ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH BẮC NINH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 223/QĐ-UBND
|
Bắc Ninh,
ngày 08 tháng 5
năm 2024
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ
DUYỆT ĐỀ ÁN “XÂY DỰNG THÍ ĐIỂM SẢN PHẨM OCOP DU LỊCH TỈNH BẮC NINH GIAI ĐOẠN
2023-2025”
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính
phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;
Căn cứ Quyết định 919/QĐ-TTg ngày
01/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản
phẩm (OCOP) giai đoạn 2021-2025;
Căn cứ Quyết định 922/QĐ-TTg ngày
2/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển du lịch
nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025;
Căn cứ Văn bản số 494-TB/TU
ngày 29/12/2022 của Tỉnh ủy Bắc Ninh về việc Thông báo Kết luận của
Thường trực tỉnh ủy tại buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và PTNT;
Căn cứ Kết luận số 711-KL/TU ngày
14/4/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc ban hành Đề án xây dựng thí điểm sản
phẩm OCOP du lịch tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2023-2025.
Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 689/TTr-SNN ngày 02/5/2024.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án “Xây dựng thí điểm sản phẩm OCOP du lịch tỉnh
Bắc Ninh giai đoạn 2023 - 2025”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Thủ trưởng các cơ quan: Văn phòng UBND
tỉnh; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
Sở Công thương; Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Khoa học và Công nghệ;
Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Xây dựng; Báo Bắc
Ninh; Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Ninh; UBND: thị xã Thuận Thành, thị xã
Quế Võ, thành phố Bắc Ninh và các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định
thi hành./.
Nơi nhận:
-
Như Điều 2;
-
TTTU, TTHĐND tỉnh (b/c)
-
Chủ tịch và các PCT UBND tỉnh (b/c);
-
Văn phòng UBND tỉnh: LĐVP;
- Lưu: VT, NN.
|
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Vương Quốc Tuấn
|
ĐỀ ÁN
“XÂY
DỰNG THÍ ĐIỂM SẢN PHẨM OCOP DU LỊCH TỈNH BẮC NINH GIAI ĐOẠN 2023 - 2025”
(Ban
hành kèm theo Quyết định số 223/QĐ-UBND ngày 08/5/2024 của Ủy ban
nhân dân tỉnh Bắc Ninh)
Phần thứ nhất
MỞ
ĐẦU
I. Tính cấp thiết của
Đề án
Trong thời đại ngày nay, nhu cầu du lịch
đã trở thành phổ biến trong mọi tầng lớp xã hội. Vì vậy, ngành Du lịch đã có những
đóng góp to lớn cho nền kinh tế của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Theo
số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2023, du lịch Việt Nam đã đón được 12,6 triệu
lượt khách quốc tế, tăng gấp 4,7 lần cùng kỳ năm trước, vượt 57% so với mục
tiêu; khách nội địa đạt 108 triệu, vượt 6% so với kế hoạch năm 2023. Doanh thu
du lịch lữ hành năm 2023 ước đạt 678 nghìn tỷ đồng, vượt 4,3% so với kế hoạch.
Đây là một tín hiệu cho thấy
tiềm năng phát triển du lịch rất rộng mở.
Tuy nhiên, qua các nghiên cứu cho thấy
nhu cầu và xu hướng du lịch đã có nhiều thay đổi sau đại dịch Covid. Tổ chức Du
lịch thế giới (UNWTO) đã
lựa chọn thông điệp cho du lịch năm 2023 là “Du lịch và đầu tư xanh” nhấn mạnh
sự cần thiết phải tăng cường đầu tư cho du lịch để hướng tới sự phát triển bền
vững và thịnh vượng. Du lịch ngày nay sẽ không chỉ là những trải nghiệm từ các
vùng đất mới mà còn là cách để người ta tận hưởng cuộc sống và làm mới bản
thân. Điều này có nghĩa là chúng ta cần phải có những thay đổi về cách làm du lịch.
Du lịch không chỉ là ngành kinh tế quan trọng, mà còn thúc đẩy hợp tác, phát
triển, giao lưu văn hóa, có tính hội nhập cao, đòi hỏi tư duy không ngừng đổi mới,
sáng tạo. Để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, du lịch cần có không gian phát
triển mới, hạ tầng mới, tài nguyên mới và phương thức thực hiện hiệu quả, bền vững
hơn.
Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ về
phát triển du lịch cũng như nắm bắt được tiềm năng về phát triển du lịch, trong
những năm qua tỉnh Bắc Ninh đã ban hành nhiều Nghị quyết, đề án, giải pháp,
phương án phát triển du lịch trong tỉnh với quan điểm: Du lịch trong giai đoạn
hiện nay là đầu tư phục vụ con người, phát triển du dịch bền vững, du lịch xanh
và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Xuất phát từ thực tế nêu trên,
cũng như gắn vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Bắc
Ninh giai đoạn 2021-2025, việc xây dựng và thực hiện Đề án Xây dựng thí điểm
sản phẩm OCOP du lịch tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2023-2025 là hết sức cần thiết.
Đề án thực hiện sẽ khai thác tiềm năng lợi thế về vị trí địa lý, bề dầy lịch sử,
văn hóa truyền thống đặc sắc, góp phần phát triển làng nghề, tạo việc làm, tăng
thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân; là giải pháp thiết thực
trước mắt và lâu dài để triển khai có hiệu quả chương trình OCOP quốc gia và
chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới.
Nội dung của Đề án: gồm 5 phần
- Phần thứ nhất: Mở đầu.
- Phần thứ hai: Khảo sát, đánh giá thực
trạng các điểm dự kiến triển khai sản phẩm OCOPdu lịch tỉnh Bắc Ninh.
- Phần thứ ba: Mục tiêu, nhiệm vụ và nội
dung xây dựng thí điểm sản phẩm OCOP du lịch tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2023 -
2025.
- Phần thứ tư: Kinh phí thực hiện và
hiệu quả dự án.
- Phần thứ năm: Tổ chức thực hiện.
II. Căn cứ pháp lý
xây dựng Đề án
1. Cơ sở pháp lý
1.1. Các văn bản Trung ương
- Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày
01/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản
phẩm (OCOP) giai đoạn 2021-2025;
- Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày
2/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển du lịch
nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025;
- Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày
24/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí và quy trình
đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm.
1.2. Các văn bản của tỉnh Bắc Ninh
- Quyết định số 374/QĐ-UBND ngày
19/8/2020 của UBND tỉnh Bắc Ninh về việc ban hành Bộ tiêu chí xã nông thôn mới
nâng cao;
- Quyết định số 609/QĐ-UBND ngày
31/12/2021 của UBND tỉnh Bắc Ninh về việc phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát triển
làng nghề, nghề
truyền thống tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021 -2030;
- Quyết định số 406/QĐ-UBND ngày
19/9/2022 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án Phát huy giá trị di sản văn hóa
gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021-2025, định
hướng đến năm 2030;
- Nghị quyết số 07/2022/NQ-HĐND ngày
07/7/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh quy định hỗ trợ phát triển nông
nghiệp, Chương trình OCOP và ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh;
- Kế hoạch số 387/KH-UBND ngày
01/7/2021 của UBND tỉnh Bắc Ninh thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh
Bắc Ninh giai đoạn 2021-2025;
- Kế hoạch số 246/KH-UBND ngày 26/4/2022
của UBND tỉnh Bắc Ninh về việc thực hiện Chương trình Mỗi xã, phường,
thị trấn một sản phẩm
tỉnh Bắc Ninh giai
đoạn 2022-2025;
- Văn bản số 494-TB/TU ngày 29/12/2022
của Tỉnh ủy Bắc Ninh về việc Thông báo Kết luận của Thường trực tỉnh ủy tại buổi
làm việc với Sở Nông nghiệp và PTNT;
- Kết luận số 711-KL/TU ngày 14/4/2023
của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc ban hành Đề án xây dựng thí điểm sản phẩm
OCOP du lịch tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2023-2025.
2. Cơ sở thực tiễn
- Tỉnh Bắc Ninh có vị trí địa lý thuận
lợi, thuộc vùng đồng bằng sông Hồng, nằm trong vùng thủ đô Hà Nội, thuộc vùng
Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, nằm trong tam giác kinh tế trọng điểm Hà Nội - Hải
Phòng - Quảng Ninh;
- Tỉnh Bắc Ninh có nhiều tiềm năng, lợi
thế về giá trị di sản văn hóa, bản sắc văn hóa và con người Bắc Ninh - Kinh Bắc;
nét đặc sắc, độc đáo của các làng nghề, làng nghề truyền thống tồn tại hàng
trăm năm;
- Tỉnh Bắc Ninh được biết đến là “xứ sở
của đình, chùa và lễ hội”, là 1 trong những tỉnh có số lượng di tích nhiều nhất
cả nước. Dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật
thể đại diện của nhân loại;
- Tỉnh Bắc Ninh đang tập trung triển
khai tích cực Chương trình OCOP, đã công nhận được nhiều sản phẩm và trọng tâm
trong thời gian tới là phát triển các sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng, điểm
du lịch gắn với phát triển sản phẩm OCOP của địa phương.
III. Phạm vi, đối tượng
Đề án
Xây dựng sản phẩm du lịch OCOP tại 3 địa
điểm làng nghề, làng văn hóa trên địa bàn tỉnh, cụ thể:
- Làng nghề tranh Đông Hồ tại phường
Song Hồ, thị xã Thuận Thành.
- Làng nghề gốm Phù Lãng tại xã Phù
Lãng, thị xã Quế Võ.
- Làng quan họ Viêm Xá tại phường Hoà
Long, thành phố Bắc Ninh.
Phần thứ hai
KHẢO
SÁT, ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG CÁC ĐIỂM DỰ KIẾN TRIỂN KHAI XÂY DỰNG SẢN PHẨM OCOP DU
LỊCH TỈNH BẮC NINH
I. Đánh giá chung về
điều kiện phát triển sản phẩm OCOP du lịch tỉnh Bắc Ninh
1. Lợi thế
- Vị trí địa lý: Tỉnh Bắc Ninh thuộc
vùng Đồng bằng sông Hồng, là một tỉnh cửa ngõ phía Đông Bắc của Thủ đô
Hà Nội, phía Bắc giáp tỉnh Bắc Giang, phía Tây và Tây Nam giáp thủ đô Hà Nội,
phía Nam giáp tỉnh Hưng Yên, phía Đông giáp tỉnh Hải Dương. Tỉnh Bắc Ninh nằm
trong tam giác kinh tế trọng điểm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, thuộc vùng kinh
tế trọng điểm Bắc Bộ có các hệ thống giao thông thuận lợi kết nối với các tỉnh
trong vùng như quốc lộ 1A nối Hà Nội - Bắc Ninh - Lạng Sơn; Đường cao tốc 18 nối
sân bay Quốc tế Nội Bài - Bắc Ninh - Hạ Long; Quốc lộ 38 nối Bắc Ninh - Hải
Dương - Hải Phòng; Trục đường sắt xuyên Việt chạy qua Bắc Ninh đi Lạng Sơn và
Trung Quốc; Mạng đường thủy sông Cầu, sông Đuống, sông Thái Bình rất thuận lợi
nối tỉnh Bắc Ninh với hệ thống cảng sông và cảng biển của vùng tạo cho Bắc Ninh
là địa bàn mở gắn với phát triển của thủ đô Hà Nội, theo định hướng xây dựng
các thành phố vệ tinh và sự phân bố công nghiệp của Hà Nội. Tính đến năm 2023,
dân số toàn tỉnh là 1.568.684 người, với 8 đơn vị hành chính cấp huyện, 126 đơn
vị hành chính cấp xã. Tỷ lệ người dân sinh sống ở vùng nông thôn 39.76%. Những
điều kiện trên cho tỉnh Bắc Ninh nhiều lợi thế về phát triển và chuyển dịch cơ
cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp tăng tỷ trọng ngành công
nghiệp, dịch vụ.
- Sản xuất nông nghiệp: Hiện nay, trên
địa bàn tỉnh hình thành 1.242 vùng lúa năng suất, chất lượng cao với quy mô mỗi
vùng từ 3 ha trở lên; 71 vùng rau màu chuyên canh quy mô từ 5 ha trở lên; 24
vùng sản xuất cây ăn quả tập trung có quy mô từ 02 ha trở lên, như: Vùng cam Đường
canh, cam Vinh ở huyện Thuận Thành, Lương Tài; bưởi Diễn, chuối, ổi ở huyện
Tiên Du; bưởi Da xanh ở huyện Lương Tài. Đã hình thành và phát triển được 69 cơ
sở trồng trọt ứng dụng công nghệ cao; có 162 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung
có diện tích từ 10ha trở lên;
có 01 Liên hiệp HTX với 21 thành viên; có 556 HTX nông nghiệp trong đó có 289
HTX DVNN; số HTX nông nghiệp chuyên ngành là 267; có 209 trang trại, trong đó
có 50 trang trại trồng trọt, 86 trang trại chăn nuôi, 38 trang trại thủy sản,
35 trang trại tổng hợp. Một số hợp tác xã, trang trại ở khu vực huyện Gia Bình,
Tiên Du, Thuận Thành đã có hoạt động dịch vụ thăm quan, trải
nghiệm thực tế, check in thu hút được lượng khách nhất định chủ yếu là khách
trong tỉnh dưới hình thức gia đình, hoặc liên kết với các trường học để cho học
sinh đi trải nghiệm.
- Làng nghề, làng nghề truyền thống:
Toàn tỉnh hiện có 65 làng nghề, gồm: 41 làng nghề truyền thống, 24 làng nghề mới.
Hoạt động sản xuất của các làng nghề rất phong phú, đa dạng và hoạt động ở hầu
hết các ngành kinh tế chủ yếu từ việc chế biến nông sản, thực phẩm làm
các món ăn đặc sản đến sản xuất các vật dụng gia đình, chế tạo công cụ sản xuất
nông nghiệp, làm các mặt hàng mỹ nghệ, các sản phẩm nghệ thuật...Trong số các
nghề và làng nghề truyền thống tỉnh Bắc Ninh, có một số làng nghề có lợi thế
thu hút khách du lịch, có thể khai thác với vai trò là điểm du lịch trọng tâm.
- Văn hóa, lễ hội: Toàn tỉnh có 1.589
di tích, trong đó: 643 di tích được Nhà nước xếp hạng (04 di tích Quốc
gia đặc biệt: Chùa Dâu, Chùa Bút Tháp, chùa Phật Tích, khu lăng mộ và đền thờ
các vị vua Triều Lý; 204 di tích Quốc gia; 14 hiện vật/nhóm hiện vật được công
nhận là bảo vật quốc gia; 435 di tích được xếp hạng cấp tỉnh; có 04 di sản văn
hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh (Quan họ, ca trù, tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của
người Việt, kéo co làng Hữu Chấp), 08 di sản được công nhận là di sản văn hóa
phi vật thể Quốc gia; Cùng với hệ thống di tích là 547 lễ hội truyền thống mang
quy mô vùng miền;
Ẩm thực phong
phú, đặc sắc với nhiều món ăn mang đậm bản sắc văn hóa của vùng đất Kinh Bắc:
Giò, chả, Bánh Phu Thê Đình Bảng (thành phố Từ Sơn), bánh Khúc làng Diềm, bánh
cắp của Đào Xá, Phong Khê, bánh khoai Thị cầu, Phở gan cháy và bánh giò Đáp cầu
(thành phố Bắc Ninh); Bánh tẻ làng Chờ (huyện Yên Phong); tương Đình Tổ, đậu
Trà Lâm (huyện Thuận thành); Đến nay, theo thống kê chưa đầy đủ, Bắc Ninh có khoảng 1000
món ăn đặc sản, 39 loại bánh, 25 loại xôi, chè, 12 loại đồ uống và nhiều loại
hình nghệ thuật chế biến ẩm thực, làm cỗ, bầy cỗ trong ngày cưới, cỗ khao, cỗ Tết, cỗ ngày hội...
Đặc biệt trong lĩnh vực ẩm thực, người Quan họ Bắc Ninh không chỉ thể hiện sự
tinh tế trong khâu chế biến, bầy biện món ăn, mà còn thể hiện sự lịch thiệp hào
hoa trong ứng xử mời bạn, mời khách, tạo nét riêng “ăn Bắc - mặc Kinh”, cỗ Quan họ.. .từ
đó đã kết tinh và tỏa sáng bề dày lịch sử, văn hóa, truyền thống, những thuần
phong mỹ tục của quê hương, đất nước. Hàng năm đã thu hút hàng ngàn vạn du
khách khắp mọi miền về trảy hội, chiêm ngưỡng, tham quan, học tập.
Năm 2023, tỉnh Bắc Ninh đón khoảng 1,6
triệu lượt khách du lịch, tăng 46% so cùng kỳ năm 2022; tổng doanh thu đạt
1.227 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ năm 2022. Toàn tỉnh hiện có 539 tổ chức,
cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh du lịch. Trong đó: 50 đơn vị kinh doanh lữ
hành, vận chuyển khách, cơ sở kinh doanh du lịch (có 13 đơn vị kinh doanh lữ
hành quốc tế cấp giấy phép; 18 cấp phép kinh doanh lữ hành nội địa; 2 đại lý lữ
hành). Có 489 cơ sở lưu trú với hơn 8.000 phòng nghỉ. Trong đó: 4 cơ sở đạt
tiêu chuẩn 5 sao, 1 cơ sở đạt tiêu chuẩn 3 sao; 4 khách sạn 2 sao.
2. Khó khăn,
thách thức
- Các hoạt động du lịch mang tính chất
cộng đồng tại các trang trại, làng nghề, điểm di tích, lễ hội... phát triển còn
mang tính tự phát, chưa có sự liên kết, hình thành tua tuyến bài bản và thiếu sự
quy hoạch.
- Các sản phẩm du lịch để thu hút du
khách, tăng sự trải nghiệm còn đơn điệu, thiếu sự hấp dẫn, nên không thu hút được
du khách trong thời gian dài.
- Các sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề
truyền thống phục vụ khách thăm quan chưa nhiều, sản phẩm còn đơn giản, chưa
truyền tải hình ảnh đại diện của địa phương, đơn vị.
- Một số làng nghề truyền thống các di
tích lịch sử - văn hóa, các phong tục địa phương chưa được coi trọng đúng mức để
tổ chức quản lý và bảo vệ nên đã có một số di tích, phong tục bị xuống cấp, mai
một. Điều này làm ảnh hưởng không ít đến sức hấp dẫn của du khách đối với làng
nghề truyền thống.
- Cơ chế chính sách hỗ trợ các nguồn lực
phục vụ cho du lịch làng cộng đồng còn thiếu và chưa cụ thể; việc triển khai
các chính sách còn chậm. Cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật tuy đã được ưu tiên đầu
tư, song vẫn chưa thể đáp ứng và đảm bảo nhu cầu phát triển du lịch; đặc biệt
là chưa có điểm trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP của tỉnh ở tại
các điểm du lịch làng nghề, khu văn hóa nơi mà tập trung lượng du khách lớn;
chưa có các trung tâm tổ chức sự kiện đón lượng du khách lớn; thiếu các điểm phục
vụ nhu cầu ăn, nghỉ, mua sắm của khách; chưa tổ chức thường xuyên các hoạt động
thu hút khách đến tham quan, trải nghiệm;
- Việc tổ chức các chương trình tập huấn
kỹ năng về du lịch, kỹ năng bán hàng cho người dân làng nghề còn hạn chế;
- Các làng nghề truyền thống, thường
có lịch sử hình thành lâu đời, hệ thống đường thường nhỏ hẹp khiến cho các
phương tiện giao thông ra vào gặp nhiều khó khăn. Chưa có các điểm check in hấp
dẫn đối với du khách. Cảnh quan, môi trường chưa thật sạch, đẹp; chưa có các điểm
nhấn nổi bật đặc trưng làng nghề, khu du lịch văn hóa.
- Số lượng các sản phẩm OCOP của các
làng nghề được công nhận còn chưa nhiều. Việc truyền thông, quảng bá cho các điểm
du lịch chưa được bài bản; chưa thiết kế được các gói du lịch đồng bộ; công tác
số hóa các điểm du lịch còn chậm; chưa tổ chức hiệu quả việc liên kết vùng, kết
nối với các đơn vị lữ hành trên toàn quốc.
3. Đánh giá chung
Với lợi thế về vị trí địa lý, sản xuất
nông nghiệp, làng nghề, làng nghề truyền thống, văn hóa, lễ hội của tỉnh cùng với
cách làm bài bản, sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan ban ngành, đơn vị lữ
hành, người dân thì việc phát triển các sản phẩm OCOP về du lịch với các loại
hình như du lịch cộng đồng, làng nghề, văn hóa, lễ hội, nông nghiệp, sinh
thái...sẽ phát triển hình thành được nhiều sản phẩm OCOP về du lịch để góp phần
quảng bá hình ảnh, con người Bắc Ninh - Kinh Bắc cũng như đem lại việc làm, thu
nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế của địa phương. Du lịch và OCOP có mối quan hệ
cộng sinh, các điểm du lịch cần có các sản phẩm OCOP đặc sắc để lôi cuốn du khách,
kích thích nhu cầu tiêu dùng của khách hàng. Các sản phẩm OCOP cần gắn với các
điểm du lịch để thương mại hóa sản phẩm, đặc biệt là những sản phẩm vùng miền,
sản phẩm lưu niệm, quà tặng. Các điểm du lịch cần chuẩn hóa theo các tiêu chí
OCOP để hoàn thiện, tạo môi trường du lịch hấp dẫn du khách.
II. Đánh giá thực trạng
hoạt động du lịch tại làng nghề tranh Đông Hồ, Phường Song Hồ, thị xã Thuận
Thành
1. Thực trạng
khai thác du lịch
Làng tranh Đông Hồ có nghề làm tranh
dân gian độc đáo với lịch sử khoảng 500 năm với các bộ tranh nổi tiếng được ưa
thích. Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ, đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và
Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2012. “Tranh dân
gian Đông Hồ” là nghệ thuật
hội họa dân gian hiếm hoi còn được bảo tồn của vùng đồng bằng Sông Hồng nói
riêng và trong cả nước nói chung, bên cạnh dòng tranh Hàng Trống (Hà Nội),
tranh làng Sình (Huế),... Ở làng nghề tranh dân gian Đông Hồ có khu trưng bày,
trình diễn nghệ thuật làm tranh của gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế phục vụ
khách thăm quan, trải nghiệm có thu phí. Dịch vụ phục vụ du lịch của gia đình
nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế khá đa dạng, góp phần bảo lưu, gìn giữ dòng tranh dân
gian quý hiếm Đông Hồ. Có nhiều khách nước ngoài đến tìm hiểu, nghiên cứu và
mua tranh Đông Hồ.
Hiện nay, tỉnh Bắc Ninh đã xây dựng
Trung tâm bảo tồn di sản văn hóa Tranh Đông Hồ trên địa bàn làng Đông Hồ. Tại
đây, theo quy hoạch sẽ là nơi bảo tồn di sản về tranh Đông Hồ, đồng thời là một
điểm du lịch cộng đồng giới thiệu đến du khách tinh hoa nghệ thuật của dòng
tranh dân gian Đông Hồ. Công trình hiện đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Làng
Đông Hồ và vùng phụ cận có đầy đủ đặc trưng của làng quê truyền thống Bắc Bộ với
đình, chùa, chợ, bến đò, bờ đê; ẩm thực đa dạng có tính địa phương...Nếu đầu tư
và khai thác tốt sẽ tạo nên những sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc trưng của Thuận
Thành, Đông Hồ. Kết nối giao thông, thông tin liên lạc thuận tiện: Làng Đông Hồ
cách Hà Nội chừng 33 km về hướng Đông và nằm sát bờ Nam đê sông Đuống; nằm sát
Phường Song Hồ - trung tâm
thị xã Thuận Thành. Có thể liên kết với nhiều điểm du lịch khác có lễ hội, di
tích, di sản đặc sắc để đa dạng dịch vụ, sản phẩm du lịch như: Chùa Dâu, Chùa
Bút Tháp, Thành cổ Luy Lâu, đền thờ Kinh Dương Vương...; văn hóa phi vật thể có
rối nước làng Đồng Ngư (Ngũ Thái), nghệ thuật hát ca trù (Thanh Khương), hát trống
quân làng Bùi Xá,... Lễ hội truyền thống có hội thi mã Đông Hồ, Hội thi nấu cơm
làng Tư Thế (Trí Quả), hội chùa Bút Tháp, Hội chùa Dâu, Hội đền Sĩ Nhiếp,...;
làng nghề và các đặc sản nổi tiếng ở thị xã Thuận Thành có gà Hồ, bánh cuốn Mão
Điền, đậu phụ Trí Quả, nem Bùi Xá, tương Đình Tổ, nghề mộc Bình Cầu, Hoài Thượng,...để
phát triển thành các sản phẩm, dịch vụ, tour, tuyến du lịch để tăng sự trải
nghiệm cho du khách khi đến thăm làng tranh Đông Hồ và thị xã Thuận Thành.
2. Hạn chế
- Trước kia, làng nghề có 17 dòng họ
trong làng đều làm tranh, nhưng hiện nay dòng họ làm nghề mai một, chỉ còn lại
ba gia đình nghệ nhân theo nghề.
- Sản phẩm, dịch vụ du lịch hiện có ở
làng tranh Đông Hồ mới chỉ dừng lại ở giới thiệu, tham quan, trải nghiệm về nghề
làm tranh dân gian Đông Hồ tại một số hộ gia đình như đã kể ở trên.
- Dịch vụ trải nghiệm làm tranh, trưng
bày, bán tranh cho các du khách còn đơn giản, chưa được tổ chức bài bản, chưa
có chiều sâu. Chưa có hoạt động/dịch vụ trải nghiệm thực hành nghề làm tranh của
cộng đồng; mô hình hoạt động trải nghiệm chưa được xây dựng, tổ chức quy mô, đầy
đủ. Nhân lực tham gia hoạt động du lịch chủ yếu là con, cháu trong gia đình,
dòng họ từ các nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, Nguyễn Hữu Sam,... nhưng chưa được
đào tạo để làm du lịch cộng đồng bài bản, chuyên nghiệp. Cộng đồng chưa tham
gia vào
cung
cấp các dịch vụ du lịch liên quan đến làng nghề như trông giữ xe, thuyết
minh/giới thiệu các điểm du lịch ở vùng phụ cận, dịch vụ ăn uống, lưu trú,...
- Về cơ sở vật chất còn nhiều hạng mục chưa có:
Bãi để xe, công trình vệ sinh công cộng; điểm trưng bày và giới thiệu sản phẩm
chung của làng nghề, các sản phẩm OCOP của tỉnh ở góc độ thương mại. Chưa hình
thành danh mục hàng hóa, nông sản, ẩm thực là đặc sản địa phương.
- Đường làng, ngõ xóm chưa được phong
quang, sạch đẹp; còn thiếu các điểm nhấn, điểm checkin cho khách tham quan.
- Chưa có các hoạt động truyền thông,
quảng bá điểm du lịch được thực hiện trên các phương tiện truyền thông (báo
chí, mạng xã hội, cẩm nang, tờ rơi,...), chưa có website quảng bá, quản lý điểm
du lịch cộng đồng làng tranh dân gian Đông Hồ. Chưa có bộ nhận diện, quảng bá về
dịch vụ, sản phẩm du lịch của làng tranh Đông Hồ bằng tiếng Việt và tiếng nước
ngoài.
- Câu chuyện về sản phẩm du lịch làng
tranh dân gian Đông Hồ và vùng phụ cận (nghề tranh, lễ hội làng nghề, đề tài, tạo
màu sắc,...) chưa được tư liệu hóa và trình bày, thuyết minh tại điểm du lịch bằng
các hình thức truyền thông (cẩm nang, tờ rơi) hoặc ứng dụng công nghệ (video
360 độ, mã QR,...).
- Chưa có cổng làng, biển chỉ dẫn,
thuyết minh về điểm du lịch.
3. Đánh giá
- Làng tranh dân gian Đông Hồ có đủ
các điều kiện về tài nguyên để phát triển thành điểm du lịch cộng đồng theo
tiêu chí OCOP. Việc kết hợp các tour, tuyến du lịch văn hóa tâm linh và du lịch
làng nghề là một mô hình phù hợp. Bởi thị xã Thuận Thành nói riêng, tỉnh Bắc
Ninh nói chung có nhiều di tích lịch sử - văn hóa nổi tiếng nên có thể kết hợp
các tour, tuyến giữa du lịch văn hóa, du lịch tâm linh với du lịch làng nghề.
Tuy nhiên, làm được điều này, cần đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá để thu hút
khách tham quan. Ngoài quảng bá trên đài truyền hình, báo chí thì địa phương cần
xây dựng chiến lược quảng bá sản phẩm tranh Đông Hồ trên các trang truyền thông
đa phương tiện, các trang mạng xã hội...
- Du khách đến tham quan tương đối
đông, khoảng hơn 10.000 lượt khách mỗi năm, trong đó khoảng 10% là du khách quốc
tế. Tuy vậy, việc tham quan, trải nghiệm nghề làm tranh chưa mang lại lợi nhuận
cho cộng đồng; làng Đông Hồ chưa trở thành một điểm du lịch về di sản hấp dẫn,
thu hút khách ở lại dài ngày. Khách đến tham quan là chính, ít mua tranh.
- Hoạt động quản lý của nhà nước về du
lịch tại đây chưa được hình thành đầy đủ. Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch còn
chưa đồng bộ theo tiêu chí OCOP (nhà hàng, cơ sở lưu trú, quầy cung cấp thông
tin, điểm trưng bày và giới thiệu sản phẩm...) và tiêu chuẩn
điểm du lịch của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Cần xây dựng một HTX dịch vụ-du
lịch tại đây để điều hành
điểm
du lịch cộng đồng được bài bản, hệ thống và hiệu quả (hiện nay tại phường Song
Hồ, thị xã Thuận Thành đã thành lập: HTX du lịch tranh Đông Hồ).
Do đó, cần thiết phải xây dựng điểm du
lịch làng nghề tranh Đông Hồ một cách bài bản, có hệ thống và đạt hiệu quả để
lan tỏa giá trị đặc sắc của tranh Đông Hồ đến cộng đồng, du khách trong và
ngoài nước.
III. Đánh giá thực trạng
hoạt động du lịch làng nghề gốm Phù Lãng, xã Phù Lãng, thị xã Quế Võ
1. Thực trạng
khai thác du lịch
Nghề gốm truyền thống Phù Lãng đã có lịch
sử hơn 700 năm với
các sản phẩm truyền thống là chum, vại, ấm đất, chậu cảnh, tiểu quách,... Kỹ
thuật gốm Phù Lãng đặc trưng là thô, mộc ít sử dụng máy móc, khuôn in, màu men
nâu tự nhiên. Sản phẩm gốm Phù Lãng hiện nay khá đa dạng, với nhiều mẫu mã, kiểu
dáng khác nhau (chum, vại, lọ hoa, chậu hoa,...thuộc dòng gốm mỹ thuật và gốm
truyền thống. Tại làng nghề đã có sản phẩm gốm đạt OCOP 4 sao (Gốm Ngọc). Hoạt
động bảo tồn, phát triển nghề gốm hiện nay được cộng đồng dân cư thực hiện tương đối tốt. Hiện
làng nghề có khoảng 200 hộ gia đình, với hơn 1.000 người tham gia lao động. Trong làng
còn nhiều lò gốm vẫn hoạt động, có số lượng khách du lịch có đến tham quan tại các hộ
gia đình làm nghề gốm và mua sắm sản phẩm gốm. Trong làng có xưởng gốm Đức Thịnh
đã có sự liên kết với các doanh nghiệp du lịch lữ hành để mở rộng thị trường du
khách. Mỗi năm trung bình đón khoảng 20.000 khách. Đối tượng du khách chủ yếu của
xưởng gốm là học sinh các trường trong và ngoài tỉnh đến trải nghiệm, thưởng thức
ẩm thực địa phương. Có khu lưu
trú, tiện nghi phòng lưu trú đầy đủ, sạch sẽ, không gian rộng rãi, thoáng đãng.
Bên cạnh lợi thế về mặt sản phẩm Phù Lãng còn có các hoạt động văn hóa tín ngưỡng
tạo điểm nhất như lễ hội đình Phù Lãng được tổ chức từ ngày 10-16 tháng Giêng
hàng năm với nhiều hoạt động lễ và hội; tục thờ tổ nghề, hát Quan họ, ẩm thực địa
phương (chè kho, bánh dày,...) Làng có đầy đủ đặc trưng của làng quê truyền thống
Bắc Bộ: Chùa Phúc Long Tự, chợ làng, bến đò, bờ đê,... Hạ tầng giao thông,
thông tin liên lạc được đầu tư đồng bộ, hiện đại thuận tiện cho du khách thăm
quan, trải nghiệm.
2. Hạn chế
- Hiện tại làng nghề chưa có bộ máy quản
lý du lịch bài bản, thiếu sự liên kết giữa các cơ sở sản xuất với nhau. Chính
quyền địa phương tạo điều kiện cho du khách, các hộ gia đình đón tiếp khách
tham quan nhưng chưa coi hoạt động du lịch là một nguồn lực, có thể đóng góp
vào ngân sách địa phương.
- Sự tham gia của cộng đồng vào dịch vụ
du lịch chưa nhiều và chưa đem lại hiệu quả kinh tế đáng kể cho địa phương từ
cung cấp dịch vụ, sản phẩm du lịch làng nghề. Hiện làng nghề chủ yếu bán sản phẩm
gốm gia dụng, mỹ thuật cho các cơ sở kinh doanh đồ gốm, trồng cây cảnh trong và ngoài
tỉnh.
- Sự đa dạng, phong phú của sản phẩm gốm
và những yếu tố văn hóa, lịch sử của gốm Phù Lãng chưa được khai thác tốt để trở
thành sản phẩm làng nghề đặc trưng, mang dấu ấn riêng biệt của Phù Lãng so với
gốm Bát Tràng, Chu Đậu... Bên cạnh đó, cảnh quan của làng gốm Phù Lãng (bến đò,
chợ, sông, cánh đồng lúa,...)
chưa được quan tâm để hình thành các sản phẩm du lịch sáng tạo, tour du lịch trải
nghiệm cuộc sống nông thôn cho du khách.
- Sản phẩm du lịch vùng phụ cận (đền,
chùa, lễ hội, trò chơi dân gian, du thuyền khám phá sông Cầu, nghe hát
Quan họ,...) chưa được liên kết khai thác để hình thành
tour, tuyến du lịch để làm đa dạng trải nghiệm cho du khách.
- Hoạt động tiếp thị sản phẩm/dịch vụ
du lịch làng nghề ở Phù Lãng còn chưa có tổ chức, chưa chuyên nghiệp vẫn đang tự
phát, theo kiểu “hữu xạ tự nhiên hương” nên chưa thể bán các sản phẩm gốm và dịch
vụ nghề gốm cho du khách như một sản phẩm du lịch hấp dẫn. Chưa có website quảng
bá, quản lý điểm du lịch
làng nghề. Chưa có bộ nhận diện, quảng bá về dịch vụ, sản phẩm du lịch của làng
gốm Phù Lãng bằng tiếng Việt
và tiếng nước ngoài (tờ rơi, phim ngắn,
tranh ảnh, áp phích, video,..,).
- Chưa có cẩm nang, câu chuyện liên
quan đến sản phẩm du lịch mang tính riêng thể hiện đặc sắc, trí tuệ của địa
phương. Câu chuyện về sản phẩm du lịch làng nghề gốm Phù Lãng (nghề gốm, lễ hội
làng nghề,...) chưa được tư liệu hóa và trình bày, thuyết minh tại điểm du lịch
bằng các hình thức truyền thông (cẩm nang, tờ rơi) hoặc ứng dụng công nghệ
(video 360 độ, mã QR,...).
- Chưa hình thành tổ, nhóm cung cấp dịch
vụ du lịch (trình diễn nghệ thuật làm gốm, thuyết minh nghề gốm, ẩm thực địa
phương,...). Các hoạt động hoạt động/dịch vụ trải nghiệm thực hành nghề gốm của
cộng đồng; mô hình hoạt động trải nghiệm chưa được xây dựng, tổ chức quy mô, đầy
đủ.
- Chưa có cổng làng, biển chỉ dẫn,
thuyết minh về điểm du lịch.
- Chưa có điểm trưng bày, giới thiệu
và bán sản phẩm truyền thống của địa phương, sản phẩm OCOP của tỉnh.
- Đường làng, ngõ xóm chưa được phong quang,
sạch đẹp; chưa khai thác một số điểm du lịch ven sông; còn thiếu biểu tượng
làng nghề, các điểm nhấn, điểm checkin cho khách tham quan.
- Chưa có điều tra, khảo sát, quy hoạch
thị trường du lịch mục tiêu nên sản phẩm du lịch còn khai thác sơ khai, chưa
đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhiều phân khúc khách hàng, nhiều thị trường, mục
tiêu khác nhau. Nên chưa hấp dẫn được du khách trong nước, quốc tế lưu lại thời
gian dài hơn.
3. Đánh giá
Làng gốm Phù Lãng là làng nghề truyền
thống có điều kiện, tiềm năng để phát triển loại hình du lịch khám phá tinh hoa
làng nghề, nâng cao giá trị văn hóa, lịch sử của sản phẩm làng nghề. Hiện nay,
tiềm năng về du lịch làng gốm Phù Lãng đã bước đầu được một số hộ gia đình quan
tâm. Tuy nhiên, để trở thành điểm du lịch cộng đồng, làng gốm Phù Lãng cần được
đầu tư hạ tầng du lịch, công trình công cộng (bãi đậu xe, biển hướng dẫn, nhà
đón tiếp, thuyết minh, vệ sinh môi trường, nhà hàng, lưu trú, điểm trưng bày và
giới thiệu sản phẩm, hạ tầng viễn thông,...) và các sản phẩm du lịch đa dạng,
phong phú, có chiều sâu văn hóa làng nghề. Đồng thời, cần tăng cường quảng bá, giới
thiệu rộng rãi đến du khách trong và ngoài nước về giá trị của di sản ở đây bằng
phương pháp truyền thống và công nghệ hiện đại để giá trị gốm Phù Lãng được lan
tỏa rộng rãi, mang thông điệp văn hóa về đất và người Phù Lãng nói riêng, Bắc
Ninh nói chung.
- Hoạt động quản lý của nhà nước về du
lịch tại đây chưa được hình thành đầy đủ. Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch còn thiếu, chưa đồng bộ, chưa
theo quy
định
OCOP về du lịch cộng đồng và tiêu chuẩn điểm du lịch của Bộ Văn hóa - Thể thao
và Du lịch, cần xây dựng một HTX dịch vụ - du lịch tại đây để điều hành điểm du
lịch cộng đồng được bài bản, hệ thống và hiệu quả (hiện nay tại xã Phù Lãng, thị
xã Quế Võ đã thành lập: HTX dịch vụ và Du lịch Gốm Phù Lãng).
IV. Đánh giá thực trạng
hoạt động du lịch làng quan họ Viêm Xá, Phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh
1. Thực trạng
khai thác du lịch
Khu phố Viêm Xá là một ngôi làng cổ
nhiều di sản vật thể và phi vật thể nổi tiếng của vùng Kinh Bắc. Dù nằm trong
lòng thành phố nhưng Viêm Xá/làng Diềm có không gian đặc trưng của nông thôn đồng
bằng Bắc Bộ với cây đa - bến nước - sân đình. Bên cạnh đó, hệ thống chùa chiền,
cổng làng, nhà cổ, đền đài,...
đã tạo nên không gian yên bình, cổ kính của nông thôn xưa. Viêm Xá là cái nôi
Quan họ cổ - đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại
năm 2009. Cho đến nay, Quan họ vẫn được mọi tầng lớp nhân dân trong làng lưu
truyền, gìn giữ, phát huy. Trên địa bàn phường Hòa Long còn có Lễ hội kéo co
làng Hữu Chấp cũng đã được Bộ VH-TT&DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật
thể Quốc gia năm 2014 và UNESSCO ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện
của nhân loại năm 2015. Viêm Xá có một hệ thống di sản đặc trưng của không gian
văn hóa Quan họ: Đền thờ Đức Vua
Bà - Thủy tổ của Quan họ; nhà chứa - không gian văn hóa cộng đồng đặc thù của
người quan họ. Đặc biệt là Nhà hát Dân ca Quan họ có diện tích 500m2;
Đền Cùng - Giếng
Ngọc thờ hai vị công chúa là Ngọc Dung công chúa và Thủy Tiên công chúa; Đình
Diềm nơi thờ Đức thánh Tam Giang được xây dựng từ năm 1692, có bức cửa võng được
công nhận là bảo vật quốc gia. Hoạt động bảo vệ, bảo tồn di sản văn hóa, không
gian cảnh quan, kiến trúc của khu được bảo vệ tốt.
Trên địa bàn đã có 01 câu lạc bộ Quan
họ của Khu phố được thành lập, với nhiều dịch vụ phục vụ du khách như: ẩm thực
(cơm quan họ, bánh khúc,...), nghe hát quan họ do địa phương quản lý.Tại địa
phương có cung cấp hoạt động nghe, xem biểu diễn Quan họ của cộng đồng tại Đình
làng; có hoạt động lễ hội tại làng. Tại khu vực có nhà hát Quan họ được xây dựng
bề thế, nhiều sự kiện văn hóa, văn nghệ được tổ chức tại nhà hát; tạo được
không gian quan họ khá đặc sắc. Hệ thống giao thông thuận tiện bằng nhiều
phương tiện cá nhân, công cộng, dịch vụ, hạ tầng viễn thông đầy đủ, thông tin
liên lạc thông suốt. Các công trình cung cấp điện, nước sạch: Đáp ứng nhu cầu
sinh hoạt của cư dân địa phương hiện tại.
2. Hạn chế
- Trên địa bàn chưa có Ban quản lý điều
hành hoạt động du lịch, chưa xây dựng nội quy điểm du lịch cộng đồng, chưa có
nơi đón tiếp, giới thiệu, thuyết minh về di sản văn hóa của khu vực Viêm Xá về
Quan họ, đình, đền, chùa, làng cổ, lễ hội,...
- Sản phẩm, dịch vụ du lịch còn nghèo
nàn, mới chỉ khai thác được một phần rất nhỏ, bề nổi các giá trị của Quan họ, ẩm
thực, đình, đền, chùa, làng cổ,... chưa làm nổi bật được chiều sâu văn hóa, lịch
sử, kiến trúc, nghệ thuật trình diễn... đặc trưng, khác biệt của địa phương.
- Chưa có sự liên kết với các doanh
nghiệp du lịch lữ hành; các điểm dịch vụ du lịch khác trong tỉnh để hình thành
các chặng, tuyến du lịch; phát triển thị trường du lịch. Hoạt động truyền
thông, quảng bá điểm du lịch chưa được thực hiện tích cực trên các phương tiện
truyền thông (báo chí, mạng xã hội, cẩm nang, tờ rơi,...), chưa có website quảng
bá, quản lý điểm du lịch còn hạn chế. Chưa có bộ nhận diện, quảng bá về dịch vụ,
sản phẩm du lịch của khu phố Viêm Xá.
- Chưa có cẩm nang, câu chuyện liên
quan đến sản phẩm du lịch mang tính riêng thể hiện đặc sắc, trí tuệ của địa
phương; được thể hiện bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài
phù hợp. Câu chuyện về sản phẩm du lịch của khu phố Viêm Xá chưa được tư liệu
hóa và trình bày, thuyết minh tại điểm du lịch bằng các hình thức truyền thống
(cẩm nang, tờ rơi) hoặc ứng dụng công nghệ (video 360 độ, mã QR,...).
- Chất lượng về điều kiện kinh doanh dịch
vụ dưới hình thức câu lạc bộ quan họ chưa được tổ chức bài bản, chuyên nghiệp.
Nhân lực tham gia hoạt động du lịch chủ yếu là những người dân trong làng, thành viên
câu lạc bộ quan họ; chưa được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp; chưa có người
thành thạo ít nhất 01 ngoại ngữ để phục vụ du khách.
- Cơ sở vật chất chưa đáp ứng các nhu
cầu ăn, nghỉ, mua sắm cho du khách. Chưa hình thành dịch vụ trải nghiệm thực
hành Quan họ (trình diễn, nghi thức, trang phục, ứng xử,...), chưa có điểm
trưng bày; giới thiệu và bán sản phẩm truyền thống của địa phương. Chưa có các
điểm nhấn là biểu tượng Quan họ, chưa có điểm check in ấn tượng.
- Chưa có điều tra, khảo sát, quy hoạch
thị trường du lịch mục tiêu nên sản phẩm du lịch còn khai thác sơ khai, chưa
đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhiều phân khúc khách hàng, nhiều thị trường, mục
tiêu khác nhau.
3. Đánh giá
- Khu Viêm Xá là một làng di sản quốc
tế và quốc gia; có điều kiện, tiềm năng để phát triển loại hình văn hóa di sản
đặc trưng của vùng Kinh Bắc. Tuy nhiên, hiện nay, các tiềm năng về du lịch di sản
của làng còn chưa được khai thác để quảng bá, giới thiệu rộng rãi đến du khách
trong và ngoài nước về giá trị của di sản. Du khách đến Viêm Xá chủ yếu là khách
lẻ, hoặc một vài đoàn khách công vụ đi tham quan, học tập đi về trong ngày. Nguồn
thu từ du lịch chưa có sự đóng góp cho ngân sách địa phương, phát triển cộng đồng.
- Hoạt động quản lý của nhà nước về du
lịch tại đây chưa được quan tâm, đầu tư bài bản, hệ thống. Cơ sở hạ tầng phục vụ
du lịch còn thiếu, chưa đồng bộ, chưa theo quy định OCOP về du lịch cộng đồng
và tiêu chuẩn điểm du lịch của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, cần xây dựng một
HTX dịch vụ-du lịch tại đây để điều hành điểm du lịch cộng đồng được bài bản, hệ
thống và hiệu quả (hiện nay tại phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh đã thành lập:
HTX dịch vụ và Du lịch Viêm Xá).
Phần thứ ba
MỤC
TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ NỘI DUNG XÂY DỰNG THÍ ĐIỂM SẢN PHẨM OCOP DU LỊCH TỈNH BẮC
NINH GIAI ĐOẠN 2023-2025
I. Mục tiêu, nhiệm vụ
1. Mục tiêu chung
Khai thác tiềm năng, lợi thế tài
nguyên du lịch nông nghiệp, làng nghề, làng nghề truyền thống, hệ thống các di
sản văn hóa của tỉnh Bắc Ninh để hình thành các sản phẩm du lịch theo hướng du
lịch xanh, có trách nhiệm, bền
vững, mang bản sắc đặc trưng văn hóa con người Bắc Ninh - Kinh Bắc thu hút người
dân và du khách đến tham quan, vui chơi, giải trí. Kết hợp bảo tồn văn hóa, giới
thiệu hình ảnh đẹp về văn hóa cư dân địa phương đến với du khách trong nước và
quốc tế. Xây dựng tỉnh Bắc Ninh là đơn vị kiểu mẫu về triển khai chương trình
du lịch gắn với chương trình OCOP trong xây dựng nông thôn mới.
2. Mục tiêu cụ thể
- Xây dựng thí điểm sản phẩm OCOP du lịch
cộng đồng tại làng gốm Phù Lãng (xã Phù Lãng, thị xã Quế Võ), làng tranh Đông Hồ
(Phường Song Hồ, huyện Thuận
Thành), khu Viêm Xá (phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh) theo nguyên tắc của
Chương trình: “Bản sắc địa phương, chất lượng toàn cầu”.
- Công nhận 03 điểm OCOP du lịch năm
2024 đạt 3-4 sao, năm 2025 phấn đấu ít nhất 01 điểm công nhận 5 sao.
- Công nhận 3-5 sản phẩm OCOP đặc
trưng, nổi trội của các địa phương triển khai xây dựng thí điểm sản phẩm OCOP
du lịch cộng đồng.
- Hoàn thành tiêu chí xã nông thôn mới
nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 tại các địa bàn triển khai xây dựng thí
điểm sản phẩm OCOP du lịch: xã Phù Lãng (thị xã Quế Võ), phường Song Hồ (thị xã
Thuận Thành).
- Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức du lịch
cho 100% người dân, chủ thể, cán bộ quản lý tại các địa phương triển khai xây dựng
thí điểm sản phẩm OCOP du lịch.
- Đầu tư nâng cấp, phát triển hạ tầng,
xây dựng các biểu tượng của làng nghề, khu văn hóa. Nâng cấp, chỉnh trang cơ sở
hạ tầng, phát triển thêm các điểm vui chơi giải trí, điểm trưng bày bán sản phẩm
OCOP.
- Phát huy tính chủ động, sáng tạo, sự
tham gia tích cực của người dân địa phương trong việc tham gia hình thành các sản
phẩm OCOP du lịch cộng đồng tại Phù Lãng, Đông Hồ, Viêm Xá và vùng phụ cận nhằm
đa dạng hóa ngành nghề, cải thiện thu nhập; phát triển kinh tế - xã hội cộng đồng;
hình thành điểm tiêu thụ,
xuất khẩu tại chỗ hàng hóa đặc sản địa phương.
3. Nhiệm vụ
- Khảo sát, phân tích, đánh giá thực
trạng, tiềm năng du lịch, điều kiện phát triển du lịch cộng đồng tại khu vực
làng gốm Phù Lãng, làng tranh Đông Hồ, Khu phố Viêm Xá và vùng phụ cận của các
địa điểm này.
- Đề xuất các định hướng phát triển;
giải pháp quản lý, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật; hình thành các gói sản
phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu của khách du lịch, phân khúc khách hàng.
- Định hướng phát triển sản phẩm OCOP
du lịch cộng đồng tại khu vực phải đảm bảo nguyên tắc về xây dựng và phát triển
du lịch theo quy định của Luật Du lịch, phù hợp với chiến lược, định hướng phát
triển du lịch của tỉnh, huyện; sử dụng hợp lý, hiệu quả và bền vững tài nguyên
du lịch nhân văn; đáp ứng các tiêu chuẩn của sản phẩm OCOP về du lịch cộng đồng
theo quy định; phù hợp với quy hoạch chung của địa phương về cơ sở hạ tầng, kinh tế
xã hội,
- Đề xuất các giải pháp phát triển sản
phẩm OCOP du lịch cộng đồng phù hợp với các chủ trương của Đảng, nhà nước về
phát triển kinh tế, xã hội của Trung ương và địa phương; mang tính khả thi cao,
huy động, lồng ghép được các nguồn lực của nhà nước, doanh nghiệp, nhà đầu tư
và phù hợp với chủ trương phát triển bền vững.
II. Nội dung Đề án
1. Định hướng
chung
1.1. Về đầu tư cơ sở
hạ tầng
- Triển khai đầu tư cải tạo, nâng cấp,
mở rộng các tuyến giao thông nội bộ trong khu vực để tạo điều kiện cho du khách
tham quan di chuyển đến thuận lợi; lắp thêm các bảng hướng dẫn, biển hiệu giao
thông, hệ thống chiếu sáng công cộng cho khu vực dân cư và tại các di tích, các
điểm tham quan; đầu tư, cải tạo lối đi nội bộ trong khu dân cư.
- Đầu tư, cải tạo hệ thống cấp điện, cấp
thoát nước và nhà vệ sinh công cộng. Bố trí các thùng rác công cộng và lập
phương án thu gom rác, đảm bảo vệ sinh môi trường trên toàn khu vực. Vận động
và kêu gọi người dân thực hiện dọn dẹp, vệ sinh môi trường tại các điểm Phù
Lãng, Viêm Xá, Đông Hồ để đảm bảo môi trường, cảnh quan sạch, đẹp, mới lạ phục
vụ du khách.
- Triển khai đầu tư xây dựng hoàn chỉnh,
đồng bộ hạ tầng phục vụ du lịch theo tiêu chuẩn về điểm du lịch của Bộ Văn hóa
- Thể thao và Du lịch; tiêu chí sản phẩm OCOP về du lịch cộng đồng: bãi đỗ
xe, nhà đón tiếp, trạm điều hành, quầy cung cấp thông tin du lịch; hạ tầng viễn
thông/intemet công cộng; khu vực trưng bày sản hàng hóa, đặc sản của địa
phương; nhà hàng, cơ sở lưu trú,... theo quy định.
- Vận động người dân cải tạo, sơn sửa
nhà cửa, trang trí đường ngõ, trồng hoa, cây cảnh ở trong khu dân cư,... tạo
nét đẹp cảnh quan, hình thành các điểm check in hấp dẫn cho du khách tham quan,
chụp ảnh, dừng chân.
- Đầu tư xây dựng các điểm check in
cho du khách, hài hòa với cảnh quan xung quanh của điểm du lịch.
- Quy hoạch các khu vực trải nghiệm,
thực hành văn hóa làng nghề, văn hóa địa phương (trò chơi dân gian, lễ hội truyền
thống, hội thi thả điều, chọi gà,...).
1.2. Triển khai các hoạt động du lịch
- Trải nghiệm cuộc sống làng nghề, cuộc
sống nông thôn tại các điểm Phù Lãng, Viêm Xá, Đông Hồ và vùng phụ cận của các
điểm này.
- Trải nghiệm, thực hành quy trình các
công đoạn làm ra sản phẩm nghề truyền thống (gốm, tranh dân gian); nghi thức,
lề lối, trình diễn của Quan họ làng Diềm.
- Trải nghiệm ẩm thực địa phương; mua
sắm sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP đặc sắc bản địa.
- Trải nghiệm các không gian truyền thống
đầy màu sắc, sống động, mang hơi thở của thời đại.
- Tham quan, tìm hiểu di sản
văn hóa vật thể, phi vật thể tại các điểm triển khai xây dựng thí điểm sản phẩm
OCOP du lịch và vùng phụ cận các điểm đó.
- Xây dựng các sản phẩm du lịch chuyên
đề phục vụ cho các phân khúc khách hàng có sở thích, trình độ, mục đích, khả
năng tài chính,... khác nhau.
- Truyền thông, quảng bá, tiếp thị về
các điểm du lịch, các sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề; thông qua đó xây dựng
hình ảnh về đất và con người Bắc Ninh
- Liên kết với các điểm du lịch, doanh
nghiệp lữ hành hình thành các
tour, tuyến du lịch đến các điểm triển khai xây dựng thí điểm sản phẩm OCOP du
lịch, làm phong phú hơn sự trải nghiệm cho du khách để giữ chân du khách ở lại
thời gian dài hơn tại điểm du lịch cộng
đồng.
- Ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển các sản
phẩm du lịch ảo; phát triển các sản phẩm du lịch sáng tạo/gia tăng sự tương tác
giữa cư dân địa phương và du khách.
2. Đầu tư
phát triển sản phẩm OCOP du lịch làng nghề tranh Đông Hồ
2.1. Quy hoạch bãi để xe, điểm nghỉ
chân gồm có nhà hàng, quán giải khát
Đây là điểm khách dừng chân sau chặng
tham quan điểm trong tour, khi đã đi đến các điểm du lịch tâm linh như Chùa
Dâu, kinh Dương Vương...).
Không gian thiết kế bao gồm: Khu vực
đón tiếp, bãi đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng; khu vực nhà hàng ăn uống; điểm
trưng bày, mua sắm sản phẩm địa phương cho khách.
2.2. Tại Trung tâm bảo tồn di sản văn
hóa tranh Đông Hồ có thể bố trí, phân khu thành các khu vực trải nghiệm khác
nhau cho du khách có liên quan đến nghề tranh truyền thống (tạo màu, in tranh,
phơi tranh, chợ,...).
2.3. Quy hoạch, cải tạo ao làng (cạnh
Đình tranh):
- Nạo vét lòng hồ, kè bờ, thả các cây
sen, súng dưới hồ.
- Xây cầu kiều, trên cầu trang trí tiểu
cảnh theo tích tranh “Ông đồ Cóc” tạo điểm check in và có ý nghĩa giáo dục.
- Quanh bờ hồ tạo cảnh quan: Công
viên, cây xanh, thảm cỏ, đèn trang trí...
2.4. Thiết kế thảm hoa dọc mái đê vào
làng tranh
Dọc theo mái đê hữu Đuống, thiết kế
con đường hoa với những tạo hình đặc trưng, ấn tượng.
2.5. Thiết kế đường tranh dọc lối đi
vào làng, đây là các bức tranh phỏng theo các bức vẽ của tranh Đông Hồ. Tranh
có lắp đèn chiếu sáng để tạo cảnh quan đẹp về đêm.
2.6. Cải tạo chợ dân sinh làng tranh
thành các kiot trưng bày, bán sản phẩm OCOP, các món ăn đặc trưng của Bắc Ninh.
Các gian hàng trưng bày và bán tranh của các nghệ nhân được thiết kế tái hiện
như chợ tranh ngày tết trong thơ Chợ Tết - Đoàn Văn Cừ “Tranh Đông Hồ gà lợn
nét tươi trong/Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”.
2.7. Khu vực bãi sông đoạn sông Đuống
chảy qua làng, quy hoạch, bố trí tái hiện các hình ảnh của bờ Nam sông Đuống đã
được nhà thơ Hoàng Cầm đề cập đến
trong bài Bên thơ kia sông Đuống (phơi tranh, chợ tranh Tết,...):
- Liên kết các doanh nghiệp tạo các
các tour khám phá lịch sử, trải nghiệm không gian sinh thái, trong lành; trải
nghiệm cuộc sống cư dân hai bờ sông Đuống; khu vực ăn, nghỉ tiện nghi được bố
trí phía ngoài đê cho du khách có nhu cầu nghỉ lại.
2.8. Tạo thêm các không gian sáng tạo
khác phù hợp với quy hoạch chung, đặc điểm tài nguyên của điểm du lịch cộng đồng.
2.9. Nghiên cứu quy hoạch phát triển
khu vực bãi cạn ở giữa trung tâm làng để thu hút các nhà đầu tư, thực hiện giai
đoạn sau.
(Có hình ảnh minh họa định hướng
phát triển không gian kèm theo).
3. Đầu tư
phát triển sản phẩm OCOP du lịch làng nghề gốm Phù Lãng
3.1. Xây dựng khu vực đón tiếp tại vị
trí đầu làng:
- Không gian khu vực gồm khu đón tiếp
được thiết kế như hình chiếc lò gốm cổ, không gian phụ trợ gồm tiêu cảnh thác
nước được làm từ những chiếc chum là sản phẩm phẩm truyền thống của làng nghề.
- Thiết kế khu
vực bãi đỗ xe, vệ sinh công cộng.
3.2. Xây dựng “con đường gốm” dọc theo
đường trục chính vào làng. Tranh gốm sử dụng các sản phẩm của làng nghề và tái
hiện các tranh theo tích Quan họ, Đông hồ.
3.3. Quy hoạch địa điểm tại Đình làng
làm bảo tàng mini để trưng bày, giới thiệu sản gốm Phù Lãng qua các niên đại và
gốm Việt Nam nói chung, số hóa 3D, tranh ảnh, hiện vật,...về nghề gốm Phù Lãng
qua các thời kỳ.
- Thiết kế không gian chợ Lãng trở
thành điểm giới thiệu về ẩm thực.
- Thiết kế không gian trưng bày và bán
sản phẩm OCOP, sản phẩm gốm Phù Lãng cho khách du lịch.
3.4. Thiết kế không gian bến đò làng Gốm
với việc trang trí các sản phẩm về gốm, tái hiện bài hát “Tình yêu trên dòng sông
Quan họ” để bến đò trở
thành biểu tượng thủy chung, son sắt của người Quan họ.
3.5. Thiết kế không gian trải nghiệm,
vui chơi, ăn nghỉ tại các điểm nhà sản xuất gốm trong làng.
3.6. Tại khu vực bãi cỏ ven sông: Quy
hoạch, chỉnh trang thành các khu vực cắm trại, dã ngoại ngoài trời; khu vực tổ
chức các hoạt động vui chơi giải trí khác (khinh khí cầu, thả điều,...).
- Khu vực cánh đồng lúa của Phù Lãng:
Vận động các hộ dân trong làng chuyển đổi một số diện tích trồng lúa thuần hiện
nay sang trồng lúa nghệ thuật (tanbo Art) tạo thành các bức tranh trên đồng
lúa (dưới sự hướng dẫn của các nhà khoa học, chuyên gia về lúa của các Viện
Nghiên cứu - Bộ NN&PTNT). Nghệ thuật tạo hình trên đồng lúa là sản phẩm du
lịch mới lạ, có nguồn gốc từ Nhật Bản, có thể thay đổi chủ đề mỗi năm, hiện được
nhiều nước trong khu vực ứng dụng và thành công (Hàn Quốc, Trung Quốc,...). Đồng
thời xây dựng 1-2 đài cao để du khách có thể ngắm bức tranh nghệ thuật này từ
trên cao.
Ngoài
ra, trên các cánh đồng lúa, cải tạo đường đi nội đồng để thuận lợi cho du khách
tham gia trải nghiệm, tham quan đồng lúa, đặc biệt vào múa lúa chín.
- Tại khu vực đường đi trong làng, khu
đất trống cần dọn dẹp vệ sinh, chỉnh trang nhà cửa, đường xá; trồng hoa, cây cảnh
quan (lộc vừng, gạo, tre trúc,...) tạo cảnh quan đẹp cho điểm du lịch.
3.7. Quy hoạch, cải tạo đoạn sông cạn
phía sau đình làng trở thành công viên, điểm vui chơi, nơi tổ chức các
hoạt động, sự kiện tập thể của làng gốm và du khách (đầu tư giai đoạn sau với
các nguồn vốn xã hội hoá).
3.8. Tạo thêm các không gian sáng tạo
khác phù hợp với quy hoạch chung, đặc điểm tài nguyên của điểm du lịch cộng đồng.
(Có hình ảnh minh họa định hướng
phát triển không gian kèm theo).
4. Đầu tư phát triển
sản phẩm OCOP du lịch làng quan họ Viêm Xá
4.1. Liên kết nhà hát Quan họ Kinh Bắc,
triển khai cải tạo điểm đón tiếp khách, điểm cho thuê và may đo trang phục quan
họ; điểm nghỉ chân, giải khát.
Thiết kế không gian đón tiếp có biểu
tượng quan họ,làm thêm mái che và hiên mô phỏng hình chiếc nón quai thao, khăn
mỏ quạ. Đây là khu vực check in cho khách đồng thời tạo cảnh quan đẹp, mát cho
khách ngay khi bước chân vào không gian quan họ.
4.2. Quy hoạch khu vực/bảo tàng mini để
trưng bày các di sản văn hóa làng Diềm đã được số hóa 3D (Đình, Đền, Chùa, Miếu,...),
số hóa các câu chuyện, truyền thuyết liên quan đến Đền Cùng - Giếng Ngọc, Đền
Thủy tổ Quan họ,...; tranh ảnh, hiện
vật về hát Quan họ xưa,....
Thiết kế không gian trưng bày bảo tàng
mini về Quan họ, trưng bày và bán sản phẩm OCOP (là điểm tổ chức kết nối, giao
thương sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Ninh).
4.3. Thiết kế không gian đường bích họa:
- Không gian trên cao là các đèn trang
trí cách điệu nón thúng để trang trí, tạo ánh sáng sinh động và có chức năng
làm mát đường đi bộ.
- Không gian mặt đất là các bức tranh
vẽ các tích Quan họ, Đông Hồ dọc theo các bức tường trong không gian đi bộ.
4.4. Thiết kế khu vực hồ thủy đình làm
điểm nhấn với màn hình Led cách điệu là tà áo tứ thân của người quan họ. Khu vực
hồ thiết kế làm nơi trình diễn nhạc nước, múa rối, hát giao duyên hàng tuần.
- Quanh hồ bố trí không gian đi bộ.
Khu vực đường đi bộ bố trí không gian với cảnh quan đẹp gồm hệ thống ánh sáng,
màn hình Led, đường hoa, cây xanh, đèn trang trí là các biểu tượng của người
quan họ.
4.5. Xây dựng thêm bếp ăn, nhà vệ
sinh, trang bị thêm màn hình chiếu sân khấu trong nhà, hệ thống làm mát đối với
nhà văn hóa của thôn để phục vụ nhu cầu ăn uống và nghe hát quan họ tại chỗ đối
với đoàn khách du lịch có số lượng đông hoặc đặt theo tour.
Tại khu vực nhà văn hóa sẽ phát triển
thêm các lớp dạy hát quan họ dài ngày hoặc cấp tốc theo nhu cầu của khách.
4.6. Tại khu vực ven đê sông Cầu qua khu
Viêm Xá: Khu vực rặng nhãn, bãi cỏ cần quy hoạch, chỉnh trang để hình thành khu
vực vui chơi, giải trí,
thể thao, check in cho du khách.
- Liên kết với các cá nhân, đơn vị,
doanh nghiệp
xây
dựng các khu vui chơi, ăn uống. Tái hiện khu vực hát giao duyên quan họ trên
thuyền, các chòi hát dọc ven đê. Tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao tập
thể khu vực ven đê, ven sông (hái dâu, bóng rổ, trượt máng có, cắm trại, đốt lửa
trại, các gala quan họ..
- Quy hoạch tuyến đường cho du khách
đi bộ, leo núi, khám phá làng quê Kinh Bắc bằng xe đạp, xe điện, đi bộ,...
4.7. Mở rộng phạm vi tham quan, khám
phá, trải nghiệm cho du khách: Tổ chức tour tham quan mô hình nông nghiệp xanh,
tour tham quan sa bàn khu vực hồ bán nguyệt, đài quan sát...kết hợp giới thiệu
tiềm năng đầu tư tại Bắc Ninh.
4.8. Quy hoạch khu vực để phục dựng
các phiên chợ vào ngày 4 (bán guốc, ngày nay có thể đa dạng hơn các mặt hàng
truyền thống của làng) và ngày 6 tháng Giêng ở làng Diềm; khu vực cho du khách
trải nghiệm, thực hành nghi lễ và hoạt động khác của Quan họ.
4.9. Tạo thêm các không gian sáng tạo
khác phù hợp với quy hoạch chung, đặc điểm tài nguyên của điểm du lịch cộng đồng,
tại bến đò, cánh đồng,...
4.10. Nghiên cứu quy hoạch phát triển
khu vực hồ Bán Nguyệt để thu hút các nhà đầu tư, thực hiện giai đoạn sau.
(Có hình ảnh minh họa định hướng
phát triển không gian kèm theo).
5. Các nội dung cần
triển khai để chuẩn hóa sản phẩm OCOP du lịch
Việc phát triển sản phẩm du lịch của
các điểm dự kiến triển khai đề án gồm các nhóm:
- Trải nghiệm cuộc sống làng nghề, cuộc
sống nông thôn tại các điểm Phù Lãng, Viêm Xá, Đông Hồ và vùng phụ cận của các
điểm này.
- Trải nghiệm, thực hành quy trình các
công đoạn làm ra sản phẩm nghề truyền thống (gốm, tranh dân gian), nghi thức, lề
lối, trình diễn của Quan họ làng Diềm.
- Trải nghiệm ẩm thực địa phương, mua
sắn sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP đặc sắc bản địa
- Trải nghiệm các không gian truyền thống
đầy màu sắc, sống động, mang hơi thở của thời đại
- Tham quan, tìm hiểu di sản văn hóa vật
thể, phi vật thể tại các điểm triển khai xây dựng thí điểm sản phẩm OCOP du lịch
và vùng phụ cận các điểm đó.
- Xây dựng các sản phẩm du lịch chuyên
đề phục vụ cho các phân khúc khách hàng có sở thích, trình độ, mục đích,
khả năng tài chính,... khác nhau.
- Liên kết với các điểm du lịch, doanh
nghiệp lữ hành hình thành các tour, tuyến du lịch đến các điểm triển khai xây dựng
thí điểm sản phẩm OCOP du lịch, làm phong phú hơn sự trải nghiệm cho
du khách để giữ chân du khách ở lại thời gian dài hơn tại điểm du
lịch cộng đồng.
- Ứng dụng công nghệ 4.0 phát triển các sản phẩm
du lịch ảo; phát triển các sản phẩm du lịch sáng tạo/gia tăng sự tương tác giữa
cư dân địa phương và du khách.
5.1. Chuẩn hóa bộ máy tổ chức, vận
hành.
5.1.1. Thành lập Ban Quản lý du lịch dịch
vụ nông thôn; các tổ/nhóm dịch vụ; xây dựng Quy chế hoạt động của
điểm du lịch cộng đồng.
- Thành lập các HTX dịch vụ-du lịch tại
các điểm du lịch cộng đồng; bộ máy gồm Ban lãnh đạo, ban kiểm soát, kế toán của
HTX.
- Thành lập các tổ/nhóm dịch vụ (tương
ứng với từng loại sản phẩm du lịch, dịch vụ): Mỗi tổ từ 5 -10 người:
- Thành lập các Ban Quản lý/HTX để điều
hành các hoạt động của điểm du lịch cộng đồng. Bao gồm: Cộng đồng (các tổ/nhóm
dịch vụ), chính quyền địa phương, cơ quan quản lý văn hóa- du lịch của địa
phương.
5.1.2. Xây dựng cơ chế, quy chế hoạt động
của mỗi điểm du lịch cộng đồng
5.1.3. Xây dựng các giải pháp bảo vệ
môi trường trong cộng đồng làm du lịch: Thu gom rác
thải; tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp, trang bị kiến thức cho người dân về bảo vệ
môi trường, xây dựng mô hình bảo vệ môi trường...
5.2. Chuẩn hóa hồ sơ đánh giá, công nhận
sản phẩm OCOP du lịch
- Hoàn thiện hồ sơ pháp lý: Các loại
chứng nhận, quyết định, quy hoạch, báo cáo, bảng biểu, văn bản...liên
quan đến phát triển làng nghề.
- Hoàn thiện các thủ tục pháp lý đối với
các cơ sở kinh doanh liên quan đến điểm du lịch.
- Hoàn thiện các giấy tờ hợp pháp về
quyền sở hữu trí tuệ đối với thương hiệu của làng nghề cũng như các hộ sản xuất.
+ Đảm bảo các cơ sở kinh doanh sản phẩm,
dịch vụ tại khu du lịch cần đáp ứng đầy đủ các quy định về pháp lý.
+ Đảm bảo các tiêu chí về an toàn, an
ninh trật tự, phòng chống cháy nổ...
5.3. Chuẩn hóa sản phẩm dịch vụ du lịch
5.3.1. Phát huy giá trị truyền thống của
làng nghề
5.3.2. Xây dựng kế hoạch phát triển du
lịch làng nghề gắn với bảo tồn làng nghề
5.4. Chuẩn hóa việc tạo dựng được sức
mạnh cộng đồng trong phát triển du lịch.
- Đào tạo, tập huấn nghiệp vụ và kiến
thức liên quan đến du lịch - dịch vụ, kiến thức bán hàng cho cộng đồng dân cư
điểm du lịch. Chú trọng bồi dưỡng các chủ thể là nữ trong sản
xuất, ưu tiên sử dụng lao động địa phương.
- Thành lập các tổ, nhóm tự quản; thu
hút đông đảo người dân địa phương tham gia vào cung cấp dịch vụ du lịch.
5.5. Chuẩn hóa công tác truyền thông,
tiếp thị quảng bá bán hàng
- Xây dựng các kênh truyền thông,
phương tiện truyền thông để giới thiệu, quảng bá sản phẩm, dịch vụ du lịch.
- Ứng dụng công nghệ trong tiếp thị, quảng bá sản
phẩm du lịch và sản phẩm, dịch vụ của các điểm du lịch: Ứng dụng công
nghệ 3D scanning để giới thiệu về di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của làng
gốm Phù Lãng, làng Diềm/Viêm Xá, làng tranh Đông Hồ; tạo lập mã QR thông tin về
di sản văn hóa.
- Sử dụng công nghệ video 360° để tạo
tour toàn bộ về không gian, cảnh quan, cuộc sống làng nghề tại các điểm du lịch
cộng đồng (bao gồm video, thuyết minh tự động, bản đồ chỉ đường,...).
- Hỗ trợ xây dựng Website, bộ nhận diện
thương hiệu gồm: Logo, thiết kế bộ nhận diện văn phòng, bao bì, đồ vải; bảng hiệu
truyền thông, bộ nhận diện xúc tiến thương mại, catalog giới thiệu dịch vụ, sổ
tay dịch vụ
- Xây dựng được câu chuyện sản phẩm liên quan đến
lịch sử phát triển của làng nghề thể hiện trí tuệ và bản sắc địa phương. Câu
chuyện cần được tư liệu hóa bằng phim tài liệu, phóng sự, video về các điểm du
lịch.
- Phối hợp với các công ty du lịch - lữ
hành khảo sát, điều tra nhu cầu của khách du lịch để có những sản phẩm phù hợp
với từng phân khúc khách hàng; đồng thời để làm mới sản phẩm du lịch theo chu kỳ
của sản phẩm.
+ Tổ chức khảo sát, lựa chọn, xây dựng
chương trình du lịch có tính hiệu quả thiết thực để cung cấp cho khách. Mời các phóng
viên viết bài tuyên truyền nhằm thu hút khách du lịch biết đến sản phẩm du lịch
của địa phương.
+ Phối hợp với các trang điện tử lữ
hành (Agoda, Booking, TripAdviso, Traveloka,...) để quảng bá điểm đến.
5.6. Chuẩn hóa điểm du lịch OCOP gắn với
các quy định công nhận nông thôn mới của địa phương
- Kiến trúc cảnh quan môi trường đáp ứng
tiêu chí kiến trúc vùng miền, theo tiêu chí đạt nông thôn mới.
5.7. Nâng cấp chất lượng dịch vụ du lịch
- Sản phẩm dịch vụ cần đa dạng, phong
phú, hấp dẫn, an toàn, được du khách đánh giá cao.
- Chất lượng phục vụ chuyên nghiệp,
thân thiện, chu đáo.
- Đảm bảo tính tiện nghi về dịch vụ:
Có hệ thống giao thông thuận tiện, đảm bảo điện, nước sạch, internet, vệ sinh
môi trường, vệ sinh ATTP.
- Có tổ chức các hoạt động thu hút
khách như trình diễn lễ hội, văn hóa mang tính đặc sắc, vùng miền.
- Hàng hóa, sản phẩm có chất lượng, rõ
nguồn gốc, xuất xứ, đảm bảo
ATVSPT, là sản phẩm đặc sắc của địa phương.
- Hỗ trợ xây dựng điểm bán hàng OCOP:
Quầy, kệ, biển chỉ dẫn, biển tên, các sản phẩm OCOP của tỉnh và của Làng nghề;
hỗ trợ thiết kế, xây dựng mẫu mã bao bì sản phẩm (bằng gỗ, giấy cứng...).
5.8. Hỗ trợ người dân mua dụng cụ thiết
yếu ban đầu phục vụ cho du lịch cộng đồng, bảo vệ môi trường, an ninh trật tự;
mua giống cây trồng tạo không gian cảnh quan.
- Hỗ trợ đồ dùng thiết yếu phục vụ du
lịch (chăn, ga, gối, loa, đài, bàn, ghế, phông, bạt, trang phục biểu diễn,...).
- Mua cây trồng tạo cảnh quan (hoa các
loại, cây lộc vừng, tre trúc,...).
- Thiết bị phòng chống cháy nổ, an
ninh (bình chữa cháy, camera,...).
III. Giải pháp thực
hiện
1. Quy hoạch
- Quy hoạch cơ sở hạ tầng điểm du lịch
(Khu đón tiếp, khu để xe, nhà vệ sinh công cộng, nhà trưng bày hàng hóa, sản phẩm
địa phương, nhà hàng, quầy cung cấp thông tin cho du khách, cơ sở lưu trú, các
điểm checkin, các biểu tượng của làng nghề...); không gian cảnh quan cho điểm
du lịch cộng đồng theo quy hoạch của địa phương đã được cấp có thẩm quyền phê
duyệt.
- Một số địa điểm có nhu cầu sử dụng đất
để đầu tư xây dựng công trình phải cập nhật vào quy hoạch sử dụng đất cấp huyện
giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất năm 2024.
2. Công nhận
điểm Du lịch OCOP
- Rà soát, bổ sung hồ sơ công nhận điểm
du lịch OCOP. Hoàn thiện các hạng mục theo tiêu chí về công nhận OCOP điểm du lịch.
- Xác định rõ du lịch cần có OCOP để
có sản phẩm đặc trưng, thu hút khách du lịch; OCOP cần du lịch để
trở thành kênh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm hiệu quả.
3. Đào tạo
nguồn nhân lực
Đào tạo, tập huấn kỹ năng làm du lịch,
kỹ năng quản lý kinh doanh, thiết kế mẫu mã, bao bì sản phẩm, kỹ năng ngoại ngữ,
giao tiếp, kỹ năng đón tiếp và phục vụ khách du lịch... cho các hộ gia đình
tham gia vào sản xuất, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ tại điểm du lịch.
4. Thị trường
tiêu thụ sản phẩm
- Phối hợp với các trang điện tử lữ
hành (Agoda, Booking, TripAdviso, Traveloka,...) để quảng bá điểm đến.
- Xây dựng 3 bộ phim chuyên đề cho 3 sản
phẩm du lịch làng nghề.
- Xây đa kênh truyền thông để giới thiệu,
quảng bá sản phẩm, dịch vụ du lịch.
- Phối hợp với các công ty du lịch - lữ
hành khảo sát, điều tra nhu cầu của khách du lịch để có những sản phẩm phù hợp
với từng phân khúc khách hàng; đồng thời để làm mới sản phẩm du lịch theo chu kỳ của sản
phẩm.
5. Tổ chức quản
lý, vận hành (theo chuỗi giá trị)
- Cộng đồng dân cư tại điểm du lịch cộng
đồng thông qua Ban Quản trị chịu trách nhiệm chính trong việc điều hành, tổ chức
các hoạt động của điểm du lịch cộng đồng theo quy chế hoạt động của điểm
du lịch cộng đồng và theo các quy định của pháp luật về du lịch và được vận
hành như sơ đồ dưới đây:
Trong đó:
* Về vai trò của các bên tham gia
- Nhà nước đóng vai trò quản lý điểm
du lịch, đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân lực, hỗ trợ phát triển sản phẩm du
lịch.
- Các doanh nghiệp lữ hành: Phối hợp
nghiên cứu thị trường, thiết kế tour, tuyến du lịch đến Phù Lãng, Viêm Xá và
Đông Hồ và các điểm phụ cận; xúc tiến quảng bá điểm du lịch...
- Hợp tác xã du lịch cộng đồng Phù
Lãng, Đông Hồ, Viêm Xá: Đóng vai trò trong cung cấp các dịch vụ, sản phẩm du lịch
cộng đồng (hướng dẫn viên, cung cấp dịch vụ trải nghiệm, trải nghiệm văn hóa
phi vật thể, vật thể...)
* Lợi nhuận:
- Lợi nhuận sẽ được phân chia cho các
bên tham gia vào phát triển, quản lý, vận hành điểm du lịch: Nhà nước, doanh
nghiệp lữ hành, HTX du lịch cộng đồng...theo quy chế quản lý, vận hành điểm du
lịch được cơ quan quản lý, chính quyền và cộng đồng dân cư xây dựng.
* Vận hành du lịch cộng đồng
Điểm du lịch sẽ được vận hành, quản lý
bởi Ban giám đốc HTX
du lịch cộng đồng Phù Lãng, Viêm Xá, Đông Hồ, theo Quy chế quản lý điểm
du lịch của
HTX.
6. Công nghệ
Xây dựng hạ tầng internet cho việc quản
lý, điều hành điểm du lịch, thiết lập nền tảng số phục vụ cho công nghệ QR, AR,
Video để du khách tiếp cận điểm du lịch được thuận tiện, dễ dàng. Ứng dụng
các thành tựu về khoa học, kỹ thuật công nghệ trong cải tiến mẫu mã, kiểu
dáng, bao bì, sản phẩm làng nghề nhằm mang đến diện mạo mới cho các sản phẩm
truyền thống; đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của thị trường trong nước và quốc tế.
7. Giải pháp cụ thể đối
với việc xây dựng các điểm du lịch OCOP
7.1. Mời đơn vị tư vấn thiết kế cảnh
quan, tư vấn các hạng mục để chuẩn hóa sản phẩm OCOP du lịch theo quy định
7.2. Thành lập ban chỉ đạo, ban hành
văn bản: Quy hoạch, kế hoạch, chương trình, quyết định triển khai các điểm du lịch
7.3. Phân công nhiệm vụ các thành viên
phụ trách từng nội dung công việc: Ban hành văn bản pháp quy, đầu tư xây dựng;
truyền thông, quảng bá; bồi dưỡng, tập huấn; tổ chức sự kiện, setup sản phẩm...
7.3.1. Thành lập Hợp tác xã dịch vụ và
du lịch Đông Hồ, Hợp tác xã dịch vụ và du lịch gốm Phù Lãng, Hợp tác xã dịch vụ
và du lịch quan họ Viêm Xá để quản lý, vận hành, khai thác hoạt động du lịch tại
làng nghề. Thành viên tham gia Hợp tác xã bao gồm các hộ làm nghề trên địa bàn,
đại diện chính quyền xã và các tổ chức cá nhân hợp pháp khác;
- HTX có trách nhiệm xây dựng kế hoạch,
quy chế, quy định liên quan đến hoạt động và vận hành điểm du lịch.
- Phân công nhiệm vụ cho các thành
viên HTX, đảm bảo giải quyết những vấn đề trong thẩm quyền: Vận động thành viên
HTX tham gia các tổ, nhóm dịch vụ; tham gia các chương trình bồi dưỡng, tập huấn
kiến thức; tham gia sửa sang, nâng cấp, chỉnh trang đường làng, ngõ xóm; vệ
sinh môi trường; nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, chất lượng sản phẩm...
- Quản lý các nguồn kinh phí; sử dụng
theo quy chế, quy định
7.3.2. Nhóm tư vấn, xây dựng hồ sơ
công nhận sản phẩm OCOP du lịch
- Rà soát, đối chiếu các tiêu chí về
OCOP du lịch;
- Thẩm định điểm du lịch đạt chuẩn phục
vụ khách du lịch;
- Xây dựng và hoàn thiện hồ sơ sản phẩm
OCOP để chấm điểm
7.3.3. Nhóm xây dựng cơ sở, vật chất:
Hoàn thiện hồ sơ, triển khai các bước
xây dựng theo quy định đảm bảo chất lượng và tiến độ công trình.
7.3.4. Nhóm truyền thông, quảng bá, tiếp
thị sản phẩm
- Xây dựng nội dung câu chuyện sản phẩm;
xây dựng phim, video clip về câu chuyện sản phẩm.
- Xây dựng kênh truyền thông, xây dựng
Website, Fanpage, bộ nhận diện thương hiệu gồm: Logo, thiết kế bộ nhận diện văn
phòng, bao bì, đồ vải; bảng
hiệu truyền thông, bộ nhận diện xúc tiến thương mại, catalog giới thiệu dịch vụ,
sổ tay dịch vụ; Xây dựng quy chế hoạt động, quy chế bảo vệ môi trường; xây dựng
video về câu chuyện sản phẩm.
- Truyền tải thông tin trên các phương
tiện truyền thông như báo chí, truyền hình, các trang mạng xã hội về điểm du lịch.
- Làm việc với các địa phương để xây dựng
điểm trải nghiệm sản phẩm về làng nghề: Chuẩn bị mô hình, dụng cụ,
đồ dùng để thực hiện trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ về nghề.
7.3.5. Nhóm tổ chức sự kiện
- Xây dựng kế hoạch tổ chức các sự kiện
như: Lễ hội, hội thảo, hội nghị để triển khai các hoạt động nhằm thu hút khách
du lịch.
- Tổ chức kết nối các đơn vị lữ hành để
xây dựng tour, tuyến du lịch du lịch miễn phí đến trải nghiệm để kết nối, quảng
bá sản phẩm đến với khách hàng.
- Tổ chức hàng năm các sự kiện lớn, hoạt
động trình diễn nghề, trải nghiệm đến với du khách.
7.3.6. Nhóm Setup sản phẩm du lịch
- Trang bị không gian nội thất để trưng
bày giới thiệu sản phẩm; không gian các điểm ăn, nghỉ; không gian trải nghiệm sản
phẩm...
- Lên danh sách, kết nối các chủ thể
các sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề; quản lý chất lượng sản phẩm.
7.3.7. Nhóm bồi dưỡng, tập huấn nhân sự
phục vụ du lịch và bán hàng
- Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn
với các nội dung thiết thực; phục vụ cho các hoạt động du lịch và thương mại
hóa sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP.
Phần thứ tư
KINH
PHÍ THỰC HIỆN VÀ HIỆU QUẢ DỰ ÁN
I. Kinh phí, nguồn vốn,
thời gian thực hiện
1. Kinh phí thực hiện
Tổng nhu cầu vốn để triển khai xây dựng
thí điểm 3 sản phẩm OCOP du lịch (dự kiến): 63.671.828.000 đồng (Sáu
mươi ba tỷ, sáu trăm bảy mươi mốt triệu, tám trăm hai mươi tám ngàn đồng chẵn).
Trong đó:
- Vốn ngân sách tỉnh (Kinh phí sự nghiệp
giao Sở Nông nghiệp và PTNT; Văn phòng điều phối Nông thôn mới): 5.848.000.000
đồng.
- Vốn ngân sách địa phương (bao gồm
ngân sách địa phương và ngân sách tỉnh hỗ trợ có mục tiêu): 43.893.828.000 đồng.
- Nguồn vốn khác: 13.930.000.000 đồng.
(Chi tiết Có
phụ lục kèm theo)
2. Thời gian thực hiện: Năm
2024-2025.
II. Hiệu quả của Đề
án
1. Chất lượng
cuộc sống
Sau khi đi vào vận hành, dự kiến khách
du lịch tăng sẽ mang lại những lợi ích về kinh tế - xã hội như tạo việc làm,
tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân tại các điểm du lịch.
Tại làng tranh Đông Hồ, các gia đình
làm nghề sẽ có xu hướng quay trở lại với nghề. Mỗi cơ sở sản xuất tranh nhờ đó
sẽ giải quyết việc làm thường xuyên cho từ (5-7) lao động, thu nhập bình quân mỗi
lao động đạt từ (7-8) triệu đồng/người/tháng, doanh thu của mỗi cơ sở sản xuất
đạt từ (100-300) triệu đồng/tháng.
Tại làng gốm Phù Lãng, khi triển khai
đề án, sẽ giúp việc kết hợp sản xuất gốm với hoạt động du lịch (giới thiệu và
bán sản phẩm cho du khách, hướng dẫn du khách làm gốm...) thì doanh thu của cơ
sở sản xuất tăng lên từ (25-30)% so với sản xuất đơn lẻ; khả năng tạo việc làm
cho lao động cũng tăng lên (do tiêu thụ sản phẩm tăng và có thêm các dịch vụ
khác). Việc đưa khách du lịch quốc tế đến làng nghề sẽ gia tăng đơn hàng xuất
khẩu, đem lại nguồn lợi cao cho làng nghề. Các cơ sở sản xuất liên tục hoạt động
sẽ thu hút hàng trăm lao động vào quá trình sản xuất kinh doanh.
Đối với khu du lịch quan họ Viêm Xá,
sau khi dự án đưa vào khai thác sẽ tăng thêm lượng khách đến tham quan, các điểm
check in đẹp sẽ gia tăng lượng khách buổi tối, từ đó phát sinh thêm nguồn thu từ
các dịch vụ ăn, nghỉ, cho thuê trang phục dự kiến khoảng (20-30)%. Các lớp dạy
hát quan họ được mở rộng sẽ có thêm nguồn kinh phí đào tạo, qua đó phát hiện được
các nhân tố hát quan họ để bổ sung nhân sự cho đội hát quan họ của làng.
Như vậy, việc triển khai xây dựng đề
án OCOP du lịch có vai trò rất quan trọng trong việc khai thác các nguồn lực tại
chỗ như vốn, mặt bằng sản xuất, đặc biệt là góp phần tạo thêm được nhiều việc
làm mới, thu hút được nhiều lao động (bao gồm cả lao động thường xuyên, lao động
nông nhàn và lao động phụ) cho nông thôn.
Các điểm bán hàng OCOP sẽ là điểm nhấn
để lưu giữ chân du khách, đồng thời gia tăng thêm nguồn thu nhập mỗi tháng từ
(20-25)% từ doanh số bán hàng, dự kiến sẽ bán từ 1 tỷ đến 1,2 tỷ đồng hàng sản
phẩm OCOP tỉnh Bắc Ninh/điểm bán hàng; từ đó góp phần thúc đẩy việc sản xuất
từ các địa phương. Bên cạnh đó việc bán các sản phẩm OCOP của tỉnh tại các điểm
du lịch là hình thức quảng bá thiết thực, hiệu quả; tiết kiệm được chi phí
trong việc kiếm tìm các đối tác vì
khách du lịch phần đông là đến
từ các địa phương khác trong nước và cả khách quốc tế.
Sự phát triển du lịch ở các làng nghề
truyền thống, các điểm văn hóa không những tự bản thân nó yêu cầu phải có kết cấu
hạ tầng kỹ thuật phát triển mà nó còn kích thích phát triển cơ sở vật chất kỹ
thuật, ra đời phát triển các ngành nghề dịch vụ, thương mại, vận tải, thông tin
liên lạc...và nâng cao dân trí ở nông thôn, thúc đẩy quá trình xây dựng nông
thôn mới văn minh, hiện đại và thu dần khoảng cách giữa thành thị với nông
thôn. Hơn nữa, nguồn tích lũy của người dân trong làng nghề cao hơn, có điều kiện
để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như đường sá, nhà ở. Bên cạnh đó, việc phát
triển làng nghề truyền thống nói chung sẽ chuẩn bị đội ngũ lao động có khả năng
thích ứng với lĩnh vực công nghiệp và tạo cơ sở vệ tinh cho các doanh nghiệp hiện
đại. Một khi làng nghề truyền thống ở nông thôn phát triển mạnh sẽ tạo đội ngũ
lao động có tay nghề cao và lớp nghệ nhân mới. Chính thông qua lực lượng này để
tiếp thu những tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ tiên tiến áp dụng vào sản
xuất làm cho sản phẩm có chất lượng cao giá thành giảm nâng cao khả năng cạnh
tranh trên thị trường lớn.
2. Bảo tồn
phát triển các làng nghề, giá trị di sản văn hóa
Lịch sử phát triển của làng nghề, các
di sản văn hóa gắn liền với lịch sử phát triển văn hóa của dân tộc, nó là nhân
tố góp phần tạo nên nền văn hóa đặc trưng, đồng thời là sự biểu hiện tập trung
nhất bản sắc của dân tộc. Các làng nghề phát triển sẽ bảo tồn, duy trì và phát
triển nhiều ngành nghề cũng như các giá trị văn hóa dân tộc. Du lịch cộng đồng
góp phần bảo tồn và phát huy những bản sắc văn hóa độc đáo của từng địa phương.
Phát triển du lịch cộng đồng là phương thức hữu hiệu để quảng bá văn hóa truyền
thống, quảng bá thương hiệu, sản phẩm đặc trưng của địa phương đến người tiêu
dùng. Sản phẩm của các làng nghề thủ công truyền thống chứa đựng những phong tục,
tập quán, tín ngưỡng... mang sắc thái riêng có của mỗi vùng miền địa phương. Đối
với làng nghề tranh Đông Hồ và làng nghề gốm Phù Lãng các sản phẩm thủ công mỹ
nghệ tinh xảo, độc đáo, đạt trình độ bậc cao về mỹ thuật, thể hiện nét văn hóa
và những phong tục truyền thống của vùng quê Kinh Bắc. Trong số đó, có nhiều sản
phẩm sẽ tham dự nhiều triển lãm về sản phẩm làng nghề tiêu biểu ở trong và
ngoài nước, được du khách ưa chuộng.
3. Bảo vệ môi
trường trong khu vực
Khi dự án được triển khai, người dân sẽ
được tuyên truyền và trở thành những tuyên truyền viên trong việc bảo vệ môi trường, cảnh
quan xanh - sạch - đẹp tại các điểm du lịch vì gắn với quyền lợi của họ ở đó. Một
điều dễ nhận thấy ở những nơi có hoạt động của du lịch cộng đồng là người dân sẽ
có trách nhiệm đến việc tạo dựng và giữ gìn cảnh quan môi trường. Vì vậy, cảnh
quan và môi trường ở nơi phát triển du lịch cộng đồng thường tốt hơn so với những
nơi không có hoạt động du lịch. Người dân nơi đây cũng nhanh nhạy hơn trong việc
tạo thêm những sản phẩm và dịch vụ mới để phục vụ khách du lịch đến. Họ thân
thiện và cởi mở, tạo nên những ấn tượng tốt đẹp cho du khách.
Phần thứ năm
TỔ
CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành
liên quan và UBND thành phố Bắc Ninh, UBND thị xã Thuận Thành, UBND thị xã Quế
Võ triển khai thực hiện Đề án đảm bảo các mục tiêu đề ra;
- Chủ trì, phối hợp các đơn vị liên
quan triển khai các giải pháp chuyển đổi số trong du lịch nông thôn gắn với xây
dựng nông thôn mới; hướng dẫn xây dựng sản phẩm du lịch nông thôn; tuyên truyền
quảng bá, kết nối nông sản, sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn; tham mưu
xây dựng cơ chế, chính sách thuộc lĩnh vực phụ trách có liên quan đến phát triển
du lịch nông thôn;
- Tổ chức xây dựng 3 bộ phim tài liệu
cho 3 sản phẩm du lịch làng nghề, làng văn hóa gắn với sản phẩm OCOP tại địa
phương;
- Tổ chức các
khóa đào tạo, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề cho các đơn vị quản
lý, đơn vị lữ hành và các đối tượng tham gia phát triển du lịch nông thôn gắn với
phát triển sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới;
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị hướng
dẫn chuẩn hóa sản phẩm OCOP du lịch như hình thành đơn vị quản lý, vận hành hoạt
động du lịch, hỗ trợ các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, các cơ sở sản xuất thiết
kế mẫu mã, bao bì đóng gói, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm quà tặng du lịch, hàng
lưu niệm, trang trí...
- Phối hợp tổ chức các sự kiện văn
hóa, lễ hội để thu hút khách du lịch kết hợp triển lãm thành tựu sản phẩm OCOP
của tỉnh Bắc Ninh;
- Phối hợp xây dựng các tour, tuyến du
lịch tại các điểm triển khai dự án và các điểm du lịch khác trong tỉnh.
- Tổ chức chương trình học tập kinh
nghiệm tại một số điểm du lịch OCOP;
- Đánh giá, tổng hợp kết quả thực hiện
đề án, báo cáo UBND tỉnh theo quy định.
2. Sở Văn
hóa, Thể thao và Du lịch
- Nghiên cứu, bổ sung nội dung phát
triển du lịch nông thôn trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Bắc
Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
- Nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính
sách thu hút đầu tư, phát triển sản phẩm du lịch nông thôn; thu hút khách, hỗ
trợ các doanh nghiệp lữ hành đưa khách về vùng nông thôn...theo chức năng, nhiệm
vụ được giao.
- Nghiên cứu, xây dựng bộ tiêu chí,
tiêu chuẩn về du lịch nông thôn gắn với công tác quản lý nhà nước về du lịch.
- Hướng dẫn các địa phương thực hiện hỗ
trợ các tổ chức, cá nhân khai thác, phát triển du lịch nông thôn; thực hiện kế
hoạch bảo tồn, phục dựng các hoạt động văn hóa truyền thống phục vụ và phát triển
du lịch nông thôn;
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng
bá các điểm đến, sản phẩm du lịch nông thôn tại các diễn đàn, hội chợ, xúc
tiến du lịch trong và ngoài tỉnh.
- Kết nối với các tổ chức, cá nhân,
các đơn vị lữ hành trong và ngoài nước để truyền thông, quảng bá và đưa khách tới
địa phương.
3. Sở Công
thương
- Chủ trì tổ chức các hoạt động triển
lãm, cuộc thi chuyên đề, các hoạt động thiết kế sáng tạo, bình chọn sản phẩm
công nghiệp nông thôn tiêu biểu nhằm giới thiệu thúc đẩy bảo tồn và phát huy
giá trị truyền thống, tinh hoa của các mặt hàng thủ công mỹ nghệ Bắc Ninh phục
vụ phát triển du lịch nông thôn.
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT,
Ban quản lý an toàn thực phẩm tỉnh đánh giá, quản lý, hướng dẫn thực hiện các
tiêu chí đảm bảo an toàn tại các cửa hàng trưng bày, giới thiệu, cung ứng nông
sản an toàn và sản phẩm OCOP.
4. Sở Kế hoạch
và Đầu tư
Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành
liên quan tham mưu UBND tỉnh ưu tiên bố trí nguồn vốn để đầu tư xây dựng các hạng
mục công trình của Đề án.
5. Sở Tài
chính
- Tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền
phân bổ kinh phí thực hiện đề án theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và
các quy định hiện hành.
- Tổ chức hướng dẫn và quản lý tài sản,
nguồn ngân sách theo đúng quy định.
6. Sở Khoa học
và Công nghệ
- Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, thể
thao và Du lịch, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các địa phương hỗ
trợ các tổ chức kinh tế, hộ gia đình xây dựng, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm;
bảo hộ khai thác tài sản trí tuệ đối với các sản phẩm, điểm du lịch... gắn với
tên địa danh trên địa bàn tỉnh; ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất
kinh doanh sản phẩm/dịch vụ; tư vấn đăng ký mã số mã vạch theo phân
công, phân cấp của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; ứng dụng hệ thống truy xuất
nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan
liên quan kiểm tra sử dụng nhãn hàng hóa, mã số, mã vạch theo phân công, phân cấp
hoặc ủy quyền của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm xây dựng, quản lý, khai
thác và phát triển thương hiệu trong lĩnh vực du lịch nói chung và du lịch nông
thôn nói riêng.
7. Sở Tài
nguyên và Môi trường
- Hướng dẫn lập, thẩm định và phê duyệt
quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
xây dựng các công trình có nhu cầu sử dụng đất;
- Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực
hiện các trình tự, thủ tục về giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển quyền
sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
theo đúng quy định của pháp luật.
8. Sở Xây dựng
Chủ trì, phối hợp với UBND thành phố,
thị xã cung cấp thông tin quy hoạch, thẩm định hồ sơ đề xuất giới thiệu địa điểm
cho các dự án đầu tư.
9. Sở Thông tin và
Truyền thông
- Chủ trì, phối hợp Sở Văn hóa, Thể
thao và Du lịch và các ngành, đơn vị liên quan hướng dẫn tuyên truyền về công tác
triển khai và kết quả thực hiện Đề án trên địa bàn toàn tỉnh; giới thiệu các sản
phẩm OCOP du lịch, điểm đến du lịch nông thôn.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp
và PTNT và các cơ quan truyền thông để quảng bá các sản phẩm nông nghiệp, làng
nghề chất lượng qua các nền tảng mạng xã hội; phối hợp xây dựng và quản lý
website quảng bá, tạo QR code để du khách tra cứu lịch sử của các sản phẩm OCOP du lịch
ít nhất bằng hai ngôn ngữ là Tiếng Việt và Tiếng Anh, giúp du khách hiểu về
truyền thống, lịch sử văn hóa lâu đời của xứ Bắc Ninh - Kinh Bắc.
10. Báo Bắc Ninh, Đài
phát thanh - Truyền hình tỉnh
Chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa
phương xây dựng chuyên trang, chuyên mục, phóng sự tuyên truyền, quảng bá các nội
dung, hoạt động đề án xây dựng thí điểm sản phẩm OCOP du lịch trên địa bàn tỉnh.
11. Ủy ban nhân dân
các thị xã, thành phố
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT,
Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch rà soát, đánh giá thực trạng tiềm năng phát triển
du lịch nông thôn và triển khai đề án thí điểm sản phẩm OCOP về du lịch nông
thôn trên địa bàn đảm bảo phù hợp với quy hoạch và điều kiên cũng như tiềm năng
thực tế của địa phương.
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT
triển khai các nội dung về đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho lao động du
lịch nông thôn, tăng cường quảng bá, giới thiệu các điểm du lịch nông thôn trên
địa bàn.
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT,
các Sở ngành liên quan tổ chức các hoạt động truyền thông, quảng bá về du lịch
gắn với phát triển sản phẩm OCOP tại địa phương;
- Phê duyệt Chủ trương đầu tư 03 dự
án, tổ chức xây dựng các hạng mục công trình đảm bảo các tiêu chí OCOP du lịch.
- Hướng dẫn các địa phương quản lý chặt
chẽ tài sản, tài chính; vận hành dự án theo quy định của pháp luật, đảm bảo hiệu
quả cho cộng đồng.
- Thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám
sát, đánh giá kết quả triển khai đề án xây dựng thí điểm sản phẩm OCOP về du lịch
nông thôn trên địa bàn.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu
có khó khăn, vướng mắc, các ngành, các địa phương phản ánh về Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh cho phù
hợp./.
PHỤ
LỤC
TỔNG
KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN THÍ ĐIỂM XÂY DỰNG MÔ HÌNH SẢN PHẨM OCOP DU LỊCH TRÊN ĐỊA
BÀN TỈNH BẮC NINH GIAI ĐOẠN 2023-2025
TT
|
Nội dung thực
hiện
|
Kinh phí (1.000 đồng)
|
Nguồn kinh
phí
|
|
Ghi chú
|
Ngân sách tỉnh
tỉnh
|
Ngân sách
huyện
|
Nguồn vốn
khác
|
I
|
Kinh phí xây dựng đề
án năm 2024
|
62.521.828
|
|
|
|
|
1
|
Tập huấn
|
750,000
|
|
|
|
|
1.1
|
Nghiệp vụ du lịch, quản trị điểm
đến (3 lớp x
150
triệu)
|
450,000
|
x
|
|
|
Nguồn kinh
phí sự nghiệp giao cho Sở Nông nghiệp và PTNT; Văn phòng điều phối Nông thôn
mới thực hiện
|
1.2
|
Ngoại ngữ 1 lớp
|
150,000
|
|
|
1.3
|
Xây kênh bán hàng cho các hộ sản xuất
(03 lớpx50 triệu)
|
150,000
|
|
|
2
|
Làm phim tài liệu (03 điểm, mỗi điểm
700 triệu)
|
2,100,000
|
|
|
3
|
Xây dựng bộ nhận diện sản phẩm
|
90,000
|
|
|
4
|
Thiết kế Wed, Fanpape, Tiktok đồng
thời vận hành kênh truyền thông, quảng bá điểm du lịch
|
98,000
|
|
|
5
|
Tổ chức, sự kiện kết nối các đơn vị
lữ hành, xây Tour tuyến du lịch
|
1,510,000
|
|
|
6
|
Tham quan học tập kinh nghiệm
|
150,000
|
|
|
7
|
Chi phí Xây dựng
|
57.823.828
|
|
|
|
|
7.1
|
Chi phí xây dựng
khu du lịch Viêm Xá, Phường Hòa Long
|
19,520,041
|
|
|
|
|
7.1.1
|
Xây dựng điểm giới thiệu, bán sản phẩm
Ocop
|
14,560,041
|
|
X
|
|
Ngân sách tỉnh hỗ trợ
và ngân sách cấp huyện
|
7.1.2
|
Thiết kế không gian đón tiếp khách
|
7.1.3
|
Bảo tàng mini trưng bày sản phẩm văn hóa
làng Diềm, bảo tàng mini về…
|
7.1.4
|
Tạo cảnh quan hồ thủy Đình
|
7.1.5
|
Cải tạo bếp ăn, nghe hát quan họ
trong nhà, hạng mục phụ trợ (nội thất, trang trí, trang bị âm
thanh...)
|
7.1.6
|
Con đường bích họa (con đường ánh
sáng)
|
7.1.7
|
Biển quảng bá du lịch
|
7.1.8
|
Cải tạo, lắp đặt hệ thống ánh sáng,
đèn trang trí cảnh quan cây
xanh...
|
900,000
|
|
|
x
|
Nguồn vốn khác
|
7.1.9
|
Cải tạo WC công cộng
|
360,000
|
|
7.1.10
|
Phục dựng các phiên chợ vào tháng
giêng ở làng Diềm
|
300,000
|
|
7.1.11
|
Mua thùng rác, ghế đá
|
100,000
|
|
7.1.12
|
Xây dựng, tạo cảnh quan các điểm
check in, mua xe điện, xe đạp
|
1,100,000
|
|
7.1.13
|
Cải tạo ven đê sông Cầu qua khu Viêm
Xá
|
2,000,000
|
|
7.1.14
|
Tạo thêm không gian sáng tạo khác
|
200,000
|
|
7.2
|
Chi phí xây dựng
khu du lịch gốm Phù Lãng, thị xã Quế Võ
|
18.897.954
|
|
|
|
|
7.2.1
|
Xây dựng khu đón tiếp khách
|
|
|
|
|
|
7.2.2
|
Xây dựng con đường gốm
|
|
7.2.3
|
Tái hiện cảnh bến đò xưa
|
|
7.2.4
|
Xây dựng bốt đón tiếp, hướng dẫn
|
|
7.2.5
|
Tháp chum thác nước (biểu tượng đặc
trưng làng nghề Phù Lãng)
|
14,927,954
|
|
X
|
|
Ngân sách tỉnh
hỗ trợ và ngân sách cấp huyện
|
7.2.6
|
Xây dựng bồn hoa, trồng cây, hoa tạo cảnh
quan tại điểm tam giác đón tiếp
|
|
7.2.7
|
Xây dựng điểm trưng bày và bán sản
phẩm Ocop
|
|
7.2.8
|
Biển quảng bá du lịch
|
|
7.2.9
|
Cải tạo, lắp đặt hệ thống ánh sáng
đèn trang trí
|
1,200,000
|
|
|
X
|
Nguồn vốn
khác
|
7.2.10
|
Xây dựng nhà xe, điểm đỗ xe tại điểm
du lịch (sử dụng cơ sở vật chất có sẵn địa phương)
|
450,000
|
|
7.2.11
|
Mua thùng rác, ghế đá
|
120,000
|
|
7.2.12
|
Xây dựng điểm trải nghiệm thực tế
|
1,100,000
|
|
7.2.13
|
Xây dựng, tạo cảnh quan các điểm
check in, mua xe điện, xe đạp
|
1,100,000
|
|
7.3
|
Chi phí xây dựng tại
làng tranh Đông Hồ, xã Song Hồ
|
19.405.833
|
|
|
|
|
7.3.1
|
Xây dựng điểm trưng bày và bán sản
phẩm OCOP
|
14,405,833
|
x
|
|
|
Ngân sách tỉnh hỗ trợ
và ngân sách cấp huyện
|
7.3.2
|
Xây nhà đón tiếp
|
|
7.3.3
|
Cải tạo ao làng (cạnh Đình tranh)
|
|
7.3.4
|
Xây giàn hoa trên mái đê
|
|
7.3.5
|
Cải tạo, lắp đặt hệ thống ánh sáng,
đèn trang trí; các biển bảng chỉ dẫn và quảng cáo
|
|
|
7.3.6
|
Xây nhà xe, điểm đỗ xe tại điểm du lịch
|
1,140,000
|
|
|
x
|
Nguồn vốn
khác
|
7.3.7
|
Hệ thống chiếu sáng, đèn trang trí cảnh
quan chung
|
1,200,000
|
|
7.3.8
|
Cải tạo nhà WC công cộng
|
360,000
|
|
7.3.9
|
Mua thùng rác, ghế đá
|
100,000
|
|
7.3.10
|
Xây dựng điểm trải nghiệm thực tế
|
1,400,000
|
|
7.3.11
|
Xây dựng, tạo cảnh quan các điểm
check in, mua xe điện, xe đạp
|
800,000
|
|
II
|
Kinh phí thực hiện
đề án năm 2025
|
950.000
|
|
|
1
|
Tuyên truyền trên các phương tiện
truyền thông, thuê KOC, KOL quảng bá
|
300,000
|
X
|
|
|
Nguồn kinh
phí sự nghiệp giao cho Sở Nông nghiệp và PTNT; Văn
phòng điều phối Nông thôn mới thực hiện
|
2
|
Số hóa quản trị du lịch
|
200,000
|
|
|
3
|
Tổ chức sự kiện lớn
|
300,000
|
|
|
4
|
Tổng kết Đề án
|
150,000
|
|
|
III
|
Chi phí Dự phòng
|
200,000
|
x
|
|
|
|
TỔNG CỘNG
|
63,671,828
|
5,848,000
|
43,893,828
|
13,930,000
|
|