Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Quyết định 4109/QĐ-UBND 2022 Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ Nghệ An

Số hiệu: 4109/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An Người ký: Lê Hồng Vinh
Ngày ban hành: 22/12/2022 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4109/QĐ-UBND

Nghệ An, ngày 22 tháng 12 năm 2022

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP HỖ TRỢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03/11/2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ;

Căn cứ Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 06/8/2020 của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ;

Căn cứ Quyết định số 879/QĐ-TTg ngày 09/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035;

Căn cứ Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ năm 2016 đến 2025;

Căn cứ Quyết định số 2793/QĐ-BCT ngày 30/10/2020 của Bộ Công Thương về việc ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 06/8/2020 của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ;

Căn cứ Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 23/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An về phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030;

Căn cứ Quyết định số 5441/QĐ-UBND ngày 09/11/2017 của UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 1252/QĐ-UBND ngày 10/5/2022 của UBND tỉnh phê duyệt Đề cương nhiệm vụ phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

Theo đề nghị của Sở Công Thương tại Tờ trình số 2482/TTr-SCT ngày 07/12/2022.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND thành phố Vinh, các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


Nơi nhận:
- Như điều 3;
- TT Tnh ủy, TT HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch và các PCT UBND tỉnh;
- Các phó CVP UBND tỉnh;
- TT công báo tỉnh; Cổng TTĐT tỉnh;
- Các phòng KT, CN, NN, TH;
- Lưu: VT, CN (N.A.Tuấn)

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Hồng Vinh

ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP HỖ TRỢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Quyết định số 4109/QĐ-UBND ngày 22/12/2022 của UBND tnh)

Phần 1

SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. SỰ CẦN THIẾT PHẢI XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Những năm gần đây, công nghiệp Nghệ An phát triển khá và đạt được những thành tựu nhất định, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách của tỉnh; giải quyết nhiều việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động. Cơ cấu công nghiệp tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, cơ cấu nội ngành có sự chuyển dịch tích cực theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo, giảm dần công nghiệp khai khoáng. Đã hình thành được một số lĩnh vực công nghiệp chủ lực, tạo động lực và sức lan tỏa như: Công nghiệp chế biến nông - lâm sản, thực phẩm; đồ uống; công nghiệp cơ khí; khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng; dệt may; công nghiệp điện.

Tuy vậy, tăng trưởng công nghiệp vẫn chủ yếu theo chiều rộng, tiêu tốn nhiều tài nguyên, giá trị gia tăng thấp, năng suất lao động chưa cao, chất lượng và sức cạnh tranh của nhiều sản phẩm còn yếu, tỷ lệ sản xuất và cung cấp từ nội địa còn rất thấp. Một trong những nguyên nhân chính là do Công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh phát triển còn chậm dẫn đến phần lớn các ngành công nghiệp đang phải nhập khẩu nguyên liệu, linh kiện phụ tùng để phục vụ cho sản xuất làm cho chi phí đầu vào tăng cao do chi phí vận chuyển, kho vận, bảo hiểm,... tăng lên làm giảm sức cạnh tranh; chưa kể rủi ro về thời gian nhận hàng, rủi ro về dịch bệnh, chiến tranh, thiên tai ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất. Mối liên kết giữa các doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp nước ngoài, giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa với các doanh nghiệp lớn vẫn còn nhiều hạn chế; khả năng tham gia vào hệ sinh thái và chuỗi giá trị của các doanh nghiệp trong tỉnh còn thấp,... Từ đó làm cho môi trường đầu tư của tỉnh trở nên thiếu hấp dẫn, hạn chế việc thu hút các tập đoàn lắp ráp nhất là nhóm ngành cơ khí chế tạo, sản xuất ô tô, máy móc, thiết bị,... do tỷ lệ chi phí cho linh, phụ kiện của nhóm ngành này thường chiếm tới 70% trong giá thành sản phẩm (cao hơn nhiều so với chi phí lao động vẫn được coi là còn khá rẻ và dồi dào ở tỉnh ta).

Phát triển công nghiệp hỗ trợ trong những năm tới là nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao giá trị gia tăng và tỷ trọng giá trị nội địa trong sản phẩm công nghiệp, chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế, giảm nhập khẩu các yếu tố đầu vào,... tạo nền tảng thúc đẩy phát triển công nghiệp nhanh và bền vững theo định hướng Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 23/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Vì vậy việc xây dựng Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Nghệ An đế năm 2025, định hướng đến năm 2030 là hết sức cần thiết. Trên cơ sở kinh nghiệm đã triển khai thành công đề án của một số địa phương trong cả nước như: Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hưng Yên, Quảng Nam, Đồng Nai, Bình Dương, Tp.HCM,... để đưa ra định hướng, giải pháp phù hợp với điều kiện của tỉnh, đồng thời làm cơ sở để xây dựng, ban hành hệ thống cơ chế chính sách hỗ trợ đặc thù thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ vào các lĩnh vực có tiềm năng nhất, đem lại hiệu quả đầu tư cao nhất.

II. CĂN CỨ PHÁP LÝ, CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Căn cứ pháp lý

Căn cứ pháp lý xây dựng Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Nghệ An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 gồm:

1.1. Các chủ trương, đường lối của Đảng:

- Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam;

- Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030 của Ban Chấp hành Trung ương;

- Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045;

- Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 30/7/2013 và Thông báo số 55/TB/TW ngày 20/4/2019 của Bộ Chính trị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến 2020;

- Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025;

- Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 23/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An về phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2021-2030.

1.2. Các văn bản pháp lý của Trung ương có tác động trực tiếp đến phát triển công nghiệp hỗ trợ Nghệ An:

- Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03/11/2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ;

- Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 06/8/2020 của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ;

- Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp;

- Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ về công tác khuyến công;

- Quyết định số 879/QĐ-TTg ngày 09/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035;

- Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 15/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí VN đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035;

- Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 16/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035;

- Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 - 2025;

- Quyết định số 2903/QĐ-BCT ngày 16/8/2018 của Bộ Công Thương ban hành Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại ngành Công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2018-2020, xét đến năm 2025;

- Quyết định số 2793/QĐ-BCT ngày 30/10/2020 của Bộ Công Thương về việc ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 06/8/2020 của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ;

- Thông tư số 29/2018/TT-BTC ngày 28/3/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn lập, quản lý, sử dụng kinh phí Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ.

1.3. Căn cứ pháp lý của địa phương:

- Quyết định số 5441/QĐ-UBND ngày 09/11/2017 của UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030;

- Quyết định số 1306/QĐ-UBND ngày 23/4/2019 của UBND tỉnh phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2019 - 2025;

- Quyết định số 4716/QĐ-UBND ngày 22/12/2020 của ƯBDN tỉnh phê duyệt Chương trình khuyến công tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025;

- Quyết định số 269/QĐ-UBND ngày 26/01/2022 của UBND tỉnh về việc ban hành Chương trình công tác năm 2022 của UBND tỉnh Nghệ An;

- Nghị quyết số 22/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành quy định một số chính sách phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

2. Cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng Đề án

2.1. Cơ sở lý luận và các mô hình phát triển công nghiệp hỗ trợ:

- Về khái niệm công nghiệp hỗ trợ: Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) được định nghĩa khác nhau giữa các nước và các tổ chức khác nhau, với cách nhìn, mục tiêu, trình độ khác nhau trong phát triển ngành công nghiệp và nền kinh tế của mỗi nước theo xu thế cạnh tranh và hội nhập kinh tế toàn cầu ngày càng đa dạng. Tại Nhật Bản, thuật ngữ CNHT được dịch thành cụm từ Supporting Industry, trong đó nếu xem toàn bộ quy trình sản xuất một sản phẩm như một quả núi thì các ngành công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò chân núi, còn công nghiệp lắp ráp, sản xuất hoàn tất sản phẩm cuối cùng đóng vai trò đỉnh núi. Do vậy, công nghiệp hỗ trợ là động lực trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng cho ngành công nghiệp. Tại Thái Lan, CNHT được hiểu là các ngành công nghiệp cung cấp linh kiện, phụ kiện, máy móc, dịch vụ đóng gói và dịch vụ kiểm tra cho các ngành công nghiệp cơ bản (nhấn mạnh các ngành cơ khí, máy móc, linh kiện cho ô tô, điện và điện tử là những công nghiệp hỗ trợ quan trọng).

Ở Việt Nam, khái niệm CNHT bắt đầu được đề cập và nghiên cứu từ đầu những năm 2000 cùng với sự gia tăng của đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực chế tạo và được chính thức hóa từ năm 2007 trong “Quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020” (ban hành kèm theo Quyết định số 34/QĐ-BCN ngày 31/7/2007 của Bộ Công nghiệp). Theo quy định tại Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03/11/2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ, các khái niệm CNHT được giải thích như sau: “Công nghiệp hỗ trợ là các ngành công nghiệp sản xuất nguyên liệu, vật liệu, linh kiện và phụ tùng để cung cấp cho sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh”.

- Một số mô hình phát triển công nghiệp hỗ trợ điển hình:

+ Mô hình phát triển CNHT của Nhật Bản là hình thành các nhà thầu phụ và tạo điều kiện cho họ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, xây dựng Khu công nghiệp (KCN) hỗ trợ có hạ tầng đồng bộ với giá thuê đất ưu đãi trong đó giảm 90% tiền thuê trong 5 năm đầu so với các KCN thông thường và sử dụng miễn phí một số dịch vụ; thành lập Quỹ tài chính chính sách công cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNN&V) vay lãi suất 1-3%/năm không thế chấp, bảo lãnh; hỗ trợ DNN&V cải tiến, đổi mới công nghệ, thử nghiệm sản phẩm mới; hỗ trợ khai thác thị trường, phát triển nguồn nhân lực,... Ban hành các đạo luật về Biện pháp ngắn hạn khuyến khích phát triển công nghiệp cơ khí và công nghiệp điện tử.

+ Hàn Quốc đầu những năm 1960 đã đưa ra chiến lược lựa chọn một số tập đoàn mạnh để phát triển kinh tế quốc gia theo hướng xuất khẩu và thay thế hàng nhập khẩu. Chính phủ buộc các tập đoàn này phải chuyển phần sản xuất linh kiện, phụ tùng sang các doanh nghiệp nhỏ để tạo sự lan tỏa và gia tăng tính cạnh tranh, đồng thời ban hành Luật Xúc tiến thầu phụ trong đó chỉ định các doanh nghiệp lớn một số ngành công nghiệp phải mua linh phụ kiện bên ngoài mà không được tự sản xuất các sản phẩm này. Ban hành nhiều chính sách như ưu đãi như: Thuế thu hút FDI sản xuất các sản phẩm CNHT; hình thành các KCN hỗ trợ với giá thuê đất rẻ; hỗ trợ về tài chính, tiếp cận thị trường, tư vấn, nghiên cứu phát triển công nghệ, tiếp thu công nghệ mới từ nước ngoài cho DNN&V sản xuất CNHT thông qua Công ty Phát triển công nghiệp nhỏ và vừa (SMIDEC); thành lập Trung tâm Phát triển kỹ năng Penang (PSDC) đã tổ chức các khóa đào tạo về kỹ thuật.

+ Tại Thái Lan, để phát triển công nghiệp hỗ trợ Chính phủ thành lập Ban Phát triển CNHT (BSID) là cơ quan chuyên trách trực thuộc Cục Phát triển công nghiệp (DIP), Bộ Công nghiệp (MOI) để hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), nhà khởi nghiệp, các cơ quan hỗ trợ và các nhà cung cấp dịch vụ trong đào tạo nhân lực, chuyển giao công nghệ, mở rộng thị trường và tư vấn kỹ thuật. Trên cơ sở quy hoạch tổng thể CNHT, Thái Lan ưu tiên tập trung vào ngành công nghiệp ô tô, công nghiệp điện tử, xây dựng danh mục linh kiện và phụ tùng của các ngành này với hiện trạng cụ thể (nhập khẩu hay nội địa hóa) và các bảng tóm tắt các biện pháp đề xuất để ưu tiên thu hút đầu tư. Ban hành chính sách phát triển các KCN hỗ trợ tập trung; chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tạo mối liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp nội địa với các doanh nghiệp FDI; chính sách ưu đãi thuế bao gồm miễn hoặc giảm thuế nhập khẩu máy móc và nguyên liệu thô, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp; ưu đãi phi thuế bao gồm cho phép thuê công nhân nước ngoài, sở hữu đất và mang hoặc chuyển ngoại tệ ra nước ngoài; hỗ trợ DNN&V nghiên cứu phát triển công nghệ, tiếp thu công nghệ mới từ nước ngoài.

+ Đài Loan đã thành công trong phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất lắp ráp ô tô và công nghiệp điện tử nhờ vào Luật quy định hàm lượng nội địa, quy định các nhà sản xuất nước ngoài chuyển giao công nghệ sản xuất linh phụ kiện sang các nhà cung ứng liên doanh và trong nước. Thông qua hỗ trợ tài chính, kỹ thuật và tư vấn quản lý để hỗ trợ triển khai hệ thống vệ tinh với 3 liên kết chính: nhà cung cấp và nhà lắp ráp, người sử dụng hạ nguồn và nhà cung cấp nguyên liệu chính, nhà thầu phụ và thương gia. Các doanh nghiệp hạt nhân tham gia chương trình được trợ cấp tài chính, giám sát, phối hợp và cải tiến hoạt động các doanh nghiệp vệ tinh. Ban hành Chương trình linh kiện then chốt gồm 48 loại linh kiện và 24 sản phẩm chủ chốt phát triển sản xuất trong nước. Đài Loan cung thành lập Trung tâm phát triển năng lực sản xuất (CSD) thuộc Bộ Kinh tế-MOEA là cơ quan chuyên trách về CNHT. Ban hành các chính sách như: Vay lãi suất đặc biệt thấp cho lĩnh vực R&D và hưởng 15% tín dụng thuế cho chi phí R&D trong tổng thuế thu nhập doanh nghiệp, mua máy móc và thiết bị tự động, kiểm soát ô nhiễm và tiết kiệm năng lượng; doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngoài ra. Chính phủ cũng hỗ trợ tài chính trung và dài hạn cho các dự án đầu tư lớn với số tiền từ 100 triệu Đài tệ trở lên cho khu vực tư nhân: giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% còn 17%.

- Kinh nghiệm phát triển công nghiệp hỗ trợ một số địa phương trong nước: Một số tỉnh, thành đã đặc biệt chủ trọng đến công tác quy hoạch, xây dựng các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ; khai thác tốt tiềm năng lợi thế kết hợp với việc ban hành và triển khai chính sách hỗ trợ đồng bộ để thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển. Cụ thể:

+ Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương phát triển năng động nhất cả nước, có hạ tầng kinh tế xã hội và hạ tầng công nghiệp phát triển đồng bộ. Nhận thức được vai trò của công nghiệp hỗ trợ trong việc nâng cao giá trị gia tăng, thúc đẩy phát triển công nghiệp nhanh và bền vững, lãnh đạo Thành phố đã chú trọng quy hoạch và lựa chọn thu hút đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ cho 05 nhóm ngành công nghiệp ưu tiên phát triển gồm: Cơ khí, chế tạo; thiết bị điện, điện tử; sản xuất và lắp ráp ô tô; dệt may; da giày. Để khuyến khích CNHT phát triển, hàng năm thành phố trích từ 0,5-1% tổng thu ngân sách bổ sung vào nguồn kinh phí khuyến công cho công nghiệp hỗ trợ; hỗ trợ từ 50-100% lãi suất vốn vay cho các dự án sản xuất sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển; hình thành các khu, cụm chuyên ngành công nghiệp hỗ trợ với nhiều chính sách ưu đãi về giá thuê đất và hạ tầng.

+ Tỉnh Bình Dương nằm ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tiếp giáp với TP.HCM và Đồng Nai là hai địa phương có nền công nghiệp phát triển mạnh, đầu tàu kinh tế của cả nước đã tạo cho Bình Dương trở thành tỉnh có CNHT phát triển mạnh nhất cả nước với nhiều lĩnh vực như: cơ khí, chế tạo; điện tử; dệt may, da dày; công nghiệp công nghệ cao; công nghiệp hỗ trợ ngành chế biến,... Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, tỉnh đã đầu tư xây dựng các KCN, cụm công nghiệp (CCN) sản xuất phụ tùng, linh kiện, nguyên vật liệu hỗ trợ các ngành công nghiệp; Kết nối, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong hợp tác, liên kết sản xuất. Đặc biệt, Bình Dương đã xây dựng riêng một KCN tại huyện Bàu Bàng, rộng trên 1.000 ha ưu tiên thu hút vốn đầu tư vào CNHT với nhiều ưu đãi về thu hút đầu tư.

+ Tỉnh Vĩnh Phúc là một trong nhũng trung tâm công nghiệp của khu vực về cơ khí ô tô, xe máy và điện tử ở phía Bắc với sự đầu tư của các tập đoàn sản xuất Honda, Toyota và Sumitomo, Daewoo Bus, Compal, ... nên đã kéo theo rất nhiều các nhà đầu tư nước ngoài về CNHT cấp 1, 2, 3 vào đầu tư. Để thúc đẩy CNHT phát triển, Vĩnh Phúc đã ban hành Nghị quyết số 57/2016/NQ-HĐND ngày 12/12/2016 về một số biện pháp đặc thù thu hút đầu tư và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 39/QĐ-UBND của UBND tỉnh Vĩnh Phúc quy định về hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc danh mục ưu tiên phát triển trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 23/QĐ-UBND của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về ban hành quy chế quản lý và sử dụng kinh phí phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh.

+ Tỉnh Bắc Ninh có nhiều lợi thế lớn hấp dẫn trong thu hút các nhà đầu tư đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài và hợp tác phát triển kinh tế với các tỉnh, thành phố trong khu vực phía Bắc do nằm trên tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Vì vậy có nhiều tập đoàn kinh tế lớn của thế giới đã đầu tư vào Bắc Ninh như: Samsung, Nokia, Canon,... Tỉnh Bắc Ninh đã tận dụng cơ hội để thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ thông qua việc ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn như: Hỗ trợ hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp đa quốc gia, các công ty sản xuất. lắp ráp trong nước và nước ngoài; xây dựng các khu công nghiệp hỗ trợ tập trung đó tạo cụm liên kết ngành; phát triển các ngành công nghiệp vật liệu nhằm tăng cường tính tự chủ về nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, nâng cao giá trị gia tăng nội địa, sức cạnh tranh của sản phẩm và vị trí của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu; xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách phát triển nhân lực công nghiệp; hỗ trợ xây dựng và phát triển các doanh nghiệp khoa học - công nghệ trong công nghiệp. Lựa chọn và chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ tập trung vào 03 ngành chính là điện - điện tử, cơ khí chế tạo, công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm công nghệ cao.

+ Tỉnh Thái Nguyên với thế mạnh hiện nay của hai lĩnh vực nền tảng là công nghiệp cơ khí đã được đầu tư trước đây như Cơ khí Phổ Yên, Nhà máy động cơ Diezel Sông Công, Công ty Phụ tùng số I, vòng bi, Khu gang thép,... và công nghiệp điện tử với Tổ hợp sản xuất điện thoại di động của Tập đoàn Samsung. Vì vậy, Thái Nguyên đẩy mạnh phát triển các doanh nghiệp CNHT nội địa vào lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao, có khả năng tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu và một số chuyên ngành có giá trị gia tăng lớn mà tính có lợi thế như: Công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử và vi mạch bán dẫn; công nghiệp vật liệu mới; công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu tập trung và gắn với xây dựng nông thôn mới; công nghiệp hạ tầng (sản xuất và phân phối điện, xử lý môi trường và chất thải). Để tạo điều kiện thúc đẩy CNHT phát triển, tỉnh Thái Nguyên hình thành các khu, cụm công nghiệp có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tạo quỹ đất sạch, điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư. Lựa chọn thí điểm thành lập CCN hỗ trợ đặt tại huyện Đại Từ.

+ Tỉnh Thanh Hóa với lợi thế có Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn với quy mô lớn đã hoạt động kéo theo hình thành nhiều doanh nghiệp sản xuất CNHT đầu tư vào các lĩnh vực như: Dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa phục vụ cho công nghiệp lọc hóa dầu; vật tư tiêu hao, hóa phẩm, phụ gia, xúc tác phục vụ cho công nghiệp lọc hóa dầu; vật tư, thiết bị, phụ tùng phục vụ cho công nghiệp lọc hóa dầu; dịch vụ khoan và dung dịch khoan, dịch vụ khảo sát ngầm, dịch vụ vận tải dầu thô - dầu sản phẩm, dịch vụ nhập khẩu ủy thác, dịch vụ tài chính, bảo hiểm... Thanh Hóa là tỉnh có thế mạnh về rừng trồng lâm sản ngoài gỗ, nên hiện nay đang hình thành CNHT ngành chế biến gỗ như: Sản xuất các loại keo gán gỗ, các loại sơn phủ bề mặt, các loại phụ kiện như đinh vít, ke, bản lề, ốc vít... Các dây chuyền sản xuất, trang thiết bị, bao bì phục vụ sản xuất ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, chế biến gỗ.

2.2. Vai trò của công nghiệp hỗ trợ trong phát triển công nghiệp:

Công nghiệp hỗ trợ có vai trò to lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội nhất là lĩnh vực công nghiệp của địa phương và quốc gia, thể hiện ở các khía cạnh sau:

- Thứ nhất, CNHT giúp tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp chính và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên, phụ liệu, linh kiện và các rủi ro về tiến độ, thời gian giao nhận.

- Thứ hai, CNHT là động lực trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng, tăng tỷ lệ nội địa hóa, làm nền tảng thúc đẩy phát triển công nghiệp của tỉnh; thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ, áp dụng các kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất thông qua việc liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp FDI.

- Thứ ba, CNHT có vai trò trong thu hút dòng vốn FDI đồng thời kích thích phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước. CNHT phải đi trước một bước, tạo cơ sở đó cung cấp sản phẩm đầu vào cần thiết cho các ngành công nghiệp lắp ráp. Các tập đoàn lớn sản xuất và lắp ráp hiện nay chỉ tập trung vào khâu nghiên cứu, phát triển sản phẩm và lắp ráp thay vì thực hiện tất cả các công đoạn của quá trình sản xuất. Đối với các công ty nước ngoài đầu tư vào các ngành sản xuất máy móc thiết bị có nhiều bộ phận, linh kiện ở nhiều tầng lớp với yêu cầu về công nghệ khác nhau thì tỷ lệ nội địa hoá càng cao càng có lợi do trên thực tế chi phí sản xuất linh kiện, bộ phận và các sản phẩm trung gian chiếm tới hơn 80% giá thành, lao động chỉ chiếm từ 5-10%, do đó khả năng nội địa hoá có tính chất quyết định đến thành quả kinh doanh của doanh nghiệp. Nói cách khác, tỷ lệ của chi phí về CNHT cao hơn nhiều so với chi phí lao động nên một nước dù có ưu thế về lao động nhưng CNHT không phát triển sẽ làm cho môi trường đầu tư kém hấp dẫn.

- Thứ tư, CNHT tạo nhiều công ăn việc làm, thu hút lao động trên các địa bàn và khu vực lân cận có doanh nghiệp đứng chân. CNHT phát triển mạnh với mạng lưới đông đảo các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ tạo ra nhiều việc làm cho người lao động. Tại nước ta nói chung và Nghệ An nói riêng hiện có trên 90% số doanh nghiệp là DNN&V, do đó CNHT đang trở thành một trong những lĩnh vực có tiềm năng lớn để phát triển.

- Thứ năm, CNHT góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực và của tỉnh, tạo ra một mạng lưới liên kết đa doanh nghiệp, đa ngành nghề trong một vùng địa lý nhất định, trong đó liên kết giữa doanh nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp được hỗ trợ tạo ra một hệ thống liên kết linh hoạt, hoạt động hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, CNHT tạo ra các doanh nghiệp chuyên môn hóa trong một hoặc một vài lĩnh vực sản xuất có lợi thế lớn về nhân lực, công nghệ, chi phí, vốn đầu tư và thị trường đầu vào giá rẻ cho các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm cuối cùng, từ đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong vùng so với các vùng khác.

Phần 2

THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP HỖ TRỢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN

I. TỔNG QUAN VỀ THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP TỈNH NGHỆ AN

1. Về quy mô và năng lực sản xuất

Ngành công nghiệp những năm qua đạt tốc độ tăng trưởng khá, quy mô ngày càng được mở rộng:

1.1. Giá trị gia tăng công nghiệp (giá hiện hành) tăng từ 13.113 tỷ đồng năm 2016 lên 21.836 tỷ đồng năm 2020 và đạt 25.657 tỷ đồng năm 2021, gấp gần 2, 3 lần so với năm 2015. Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị gia tăng giai đoạn 2016 - 2020 đạt 14,04%/năm; năm 2021 tăng trưởng 17,58% so với năm 2020. Tỷ trọng cơ cấu ngành công nghiệp trong tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh tăng từ 13,51% năm 2016 lên 16,52% năm 2021.

1.2. Quy mô giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) tăng từ 40.290 tỷ đồng năm 2016 lên 69.304 tỷ đồng năm 2020; năm 2021 đạt 79.870 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 14,52%/năm; năm 2021 tăng trưởng 15,24% so với năm 2020.

1.3. Cơ cấu nội ngành công nghiệp chuyển dịch tích cực, theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao và kim ngạch xuất khẩu lớn, giảm tỷ trọng công nghiệp khai thác. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng lớn nhất trong giá trị gia tăng công nghiệp (tăng từ 74,07% năm 2015 lên 79,84% năm 2020 và 80,63% năm 2021); công nghiệp khai khoáng giảm từ 6,12% năm 2013 xuống 5,33% năm 2021.

Bảng 1. Tổng hợp giá trị sản xuất, giá trị tăng thêm các phân ngành CN

Ch tiêu

ĐVT

Năm

TTBQ (%)

2015

2016

2017

2018

2019

2020

2021

2016- 2020

2016- 2021

Quy mô GTSX (GQ)

tỷ.đ

35,187

40,290

48,074

58,152

67,523

69,304

81,750

14.52

15.08

Khai khoáng

t

1,246

1,464

1,479

1,299

1,357

1,715

1,996

6.60

8.17

Công nghiệp chế biến, chế tạo

t

31,562

36,174

43,463

52,926

62,285

64,152

75,505

15.24

15.65

Sản xuất và phân phối điện, nước

tỷ.đ

2,166

2,383

2,810

3,553

3,483

3,039

3,859

7.01

10.10

Cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải

tỷ.đ

213

269

322

374

398

398

390

13.32

10.61

Quy mô giá trị gia tăng công nghiệp (VA)

tỷ.đ

7,772

8,695

10,042

12,182

13,772

15,424

16,522

14.69

13.39

Khai khoáng

tỷ

576

671

678

596

625

670

912

3.07

7.96

Công nghiệp chế biến, chế tạo

tỷ.đ

5,404

6,029

7,004

8,637

10,237

11,523

12,557

16.35

15.09

Sản xuất và phân phối điện, nước

tỷ.đ

1,658

1,824

2,152

2,721

2,667

2,962

2,802

12.31

9.14

Cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải

tỷ.đ

134

171

208

228

243

269

251

14.96

11.03

2. Lao động ngành công nghiệp

Tổng số lao động làm việc trong ngành công nghiệp tỉnh đến năm 2021 đạt 214.600 người, chiếm 13,5% tổng số lao động đang làm việc. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo trong ngành tính đến năm 2021 đạt 29.75%. Năng suất lao động ngành công nghiệp có sự cải thiện đáng kể nhờ đầu tư vào khoa học công nghệ và công tác đào tạo nguồn nhân lực, tăng từ 62,5 triệu đồng/lao động năm 2015 lên 119,64 triệu đồng/lao động năm 2021, tăng bình quân giai đoạn 2014-2021 đạt 9,71%.

Trình độ nguồn nhân lực ngành công nghiệp nhìn chung còn yếu nhất là thiếu đội ngũ kỹ sư và lao động kỹ thuật. Theo số liệu thống kê năm 2021, tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo của Nghệ An tương đối thấp, trong đó, ngành khai khoáng chỉ đạt 5,44%; ngành chế biến chế tạo đạt 14,66%. Đây cũng là một hạn chế của Nghệ An trong giai đoạn tới, là giai đoạn tập trung lựa chọn và ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp kỹ thuật cao.

3. Kết quả thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp công nghiệp

3.1. Thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp trong thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là các dự án FDI quy mô lớn trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, sản xuất kim khí, linh kiện điện tử[1], từng bước hình thành trung tâm sản xuất thiết bị điện tử, thiết bị công nghệ cao trong khu vực Bắc Trung Bộ. Một số dự án công nghiệp lớn đi vào hoạt động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết nhiều việc làm, đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách của tỉnh.

3.2. Thực hiện Nghị quyết số 35/NĐ-CP của Chính phủ ngày 16/05/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 “Về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” với nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nên giai đoạn 2016 - 2020 số lượng doanh nghiệp tăng khá nhanh, năm 2020 có 11,87 nghìn doanh nghiệp, trong đó kết quả điều tra doanh nghiệp sơ bộ hiện có 1.536 doanh nghiệp công nghiệp đang hoạt động, chiếm 12,94% tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, tăng bình quân 8,70%/năm.

3.3. Về cơ cấu doanh nghiệp, lĩnh vực chế biến chế tạo vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất với 1.246 doanh nghiệp, chiếm 81,12%; doanh nghiệp ngành khai khoáng có 201 doanh nghiệp, chiếm 13,09%; cung cấp nước sạch sinh hoạt, hoại động quản lý và xử lý rác thải, nước thải có 52 doanh nghiệp; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí 37 có doanh nghiệp hoạt động chiếm 2,41%.

3.4. Số doanh nghiệp có quy mô lớn còn ít, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng có xu hướng mở rộng qua các năm. Vốn sản xuất kinh doanh bình quân của các doanh nghiệp công nghiệp là 77,79 tỷ đồng; Giá trị tài sản cố định bình quân một doanh nghiệp đạt 37,9 tỷ đồng/doanh nghiệp, tăng bình quân 11.51% trong giai đoạn 2016 - 2020.

4. Về không gian phát triển công nghiệp

Hạ tầng công nghiệp được quan tâm thu hút đầu tư, chuyển hướng sản xuất tập trung trong khu kinh tế và các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để đảm bảo vấn đề môi trường và phát triển bền vững:

4.1. Quy hoạch chung xây dựng KKT Đông Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng diện tích là 20.776,4 ha, hiện nay đang nghiên cứu xây dựng Đề án mở rộng ranh giới lên khoảng 105.000 ha.

4.2. Đã quy hoạch phát triển 06 KCN ngoài KKT với tổng diện tích 1.660 ha gồm: Bắc Vinh (60ha), Nghĩa Đàn (200ha), Sông Dinh (300ha), Tân Kỳ (600ha), Tri Lễ (200ha), Phủ Quỳ (300ha). Giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến phát triển thêm 07 KCN với tổng diện tích khoảng 3.099 ha.

4.3. Quy hoạch phát triển 53 CCN với tổng diện tích 1.244,12 ha, đảm bảo các địa phương đều có đủ quỹ đất đáp ứng nhu cầu đầu tư của các cơ sở sản xuất công nghiệp. Đến nay đã có 39 CCN đã triển khai các bước quy hoạch trong đó 10 CCN đã hoàn thành hệ thống hạ tầng kỹ thuật cơ bản, 04 CCN đã hoàn thành khoảng 80 - 90% các hạng mục đầu tư. Giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tiếp tục rà soát bổ sung phát triển mới 34 CCN, điều chỉnh loại bỏ ra khỏi phương án phát triển CCN 16 CCN không phù hợp tích hợp vào Quy hoạch tỉnh.

5. Tình hình phát triển một số ngành công nghiệp

5.1. Ngành công nghiệp khai khoáng:

Ngành khai thác và chế biến khoáng sản những năm trước 2010 đã có những đóng góp quan trọng đối với phát triển công nghiệp và kinh tế - xã hội nhất là địa bàn các huyện miền Tây. Những năm gần đây phát triển chững lại do chính sách thắt chặt khai thác tài nguyên thiên nhiên của Nhà nước, thủ tục đầu tư yêu cầu chặt chẽ hơn, điều kiện khai thác ngày càng khó khăn, tuy vậy các doanh nghiệp đã chú trọng đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ thiết bị nhất là lĩnh vực khai thác chế biến đá trắng các loại nên giá trị sản xuất vẫn tăng trưởng nhẹ, từ 1.463 tỷ đồng năm 2016 lên 1.715 tỷ đồng năm 2021, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016 - 2021 đạt 6,60%.

5.2. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo:

- Ngành công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản, thực phẩm: Trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số vùng nguyên liệu tập trung cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu như vùng nguyên liệu chè, cao su, mía, cây ăn quả, bò sữa... Đã thu hút được một số dự án quy mô lớn (Nhà máy Sữa TH True Milk công suất 200 triệu lít/năm, Dây chuyền sản xuất gỗ ghép thanh và gỗ ván MDF Nghĩa Đàn công suất 130.000 m3/năm, Nhà máy chế biến tinh bột sắn tại Hoa Sơn công suất 150 tấn tinh bột/ngày; Dây chuyền chế biến cá hộp 150 tấn/ngày của Tập đoàn Royal Foods; Nhà máy chế biến thực phẩm của Công ty CP Tập đoàn Massan MB....) góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, gắn công nghiệp chế biến với sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi, làm thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội nhất là các huyện miền Tây. Đến nay, toàn ngành có tổng số 14.829 cơ sở sản xuất lớn nhỏ, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương với số lượng lao động làm việc thường xuyên hàng năm 29.000 - 30.000 người. Giá trị sản xuất công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản, thực phẩm tăng từ 13.696 tỷ đồng năm 2015 lên 15.979 tỷ đồng vào năm 2021 và đạt khoảng 17.800 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016- 2021 đạt 11,17%.

- Công nghiệp sản xuất đồ uống (rượu, bia, nước giải khát): Trên địa bàn tỉnh có 03 Nhà máy bia đang hoạt động với tổng công suất thiết kế đạt 200 triệu lít/năm gồm: Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh công suất 50 triệu lít/năm, Nhà máy bia Sài Gòn Sông Lam công suất 100 triệu lít/năm, Nhà máy bia Hà Nội Nghệ An công suất 50 triệu lít/năm và 02 Nhà máy sản xuất nước nước tinh khiết đóng chai công suất tối đa đạt 800.000 lít/ngày đêm là Tổ hợp sản xuất nước tinh khiết và nước hoa quả Núi Tiên và Nhà máy sản xuất nước Khe Kẹp của Tổng Công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An. Giá trị sản xuất năm 2021 đạt 1.407,8 tỷ đồng, đây là lĩnh vực có đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách của địa phương, tuy nhiên hoạt động sản xuất những năm qua chịu ảnh hưởng lớn do biến động về thị trường và dịch Covid-19.

- Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng tăng trưởng nhanh, quy mô giá trị sản xuất tăng từ 4.890 tỷ đồng năm 2016 lên 13.463 tỷ đồng năm 2020, năm 2021 đạt 15.078 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2016 - 2021 đạt 21,95%/năm. Sản phẩm chính của ngành gồm: Xi măng với 04 nhà máy xi măng đang hoạt động công suất 8 triệu tấn/năm; Gạch tuynel với 24 cơ sở sản xuất tại các huyện Đô Lương, Nam Đàn, Anh Sơn, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Diễn Châu, Thanh Chương, Hưng Nguyên, Hoàng Mai,.... công suất trên 750 triệu; gạch ốp lát 4 triệu viên/năm; 07 dây chuyền sản xuất gạch không nung khép kín tổng công suất thiết kế đạt 165 triệu viên/năm.

- Ngành công nghiệp Dệt may, da - giày phát triển nhanh nhờ lợi thế về đất đai và nguồn nhân lực sẵn có sau khi nước ta ký kết các Hiệp định FTA tự do, đã thu hút được nhiều nhà đầu tư có thương hiệu trong và ngoài nước. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 35 nhà máy đang hoạt động và 14 dự án đã được cấp chủ trương đầu tư đang triển khai xây dựng, trong đó có 19 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) vốn đăng ký 130,94 triệu USD. Hoạt động sản xuất tăng trưởng với tốc độ cao nhất là mặt hàng sản xuất trang phục: Sản phẩm quần may mặc tăng từ 30 triệu sản phẩm năm 2016 lên 70 triệu sản phẩm năm 2021; Sản phẩm may mặc khác tăng từ 16,5 triệu sản phẩm lên 20 triệu sản phẩm; Sản phẩm Sợi hàng năm giao động từ 15.000 - 18.000 lần/năm; Sản phẩm mũ giày từ 9-12 triệu/ SP năm. Đây là ngành đóng góp lớn trong giải quyết việc làm và kim ngạch xuất khẩu (đến nay các doanh nghiệp đã tạo ra khoảng 30 nghìn việc làm, kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt 442,99 triệu USD, chiếm 20,96% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa toàn tỉnh). Giá trị sản xuất ngành năm 2021 đạt 4.186,4 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm giai đoạn 2016 - 2021 đạt 24,2%/năm. Tuy nhiên, ngành dệt may-da giày chủ yếu là gia công nên giá trị gia tăng khá thấp, tỷ lệ VA/GO chỉ đạt gần 20%.

- Ngành công nghiệp cơ khí chế tạo, kim khí: Tính đến nay, toàn tỉnh có khoảng 298 cơ sở, doanh nghiệp các loại với tổng lao động khoảng 6.375 người. Ngành sản xuất cơ khí đa số quy mô vừa và nhỏ, đã thu hút được một số dự án sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô trong KCN Nam Cấm và KCN WHA và KCN Hoàng Mai 1: sản xuất tôn cuộn và ống thép mạ kẽm thu hút dự án quy mô lớn của Tập đoàn Hoa Sen. Giá trị sản xuất ngành cơ khí, kim khí năm 2021 đạt 17.170 tỷ đồng, đóng góp 26,8% vào giá trị sản xuất toàn ngành, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 24%/năm.

- Ngành công nghiệp điện tử và công nghệ thông tin giai đoạn 2016 - 2021 phát triển với tốc độ cao do sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư FDI vào nước ta nhất là lĩnh vực sản xuất lắp ráp thiết bị điện tử tăng nhanh. Với lợi thế về đất đai, nguồn nhân lực tại chỗ nên Nghệ An đã thu hút được những dự án sản xuất linh kiện điện tử quy mô lớn như: Luxshare-ICT vốn đầu tư 140 triệu USD, Goertek 500 triệu USD, Everwin Precision 200 triệu USD, Juteng 200 triệu USD và đang có nhiều tập đoàn nghiên cứu khảo sát để đầu tư. Đối với lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin phát triển còn chậm, chỉ có khoảng 15 cơ sở gia công, sản xuất sản phẩm phần mềm, nhưng còn nhỏ lẻ, các sản phẩm phần mềm số lượng chưa nhiều, chất lượng chưa cao, doanh số thấp, giá trị lưu thông ít, chủ yếu phục vụ cho nhu cầu của các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ. Giá trị sản xuất của ngành tăng trưởng nhanh, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016- 2021 đạt 112,7%.

5.3. Công nghiệp sản xuất và phân phối điện, nước, khí đốt:

Có 40 doanh nghiệp sản xuất và phân phối điện, nước, khí đốt; 15 doanh nghiệp khai thác và cung cấp nước. Trong đó lĩnh vực sản xuất điện phát triển mạnh với sự đóng góp của một số nhà máy thủy điện khởi công và đưa vào vận hành nên công suất phát điện và nhu cầu về lao động tăng lên (sản lượng điện sản xuất trên địa bàn tỉnh đến nay đạt khoảng 3,06 tỷ KWh). Giá trị sản xuất của ngành sản xuất và phân phối điện, cung cấp nước năm 2021 đạt 3.039 tỷ đồng (giá so sánh 2010), chiếm 3,65% giá trị sản xuất toàn ngành; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2021 đạt 22,5%.

II. THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP HỖ TRỢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN

Công nghiệp hỗ trợ có vai trò quan trọng đối với phát triển công nghiệp nên được Chính phủ và các tỉnh hết sức quan tâm bằng nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi mạnh mẽ. Công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Nghệ An gần đây phát triển nhanh nhờ thu hút được một số dự án EDI quy mô lớn nhất là lĩnh vực sản xuất và cung cấp linh phụ kiện điện từ phục vụ ngành công nghiệp lắp ráp thiết bị điện tử, sản xuất và lắp ráp ô tô. Đã hình thành rõ nét một số lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành: Điện tử, Dệt may, cơ khí lắp ráp, sản xuất bao bì, hạt phụ gia phục vụ các ngành công nghiệp chế biến và sản xuất hàng tiêu dùng:

1. Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ

1.1. Qua điều tra khảo sát, tính đến năm 2021 toàn tỉnh có khoảng 81 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ, chiếm 21,89% tổng số doanh nghiệp trong các ngành có công nghiệp hỗ trợ và chỉ chiếm 5,58% tổng số doanh nghiệp toàn ngành công nghiệp[2]. Trong đó, có 13 doanh nghiệp EDI (chiếm 16,05%), doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nội địa chiếm số lượng lớn với 68 đơn vị (chiếm 83,95%) nhưng các cơ sở này quy mô nhỏ chủ yếu thuộc các ngành gia công cơ khí, sản xuất bao bì nên giá trị gia tăng tạo ra thấp.

1.2. Giá trị sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ năm 2021 đạt khoảng 7.600 tỷ đồng, chiếm 9,51% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh chủ yếu do nhóm doanh nghiệp FDI tạo ra. Giá trị sản xuất nhóm doanh nghiệp CNHT nội địa mới chỉ đạt khoảng 2.100 tỷ đồng, chiếm 2,63% tổng giá trị SXCN toàn tỉnh.

Bảng 2. Số lượng doanh nghiệp, cơ sở CNHT tỉnh Nghệ An đến năm 2021

TT

Phân loại CNHT

Số DN, cơ sở CNHT

Số DNCN trong ngành

Tỷ l

(%)

FDI

Nội địa

1

Nguyên liệu, phụ tùng, linh kiện kim loại (hỗ trợ ngành cơ khí, lp ráp ô tô)

39

03

36

163

20,85

-

Trong đó: DN sản xuất phụ tùng cơ khí phục vụ sản xuất lắp ráp ô tô

04

02

02

2

Nguyên liệu, phụ tùng, linh kiện điện tử (hỗ trợ ngành Điện tử, lắp ráp ô tô)

08

08

-

20

35,29

-

Trong đó: DN đồng thời sản xuất cả linh kiện điện tử phục vụ lắp ráp ô tô

02

02

-

3

CNHT ngành Dt may-da giày

15

2

13

84

23,80

4

CNHT ngành sản xuất hóa chất, linh kiện nhựa, cao su,...

04

-

04

76

5,26

5

CNHT ngành sản xuất bao bì, in ấn, tem nhãn, hạt nhựa phụ gia taical

15

-

15

15

100

Tổng số

81

13

68

370

21,89

* Nguồn: Điều tra khảo sát và Niên giám thống kê năm 2021

1.3. Qua điều tra khảo sát, phần lớn các doanh nghiệp CNHT trên địa bàn tỉnh có tiềm lực tài chính, chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, khả năng cung ứng sản phẩm, sự hợp tác liên kết, quảng bá hiện nay nhìn chung đang ở mức thấp:

- Có 51% số doanh nghiệp có tiềm lực tài chính ở mức trung bình, 41% doanh nghiệp năng lực tài chính thấp và chỉ có 8% đủ năng lực để đầu tư sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tham gia vào chuỗi giá trị, chủ yếu là các doanh nghiệp vốn FDI.

- Chất lượng nguồn nhân lực có tới 35% ở mức thấp và chỉ có 6% nhân lực công nghiệp hỗ trợ ở mức cao.

- Về cơ sở vật chất, trình độ công nghệ của các doanh nghiệp CNHT: 58% được đánh giá đạt mức trung bình, 35% doanh nghiệp được khảo sát có cơ sở vật chất sản xuất đạt ở mức thấp, 7% số doanh nghiệp mức cao.

- Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đã có nhiều chuyển biến, 54% doanh nghiệp ở mức trung bình; 12% ở mức cao nhưng mức tối đa hóa hầu như không có doanh nghiệp nào áp dụng.

- Khả năng cung ứng sản phẩm của các doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu thị trường ở mức trung bình chiếm 41% và đạt yêu cầu, còn lại ở mức thấp.

- Mức độ hợp tác, liên kết của các doanh nghiệp chưa cao, mức trung bình chiếm khoảng 39%, còn mức cao và rất cao chiếm khoảng 13%.

2. Tình hình phát triển công nghiệp hỗ trợ các nhóm, ngành

2.1. Công nghiệp hỗ trợ ngành điện, điện tử, viễn thông:

CNHT ngành điện, điện tử, viễn thông hiện có 08 doanh nghiệp sản xuất trên tổng số 20 doanh nghiệp toàn ngành, chiếm 35,29%. Công nghiệp hỗ trợ sản xuất các sản phẩm linh kiện điện tử hiện nay chủ yếu là các dự án FDI quy mô lớn từ 100 triệu USD, đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Nổi bật là các dự án của Em-Tech (02 nhà máy), Hitech BSE, Goertek, Luxshare-ICT và 03 dự án đang triển khai các bước đầu tư là Everwin Precision, Juteng, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động trên địa bàn tỉnh và các địa phương lân cận. Các doanh nghiệp FDI hiện nay đều nằm trong chuỗi cung ứng của các tập đoàn, chuyên sản xuất gia công các linh phụ kiện điện tử để cung cấp cho một số tập đoàn đa quốc gia đặt tại Việt Nam như Samsung, Intel, Canon; một phần xuất khẩu sang thị trường các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ. Đây là nhóm ngành có giá trị sản xuất chiếm tỷ trọng cao nhất đạt khoảng 4.500 tỷ đồng, chiếm khoảng 59% tổng giá trị sản xuất của tất cả các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh tạo ra.

Các cơ sở sản xuất linh kiện điện tử nội địa chủ yếu quy mô nhỏ, sản phẩm chất lượng chưa cao, thị trường tiêu thụ khó nên hoạt động sản xuất cầm chừng, chủ yếu phục vụ nhu cầu các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

2.2. Công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí, chế tạo:

Trên địa bàn tỉnh có khoảng 163 doanh nghiệp công nghiệp cơ khí đang hoạt động nhưng chỉ có 05 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ sản xuất các sản phẩm cơ khí chế tạo (không bao gồm doanh nghiệp CNHT ngành sản xuất lắp ráp ô tô, xe máy) và 23 cơ sở gia công một số chi tiết máy móc, thiết bị ngành cơ khí và 06 cơ sở sản xuất các thiết bị đóng tàu, thuyền. Trong tổng số 34 cơ sở, doanh nghiệp chỉ có 01 doanh nghiệp có vốn liên doanh với nước ngoài, còn lại là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nội địa nhưng chủ yếu quy mô nhỏ lẻ nên để phát triển các cơ sở này đủ khả năng tham gia vào chuỗi giá trị là rất khó. Vì vậy, mặc dù số lượng cơ sở sản xuất sản phẩm CNHT ngành cơ khí chiếm 41,97% tổng số doanh nghiệp, cơ sở CNHT nhưng giá trị sản xuất chỉ đạt khoảng 1.050 tỷ đồng, chỉ chiếm 13,81% giá trị sản xuất do lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tạo ra. Tỷ lệ nội địa hóa bình quân của ngành công nghiệp cơ khí, chế tạo trên địa bàn đến nay đạt khoảng 17%. Tình hình phát triển một số nhóm sản phẩm CNHT ngành cơ khí như sau:

- CNHT nhóm cơ khí tiêu dùng: Trên địa bàn tỉnh hiện chỉ có một số doanh nghiệp sản xuất sản phẩm dụng cụ nhà bếp, khung bàn ghế bằng sét thép chủ yếu sản xuất theo hình thức tích hợp là chính, tập trung ở khu vực huyện Diễn Châu, Thành phố Vinh. CNHT sản xuất các linh kiện phục vụ lắp ráp các sản phẩm cao cấp như máy giặt, tủ lạnh, điều hoà,... hiện nay chưa có.

- CNHT nhóm cơ khí phục vụ ngành nông nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác chế biến khoáng sản đã có những bước phát triển nhất định nhưng chủ yếu mới phục vụ thị trường các doanh nghiệp nội tỉnh. Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ nhóm này mới chỉ dừng lại một số chi tiết như đúc gang (dạng phôi), nhựa, cao su; động cơ và thân vỏ khung các loại máy nổ, máy xay xát, máy bơm nước, máy cày, máy gặt đập liên hoàn; sản xuất chế tạo các loại khuôn mẫu, bồn áp lực, phụ tùng máy Kubota, bi nghiền clinker, băng chuyền, các thiết bị phụ tùng cho ngành hoá chất, thiết bị đong đếm và bơm xăng dầu; sản xuất kết cấu thép gia công và chế tạo,... phục vụ ngành công nghiệp chế biến gỗ, mía đường, sản xuất xi măng, gạch ngói, khai thác chế biến khoáng sản,... Tuy nhiên, các sản phẩm sản xuất còn thủ công nhiều, hàm lượng công nghệ chưa cao. Một số doanh nghiệp có khả năng cung cấp như: Công ty CP cơ khí Vinh có thể sản xuất các loại thiết bị ngành cơ khí: Bồn chứa, băng tải, silo chứa xi măng, trục vít,... và Công ty Cổ phần cơ khí 250 Phủ Quỳ có khả năng cung cấp các sản phẩm băng tải, gàu tải, sàng rung,... phục vụ ngành công nghiệp khai thác chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng; Chi nhánh Công ty Cổ phần máy động lực, máy nông nghiệp Việt Nam tại Nghệ An (VEAM) có khả năng sản xuất và cung cấp các loại động cơ, máy nông nghiệp sản xuất các sản phẩm chủ yếu như: động cơ (động cơ xăng, động cơ Diezel), máy kéo 2 bánh gắn động cơ 1 xy lanh từ 8HP tới 35HP, máy xay sát, ru lô cao su, máy phun thuốc trừ sâu, máy gặt đập liên hoàn, hộp số dùng trong nuôi trồng thủy sản nhưng sau khi chuyển giao về Tổng Công ty thì lĩnh vực này hầu như không được quan tâm đầu tư, còn lại đa số các doanh nghiệp có quy mô nhỏ đóng tại địa bàn các huyện Diễn Châu (cơ sở sản xuất phụ tùng động cơ Diezen của Công ty TNHH Minh Phú), Quỳnh Lưu và thành phố Vinh.

- CNHT nhóm cơ khí đóng tàu: Các sản phẩm như vó lãi, xuồng, tàu, bồn nước các loại, chi tiết máy, phao cho tàu đánh bắt thủy sản, chân vịt, máy ép chân vịt, ép tôn, trục tiến tới hộp số phục vụ công nghiệp đóng, sửa chữa tàu, thuyền. Hiện có 06 cơ sở sản xuất các thiết bị này gồm: DNTN Hải Châu, HTX đóng tàu thuyền Trung Kiên (Nghi Thiết), Công ty Cổ phần Cơ khí đóng tàu Nghệ An và các cơ sở đóng tàu thuyền tại xã Tiến Thủy, xã Sơn Hải (Quỳnh Lưu); sản phẩm của các đơn vị này ngoài phục vụ cho chính doanh nghiệp để hoàn thiện sản phẩm cuối cùng, một phần cung cấp cho các cơ sở đóng tàu, thuyền đánh cá trong cả nước.

- CNHT nhóm ngành cơ khí khác: Công ty TNHH Strongplus Elevator Việt - Hàn sản xuất và phân phối các sản phẩm cơ khí bulong, ốc vít, các thiết bị phụ trợ chủ yếu xuất khẩu cho một số tập đoàn sản xuất thang máy Hàn Quốc. Công ty TNHH Cơ khí Hải Đức chuyên sản xuất các loại bu lông, ốc vít và mặt bích cho một số bộ phận trong dây chuyền sản xuất của Nhà máy thép Poinusa Vũng Áng.

2.3. Công nghiệp hỗ trợ nhóm ngành sản xuất và lắp ráp ô tô, xe máy:

Trên địa bàn tỉnh chưa có tập đoàn sản xuất lắp ráp ô tô, xe máy do vậy công nghiệp hỗ trợ lĩnh vực này phát triển còn chậm. Theo số liệu Niên giám thống kê năm 2021, ngành sản xuất xe có động cơ, rơ moóc và các phương tiện vận tải khác có 09 doanh nghiệp, với 548 lao động. Tuy vậy, trong hai năm 2021-2022 đã thu hút được một số dự án FDI sản xuất linh phụ kiện, phụ tùng ô tô quy mô lớn. Cụ thể:

- CNHT sản xuất ô tô: Hiện có 02 doanh nghiệp nội địa là Nhà máy sản xuất và lắp ráp thùng xe ô tô các loại quy mô 350 thùng/năm của Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ ô tô Dũng Lạc tại Khu A, KCN Nam Cấm và Xưởng 467, Cục kỹ thuật Quản khu 4 đầu tư trung tâm sửa chữa ô tô du lịch bao gồm các khu vực chức năng kỹ thuật và điều hành, có hệ thống đồng bộ các thiết bị gia công cơ khí chính xác của các nước tiên tiến như: Máy mài trục cơ, máy doa đánh bóng xi lanh, phóng lốc máy, mài phẳng mặt máy, bệ thử kiểm tra công suất động cơ sau đại tu và bệ thử phanh..., Xưởng 467 có thể tự sản xuất được 26 loại trang bị phụ trợ phục vụ sửa chữa tại trung tâm và gia công cơ khí, sản xuất vật tư kỹ thuật xe máy.

Có 04 dự án FDI gồm: Nhà máy sản xuất linh kiện ô tô của Công ty Nagoya Giken Industrial tại Khu C-KCN Nam Cấm; Nhà máy sản xuất linh kiện sản phẩm điện tử và phụ tùng ô tô Ju Teng giai đoạn 1 tại KCN Hoàng Mai I diện tích 120 ha với tổng vốn đầu tư 200 triệu USD ngoài sản xuất linh kiện điện tử còn chuyên sản xuất phụ tùng, bộ phận phụ trợ cho xe ô tô, xe có động cơ và các sản phẩm cấu kiện khác, dự kiến đi vào hoạt động vào cuối năm 2023; Nhà máy sản xuất, gia công bỏ dây dẫn điện ô tô và các phụ tùng, bộ phận phụ trợ, linh kiện, thiết bị cho xe ô tô và xe có động cơ khác trong KCN WHA của Công ty TNHH Kyungshin Nghệ An tổng vốn đầu tư 21 triệu USD; Dự án sản xuất vỏ, linh kiện và bộ phận bằng kim loại, lắp ráp dây cáp, các bộ phận từ nhựa ứng dụng cho thiết bị thông minh và ô tô năng lượng mới của Everwin Precision Hong Kong Company Limited đầu tư 200 triệu USD đang đầu tư xây dựng.

Ngoài ra, có một số cơ sở sản xuất các loại phụ tùng xe tải như nắp capo, lazăng, ghế đệm,... ở thành phố Vinh và huyện Diễn Châu nhưng quy mô nhỏ, phục vụ thay thế, sửa chữa các loại xe tải, ô tô khách.

- Lĩnh vực sản xuất phụ tùng và lắp ráp xe máy có một dự án đầu tư từ năm 1999 trong KCN Bắc Vinh là Xí nghiệp sản xuất và lắp ráp xe máy Thương Mại nhưng chất lượng thiếu ổn định, thị trường khó tiêu thụ nên đã ngừng hoạt động, hơn nữa thị trường xe máy Việt Nam đã vượt qua đỉnh điểm và có xu hướng bão hòa, điều đó đã tác động đến sự phát triển của CNHT phục vụ cho ngành lắp ráp xe máy cả nước nói chung và Nghệ An nói riêng. Đối với sản xuất các linh kiện cho xe máy điện hiện đang thịnh hành thì chưa có nhà đầu tư.

2.4. Công nghiệp hỗ trợ nhóm ngành dệt may, da - giày:

Với quy mô hiện nay của ngành công nghiệp dệt may, da - giày là điều kiện thuận lợi cơ bản cho CNHT phát triển, tuy nhiên công nghiệp hỗ trợ nhóm ngành này trên địa bàn tỉnh đang yếu và thiếu, CNHT lĩnh vực dệt may mới chỉ có 01 nhà máy Sợi của Công ty CP Dệt may Hoàng Thị Loan sản lượng bình quân từ 18.000 - 20.000 tấn sợi/năm, 01 cơ sở thêu (CCN Lạc Sơn, Đô Lương) quy mô lao động 150 - 200 người thêu phụ kiện cho các nhà máy may của các Công ty TNHH Havina Kim Liên, Công ty TNHH Kido và khoảng 11 cơ sở dệt thủ công khác. CNHT lĩnh vực da giày có 01 doanh nghiệp thuộc da là Công ty CP Thuộc da Vinh nhưng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm nên đã ngừng hoạt động và 02 dự án sản xuất gia công mũ giày cho các doanh nghiệp phía Bắc là Công ty TNHH Đinh Vàng công suất 2,5 triệu SP/năm và Công ty TNHH Viet Glory công suất gần 20 triệu SP/năm.

2.5. Công nghiệp hỗ trợ các ngành khác:

Công nghiệp hỗ trợ cho các ngành hạ nguồn khác như sản xuất bao bì giấy carton, bao bì nhựa, in ấn và tem nhãn có khoảng 15 doanh nghiệp đang hoạt động chủ yếu là doanh nghiệp trong nước quy mô vừa và nhỏ. Một số doanh nghiệp điển hình có thể kể đến như: Nhà máy bao bì Sabeco Sông Lam chuyên sản xuất vỏ lon bia hai mảnh và bao bì carton cho nhà máy bia trong hệ thống Tập đoàn Sabeco; Công ty CP Bao Bì và Kinh doanh tổng hợp Nghệ An sản xuất bao bì xi măng và bao bì nông sản; Công ty CP Nhựa Bao bì Vinh sản xuất bao bì xi măng, bao bì nông sản và các sản phẩm bằng nhựa và có 05 cơ sở sản xuất hạt phụ gia nhựa Taical tại Quỳ Hợp, Nghĩa Long và KCN Nam Cấm cung cấp nguyên liệu cho ngành sản xuất bao bì trên địa bàn cả nước và xuất khẩu.

3. Tình hình thực hiện các chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ

Thực hiện Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03/11/2015 về phát triển công nghiệp hỗ trợ; Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2016 - 2025, nhằm khuyến khích phát triển nhanh CNHT trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1306/QĐ-UBND ngày 23/4/2019 về phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2018 - 2025, hàng năm ngân sách tỉnh đã bố trí kinh phí từ 2 - 2,5 tỷ đồng để hỗ trợ cho các doanh nghiệp CNHT. Đồng thời, xây dựng dự án, kế hoạch đề xuất Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) hỗ trợ kinh phí từ nguồn Chương trình phát triển CNHT của Trung ương.

Sau gần 4 năm thực hiện chương trình, tổng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách địa phương cho các đề án đã triển khai hơn 4,34 tỷ đồng. Trong đó, Giai đoạn năm 2019-2021, hỗ trợ cho 17 đề án với tổng kinh phí 1,841 tỷ đồng. Năm 2022, ngân sách bố trí hỗ trợ 2,5 tỷ đồng để hỗ trợ các nội dung: Kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp CNHT trở thành nhà cung ứng cho khách hàng trong và ngoài nước; xúc tiến thương mại; Hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của các ngành CNHT ưu tiên phát triển; Hỗ trợ cơ sở, doanh nghiệp nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu; Cập nhật và công bố thông tin về công nghiệp hỗ trợ. Đối với nguồn kinh phí từ Chương trình hỗ trợ của Trung ương năm 2020 - 2021 không triển khai được phải trả lại do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Nhìn chung, chính sách ưu đãi của Trung ương đối với công nghiệp hỗ trợ còn khó tiếp cận do quy định trình tự, thủ tục xác nhận ưu đãi và hậu kiểm ưu đãi đối với các Dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ còn phức tạp, khó thực hiện nhất là yêu cầu phải cung cấp Giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn kỹ thuật của Liên minh Châu Âu hoặc tương đương cấp. Nguồn kinh phí ngân sách địa phương bố trí cho hoạt động phát triển công nghiệp trong chương trình hàng năm còn thấp, khó thực hiện.

III. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Kết quả dạt được

1.1. Đã thu hút được một số dự án sản xuất CNHT quy mô vốn lớn đầu tư vào địa bàn tỉnh (chủ yếu là doanh nghiệp vốn FDI: Luxshare-ICT 140 triệu USD, Goeterk 500 triệu USD, Everwin 100 triệu USD, Juteng 200 triệu USD,...) đặt nền tảng để phát triển và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa một số lĩnh vực như: Điện tử, CNTT, may mặc, cơ khí,...; góp phần phát triển công nghiệp của tỉnh theo hướng ngày càng bền vững.

1.2. Đóng góp của CNHT vào giá trị sản xuất của công nghiệp ngày càng cao nhờ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ FDI, giá trị sản xuất các sản phẩm CNHT ước đạt khoảng 7.600 tỷ đồng, chiếm 9,5% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh.

1.3. Bước đầu hình thành sự liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp FDI, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước từng bước tiếp cận công nghệ tiên tiến và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu (Nhà máy cơ khí Hải Đức sản xuất một số ốc vít cho Tập đoàn Formusa, Công ty TNHH Alivator Strongs cung cấp linh kiện thang máy cho Tập đoàn Hàn Quốc,...).

2. Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân

2.1. Tồn tại, hạn chế:

- Công nghiệp hỗ trợ nhìn chung còn yếu và thấp hơn mức trung bình cả nước, chiếm tỷ trọng nhỏ trong giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Thiếu các cơ sở sản xuất nguyên, vật liệu cơ bản như thép chế tạo, nguyên liệu nhựa, cao su kỹ thuật, hóa chất cơ bản, linh kiện ô tô,...

- Số lượng doanh nghiệp CNHT nội địa trên địa bàn tỉnh còn ít, đa số quy mô nhỏ lẻ và chưa phát triển; chưa định hình rõ nét các lĩnh vực, các doanh nghiệp nội địa mới sản xuất được các linh kiện chi tiết đơn giản, giá trị gia tăng thấp. Vì vậy, tỷ trọng giá trị sản xuất trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh còn thấp, chỉ chiếm khoảng 2,63%.

- Trình độ công nghệ và năng lực về vốn, năng lực cạnh tranh của sản phẩm còn thấp, phạm vi thị trường rất hạn chế, chỉ có khả năng tham gia vào một số lĩnh vực CNHT không đòi hỏi cao về kỹ thuật công nghệ và kỹ năng sản xuất.

- Nguồn nhân lực tuy đông nhưng trình độ qua đào tạo còn thấp, các ngành sử dụng nhiều lao động cần phát triển công nghiệp hỗ trợ như ngành dệt may, công nghiệp điện tử chủ yếu là lao động phổ thông; trình độ cao đẳng, đại học chỉ chiếm khoảng 18,24%, thiếu kỹ sư và đội ngũ công nhân kỹ thuật.

- Khả năng liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài còn yếu, phần lớn các doanh nghiệp nội địa chưa tham gia được vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn đang hoạt động tại Việt Nam.

2.2. Nguyên nhân:

- Bất lợi về địa kinh tế của tỉnh Nghệ An do nằm xa các trung tâm/cực tăng trưởng của cả nước và các hành lang kinh tế, thương mại quốc tế,... khiến Nghệ An gặp nhiều khó khăn trong thu hút đầu tư nhất là khó thu hút các Tập đoàn lựa chọn đặt nhà máy sản xuất trên địa bàn dẫn đến cơ hội để các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất với các Tập đoàn còn ít.

- Chính sách đặc thù khuyến khích, thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ của tỉnh còn thiếu và chưa đồng bộ. Chính sách đào tạo nguồn nhân lực còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động nhất là nhân lực chất lượng cao như đội ngũ cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật còn thiếu nên khả năng tiếp nhận công nghệ, kinh nghiệm quản lý gặp nhiều khó khăn.

- Rào cản về công nghệ và chi phí, thị trường kết nối giữa bên cung cấp và bên có nhu cầu, công tác quy hoạch, cơ sở hạ tầng kỹ thuật; năng lực cung cấp các doanh nghiệp trong tỉnh còn rất hạn chế là nguyên nhân hạn chế phát triển CNHT.

- Vai trò hỗ trợ, xúc tác, kết nối thông tin hai chiều giữa các doanh nghiệp trên địa bàn với các doanh nghiệp khác trong và ngoài tỉnh của các cơ quan chức năng chưa đủ lớn. Vì vậy, việc hợp tác, liên kết sản xuất kinh doanh cũng hạn chế.

IV. MỘT SỐ BÀI HỌC KINH NGHIỆM CHO TỈNH NGHỆ AN

Thông qua việc đánh giá tình hình phát triển CNHT của các nước trên thế giới và nước ta thời gian qua, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm cho phát triển CNHT ở Nghệ An như sau:

1. Ưu tiên thu hút nguồn vốn FDI trong giai đoạn đầu của phát triển CNHT, đó là các doanh nghiệp lắp ráp các sản phẩm hoàn chỉnh, sản xuất linh kiện, vật liệu. Những doanh nghiệp cung ứng FDI (ở các lớp khác nhau) là cơ sở giúp chuyển giao công nghệ, kỹ thuật và năng lực cho hệ thống doanh nghiệp nội địa nhanh nhất.

2. Đẩy mạnh phát triển hệ thống DNN&V trên địa bàn tỉnh, đây là khu vực doanh nghiệp tạo nhiều việc làm, là nền tảng phát triển và sáng tạo, có tính quyết định xây dựng năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp và khả năng đáp ứng tiêu chuẩn của các sản phẩm CNHT để tham gia thành công vào chuỗi giá trị. Tập trung hỗ trợ khắc phục các điểm yếu của DNN&V như tài chính, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, tư vấn quản lý và phát triển thị trường đầu ra.

3. Tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp CNHT và với các Tập đoàn lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh, giữa các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm CNHT nội địa với các doanh nghiệp FDI tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia vào hệ thống sản xuất của các tập đoàn và có đầu ra ổn định cho sản phẩm.

4. Nhân lực đóng vai trò quyết định đối với phát triển công nghiệp hỗ trợ, phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao cần sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp chính quyền, giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các cơ sở đào tạo bằng nhiêu chính sách thiết thực.

5. Tập trung huy động nguồn lực để đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ nhất là hạ tầng KKT Đông Nam và các KCN, cụm công nghiệp. Hình thành khu công nghiệp hỗ trợ và các cụm liên kết ngành cho các doanh nghiệp đứng đầu thiết lập hệ thống các nhà cung ứng riêng của họ.

6. Nghiên cứu xây dựng và ban hành chính sách ưu đãi, hỗ trợ đồng bộ để khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ như: Chính sách thuế, đất đai, hỗ trợ vốn vay, hạ tầng, hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực; các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp liên kết, cung ứng sản xuất linh kiện cho các nhà lắp ráp.

Phần 3

QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU, ĐỊNH HƯỚNG VÀ CÁC GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP HỖ TRỢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN ĐẾN 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

I. CÁC YẾU TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP HỖ TRỢ TỈNH NGHỆ AN

1. Các yếu tố thuận lợi

1.1. Các yếu tố bên ngoài:

- Sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư FDI từ các quốc gia phát triển vào khu vực Đông Nam Á. Việt Nam được xem là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư do chính trị ổn định, nguồn nhân lực dồi dào và thị trường tiêu thụ có nhiều tiềm năng. Nhu cầu về nguyên phụ liệu, linh kiện phụ tùng cho sản xuất gia tăng đáng kể, sẽ thúc đẩy đầu tư sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Là cơ hội để các doanh nghiệp nội địa trên địa bàn tỉnh liên kết, hợp tác sản xuất, chuyển giao công nghệ và năng lực quản lý từ các doanh nghiệp FDI.

- Các hiệp định thương mại song phương và đa phương là cơ hội lớn để phát triển ngành công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh. Đến nay, nước ta đã ký kết 15 hiệp định tự do thương mại (FTA) song phương và đa phương với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có 2 FTA thế hệ mới là: Hiệp định hợp tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) gồm 11 nước thành viên với thị trường trên 500 triệu người và thu nhập GDP chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu và Hiệp định tự do thương mại Việt Nam-EU (EVFTA) trong đó Liên minh châu Âu là nền kinh tế lớn nhất thế giới với GDP bình quân khoảng 18 nghìn USD/người/năm. Những cam kết về thuế, thị trường, doanh nghiệp, môi trường, lao động, tự do hóa đầu tư và dịch vụ, quản lý nhà nước... mà các FTA thế hệ mới quy định, sẽ mở ra cơ hội cho môi trường phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNN&V).

- Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) dự báo sẽ diễn ra với tốc độ nhanh chóng, tạo cho các doanh nghiệp có được chất xúc tác để thay đổi nhanh hơn mô hình quản lý, tổ chức sản xuất, nâng cao trình độ công nghệ, năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi sản phẩm,... tạo sự thay đổi lớn về hình thái kinh doanh dịch vụ và cơ hội cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.

- Sự phát triển có tính chuyên môn hóa ngày càng cao của chuỗi giá trị toàn cầu trong việc cung ứng các thành phần trong sản phẩm cuối cùng. Xu hướng của chuỗi giá trị toàn cầu đã có sự dịch chuyển giữa các quốc gia phát triển với quốc gia đang phát triển, giữa các quốc gia đang phát triển với nhau để hình thành nên sản phẩm cuối cùng. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh ta với những lợi thế nhất định về nguồn nguyên liệu và nhân lực có khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng, trở thành mắt xích trong sản xuất các bộ phận cấu thành sản phẩm hoàn chỉnh.

1.2. Nhng thuận li bên trong:

- Môi trường chính trị, kinh tế vĩ mô của đất nước giữ vững ổn định, vị thế trên trường quốc tế không ngừng được nâng lên thu hút sự quan tâm của các Tập đoàn công nghiệp lớn.

- Công nghiệp hỗ trợ được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm và ưu tiên phát triển trong thời gian tới nhằm đẩy nhanh mục tiêu CNH, HĐH đất nước. Các chính sách ưu đãi và hỗ trợ thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển đang tiếp tục được sửa đổi, bổ sung hoàn thiện để đáp ứng mức tối đa nhất.

- Nghệ An có vị trí địa kinh tế khá thuận lợi, đặc biệt sắp tới các dự án đường cao tốc Hà Nội - Viên Chăn, đường cao tốc Bắc - Nam, đường sắt Bắc - Nam, hệ thống cảng biển được đầu tư nâng cấp sẽ tạo kết nối quan trọng với các tỉnh và các nước trong khu vực, công nghiệp hỗ trợ có cơ hội để trở thành động lực phát triển.

- Tiềm năng về tài nguyên rừng trồng, tài nguyên khoáng sản, quỹ đất công nghiệp,... còn lớn. Nhận thức về vai trò của công nghiệp đối với phát triển kinh tế - xã hội và sự đồng thuận, quyết tâm từ lãnh đạo các cấp ngày càng cao là những yếu tố quan trọng để phát triển công nghiệp nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng.

- Tiềm năng về nhân lực dồi dào: Là tỉnh có dân số lớn thứ tư trong cả nước với quy mô hơn 3,4 triệu người, số dân trong độ tuổi lao động từ 15 tuổi trở lên trên 1,9 triệu người, chiếm gần 57%, đạt ngưỡng cơ cấu dân số vàng.

2. Những khó khăn, thách thức

2.1. Xu thế thương mại hóa toàn cầu ngày càng phát triển, các tập đoàn, doanh nghiệp đa quốc gia sản xuất các sản phẩm hoàn chỉnh thường sử dụng mạng lưới xí nghiệp vệ tinh, mạng lưới các doanh nghiệp hỗ trợ sẵn có của mình để cung cấp các sản phẩm hỗ trợ nhằm đảm bảo tính linh hoạt, vòng đời của sản phẩm ngày càng ngắn,... nên việc chen chân vào chuỗi giá trị là hết sức khó khăn.

2.2. Thị trường mở cửa với sự tác động của các FTA khiến cạnh tranh ngày càng khốc liệt khiến các doanh nghiệp dễ rơi vào thế bị động, hàng nhập khẩu nhiều, giá thành rẻ nên khả năng thiệt hại của các doanh nghiệp nội địa là rất lớn.

2.3. Quy mô và trình độ khoa học công nghệ của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, trình độ nguồn nhân lực và năng suất lao động (NSLĐ) còn thấp, khả năng liên kết và hội nhập còn yếu khiến cho CNHT của tỉnh khó đáp ứng được các yêu cầu của đối tác về tiêu chuẩn, chất lượng, giá thành, thời gian giao hàng,...

2.4. Quy mô sản xuất và nhu cầu của các ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp các thiết bị hoàn chỉnh trên địa bàn tính còn ít, vì vậy dung lượng thị trường chưa đủ lớn để tạo ra động lực cho các nhà đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ.

II. DỰ BÁO NHU CẦU THỊ TRƯỜNG CỦA CÁC SẢN PHẨM CÔNG NGHIỆP HỖ TRỢ

Qua việc nghiên cứu thực trạng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An thời gian qua, kết hợp với công tác khảo sát thực tế, phân tích môi trường và khả năng thu hút đầu tư trong thời gian tới, có thể khẳng định nhu cầu thị trường các sản phẩm CNHT trên địa bàn tỉnh Nghệ An có rất nhiều tiềm năng. Khái quát dung lượng thị trường nội địa và dung lượng thị trường xuất khẩu đối với các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ như sau:

1. Về nhu cầu thị trường nội địa

Nhu cầu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ được hình thành khi xuất hiện các doanh nghiệp lớn chuyên sản xuất, chế tạo và lắp ráp thiết bị hoàn chỉnh. Khi các doanh nghiệp này (chủ yếu là các tập đoàn nước ngoài) lựa chọn địa điểm để đặt nhà máy sản xuất kinh doanh đều mong muốn sử dụng các nguồn lực tại chỗ và sẵn có, đây sẽ là thị trường lớn cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Trong giai đoạn tới nhu cầu thị trường nội địa sẽ tăng cao đối với các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ gồm:

1.1. Linh kiện kim loại (khuôn mẫu, đồ gá; linh kiện chi tiết cơ khí tiêu chuẩn; linh kiện, phụ tùng) phục vụ các ngành công nghiệp sản xuất ô tô, máy công cụ, máy nông nghiệp, hàng gia dụng, dây chuyền sản xuất vật liệu xây dựng, thiết bị năng lượng,... do tốc độ tăng trưởng của các ngành này liên tục tăng.

1.2. Linh kiện điện - điện tử cơ bản, các loại bản mạch in điện tử, mạch vi điện tử cho các điện thoại di động, thiết bị điện tử gia dụng, thiết bị văn phòng, máy vi tính, thiết bị ngoại vi, linh kiện, phụ tùng cho công nghiệp ô tô (thiết bị điện, chiếu sáng, điều khiển...)... tăng mạnh do các Tập đoàn sản xuất và lắp ráp thiết bị điện tử có xu hướng đặt nhà máy tại Việt Nam ngày càng tăng.

1.3. Nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất các sản phẩm về xơ sợi tổng hợp, sợi (kéo từ xơ cắt ngắn), vải thành phẩm, dụng cụ cơ khí và thiết bị phụ tùng máy móc,... để đáp ứng nhu cầu các nhà máy may trên địa bàn tỉnh và cả nước (hiện cả nước có khoảng 10.000 doanh nghiệp may mặc, riêng Nghệ An đến năm 2025 có khoảng 50-60 nhà máy may hoạt động cần nguyên, phụ liệu).

1.4. Các sản phẩm phục vụ ngành công nghiệp chế biến gỗ và sản xuất nội thất như: Van MDF, HDF, Fly wood, ván ghép thanh, keo Urea-Formaldehyde, sơn phủ bề mặt (sơn, vecni, chất làm bóng bề mặt,...) và loại phụ kiện khác (ngũ kim, đinh vít, ốc, ke, bản lề,...) có nhu cầu thị trường ngày càng lớn do trên địa bàn cả nước hiện có trên 4500 doanh nghiệp chế biến gỗ.

2. Về khả năng tham gia thị trường xuất khẩu

Với việc Việt Nam ký kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới trong thời gian vừa qua như FTA với Hàn Quốc, EU, CPTPP... tạo ra hiệu ứng dịch chuyển dòng vốn đầu tư FDI từ Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc và một số quốc gia khác sang Việt Nam để tận dụng lợi thế về nhân công giá rẻ và được hưởng các ưu đãi về thuế suất, vì vậy nhiều tập đoàn đưa các nhà máy vệ tinh chuyên sản xuất nguyên liệu, linh kiện, phụ kiện cung cấp cho lắp ráp sản phẩm chính sang Việt Nam, làm thay đổi cơ cấu và trình độ công nghệ trong sản xuất công nghiệp. Theo tổng hợp của dự án LinkSME, các công ty Nhật Bản hàng năm mua sắm khoảng 32,4% các dịch vụ và sản phẩm đầu vào từ các nhà cung cấp của Việt Nam. Các nhà sản xuất ô tô tại quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan, Malaixia, Ấn Độ,... hiện đang tìm hiểu để đầu tư các nhà máy sản xuất linh kiện, phụ kiện tại Việt Nam là cơ hội để các doanh nghiệp nội địa trên địa bàn tỉnh hợp tác, tham gia vào chuỗi cung ứng xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Đối với lĩnh vực sản xuất hàng dệt may, năng lực xuất khẩu dệt may của Việt Nam cũng được cải thiện đáng kể, thị trường xuất khẩu cùng được đa dạng hoá hơn, xuất khẩu sang Hoa Kỳ hiện nay đạt trên 13 tỷ USD, EU đạt trên 05 tỷ USD, Nhật Bản đạt gần 04 tỷ USD, Trung Quốc và Hàn Quốc đạt trên 03 tỷ USD. Ngoài các thị trường truyền thống, dệt may Việt Nam cũng đang dần khẳng định vị trí của mình ở một số thị trường mới nổi như Nga, Canada, và các nước trong khu vực ASEAN, CPTPP.

III. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP HỖ TRỢ ĐẾN NĂM 2025, CÓ TÍNH ĐẾN NĂM 2030

1. Quan điểm, mục tiêu phát triển công nghiệp hỗ trợ

1.1. Quan điểm phát triển:

- Phát triển công nghiệp hỗ trợ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và xu hướng phát triển của thế giới, nhằm đáp ứng nhu cầu nội địa của các ngành công nghiệp ưu tiên phát triển theo Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị. Tạo lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư, tiếp cận và đáp ứng nhu cầu của các tập đoàn, tham gia ngày càng sâu rộng vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị.

- Phát triển công nghiệp hỗ trợ song hành với các ngành công nghiệp chính có tiềm năng lợi thế, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An và các ngành công nghiệp ưu tiên trong Phương án phát triển công nghiệp tích hợp vào Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp phát triển nhanh, bền vững (Công nghiệp điện tử, CNTT; Cơ khí chế tạo và lắp ráp; công nghiệp số; năng lượng tái tạo; Chế biến nông-lâm-thủy sản, thực phẩm; sản xuất vật liệu xây dựng; sản xuất dược liệu; dệt may, da giày).

- Có lộ trình phát triển phù hợp, kết hợp giữa chiến lược kéo và chiến lược đẩy trong thu hút đầu tư trong đó giai đoạn đầu ưu tiên thực hiện chiến lược kéo để thu hút các tập đoàn sản xuất và lắp ráp FDI để tạo tiền đề cho công nghiệp hỗ trợ phát triển. Tng bước hỗ trợ, khuyến khích phát triển các doanh nghiệp nội địa đủ tiềm lực về tài chính, công nghệ làm vệ tinh cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho các tập đoàn thông qua liên kết, hợp tác để nâng cao dần tỷ lệ nội địa hóa.

- Phát triển có chọn lọc trong nhóm sản phẩm, ngành hàng công nghiệp hỗ trợ được Chính phủ ưu tiên phù hợp với điều kiện thực tế của Nghệ An gắn với phân công lao động giữa các tỉnh trong khu vực. Không quá chú trọng đến việc sản xuất toàn bộ sản phẩm hỗ trợ mà ưu tiên phát triển một vài công đoạn có lợi thế, có đủ khả năng tham gia trong chuỗi giá trị.

- Phát triển công nghiệp hỗ trợ phải gắn với công tác bảo vệ môi trường trên cơ sở áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, đổi mới công nghệ, có giá trị gia tăng cao, phát triển theo hướng xanh, sạch, sử dụng năng lượng tiết kiệm.

1.2. Mục tiêu phát triển:

- Mục tiêu chung:

Ưu tiên phát triển CNHT nhằm nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; tạo sức hút để các nhà đầu tư, các tập đoàn lớn lựa chọn đầu tư vào Nghệ An. Đến năm 2025, một số lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ có khả năng tham gia sản xuất và cung cấp được một số vật liệu, linh kiện, phụ tùng, dịch vụ bảo trì, sửa chữa cho các ngành công nghiệp chính. Đến năm 2030, có nhiều doanh nghiệp đủ khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn.

- Mục tiêu cụ thể:

+ Phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp hỗ trợ (GO) bình quân hàng năm đạt 12 - 13%, chiếm trên 20% giá trị sản xuất công nghiệp vào năm 2025 và tăng dần tỷ trọng trong những năm tiếp theo.

+ Tăng cường thu hút đầu tư các tập đoàn công nghiệp nhất là khu vực FDI để thúc đẩy phát triển nhanh các doanh nghiệp CNHT nội địa. Đến năm 2025, phấn đấu số lượng doanh nghiệp CNHT nội địa chiếm từ 10 -12% tổng số doanh nghiệp toàn ngành công nghiệp. Có từ 20 - 30 doanh nghiệp CNHT đóng trên địa bàn tỉnh có thể tham gia vào chuỗi giá trị cung ứng của các tập đoàn.

+ Nâng dần tỷ lệ nội địa hóa, đến năm 2030 phấn đấu tỷ lệ nội địa hóa một số ngành công nghiệp ưu tiên phát triển như: Điện tử; cơ khí lắp ráp; năng lượng đạt từ 30 - 35%; Dệt may đạt trên 45%.[3]

+ 100% doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ số trong quản lý, điều hành, thực hiện sản xuất và kinh doanh trên sàn thương mại điện tử vào 2030.

2. Luận cứ lựa chọn các lĩnh vực và nhóm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

Việc lựa chọn các ngành và nhóm sản phẩm CNHT tỉnh Nghệ An ưu tiên phát triển đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 dựa trên một số luận cứ sau:

2.1. Lựa chọn các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phải phù hợp với định hướng các ngành công nghiệp chính ưu tiên trên địa bàn tỉnh đã được tích hợp trong Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để đạt mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.

2.2. Khai thác được tiềm năng, lợi thế phát triển nhất là sử dụng nguồn nguyên liệu trong tỉnh, và trong nước để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, giảm dần việc phụ thuộc nhập khẩu; thu hút được đông đảo các doanh nghiệp trên địa bàn tham gia để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.

2.3. Lựa chọn phát triển các sản phẩm hỗ trợ có các ngành công nghiệp đang có tốc độ tăng trưởng cao trên thị trường trong nước và thế giới để đảm bảo tiềm năng phát triển trong tương lai. Quy mô sản xuất phải có khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường với số lượng lớn và tương thích với các ngành khu vực hạ nguồn để tạo ra thị trường ổn định và phát triển có hiệu quả. Nếu khu vực hạ nguồn có quy mô nhỏ, sản phẩm có chủng loại đa dạng và sản lượng không lớn thì khối lượng sản xuất của các ngành hỗ trợ cũng sẽ nhỏ, giá thành chế tạo sẽ tăng cao dẫn đến các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ khó để đáp ứng yêu cầu.

2.4. Có tính ứng dụng cao, có thể cung ứng cho nhiều doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp khác nhau, góp phần thay thế nguồn nguyên liệu, phụ liệu, linh kiện nhập khẩu. Đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các nhà sản xuất, chế tạo trong và ngoài nước.

2.5. Ưu tiên phát triển các lĩnh vực, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Trong trường hợp cần phát triển một số sản phẩm có nguy cơ ô nhiễm cao thì phải được bố trí trong các KCN, CCN có hạ tầng đồng bộ, hiện đại; đảm bảo cơ chế giám sát và điều tiết tuân thủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về môi trường.

3. Lựa chọn công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

Trên cơ sở phân tích các yếu tố tác động, nhu cầu thị trường và các luận cứ lựa chọn nêu trên, giai đoạn tới tỉnh Nghệ An số tập trung ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp chính phủ hợp với sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư và đang có nhu cầu thị trường cao cụ thể như sau:

3.1. Công nghiệp hỗ trợ ngành điện, điện tử - tin học - viễn thông:

- Tiềm năng và cơ hội phát triển:

Nghệ An nằm ở vị trí trung tâm của khu vực Bắc Trung bộ, có hệ thống hạ tầng giao thông tương đối đồng bộ; nguồn lao động đông và có khả năng nắm bắt, tiếp thu nhanh đáp ứng nhu cầu nhân lực đối với các lĩnh vực công, nghiệp công nghệ cao. Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính đặt mục tiêu xây dựng thành phố Vinh trở thành Trung tâm CNTT của vùng là cơ hội để phát triển các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành viễn thông.

Dung lượng thị trường CNHT cho ngành công nghiệp điện tử, đặc biệt là điện tử gia dụng và điện thoại di động, các thiết bị tự động hóa tăng mạnh với hàng loạt dự án từ các Tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới dang có kế hoạch dịch chuyển dòng vốn đầu tư vào Việt Nam. Tốc độ tăng bình quân 8-10%/năm, trong đó các sản phẩm được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh bao gồm thiết bị kỹ thuật số (15-18 %/năm), thiết bị viễn thông đặc biệt điện thoại di động (12- 15%/năm), máy vi tính nhất là máy tính xách tay (10-12 %/năm). Đây là cơ hội để các doanh nghiệp nội địa tham gia sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

Thị trường sản phẩm hỗ trợ ngành công nghiệp điện tử, viễn thông rộng lớn được thiết lập bởi các FTA giữa Việt Nam, ASEAN và các nước đối tác (CPTPP, VN-EU, ASEAN+6...).

Công nghiệp điện tử, viễn thông là ngành ứng dụng công nghệ cao phục vụ nhiều ngành kinh tế, phù hợp với xu hướng phát triển của thời đại công nghiệp 4.0 nên về dài hạn phát triển CNHT ngành này cần được ưu tiên.

- Định hướng phát triển:

CNHT lĩnh vực này đã có một số doanh nghiệp FDI quy mô lớn sản xuất linh kiện, phụ kiện điện thoại di động như: Goertek Vina, Luxshare-ICT, Juteng, BSE Việt Nam, Em-Tech, Everwin, Việt Á... Vì vậy, tiếp tục thu hút các dự án để tạo động lực cho các Tập đoàn mạnh dạn đầu tư nhà máy sản xuất lắp ráp tại Nghệ An. Giai đoạn từ nay đến năm 2025, phấn đấu xúc tiến kêu gọi 01-02 tập đoàn lắp ráp máy tính xách tay, điện thoại di động hoặc tivi có thương hiệu trên thế giới được ưa chuộng tại thị trường Việt Nam như: Dell, Xiaomi, Oppo, Lenovo, Sony, Toshiba... đầu tư dự án lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh để lôi kéo các doanh nghiệp hỗ trợ nội địa tham gia vào chuỗi cung ứng.

Phát triển sản phẩm CNHT ngành công nghiệp điện, điện tử tin học-viễn thông ở cả 3 bước công nghệ theo quy trình sơ đồ dưới đây: (1) Công nghệ vật liệu chủ yếu là các vật liệu cho sản xuất các thiết bị điện. (2) Công nghệ chế tạo phát triển sản xuất linh kiện điện tử, chi tiết nhựa. (3) Công nghệ lắp ráp cụm tập trung vào sản xuất các khung vỏ sản phẩm, bo mạch.

Hỗ trợ liên kết, kết nối thông qua hợp đồng hợp tác sản xuất kinh doanh giữa doanh nghiệp nội địa trên địa bàn tỉnh với các Tập đoàn tạo điều kiện chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm sản xuất.

Sơ đồ 1: Quy trình công nghệ sản xuất sản phẩm điện tử, tin học, viễn thông

- Dự án ưu tiên thu hút đầu tư và phân bổ không gian phát triển:

Giai đoạn đến năm 2025: Thu hút dự án sản xuất, lắp ráp hoàn chỉnh các sản phẩm thiết bị điện tử, tin học, máy văn phòng, các thiết bị thông tin viễn thông vào Khu kinh tế Đông Nam tạo nền tảng thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Thu hút các dự án sản xuất linh kiện, cụm linh kiện thiết bị điện, điện tử, máy tính và thiết bị ngoại vi trong các KCN, cụm công nghiệp địa bàn các huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Diễn Châu, Hoàng Mai, Cửa Lò,... làm vệ tinh đủ khả năng tham gia vào chuỗi giá trị cung cấp cho các tập đoàn.

Giai đoạn 2026 - 2030: Phát triển các dự án sản xuất thiết bị đồng bộ cho các nhà máy điện, máy phát điện; dây cáp điện, máy biến áp. Nhà máy sản xuất các cụm linh kiện và các mạch điện tử, bo mạch, chip điện tử tại các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh. Thu hút các dự án sản xuất linh kiện, cụm linh kiện cho các thiết bị điện tử gia dụng, điện lạnh tại các KCN: Thọ Lộc, Hoàng Mai 1,2; Các CCN: Hưng Yên, Đô Lăng 2, Nghi Diên, Quỳnh Lộc, Diễn Thắng, Thượng Sơn,...

3.2. Công nghiệp hỗ trợ ngành dệt - may:

- Tiềm năng và cơ sở phát triển:

Đối với CNHT ngành Dệt: Nhu cầu về vải thành phẩm phục vụ ngành may từ nay đến năm 2030 tăng thêm 2.500 triệu mét, trong khi đa số sản phẩm vải cung cấp cho ngành may hiện nay đều nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc là quốc gia không tham gia Hiệp định CPTPP. Vì vậy, để tận dụng cơ hội do CPTPP và EVFTA mang lại, hưởng ưu đãi thuế 0% sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn vào sản xuất nguyên phụ liệu đầu vào, đây là thị trường lớn để cung cấp sản phẩm Sợi phục vụ cho ngành dệt phát triển. Đối với Nghệ An, tiềm năng về nguyên liệu để sản xuất Sợi từ cenlulôzơ như tre, nứa, mét trên địa bàn tỉnh là rất lớn, trong đó đất có rừng chiếm 53,3%; tiềm năng về sản xuất sản phẩm Sợi nhân tạo từ các nguyên liệu sau hóa dầu từ Tổ hợp lọc dầu Nghi Sơn, Thanh Hóa.

Đối với CNHT ngành May: Cả nước hiện có khoảng 8.000 doanh nghiệp may mặc, riêng địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có hơn 40 nhà máy đang hoạt động và dự kiến đang tiếp tục tăng lên. Đa số các nhà máy chủ yếu sản xuất theo mô hình gia công (CMT) cho khách hàng nước ngoài là công đoạn có giá trị thấp nhất, vì vậy nhiều doanh nghiệp hiện đang có kế hoạch triển khai sản xuất các sản phẩm dạng FOB, ODM (tự tìm kiếm thị trường tiêu thụ, chủ động khâu thiết kế, mua sắm các yếu tố đầu vào phục vụ sản xuất) để đảm bảo phát triển bền vững, nâng cao giá trị gia tăng của ngành, tăng lợi nhuận và nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư, chủ động trước tác động của các yếu tố khách quan,... Đây là cơ hội để thu hút và phát triển các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ như: Sản xuất vải, nguyên phụ liệu (chỉ may, thêu các loại, nhãn mác, logo; khóa kéo; nút áo...).

Lực lượng lao động trên địa bàn tỉnh dồi dào, có tính cần cù chịu khó; giá nhân công trong ngành dệt may vẫn còn thấp hơn so với các ngành khác và các nước trong khu vực là một lợi thế trong thu hút đầu tư các dự án công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may. Sự phát triển nhanh của công nghệ số và dữ liệu lớn tạo cơ hội cho các doanh nghiệp dệt may dễ dàng tham gia vào chuỗi giá trị từ khâu thiết kế, sản xuất nguyên phụ liệu.

- Định hướng phát triển:

Giai đoạn đến năm 2025: Tập trung thu hút đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ ở một số lĩnh vực sản xuất gồm: Xơ, kéo sợi phục vụ cho ngành dệt đặc biệt là Sợi tổng hợp; Phát triển các nhà máy dệt vải đáp ứng nhu cầu rất lớn của các doanh nghiệp may mặc trên địa bàn tỉnh và cả nước, thu hút đầu tư các sản phẩm nhựa hỗ trợ cho ngành dệt-may như: Ống nhựa cho ngành dệt, móc áo cho ngành may, các loại ghim cài, kẹp nhựa...; Nguyên phụ liệu hỗ trợ cho ngành may (chỉ may, thêu các loại, nhãn mác, logo; khóa kéo; nút áo...). Di dời nhà máy Sợi Hoàng Thị Loan ra khỏi trung tâm thành phố để thực hiện việc đầu tư mở rộng và đổi mới công nghệ.

Giai đoạn 2026 - 2030: Tập trung phát triển các dự án sản xuất và cung cấp thiết bị, phụ tùng cơ khí như: bánh răng, trục truyền động, các chi tiết dẫn sợi, suốt sắt kéo dài, các loại gá lắp, suốt chỉ, kéo cắt vài, kéo cắt chỉ... để thay thế trong quá trình vận hành cho các nhà máy trên địa bàn tỉnh, nhu cầu thay thế các sản phẩm này rất lớn nhưng hiện tại chủ yếu vẫn phải nhập khẩu. Phát triển các sản phẩm hóa chất hỗ trợ cho ngành dệt (thuốc nhuộm, chất trợ, hóa chất cơ bản, chế phẩm sinh học).

- Về phân bố không gian phát triển:

Đối với những dự án đầu tư có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao như dệt vải, giặt là bố trí vào các khu công nghiệp có hạ tầng đồng bộ như KCN VSIP, WHA, Hoàng Mai 1 được đầu tư hệ thống xử lý môi trường hiện đại.

Đối với các dự án khác như sản xuất sợi, sản xuất phụ liệu, thiết bị phụ tùng cơ khí,... ưu tiên đầu tư vào các cụm công nghiệp vệ tinh khu vực ven biển như: CCN Đô Lăng, Đô Lăng 2, Đồng Thái, Nghi Diên, Quỳnh Lộc, Quỳnh Châu, Quỳnh Hoa, Quỳnh Mỹ và khu vực có các nhà máy may như CCN: Nghĩa Mỹ, Lạc Sơn, Thanh Liên, Vĩnh Thành, Nam Giang,...

- Hình thức đầu tư phát triển:

Thu hút các doanh nghiệp trong nước và khuyến khích các nhà máy hiện có trên địa bàn đầu tư thêm dây chuyền sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phù hợp với năng lực của từng đơn vị.

Liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp FDI quy mô nhỏ và vừa thuộc các nước phát triển như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc),... có tiềm lực thực sự về vốn và công nghệ, phương pháp quản lý,... đầu tư các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ để từng bước học hỏi kinh nghiệm quản lý, dần thay thế doanh nghiệp FDI.

3.3. Công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí, chế tạo:

- Tiềm năng và cơ hội phát triển:

Cơ khí, chế tạo là ngành công nghiệp nền tảng phục vụ cho sản xuất hầu hết các linh kiện, phụ kiện của các ngành hàng khác, vì vậy mặc dù công nghiệp cơ khí trên địa bàn Nghệ An phát triển còn chậm nhưng trong định hướng Quy hoạch phát triển công nghiệp của tỉnh cũng như Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị, tỉnh Nghệ An cần phải tập trung ưu tiên phát triển.

Làn sóng đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực cơ khi (nhất là các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc) vào Việt Nam ngày càng gia tăng sau khi các FTA được ký kết. Công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí chế tạo trên địa bàn tỉnh bước đầu có những khởi sắc khi đã có những đơn đặt hàng từ các Tập đoàn (linh kiện cho các nhà máy cán thép, sản xuất thang máy).

Nhu cầu về sản phẩm CNHT phục vụ ngành cơ khí trên địa bàn tỉnh Nghệ An và thị trường cả nước là rất lớn và được dự báo sẽ tăng trưởng nhanh trong những năm tới, nhằm phục vụ cho các dự án lớn trong các lĩnh vực đóng tàu, điện, sản xuất VLXD (xi măng, gạch ốp lát, khai thác đá,...), cơ khí công nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng (đến 2025 dự kiến khoảng 120.000 tấn). Nhu cầu sử dụng vật liệu phục vụ công nghiệp chế tạo như phôi thép, thép đúc định hình, ống thép, ống gang, thanh nhôm; các sản phẩm linh kiện, phụ tùng, khuôn mẫu, đồ gá phục vụ cho sản xuất máy móc thiết bị và các lĩnh vực yêu cầu công nghệ cao như linh kiện, phụ tùng cho các thiết bị đo lường, kiểm tra, thiết bị y tế, giải phẫu tăng bình quân từ 10-15%/năm.

- Định hướng phát triển:

Giai đoạn đến năm 2025: Tập trung phát triển CNHT ngành cơ khí chế tạo phục vụ ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất hàng tiêu dùng, chế biến các ngành phẩm ngành nông nghiệp. Hình thành hệ thống doanh nghiệp địa phương có khả năng cung ứng cho doanh nghiệp lắp ráp khu vực FDI, doanh nghiệp lớn của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Bắc Trung bộ (Các nhà máy trong KKT Nghi Sơn, Vũng Áng). Phát triển mạnh lĩnh vực phục vụ gia công cơ khí bao gồm: đúc, rèn, dập, gia công chính xác, nhiệt luyện, cắt gọt, xử lý bề mặt, tăng cứng; sản xuất que hàn, sơn tĩnh điện, bu lông, ốc vít, vòng bi... chủ động đẩy mạnh chuyển giao và đổi mới, nâng cao năng lực sản xuất đối với các cơ sở hiện có nhằm đáp ứng nhu cầu rộng rãi của thị trường. Đẩy mạnh phát triển các cơ sở sản xuất linh kiện, phụ tùng, thiết bị lẻ phục vụ lĩnh vực công nghiệp gia dụng (như quạt điện, xe đạp, bếp ga, tủ lạnh, máy điều hòa không khí, máy giặt, nồi cơm điện, bình nước nóng, máy hút bụi, đồ dùng nhà bếp) nhằm đáp ứng các nhu cầu sản xuất lắp ráp trong nước, nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm công nghiệp và đẩy mạnh xuất khẩu.

Giai đoạn 2026 - 2030: Tăng cường liên kết vùng và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tham gia vào cụm ngành liên kết, trong đó ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài từ đó làm cơ sở kết nối để các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn có cơ hội hợp tác. Tập trung phát triển năng lực thiết kế, chế tạo linh kiện, cụm linh kiện phức tạp hướng tới thị trường xuất khẩu.

- Thu hút đầu tư và phân bố không gian phát triển:

Thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí chế tạo trong các KCN thuộc KKT Đông Nam; các cụm công nghiệp Hưng Yên, Hưng Mỹ (Hưng Nguyên), Nghi Diên, Đô Lăng 2 (Nghi Lộc), Đồng Thái, Diễn Thắng (Diễn Châu), Quỳnh Lộc (Hoàng Mai), Quỳnh Châu, Quỳnh Hòa, Quỳnh Mỹ (Quỳnh Lưu), Nghĩa Mỹ (Thái Hòa),...

Đầu tư các cơ sở sản xuất trang thiết bị cơ khí phục vụ ngành công nghiệp khai thác, sàng nghiền và làm sạch khoáng sản phi kim loại (đá, cát, sói, sét,...) làm nguyên liệu sản xuất VLXD ở khu vực các huyện miền núi; Các dự án cơ khí sản xuất phụ tùng, khuôn, đồ gá, bu lông, ốc vít, vòng bi trong các dây chuyền sản xuất VLXD; Sản xuất phụ tùng máy xây dựng và phương tiện vận chuyển chuyên dụng phục vụ ngành công nghiệp sản xuất VLXD vào các KCN, CCN.

Hỗ trợ các doanh nghiệp cơ khí hiện có trên địa bàn (Công ty TNHH Hải Đức, Công ty TNHH Strong Alivator) nâng cao năng lực sản xuất và kết nối với các tập đoàn, các dự án đầu tư lớn có nhu cầu thay thế phụ tùng, thiết bị để cung cấp thường xuyên các sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng.

3.4. Công nghiệp hỗ trợ sản xuất, lắp ráp ô tô:

- Tiềm năng và cơ hội phát triển:

Tiềm năng để phát triển công nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô do dân số nước ta đông, thu nhập ngày càng tăng nhưng tỷ lệ xe trên dân số còn thấp. Vì vậy, trong Chiến lược phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 (Quyết định phê duyệt số 1168/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 16/7/2014) định hướng phát triển công nghiệp ô tô trở thành ngành có động lực quan trọng, thúc đẩy sự nghiệp CNH-HĐH đất nước, đáp ứng tối đa nhu cầu thị trường nội địa về các loại xe tải, xe khách thông dụng và một số loại xe chuyên dùng. Về công nghiệp hỗ trợ, sẽ tiếp cận và ứng dụng công nghệ để chế tạo được các chi tiết, linh kiện quan trọng như bộ truyền động, hộp số, động cơ, thân vỏ xe... cho một vài chung loại xe; tăng cường hợp tác với các hàng ô tô lớn để lựa chọn chủng loại phụ tùng, linh kiện mà Việt Nam có thể sản xuất để đảm nhận vai trò mắt xích trong chuỗi sản xuất - cung ứng toàn cầu.

TT

Ch tiêu

Mục tiêu sản lượng xe lắp ráp trong nước (cái)

Mục tiêu tỷ lệ nội địa hóa (%)

Năm 2025

Năm 2030

Năm 2025

Năm 2030

1

Xe ô tô đến 9 chỗ ngồi

237.900

852.000

40-45

50-55

2

Ô tô trên 9 chỗ ngồi

29.100

84.400

50-60

70-75

3

Ô tô tải

197.000

587.900

45-55

65-70

4

Xe chuyên dụng

2.400

65.000

40-45

55-60

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An mặc dù chưa có Tập đoàn sản xuất lắp ráp ô tô nhưng với sự hiện diện của nhiều hãng xe lớn trên thế giới, trong thời gian tới nếu tích cực trong kêu gọi đầu tư thì khả năng có được tập đoàn sản xuất lắp ráp ô tô đặt nhà máy tại Nghệ An là rất cao. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp nội địa cũng như doanh nghiệp FDI đầu tư sản xuất các sản phẩm CNHT.

- Định hướng phát triển:

Sản xuất ô tô là quy trình công nghệ phức tạp với nhiều công đoạn khác nhau, theo phân vùng công nghệ chế tạo tại Sơ đồ 2 thì đối với Vùng II-sản xuất sản phẩm hệ truyền lực (động cơ), các tập đoàn thường lựa chọn đơn vị ruột của mình. Vì vậy, để phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất lắp ráp ô tô trên địa bàn tỉnh cần thực hiện theo lộ trình sau:

Giai đoạn đến năm 2025: Tập trung thu hút đầu tư được 01 tập đoàn lắp ráp ô tô có thương hiệu trên thế giới đặt nhà máy tại Nghệ An trong đó ưu tiên thu hút các nhà sản xuất và lắp ráp các loại xe tải, xe khách. Đồng thời, thu hút các dự án tham gia sản xuất linh kiện, phụ tùng cho các thương hiệu ô tô có uy tín đang đầu tư tại Việt Nam (Toyota, Hyndai, Kia, Mazda,...).

Giai đoạn 2026 - 2030: Quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp nội địa trên địa bàn tỉnh tham gia hợp tác vào chuỗi giá trị sản xuất và lắp ráp ô tô bằng việc sản xuất một số chi tiết, linh kiện đơn giản trước, trong đó tập trung lựa chọn vùng I và vùng III để liên kết hợp tác đầu tư là chính.

Sơ đồ 2: Phân vùng công nghệ chế tạo CNHT sản xuất lắp ráp ô tô

- Dự án ưu tiên thu hút đầu tư và phân bố không gian phát triển:

Thu hút ít nhất 01 tập đoàn sản xuất xe tải, xe ô tô khách hoặc xe hơi vào một trong các KCN như VSIP, WHA, Thọ Lộc, Hoàng Mai 1. Các tập đoàn dự kiến tiếp cận thu hút đầu tư gồm: Mitsubishi, Nissan, Dongfeng, MG, Keugoet,...

Đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án sản xuất linh kiện điện tử và phụ tùng ô tô Juteng tại KCN Hoàng Mai 1 để làm tiền đề thu hút các Tập đoàn lớn quan tâm đầu tư vào Nghệ An.

Thu hút các dự án sản xuất khung - thân vỏ - cửa xe, sản xuất các thiết bị chiếu sáng và tín hiệu, hệ thống bơm, lọc gió,... tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp như: KCN Hoàng Mai 1,2, WHA Nghệ An 2, VSIP Nghệ An 2; các CCN thuộc địa bàn các huyện, thị ven biển.

Kết nối với các tập đoàn như: Trường Hải, Huyndai Thành Công, Toyota để thu hút đầu tư các dự án phát triển sản xuất dây điện, cụm điện, ác quy...; các dự án phát triển sản xuất linh kiện nhựa, cao su cho ô tô tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

3.5. Công nghiệp hỗ trợ ngành chế biến gỗ và sản xuất nội thất:

- Tiềm năng và cơ hội phát triển:

Nghệ An đã được Thủ tướng Chính phủ thành lập Khu lập nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ tại Quyết định số 509/QĐ-TTg ngày 31/3/2021 với diện tích 618 ha trong đó có phân khu chức năng sản xuất chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ ứng dụng công nghệ cao chuỗi sản xuất khép kín, chuyên môn hóa cao, sản xuất cung ứng các sản phẩm phụ trợ ngành gỗ và đào tạo nguồn lao động chất lượng cao với mục tiêu thu hút các dự án sản xuất chế biến ngành gỗ, nội thất, lâm sản ngoài gỗ để đến năm 2025 đạt kim ngạch xuất khẩu từ 2,5 tỷ USD và đạt 4 tỷ USD vào năm 2030.

Theo kết quả tính toán từ các số liệu khảo sát các doanh nghiệp chế biến gỗ về hiệu quả sử dụng nguyên liệu gỗ thì để tạo ra 1 triệu USD giá trị xuất khẩu, trung bình mỗi doanh nghiệp sẽ phải sử dụng kết hợp 940,27 m3 gỗ xẻ và 115,76 m3 gỗ công nghiệp. Do đó, dự báo nhu cầu nguyên liệu gỗ tăng thêm để đạt mục tiêu mức tăng 4,0 tỷ USD đến năm 2030 là: Gỗ xẻ 4.000 x 940,27 - 3.761.080 m3: Gỗ ván công nghiệp 4.000 x 115,76 = 463.040 m3. Vì vậy, phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành chế biến gỗ nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất nội thất vào Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao và đáp ứng nhu cầu sản xuất của các doanh nghiệp thuộc các tỉnh có nhiều doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu đồ gỗ và trang trí nội thất như Bình Dương, Đồng Nai, Tp.HCM, Bình Định, Yên Bái,...là rất cần thiết.

- Định hướng phát triển:

Phát triển các loại Gỗ nguyên liệu phục vụ cho ngành công nghiệp sản xuất đồ gỗ trang trí nội thất và xuất khẩu như ván MDF, HDF, ván ghép thanh, ván dán Flywood; Dịch vụ thiết kế mẫu mã sản phẩm.

Thu hút các dự án đầu tư sản xuất vật liệu và phụ tùng sử dụng trong ngành công nghiệp chế biến gỗ, như: Keo gắn gỗ, các loại sơn phủ bề mặt; các loại phụ kiện cơ khí như linh kiện thay thế trong dây chuyền sản xuất, đinh vít, ke, bản lề, ốc vít...; bao bì phục vụ ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản.

- Về phân bố không gian sản xuất:

Đối với sản xuất gỗ nguyên liệu, đẩy nhanh hoàn thành và đưa vào hoạt động Nhà máy gỗ MDF Nghệ An tại KCN Tri Lễ (Anh Sơn). Hình thành các cụm công nghiệp chuyên ngành sản xuất và cung cấp ván MDF, HDF, ván ghép thanh, ván dán tại các địa phương có tiềm năng, lợi thế về nguồn nguyên liệu keo như: Thanh Chương, Anh Sơn, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn,...

Thu hút các dự án sản xuất linh kiện, phụ kiện cơ khí phục vụ công nghiệp chế biến gỗ; sản xuất keo dán, sơn chuyên dụng cho đồ gỗ vào phân khu chế biến thuộc Khu lâm nghiệp ứng dụng CNC Bắc Trung bộ tại Nghệ An và các cụm công nghiệp vệ tinh như: Đô Lăng, Đô Lăng 2, Nghi Diên, Hưng Yên, Thượng Sơn.

3.6. Lĩnh vực sản xuất bao bì, in ấn, nhãn dán, hạt phụ gia:

- Tiềm năng và cơ hội phát triển:

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An có trên 1.300 nhà máy sản xuất công nghiệp đang hoạt động, trong đó đa số các ngành công nghiệp sản xuất đều có nhu cầu mua bao bì để đóng gói thành phẩm. Một số lĩnh vực sử dụng nhiều bao bì như sản xuất xi măng, sản xuất bia, nước giải khát, sản xuất gạch ốp lát, công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản và sản xuất hàng tiêu dùng...

- Định hướng phát triển:

Đẩy mạnh phát triển các doanh nghiệp sản xuất vật liệu, bao bì sử dụng cho quá trình đóng gói, hoàn tất sản phẩm bao gồm các nhóm: Bao bì giấy carton, bao bì nhựa và in ấn trên bao bì, các loại túi PE (polyethylene), PP (polyprotylene), chai thủy tinh, chai pet, vỏ lon bia,... sử dụng cho nhiều ngành công nghiệp hạ nguồn khác nhau như: Dệt may-da giày (túi dựng sản phẩm PE, PP, móc áo, các loại bìa lót áo, giấy chống ẩm, khoanh cổ, nơ cổ và thùng caton, sóng nhiều lớp, các loại cài, kẹp nhựa...); sản xuất thực phẩm, hàng tiêu dùng (dầu ăn, cá hộp, nước mắm, đường, tinh bột sắn,...); vật liệu xây dựng (bao bì xi măng, bao bì gạch Granite); công nghiệp sản xuất đồ uống (bia, nước uống tinh khiết),...

Sản xuất hạt phụ gia nhựa Taical để tận dụng lợi thế nguồn nguyên liệu sẵn có là bột đá trắng siêu mịn CaCO3 từ các mỏ đá của Quỳ Hợp được cung cấp từ các doanh nghiệp chế biến khoáng sản trên địa bàn dùng trong sản xuất màng, bao bì nhựa, tấm trần, khung cửa nhựa, ống nhựa PVC và phụ kiện nhựa, dây cáp điện.

Bảng 3: Tổng hợp các ngành và sản phẩm CNHT ưu tiên tỉnh Nghệ An

Tên ngành / sản phẩm CNHT

Phạm vi ngành ưu tiên phát triển CNHT đến 2025, có tính đến 2030

Các sản phẩm CNHT ưu tiên

I- Nhóm sản phẩm đẩy mạnh phát triển

1) Nguyên liệu ngành Dệt; nguyên liệu, phụ liệu ngành May mặc

Ngành công nghiệp dệt may-da giày

* Sn phẩm ngành dệt may:

- Xơ thiên nhiên (Bông, đay. gai, lo tàm); Xơ tổng hợp (PF, Viscose);

- Sợi các loại; Vải các loại, chỉ may, cúc, mex, khóa kéo, băng chun.

- Các thiết bị cơ khi ngành dệt may.

2) CNHT ngành chế biến gỗ và sản xuất nội thất

Ngành chế biến lâm sản

Gỗ nguyên liệu phục vụ cho ngành công nghiệp sản xuất đồ gỗ trang trí nội thất và xuất khẩu như ván MDF, HDF, ván ghép thanh, ván dán Flywood; Dịch vụ thiết kế mẫu mã sản phẩm; các loại vật liệu và phụ tùng sử dụng trong ngành công nghiệp chế biến gỗ, như; keo gắn gỗ, các loại sơn phủ bề mặt; các loại phụ kiện cơ khí như linh kiện thay thế trong dây chuyền sản xuất, đinh vít, ke, bản lề, ốc vít...: bao bì phục vụ sản xuất ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản.

3) Sản xuất bao bì, in ấn, nhãn mác, hạt phụ gia

Các ngành công nghiệp hạ nguồn

Bao bì xi măng, nông sản; Bao gói ngành chế biến thủy sản, thực phẩm, công nghiệp đồ uống,...

II- Nhóm sản phẩm tập trung thu hút đầu tư

4) Nguyên liệu, vật liệu, linh kiện và phụ tùng kim loại.

5) Nguyên liệu, vật liệu, linh kiện và phụ tùng điện-điện tử, tin học.

6) Nguyên vật liệu, linh kiện nhựa, cao su và phi kim khác.

* Ngành cơ khí - Sản xuất lắp ráp ô tô: Máy động lực, cơ khí phục vụ nông, lâm, ngư nghiệp và công nghiệp chế biến; Máy xây dựng; Máy cho ngành dệt may, da giày; Thiết bị điện: Cơ khí ô tô.

* Ngành điện, điện tử, CNTT, viễn thông: Sản xuất và phân phối điện; Máy tính và thiết bị văn phòng; điện tử dân dụng; thiết bị truyền thông; thiết bị đo lường và kiểm tra; thiết bị y tế; thiết bị và dụng cụ quang học.

* Sản phẩm cơ khí: Khuôn mẫu, đồ gá; Dao tiện, dao phay, mũi khoan: Linh kiện và phụ tùng máy gia công cơ khí, máy hàn; Linh kiện và phụ tùng máy động lực, máy nông nghiệp, đóng tàu; Linh kiện và phụ tùng máy, thiết bị chế biến nông lâm thủy sản, thực phẩm; Dụng cụ đo lường, kiểm tra dùng trong cơ khí; Bu lông cường độ cao, ốc vít cường độ cao, ổ bi, bạc lót, bánh răng, van, khớp các loại, vỏ máy, chi tiết đột dập, hộp biến tốc, xi lanh thủy lực; Thép chế tạo; vỏ tàu thuyền và thiết bị đánh cá,...

* Sản phẩm CNHT sản xuất ô tô tập trung vào các sản phẩm vùng I và vùng III gồm: Bộ lọc dầu, bộ làm mát, bộ tản nhiệt, bơm dầu, các loại van; Bộ tản nhiệt, két nước, quạt gió, van hằng nhiệt, bơm nước; Thùng nhiên liệu, bộ lọc nhiên liệu, bộ lọc không khí, ống dẫn bơm nhiên liệu, bộ chế hòa khí, hệ thống phun nhiên liệu; Khung - thân vỏ - cửa xe: Hệ thống treo (nhíp, lò xo đàn hồi, bộ giảm chấn); Bánh xe (lốp xe, vành bánh xe bằng hợp kim nhôm); Ác quy, máy phát điện: Bugi, cao áp, biến áp; Rơle khởi động, động cơ điện khởi động; Dây điện, đầu nối, cầu chì, các loại cảm biến, thiết bị tự động điều khiển, bộ xử lý; Hệ thống chiếu sáng và tín hiệu (Đèn, còi, đồng hồ do các loại); Linh kiện nhựa cho ô tô; Linh kiện cao su, vật liệu giảm chấn; Kính chắn gió, cần gạt nước, ghế xe.

* Sản phẩm linh kiện điện tử, quang điện tử cơ bản: Transistor, mạch tích hợp, cảm biến, điện trở, tụ, diôt, ăngten, thyristor; Linh kiện thạch anh; Vi mạch điện tử; Vật liệu sản xuất linh kiện điện tử; Chất bán dẫn, vật liệu từ cứng, vật liệu từ mềm. chất cách điện tích cực; Linh kiện sản phẩm điện tử; Linh kiện nhựa, cao su, chi tiết cơ - điện tử, linh kiện kính; Pin dùng cho máy vi tính xách tay, điện thoại di động; Dây và cáp điện, đèn led, tai nghe điện thoại và loa; Sạc pin điện thoại; Màn hình các loại.

* Sản phẩm CN hỗ trợ ngành điện: Đui, bóng đèn, tủ điện, bảng điện; pin mặt trời; các bộ điều khiển; Cụm linh kiện, phụ tùng cho hệ thống thiết bị sản xuất điện năng từ năng lượng mới và năng lượng tái tạo.

IV. MỘT SỐ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN

1. Giải pháp về xúc tiến, thu hút đầu tư

1.1. Xây dựng và ban hành danh mục các dự án CNHT trọng điểm ưu tiên thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu công nghiệp hỗ trợ, các ngành công nghiệp chế biến chế tạo ưu tiên phát triển đăng tải trên các phương tiện thông tin truyền thông và gửi trực tiếp cho các nhà đầu tư tiềm năng trong và ngoài nước... để tìm hiểu, lựa chọn cơ hội đầu tư phù hợp.

1.2. Tích cực triển khai chương trình xúc tiến đầu tư ra nước ngoài vào một số ngành công nghiệp mũi nhọn, nhất là các dự án sản xuất và lắp ráp thiết bị hoàn chỉnh của các Tập đoàn đa Quốc gia (công nghiệp điện tử; sản xuất máy móc công nghiệp và máy nông nghiệp, sản xuất VLXD sử dụng côna nghệ mới...; sản xuất và lắp ráp xe ô tô các loại; công nghiệp dệt may; công nghiệp công nghệ cao) ô một số thị trường mục tiêu (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Châu Âu, Mỹ, các nước ASEAN) để tạo tiền đề cho CNHT phát triển.

1.3. Kết nối làm việc với các tập đoàn, Tổng công ty trong nước, các tập đoàn nước ngoài có nhà máy sản xuất và lắp ráp ở Việt Nam đầu tư các nhà máy sản xuất linh kiện, phụ kiện vào Nghệ An để tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nội địa trên địa bàn liên kết, hợp tác đầu tư sản xuất và chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản lý.

1.4. Hàng năm tổ chức các chương trình xúc tiến đầu tư chuyên ngành vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ theo Danh mục các dự án công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển để thu hút các nhà đầu tư.

2. Tạo môi trường đầu tư sản xuất, kinh doanh thuận lợi để công nghiệp hỗ trợ phát triển

2.1. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật công nghiệp đồng bộ tạo mặt bằng thuận lợi đáp ứng nhu cầu thuê đất của các nhà đầu tư. Quy hoạch và thu hút nhà đầu tư hạ tầng KCN hỗ trợ phù hợp với danh mục phát triển các KCN đã được tích hợp trong Quy hoạch tỉnh. Trước mắt, đối với các KCN có lợi thế về thu hút đầu tư và có khả năng liên kết vùng cao nhu KCN Hoàng Mai 1, Hoàng Mai 2, VSIP 2, WHA Nghệ An 2, Thọ Lộc, Yên Quang đề nghị dành tối thiểu 05 ha đất công nghiệp hoặc tối thiểu 3% tổng diện tích đất công nghiệp theo quy định của Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo được ưu tiên, hỗ trợ về mặt bằng sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật thuê đất, thuê lại đất.

2.2. Khuyến khích các doanh nghiệp/HTX kinh doanh hạ tầng CCN đảm bảo đồng bộ, hiện đại đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp hỗ trợ và bảo vệ môi trường. Lựa chọn một số CCN như: Nghi Diên, Hưng Mỹ, Đô Lăng 2, Đồng Thái, Quỳnh Châu để thu hút các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng kỹ thuật có sự hỗ trợ của nhà nước thông qua ban hành cơ chế đặc thù để xây dựng thành các CCN chuyên ngành phục vụ các doanh nghiệp CNHT vừa và nhỏ trong tỉnh với hạ tầng đồng bộ và giá thuê hạ tầng ưu đãi nhằm thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực cạnh tranh.

2.3. Hoàn thiện hệ thống hạ tầng dịch vụ logistics trong đó ưu tiên lựa chọn hình thức đầu tư phù hợp để xây dựng hệ thống cảng biển, mở rộng sân bay Vinh theo quy hoạch được phê duyệt để hấp dẫn các tập đoàn sản xuất và lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh đặt nhà máy tại Nghệ An, từ đó thu hút các doanh nghiệp CNHT làm vệ tinh. Hình thành và phát triển các khu thương mại với vai trò là các chợ đầu mối để thúc đẩy trao đổi hàng hóa giữa các doanh nghiệp CNHT.

2.4. Đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung bộ tại Nghệ An để thu hút các doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ đăng ký vào đầu tư thúc đẩy công nghiệp chế biến lâm sản phát triển, tạo điều kiện để thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ ngành chế biến gỗ và trang trí nội thất phát triển.

2.5. Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các sở, ban, ngành trong giải quyết các chủ trương, chính sách, thủ tục hành chính liên quan đến phát triển cóng nghiệp hỗ trợ. Quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư giải quyết kịp thời và có hiệu quả các khó khăn vướng mắc trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh tại Nghệ An.

3. Hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ

3.1. Đối với chính sách ưu đãi của Chính phủ: Đề nghị ban hành chính sách ưu đãi đầu tư có tính đột phá cho các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong đó miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng có thời hạn phù hợp; miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu tạo tài sản cố định và các nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được để phục vụ sản xuất sản phẩm CNHT: ưu tiên vay vốn với lãi suất ưu đãi từ các tổ chức tín dụng. Bổ sung lĩnh vực CNHT vào danh mục lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư để được hưởng chính sách miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước cao nhất.

3.2. Đối với chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ của tỉnh: Ngoài các chính sách hỗ trợ đã ban hành theo Quy chế quản lý kinh phí phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Quyết định số 41/2022/QĐ-UBND ngày 22/8/2022 gồm: Kết nối doanh nghiệp CNHT trở thành nhà cung ứng cho khách hàng trong và ngoài nước; áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu chuỗi cung ứng; đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ; xây dựng và công bố thông tin CNHT và Nghị quyết số 22/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh về hỗ trợ lãi suất vốn vay,.. Cần tiếp tục nghiên cứu để xây dựng, ban hành chính sách hỗ trợ đặc thù khác như:

- Chính sách hỗ trợ tiếp cận và phát triển thị trường cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.

- Hỗ trợ công tác quy hoạch và kinh phí đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật các CCN chuyên ngành CNHT để ưu tiên thuê đất cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư phát triển CNHT.

- Chính sách hỗ trợ đào tạo nàng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp tham gia sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

- Chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong chuyển đổi số.

- Chính sách hỗ trợ chi phí đăng ký Chứng nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế đối với sản phẩm công nghiệp hỗ trợ để tham gia vào chuỗi giá trị.

3.3. Bố trí, huy động nguồn lực hiệu quả để triển khai thực các cơ chế, chính sách và nội dung hỗ trợ theo Quy chế quản lý kinh phí phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh đã ban hành.

4. Giải pháp phát triển chuỗi giá trị liên kết

4.1. Hình thành và phát triển chuỗi giá trị thông qua thu hút đầu tư hiệu quả và thúc đẩy liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh với các doanh nghiệp đa quốc gia, các công ty sản xuất, lắp ráp trong nước và nước ngoài, tập trung thu hút đầu tư các ngành sản xuất và lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh đứng chân trên địa bàn tỉnh và các ngành công nghiệp vật liệu để tự chủ về nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, nâng cao giá trị gia tăng nội địa.

4.2. Đẩy mạnh hợp tác liên kết vùng, khu vực để tạo cơ hội hợp tác cho các doanh nghiệp của tỉnh trở thành mắt xích cung cấp nguyên liệu, bán thành phẩm cho các doanh nghiệp lớn tạo thành mạng lưới vệ tinh sản xuất, cung ứng nguyên liệu, linh kiện. Trong đó, liên kết với các doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa để đầu tư phát triển một số lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho Tổ hợp công nghiệp lọc hóa dầu tại Nghi Sơn (các loại dung môi cho công nghiệp cao su, sản xuất sơn, dầu nhờn, mỡ bôi trơn, sản xuất chất hóa dẻo, hạt nhựa PP, PE,...; sản xuất sợi nhân tạo phục vụ ngành công nghiệp dệt may; sản xuất một số linh, phụ kiện cơ khí trong hệ thống dây chuyền thiết bị của Tổ hợp lọc dầu). Liên kết với tỉnh Hà Tĩnh trong phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí, chế tạo cho Tổ hợp sản xuất thép Fomusa và các nhà máy nhiệt điện; sản xuất một số chi tiết cho nhà máy sản xuất pin ô tô.

5. Giải pháp đào tạo và phát triển nguồn nhân lực

Triển khai có hiệu quả kế hoạch thực hiện Đề án đào tạo nghề của tỉnh nhằm đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo, các ngành nghề phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động nhất là đội ngũ cán bộ kỹ thuật. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực có các kỹ năng mới cần thiết như các kỹ năng về thiết kế, phát triển sản phẩm, kỹ năng về quản lý trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0,...

Tăng cường liên kết giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo nhân lực cho công nghiệp hỗ trợ đảm bảo đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật về kỹ năng nghề nghiệp theo tiêu chuẩn chung quốc tế để sẵn sàng thực hiện trao đổi lao động giữa các doanh nghiệp trong khu vực và quốc tế.

Có chế độ khuyến khích, đãi ngộ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp hỗ trợ nhất là thu hút đội ngũ lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sau khi trở về địa phương.

6. Nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ

6.1. Hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và các doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển (R&D), chuyển giao công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh, áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu. Tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư mua sắm thiết bị, đổi mới công nghệ, mở rộng thị trường, xây dựng và phát triển thương hiệu thông qua các chính sách hỗ trợ của tỉnh.

6.2. Tập trung nâng cao năng lực khoa học công nghệ cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tạo sự bứt phá về hạ tầng công nghệ, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ: tăng cường hợp tác trong nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ, mua bán, chuyển giao các sản phẩm khoa học, công nghệ; tăng cường cơ chế hợp tác công tư trong việc triển khai các dự án đổi mới công nghệ, nghiên cứu và phát triển.

7. Nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ công

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thường xuyên thực hiện rà soát, đánh giá, tái cấu trúc quy trình giải quyết thủ tục hành chính để nâng cao chất lượng dịch vụ công phục vụ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Bộ phận một cửa các cấp, quan tâm đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ hoạt động của Bộ phận một cửa, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính. Hoàn thành việc nâng cấp các dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 3, mức độ 4 đó từng bước hoàn thiện hệ thống thông tin xử lý hồ sơ hoàn toàn trên môi trường mạng.

Phần 4

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

I. LỘ TRÌNH VÀ KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Lộ trình thực hiện

1.1. Giai đoạn đến năm 2025:

- Xây dựng, phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện Đề án và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, đơn vị liên quan.

- Xây dựng và ban hành hệ thống cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển trên địa bàn tỉnh phù hợp với các quy định của pháp luật, thông lệ quốc tế và khả năng cân đối nguồn ngân sách địa phương.

- Tập trung thu hút đầu tư một số tập đoàn sản xuất và lắp ráp thiết bị hoàn chỉnh để tạo tiền đề thu hút phát triển các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ làm vệ tinh. Đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng KCN hỗ trợ, các CCN hỗ trợ để hấp dẫn các doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ.

1.2. Giai đoạn 2026 - 2030: Tiếp tục tập trung thu hút các dự án phát triển CNHT theo danh mục ưu tiên thu hút đầu tư.

2. Kinh phí thực hiện Đề án

Kinh phí thực hiện Đề án được bố trí từ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế thuộc ngân sách Nhà nước dành cho các hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ và huy động từ nguồn xã hội hóa. Trong đó:

2.1. Kinh phí để triển khai nhiệm vụ tuyên truyền, quản lý và chỉ đạo thực hiện Đề án: 1.500 triệu đồng (bình quân mỗi năm khoảng 190 triệu đồng).

2.2. Kinh phí triển khai chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ theo quy định hiện hành ban hành tại Quyết định số 41/2022/QĐ-UBND ngày 20/8/2022 của UBND tỉnh để thực hiện các nội dung hỗ trợ: Kết nối doanh nghiệp CNHT trở thành nhà cung ứng cho khách hàng trong và ngoài nước; áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu chuỗi cung ứng; đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ; xây dựng và công bố thông tin về CNHT giai đoạn 2022 - 2030 khoảng 50.000 triệu đồng. Trong đó:

- Dự kiến kinh phí hỗ trợ từ Ngân sách tỉnh 35.000 triệu đồng;

- Đề nghị hỗ trợ từ ngân sách Trung ương theo Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ khoảng 30% tương ứng 15.000 triệu đồng.

2.3. Kinh phí xúc tiến đầu tư chuyên ngành phát triển CNHT hàng năm khoảng 2.000 triệu đồng. Giai đoạn 2022 - 2030 khoảng 15.000 triệu đồng.

2.4. Kinh phí dự kiến để thực hiện các chính sách hỗ trợ theo đề xuất ban hành cơ chế đặc thù của tỉnh như: Hỗ trợ tiền thuê đất, chi phí san lấp mặt bằng,... cho các CCN chuyên ngành CNHT ngoài được hưởng các chính sách hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật CCN đã được ban hành tại Nghị quyết số 22/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh; Hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tiếp cận và phát triển thị trường; chuyển đổi số và hỗ trợ chi phí đăng ký Chứng nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế đối với sản phẩm công nghiệp hỗ trợ để tham gia vào chuỗi giá trị,... sẽ được nghiên cứu, tính toán cụ thể khi ban hành chính sách.

2.5. Tổng kinh phí thực hiện Đề án tạm tính khoảng 66.500 triệu đồng, bình quân hàng năm giai đoạn từ 2022 - 2030 cần khoảng 8.315 triệu đồng. Hiện nay, nguồn ngân sách tỉnh bố trí hàng năm theo Chương trình phát triển CNHT tại Quyết định số 1306/QĐ-UBND ngày 23/4/2019 của UBND tỉnh là 5.500 - 6.000 triệu đồng, kinh phí cần bổ sung thêm mỗi năm từ 2.000 - 2.500 triệu đồng.

(Chi tiết dự toán tại Phụ lục 2 kèm theo)

Hàng năm, Sở Công Thương đề xuất kinh phí thực hiện đề án cân đối từ Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ của Chính phủ để được hỗ trợ từ ngân sách Trung ương. Đối với phần kinh phí từ ngân sách tỉnh, tổng hợp các nhiệm vụ triển khai của các ngành, đơn vị gửi Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước của địa phương theo quy định của Luật Ngân sách và các quy định hiện hành.

Khuyến khích việc huy động nguồn kinh phí ngoài ngân sách để triển khai các nội dung của đề án đảm bảo có hiệu quả như: Nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

II. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM

1. Sở Công Thương

1.1. Là đầu mối quản lý Nhà nước về công nghiệp trên địa bàn tỉnh, có nhiệm vụ tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch cụ thể tổ chức triển khai, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung của đề án phát triển CNHT. Phối hợp tham mưu thành lập các Tổ công tác xúc tiến đầu tư vào CNHT theo từng lĩnh vực.

1.2. Chủ trì, tổ chức các hoạt động kết nối công nghiệp hỗ trợ giữa các doanh nghiệp trên địa bàn với các Tập đoàn. Tham mưu tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, da giày; ngành năng lượng; kêu gọi đầu tư CNHT vào các cụm công nghiệp trên địa bàn.

1.3. Tham mưu xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển CNHT và thực hiện công tác hậu kiểm ưu đãi đối với các dự án sản xuất sản phẩm CNHT. Xây dựng cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư.

1.4. Hàng năm, xây dựng dự toán kinh phí thực hiện đề án trong dự toán ngân sách của Sở Công Thương, gửi Sở Tài chính tổng hợp vào dự toán ngân sách địa phương trình Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định hiện hành.

1.5. Theo dõi, tổng hợp kết quả thực hiện Đề án cũng như các ý kiến phản ánh của các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố về các khó khăn, vướng mắc. Báo cáo định kỳ hàng năm để UBND tỉnh theo dõi, chỉ đạo, giải quyết.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp với Sở Công thương, Sở Tài chính cân đối, lồng ghép các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện các nhiệm vụ liên quan của Đề án theo quy định

3. Sở Tài chính

3.1. Tham mưu cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí trong khả năng cân đối của ngân sách nhà nước để thực hiện hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ của Đề án và Chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ từ nguồn chi thường xuyên theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.

3.2. Phối hợp với Sở Công Thương, Cục Thuế tỉnh xác nhận ưu đãi về thuế đối với các dự án đầu tư sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển; Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý KKT Đông Nam xác nhận chính sách khuyến khích ưu đãi đối với đầu tư phát triển khu công nghiệp hỗ trợ theo quy định hiện hành.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện Quyết định số 509/QĐ-TTg ngày ngày 31/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ thành lập Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ để khai thác tiềm năng và dư địa của lĩnh vực chế biến gỗ và xuất khẩu lâm sản góp phần tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu cho địa phương. Thu hút các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phục vụ ngành công nghiệp chế biến lâm sản và sản xuất đồ gỗ nội thất trên địa bàn tỉnh và cả nước.

5. Sở Khoa học và Công nghệ

5.1. Chủ trì, phối hợp hỗ trợ các doanh nghiệp cập nhật thông tin về các giải pháp công nghệ mới hiện nay trên thế giới; hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực CNHT.

5.2. Tham mưu xây dựng và thực hiện có hiệu quả các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp CNHT phát triển khoa học công nghệ; khuyến khích phát triển nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật; hỗ trợ phát triển xanh và bền vững; hỗ trợ đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng phù hợp.

5.3. Xây dựng hệ thống quản lý chất lượng; xác lập và bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; hỗ trợ tham gia các diễn đàn công nghệ, Chợ công nghệ- Thiết bị; xây dựng ngân hàng dữ liệu thông tin công nghệ mới.

5.4. Ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong nghiên cứu và ứng dụng thuộc lĩnh vực CNHT.

6. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

6.1. Chủ trì triển khai có hiệu quả Đề án đào tạo nghề giai đoạn 2021 - 2030 đã được Tỉnh Ủy ban hành trong đó tập trung vào nhóm ngành nghề sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ: cơ khí, chế tạo, thiết bị điện - điện tử, dệt may, da giày,...

6.2. Chủ trì, nghiên cứu xây dựng các chính sách khuyến khích hỗ trợ đào tạo nghề theo hướng ưu tiên đào tạo các ngành nghề phục vụ CNHT trân địa bàn tỉnh.

6.3. Chủ trì tổ chức các hoạt động kết nối cung-cầu giữa người lao động địa phương với các doanh nghiệp, nhà đầu tư lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh.

6.4. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng và triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ lao động, hỗ trợ đào tạo nghề chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.

7. Ban Quản lý KKT Đông Nam

7.1. Rà soát quỹ đất tại các khu công nghiệp trong phương án quy hoạch đề xuất thành lập khu công nghiệp hỗ trợ hoặc chuyển đổi một phân khu công nghiệp đã có trong quy hoạch sang hoạt động theo mô hình khu công nghiệp hỗ trợ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

7.2. Tham mưu UBND tỉnh đề xuất Thủ tướng Chính phủ phê duyệt KKT Đông Nam được hưởng chính sách như khu kinh tế trọng điểm hoặc thành khu kinh tế trọng điểm và cho phép mở rộng ranh giới Khu Kinh tế Đông Nam để tạo quỹ đất thuận lợi thu hút các Tập đoàn sản xuất và lắp ráp sản phẩm hoàn chính, các doanh nghiệp CNHT đầu tư vào Nghệ An.

7.3. Hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện các thủ tục đầu tư dự án cảng nước sâu Cửa Lò, cảng Đông Hồi, thu hút đầu tư để phát triển hệ thống hạ tầng dịch vụ Logistics trong KKT Đông Nam và các KCN Thọ Lộc, Hoàng Mai II,... đáp ứng yêu cầu phát triển cơ sở hạ tầng.

7.4. Phối hợp với Sở, ngành, đơn vị liên quan xây dựng chương trình, kế hoạch về xúc tiến đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ trong địa bàn Khu kinh tế Đông Nam và các KCN tỉnh Nghệ An. Thực hiện các chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ trong khu kinh tế, các KCN.

8. Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch

8.1. Phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan xây dựng các dự án công nghiệp hỗ trợ ưu tiên kêu gọi đầu tư trong Danh mục các dự án công nghiệp trọng điểm thu hút đầu tư cửa tỉnh. Xây dựng các ấn phẩm, tài liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư; tuyên truyền quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng và cơ hội đầu tư về phát triển công nghiệp hỗ trợ.

8.2. Hàng năm tham mưu xây dựng Chương trình xúc tiến thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) theo danh mục các dự án CNHT đã ban hành. Hướng dẫn, phổ biến, tạo các điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp tiếp cận rộng rãi các thông tin về các loại quy hoạch, chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư, chính sách phát triển ngành công nghiệp, chính sách hỗ trợ và ưu đãi phát triển CNHT,... phục vụ nhu cầu tìm hiểu đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

8.3. Hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là đào tạo trực tiếp tại doanh nghiệp; Chuyển đổi số, tư vấn pháp lý. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường để tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

9. Các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố

Chủ động phối hợp với Sở Công thương trong việc triển khai thực hiện các nội dung đề án, xây dựng, tham mưu, đề xuất các cơ chế, chính sách, biện pháp cụ thể tổ chức thực hiện theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ được giao./.

PHỤ LỤC

Phụ lục I. Danh mục các dự án CNHT ưu tiên đầu tư giai đoạn 2022 - 2030

TT

Lĩnh vực

Tổng vốn đầu tư (Triệu USD/Tỷ VNĐ)

Địa điểm

Công suất/năm

I

Lĩnh vực điện, điện t, tin học viễn thông giai đoạn 2022 - 2030

Sản xuất thiết bị hoàn chỉnh

1

Sản xuất, lắp ráp điện thoại di động

200 Triệu USD

Các KCN trong KKT Đông Nam

3-5 triệu SP/năm

2

SX và lắp ráp các sp điện tử dân dụng và các mặt hàng điện tử

50-100 Triệu USD

Các KCN trong KKT Đông Nam

2-3 triệu SP/năm

3

Sản xuất và lắp ráp máy tính xách tay, máy văn phòng

100 Triệu USD

Các KCN trong KKT Đông Nam

500.000 SP/năm

4

Nhà máy sản xuất điều hòa không khí và sản phẩm điện gia dụng

300 t VNĐ

Các KCN tập trung

3-5 triu SP/năm

Sản xuất các sản phẩm hỗ trợ

1

Sản xuất chất bán dẫn; các linh kiện điện tử và các thiết bị công nghệ thông tin

200-300 t VNĐ

Các KCN, CCN

1 -2 triệu SP/năm

2

SX linh kiện điện tử CNC: cảm biến hình ảnh, đi ốt phát quang, màn hình tinh thể lỏng

200-300 tỷ VNĐ

CCN Nghi Diên, Đô Lăng 2; Các KCN

10 triệu SP/năm

3

SX các linh kiện công nghệ cao: Chip điện tử, thiết bị dò điện tử

100 tỷ VND

Các KCN, CCN

4

Linh kiện điện điện tử, cao su, nhựa, tấm mạch in

100- 150 tỷ VNĐ

Các KCN, CCN

5

Sản xuất linh kiện máy tính (vỏ, pin, bàn phím,...)

20 triệu USD

Các KCN, CCN

6

SX gia công ổ trục cho máy vi tính, máy tính xách tay và điện thoại di động

20 triệu USD

KCN VSIP 2, WHA 2;

10 triệu SP/năm

7

NM sản xuất dây và cáp điện, máy biến áp

200-300 t VNĐ

Các KCN, CCN

10.000 tn/năm

8

Dự án sản xuất gốm sứ cho công nghiệp điện - điện tử: Thiết bị tự động hóa

150 - 200 tỷ đồng

Các KCN, CCN

1000.000 Sp/năm

II

Ngành công nghiệp cơ khí, chế tạo

Sản xuất thiết bị hoàn chỉnh

1

Nhà máy lắp ráp động cơ diesel đến 150CV

300 triệu USD

KCN Hoàng Mai 1,2, Đông Hồi

10.000 SP/năm

2

Nhà máy sản xuất máy động lực, máy nông nghiệp

200 triệu USD

KCN Nghĩa Đàn, Tân Kỳ

10.000 SP/năm

3

Đầu tư Nhà máy sản xuất các thiết bị dây chuyền chế biến nông-lâm sản, thực phẩm

300 triệu USD

KCN Tri Lễ, Kim Cường, Tân Kỳ; Các CCN

4

Nhà máy cơ khí đóng tàu và chế tạo thiết bị nâng hạ

500 triệu USD

KCN Đông Hồi

5.000 SP/năm

5

Nhà máy sản xuất xe máy điện, xe đạp điện, xe đạp địa hình

200 triệu USD

Các KCN trong KKT Đông Nam

20.000 SP/năm

Sản xuất các sản phẩm hỗ trợ

1

SX và gia công thép ống các loại, gia công thép cuộn

50 triệu USD

KKT Đông Nam

24.000 MT/năm

2

SX gia công thép ống, thép thanh, thép định hình chính xác cao

50 triệu USD

KCN Nam Cấm, KCN Đông Hồi

Ống thép kéo lạnh 60.000 tấn/năm; Thép thanh 50.00 tấn/năm

3

Dự án sản xuất các chi tiết hỗ trợ lắp ráp máy nông nghiệp

100 tỷ VNĐ

KCN Hoàng Mai I, II

4

Nhà máy sản xuất thiết bị phụ trợ ngành xi măng, sản xuất gạch ốp lát, khai thác đá, các linh kiện máy xây dựng.

150-200 tỷ VNĐ

KCN Nghĩa Đàn, Tri Lễ; các CCN

10.000 tn SP/năm

5

Thu hút đầu tư Nhà máy sản xuất, chế tạo linh kiện đinh, ốc vít kim loại, que hàn

100-150 t VNĐ

KKT Đông Nam

5.000- 1000 ln SP/năm

6

Phát triển Nhà máy sản xuất chế tạo gia công dụng cụ thiết bị cơ khí, cấu kiện kim loại, phụ tùng máy móc khai thác

100-150 tỷ VNĐ

CCN: Nghĩa Mỹ, Nghĩa Long, Châu Hồng

20.000 tấn SP/năm

7

Đầu tư Nhà máy sản xuất thiết bị dây chuyền chế biến nông-lâm sản

200 t VNĐ

KCN Tân Kỳ, Phủ Quỳ

8

Dự án sản xuất (1) Các loại khuôn mẫu, khuôn đúc nhựa có độ chính xác cao; (2) Các loại chi tiết cơ khí tiêu chuẩn chất lượng cao: Các loại đai ốc, bu lông, ốc vít có độ chính xác cao dùng cho các thiết bị điện tử, cơ điện tử, điện tử y tế, rô bốt công nghiệp.

Từ 100 t VNĐ

Các KCN trong KKT Đông Nam

30.000 tấn SP/năm

III

Công nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô

Dự án sản xuất và lắp ráp hoàn chỉnh

1

Dự án đầu tư sn xuất xe ô tô dưới 9 chỗ

1.000 triệu USD

Các KCN trong KKT Đông Nam

50.000

2

Dự án đầu tư sản xuất xe ô tô khách

700 triệu USD

Các KCN trong KKT Đông Nam

100.000

3

Dự án sản xuất và lắp ráp ô tô tải các loại

500 triệu USD

Các KCN trong KKT Đông Nam

150.000

Dự án sản xuất các sản phẩm hỗ trợ

1

Dự án sản xuất các thiết bị chiếu sáng, và tín hiệu (Đèn, còi, gương chiếu hậu, đồng hồ đo các loại)

100 tỷ VNĐ

Các KCN, CCN

2

Sản xuất các loại ốc vít, linh kiện cơ khí phục vụ CN ô tô

100 tỷ VNĐ

Các KCN, CCN

100.000 tn SP/năm

3

Dự án sản xuất khung, thân và vỏ xe ô tô

300 tỷ VNĐ

Các KCN tập trung

10.000 tấn/năm

4

Sản xuất két nước, quạt gió, van hàng nhiệt, bơm nước

200 tỷ VNĐ

Các KCN, CCN

50.000 SP/năm

5

Dự án sản xuất bình đựng nước rửa kính và ống dẫn dung dịch

100 t VNĐ

Các KCN, CCN

100.000 SP/năm

6

Dự án sản xuất linh kiện nhựa: Linh kiện cao su, vật liệu giảm chấn cho ô tô

200 t VNĐ

Các KCN, CCN

20.000 tấn/năm

7

SX hệ thống lọc gió cho động cơ ô tô

200 tỷ VNĐ

Các KCN, CCN

30.000 SP/năm

8

Dự án sản xuất hệ thống treo (nhíp, lò xo đàn hồi, bộ giảm chấn)

200 tỷ VNĐ

Các KCN, CCN

20.000 tấn/năm

9

Dự án sản xuất lốp, la răng ô tô các loại

200 tỷ VNĐ

Các KCN, CCN

50.000 SP/năm

10

Dự án sản xuất Rơle khởi động; Dây điện, đầu nối, cầu chì, các loại cảm biến, thiết bị tự động điều khiển, bộ xử lý xe ô tô

200 tỷ VNĐ

Các KCN, CCN

100.000 SP/năm

11

Sản xuất thùng nhiên liệu, ống dẫn bơm nhiên liệu, bộ chế hòa khí, hệ thống phun nhiên liệu

300 tỷ VNĐ

Các KCN, CCN

20.000 SP/năm

12

Nhà máy sản xuất ác quy ô tô, pin ô tô điện

1.000 tỷ VNĐ/400 triệu USD

Các KCN trong KKT Đông Nam

600.000 KWh/năm

IV

Công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may

1

Xây dựng Nhà máy sản xuất xơ sợi nhân tạo gắn với khu lọc hóa dầu Nghi Sơn

500-700 tỷ VND

KCN Đông Hồi, Hoàng Mai 1,2

30.000 tấn/năm

2

Nhà máy sản xuất chỉ may, kim khâu, cúc áo quần, khóa kéo

100-150 t VNĐ

KCN, các CCN

5.000 tấn/năm

3

Nhà máy giặt mài công nghiệp

300 t VNĐ

KCN, các CCN

5 triệu SP/năm

4

Các Nhà máy sản xuất sản phẩm cơ khí hỗ trợ cho công nghiệp dệt- may như: bánh răng, trục truyền động, các chi tiết dẫn sợi, suốt sắt kéo dài, các loại gá lắp, suốt chỉ, kéo cắt vải, kéo cắt chỉ

50-100 tỷ VNĐ

KCN, các CCN

5 triệu SP/năm

5

Dự án đầu tư sản xuất khuôn mẫu, dao chặt, phom

200-250 tVNĐ

KCN, các CCN

20.000 SP/năm

6

Nhà máy sản xuất các sản phẩm hóa chất hỗ trợ ngành dệt (thuốc nhuộm, chất trợ, hóa chất cơ bản, chế phẩm sinh học)

200 t VNĐ

KKT Đông Nam, các KCN tập trung

10.000 tn/năm

7

Trung tâm thiết kế thời trang, trung tâm sản xuất mẫu mã, cung cấp dịch vụ, nguyên phụ liệu, công nghệ dệt may

KCN VSIP, Hemaraj, TP Vinh

V

CNHT ngành chế biến lâm sản và sản xuất đồ gỗ nội thất

1

Các Dự án sản xuất ván ghép thanh, ván dán Flywood

80-100 tỷ VNĐ

Thanh Chương, Tân Kỳ, Quỳ Hợp, Anh Sơn; Khu lâm nghiệp CNC BTB

20.000 m3/năm

2

Trung tâm Dịch vụ thiết kế mẫu mà sản phẩm nội thất

200 t VNĐ

Khu lâm nghiệp ứng dụng CNC Bắc Trung bộ

3

Nhà máy sản xuất loại vật liệu keo gắn gỗ, các loại sơn phù bề mặt

100 t VNĐ

Khu lâm nghiệp ứng dụng CNC Bắc Trung bộ

15.000 tấn/năm

4

Nhà máy sản xuất các loại phụ kiện cơ khí như linh kiện thay thế trong dây chuyền sản xuất, đinh vít, ke, bản lề, ốc vít...

50-100 tỷ VNĐ

Khu lâm nghiệp ứng dụng CNC Bắc Trung bộ

30.000 tấn/năm

5

Dự án sản xuất bao bì phục vụ sản xuất ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản

80-100 tỷ VNĐ

Cụm công nghiệp các địa phương

50 triệu bao/năm

VI

Công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất bao bì và các ngành hạ nguồn

1

Dự án sản xuất bao bì xi măng, đóng gói các sản phẩm nông sản

100 tỷ đồng

KCN Tri Lễ, các CCN

30 triệu bao/năm

2

Nhà máy bao gói ngành chế biến thủy sản, thực phẩm

100 tỷ đồng

Các CCN

30.000 tấn/năm

Nhà máy sản xuất bao bì Carton

50-100 tđồng

KCN, các CCN

3

Dự án sản xuất vỏ chai phục vụ ngành công nghiệp đồ uống, NGK...

100-150 tđồng

KKT Đông Nam, các KCN

500 triệu v/năm

4

Các Nhà máy sản xuất các hạt phụ gia Taical từ bột đá CaCO3

200 tỷ đồng

Các CCN: Nghĩa Long, Nghĩa Mỹ, Châu, Hồng, Tây Hiếu; KCN Nghĩa Đàn

100.000 tấn/năm

VII

Đề xuất danh mục KCN hỗ trợ, CCN chuyên ngành CNHT thu hút đầu tư

1

Dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN Nghi Diên 63,17 ha

442 tỷ đồng

2

Dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN Đô Lăng 2 diện tích 75ha

882 tỷ đồng

3

Dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN Đng Thái 40ha

300 tỷ đồng

4

Dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN Quỳnh Châu 70ha

490 tỷ đồng

Phụ lục II. Dự toán kinh phí để thực hiện Đề án giai đoạn 2022 - 2030

TT

Tên nhiệm vụ

Đơn vị tính

Tổng kinh phí

Trong đó

Bình quân hàng năm

Ngân sách Trung ương (theo QĐ68)

Ngân sách tnh

1

Quản lý và chỉ đạo thực hiện Đề án; tuyên truyền các chủ trương chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ

Triệu đồng

1.500

-

1.500

190

2

Kinh phí hỗ trợ các hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ theo Quy chế hiện hành.

Triệu đồng

50.000

15.000

35.000

6.250

3

Kinh phí xúc tiến đầu tư chuyên ngành phát triển CNHT mỗi năm 2 cuộc (mỗi cuộc khoảng 1.000 triệu đồng)

Triệu đồng

15.000

-

15.000

1.875

Tng cộng

66.500

15.000

51.500

8.315

** Ghi chú: - Đối với kinh phí để thực hiện theo chính sách hiện hành và các hoạt động thường xuyên để tổ chức thực hiện đề án, nguồn ngân sách tỉnh đã bố trí hàng năm theo Chương trình phát triển CNHT được phê duyệt từ 5.500 - 6.000 triệu đồng. Vì vậy, kinh phí cần bổ sung thêm khoảng giai đoạn 2022 - 2030: 2.000 - 2.500 triệu đồng.

- Đối với kinh phí để thực hiện các chính sách mới ban hành sẽ được tính toán cụ thể trong quá trình xây dựng chính sách.



[1] Luxshare ICT, 140 triệu USD, Goertek 500 triệu USD, Ju Teng, 200 triệu USD; Everwin, 200 triệu USD). Nhà máy Sữa TH, Trung tâm công nghiệp thực phẩm Masan MB, Tôn Hoa Sen....

[2] Tổng số doanh nghiệp công nghiệp (không tính hộ kinh doanh cá thể) theo Niên giám Thống kê Nghệ An năm 2021 là 1.450 doanh nghiệp: GTSX CN năm 2021 đạt 79.870 tỷ đồng

[3] Tỷ lệ nội địa hóa bình quân ngành điện tử hiện nay đạt khoảng 7% (cả nước 15%); cơ khí, lắp ráp đạt 15% (cả nước 30 - 35%); năng lượng trên 20%; dệt may 25% (cả nước 40-45%).

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 4109/QĐ-UBND ngày 22/12/2022 về Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


806

DMCA.com Protection Status
IP: 18.217.109.151
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!