Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Thông tư 28/2013/TT-BKHCN kiểm tra nhà nước về đo lường

Số hiệu: 28/2013/TT-BKHCN Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Khoa học và Công nghệ Người ký: Trần Việt Thanh
Ngày ban hành: 17/12/2013 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

Thực hiện kiểm tra phương tiện đo trong sản xuất

Cơ quan có thẩm quyền sẽ thực hiện việc kiểm tra đối với Phương tiện đo, Phép đo và Lượng của hàng đóng gói sẵn trong sản xuất theo quy định tại Thông tư 28/2013/TT-BKHCN quy định kiểm tra nhà nước về đo lường.

Theo đó, nội dung kiểm tra sẽ bao gồm:

- Việc xây dựng và công bố yêu cầu kỹ thuật đo lường, hồ sơ hệ thống quản lý chất lượng phù hợp tiêu chuẩn…
- Việc ghi nhãn; thể hiện ký hiệu phê duyệt mẫu, dấu định lượng, tài liệu hướng dẫn sử dụng, bảo quản, vận chuyển…
- Việc duy trì, bảo đảm các điều kiện để sử dụng dấu định lượng trên nhãn hàng đóng gói sẵn và việc duy trì, bảo đảm các điều kiện quy định đối với cơ sở sản xuất phương tiện đo

Cụ thể, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng sẽ thực hiện việc kiểm tra đột xuất tại địa phương; Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng sẽ thực hiện kiểm tra trên phạm vi cả nước.

Thông tư này có hiệu lực từ 01/6/2014 bãi bỏ Quyết định số 31/2002/QĐ-BKHCNMT .

BỘ KHOA HỌC VÀ
CÔNG NGHỆ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 28/2013/TT-BKHCN

Hà Nội, ngày 17 tháng 12 năm 2013

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH KIỂM TRA NHÀ NƯỚC VỀ ĐO LƯỜNG

Căn cứ Luật Đo lường ngày 11 tháng 11 năm 2011;

Căn cứ Nghị định số 86/2012/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đo lường;

Căn cứ Nghị định số 20/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 02 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cẩu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng,

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư quy định kiểm tra nhà nước về đo lường.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này quy định kiểm tra nhà nước về đo lường bao gồm:

a) Kiểm tra đối với phương tiện đo, phép đo, lượng của hàng đóng gói sẵn khi nhập khẩu, trong sản xuất, trên thị trường hoặc trong sử dụng;

b) Kiểm tra hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường.

2. Kiểm tra đối với phương tiện đo, chuẩn đo lường, phép đo bức xạ, hạt nhân, kiểm tra hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường bức xạ, hạt nhân, kiểm tra đối với hoạt động đo lường đặc thù thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật khác.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cơ quan thực hiện kiểm tra.

2. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu, sản xuất, lưu thông trên thị trường phương tiện đo, hàng đóng gói sẵn.

3. Tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện đo, thực hiện phép đo.

4. Tổ chức được chỉ định giữ chuẩn quốc gia.

5. Tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường.

6. Tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường được chỉ định.

7. Cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Chuẩn đo lường là phương tiện kỹ thuật để thể hiện, duy trì đơn vị đo của đại lượng đo và được dùng làm chuẩn để so sánh với phương tiện đo hoặc chuẩn đo lường khác.

Chất chuẩn là một loại chuẩn đo lường đặc biệt có độ đồng nhất và ổn định nhất định đối với một hoặc một số thuộc tính. Chất chuẩn được sử dụng để hiệu chuẩn, kiểm định thiết bị, phương tiện đo, đánh giá phương pháp đo hoặc để xác định giá trị về thành phần, tính chất của vật liệu hoặc chất khác.

2. Phương tiện đo là phương tiện kỹ thuật để thực hiện phép đo.

3. Phạm vi đo là khoảng giá trị mức đo (từ mức đo nhỏ nhất đến mức đo lớn nhất) của phương tiện đo theo công bố của nhà sản xuất phương tiện đo.

4. Phép đo là tập hợp những thao tác để xác định giá trị đo của đại lượng cần đo.

5. Hàng đóng gói sẵn theo định lượng (sau đây gọi là hàng đóng gói sẵn) là hàng hóa được định lượng theo đơn vị đo khối lượng, thể tích, chiều dài, diện tích hoặc theo số đếm, được đóng gói và ghi định lượng trên nhãn hàng hóa mà không có sự chứng kiến của bên mua.

6. Kiểm định là hoạt động đánh giá, xác nhận đặc tính kỹ thuật đo lường của phương tiện đo theo yêu cầu kỹ thuật đo lường.

7. Hiệu chuẩn là hoạt động xác định, thiết lập mối quan hệ giữa giá trị đo của chuẩn đo lường, phương tiện đo với giá trị đo của đại lượng cần đo.

8. Thử nghiệm là việc xác định một hoặc một số đặc tính kỹ thuật đo lường của phương tiện đo, chuẩn đo lường.

9. Yêu cầu kỹ thuật đo lường là tập hợp các quy định về đặc tính kỹ thuật đo lường của chuẩn đo lường, phương tiện đo, phép đo hoặc lượng của hàng đóng gói sẵn do tổ chức, cá nhân công bố hoặc do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

10. Các thuật ngữ khác được hiểu theo quy định tại Điều 3 của Luật Đo lường.

Điều 4. Hình thức kiểm tra nhà nước về đo lường, biện pháp kiểm tra đặc thù

1. Hình thức kiểm tra nhà nước về đo lường

a) Kiểm tra thường xuyên được tiến hành theo chương trình, kế hoạch đã được cơ quan quản lý nhà nước về đo lường có thẩm quyền phê duyệt;

b) Kiểm tra đột xuất được tiến hành khi giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đo lường hoặc khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Kiểm tra đặc thù là biện pháp nghiệp vụ kiểm tra có sử dụng phương tiện giao thông, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật chuyên dùng thực hiện lấy mẫu, kiểm tra trước khi xuất trình quyết định kiểm tra theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về đo lường.

Điều 5. Phương thức kiểm tra nhà nước về đo lường

1. Kiểm tra nhà nước về đo lường được tổ chức thực hiện theo phương thức đoàn kiểm tra.

2. Đoàn kiểm tra do Thủ trưởng cơ quan thực hiện kiểm tra thành lập trong quyết định kiểm tra nhà nước về đo lường (theo Mẫu 4. QĐKTĐL tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này).

3. Thành phần của đoàn kiểm tra bao gồm: Trưởng đoàn và thành viên, số lượng thành viên đoàn kiểm tra tùy thuộc vào nội dung kiểm tra và do Thủ trưởng cơ quan thực hiện kiểm tra quyết định.

4. Trưởng đoàn là cán bộ quản lý thuộc cơ quan thực hiện kiểm tra. Trưởng đoàn chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện nhiệm vụ của đoàn; phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên; chịu trách nhiệm về kết quả kiểm tra; tổ chức thực hiện lập biên bản kiểm tra hoặc biên bản vi phạm hành chính theo quy định; thông qua hồ sơ, biên bản để trình cơ quan ra quyết định kiểm tra, chuyển cho cơ quan, người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

5. Thành viên

a) Cán bộ kỹ thuật có chuyên môn phù hợp với lĩnh vực đo lường cần kiểm tra và làm nhiệm vụ kiểm tra về kỹ thuật đo lường;

b) Người của cơ quan thực hiện kiểm tra, người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, thanh tra viên khoa học và công nghệ, công an, quản lý thị trường, người của cơ quan, tổ chức khác được cử tham gia đoàn kiểm tra và thực hiện nhiệm vụ theo phân công của Trưởng đoàn kiểm tra.

6. Thành viên đoàn kiểm tra chịu trách nhiệm về kết quả kiểm tra, xử lý theo phân công và quy định của pháp luật.

7. Trưởng đoàn, cán bộ kỹ thuật quy định tại Điểm a và người của cơ quan thực hiện kiểm tra quy định tại Điểm b Khoản 5 Điều này phải có chứng chỉ hoàn thành khóa đào tạo nghiệp vụ kiểm tra nhà nước về đo lường do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổ chức.

Điều 6. Xử lý vi phạm hành chính trong quá trình kiểm tra nhà nước về đo lường

Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm hành chính, việc xử lý thực hiện như sau:

1. Trường hợp đoàn kiểm tra không có thành viên là thanh tra viên khoa học và công nghệ, người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, công an, quản lý thị trường hoặc người có thẩm quyền thì trưởng đoàn kiểm tra lập biên bản vi phạm hành chính (theo Mẫu 11. BBVPHC tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này) và đề nghị cơ quan thực hiện kiểm tra chuyển hồ sơ và kiến nghị người có thẩm quyền hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Hồ sơ chuyển người có thẩm quyền hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính bao gồm: Công văn chuyển hồ sơ của cơ quan thực hiện kiểm tra, quyết định kiểm tra, biên bản kiểm tra, các văn bản, tài liệu và chứng cứ vi phạm hành chính (nếu có), biên bản vi phạm hành chính.

2. Trường hợp đoàn kiểm tra có thành viên là thanh tra viên khoa học và công nghệ, người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, công an, quản lý thị trường hoặc người có thẩm quyền thì thành viên này lập biên bản vi phạm hành chính và xử lý theo quy định của pháp luật.

3. Người có thẩm quyền, cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính có trách nhiệm xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính được gửi cho cơ quan thực hiện kiểm tra để phối hợp.

Chương II

KIỂM TRA KHI NHẬP KHẨU

Điều 7. Đối tượng kiểm tra khi nhập khẩu

1. Phương tiện đo phải phê duyệt mẫu thuộc Danh mục phương tiện đo nhóm 2 quy định tại Thông tư số 23/2013/TT-BKHCN ngày 26 tháng 9 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2 (gọi tắt là phương tiện đo nhóm 2 phải phê duyệt mẫu).

2. Hàng đóng gói sẵn thuộc Danh mục hàng đóng gói sẵn nhóm 2 tại Thông tư của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về đo lường đối với lượng của hàng đóng gói sẵn (gọi tắt là hàng đóng gói sẵn nhóm 2).

3. Phương tiện đo, hàng đóng gói sẵn thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Có thông báo của cơ quan thực hiện kiểm tra trên thị trường, trong sử dụng về việc không phù hợp với yêu cầu kỹ thuật đo lường quy định và đề nghị tăng cường kiểm tra khi nhập khẩu;

b) Theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về đo lường;

c) Thông tin, cảnh báo của tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài về phương tiện đo, hàng đóng gói sẵn không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật đo lường có nguy cơ xâm phạm quyền và lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân khác;

d) Kết quả khảo sát về đo lường đối với phương tiện đo, hàng đóng gói sẵn trên thị trường, trong sử dụng phát hiện sự không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật đo lường theo quy định.

Điều 8. Miễn kiểm tra khi nhập khẩu

Miễn kiểm tra khi nhập khẩu đối với phương tiện đo, hàng đóng gói sẵn là: Hành lý cá nhân, hàng hóa ngoại giao, hàng triển lãm hội chợ, quà biếu; hàng hóa, vật tư thiết bị tạm nhập - tái xuất; hàng quá cảnh chuyển khẩu; hàng gửi kho ngoại quan; hàng doanh nghiệp Việt Nam gia công cho thương nhân nước ngoài; vật tư thiết bị máy móc nhập khẩu phục vụ các dự án đầu tư; hàng hóa thuộc lĩnh vực bí mật quốc gia và các loại hàng hóa khác không nhằm mục đích kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Điều 9. Kiểm tra, thông quan phương tiện đo nhóm 2 phải phê duyệt mẫu, lượng của hàng đóng gói sẵn nhóm 2 quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 7 của Thông tư này

1. Đối với phương tiện đo nhóm 2 phải phê duyệt mẫu

a) Cơ quan Hải quan chỉ cho phép thông quan khi tổ chức, cá nhân (sau đây gọi tắt là cơ sở) nhập khẩu phương tiện đo đó có quyết định phê duyệt mẫu phương tiện đo do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cấp;

b) Trường hợp phương tiện đo được nhập khẩu để thử nghiệm phục vụ phê duyệt mẫu, cơ quan Hải quan chỉ cho phép tạm thời thông quan khi cơ sở nhập khẩu phương tiện đo đó có văn bản của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nêu rõ “đã nhận hồ sơ đăng ký phê duyệt mẫu phương tiện đo”. Cơ quan Hải quan chỉ làm thủ tục chính thức thông quan khi phương tiện đo đáp ứng yêu cầu quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này.

2. Đối với lượng của hàng đóng gói sẵn nhóm 2

a) Cơ quan Hải quan chỉ cho phép thông quan khi hàng đóng gói sẵn có dấu định lượng theo quy định trên nhãn hàng đóng gói sẵn do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng hoặc Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) cấp;

b) Trường hợp hàng đóng gói sẵn được nhập khẩu để đánh giá phục vụ việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sử dụng dấu định lượng trên nhãn hàng đóng gói sẵn của cơ quan nhà nước về đo lường có thẩm quyền, hàng đóng gói sẵn chỉ được cơ quan Hải quan cho tạm thời thông quan khi có văn bản của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng hoặc của Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nêu rõ “đã nhận hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sử dụng dấu định lượng trên nhãn hàng đóng gói sẵn”. Cơ quan Hải quan chỉ làm thủ tục chính thức thông quan khi hàng đóng gói sẵn đáp ứng yêu cầu quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này.

3. Trường hợp phương tiện đo, hàng đóng gói sẵn được cơ quan Hải quan cho phép tạm thời thông quan trước, kiểm tra sau hoặc phương tiện đo được nhập khẩu để thử nghiệm phục vụ việc phê duyệt mẫu thì cơ sở nhập khẩu không được phép đưa phương tiện đo, hàng đóng gói sẵn đó ra lưu thông trên thị trường hoặc vào sử dụng.

4. Trường hợp phát hiện sự không phù hợp, việc xử lý thực hiện theo quy định tại Điều 11 của Thông tư này.

Điều 10. Kiểm tra, thông quan phương tiện đo, lượng của hàng đóng gói sẵn quy định tại Khoản 3 Điều 7 của Thông tư này

1. Cơ quan kiểm tra

a) Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.

b) Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tại địa phương nhập khẩu phương tiện đo, hàng đóng gói sẵn.

2. Đối với phương tiện đo

a) Phương tiện đo chỉ được thông quan khi có thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về đo lường (theo Mẫu 3. TBKQKT tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này) với kết luận “Đạt yêu cầu kỹ thuật đo lường” do cơ quan kiểm tra cấp cho cơ sở nhập khẩu phương tiện đo đó;

b) Cơ quan Hải quan chỉ cho phép tạm thời thông quan trước, kiểm tra sau khi phương tiện đo đó có phiếu tiếp nhận hồ sơ đăng ký kiểm tra nhà nước về đo lường (theo Mẫu 2. PTNHSĐK tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này). Cơ quan Hải quan chỉ làm thủ tục chính thức thông quan khi phương tiện đo đó đáp ứng yêu cầu quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này.

3. Đối với lượng của hàng đóng gói sẵn

a) Hàng đóng gói sẵn chỉ được cơ quan Hải quan cho thông quan khi có thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về đo lường (theo Mẫu 3. TBKQKT tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này) với kết luận “Đạt yêu cầu kỹ thuật đo lường” do cơ quan kiểm tra cấp cho cơ sở nhập khẩu hàng đóng gói sẵn đó;

b) Cơ quan Hải quan chỉ cho phép tạm thời thông quan trước, kiểm tra sau khi hàng đóng gói sẵn đó có phiếu tiếp nhận hồ sơ đăng ký kiểm tra nhà nước về đo lường (theo Mẫu 2. PTNHSĐK tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này). Cơ quan Hải quan chỉ làm thủ tục chính thức thông quan khi hàng đóng gói sẵn đó đáp ứng yêu cầu quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này.

4. Trường hợp phương tiện đo, hàng đóng gói sẵn được cơ quan Hải quan cho phép tạm thời thông quan trước, kiểm tra sau thì cơ sở nhập khẩu không được phép đưa phương tiện đo, hàng đóng gói sẵn đó ra lưu thông trên thị trường hoặc vào sử dụng.

5. Trình tự, thủ tục đăng ký kiểm tra khi nhập khẩu, lập phiếu tiếp nhận hồ sơ đăng ký kiểm tra nhà nước về đo lường, cấp thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về đo lường đối với phương tiện đo, lượng của hàng đóng gói sẵn quy định tại Khoản 2, Khoản 3 thực hiện theo quy định tại Khoản 6 Điều này.

6. Trình tự, thủ tục kiểm tra

a) Hồ sơ đăng ký kiểm tra khi nhập khẩu

Cơ sở nhập khẩu lập một (01) bộ hồ sơ đăng ký kiểm tra khi nhập khẩu gửi trực tiếp tại trụ sở cơ quan kiểm tra. Hồ sơ gồm:

- Giấy “Đăng ký kiểm tra nhà nước về đo lường” (theo Mẫu 1. ĐKKT tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này);

- Bản chính hoặc bản sao có kèm bản chính để đối chiếu: Hợp đồng, tờ khai hàng hóa nhập khẩu; danh mục hàng hóa (packing list); giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) (nếu có); thuyết minh kỹ thuật của phương tiện đo (bằng tiếng Anh hoặc tiếng Việt hoặc cả hai thứ tiếng) (trường hợp nhập khẩu phương tiện đo).

b) Xử lý hồ sơ đăng ký

- Cơ quan kiểm tra lập phiếu tiếp nhận hồ sơ đăng ký kiểm tra nhà nước về đo lường (theo Mẫu 2. PTNHSĐK tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này); vào sổ đăng ký và ký tên, đóng dấu vào bản đăng ký kiểm tra của cơ sở nhập khẩu;

- Trường hợp hồ sơ đăng ký không đầy đủ, hợp lệ, cơ quan kiểm tra xác nhận các hạng mục hồ sơ không đầy đủ, không hợp lệ trong phiếu tiếp nhận hồ sơ đăng ký kiểm tra nhà nước về đo lường và yêu cầu cơ sở nhập khẩu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ trong thời hạn năm (05) ngày làm việc. Trường hợp quá thời hạn trên mà vẫn chưa bổ sung đủ hồ sơ thì cơ sở nhập khẩu phải có văn bản gửi cơ quan kiểm tra nêu rõ lý do và thời gian hoàn thành. Các bước kiểm tra tiếp theo chỉ được thực hiện sau khi cơ sở nhập khẩu hoàn thiện đầy đủ hồ sơ;

- Trường hợp hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, trong thời hạn ba (03) ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan kiểm tra thông báo bằng văn bản cho cơ sở nhập khẩu về việc kiểm tra đối với phương tiện đo, lượng của hàng đóng gói sẵn khi nhập khẩu;

- Trong thời hạn mười (10) ngày làm việc kể từ ngày cơ sở nhập khẩu nhận được văn bản thông báo, cơ quan kiểm tra phải hoàn thành việc kiểm tra và ra thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về đo lường (theo Mẫu 3. TBKQKT tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này) gửi cho cơ sở nhập khẩu.

c) Nội dung kiểm tra

c.1) Nội dung kiểm tra đối với phương tiện đo bao gồm:

- Kiểm tra sự phù hợp của phương tiện đo với quy định về thể hiện yêu cầu kỹ thuật đo lường cơ bản trên phương tiện đo hoặc trên nhãn hàng hóa, tài liệu kèm theo;

- Kiểm tra sự phù hợp của phương tiện đo với điều kiện về vận chuyển, bảo quản, lưu giữ;

- Kiểm tra sự phù hợp của phương tiện đo với yêu cầu kỹ thuật đo lường.

c.2) Nội dung kiểm tra đối với lượng của hàng đóng gói sẵn bao gồm:

- Kiểm tra việc ghi lượng của hàng đóng gói sẵn trên nhãn hàng hóa;

- Kiểm tra lượng hàng hóa thực tế.

d) Cơ quan kiểm tra tiến hành các bước kiểm tra kỹ thuật đo lường theo trình tự, thủ tục sau đây:

- Yêu cầu cơ sở cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến điều kiện vận chuyển, bảo quản, sử dụng và các yêu cầu kỹ thuật đo lường của phương tiện đo, lượng của hàng đóng gói sẵn được kiểm tra;

- Căn cứ hồ sơ, tài liệu của cơ sở và các quy định quản lý nhà nước về đo lường, tiến hành quan sát, kiểm tra theo các yêu cầu kỹ thuật đo lường đối với phương tiện đo, lượng của hàng đóng gói sẵn;

- Căn cứ quy định về phương pháp lấy mẫu và phương pháp đánh giá lượng của hàng đóng gói sẵn tại Thông tư quy định về đo lường đối với lượng của hàng đóng gói sẵn, tiến hành kiểm tra theo yêu cầu đo lường đối với lượng của hàng đóng gói sẵn;

- Căn cứ yêu cầu kỹ thuật đo lường của phương tiện đo, cơ quan kiểm tra quyết định lựa chọn mức đo, yêu cầu đo lường cụ thể của phương tiện đo và tổ chức thực hiện kiểm tra;

- Ra thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về đo lường (theo Mẫu 3. TBKQKT tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này) gửi cơ sở nhập khẩu và cơ quan Hải quan;

- Trường hợp phát hiện sự không phù hợp, việc xử lý thực hiện theo quy định tại Điều 11 của Thông tư này.

Điều 11. Xử lý trong quá trình kiểm tra khi nhập khẩu đối với các trường hợp không phù hợp quy định

1. Trường hợp phương tiện đo được nhập khẩu để thử nghiệm phục vụ phê duyệt mẫu quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 9 của Thông tư này có kết quả thử nghiệm mẫu không đạt yêu cầu kỹ thuật đo lường, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thông báo bằng văn bản với kết luận “không đạt yêu cầu kỹ thuật đo lường” tới cơ sở nhập khẩu và cơ quan Hải quan.

2. Trường hợp kết quả kiểm tra tại Điểm d Khoản 6 Điều 10 của Thông tư này không đạt yêu cầu kỹ thuật đo lường, cơ quan kiểm tra gửi thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về đo lường với kết luận “không đạt yêu cầu kỹ thuật đo lường” tới cơ sở nhập khẩu và cơ quan Hải quan.

3. Cơ sở nhập khẩu chịu trách nhiệm lựa chọn việc thực hiện biện pháp khắc phục hoặc tái xuất phương tiện đo, hàng đóng gói sẵn đó và báo cáo với cơ quan Hải quan, cơ quan kiểm tra. Trường hợp cơ sở nhập khẩu thực hiện biện pháp khắc phục, cơ quan kiểm tra chủ trì việc kiểm tra sau khi đã khắc phục và thông báo cho cơ quan Hải quan để làm thủ tục thông quan.

4. Cơ quan Hải quan chỉ cho phép thông quan khi phương tiện đo, lượng của hàng đóng gói sẵn nhập khẩu phù hợp yêu cầu quy định.

Chương III

KIỂM TRA TRONG SẢN XUẤT

Điều 12. Đối tượng kiểm tra trong sản xuất

1. Phương tiện đo trong sản xuất.

2. Lượng của hàng đóng gói sẵn trong sản xuất.

Điều 13. Cơ quan chủ trì kiểm tra trong sản xuất

1. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chủ trì kiểm tra đột xuất đối với phương tiện đo, lượng của hàng đóng gói sẵn trong sản xuất trên phạm vi cả nước.

2. Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chủ trì kiểm tra đối với phương tiện đo, lượng của hàng đóng gói sẵn trong sản xuất trên địa bàn địa phương.

Điều 14. Nội dung kiểm tra trong sản xuất

1. Kiểm tra việc thực hiện các yêu cầu kỹ thuật đo lường và các biện pháp quản lý nhà nước về đo lường trong sản xuất phương tiện đo, hàng đóng gói sẵn bao gồm:

a) Kiểm tra việc xây dựng và công bố yêu cầu kỹ thuật đo lường (đối với phương tiện đo nhóm 1); hồ sơ phê duyệt mẫu được lưu giữ (đối với phương tiện đo phải phê duyệt mẫu theo quy định); hồ sơ chứng nhận đủ điều kiện sử dụng dấu định lượng trên nhãn hàng đóng gói sẵn được lưu giữ (đối với hàng đóng gói sẵn nhóm 2); hồ sơ hệ thống quản lý chất lượng phù hợp tiêu chuẩn; kiểm tra việc thực hiện các biện pháp quản lý nhà nước về đo lường trong sản xuất do cơ quan có thẩm quyền quy định;

b) Kiểm tra việc ghi nhãn; thể hiện ký hiệu phê duyệt mẫu (đối với phương tiện đo phải mang ký hiệu phê duyệt mẫu theo quy định); thể hiện dấu định lượng (đối với hàng đóng gói sẵn nhóm 2); tài liệu hướng dẫn sử dụng, bảo quản, vận chuyển và các tài liệu khác đi kèm phương tiện đo, hàng đóng gói sẵn cần kiểm tra;

c) Kiểm tra việc duy trì, bảo đảm các điều kiện để sử dụng dấu định lượng trên nhãn hàng đóng gói sẵn (đối với cơ sở được chứng nhận đủ điều kiện sử dụng dấu định lượng trên nhãn hàng đóng gói sẵn);

d) Kiểm tra việc duy trì, bảo đảm các điều kiện quy định đối với cơ sở sản xuất phương tiện đo.

2. Kiểm tra công tác kiểm soát quá trình sản xuất của cơ sở sản xuất liên quan đến việc tạo thành và duy trì, bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật đo lường đối với phương tiện đo, lượng của hàng đóng gói sẵn bao gồm:

a) Kiểm tra hồ sơ kỹ thuật của phương tiện đo, hàng đóng gói sẵn (tài liệu thiết kế, tiêu chuẩn kỹ thuật của phương tiện đo, hàng đóng gói sẵn);

b) Kiểm tra toàn bộ hoặc một trong các giai đoạn của quá trình sản xuất (từ đầu vào, qua các giai đoạn trung gian cho đến khi hình thành phương tiện đo, lượng của hàng đóng gói sẵn bao gồm cả quá trình bao gói, xếp dỡ, lưu kho và vận chuyển);

c) Kiểm tra chất lượng nguyên vật liệu (theo tiêu chuẩn công bố áp dụng, yêu cầu kỹ thuật đo lường tương ứng, việc sử dụng nguyên liệu bị cấm, nguyên vật liệu có khả năng gây mất an toàn cho người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường);

d) Kiểm tra việc thực hiện các yêu cầu về trang thiết bị công nghệ và trang thiết bị đo lường, kiểm tra, thử nghiệm;

đ) Kiểm tra hồ sơ năng lực của công nhân và cán bộ kỹ thuật theo yêu cầu;

e) Các nội dung kỹ thuật cần thiết khác.

3. Kiểm tra sự phù hợp của phương tiện đo, lượng của hàng đóng gói sẵn với yêu cầu đo lường.

Điều 15. Trình tự, thủ tục kiểm tra

1. Đoàn kiểm tra xuất trình quyết định kiểm tra trước khi tiến hành kiểm tra.

2. Tiến hành kiểm tra theo nội dung của quyết định kiểm tra.

3. Việc kiểm tra kỹ thuật đo lường được tiến hành theo trình tự, thủ tục quy định sau đây:

a) Đoàn kiểm tra yêu cầu cơ sở cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến nội dung được kiểm tra;

b) Căn cứ hồ sơ, tài liệu của cơ sở và các quy định quản lý nhà nước về đo lường, đoàn kiểm tra tiến hành quan sát, kiểm tra theo các yêu cầu quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 14 của Thông tư này;

c) Việc kiểm tra sự phù hợp của phương tiện đo với yêu cầu đo lường theo quy định tại Khoản 3 Điều 14 của Thông tư này được thực hiện như sau:

- Trưởng đoàn kiểm tra quyết định lựa chọn mức đo, yêu cầu kỹ thuật đo lường cụ thể của phương tiện đo và tổ chức thực hiện kiểm tra;

- Số lượng mức đo, giá trị mức đo và yêu cầu kỹ thuật đo lường cụ thể của phương tiện đo được lựa chọn phải bảo đảm có khả năng phát hiện sự không phù hợp của phương tiện đo với yêu cầu đo lường.

d) Việc kiểm tra sự phù hợp lượng của hàng đóng gói sẵn với yêu cầu đo lường theo quy định tại Khoản 3 Điều 14 của Thông tư này được thực hiện như sau:

Căn cứ quy định về phương pháp lấy mẫu và phương pháp đánh giá lượng của hàng đóng gói sẵn trong Thông tư quy định về đo lường đối với lượng của hàng đóng gói sẵn, trưởng đoàn kiểm tra quyết định lấy mẫu và tổ chức thực hiện kiểm tra.

4. Trường hợp phát hiện sự không phù hợp, lập biên bản kiểm tra về đo lường (theo Mẫu 5. BBKT tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này) và xử lý theo quy định tại Điều 16 của Thông tư này.

Điều 16. Xử lý trong quá trình kiểm tra trong sản xuất

1. Trong quá trình kiểm tra trong sản xuất, nếu phát hiện phương tiện đo, lượng của hàng đóng gói sẵn hoặc các yêu cầu liên quan đến quá trình sản xuất phương tiện đo, hàng đóng gói sẵn không phù hợp quy định, việc xử lý thực hiện như sau:

a) Đoàn kiểm tra yêu cầu cơ sở sản xuất phương tiện đo, hàng đóng gói sẵn tạm dừng sản xuất phương tiện đo, hàng đóng gói sẵn đó và thực hiện các biện pháp khắc phục trong thời hạn ghi trong biên bản;

b) Trong thời gian ba (03) ngày làm việc, đoàn kiểm tra phải báo cáo với cơ quan chủ trì kiểm tra để cơ quan chủ trì kiểm tra ra thông báo tạm dừng hoạt động đo lường không phù hợp (theo Mẫu 6. TBTDHĐ tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này) và xử lý theo thẩm quyền; thời gian tạm dừng ghi trong thông báo tạm dừng hoạt động đo lường không phù hợp được tính từ thời điểm ký biên bản kiểm tra;

c) Cơ quan chủ trì kiểm tra chỉ ra thông báo hoạt động đo lường được tiếp tục thực hiện (theo Mẫu 7. TBTTHĐ tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này) khi cơ sở bị tạm dừng hoạt động đo lường đã khắc phục đạt yêu cầu và báo cáo bằng văn bản kèm theo bằng chứng cho cơ quan chủ trì kiểm tra.

2. Trong quá trình kiểm tra trong sản xuất, nếu phát hiện cơ sở có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc sau khi đã yêu cầu thực hiện các biện pháp quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này mà cơ sở đó vẫn tiếp tục vi phạm hoặc quá thời hạn tạm dừng ghi trong thông báo tạm dừng hoạt động đo lường không phù hợp quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều này mà cơ sở không hoàn thành các biện pháp khắc phục thì tùy theo mức độ vi phạm, quy mô ảnh hưởng, việc xử lý thực hiện như sau:

a) Đoàn kiểm tra hoặc cơ quan chủ trì kiểm tra yêu cầu cơ sở dừng ngay hành vi vi phạm;

b) Trưởng đoàn kiểm tra hoặc đại diện cơ quan chủ trì kiểm tra lập biên bản niêm phong (theo Mẫu 8. BBNP tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này) và tổ chức niêm phong (tem niêm phong theo Mẫu 9. TNP tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này) phương tiện đo, hàng đóng gói sẵn, các trang thiết bị để thực hiện hoạt động đo lường không phù hợp quy định. Trường hợp đại diện cơ sở được kiểm tra không ký biên bản thì trưởng đoàn kiểm tra hoặc đại diện cơ quan chủ trì kiểm tra ghi rõ trong biên bản “đại diện cơ sở không ký biên bản”. Biên bản có chữ ký của trưởng đoàn kiểm tra hoặc đại diện cơ quan chủ trì kiểm tra vẫn có giá trị pháp lý. Trong thời hạn ba (03) ngày làm việc, cơ quan chủ trì kiểm tra ra thông báo dừng hoạt động đo lường không phù hợp (theo Mẫu 6.TBTDHĐ tại Phụ lục ban hành kèm theo thông tư này);

c) Cơ quan chủ trì kiểm tra thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng địa phương hoặc trung ương tên cơ sở vi phạm, tên hành vi vi phạm và địa chỉ thực hiện hành vi vi phạm (theo Mẫu 10. TBTTĐC tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này). Đồng thời, cơ quan chủ trì kiểm tra chuyển hồ sơ và kiến nghị người có thẩm quyền hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật;

d) Xử lý vi phạm hành chính thực hiện theo quy định của pháp luật.

Chương IV

KIỂM TRA TRÊN THỊ TRƯỜNG, TRONG SỬ DỤNG

Điều 17. Đối tượng kiểm tra trên thị trường, trong sử dụng

1. Phương tiện đo khi lưu thông trên thị trường hoặc trong sử dụng.

2. Phép đo.

3. Lượng của hàng đóng gói sẵn khi lưu thông trên thị trường.

Điều 18. Cơ quan chủ trì, phối hợp kiểm tra trên thị trường, trong sử dụng

1. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chủ trì kiểm tra đột xuất đối với phương tiện đo, phép đo, lượng của hàng đóng gói sẵn trên phạm vi cả nước theo nội dung kiểm tra quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 Điều 19 của Thông tư này.

2. Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chịu trách nhiệm chủ trì kiểm tra đối với phương tiện đo, phép đo, lượng của hàng đóng gói sẵn trên địa bàn địa phương theo nội dung kiểm tra quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 Điều 19 của Thông tư này.

3. Ủy ban nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm chủ trì kiểm tra đối với phương tiện đo, phép đo, lượng của hàng đóng gói sẵn tại các chợ, trung tâm thương mại, các điểm bán buôn, bán lẻ trên địa bàn theo nội dung kiểm tra quy định tại Điểm a Khoản 1, Điểm d Khoản 2, Điểm a Khoản 3 Điều 19 của Thông tư này.

4. Ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm kiểm tra đối với phép đo tại các chợ, trung tâm thương mại, các điểm bán buôn, bán lẻ trên địa bàn theo nội dung kiểm tra quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 19 và trình tự, thủ tục quy định tại Tiết b.2 Điểm b Khoản 4, Khoản 5 Điều 20 của Thông tư này.

5. Cơ quan có thẩm quyền, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm phối hợp với cơ quan chủ trì kiểm tra quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 Điều này thực hiện kiểm tra trên thị trường, trong sử dụng.

Điều 19. Nội dung kiểm tra trên thị trường, trong sử dụng

1. Nội dung kiểm tra đối với phương tiện đo bao gồm:

a) Kiểm tra sự phù hợp của phương tiện đo với quy định về việc phê duyệt mẫu, kiểm định, hiệu chuẩn theo quy định;

b) Kiểm tra sự phù hợp của phương tiện đo với quy định về thể hiện yêu cầu kỹ thuật đo lường cơ bản trên phương tiện đo hoặc trên nhãn hàng hóa, tài liệu kèm theo;

c) Kiểm tra sự phù hợp của phương tiện đo với điều kiện về vận chuyển, bảo quản, lưu giữ;

d) Kiểm tra sự phù hợp của phương tiện đo với yêu cầu kỹ thuật đo lường do cơ sở sản xuất, nhập khẩu công bố (đối với phương tiện đo nhóm 1) hoặc do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng ban hành (đối với phương tiện đo nhóm 2);

2. Nội dung kiểm tra đối với phép đo bao gồm:

a) Kiểm tra, xác định sự phù hợp của phương tiện đo, phương pháp đo đã sử dụng và điều kiện đo với yêu cầu kỹ thuật đo lường;

b) Kiểm tra chứng chỉ đào tạo theo quy định đối với người thực hiện phép đo;

c) Kiểm tra việc thực hiện các điều kiện theo quy định để người có quyền và nghĩa vụ liên quan giám sát, kiểm tra việc thực hiện phép đo, phương pháp đo, phương tiện đo, lượng hàng hóa;

d) Kiểm tra sai số của kết quả phép đo so với giới hạn sai số cho phép;

đ) Giới hạn sai số cho phép của kết quả phép đo được xác định trên cơ sở sai số cho phép lớn nhất của phương tiện đo được sử dụng để thực hiện phép đo;

e) Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng hướng dẫn chi tiết Khoản 2 Điều này.

3. Nội dung kiểm tra đối với lượng của hàng đóng gói sẵn bao gồm:

a) Kiểm tra sự phù hợp của việc ghi lượng của hàng đóng gói sẵn trên nhãn hàng hóa với yêu cầu quy định;

b) Kiểm tra sự phù hợp của việc thể hiện dấu định lượng với yêu cầu quy định (đối với hàng đóng gói sẵn nhóm 2);

c) Kiểm tra sự phù hợp của lượng hàng hóa thực tế với yêu cầu quy định.

Điều 20. Trình tự, thủ tục kiểm tra trên thị trường, trong sử dụng

1. Đoàn kiểm tra xuất trình quyết định kiểm tra trước khi tiến hành kiểm tra. Trường hợp kiểm tra đặc thù theo quy định tại Chương VI của Thông tư này, đoàn kiểm tra được phép lấy mẫu kiểm tra trước khi xuất trình quyết định kiểm tra.

2. Tiến hành kiểm tra đối với đối tượng và nội dung kiểm tra trong quyết định kiểm tra.

3. Đoàn kiểm tra yêu cầu cơ sở cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến điều kiện vận chuyển, bảo quản, lưu giữ, sử dụng và các yêu cầu kỹ thuật đo lường của phương tiện đo, lượng của hàng đóng gói sẵn cần được kiểm tra.

4. Căn cứ hồ sơ, tài liệu của cơ sở và các quy định quản lý nhà nước về đo lường, đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra kỹ thuật đo lường theo trình tự, thủ tục như sau:

a) Đối với phương tiện đo

- Tiến hành quan sát, kiểm tra các nội dung quy định tại các Điểm a, b, c Khoản 1 Điều 19 của Thông tư này;

- Kiểm tra nội dung quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 19 của Thông tư này: Trưởng đoàn kiểm tra quyết định lựa chọn mức đo, yêu cầu kỹ thuật đo lường cụ thể của phương tiện đo; số lượng mức đo, giá trị mức đo và yêu cầu kỹ thuật đo lường cụ thể của phương tiện đo được lựa chọn phải bảo đảm nằm trong phạm vi đo được sử dụng nhiều nhất của phương tiện đo hoặc có khả năng phát hiện sự không phù hợp của phương tiện đo với yêu cầu kỹ thuật đo lường;

b) Đối với phép đo

b.1) Tiến hành kiểm tra các nội dung quy định tại các Điểm a, b, c Khoản 2 Điều 19 của Thông tư này;

b.2) Kiểm tra sai số của kết quả phép đo theo quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 19 của Thông tư này: Trưởng đoàn kiểm tra quyết định lựa chọn số lượng và giá trị của lượng hàng hóa, dịch vụ cần đo để tiến hành kiểm tra; lượng hàng hóa, dịch vụ được lựa chọn phải bảo đảm nằm trong phạm vi thường được đo nhiều nhất cho khách hàng hoặc có khả năng phát hiện sự không phù hợp về sai số của kết quả phép đo với yêu cầu quy định.

c) Đối với lượng của hàng đóng gói sẵn

- Tiến hành quan sát, kiểm tra các nội dung quy định tại các Điểm a, b Khoản 3 Điều 19 của Thông tư này;

- Kiểm tra nội dung quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều 19 của Thông tư này: Căn cứ quy định về phương pháp lấy mẫu và phương pháp đánh giá lượng của hàng đóng gói sẵn tại Thông tư quy định về đo lường đối với lượng của hàng đóng gói sẵn, trưởng đoàn kiểm tra quyết định lấy mẫu và tổ chức thực hiện kiểm tra.

5. Trường hợp phát hiện sự không phù hợp, lập biên bản kiểm tra về đo lường (theo Mẫu 5. BBKT tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này) và xử lý theo quy định tại Điều 21 của Thông tư này.

Điều 21. Xử lý trong quá trình kiểm tra trên thị trường, trong sử dụng

1. Trong quá trình kiểm tra trên thị trường, trong sử dụng, nếu phát hiện phương tiện đo, phép đo, lượng của hàng đóng gói sẵn không phù hợp quy định thì tùy theo mức độ không phù hợp, quy mô ảnh hưởng, việc xử lý thực hiện như sau:

a) Đoàn kiểm tra yêu cầu cơ sở kinh doanh phương tiện đo, hàng đóng gói sẵn tạm dừng kinh doanh phương tiện đo, hàng đóng gói sẵn đó và chủ động, phối hợp với cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu phương tiện đo, hàng đóng gói sẵn đó thực hiện các biện pháp khắc phục trong thời hạn ghi trong biên bản;

b) Đoàn kiểm tra yêu cầu cơ sở sử dụng phương tiện đo, cơ sở thực hiện phép đo tạm dừng sử dụng phương tiện đo, thực hiện phép đo đó và thực hiện các biện pháp khắc phục trong thời hạn ghi trong biên bản;

c) Trong thời gian ba (03) ngày làm việc, đoàn kiểm tra phải báo cáo với cơ quan chủ trì kiểm tra để cơ quan chủ trì kiểm tra ra thông báo tạm dừng hoạt động đo lường không phù hợp (theo Mẫu 6. TBTDHĐ tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này) và xử lý theo thẩm quyền; thời gian tạm dừng ghi trong thông báo tạm dừng hoạt động đo lường không phù hợp được tính từ thời điểm ký biên bản kiểm tra;

d) Cơ quan chủ trì kiểm tra chỉ ra thông báo hoạt động đo lường được tiếp tục thực hiện (theo Mẫu 7. TBTTHĐ tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này) khi cơ sở bị tạm dừng hoạt động đo lường đã khắc phục đạt yêu cầu và báo cáo bằng văn bản kèm theo bằng chứng cho cơ quan thực hiện kiểm tra;

đ) Xử lý theo quy định tại Khoản 2 Điều này.

2. Trong quá trình kiểm tra trên thị trường, trong sử dụng, nếu phát hiện cơ sở có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc sau khi đã yêu cầu thực hiện các biện pháp quy định tại Khoản 1 Điều này mà cơ sở đó vẫn tiếp tục vi phạm hoặc quá thời hạn tạm dừng ghi trong thông báo tạm dừng hoạt động đo lường không phù hợp quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều này mà cơ sở không hoàn thành các biện pháp khắc phục thì tùy theo mức độ vi phạm, quy mô ảnh hưởng, việc xử lý thực hiện như sau:

a) Đoàn kiểm tra hoặc cơ quan chủ trì thực hiện kiểm tra yêu cầu cơ sở dừng ngay hành vi vi phạm;

b) Trưởng đoàn kiểm tra hoặc đại diện cơ quan chủ trì kiểm tra lập biên bản niêm phong (theo Mẫu 8. BBNP tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này) và tổ chức niêm phong (tem niêm phong theo Mẫu 9. TNP tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này) phương tiện đo, chuẩn đo lường, hàng đóng gói sẵn, các trang thiết bị để thực hiện hoạt động đo lường không phù hợp quy định. Trường hợp đại diện cơ sở được kiểm tra không ký biên bản thì trưởng đoàn kiểm tra hoặc đại diện cơ quan chủ trì kiểm tra ghi rõ trong biên bản “đại diện cơ sở không ký biên bản”. Biên bản có chữ ký của trưởng đoàn kiểm tra hoặc đại diện cơ quan chủ trì kiểm tra vẫn có giá trị pháp lý. Trong thời hạn ba (03) ngày làm việc, cơ quan chủ trì kiểm tra ra thông báo dừng hoạt động đo lường không phù hợp (theo Mẫu 6.TBTDHĐ tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này);

c) Cơ quan chủ trì kiểm tra thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng địa phương hoặc trung ương tên cơ sở vi phạm, tên hành vi vi phạm và địa chỉ thực hiện hành vi vi phạm (theo Mẫu 10. TBTTĐC tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này). Đồng thời, cơ quan chủ trì kiểm tra chuyển hồ sơ và kiến nghị người có thẩm quyền hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật;

d) Việc xử lý vi phạm hành chính thực hiện theo quy định của pháp luật.

3. Trường hợp kiểm tra trên thị trường, trong sử dụng, phát hiện phương tiện đo, lượng của hàng đóng gói sẵn nhập khẩu không phù hợp quy định của pháp luật về đo lường, cơ quan chủ trì kiểm tra xử lý theo thẩm quyền và có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng. Tùy theo mức độ và quy mô ảnh hưởng, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng xem xét, thông báo bằng văn bản cho Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và cơ quan Hải quan tại các địa phương nơi nhập khẩu để tăng cường kiểm tra tại cửa khẩu theo quy định tại Chương II của Thông tư này hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định tạm dừng hoặc dừng việc nhập khẩu loại phương tiện đo, hàng đóng gói sẵn đó.

4. Trường hợp kiểm tra trên thị trường, trong sử dụng phát hiện phương tiện đo, lượng của hàng đóng gói sẵn sản xuất trong nước không phù hợp quy định của pháp luật về đo lường, cơ quan chủ trì kiểm tra xử lý theo thẩm quyền và xem xét, kiểm tra trong sản xuất; trường hợp phương tiện đo, hàng đóng gói sẵn đó được sản xuất tại địa phương khác thì thông báo bằng văn bản cho Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, cơ quan chủ trì kiểm tra tại địa phương nơi sản xuất để xem xét, kiểm tra trong sản xuất; việc kiểm tra trong sản xuất tiến hành theo quy định tại Chương III của Thông tư này.

5. Trường hợp kiểm tra trên thị trường, trong sử dụng phát hiện hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm không phù hợp quy định của pháp luật về đo lường, cơ quan chủ trì kiểm tra xử lý theo thẩm quyền và xem xét, kiểm tra đột xuất đối với hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm đó; trường hợp hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm đó do tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại địa phương khác thực hiện thì thông báo bằng văn bản cho Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và cơ quan chủ trì kiểm tra tại địa phương nơi tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm đăng ký địa chỉ trụ sở chính để xem xét, kiểm tra hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm của tổ chức đó; việc kiểm tra hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm tiến hành theo quy định tại Chương V của Thông tư này.

Chương V

KIỂM TRA HOẠT ĐỘNG KIỂM ĐỊNH, HIỆU CHUẨN, THỬ NGHIỆM

Điều 22. Đối tượng kiểm tra

1. Hoạt động duy trì, bảo quản, sử dụng chuẩn quốc gia.

2. Hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường.

Điều 23. Cơ quan chủ trì kiểm tra hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm

1. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chịu trách nhiệm chủ trì kiểm tra đối với hoạt động đo lường quy định tại Điều 22 của Thông tư này.

2. Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chủ trì kiểm tra đột xuất đối với hoạt động đo lường quy định tại Khoản 2 Điều 22 của Thông tư này trên địa bàn địa phương.

Điều 24. Nội dung kiểm tra hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm

1. Nội dung kiểm tra đối với hoạt động duy trì, bảo quản, sử dụng chuẩn quốc gia bao gồm:

a) Kiểm tra việc bảo đảm điều kiện hoạt động của tổ chức được chỉ định giữ chuẩn quốc gia theo quy định;

b) Kiểm tra việc thực hiện quy định về duy trì, bảo quản, sử dụng chuẩn quốc gia tại tổ chức được chỉ định giữ chuẩn quốc gia;

c) Kiểm tra việc thực hiện hiệu chuẩn hoặc so sánh chuẩn quốc gia với chuẩn quốc tế hoặc với chuẩn quốc gia của nước ngoài đã được hiệu chuẩn hoặc đã được so sánh với chuẩn quốc tế;

d) Kiểm tra việc thực hiện hiệu chuẩn hoặc so sánh để truyền độ chính xác của chuẩn quốc gia tới chuẩn đo lường có độ chính xác thấp hơn.

2. Nội dung kiểm tra đối với hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm bao gồm:

a) Trường hợp địa điểm thực hiện hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm khác với địa chỉ trụ sở chính của tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm, việc kiểm tra được thực hiện với các nội dung sau đây:

- Kiểm tra sự phù hợp của chuẩn chính, chuẩn công tác và các điều kiện vật chất kỹ thuật khác so với yêu cầu quy định;

- Kiểm tra sự phù hợp của nhân viên kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm với yêu cầu quy định;

- Kiểm tra việc tuân thủ quy trình kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường.

b) Trường hợp địa điểm thực hiện hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm trùng với địa chỉ trụ sở chính của tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm, việc kiểm tra được thực hiện với các nội dung sau đây:

- Kiểm tra việc thực hiện đăng ký cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm hoặc đề nghị chỉ định thực hiện hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm;

- Kiểm tra hồ sơ chứng nhận đăng ký được lưu giữ (đối với tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm), hồ sơ chỉ định, hồ sơ chứng nhận kiểm định viên đo lường, hồ sơ chứng nhận chuẩn đo lường được lưu giữ (đối với tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm được chỉ định);

- Kiểm tra các nội dung quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này;

- Kiểm tra việc bảo đảm điều kiện khác theo quy định về điều kiện hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm;

- Kiểm tra sự phù hợp của hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm đã thực hiện với lĩnh vực đã đăng ký hoặc được chỉ định và các quy định khác của pháp luật về đo lường.

Điều 25. Trình tự, thủ tục kiểm tra hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm

1. Đoàn kiểm tra xuất trình quyết định kiểm tra trước khi tiến hành kiểm tra. Trường hợp kiểm tra đặc thù theo quy định tại Chương VI của Thông tư này, đoàn kiểm tra được phép tiến hành kiểm tra các nội dung kỹ thuật nghiệp vụ cần thiết trước khi xuất trình quyết định kiểm tra.

2. Tiến hành kiểm tra theo nội dung của quyết định kiểm tra.

3. Trình tự, thủ tục và phương pháp kỹ thuật nghiệp vụ kiểm tra:

a) Đoàn kiểm tra yêu cầu cơ sở cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan hoạt động duy trì, bảo quản, sử dụng chuẩn quốc gia, hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm cần kiểm tra;

b) Căn cứ hồ sơ, tài liệu của cơ sở và các quy định quản lý nhà nước về đo lường, đoàn kiểm tra tiến hành quan sát, kiểm tra các yêu cầu quy định;

c) Phương pháp kỹ thuật nghiệp vụ kiểm tra

- Áp dụng phương pháp đánh giá và trình tự, thủ tục đánh giá để chỉ định tổ chức giữ chuẩn quốc gia tại Thông tư số 14/2013/TT-BKHCN ngày 12/7/2013 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về đo lường đối với chuẩn quốc gia để kiểm tra hoạt động duy trì, bảo quản, sử dụng chuẩn quốc gia;

- Áp dụng phương pháp đánh giá và trình tự, thủ tục đánh giá để chỉ định tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm tại Thông tư số 24/2013/TT-BKHCN ngày 30/9/2013 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường để kiểm tra hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm.

4. Trường hợp nếu phát hiện sự không phù hợp, lập biên bản kiểm tra về đo lường (theo Mẫu 5. BBKT tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này) và xử lý theo quy định tại Điều 26 của Thông tư này.

Điều 26. Xử lý trong quá trình kiểm tra hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm

1. Trong quá trình kiểm tra hoạt động duy trì, bảo quản, sử dụng chuẩn quốc gia, nếu phát hiện sự không phù hợp với yêu cầu quy định, việc xử lý thực hiện như sau:

a) Đoàn kiểm tra yêu cầu tổ chức được chỉ định giữ chuẩn quốc gia tạm dừng sử dụng chuẩn quốc gia đó và chủ động thực hiện các biện pháp khắc phục trong thời hạn ghi trong biên bản kiểm tra về đo lường;

b) Trong thời gian ba (03) ngày làm việc, đoàn kiểm tra phải báo cáo với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng để Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng xử lý theo quy định về đo lường đối với chuẩn quốc gia;

c) Trường hợp phát hiện vi phạm hành chính, việc xử lý vi phạm hành chính thực hiện theo quy định của pháp luật.

2. Trong quá trình kiểm tra hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm, nếu phát hiện sự không phù hợp với yêu cầu quy định, việc xử lý thực hiện như sau:

a) Đoàn kiểm tra yêu cầu nhân viên kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm, tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm tạm dừng hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm đó, đồng thời tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phải chủ động thực hiện các biện pháp khắc phục trong thời hạn ghi trong biên bản kiểm tra về đo lường;

b) Trong thời gian ba (03) ngày làm việc, đoàn kiểm tra phải báo cáo với cơ quan chủ trì kiểm tra hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm để cơ quan chủ trì kiểm tra ra thông báo tạm dừng hoạt động đo lường không phù hợp (theo Mẫu 6. TBTDHĐ tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này) và xử lý theo thẩm quyền; thời gian tạm dừng ghi trong thông báo tạm dừng hoạt động đo lường không phù hợp quy định được tính từ thời điểm ký biên bản kiểm tra về đo lường.

Tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm chỉ được tiếp tục thực hiện hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm khi đã khắc phục, sửa chữa theo đúng các yêu cầu của đoàn kiểm tra và báo cáo việc khắc phục, sửa chữa bằng văn bản cho cơ quan chủ trì kiểm tra.

3. Trường hợp phát hiện nhân viên kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm, tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc sau khi đã yêu cầu thực hiện các biện pháp quy định tại Khoản 2 Điều này mà tổ chức, cá nhân đó vẫn tiếp tục vi phạm hoặc quá thời hạn tạm dừng ghi trong thông báo tạm dừng hoạt động đo lường không phù hợp quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này mà cơ sở không hoàn thành các biện pháp khắc phục thì tùy theo mức độ vi phạm, quy mô ảnh hưởng, việc xử lý thực hiện như sau:

a) Đoàn kiểm tra hoặc cơ quan chủ trì kiểm tra yêu cầu nhân viên kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm, tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm dừng ngay hành vi vi phạm;

b) Trưởng đoàn kiểm tra hoặc đại diện cơ quan chủ trì kiểm tra lập biên bản niêm phong (theo Mẫu 8. BBNP tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này) và tổ chức niêm phong (tem niêm phong theo Mẫu 9. TNP tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này) chuẩn đo lường, trang thiết bị để kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm không phù hợp quy định. Trường hợp nhân viên kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm, đại diện tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm được kiểm tra không ký biên bản thì trưởng đoàn kiểm tra hoặc đại diện cơ quan chủ trì kiểm tra ghi rõ trong biên bản “đại diện cơ sở không ký biên bản”. Biên bản có chữ ký của trưởng đoàn kiểm tra hoặc đại diện cơ quan chủ trì kiểm tra vẫn có giá trị pháp lý. Trong thời gian ba (03) ngày làm việc, cơ quan chủ trì kiểm tra ra thông báo dừng hoạt động đo lường không phù hợp quy định;

c) Trong thời gian ba (03) ngày làm việc, đoàn kiểm tra hoặc cơ quan chủ trì kiểm tra chuyển hồ sơ kiểm tra về Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng để Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng xử lý theo quy định của pháp luật về đo lường.

Hồ sơ chuyển Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng bao gồm: Quyết định kiểm tra; biên bản kiểm tra; các giấy tờ, chứng cứ có liên quan khẳng định hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm không phù hợp; biên bản niêm phong; thông báo tạm dừng hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm; biên bản vi phạm hành chính; công văn của cơ quan chủ trì kiểm tra đề nghị Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng xử lý theo quy định của pháp luật về đo lường.

Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng xử lý theo quy định và thông báo kết quả xử lý cho cơ quan chủ trì kiểm tra để phối hợp;

d) Xử lý vi phạm hành chính thực hiện theo quy định của pháp luật.

Chương VI

KIỂM TRA ĐẶC THÙ

Điều 27. Đối tượng kiểm tra đặc thù

1. Phương tiện đo được sử dụng đo xăng dầu.

2. Phép đo xăng dầu.

3. Hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm.

4. Theo yêu cầu quản lý nhà nước về đo lường từng thời kỳ, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định đối tượng kiểm tra đặc thù.

Điều 28. Cơ quan tổ chức thực hiện kiểm tra đặc thù

1. Bộ Khoa học và Công nghệ căn cứ yêu cầu quản lý nhà nước về đo lường trên phạm vi cả nước và kiến nghị của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện kiểm tra đặc thù trên phạm vi cả nước.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ yêu cầu quản lý nhà nước về đo lường tại địa phương, kiến nghị của Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh và các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tổ chức thực hiện kiểm tra đặc thù tại địa phương.

Điều 29. Cơ quan chủ trì thực hiện kiểm tra đặc thù

1. Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chủ trì thực hiện kiểm tra đặc thù đối với phương tiện đo được sử dụng đo xăng dầu, phép đo xăng dầu trên địa bàn địa phương.

2. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chủ trì thực hiện kiểm tra đặc thù đối với phương tiện đo được sử dụng đo xăng dầu, phép đo xăng dầu, hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm trên phạm vi cả nước.

Điều 30. Nội dung kiểm tra đặc thù

Cơ quan chủ trì thực hiện kiểm tra đặc thù căn cứ đối tượng, phạm vi kiểm tra đặc thù được giao, quyết định nội dung kiểm tra đặc thù tương ứng với loại hình kiểm tra (kiểm tra trong sử dụng hoặc kiểm tra hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm) quy định tại Chương IV hoặc Chương V của Thông tư này.

Điều 31. Phương tiện kiểm tra đặc thù

1. Phương tiện kiểm tra đặc thù gồm phương tiện giao thông, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật chuyên dùng để thực hiện lấy mẫu kiểm tra.

2. Phương tiện giao thông, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật chuyên dùng quy định tại Khoản 1 Điều này được trang bị, sử dụng phù hợp với hướng dẫn kỹ thuật nghiệp vụ của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, của nhà sản xuất, nhập khẩu.

3. Trường hợp phương tiện giao thông chuyên dùng để thực hiện kiểm tra đặc thù cần được hoán cải, ngụy trang cho phù hợp với mục đích kiểm tra đặc thù thì việc hoán cải, ngụy trang phương tiện giao thông đó thực hiện theo quy định tại Thông tư số 29/2012/TT-BGTVT ngày 30 tháng 7 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành quy định về cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 32. Trình tự, thủ tục kiểm tra đặc thù

1. Đoàn kiểm tra được sử dụng phương tiện kiểm tra đặc thù thực hiện lấy mẫu, kiểm tra trước khi xuất trình quyết định kiểm tra. Quyết định kiểm tra nhà nước về đo lường phải ghi rõ chế độ kiểm tra đặc thù.

2. Các bước kiểm tra tiếp theo được thực hiện theo trình tự, thủ tục tương ứng với loại hình kiểm tra (kiểm tra trong sử dụng hoặc kiểm tra hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm) quy định tại Chương IV hoặc Chương V của Thông tư này.

3. Kết quả kiểm tra thu được thông qua sử dụng phương tiện kiểm tra đặc thù là cơ sở pháp lý để xử lý hành vi vi phạm về đo lường của tổ chức, cá nhân.

4. Việc xử lý vi phạm trong quá trình kiểm tra đặc thù thực hiện theo quy định xử lý vi phạm trong quá trình kiểm tra tương ứng với loại hình kiểm tra (kiểm tra trong sử dụng hoặc kiểm tra hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm) tại Chương IV hoặc Chương V của Thông tư này.

Điều 33. Trang bị, duy trì, sử dụng phương tiện kiểm tra đặc thù, lấy mẫu kiểm tra đặc thù

1. Việc trang bị phương tiện giao thông, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật chuyên dùng để thực hiện kiểm tra đặc thù thực hiện theo nhiệm vụ, dự án do cấp có thẩm quyền phê duyệt. Cơ quan thực hiện kiểm tra đặc thù triển khai thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định hiện hành của nhà nước về đấu thầu, mua sắm hàng hóa.

2. Việc quản lý và sử dụng phương tiện giao thông, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật chuyên dùng để thực hiện kiểm tra đặc thù được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý tài sản nhà nước.

3. Kinh phí trang bị, duy trì, sử dụng phương tiện giao thông, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật chuyên dùng để thực hiện kiểm tra đặc thù được bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm của Bộ Khoa học và Công nghệ, của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

4. Kinh phí lấy mẫu kiểm tra đặc thù thực hiện theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 86/2012/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đo lường và áp dụng theo quy định tại Thông tư liên tịch số 28/2010/TTLT-BTC-BKHCN ngày 03 tháng 3 năm 2010 của Bộ Tài chính và Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí đối với hoạt động kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm. Kinh phí lấy mẫu kiểm tra đặc thù được giao theo nhiệm vụ chi đặc thù hàng năm hoặc đột xuất cho cơ quan thực hiện kiểm tra đặc thù.

Chương VII

TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN NHÀ NƯỚC, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN

Điều 34. Trách nhiệm của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

1. Ban hành văn bản kỹ thuật đo lường về trình tự, thủ tục kiểm tra kỹ thuật đo lường đối với từng đối tượng kiểm tra cụ thể.

2. Thực hiện kiểm tra nhà nước về đo lường theo phân công tại Nghị định số 86/2012/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đo lường và quy định tại Thông tư này.

3. Phê duyệt chương trình, tài liệu đào tạo và tổ chức thực hiện đào tạo nghiệp vụ kiểm tra nhà nước về đo lường.

4. Hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ kỹ thuật về kiểm tra cho Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Ủy ban nhân dân cấp huyện.

5. Kiểm tra hoạt động kiểm tra nhà nước về đo lường của Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, của Ủy ban nhân dân cấp huyện.

6. Tổng hợp, xử lý kết quả hoạt động kiểm tra và định kỳ hàng năm hoặc đột xuất theo yêu cầu, báo cáo Bộ Khoa học và Công nghệ tình hình thực hiện hoạt động kiểm tra nhà nước về đo lường.

Điều 35. Trách nhiệm của Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

1. Phê duyệt kế hoạch và bảo đảm kinh phí cho hoạt động kiểm tra nhà nước về đo lường của Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng; tổ chức thực hiện kế hoạch đó sau khi được phê duyệt.

2. Chỉ đạo Thanh tra Khoa học và Công nghệ của Sở phối hợp tham gia, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đo lường trong quá trình kiểm tra nhà nước về đo lường theo quy định.

3. Định kỳ hàng năm hoặc đột xuất theo yêu cầu, báo cáo Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tình hình thực hiện hoạt động kiểm tra nhà nước về đo lường trên địa bàn.

Điều 36. Trách nhiệm của Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

1. Chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về đo lường theo phân cấp trên địa bàn địa phương và quy định tại Thông tư này.

2. Xây dựng, trình Sở Khoa học và Công nghệ phê duyệt kế hoạch kiểm tra nhà nước về đo lường hàng năm.

3. Thực hiện kiểm tra nhà nước về đo lường theo phân công tại Nghị định số 86/2012/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đo lường và quy định tại Thông tư này; giải quyết khiếu nại, tố cáo về đo lường theo quy định của pháp luật.

4. Hướng dẫn về nghiệp vụ chuyên môn kiểm tra nhà nước về đo lường cho các cơ quan, cá nhân thực hiện kiểm tra ở cấp huyện, cấp xã và các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

5. Định kỳ kiểm tra, giám sát hoạt động kiểm tra nhà nước về đo lường của Ủy ban nhân dân cấp huyện.

6. Định kỳ hàng năm hoặc đột xuất theo yêu cầu, báo cáo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Sở Khoa học và Công nghệ tình hình thực hiện hoạt động kiểm tra nhà nước về đo lường trên địa bàn.

Điều 37. Trách nhiệm của Ủy ban nhân cấp huyện

1. Chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về đo lường theo phân cấp trên địa bàn và quy định tại Thông tư này.

2. Phê duyệt kế hoạch kiểm tra nhà nước về đo lường hàng năm trên địa bàn sau khi có ý kiến của Sở Khoa học và Công nghệ.

3. Bảo đảm kinh phí cho hoạt động kiểm tra nhà nước về đo lường.

4. Chủ trì, phối hợp với cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan kiểm tra nhà nước về đo lường theo phân công tại Nghị định số 86/2012/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đo lường và quy định tại Thông tư này.

5. Giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về đo lường theo quy định của pháp luật.

6. Định kỳ hàng năm hoặc đột xuất theo yêu cầu, báo cáo Sở Khoa học và Công nghệ tình hình thực hiện hoạt động kiểm tra nhà nước về đo lường trên địa bàn.

Điều 38. Trách nhiệm của Ủy ban nhân cấp xã

1. Chịu trách nhiệm kiểm tra nhà nước về đo lường trên địa bàn theo quy định tại Thông tư này.

2. Phối hợp với Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và các cơ quan liên quan thực hiện thanh tra, kiểm tra về đo lường trên địa bàn theo quy định của pháp luật; kiểm tra việc thực hiện biện pháp khắc phục của cơ sở được kiểm tra theo thông báo của cơ quan chủ trì kiểm tra.

3. Tuyên truyền, phổ biến quy định về kiểm tra nhà nước về đo lường tại Thông tư này.

4. Giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về đo lường theo quy định của pháp luật.

Điều 39. Trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác có liên quan

1. Cơ quan Hải quan tại các cửa khẩu có trách nhiệm thông báo và hướng dẫn cơ sở nhập khẩu về việc đăng ký kiểm tra nhà nước về đo lường đối với phương tiện đo, hàng đóng gói sẵn khi nhập khẩu theo quy định tại Thông tư này.

2. Cơ quan Thanh tra Khoa học và Công nghệ, Công an, Hải quan, Quản lý thị trường và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác chịu trách nhiệm phối hợp với cơ quan thực hiện kiểm tra trong kiểm tra nhà nước về đo lường và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

3. Cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác có liên quan chịu trách nhiệm phối hợp thực hiện kiểm tra nhà nước về đo lường theo phân công, phân cấp tại Nghị định số 86/2012/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đo lường và quy định tại Thông tư này.

Điều 40. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân được kiểm tra

1. Thực hiện yêu cầu của đoàn kiểm tra trong quá trình kiểm tra; chấp hành kết luận kiểm tra của cơ quan, người có thẩm quyền.

2. Chủ động kiểm tra, kiểm soát đối với: Quá trình sản xuất, nhập khẩu, lưu thông, sử dụng chuẩn đo lường, phương tiện đo, lượng của hàng đóng gói sẵn; quá trình thực hiện phép đo; hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường của cơ sở để bảo đảm phù hợp với yêu cầu quy định.

3. Dừng ngay hành vi vi phạm pháp luật, thực hiện biện pháp khắc phục trong thời hạn được yêu cầu. Không được tẩu tán, tiêu thụ hoặc thay đổi đối tượng kiểm tra mà chưa có kết luận và cho phép của cơ quan thực hiện kiểm tra.

Chương VIII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 41. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2014.

2. Bãi bỏ hiệu lực thi hành của Quyết định số 31/2002/QĐ-BKHCNMT ngày 17 tháng 5 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ) về việc ban hành “Quy định về đo lường đối với các phép đo trong thương mại bán lẻ”.

Điều 42. Tổ chức thực hiện

1. Trường hợp kết hợp kiểm tra nhà nước về đo lường và kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, cơ quan kiểm tra được kết hợp thực hiện quy định tại Thông tư này và quy định về kiểm tra của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

2. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chịu trách nhiệm hướng dẫn thực hiện Thông tư này.

3. Cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

4. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh về Bộ Khoa học và Công nghệ (qua Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) để nghiên cứu, giải quyết./.


Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Các Phó Thủ tướng CP (để báo cáo);
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc TƯ;
- Sở KHCN, Chi cục TCĐLCL các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ;
- Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Lưu: VT, PC, TĐC .

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Việt Thanh

PHỤ LỤC

CÁC MẪU BIỂU

(Ban hành kèm theo Thông tư số 28/2013/TT-BKHCN ngày 17 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ)

1. Đăng ký kiểm tra nhà nước về đo lường

Mẫu 1. ĐKKT
28/2013/TT-BKHCN

2. Phiếu tiếp nhận hồ sơ đăng ký kiểm tra nhà nước về đo lường

Mẫu 2. PTNHSĐK
28/2013/TT-BKHCN

3. Thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về đo lường

Mẫu 3. TBKQKT
28/2013/TT-BKHCN

4. Quyết định kiểm tra nhà nước về đo lường

Mẫu 4. QĐKTĐL
28/2013/TT-BKHCN

5. Biên bản kiểm tra về đo lường:

Mẫu 5. BBKT
28/2013/TT-BKHCN

6. Thông báo tạm dừng hoạt động đo lường không phù hợp

Mẫu 6. TBTDHĐ
28/2013/TT-BKHCN

7. Thông báo hoạt động đo lường được tiếp tục thực hiện

Mẫu 7. TBTTHĐ
28/2013/TT-BKHCN

8. Biên bản niêm phong

Mẫu 8. BBNP
28/2013/TT-BKHCN

9. Tem niêm phong

Mẫu 9. TNP
28/2013/TT-BKHCN

10. Thông báo gửi cơ quan thông tin đại chúng

Mẫu 10. TBTTĐC
28/2013/TT-BKHCN

11. Biên bản vi phạm hành chính về đo lường

Mẫu 11.BBVPHC
28/2013/TT-BKHCN

Mẫu 1. ĐKKT
28/2013/TT-BKHCN

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

ĐĂNG KÝ KIỂM TRA NHÀ NƯỚC VỀ ĐO LƯỜNG

Kính gửi: ……………………………… (Tên Cơ quan kiểm tra) ………………………

Cơ sở nhập khẩu: …………………………………………………………………………

Địa chỉ: ………………………………………………………………………………………

Điện thoại: …………………………………………………. Fax: …………………………

Đăng ký kiểm tra nhà nước về đo lường đối với (phương tiện đo, lượng của hàng đóng gói sẵn) sau:

Số TT

Tên đối tượng, nhãn hiệu, kiểu loại

Đặc tính kỹ thuật

Xuất xứ, Nhà sản xuất

Khối lượng/ số lượng

Cửa khẩu nhập

Thời gian nhập khẩu

Địa điểm lưu giữ (phương tiện đo, hàng đóng gói sẵn):………………………………

Hồ sơ kèm theo gồm có các bản sao (có xác nhận sao y bản chính của cơ sở nhập khẩu) sau đây:

□ Hợp đồng (Contract) số:

□ Danh mục hàng hóa (Packing list): ……………………………………………………

□ Tờ khai hàng hóa nhập khẩu số: ………………………………………………………

□ Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) số: ……………………………………………………

Chúng tôi xin cam đoan và chịu trách nhiệm các đối tượng nhập khẩu phù hợp với yêu cầu kỹ thuật đo lường quy định.

Vào sổ đăng ký: số:….. / (1)
Ngày ... tháng ... năm ...
ĐẠI DIỆN CƠ QUAN KIỀM TRA
(ký tên, đóng dấu)

…, ngày... tháng ... năm....
ĐẠI DIỆN CƠ SỞ NHẬP KHẨU
(ký tên, đóng dấu)

(1): Viết tắt tên cơ quan kiểm tra.

Mẫu 2. PTNHSĐK
28/2013/TT-BKHCN

TÊN CƠ QUAN CHỦ QUẢN
TÊN CƠ QUAN KIỂM TRA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: /TN-(1)

…, ngày … tháng … năm …

PHIẾU TIẾP NHẬN HỒ SƠ
ĐĂNG KÝ KIỂM TRA NHÀ NƯỚC VỀ ĐO LƯỜNG

Cơ sở nhập khẩu: …………………………………………………………………………

Địa chỉ:.………………………………………………………………………………………

Điện thoại: …………………………………………………… Fax: ………………………

Đã nộp hồ sơ đăng ký kiểm tra nhà nước về đo lường đối với (phương tiện đo, lượng của hàng đóng gói sẵn) như sau:

STT

HẠNG MỤC KIỂM TRA

Có/Không

Ghi chú

1

Giấy đăng ký kiểm tra nhà nước đo lường

2

Hợp đồng (Contract) (bản photocopy).

3

Danh mục hàng hóa (Packing list) kèm theo hợp đồng (bản photocopy).

4

Tờ khai hàng hóa nhập khẩu

5

Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O)

KẾT LUẬN

Hồ sơ đầy đủ về số lượng: □ tiếp nhận hồ sơ để kiểm tra các bước tiếp theo.

Hồ sơ không đầy đủ về số lượng: □ tiếp nhận hồ sơ nhưng cần bổ sung các mục: ….. trong thời gian ………... ngày. Sau khi hồ sơ đầy đủ thì kiểm tra các bước tiếp theo theo quy định./.

Người nộp hồ sơ

Người tiếp nhận

(1): Viết tắt tên cơ quan kiểm tra.

Mẫu 3. TBKQKT
28/2013/TT-BKHCN

TÊN CƠ QUAN CHỦ QUẢN
TÊN CƠ QUAN KIỂM TRA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: /TB-(1)

…, ngày … tháng … năm …

THÔNG BÁO KẾT QUẢ KIỀM TRA NHÀ NƯỚC VỀ ĐO LƯỜNG

1. Đối tượng kiểm tra:

2. Nhãn hiệu, kiểu loại: ……………………………………………………………………

3. Đặc tính kỹ thuật: ………………………………………………………………………

4. Xuất xứ/ Nhà sản xuất: ………………………………………………………………..

5. Khối lượng/Số lượng: ………………………………………………………………….

6. Cửa khẩu nhập: …………………………………………………………………………

7. Thời gian nhập khẩu: ……………………………………………………………………

8. Thuộc lô hàng có các chứng từ sau: ………………………………………………….

- Hợp đồng số: ………………………………………………………………………………

- Danh mục hàng hóa số: ………………………………………………………………….

- Giấy chứng nhận xuất xứ số (C/O): …………………………………………………….

- Tờ khai hàng nhập khẩu số: …………………………………………………………….

9. Cơ sở nhập khẩu: ……………………………………………………………………….

10. Số đăng ký: ……………………… ngày ... tháng ... năm ...

11. Địa điểm lưu giữ: …………………………..

12. Căn cứ kiểm tra: ………. Yêu cầu kỹ thuật đo lường ………………………………

KẾT QUẢ KIỂM TRA

(Số lượng, tên, nhãn hiệu, kiểu loại phương tiện đo, hàng đóng sói sẵn)
Đạt (hoặc không đạt) yêu cầu kỹ thuật đo lường.


Nơi nhận:
- Cơ sở nhập khẩu;
- Hải quan cửa khẩu;
- Lưu VT; cơ quan kiểm tra.

THỦ TRƯỞNG
CƠ QUAN KIỂM TRA
(ký tên, đóng dấu)

(1): Viết tắt tên cơ quan kiểm tra.

Mẫu 4. QĐKTĐL
28/2013/TT-BKHCN

TÊN CƠ QUAN CHỦ QUẢN
TÊN CƠ QUAN RA QUYẾT ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: /QĐ-(1)

…, ngày … tháng … năm …

QUYẾT ĐỊNH

Kiểm tra nhà nước về đo lường

NGƯỜI RA QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ Luật Đo lường ngày 11/11/2011;

Căn cứ Nghị định số 86/2012/NĐ-CP ngày 19/10/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đo lường;

Căn cứ Thông tư số 28/2013/TT-BKHCN ngày 17 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định kiểm tra nhà nước về đo lường;

Căn cứ ... (2);

Căn cứ ...(3),

Xét nội dung ...(4),

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Kiểm tra sự phù hợp với các quy định của pháp luật về đo lường

Đối tượng kiểm tra: ...

Nội dung kiểm tra: ...

Cơ sở được kiểm tra, địa bàn kiểm tra liên quan:...

Hình thức kiểm tra: ...

Chế độ kiểm tra: ...

Thời hạn kiểm tra: ... ngày, kể từ ngày công bố Quyết định kiểm tra.

Điều 2. Thành lập Đoàn kiểm tra gồm các ông, bà có tên sau đây:

1. Họ và tên, chức vụ Trưởng đoàn

2. Họ và tên, chức vụ Thành viên

3. Họ và tên, chức vụ Thành viên

Điều 3. Trong quá trình kiểm tra, trưởng đoàn kiểm tra và các thành viên đoàn kiểm tra có trách nhiệm tuân thủ các quy định pháp luật về đo lường, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực của kết quả kiểm tra, có quyền xử lý theo quy định tại Điều 48 Luật Đo lường, Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Đối tượng liên quan có nghĩa vụ đáp ứng yêu cầu của đoàn kiểm tra, có quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Đoàn kiểm tra và tổ chức, cá nhân liên quan đến đối tượng kiểm tra nêu tại Điều 1 có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Cơ quan phối hợp (nếu có);
- Lưu VT, ...

NGƯỜI RA QUYẾT ĐỊNH
(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

___________________

(1): Chữ viết tắt tên cơ quan ra quyết định.
(2): Chương trình kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt (đối với kiểm tra theo chương trình, kế hoạch).
(3): Văn bản quy định về chức năng, nhiệm vụ của cơ quan ban hành Quyết định kiểm tra.
(4): Đơn tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về đo lường (nếu có).

Mẫu 5. BBKT
28/2013/TT-BKHCN

CƠ QUAN THỰC HIỆN KIỂM TRA
ĐOÀN KIỂM TRA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

…, ngày … tháng … năm …

BIÊN BẢN KIỂM TRA

về đo lường

Căn cứ Luật Đo lường ngày 11/11/2011;

Căn cứ Nghị định số 86/2012/NĐ-CP ngày 19/10/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đo lường;

Căn cứ Thông tư số 28/2013/TT-BKHCN ngày 17 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định kiểm tra nhà nước về đo lường;

Đoàn kiểm tra về đo lường được thành lập theo Quyết định kiểm tra số ... ngày ... tháng ... năm ... của ... (1) đã tiến hành kiểm tra từ ngày ... tháng ... năm ... đến ngày ... tháng ... năm đối với (ghi đối tượng được kiểm tra)... của:

- Ông (Bà)/Tổ chức: ………………………………………………………………………

- Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú (hoặc nơi đóng trụ sở chính của tổ chức): ……………… Số điện thoại: ………………… Số Fax: …………….

- Giấy chứng minh nhân dân/hộ chiếu (hoặc Đăng ký kinh doanh/Quyết định thành lập) số: ……… Do …………… Cấp ngày: ……………. Nơi cấp: ………………………………

Đại diện theo pháp luật: …………………………………………………………………

Địa chỉ: ……………………… Số điện thoại: ……………….. Số Fax: ………………

Thành phần đoàn Kiểm tra gồm:

1. ………………………………………………………………………… Trưởng đoàn

2. …………………………………………………………………………Thành viên

3. ………………………………………………………………………… Thành viên

Đại diện cơ sở được kiểm tra gồm:

1. ……………………………………………………………………………………………

2. ……………………………………………………………………………………………

Với sự tham gia của:

1. ……………………………………………………………………………………………

2. ……………………………………………………………………………………………

I. Nội dung kiểm tra: (Các nội dung cụ thể đoàn kiểm tra đã thực hiện)

………………………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………………

II. Nhận xét và kết luận:

………………………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………………

III. Các hình thức xử lý hoặc đề nghị xử lý:

………………………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………………

IV. Các yêu cầu kiến nghị:

………………………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………………

V. Ý kiến của cơ sở được kiểm tra:

………………………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………………

Biên bản được lập vào hồi... giờ ... ngày ... tháng ... năm ... tại...

Biên bản gồm ... trang được lập thành ... bản có nội dung và giá trị pháp lý như nhau, mỗi bên giữ một (01) bản sau khi đã đọc kỹ nội dung và cùng ký xác nhận vào từng trang của biên bản./.

ĐẠI DIỆN CƠ SỞ ĐƯỢC KIỂM TRA
(Ký, ghi rõ họ tên)

TRƯỞNG ĐOÀN KIỂM TRA
(Ký, ghi rõ họ tên)

(1): Ghi tên cơ quan ra quyết định kiểm tra

Mẫu 6. TBTDHĐ
28/2013/TT-BKHCN

TÊN CƠ QUAN CHỦ QUẢN
TÊN CƠ QUAN KIỂM TRA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: /TB-(1)

…, ngày … tháng … năm …

THÔNG BÁO

TẠM DỪNG HOẠT ĐỘNG ĐO LƯỜNG KHÔNG PHÙ HỢP

Kính gửi: (Tên Cơ sở )

Căn cứ Luật Đo lường ngày 11 tháng 11 năm 2011;

Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đo lường;

Căn cứ Thông tư số 28/2013/TT-BKHCN ngày 17 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định kiểm tra nhà nước về đo lường;

Căn cứ Biên bản kiểm tra ngày ... tháng ... năm ... tại

Căn cứ Kết quả kiểm tra (nếu có),

.... (2).... THÔNG BÁO

1. Tạm dừng việc .... (tên đối tượng bị tạm dừng, số lượng) …………….. của:

- Tên tổ chức, cá nhân (cơ sở được kiểm tra)

- Địa chỉ trụ sở chính: …………..

- Lý do tạm dừng: ...................

2. ... (3) ... có trách nhiệm thực hiện các biện pháp xử lý, khắc phục, sửa chữa trong thời hạn ……….. ngày. (Đối tượng bị tạm dừng) nêu trên chỉ được phép tiếp tục …………. nếu ... (3) ...đã thực hiện hành động khắc phục đạt yêu cầu, báo cáo với cơ quan kiểm tra và được cơ quan kiểm tra ra thông báo tiếp tục hoạt động đo lường.

3. Thông báo này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Đoàn kiểm tra, chịu trách nhiệm thi hành Thông báo này./.


Nơi nhận:
- Như trên (để thực hiện);
- UBND xã/phường (nơi cơ sở được kiểm tra đăng ký địa chỉ trụ sở chính) (để ph/hợp);
- Cơ quan có liên quan (để ph/hợp);
- Lưu VT, (.... đơn vị soạn thảo).

THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN KIỂM TRA
(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

(1): Viết tắt tên cơ quan kiểm tra.
(2): Tên cơ quan kiểm tra.
(3): Tên cơ sở có đối tượng bị tạm dừng.

Mẫu 7. TBTTHĐ
28/2013/TT-BKHCN

TÊN CƠ QUAN CHỦ QUẢN
TÊN CƠ QUAN KIỂM TRA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: /TB-(1)

…, ngày … tháng … năm …

THÔNG BÁO

HOẠT ĐỘNG ĐO LƯỜNG ĐƯỢC PHÉP TIẾP TỤC THỰC HIỆN

Kính gửi: (Tên Cơ sở )

Căn cứ Luật Đo lường ngày 11 tháng 11 năm 2011;

Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đo lường;

Căn cứ Thông tư số 28/2013/TT-BKHCN ngày 17 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định kiểm tra nhà nước về đo lường;

Căn cứ Biên bản kiểm tra ngày ... tháng ... năm ... tại

Căn cứ Kết quả kiểm tra (nếu có),

Căn cứ Thông báo tạm dừng hoạt động đo lường không phù hợp số ... ngày ... tháng ... năm …;

Căn cứ kết quả hành động khắc phục đối với ..(2)...

... (3) THÔNG BÁO

1. (Tên đối tượng kiểm tra bị tạm dừng) số lượng ...(nếu có) của:

- Tên cơ sở được kiểm tra

- Địa chỉ:

Được tiếp tục …(2)…………………..

2. Thông báo này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Đoàn kiểm tra, ...(tên Cơ sở)... chịu trách nhiệm thi hành Thông báo này./.


Nơi nhận:
- Như trên (để thực hiện);
- Cơ quan liên quan (để phối hợp);
- Lưu VT, (....đơn vị soạn thảo).

THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN KIỂM TRA
(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

(1): Viết tắt tên cơ quan kiểm tra.
(2): Ghi tên hoạt động đo lường được tiếp tục thực hiện.
(3): Cơ quan kiểm tra.

Mẫu 8. BBNP
28/2013/TT-BKHCN

TÊN CƠ QUAN CHỦ QUẢN
TÊN ĐƠN VỊ
LẬP BIÊN BẢN(1)
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

…, ngày … tháng … năm …

BIÊN BẢN NIÊM PHONG

Căn cứ Luật Đo lường ngày 11 tháng 11 năm 2011;

Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đo lường;

Căn cứ Thông tư số 28/2013/TT-BKHCN ngày 17 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định kiểm tra nhà nước về đo lường;

Căn cứ Thông báo tạm dừng hoạt động đo lường không phù hợp quy định số .... ngày... tháng ... năm…;

Hôm nay, hồi ... giờ ... ngày... tháng ... năm ...

Chúng tôi gồm:

Đại diện (1)

- Họ và tên: ... Chức vụ: ...

- Họ và tên: ... Chức vụ: ...

…………………………………………………..

Đại diện cơ sở được kiểm tra

- Họ và tên: ... Chức vụ: ...

Tiến hành niêm phong ... (tên đối tượng bị niêm phong) ... số lượng ... lưu giữ tại địa chỉ...

Tình trạng (tên đối tượng bị niêm phong) khi niêm phong: ...

Biên bản này được lập thành hai (02) bản có nội dung và giá trị như nhau, một (01) bản lưu tại cơ quan thực hiện kiểm tra, một (01) bản lưu tại cơ sở được kiểm tra.

Đại diện cơ sở được kiểm tra
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

Đại diện (1)
(Ký, ghi rõ họ tên)

Thành viên
(Ký, ghi rõ họ tên)

(1): Ghi tên đơn vị (đoàn kiểm tra hoặc tên cơ quan kiểm tra) lập biên bản niêm phong.

Mẫu 9. TNP

28/2013/TT-BKHCN

TEM NIÊM PHONG MẪU (1)

Tên mẫu ……………………………………………………………………………………

Tên cơ sở được lấy mẫu …………………………………………………………………

Địa chỉ ………………………………………………………………………………………

Ngày lấy mẫu ………………………………………………………………………………

Biên bản lấy mẫu số ……………. ngày ... tháng ... năm ...

NGƯỜI LẤY MẪU
(Ký, ghi rõ họ tên)

ĐẠI DIỆN CƠ SỞ ĐƯỢC LẤY MẪU
(Ký,ghi rõ họ tên)

(1): Đóng dấu của cơ quan kiểm tra.

Mẫu 10. TBTTĐC
28/2013/TT-BKHCN

TÊN CƠ QUAN CHỦ QUẢN
CƠ QUAN KIỂM TRA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: /TB-(1)

…, ngày … tháng … năm 20 …

THÔNG BÁO

GỬI CƠ QUAN THÔNG TIN ĐẠI CHÚNG

Căn cứ Luật Đo lường ngày 11 tháng 11 năm 2011;

Căn cứ Nghị định số 86/2012/NĐ-CP ngày 19 tháng^ 10 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đo lường;

Căn cứ Thông tư số 28/2013/TT- BKHCN ngày 17 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định kiểm tra nhà nước về đo lường;

Căn cứ kết quả kiểm tra nhà nước về đo lường theo Quyết định kiểm tra số ……………. ngày ….

... (2)... THÔNG BÁO

- Tên (3) ……….

- Thông số (4): ………………

- Của cơ sở: ……………. (tên cơ sở) …………………

- Địa chỉ: ………………………………………………….

- Không đạt yêu cầu quy định vì lý do: ………………….


Nơi nhận:
- Cơ quan thông tin đại chúng;
- Lưu: VT, (.... đơn vị soạn thảo).

THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN KIỂM TRA
(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

(1): Chữ viết tắt tên cơ quan ra thông báo.
(2): Tên cơ quan ra thông báo.
(3): Ghi rõ tên đối tượng (chuẩn đo lường; phương tiện đo; phép đo; lượng của hàng đóng gói sẵn; hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường).
(4): Ghi rõ đặc tính kỹ thuật đo lường chính của đối tượng (chuẩn đo lường, phương tiện đo, phép đo, lượng của hàng đóng gói sẵn) hoặc lĩnh vực hoạt động (kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm).

Mẫu 11. BBVPHC

28/2013/TT-BKHCN

TÊN CƠ QUAN CHỦ QUẢN
TÊN CƠ QUAN LẬP BIÊN BẢN (1)
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:.../BB-VPHC

…(2), ngày … tháng … năm …

BIÊN BẢN VI PHẠM HÀNH CHÍNH

Về đo lường

Căn cứ ………………………………………………………………………………… (3)

Hôm nay, hồi... giờ ... ngày ... tháng ... năm……………., tại …………………………

Chúng tôi gồm: (4) …………………………………………………………………………

Với sự chứng kiến của: (5) ………………………………………………………………..

Tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với: (6)

Ông (Bà)/Tổ chức: …………………………………………………………………………

Ngày ... tháng ... năm sinh ……………….. Quốc tịch: …………………………………

Nghề nghiệp/lĩnh vực hoạt động: …………………………………………………………

Địa chỉ:………………………………………………………………………………………

Giấy CMND hoặc hộ chiếu/Quyết định thành lập hoặc ĐKKD số: ……………………

Cấp ngày: ………………………………… Nơi cấp: …………………………………….

Đã có các hành vi vi phạm hành chính: (7) ……………………………………………..

Quy định tại (8)………………………………………………………………………………

Cá nhân/tổ chức bị thiệt hại: (9) …………………………………………………………

Ý kiến trình bày của cá nhân/đại diện tổ chức vi phạm:

………………………………………………………………………………………………

Ý kiến trình bày của người chứng kiến:

………………………………………………………………………………………………

Ý kiến trình bày của cá nhân/tổ chức bị thiệt hại:

………………………………………………………………………………………………

Chúng tôi đã yêu cầu ông (bà)/tổ chức vi phạm chấm dứt ngay hành vi vi phạm.

Các biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và bảo đảm xử lý vi phạm được áp dụng gồm:

………………………………………………………………………………………………

Tang vật, phương tiện, giấy tờ bị tạm giữ gồm; (10)

………………………………………………………………………………………………

Ngoài những tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và các giấy tờ nêu trên, chúng tôi không tạm giữ thêm thứ gì khác.

Biên bản lập xong hồi … giờ ... ngày ... tháng ... năm gồm ... tờ, được lập thành ... bản có nội dung, giá trị như nhau; đã đọc lại cho những người có tên trên cùng nghe, công nhận là đúng và cùng ký tên dưới đây; giao cho cá nhân vi phạm/đại diện tổ chức vi phạm 01 bản. (11)

Lý do không ký biên bản: …………………………………………………………………

Cá nhân/Tổ chức vi phạm gửi văn bản yêu cầu được giải trình đến ông/bà (12) …………………. trước ngày ... tháng ... năm …………………….. để thực hiện quyền giải trình.

NGƯỜI HOẶC ĐẠI DIỆN
TỔ CHỨC VI PHẠM

(Ký, ghi rõ họ tên)

NGƯỜI CHỨNG KIẾN
(Ký, ghi rõ họ tên)

NGƯỜI LẬP BIÊN BẢN
(Ký, ghi rõ chức vụ, họ tên)

ĐẠI DIỆN CHÍNH QUYỀN
(Ký, ghi rõ chức vụ, họ tên)

NGƯỜI BỊ THIỆT HẠI
(Ký, ghi rõ họ tên)

_______________________

(1): Ghi tên theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính (lưu ý: riêng đối với văn bản của UBND cấp xã thì phải ghi rõ cấp tỉnh, cấp huyện; UBND cấp huyện thì phải ghi rõ cấp tỉnh).

(2): Ghi địa danh theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính.

(3): Ghi các căn cứ của việc lập biên bản (như: kết luận thanh tra, biên bản làm việc, kết quả ghi nhận của phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 64 Luật xử lý vi phạm hành chính... .).

(4): Ghi họ tên, cấp bậc, chức vụ, đơn vị của người lập biên bản.

(5): Ghi họ tên, nghề nghiệp, địa chỉ của người chứng kiến. Nếu có đại diện chính quyền ghi rõ họ tên, chức vụ.

(6): Ghi họ tên người vi phạm hoặc họ tên, chức vụ của đại diện tổ chức vi phạm.

(7): Ghi tóm tắt hành vi vi phạm (ngày, giờ, tháng, năm, địa điểm, xảy ra vi phạm, mô tả hành vi vi phạm).

(8): Ghi điểm, khoản, điều của nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính.

(9): Nếu là tổ chức ghi họ tên, chức vụ người đại diện cho tổ chức bị thiệt hại.

(10): Ghi rõ tên, số lượng, trọng lượng, đặc điểm, tình trạng, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại tang vật, phương tiện (nếu nhiều thì lập bản thống kê riêng).

(11): Nếu cá nhân vi phạm là người chưa thành niên, gửi cho cha mẹ hoặc người giám hộ của người đó 01 bản.

(12): Họ tên, chức vụ, đơn vị của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.

MINISTRY OF SCIENCE AND TECHNOLOGY
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
---------------

No.28/2013/TT-BKHCN

Hanoi, December 17, 2013

 

CIRCULAR

ON STATE INSPECTION OF MEASUREMENT

Pursuant to the Law on Measurement dated November 11, 2011;

Pursuant to Decree No.86/2012/ND-CP dated October 19, 2012 of the Government on guidelines for implementation of a number of articles of the Law on Measurement;

Pursuant to Decree No.20/2013/ND-CP dated February 26, 2013 of the Government on functions, duties, rights and organizational structure of the Ministry of Science and Technology;

At the request of Director General of Directorate for Standards; Metrology and Quality;

The Minister of Science and Technology promulgates a Circular on state inspection of measurement.

Chapter I

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 1. Scope

1. This Circular provides for state inspection of measurement including:

a) Inspection of measuring instruments, measurement methods and quantity of pre-packaged goods for import or in production or on sales or those in use;

b) Inspection of validation, calibration and testing of measuring instruments, measurement standards.

2. Inspection of measuring instruments, measurement standards, radiation measurement, inspection of validation, calibration and testing of measuring instruments and standards for radiation measurement, inspection of specialized measurement for national defense and security purpose shall be regulated in other legislative documents.

Article 2. Regulated entities

1. Inspection authorities

2. Importers, producers and sellers of measuring instruments and pre-packaged goods.

3. Users of measuring instruments and persons taking measurement.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5. Providers of services of validation, calibration and testing of measuring instruments and measurement standards.

6. Appointed validation, calibration, testing agencies for measuring instruments and measurement standards.

7. Regulatory agencies and other relevant organizations and individuals.

Article 3. Definition

For the purposes of this Circular, the terms below shall be construed as follows:

1. “measurement standard” refers to a technical instruments featuring and maintaining units of weights and measures against which all other measuring instruments or measurement standards are compared.

reference material” refers to a material which is sufficiently homogeneous and stable with respect to one or more specified properties. Reference materials are used in calibration and validation of measuring instruments, assessment of measurement methods or valuation of components and characteristics of other materials or substances.

2. “measuring instrument” refers to any technical instrument used for taking measurement.

3. “measurement scope” refers to the value of measuring levels (from the minimum to the maximum level) of a measuring instrument which is disclosed by the measuring instrument producer.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5. “quantity-based pre-packaged goods” (hereinafter referred to as “pre-packaged goods”) refer to goods that have been quantified based upon units of weight, volume, length, area or order number, packaged and have their quantity specified on the goods label without the customer’s presence.

6. “validation" refers to a process of assessment and confirmation of specifications of a measuring instrument under measuring technique requirements.

7. “calibration” refers to a process of determination and establishment of relationship between the value of measuring instrument and measurement standards and that of the quantity measured.

8. “testing” refers to determination of one or more than one specification of a measuring instrument or measurement standard.

9. “measuring technique requirements” refer to a set of requirements for measuring technique of the measurement standard, measuring instrument or quantity of the pre-packaged goods declared by organizations or individuals or decided by competent regulatory agencies.

10. Other terms shall be construed as specified in Article 3 of the Law on Measurement.

Article 4. Form of measurement state inspection and special inspection methods

1. Forms of state inspection for measurement

a) Regular inspection shall be carried out according to the program or plan approved by competent measurement authorities;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Special inspection means inspection conducted by using dedicated transport vehicles, technical equipment and instruments used in sampling and inspection process before the decision on inspection is presented as required by the measurement authority.

Article 5. Methods for state inspection of measurement

1. State inspection of measurement shall be conducted by the inspectorate.

2. The inspectorate shall be established by the Director of the inspection authority as specified in the decision on state inspection of measurement (according to Form No.4.QDKTDL provided in the Appendix issued thereto).

3. Components of the inspectorate include a chief inspector and members and the number of members depends on the inspection scope and is decided by Director of the inspection authority.

4. The chief inspector is a manager in the inspection authority. The chief inspector shall take charge of organizing the duty performance; assign specific task to each inspectorate’s member; take responsibility for the inspection result; record, in writing, the inspection process or make records of administrative violations as regulated; send such records to the inspection authority for decision making, transfer such documents to competent persons or authorities for handling purpose as per law provisions.

5. The inspectorate’s members include

a) technicians who possess professional skills suitable for the measurement undergoing inspection and undertake the task of inspection for measuring techniques;

b) employees of the inspection authority, persons given the task of special inspection, scientific and technological inspectors, public security forces, market managers, employees of other agencies appointed to participate in the inspectorate who perform tasks assigned by the chief inspector.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

7. The chief inspector and technicians specified in Point a and employees of the inspection authority specified in Point b Clause 5 this Article shall obtain a certificate of completion of the training course in state inspection of measurement held by the Directorate for Standards; Metrology and Quality.

Article 6. Handling of administrative violations during state inspection of measurement

Any administrative violation found during the inspection shall be handled as follows:

1. If the inspectorate has no scientific and technological inspector, member given the task of special inspection, public security force, market manager or competent person, the chief inspector shall make a record of administrative violation (according to Form No.11.BBVPHC provided in the Appendix issued thereto) and request the inspection authority to transfer such record to the competent person or competent regulatory agency or request such person or agency to handle the violation in compliance with regulations of the law on handling of administrative violations.

The document transferred to the competent person or regulatory agency shall include the transfer document of the inspection authority, inspection decision, inspection record, documents and proofs of administrative violations (if any) and administrative violation record.

2. If the inspectorate has a scientific and technological inspector, member undertaking the task of special inspection, police officer, market manager or competent person, the aforesaid person shall make an administrative violation record and handle violations as per law provisions.

3. Persons and regulatory agencies having the power to handle administrative violations (hereinafter referred to as “competent persons and regulatory agencies”) shall consider and handle such violations as per law provisions. The decision on handling of administrative violations shall be sent to the inspection authority for cooperation purpose.

Chapter II

INSPECTION IN IMPORT

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Measuring instruments requiring sample approval on the list of Group 2 measuring instrument specified in Circular No.23/2013/TT-BKHCN dated September 26, 2013 of the Minister of Science and Technology providing for measurement of group 2 measuring instruments (hereinafter referred to as group 2 measuring instruments requiring sample approval)

2. Pre-packaged goods on the list of group 2 pre-packaged goods specified in Circular of the Minister of Science and Technology on measurement of the quantity of pre-packaged goods (hereinafter referred to as “group 2 pre-packaged goods”).

3. Measuring instruments and pre-packaged goods which:

a) are reported not to comply with measuring technique requirements specified and required to undergo more inspection if they are imported by the authority conducting inspection of goods on sale and in use;

b) are requested by the measurement authority;

c) are reported not to meet the specified measuring technique requirements and may cause harm to legal rights and benefits of other organizations and individuals by domestic and foreign organizations and individuals;

d) are shown unconformable to the specified measuring technique requirements through the results of survey on measurement for measuring instruments and pre-packaged goods for sale and in use.

Article 8. Exemption from inspection in import

The following measuring instruments and pre-packaged goods may be exempt from inspection in import: personal luggage, goods used for foreign affairs purpose, exhibits in fairs, gifts; goods and supplies temporarily imported for re-export; goods in transit; goods stored in the bonded warehouse; goods processed by Vietnamese enterprises for foreign traders; supplies, equipment and machines imported serving investment projects; goods claimed to be State secrets and other non-commercial goods as regulated by laws.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. With regard to group 2 measuring instruments requiring sample approval

a) The customs authority shall grant clearance only if the importer of measuring instruments obtains a decision on grant of approval for measuring instrument sample issued by the Directorate for Standards; Metrology and Quality;

b) If the measuring instrument is permitted for import for the testing purpose serving the process of sample approval, the customs authority shall grant temporary clearance when the importer of such measuring instrument receives a document from the Directorate for Standards; Metrology and Quality which specifies that the application for registration of approval for measuring instrument sample has been received. The customs authority shall carry out administrative procedures for official customs clearance only if the measuring instrument satisfies requirements specified in Point a Clause 1 this Article.

2. With regard to quantity of group 2 pre-packaged goods

a) The customs authority shall grant customs clearance only if the pre-packaged goods have the quantity mark on their label issued by the Directorate for Standards; Metrology and Quality or Sub-Department for Standards; Metrology and Quality of province and centrally-affiliated cities (hereinafter referred to as "the Sub-department for Standards; Metrology and Quality);

b) If the pre-packaged goods are permitted for import for assessment purpose serving issuance of the certificate of eligibility for use on quantity mark on the goods label of the competent measurement authority, such pre-packaged goods shall be granted temporary customs clearance only if obtaining a document from the Directorate for Standards; Metrology and Quality or Sub-department for Standards; Metrology and Quality which specifies that the application for a certificate of eligibility for use of the quantity mark on pre-packaged goods label has been received. The customs authority shall carry out procedures for official clearance only if the pre-packaged goods satisfy requirements specified in Point a Clause 2 this Article.

3. In case the measuring instruments or pre-packaged goods are permitted for temporary clearance by the customs authority prior to inspection or measuring instruments are imported for testing purpose serving the process of sample approval, the importer shall not put such measuring instruments or pre-packaged goods on sale or in use.

4. Any violation against the aforementioned regulations shall be handled as prescribed in Article 11 hereof.

Article 10. Inspection and clearance of measuring instruments and quantity of pre-packaged goods specified in Clause 3 Article 7 hereof

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Directorate for Standards; Metrology and Quality

b) Sub-department for Standards; Metrology and Quality of the place where measuring instruments and pre-packaged goods are imported.

2. With regard to measuring instruments

a) The measuring instrument shall be granted customs clearance if the result of state inspection for measurement (according to Form No.3.TBKQKT provided in the Appendix issued thereto) sent to the importer of such instrument by the inspection authority shows that such measuring instrument meet requirements for measuring techniques;

b) The customs authority shall grant temporary customs clearance before inspection if the measuring instrument has the notice specifying that the application for registration of state inspection for measurement has been received (according to Form No.2.PTNHSDK provided in the Appendix issued thereto). The customs authority shall carry out procedures for official customs clearance only if such measuring instrument satisfies requirements specified in Point a Clause 1 this Article.

3. With regard to quantity of pre-packaged goods

a) The pre-packaged goods shall be granted customs clearance if the result of state inspection for measurement (according to Form No.3.TBKQKT provided in the Appendix issued thereto) sent to the goods importer by the inspection authority shows that the pre-packaged goods meet requirements for measuring techniques;

b) The customs authority shall grant temporary customs clearance before inspection if the pre-packaged goods have the notice specifying that the application for registration of state inspection for measurement has been received (according to Form No.2.PTNHSĐK provided in the Appendix issued thereto). The customs authority shall carry out procedures for official clearance only if the pre-packaged goods satisfy requirements specified in Point a Clause 2 this Article.

4. In case the measuring instruments or pre-packaged goods are permitted for temporary clearance by the customs authority prior to inspection, the importer shall not put such measuring instruments or pre-packaged goods on sale or in use.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

6. Inspection procedure

a) Application for registration of inspection in import

The importer shall send an application for registration of inspection in import directly to the headquarters of the inspection authority. The application includes:

- An application form for registration of state inspection for measurement (according to Form No.01 DKKT provided in the Appendix issued thereto);

- An original or copy with the original of the following documents: contract, import declaration; packing list; C/O (if any); technical explanation of the measuring instrument (in English or Vietnamese or both) (in case of import of measuring instruments).

b) Application processing

- The inspection authority shall prepare a receipt of the application (according to Form No.2.PTNHSDK provided in the Appendix issued thereto); record the registration information into the registration book and sign and seal the registration of inspection submitted by the importer;

- In case the application is found unsatisfactory, the inspection authority shall mention the insufficient information in the notice of receipt and request the importer to provide additional information within 5 working days. The importer shall send a written document which specifies the reason for the lateness and time for additional information provision to the inspection authority if failing to provide additional information by the deadline mentioned above. The next inspection steps shall be taken after the importer completes the application.

- If the application is found satisfactory, the inspection authority shall send a written notice of inspection of measuring instruments or quantity of pre-packaged goods for import to the importer within 3 working days from the day on which the satisfactory application is received.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Inspection scope

c.1) Inspection scope of measuring instruments:

- Inspection of compliance with regulations on feature of basic measuring technique requirements on the measuring instrument or goods label or attached documents;

- Inspection of conformity with conditions for transport, maintenance and storage;

- Inspection of compliance with measuring technique requirements.

c.2) Inspection scope for pre-packaged goods:

- Inspection of record of the goods quantity on the goods label;

- Physical inspection of goods

d) The inspection authority shall carry out inspection of measuring techniques following the procedure below:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Observe and check requirements for measuring techniques of the measuring instrument or quantity of pre-packaged goods according to documents provided by the importer and regulations on measurement state management;

- Conduct inspection of measurement requirements applied to pre-packaged goods based upon regulations on sampling methods and methods for assessing the quantity of pre-packaged goods specified in the Circular providing regulations on measurement of quantity of pre-packaged goods;

- Select specific measurement level and measurement requirements of the measuring instrument and carry out inspection upon consideration of requirements for measuring techniques of the measuring instrument;

- Issue and send the notice of result of state inspection for measurement (according to Form No.3.TBKQKT provided in the Appendix issued thereto) to the importer and customs authority;

- Any violation against the aforementioned regulations shall be handled as prescribed in Article 11 hereof.

Article 11. Handling of non-compliance found during inspection in import

1. If the measuring instrument imported for testing purpose serving the sample approval specified in Point b Clause 1 Article 9 hereof fails to comply with the measuring technique requirements as shown in the sample testing result, the Directorate for Standards; Metrology and Quality shall send a written notice of non-compliance to the importer and customs authority.

2. In case the inspection result specified in Point d Clause 6 Article 10 hereof shows that the measuring instruments or pre-packaged goods fail to comply with measuring technique requirements, the inspection authority shall send a notice of results of state inspection for measurement with the conclusion about non-compliance with measuring technique requirements to the importer and customs authority.

3. The importer shall choose to either handle such non-compliance or re-export the measuring instruments or pre-packaged goods and notify the customs authority and inspection authority. If the importer chooses to handle the problem of non-compliance, the inspection authority shall take charge of post-handling inspection and notify the customs authority for carrying out the customs clearance procedure.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Chapter III

INSPECTION IN PRODUCTION

Article 12. Entities subject to inspection in production

1. Measuring instruments in production

2. Quantity of pre-packaged goods in production

Article 13. Presiding authority of inspection in production

1. The Directorate for Standards; Metrology and Quality shall preside over irregular inspection of measuring instruments and quantity of pre-packaged goods in production nationwide.

2. The Sub-department for Standards; Metrology and Quality shall preside over irregular inspection of measuring instruments and quantity of pre-packaged goods in production in local authorities.

Article 14. Inspection scope

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Inspection of formulation and disclosure of measurement requirements (for group 1 measuring instruments); applications for grant of approval for sample stored (for measuring instruments requiring sample approval); documents proving eligibility for use of quantity mark on the pre-packaged goods label stored (for group 2 pre-packaged goods); dossier on standard quality management system; inspection of adoption of methods for state management of measurement in production regulated by the competent authority;

b) Inspection of labeling; symbol of sample approval (for measuring instruments required to bear a symbol of sample approval); provision of quantity mark (for group 2 pre-packaged goods); instructions for use, maintenance and transport and other documents attached to the measuring instruments or pre-packaged goods; c) Inspection of maintenance of conformity with conditions for use of quantity mark on the pr-packaged goods label (for producers issued with a certificate of eligibility for use of quantity mark on the pre-packaged goods label);

d) Inspection of maintenance of compliance with regulations applied to producers of measuring instruments)

2. Inspection of supervision of production process relating to formulation of and compliance with measuring technique requirements applied to measuring instruments and quantity of pre-packaged goods shall include:

a) Inspection of technical dossier of the measuring instrument and pre-packaged goods (design dossier, technical standards of the measuring instrument or pre-packaged goods);

b) Inspection of the whole production process or a part thereof (from input, intermediate process to creation of the measuring instrument or quantity of pre-packaged goods including the process of packaging, loading, unloading, storage and transport);

c) Inspection of quality of materials (according to the applied standards declared, corresponding measuring technique requirements, use of prohibited materials and materials having potential to cause insecurity for human, animals, plants, assets and environment);

d) Inspection of compliance with requirements for design of technological equipment and measuring instruments, and testing;

dd) Inspection of capacity of employees and technicians as required;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. Inspection of compliance with measurement requirements

Article 15. Inspection procedures

1. The inspectorate shall present the inspection decision before carrying out the inspection.

2. The inspection shall be conducted as specified in the inspection decision.

3. Inspection of measuring techniques shall be carried out following the procedure below:

a) The inspectorate shall request the producer to provide documents concerning matters to be inspected;

b) According to the documents provided and regulations on state management in measurement, the inspectorate shall carry out observation and inspection as specified in Clause 1 and 2 Article 14 hereof;

c) Inspection of compliance with measurement requirements applied to measuring instruments as specified in Clause 3 Article 14 hereof shall be conducted as follows:

- The chief inspector shall select the specific measurement level and measurement requirements of each measuring instrument and carry out the inspection;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d) Inspection of compliance with measurement requirements applied to quantity of pre-packaged goods shall be carried out as prescribed in Clause 3 Article 14 hereof as follows:

Pursuant to regulations on sampling methods and methods for assessing quantity of pre-packaged goods specified in the Circular on measurement of quantity of pre-packaged goods, the chief inspector shall decide to sample the goods and conduct the inspection.

4. If any non-compliance is found, such non-compliance shall be recorded in writing (according to Form No.5.BBKT provided in the Appendix issued thereto) and handled as specified in Article 16 hereof.

Article 16. Actions taken during inspection in production

1. During inspection in production, if any measuring instrument or quantity of pre-packaged goods fails to comply with the specified requirements or any requirement for production of measuring instruments or pre-packaged goods fail to be satisfied, the inspectorate shall take actions as follows:

a) The inspectorate shall request the producer of measuring instruments or pre-packaged goods to suspend the production and take measures to handle the problem of non-compliance within the time limit specified in the record of non-compliance;

b) The inspectorate shall notify the situation to the presiding authority for issuance a notice of temporary suspension of unconformable measurement (according to Form No.6.TBTDHD) and take actions as authorized within 3 working days; the suspension period specified in the aforesaid notice shall begin from the day on which the inspection record is signed;

c) The presiding authority shall notify the producer in writing that the measurement may continue to be taken (according to Form No.7.TBTTHD provided in the Appendix issued thereto) when such producer has successfully resolved the problem of non-compliance and send a report with proofs to the presiding authority.

2. During inspection in production, if any massive violation against the law committed by the producer is found or the producer continues to commit unlawful acts after taking measures specified in Point a Clause 1 this Article or the producer fails to resolve the problem of non-compliance within the suspension period specified in Point b Clause 1 this Article, the following actions shall be taken according to seriousness of the violation and influence thereof:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

The chief inspector or representative of the presiding authority shall prepare a sealing record (according to Form No.8.BBNP provided in the Appendix issued thereto) and apply security seal to the measuring instruments, pre-packaged goods and equipment used in measurement that fail to comply with the specified requirements (the security seal is prepared according to Form No.9.TNP provided in the Appendix issued thereto). If the representative of the producer undergoing inspection does not sign the record, the chief inspector or representative of the presiding authority shall specify in the record that "no signature is appended by the producer". The record bearing the signature of chief inspector or representative of presiding authority still has legal validity. The presiding authority shall issue a notice of termination of unconformable measurement (according to Form No.6.6.TBTDHD provided in the Appendix issued thereto) within 3 working days;

c) The presiding authority shall disclose name of the offended producer, name of violation and place in which such violation is committed on local or central mass media (according to Form No.10.TBTTDC provide in the Appendix issue thereto). The presiding authority shall also transfer the violation dossier to the competent person or regulatory agency to ask for violation handling under law provisions;

d) Administrative violations shall be handled as per law provisions.

Chapter IV

INSPECTION OF GOODS ON SALE AND IN USE

Article 17. Entities subject to inspection of goods on sale and in use

1. Measuring instruments on sale or in use

2. Measurement processes

3. Quantity of pre-packaged goods on sale

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. The Directorate for Standards; Metrology and Quality shall preside over irregular inspection of measuring instruments and quantity of pre-packaged goods nationwide as specified in Clause 1, 2, 3 and 19 hereof.

2. The Sub-department for Standards; Metrology and Quality shall preside over inspection of measuring instruments, measurement methods and quantity of pre-packaged goods available in local authorities as specified in Clause 1, 2 and 3 Article 19 hereof.

3. Provincial People’s Committees shall preside over inspection of measuring instruments, measurements methods and quantity of pre-packaged goods in markets, commercial centers, wholesale and retail stores in provinces as specified in Point a Clause 1, Point d Clause 2, Point a Clause 3 Article 19 hereof.

4. Commune-level People's Committees shall preside over inspection of measurements taken markets, commercial centers, wholesale and retail stores in commune as specified in Point d Clause 2 Article 19 following the procedure provided in Sub-point b.2 Point b Clause 4 and 5 Article 20 hereof.

5. Competent authorities and relevant agencies, organizations and individuals shall cooperate with the presiding authorities specified in Clause 1, 2, 3 and 4 this Article in carrying out inspections of goods on sale and in use.

Article 19. Inspection scope

1. Inspection of measuring instruments includes:

a) Inspection of compliance with regulations on sample approval, validation and calibration as regulated;

b) Inspection of compliance with regulations on description of basic measuring technique requirements on the measuring instrument or goods label or attached documents;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d) Inspection of compliance with measuring technique requirements declared by the producer or importer (for group 1 measuring instruments) or issued by the Directorate for Standards; Metrology and Quality (for group 2 measuring instruments);

2. Inspection of measurement processes includes:

a) Inspection and determination of compliance of measuring instruments and measurement methods used and measuring technique requirements;

b) Inspection of training certificates of the persons taking measurement as regulated;

c) Inspection of compliance with specified conditions for relevant individuals to carry out observation and inspection of measurement processes, measurement methods, measuring instruments and goods quantity;

d) Inspection of the error of the measurement result compared to the allowable error;

dd) The allowable error of the measurement result shall be determined based upon the maximum error allowable of the measuring instrument used for taking the measurement;

e) The Directorate for Standards; Metrology and Quality shall elaborate regulations provided in Clause 2 this Article.

3. Inspection scope for pre-packaged goods includes:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Inspection of compliance of the quantity mark on the pre-packaged goods label with the specified requirements (for group 2 pre-packaged goods);

c) Inspection of compliance of goods quantity in reality.

Article 20. Procedures for inspection of goods on sale and in use

1. The inspectorate shall present the inspection decision before carrying out inspection. In case of special inspection as specified in Chapter VI hereof, the inspectorate may take samples for inspection before presenting the inspection decision.

2. The inspection shall be conducted as specified in the inspection decision.

3. The inspectorate shall request the entity undergoing inspection to provide documents concerning conditions for transport, maintenance, storage and use and requirements for measuring techniques of the measuring instrument or pre-packaged goods to be inspected;

4. According to the documents provided and regulations on state management in measurement, the inspectorate shall conduct inspection measuring techniques following the procedure below:

a) With regard to measuring instruments

- Observe and check matters specified in Point a, b and c Clause 1 Article 19 hereof;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) With regard to measurement processes

b.1) Carry out inspection of matters specified in Point c, b and c Clause 2 Article 19 hereof;

b.2) Check the error of the chief inspector shall select the number and value of goods or service to be measured for inspection purpose; the goods or services selected shall be the one measured the most or have potential to discover unconformable error of the measurement result.

c) With regard to quantity of pre-packaged goods

- Carry our observation and inspection of matters specified in Point a and b Clause 3 Article 19 hereof;

- Carry out inspection of matters specified in Point c Clause 3 Article 19 as follows: Based upon regulations on sampling methods and methods for assessing quantity of pre-packaged goods specified in the Circular on measurement of quantity of pre-packaged goods, the chief inspector shall decide to take samples and conduct the inspection.

5. If any non-compliance is found, such non-compliance shall be recorded in writing (according to Form No.5.BBKT provided in the Appendix issued thereto) and handled as specified in Article 21 hereof.

Article 21. Actions taken during inspection of products on sale and in use

1. During inspection of products on sale and in use, if any measuring instrument, measurement process, quantity of pre-packaged goods fails to comply with the specified requirements, the following actions shall be taken according to the level of non-compliance and its influence:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) The inspectorate shall request the user of the measuring instrument or person taking measurement to suspend their actions and take measures to handle the problem of non-compliance within the time limit specified in the record of non-compliance;

c) The inspectorate shall notify the situation to the presiding authority for issuance of a notice of temporary suspension of improper measurement (according to Form No.6.TBTDHD) and take actions as authorized within 3 working days; the suspension period specified in the aforesaid notice shall begin from the day on which the inspection record is signed;

d) The presiding authority shall notify in writing that the measurement may continue to be taken (according to Form No.7.TBTTHD provided in the Appendix issued thereto) provided that the entity of which operation is suspended has successfully resolved the problem of non-compliance and send a report with proofs to the presiding authority.

dd) Actions shall be taken as prescribed in Clause 2 this Article.

2. During inspection of products on sale and in use, if any massive violation against the law is found or the entity continues to commit unlawful acts after taking measures specified in Point a Clause 1 this Article or fails to resolve the problem of non-compliance within the suspension period specified in Point c Clause 1 this Article, the inspectorate shall take the following actions according to seriousness of the violation and influence thereof:

a) The inspectorate or presiding authority shall request the offender to terminate the violation;

b) The chief inspector or representative of the presiding authority shall prepare a sealing record (according to Form No.8.BBNP provided in the Appendix issued thereto) and apply security seal to the unconformable measuring instruments, measurement standards, pre-packaged goods and equipment used in measurement (the security seal applied according to Form No.9.TNP provided in the Appendix issued thereto). If the representative of the entity undergoing inspection does not sign the record, the chief inspector or representative of the presiding authority shall specify in the record that "no signature is appended". The record bearing the signature of chief inspector or representative of presiding authority still has legal validity. The presiding authority shall issue a notice of termination of unconformable measurement (according to Form No.6.6.TBTDHD provided in the Appendix issued thereto) within 3 working days;

c) The presiding authority shall disclose name of the offender, name of violation and place in which such violation is committed on local or central mass media (according to Form No.10.TBTTDC provide in the Appendix issue thereto). The presiding authority shall also transfer the violation dossier to the competent person or competent regulatory agency to ask for violation handling under law provisions;

d) Administrative violations shall be handled as per law provisions.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. If any domestic measuring instrument or quantity of pre-packaged goods is found not comply with law provisions on measurements during inspection of products on sale and in use, the presiding authority of inspection shall take actions as authorized and conduct inspection in production; if such instruments or goods are produced in another local authority, notify the Directorate for Standards; Metrology and Quality and presiding authority of inspection of the place in which the goods/instruments are produced that they shall conduct inspection in production as specified in Chapter III hereof.

5. If the process of validation, calibration or testing is found not comply with law provisions on measurement during inspection of products on sale and in use, the presiding authority shall take actions as authorized and carry out irregular inspection of such validation, calibration and testing; if the aforesaid validation, calibration and testing are conducted by the validation, calibration and testing body of which the headquarters is registered in another place, notify in writing to the Directorate for Standards; Metrology and Quality and presiding authority of inspection of the area in which the headquarters mentioned above is registered that they shall conduct inspection of the aforesaid under regulations provided in Chapter V hereof.

Chapter V

INSPECTION OF VALIDATION, CALIBRATION AND TESTING PROCESS

Article 22. Entities subject to inspection

1. Maintenance and use of national standards

2. Process of validation, calibration and testing of measuring instruments and measurement standards.

Article 23. Presiding authorities of inspection of validation, calibration and testing process

1. Directorate for Standards; Metrology and Quality shall preside over inspection of the measurement specified in Article 22 hereof.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 24. Inspection scope

1. Inspection of maintenance and use of national standards includes:

a) Inspection of eligibility for operation of the organization appointed to maintain national standards as regulated;

b) Inspection of compliance with regulations on maintenance and use of national standards by the aforesaid organization;

c) Inspection of calibration or comparison of national standards with internal standards or foreign standards that have been calibrated or compared with international standards;

d) Inspection of calibration or comparison for the purpose of improving the accuracy of the measurement standards with lower level of accuracy based upon that of the national standards.

2. Inspection of validation, calibration and testing process includes:

a) If the place in which the validation, calibration and testing are conducted is not the one where the headquarters of the validation, calibration and testing body is registered, the inspection shall be carried out as follows:

- Check the compliance with requirements applied to the main standards, working standards and other techniques and material facility conditions;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Check the compliance with regulations on procedures for validation, calibration and testing of measuring instruments and measurement standards

b) If the place in which the validation, calibration and testing are conducted is the one where the headquarters of the validation, calibration and testing body is registered, the inspection shall be carried out as follows:

- Check the registration of provision of validation, calibration and testing services or request suspension of validation, calibration and testing;

- Check matters specified in Point a Clause 2 this Article;

- Check compliance with other requirements for provision of validation, calibration and testing services;

- Check to see whether the validation, calibration and testing services provided are consistent with the ones registered or appointed and if such services comply with other law provisions on measurements.

Article 25. Procedures for inspection of validation, calibration and testing services

1. The inspectorate shall present the inspection decision before carrying out inspection. In case of special inspection as specified in Chapter VI hereof, the inspectorate is entitled to check necessary techniques before presenting the inspection decision.

2. The inspection shall be conducted as specified in the inspection decision.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) The inspectorate shall request the entity undergoing inspection to provide documents concerning maintenance and use of national standards and validation, calibration and testing services;

b) According to the documents provided and regulations on state management in measurement, the inspectorate shall carry out observation and inspection as specified;

c) Inspection techniques and methods

- Apply assessment method and follow the assessment procedures to appoint the organization maintaining national standards specified in Circular No.14/2013/TT-BKHCN dated July 12, 2013 of the Minister of Science and Technology to conduct inspection of maintenance and use of national standards;

- Apply assessment method and follow the assessment procedures to appoint the providers of validation, calibration and testing services specified in Circular No.24/2013/TT-BKHCN dated September 30, 2013 of the Minister of Science to conduct inspection of validation, calibration and testing services;

4. If any non-compliance is found, such non-compliance shall be recorded in writing (according to Form No.5.BBKT provided in the Appendix issued thereto) and handled as specified in Article 26 hereof.

Article 26. Actions taken during inspection of validation, calibration and testing services

1. If any non-compliance is found during inspection of maintenance and use of national standards, the inspectorate shall take actions as follows:

a) The inspectorate shall request the organization appointed to maintain national standards to temporarily suspend the use of such national standards and take measures to handle the non-compliance problem within the time limit specified in the record of measurement inspection;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Any administrative violation found shall be handled as per law provisions.

2. If any non-compliance with the specified requirements is found during inspection of validation, calibration and testing services, the inspectorate shall take actions as follows:

a) The inspectorate shall request the employees carrying out validation, calibration and testing and providers of such services to temporarily suspend provision of the aforesaid services and take measures to handle the problem of non-compliance within the time limit specified in the record of measurement inspection;

b) The inspectorate shall notify the situation to the presiding authority for issuance of a notice of temporary suspension of unconformable measurement (according to Form No.6.TBTDHD) and take actions as authorized within 3 working days; the suspension period specified in the aforesaid notice shall begin from the day on which the measurement inspection record is signed;

The validation, calibration and testing process shall continue to take place if the problem of non-compliance is successfully resolved as required by the inspectorate and reported in writing to the presiding authority.

3. If any massive violation against the law is found or the offender continues to commit unlawful acts after having been required to take measures specified in Clause 2 this Article or fails to resolve the problem of non-compliance within the suspension period specified in Point b Clause 2 this Article, the inspectorate shall take the following actions according to seriousness of the violation and influence thereof:

a) The inspectorate or presiding authority of inspection shall request the offender to terminate the violation;

b) The chief inspector or representative of the presiding authority shall prepare a sealing record (according to Form No.8.BBNP provided in the Appendix issued thereto) and apply security seal to unconformable measurement standards and equipment used for validation, calibration and testing (the security seal applied according to Form No.9.TNP provided in the Appendix issued thereto). If the employee conducting validation, calibration and testing services or representative of the provider of the aforesaid services does not sign the inspection record, the chief inspector or representative of the presiding authority shall specify in the record that "no signature is appended". The record bearing the signature of chief inspector or representative of presiding authority still has legal validity. The presiding authority shall issue a notice of termination of unconformable measurement within 3 working days;

c) The inspectorate or presiding authority shall transfer the violation dossier to the Directorate for Standards; Metrology and Quality for handling purpose under law provisions on national standards for measurement within 3 working days;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

The Directorate for Standards; Metrology and Quality shall take actions as authorized and notify the result to the presiding authority of inspection for cooperation;

d) Administrative violations shall be handled as per law provisions.

Chapter VI

SPECIAL INSPECTION

Article 27. Entities subject to special inspection

1. Measuring instruments used for petrol measurement

2. Petrol measurement processes

3. Validation, calibration and testing process

4. The entities subject to special inspection shall be decided by the Minister of Science and Technology according to requirements for state management of measurement in each specific period.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. The Ministry of Science and Technology shall conduct special inspection nationwide based upon measurement state management requirements nationwide and recommendation of the Directorate for Standards; Metrology and Quality, other ministries, ministerial agencies and provincial People’s Committees.

2. Provincial People’s Committees shall conduct special inspection in provinces based upon measurement state management requirements in provinces and recommendation of Sub-department for Standards; Metrology and Quality affiliated to provincial Department of Science and Technology and other entities in provinces.

Article 29. Presiding authorities of special inspection

1. The Sub-department for Standards; Metrology and Quality shall preside over special inspection of measuring instruments used for petrol measurement and petrol measurement processes in local authorities.

2. The Directorate for Standards; Metrology and Quality shall preside over special inspection of measuring instruments used for petrol measurement, petrol measurement processes and validation, calibration and testing process nationwide.

Article 30. Scope of special inspection

The presiding authority shall carry out special inspection according to inspection subjects and scope assigned and decide the inspection matters depending on the inspection type (inspection in use or inspection of validation, calibration and testing process) specified in Chapter IV or V hereof.

Article 31. Means of special inspection

1. Means of special inspection include dedicated vehicles, technical instruments and equipment used for sampling purpose.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. If the dedicated vehicles used for special inspection are required to be reformed or camouflaged, such reform or camouflage shall comply with regulations in Circular No.29/2012/TT-BGTVT dated July 30, 2012 of the Minister of Transport providing for regulations on reform of motorized road vehicles and other relevant law provisions.

Article 32. Special inspection procedures

1. The inspectorate may use dedicated means of special inspection for sampling and inspection purpose before presenting the inspection decision. The decision on state inspection of measurement shall specify the inspection mode is special inspection.

2. The next steps for inspection shall be taken following the procedure corresponding to the inspection type (inspection in use or inspection of validation, calibration and testing process) specified in Chapter IV or V hereof.

3. The results of inspection conducted by using means of special inspection shall be used as a legal basis for handling violations against regulations on measurements.

4. Handling of violations during special inspection shall comply with regulations on handling of violations during inspection corresponding to the inspection type (inspection in use or inspection of validation, calibration and testing process) specified in Chapter IV or V hereof.

Article 33. Provision, maintenance and use of dedicated means of special inspection and sampling for special inspection

1. Dedicated vehicles, technical instruments and equipment used for special inspection shall be provided as specified in the task or project approved by the competent authority. The special inspection authority shall carry out the inspection following the procedure specified in current state regulations on goods bidding and purchase.

2. Management and use of dedicated vehicles, technical instruments and equipment used for special inspection shall comply with law provisions on management of state assets.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. Funding for sampling serving special inspection shall be allocated as specified in Article 18 of Decree No.86/2012/ND-CP dated October 19, 2012 of the Government on guidelines for enforcement of a number of Articles of the Law on Measurement and Joint Circular No.28/2010/TTLT-BTC-BKHCN dated March 03, 2010 of the Ministry of Finance and Ministry of Science and Technology providing for guidelines on management and use of funding for state inspection of goods quality. Funding for sampling serving special inspection shall be given to the authority conducting special inspection according to annual or irregular special expenditure task.

Chapter VII

RESPONSIBILITIES OF REGULATORY AGENCIES, ORGANIZATIONS AND INDIVIDUALS

Article 34. Responsibilities of Directorate for Standards; Metrology and Quality

1. Issue measurement technique documents on procedures for inspection of measurement techniques applied to each specific item.

2. Carry out state inspection of measurement as assigned in Decree No.86/2012/ND-CP dated October 19, 2012 of the Government providing guidelines for enforcement of a number of Articles of the Law on Measurement and this Circular.

3. Approve training programs and teaching material and hold training courses in state inspection of measurement.

4. Provide guidelines on professional inspection skills and techniques for Sub-department for Standards; Metrology and Quality and district-level People's Committees.

5. Check state inspection of measurement carried out by the Sub-department for Standards; Metrology and Quality and district-level People’s Committees.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 35. Responsibilities of provincial Departments of Science and Technology

1. Approve inspection plans and provide funding for state inspection of measurement carried out by the Sub-department of Standards; Metrology and Quality and implement the approved plans.

2. Instruct its affiliated Scientific and Technological Inspectors to cooperate in handling violations against law provisions on measurements during state inspection of measurement as regulated.

3. Send annual or irregular reports on state inspection of measurement in provinces to the Ministry of Science and Technology and provincial People's Committees as required.

Article 36. Responsibilities of Sub-department for Standards; Metrology and Quality

1. Take charge of state management in measurement in provinces as authorized under regulations provided herein.

2. Prepare and send annual plans for state inspection of measurement to the Department of Science and Technology for approval purpose.

3. Carry out state inspection of measurement as assigned in Decree No.86/2012/ND-CP dated October 19, 2012 of the Government providing guidelines for enforcement of a number of Articles of the Law on Measurement and this Circular; handle complaints and denunciations on measurements as per law provisions.

4. Provide guidelines on professional techniques for state inspection of measurement for entities conducting inspection in districts and communes and regulatory agencies and other relevant organizations and individuals.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

6. Send annual or irregular reports on state inspection of measurement in provinces to the Directorate for Standards; Metrology and Quality and Department of Science and Technology as required.

Article 37. Responsibilities of district-level People's Committees

1. Take charge of state management in measurement in districts as authorized under regulations provided herein.

2. Approve annual plans for state inspection of measurement in districts after gaining opinions from the Department of Science and Technology.

3. Provide funding for state inspection of measurement.

4. Take charge and cooperate with regulatory agencies and relevant entities in state inspection of measurement as assigned in Decree No.86/2012/ND-CP dated October 19, 2012 of the Government providing for guidelines on enforcement of a number of Article of the Law on Measurement and as regulated herein.

5. Handle complaints, denunciations and violations against law provisions on measurement as regulated by laws.

6. Send annual or irregular reports on state inspection of measurement in districts to the Department of Science and Technology as required.

Article 38. Responsibilities of commune-level People's Committees

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Cooperate with the Sub-department for Standards; Metrology and Quality and relevant agencies in carrying out inspection of measurement in communes as per law provisions and inspection of handling of problems of non-compliance by the entities undergoing inspection as specified in the notice issued by the presiding authority of inspection.

3. Disseminate provisions on state inspection of measurement specified herein.

4. Handle complaints, denunciations and violations against law provisions on measurement as regulated by laws.

Article 39. Responsibilities of regulatory agencies and other relevant organizations and individuals

1. Border-checkpoint customs authorities shall notify and instruct the importers to register state inspection of measurement in case of import of measuring instruments and pre-packaged goods as prescribed herein.

2. Scientific and technological inspection authorities, public security forces, customs authorities, market management agencies and other competent regulatory agencies shall cooperate with the authority conducting state inspection of measurement and handle violations as per law provisions.

3. Regulatory agencies and other relevant organizations and individuals shall cooperate in state inspection of measurement as assigned in Decree No.86/2012/ND-CP dated October 19, 2012 of the Government providing for guidelines on enforcement of a number of Articles of the Law on Measurement and as regulated herein.

Article 40. Responsibilities of entities undergoing inspection

1. Fulfill requirements given by the inspectorate during inspection and abide by the inspection conclusion of the competent person or authority.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. Immediately terminate illegal acts and take measures to recover the consequences within the time limit required. Do not disperse and hide or use or change the products to be inspected without any conclusion and permission of the inspection authority.

Chapter VIII

IMPLEMENTATION PROVISIONS

Article 41. Implementation provisions

1. This Circular comes into force from June 01, 2014.

2. Decision No.31/2002/QD-BKHCNMT dated May 17, 2002 of the Minister of Science, Technology and Environment (now is Ministry of Science and Technology) on regulations on metrology for measurement techniques used in retail will cease to take effect.

Article 42. Implementation

1. In case the state inspection of measurement is conducted in conjunction with state inspection of goods quality, the inspection authority shall carry out the aforesaid inspection in compliance with regulations provided herein and law provisions on inspection of quality of goods and products.

2. The Directorate for Standards; Metrology and Quality shall take responsibility to provide guidelines for implementation of this Circular.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. Should any question or difficulty arise during implementation, the entities concerned shall inform the Ministry of Science and Technology (through the Directorate for Standards; Metrology and Quality) for further instructions./.

 

 

PP. MINISTER
DEPUTY MINISTER




Tran Viet Thanh

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Thông tư 28/2013/TT-BKHCN ngày 17/12/2013 quy định kiểm tra nhà nước về đo lường do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


43.535

DMCA.com Protection Status
IP: 113.160.112.96
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!