Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Kế hoạch 145/KH-UBND 2020 phòng chống sử dụng hóa đơn để hợp thức hàng hóa nhập lậu Lạng Sơn

Số hiệu: 145/KH-UBND Loại văn bản: Kế hoạch
Nơi ban hành: Tỉnh Lạng Sơn Người ký: Dương Xuân Huyên
Ngày ban hành: 27/08/2020 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 145/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 27 tháng 8 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG VIỆC SỬ DỤNG HÓA ĐƠN ĐỂ HỢP THỨC CHO HÀNG HÓA NHẬP LẬU

Thực hiện các Luật Thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành; Luật Thương mại ngày 14/6/2005; Luật Giá ngày 20/6/2012; Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20/6/2012; Nhằm tăng cường công tác quản lý sử dụng hóa đơn đối với các hộ, cá nhân, kinh doanh mua bán hàng hóa của cư dân biên giới, vận chuyển hàng hóa lưu thông trên đường góp phần phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, tăng thu ngân sách Nhà nước, Uỷ ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn ban hành Kế hoạch phòng, chống việc sử dụng hóa đơn để hợp thức cho hàng hóa nhập lậu, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Chủ động phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả và xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh, vận chuyển, buôn bán hàng hóa nhập lậu; hàng không có nguồn gốc, xuất xứ; không có đầy đủ hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp.

- Nâng cao nhận thức của các hộ, cá nhân kinh doanh trong việc tuân thủ pháp luật, hiểu rõ và chấp hành các nghĩa vụ thuế chính xác, đầy đủ.

- Tăng cường công tác quản lý sử dụng hóa đơn đối với các hộ, cá nhân, kinh doanh mua bán hàng hóa của cư dân biên giới, vận chuyển hàng hóa lưu thông trên đường góp phần phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, tăng thu ngân sách Nhà nước.

2. Yêu cầu

- Công tác phòng, chống việc sử dụng hóa đơn để hợp thức cho hàng hóa nhập lậu phải được thực hiện thường xuyên, liên tục theo đúng quy định của pháp luật và Quy chế phối hợp giữa các lực lượng chức năng.

- Đảm bảo không gây ách tắc cho việc lưu thông hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

- Xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm pháp luật về hóa đơn chứng từ, pháp luật thuế, pháp luật về thương mại.

II. Căn cứ pháp lý

- Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019.

- Luật Quản lý thuế số ngày 13/6/2019.

- Các Luật Thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.

- Luật Thương mại ngày 14/6/2005.

- Luật Giá ngày 20/6/2012.

- Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20/6/2012.

- Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ;

- Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018 của Chính phủ quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ;

- Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn; Nghị định số 49/2016/NĐ-CP ngày 27/5/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn;

- Nghị định số 129/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về thuế; Nghị định số 100/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế;

- Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Nghị định 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ;

- Nghị định số 14/2018/NĐ-CP ngày 23/01/2018 của Chính phủ quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới;

- Quyết định số 199/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình thực hiện Kết luận số 05-KL/TW ngày 15/7/2016 của Ban Bí thư về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới và Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm đến năm 2020.

- Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ, được sửa đổi bổ sung bởi Thông tư số 119/2014/TT-BTC 25 tháng 8 năm 2014, Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/ 2015, Thông tư số 37/2017/TT-BTC ngày 27/4/2017 của Bộ Tài chính;

- Thông tư số 166/2013/TT-BTC ngày 15/11/2013 của Bộ Tài chính quy định xử phạt vi phạm hành chính về Thuế;

- Thông tư số 173/2013/TT-BTC ngày 20/11/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số nội dung về quản lý, xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính;

- Thông tư số 149/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 của Bộ Tài chính quy định về số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính để sung vào ngân sách nhà nước;

- Thông tư liên tịch số 64/2015/TTLT-BTC-BCT-BCA-BQP ngày 08/5/2015 của Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quy định về chế độ hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường;

- Thông tư số 80/2019/TT-BTC ngày 15/11/2019 của Bộ Tài chính hướng dẫn thủ tục hải quan, quản lý thuế, phí và lệ phí đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo Nghị định số 14/2018/NĐ-CP ngày 23/01/2018 của Chính phủ quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới.

III. NỘI DUNG

1. Nhận diện các dấu hiệu và hành vi vi phạm pháp luật về thuế, hóa đơn, pháp luật về thương mại đối với các hộ, cá nhân kinh doanh có hoạt động thương mại biên giới.

1.1. Các hộ, cá nhân kinh doanh có hoạt động thương mại biên giới thường có các hành vi vi phạm sau:

- Thực hiện hoạt động thu mua gom hàng hóa nhập khẩu trôi nổi trên thị trường, hàng hóa không có nguồn gốc, xuất xứ, không có đầy đủ hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp. Khi bán hàng hóa, các hộ, cá nhân kinh doanh lập hóa đơn xuất bán cho người mua, lợi dụng việc sử dụng hóa đơn khi bán hàng hóa để hợp thức hóa hàng nhập lậu vận chuyển vào nội địa.

- Kinh doanh hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng giả mạo xuất xứ.

- Việc ghi các nội dung trên hóa đơn không phản ảnh đúng nghiệp vụ kinh tế phát sinh, như:

+ Giá hàng hóa ghi trên hóa đơn thấp hơn nhiều so với giá thực tế, giá thị trường, giá theo Thông báo giá của Sở Tài chính; Hoặc thấp hơn so với giá hàng hóa ghi trên hóa đơn bán ra của các hộ, cá nhân kinh doanh, doanh nghiệp trên địa bàn; Hoặc thấp hơn so với Biên bản định giá của Hội đồng định giá trong những vụ việc tương tự trước đó.

+ Tên hàng hóa ghi chung chung, không đúng tên thương phẩm của hàng hóa (ví dụ “Quần bò các loại” thực tế quần bò có rất nhiều loại: Quần bò người lớn loại dài, loại ngắn; quần trẻ em loại dài, loại ngắn; có nhiều nhãn hiệu, hình thức, chất liệu khác nhau,...);

+ Đơn vị tính trên hóa đơn ghi không đúng quy định của pháp luật về đo lường, ghi chung chung không rõ đơn vị tính (ví dụ: mặt hàng đồng hồ đeo tay, phụ tùng ô tô, quần, áo nam nữ các loại, giầy dép các loại ghi đơn vị tính là “kg”).

1.2. Các hộ, cá nhân kinh doanh có hoạt động thương mại biên giới có các dấu hiệu sau thuộc đối tượng có rủi ro cao về thuế, hóa đơn, pháp luật thương mại:

- Không có hoạt động kinh doanh thực tế tại địa điểm đăng ký kinh doanh; Địa điểm kinh doanh không thuận tiện trong giao dịch mua, bán.

- Hầu như không có hoạt động bán lẻ, chủ yếu là bán buôn; Số lượng, chủng loại hàng hóa nhiều nhưng doanh thu ghi trên hóa đơn thấp, không tương xứng.

- Hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế khoán sử dụng hóa đơn quyển có doanh thu trên hóa đơn thường xuyên cao hơn nhiều so với doanh thu khoán; Hàng tháng (quý) có số lượng hóa đơn sử dụng nhiều.

2. Các quy định về chế độ hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường

2.1. Đối với trường hợp hàng hóa nhập khẩu do cơ sở sản xuất, kinh doanh trực tiếp nhập khẩu Theo quy định tại Khoản 1, Điều 4, Thông tư liên tịch số 64/2015/TTLT-BTC-BCT-BCA-BQP ngày 08/5/2015 của Bộ Tài chính- Bộ Công thương- Bộ Công An- Bộ Quốc phòng, quy định về chế độ hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường:

“1. Đối với trường hợp hàng hóa nhập khẩu do cơ sở sản xuất, kinh doanh trực tiếp nhập khẩu khi vận chuyển từ cửa khẩu vào nội địa phải có hóa đơn, chứng từ theo từng trường hợp cụ thể sau:

a) Trường hợp hàng hóa nhập khẩu đã hoàn thành thủ tục hải quan khi vận chuyển phải có tờ khai hàng hóa nhập khẩu đã được cơ quan Hải quan quyết định thông quan hoặc giải phóng hàng;

b) Trường hợp hàng hóa nhập khẩu chưa hoàn thành thủ tục hải quan bao gồm hàng hóa nhập khẩu đưa về bảo quản, hàng hóa nhập khẩu vận chuyển về nơi làm thủ tục hải quan khác với cửa khẩu nhập thì khi vận chuyển từ cửa khẩu nhập vào nội địa phải có tờ khai hàng hóa nhập khẩu đã được cơ quan Hải quan chấp thuận theo quy định. Cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa nhập khẩu phải thực hiện đúng theo những nội dung phê duyệt của cơ quan Hải quan;

c) Trường hợp cơ sở sản xuất, kinh doanh nhập khẩu hàng hóa đăng ký tờ khai hải quan một lần hoặc nhập khẩu hàng hóa phải vận chuyển nhiều lần, bằng nhiều phương tiện vận tải thì phải có bản sao tờ khai hải quan hàng nhập khẩu theo các trường hợp nêu tại điểm a, b khoản này và Lệnh điều động của cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa nhập khẩu. Lệnh điều động phải ghi rõ số lượng, chủng loại hàng hóa vận chuyển của tờ khai hàng hóa nhập khẩu số, ngày, tháng, năm, nơi đi, nơi đến, phương tiện vận tải, biển số phương tiện vận tải.”

2.2. Đối với hàng hóa nhập khẩu của cơ sở sản xuất, kinh doanh không trực tiếp nhập khẩu vận chuyển, bày bán hoặc lưu kho

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 5, Thông tư liên tịch số 64/2015/TTLT-BTC-BCT-BCA-BQP:

“2. Đối với hàng hóa nhập khẩu của cơ sở sản xuất, kinh doanh không trực tiếp nhập khẩu vận chuyển, bày bán hoặc lưu kho phải có hóa đơn, chứng từ của cơ sở bán hàng theo quy định tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.”

2.3. Đối với hàng hóa nhập khẩu do cơ sở sản xuất, kinh doanh thu mua gom của cư dân biên giới:

2.3.1. Đối với hàng hóa nhập khẩu do cơ sở sản xuất, kinh doanh thu mua gom trực tiếp vận chuyển vào nội địa để tiêu thụ:

- Theo quy định tại Điểm a, Khoản 3, Điều 4, Thông tư liên tịch số 64/2015/TTLT-BTC-BCT-BCA-BQP:

“a. Cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa nhập khẩu thu mua gom trực tiếp vận chuyển hàng hóa vào nội địa để tiêu thụ phải có bản chính Bảng kê hàng hóa mua, bán, trao đổi của cư dân biên giới có xác nhận của cơ quan Hải quan hoặc Bộ đội Biên phòng (nơi không có các lực lượng Hải quan, Kiểm dịch); bản chính Biên lai thu thuế hàng hóa nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu vượt định mức miễn thuế hoặc hàng hóa nhập khẩu ngoài danh mục hàng trao đổi cư dân biên giới (nếu có) để chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp của hàng hóa mua gom. Bảng kê hàng hóa mua, bán, trao đổi của cư dân biên giới theo mẫu do Bộ Tài chính hướng dẫn”

- Thủ tục hải quan, quản lý thuế đối với hàng hóa thu mua gom của cư dân biên giới được quy định tại Khoản 2, Điều 4, Thông tư số 80/2019/TT-BTC ngày 15/11/2019 của Bộ Tài chính hướng dẫn thủ tục hải quan, quản lý thuế, phí và lệ phí đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo Nghị định số 14/2018/NĐ-CP ngày 23/01/2018 của Chính phủ quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới:

2. Thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu thương nhân mua gom của cư dân biên giới thực hiện như đối với hàng hóa nhập khẩu của thương nhân qua cửa khẩu biên giới được hướng dẫn tại Điều 3 Thông tư này; thương nhân nộp bản chính các tờ khai hàng nhập khẩu cư dân biên giới theo mẫu HQ2019/TKNKBG tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này và bản chính bảng kê mua gom hàng hóa theo mẫu quy định tại khoản 1 Điều này để thay thế hợp đồng, hóa đơn thương mại; thương nhân phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế, phí và lệ phí đối với hàng hóa nhập khẩu theo quy định của pháp luật.

Thời hạn nộp hồ sơ hải quan chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày mua gom hàng hóa.”

2.3.2. Đối với hàng hóa nhập khẩu do cơ sở sản xuất, kinh doanh thu mua gom bán cho cơ sở sản xuất, kinh doanh khác để vận chuyển vào nội địa

- Theo quy định tại Điểm b, Khoản 3, Điều 4, Thông tư liên tịch số 64/2015/TTLT-BTC-BCT-BCA-BQP:

“b. Trường hợp cơ sở thu mua gom bán hàng cho cơ sở sản xuất kinh doanh khác để vận chuyển vào nội địa thì cơ sở thu mua gom xuất hóa đơn bán hàng theo quy định và chịu trách nhiệm về nguồn gốc hàng hóa. Cơ sở thu mua gom phải lưu giữ bản chính Bảng kê hàng hóa mua, bán, trao đổi của cư dân biên giới có xác nhận của cơ quan Hải quan hoặc Bộ đội Biên phòng (nơi không có các lực lượng Hải quan, Kiểm dịch); bản chính Biên lai thu thuế hàng hóa nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu vượt định mức miễn thuế hoặc hàng hóa nhập khẩu ngoài danh mục hàng trao đổi cư dân biên giới (nếu có) để chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp của hàng hóa.”

- Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thu mua gom hàng hóa khi bán hàng có nhu cầu sử dụng hóa đơn quyển thì phải thực hiện quy định về quản lý, sử dụng hóa đơn tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành.

3. Trình tự xử lý hành vi vi phạm trên khâu lưu thông đối với trường hợp có dấu hiệu lợi dụng hóa đơn để hợp thức cho hàng hóa nhập lậu

Khi cơ quan chức năng có thẩm quyền kiểm tra hàng hóa đang vận chuyển, đang bày bán, để tại kho, bến, bãi. Nếu phát hiện đơn giá ghi trên hóa đơn có các dấu hiệu nhận diện như quy định tại Điểm 1, Mục II Kế hoạch này thì phải tiến hành theo các bước sau:

Bước 1: Người có thẩm quyền đang thụ lý giải quyết vụ việc phải ban hành quyết định tạm giữ tang vật vi phạm hành chính theo thẩm quyền; thành lập Hội đồng định giá theo quy định tại Khoản 3, Điều 60, Luật Xử lý vi phạm hành chính. Trình tự, thủ tục quản lý, xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ thực hiện theo Thông tư số 173/2013/TT-BTC ngày 20/11/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số nội dung về quản lý, xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ tịch thu theo thủ tục hành chính. Trong thời hạn 20 giờ liên tục, kể từ thời điểm ban hành Quyết định thành lập Hội đồng định giá, thì Hội đồng định giá phải có trách nhiệm phát hành Biên bản định giá theo quy định của pháp luật.

Bước 2: Người có thẩm quyền đang thụ lý giải quyết vụ việc phối hợp với các cơ quan chức năng như: Tài chính, Thuế, Công an, Hải Quan, Quản lý thị trường, chính quyền địa phương xác minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa theo đúng quy định của pháp luật.

Bước 3: Xác định chênh lệch giá trị hàng hóa giữa giá trị hàng hóa ghi trên hóa đơn và giá trị hàng hóa theo Biên bản định giá của Hội đồng định giá. Căn cứ trị giá hàng hóa đã xác định, người có thẩm quyền đang thụ lý giải quyết vụ việc phối hợp với cơ quan Thuế xác định số tiền thuế trốn của tổ chức cá nhân và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật thuế.

Bước 4: Người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc mời người bán hàng và người mua hàng đến để yêu cầu họ cung cấp tài liệu chứng minh về giá bán ghi trên hóa đơn và nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.

Nếu người bán hàng và người mua hàng không cung cấp được tài liệu chứng minh nguồn gốc hàng hóa đang bị tạm giữ là do Việt Nam sản xuất, thì người có thẩm quyền đang thụ lý giải quyết vụ việc căn cứ quy định tại Khoản

2, Điều 28, Luật Thương mại số 36/2005/QH11 ngày 14/6/2005 phải lập Biên bản xác định hàng hóa đó là do nước ngoài sản xuất được nhập khẩu vào Việt Nam. Đồng thời, tại Biên bản phải ghi rõ áp dụng Thông tư liên tịch số 64/2015/TTLT-BTC-BCT-BCA-BQP ngày 08/5/2015 để giải quyết vụ việc.

Nếu người bán hàng và người mua hàng không giải trình hợp lý được việc đơn giá hàng hóa ghi trên Hóa đơn (đã có các dấu hiệu nhận diện như quy định tại Điểm 1, Mục II của Kế hoạch này) thì xác định, người bán hàng và người mua hàng đã có hành vi chuyển giá, thông đồng về giá dưới mọi hình thức để trục lợi, vi phạm quy định tại Điểm d, Khoản 2, Điều 10, Luật Giá số 11/2012/QH 13 ngày 20/6/2012.

Nếu số tiền thuế trốn mà đủ điều kiện xử lý theo quy định tại Điều 200 Bộ Luật Hình sự năm 2015 thì phải chuyển ngay tang vật cùng hồ sơ đến Cơ quan Công an để xử lý theo luật định. Nếu giá trị chênh lệch mà dẫn đến số tiền thuế trốn không đủ điều kiện xử lý Hình sự, thì xử lý hành chính theo quy định.

Bước 5: Xử lý hành chính đối với người mua hàng

Thông báo rõ cho người mua hàng được biết về nguồn gốc hàng hóa đang bị tạm giữ là do nước ngoài sản xuất (là hàng hóa nhập khẩu theo quy định tại Khoản 2, Điều 28 Luật Thương mại).

Trường hợp qua điều tra, xác minh, nếu:

- Cơ quan chức năng xác định có hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp hoặc sử dụng bất hợp pháp hóa đơn (Sử dụng hóa đơn bất hợp pháp hoặc sử dụng bất hợp pháp hóa đơn được quy định tại Điều 22, Điều 23 Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ) thì hàng hóa của người mua là hàng hóa nhập lậu theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 6 Thông tư liên tịch số 64/2015/TTLT-BTC-BCT-BCA-BQP và bị xử lý theo quy định tại Khoản 2, Điều 6 Thông tư liên tịch số 64/2015/TTLT-BTC-BCT-BCA-BQP .

- Cơ quan chức năng phát hiện người mua hàng có hành vi thông đồng, hoặc cấu kết với người bán hàng ghi giá bán hàng hóa thấp để làm giảm số tiền thuế phải nộp nhằm trục lợi (đây là hành vi bị cấm theo quy định tại điểm d, Khoản 2, Điều 10 của Luật Giá năm 2012) thì người mua hàng bị xử lý hành chính về hành vi thông đồng theo quy định tại Điểm b, Khoản 3 Điều 1 và Khoản 1 Điều 15 Thông tư 166/2013/TT-BTC ngày 15/ 11/ 2013 của Bộ Tài chính:

Điểm b, khoản 3, Điều 1, Thông tư số 166/2013/TT-BTC ngày 15/11/2013 của Bộ Tài chính quy định:

“b) Hành vi vi phạm hành chính về thuế của tổ chức tín dụng và tổ chức, cá nhân khác có liên quan:

Hành vi thông đồng, bao che người nộp thuế trốn thuế, gian lận thuế;

…”

Khoản 1, Điều 15 Thông tư 166/2013/TT-BTC ngày 15/11/2013 của Bộ Tài chính, quy định:

“1. Tổ chức, cá nhân liên quan có hành vi thông đồng, bao che người nộp thuế trốn thuế, gian lận thuế, không thực hiện quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế (trừ hành vi không trích chuyển tiền từ tài khoản của người nộp thuế quy định tại Điều 14 Thông tư này) thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị phạt tiền, cụ thể như sau:......”

Bước 6: Xử lý hành chính đối với người bán hàng

Thông báo rõ cho người bán hàng được biết về nguồn gốc hàng hóa đang bị tạm giữ là do nước ngoài sản xuất (là hàng hóa nhập khẩu theo quy định tại Khoản 2, Điều 28, Luật Thương mại số 36/2005/QH11 ngày 14/ 6/2005).

* Đối với cơ quan đang thụ lý giải quyết vụ việc:

Quá trình xác minh, nếu người bán hàng không xuất trình được hồ sơ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa nhập khẩu, thì tiến hành các bước xử phạt vi phạm hành chính đối với người bán về hành vi kinh doanh hàng hoá nhập lậu. Áp dụng hình thức xử phạt tiền và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính để sung vào ngân sách nhà nước.

Căn cứ Biên bản định giá của Hội đồng định giá, cơ quan đang thụ lý giải quyết vụ việc xác định số lợi bất hợp pháp theo quy định tại Thông tư số 149/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 của Bộ Tài chính.

* Đối với Cơ quan Thuế

Cơ quan Thuế tham khảo giá của Hội đồng định giá hoặc giá hàng hóa, dịch vụ do cơ quan quản lý nhà nước công bố cùng thời điểm hoặc giá mua, giá bán của các doanh nghiệp kinh doanh cùng ngành nghề, cùng mặt hàng có quy mô kinh doanh và số khách hàng lớn tại địa phương để xác định giá thực tế thanh toán phù hợp với giá thị trường để thực hiện ấn định thuế và xử phạt vi phạm hành chính thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Cục Quản lý thị trường

- Cục Quản lý thị trường là cơ quan đầu mối, chủ trì, chỉ đạo các đơn vị phối hợp tập trung theo dõi, kiểm tra hàng hóa của các hộ, cá nhân kinh doanh có dấu hiệu rủi ro do cơ quan Thuế cung cấp, bao gồm hàng đang vận chuyển, đang bày bán, để tại kho, bến, bãi. Nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm thì tạm giữ tang vật, phương tiện liên quan để điều tra, xác minh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo thẩm quyền. Trình tự xử lý như Điểm 3, Mục II Kế hoạch này.

- Chủ động tham mưu cho Ban Chỉ đạo 389 tỉnh kịp thời chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh.

- Chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý địa bàn, nhằm xử lý các hành vi vi phạm về giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, địa điểm kinh doanh, biển hiệu, các quy định về niêm yết giá trong kinh doanh hàng hóa. Tăng cường công tác kiểm tra hàng hóa lưu thông trên thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

- Chỉ đạo Đội Quản lý thị trường số 8 (Trạm Kiểm soát liên hợp Dốc Quýt) quản lý chặt chẽ hàng hóa lưu thông qua Trạm. Đảm bảo 100% hàng hóa đi qua trạm được đóng dấu đã kiểm tra hóa đơn để giảm thiểu quay vòng hóa đơn.

- Phối hợp với cơ quan Thuế và các cơ quan chức năng liên quan kiểm tra, rà soát, xác định lại giá hàng hóa ghi trên hóa đơn bán hàng cho phù hợp với giá thực tế và giá do cơ quan có thẩm quyền thông báo định kỳ trên địa bàn tỉnh.

2. Cục Thuế

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền hướng dẫn về quản lý, sử dụng hóa đơn đối với hộ, cá nhân kinh doanh. Hướng dẫn cụ thể việc ghi chép hóa đơn (nhất là các tiêu thức: Tên, địa chỉ, mã số thuế người mua; tên hàng hóa, chủng loại, đơn vị tính ...).

- Xây dựng tiêu chí rủi ro đối với hộ, cá nhân kinh doanh có sử dụng hóa đơn quyển.

- Chỉ đạo các bộ phận chuyên môn nhận diện hộ, cá nhân kinh doanh có dấu hiệu rủi ro trong việc lợi dụng sử dụng hóa đơn để hợp thức cho hàng hóa nhập lậu (hộ, cá nhân kinh doanh có dấu hiệu rủi ro). Định kỳ hàng tháng, rà soát, cập nhật danh sách các hộ, cá nhân kinh doanh có dấu hiệu rủi ro; đồng thời gửi danh sách hộ, cá nhân kinh doanh có dấu hiệu rủi ro cho các cơ quan: Công an, Quản lý thị trường, Hải Quan để phối hợp quản lý.

- Quản lý chặt chẽ việc bán hóa đơn cho các hộ, cá nhân kinh doanh trong danh sách rủi ro. Hồ sơ mua hóa đơn phải đầy đủ, đúng quy định, yêu cầu các hộ kinh doanh ghi đầy đủ các nội dung trong Đơn đề nghị mua hóa đơn (theo mẫu 3.3 tại Thông tư số 39/2014/TT-BTC).

- Yêu cầu các hộ, cá nhân kinh doanh trong danh sách rủi ro khi lên mua hóa đơn lần sau phải cung cấp thông tin về số hóa đơn đã sử dụng trước đó để kiểm tra (về giá ghi trên hóa đơn, các nội dung ghi trên hóa đơn ...). Trường hợp nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm thì phải có biện pháp để xử lý.

- Thường xuyên kiểm tra việc quản lý, sử dụng hóa đơn, kê khai thuế (bao gồm kiểm tra hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan thuế hoặc kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế) đối với 100% các hộ trong danh sách rủi ro.

- Đối với những hộ, cá nhân kinh doanh thường xuyên vi phạm về sử dụng hóa đơn, vi phạm về thuế hoặc vi phạm có tính chất nghiêm trọng thì củng cố hồ sơ chuyển cơ quan Công an để xem xét xử lý hình sự.

- Lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra chuyên đề đối với các doanh nghiệp tại thành phố và các huyện biên giới có hoạt động kinh doanh thương mại nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài, có doanh số sử dụng hóa đơn lớn, cung cấp đầu vào cho các hộ, cá nhân kinh doanh thương mại khác.

- Phối hợp với các cơ quan: Công an, Quản lý thị trường, Hải quan để cung cấp, trao đổi thông tin, xác định hành vi vi phạm và xử lý theo quy định.

3. Cục Hải Quan

- Chủ trì, phối hợp duy trì hoạt động chốt chặn các đường mòn biên giới trên địa bàn phạm vi hoạt động của Hải Quan; phối hợp với cơ quan chức năng chống buôn lậu ngăn chặn hàng hóa nhập lậu vào thị trường nội địa.

- Trên cơ sở Danh sách các hộ, cá nhân kinh doanh có dấu hiệu rủi ro do cơ quan Thuế cung cấp, tiến hành nắm bắt thông tin liên quan đến hoạt động mua bán, địa điểm tập kết hàng hóa, kho hàng để chờ vận chuyển vào nội địa của hộ kinh doanh trong danh sách rủi ro. Phối hợp với cơ quan Thuế, cơ quan Quản lý thị trường, cơ quan Công an tiến hành xác minh làm rõ nguồn gốc xuất xứ hàng hóa được lập hóa đơn có dấu hiệu nghi vấn hợp thức hóa hàng nhập lậu.

- Phối hợp với các cơ quan: Quản lý Thị trường, Thuế, Công an, Biên phòng tăng cường kiểm tra kho hàng tại khu vực biên giới, cửa khẩu.

- Chuyển hồ sơ xử lý vi phạm cho cơ quan Thuế để thực hiện các biện pháp xử lý về thuế, đưa vào diện rủi ro cao nhằm có biện pháp kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hơn.

- Thực hiện phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với các phương tiện qua lại, nhằm ngăn chặn và phát hiện việc lợi dụng việc thu gom hàng hóa nhập lậu, xuất hóa đơn để hợp thức hóa.

- Tăng cường áp dụng các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan nhằm kịp thời phát hiện các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới câu kết với nhau cùng thực hiện việc xuất hóa đơn hợp thức hóa hàng nhập lậu.

Trường hợp giám sát, kiểm tra, kiểm soát phát hiện phương tiện vận chuyển, kho, bãi chứa hàng hóa mà chủ phương tiện, chủ kho, bãi xuất trình hóa đơn bán hàng của lô hàng, thì tiến hành ngay kiểm tra hàng hóa, xác minh nguồn gốc của lô hàng. Quá trình xác minh, nếu các Hộ kinh doanh phát hành hóa đơn bán hàng không xuất trình được tờ khai hải quan nhập khẩu, không có bảng kê mua gom hàng hóa của cư dân biên giới, không có biên lai thu thuế nhập khẩu, thì tiến hành các bước xử phạt vi phạm hành chính đối với người phát hành hoá đơn về hành vi kinh doanh hàng hoá nhập lậu, áp dụng hình thức xử phạt tiền và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm theo quy định.

- Thực hiện kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu của cư dân biên giới theo quy định tại Điều 7, Thông tư số 80/2019/TT-BTC ngày 15/11/2019 của Bộ Tài chính hướng dẫn thủ tục hải quan, quản lý thuế, phí và lệ phí đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo Nghị định số 14/2018/NĐ-CP ngày 23/01/2018 của Chính phủ quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới .

4. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

Chỉ đạo các Đồn Biên phòng tăng cường tuần tra, kiểm soát, duy trì chốt chặn 24/24 để ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi xuất nhập cảnh để vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Chủ động phối hợp với lực lượng Hải quan kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn có hiệu quả hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ngay từ biên giới.

5. Công an tỉnh

- Trên cơ sở thu thập thông tin và Danh sách các hộ, cá nhân kinh doanh có dấu hiệu rủi ro do cơ quan Thuế cung cấp, tiến hành điều tra, xác minh, lập chuyên án đấu tranh xử lý.

- Chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Công an các huyện, thành phố qua hoạt động nghiệp vụ rà soát, thống kê các đối tượng buôn lậu thông qua hình thức hợp thức hóa đơn phục vụ công tác đấu tranh, bắt giữ.

- Chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tổ chức bắt giữ, xử lý nghiêm các đối tượng vận chuyển hàng lậu vào nội địa tiêu thụ, tập trung các tuyến quốc lộ 1A, 4A, 4B. Phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý hình sự một số vụ để răn đe, tuyên truyền về nhóm tội buôn lậu, trốn thuế, in phát hành hóa đơn trái phép.

- Chỉ đạo các lực lượng Công an tỉnh nêu cao trách nhiệm phối hợp các lực lượng liên quan kịp thời trong việc trao đổi, cung cấp thông tin và xác minh vấn đề nóng.

- Phối hợp, hỗ trợ cơ quan Quản lý thị trường, cơ quan Thuế, cơ quan Hải quan trong công tác kiểm tra việc sử dụng hóa đơn, chấp hành pháp luật tại trụ sở người nộp thuế.

6. Sở Tài chính

- Chủ trì xây dựng cơ sở dữ liệu về giá theo lộ trình của Bộ Tài chính và chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Trên cơ sở khảo sát giá thị trường và thông tin về giá do cơ quan Thuế, Quản lý thị trường, Hải Quan và các cơ quan khác cung cấp. Hàng quý, ban hành Thông báo giá/Danh mục hàng hóa và giá bán ra/ Danh mục hàng hóa và giá nhập khẩu các loại hàng hóa để phục vụ cho công tác xử lý vi phạm hành chính.

7. Trách nhiệm của các ngành trong phối hợp

- Trên cơ sở nhận diện các hành vi vi phạm pháp luật tại Điểm 1, Mục II Kế hoạch này và Danh sách hộ, cá nhân kinh doanh có dấu hiệu rủi ro do cơ quan Thuế cung cấp. Tùy theo chức năng, nhiệm vụ của ngành, thực hiện theo dõi, kiểm tra, trường hợp nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm thì phối hợp xử lý theo trình tự tại Điểm 3, Mục II, Kế hoạch này.

- Khi có đề nghị của cơ quan chức năng, các ngành cử người tham gia thành viên Hội đồng định giá kịp thời để đảm bảo Hội đồng định giá thực hiện nhiệm vụ đúng thời gian quy định. Trong thời gian chậm nhất là 20 giờ, kể từ khi có Quyết định tạm giữ hàng hóa, Hội đồng định giá phải hoàn thành hồ sơ định giá đối với hàng hóa bị tạm giữ. Đồng thời Hội đồng định giá phải sao gửi Hồ sơ định giá tới cơ quan Tài chính để tổng hợp và cập nhật vào Thông báo giá/Danh mục hàng hóa và giá bán ra/ Danh mục hàng hóa và giá nhập khẩu; gửi cơ quan Quản lý thị trường, cơ quan Thuế, cơ quan Hải quan, cơ quan Công an để làm căn cứ xử lý hành vi vi phạm.

- Các ngành thực hiện tốt công tác phối hợp trong xử lý các hành vi vi phạm về thuế, về sử dụng hóa đơn đối với các hộ, cá nhân kinh doanh.

- Hàng quý, tổng hợp giá (trước ngày 15 cuối quý) gửi Sở Tài chính tổng hợp ban hành Thông báo giá.

- Đối với hồ sơ đề nghị xử lý vi phạm về thuế: Các cơ quan Quản lý Thị trường, Hải quan, Công an cung cấp đầy đủ tài liệu cho cơ quan Thuế để xác định chính xác hành vi vi phạm, số lượng, giá trị phải xử lý.

8. Chế độ báo cáo

- Định kỳ hàng tháng (trước ngày 10 của tháng sau tháng báo cáo) các ngành gửi báo cáo kết quả thực hiện, khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị về Cục Quản lý thị trường.

- Cục Quản lý thị trường tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 15 tháng sau.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện và các đơn vị, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Ủy ban nhân dân tỉnh (Qua Cục Thuế tỉnh) để xem xét, hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

 

 

Nơi nhận:
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành;
- UBND các huyện, thành phố;
- PCVP UBND tỉnh, các phòng CM;
- Lưu: VT, KT(LTH).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Dương Xuân Huyên

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Kế hoạch 145/KH-UBND ngày 27/08/2020 về phòng, chống việc sử dụng hóa đơn để hợp thức cho hàng hóa nhập lậu do tỉnh Lạng Sơn ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


565

DMCA.com Protection Status
IP: 18.118.32.7
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!