ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
40/2023/QĐ-UBND
|
Bắc Giang, ngày
09 tháng 11 năm 2023
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP QUẢN LÝ VỀ TIÊU CHUẨN, ĐO LƯỜNG,
CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM, HÀNG HÓA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC GIANG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11
năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản
quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung
một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm
2020;
Căn cứ Luật Tiêu chuẩn và
Quy chuẩn kỹ thuật ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Luật Chất lượng sản
phẩm, hàng hóa ngày 21 tháng 11 năm 2007;
Căn cứ Luật Đo lường ngày 11
tháng 11 năm 2011;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung
một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20 tháng 11 năm 2018;
Căn cứ Nghị định số
127/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 tháng 2007 của Chính phủ Quy định chi tiết thi
hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Nghị định số 78/2018/NĐ-CP
ngày 16 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định
số 127/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ Quy định chi tiết thi
hành một số điều Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật;
Căn cứ Nghị định số 132/2008/NĐ-CP
ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều
của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15
tháng 05 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ Quy định chi tiết thi
hành một số điều Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa;
Căn cứ Nghị định số
154/2018/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ
một số quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước
của Bộ Khoa học và Công nghệ và một số quy định về kiểm tra chuyên ngành;
Căn cứ Nghị định số
86/2012/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng
dẫn thi hành một số điều của Luật Đo lường;
Căn cứ Nghị định số
13/2022/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số
điều Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008, Nghị định số
74/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành
một số điều Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Nghị định số 86/2012/NĐ-CP ngày
19 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một
số điều Luật Đo lường;
Căn cứ Nghị định số
43/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ về Nhãn hàng hóa; Nghị định
số 111/2021/NĐ-CP ngày 09 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một
số điều Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ về
Nhãn hàng hóa;
Căn cứ Quyết định số
36/2010/QĐ-TTg ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành “Quy
chế phối hợp kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa”;
Căn cứ Thông tư số
28/2013/TT-BKHCN ngày 17 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công
nghệ Quy định kiểm tra nhà nước về đo lường; Thông tư số 10/2022/TT-BKHCN ngày
28 tháng 7 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ sửa đổi, bổ sung một
số điều Thông tư số 28/2013/TT- BKHCN ngày 17 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ
Khoa học và Công nghệ Quy định kiểm tra nhà nước về đo lường;
Căn cứ Thông tư số 23/2013/TT-BKHCN
ngày 26 tháng 9 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Quy định về đo
lường đối với phương tiện đo nhóm 2; Thông tư số 07/2019/TT-BKHCN ngày 26 tháng
7 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ sửa đổi, bổ sung một số điều
của Thông tư số 23/2013/TT-BKHCN ngày 26 tháng 9 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Khoa
học và Công nghệ Quy định về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2;
Căn cứ Thông tư
26/2019/TT-BKHCN ngày 25 tháng 12 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công
nghệ Quy định chi tiết xây dựng, thẩm định và ban hành quy chuẩn kỹ thuật;
Thông tư số 10/2023/TT-BKHCN ngày 01 tháng 6 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Khoa học
và Công nghệ sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 26/2019/TT-BKHCN ngày
25 tháng 12 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Quy định chi tiết
xây dựng, thẩm định và ban hành quy chuẩn kỹ thuật;
Căn cứ Thông tư số
06/2020/TT-BKHCN ngày 10 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công
nghệ Quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều Nghị định số
132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008, Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15
tháng 5 năm 2018, Nghị định số 154/2018/NĐ- CP ngày 09 tháng 11 năm 2018 và Nghị
định số 119/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ;
Căn cứ Thông tư số
11/2021/TT-BKHCN ngày 18 tháng 11 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công
nghệ Quy định chi tiết xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở
Khoa học và Công nghệ tại Tờ trình số 51/TTr-KHCN ngày 17 tháng 7 năm 2023.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp quản lý về tiêu chuẩn, đo lường,
chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Điều 2.
Bãi bỏ toàn bộ các quyết định sau đây:
1. Quyết định số
332/2012/QĐ-UBND ngày 10 tháng 10 năm 2012 c ủa UBND tỉnh ban hành Quy định quản
lý về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, nhãn hàng hóa, đo lường và chất lượng sản
phẩm, hàng hoá trên địa bàn tỉnh Bắc Giang;
2. Quyết định số
15/2018/QĐ-UBND ngày 20 tháng 6 năm 2018 của UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung một số
điều của Quy định quản lý về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, nhãn hàng hóa, đo
lường và chất lượng sản phẩm, hàng hoá trên địa bàn tỉnh Bắc Giang ban hành kèm
theo Quyết định số 332/2012/QĐ- UBND ngày 10 tháng 10 năm 2012 của UBND tỉnh Bắc
Giang.
Điều 3.
Điều khoản thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực từ
ngày 01 tháng 12 năm 2023.
2. Giám đốc sở, thủ trưởng cơ
quan, đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá
nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
Nơi nhận:
- Như khoản 2 Điều 3;
- Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội; Văn phòng Chính phủ;
- Cục kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp;
- Vụ pháp chế: Bộ Khoa học và Công nghệ;
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các cơ quan, sở, ban, ngành cấp tỉnh;
- Các cơ quan trung ương được tổ chức theo ngành dọc đóng trên địa bàn tỉnh;
- Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội -
nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh;
- Văn phòng UBND tỉnh;
- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố;
- Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn;
- Các tổ chức hội doanh nghiệp, hợp tác xã;
- Lưu: VT, KHCN.02.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Mai Sơn
|
QUY CHẾ
PHỐI HỢP QUẢN LÝ VỀ TIÊU CHUẨN, ĐO LƯỜNG, CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM,
HÀNG HÓA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC GIANG
(Kèm theo Quyết định số 40/2023/QĐ-UBND ngày 09 tháng 11 năm 2023 của Ủy ban
nhân dân tỉnh Bắc Giang)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định nguyên tắc,
hình thức, nội dung và trách nhiệm phối hợp quản lý về tiêu chuẩn, đo lường, chất
lượng sản phẩm, hàng hóa giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan trên địa bàn tỉnh
Bắc Giang.
Điều 2. Đối
tượng áp dụng
Quy chế này áp dụng đối với các
Sở có chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện nhiệm vụ quản lý
nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng (sau đây gọi chung là các cơ quan
quản lý chuyên ngành), Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố (sau đây gọi chung
là Ủy ban nhân dân cấp huyện), Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi
chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) và các tổ chức, cá nhân có liên quan trên địa
bàn tỉnh Bắc Giang.
Điều 3.
Nguyên tắc phối hợp
1. Hoạt động phối hợp được thực
hiện trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan, tổ chức, địa
phương theo quy định pháp luật và Quy chế này.
2. Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ,
thống nhất, chủ động và trách nhiệm giữa các cơ quan, tổ chức, địa phương.
3. Công tác phối hợp phải xác định
rõ cơ quan chủ trì và các cơ quan phối hợp; tránh chồng chéo, trùng lắp bảo đảm
không gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của tổ chức,
cá nhân.
4. Những vướng mắc phát sinh
trong quá trình phối hợp phải được bàn bạc, giải quyết theo quy định của pháp
luật và yêu cầu nghiệp vụ của các cơ quan liên quan. Trường hợp không thống nhất
được hướng giải quyết thì báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.
Điều 4.
Hình thức phối hợp
1. Trao đổi thông tin bằng văn bản
hoặc các hình thức khác cho các cơ quan liên quan trong hoạt động quản lý nhà
nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng.
2. Tổ chức hội nghị, hội thảo,
đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng.
3. Tổ chức thanh tra, kiểm tra
liên ngành; cử cán bộ tham gia các hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý đối với
các hành vi vi phạm pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; thông báo,
chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý vi phạm về tiêu chuẩn, đo lường,
chất lượng.
Điều 5. Nội
dung phối hợp
1. Tham mưu xây dựng kế hoạch,
văn bản quy phạm pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng.
2. Thực hiện nhiệm vụ tham mưu
quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong sản xuất; hàng hóa nhập
khẩu, lưu thông trên thị trường, trong quá trình sử dụng có khả năng gây mất an
toàn.
3. Tổ chức kiểm tra, thanh tra,
giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý các vi phạm pháp luật về tiêu chuẩn, đo
lường, chất lượng.
4. Tuyên truyền, phổ biến, nâng
cao nhận thức, năng lực hoạt động về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng.
5. Trao đổi thông tin, tổng hợp,
báo cáo định kỳ và đột xuất theo yêu cầu, sơ kết, tổng kết đánh giá hoạt động
tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng.
6. Thực hiện nhiệm vụ quản lý
nhà nước khác về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng theo phân công, phân cấp.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 6.
Trách nhiệm của Sở Khoa học và Công nghệ
1. Tham mưu xây dựng kế hoạch,
văn bản quy phạm pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng.
a) Chủ trì, phối hợp các sở,
ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã xây dựng dự thảo
văn bản trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh
trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế
chính sách, biện pháp cần thiết theo thẩm quyền đối với hoạt động quản lý nhà
nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng trên địa bàn tỉnh.
b) Tổ chức tổng hợp, xử lý các
ý kiến góp ý để hoàn chỉnh dự thảo kế hoạch xây dựng quy chuẩn kỹ thuật địa
phương trình Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Chủ trì tham mưu thực hiện
nhiệm vụ quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong sản xuất; hàng
hóa nhập khẩu, lưu thông trên thị trường, trong quá trình sử dụng có khả năng
gây mất an toàn theo phân công tại mục 17 phụ lục I và mục 8 phụ lục II ban
hành kèm theo Quy chế này.
3. Tổ chức kiểm tra, thanh tra,
giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý các vi phạm pháp luật về tiêu chuẩn, đo
lường, chất lượng.
a) Thực hiện nhiệm vụ được quy
định tại điểm a khoản 2 Điều 33 Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12
năm 2008 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Chất lượng sản
phẩm, hàng hóa, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 15 Điều 1 Nghị định số
74/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều
của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ Quy định
chi tiết thi hành một số điều Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
b) Chủ trì thực hiện kiểm tra
và xử lý vi phạm pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng sản phẩm,
hàng hóa trong sản xuất, lưu thông, nhập khẩu và trong quá trình sử dụng có khả
năng gây mất an toàn theo quy định của pháp luật.
c) Chủ trì thực hiện kiểm tra về
đo lường trong sản xuất, lưu thông trên thị trường hoặc trong sử dụng phương tiện
đo, thực hiện phép đo, định lượng hàng hóa đóng gói sẵn; kiểm tra hoạt động kiểm
định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo của các tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn,
thử nghiệm trên địa bàn tỉnh.
d) Phối hợp với các cơ quan quản
lý chuyên ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã trong thanh
tra, kiểm tra về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng.
đ) Tiếp nhận và giải quyết khiếu
nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, hàng
hóa thuộc trách nhiệm quản lý. Trường hợp nhận được đơn khiếu nại, tố cáo hành
vi vi phạm pháp luật về tiêu chuẩn, chất lượng không thuộc trách nhiệm quản lý
thì thông báo, hướng dẫn chuyển đơn đến các cơ quan quản lý chuyên ngành để giải
quyết.
e) Tiếp nhận và giải quyết khiếu
nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về đo lường theo quy định của pháp luật.
4. Hoạt động tuyên truyền, phổ
biến, nâng cao nhận thức, năng lực hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng.
a) Tuyên truyền, phổ biến, nâng
cao nhận thức pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng thuộc lĩnh vực quản
lý.
b) Tổ chức đào tạo, tập huấn
nâng cao nghiệp vụ quản lý, kỹ năng kiểm tra phát hiện xử lý vi phạm về tiêu
chuẩn, đo lường, chất lượng thuộc lĩnh vực quản lý.
5. Trao đổi thông tin, tổng hợp,
báo cáo, sơ kết, tổng kết đánh giá hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng:
Sở Khoa học và Công nghệ là đầu mối trao đổi thông tin, tham mưu tổng hợp, thống
kê, báo cáo, sơ kết, tổng kết, đánh giá hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng
của tỉnh.
6. Thực hiện nhiệm vụ quản lý
nhà nước khác về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng theo phân công, phân cấp.
a) Chủ trì, phối hợp với các sở,
ban, ngành liên quan giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng đầu mối thống
nhất quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá trên địa bàn tỉnh được quy
định tại điểm c, điểm d khoản 2 Điều 33 Nghị định số 132/2008/NĐ-CP , được sửa đổi,
bổ sung tại khoản 15 Điều 1 Nghị định số 74/2018/NĐ-CP .
b) Tổ chức xây dựng, xin ý kiến
các cơ quan, đơn vị liên quan, trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy chuẩn kỹ
thuật địa phương thuộc lĩnh vực quản lý; tham gia góp ý quy chuẩn địa kỹ thuật
địa phương thuộc lĩnh vực quản lý của các Sở, ban, ngành.
c) Thực hiện nhiệm vụ quy định
tại điểm b khoản 2 Điều 33 Nghị định số 132/2008/NĐ-CP , được sửa đổi, bổ sung tại
khoản 15 Điều 1 Nghị định số 74/2018/NĐ-CP .
d) Tổng hợp tình hình tiếp nhận
công bố hợp chuẩn, hợp quy trên địa bàn tỉnh.
đ) Tham mưu giúp Ủy ban nhân
dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đo lường trên địa bàn tỉnh;
thiết lập, duy trì, quản lý hệ thống chuẩn đo lường trên địa bàn tỉnh; đầu tư
phát triển cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật bằng nguồn ngân sách nhà nước;
tổ chức bồi dưỡng, đào tạo kỹ năng chuyên môn về đo lường phù hợp với yêu cầu
phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
e) Tham mưu giúp Ủy ban nhân
dân tỉnh chủ trì, triển khai các hoạt động Giải thưởng chất lượng quốc gia tại
địa phương quy định tại khoản 4 Điều 27a Nghị định số 132/2008/NĐ-CP , được bổ
sung bởi khoản 12 Điều 1 Nghị định số 74/2018/NĐ-CP .
g) Hướng dẫn các cơ quan quản
lý chuyên ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện
trách nhiệm quản lý về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường và chất lượng sản
phẩm, hàng hóa theo phân công, phân cấp.
h) Hướng dẫn tổ chức, cá nhân sản
xuất, kinh doanh thực hiện việc ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật về
nhãn hàng hóa.
i) Chủ trì, phối hợp với các sở,
ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã giúp Ủy ban nhân
dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện hoạt động truy xuất nguồn gốc trên địa
bàn tỉnh theo quy định.
Điều 7.
Trách nhiệm của các cơ quan quản lý chuyên ngành
1. Phối hợp tham mưu xây dựng kế
hoạch, văn bản quy phạm pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng.
a) Tham gia, góp ý nội dung
liên quan đến xây dựng chương trình, nhiệm vụ, kế hoạch, văn bản quy phạm pháp
luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng thuộc lĩnh vực được phân công quản lý
khi có yêu cầu.
b) Tổ chức thực hiện chương
trình, nhiệm vụ, kế hoạch về hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng đã được
Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
c) Đề nghị kế hoạch xây dựng
quy chuẩn kỹ thuật địa phương theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 6 Thông tư
26/2019/TT-BKHCN ngày 25 tháng 12 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công
nghệ quy định chi tiết xây dựng, thẩm định và ban hành quy chuẩn kỹ thuật.
2. Chủ trì tham mưu thực hiện
nhiệm vụ quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong sản xuất; hàng
hóa nhập khẩu, lưu thông trên thị trường, trong quá trình sử dụng có khả năng
gây mất an toàn theo phân công tại phụ lục I, II ban hành kèm theo Quy chế này.
3. Tổ chức kiểm tra, thanh tra,
giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý các vi phạm pháp luật về tiêu chuẩn, đo
lường, chất lượng.
a) Chủ trì, phối hợp thanh tra,
kiểm tra chuyên ngành và xử lý vi phạm pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất
lượng theo lĩnh vực được phân công quản lý. Riêng hoạt động thanh tra, kiểm tra
có nội dung liên quan đến hoạt động đo lường thì thành phần Đoàn thanh tra, kiểm
tra phải có đại diện của Sở Khoa học và Công nghệ.
b) Tham gia hoạt động thanh
tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng
khi có yêu cầu.
c) Tiếp nhận và giải quyết khiếu
nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, hàng
hóa thuộc trách nhiệm quản lý; thông báo cho Sở Khoa học và Công nghệ kết quả
giải quyết khiếu nại, tố cáo.
đ) Trường hợp nhận được đơn khiếu
nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng không
thuộc trách nhiệm quản lý thì thông báo, hướng dẫn chuyển đơn đến các cơ quan
quản lý chuyên ngành để giải quyết.
4. Hoạt động tuyên truyền, phổ
biến, nâng cao nhận thức, năng lực hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng.
a) Tuyên truyền, phổ biến, nâng
cao nhận thức pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng thuộc lĩnh vực quản
lý.
b) Tổ chức đào tạo, tập huấn
nâng cao nghiệp vụ quản lý, kỹ năng kiểm tra phát hiện xử lý vi phạm về tiêu
chuẩn, đo lường, chất lượng thuộc lĩnh vực quản lý.
5. Trao đổi thông tin, tổng hợp,
báo cáo, sơ kết, tổng kết đánh giá hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng:
Cung cấp thông tin có liên quan đến hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng
thuộc lĩnh vực được phân công, phân cấp quản lý gửi Sở Khoa học và Công nghệ tổng
hợp.
6. Thực hiện nhiệm vụ quản lý
nhà nước khác về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng theo phân công, phân cấp.
a) Chủ trì tổ chức xây dựng,
xin ý kiến của Sở Khoa học và Công nghệ và các cơ quan có liên quan, trình Ủy
ban nhân dân tỉnh ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương thuộc lĩnh vực được
phân công quản lý.
b) Phối hợp với Sở Khoa học và
Công nghệ triển khai hoạt động Giải thưởng chất lượng Quốc gia hàng năm: Tuyên
truyền, phổ biến và hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp tham dự Giải thưởng chất
lượng Quốc gia; cử đại diện lãnh đạo tham gia Hội đồng sơ tuyển Giải thưởng chất
lượng Quốc gia.
c) Hướng dẫn tổ chức, cá nhân sản
xuất, kinh doanh việc ghi bổ sung thông tin trên nhãn hàng hóa theo quy định của
bộ quản lý chuyên ngành.
d) Chủ trì, phối hợp với các sở,
ban, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện hoạt động truy xuất nguồn gốc
sản phẩm, hàng hóa theo quy định của bộ quản lý chuyên ngành.
Điều 8.
Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện
1. Triển khai thực hiện nội
dung xây dựng kế hoạch, văn bản quy phạm pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất
lượng.
a) Tham gia, góp ý nội dung
liên quan đến xây dựng chương trình, nhiệm vụ, kế hoạch, văn bản quy phạm pháp
luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng thuộc lĩnh vực được phân công quản lý
khi có yêu cầu.
b) Xây dựng kế hoạch hoạt động
hàng năm về đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo phân công, phân cấp.
c) Thực hiện trách nhiệm được
quy định tại khoản 2 Điều 37 Thông tư số 28/2013/TT-BKHCN ngày 17 tháng 12 năm
2013 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Quy định kiểm tra nhà nước về đo lường.
2. Thực hiện nhiệm vụ quản lý
nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng theo phân công, phân cấp.
a) Đôn đốc, yêu cầu các tổ chức,
cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý thực hiện các quy định của pháp luật về tiêu
chuẩn, đo lường, chất lượng trong quá trình sản xuất, lưu thông và trong quá
trình sử dụng sản phẩm, hàng hóa theo phân cấp quản lý.
b) Chủ trì, phối hợp hướng dẫn,
kiểm tra hoạt động cân đối chứng, quả cân đối chứng và phép đo đối chứng, trang
bị quả cân dùng làm đối chứng theo quy định hiện hành.
c) Vận động và đề cử các tổ chức,
doanh nghiệp trên địa bàn tham gia Giải thưởng chất lượng Quốc gia hàng năm.
d) Hướng dẫn tổ chức, cá nhân sản
xuất, kinh doanh trên địa bàn thực hiện ghi nhãn hàng hóa theo quy định của
pháp luật về nhãn hàng hóa.
đ) Báo cáo, xin ý kiến các cơ
quan quản lý chuyên ngành liên quan khi có vướng mắc trong thực hiện trách nhiệm
quản lý về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng theo phân công, phân cấp.
3. Tổ chức kiểm tra, thanh tra,
giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý các vi phạm pháp luật về tiêu chuẩn, đo
lường, chất lượng.
a) Chủ trì tổ chức kiểm tra chất
lượng hàng hoá trong sản xuất, trong lưu thông trên thị trường theo phân công,
phân cấp quản lý và xử lý vi phạm pháp luật theo thẩm quyền.
b) Thực hiện kiểm tra nhà nước
về đo lường đối với phương tiện đo, phép đo, lượng của hàng đóng gói sẵn theo
phân cấp quản lý.
c) Phối hợp với cơ quan nhà nước
có thẩm quyền trong việc thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về tiêu
chuẩn, đo lường, chất lượng theo quy định của pháp luật.
d) Tiếp nhận và giải quyết các
khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng
theo phân công, phân cấp quản lý.
đ) Trường hợp nhận được đơn khiếu
nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng không
thuộc thẩm quyền thì thông báo, hướng dẫn chuyển đơn đến các cơ quan quản lý
chuyên ngành để giải quyết.
4. Hoạt động tuyên truyền, phổ
biến, nâng cao nhận thức, năng lực hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng.
a) Thực hiện hoạt động tuyên
truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng
đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn quản lý.
b) Chủ trì, phối hợp tổ chức
đào tạo, tập huấn nâng cao nghiệp vụ quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường,
chất lượng.
c) Hướng dẫn thực hiện công bố
tiêu chuẩn áp dụng, công bố hợp quy cho các sản phẩm, hàng hoá đối với các tổ
chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh theo lĩnh vực được phân công quản lý.
5. Trao đổi thông tin, tổng hợp,
báo cáo, sơ kết, tổng kết đánh giá hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng.
a) Thống kê, báo cáo tình hình
quản lý, sử dụng phương tiện đo; thống kê nhu cầu kiểm định định kỳ phương tiện
đo tại các chợ, trung tâm thương mại trên địa bàn gửi về Sở Khoa học và Công
nghệ.
b) Cung cấp thông tin có liên
quan đến hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng thuộc lĩnh vực được phân
công, phân cấp quản lý gửi Sở Khoa học và Công nghệ tổng hợp khi có yêu cầu.
Điều 9.
Trách nhiệm của Ủy ban nhân cấp xã
1. Chủ trì, phối hợp tổ chức hướng
dẫn việc thực hiện quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng;
kiểm tra việc tuân thủ các quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và xử lý
vi phạm về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng trên địa bàn theo phân cấp quản lý.
2. Chủ trì, phối hợp với các cơ
quan chức năng tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường,
chất lượng đến các tổ chức, người dân trên địa bàn quản lý.
3. Kiểm tra việc thực hiện biện
pháp khắc phục của cơ sở được kiểm tra theo thông báo của cơ quan chủ trì hoạt
động thanh tra, kiểm tra về tiêu chuẩn, đo lường chất lượng đối với các tổ chức,
cá nhân hoạt động trên địa bàn quản lý.
4. Trong phạm vi, nhiệm vụ quyền
hạn của mình tiếp nhận và giải quyết các khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp
luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng. Trường hợp không thuộc thẩm quyền thì
thông báo, hướng dẫn chuyển đơn đến các cơ quan quản lý chuyên ngành để giải
quyết.
Điều 10.
Trách nhiệm của Ban Quản lý chợ, Trung tâm thương mại
1. Đặt và duy trì bảo quản quả
cân đối chứng, thực hiện phép đo đối chứng theo quy định.
2. Tiếp nhận kiến nghị của
khách hàng về sự không phù hợp của phương tiện đo, hàng hóa đóng gói sẵn so với
yêu cầu kỹ thuật đo lường, thông báo kịp thời với Sở Khoa học và Công nghệ để
phối hợp giải quyết.
3. Tuyên truyền, phổ biến, hướng
dẫn các tổ chức, cá nhân kinh doanh thực hiện kiểm định phương tiện đo, bán
hàng hóa đóng gói sẵn, bảo đảm yêu cầu kỹ thuật đo lường.
4. Định kỳ hoặc đột xuất theo
yêu cầu báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện về tình hình quản lý, sử dụng phương
tiện đo thuộc trách nhiệm quản lý.
Chương
III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 11.
Chế độ báo cáo
1. Các cơ quan quản lý chuyên
ngành, Uỷ ban nhân dân cấp huyện định kỳ gửi báo cáo hàng năm (trước 10/12) hoặc
đột xuất khi có yêu cầu đối với các nội dung báo cáo được nêu tại khoản 3 Điều
này về Sở Khoa học và Công nghệ để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ
Khoa học và Công nghệ.
2. Ban quản lý chợ, Trung tâm
thương mại định kỳ gửi báo cáo hằng năm (trước 01/12) hoặc đột xuất khi có yêu
cầu báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện về tình hình quản lý, sử dụng phương tiện
đo thuộc trách nhiệm quản lý.
3. Trước 20/12 hàng năm hoặc đột
xuất khi có yêu cầu, Sở Khoa học và Công nghệ tổng hợp báo cáo các nội dung
sau: Báo cáo kết quả kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa; báo cáo kết quả hoạt
động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; báo cáo hoạt động tiếp nhận công bố
hợp chuẩn, hợp quy; báo cáo tình hình quản lý, sử dụng phương tiện đo; báo cáo
tình hình quản lý nhà nước về đo lường. Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm
hướng dẫn chi tiết nội dung báo cáo được quy định tại khoản này.
Điều 12.
Điều khoản thi hành
1. Trường hợp các văn bản được
viện dẫn trong Quy chế này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện
theo văn bản mới.
2. Thủ trưởng các cơ quan quản
lý chuyên ngành, các cơ quan, đơn vị có liên quan, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp
huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn
được giao, xây dựng kế hoạch và chương trình công tác cụ thể để tổ chức hoạt động
quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng theo Quy chế này.
3. Sở Khoa học và Công nghệ có
trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Quy chế này.
Tổng hợp khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện, trình Uỷ ban
nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.
PHỤ LỤC I
PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM CHỦ TRÌ THAM MƯU THỰC HIỆN NHIỆM VỤ
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM, HÀNG HÓA TRONG SẢN XUẤT
(Kèm theo Quy chế phối hợp ban hành tại Quyết định số 40/2023/QĐ-UBND ngày
09 tháng 11 năm 2023 của UBND tỉnh Bắc Giang)
1. Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn
Giống cây trồng nông nghiệp; giống
cây trồng lâm nghiệp; giống vật nuôi; giống thủy sản; muối.
Phân bón; thuốc bảo vệ thực vật;
thuốc thú y; thức ăn chăn nuôi, thủy sản.
Hóa chất, chế phẩm sinh học, vi
sinh vật dùng để xử lý cải tạo môi trường trong sản xuất nông nghiệp và phát
triển nông thôn.
Các loại vật tư khác dùng trong
trồng trọt; chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; lâm nghiệp.
Máy thiết bị dùng trong nông
nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; thiết bị, dụng cụ đánh bắt
thủy sản; máy móc, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ
sinh lao động thuộc trách nhiệm quản lý của Sở theo quy định của pháp luật về
an toàn, vệ sinh lao động.
An toàn thực phẩm đối với ngũ cốc;
thịt và các sản phẩm từ thịt; thủy sản và sản phẩm thủy sản; rau, củ, quả và sản
phẩm rau, củ, quả; trứng và các sản phẩm từ trứng; sữa tươi nguyên liệu; mật
ong và các sản phẩm từ mật ong; thực phẩm biến đổi gen; muối; gia vị; đường;
chè; cà phê; ca cao; hạt tiêu; điều; các sản phẩm có nguồn gốc từ rừng (mật ong
và các sản phẩm từ mật ong, nấm); các nông sản khác.
Dịch vụ, quá trình sản xuất
phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thủy sản; quá
trình trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp; quá trình thu hoạch,
giết mổ, sơ chế, chế biến sản phẩm có nguồn gốc động vật, thực vật và thủy sản.
Công trình thủy lợi, đê điều.
Dịch vụ, quá trình sản xuất
trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.
2. Sở Lao động
- Thương binh và Xã hội
Máy, thiết bị, vật tư, chất có
yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động thuộc trách nhiệm quản lý của
Sở theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
Các sản phẩm đặc thù về an toàn
lao động theo quy định của pháp luật.
Các công trình vui chơi công cộng.
Dịch vụ trong lĩnh vực lao động,
thương binh, xã hội.
3. Sở Tài
nguyên và Môi trường
Tài nguyên, khoáng sản. Khí tượng
thủy văn.
Đo đạc bản đồ.
Môi trường, biến đổi khí hậu và
viễn thám.
Dịch vụ trong lĩnh vực tài
nguyên và môi trường.
4. Sở Giáo dục
và Đào tạo
Sách giáo khoa, giáo trình,
sách tham khảo và tài liệu hướng dẫn giáo viên.
Thiết bị dạy học, cơ sở vật chất,
đồ chơi cho trẻ em trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo thuộc phạm vi quản lý nhà
nước của Sở theo quy định của pháp luật.
Dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục,
đào tạo.
5. Sở Văn
hóa, Thể thao và Du lịch
Trang thiết bị luyện tập, thi đấu
của các cơ sở thể dục thể thao và của các môn thể thao.
6. Sở Y tế
An toàn thực phẩm đối với thực
phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung, chất
hỗ trợ chế biến thực phẩm, phụ gia thực phẩm, nước uống, nước sinh hoạt, nước
khoáng thiên nhiên và dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng các thực phẩm này
(trừ dụng cụ, vật liệu bao gói chứa đựng thực phẩm thuộc quyền quản lý của
ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành Công Thương); vắc xin, sinh phẩm
y tế; thuốc lá điếu; hóa chất, chế phẩm xử lý môi trường, chế phẩm diệt côn
trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế.
Máy, thiết bị, vật tư, chất có
yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động thuộc trách nhiệm quản lý của
Sở Y tế theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
Thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ
phẩm.
Trang thiết bị, công trình y tế.
7. Sở Giao
thông vận tải
Các loại phương tiện giao
thông, phương tiện, thiết bị xếp dỡ, thi công chuyên dùng trong giao thông vận
tải (trừ phương tiện phục vụ vào mục đích quốc phòng, an ninh và tàu cá) và
trang bị, thiết bị kỹ thuật chuyên ngành giao thông vận tải.
Máy, thiết bị, vật tư, chất có
yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động thuộc trách nhiệm quản lý của
Sở Giao thông vận tải theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
Kết cấu hạ tầng giao thông đường
bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không.
Dịch vụ trong lĩnh vực giao
thông, vận tải.
8. Sở Xây dựng
Kiến trúc, quy hoạch xây dựng.
Công trình xây dựng dân dụng;
công trình khu đô thị, khu nhà ở; công trình hạ tầng kỹ thuật khu chức năng;
công trình công nghiệp nhẹ; công trình công nghiệp vật liệu xây dựng; công
trình hạ tầng kỹ thuật; công trình giao thông trong đô thị.
Vật liệu xây dựng.
Máy, thiết bị vật tư có yêu cầu
nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động thuộc trách nhiệm quản lý của Sở theo
quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
Dịch vụ trong lĩnh vực xây dựng.
9. Sở Công
Thương
Hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp.
Sản phẩm cơ khí, luyện kim, điện,
năng lượng; sản phẩm công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp thực phẩm và công nghiệp
chế biến khác theo quy định của pháp luật; thiết bị điện, điện tử dùng trong
công nghiệp.
Máy, thiết bị, vật tư, chất có
yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động thuộc trách nhiệm quản lý của
Sở theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
An toàn thực phẩm trong suốt
quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh
doanh đối với các loại rượu, bia, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật, sản
phẩm chế biến bột, tinh bột, bánh, mứt, kẹo và bao bì chứa đựng các loại thực
phẩm này.
Thương mại điện tử.
10. Sở
Thông tin và Truyền thông
Sản phẩm báo chí; xuất bản, in,
phát hành; bưu chính và chuyển phát.
Sản phẩm quảng cáo trên báo chí,
trên môi trường mạng, trên xuất bản phẩm và quảng cáo tích hợp trên các sản phẩm,
dịch vụ bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin.
Mạng lưới, công trình, thiết bị,
sản phẩm bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, điện tử, phát thanh, truyền
hình; an toàn thông tin.
Tần số vô tuyến điện, đài vô
tuyến điện, thiết bị vô tuyến điện, thiết bị ứng dụng sóng vô tuyến điện.
Dịch vụ trong lĩnh vực bưu
chính, viễn thông.
11. Sở Tài
chính
Thẩm định giá.
17. Sở Khoa học
và Công nghệ:
Thiết bị điện, điện tử; đồ chơi
trẻ em; mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy; thép; vàng trang sức, mỹ nghệ
theo phân công, phân cấp quản lý.
Khi có các sản phẩm, hàng hóa mới
phát sinh hoặc sản phẩm, hàng hóa khác không thuộc các sản phẩm đã nêu tại các
điểm 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11 của Phụ lục này và các sản phẩm, hàng
hóa thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, bí mật quốc gia, trên cơ sở hướng dẫn của
Bộ Khoa học và Công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với cơ
quan quản lý chuyên ngành có liên quan để thống nhất quản lý trên địa bàn tỉnh./.
PHỤ LỤC II
PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM CHỦ TRÌ THAM MƯU THỰC HIỆN NHIỆM
VỤ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CHẤT LƯỢNG ĐỐI VỚI HÀNG HÓA NHẬP KHẨU, LƯU THÔNG TRÊN THỊ
TRƯỜNG, TRONG QUÁ TRÌNH SỬ DỤNG CÓ KHẢ NĂNG GÂY MẤT AN TOÀN
(Kèm theo Quy chế phối hợp ban hành tại Quyết định số 40/2023/QĐ-UBND ngày
09 tháng 11 năm 2023 của UBND tỉnh Bắc Giang)
1. Sở Y tế
Thực phẩm, dược phẩm, vắc xin,
sinh phẩm y tế, mỹ phẩm, nguyên liệu sản xuất thuốc và thuốc cho người, hóa chất
gia dụng, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn, trang thiết bị y tế.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn
Cây trồng, vật nuôi, phân bón,
thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, chế phẩm sinh học dùng
trong nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công trình thủy lợi, đê điều.
3. Sở Giao thông vận tải
Phương tiện giao thông vận tải,
phương tiện, thiết bị xếp dỡ, thi công vận tải chuyên dùng, phương tiện, thiết
bị thăm dò, khai thác trên biển, công trình hạ tầng giao thông.
4. Sở Xây dựng
Sản phẩm vật liệu xây dựng nhóm
2 nhập khẩu được phân cấp quản lý chất lượng theo quy định.
5. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Trang thiết bị luyện tập, thi đấu
của các cơ sở thể dục thể thao và của các môn thể thao.
6. Sở Công Thương
Các sản phẩm, hàng hóa nhóm 2
thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương được phân cấp quản lý chất lượng
theo quy định.
An toàn thực phẩm trong suốt
quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh
doanh đối với các loại rượu, bia, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật, sản
phẩm chế biến bột, tinh bột, bánh, mứt, kẹo và bao bì chứa đựng các loại thực
phẩm này.
7. Sở Lao động - Thương binh và
Xã hội
Các sản phẩm, hàng hóa nhóm 2
nhập khẩu được phân cấp quản lý chất lượng theo quy định.
8. Sở Khoa học và Công nghệ
Xăng, nhiên liệu điêzen, nhiên
liệu sinh học; dầu nhòm động cơ; khí (khí dầu mỏ hóa lỏng - LPG, khí thiên
nhiên hóa lỏng - LNG, khí thiên nhiên nén - CNG); thiết bị điện, điện tử; đồ
chơi trẻ em; mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy; thép; vàng trang sức, mỹ
nghệ; thiết bị liên quan đến an toàn bức xạ và hàng hóa khác trừ hàng hóa thuộc
trách nhiệm quản lý của các cơ quan chuyên ngành được nêu tại điểm 1, 2, 3, 4,
5, 6, 7 của Phụ lục này theo phân công, phân cấp quản lý./.