THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------
|
Số:
36/2010/QĐ-TTg
|
Hà
Nội, ngày 15 tháng 04 năm 2010
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH “QUY CHẾ PHỐI HỢP KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM,
HÀNG HÓA”
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ
ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngày 21 tháng 11 năm 2007;
Căn cứ Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy
định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa;
Căn cứ Nghị định số 28/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định
chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế phối hợp kiểm
tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa”.
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 07 tháng 6
năm 2010.
Điều 3.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm tổ chức
thực hiện Quyết định này.
Điều 4.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ
quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW.
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KGVX (5b)
|
KT.
THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Nguyễn Thiện Nhân
|
QUY CHẾ
PHỐI HỢP KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM, HÀNG HÓA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 36/2010/QĐ-TTg ngày 15 tháng 4 năm 2010 của
Thủ tướng Chính phủ)
Chương 1.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm
vi điều chỉnh
Quy chế này quy định về hình thức, nội
dung phối hợp giữa các cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa (sau đây
viết tắt là cơ quan kiểm tra) với nhau và với các cơ quan thanh tra chuyên
ngành, công an, hải quan, quản lý thị trường trong việc kiểm tra chất lượng sản
phẩm, hàng hóa.
Điều 2.
Nguyên tắc phối hợp kiểm tra
1. Thực hiện trên cơ sở chức năng,
nhiệm vụ, quyền hạn đã được pháp luật quy định cho mỗi cơ quan.
2. Xác định rõ cơ quan chủ trì và
cơ quan phối hợp theo quy định:
a) Bộ quản lý ngành, lĩnh vực chỉ định
cơ quan kiểm tra thuộc Bộ và thông báo cho Bộ Khoa học và Công nghệ biết để phối
hợp;
b) Cơ quan kiểm tra thuộc Bộ quản
lý ngành, lĩnh vực, địa phương chủ động chủ trì tổ chức, thực hiện việc kiểm
tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo trách nhiệm được phân công quy định tại
Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định
chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa (sau đây
viết tắt là Nghị định 132). Cơ quan liên quan có trách nhiệm phối hợp kịp thời
theo kế hoạch hoặc đột xuất khi có yêu cầu.
3. Bảo đảm không chồng chéo trong
hoạt động kiểm tra và không gây phiền hà cho cơ sở sản xuất, kinh doanh. Trường
hợp có sự trùng lặp kế hoạch kiểm tra thì thực hiện như sau:
a) Kế hoạch kiểm tra của cơ quan cấp
dưới trùng với kế hoạch kiểm tra của cơ quan cấp trên thì thực hiện theo kế hoạch
kiểm tra của cơ quan cấp trên;
b) Kế hoạch kiểm tra của cơ quan
cùng cấp trùng nhau về địa bàn, cơ sở thì các bên trao đổi thống nhất thành lập
đoàn liên ngành theo quy định tại Điều 9 của Quy chế này.
4. Thực hiện theo đúng nguyên tắc,
nghiệp vụ, chuyên môn, chế độ bảo mật của mỗi cơ quan.
5. Cơ quan chủ trì phải thông báo bằng
văn bản kết quả phối hợp kiểm tra cho cơ quan tham gia phối hợp.
6. Những vướng mắc phát sinh trong
quá trình phối hợp phải được bàn bạc, giải quyết theo quy định của pháp luật và
yêu cầu nghiệp vụ của các cơ quan liên quan. Trường hợp không thống nhất được
hướng giải quyết thì phải báo cáo lãnh đạo có thẩm quyền của cơ quan tham gia
phối hợp xem xét, quyết định.
Điều 3. Hình
thức phối hợp kiểm tra
1. Trao đổi thông tin bằng văn bản
hoặc các hình thức có giá trị tương đương văn bản cho cơ quan liên quan về những
nội dung sau đây:
a) Kết quả thực hiện các đề án,
chương trình và kế hoạch kiểm tra của mỗi bên;
b) Sản phẩm, hàng hóa không đạt chất
lượng, hàng giả;
c) Kết quả xử lý đối với trường hợp
sản phẩm, hàng hóa không đạt chất lượng, hàng giả.
2. Tổ chức hội nghị, hội thảo.
3. Cử cán bộ tham gia hoạt động kiểm
tra, xử lý vi phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
4. Thông báo, chuyển hồ sơ cho cơ
quan khác có thẩm quyền để xử lý vi phạm về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
5. Tổ chức kiểm tra liên ngành
trong các trường hợp sau đây:
a) Đối tượng kiểm tra là nhiều loại
sản phẩm, hàng hóa khác nhau mà các loại sản phẩm, hàng hóa đó thuộc trách nhiệm
quản lý của nhiều ngành, lĩnh vực thì cơ quan kiểm tra thuộc Bộ Khoa học và
Công nghệ chủ trì tổ chức kiểm tra liên ngành giữa các cơ quan ở Trung ương; cơ
quan kiểm tra thuộc Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì tổ chức kiểm tra liên
ngành giữa các cơ quan ở địa phương;
b) Theo chỉ đạo của cơ quan cấp
trên;
c) Theo đề nghị của cơ quan kiểm
tra thuộc Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, địa phương.
Điều 4. Nội
dung kiểm tra
Cơ quan kiểm tra thực hiện kiểm tra
theo các nội dung quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 27 Luật Chất
lượng sản phẩm, hàng hóa và Điều 5, Điều 12 Nghị định 132.
Điều 5. Phối hợp
giữa các cơ quan Trung ương trong việc kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa
1. Trường hợp phải tổ chức kiểm tra
liên ngành thì văn bản hướng dẫn của cơ quan chủ trì kiểm tra thuộc Bộ quản lý
ngành, lĩnh vực phải được gửi cho các cơ quan có liên quan để phối hợp, chỉ đạo
cơ quan thuộc hệ thống của mình trong việc phối hợp kiểm tra.
Cơ quan chủ trì tổ chức đoàn kiểm tra
liên ngành phải xác định rõ nội dung kiểm tra, địa bàn kiểm tra, cơ quan phụ
trách đoàn kiểm tra, cơ quan phối hợp.
2. Kết thúc đợt kiểm tra, định kỳ 6
tháng, hằng năm cơ quan kiểm tra có trách nhiệm tổng hợp tình hình kiểm tra chất
lượng sản phẩm, hàng hóa thuộc lĩnh vực quản lý được phân công để báo cáo Bộ chủ
quản và Bộ Khoa học và Công nghệ để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Điều 6. Quan hệ
giữa các cơ quan kiểm tra Trung ương với cơ quan kiểm tra địa phương trong hoạt
động kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa
1. Cơ quan kiểm tra Trung ương có
trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo chuyên môn, nghiệp vụ để cơ quan kiểm tra địa
phương thực hiện trực tiếp việc kiểm tra. Văn bản hướng dẫn của các cơ quan kiểm
tra Trung ương gửi cơ quan kiểm tra thuộc ngành, lĩnh vực tương ứng tại địa
phương và gửi Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để chỉ đạo
các cơ quan liên quan thực hiện công tác kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa
tại địa phương.
2. Cơ quan kiểm tra Trung ương khi
tổ chức kiểm tra trên địa bàn địa phương phải thông báo cho cơ quan kiểm tra
thuộc ngành, lĩnh vực tương ứng của địa phương.
3. Cơ quan kiểm tra địa phương có
trách nhiệm cử cán bộ tham gia đoàn kiểm tra, cung cấp thông tin, tạo điều kiện
cần thiết và thực hiện kiến nghị của đoàn kiểm tra Trung ương.
4. Cơ quan kiểm tra địa phương chủ
động thực hiện việc kiểm tra chất lượng sản phẩm; hàng hóa theo quy định hoặc
kiểm tra theo sự chỉ đạo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Điều 7. Phối hợp
giữa các cơ quan ở địa phương trong việc kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa
1. Cơ quan kiểm tra địa phương chủ
động, chủ trì thực hiện các công việc sau đây:
a) Xác định đối tượng sản phẩm,
hàng hóa thuộc lĩnh vực được phân công để đưa vào kế hoạch kiểm tra hoặc kế hoạch
phối hợp kiểm tra với các cơ quan khác có liên quan;
b) Chủ trì tổ chức, thực hiện việc
kiểm tra thường xuyên chất lượng sản phẩm, hàng hóa thuộc trách nhiệm và địa
bàn được phân công; chủ trì, phối hợp với cơ quan khác có liên quan trong quá
trình kiểm tra và xử lý kết quả kiểm tra; phối hợp với cơ quan khác theo chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình khi có yêu cầu;
c) Báo cáo kết quả kiểm tra theo
quy định.
2. Trường hợp kiểm tra liên ngành
thì phải có sự trao đổi thống nhất giữa các cơ quan kiểm tra về nội dung kiểm
tra, địa bàn kiểm tra, cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp.
3. Khi có đề nghị của cơ quan chủ
trì kiểm tra, cơ quan phối hợp kiểm tra hoặc tham gia xử lý phải có trách nhiệm
cử cán bộ để tham gia kiểm tra, xử lý.
4. Kết thúc đợt kiểm tra, định kỳ 6
tháng, hằng năm cơ quan kiểm tra có trách nhiệm tổng hợp tình hình kiểm tra chất
lượng sản phẩm, hàng hóa thuộc lĩnh vực quản lý được phân công, báo cáo cơ quan
chủ quản và Sở Khoa học và Công nghệ để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương và Bộ Khoa học và Công nghệ.
Chương 2.
NỘI DUNG PHỐI HỢP KIỂM
TRA
Điều 8. Phối hợp
trong việc xây dựng đề án, chương trình, kế hoạch kiểm tra liên ngành
1. Cơ quan chủ trì xây dựng đề án,
chương trình và kế hoạch kiểm tra liên ngành về chất lượng sản phẩm, hàng hóa
phải lấy ý kiến của cơ quan có liên quan. Cơ quan được hỏi ý kiến có trách nhiệm
trả lời bằng văn bản trong thời hạn yêu cầu.
2. Trước khi tổ chức triển khai thực
hiện các đề án, chương trình và kế hoạch kiểm tra liên ngành, cơ quan chủ trì
phải trao đổi, thống nhất với cơ quan có liên quan về cách thức và biện pháp tổ
chức triển khai thực hiện.
Điều 9. Phối hợp
tổ chức kiểm tra liên ngành về chất lượng sản phẩm, hàng hóa
1. Cơ quan chủ trì tổ chức kiểm tra
liên ngành phối hợp với các cơ quan có liên quan cùng cấp phân công cơ quan phụ
trách đoàn kiểm tra, địa bàn kiểm tra của các đoàn kiểm tra liên ngành.
Việc phân công phụ trách đoàn kiểm
tra dựa trên cơ sở sản phẩm, hàng hóa chủ yếu phải kiểm tra thuộc lĩnh vực nào
thì cơ quan kiểm tra thuộc lĩnh vực đó phụ trách đoàn kiểm tra.
2. Cơ quan phụ trách đoàn kiểm tra
liên ngành có trách nhiệm cử Trưởng đoàn và Thư ký đoàn kiểm tra; Trưởng đoàn
kiểm tra chịu trách nhiệm về kết quả kiểm tra và xử lý, tổng hợp báo cáo kết quả
kiểm tra liên ngành cho cơ quan chủ trì tổ chức đợt kiểm tra, cơ quan chủ quản
và các cơ quan tham gia.
3. Thành viên trong đoàn kiểm tra
có trách nhiệm thực hiện kiểm tra theo sự phân công của Trưởng đoàn và chịu
trách nhiệm nước Trưởng đoàn về kết quả kiểm tra, xử lý.
Điều 10. Phối
hợp kiểm tra chất lượng sản phẩm trong sản xuất
1. Khi phát hiện hàng hóa lưu thông
trên thị trường không bảo đảm các quy định về chất lượng, cơ quan kiểm tra xử
lý theo thẩm quyền, đồng thời thông báo cho cơ quan kiểm tra liên quan để xem xét
việc kiểm tra trong sản xuất. Trường hợp hàng hóa đó được sản xuất tại địa
phương khác hoặc thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực khác thì
thông báo bằng văn bản cho cơ quan kiểm tra tương ứng tại địa phương nơi sản xuất
hàng hóa đó.
Khi nhận được thông báo, căn cứ vào
yêu cầu quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 132, cơ quan
kiểm tra tiến hành kiểm tra chất lượng sản phẩm trong sản xuất theo sự phân
công. Nội dung, trình tự, thủ tục kiểm tra, xử lý sản phẩm không bảo đảm chất
lượng thực hiện theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
2. Khi phát hiện sản phẩm không bảo
đảm các quy định về chất lượng hoặc cơ sở sản xuất không hợp tác trong việc kiểm
tra, cơ quan kiểm tra xử lý theo thẩm quyền của kiến nghị cơ quan thanh tra
chuyên ngành hoặc cơ quan khác có thẩm quyền xử lý theo quy định.
3. Cơ quan quản lý thị trường có
trách nhiệm phối hợp với các cơ quan kiểm tra thuộc Bộ quản lý ngành, lĩnh vực,
địa phương trong quá trình kiểm tra chất lượng sản phẩm tại cơ sở sản xuất. Trường
hợp phát hiện sản phẩm, hàng hóa vi phạm pháp luật, hàng giả, cơ quan kiểm tra
thông báo và gửi hồ sơ cho cơ quan quản lý thị trường, cơ quan công an hoặc cơ
quan khác có thẩm quyền xử lý.
4. Cơ quan kiểm tra phải chịu trách
nhiệm về nội dung thông báo và hồ sơ gửi cho các cơ quan quy định tại khoản 2
và khoản 3 của Điều này. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ để xử lý có trách nhiệm xử lý
theo quy định của pháp luật và thông báo kết quả xử lý cho cơ quan kiểm tra đã
gửi thông báo.
Điều 11. Phối
hợp kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu
1. Cơ quan kiểm tra thuộc Bộ quản
lý ngành, lĩnh vực, địa phương chủ trì, phối hợp với cơ quan hải quan tổ chức
thực hiện kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu theo phân công. Nội dung,
trình tự, thủ tục kiểm tra và xử lý kết quả kiểm tra được thực hiện theo quy định
của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Cơ quan kiểm tra thông báo kết quả
kiểm tra (hàng hóa nhập khẩu đáp ứng hoặc không đáp ứng yêu cầu chất lượng) cho
cơ quan hải quan, cơ quan có liên quan, doanh nghiệp để xử lý tiếp theo.
2. Trường hợp kết quả thử nghiệm,
giám định chất lượng khẳng định hàng hóa không phù hợp tiêu chuẩn công bố áp dụng
hoặc quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, cơ quan kiểm tra báo cáo cơ quan nhà nước có
thẩm quyền đồng thời thông báo các cơ quan liên quan phối hợp xử lý theo quy định
sau đây:
a) Đối với hàng hóa bị buộc phải
tái xuất hoặc tiêu hủy thì cơ quan kiểm tra có trách nhiệm phối hợp với cơ quan
có thẩm quyền quyết định tái xuất hoặc tiêu hủy giám sát việc thực hiện quyết định
đó;
b) Đối với hàng hóa bị buộc phải
tái chế thì cơ quan kiểm tra chủ trì việc kiểm tra, chất lượng sản phẩm, hàng
hóa sau tái chế và báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền kết quả kiểm tra để
ra thông báo cho cơ quan hải quan và cơ quan khác có liên quan.
3. Trường hợp hàng hóa nhập khẩu
chưa có kết quả chứng nhận, giám định chất lượng thì việc thông quan hàng hóa
nhập khẩu theo phương thức đăng ký trước, kiểm tra sau.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với
Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn thủ tục thông
quan hàng hóa nhập khẩu theo phương thức đăng ký trước, kiểm tra sau.
4. Khi phát hiện hàng hóa nhập khẩu
lưu thông trên thị trường không bảo đảm chất lượng, cơ quan kiểm tra xử lý theo
thẩm quyền và có trách nhiệm thông báo cho cơ quan kiểm tra tương ứng tại địa
phương nơi nhập khẩu tăng cường kiểm tra tại cửa khẩu hoặc kiến nghị cơ quan
nhà nước có thẩm quyền ra quyết định tạm dừng hoặc dừng việc nhập khẩu loại
hàng hóa đó.
5. Hàng hóa xuất khẩu không bảo đảm
chất lượng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ tiến hành kiểm tra trong sản
xuất. Việc phối hợp kiểm tra thực hiện theo quy định tại Điều 10 của Quy chế
này.
Điều 12. Phối
hợp kiểm tra chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường
1. Cơ quan kiểm tra thuộc Bộ quản lý
ngành, lĩnh vực, địa phương chủ trì kiểm tra chất lượng hàng hóa lưu thông trên
thị trường và xử lý kết quả kiểm tra theo quy định của pháp luật về chất lượng
sản phẩm, hàng hóa. Khi phát hiện vi phạm cần xử lý vi phạm hành chính, cơ quan
kiểm tra chuyển hồ sơ và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành các thủ tục
xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành
chính. Cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính có trách nhiệm thông báo
cho cơ quan kiểm tra biết việc xử lý và kết quả xử lý để theo dõi.
Trong trường hợp người bán hàng
không thực hiện các quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa,
không hợp tác trong công tác kiểm tra hoặc có hành vi kinh doanh hàng giả thì
cơ quan kiểm tra đề nghị cơ quan Công an, cơ quan Quản lý thị trường hoặc cơ
quan khác có thẩm quyền xử lý theo quy định.
2. Cơ quan Quản lý thị trường phối
hợp với các cơ quan kiểm tra thuộc Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, địa phương, các
cơ quan có liên quan trong việc kiểm tra chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị
trường khi có yêu cầu; chủ trì giám sát người bán hàng có hàng hóa vi phạm
trong việc thực hiện quyết định của cơ quan kiểm tra, cơ quan khác có thẩm quyền
đối với hàng hóa vi phạm chất lượng; xử lý các hành vi vi phạm quyết định đó.
3. Cơ quan kiểm tra phải chịu trách
nhiệm về nội dung thông báo và hồ sơ gửi cho các cơ quan quy định tại khoản 1
và khoản 2 của Điều này.
Chương 3.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 13. Tổ chức
đánh giá hoạt động phối hợp
Hằng năm, Bộ Khoa học và Công nghệ
chủ trì, phối hợp với các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, địa phương tổng kết, đánh
giá hoạt động phối hợp kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa và tổng hợp báo
cáo Thủ tướng Chính phủ.
Điều 14. Điều khoản
thi hành
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan
thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các
tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Quy chế này.
Trong quá trình thực hiện Quy chế
này nếu có phát sinh vướng mắc, các cơ quan kiểm tra kiến nghị với cơ quan chủ
quản và Bộ Khoa học và Công nghệ để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem
xét, quyết định./.