and trade rice efficiently and earn high income.

- The State shall develop mechanisms and policies ensuring sufficient rice production for national demand in all situations; concurrently, support rice distribution to remote and isolated areas and forestry production areas to enable access to rice supply at all time; locate national rice reserve storage in some areas facing food shortage. The State shall promptly provide rice for disadvantaged areas during transition periods between rice crops or when natural disasters strike.

- Encourage diversification of production and income sources of farmers to reduce rice consumption per capita and increase consumption of highly nutritious food.

- Develop systems for national nutrition security and food security surveillance, forecasting of rice production - trade situation and forecasting of risks to domestic and global food security to take early and remote response measures.

- Develop mechanisms for cooperation in and management of on-market rice stockpiling and national rice stockpiling to ensure rice supply for emergencies.

2. Enhancement of science and technology research and application

a) Develop and launch a national rice research program for 2021-2030 with a focus on the following matters:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Enhance collection, conservation and use of rice genetic resources to obtain genetic resources for long-term use; modernize infrastructures for national plant genetic resource conservation and digitalize data on rice genetic resources; formulate regulations facilitating use of genetic resources for rice variety research and development by state-owned research organizations and Vietnamese enterprises.

- Boost research on and selection and production of new rice varieties meeting requirements of domestic and export markets, prioritizing selection and production of varieties of fragrant specialty rice, rice with nutritional value and rice used as herbal ingredients; combine high quality with resistance to climate change and common pests and diseases. Apply modern technology (biological technology and computer science) to rice variety selection and production. Carry out basic research on rice heredity and genes to provide the basis for variety selection and production. The State shall encourage and facilitate new rice variety protection.

- Conserve, select pure lines (restore) and maintain production of local specialty varieties in connection with geographical indications.

ii) Research on and development of systems of climate change mitigation and adaption and good production practices

Research and develop systems of measures for sustainable rice production and climate change mitigation and adaption, in which, besides completing predetermined measures, it is necessary to research new measures that apply high technology, digital technology and automation to add them to the systems and develop precise rice cultivation systems.

iii) Research on automation and improvement of rice value chain

Focus on researching synchronized automation of rice production suitable for each area, and synchronized automation of drying lines, storage and processing systems; aim for modernization of the whole rice value chain, in which, prioritize key rice production regions. Research domestic manufacturing of equipment whose technology is compatible to imported technology. Develop and apply technologies for deep processing of rice products.

iv) Research on efficient use and protection of natural resources

- The natural resources that are fundamental to rice production include soil, water and biodiversity. As natural resources are losing both quantity and quality, it is necessary to focus on researching solutions for economical and efficient use of land and water resources as well as biodiversity protection; concurrently, recover and improve paddy field fertility, protect water sources, prevent landslides and enhance biodiversity (fauna, flora and microorganisms) of ecosystems of rice production areas. Research integrated systems for use of natural resources to develop the landscapes of rice production areas in a productive and sustainable manner.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

v) Research on rice trade, markets, policies and institutions

Research and analyze the impacts of policies related to the rice industry and propose amendments to mechanisms and policies; research and forecast rice markets and trade, especially forecasts about the global rice market in the medium term and long term.

b) Application of science and technology

- Renovate agricultural extension and technology transfer according to the rice value chain, develop highly efficient production - trade connection examples, promote agricultural extension concerning application of high technology and digital technology in rice production and about production organization and management. Connect agricultural extension activities with training and developing professional and highly skilled rice farmers.

- Develop agricultural extension consultancy services concerning information technology application to provide information on techniques, markets, weather forecasts and weather for farmers.

c) Mobilization of resources for science and technology research and application

- Develop connections in rice-related technology research and transfer between Vietnamese organizations (institutes, schools, enterprises, organizations and individuals). Encourage the society’s participation, especially enterprises, in agricultural extension concerning rice development.

- Strengthen cooperation with International Rice Research Institute (IRRI) and international organizations such as Food and Agriculture Organization of the United Nations (FAO) in rice research and development, especially in basic research and training of highly skilled science workforce.

Encourage development of public - private cooperation, including with foreign privately-owned organizations, in rice research and development.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Increase funding for scientific research, technology transfer and agricultural extension from state budget and contributions from enterprises and international cooperation in rice-related matters.

- Upgrade Cuu Long Delta Rice Research Institute to international level, and upgrade Plant Resources Center and institutes in charge of rice research for ecological areas. Enhance professional capacity of state-owned agricultural extension organizations from central to local levels and agricultural extension organizations of enterprises.

- Assist enterprises with resources for building research capacity and developing technology related to rice; provide farmers with necessary resources to utilize their ideas in rice production in order to complete and develop technology, utilize local experience in sustainable rice production and protect biodiversity.

- Invest in training of officials in charge of domestic and overseas in-depth research on rice.

3. Investment in infrastructure

- Focus on completing irrigation systems to ensure sufficient water for two-crop rice production; increase investment in irrigation structures for areas facing water problems; and flood prevention, flood reduction, saltwater prevention, fresh water storage and landslide prevention structures; reinforce and upgrade sea and river dikes. Develop and upgrade inter-farm irrigation systems in connection with field improvement.

- Develop transport systems (roads, waterways, railways, inland clearance depots and export ports) in a synchronized manner, especially for the Mekong Delta, which supplies large rice quantity for other domestic markets and export.

- Support building of power systems supporting production for centralized rice production areas. Encourage use of renewable energy in rice production and processing.

- Support enterprises in building dried rice plant storages to ensure quality of rice plants in storage in centralized rice production areas; build bonded warehouses in some key markets.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Support upgrade of transport systems, irrigation systems and field improvement for rice production areas having cultural heritages in connection with tourism.

- Apply digital technology to operation of logistics services. Shorten the time necessary to complete customs procedures. Ensure transparent information on rice trade - export. Develop systems automatically providing information on rice import and export of Vietnam’s market and global market and connecting relevant organizations.

IV. IMPLEMENTATION

1. Affiliates of Ministry of Agriculture and Rural Development

a) Department of Crop Production shall:

- Formulate action plans to adopt solutions for implementation of the Scheme by 2025 and 2030, submit annual reports on implementation progress and results to the Ministry; propose amendments to the Scheme where necessary.

- Take charge and cooperate with relevant General Departments, Departments and Institutes in developing and carrying out specific programs, projects and tasks for Scheme implementation.

- Take charge and cooperate with relevant units in researching and proposing amendments to policies supporting the Scheme to competent authorities for promulgation.

- Cooperate with relevant units in reviewing and amending plans for conversion of plant structure on paddy fields as appropriate.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Take charge and cooperate with relevant units in directing inspection and construction of irrigation systems supporting rice production, first in two-crop rice production areas; build irrigation systems suitable for plants planted on paddy fields.

- Research and popularize economical watering models for rice production.

- Review and propose amendments to irrigation management policies to improve water use efficiency and harmonize water use objectives.

c) Agro Processing and Market Development Authority shall:

Take charge and cooperate with relevant units in researching and proposing amendments to policies related to storage, processing, trade promotion, market development and Vietnamese rice brand development to competent authorities for promulgation.

d) Planning Department shall:

- Take charge and cooperate with relevant units in drawing up lists of investment projects by 2025 and for 2025-2030 for Scheme implementation; balance and allocate funding for listed projects.

- Research and propose mechanisms and policies for mobilizing resources for Scheme implementation.

dd) Department of Science Technology and Environment shall:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Provide organizations and individuals with guidelines on proposing lists of research topics and projects on new rice variety development and technological solutions to enhance efficiency of rice production according to the Scheme.

dd) Other units shall:

Cooperate with authorities in performing tasks of the Scheme as assigned.

2. Ministries and central authorities

- Cooperate with the Ministry of Agriculture and Rural Development and local governments in formulating and proposing policies supporting the Scheme’s tasks to competent authorities for promulgation.

- Exercise governmental authority during implementation of the Scheme.

3. Departments of Agriculture and Rural Development

Advise the People's Committees of their provinces/cities on performance of the Scheme’s tasks; propose mechanisms and policies for implementation in their provinces/cities; submit periodic reports on implementation results to the Ministry of Agriculture and Rural Development, which will submit a consolidated report to the Prime Minister and relevant ministries and central authorities.

4. Vietnam Food Association

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

MINISTRY OF AGRICULTURE AND RURAL DEVELOPMENT

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 555/QĐ-BNN-TT ngày 26/01/2021 về Phê duyệt "Đề án Tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2025 và 2030" do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


4.621

DMCA.com Protection Status
IP: 52.14.0.24
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!