Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Văn bản hợp nhất 01/VBHN-BTC năm 2024 hợp nhất Thông tư hướng dẫn Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định 209/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thuế giá trị gia tăng do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu: 01/VBHN-BTC Loại văn bản: Văn bản hợp nhất
Nơi ban hành: Bộ Tài chính Người ký: Cao Anh Tuấn
Ngày ban hành: 04/01/2024 Ngày hợp nhất: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/VBHN-BTC

Hà Nội, ngày 04 tháng 01 năm 2024

THÔNG TƯ[1]

HƯỚNG DẪN THI HÀNH LUẬT THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG VÀ NGHỊ ĐỊNH SỐ 209/2013/NĐ-CP NGÀY 18 THÁNG 12 NĂM 2013 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU LUẬT THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG

Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2014, được sửa đổi, bổ sung bởi:

1. Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25 tháng 8 năm 2014 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013, Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013, Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013, Thông tư số 08/2013/TT-BTC ngày 10/01/2013, Thông tư số 85/2011/TT-BTC ngày 17/6/2011, Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 và Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính để cải cách, đơn giản các thủ tục hành chính về thuế, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2014.

2. Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10 tháng 10 năm 2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 91/2014/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Nghị định quy định về thuế, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 11 năm 2014.

3. Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27 tháng 02 năm 2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng và quản lý thuế tại Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2015.

4. Thông tư số 193/2015/TT-BTC ngày 24 tháng 11 năm 2015 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng, có hiệu lực kể từ ngày 10 tháng 01 năm 2016.

5. Thông tư số 130/2016/TT-BTC ngày 12 tháng 8 năm 2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định số 100/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế và sửa đổi một số điều tại các Thông tư về thuế, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.

6. Thông tư số 173/2016/TT-BTC ngày 28 tháng 10 năm 2016 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung khổ thứ nhất khoản 3 Điều 15 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính (đã được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014, Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014, Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài chính), có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 12 năm 2016.

7. Thông tư 93/2017/TT-BTC ngày 19 tháng 9 năm 2017 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Khoản 3, Khoản 4 Điều 12 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014) và bãi bỏ Khoản 7 Điều 11 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính, có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 11 năm 2017.

8. Thông tư số 25/2018/TT-BTC ngày 16 tháng 3 năm 2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định số 146/2017/NĐ-CP ngày 15 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ và sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18 tháng 6 năm 2014 của Bộ Tài chính, Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15 tháng 8 năm 2013 của Bộ Tài chính, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2018.

9. Thông tư số 82/2018/TT-BTC ngày 30 tháng 8 năm 2018 của Bộ Tài chính bãi bỏ nội dung ví dụ 37 quy định tại điểm a.4 Khoản 10 Điều 7 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 10 năm 2018.

10. Thông tư số 43/2021/TT-BTC ngày 11 tháng 6 năm 2021 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung khoản 11 Điều 10 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng (đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27 tháng 02 năm 2015 của Bộ Tài chính), có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2021.

11. Thông tư số 13/2023/TT-BTC ngày 28 tháng 02 năm 2023 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 49/2022/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 12/2015/NĐ-CP , Nghị định số 100/2016/NĐ-CP và Nghị định số 146/2017/NĐ-CP và sửa đổi bổ sung Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29 tháng 9 năm 2021 của Bộ Tài chính, có hiệu lực kể từ ngày 14 tháng 4 năm 2023.

Căn cứ Luật Thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12 ngày 03 tháng 6 năm 2008 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng số 31/2013/QH13 ngày 19 tháng 6 năm 2013;

Căn cứ Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế số 21/2012/QH13 ngày 20 tháng 11 năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế,

Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành về thuế giá trị gia tăng như sau:[2]

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, người nộp thuế, căn cứ và phương pháp tính thuế, khấu trừ, hoàn thuế và nơi nộp thuế giá trị gia tăng.

Điều 2. Đối tượng chịu thuế

Đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) là hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam (bao gồm cả hàng hóa, dịch vụ mua của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài), trừ các đối tượng không chịu thuế GTGT hướng dẫn tại Điều 4 Thông tư này.

Điều 3. Người nộp thuế

Người nộp thuế GTGT là tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT ở Việt Nam, không phân biệt ngành nghề, hình thức, tổ chức kinh doanh (sau đây gọi là cơ sở kinh doanh) và tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa, mua dịch vụ từ nước ngoài chịu thuế GTGT (sau đây gọi là người nhập khẩu) bao gồm:

1. Các tổ chức kinh doanh được thành lập và đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp Nhà nước (nay là Luật Doanh nghiệp), Luật Hợp tác xã và pháp luật kinh doanh chuyên ngành khác;

2. Các tổ chức kinh tế của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức sự nghiệp và các tổ chức khác;

3. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và bên nước ngoài tham gia hợp tác kinh doanh theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (nay là Luật đầu tư); các tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động kinh doanh ở Việt Nam nhưng không thành lập pháp nhân tại Việt Nam;

4. Cá nhân, hộ gia đình, nhóm người kinh doanh độc lập và các đối tượng khác có hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu;

5. Tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh tại Việt Nam mua dịch vụ (kể cả trường hợp mua dịch vụ gắn với hàng hóa) của tổ chức nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, cá nhân ở nước ngoài là đối tượng không cư trú tại Việt Nam thì tổ chức, cá nhân mua dịch vụ là người nộp thuế, trừ trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT hướng dẫn tại khoản 2 Điều 5 Thông tư này.

Quy định về cơ sở thường trú và đối tượng không cư trú thực hiện theo pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp và pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.

6. Chi nhánh của doanh nghiệp chế xuất được thành lập để hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế.

Ví dụ 1: Công ty TNHH Sanko là doanh nghiệp chế xuất. Ngoài hoạt động sản xuất để xuất khẩu Công ty TNHH Sanko còn được cấp phép thực hiện quyền nhập khẩu để bán ra hoặc để xuất khẩu, Công ty TNHH Sanko phải thành lập chi nhánh để thực hiện hoạt động này theo quy định của pháp luật thì Chi nhánh hạch toán riêng và kê khai, nộp thuế GTGT riêng đối với hoạt động này, không hạch toán chung vào hoạt động sản xuất để xuất khẩu.

Khi nhập khẩu hàng hóa để thực hiện phân phối (bán ra), Chi nhánh Công ty TNHH Sanko thực hiện kê khai, nộp thuế GTGT ở khâu nhập khẩu và khi bán ra (bao gồm cả xuất khẩu), Công ty TNHH Sanko sử dụng hóa đơn, kê khai, nộp thuế GTGT theo quy định.

Điều 4. Đối tượng không chịu thuế GTGT

1.[3] Sản phẩm trồng trọt (bao gồm cả sản phẩm rừng trồng), chăn nuôi, thủy sản, hải sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu.

Các sản phẩm mới qua sơ chế thông thường là sản phẩm mới được làm sạch, phơi, sấy khô, bóc vỏ, xay, xay bỏ vỏ, xát bỏ vỏ, tách hạt, tách cọng, cắt, ướp muối, bảo quản lạnh (ướp lạnh, đông lạnh), bảo quản bằng khí sunfuro, bảo quản theo phương thức cho hóa chất để tránh thối rữa, ngâm trong dung dịch lưu huỳnh hoặc ngâm trong dung dịch bảo quản khác và các hình thức bảo quản thông thường khác.

Ví dụ 2: Công ty A ký hợp đồng nuôi heo với Công ty B theo hình thức Công ty B giao cho Công ty A con giống, thức ăn, thuốc thú y, Công ty A giao, bán cho Công ty B sản phẩm heo thì tiền công nuôi heo nhận từ Công ty B và sản phẩm heo Công ty A giao, bán cho Công ty B thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

Sản phẩm heo Công ty B nhận lại từ Công ty A: nếu Công ty B bán ra heo (nguyên con) hoặc thịt heo tươi sống thì sản phẩm bán ra thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, nếu Công ty B đưa heo vào chế biến thành sản phẩm như xúc xích, thịt hun khói, giò hoặc thành các sản phẩm chế biến khác thì sản phẩm bán ra thuộc đối tượng chịu thuế GTGT theo quy định.

2. Sản phẩm là giống vật nuôi, giống cây trồng, bao gồm trứng giống, con giống, cây giống, hạt giống, cành giống, củ giống, tinh dịch, phôi, vật liệu di truyền ở các khâu nuôi trồng, nhập khẩu và kinh doanh thương mại. Sản phẩm giống vật nuôi, giống cây trồng thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT là sản phẩm do các cơ sở nhập khẩu, kinh doanh thương mại có giấy đăng ký kinh doanh giống vật nuôi, giống cây trồng do cơ quan quản lý nhà nước cấp. Đối với sản phẩm là giống vật nuôi, giống cây trồng thuộc loại Nhà nước ban hành tiêu chuẩn, chất lượng phải đáp ứng các điều kiện do nhà nước quy định.

3. Tưới, tiêu nước; cày, bừa đất; nạo vét kênh, mương nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp; dịch vụ thu hoạch sản phẩm nông nghiệp.

3a.[4] Phân bón là các loại phân hữu cơ và phân vô cơ như: phân lân, phân đạm (urê), phân NPK, phân đạm hỗn hợp, phân phốt phát, bồ tạt; phân vi sinh và các loại phân bón khác;

Thức ăn cho gia súc, gia cầm, thủy sản và thức ăn cho vật nuôi khác, bao gồm các loại sản phẩm đã qua chế biến hoặc chưa qua chế biến như cám, bã, khô dầu các loại, bột cá, bột xương, bột tôm, các loại thức ăn khác dùng cho gia súc, gia cầm, thủy sản và vật nuôi khác, các chất phụ gia thức ăn chăn nuôi (như premix, hoạt chất và chất mang) theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 08/2010/NĐ-CP ngày 05/02/2010 của Chính phủ về quản lý thức ăn chăn nuôi và khoản 2, khoản 3 Điều 1 Thông tư số 50/2014/TT-BNNPTNT ngày 24/12/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Tàu đánh bắt xa bờ là tàu có công suất máy chính từ 90CV trở lên làm nghề khai thác hải sản hoặc dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác hải sản; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ khai thác, bảo quản sản phẩm cho tàu cá có tổng công suất máy chính từ 90CV trở lên làm nghề khai thác hải sản hoặc dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác hải sản;

Máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp gồm: máy cày; máy bừa; máy phay; máy rạch hàng; máy bạt gốc; thiết bị san phẳng đồng ruộng; máy gieo hạt; máy cấy; máy trồng mía; hệ thống máy sản xuất mạ thảm; máy xới, máy vun luống, máy vãi, rắc phân, bón phân; máy, bình phun thuốc bảo vệ thực vật; máy thu hoạch lúa, ngô, mía, cà phê, bông; máy thu hoạch củ, quả, rễ; máy đốn chè, máy hái chè; máy tuốt đập lúa; máy bóc bẹ tẽ hạt ngô; máy tẽ ngô; máy đập đậu tương; máy bóc vỏ lạc; xát vỏ cà phê; máy, thiết bị sơ chế cà phê, thóc ướt; máy sấy nông sản (lúa, ngô, cà phê, tiêu, điều...), thủy sản; máy thu gom, bốc mía, lúa, rơm rạ trên đồng; máy ấp, nở trứng gia cầm; máy thu hoạch cỏ, máy đóng kiện rơm, cỏ; máy vắt sữa và các loại máy chuyên dùng khác.

4. Sản phẩm muối được sản xuất từ nước biển, muối mỏ tự nhiên, muối tinh, muối i-ốt mà thành phần chính là Na-tri-clo-rua (NaCl).

5. Nhà ở thuộc sở hữu nhà nước do Nhà nước bán cho người đang thuê.

6. Chuyển quyền sử dụng đất.

7. Bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm người học, các dịch vụ bảo hiểm khác liên quan đến con người; bảo hiểm vật nuôi, bảo hiểm cây trồng, các dịch vụ bảo hiểm nông nghiệp khác; bảo hiểm tàu, thuyền, trang thiết bị và các dụng cụ cần thiết khác phục vụ trực tiếp đánh bắt thủy sản; tái bảo hiểm.

8. Các dịch vụ tài chính, ngân hàng, kinh doanh chứng khoán sau đây:

a)[5] Dịch vụ cấp tín dụng gồm các hình thức:

- Cho vay;

- Chiết khấu, tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng và các giấy tờ có giá khác;

- Bảo lãnh ngân hàng;

- Cho thuê tài chính;

- Phát hành thẻ tín dụng.

Trường hợp tổ chức tín dụng thu các loại phí liên quan đến phát hành thẻ tín dụng thì các khoản phí thu từ khách hàng thuộc quy trình dịch vụ cấp tín dụng (phí phát hành thẻ) theo quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng như phí trả nợ trước hạn, phạt chậm trả nợ, cơ cấu lại nợ, quản lý khoản vay và các khoản phí khác thuộc quy trình cấp tín dụng thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT).

Các khoản phí giao dịch thẻ thông thường không thuộc quy trình cấp tín dụng như phí cấp lại mã pin cho thẻ tín dụng, phí cung cấp bản sao hóa đơn giao dịch, phí đòi bồi hoàn khi sử dụng thẻ, phí thông báo mất cắp, thất lạc thẻ tín dụng, phí huỷ thẻ tín dụng, phí chuyển đổi loại thẻ tín dụng và các khoản phí khác thuộc đối tượng chịu thuế GTGT.

- Bao thanh toán trong nước; bao thanh toán quốc tế đối với các ngân hàng được phép thực hiện thanh toán quốc tế;

- Bán tài sản bảo đảm tiền vay do tổ chức tín dụng hoặc do cơ quan thi hành án hoặc bên đi vay vốn tự bán tài sản bảo đảm theo ủy quyền của bên cho vay để trả nợ khoản vay có bảo đảm, cụ thể:

+ Tài sản bảo đảm tiền vay được bán là tài sản thuộc giao dịch bảo đảm đã được đăng ký với cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm.

+ Việc xử lý tài sản bảo đảm tiền vay thực hiện theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm.

Trường hợp hết thời gian trả nợ, người có tài sản bảo đảm không có khả năng trả nợ và phải bàn giao tài sản cho tổ chức tín dụng để tổ chức tín dụng xử lý tài sản bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật, các bên thực hiện thủ tục bàn giao tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật thì không phải xuất hóa đơn GTGT.

Trường hợp tổ chức tín dụng nhận tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì tổ chức tín dụng thực hiện hạch toán tăng giá trị tài sản phục vụ sản xuất kinh doanh theo quy định. Khi tổ chức tín dụng bán tài sản phục vụ hoạt động kinh doanh nếu tài sản thuộc đối tượng chịu thuế GTGT thì tổ chức tín dụng phải kê khai, nộp thuế GTGT theo quy định.

Ví dụ 3: Tháng 3/2015, Doanh nghiệp A là cơ sở kinh doanh nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thế chấp dây chuyền, máy móc thiết bị để vay vốn tại Ngân hàng B, thời gian vay là 1 năm (hạn trả nợ là ngày 31/3/2016). Đến ngày 31/3/2016, Doanh nghiệp A không có khả năng trả nợ và phải bàn giao tài sản cho Ngân hàng B thì khi bàn giao tài sản, Doanh nghiệp A không phải lập hóa đơn. Ngân hàng B bán tài sản bảo đảm tiền vay để thu hồi nợ thì tài sản bán ra thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

Ví dụ 3a: Tháng 12/2014, Doanh nghiệp B là cơ sở kinh doanh nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thế chấp nhà xưởng trên đất và quyền sử dụng đất để vay vốn tại Ngân hàng thương mại C, thời gian vay là 1 năm, hạn trả nợ là ngày 15/12/2016, Ngân hàng thương mại C và Doanh nghiệp B có đăng ký giao dịch bảo đảm (thế chấp nhà xưởng trên đất và quyền sử dụng đất) với cơ quan có thẩm quyền. Đến ngày 15/12/2016, Doanh nghiệp B không có khả năng trả nợ và Ngân hàng thương mại C có văn bản đồng ý giải chấp để Doanh nghiệp B được bán nhà xưởng để trả nợ ngân hàng, tháng 01/2017, doanh nghiệp B bán nhà xưởng để trả nợ Ngân hàng thì nhà xưởng bán thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

- Dịch vụ cung cấp thông tin tín dụng do đơn vị, tổ chức thuộc Ngân hàng nhà nước cung cấp cho các tổ chức tín dụng để sử dụng trong hoạt động cấp tín dụng theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước.

Ví dụ 4: Tổ chức X là đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước được Ngân hàng Nhà nước cho phép thực hiện dịch vụ cung cấp thông tin tín dụng. Năm 2014, tổ chức X ký hợp đồng cung cấp thông tin tín dụng cho một số ngân hàng thương mại phục vụ hoạt động cấp tín dụng và phục vụ hoạt động khác của ngân hàng thương mại thì doanh thu từ dịch vụ cung cấp thông tin tín dụng phục vụ hoạt động cấp tín dụng thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, doanh thu từ dịch vụ cung cấp thông tin tín dụng phục vụ hoạt động khác của ngân hàng thương mại không theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước thuộc đối tượng chịu thuế GTGT với thuế suất 10%.

- Hình thức cấp tín dụng khác theo quy định của pháp luật.

b) Hoạt động cho vay riêng lẻ, không phải hoạt động kinh doanh, cung ứng thường xuyên của người nộp thuế không phải là tổ chức tín dụng.

Ví dụ 5: Công ty cổ phần VC có tiền nhàn rỗi tạm thời chưa phục vụ hoạt động kinh doanh, Công ty cổ phần VC ký hợp đồng cho Công ty T vay tiền trong thời hạn 6 tháng và được nhận khoản tiền lãi thì khoản tiền lãi Công ty cổ phần VC nhận được thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

c) Kinh doanh chứng khoán bao gồm: Môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán, lưu ký chứng khoán, quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, quản lý công ty đầu tư chứng khoán, quản lý danh mục đầu tư chứng khoán, dịch vụ tổ chức thị trường của sở giao dịch chứng khoán hoặc trung tâm giao dịch chứng khoán, dịch vụ liên quan đến chứng khoán đăng ký, lưu ký tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, cho khách hàng vay tiền để thực hiện giao dịch ký quỹ, ứng trước tiền bán chứng khoán và hoạt động kinh doanh chứng khoán khác theo quy định của pháp luật về chứng khoán.

Hoạt động cung cấp thông tin, tổ chức bán đấu giá cổ phần của các tổ chức phát hành, hỗ trợ kỹ thuật phục vụ giao dịch chứng khoán trực tuyến của Sở Giao dịch chứng khoán.

d) Chuyển nhượng vốn bao gồm việc chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ số vốn đã đầu tư vào tổ chức kinh tế khác (không phân biệt có thành lập hay không thành lập pháp nhân mới), chuyển nhượng chứng khoán, chuyển nhượng quyền góp vốn và các hình thức chuyển nhượng vốn khác theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp bán doanh nghiệp cho doanh nghiệp khác để sản xuất kinh doanh và doanh nghiệp mua kế thừa toàn bộ quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bán theo quy định của pháp luật.

Ví dụ 6: Tháng 4/2014, Công ty TNHH A góp vốn bằng máy móc, thiết bị để thành lập Công ty cổ phần B, giá trị vốn góp của Công ty TNHH A được Hội đồng giao nhận vốn góp của các bên góp vốn định giá là 2,5 tỷ đồng, bằng 25% số vốn của Công ty cổ phần B. Tháng 11/2014, Công ty TNHH A bán phần vốn góp tại Công ty cổ phần B cho Quỹ Đầu tư ABB với giá 4 tỷ đồng thì số tiền 4 tỷ đồng Công ty TNHH A thu được là doanh thu chuyển nhượng vốn thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

đ) Bán nợ;

e) Kinh doanh ngoại tệ;

g) Dịch vụ tài chính phái sinh bao gồm: hoán đổi lãi suất; hợp đồng kỳ hạn; hợp đồng tương lai; quyền chọn mua, bán ngoại tệ; các dịch vụ tài chính phái sinh khác theo quy định của pháp luật;

h) Bán tài sản bảo đảm của khoản nợ của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam.

9.[6] Dịch vụ y tế, dịch vụ thú y, bao gồm dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, phòng bệnh cho người và vật nuôi, dịch vụ sinh đẻ có kế hoạch, dịch vụ điều dưỡng sức khỏe, phục hồi chức năng cho người bệnh, dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật; vận chuyển người bệnh, dịch vụ cho thuê phòng bệnh, giường bệnh của các cơ sở y tế; xét nghiệm, chiếu, chụp, máu và chế phẩm máu dùng cho người bệnh.

Dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật bao gồm cả chăm sóc về y tế, dinh dưỡng và tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng cho người cao tuổi, người khuyết tật.

Trường hợp trong gói dịch vụ chữa bệnh (theo quy định của Bộ Y tế) bao gồm cả sử dụng thuốc chữa bệnh thì khoản thu từ tiền thuốc chữa bệnh nằm trong gói dịch vụ chữa bệnh cũng thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

10. Dịch vụ bưu chính, viễn thông công ích và Internet phổ cập theo chương trình của Chính phủ; Dịch vụ bưu chính, viễn thông từ nước ngoài vào Việt Nam (chiều đến).

11. Dịch vụ duy trì vườn thú, vườn hoa, công viên, cây xanh đường phố, chiếu sáng công cộng; dịch vụ tang lễ. Các dịch vụ nêu tại khoản này không phân biệt nguồn kinh phí chi trả. Cụ thể:

a) Dịch vụ duy trì vườn thú, vườn hoa, công viên, cây xanh đường phố, bảo vệ rừng do Nhà nước làm chủ rừng, bao gồm hoạt động quản lý, trồng cây, chăm sóc cây, bảo vệ chim, thú ở các công viên, vườn thú, khu vực công cộng, rừng quốc gia, vườn quốc gia;

b) Chiếu sáng công cộng bao gồm chiếu sáng đường phố, ngõ, xóm trong khu dân cư, vườn hoa, công viên. Doanh thu không chịu thuế là doanh thu từ hoạt động chiếu sáng công cộng;

c) Dịch vụ tang lễ của các cơ sở có chức năng kinh doanh dịch vụ tang lễ bao gồm các hoạt động cho thuê nhà tang lễ, xe ô tô phục vụ tang lễ, mai táng, hỏa táng, cải táng, di chuyển mộ, chăm sóc mộ.

12. Duy tu, sửa chữa, xây dựng bằng nguồn vốn đóng góp của nhân dân (bao gồm cả vốn đóng góp, tài trợ của tổ chức, cá nhân), vốn viện trợ nhân đạo đối với các công trình văn hóa, nghệ thuật, công trình phục vụ công cộng, cơ sở hạ tầng và nhà ở cho đối tượng chính sách xã hội.

Trường hợp có sử dụng nguồn vốn khác ngoài vốn đóng góp của nhân dân, vốn viện trợ nhân đạo mà nguồn vốn khác không vượt quá 50% tổng số nguồn vốn sử dụng cho công trình thì đối tượng không chịu thuế là toàn bộ giá trị công trình.

Trường hợp có sử dụng nguồn vốn khác ngoài vốn đóng góp của nhân dân, vốn viện trợ nhân đạo mà nguồn vốn khác vượt quá 50% tổng số nguồn vốn sử dụng cho công trình thì toàn bộ giá trị công trình thuộc đối tượng chịu thuế GTGT.

Đối tượng chính sách xã hội bao gồm: người có công theo quy định của pháp luật về người có công; đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp từ ngân sách nhà nước; người thuộc hộ nghèo, cận nghèo và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

13. Dạy học, dạy nghề theo quy định của pháp luật bao gồm cả dạy ngoại ngữ, tin học; dạy múa, hát, hội họa, nhạc, kịch, xiếc, thể dục, thể thao; nuôi dạy trẻ và dạy các nghề khác nhằm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ văn hóa, kiến thức chuyên môn nghề nghiệp.

Trường hợp các cơ sở dạy học các cấp từ mầm non đến trung học phổ thông có thu tiền ăn, tiền vận chuyển đưa đón học sinh và các khoản thu khác dưới hình thức thu hộ, chi hộ thì tiền ăn, tiền vận chuyển đưa đón học sinh và các khoản thu hộ, chi hộ này cũng thuộc đối tượng không chịu thuế.

Khoản thu về ở nội trú của học sinh, sinh viên, học viên; hoạt động đào tạo (bao gồm cả việc tổ chức thi và cấp chứng chỉ trong quy trình đào tạo) do cơ sở đào tạo cung cấp thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Trường hợp cơ sở đào tạo không trực tiếp tổ chức đào tạo mà chỉ tổ chức thi, cấp chứng chỉ trong quy trình đào tạo thì hoạt động tổ chức thi và cấp chứng chỉ cũng thuộc đối tượng không chịu thuế. Trường hợp cung cấp dịch vụ thi và cấp chứng chỉ không thuộc quy trình đào tạo thì thuộc đối tượng chịu thuế GTGT.

Ví dụ 7: Trung tâm đào tạo X được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ đào tạo để cấp chứng chỉ hành nghề về đại lý bảo hiểm. Trung tâm đào tạo X giao nhiệm vụ đào tạo cho đơn vị Y thực hiện, Trung tâm đào tạo X tổ chức thi và cấp chứng chỉ hành nghề đại lý bảo hiểm thì hoạt động tổ chức thi và cấp chứng chỉ của Trung tâm đào tạo X thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

14. Phát sóng truyền thanh, truyền hình bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

15. Xuất bản, nhập khẩu, phát hành báo, tạp chí, bản tin chuyên ngành, sách chính trị, sách giáo khoa, giáo trình, sách văn bản pháp luật, sách khoa học - kỹ thuật, sách in bằng chữ dân tộc thiểu số và tranh, ảnh, áp phích tuyên truyền cổ động, kể cả dưới dạng băng hoặc đĩa ghi tiếng, ghi hình, dữ liệu điện tử; tiền, in tiền.

Báo, tạp chí, bản tin chuyên ngành, bao gồm cả hoạt động truyền trang báo, tạp chí, bản tin chuyên ngành.

Sách chính trị là sách tuyên truyền đường lối chính trị của Đảng và Nhà nước phục vụ nhiệm vụ chính trị theo chuyên đề, chủ đề, phục vụ các ngày kỷ niệm, ngày truyền thống của các tổ chức, các cấp, các ngành, địa phương; các loại sách thống kê, tuyên truyền phong trào người tốt việc tốt; sách in các bài phát biểu, nghiên cứu lý luận của lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

Sách giáo khoa là sách dùng để giảng dạy và học tập trong tất cả các cấp từ mầm non đến trung học phổ thông (bao gồm cả sách tham khảo dùng cho giáo viên và học sinh phù hợp với nội dung chương trình giáo dục).

Giáo trình là sách dùng để giảng dạy và học tập trong các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề.

Sách văn bản pháp luật là sách in các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước.

Sách khoa học - kỹ thuật là sách dùng để giới thiệu, hướng dẫn những kiến thức khoa học, kỹ thuật có quan hệ trực tiếp đến sản xuất và các ngành khoa học, kỹ thuật.

Sách in bằng chữ dân tộc thiểu số bao gồm cả sách in song ngữ chữ phổ thông và chữ dân tộc thiểu số.

Tranh, ảnh, áp phích tuyên truyền cổ động là tranh, ảnh, áp phích, các loại tờ rơi, tờ gấp phục vụ cho mục đích tuyên truyền, cổ động, khẩu hiệu, ảnh lãnh tụ, Đảng kỳ, Quốc kỳ, Đoàn kỳ, Đội kỳ.

16.[7] Vận chuyển hành khách công cộng gồm vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt, xe điện (bao gồm cả tàu điện) theo các tuyến trong nội tỉnh, trong đô thị và các tuyến lân cận ngoại tỉnh theo quy định của pháp luật về giao thông.

17. Hàng hóa thuộc loại trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu trong các trường hợp sau:

a) Máy móc, thiết bị, phụ tùng, vật tư nhập khẩu để sử dụng trực tiếp cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ;

b) Máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế, phương tiện vận tải chuyên dùng và vật tư cần nhập khẩu để tiến hành hoạt động tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ dầu, khí đốt;

c) Tàu bay (bao gồm cả động cơ tàu bay), dàn khoan, tàu thủy thuộc loại trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để tạo tài sản cố định của doanh nghiệp hoặc thuê của nước ngoài để sử dụng cho sản xuất, kinh doanh, cho thuê, cho thuê lại.

Để xác định hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT ở khâu nhập khẩu quy định tại khoản này, người nhập khẩu phải xuất trình cho cơ quan hải quan các hồ sơ theo hướng dẫn của Bộ Tài chính về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Danh mục máy móc, thiết bị, phụ tùng, vật tư thuộc loại trong nước đã sản xuất được để làm cơ sở phân biệt với loại trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu sử dụng trực tiếp cho hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; Danh mục máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế, phương tiện vận tải chuyên dùng và vật tư thuộc loại trong nước đã sản xuất được làm cơ sở phân biệt với loại trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu để tiến hành hoạt động tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ dầu, khí đốt; Danh mục tàu bay, dàn khoan, tàu thủy thuộc loại trong nước đã sản xuất được làm cơ sở phân biệt với loại trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu để tạo tài sản cố định của doanh nghiệp hoặc thuê của nước ngoài để sử dụng cho sản xuất, kinh doanh, cho thuê, cho thuê lại do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành.

18. Vũ khí, khí tài chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh.

a) Vũ khí, khí tài chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh theo Danh mục vũ khí, khí tài chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh do Bộ Tài chính thống nhất với Bộ Quốc phòng và Bộ Công an ban hành.

Vũ khí, khí tài chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT phải là các sản phẩm hoàn chỉnh, đồng bộ hoặc các bộ phận, linh kiện, bao bì chuyên dùng để lắp ráp, bảo quản sản phẩm hoàn chỉnh. Trường hợp vũ khí, khí tài chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh phải sửa chữa thì dịch vụ sửa chữa vũ khí, khí tài do các doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

b) Vũ khí, khí tài (kể cả vật tư, máy móc, thiết bị, phụ tùng) chuyên dùng phục vụ cho quốc phòng, an ninh nhập khẩu thuộc diện được miễn thuế nhập khẩu theo quy định của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hoặc nhập khẩu theo hạn ngạch hàng năm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Hồ sơ, thủ tục đối với vũ khí, khí tài nhập khẩu không phải chịu thuế GTGT ở khâu nhập khẩu theo hướng dẫn của Bộ Tài chính về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

19. Hàng nhập khẩu và hàng hóa, dịch vụ bán cho các tổ chức, cá nhân để viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại trong các trường hợp sau:

a) Hàng hóa nhập khẩu trong trường hợp viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại và phải được Bộ Tài chính hoặc Sở Tài chính xác nhận;

b) Quà tặng cho cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân thực hiện theo quy định của pháp luật về quà biếu, quà tặng;

c) Quà biếu, quà tặng cho cá nhân tại Việt Nam thực hiện theo quy định của pháp luật về quà biếu, quà tặng;

d) Đồ dùng của tổ chức, cá nhân nước ngoài theo tiêu chuẩn miễn trừ ngoại giao theo quy định của pháp luật về ưu đãi miễn trừ ngoại giao; hàng là đồ dùng của người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi về nước mang theo;

đ) Hàng mang theo người trong tiêu chuẩn hành lý miễn thuế;

Mức hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT ở khâu nhập khẩu theo mức miễn thuế nhập khẩu quy định tại Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Hàng hóa nhập khẩu của tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng miễn trừ ngoại giao theo quy định của pháp luật về ưu đãi miễn trừ ngoại giao thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Trường hợp đối tượng miễn trừ ngoại giao mua hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam có thuế GTGT thì thuộc trường hợp hoàn thuế theo hướng dẫn tại khoản 7 Điều 18 Thông tư này.

Đối tượng, hàng hóa, thủ tục hồ sơ để được hưởng ưu đãi miễn trừ ngoại giao hướng dẫn tại Điều này thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính về thực hiện hoàn thuế GTGT đối với cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

e) Hàng hóa, dịch vụ bán cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế để viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam.

Thủ tục để các tổ chức quốc tế, người nước ngoài mua hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam để viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam không chịu thuế GTGT: các tổ chức quốc tế, người nước ngoài phải có văn bản gửi cho cơ sở bán hàng, trong đó ghi rõ tên tổ chức quốc tế, người nước ngoài mua hàng hóa, dịch vụ để viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam, số lượng hoặc giá trị loại hàng mua; xác nhận của Bộ Tài chính hoặc Sở Tài chính về khoản viện trợ này.

Khi bán hàng, cơ sở kinh doanh phải lập hóa đơn theo quy định của pháp luật về hóa đơn, trên hóa đơn ghi rõ là hàng bán cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế để viện trợ không hoàn lại, viện trợ nhân đạo không tính thuế GTGT và lưu giữ văn bản của tổ chức quốc tế hoặc của cơ quan đại diện của Việt Nam để làm căn cứ kê khai thuế. Trường hợp tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế mua hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam để viện trợ không hoàn lại, viện trợ nhân đạo có thuế GTGT thì thuộc trường hợp hoàn thuế theo hướng dẫn tại khoản 6 Điều 18 Thông tư này.

20. Hàng hóa chuyển khẩu, quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam; hàng tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu; hàng tạm xuất khẩu, tái nhập khẩu; nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất, gia công hàng hóa xuất khẩu theo hợp đồng sản xuất, gia công xuất khẩu ký kết với bên nước ngoài.

Hàng hóa, dịch vụ được mua bán giữa nước ngoài với các khu phi thuế quan và giữa các khu phi thuế quan với nhau.

Khu phi thuế quan bao gồm: khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất, kho bảo thuế, khu bảo thuế, kho ngoại quan, khu kinh tế thương mại đặc biệt, khu thương mại - công nghiệp và các khu vực kinh tế khác được thành lập và được hưởng các ưu đãi về thuế như khu phi thuế quan theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Quan hệ mua bán trao đổi hàng hóa giữa các khu này với bên ngoài là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu.

Hồ sơ, thủ tục để xác định và xử lý không thu thuế GTGT trong các trường hợp này thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

21. Chuyển giao công nghệ theo quy định của Luật chuyển giao công nghệ; chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ. Trường hợp hợp đồng chuyển giao công nghệ, chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ có kèm theo chuyển giao máy móc, thiết bị thì đối tượng không chịu thuế GTGT tính trên phần giá trị công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ chuyển giao, chuyển nhượng; trường hợp không tách riêng được thì thuế GTGT được tính trên cả phần giá trị công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ chuyển giao, chuyển nhượng cùng với máy móc, thiết bị.

Phần mềm máy tính bao gồm sản phẩm phần mềm và dịch vụ phần mềm theo quy định của pháp luật.

22. Vàng nhập khẩu dạng thỏi, miếng và các loại vàng chưa được chế tác thành sản phẩm mỹ nghệ, đồ trang sức hay sản phẩm khác.

Vàng dạng thỏi, miếng và các loại vàng chưa chế tác được xác định theo quy định của pháp luật về quản lý, kinh doanh vàng.

23.[8] Sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản khai thác chưa chế biến thành sản phẩm khác.

Sản phẩm xuất khẩu là hàng hóa được chế biến trực tiếp từ nguyên liệu chính là tài nguyên, khoáng sản có tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản xuất sản phẩm trở lên, trừ một số trường hợp theo quy định tại Khoản 1 Điều 1 Nghị định số 146/2017/NĐ-CP .

a) Tài nguyên, khoáng sản là tài nguyên, khoáng sản có nguồn gốc trong nước gồm: Khoáng sản kim loại; khoáng sản không kim loại; dầu thô; khí thiên nhiên; khí than.

b) Việc xác định tỷ trọng trị giá tài nguyên, khoáng sản và chi phí năng lượng trên giá thành được thực hiện theo công thức:

Tỷ trọng trị giá tài nguyên, khoáng sản và chi phí năng lượng trên giá thành sản xuất sản phẩm


=

Trị giá tài nguyên, khoáng sản + chi phí năng lượng


x 100%

Tổng giá thành sản xuất sản phẩm

Trong đó:

Trị giá tài nguyên, khoáng sản đưa vào chế biến được xác định như sau: Đối với tài nguyên, khoáng sản trực tiếp khai thác là chi phí trực tiếp, gián tiếp khai thác ra tài nguyên, khoáng sản không bao gồm chi phí vận chuyển tài nguyên, khoáng sản từ nơi khai thác đến nơi chế biến; đối với tài nguyên, khoáng sản mua để chế biến tiếp là giá thực tế mua không bao gồm chi phí vận chuyển tài nguyên, khoáng sản từ nơi mua đến nơi chế biến.

Chi phí năng lượng gồm: nhiên liệu, điện năng, nhiệt năng.

Trị giá tài nguyên, khoáng sản và chi phí năng lượng được xác định theo giá trị ghi sổ kế toán phù hợp với Bảng tổng hợp tính giá thành sản phẩm.

Giá thành sản xuất sản phẩm bao gồm: Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp, chi phí nhân công trực tiếp và chi phí sản xuất chung. Các chi phí gián tiếp như chi phí bán hàng, chi phí quản lý, chi phí tài chính và chi phí khác không được tính vào giá thành sản xuất sản phẩm.

Tỷ lệ trị giá tài nguyên, khoáng sản và chi phí năng lượng trên giá thành sản xuất sản phẩm được xác định căn cứ vào quyết toán năm trước và tỷ lệ này được áp dụng ổn định trong năm xuất khẩu. Trường hợp năm đầu tiên xuất khẩu sản phẩm thì tỷ lệ trị giá tài nguyên, khoáng sản và chi phí năng lượng trên giá thành sản xuất sản phẩm được xác định theo phương án đầu tư và tỷ lệ này được áp dụng ổn định trong năm xuất khẩu; trường hợp không có phương án đầu tư thì tỷ lệ trị giá tài nguyên, khoáng sản và chi phí năng lượng trên giá thành sản xuất sản phẩm được xác định theo thực tế của sản phẩm xuất khẩu.

c) Trường hợp doanh nghiệp không xuất khẩu mà bán cho doanh nghiệp khác để xuất khẩu thì doanh nghiệp mua hàng hóa này để xuất khẩu phải thực hiện kê khai thuế GTGT như sản phẩm cùng loại do doanh nghiệp sản xuất trực tiếp xuất khẩu.

d) Cục Thuế các tỉnh, thành phố phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành trên địa bàn theo chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan để hướng dẫn các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, kinh doanh xuất khẩu sản phẩm từ tài nguyên, khoáng sản căn cứ đặc tính sản phẩm và quy trình sản xuất sản phẩm để xác định sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản đã chế biến hoặc chưa chế biến thành sản phẩm khác để thực hiện kê khai theo quy định.

Đối với trường hợp doanh nghiệp kê khai sản phẩm đã chế biến thành sản phẩm khác mà quy trình sản xuất sản phẩm chưa đủ cơ sở xác định là sản phẩm khác thì Cục Thuế có trách nhiệm báo cáo Tổng cục Thuế để phối hợp với các Bộ, Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành căn cứ vào quy trình sản xuất sản phẩm xuất khẩu của doanh nghiệp để xác định sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản chưa chế biến thành sản phẩm khác hay đã chế biến thành sản phẩm khác theo quy định của pháp luật.

24. Sản phẩm nhân tạo dùng để thay thế cho bộ phận cơ thể của người bệnh, bao gồm cả sản phẩm là bộ phận cấy ghép lâu dài trong cơ thể người; nạng, xe lăn và dụng cụ chuyên dùng khác dùng cho người tàn tật.

25. Hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ một trăm triệu đồng trở xuống.

Việc xác định hộ, cá nhân kinh doanh thuộc hay không thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT thực hiện theo hướng dẫn của pháp luật về quản lý thuế.

26. Các hàng hóa, dịch vụ sau:

a) Hàng hóa bán miễn thuế ở các cửa hàng bán hàng miễn thuế theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

b) Hàng dự trữ quốc gia do cơ quan dự trữ quốc gia bán ra.

c) Các hoạt động có thu phí, lệ phí của Nhà nước theo pháp luật về phí và lệ phí.

d) Rà phá bom mìn, vật nổ do các đơn vị quốc phòng thực hiện đối với các công trình được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Hàng hóa thuộc diện không chịu thuế GTGT khâu nhập khẩu theo quy định tại Điều này nếu thay đổi mục đích sử dụng phải kê khai, nộp thuế GTGT khâu nhập khẩu theo quy định với cơ quan hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan. Tổ chức, cá nhân bán hàng hóa ra thị trường nội địa phải kê khai, nộp thuế GTGT với cơ quan thuế quản lý trực tiếp theo quy định.

Điều 5. Các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT

1. Tổ chức, cá nhân nhận các khoản thu về bồi thường bằng tiền (bao gồm cả tiền bồi thường về đất và tài sản trên đất khi bị thu hồi đất theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền), tiền thưởng, tiền hỗ trợ, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác.

Cơ sở kinh doanh khi nhận khoản tiền thu về bồi thường, tiền thưởng, tiền hỗ trợ nhận được, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác thì lập chứng từ thu theo quy định. Đối với cơ sở kinh doanh chi tiền, căn cứ mục đích chi để lập chứng từ chi tiền.

Trường hợp bồi thường bằng hàng hóa, dịch vụ, cơ sở bồi thường phải lập hóa đơn và kê khai, tính, nộp thuế GTGT như đối với bán hàng hóa, dịch vụ; cơ sở nhận bồi thường kê khai, khấu trừ theo quy định.

Trường hợp cơ sở kinh doanh nhận tiền của tổ chức, cá nhân để thực hiện dịch vụ cho tổ chức, cá nhân như sửa chữa, bảo hành, khuyến mại, quảng cáo thì phải kê khai, nộp thuế theo quy định.

Ví dụ 10: Công ty TNHH P&C nhận được khoản tiền lãi từ việc mua trái phiếu và tiền cổ tức từ việc mua cổ phiếu của các doanh nghiệp khác. Công ty TNHH P&C không phải kê khai, nộp thuế GTGT đối với khoản tiền lãi từ việc mua trái phiếu và tiền cổ tức nhận được.

Ví dụ 11: Doanh nghiệp A nhận được khoản bồi thường thiệt hại do bị hủy hợp đồng từ doanh nghiệp B là 50 triệu đồng thì doanh nghiệp A lập chứng từ thu và không phải kê khai, nộp thuế GTGT đối với khoản tiền trên.

Ví dụ 12: Doanh nghiệp X mua hàng của doanh nghiệp Y, doanh nghiệp X có ứng trước cho doanh nghiệp Y một khoản tiền và được doanh nghiệp Y trả lãi cho khoản tiền ứng trước đó thì doanh nghiệp X không phải kê khai, nộp thuế GTGT đối với khoản lãi nhận được.

Ví dụ 13: Doanh nghiệp X bán hàng cho doanh nghiệp Z, tổng giá thanh toán là 440 triệu đồng. Theo hợp đồng, doanh nghiệp Z thanh toán trả chậm trong vòng 3 tháng, lãi suất trả chậm là 1%/tháng/tổng giá thanh toán của hợp đồng. Sau 3 tháng, doanh nghiệp X nhận được từ doanh nghiệp Z tổng giá trị thanh toán của hợp đồng là 440 triệu đồng và số tiền lãi chậm trả là 13,2 triệu đồng (440 triệu đồng x 1% x 3 tháng) thì doanh nghiệp X không phải kê khai, nộp thuế GTGT đối với khoản tiền 13,2 triệu đồng này.

Ví dụ 14: Doanh nghiệp bảo hiểm A và Công ty B ký hợp đồng bảo hiểm với hình thức bảo hiểm bằng tiền. Khi có rủi ro bảo hiểm xảy ra, doanh nghiệp bảo hiểm A bồi thường cho Công ty B bằng tiền theo quy định của pháp luật về bảo hiểm. Công ty B không phải kê khai, nộp thuế GTGT đối với số tiền bồi thường bảo hiểm nhận được.

Ví dụ 15: Công ty cổ phần Sữa ABC có chi tiền cho các nhà phân phối (là tổ chức, cá nhân kinh doanh) để thực hiện chương trình khuyến mại (theo quy định của pháp luật về hoạt động xúc tiến thương mại), tiếp thị, trưng bày sản phẩm cho Công ty (nhà phân phối nhận tiền này để thực hiện dịch vụ cho Công ty) thì khi nhận tiền, trường hợp nhà phân phối là người nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ lập hóa đơn GTGT và tính thuế GTGT theo thuế suất 10%, trường hợp nhà phân phối là người nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp thì sử dụng hóa đơn bán hàng và xác định số thuế phải nộp theo tỷ lệ (%) trên doanh thu theo quy định.

2. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam mua dịch vụ của tổ chức nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, cá nhân ở nước ngoài là đối tượng không cư trú tại Việt Nam, bao gồm các trường hợp: sửa chữa phương tiện vận tải, máy móc, thiết bị (bao gồm cả vật tư, phụ tùng thay thế); quảng cáo, tiếp thị; xúc tiến đầu tư và thương mại; môi giới bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài; đào tạo; chia cước dịch vụ bưu chính, viễn thông quốc tế giữa Việt Nam với nước ngoài mà các dịch vụ này được thực hiện ở ngoài Việt Nam, dịch vụ thuê đường truyền dẫn và băng tần vệ tinh của nước ngoài theo quy định của pháp luật.

3. Tổ chức, cá nhân không kinh doanh, không phải là người nộp thuế GTGT bán tài sản.

Ví dụ 16: Ông A là cá nhân không kinh doanh bán 01 ô tô 4 chỗ ngồi cho ông B với giá là 600 triệu đồng thì ông A không phải kê khai, tính thuế GTGT đối với số tiền bán ô tô thu được.

Ví dụ 17: Ông E là cá nhân không kinh doanh thế chấp 01 ô tô 5 chỗ ngồi cho ngân hàng VC để vay tiền. Đến thời hạn phải thanh toán theo hợp đồng, Ông E không thanh toán được cho ngân hàng VC nên tài sản là ô tô thế chấp bị bán phát mại để thu hồi nợ thì khoản tiền thu được từ bán phát mại chiếc ôtô thế chấp nêu trên không phải kê khai, tính thuế GTGT.

4. Tổ chức, cá nhân chuyển nhượng dự án đầu tư để sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, hợp tác xã.

Ví dụ 18: Công ty cổ phần P thực hiện dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất cồn công nghiệp. Đến tháng 3/2014, dự án đầu tư đã hoàn thành được 90% so với đề án thiết kế và giá trị đầu tư là 26 tỷ đồng. Do gặp khó khăn về tài chính, Công ty cổ phần P quyết định chuyển nhượng toàn bộ dự án đang đầu tư cho Công ty cổ phần X với giá chuyển nhượng là 28 tỷ đồng. Công ty cổ phần X nhận chuyển nhượng dự án đầu tư trên để tiếp tục sản xuất cồn công nghiệp. Công ty cổ phần P không phải kê khai, nộp thuế GTGT đối với giá trị dự án chuyển nhượng cho Công ty cổ phần X.

5. Doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, hải sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường cho doanh nghiệp, hợp tác xã ở khâu kinh doanh thương mại không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT. Trên hóa đơn GTGT, ghi dòng giá bán là giá không có thuế GTGT, dòng thuế suất và thuế GTGT không ghi, gạch bỏ.

Trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường cho các đối tượng khác như hộ, cá nhân kinh doanh và các tổ chức, cá nhân khác thì phải kê khai, tính nộp thuế GTGT theo mức thuế suất 5% hướng dẫn tại khoản 5 Điều 10 Thông tư này.

Hộ, cá nhân kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức kinh tế khác nộp thuế GTGT theo phương pháp tính trực tiếp trên GTGT khi bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường ở khâu kinh doanh thương mại thì kê khai, tính nộp thuế GTGT theo tỷ lệ 1% trên doanh thu.

Ví dụ 19: Công ty lương thực B là cơ sở kinh doanh nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thu mua gạo của tổ chức, cá nhân trực tiếp trồng bán ra thì ở khâu thu mua của tổ chức, cá nhân trực tiếp trồng bán ra thì gạo thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

Trường hợp Công ty lương thực B bán gạo cho Công ty XNK C thì Công ty lương thực B không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT đối với số gạo bán cho Công ty XNK C.

Công ty lương thực B bán gạo cho Công ty TNHH D (là doanh nghiệp sản xuất bún, bánh phở) thì Công ty lương thực B không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT đối với số gạo bán cho Công ty TNHH D.

Trên hóa đơn GTGT lập, giao cho Công ty XNK C, Công ty TNHH D, Công ty lương thực B ghi rõ giá bán là giá không có thuế GTGT, dòng thuế suất và thuế GTGT không ghi, gạch bỏ.

Công ty lương thực B bán trực tiếp gạo cho người tiêu dùng thì kê khai, nộp thuế GTGT theo mức thuế suất thuế GTGT là 5% theo hướng dẫn tại khoản 5 Điều 10 Thông tư này.

Ví dụ 20: Công ty TNHH A là CSKD nộp thuế theo phương pháp khấu trừ mua cà phê nhân của nông dân trồng cà phê, sau đó Công ty TNHH A bán số cà phê nhân này cho hộ kinh doanh H thì doanh thu của Công ty TNHH A từ bán cà phê nhân cho hộ kinh doanh H áp dụng mức thuế suất 5%.

Ví dụ 21: Hộ ông X sau khi thu mua lá chè của hộ trồng chè đã bán ra cho hộ ông Y thì hộ ông X phải tính, nộp thuế GTGT theo tỷ lệ 1% trên doanh thu bán lá chè cho hộ ông Y.

Trường hợp sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã đã lập hóa đơn, kê khai, tính thuế GTGT thì người bán và người mua phải điều chỉnh hóa đơn để không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT theo hướng dẫn tại khoản này.

6. Tài sản cố định đang sử dụng, đã thực hiện trích khấu hao khi điều chuyển theo giá trị ghi trên sổ sách kế toán giữa cơ sở kinh doanh và các đơn vị thành viên do một cơ sở kinh doanh sở hữu 100% vốn hoặc giữa các đơn vị thành viên do một cơ sở kinh doanh sở hữu 100% vốn để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT thì không phải lập hóa đơn và kê khai, nộp thuế GTGT. Cơ sở kinh doanh có tài sản cố định điều chuyển phải có Quyết định hoặc Lệnh điều chuyển tài sản kèm theo bộ hồ sơ nguồn gốc tài sản.

Trường hợp tài sản cố định khi điều chuyển đã thực hiện đánh giá lại giá trị tài sản hoặc điều chuyển cho cơ sở sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT thì phải lập hóa đơn GTGT, kê khai, nộp thuế GTGT theo quy định.

7. Các trường hợp khác:

Cơ sở kinh doanh không phải kê khai, nộp thuế trong các trường hợp sau:

a) Góp vốn bằng tài sản để thành lập doanh nghiệp. Tài sản góp vốn vào doanh nghiệp phải có: biên bản góp vốn sản xuất kinh doanh, hợp đồng liên doanh, liên kết; biên bản định giá tài sản của Hội đồng giao nhận vốn góp của các bên góp vốn (hoặc văn bản định giá của tổ chức có chức năng định giá theo quy định của pháp luật), kèm theo bộ hồ sơ về nguồn gốc tài sản.

b) Điều chuyển tài sản giữa các đơn vị hạch toán phụ thuộc trong doanh nghiệp; điều chuyển tài sản khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp. Tài sản điều chuyển giữa các đơn vị thành viên hạch toán phụ thuộc trong cơ sở kinh doanh; tài sản điều chuyển khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp thì cơ sở kinh doanh có tài sản điều chuyển phải có lệnh điều chuyển tài sản, kèm theo bộ hồ sơ nguồn gốc tài sản và không phải xuất hóa đơn.

Trường hợp tài sản điều chuyển giữa các đơn vị hạch toán độc lập hoặc giữa các đơn vị thành viên có tư cách pháp nhân đầy đủ trong cùng một cơ sở kinh doanh thì cơ sở kinh doanh có tài sản điều chuyển phải xuất hóa đơn GTGT và kê khai, nộp thuế GTGT theo quy định, trừ trường hợp hướng dẫn tại khoản 6 Điều này.

c) Thu đòi người thứ 3 của hoạt động bảo hiểm.

d) Các khoản thu hộ không liên quan đến việc bán hàng hóa, dịch vụ của cơ sở kinh doanh.

đ) Doanh thu hàng hóa, dịch vụ nhận bán đại lý và doanh thu hoa hồng được hưởng từ hoạt động đại lý bán đúng giá quy định của bên giao đại lý hưởng hoa hồng của dịch vụ: bưu chính, viễn thông, bán vé xổ số, vé máy bay, ô tô, tàu hỏa, tàu thủy; đại lý vận tải quốc tế; đại lý của các dịch vụ ngành hàng không, hàng hải mà được áp dụng thuế suất thuế GTGT 0%; đại lý bán bảo hiểm.

e) Doanh thu hàng hóa, dịch vụ và doanh thu hoa hồng đại lý được hưởng từ hoạt động đại lý bán hàng hóa, dịch vụ thuộc diện không chịu thuế GTGT.

g)[9] Cơ sở kinh doanh không phải nộp thuế GTGT khâu nhập khẩu trong trường hợp nhập khẩu  hàng hóa đã xuất khẩu nhưng bị phía nước ngoài trả lại. Khi cơ sở kinh doanh bán hàng hóa bị trả lại này trong nội địa thì phải kê khai, nộp thuế GTGT theo quy định.

h.[10] Tổ chức, doanh nghiệp nhận các khoản thù lao từ cơ quan nhà nước do thực hiện hoạt động thu hộ, chi hộ các cơ quan nhà nước.

Thù lao thu hộ, chi hộ các cơ quan nhà nước không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT quy định tại điểm này là các khoản thù lao nhận được từ hoạt động: thu bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế tự nguyện cho cơ quan Bảo hiểm xã hội; chi trả trợ cấp ưu đãi cho người có công, trợ cấp khác cho Bộ Lao động và thương binh xã hội; thu thuế của hộ cá nhân cho cơ quan thuế và các khoản thu hộ, chi hộ khác cho cơ quan Nhà nước.

Chương II

CĂN CỨ VÀ PHƯƠNG PHÁP TÍNH THUẾ

Mục 1. CĂN CỨ TÍNH THUẾ

Điều 6. Căn cứ tính thuế

Căn cứ tính thuế giá trị gia tăng là giá tính thuế và thuế suất.

Điều 7. Giá tính thuế

1. Đối với hàng hóa, dịch vụ do cơ sở sản xuất, kinh doanh bán ra là giá bán chưa có thuế GTGT. Đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là giá bán đã có thuế tiêu thụ đặc biệt nhưng chưa có thuế GTGT.

Đối với hàng hóa chịu thuế bảo vệ môi trường là giá bán đã có thuế bảo vệ môi trường nhưng chưa có thuế giá trị gia tăng; đối với hàng hóa vừa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, vừa chịu thuế bảo vệ môi trường là giá bán đã có thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường nhưng chưa có thuế giá trị gia tăng.

2. Đối với hàng hóa nhập khẩu là giá nhập tại cửa khẩu cộng (+) với thuế nhập khẩu (nếu có), cộng (+) với thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có), cộng (+) với thuế bảo vệ môi trường (nếu có). Giá nhập tại cửa khẩu được xác định theo quy định về giá tính thuế hàng nhập khẩu.

Trường hợp hàng hóa nhập khẩu được miễn, giảm thuế nhập khẩu thì giá tính thuế GTGT là giá nhập khẩu cộng (+) với thuế nhập khẩu xác định theo mức thuế phải nộp sau khi đã được miễn, giảm.

3. Đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ (kể cả mua ngoài hoặc do cơ sở kinh doanh tự sản xuất) dùng để trao đổi, biếu, tặng, cho, trả thay lương, là giá tính thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ cùng loại hoặc tương đương tại thời điểm phát sinh các hoạt động này.

Ví dụ 22: Đơn vị A sản xuất quạt điện, dùng 50 sản phẩm quạt để trao đổi với cơ sở B lấy sắt thép, giá bán (chưa có thuế) là 400.000 đồng/chiếc. Giá tính thuế GTGT là 50 x 400.000 đồng = 20.000.000 đồng.

Riêng biếu, tặng giấy mời (trên giấy mời ghi rõ không thu tiền) xem các cuộc biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp và người mẫu, thi đấu thể thao do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật thì giá tính thuế được xác định bằng không (0). Cơ sở tổ chức biểu diễn nghệ thuật tự xác định và tự chịu trách nhiệm về số lượng giấy mời, danh sách tổ chức, cá nhân mà cơ sở mang biếu, tặng giấy mời trước khi diễn ra chương trình biểu diễn, thi đấu thể thao. Trường hợp cơ sở có hành vi gian lận vẫn thu tiền đối với giấy mời thì bị xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Ví dụ 23: Công ty cổ phần X được cơ quan có thẩm quyền cấp phép tổ chức cuộc thi “Người đẹp Việt Nam năm 20xx”, ngoài số vé in để bán thu tiền cho khán giả, Công ty có in một số giấy mời để biếu, tặng không thu tiền để mời một số đại biểu đến tham dự và cổ vũ cho cuộc thi, số giấy mời này có danh sách tổ chức, cá nhân nhận. Khi khai thuế giá trị gia tăng, giá tính thuế đối với số giấy mời biếu, tặng được xác định bằng không (0). Trường hợp cơ quan thuế phát hiện Công ty cổ phần X vẫn thu tiền khi biếu, tặng giấy mời thì Công ty cổ phần X bị xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

4.[11] Giá tính thuế đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng nội bộ.

Hàng hóa luân chuyển nội bộ như hàng hóa được xuất để chuyển kho nội bộ, xuất vật tư, bán thành phẩm, để tiếp tục quá trình sản xuất trong một cơ sở sản xuất, kinh doanh hoặc hàng hoá, dịch vụ do cơ sở kinh doanh xuất hoặc cung ứng sử dụng phục vụ hoạt động kinh doanh thì không phải tính, nộp thuế GTGT.

Trường hợp cơ sở kinh doanh tự sản xuất, xây dựng tài sản cố định (tài sản cố định tự làm) để phục vụ sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT thì khi hoàn thành, nghiệm thu, bàn giao, cơ sở kinh doanh không phải lập hóa đơn. Thuế GTGT đầu vào hình thành nên tài sản cố định tự làm được kê khai, khấu trừ theo quy định.

Trường hợp xuất máy móc, thiết bị, vật tư, hàng hóa dưới hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả, nếu có hợp đồng và các chứng từ liên quan đến giao dịch phù hợp, cơ sở kinh doanh không phải lập hóa đơn, tính, nộp thuế GTGT.

Ví dụ 24: Đơn vị A là doanh nghiệp sản xuất quạt điện, dùng 50 sản phẩm quạt lắp vào các phân xưởng sản xuất để phục vụ hoạt động kinh doanh của đơn vị thị đơn vị A không phải tính nộp thuế GTGT đối với hoạt động xuất 50 sản phẩm quạt điện này.

Ví dụ 25: Cơ sở sản xuất hàng may mặc B có phân xưởng sợi và phân xưởng may. Cơ sở B xuất sợi thành phẩm từ phân xưởng sợi cho phân xưởng may để tiếp tục quá trình sản xuất thì cơ sở B không phải tính và nộp thuế GTGT đối với sợi xuất cho phân xưởng may.

Ví dụ 26: Công ty cổ phần P tự xây dựng nhà nghỉ giữa ca cho công nhân ở trong khu vực sản xuất kinh doanh. Công ty cổ phần P không có đơn vị, tổ, đội trực thuộc thực hiện hoạt động xây dựng này. Khi hoàn thành, nghiệm thu nhà nghỉ giữa ca, Công ty cổ phần P không phải lập hóa đơn. Thuế GTGT đầu vào hình thành nhà nghỉ giữa ca được kê khai, khấu trừ theo quy định.

Ví dụ 27: Công ty Y là doanh nghiệp sản xuất nước uống đóng chai, giá chưa có thuế GTGT 1 chai nước đóng chai trên thị trường là 4.000 đồng. Công ty Y xuất ra 300 chai nước đóng chai  để phục vụ trong các cuộc họp công ty thì Công ty Y không phải kê khai, tính thuế GTGT.

Ví dụ 28: Công ty Y là doanh nghiệp sản xuất nước uống đóng chai, giá chưa có thuế GTGT 1 chai nước đóng chai trên thị trường là 4.000 đồng. Công ty Y xuất ra 300 chai nước đóng chai với mục đích không phục vụ sản xuất kinh doanh thì Công ty Y phải kê khai, tính thuế GTGT đối với 300 chai nước xuất dùng không phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh nêu trên với giá tính thuế là 4.000 x 300 = 1.200.000 đồng.

Riêng đối với cơ sở kinh doanh có sử dụng hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng nội bộ, luân chuyển nội bộ phục vụ cho sản xuất kinh doanh như vận tải, hàng không, đường sắt, bưu chính viễn thông không phải tính thuế GTGT đầu ra, cơ sở kinh doanh phải có văn bản quy định rõ đối tượng và mức khống chế hàng hóa dịch vụ sử dụng nội bộ theo thẩm quyền quy định.

5. Đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại theo quy định của pháp luật về thương mại, giá tính thuế được xác định bằng không (0); trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại nhưng không thực hiện theo quy định của pháp luật về thương mại thì phải kê khai, tính nộp thuế như hàng hóa, dịch vụ dùng để tiêu dùng nội bộ, biếu, tặng, cho.

Một số hình thức khuyến mại cụ thể được thực hiện như sau:

a) Đối với hình thức khuyến mại đưa hàng mẫu, cung ứng dịch vụ mẫu để khách hàng dùng thử không phải trả tiền, tặng hàng hóa cho khách hàng, cung ứng dịch vụ không thu tiền thì giá tính thuế đối với hàng mẫu, dịch vụ mẫu được xác định bằng 0.

Ví dụ 29: Công ty TNHH P sản xuất nước ngọt có ga, năm 2014 Công ty có thực hiện đợt khuyến mại vào tháng 5/2014 và tháng 12/2014 theo hình thức mua 10 sản phẩm tặng 1 sản phẩm. Chương trình khuyến mại vào tháng 5/2014 được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục khuyến mại được thực hiện theo quy định của pháp luật về thương mại. Theo đó, đối với số sản phẩm tặng kèm khi mua sản phẩm trong tháng 5/2014, Công ty TNHH P xác định giá tính thuế bằng không (0).

Trường hợp chương trình khuyến mại vào tháng 12/2014 không được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục khuyến mại theo quy định của pháp luật về thương mại, Công ty TNHH P phải kê khai, tính thuế GTGT đối với số sản phẩm tặng kèm khi mua sản phẩm trong tháng 12/2014.

b) Đối với hình thức bán hàng, cung ứng dịch vụ với giá thấp hơn giá bán hàng, dịch vụ trước đó thì giá tính thuế GTGT là giá bán đã giảm áp dụng trong thời gian khuyến mại đã đăng ký hoặc thông báo.

Ví dụ 30: Công ty N hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, chuyên bán các loại thẻ cào di động. Công ty thực hiện đăng ký khuyến mại theo quy định của pháp luật về thương mại dưới hình thức bán hàng thấp hơn giá bán trước đó cho thời gian từ ngày 01/4/2014 đến hết ngày 20/4/2014, theo đó, giá bán một thẻ cào mệnh giá là 100.000 đồng (đã bao gồm thuế GTGT) trong thời gian khuyến mại được bán với giá 90.000 đồng.

Giá tính thuế GTGT đối với một thẻ cào mệnh giá 100.000 đồng trong thời gian khuyến mại được tính như sau:

c) Đối với các hình thức khuyến mại bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm theo phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ thì không phải kê khai, tính thuế GTGT đối với phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ tặng kèm.

6. Đối với hoạt động cho thuê tài sản như cho thuê nhà, văn phòng, xưởng, kho tàng, bến, bãi, phương tiện vận chuyển, máy móc, thiết bị là số tiền cho thuê chưa có thuế GTGT.

Trường hợp cho thuê theo hình thức trả tiền thuê từng kỳ hoặc trả trước tiền thuê cho một thời hạn thuê thì giá tính thuế là tiền cho thuê trả từng kỳ hoặc trả trước cho thời hạn thuê chưa có thuế GTGT.

Giá cho thuê tài sản do các bên thỏa thuận được xác định theo hợp đồng. Trường hợp pháp luật có quy định về khung giá thuê thì giá thuê được xác định trong phạm vi khung giá quy định.

7. Đối với hàng hóa bán theo phương thức trả góp, trả chậm là giá tính theo giá bán trả một lần chưa có thuế GTGT của hàng hóa đó, không bao gồm khoản lãi trả góp, lãi trả chậm.

Ví dụ 31: Công ty kinh doanh xe máy bán xe X loại 100 cc, giá bán trả góp chưa có thuế GTGT là 25,5 triệu đồng/chiếc (trong đó giá bán xe là 25 triệu đồng, lãi trả góp là 0,5 triệu đồng) thì giá tính thuế GTGT là 25 triệu đồng.

8. Đối với gia công hàng hóa là giá gia công theo hợp đồng gia công chưa có thuế GTGT, bao gồm cả tiền công, chi phí về nhiên liệu, động lực, vật liệu phụ và chi phí khác phục vụ cho việc gia công hàng hóa.

9. Đối với xây dựng, lắp đặt, là giá trị công trình, hạng mục công trình hay phần công việc thực hiện bàn giao chưa có thuế GTGT.

a) Trường hợp xây dựng, lắp đặt có bao thầu nguyên vật liệu là giá xây dựng, lắp đặt bao gồm cả giá trị nguyên vật liệu chưa có thuế GTGT.

Ví dụ 32: Công ty xây dựng B nhận thầu xây dựng công trình bao gồm cả giá trị nguyên vật liệu, tổng giá trị thanh toán chưa có thuế GTGT là 1.500 triệu đồng, trong đó giá trị vật tư xây dựng chưa có thuế GTGT là 1.000 triệu đồng thì giá tính thuế GTGT là 1.500 triệu đồng.

b) Trường hợp xây dựng, lắp đặt không bao thầu nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị, giá tính thuế là giá trị xây dựng, lắp đặt không bao gồm giá trị nguyên vật liệu và máy móc, thiết bị chưa có thuế GTGT.

Ví dụ 33: Công ty xây dựng B nhận thầu xây dựng công trình không bao thầu giá trị vật tư xây dựng, tổng giá trị công trình chưa có thuế GTGT là 1.500 triệu đồng, giá trị nguyên liệu, vật tư xây dựng do chủ đầu tư A cung cấp chưa có thuế GTGT là 1.000 triệu đồng thì giá tính thuế GTGT trong trường hợp này là 500 triệu đồng (1.500 triệu đồng - 1.000 triệu đồng).

c) Trường hợp xây dựng, lắp đặt thực hiện thanh toán theo hạng mục công trình hoặc giá trị khối lượng xây dựng, lắp đặt hoàn thành bàn giao là giá tính theo giá trị hạng mục công trình hoặc giá trị khối lượng công việc hoàn thành bàn giao chưa có thuế GTGT.

Ví dụ 34: Công ty dệt X (gọi là bên A) thuê Công ty xây dựng Y (gọi là bên B) thực hiện xây dựng lắp đặt mở rộng xưởng sản xuất.

Tổng giá trị công trình chưa có thuế GTGT là 200 tỷ đồng, trong đó:

- Giá trị xây lắp: 80 tỷ đồng

- Giá trị thiết bị bên B cung cấp và lắp đặt: 120 tỷ đồng

- Thuế GTGT 10%: 20 tỷ đồng {= (80 + 120) x 10%}

- Tổng số tiền bên A phải thanh toán là: 220 tỷ đồng

- Bên A:

+ Nhận bàn giao nhà xưởng, hạch toán tăng giá trị TSCĐ để tính khấu hao là 200 tỷ đồng (giá trị không có thuế GTGT)

+ Tiền thuế GTGT 20 tỷ đồng được kê khai, khấu trừ vào thuế đầu ra của hàng hóa bán ra hoặc đề nghị hoàn thuế theo quy định.

Trường hợp bên A nghiệm thu, bàn giao và chấp nhận thanh toán cho bên B theo từng hạng mục công trình (giả định phần giá trị xây lắp 80 tỷ đồng nghiệm thu, bàn giao và được chấp nhận thanh toán trước) thì giá tính thuế GTGT là 80 tỷ đồng.

10.[12] Đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản, giá tính thuế giá trị gia tăng thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định số 49/2022/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2022 của Chính phủ.

11. Đối với hoạt động đại lý, môi giới mua bán hàng hóa và dịch vụ, ủy thác xuất nhập khẩu hưởng tiền công hoặc tiền hoa hồng, giá tính thuế là tiền công, tiền hoa hồng thu được từ các hoạt động này chưa có thuế GTGT.

12. Đối với hàng hóa, dịch vụ được sử dụng chứng từ thanh toán ghi giá thanh toán là giá đã có thuế GTGT như tem, vé cước vận tải, vé xổ số kiến thiết... thì giá chưa có thuế được xác định như sau:

Giá chưa có thuế GTGT =

Giá thanh toán (tiền bán vé, bán tem...)

1 + thuế suất của hàng hóa, dịch vụ (%)

13.[13] Giá tính thuế đối với hoạt động sản xuất điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định số 49/2022/NĐ-CP   ngày 29 tháng 7 năm 2022 của Chính phủ.

14. Đối với dịch vụ casino, trò chơi điện tử có thưởng, kinh doanh giải trí có đặt cược, là số tiền thu từ hoạt động này đã bao gồm cả thuế tiêu thụ đặc biệt trừ số tiền đã trả thưởng cho khách.

Giá tính thuế được tính theo công thức sau:

Giá tính thuế =

Số tiền thu được

1 +  thuế suất

Ví dụ 41: Cơ sở kinh doanh dịch vụ casino trong kỳ tính thuế có số liệu sau:

- Số tiền thu được do đổi cho khách hàng trước khi chơi tại quầy đổi tiền là: 43 tỷ đồng.

- Số tiền đổi trả lại cho khách hàng sau khi chơi là: 10 tỷ đồng.

Số tiền cơ sở kinh doanh thực thu: 43 tỷ đồng - 10 tỷ đồng = 33 tỷ đồng

Số tiền 33 tỷ đồng là doanh thu của cơ sở kinh doanh đã bao gồm thuế GTGT và thuế TTĐB.

Giá tính thuế GTGT được tính như sau:

Giá tính thuế =

33 tỷ đồng

= 30 tỷ đồng

1 + 10%

15. Đối với vận tải, bốc xếp là giá cước vận tải, bốc xếp chưa có thuế GTGT, không phân biệt cơ sở trực tiếp vận tải, bốc xếp hay thuê lại.

16. Đối với dịch vụ du lịch theo hình thức lữ hành, hợp đồng ký với khách hàng theo giá trọn gói (ăn, ở, đi lại) thì giá trọn gói được xác định là giá đã có thuế GTGT.

Giá tính thuế được xác định theo công thức sau:

Giá tính thuế =

Giá trọn gói

1 +  thuế suất

Trường hợp giá trọn gói bao gồm cả các khoản chi vé máy bay vận chuyển khách du lịch từ nước ngoài vào Việt Nam, từ Việt Nam đi nước ngoài, các chi phí ăn, nghỉ, thăm quan và một số khoản chi ở nước ngoài khác (nếu có chứng từ hợp pháp) thì các khoản thu của khách hàng để chi cho các khoản trên được tính giảm trừ trong giá (doanh thu) tính thuế GTGT. Thuế GTGT đầu vào phục vụ hoạt động du lịch trọn gói được kê khai, khấu trừ toàn bộ theo quy định.

Ví dụ 42: Công ty Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện hợp đồng du lịch với Thái Lan theo hình thức trọn gói 50 khách du lịch trong 05 ngày tại Việt Nam với tổng số tiền thanh toán là 32.000 USD. Phía Việt Nam phải lo chi phí toàn bộ vé máy bay, ăn, ở, thăm quan theo chương trình thỏa thuận; trong đó riêng tiền vé máy bay đi từ Thái Lan sang Việt Nam và ngược lại hết 10.000 USD. Tỷ giá 1USD = 20.000 đồng Việt Nam.

Giá tính thuế GTGT theo hợp đồng này được xác định như sau:

+ Doanh thu chịu thuế GTGT là:

(32.000 USD - 10.000 USD) x 20.000 đồng = 440.000.000 đồng

+ Giá tính thuế GTGT là:

440.000.000 đồng

= 400.000.000 đồng

1 + 10%

Công ty Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh được kê khai khấu trừ toàn bộ thuế GTGT đầu vào phục vụ hoạt động du lịch chịu thuế GTGT.

Ví dụ 43: Công ty du lịch Hà Nội thực hiện hợp đồng đưa khách du lịch từ Việt Nam đi Trung Quốc thu theo giá trọn gói là 400 USD/người đi trong năm ngày, Công ty du lịch Hà Nội phải chi trả cho Công ty du lịch Trung Quốc 300 USD/người thì giá (doanh thu) tính thuế của Công ty du lịch Hà Nội là 100 USD/người (400 USD - 300 USD).

17. Đối với dịch vụ cầm đồ, số tiền phải thu từ dịch vụ này bao gồm tiền lãi phải thu từ cho vay cầm đồ và khoản thu khác phát sinh từ việc bán hàng cầm đồ (nếu có) được xác định là giá đã có thuế GTGT.

Giá tính thuế được xác định theo công thức sau:

Giá tính thuế =

Số tiền phải thu

1 + thuế suất

Ví dụ 44: Công ty kinh doanh cầm đồ trong kỳ tính thuế có doanh thu cầm đồ là 110 triệu đồng.

Giá tính thuế GTGT được xác định bằng:

110 triệu đồng

= 100 triệu đồng

1 + 10%

18. Đối với sách chịu thuế GTGT bán theo đúng giá phát hành (giá bìa) theo quy định của Luật Xuất bản thì giá bán đó được xác định là giá đã có thuế GTGT để tính thuế GTGT và doanh thu của cơ sở. Các trường hợp bán không theo giá bìa thì thuế GTGT tính trên giá bán ra.

19. Đối với hoạt động in, giá tính thuế là tiền công in. Trường hợp cơ sở in thực hiện các hợp đồng in, giá thanh toán bao gồm cả tiền công in và tiền giấy in thì giá tính thuế bao gồm cả tiền giấy.

20. Đối với dịch vụ đại lý giám định, đại lý xét bồi thường, đại lý đòi người thứ ba bồi hoàn, đại lý xử lý hàng bồi thường 100% hưởng tiền công hoặc tiền hoa hồng thì giá tính thuế GTGT là tiền công hoặc tiền hoa hồng được hưởng (chưa trừ một khoản phí tổn nào) mà doanh nghiệp bảo hiểm thu được, chưa có thuế GTGT.

21. Đối với trường hợp mua dịch vụ quy định tại khoản 5 Điều 3 Thông tư này, giá tính thuế là giá thanh toán ghi trong hợp đồng mua dịch vụ chưa có thuế giá trị gia tăng.

22. Giá tính thuế đối với các loại hàng hóa, dịch vụ quy định từ khoản 1 đến khoản 21 Điều này bao gồm cả khoản phụ thu và phí thu thêm ngoài giá hàng hóa, dịch vụ mà cơ sở kinh doanh được hưởng.

Trường hợp cơ sở kinh doanh áp dụng hình thức chiết khấu thương mại dành cho khách hàng (nếu có) thì giá tính thuế GTGT là giá bán đã chiết khấu thương mại dành cho khách hàng. Trường hợp việc chiết khấu thương mại căn cứ vào số lượng, doanh số hàng hóa, dịch vụ thì số tiền chiết khấu của hàng hóa đã bán được tính điều chỉnh trên hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ của lần mua cuối cùng hoặc kỳ tiếp sau. Trường hợp số tiền chiết khấu được lập khi kết thúc chương trình (kỳ) chiết khấu hàng bán thì được lập hóa đơn điều chỉnh kèm bảng kê các số hóa đơn cần điều chỉnh, số tiền, tiền thuế điều chỉnh. Căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh, bên bán và bên mua kê khai điều chỉnh doanh thu mua, bán, thuế đầu ra, đầu vào.

Giá tính thuế được xác định bằng đồng Việt Nam. [14] (được bãi bỏ)

Điều 8. Thời điểm xác định thuế GTGT

1. Đối với bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

2. Đối với cung ứng dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ hoặc thời điểm lập hóa đơn cung ứng dịch vụ, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

Đối với dịch vụ viễn thông là thời điểm hoàn thành việc đối soát dữ liệu về cước dịch vụ kết nối viễn thông theo hợp đồng kinh tế giữa các cơ sở kinh doanh dịch vụ viễn thông nhưng chậm nhất không quá 2 tháng kể từ tháng phát sinh cước dịch vụ kết nối viễn thông.

3. Đối với hoạt động cung cấp điện, nước sạch là ngày ghi chỉ số điện, nước tiêu thụ trên đồng hồ để ghi trên hóa đơn tính tiền.

4. Đối với hoạt động kinh doanh bất động sản, xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà để bán, chuyển nhượng hoặc cho thuê là thời điểm thu tiền theo tiến độ thực hiện dự án hoặc tiến độ thu tiền ghi trong hợp đồng. Căn cứ số tiền thu được, cơ sở kinh doanh thực hiện khai thuế GTGT đầu ra phát sinh trong kỳ.

5. Đối với xây dựng, lắp đặt, bao gồm cả đóng tàu, là thời điểm nghiệm thu, bàn giao công trình, hạng mục công trình, khối lượng xây dựng, lắp đặt hoàn thành, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

6. Đối với hàng hóa nhập khẩu là thời điểm đăng ký tờ khai hải quan.

Điều 9. Thuế suất 0%

1. Thuế suất 0%: áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; hoạt động xây dựng, lắp đặt công trình ở nước ngoài và ở trong khu phi thuế quan; vận tải quốc tế; hàng hóa, dịch vụ thuộc diện không chịu thuế GTGT khi xuất khẩu, trừ các trường hợp không áp dụng mức thuế suất 0% hướng dẫn tại khoản 3 Điều này.

Hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu là hàng hóa, dịch vụ được bán, cung ứng cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài và tiêu dùng ở ngoài Việt Nam; bán, cung ứng cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan; hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho khách hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật.

a) Hàng hóa xuất khẩu bao gồm:

- Hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài, kể cả ủy thác xuất khẩu;

- Hàng hóa bán vào khu phi thuế quan theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; hàng bán cho cửa hàng miễn thuế;

- Hàng hóa bán mà điểm giao, nhận hàng hóa ở ngoài Việt Nam;

- Phụ tùng, vật tư thay thế để sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện, máy móc thiết bị cho bên nước ngoài và tiêu dùng ở ngoài Việt Nam;

- Các trường hợp được coi là xuất khẩu theo quy định của pháp luật:

+ Hàng hóa gia công chuyển tiếp theo quy định của pháp luật thương mại về hoạt động mua, bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công hàng hóa với nước ngoài.

+ Hàng hóa xuất khẩu tại chỗ theo quy định của pháp luật.

+ Hàng hóa xuất khẩu để bán tại hội chợ, triển lãm ở nước ngoài.

b) Dịch vụ xuất khẩu bao gồm dịch vụ cung ứng trực tiếp cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài và tiêu dùng ở ngoài Việt Nam; cung ứng trực tiếp cho tổ chức, cá nhân ở trong khu phi thuế quan và tiêu dùng trong khu phi thuế quan.

Cá nhân ở nước ngoài là người nước ngoài không cư trú tại Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và ở ngoài Việt Nam trong thời gian diễn ra việc cung ứng dịch vụ. Tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan là tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh và các trường hợp khác theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Trường hợp cung cấp dịch vụ mà hoạt động cung cấp vừa diễn ra tại Việt Nam, vừa diễn ra ở ngoài Việt Nam nhưng hợp đồng dịch vụ được ký kết giữa hai người nộp thuế tại Việt Nam hoặc có cơ sở thường trú tại Việt Nam thì thuế suất 0% chỉ áp dụng đối với phần giá trị dịch vụ thực hiện ở ngoài Việt Nam, trừ trường hợp cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho hàng hóa nhập khẩu được áp dụng thuế suất 0% trên toàn bộ giá trị hợp đồng. Trường hợp, hợp đồng không xác định riêng phần giá trị dịch vụ thực hiện tại Việt Nam thì giá tính thuế được xác định theo tỷ lệ (%) chi phí phát sinh tại Việt Nam trên tổng chi phí.

Cơ sở kinh doanh cung cấp dịch vụ là người nộp thuế tại Việt Nam phải có tài liệu chứng minh dịch vụ thực hiện ở ngoài Việt Nam.

Ví dụ 45: Công ty B ký hợp đồng với Công ty C về việc cung cấp dịch vụ tư vấn, khảo sát, thiết kế cho dự án đầu tư ở Cam-pu-chia của Công ty C (Công ty B và công ty C là các doanh nghiệp Việt Nam). Hợp đồng có phát sinh các dịch vụ thực hiện ở Việt Nam và các dịch vụ thực hiện tại Cam-pu-chia thì giá trị phần dịch vụ thực hiện tại Cam-pu-chia được áp dụng thuế suất thuế GTGT 0%; đối với phần doanh thu dịch vụ thực hiện tại Việt Nam, Công ty B phải kê khai, tính thuế GTGT theo quy định.

Ví dụ 46: Công ty D cung cấp dịch vụ tư vấn, khảo sát, lập báo cáo khả thi đối với dự án đầu tư tại Lào cho Công ty X. Giá trị hợp đồng Công ty D nhận được là 5 tỷ đồng đã bao gồm thuế GTGT cho phần dịch vụ thực hiện tại Việt Nam. Hợp đồng giữa 2 doanh nghiệp không xác định được doanh thu thực hiện tại Việt Nam và doanh thu thực hiện tại Lào. Công ty D tính toán được các chi phí thực hiện ở Lào (chi phí khảo sát, thăm dò) là 1,5 tỷ đồng và chi phí thực hiện ở Việt Nam (tổng hợp, lập báo cáo) là 2,5 tỷ đồng.

Doanh thu đối với phần dịch vụ thực hiện tại Việt Nam đã bao gồm thuế GTGT được xác định như sau:

5 tỷ x

2,5 tỷ

= 3,125 tỷ đồng

2,5 tỷ + 1,5 tỷ

Trường hợp Công ty D có tài liệu chứng minh Công ty cử cán bộ sang Lào thực hiện khảo sát, thăm dò và có giấy tờ chứng minh Công ty mua một số hàng hóa phục vụ việc khảo sát, thăm dò tại Lào thì doanh thu đối với phần dịch vụ thực hiện tại Lào được áp dụng thuế suất 0% và được xác định bằng 1,875 tỷ đồng (5 - 3,125 = 1,875 tỷ đồng).

c) Vận tải quốc tế quy định tại khoản này bao gồm vận tải hành khách, hành lý, hàng hóa theo chặng quốc tế từ Việt Nam ra nước ngoài hoặc từ nước ngoài đến Việt Nam, hoặc cả điểm đi và đến ở nước ngoài, không phân biệt có phương tiện trực tiếp vận tải hay không có phương tiện. Trường hợp, hợp đồng vận tải quốc tế bao gồm cả chặng vận tải nội địa thì vận tải quốc tế bao gồm cả chặng nội địa.

Ví dụ 47: Công ty vận tải X tại Việt Nam có tàu vận tải quốc tế, Công ty nhận vận chuyển hàng hóa từ Sin-ga-po đến Hàn Quốc. Doanh thu thu được từ vận chuyển hàng hóa từ Sin-ga-po đến Hàn Quốc là doanh thu từ hoạt động vận tải quốc tế.

d) Dịch vụ của ngành hàng không, hàng hải cung cấp trực tiếp cho tổ chức ở nước ngoài hoặc thông qua đại lý, bao gồm:

Các dịch vụ của ngành hàng không áp dụng thuế suất 0%: Dịch vụ cung cấp suất ăn hàng không; dịch vụ cất hạ cánh tàu bay; dịch vụ sân đậu tàu bay; dịch vụ an ninh bảo vệ tàu bay; soi chiếu an ninh hành khách, hành lý và hàng hóa; dịch vụ băng chuyền hành lý tại nhà ga; dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất; dịch vụ bảo vệ tàu bay; dịch vụ kéo đẩy tàu bay; dịch vụ dẫn tàu bay; dịch vụ thuê cầu dẫn khách lên, xuống máy bay; dịch vụ điều hành bay đi, đến; dịch vụ vận chuyển tổ lái, tiếp viên và hành khách trong khu vực sân đậu tàu bay; chất xếp, kiểm đếm hàng hóa; dịch vụ phục vụ hành khách đi chuyến bay quốc tế từ cảng hàng không Việt Nam (passenger service charges).

Các dịch vụ của ngành hàng hải áp dụng thuế suất 0%: Dịch vụ lai dắt tàu biển; hoa tiêu hàng hải; cứu hộ hàng hải; cầu cảng, bến phao; bốc xếp; buộc cởi dây; đóng mở nắp hầm hàng; vệ sinh hầm tàu; kiểm đếm, giao nhận; đăng kiểm.

đ) Các hàng hóa, dịch vụ khác:

- Hoạt động xây dựng, lắp đặt công trình ở nước ngoài hoặc ở trong khu phi thuế quan;

- Hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT khi xuất khẩu, trừ các trường hợp không áp dụng mức thuế suất 0% hướng dẫn tại khoản 3 Điều này;

- Dịch vụ sửa chữa tàu bay, tàu biển cung cấp cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.

2. Điều kiện áp dụng thuế suất 0%:

a) Đối với hàng hóa xuất khẩu:

- Có hợp đồng bán, gia công hàng hóa xuất khẩu; hợp đồng ủy thác xuất khẩu;

- Có chứng từ thanh toán tiền hàng hóa xuất khẩu qua ngân hàng và các chứng từ khác theo quy định của pháp luật;

- Có tờ khai hải quan theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Thông tư này.

Riêng đối với trường hợp hàng hóa bán mà điểm giao, nhận hàng hóa ở ngoài Việt Nam, cơ sở kinh doanh (bên bán) phải có tài liệu chứng minh việc giao, nhận hàng hóa ở ngoài Việt Nam như: hợp đồng mua hàng hóa ký với bên bán hàng hóa ở nước ngoài; hợp đồng bán hàng hóa ký với bên mua hàng; chứng từ chứng minh hàng hóa được giao, nhận ở ngoài Việt Nam như: hóa đơn thương mại theo thông lệ quốc tế, vận đơn, phiếu đóng gói, giấy chứng nhận xuất xứ…; chứng từ thanh toán qua ngân hàng gồm: chứng từ qua ngân hàng của cơ sở kinh doanh thanh toán cho bên bán hàng hóa ở nước ngoài; chứng từ thanh toán qua ngân hàng của bên mua hàng hóa thanh toán cho cơ sở kinh doanh.

Ví dụ 48: Công ty A và Công ty B (là các doanh nghiệp Việt Nam) ký hợp đồng mua bán dầu nhờn. Công ty A mua dầu nhờn của các công ty ở Sin-ga-po, sau đó bán cho Công ty B tại cảng biển Sin-ga-po. Trường hợp Công ty A có: Hợp đồng mua dầu nhờn ký với các công ty ở Sin-ga-po, hợp đồng bán hàng giữa Công ty A và Công ty B; chứng từ chứng minh hàng hóa đã giao cho Công ty B tại cảng biển Sin-ga-po, chứng từ thanh toán tiền qua ngân hàng do Công ty A chuyển cho các công ty bán dầu nhờn ở Sin-ga-po, chứng từ thanh toán tiền qua ngân hàng do Công ty B thanh toán cho Công ty A thì doanh thu do Công ty A nhận được từ bán dầu nhờn cho Công ty B được áp dụng thuế suất thuế GTGT 0%.

b) Đối với dịch vụ xuất khẩu:

- Có hợp đồng cung ứng dịch vụ với tổ chức, cá nhân ở nước ngoài hoặc ở trong khu phi thuế quan;

- Có chứng từ thanh toán tiền dịch vụ xuất khẩu qua ngân hàng và các chứng từ khác theo quy định của pháp luật;

Riêng đối với dịch vụ sửa chữa tàu bay, tàu biển cung cấp cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, để được áp dụng thuế suất 0%, ngoài các điều kiện về hợp đồng và chứng từ thanh toán nêu trên, tàu bay, tàu biển đưa vào Việt Nam phải làm thủ tục nhập khẩu, khi sửa chữa xong thì phải làm thủ tục xuất khẩu.

c) Đối với vận tải quốc tế:

- Có hợp đồng vận chuyển hành khách, hành lý, hàng hóa giữa người vận chuyển và người thuê vận chuyển theo chặng quốc tế từ Việt Nam ra nước ngoài hoặc từ nước ngoài đến Việt Nam hoặc cả điểm đi và điểm đến ở nước ngoài theo các hình thức phù hợp với quy định của pháp luật. Đối với vận chuyển hành khách, hợp đồng vận chuyển là vé. Cơ sở kinh doanh vận tải quốc tế thực hiện theo các quy định của pháp luật về vận tải.

- Có chứng từ thanh toán qua ngân hàng hoặc các hình thức thanh toán khác được coi là thanh toán qua ngân hàng. Đối với trường hợp vận chuyển hành khách là cá nhân, có chứng từ thanh toán trực tiếp.

d) Đối với dịch vụ của ngành hàng không, hàng hải:

d.1) Dịch vụ của ngành hàng không áp dụng thuế suất 0% được thực hiện trong khu vực cảng hàng không quốc tế, sân bay, nhà ga hàng hóa hàng không quốc tế và đáp ứng các điều kiện sau:

- Có hợp đồng cung ứng dịch vụ với tổ chức ở nước ngoài, hãng hàng không nước ngoài hoặc yêu cầu cung ứng dịch vụ của tổ chức ở nước ngoài, hãng hàng không nước ngoài;

- Có chứng từ thanh toán dịch vụ qua ngân hàng hoặc các hình thức thanh toán khác được coi là thanh toán qua ngân hàng. Trường hợp các dịch vụ cung cấp cho tổ chức nước ngoài, hãng hàng không nước ngoài phát sinh không thường xuyên, không theo lịch trình và không có hợp đồng, phải có chứng từ thanh toán trực tiếp của tổ chức nước ngoài, hãng hàng không nước ngoài.

Các điều kiện về hợp đồng và chứng từ thanh toán nêu trên không áp dụng đối với dịch vụ phục vụ hành khách đi chuyến bay quốc tế từ cảng hàng không Việt Nam (passenger service charges).

d.2) Dịch vụ của ngành hàng hải áp dụng thuế suất 0% thực hiện tại khu vực cảng và đáp ứng các điều kiện sau:

- Có hợp đồng cung ứng dịch vụ với tổ chức ở nước ngoài, người đại lý tàu biển hoặc yêu cầu cung ứng dịch vụ của tổ chức ở nước ngoài hoặc người đại lý tàu biển;

- Có chứng từ thanh toán dịch vụ qua ngân hàng của tổ chức ở nước ngoài hoặc có chứng từ thanh toán dịch vụ qua ngân hàng của người đại lý tàu biển cho cơ sở cung ứng dịch vụ hoặc các hình thức thanh toán khác được coi là thanh toán qua ngân hàng.

3.[15] Các trường hợp không áp dụng mức thuế suất 0% gồm:

- Tái bảo hiểm ra nước ngoài; chuyển giao công nghệ, chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ ra nước ngoài; chuyển nhượng vốn, cấp tín dụng, đầu tư chứng khoán ra nước ngoài; dịch vụ tài chính phái sinh; dịch vụ bưu chính, viễn thông chiều đi ra nước ngoài (bao gồm cả dịch vụ bưu chính viễn thông cung cấp cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan; cung cấp thẻ cào điện thoại di động đã có mã số, mệnh giá đưa ra nước ngoài hoặc đưa vào khu phi thuế quan); sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản hướng dẫn tại Khoản 23 Điều 4 Thông tư này; thuốc lá, rượu, bia nhập khẩu sau đó xuất khẩu; hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho cá nhân không đăng ký kinh doanh trong khu phi thuế quan, trừ các trường hợp khác theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Thuốc lá, rượu, bia nhập khẩu sau đó xuất khẩu thì khi xuất khẩu không phải tính thuế GTGT đầu ra nhưng không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào.

- Xăng, dầu bán cho xe ô tô của cơ sở kinh doanh trong khu phi thuế quan mua tại nội địa;

- Xe ô tô bán cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan;

- Các dịch vụ do cơ sở kinh doanh cung cấp cho tổ chức, cá nhân ở trong khu phi thuế quan bao gồm: cho thuê nhà, hội trường, văn phòng, khách sạn, kho bãi; dịch vụ vận chuyển đưa đón người lao động; dịch vụ ăn uống (trừ dịch vụ cung cấp suất ăn công nghiệp, dịch vụ ăn uống trong khu phi thuế quan);

- Các dịch vụ sau cung ứng tại Việt Nam cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài không được áp dụng thuế suất 0% gồm:

+ Thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật, văn hóa, giải trí, hội nghị, khách sạn, đào tạo, quảng cáo, du lịch lữ hành;

+ Dịch vụ thanh toán qua mạng;

+ Dịch vụ cung cấp gắn với việc bán, phân phối, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa tại Việt Nam.

Điều 10. Thuế suất 5%

1. Nước sạch phục vụ sản xuất và sinh hoạt, không bao gồm các loại nước uống đóng chai, đóng bình và các loại nước giải khát khác thuộc đối tượng áp dụng mức thuế suất 10%.

2.[16] Quặng để sản xuất phân bón; thuốc phòng trừ sâu bệnh và chất kích thích tăng trưởng vật nuôi, cây trồng bao gồm:

a) Quặng để sản xuất phân bón là các quặng làm nguyên liệu để sản xuất phân bón như quặng Apatít dùng để sản xuất phân lân, đất bùn làm phân vi sinh;

b) Thuốc phòng trừ sâu bệnh bao gồm thuốc bảo vệ thực vật theo Danh mục thuốc bảo vệ thực vật do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành và các loại thuốc phòng trừ sâu bệnh khác;

c) Các chất kích thích tăng trưởng vật nuôi, cây trồng.

3.[17] (được bãi bỏ)

4. Dịch vụ đào đắp, nạo vét kênh, mương, ao hồ phục vụ sản xuất nông nghiệp; nuôi trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng; sơ chế, bảo quản sản phẩm nông nghiệp (trừ nạo, vét kênh mương nội đồng được quy định tại khoản 3 Điều 4 Thông tư này).

Dịch vụ sơ chế, bảo quản sản phẩm nông nghiệp gồm phơi, sấy khô, bóc vỏ, tách hạt, cắt, xay xát, bảo quản lạnh, ướp muối và các hình thức bảo quản thông thường khác theo hướng dẫn tại Khoản 1 Điều 4 Thông tư này.

5. Sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, hải sản chưa qua chế biến hoặc chỉ qua sơ chế, bảo quản (hình thức sơ chế, bảo quản theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này) ở khâu kinh doanh thương mại, trừ các trường hợp hướng dẫn tại khoản 5 Điều 5 Thông tư này.

Sản phẩm trồng trọt chưa qua chế biến hướng dẫn tại khoản này bao gồm cả thóc, gạo, ngô, khoai, sắn, lúa mỳ.

6. Mủ cao su sơ chế như mủ cờ rếp, mủ tờ, mủ bún, mủ cốm; nhựa thông sơ chế; lưới, dây giềng và sợi để đan lưới đánh cá bao gồm các loại lưới đánh cá, các loại sợi, dây giềng loại chuyên dùng để đan lưới đánh cá không phân biệt nguyên liệu sản xuất.

7. Thực phẩm tươi sống ở khâu kinh doanh thương mại; lâm sản chưa qua chế biến ở khâu kinh doanh thương mại, trừ gỗ, măng và các sản phẩm quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này.

Thực phẩm tươi sống gồm các loại thực phẩm chưa được làm chín hoặc chế biến thành sản phẩm khác, chỉ sơ chế dưới dạng làm sạch, bóc vỏ, cắt, đông lạnh, phơi khô mà qua sơ chế vẫn còn là thực phẩm tươi sống như thịt gia súc, gia cầm, tôm, cua, cá và các sản phẩm thủy sản, hải sản khác. Trường hợp thực phẩm đã qua tẩm ướp gia vị thì áp dụng thuế suất 10%.

Lâm sản chưa qua chế biến bao gồm các sản phẩm từ rừng tự nhiên khai thác thuộc nhóm: song, mây, tre, nứa, luồng, nấm, mộc nhĩ; rễ, lá, hoa, cây làm thuốc, nhựa cây và các loại lâm sản khác.

Ví dụ 49: Công ty TNHH A sản xuất cá bò tươi tẩm gia vị theo quy trình: cá bò tươi đánh bắt về được cắt phi-lê, sau đó tẩm ướp với đường, muối, solpitol, đóng gói, cấp đông thì mặt hàng cá bò tươi tẩm gia vị không thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 5% mà thuộc đối tượng áp dụng thuế suất thuế GTGT 10%.

8. Đường; phụ phẩm trong sản xuất đường, bao gồm gỉ đường, bã mía, bã bùn.

9. Sản phẩm bằng đay, cói, tre, song, mây, trúc, chít, nứa, luồng, lá, rơm, vỏ dừa, sọ dừa, bèo tây và các sản phẩm thủ công khác sản xuất bằng nguyên liệu tận dụng từ nông nghiệp là các loại sản phẩm được sản xuất, chế biến từ nguyên liệu chính là đay, cói, tre, song, mây, trúc, chít, nứa, luồng, lá như: thảm đay, sợi đay, bao đay, thảm sơ dừa, chiếu sản xuất bằng đay, cói; chổi chít, dây thừng, dây buộc làm bằng tre nứa, xơ dừa; rèm, mành bằng tre, trúc, nứa, chổi tre, nón lá; đũa tre, đũa luồng; bông sơ chế; giấy in báo.

10.[18] (được bãi bỏ)

11.[19] Thiết bị, dụng cụ y tế gồm máy móc và dụng cụ y tế: các loại máy soi, chiếu, chụp dùng để khám, chữa bệnh; các thiết bị, dụng cụ chuyên dùng để mổ, điều trị vết thương, ô tô cứu thương; dụng cụ đo huyết áp, tim, mạch, dụng cụ truyền máu; bơm kim tiêm; dụng cụ phòng tránh thai; các dụng cụ, thiết bị y tế có Giấy phép nhập khẩu hoặc Giấy chứng nhận đăng ký lưu hành hoặc Phiếu tiếp nhận hồ sơ công bố tiêu chuẩn theo quy định pháp luật về y tế hoặc theo Danh mục trang thiết bị y tế thuộc diện quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế được xác định mã số hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 14/2018/TT-BYT ngày 15/5/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế và văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).

Bông, băng, gạc y tế và băng vệ sinh y tế; thuốc phòng bệnh, chữa bệnh bao gồm thuốc thành phẩm, nguyên liệu làm thuốc, trừ thực phẩm chức năng; vắc-xin; sinh phẩm y tế, nước cất để pha chế thuốc tiêm, dịch truyền; mũ, quần áo, khẩu trang, săng mổ, bao tay, bao chi dưới, bao giày, khăn, găng tay chuyên dùng cho y tế, túi đặt ngực và chất làm đầy da (không bao gồm mỹ phẩm); vật tư hóa chất xét nghiệm, diệt khuẩn dùng trong y tế.

12. Giáo cụ dùng để giảng dạy và học tập bao gồm các loại mô hình, hình vẽ, bảng, phấn, thước kẻ, com-pa và các loại thiết bị, dụng cụ chuyên dùng cho giảng dạy, nghiên cứu, thí nghiệm khoa học.

13. Hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao; biểu diễn nghệ thuật; sản xuất phim; nhập khẩu, phát hành và chiếu phim.

a) Hoạt động văn hóa, triển lãm và thể dục, thể thao, trừ các khoản doanh thu như: bán hàng hóa, cho thuê sân bãi, gian hàng tại hội chợ, triển lãm.

b) Hoạt động biểu diễn nghệ thuật như: tuồng, chèo, cải lương, ca, múa, nhạc, kịch, xiếc; hoạt động biểu diễn nghệ thuật khác và dịch vụ tổ chức biểu diễn nghệ thuật của các nhà hát hoặc đoàn tuồng, chèo, cải lương, ca, múa, nhạc, kịch, xiếc có giấy phép hoạt động do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp.

c) Sản xuất phim; nhập khẩu, phát hành và chiếu phim, trừ các sản phẩm nêu tại khoản 15 Điều 4 Thông tư này.

14. Đồ chơi cho trẻ em; Sách các loại, trừ sách không chịu thuế GTGT hướng dẫn tại khoản 15 Điều 4 Thông tư này.

15. Dịch vụ khoa học và công nghệ là các hoạt động phục vụ, hỗ trợ kỹ thuật cho việc nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; các hoạt động liên quan đến sở hữu trí tuệ; chuyển giao công nghệ, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, an toàn bức xạ, hạt nhân và năng lượng nguyên tử; dịch vụ về thông tin, tư vấn, đào tạo, bồi dưỡng, phổ biến, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội theo hợp đồng dịch vụ khoa học và công nghệ quy định tại Luật Khoa học và công nghệ, không bao gồm trò chơi trực tuyến và dịch vụ giải trí trên Internet.

16. Bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội theo quy định của Luật nhà ở. Nhà ở xã hội là nhà ở do Nhà nước hoặc tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng và đáp ứng các tiêu chí về nhà ở, về giá bán nhà, về giá cho thuê, về giá cho thuê mua, về đối tượng, điều kiện được mua, được thuê, được thuê mua nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở.

Điều 11. Thuế suất 10%

Thuế suất 10% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ không được quy định tại Điều 4, Điều 9 và Điều 10 Thông tư này.

Các mức thuế suất thuế GTGT nêu tại Điều 10, Điều 11 được áp dụng thống nhất cho từng loại hàng hóa, dịch vụ ở các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công hay kinh doanh thương mại.

Ví dụ 50: Hàng may mặc áp dụng thuế suất là 10% thì mặt hàng này ở khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công hay kinh doanh thương mại đều áp dụng thuế suất 10%.

Phế liệu, phế phẩm được thu hồi để tái chế, sử dụng lại khi bán ra áp dụng mức thuế suất thuế GTGT theo thuế suất của mặt hàng phế liệu, phế phẩm bán ra.

Cơ sở kinh doanh nhiều loại hàng hóa, dịch vụ có mức thuế suất GTGT khác nhau phải khai thuế GTGT theo từng mức thuế suất quy định đối với từng loại hàng hóa, dịch vụ; nếu cơ sở kinh doanh không xác định theo từng mức thuế suất thì phải tính và nộp thuế theo mức thuế suất cao nhất của hàng hóa, dịch vụ mà cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Trong quá trình thực hiện, nếu có trường hợp mức thuế giá trị gia tăng tại Biểu thuế suất thuế GTGT theo Danh mục Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi không phù hợp với hướng dẫn tại Thông tư này thì thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư này. Trường hợp mức thuế GTGT áp dụng không thống nhất đối với cùng một loại hàng hóa nhập khẩu và sản xuất trong nước thì cơ quan thuế địa phương và cơ quan hải quan địa phương báo cáo về Bộ Tài chính để được kịp thời hướng dẫn thực hiện thống nhất.

Mục 2. PHƯƠNG PHÁP TÍNH THUẾ

Điều 12. Phương pháp khấu trừ thuế

1. Phương pháp khấu trừ thuế áp dụng đối với cơ sở kinh doanh thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật về kế toán, hóa đơn, chứng từ bao gồm:

a) Cơ sở kinh doanh đang hoạt động có doanh thu hàng năm từ bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ từ một tỷ đồng trở lên và thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật về kế toán, hóa đơn, chứng từ, trừ hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp tính trực tiếp hướng dẫn tại Điều 13 Thông tư này;

b) Cơ sở kinh doanh đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế, trừ hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp tính trực tiếp hướng dẫn tại Điều 13 Thông tư này;

c) Tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp hàng hóa, dịch vụ để tiến hành hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển và khai thác dầu, khí nộp thuế theo phương pháp khấu trừ do bên Việt Nam kê khai khấu trừ nộp thay.

2. Doanh thu hàng năm từ một tỷ đồng trở lên làm căn cứ xác định cơ sở kinh doanh nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ theo hướng dẫn tại điểm a khoản 1 Điều này là doanh thu bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế GTGT và được xác định như sau:

a) Doanh thu hàng năm do cơ sở kinh doanh tự xác định căn cứ vào tổng cộng chỉ tiêu “Tổng doanh thu của HHDV bán ra chịu thuế GTGT” trên Tờ khai thuế GTGT tháng của kỳ tính thuế từ tháng 11 năm trước đến hết kỳ tính thuế tháng 10 năm hiện tại trước năm xác định phương pháp tính thuế GTGT hoặc trên Tờ khai thuế GTGT quý của kỳ tính thuế từ quý 4 năm trước đến hết kỳ tính thuế quý 3 năm hiện tại trước năm xác định phương pháp tính thuế GTGT. Thời gian áp dụng ổn định phương pháp tính thuế là 2 năm liên tục.

Ví dụ 51: Doanh nghiệp A được thành lập từ năm 2011 và đang hoạt động trong năm 2013. Để xác định phương pháp tính thuế GTGT cho năm 2014 và năm 2015, doanh nghiệp A xác định mức doanh thu như sau:

Cộng chỉ tiêu “Tổng doanh thu của HHDV bán ra chịu thuế GTGT” trên Tờ khai thuế GTGT hàng tháng trong 12 tháng (từ kỳ tính thuế tháng 11/2012 đến hết kỳ tính thuế tháng 10/2013).

Trường hợp tổng doanh thu theo cách xác định trên từ 1 tỷ đồng trở lên, doanh nghiệp A áp dụng phương pháp khấu trừ thuế trong 2 năm (năm 2014 và năm 2015).

Trường hợp tổng doanh thu theo cách xác định trên chưa đến 1 tỷ đồng, doanh nghiệp A chuyển sang áp dụng phương pháp tính trực tiếp theo quy định tại Điều 13 Thông tư này trong 2 năm (năm 2014 và năm 2015), trừ trường hợp doanh nghiệp A đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế quy định tại khoản 3 Điều này.

b) Trường hợp doanh nghiệp mới thành lập trong năm 2013 hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm 2013 không đủ 12 tháng thì xác định doanh thu ước tính của năm như sau: Tổng cộng chỉ tiêu “Tổng doanh thu của HHDV bán ra chịu thuế GTGT” trên Tờ khai thuế GTGT của kỳ tính thuế các tháng hoạt động sản xuất kinh doanh chia (:) số tháng hoạt động sản xuất kinh doanh và nhân với (x) 12 tháng. Trường hợp theo cách xác định như trên, doanh thu ước tính từ 1 tỷ đồng trở lên thì doanh nghiệp áp dụng phương pháp khấu trừ thuế. Trường hợp doanh thu ước tính theo cách xác định trên chưa đến 1 tỷ đồng thì doanh nghiệp áp dụng phương pháp tính trực tiếp trong hai năm, trừ trường hợp doanh nghiệp đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế.

Ví dụ 52: Doanh nghiệp B thành lập và hoạt động từ tháng 3/2013. Để xác định phương pháp tính thuế cho năm 2014, 2015, doanh nghiệp B thực hiện tính doanh thu ước tính như sau: Lấy chỉ tiêu tổng doanh thu của HHDV bán ra chịu thuế GTGT trên tờ khai thuế GTGT của kỳ tính thuế các tháng 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11 chia (:) 9 tháng, sau đó nhân với (x) 12 tháng.

Trường hợp kết quả xác định được từ 1 tỷ đồng trở lên thì doanh nghiệp B áp dụng phương pháp khấu trừ thuế. Trường hợp doanh thu ước tính theo cách xác định trên chưa đến 1 tỷ đồng thì doanh nghiệp B áp dụng phương pháp tính trực tiếp trong hai năm 2014, 2015, trừ trường hợp doanh nghiệp B đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế.

c) Trường hợp doanh nghiệp thực hiện khai thuế theo quý từ tháng 7 năm 2013 thì cách xác định doanh thu của năm như sau: Tổng cộng chỉ tiêu “Tổng doanh thu của HHDV bán ra chịu thuế GTGT” trên Tờ khai thuế GTGT của kỳ tính thuế các tháng 10, 11, 12 năm 2012, 6 tháng đầu năm 2013 và trên Tờ khai thuế GTGT của kỳ tính thuế quý 3 năm 2013. Trường hợp theo cách xác định như trên, doanh thu từ 1 tỷ đồng trở lên thì doanh nghiệp áp dụng phương pháp khấu trừ thuế. Trường hợp doanh thu theo cách xác định trên chưa đến 1 tỷ đồng thì doanh nghiệp áp dụng phương pháp tính trực tiếp trong hai năm, trừ trường hợp doanh nghiệp đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế.

d) Đối với cơ sở kinh doanh tạm nghỉ kinh doanh trong cả năm thì xác định theo doanh thu của năm trước năm tạm nghỉ kinh doanh.

Đối với cơ sở kinh doanh tạm nghỉ kinh doanh một thời gian trong năm thì xác định doanh thu theo số tháng, quý thực kinh doanh theo hướng dẫn tại điểm b khoản này.

Trường hợp năm trước năm tạm nghỉ kinh doanh cơ sở kinh doanh kinh doanh không đủ 12 tháng thì xác định doanh thu theo số tháng, quý thực kinh doanh theo hướng dẫn tại điểm b khoản này.

3.[20] Cơ sở kinh doanh đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế, bao gồm:

a) Doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động có doanh thu hàng năm từ bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế GTGT dưới một tỷ đồng đã thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, sổ sách, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật về kế toán, hóa đơn, chứng từ.

b) Doanh nghiệp mới thành lập từ dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh đang hoạt động nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ.

Doanh nghiệp mới thành lập có thực hiện đầu tư theo dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt thuộc trường hợp đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế.

Doanh nghiệp, hợp tác xã mới thành lập có dự án đầu tư không thuộc đối tượng được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đầu tư nhưng có phương án đầu tư được người có thẩm quyền của doanh nghiệp ra quyết định đầu tư phê duyệt thuộc đối tượng đăng ký áp dụng phương pháp khấu trừ thuế.

c) Doanh nghiệp, hợp tác xã mới thành lập có thực hiện đầu tư, mua sắm, nhận góp vốn bằng tài sản cố định, máy móc, thiết bị, công cụ, dụng cụ hoặc có hợp đồng thuê địa điểm kinh doanh. 

d) Tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam theo hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ.

đ)[21] Tổ chức kinh tế khác hạch toán được thuế GTGT đầu vào, đầu ra không bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã.

Phương pháp tính thuế của cơ sở kinh doanh xác định theo Hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng hướng dẫn tại Điều 11 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính (đã được sửa đổi, bổ sung tại Điều 1 Thông tư số 119/2014/TT-BTC

ngày 25/8/2014 và Điều 2 Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài chính).

4.[22] Các trường hợp khác:

a) Trường hợp cơ sở kinh doanh có hoạt động mua, bán, chế tác vàng, bạc, đá quý thì cơ sở kinh doanh phải hạch toán riêng hoạt động này để nộp thuế theo phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng hướng dẫn tại Điều 13 Thông tư này.

b) Đối với doanh nghiệp đang nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ có thành lập chi nhánh (bao gồm cả chi nhánh được thành lập từ dự án đầu tư của doanh nghiệp), nếu chi nhánh thuộc trường hợp khai thuế GTGT riêng theo quy định của pháp luật về quản lý thuế thì xác định phương pháp tính thuế của Chi nhánh theo phương pháp tính thuế của doanh nghiệp đang hoạt động. Trường hợp chi nhánh không trực tiếp bán hàng, không phát sinh doanh thu hoặc chi nhánh ở địa phương cấp tỉnh, thành phố cùng nơi doanh nghiệp có trụ sở chính nhưng không thực hiện kê khai riêng thì thực hiện khai thuế tập trung tại trụ sở chính của doanh nghiệp.

c) Đối với doanh nghiệp, hợp tác xã mới thành lập khác không thuộc các trường hợp hướng dẫn tại khoản 3 Điều này thì áp dụng phương pháp tính trực tiếp theo hướng dẫn tại Điều 13 Thông tư này.

d)[23] (được bãi bỏ)

5. Xác định số thuế GTGT phải nộp:

Số thuế GTGT phải nộp

=

Số thuế GTGT đầu ra

-

Số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ

Trong đó:

a) Số thuế giá trị gia tăng đầu ra bằng tổng số thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ bán ra ghi trên hóa đơn giá trị gia tăng.

Thuế giá trị gia tăng ghi trên hóa đơn giá trị gia tăng bằng giá tính thuế của hàng hóa, dịch vụ chịu thuế bán ra nhân (x) với thuế suất thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ đó.

Trường hợp sử dụng chứng từ ghi giá thanh toán là giá đã có thuế GTGT thì thuế GTGT đầu ra được xác định bằng giá thanh toán trừ (-) giá tính thuế quy định tại khoản 12 Điều 7 Thông tư này.

Cơ sở kinh doanh thuộc đối tượng tính thuế theo phương pháp khấu trừ thuế khi bán hàng hóa, dịch vụ phải tính và nộp thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ bán ra. Khi lập hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ, cơ sở kinh doanh phải ghi rõ giá bán chưa có thuế, thuế GTGT và tổng số tiền người mua phải thanh toán. Trường hợp hóa đơn chỉ ghi giá thanh toán (trừ trường hợp được phép dùng chứng từ đặc thù), không ghi giá chưa có thuế và thuế GTGT thì thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ bán ra phải tính trên giá thanh toán ghi trên hóa đơn, chứng từ.

Ví dụ 54: Doanh nghiệp bán sắt, thép, giá bán chưa có thuế GTGT đối với sắt F6 là: 11.000.000 đồng/tấn; thuế GTGT 10% bằng 1.100.000 đồng/tấn, nhưng khi bán có một số hóa đơn doanh nghiệp chỉ ghi giá bán là 12.100.000 đồng/tấn thì thuế GTGT tính trên doanh số bán được xác định bằng: 12.100.000 đồng/tấn x 10% = 1.210.000 đồng/tấn thay vì tính trên giá chưa có thuế là 11.000.000 đồng/tấn.

Cơ sở kinh doanh phải chấp hành chế độ kế toán, sổ sách, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật về kế toán, hóa đơn, chứng từ. Trường hợp hóa đơn ghi sai mức thuế suất thuế giá trị gia tăng mà cơ sở kinh doanh chưa tự điều chỉnh, cơ quan thuế kiểm tra, phát hiện thì xử lý như sau:

Đối với cơ sở kinh doanh bán hàng hóa, dịch vụ: Nếu thuế suất thuế GTGT ghi trên hóa đơn cao hơn thuế suất đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế GTGT thì phải kê khai, nộp thuế GTGT theo thuế suất đã ghi trên hóa đơn; Nếu thuế suất thuế GTGT ghi trên hóa đơn thấp hơn thuế suất đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế GTGT thì phải kê khai, nộp thuế GTGT theo thuế suất thuế GTGT quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế GTGT.

b) Thuế GTGT đầu vào bằng (=) tổng số thuế GTGT ghi trên hóa đơn GTGT mua hàng hóa, dịch vụ (bao gồm cả tài sản cố định) dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT, số thuế GTGT ghi trên chứng từ nộp thuế của hàng hóa nhập khẩu hoặc chứng từ nộp thuế GTGT thay cho phía nước ngoài theo hướng dẫn của Bộ Tài chính áp dụng đối với các tổ chức nước ngoài không có tư cách pháp nhân Việt Nam và cá nhân nước ngoài kinh doanh hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam.

Trường hợp hàng hóa, dịch vụ mua vào là loại được dùng chứng từ đặc thù ghi giá thanh toán là giá đã có thuế GTGT thì cơ sở được căn cứ vào giá đã có thuế và phương pháp tính hướng dẫn tại khoản 12 Điều 7 Thông tư này để xác định giá chưa có thuế và thuế GTGT đầu vào.

Số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ được xác định theo nguyên tắc, điều kiện khấu trừ thuế GTGT quy định tại Điều 14, Điều 15, Điều 16 và Điều 17 Thông tư này.

Ví dụ 55: Trong kỳ, Công ty A thanh toán dịch vụ đầu vào được tính khấu trừ là loại đặc thù:

Tổng giá thanh toán 110 triệu đồng (giá có thuế GTGT), dịch vụ này chịu thuế là 10%, số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ tính như sau:

110 triệu

x 10% = 10 triệu đồng

1 + 10%

Giá chưa có thuế là 100 triệu đồng, thuế GTGT là 10 triệu đồng.

Trường hợp hóa đơn ghi sai mức thuế suất thuế giá trị gia tăng mà các cơ sở kinh doanh chưa tự điều chỉnh, cơ quan thuế kiểm tra, phát hiện thì xử lý như sau:

Đối với cơ sở kinh doanh mua hàng hóa, dịch vụ: Nếu thuế suất thuế GTGT ghi trên hóa đơn mua vào cao hơn thuế suất đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế GTGT thì khấu trừ thuế đầu vào theo thuế suất quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế GTGT. Trường hợp xác định được bên bán đã kê khai, nộp thuế theo đúng thuế suất ghi trên hóa đơn thì được khấu trừ thuế đầu vào theo thuế suất ghi trên hóa đơn nhưng phải có xác nhận của cơ quan thuế trực tiếp quản lý người bán; Nếu thuế suất thuế GTGT ghi trên hóa đơn thấp hơn thuế suất quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế GTGT thì khấu trừ thuế đầu vào theo thuế suất ghi trên hóa đơn.

Đối với cơ sở kinh doanh bán hàng hóa, dịch vụ: Trường hợp cơ sở kinh doanh khi nhập khẩu hàng hóa đã khai, nộp thuế GTGT ở khâu nhập khẩu, khi bán cho người tiêu dùng đã lập hóa đơn ghi thuế suất thuế GTGT trên hóa đơn GTGT bán ra đúng bằng với mức thuế suất thuế GTGT đã khai, nộp thuế ở khâu nhập khẩu nhưng mức thuế suất thuế GTGT đã khai (ở khâu nhập khẩu và khâu bán ra nội địa) thấp hơn thuế suất đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế GTGT và cơ sở kinh doanh không thể thu thêm được tiền của khách hàng thì số tiền đã thu của khách hàng theo hóa đơn GTGT được xác định là giá đã có thuế GTGT theo thuế suất đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế GTGT để làm cơ sở xác định đúng số thuế GTGT phải nộp và xác định doanh thu tính thuế TNDN.

Ví dụ 56: Trong tháng 3 năm 2014, cơ sở kinh doanh A (là đối tượng nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ) nhập khẩu sản phẩm có tên “CHAIR MM” và đã khai, nộp thuế GTGT ở khâu nhập khẩu với mức thuế suất là 5%. Tháng 5/2014, cơ sở kinh doanh A bán 01 sản phẩm “CHAIR MM” cho khách hàng B, giá chưa có thuế GTGT là 100 triệu đồng. Do khi nhập khẩu đã áp dụng thuế suất thuế GTGT 5% nên cơ sở kinh doanh A lập hóa đơn GTGT giao cho khách hàng B ghi: giá tính thuế là 100 triệu đồng; thuế suất thuế GTGT là 5% và thuế GTGT là 5 triệu đồng, tổng giá thanh toán có thuế GTGT là 105 triệu đồng. Khách hàng B đã thanh toán đủ 105 triệu đồng.

Năm 2015, cơ quan thuế kiểm tra phát hiện cơ sở kinh doanh A áp dụng sai thuế suất thuế GTGT đối với sản phẩm “CHAIR MM” bán cho khách hàng B (thuế suất thuế GTGT đúng phải là 10%). Do giao dịch giữa cơ sở kinh doanh A và khách hàng B đã kết thúc nên cơ sở kinh doanh A không có căn cứ để thu thêm tiền của khách hàng B (khách hàng B không chấp nhận thanh toán bổ sung tiền thuế tăng thêm). Cơ quan thuế xác định lại số thuế GTGT mà cơ sở kinh doanh A phải nộp và xác định doanh thu tính thuế TNDN như sau:

Tổng giá thanh toán khách hàng B đã trả 105 triệu đồng được xác định là giá đã có thuế GTGT theo mức thuế suất 10%, số thuế GTGT phải nộp đúng được xác định như sau:

105 triệu

x 10% = 9,545 triệu đồng.

1 + 10%

Số thuế GTGT cơ sở kinh doanh A còn phải nộp bổ sung là:

9,545 triệu - 5 triệu = 4, 545 triệu đồng.

Doanh thu tính thuế TNDN của mặt hàng “CHAIR MM” bán cho khách hàng B được xác định là:

105 triệu - 9,545 triệu = 95, 455 triệu đồng.

Điều 13. Phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng

1.[24] Số thuế GTGT phải nộp theo phương pháp tính trực tiếp trên GTGT bằng giá trị gia tăng nhân với thuế suất thuế giá trị gia tăng áp dụng đối với hoạt động mua, bán, chế tác vàng bạc, đá quý. 

Giá trị gia tăng của vàng, bạc, đá quý được xác định bằng giá thanh toán của vàng, bạc, đá quý bán ra trừ (-) giá thanh toán của vàng, bạc, đá quý mua vào tương ứng.

Giá thanh toán của vàng, bạc, đá quý bán ra là giá thực tế bán ghi trên hóa đơn bán vàng, bạc, đá quý, bao gồm cả tiền công chế tác (nếu có), thuế giá trị gia tăng và các khoản phụ thu, phí thu thêm mà bên bán được hưởng.

Giá thanh toán của vàng, bạc, đá quý mua vào được xác định bằng giá trị vàng, bạc, đá quý mua vào hoặc nhập khẩu, đã có thuế GTGT dùng cho mua bán, chế tác vàng, bạc, đá quý bán ra tương ứng.

Trường hợp trong kỳ tính thuế phát sinh giá trị gia tăng âm (-) của vàng, bạc, đá quý thì được tính bù trừ vào giá trị gia tăng dương (+) của vàng, bạc, đá quý. Trường hợp không có phát sinh giá trị gia tăng dương (+) hoặc giá trị gia tăng dương (+) không đủ bù trừ giá trị gia tăng âm (-) thì được kết chuyển để trừ vào giá trị gia tăng của kỳ sau trong năm. Kết thúc năm dương lịch, giá trị gia tăng âm (-) không được kết chuyển tiếp sang năm sau.

2. Số thuế giá trị gia tăng phải nộp theo phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng bằng tỷ lệ % nhân với doanh thu áp dụng như sau:

a) Đối tượng áp dụng:

- Doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động có doanh thu hàng năm dưới mức ngưỡng doanh thu một tỷ đồng, trừ trường hợp đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế quy định tại khoản 3 Điều 12 Thông tư này;

- Doanh nghiệp, hợp tác xã mới thành lập, trừ trường hợp đăng ký tự nguyện theo hướng dẫn tại khoản 3 Điều 12 Thông tư này;

- Hộ, cá nhân kinh doanh;

- Tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam không theo Luật Đầu tư và các tổ chức khác không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật, trừ các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp hàng hóa, dịch vụ để tiến hành hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển và khai thác dầu khí.

- Tổ chức kinh tế khác không phải là doanh nghiệp, hợp tác xã, trừ trường hợp đăng ký nộp thuế theo phương pháp khấu trừ.

b) Tỷ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu được quy định theo từng hoạt động như sau:

- Phân phối, cung cấp hàng hóa: 1%;

- Dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu: 5%;

- Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu: 3%;

- Hoạt động kinh doanh khác: 2%.

c) Doanh thu để tính thuế GTGT là tổng số tiền bán hàng hóa, dịch vụ thực tế ghi trên hóa đơn bán hàng đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT bao gồm các khoản phụ thu, phí thu thêm mà cơ sở kinh doanh được hưởng.

Trường hợp cơ sở kinh doanh có doanh thu bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT và doanh thu hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu thì không áp dụng tỷ lệ (%) trên doanh thu đối với doanh thu này.

Ví dụ 57: Công ty TNHH A là doanh nghiệp kê khai, nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp. Công ty TNHH A có doanh thu phát sinh từ hoạt động bán phần mềm máy tính và dịch vụ tư vấn thành lập doanh nghiệp thì Công ty TNHH A không phải nộp thuế GTGT theo tỷ lệ (%) trên doanh thu từ hoạt động bán phần mềm máy tính (do phần mềm máy tính thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT) và phải kê khai, nộp thuế GTGT theo tỷ lệ 5% trên doanh thu từ dịch vụ tư vấn thành lập doanh nghiệp.

Cơ sở kinh doanh nhiều ngành nghề có mức tỷ lệ khác nhau phải khai thuế GTGT theo từng nhóm ngành nghề tương ứng với các mức tỷ lệ theo quy định; trường hợp người nộp thuế không xác định được doanh thu theo từng nhóm ngành nghề hoặc trong một hợp đồng kinh doanh trọn gói bao gồm các hoạt động tại nhiều nhóm tỷ lệ khác nhau mà không tách được thì sẽ áp dụng mức tỷ lệ cao nhất của nhóm ngành nghề mà cơ sở sản xuất, kinh doanh.

3. Đối với hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế GTGT theo phương pháp khoán, cơ quan thuế xác định doanh thu, thuế GTGT phải nộp theo tỷ lệ % trên doanh thu của hộ khoán theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều này căn cứ vào tài liệu, số liệu khai thuế của hộ khoán, cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế, kết quả điều tra doanh thu thực tế và ý kiến của Hội đồng tư vấn thuế xã, phường.

Trường hợp hộ, cá nhân nộp thuế theo phương pháp khoán kinh doanh nhiều ngành nghề thì cơ quan thuế xác định số thuế phải nộp theo tỷ lệ của hoạt động kinh doanh chính.

4. Bảng danh mục ngành nghề tính thuế GTGT theo tỷ lệ % trên doanh thu hướng dẫn tại khoản 2, khoản 3 Điều này được ban hành kèm theo Thông tư này.

Chương III

KHẤU TRỪ, HOÀN THUẾ

Mục 1. KHẤU TRỪ THUẾ

Điều 14. Nguyên tắc khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào

1. Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT được khấu trừ toàn bộ, kể cả thuế GTGT đầu vào không được bồi thường của hàng hóa chịu thuế GTGT bị tổn thất.

Các trường hợp tổn thất không được bồi thường được khấu trừ thuế GTGT đầu vào gồm: thiên tai, hỏa hoạn, các trường hợp tổn thất không được bảo hiểm bồi thường, hàng hóa mất phẩm chất, quá hạn sử dụng phải tiêu hủy. Cơ sở kinh doanh phải có đầy đủ hồ sơ, tài liệu chứng minh các trường hợp tổn thất không được bồi thường để khấu trừ thuế.

Trường hợp hàng hóa có hao hụt tự nhiên do tính chất lý hóa trong quá trình vận chuyển, bơm rót như xăng, dầu… thì được kê khai, khấu trừ số thuế GTGT đầu vào của số lượng hàng hóa thực tế hao hụt tự nhiên không vượt quá định mức hao hụt theo quy định. Số thuế GTGT đầu vào của số lượng hàng hóa hao hụt vượt định mức không được khấu trừ, hoàn thuế.

Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ hình thành tài sản cố định là nhà ăn ca, nhà nghỉ giữa ca, phòng thay quần áo, nhà để xe, nhà vệ sinh, bể nước phục vụ cho người lao động trong khu vực sản xuất, kinh doanh và nhà ở, trạm y tế cho công nhân làm việc trong các khu công nghiệp được khấu trừ toàn bộ.

Trường hợp nhà ở cho công nhân làm việc trong các khu công nghiệp do cơ sở kinh doanh đi thuê thực hiện theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn thiết kế và giá cho thuê nhà ở công nhân khu công nghiệp thì thuế GTGT đối với khoản tiền thuê nhà trong trường hợp này được khấu trừ theo quy định. Trường hợp cơ sở kinh doanh xây dựng hoặc mua nhà ở ngoài khu công nghiệp phục vụ cho công nhân làm việc trong các khu công nghiệp, nhà xây dựng hoặc nhà mua thực hiện theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn thiết kế nhà ở công nhân khu công nghiệp thì thuế GTGT của nhà xây dựng, nhà mua phục vụ cho công nhân được khấu trừ toàn bộ.

Trường hợp cơ sở kinh doanh có các chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam công tác, giữ các chức vụ quản lý tại Việt Nam, hưởng lương tại Việt Nam theo hợp đồng lao động ký với cơ sở kinh doanh tại Việt Nam thì cơ sở kinh doanh không được khấu trừ thuế GTGT của khoản tiền thuê nhà cho các chuyên gia nước ngoài này.

Trường hợp các chuyên gia nước ngoài vẫn là nhân viên của doanh nghiệp ở nước ngoài, chịu sự điều động của doanh nghiệp ở nước ngoài, được doanh nghiệp ở nước ngoài trả lương và hưởng các chế độ của doanh nghiệp ở nước ngoài trong thời gian sang Việt Nam công tác, giữa doanh nghiệp ở nước ngoài và cơ sở kinh doanh tại Việt Nam có hợp đồng bằng văn bản nêu rõ doanh nghiệp tại Việt Nam phải chịu các chi phí về chỗ ở cho các chuyên gia nước ngoài trong thời gian công tác ở Việt Nam thì thuế GTGT của khoản tiền thuê nhà cho các chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam do cơ sở kinh doanh tại Việt Nam chi trả được khấu trừ.

2.[25] Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ (kể cả tài sản cố định) sử dụng đồng thời cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế và không chịu thuế GTGT thì chỉ được khấu trừ số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT. Cơ sở kinh doanh phải hạch toán riêng thuế GTGT đầu vào được khấu trừ và không được khấu trừ; trường hợp không hạch toán riêng được thì thuế đầu vào được khấu trừ tính theo tỷ lệ (%) giữa doanh thu chịu thuế GTGT, doanh thu không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT so với tổng doanh thu của hàng hóa, dịch vụ bán ra bao gồm cả doanh thu không phải kê khai, tính nộp thuế không hạch toán riêng được.

Cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế và không chịu thuế GTGT hàng tháng/quý tạm phân bổ số thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ, tài sản cố định mua vào được khấu trừ trong tháng/quý, cuối năm cơ sở kinh doanh thực hiện tính phân bổ số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ của năm để kê khai điều chỉnh thuế GTGT đầu vào đã tạm phân bổ khấu trừ theo tháng/quý.

3.[26] Thuế GTGT đầu vào của tài sản cố định, máy móc, thiết bị, kể cả thuế GTGT đầu vào của hoạt động đi thuê những tài sản, máy móc, thiết bị này và thuế GTGT đầu vào khác liên quan đến tài sản, máy móc, thiết bị như bảo hành, sửa chữa trong các trường hợp sau đây không được khấu trừ mà tính vào nguyên giá của tài sản cố định hoặc chi phí được trừ theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành: Tài sản cố định chuyên dùng phục vụ sản xuất vũ khí, khí tài phục vụ quốc phòng, an ninh; tài sản cố định, máy móc, thiết bị của các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp kinh doanh tái bảo hiểm, bảo hiểm nhân thọ, kinh doanh chứng khoán, cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở đào tạo; tàu bay dân dụng, du thuyền không sử dụng cho mục đích kinh doanh vận chuyển hàng hóa, hành khách, kinh doanh du lịch, khách sạn.

Tài sản cố định là ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống (trừ ô tô sử dụng vào kinh doanh vận chuyển hàng hóa, hành khách, kinh doanh du lịch, khách sạn; ô tô dùng để làm mẫu và lái thử cho kinh doanh ô tô) có trị giá vượt trên 1,6 tỷ đồng (giá chưa có thuế GTGT) thì số thuế GTGT đầu vào tương ứng với phần trị giá vượt trên 1,6 tỷ đồng không được khấu trừ.

4. Khấu trừ thuế GTGT trong một số trường hợp cụ thể như sau:

a) Đối với cơ sở sản xuất kinh doanh tổ chức sản xuất khép kín, hạch toán tập trung có sử dụng sản phẩm thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT qua các khâu để sản xuất ra mặt hàng chịu thuế GTGT thì số thuế GTGT đầu vào tại các khâu được khấu trừ toàn bộ.

Ví dụ 58: Doanh nghiệp X đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu và nhà máy để sản xuất, chế biến phi lê cá tra, cá ba sa, tôm đông lạnh xuất khẩu. Doanh nghiệp tổ chức sản xuất khép kín từ khâu nuôi trồng, kể cả trường hợp thuê gia công nuôi trồng mà doanh nghiệp đầu tư toàn bộ giống, ao, hồ, hàng rào, hệ thống tưới tiêu, tàu thuyền và nguyên, vật liệu đầu vào khác như thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, dịch vụ thú y, đến khâu chế biến tôm, cá để xuất khẩu. Doanh nghiệp X được khấu trừ toàn bộ thuế GTGT đầu vào của tài sản cố định và của hàng hóa, dịch vụ mua vào không hình thành tài sản cố định tại tất cả các khâu sản xuất, chế biến.

Ví dụ số 58a:[27] Doanh nghiệp A đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu và nhà máy để sản xuất khép kín từ khâu nuôi trồng (bao gồm cả thuê gia công nuôi trồng mà doanh nghiệp A đầu tư toàn bộ giống, ao, hồ, hàng rào, hệ thống tưới tiêu, tàu thuyền và nguyên, vật liệu đầu vào khác như thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, dịch vụ thú y…), đến khâu chế biến phi-lê cá tra đông lạnh để xuất khẩu và bán trong nước. Trong quá trình sản xuất doanh nghiệp A đã mua thêm cá tra của các doanh nghiệp khác hoặc của các hộ nông dân. Cá tra mua ngoài trước khi đưa vào nhà máy đều được tập trung nuôi tại ao hồ của doanh nghiệp A cùng cá tra do doanh nghiệp A tự nuôi. Cá tra do doanh nghiệp tự nuôi và cá tra mua ngoài được đưa vào nhà máy chế biến thành sản phẩm cá tra phi-lê (cá fillet) qua công đoạn và theo quy trình: Cá nguyên liệu - làm sạch - cắt đầu, lột da - bỏ nội tạng - cắt phi-lê - ướp muối - đông lạnh - xuất bán. Doanh nghiệp A được thực hiện kê khai khấu trừ thuế GTGT như sau:

- Doanh nghiệp A được khấu trừ toàn bộ thuế GTGT đầu vào của tài sản cố định và của hàng hóa, dịch vụ mua vào không hình thành tài sản cố định tại nhà máy phục vụ khâu sơ chế cá tra phi-lê theo quy trình nêu trên.

- Cá tra phi-lê có nguồn gốc do doanh nghiệp A tự nuôi để xuất khẩu được áp dụng thuế suất 0% và doanh nghiệp được khấu trừ toàn bộ thuế GTGT đầu vào có liên quan đến hoạt động xuất khẩu cá tra phi-lê. Trường hợp doanh nghiệp nuôi cá tra sau đó chế biến thành cá tra phi-lê vừa để xuất khẩu vừa để bán trong nước thì thuế GTGT đầu vào được phân bổ theo tỷ lệ % doanh thu xuất khẩu/Tổng Doanh thu (doanh thu xuất khẩu và doanh thu bán trong nước).

Ví dụ 59: Doanh nghiệp Y đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu và nhà máy để sản xuất, chế biến các sản phẩm từ sữa tươi sống (sữa tươi tiệt trùng, sữa chua, pho mát,...). Doanh nghiệp tổ chức sản xuất khép kín từ khâu chăn nuôi, kể cả trường hợp thuê gia công chăn nuôi mà doanh nghiệp đầu tư toàn bộ con giống (bò, dê), chuồng, trại, hàng rào, trang thiết bị vắt sữa, hệ thống vệ sinh chuồng, trại và nguyên, vật liệu đầu vào khác như thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, dịch vụ thú y, đến khâu chế biến thành các sản phẩm từ sữa. Doanh nghiệp Y được khấu trừ toàn bộ thuế GTGT đầu vào của tài sản cố định và của hàng hóa, dịch vụ mua vào không hình thành tài sản cố định tại tất cả các khâu sản xuất, chế biến.

b) Đối với cơ sở sản xuất kinh doanh có dự án đầu tư thực hiện đầu tư theo nhiều giai đoạn, bao gồm cả cơ sở sản xuất, kinh doanh mới thành lập, có phương án sản xuất, kinh doanh tổ chức sản xuất khép kín, hạch toán tập trung và sử dụng sản phẩm thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT để sản xuất ra mặt hàng chịu thuế GTGT nhưng trong giai đoạn đầu tư xây dựng cơ bản có cung cấp hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT thì số thuế GTGT đầu vào trong giai đoạn đầu tư để hình thành tài sản cố định được khấu trừ toàn bộ. Cơ sở kinh doanh phải hạch toán riêng số thuế GTGT đầu vào không sử dụng cho đầu tư tài sản cố định phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT để kê khai khấu trừ theo tỷ lệ (%) giữa doanh số chịu thuế GTGT so với tổng doanh số hàng hóa, dịch vụ bán ra.

Đối với cơ sở kinh doanh có dự án đầu tư để tiếp tục sản xuất, chế biến và có văn bản cam kết tiếp tục sản xuất sản phẩm chịu thuế GTGT thì được kê khai, khấu trừ thuế GTGT ngay từ giai đoạn đầu tư xây dựng cơ bản. Đối với thuế GTGT đầu vào phát sinh trong giai đoạn đầu tư XDCB, doanh nghiệp đã kê khai, khấu trừ, hoàn thuế nhưng sau đó xác định không đủ điều kiện, khấu trừ, hoàn thuế thì doanh nghiệp phải kê khai, điều chỉnh nộp lại tiền thuế GTGT đã khấu trừ, hoàn thuế. Trường hợp doanh nghiệp không thực hiện điều chỉnh, qua thanh tra, kiểm tra cơ quan thuế phát hiện ra thì cơ quan thuế sẽ thực hiện truy thu, truy hoàn và xử phạt theo quy định. Doanh nghiệp phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về các nội dung đã báo cáo, cam kết giải trình với cơ quan thuế liên quan đến việc khấu trừ, hoàn thuế.

Trường hợp cơ sở có bán hàng hóa là sản phẩm nông, lâm, thủy hải sản chưa qua chế biến hoặc mới qua sơ chế thông thường thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT thì số thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào được tính khấu trừ theo tỷ lệ (%) doanh số hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT so với tổng doanh số của hàng hóa, dịch vụ bán ra.

Ví dụ 60: Doanh nghiệp A có dự án đầu tư vườn cây cao su, có phát sinh số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ ở khâu đầu tư XDCB, doanh nghiệp chưa có sản phẩm làm nguyên liệu để tiếp tục sản xuất chế biến ra sản phẩm chịu thuế GTGT (bao gồm cả sản phẩm chưa qua chế biến xuất khẩu hoặc sản phẩm đã qua chế biến thuộc đối tượng chịu thuế GTGT) nhưng có dự án xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su (thuộc đối tượng chịu thuế GTGT) và cam kết sản phẩm trồng trọt tiếp tục chế biến ra sản phẩm chịu thuế GTGT thì Công ty được khấu trừ toàn bộ thuế GTGT đầu vào.

Trường hợp doanh nghiệp bán mủ cao su của toàn bộ dự án thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT thì doanh nghiệp không được khấu trừ thuế.

Trường hợp doanh nghiệp sử dụng một phần mủ cao su khai thác của dự án vào sản xuất sản phẩm chịu thuế GTGT, một phần bán ra thì thực hiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào như sau:

- Thuế GTGT đầu vào của TSCĐ (vườn cây cao su, nhà máy chế biến…): doanh nghiệp được khấu trừ toàn bộ (bao gồm cả thuế GTGT phát sinh trong giai đoạn đầu tư XDCB).

- Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ: thực hiện khấu trừ theo tỷ lệ (%) doanh số hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT so với tổng doanh số của hàng hóa, dịch vụ bán ra.

c) Đối với cơ sở sản xuất kinh doanh có dự án đầu tư, bao gồm cả cơ sở sản xuất, kinh doanh mới thành lập, vừa đầu tư vào sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT, vừa đầu tư vào sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT thì số thuế GTGT đầu vào của tài sản cố định trong giai đoạn đầu tư xây dựng cơ bản được tạm khấu trừ theo tỷ lệ (%) giữa doanh thu của hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT so với tổng doanh thu của hàng hóa, dịch vụ bán ra theo phương án sản xuất, kinh doanh của cơ sở kinh doanh. Số thuế tạm khấu trừ được điều chỉnh theo tỷ lệ (%) giữa doanh thu của hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT so với tổng doanh thu của hàng hóa, dịch vụ bán ra trong ba năm kể từ năm đầu tiên có doanh thu.

Ví dụ 61: Doanh nghiệp Z thành lập mới từ dự án đầu tư vào lĩnh vực vận tải. Phương án sản xuất kinh doanh theo dự án đầu tư của doanh nghiệp có doanh thu từ vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt và không bằng xe buýt, từ bán quảng cáo và dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện vận tải; trong đó doanh thu từ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt chiếm tỷ trọng 30% tổng doanh thu của hàng hóa, dịch vụ bán ra. Giai đoạn đầu tư xây dựng cơ bản mua sắm phương tiện, xây dựng trạm chờ, nhà xưởng kéo dài trong 02 năm từ tháng 6/2014 đến tháng 5/2016. Trong thời gian 02 năm này, số thuế giá trị gia tăng đầu vào của tài sản cố định trong giai đoạn đầu tư xây dựng cơ bản và của hàng hóa, dịch vụ mua vào phục vụ cho việc thành lập doanh nghiệp (chi phí thành lập doanh nghiệp) được tạm khấu trừ theo tỷ lệ 70% và được hoàn thuế theo quy định (Riêng thuế GTGT của tài sản cố định là xe ô tô đăng ký sử dụng làm xe buýt công cộng không khấu trừ). Doanh nghiệp đi vào hoạt động có doanh thu từ tháng 6/2016. Đến hết tháng 5/2019, tỷ trọng doanh thu từ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trong thời gian 03 năm từ tháng 6 năm 2016 chiếm 35% tổng doanh thu của hàng hóa, dịch vụ bán ra thì doanh nghiệp kê khai, điều chỉnh giảm số thuế giá trị gia tăng của tài sản cố định đã được khấu trừ, hoàn thuế tương ứng với tỷ lệ 5% (= 70% - 65%) và tính nộp số điều chỉnh giảm khấu trừ, hoàn thuế này vào số thuế GTGT của kỳ khai thuế tháng 5/2019. Doanh nghiệp không bị xử phạt chậm nộp và không bị tính lãi chậm nộp đối với số thuế giá trị gia tăng của tài sản cố định được khấu trừ phải điều chỉnh giảm.

5. Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa (kể cả hàng hóa mua ngoài hoặc hàng hóa do doanh nghiệp tự sản xuất) mà doanh nghiệp sử dụng để cho, biếu, tặng, khuyến mại, quảng cáo dưới các hình thức, phục vụ cho sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT thì được khấu trừ.

6. Số thuế GTGT đã nộp theo Quyết định ấn định thuế của cơ quan hải quan được khấu trừ toàn bộ, trừ trường hợp cơ quan hải quan xử phạt về gian lận, trốn thuế.

7. Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT hướng dẫn tại Điều 4 Thông tư này không được khấu trừ, trừ các trường hợp sau:

a) Thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mà cơ sở kinh doanh mua vào để sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế để viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại hướng dẫn tại khoản 19 Điều 4 Thông tư này được khấu trừ toàn bộ;

b) Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển mỏ dầu khí đến ngày khai thác đầu tiên hoặc ngày sản xuất đầu tiên được khấu trừ toàn bộ.

8. Thuế GTGT đầu vào phát sinh trong kỳ nào được kê khai, khấu trừ khi xác định số thuế phải nộp của kỳ đó, không phân biệt đã xuất dùng hay còn để trong kho.

Trường hợp cơ sở kinh doanh phát hiện số thuế GTGT đầu vào khi kê khai, khấu trừ bị sai sót thì được kê khai, khấu trừ bổ sung trước khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế.

9. Số thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ, cơ sở kinh doanh được hạch toán vào chi phí để tính thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc tính vào nguyên giá của tài sản cố định, trừ số thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào từng lần có giá trị từ hai mươi triệu đồng trở lên không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

10. Văn phòng Tổng công ty, tập đoàn không trực tiếp hoạt động kinh doanh và các đơn vị hành chính sự nghiệp trực thuộc như: Bệnh viện, Trạm xá, Nhà nghỉ điều dưỡng, Viện, Trường đào tạo... không phải là người nộp thuế GTGT thì không được khấu trừ hay hoàn thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ mua vào phục vụ cho hoạt động của các đơn vị này.

Trường hợp các đơn vị này có hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT thì phải đăng ký, kê khai nộp thuế GTGT riêng cho các hoạt động này.

Ví dụ 62: Văn phòng Tổng công ty A không trực tiếp sản xuất, kinh doanh, sử dụng kinh phí do các cơ sở trực thuộc đóng góp để hoạt động nhưng Văn phòng Tổng công ty có cho thuê nhà (văn phòng) phần không sử dụng hết thì Văn phòng Tổng công ty phải hạch toán, kê khai nộp thuế riêng cho hoạt động cho thuê văn phòng. Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ phục vụ cho hoạt động của Văn phòng Tổng công ty không được khấu trừ hay hoàn thuế.

11. Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho các hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ không kê khai, tính nộp thuế GTGT hướng dẫn tại Điều 5 Thông tư này (trừ khoản 2, khoản 3 Điều 5) được khấu trừ toàn bộ.

12. Cơ sở kinh doanh được kê khai, khấu trừ thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào dưới hình thức ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác mà hóa đơn mang tên tổ chức, cá nhân được ủy quyền bao gồm các trường hợp sau đây:

a) Doanh nghiệp bảo hiểm ủy quyền cho người tham gia bảo hiểm sửa chữa tài sản; chi phí sửa chữa tài sản cùng các vật tư, phụ tùng thay thế có hóa đơn GTGT ghi tên người tham gia bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện thanh toán cho người tham gia bảo hiểm phí bảo hiểm tương ứng theo hợp đồng bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm được kê khai khấu trừ thuế GTGT tương ứng với phần bồi thường bảo hiểm thanh toán theo hóa đơn GTGT đứng tên người tham gia bảo hiểm; trường hợp phần bồi thường bảo hiểm do doanh nghiệp bảo hiểm thanh toán cho người tham gia bảo hiểm có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên thì phải thực hiện thanh toán qua ngân hàng.

b) Trước khi thành lập doanh nghiệp, các sáng lập viên có văn bản ủy quyền cho tổ chức, cá nhân thực hiện chi hộ một số khoản chi phí liên quan đến việc thành lập doanh nghiệp, mua sắm hàng hóa, vật tư thì doanh nghiệp được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào theo hóa đơn GTGT đứng tên tổ chức, cá nhân được ủy quyền và phải thực hiện thanh toán cho tổ chức, cá nhân được ủy quyền qua ngân hàng đối với những hóa đơn có giá trị từ hai mươi triệu đồng trở lên.

13. Trường hợp cá nhân, tổ chức không kinh doanh có góp vốn bằng tài sản vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần thì chứng từ đối với tài sản góp vốn là biên bản chứng nhận góp vốn, biên bản giao nhận tài sản. Trường hợp tài sản góp vốn là tài sản mới mua, chưa sử dụng, có hóa đơn hợp pháp được hội đồng giao nhận vốn góp chấp nhận thì trị giá vốn góp được xác định theo trị giá ghi trên hóa đơn bao gồm cả thuế GTGT; Bên nhận vốn góp được kê khai khấu trừ thuế GTGT ghi trên hóa đơn mua tài sản của bên góp vốn.

14. Cơ sở kinh doanh nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng khi chuyển sang nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế được khấu trừ thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ mua vào phát sinh kể từ kỳ đầu tiên kê khai, nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế.

Cơ sở kinh doanh nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thuế khi chuyển sang nộp thuế theo phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng được tính số thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ mua vào phát sinh trong thời gian nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế mà chưa khấu trừ hết vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, trừ số thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ mua vào phát sinh trong thời gian nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế được hoàn theo hướng dẫn tại Điều 18 Thông tư này và theo quy định của văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

Ví dụ 63: Công ty TNHH A đang áp dụng phương pháp khấu trừ thuế trong năm 2014, năm 2015 và không đủ điều kiện để áp dụng phương pháp khấu trừ thuế từ ngày 01/01/2016. Công ty TNHH A đã có hồ sơ đề nghị hoàn thuế gửi cơ quan thuế từ kỳ tính thuế tháng 11/2014 đến hết kỳ tính thuế tháng 10/2015 (kết thúc thời điểm xác định doanh thu để xác định phương pháp tính thuế của năm 2016 và năm 2017), số thuế đề nghị hoàn là 350 triệu đồng và trên tờ khai thuế GTGT của kỳ tính thuế tháng 11/2015, Công ty TNHH A có số thuế đầu vào chưa được khấu trừ là 50 triệu đồng. Công ty TNHH A được cơ quan thuế xem xét giải quyết hoàn thuế theo quy định đối với hồ sơ đề nghị hoàn thuế đã gửi cơ quan thuế (số thuế đề nghị hoàn là 350 triệu đồng); số thuế đầu vào chưa được khấu trừ trên tờ khai thuế GTGT của kỳ tính thuế tháng 11/2015 là 50 triệu đồng được tiếp tục kết chuyển sang kỳ tính thuế tháng 12/2015. Trường hợp tại Tờ khai thuế GTGT của kỳ tính thuế tháng 12/2015, Công ty còn số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ thì tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.

14a.[28] Số thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hóa, dịch vụ, tài sản cố định phục vụ cho sản xuất: phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, tàu đánh bắt xa bờ, thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản và thức ăn cho vật nuôi khác tiêu thụ trong nước không được kê khai, khấu trừ mà tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, trừ số thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ, tài sản cố định mua vào thể hiện trên hóa đơn giá trị gia tăng, chứng từ nộp thuế GTGT khâu nhập khẩu phát sinh trước ngày 01 tháng 01 năm 2015 đáp ứng điều kiện khấu trừ, hoàn thuế và thuộc diện hoàn thuế theo quy định tại Điều 18 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 và Thông tư này.

15. Cơ sở kinh doanh không được tính khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với trường hợp:

- Hóa đơn GTGT sử dụng không đúng quy định của pháp luật như: hóa đơn GTGT không ghi thuế GTGT (trừ trường hợp đặc thù được dùng hóa đơn GTGT ghi giá thanh toán là giá đã có thuế GTGT);

- Hóa đơn không ghi hoặc ghi không đúng một trong các chỉ tiêu như tên, địa chỉ, mã số thuế của người bán nên không xác định được người bán;

- Hóa đơn không ghi hoặc ghi không đúng một trong các chỉ tiêu như tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua nên không xác định được người mua (trừ trường hợp hướng dẫn tại khoản 12 Điều này);

- Hóa đơn, chứng từ nộp thuế GTGT giả, hóa đơn bị tẩy xóa, hóa đơn khống (không có hàng hóa, dịch vụ kèm theo);

- Hóa đơn ghi giá trị không đúng giá trị thực tế của hàng hóa, dịch vụ mua, bán hoặc trao đổi.

16. Các trường hợp đặc thù khác thực hiện theo hướng dẫn riêng của Bộ Tài chính.

Điều 15. Điều kiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào[29]

1. Có hóa đơn giá trị gia tăng hợp pháp của hàng hóa, dịch vụ mua vào hoặc chứng từ nộp thuế giá trị gia tăng khâu nhập khẩu hoặc chứng từ nộp thuế GTGT thay cho phía nước ngoài theo hướng dẫn của Bộ Tài chính áp dụng đối với các tổ chức nước ngoài không có tư cách pháp nhân Việt Nam và cá nhân nước ngoài kinh doanh hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam.

2. Có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào (bao gồm cả hàng hóa nhập khẩu) từ hai mươi triệu đồng trở lên, trừ các trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu từng lần có giá trị dưới hai mươi triệu đồng, hàng hóa, dịch vụ mua vào từng lần theo hóa đơn dưới hai mươi triệu đồng theo giá đã có thuế GTGT và trường hợp cơ sở kinh doanh nhập khẩu hàng hóa là quà biếu, quà tặng của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài.

Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt gồm chứng từ thanh toán qua ngân hàng và chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt khác hướng dẫn tại khoản 3 và khoản 4 Điều này.

3. Chứng từ thanh toán qua ngân hàng được hiểu là có chứng từ chứng minh việc chuyển tiền từ tài khoản của bên mua sang tài khoản của bên bán mở tại các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán theo các hình thức thanh toán phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành như séc, ủy nhiệm chi hoặc lệnh chi, ủy nhiệm thu, nhờ thu, thẻ ngân hàng, thẻ tín dụng, sim điện thoại (ví điện tử) và các hình thức thanh toán khác theo quy định (bao gồm cả trường hợp bên mua thanh toán từ tài khoản của bên mua sang tài khoản bên bán mang tên chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc bên mua thanh toán từ tài khoản của bên mua mang tên chủ doanh nghiệp tư nhân sang tài khoản bên bán).[30]

a) Các chứng từ bên mua nộp tiền mặt vào tài khoản của bên bán hoặc chứng từ thanh toán theo các hình thức không phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành không đủ điều kiện để được khấu trừ, hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào từ hai mươi triệu đồng trở lên.

b) Hàng hóa, dịch vụ mua vào từng lần theo hóa đơn từ hai mươi triệu đồng trở lên theo giá đã có thuế GTGT nếu không có chứng từ thanh toán qua ngân hàng thì không được khấu trừ.

c) Đối với hàng hóa, dịch vụ mua trả chậm, trả góp có giá trị hàng hóa, dịch vụ mua từ hai mươi triệu đồng trở lên, cơ sở kinh doanh căn cứ vào hợp đồng mua hàng hóa, dịch vụ bằng văn bản, hóa đơn giá trị gia tăng và chứng từ thanh toán qua ngân hàng của hàng hóa, dịch vụ mua trả chậm, trả góp để kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào. Trường hợp chưa có chứng từ thanh toán qua ngân hàng do chưa đến thời điểm thanh toán theo hợp đồng thì cơ sở kinh doanh vẫn được kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào.

Trường hợp khi thanh toán, cơ sở kinh doanh không có chứng từ thanh toán qua ngân hàng thì cơ sở kinh doanh phải kê khai, điều chỉnh giảm số thuế GTGT đã được khấu trừ đối với phần giá trị hàng hóa, dịch vụ không có chứng từ thanh toán qua ngân hàng vào kỳ tính thuế phát sinh việc thanh toán bằng tiền mặt (kể cả trong trường hợp cơ quan thuế và các cơ quan chức năng đã có quyết định thanh tra, kiểm tra kỳ tính thuế có phát sinh thuế GTGT đã kê khai, khấu trừ).

4. Các trường hợp thanh toán không dùng tiền mặt khác để khấu trừ thuế GTGT đầu vào gồm:

a) Trường hợp hàng hóa, dịch vụ mua vào theo phương thức thanh toán bù trừ giữa giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào với giá trị hàng hóa, dịch vụ bán ra, vay mượn hàng mà phương thức thanh toán này được quy định cụ thể trong hợp đồng thì phải có biên bản đối chiếu số liệu và xác nhận giữa hai bên về việc thanh toán bù trừ giữa hàng hóa, dịch vụ mua vào với hàng hóa, dịch vụ bán ra, vay mượn hàng. Trường hợp bù trừ công nợ qua bên thứ ba phải có biên bản bù trừ công nợ của ba (3) bên làm căn cứ khấu trừ thuế.

b) Trường hợp hàng hóa, dịch vụ mua vào theo phương thức bù trừ công nợ như vay, mượn tiền; cấn trừ công nợ qua người thứ ba mà phương thức thanh toán này được quy định cụ thể trong hợp đồng thì phải có hợp đồng vay, mượn tiền dưới hình thức văn bản được lập trước đó và có chứng từ chuyển tiền từ tài khoản của bên cho vay sang tài khoản của bên đi vay đối với khoản vay bằng tiền bao gồm cả trường hợp bù trừ giữa giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào với khoản tiền mà người bán hỗ trợ cho người mua, hoặc nhờ người mua chi hộ.

c) Trường hợp hàng hóa, dịch vụ mua vào được thanh toán ủy quyền qua bên thứ ba thanh toán qua ngân hàng (bao gồm cả trường hợp bên bán yêu cầu bên mua thanh toán tiền qua ngân hàng cho bên thứ ba do bên bán chỉ định) thì việc thanh toán theo ủy quyền hoặc thanh toán cho bên thứ ba theo chỉ định của bên bán phải được quy định cụ thể trong hợp đồng dưới hình thức văn bản và bên thứ ba là một pháp nhân hoặc thể nhân đang hoạt động theo quy định của pháp luật.

Trường hợp sau khi thực hiện các hình thức thanh toán nêu trên mà phần giá trị còn lại được thanh toán bằng tiền có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên thì chỉ được khấu trừ thuế đối với trường hợp có chứng từ thanh toán qua ngân hàng.

d) Trường hợp hàng hóa, dịch vụ mua vào được thanh toán qua ngân hàng vào tài khoản của bên thứ ba mở tại Kho bạc Nhà nước để thực hiện cưỡng chế bằng biện pháp thu tiền, tài sản do tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ (theo Quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền) thì cũng được khấu trừ thuế GTGT đầu vào.

Ví dụ 68:

Công ty A mua hàng của Công ty B và Công ty A đang còn nợ tiền hàng của Công ty B. Tuy nhiên Công ty B đang còn nợ tiền thuế vào ngân sách nhà nước. Căn cứ Luật Quản lý thuế, cơ quan thuế thực hiện thu tiền, tài sản của Công ty B do Công ty A đang nắm giữ để thi hành quyết định hành chính thuế thì khi Công ty A chuyển tiền vào tài khoản thu ngân sách cũng được coi là thanh toán qua ngân hàng, số thuế GTGT đầu vào tương ứng với doanh số của hàng hóa mua vào được kê khai, khấu trừ.

Ví dụ 69:

Công ty C thực hiện ký hợp đồng kinh tế với Công ty D về việc cung cấp hàng hóa và Công ty D đang còn nợ tiền hàng của Công ty C.

Thực hiện Quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc yêu cầu thu toàn bộ số tiền mà Công ty D đang còn nợ Công ty C để chuyển vào tài khoản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mở tại Kho bạc Nhà nước để giải quyết “Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa” giữa Công ty C và đối tác.

Khi Công ty D chuyển trả số tiền vào tài khoản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (việc chuyển tiền này không được quy định cụ thể trong hợp đồng mua bán giữa Công ty C và Công ty D) thì trường hợp này cũng được coi là thanh toán qua ngân hàng, số thuế GTGT đầu vào tương ứng với doanh số của hàng hóa mua vào được kê khai, khấu trừ.

5. Trường hợp mua hàng hóa, dịch vụ của một nhà cung cấp có giá trị dưới hai mươi triệu đồng nhưng mua nhiều lần trong cùng một ngày có tổng giá trị từ hai mươi triệu đồng trở lên thì chỉ được khấu trừ thuế đối với trường hợp có chứng từ thanh toán qua ngân hàng. Nhà cung cấp là người nộp thuế có mã số thuế, trực tiếp khai và nộp thuế GTGT.

Trường hợp người nộp thuế là cơ sở kinh doanh có các cửa hàng là các đơn vị phụ thuộc sử dụng chung mã số thuế và mẫu hóa đơn của cơ sở kinh doanh, trên hóa đơn có tiêu thức “Cửa hàng số” để phân biệt các cửa hàng của cơ sở kinh doanh và có đóng dấu treo của từng cửa hàng thì mỗi cửa hàng là một nhà cung cấp.

Điều 16. Điều kiện khấu trừ, hoàn thuế đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu

Hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu (trừ các trường hợp hướng dẫn Điều 17 Thông tư này) để được khấu trừ thuế, hoàn thuế GTGT đầu vào phải có đủ điều kiện và các thủ tục nêu tại khoản 2 Điều 9 và khoản 1 Điều 15 Thông tư này, cụ thể như sau:

1. Hợp đồng bán hàng hóa, gia công hàng hóa (đối với trường hợp gia công hàng hóa), cung ứng dịch vụ cho tổ chức, cá nhân nước ngoài. Đối với trường hợp ủy thác xuất khẩu là hợp đồng ủy thác xuất khẩu và biên bản thanh lý hợp đồng ủy thác xuất khẩu (trường hợp đã kết thúc hợp đồng) hoặc biên bản đối chiếu công nợ định kỳ giữa bên ủy thác xuất khẩu và bên nhận ủy thác xuất khẩu có ghi rõ: số lượng, chủng loại sản phẩm, giá trị hàng ủy thác đã xuất khẩu; số, ngày hợp đồng xuất khẩu của bên nhận ủy thác xuất khẩu ký với nước ngoài; số, ngày, số tiền ghi trên chứng từ thanh toán qua ngân hàng với nước ngoài của bên nhận ủy thác xuất khẩu; số, ngày, số tiền ghi trên chứng từ thanh toán của bên nhận ủy thác xuất khẩu thanh toán cho bên ủy thác xuất khẩu; số, ngày tờ khai hải quan hàng hóa xuất khẩu của bên nhận ủy thác xuất khẩu.

2. Tờ khai hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu đã làm xong thủ tục hải quan theo hướng dẫn của Bộ Tài chính về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Đối với cơ sở kinh doanh xuất khẩu sản phẩm phần mềm dưới các hình thức tài liệu, hồ sơ, cơ sở dữ liệu đóng gói cứng để được khấu trừ, hoàn thuế GTGT đầu vào, cơ sở kinh doanh phải đảm bảo thủ tục về tờ khai hải quan như đối với hàng hóa thông thường.

Riêng các trường hợp sau không cần tờ khai hải quan:

- Đối với cơ sở kinh doanh xuất khẩu dịch vụ, phần mềm qua phương tiện điện tử thì không cần có tờ khai hải quan. Cơ sở kinh doanh phải thực hiện đầy đủ các quy định về thủ tục xác nhận bên mua đã nhận được dịch vụ, phần mềm xuất khẩu qua phương tiện điện tử theo đúng quy định của pháp luật về thương mại điện tử.

- Hoạt động xây dựng, lắp đặt công trình ở nước ngoài hoặc ở trong khu phi thuế quan.

- Cơ sở kinh doanh cung cấp điện, nước, văn phòng phẩm và hàng hóa phục vụ sinh hoạt hàng ngày của doanh nghiệp chế xuất gồm: lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng (bao gồm cả bảo hộ lao động: quần, áo, mũ, giầy, ủng, găng tay).

3. Hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu phải thanh toán qua ngân hàng

a) Thanh toán qua ngân hàng là việc chuyển tiền từ tài khoản của bên nhập khẩu sang tài khoản mang tên bên xuất khẩu mở tại ngân hàng theo các hình thức thanh toán phù hợp với thỏa thuận trong hợp đồng và quy định của ngân hàng. Chứng từ thanh toán tiền là giấy báo Có của ngân hàng bên xuất khẩu về số tiền đã nhận được từ tài khoản của ngân hàng bên nhập khẩu. Trường hợp thanh toán chậm trả, phải có thỏa thuận ghi trong hợp đồng xuất khẩu, đến thời hạn thanh toán cơ sở kinh doanh phải có chứng từ thanh toán qua ngân hàng. Trường hợp ủy thác xuất khẩu thì phải có chứng từ thanh toán qua ngân hàng của phía nước ngoài cho bên nhận ủy thác và bên nhận ủy thác phải thanh toán tiền hàng xuất khẩu qua ngân hàng cho bên ủy thác. Trường hợp bên nước ngoài thanh toán trực tiếp cho bên ủy thác xuất khẩu thì bên ủy thác phải có chứng từ thanh toán qua ngân hàng và việc thanh toán như trên phải được quy định trong hợp đồng.

b) Các trường hợp thanh toán dưới đây cũng được coi là thanh toán qua ngân hàng:

b.1) Trường hợp hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu được thanh toán cấn trừ vào khoản tiền vay nợ nước ngoài cơ sở kinh doanh phải có đủ điều kiện, thủ tục, hồ sơ như sau:

- Hợp đồng vay nợ (đối với những khoản vay tài chính có thời hạn dưới 01 năm); hoặc giấy xác nhận đăng ký khoản vay của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (đối với những khoản vay trên 01 năm).

- Chứng từ chuyển tiền của phía nước ngoài vào Việt Nam qua ngân hàng.

Phương thức thanh toán hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu cấn trừ vào khoản nợ vay nước ngoài phải được quy định trong hợp đồng xuất khẩu.

- Bản xác nhận của phía nước ngoài về cấn trừ khoản nợ vay.

- Trường hợp sau khi cấn trừ giá trị hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu vào khoản nợ vay của nước ngoài có chênh lệch, thì số tiền chênh lệch phải thực hiện thanh toán qua ngân hàng. Chứng từ thanh toán qua ngân hàng theo hướng dẫn tại điểm này.

b.2) Trường hợp cơ sở kinh doanh xuất khẩu sử dụng tiền thanh toán hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu để góp vốn với cơ sở nhập khẩu ở nước ngoài, cơ sở kinh doanh phải có đủ điều kiện thủ tục, hồ sơ như sau:

- Hợp đồng góp vốn.

- Việc sử dụng tiền thanh toán hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu để góp vốn vào cơ sở nhập khẩu ở nước ngoài phải được quy định trong hợp đồng xuất khẩu.

- Trường hợp số tiền góp vốn nhỏ hơn doanh thu hàng hóa xuất khẩu thì số tiền chênh lệch phải thực hiện thanh toán qua ngân hàng theo hướng dẫn tại điểm này.

b.3) Trường hợp phía nước ngoài ủy quyền cho bên thứ ba là tổ chức, cá nhân ở nước ngoài thực hiện thanh toán thì việc thanh toán theo ủy quyền phải được quy định trong hợp đồng xuất khẩu (phụ lục hợp đồng hoặc văn bản điều chỉnh hợp đồng - nếu có).

b.4) Trường hợp phía nước ngoài yêu cầu bên thứ 3 là tổ chức ở Việt Nam thanh toán bù trừ công nợ với phía nước ngoài bằng thực hiện thanh toán qua ngân hàng số tiền phía nước ngoài phải thanh toán cho cơ sở kinh doanh xuất khẩu và việc yêu cầu thanh toán bù trừ công nợ nêu trên có quy định trong hợp đồng xuất khẩu (phụ lục hợp đồng hoặc văn bản điều chỉnh hợp đồng - nếu có) và có chứng từ thanh toán là giấy báo có của ngân hàng bên xuất khẩu về số tiền đã nhận được từ tài khoản của bên thứ 3, đồng thời bên xuất khẩu phải xuất trình bản đối chiếu công nợ có xác nhận của bên nước ngoài và bên thứ 3.

b.5) Trường hợp phía nước ngoài (bên nhập khẩu) ủy quyền cho bên thứ ba là tổ chức, cá nhân ở nước ngoài thực hiện thanh toán; bên thứ ba yêu cầu tổ chức ở Việt Nam (bên thứ tư) thanh toán bù trừ công nợ với bên thứ ba bằng việc thực hiện thanh toán qua ngân hàng số tiền bên nhập khẩu phải thanh toán cho cơ sở kinh doanh Việt Nam xuất khẩu thì cơ sở kinh doanh xuất khẩu phải có đủ các điều kiện, hồ sơ như sau:

- Hợp đồng xuất khẩu (phụ lục hợp đồng hoặc văn bản điều chỉnh hợp đồng - nếu có) quy định việc ủy quyền thanh toán, bù trừ công nợ giữa các bên.

- Chứng từ thanh toán là giấy báo có của ngân hàng về số tiền cơ sở kinh doanh Việt Nam xuất khẩu nhận được từ tài khoản của bên thứ tư.

- Bản đối chiếu công nợ có xác nhận của các bên liên quan (giữa cơ sở kinh doanh xuất khẩu với bên nhập khẩu, giữa bên thứ ba ở nước ngoài với bên thứ tư là tổ chức ở Việt Nam).

b.6) Trường hợp phía nước ngoài ủy quyền cho Văn phòng đại diện tại Việt Nam thực hiện thanh toán vào tài khoản của bên xuất khẩu và việc ủy quyền thanh toán nêu trên có quy định trong hợp đồng xuất khẩu (phụ lục hợp đồng hoặc văn bản điều chỉnh hợp đồng - nếu có).

b.7)[31] Trường hợp phía nước ngoài (trừ trường hợp phía nước ngoài là cá nhân) thanh toán từ tài khoản tiền gửi vãng lai của phía nước ngoài mở tại các tổ chức tín dụng tại Việt Nam thì việc thanh toán này phải được quy định trong hợp đồng xuất khẩu (phụ lục hợp đồng hoặc văn bản điều chỉnh hợp đồng - nếu có). Chứng từ thanh toán là giấy báo Có của ngân hàng bên xuất khẩu về số tiền đã nhận được từ tài khoản vãng lai của người mua phía nước ngoài đã ký hợp đồng.

Trường hợp xuất khẩu cho người mua phía nước ngoài là doanh nghiệp tư nhân và việc thanh toán thông qua tài khoản vãng lai của chủ doanh nghiệp tư nhân mở tại tổ chức tín dụng ở Việt Nam và được quy định trong hợp đồng xuất khẩu (phụ lục hợp đồng hoặc văn bản điều chỉnh hợp đồng - nếu có) thì được xác định là thanh toán qua ngân hàng.

Cơ quan thuế khi kiểm tra việc khấu trừ, hoàn thuế đối với hàng hóa xuất khẩu thanh toán qua tài khoản vãng lai, cần phối hợp với tổ chức tín dụng nơi người mua phía nước ngoài mở tài khoản để đảm bảo việc thanh toán, chuyển tiền thực hiện đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật. Người nhập cảnh mang tiền qua biên giới phải kê khai rõ số tiền mang theo là tiền thanh toán cụ thể đối với từng hợp đồng mua bán hàng hóa và tờ khai xuất khẩu hàng hóa; đồng thời xuất trình hợp đồng mua bán hàng hóa, tờ khai xuất khẩu để công chức hải quan kiểm tra, đối chiếu. Trường hợp người nhập cảnh không phải là đại diện doanh nghiệp nước ngoài trực tiếp ký hợp đồng mua bán với doanh nghiệp Việt Nam thì phải có giấy ủy quyền (bản dịch tiếng Việt hoặc tiếng Anh, cùng với bản chính bằng tiếng của nước có đường biên giới cửa khẩu tiếp giáp) của tổ chức, cá nhân nước ngoài đã ký hợp đồng mua bán nêu trên. Giấy ủy quyền này chỉ áp dụng cho một lần mang tiền vào Việt Nam và phải ghi rõ số lượng tiền mang vào theo hợp đồng mua bán cụ thể.

b.8) Trường hợp phía nước ngoài thanh toán qua ngân hàng nhưng số tiền thanh toán trên chứng từ không phù hợp với số tiền phải thanh toán như đã thỏa thuận trong hợp đồng hoặc phụ lục hợp đồng thì:

- Nếu số tiền thanh toán trên chứng từ thanh toán qua ngân hàng có trị giá nhỏ hơn số tiền phải thanh toán như đã thỏa thuận trong hợp đồng hoặc phụ lục hợp đồng thì cơ sở kinh doanh phải giải trình rõ lý do như: phí chuyển tiền của ngân hàng, điều chỉnh giảm giá do hàng kém chất lượng hoặc thiếu hụt (đối với trường hợp này phải có văn bản thỏa thuận giảm giá giữa bên mua và bán)…;

- Nếu số tiền thanh toán trên chứng từ thanh toán qua ngân hàng có trị giá lớn hơn số tiền phải thanh toán như đã thỏa thuận trong hợp đồng hoặc phụ lục hợp đồng thì cơ sở kinh doanh phải giải trình rõ lý do như: thanh toán một lần cho nhiều hợp đồng, ứng trước tiền hàng…

Cơ sở kinh doanh phải cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về các lý do giải trình với cơ quan thuế và các văn bản điều chỉnh (nếu có).

b.9) Trường hợp phía nước ngoài thanh toán qua ngân hàng nhưng chứng từ thanh toán qua ngân hàng không đúng tên ngân hàng phải thanh toán đã thỏa thuận trong hợp đồng, nếu nội dung chứng từ thể hiện rõ tên người thanh toán, tên người thụ hưởng, số hợp đồng xuất khẩu, giá trị thanh toán phù hợp với hợp đồng xuất khẩu đã được ký kết thì được chấp nhận là chứng từ thanh toán hợp lệ.

b.10) Trường hợp cơ sở kinh doanh xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ cho bên nước ngoài (bên thứ hai), đồng thời nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ với bên nước ngoài khác hoặc mua hàng với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam (bên thứ ba); nếu cơ sở kinh doanh có thỏa thuận với bên thứ hai và bên thứ ba về việc bên thứ hai thực hiện thanh toán qua ngân hàng cho bên thứ ba số tiền mà cơ sở kinh doanh còn phải thanh toán cho bên thứ ba thì việc bù trừ thanh toán giữa các bên phải được quy định trong hợp đồng xuất khẩu, hợp đồng nhập khẩu hoặc hợp đồng mua hàng (phụ lục hợp đồng hoặc văn bản điều chỉnh hợp đồng - nếu có) và cơ sở kinh doanh phải xuất trình bản đối chiếu công nợ có xác nhận của các bên liên quan (giữa cơ sở kinh doanh với bên thứ hai, giữa cơ sở kinh doanh với bên thứ ba).

b.11) Trường hợp hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài nhưng vì lý do khách quan phía nước ngoài từ chối không nhận hàng và cơ sở kinh doanh tìm được khách hàng mới cùng quốc gia với khách hàng ký kết hợp đồng mua bán ban đầu để bán lô hàng trên thì hồ sơ hoàn thuế gồm toàn bộ hồ sơ xuất khẩu liên quan đến hợp đồng xuất khẩu ký kết với khách hàng ban đầu (hợp đồng, tờ khai hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, hóa đơn), công văn giải trình của cơ sở kinh doanh lý do có sự sai khác tên khách hàng mua (trong đó cơ sở kinh doanh cam kết tự chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, đảm bảo không có gian lận), toàn bộ hồ sơ xuất khẩu liên quan đến hợp đồng xuất khẩu ký kết với khách hàng mới (hợp đồng, hóa đơn bán hàng, chứng từ thanh toán qua ngân hàng theo quy định và các chứng từ khác - nếu có).

c) Các trường hợp thanh toán khác đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu theo quy định của Chính phủ:

c.1) Trường hợp xuất khẩu lao động mà cơ sở kinh doanh xuất khẩu lao động thu tiền trực tiếp của người lao động thì phải có chứng từ thu tiền của người lao động.

c.2) Trường hợp cơ sở kinh doanh xuất khẩu hàng hóa để bán tại hội chợ, triển lãm ở nước ngoài, nếu thu và chuyển về nước bằng tiền mặt ngoại tệ tại nước tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại cơ sở kinh doanh phải có chứng từ kê khai với cơ quan Hải quan về tiền ngoại tệ thu được do bán hàng hóa chuyển về nước và chứng từ nộp tiền vào ngân hàng tại Việt Nam.

c.3) Trường hợp xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ để trả nợ nước ngoài cho Chính phủ thì phải có xác nhận của ngân hàng ngoại thương về lô hàng xuất khẩu đã được phía nước ngoài chấp nhận trừ nợ hoặc xác nhận bộ chứng từ đã được gửi cho phía nước ngoài để trừ nợ; chứng từ thanh toán thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

c.4) Trường hợp hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu thanh toán bằng hàng là trường hợp xuất khẩu hàng hóa (kể cả gia công hàng hóa xuất khẩu), dịch vụ cho tổ chức, cá nhân nước ngoài (gọi tắt là phía nước ngoài) nhưng việc thanh toán giữa doanh nghiệp Việt Nam và phía nước ngoài bằng hình thức bù trừ giữa giá trị hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, tiền công gia công hàng hóa xuất khẩu với giá trị hàng hóa, dịch vụ mua của phía nước ngoài.

Hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu thanh toán bằng hàng phải có thêm thủ tục hồ sơ như sau:

- Phương thức thanh toán đối với hàng xuất khẩu bằng hàng phải được quy định trong hợp đồng xuất khẩu.

- Hợp đồng mua hàng hóa, dịch vụ của phía nước ngoài.

- Tờ khai hải quan về hàng hóa nhập khẩu thanh toán bù trừ với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu.

- Văn bản xác nhận với phía nước ngoài về việc số tiền thanh toán bù trừ giữa hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu với hàng hóa nhập khẩu, dịch vụ mua của phía nước ngoài.

- Trường hợp sau khi thanh toán bù trừ giữa giá trị hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu và giá trị hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu có chênh lệch, số tiền chênh lệch phải thực hiện thanh toán qua Ngân hàng. Chứng từ thanh toán qua Ngân hàng theo hướng dẫn tại khoản này.

c.5) Trường hợp xuất khẩu hàng hóa sang các nước có chung biên giới theo quy định của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước.

c.6) Một số trường hợp hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu có hình thức thanh toán khác theo quy định của pháp luật có liên quan.

d) Các trường hợp xuất khẩu không có chứng từ thanh toán qua ngân hàng được khấu trừ, hoàn thuế:

d.1) Đối với trường hợp bên nước ngoài mất khả năng thanh toán, cơ sở xuất khẩu hàng hóa phải có văn bản giải trình rõ lý do và được sử dụng một trong số các giấy tờ sau để thay thế cho chứng từ thanh toán qua ngân hàng:

- Tờ khai hải quan hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam đã đăng ký với cơ quan hải quan tại nước nhập khẩu hàng hóa (01 bản sao); hoặc

- Đơn khởi kiện đến tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền tại nước nơi người mua cư trú kèm giấy thông báo hoặc kèm giấy tờ có tính chất xác nhận của cơ quan này về việc thụ lý đơn khởi kiện (01 bản sao); hoặc

- Phán quyết thắng kiện của tòa án nước ngoài cho cơ sở kinh doanh (01 bản sao); hoặc

- Giấy tờ của tổ chức có thẩm quyền nước ngoài xác nhận (hoặc thông báo) bên mua nước ngoài phá sản hoặc mất khả năng thanh toán (01 bản sao).

d.2) Đối với trường hợp hàng hóa xuất khẩu không đảm bảo chất lượng phải tiêu hủy, cơ sở xuất khẩu hàng hóa phải có văn bản giải trình rõ lý do và được sử dụng biên bản tiêu hủy (hoặc giấy tờ xác nhận việc tiêu hủy) hàng hóa ở nước ngoài của cơ quan thực hiện tiêu hủy (01 bản sao), kèm chứng từ thanh toán qua ngân hàng đối với chi phí tiêu hủy thuộc trách nhiệm chi trả của cơ sở xuất khẩu hàng hóa hoặc kèm giấy tờ chứng minh chi phí tiêu hủy thuộc trách nhiệm của người mua hoặc bên thứ ba (01 bản sao).

Trường hợp người nhập khẩu hàng hóa phải đứng ra làm thủ tục tiêu hủy tại nước ngoài thì biên bản tiêu hủy (hoặc giấy tờ xác nhận việc tiêu hủy) ghi tên người nhập khẩu hàng hóa.

d.3) Đối với trường hợp hàng hóa xuất khẩu bị tổn thất, cơ sở xuất khẩu hàng hóa phải có văn bản giải trình rõ lý do và được sử dụng một trong số các giấy tờ sau để thay thế cho chứng từ thanh toán qua ngân hàng:

- Giấy xác nhận việc tổn thất ngoài biên giới Việt Nam của cơ quan có thẩm quyền liên quan (01 bản sao); hoặc

- Biên bản xác định tổn thất hàng hóa trong quá trình vận chuyển ngoài biên giới Việt Nam nêu rõ nguyên nhân tổn thất (01 bản sao).

Nếu cơ sở xuất khẩu hàng hóa đã nhận được tiền bồi thường hàng hóa xuất khẩu bị tổn thất ngoài biên giới Việt Nam thì phải gửi kèm chứng từ thanh toán qua ngân hàng về số tiền nhận được (01 bản sao).

Bản sao các loại giấy tờ hướng dẫn tại các điểm d.1, d.2 và d.3 khoản này bản sao có xác nhận sao y bản chính của cơ sở xuất khẩu hàng hóa. Trường hợp ngôn ngữ sử dụng trong các chứng từ, giấy tờ xác nhận của bên thứ ba thay thế cho chứng từ thanh toán qua ngân hàng không phải là tiếng Anh hoặc không có tiếng Anh thì phải có 01 bản dịch công chứng gửi kèm. Trường hợp các bên liên quan phát hành, sử dụng và lưu trữ chứng từ dưới dạng điện tử thì phải có bản in bằng giấy.

Cơ sở xuất khẩu hàng hóa tự chịu hoàn toàn trách nhiệm về tính chính xác của các loại giấy tờ thay thế cho chứng từ thanh toán qua ngân hàng cho các trường hợp nêu trên.

4.[32] Hóa đơn thương mại. Ngày xác định doanh thu xuất khẩu để tính thuế là ngày xác nhận hoàn tất thủ tục hải quan trên tờ khai hải quan.

Điều 17. Điều kiện khấu trừ, hoàn thuế GTGT đầu vào đối với một số trường hợp hàng hóa được coi như xuất khẩu

1. Hàng hóa gia công chuyển tiếp theo quy định của pháp luật thương mại về hoạt động mua, bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công hàng hóa với nước ngoài:

a) Hợp đồng gia công xuất khẩu và các phụ kiện hợp đồng (nếu có) ký với nước ngoài, trong đó ghi rõ cơ sở nhận hàng tại Việt Nam.

b) Hóa đơn GTGT ghi rõ giá gia công và số lượng hàng gia công trả nước ngoài (theo giá quy định trong hợp đồng ký với nước ngoài) và tên cơ sở nhận hàng theo chỉ định của phía nước ngoài.

c) Phiếu chuyển giao sản phẩm gia công chuyển tiếp (gọi tắt là Phiếu chuyển tiếp) có đủ xác nhận của bên giao, bên nhận sản phẩm gia công chuyển tiếp và xác nhận của Hải quan quản lý hợp đồng gia công của bên giao, bên nhận.

d) Hàng hóa gia công cho nước ngoài phải thanh toán qua Ngân hàng theo hướng dẫn tại Điều 16 Thông tư này.

Về thủ tục giao nhận sản phẩm gia công chuyển tiếp và Phiếu chuyển tiếp thực hiện theo hướng dẫn của Tổng cục Hải quan.

Ví dụ 70: Công ty A ký hợp đồng gia công với nước ngoài 200.000 đôi đế giầy xuất khẩu. Giá gia công là 800 triệu đồng. Hợp đồng ghi rõ giao đế giầy cho Công ty B tại Việt Nam để sản xuất ra giầy hoàn chỉnh.

Trường hợp này Công ty A thuộc đối tượng gia công hàng xuất khẩu chuyển tiếp. Khi lập chứng từ chuyển giao sản phẩm đế giầy cho Công ty B, Công ty A ghi rõ số lượng, chủng loại, quy cách sản phẩm đã giao, toàn bộ doanh thu gia công đế giầy 800 triệu đồng nhận được tính thuế GTGT là 0%.

2. Hàng hóa xuất khẩu tại chỗ theo quy định của pháp luật:

a) Hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc hợp đồng gia công có chỉ định giao hàng tại Việt Nam;

b) Tờ khai hải quan hàng hóa xuất khẩu - nhập khẩu tại chỗ đã làm xong thủ tục hải quan;

c) Hóa đơn giá trị gia tăng hoặc hóa đơn xuất khẩu ghi rõ tên người mua phía nước ngoài, tên doanh nghiệp nhận hàng và địa điểm giao hàng tại Việt Nam;

d) Hàng hóa bán cho thương nhân nước ngoài nhưng giao hàng tại Việt Nam phải thanh toán qua ngân hàng bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi. Chứng từ thanh toán qua ngân hàng theo hướng dẫn tại khoản 3 Điều 16 Thông tư này. Trường hợp người nhập khẩu tại chỗ được phía nước ngoài ủy quyền thanh toán cho người xuất khẩu tại chỗ thì đồng tiền thanh toán thực hiện theo quy định của pháp luật về ngoại hối.

đ) Hàng hóa xuất khẩu tại chỗ của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải phù hợp với quy định tại giấy phép đầu tư.

3. Hàng hóa, vật tư do doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu để thực hiện công trình xây dựng ở nước ngoài thì thủ tục hồ sơ để doanh nghiệp Việt Nam thực hiện công trình xây dựng tại nước ngoài được khấu trừ hoặc hoàn thuế GTGT đầu vào phải đáp ứng các điều kiện sau:

a) Tờ khai hải quan theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Thông tư này.

b) Hàng hóa, vật tư xuất khẩu phải phù hợp với Danh mục hàng hóa xuất khẩu để thực hiện công trình xây dựng ở nước ngoài do Giám đốc doanh nghiệp Việt Nam thực hiện công trình xây dựng ở nước ngoài phê duyệt.

c) Hợp đồng ủy thác xuất khẩu (trường hợp ủy thác xuất khẩu).

4. Hàng hóa, vật tư do cơ sở kinh doanh trong nước bán cho doanh nghiệp Việt Nam để thực hiện công trình xây dựng ở nước ngoài và thực hiện giao hàng hóa tại nước ngoài theo Hợp đồng ký kết thì thủ tục hồ sơ để cơ sở kinh doanh trong nước bán hàng thực hiện khấu trừ hoặc hoàn thuế GTGT đầu vào đối với hàng hóa xuất khẩu phải đáp ứng các điều kiện sau:

a) Tờ khai hải quan theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Thông tư này.

b) Hàng hóa, vật tư xuất khẩu phải phù hợp với Danh mục hàng hóa xuất khẩu để công trình xây dựng ở nước ngoài do Giám đốc doanh nghiệp Việt Nam thực hiện công trình xây dựng ở nước ngoài phê duyệt.

c) Hợp đồng mua bán ký giữa cơ sở kinh doanh trong nước và doanh nghiệp Việt Nam thực hiện công trình xây dựng ở nước ngoài, trong đó có ghi rõ về điều kiện giao hàng, số lượng, chủng loại và trị giá hàng hóa.

d) Hợp đồng ủy thác (trường hợp ủy thác xuất khẩu).

đ) Chứng từ thanh toán qua ngân hàng.

e) Hóa đơn GTGT bán hàng hóa.

Các trường hợp cơ sở kinh doanh có hàng hóa xuất khẩu hoặc hàng hóa được coi như xuất khẩu hướng dẫn tại Điều 16, Điều 17 Thông tư này nếu đã có xác nhận của cơ quan Hải quan (đối với hàng hóa xuất khẩu) nhưng không có đủ các thủ tục, hồ sơ khác đối với từng trường hợp cụ thể thì không phải tính thuế GTGT đầu ra nhưng không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Riêng đối với trường hợp hàng hóa gia công chuyển tiếp và hàng hóa xuất khẩu tại chỗ, nếu không có đủ một trong các thủ tục, hồ sơ theo quy định thì phải tính và nộp thuế GTGT như hàng hóa tiêu thụ nội địa. Đối với cơ sở kinh doanh có dịch vụ xuất khẩu nếu không đáp ứng điều kiện về thanh toán qua ngân hàng hoặc được coi như thanh toán qua ngân hàng thì không được áp dụng thuế suất thuế GTGT 0%, không phải tính thuế GTGT đầu ra nhưng không được khấu trừ thuế đầu vào.

Mục 2. HOÀN THUẾ

Điều 18. Đối tượng và trường hợp được hoàn thuế GTGT[33]

1. Cơ sở kinh doanh nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuế nếu có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết trong tháng (đối với trường hợp kê khai theo tháng) hoặc trong quý (đối với trường hợp kê khai theo quý) thì được khấu trừ vào kỳ tiếp theo.

Trường hợp cơ sở kinh doanh có số thuế GTGT chưa được khấu trừ hết phát sinh trước kỳ tính thuế tháng 7/2016 (đối với trường hợp kê khai theo tháng) hoặc trước kỳ tính thuế quý 3/2016 (đối với trường hợp kê khai theo quý) đủ điều kiện hoàn thuế GTGT theo hướng dẫn tại Khoản 1 Điều 18 Thông tư số 219/2013/TT-BTC thì cơ quan thuế giải quyết hoàn thuế theo quy định của pháp luật.

Ví dụ: Doanh nghiệp A thực hiện khai thuế GTGT theo quý, tại kỳ tính thuế quý 3/2016 có số thuế GTGT chưa được khấu trừ hết là 80 triệu thì doanh nghiệp A được khấu trừ vào kỳ tính thuế quý 4/2016. Trường hợp các kỳ tính thuế quý 4/2016, quý 1/2017 và quý 2/2017 vẫn còn số thuế GTGT chưa được khấu trừ hết thì doanh nghiệp A chuyển số thuế GTGT chưa được khấu trừ hết để tiếp tục khấu trừ tại kỳ tính thuế quý 3/2017 và các kỳ tính thuế tiếp theo.

2.[34] Cơ sở kinh doanh được hoàn thuế giá trị gia tăng đối với dự án đầu tư theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 49/2022/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2022 của Chính phủ.

3.[35] (được thay thế)

4.[36] Hoàn thuế đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu

a) Cơ sở kinh doanh trong tháng (đối với trường hợp kê khai theo tháng), quý (đối với trường hợp kê khai theo quý) có hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu bao gồm cả trường hợp: Hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu vào khu phi thuế quan; hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu ra nước ngoài, có số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ từ 300 triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế giá trị gia tăng theo tháng, quý; trường hợp trong tháng, quý số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ chưa đủ 300 triệu đồng thì được khấu trừ vào tháng, quý tiếp theo.

Cơ sở kinh doanh trong tháng/quý vừa có hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, vừa có hàng hóa, dịch vụ tiêu thụ nội địa thì cơ sở kinh doanh phải hạch toán riêng số thuế GTGT đầu vào sử dụng cho sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu. Trường hợp không hạch toán riêng được thì số thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu được xác định theo tỷ lệ giữa doanh thu của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu trên tổng doanh thu hàng hóa, dịch vụ của các kỳ khai thuế giá trị gia tăng tính từ kỳ khai thuế tiếp theo kỳ hoàn thuế liền trước đến kỳ đề nghị hoàn thuế hiện tại.

Số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu (bao gồm số thuế GTGT đầu vào hạch toán riêng được và số thuế GTGT đầu vào được phân bổ theo tỷ lệ nêu trên) nếu sau khi bù trừ với số thuế GTGT phải nộp của hàng hóa, dịch vụ tiêu thụ nội địa còn lại từ 300 triệu đồng trở lên thì cơ sở kinh doanh được hoàn thuế cho hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu. Số thuế GTGT được hoàn của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu không vượt quá doanh thu của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu nhân (x) với 10%.

Đối tượng được hoàn thuế trong một số trường hợp xuất khẩu như sau: Đối với trường hợp ủy thác xuất khẩu, là cơ sở có hàng hóa ủy thác xuất khẩu; đối với gia công chuyển tiếp, là cơ sở ký hợp đồng gia công xuất khẩu với phía nước ngoài; đối với hàng hóa xuất khẩu để thực hiện công trình xây dựng ở nước ngoài, là doanh nghiệp có hàng hóa, vật tư xuất khẩu thực hiện công trình xây dựng ở nước ngoài; đối với hàng hóa xuất khẩu tại chỗ là cơ sở kinh doanh có hàng hóa xuất khẩu tại chỗ.

b) Cơ sở kinh doanh không được hoàn thuế giá trị gia tăng đối với trường hợp: Hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu mà hàng hóa xuất khẩu đó không thực hiện việc xuất khẩu tại địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan; hàng hóa xuất khẩu không thực hiện việc xuất khẩu tại địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan.

c) Cơ quan thuế thực hiện hoàn thuế trước, kiểm tra sau đối với người nộp thuế sản xuất hàng hóa xuất khẩu không bị xử lý đối với hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, trốn thuế, gian lận thuế, gian lận thương mại trong thời gian hai năm liên tục; người nộp thuế không thuộc đối tượng rủi ro cao theo quy định của Luật quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.

5. Cơ sở kinh doanh nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thuế được hoàn thuế giá trị gia tăng khi chuyển đổi sở hữu, chuyển đổi doanh nghiệp, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động có số thuế giá trị gia tăng nộp thừa hoặc số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ hết.

Cơ sở kinh doanh trong giai đoạn đầu tư chưa đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng phải giải thể, phá sản hoặc chấm dứt hoạt động chưa phát sinh thuế giá trị gia tăng đầu ra của hoạt động kinh doanh chính theo dự án đầu tư thì chưa phải điều chỉnh lại số thuế giá trị gia tăng đã kê khai, khấu trừ hoặc đã được hoàn. Cơ sở kinh doanh phải thông báo với cơ quan thuế quản lý trực tiếp về việc giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động theo quy định.

Trường hợp cơ sở kinh doanh sau khi làm đầy đủ thủ tục theo quy định của pháp luật về giải thể, phá sản thì đối với số thuế GTGT đã được hoàn thực hiện theo quy định của pháp luật về giải thể, phá sản và quản lý thuế; đối với số thuế GTGT chưa được hoàn thì không được giải quyết hoàn thuế.

Trường hợp cơ sở kinh doanh chấm dứt hoạt động và không phát sinh thuế GTGT đầu ra của hoạt động kinh doanh chính thì phải nộp lại số thuế đã được hoàn vào ngân sách nhà nước. Trường hợp có phát sinh bán tài sản chịu thuế GTGT thì không phải điều chỉnh lại số thuế GTGT đầu vào tương ứng của tài sản bán ra.

Ví dụ: Năm 2015, doanh nghiệp A trong giai đoạn đầu tư chưa đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp A có phát sinh số thuế GTGT đầu vào của giai đoạn đầu tư đã được cơ quan thuế hoàn trong tháng 8/2015 là 700 triệu đồng. Do khó khăn, tháng 02/2016 doanh nghiệp A quyết định giải thể và có văn bản gửi cơ quan thuế về việc sẽ giải thể thì trong giai đoạn doanh nghiệp A chưa hoàn thành thủ tục pháp lý để giải thể, cơ quan thuế chưa thu hồi lại thuế GTGT đã hoàn. Hai mươi ngày trước khi doanh nghiệp A có đủ thủ tục pháp lý để giải thể chính thức vào tháng 10/2016, doanh nghiệp thực hiện bán một (01) tài sản đã đầu tư thì doanh nghiệp A không phải điều chỉnh lại số thuế GTGT đầu vào tương ứng của tài sản bán ra (số thuế đã được cơ quan thuế hoàn). Đối với những tài sản không bán ra, doanh nghiệp A phải kê khai điều chỉnh để nộp lại số thuế GTGT đã được hoàn.

6. Hoàn thuế GTGT đối với các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) không hoàn lại hoặc viện trợ không hoàn lại, viện trợ nhân đạo.

a) Đối với dự án sử dụng vốn ODA không hoàn lại: chủ chương trình, dự án hoặc nhà thầu chính, tổ chức do phía nhà tài trợ nước ngoài chỉ định việc quản lý chương trình, dự án được hoàn lại số thuế GTGT đã trả đối với hàng hóa, dịch vụ mua ở Việt Nam để sử dụng cho chương trình, dự án.

b) Tổ chức ở Việt Nam sử dụng tiền viện trợ nhân đạo của tổ chức, cá nhân nước ngoài để mua hàng hóa, dịch vụ phục vụ cho chương trình, dự án viện trợ không hoàn lại, viện trợ nhân đạo tại Việt Nam thì được hoàn thuế GTGT đã trả của hàng hóa, dịch vụ đó.

Ví dụ: Hội chữ thập đỏ được Tổ chức quốc tế viện trợ tiền để mua hàng viện trợ nhân đạo cho nhân dân các tỉnh bị thiên tai là 200 triệu đồng. Giá trị hàng mua chưa có thuế là 200 triệu đồng, thuế GTGT là 20 triệu đồng. Hội chữ thập đỏ sẽ được hoàn thuế theo quy định là 20 triệu đồng.

Việc hoàn thuế GTGT đã trả đối với các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) không hoàn lại thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

7. Đối tượng được hưởng quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao theo quy định của pháp luật về ưu đãi miễn trừ ngoại giao mua hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam để sử dụng được hoàn số thuế giá trị gia tăng đã trả ghi trên hóa đơn giá trị gia tăng hoặc trên chứng từ thanh toán ghi giá thanh toán đã có thuế giá trị gia tăng.

8. Người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu hoặc giấy tờ nhập cảnh do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp được hoàn thuế đối với hàng hóa mua tại Việt Nam mang theo người khi xuất cảnh. Việc hoàn thuế GTGT thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính về hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mua tại Việt Nam mang theo khi xuất cảnh.

9. Cơ sở kinh doanh có quyết định xử lý hoàn thuế của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật và trường hợp hoàn thuế giá trị gia tăng theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Điều 19. Điều kiện và thủ tục hoàn thuế GTGT

1. Các cơ sở kinh doanh, tổ chức thuộc đối tượng được hoàn thuế GTGT theo hướng dẫn tại điểm 1, 2, 3, 4, 5 Điều 18 Thông tư này phải là cơ sở kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khấu trừ, đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy phép đầu tư (giấy phép hành nghề) hoặc quyết định thành lập của cơ quan có thẩm quyền, có con dấu theo đúng quy định của pháp luật, lập và lưu giữ sổ kế toán, chứng từ kế toán theo quy định của pháp luật về kế toán; có tài khoản tiền gửi tại ngân hàng theo mã số thuế của cơ sở kinh doanh.

2. Các trường hợp cơ sở kinh doanh đã kê khai đề nghị hoàn thuế trên Tờ khai thuế GTGT thì không được kết chuyển số thuế đầu vào đã đề nghị hoàn thuế vào số thuế được khấu trừ của tháng tiếp sau.

3. Thủ tục hoàn thuế GTGT thực hiện theo quy định tại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Điều 20. Nơi nộp thuế

1. Người nộp thuế kê khai, nộp thuế GTGT tại địa phương nơi sản xuất, kinh doanh.

2. Người nộp thuế kê khai, nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ có cơ sở sản xuất hạch toán phụ thuộc đóng trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác với tỉnh, thành phố nơi đóng trụ sở chính thì phải nộp thuế GTGT tại địa phương nơi có cơ sở sản xuất và địa phương nơi đóng trụ sở chính.

3. Trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã áp dụng phương pháp trực tiếp có cơ sở sản xuất ở tỉnh, thành phố khác nơi đóng trụ sở chính hoặc có hoạt động bán hàng vãng lai ngoại tỉnh thì doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện kê khai, nộp thuế GTGT theo tỷ lệ % trên doanh thu đối với doanh thu phát sinh ở ngoại tỉnh tại địa phương nơi có cơ sở sản xuất, nơi bán hàng vãng lai. Doanh nghiệp, hợp tác xã không phải nộp thuế GTGT theo tỷ lệ % trên doanh thu tại trụ sở chính đối với doanh thu phát sinh ở ngoại tỉnh đã kê khai, nộp thuế.

4. Trường hợp cơ sở kinh doanh dịch vụ viễn thông có kinh doanh dịch vụ viễn thông cước trả sau tại địa phương cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác với tỉnh, thành phố nơi đóng trụ sở chính và thành lập chi nhánh hạch toán phụ thuộc nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ cùng tham gia kinh doanh dịch vụ viễn thông cước trả sau tại địa phương đó thì cơ sở kinh doanh dịch vụ viễn thông thực hiện khai, nộp thuế GTGT đối với dịch vụ viễn thông cước trả sau như sau:

- Khai thuế GTGT đối với doanh thu dịch vụ viễn thông cước trả sau của toàn cơ sở kinh doanh với cơ quan thuế quản lý trực tiếp trụ sở chính.

- Nộp thuế GTGT tại địa phương nơi đóng trụ sở chính và tại địa phương nơi có chi nhánh hạch toán phụ thuộc.

Số thuế GTGT phải nộp tại địa phương nơi có chi nhánh hạch toán phụ thuộc được xác định theo tỷ lệ 2% (đối với dịch vụ viễn thông cước trả sau chịu thuế GTGT với thuế suất 10%) trên doanh thu (chưa có thuế GTGT) dịch vụ viễn thông cước trả sau tại địa phương nơi có chi nhánh hạch toán phụ thuộc.

5. Việc khai thuế, nộp thuế GTGT được thực hiện theo quy định tại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN[37]

Điều 21. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2014, thay thế Thông tư số 06/2012/TT-BTC ngày 11/01/2012 và Thông tư số 65/2013/TT-BTC ngày 17/5/2013 của Bộ Tài chính.

2. Đối với trường hợp từ ngày 1/7/2013, cơ sở kinh doanh thực hiện khai thuế GTGT theo quý thì đến trước kỳ tính thuế tháng 1/2014 (đối với trường hợp kê khai theo tháng) hoặc trước kỳ tính thuế quý 1/2014 (đối với trường hợp kê khai theo quý), cơ sở kinh doanh được hoàn thuế GTGT nếu trong 3 kỳ tính thuế liên tục có số thuế GTGT đầu vào chưa khấu trừ hết.

Ví dụ 85: Doanh nghiệp A tháng 5/2013, tháng 6/2013 thực hiện khai thuế theo tháng, đến quý 3/2013 thực hiện khai thuế theo quý thì nếu tháng 5/2013, tháng 6/2013 và quý 3/2013 đều phát sinh số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết thì hết quý 3/2013 doanh nghiệp A được hoàn thuế GTGT.

Ví dụ 86: Doanh nghiệp B tháng 6/2013 thực hiện khai thuế theo tháng, đến quý 3/2013 thực hiện khai thuế theo quý thì nếu tháng 6/2013, quý 3/2013 và quý 4/2013 đều phát sinh số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết thì hết quý 4/2013 doanh nghiệp B được hoàn thuế GTGT.

3. Trường hợp trước kỳ tính thuế tháng 1/2014 (đối với trường hợp kê khai theo tháng) hoặc trước kỳ tính thuế quý 1/2014 (đối với trường hợp kê khai theo quý), các cơ sở kinh doanh đủ điều kiện được hoàn thuế theo hướng dẫn tại Thông tư số 06/2012/TT-BTC ngày 11/01/2012, Thông tư số 65/2013/TT-BTC ngày 17/5/2013 của Bộ Tài chính thì được hoàn thuế GTGT theo hướng dẫn của Thông tư số 06/2012/TT-BTC và Thông tư số 65/2013/TT-BTC nêu trên.

Trường hợp đến hết kỳ tính thuế tháng 12/2013 (đối với trường hợp kê khai theo tháng) hoặc đến hết kỳ tính thuế quý 4/2013 (đối với trường hợp kê khai theo quý), cơ sở kinh doanh chưa đủ 3 kỳ tính thuế liên tục có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết thì số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết không được hoàn của năm 2013 được chuyển tiếp sang năm 2014 để kê khai khấu trừ và áp dụng hoàn thuế theo hướng dẫn tại Khoản 1 Điều 18 Thông tư này.

Ví dụ 87: Doanh nghiệp A có 3 tháng (10/2013, 11/2013, 12/2013) đều phát sinh số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết thì doanh nghiệp A được hoàn thuế GTGT theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 18 Thông tư số 06/2012/TT-BTC ngày 11/1/2012 của Bộ Tài chính.

Ví dụ 88: Doanh nghiệp B trong tháng 10/2013 phát sinh số thuế GTGT phải nộp, tháng 11/2013 và tháng 12/2013 mới có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết, đến hết kỳ tính thuế tháng 12/2013, doanh nghiệp B không đủ điều kiện hoàn thuế GTGT theo hướng dẫn tại Thông tư số 06/2012/TT-BTC thì số thuế GTGT chưa khấu trừ hết của tháng 11, 12/2013 được chuyển tiếp sang năm 2014 để xét hoàn thuế GTGT theo hướng dẫn tại Khoản 1 Điều 18 Thông tư này.

Ví dụ 89: Doanh nghiệp C quý 3/2013 phát sinh số thuế phải nộp, quý 4/2013 có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết thì số thuế GTGT chưa được khấu trừ hết của quý 4/2013 được chuyển tiếp sang năm 2014 để xét hoàn thuế GTGT theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 18 Thông tư này.

4. Đối với hóa đơn GTGT mua hàng hóa là tài sản cố định phát sinh trước ngày 01/01/2014 thì cơ sở kinh doanh thực hiện khấu trừ theo hướng dẫn tại Thông tư số 06/2012/TT-BTC ngày 11/1/2012 và Thông tư số 65/2013/TT-BTC ngày 17/5/2013 của Bộ Tài chính; đối với hóa đơn GTGT mua hàng hóa là tài sản cố định phát sinh kể từ ngày 01/01/2014 thì cơ sở kinh doanh thực hiện khấu trừ theo hướng dẫn tại Thông tư này.

5. Đối với hóa đơn GTGT mua hàng hóa là sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường phát sinh trước ngày 01/01/2014 thì đề nghị Cục thuế yêu cầu các cơ sở kinh doanh thực hiện kê khai tại Bảng kê hàng hóa dịch vụ mua vào theo Tờ khai thuế GTGT của kỳ tính thuế tháng 12 năm 2013 hoặc quý 4 năm 2013 để nộp cho cơ quan thuế theo thời hạn quy định.

Điều 22. Tổ chức thu thuế GTGT

1. Cơ quan Thuế chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện quản lý thu thuế giá trị gia tăng và hoàn thuế GTGT đối với cơ sở kinh doanh.

2. Cơ quan Hải quan chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện quản lý thu thuế GTGT đối với hàng hóa nhập khẩu.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các đơn vị, cơ sở kinh doanh phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để được giải quyết kịp thời./.

XÁC THỰC VĂN BẢN HỢP NHẤT

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Cao Anh Tuấn

PHỤ LỤC

BẢNG DANH MỤC NGÀNH NGHỀ TÍNH THUẾ GTGT THEO TỶ LỆ % TRÊN DOANH THU
(Ban hành kèm theo Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31 ngày 12 tháng 2013 của Bộ Tài chính)

1) Phân phối, cung cấp hàng hóa: tỷ lệ 1%

- Hoạt động bán buôn, bán lẻ các loại hàng hóa (trừ giá trị hàng hóa đại lý bán đúng giá hưởng hoa hồng).

2) Dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu: tỷ lệ 5%

- Dịch vụ lưu trú, kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ;

- Dịch vụ cho thuê nhà, đất, cửa hàng, nhà xưởng, cho thuê tài sản và đồ dùng cá nhân khác;

- Dịch vụ cho thuê kho bãi, máy móc, phương tiện vận tải; Bốc xếp hàng hóa và hoạt động dịch vụ hỗ trợ khác liên quan đến vận tải như kinh doanh bến bãi, bán vé, trông giữ phương tiện;

- Dịch vụ bưu chính, chuyển phát thư tín và bưu kiện;

- Dịch vụ môi giới, đấu giá và hoa hồng đại lý;

- Dịch vụ tư vấn pháp luật, tư vấn tài chính, kế toán, kiểm toán; dịch vụ làm thủ tục hành chính thuế, hải quan;

- Dịch vụ xử lý dữ liệu, cho thuê cổng thông tin, thiết bị công nghệ thông tin, viễn thông;

- Dịch vụ hỗ trợ văn phòng và các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh khác;

- Dịch vụ tắm hơi, massage, karaoke, vũ trường, bi-a, internet, game;

- Dịch vụ may đo, giặt là; Cắt tóc, làm đầu, gội đầu;

- Dịch vụ sửa chữa khác bao gồm: sửa chữa máy vi tính và các đồ dùng gia đình;

- Dịch vụ tư vấn, thiết kế, giám sát thi công xây dựng cơ bản;

- Các dịch vụ khác;

- Xây dựng, lắp đặt không bao thầu nguyên vật liệu (bao gồm cả lắp đặt máy móc, thiết bị công nghiệp).

3) Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu: tỷ lệ 3%

- Sản xuất, gia công, chế biến sản phẩm hàng hóa;

- Khai thác, chế biến khoáng sản;

- Vận tải hàng hóa, vận tải hành khách;

- Dịch vụ kèm theo bán hàng hóa như dịch vụ đào tạo, bảo dưỡng, chuyển giao công nghệ kèm theo bán sản phẩm;

- Dịch vụ ăn uống;

- Dịch vụ sửa chữa và bảo dưỡng máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác;

- Xây dựng, lắp đặt có bao thầu nguyên vật liệu (bao gồm cả lắp đặt máy móc, thiết bị công nghiệp).

4) Hoạt động kinh doanh khác: tỷ lệ 2%

- Hoạt động sản xuất các sản phẩm thuộc đối tượng tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ với mức thuế suất thuế GTGT 5%;

- Hoạt động cung cấp các dịch vụ thuộc đối tượng tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ với mức thuế suất thuế GTGT 5%;

- Các hoạt động khác chưa được liệt kê ở các nhóm 1, 2, 3 nêu trên.



[1] Văn bản này được hợp nhất từ 12 Thông tư sau:

- Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2014;

- Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25 tháng 8 năm 2014 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013, Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013, Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013, Thông tư số 08/2013/TT-BTC ngày 10/01/2013, Thông tư số 85/2011/TT-BTC ngày 17/6/2011, Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 và Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính để cải cách, đơn giản các thủ tục hành chính về thuế, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2014 (Sau đây gọi là Thông tư số 119/2014/TT-BTC);

- Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10 tháng 10 năm 2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 91/2014/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Nghị định quy định về thuế, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 11 năm 2014 (Sau đây gọi là Thông tư số 151/2014/TT-BTC).

- Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27 tháng 02 năm 2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng và quản lý thuế tại Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2015 (Sau đây gọi là Thông tư số 26/2015/TT-BTC).

- Thông tư số 193/2015/TT-BTC ngày 24 tháng 11 năm 2015 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng, có hiệu lực kể từ ngày 10 tháng 01 năm 2016 (Sau đây gọi là Thông tư số 193/2015/TT-BTC).

- Thông tư số 130/2016/TT-BTC ngày 12 tháng 8 năm 2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định số 100/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế và sửa đổi một số điều tại các Thông tư về thuế, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016 (Sau đây gọi là Thông tư số 130/2016/TT-BTC).

- Thông tư số 173/2016/TT-BTC ngày 28 tháng 10 năm 2016 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung khổ thứ nhất khoản 3 Điều 15 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính (đã được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014, Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014, Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài chính), có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 12 năm 2016 (Sau đây gọi là Thông tư số 173/2016/TT-BTC).

- Thông tư 93/2017/TT-BTC ngày 19 tháng 9 năm 2017 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Khoản 3, Khoản 4 Điều 12 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014) và bãi bỏ Khoản 7 Điều 11 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính, có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 11 năm 2017 (Sau đây gọi là Thông tư số 93/2017/TT-BTC).

- Thông tư số 25/2018/TT-BTC ngày 16 tháng 3 năm 2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định số 146/2017/NĐ-CP ngày 15 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ và sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18 tháng 6 năm 2014 của Bộ Tài chính, Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15 tháng 8 năm 2013 của Bộ Tài chính, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2018 (Sau đây gọi là Thông tư số 25/2018/TT-BTC).

- Thông tư số 82/2018/TT-BTC ngày 30 tháng 8 năm 2018 của Bộ Tài chính bãi bỏ nội dung ví dụ 37 quy định tại điểm a.4 Khoản 10 Điều 7 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 10 năm 2018 (Sau đây gọi là Thông tư số 82/2018/TT-BTC).

- Thông tư số 43/2021/TT-BTC ngày 11 tháng 6 năm 2021 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung khoản 11 Điều 10 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng (đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27 tháng 2 năm 2015 của Bộ Tài chính), có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2021 (Sau đây gọi là Thông tư số 43/2021/TT-BTC).

- Thông tư số 13/2023/TT-BTC ngày 28 tháng 02 năm 2023 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 49/2022/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 12/2015/NĐ-CP , Nghị định số 100/2016/NĐ-CP và Nghị định số 146/2017/NĐ-CP và sửa đổi bổ sung Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29 tháng 9 năm 2021 của Bộ Tài chính, có hiệu lực kể từ ngày 14 tháng 4 năm 2023 (sau đây gọi là Thông tư số 13/2023/TT-BTC).

Văn bản hợp nhất này không thay thế 12 Thông tư nêu trên.

[2] Thông tư số 119/2014/TT-BTC có căn cứ ban hành như sau:

Căn cứ Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế số 21/2012/QH13 ngày 20 tháng 11 năm 2012;

Căn cứ Luật Thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12 ngày 03 tháng 6 năm 2008 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng số 31/2013/QH13 ngày 19 tháng 6 năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế;

Căn cứ Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng;

Căn cứ Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010;

Căn cứ Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp;

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế,

Thực hiện cải cách, đơn giản các thủ tục hành chính về thuế, Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn sửa đổi, bổ sung một số nội dung như sau:”

- Thông tư số 151/2014/TT-BTC có căn cứ ban hành như sau:

Căn cứ Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 và Luật số 21/2012/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế;

Căn cứ Luật thuế thu nhập cá nhân số 04/2007/QH12 và Luật số 26/2012/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân;

Căn cứ Luật thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12 và Luật số 31/2013/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng;

Căn cứ Luật thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12 và Luật số 32/2013/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp;

Căn cứ Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế;

Căn cứ Nghị định số 65/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân;

Căn cứ Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng;

Căn cứ Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp;

Căn cứ Nghị định số 91/2014/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Nghị định quy định về thuế;

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế,

Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện quy định tại Nghị định số 91/2014/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Nghị định quy định về thuế như sau:

- Thông tư số 26/2015/TT-BTC có căn cứ ban hành như sau:

Căn cứ Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 và Luật số 21/2012/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế;

Căn cứ Luật thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12 và Luật số 31/2013/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng;

Căn cứ Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế;

Căn cứ Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/1/2014 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ;

Căn cứ Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế;

Căn cứ Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng;

Căn cứ Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/2/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế;

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23/12/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế,

Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện về thuế giá trị gia tăng (GTGT), quản lý thuế và hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ như sau:”

- Thông tư số 193/2015/TT-BTC có căn cứ ban hành như sau:

Căn cứ Luật thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12 ngày 03 tháng 6 năm 2008 và Luật sửa đổi, bổ sung một sđiều của Luật thuế giá trị gia tăng s 31/2013/QH13 ngày 19 tháng 6 năm 2013;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một sđiều của các Luật về thuế số 71/2014/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng;

Căn cứ Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đi, bổ sung một sđiều của các Luật về thuế và sửa đi, bổ sung một sđiều của các Nghị định về thuế;

Căn cứ Nghị định s 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định về chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cu tổ chức Bộ Tài chính;

Thực hiện Nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8 năm 2015 s 62/NQ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế,

Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Thông tư s 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng như sau:

- Thông tư số 130/2016/TT-BTC có căn cứ ban hành như sau:

“Căn cứ Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 và Luật số 21/2012/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế;

Căn cứ Luật thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12 và Luật số 31/2013/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng;

Căn cứ Luật số 106/2016/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế;

Căn cứ Luật thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12 và Luật số 32/2013/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp;

Căn cứ Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế;

Căn cứ Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp;

Căn cứ Nghị định số 100/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế;

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế,

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 100/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế và sửa đổi một số điều tại các Thông tư về thuế như sau:”

- Thông tư số 173/2016/TT-BTC có căn cứ ban hành như sau:

Căn cứ Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 và Luật số 21/2012/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế;

Căn cứ Luật thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12 và Luật số 31/2013/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng; Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế;

n cứ Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật thuế giá trị gia tăng; Nghị định số 91/2014/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Nghị định quy định về thuế;

Căn cứ Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế;

Căn cứ Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế;

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế,

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Thông tư hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng như sau:”

- Thông tư 93/2017/TT-BTC có căn cứ ban hành như sau:

Căn cứ Luật Quản lý thuế s78/2006/QH11 và Luật s21/2012/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế;

Căn cứ Luật thuế giá trị gia tăng s13/2008/QH12 và Luật s31/2013/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng;

Căn cứ Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật thuế giá trị gia tăng; Nghị định số 91/2014/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Nghị định quy định về thuế;

Căn cứ Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế;

Căn cứ Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế;

Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế,

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Khoản 3, Khoản 4 Điều 12 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014) và bãi bỏ Khoản 7 Điều 11 Thông tư số 156/2013/TT-BTC  ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính như sau:

- Thông tư số 25/2018/TT-BTC có căn cứ ban hành như sau:

“Căn cứ Luật chứng khoán số 70/2006/QH11 ngày 29 tháng 6 năm 2006 và Luật số 62/2010/QH12 sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật chứng khoán ngày 24 tháng 11 năm 2010;

“Căn cứ Luật Thuế thu nhập cá nhân số 04/2007/QH12 ngày 21 tháng 11 năm 2007 và Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân số 26/2012/QH13 ngày 22 tháng 11 năm 2012;

Căn cứ Luật doanh nghiệp số 68/2014/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của các Luật về thuế số 71/2014/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật số 106/2016/QH13 ngày 06 tháng 4 năm 2016 sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế;

Căn cứ Nghị định số 65/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 6 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số Điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân;

Căn cứ Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số Điều của các Nghị định về thuế;

Căn cứ Nghị định số 100/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế;

Căn cứ Nghị định số 146/2017/NĐ-CP ngày 15 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 100/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 và Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ;

Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế,

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định số 146/2017/NĐ-CP ngày 15 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ và sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18 tháng 6 năm 2014 của Bộ Tài chính, Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15 tháng 8 năm 2013 của Bộ Tài chính như sau:”

- Thông tư số 82/2018/TT-BTC có căn cứ ban hành như sau:

“Căn cứ Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 và Luật số 21/2012/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế;

Căn cứ Luật thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12 và Luật số 31/2013/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng; Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế;

Căn cứ Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật thuế giá trị gia tăng; Nghị định số 91/2014/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Nghị định quy định về thuế;

Căn cứ Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế;

Căn cứ Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế;

Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế,

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư bãi bỏ nội dung ví dụ 37 quy định tại điểm a.4 Khoản 10 Điều 7 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng:”

- Thông tư số 43/2021/TT-BTC có căn cứ ban hành như sau:

Căn cứ Luật Quản lý thuế ngày 13 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Luật Thuế giá trị gia tăng ngày 03 tháng 6 năm 2008 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng ngày 19 tháng 6 năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 126/2020/NDĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế;

Căn cứ Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng; Nghị định số 91/2014/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Nghị định quy định về thuế;

Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế,

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung khoản 11 Điều 10 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng (đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27 tháng 02 năm 2015 của Bộ Tài chính) như sau:”

- Thông tư số 13/2023/TT-BTC có căn cứ ban hành như sau:

“Căn cứ Luật Thuế giá trị gia tăng ngày 03 tháng 6 năm 2008 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng ngày 19 tháng 6 năm 2013;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế ngày 26 tháng 11 năm 2014 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế ngày 06 tháng 4 năm 2016;

Căn cứ Luật Quản lý thuế ngày 13 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng;

Căn cứ Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế;

Căn cứ Nghị định số 100/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế;

Căn cứ Nghị định số 146/2017/NĐ-CP ngày 15 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 và Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ;

Căn cứ Nghị định số 49/2022/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 12/2015/NĐ-CP , Nghị định số 100/2016/NĐ-CP và Nghị định số 146/2017/NĐ-CP ;

Căn cứ Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế;

Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế,

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định số 49/2022/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 12/2015/NĐ-CP , Nghị định số 100/2016/NĐ-CP và Nghị định số 146/2017/NĐ-CP và sửa đổi bổ sung Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29 tháng 9 năm 2021 của Bộ Tài chính như sau:”

[3] Khoản này được sửa đổi theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC , có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2015.

[4] Khoản này được bổ sung theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC , có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2015.

[5] Điểm này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC , có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2015.

(Điểm này được sửa đổi, bổ sung lần thứ 01 theo quy định tại Điều 8 Thông tư số 151/2014/TT-BTC , có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 11 năm 2014).

[6] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 1 Thông tư số 130/2016/TT-BTC , có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.

[7] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 1 Thông tư số 130/2016/TT-BTC , có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.

[8] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Điều 1 Thông tư số 25/2018/TT-BTC , có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2018.

(Khoản này được sửa đổi, bổ sung lần thứ 01 theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 1 Thông tư số 130/2016/TT-BTC , có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016).

[9] Điểm này được bổ sung theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư số 119/2014/TT-BTC , có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2014.

[10] Điểm này được bổ sung theo quy định tại Điều 1 Thông tư số 193/2015/TT-BTC , có hiệu lực kể từ ngày 10 tháng 01 năm 2016.

[11] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư số 119/2014/TT-BTC , có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2014.

[12] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Thông tư số 13/2023/TT-BTC , có hiệu lực kể từ ngày 14 tháng 4 năm 2023.

(Khoản này được sửa đổi, bổ sung lần thứ 01 theo quy định tại khoản 4 Điều 1, Thông tư số 26/2015/TT-BTC , có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2015; được sửa đổi, bổ sung lần thứ 02 theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Thông tư số 82/2018/TT-BTC , có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 10 năm 2018).

[13] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Thông tư số 13/2023/TT-BTC , có hiệu lực kể từ ngày 14 tháng 4 năm 2023.

[14] Các nội dung quy định về tỷ giá khi xác định doanh thu, giá tính thuế được bãi bỏ theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Thông tư số 26/2015/TT-BTC , có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2015.

[15] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Thông tư số 130/2016/TT-BTC , có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.

(Gạch đầu dòng thứ nhất khoản 3 Điều 9 được sửa đổi, bổ sung lần thứ 01 theo quy định tại khoản 5 Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC , có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2015).

[16] Khoản này được sửa đổi theo quy định tại khoản 6 Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC , có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2015.

[17] Khoản này được bãi bỏ theo quy định tại khoản 7 Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC , có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2015.

[18] Khoản này được bãi bỏ theo quy định tại khoản 7 Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC , có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2015.

[19] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Điều 1 Thông tư số 43/2021/TT-BTC , có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2021.

(Khoản này được sửa đổi, bổ sung lần thứ 01 theo quy định tại khoản 8 Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC , có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2015).

[20] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Thông tư số 119/2014/TT-BTC , có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2014.

[21] Điểm này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Thông tư 93/2017/TT-BTC , có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 11 năm 2017.

(Điểm này được sửa đổi, bổ sung lần thứ 01 theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Thông tư số 119/2014/TT-BTC , có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2014).

[22] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Thông tư số 119/2014/TT-BTC , có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2014.

[23] Điểm này được bãi bỏ theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Thông tư 93/2017/TT-BTC , có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 11 năm 2017

(Điểm này được sửa đổi, bổ sung lần thứ 01 theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Thông tư số 119/2014/TT-BTC , có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2014).

[24] Khoản này được sửa đổi theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Thông tư số 119/2014/TT-BTC , có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2014.

[25] Khoản này được sửa đổi theo quy định tại điểm a khoản 9 Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC , có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2015.

[26] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Điều 9 Thông tư số 151/2014/TT-BTC , có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 11 năm 2014.

[27] Ví dụ này được bổ sung theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Thông tư số 119/2014/TT-BTC , có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2014.

[28] Khoản này được bổ sung theo quy định tại điểm b khoản 9 Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC , có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2015.

[29] Điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 10 Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC , có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2015.

(Khổ đầu khoản 3, điểm c khoản 3, điểm c khoản 4 Điều này được sửa đổi bổ sung lần thứ 01 theo quy định tại khoản 6 Điều 3 Thông tư số 119/2014/TT-BTC , có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2014; điểm c khoản 3 Điều này được sửa đổi, bổ sung lần thứ 02 theo quy định tại Điều 10 Thông tư số 151/2014/TT-BTC , có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 11 năm 2014).

[30] Khổ này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Điều 1 Thông tư số 173/2016/TT-BTC , có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 12 năm 2016.

(Khổ này được sửa đổi, bổ sung lần thứ 01 theo quy định tại điểm b khoản 6 Điều 3 Thông tư số 119/2014/TT-BTC , có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2014; được sửa đổi, bổ sung lần thứ 02 theo quy định tại khoản 10 Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC , có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2015).

[31] Điểm này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 11 Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC , có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2015.

[32] Khoản này được sửa đổi theo quy định tại khoản 7 Điều 3 Thông tư số 119/2014/TT-BTC , có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2014.

[33] Điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Thông tư số 130/2016/TT-BTC , có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.

(Khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều này được sửa đổi, bổ sung lần thứ 01 theo quy định tại khoản 12 Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC , có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2015).

[34] Khoản này được thay thế theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Thông tư số 13/2023/TT-BTC , có hiệu lực kể từ ngày 14 tháng 4 năm 2023.

Quy định về hoàn thuế giá trị gia tăng đối với dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được áp dụng kể từ ngày Nghị định số 100/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ có hiệu lực thi hành theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định số 49/2022/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2022 của Chính phủ theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư số 13/2023/TT-BTC .

[35] Khoản này được thay thế theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Thông tư số 13/2023/TT-BTC , có hiệu lực kể từ ngày 14 tháng 4 năm 2023.

[36] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Điều 2 Thông tư số 25/2018/TT-BTC , có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2018.

(Khoản này được sửa đổi, bổ sung lần thứ 01 theo quy định tại điểm b khoản 12 Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC , có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2015; được sửa đổi, bổ sung lần thứ 02 theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Thông tư số 130/2016/TT-BTC , có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016).

[37] Điều 7 Thông tư số 119/2014/TT-BTC , có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2014 quy định như sau:

Điều 7. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 9 năm 2014.

Đối với những trường hợp thực hiện thủ tục, biểu mẫu theo các Thông tư quy định tại khoản 2 Điều này mà doanh nghiệp cần thời gian chuẩn bị thì doanh nghiệp được chủ động lựa chọn thủ tục, biểu mẫu theo quy định hiện hành và theo quy định sửa đổi, bổ sung để tiếp tục thực hiện đến hết 31/10/2014 mà không cần thông báo, đăng ký với cơ quan thuế. Tổng cục Thuế có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể việc thực hiện quy định này.

2. Bãi bỏ các hướng dẫn, mẫu biểu tại các Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013, Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013, Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013, Thông tư số 08/2013/TT-BTC ngày 10/01/2013, Thông tư số 85/2011/TT-BTC ngày 17/6/2011, Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 và Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính đã được sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ tại Thông tư này.

3. Các thủ tục hành chính về thuế khác không được hướng dẫn tại Thông tư này tiếp tục thực hiện theo các văn bản pháp luật hiện hành.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các đơn vị, cơ sở kinh doanh phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để được nghiên cứu giải quyết./.”

- Điều 22, Điều 24, Điều 25 Thông tư số 151/2014/TT-BTC , có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 11 năm 2014 quy định như sau:

Điều 22. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 11 năm 2014.

Riêng quy định tại Chương I Thông tư này áp dụng cho kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp từ năm 2014.

Điều 24. Tạm thời chưa thực hiện truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp (bao gồm cả trường hợp đã ban hành Quyết định xử lý truy thu thuế hoặc doanh nghiệp đang trong thời gian xử lý khiếu nại) đối với các cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường nhưng chưa đáp ứng theo Danh mục chi tiết các loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn của các cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường do Thủ tướng Chính phủ quy định cho đến khi có hướng dẫn mới của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Điều 25. Trách nhiệm thi hành

1. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện đúng theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính.

2. Cơ quan thuế các cấp có trách nhiệm phổ biến, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện theo nội dung Thông tư này.

3. Tổ chức thuộc đối tượng điều chỉnh của Thông tư này thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu giải quyết./.”

- Điều 4, Điều 5 Thông tư số 26/2015/TT-BTC , có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2015 quy định như sau:

“Điều 4. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày Luật số 71/2014/QH13 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 của Chính phủ quy chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế có hiệu lực thi hành.

2. Đối với hợp đồng mua máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp ký trước ngày có hiệu lực áp dụng của Luật số 71/2014/QH13 (các loại máy quy định tại Khoản 11 Điều 10 Thông tư số 219/2013/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 2 Điều 1 Thông tư này) nhưng thời điểm chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng sau ngày Luật số 71/2014/QH13 có hiệu lực áp dụng thì các bên thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 1 Thông tư này.

3. Đối với hợp đồng đóng tàu đánh bắt xa bờ được ký trước ngày 01/01/2015 theo giá đã có thuế GTGT nhưng đến thời điểm ngày 31/12/2014 chưa hoàn thành, bàn giao mà thời điểm hoàn thành, bàn giao thực tế sau ngày 01/01/2015 thì toàn bộ giá trị tàu đánh bắt xa bờ thực hiện theo hướng dẫn tại Khoản 2 Điều 1 Thông tư này.

4. Bãi bỏ các nội dung liên quan đến Bảng kê hóa đơn, chứng từ hàng hóa, dịch vụ mua vào, bán ra và các nội dung quy định về tỷ giá khi xác định doanh thu, giá tính thuế tại:

- Thông tư số 05/2012/TT-BTC ngày 05/01/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 26/2009/NĐ-CP ngày 16/3/2009 và Nghị định số 113/2011/NĐ-CP ngày 08/12/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt.

- Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng

- Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 của Chính phủ.

- Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013, Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013, Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013, Thông tư số 08/2013/TT-BTC ngày 10/01/2013, Thông tư số 85/2011/TT-BTC ngày 17/6/2011, Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 và Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính để cải cách, đơn giản các thủ tục hành chính về thuế.

5. Đối với các hồ sơ Thông báo miễn, giảm thuế theo Hiệp định đã được nộp cho cơ quan thuế trước Thông tư này có hiệu lực thi hành, đại lý của hãng vận tải nước ngoài tại Việt Nam hoặc văn phòng đại diện của hãng vận tải nước ngoài thực hiện lưu trữ các hồ sơ, tài liệu, chứng từ theo quy định tại Thông tư này.

6. Trong quá trình thực hiện, nếu các văn bản liên quan đề cập tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo văn bản mới được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.”

Điều 5. Trách nhiệm thi hành

1. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện đúng theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính.

2. Cơ quan thuế các cấp có trách nhiệm phổ biến, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện theo nội dung Thông tư này.

3. Tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng điều chỉnh của Thông tư này thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu giải quyết./.

- Điều 2 Thông tư số 193/2015/TT-BTC , có hiệu lực kể từ ngày 10 tháng 01 năm 2016 quy định như sau:

“Điều 2. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 10 tháng 01 năm 2016.

2. Tổ chức, doanh nghiệp nhận được các khoản thù lao từ hoạt động thu hộ, chi hộ cơ quan nhà nước trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thì thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, doanh nghiệp phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) để nghiên cứu giải quyết./.”

- Điều 6 và Điều 7 Thông tư số 130/2016/TT-BTC , có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016 quy định như sau:

“Điều 6. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày Luật số 106/2016/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế và Nghị định số 100/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế có hiệu lực thi hành, trừ Khoản 2 Điều này.

2. Điều 4 của Thông tư này áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2016.

Điều 7. Trách nhiệm thi hành

1. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện đúng theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính.

2. Cơ quan thuế các cấp có trách nhiệm phổ biến, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện theo nội dung Thông tư này.

3. Tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng điều chỉnh của Thông tư này thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu giải quyết./.”

- Điều 2 Thông tư số 173/2016/TT-BTC , có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 12 năm 2016 quy định như sau:

“Điều 2.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 12 năm 2016.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu giải quyết./.

- Điều 3 Thông tư 93/2017/TT-BTC , có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 11 năm 2017 quy định như sau:

Điều 3. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05 tháng 11 năm 2017.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu giải quyết./.”

- Điều 5 Thông tư số 25/2018/TT-BTC , có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2018 quy định như sau:

Điều 5. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2018.

2. Các trường hợp phát sinh từ ngày 01/02/2018, chịu sự Điều chỉnh của Nghị định 146/2017/NĐ-CP được thực hiện theo quy định tại Nghị định 146/2017/NĐ-CP và hướng dẫn tại Điều 1, Điều 2, Khoản 2, 3, 4 Điều 3 Thông tư này.

3. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu giải quyết./.”

- Điều 2 Thông tư số 82/2018/TT-BTC , có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 10 năm 2018 quy định như sau:

Điều 2.

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 10 năm 2018.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu giải quyết./.”

- Điều 2 Thông tư số 43/2021/TT-BTC, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2021 quy định như sau:

“Điều 2. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2021.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu giải quyết./.”

- Điều 3 Thông tư số 13/2023/TT-BTC , có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14 tháng 4 năm 2023 quy định như sau:

Điều 3. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 14 tháng 4 năm 2023.

2. Quy định về hoàn thuế giá trị gia tăng đối với dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại khoản 3 Điều 1 Thông tư này được áp dụng kể từ ngày Nghị định số 100/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ có hiệu lực thi hành theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định số 49/2022/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2022 của Chính phủ.

Trường hợp cơ sở kinh doanh thuộc đối tượng điều chỉnh tiền thuế giá trị gia tăng, tiền chậm nộp, tiền phạt vi phạm hành chính về thuế (nếu có) theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định số 49/2022/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2022 của Chính phủ thì việc điều chỉnh thực hiện như sau:

a) Trường hợp cơ quan thuế đã ban hành quyết định thu hồi tiền hoàn thuế, tính tiền chậm nộp và xử phạt vi phạm hành chính về thuế thì cơ quan thuế ra quyết định điều chỉnh theo Mẫu quyết định số 38 ban hành kèm theo Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ. Trường hợp cơ sở kinh doanh đã khai bổ sung số thuế giá trị gia tăng thu hồi hoàn thì cơ sở kinh doanh và cơ quan thuế thực hiện theo Mẫu số 02/KTT ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29 tháng 9 năm 2021 của Bộ Tài chính để điều chỉnh lại số tiền thuế giá trị gia tăng thu hồi hoàn, tiền chậm nộp.

b) Số tiền thuế giá trị gia tăng đã bị thu hồi hoàn (bao gồm trường hợp cơ sở kinh doanh chưa bù trừ số thuế giá trị gia tăng bị thu hồi hoàn với số thuế giá trị gia tăng phải nộp phát sinh của hoạt động sản xuất kinh doanh và trường hợp cơ sở kinh doanh đã bù trừ số thuế giá trị gia tăng bị thu hồi hoàn với số thuế giá trị gia tăng phải nộp phát sinh của hoạt động sản xuất kinh doanh), số tiền chậm nộp, tiền phạt vi phạm hành chính về thuế (nếu có) đã nộp vào ngân sách nhà nước trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành được xử lý theo quy định tại Điều 25 và Mục 2 Chương V Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29 tháng 9 năm 2021 của Bộ Tài chính. Trường hợp hoàn trả số tiền thuế giá trị gia tăng bị thu hồi hoàn nộp thừa sau khi đã xử lý số tiền thuế giá trị gia tăng bị thu hồi hoàn theo quy định tại điểm này được thực hiện từ nguồn kinh phí hoàn thuế giá trị gia tăng.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các đơn vị, cơ sở kinh doanh phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để được giải quyết kịp thời./.”

THE MINISTRY OF FINANCE OF VIETNAM
--------

THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom – Happiness
-----------

No. 1/VBHN-BTC

Hanoi, January 04, 2024

 

CIRCULAR [1]

GUIDELINES FOR IMPLEMENTATION OF LAW ON VALUE-ADDED TAX AND GOVERNMENT’S DECREE NO. 209/2013/ND-CP DATED DECEMBER 18, 2013 ELABORATING AND PROVIDING GUIDELINES FOR LAW ON VALUE-ADDED TAX

The Circular No. 219/2013/TT-BTC dated December 31, 2013 of the Ministry of Finance of Vietnam providing guidelines for the Law on Value-added tax and the Government’s Decree No. 209/2013/ND-CP dated December 18, 2013 elaborating and providing guidelines for the Law on Value-added tax, coming into force from January 01, 2014, is amended by:

1. The Circular No. 119/2014/TT-BTC dated August 25, 2014 of the Ministry of Finance of Vietnam providing amendments to the Circular No. 156/2013/TT-BTC dated November 06, 2013, Circular No. 111/2013/TT-BTC dated August 15, 2013, Circular No. 219/2013/TT-BTC dated December 31, 2013, Circular No. 08/2013/TT-BTC dated January 10, 2013, Circular No. 85/2011/TT-BTC dated June 17, 2011, Circular No. 39/2014/TT-BTC dated March 31, 2014 and Circular No. 78/2014/TT-BTC dated June 18, 2014 of the Ministry of Finance of Vietnam for reform and simplification of tax-related administrative procedures, coming into force from September 01, 2014.

2. Pursuant to Circular No. 151/2014/TT-BTC dated October 10, 2014 of the Ministry of Finance of Vietnam providing guidelines for the Government's Decree No. 91/2014/ND-CP dated October 01, 2014 providing amendments to Decrees on taxation, coming into force from November 15, 2014.

3. The Circular No. 26/2015/TT-BTC dated February 27, 2015 of the Ministry of Finance of Vietnam providing guidelines for value-added tax and tax administration under the Government's Decree No. 12/2015/ND-CP dated February 12, 2015 providing guidelines for the Law on amendments to laws and decrees on taxation, and amendments to the Circular No. 39/2014/TT-BTC dated March 31, 2014 of the Ministry of Finance of Vietnam on invoices for goods sale and service provision, coming into force from January 01, 2015.

4. The Circular No. 193/2015/TT-BTC dated November 24, 2015 of the Ministry of Finance of Vietnam providing amendments to the Circular No. 219/2013/TT-BTC dated December 31, 2013 of the Ministry of Finance of Vietnam providing guidelines for the Law on Value-added tax and the Government’s Decree No. 209/2013/ND-CP dated December 18, 2013 elaborating and providing guidelines for the Law on Value-added tax, coming into force from January 10, 2016.

5. The Circular No. 130/2016/TT-BTC dated August 12, 2016 of the Ministry of Finance of Vietnam providing guidelines for the Government’s Decree No. 100/2016/ND-CP dated July 01, 2016 elaborating the Law on amendments to the Law on Value-added tax, the Law on Excise Tax and the Law on Tax Administration and some Circulars on taxation, coming into force from July 01, 2016.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



7. The Circular No. 93/2017/TT-BTC dated September 19, 2017 of the Ministry of Finance of Vietnam providing amendments to Clauses 3, 4 Article 12 of the Circular No. 219/2013/TT-BTC dated December 31, 2013 (as amended by the Circular No. 119/2014/TT-BTC dated August 25, 2014) and abrogating clause 7 Article 11 of the Circular No. 156/2013/TT-BTC dated November 06, 2013 of the Ministry of Finance of Vietnam, coming into force from November 05, 2017.

8. The Circular No. 25/2018/TT-BTC dated March 16, 2018 of the Ministry of Finance of Vietnam providing guidelines for the Government’s Decree No. 146/2017/ND-CP dated December 15, 2017 providing amendments to the Circular No. 78/2014/TT-BTC dated June 18, 2014 of the Ministry of Finance of Vietnam, and the Circular No. 111/2013/TT-BTC dated August 15, 2013 of the Ministry of Finance of Vietnam, coming into force from May 01, 2018.

9. The Circular No. 82/2018/TT-BTC dated August 30, 2018 of the Ministry of Finance of Vietnam abrogating contents of example 37 in point a.4 clause 10 Article 7 of the Circular No. 219/2013/TT-BTC dated December 31, 2013 of the Ministry of Finance of Vietnam providing guidelines for the Law on Value-added tax and the Government’s Decree No. 209/2013/ND-CP dated December 18, 2013 elaborating and providing guidelines for the Law on Value-added tax, coming into force from October 15, 2018.

10. The Circular No. 43/2021/TT-BTC dated June 11, 2021 of the Ministry of Finance of Vietnam providing amendments to clause 11 Article 10 of the Circular No. 219/2013/TT-BTC dated December 31, 2013 of the Ministry of Finance of Vietnam providing guidelines for the Law on Value-added tax and the Government’s Decree No. 209/2013/ND-CP dated December 18, 2013 elaborating and providing guidelines for the Law on Value-added tax (as amended by the Circular No. 26/2015/TT-BTC dated February 27, 2015 of the Ministry of Finance of Vietnam), coming into force from August 01, 2021.

11. The Circular No. 13/2023/TT-BTC dated February 28, 2023 of the Ministry of Finance of Vietnam providing guidelines for the Government's Decree No. 49/2022/ND-CP dated July 29, 2022 providing amendments to the Government’s Decree No. 209/2013/ND-CP dated December 18, 2013 elaborating and providing guidelines for some Articles of the Law on Value-added tax, as amended by the Decree No. 12/2015/ND-CP, Decree No. 100/2016/ND-CP and Decree No. 146/2017/ND-CP, and providing amendments to the Circular No. 80/2021/TT-BTC dated September 29, 2021 of the Ministry of Finance of Vietnam, coming into force from April 14, 2023.

Pursuant to the Law on value-added tax No. 13/2008/QH12 dated June 03, 2008 and the Law No. 31/2013/QH13 dated June 19, 2013 providing amendments to the Law on value-added tax;

Pursuant to the Law on tax administration No. 78/2006/QH11 dated November 29, 2006 and the Law No. 21/2012/QH13 dated November 20, 2012 providing amendments to the Law on tax administration;

Pursuant to the Government’s Decree No. 209/2013/ND-CP dated December 18, 2013 elaborating and providing guidelines for the Law on Value-added Tax;

Pursuant to the Government’s Decree No. 118/2008/ND-CP dated November 27, 2008 defining functions, tasks, powers and organizational structure of the Ministry of Finance of Vietnam;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



The Minister of Finance of Vietnam herein provides the following guidelines for value-added Tax:[2]

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1. Scope

This Circular provides guidelines for taxable objects, non-taxable objects, taxpayers, calculation basis and methods, deduction, refund and authorities in charge of collecting value-added tax.

Article 2. Taxable objects

Objects subject to value-added tax (VAT) (hereinafter referred to as taxable objects) are goods and services used for production, trading, and consumption in Vietnam (including those purchased from overseas organizations and individuals), except for non-taxable objects specified in Article 4 of this Circular.

Article 3. Taxpayers

Payers of VAT are organizations and individuals that manufacture and/or trade in taxable objects in Vietnam, regardless of their lines and forms of business (hereinafter referred to as “business establishments”), and organizations and individuals that import goods or purchase services from abroad (hereinafter referred to as “importers”), including:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Business organizations of political organizations, socio-political organizations, social organizations, socio-professional organizations, people’s armed forces, public service organizations, and other organizations;

3. Foreign-invested enterprises and foreign parties engaging in business cooperation under the Law on Foreign Investment in Vietnam (currently, the Law on Investment); foreign organizations and individuals that do business in Vietnam without establishing legal entities in Vietnam;

4. Individuals, households, independent groups of businesspeople, and other entities that engage in manufacturing, trading, or importation;

5. Vietnam-based production and business organizations and individuals that purchase services (including services associated with goods) from foreign organizations that do not have permanent establishments in Vietnam or overseas individuals who are non-residents in Vietnam shall be VAT payers, unless they are not required to declare, calculate and pay VAT as prescribed in Clause 2 Article 5 of this Circular.

Foregoing permanent establishments and non-residents shall be defined in accordance with the Law on Corporate Income Tax and the Law on Personal Income Tax.

6. Branches of export processing enterprises that are established to trade goods and do the tasks related to goods trading in Vietnam in accordance with laws on industrial parks, export-processing zones, and economic zones.

Example 1: Sanko Co., Ltd. is an export processing enterprise. Apart from manufacturing of goods for exportation, Sanko Co., Ltd. is also licensed to import goods for sale or for exportation, and Sanko Co., Ltd. must establish a branch to do this task. This branch shall independently keep accounting records, separately declare and pay VAT on such task instead of including it in VAT on manufacturing for exportation.

When importing goods for distribution (sale), the branch of Sanko Sanko Co., Ltd. shall declare and pay VAT on the importation and on each sale (including exportation). Sanko Sanko Co., Ltd. shall use invoices, declare and pay VAT as prescribed.

Article 4. Non-taxable objects

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Preprocessed products are those that have only been cleaned, dried, husked, grinded, milled, threshed, split, cut, salted, put in cold storage (cooled or frozen), preserved with sulfur dioxide, sulfur solution, or other solutions, and other common means of preservation.

Example 2: Company A signs a contract to raise pigs with company B, under which company B provides studs, feeds, veterinary medicines for company A and company A provides, sells pig products to company B. The payment for pig breeding paid by company B and the pig products sold by company A to company B are not subject to VAT.

With regard to pig products received by company B from company A: Whole pigs or fresh meat sold by company B are not subject to VAT; If company B further processes pigs into products such as sausage, bacon, grilled chopped meat, or other finished products, they shall be subject to VAT as prescribed.

2. Breeds of livestock, plant varieties, including eggs, breeds, seeds, stems, tubers, semen, embryos, genetic materials that are raised, imported, and traded. The breeds of livestock and plant varieties that are not subject to VAT are the products of the importers and traders that have the certificates of registration of animal breed or plant variety trading issued by regulatory bodies. The animal breeds and plant varieties that apply quality standards of the state must satisfy the requirements imposed by the state.

3. Irrigation services, plowing services, dredging channels, dredging in-field trenches serving agricultural production; harvesting services.

3a.[4] Fertilizers are organic and inorganic fertilizers such as phosphate fertilizers, nitrogenous fertilizer (urea), NPK fertilizer, mixed urea, potash; biofertilizers and other fertilizers;

Feeds for livestock, poultry, fish, and other animals (hereinafter referred to as “animal feeds”), including processed or unprocessed products such as mash, dregs, oil cakes, fish meal, bone meal, shrimp meal, and other types of animal feeds, animal feed additives (such as premix, active ingredients, and carriers) prescribed in Clause 1 Article 3 of the Government's Decree No. 08/2010/ND-CP dated February 05, 2010 on management of animal feeds, Clause 2 and Clause 3 Article 1 of Circular No. 50/2014/TT-BNNPTNT dated December 24, 2014 of the Ministry of Agriculture and Rural Development;

Offshore fishing ships are ships ≥ 90CV and engaged in fishing or logistics services serving fishing; machinery and specialized equipment serving extraction and preservation of products on fishing ships ≥ 90CV engaged in fishing or logistics services serving fishing;

Machinery and specialized equipment serving agricultural production, including: tractor; harrowing machine; milling machine; sowing machine; rootdozer; field leveling device; seeding machine; transplanter; sugarcane planting machine; rice-sowing machine; tiller, cultipacker, fertilizer spreader, pesticide sprayers; machine for harvesting rice, corn, sugarcane, coffee, cotton; machine for harvesting tubers, fruits, roots; tea-cutting machine, tea-picking machines; threshing machine; corn peeling machine; soybean crusher; peanut huller; coffee huller, equipment for preparing coffee, wet rice; dryer for agricultural products (rice, corn, coffee, pepper, cashew nut, etc.), and aquaculture products; machine for collecting, loading sugarcane, straw on the field; machine for egg incubating and hatching; forage harvester; straw, grass baler; milking machine, and other specialized machines.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5. State-owned houses sold to tenants.

6. Transfer of land use rights.

7. Life insurance, health insurance, learner’s insurance, other insurance services related to humans; insurance for livestock, plants and other agriculture insurance services; insurance for ships and instruments for fishing; reinsurance.

8. The finance, banking, and securities services below:

a)[5] Credit extension services, including:

- Lending;

- Discounting and rediscounting of negotiable instruments and other financial instruments;

- Bank guarantee;

- Finance lease;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Where a credit institution collects fees for issuance of credit cards, the fees collected from the clients that are part of the credit extension process (card issuance fee) according to the regulations on granting loan of the credit institution such as fee for early repayment, penalties for late repayment, fee for debt restructuring, fee for loan management, and other fees that are part of the credit extension process are not subject to VAT.

The fees related to common card transactions that are not part of the credit extension process such as fee for reissuance of PINs, fee for provision of invoice copies, claiming fee, fee for card replacement, fee for card destruction, fee for card conversion, and other fees are subject to VAT.

- Domestic and international factoring for the banks allow to process international payments;

- Revenue from liquidation of collateral by a credit institution or law enforcement authority or by the borrowers themselves with authority of the loaner to repay secured loans. To be specific:

+ Collateral that may be sold is assets of a secured transaction registered with a competent authority in accordance with regulations of law on registration of secured transactions.

+ Collateral shall be settled in accordance with regulations of law on secured transactions.

If the owner of the collateral defaults on the debt and has to transfer the collateral to a credit institution for settlement, both parties must follow the prescribed procedure for transferring collateral and are not required to issue VAT invoices.

Where the credit institution takes the collateral to clear debt, credit institution shall record an increase in the value of business assets. When the credit institution sells the assets, VAT must be declared and paid if it is subject to VAT.

Example 3: In March 2015, company A, which pays VAT using credit-invoice method, pledges its machinery and equipment as collateral to take a loan at bank B, which is due in one year (the deadline is March 31, 2016). On March 31, 2016, company A defaults on the loan and has to transfer the collateral to bank B. Company A is not required to issue invoices when transferring the collateral to bank B. When Bank B sells the collateral to recover the debt, the sold collateral is not subject to VAT.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Information provision services provided by the units and organizations affiliated to the State bank for credit institutions to use for credit extension in accordance with the Law on the State Bank.

Example 4: X is a unit of the State bank and is allowed by the State bank to provide credit information. In 2014, X signs contracts to provide information for some commercial banks to serve their credit extension and other activities. The revenue from provision of credit information serving credit extension is not subject to VAT; the revenue from provision of credit information serving other activities of the commercial banks beyond the Law on the State Bank is subject to 10% VAT.

- Other types of credit extension prescribed by law.

b) Separate loans that are not a business and irregularly given by taxpayers that are not credit institutions.

Example 5: Joint-stock company VC has idle money and signs a 6-month loan contract with company T and receives an interest. Such interest is not subject to VAT.

c) Securities trading services, including: securities brokerage, proprietary trading, underwriting, securities investment consultancy, depositing, management of securities investment funds, management of securities investment companies, management of securities investment portfolios, market organization services provided by stock exchanges or securities trading centers, services related to securities registered or deposited at Vietnam Securities Depository, grant of loans to customers for conducting margin trading, advance payment for securities sold, and other securities trading activities as prescribed in the Law on securities.

Information provision, auctions of shares of issuers, technical support for online transactions of Stock Exchanges.

d) Capital transfer, including transfer of a part of or the whole of capital invested in another business entity (whether or not a new legal entity is established), securities transfer, transfer of the rights to contribute capital, and other forms of capital transfer as prescribed by law, including business acquisition in which the acquirer inherits all rights and obligations of the acquired company as prescribed by law.

Example 6: In April 2014, company A contributes capital in the form of machinery and equipment to the creation of joint-stock company B. The company A’s contribution is valued at 2.5 billion dong, which is equal to 25% of company B’s total capital. In November 2014, company A sells this capital contribution to ABB Foundation for 4 billion dong. This amount of 4 billion dong is revenue from capital transfer and not subject to VAT.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



e) Foreign currency trading;

g) Derivative financial services include: interest rate swaps; forward contracts; futures contracts; foreign-exchange options; other derivative financial services prescribed by law;

h) Selling collateral put up by the wholly state-owned organizations established by the Government to settle bad debts of Vietnamese credit institutions.

9.[6] Medical and veterinary services, including the examination, treatment and prevention of diseases for human and animals, birth control, convalescence and rehabilitation for patients, caring for the elderly and disabled, patient transportation, medical facilities’ sickbed and sickroom for rent; testing, radiography; blood and blood products for patients.

Caring for the elderly and disabled includes health care, nutrition care, cultural activities, sports, entertainment, physical therapy and rehabilitation for the elderly and disabled.

The revenue from medicines included in a service package (as per regulations of the Ministry of Health) is not subjected to VAT.

10. Public postal and telecommunications services, and public Internet services provided by the government, postal and telecommunications services from abroad (inbound).

11. Maintenance services of zoos, flower gardens, parks, street greeneries and public lighting systems; funeral services. The services mentioned in this Clause do not depend on the source of payment. To be specific:

a) Maintenance of zoos, flower gardens, parks, street greeneries, and state-owned forests include management, tree planting and cultivation, protection of animals in the parks, zoos, public areas, national forests and national parks;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Funeral services provided by the business establishments licensed to provide funeral services include funeral parlor and car rental service, burial service, cremation service, grave move service, and grave care service.

12. Maintenance, repair, and construction funded by the people (including contributions and sponsorships), humanitarian aid for cultural and artistic works, public works, infrastructure, and housing for beneficiaries of incentive policies.

When a source of funding other than people’s contribution or humanitarian aid is used that does not exceed 50% of the total investment in the work, the value of the whole work is not subject to tax.

When a source of funding other than people’s contribution or humanitarian aid is used that exceeds 50% of the total investment in the work, the value of the whole work is subject to VAT.

Social policy beneficiaries include: People with meritorious services under the law on people with meritorious services; social protection beneficiaries whose allowances are derived from state budget; people classified as poor or living just above the poverty line; and other cases provided for by law.

13. Education and vocational training as prescribed by law, including foreign language training, artistic training, sports training, nursing, children’s nursing, and training of other professions in order to raise extend education, improve professional knowledge and skills.

The revenues from meal, student transport collected by educational institutions from preschool to high school are not subject to tax.

Revenues from boarding school services; revenues from training (including the case where the examinations and issuance of qualifications are part of the training course) are not subject to VAT. If the training institution only organizes the examinations and issues qualifications that are part of the training course without running the course, the examinations and issuance of qualifications are also not subject to tax. The examinations and issuance of qualifications beyond the training course are subject to VAT.

Example 7: Training center X is appointed by a competent authority to provide training and issue qualifications in insurance agent. Center X appoints Y to provide the training while center X only holds the examinations and issues the qualification in insurance agent. The examinations and issuance of qualifications are not subject to VAT.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



15. Publishing, importing newspapers, magazines, specialist newsletters, political books, textbooks, teaching materials, law books, scientific books, books using languages of ethnic minorities, propagation pictures, including those in the form of audio and video discs/tapes, electronic data; money and money printing.

Newspapers, magazines and specialized newsletters, including transmission of pages of newspapers, magazines and specialized newsletters.

Political books being the books that propagate the political orientation of the Communist Party and the state to serve political objectives and anniversaries; the books that encourage good deeds; the books that contain speeches and theoretical researches of leaders of the Communist Party and the State.

Textbooks being the books used for teaching and learning from preschool to high school (including books for reference that are conformable with school programs).

Teaching materials being the books used for teaching and learning in universities, colleges, junior colleges, and vocational schools.

Law books are the books that contain legislative documents of the State.

Scientific books being the books used for introducing scientific and technological knowledge related to manufacturing and branches of science.

The books using languages of ethnic minorities, including bilingual books using commonly used languages and languages of ethnic minorities.

Propagation pictures, photos, posters, leaftlets and brochures being those serving propagation, slogans and pictures of leaders, the Communist Party flag, the National flag, the flag of the Youth League and the flag of the Young Pioneers League.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



17. Goods that cannot be manufactured in Vietnam and must be imported, including:

a) Imported machinery, equipment, parts, and supplies serving scientific research and technological development;

b) Imported machinery, equipment, parts, specialized vehicles and supplies serving petroleum exploration and extraction and oil field development;

c) Aircrafts (including engines), oil rigs and ships that cannot be manufactured in Vietnam and are imported as fixed assets of enterprises or leased from a foreign party to serve manufacturing, trading, or to sublease.

The importer must present the customs authority with the documents about customs procedure, customs supervision and inspection, export and import duties, and administration of tax on exported and imported goods prescribed by the Ministry of Finance to determine whether the goods referred to in this Clause are subject to VAT at the stage of importation.

The Ministry of Planning and Investment shall compile a list of machinery, equipment, parts, supplies serving scientific research and technology development that can be manufactured in Vietnam, a list of machinery, equipment, parts, and specialized vehicles serving petroleum exploration and extraction and oil field development that can be manufactured in Vietnam, and a list of aircraft, oil rigs, and ships that can be manufactured in Vietnam as the basis for identifying those that cannot be manufactured in Vietnam and need importing.

18. Weapons and specialized vehicles serving national defense and security.

a) The weapons and specialized vehicles serving national defense and security enumerated in the list compiled by the Ministry of Finance in cooperation with the Ministry of National Defense and the Ministry of Public Security.

The weapons and specialized vehicles serving national defense and security that are not subject to VAT must be finished products, or parts, packages used for assembling finished products. If the weapons and specialized vehicles must be repaired, the repair services provided by the companies affiliated to the Ministry of National Defense and the Ministry of Public Security are not subject to VAT.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



The procedure and documentation for imported weapons and vehicles are not subject to VAT during importation according to regulations of the Ministry of Finance on customs procedure, customs supervision and inspection, export and import duties, and administration of tax on exported and imported goods.

19. Imported goods, goods/services sold to other organizations and individuals as humanitarian aid or non-refundable aid in the following cases:

a) Goods imported as humanitarian aid or non-refundable aid must be certified by the Ministry of Finance or a Department of Finance;

b) Gifts for regulatory bodies, political organizations, socio-political organizations, socio-political-professional organizations, social organizations, socio-professional organizations, and the people’s armed forces prescribed by the law on gifts;

c) Gifts for individuals in Vietnam prescribed by the law on gifts;

d) Belongings of foreign entities provided with diplomatic immunity prescribed by the law on diplomatic immunity; belongings brought to Vietnam by Vietnamese people residing overseas;

dd) Belongings in luggage within tax-free allowance;

The limit on tax-free imported goods is specified in the Law on Export and Import Duties and its guiding documents.

Imported goods of the entities provided with diplomatic immunity are not subject to VAT. Any entity granted diplomatic immunity that purchases goods/services in Vietnam at VAT-inclusive prices may claim a refund according to Clause 7 Article 18 of this Circular.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



e) Goods and the goods/services sold to other organizations and individuals as humanitarian aid or non-refundable aid for Vietnam.

In order to be exempt from VAT, the international organization and or foreigner that buys goods/services in Vietnam as humanitarian aid and non-refundable aid must send a note to the seller, which specifies their name, the quantity or value of purchased goods, and bears certification of the aid by the Ministry of Finance and a Department of Finance.

When selling goods, the seller must issue an invoice specifying that the goods are sold at VAT-exclusive prices to a foreign entity as non-refundable aid or humanitarian aid, keep the aforesaid note as an evidence when declaring tax. Any foreign entity or international organization that purchases goods/services in Vietnam as non-refundable aid or humanitarian aid at VAT-inclusive prices may claim a refund according to Clause 6 Article 18 of this Circular.

20. The goods involved in merchanting trade transactions or transited through Vietnam’s territory; goods temporarily imported or temporarily exported; raw materials imported for manufacturing or export processing under contracts with foreign partners.

The goods and services traded between a foreign party and a free trade zone, or among free trade zones.

Free trade zones include export-processing zones, export processing enterprises, tax-suspension warehouses, bonded warehouses, special economic zones, commercial - industrial zones, and other economic zones established and provided with similar tax incentives as free trade zones according to Decisions of the Prime Minister. The transactions between a free trade zone and an external party are considered export/import.

The procedures and documents for considering VAT exemption must comply with instructions of the Ministry of Finance on customs procedure; customs supervision and inspection; export and import duties and administration of tax on exports and imports.

21. Technology transfers according to the Law on Technology Transfer; intellectual property right transfers according to the Law on Intellectual Property. In case a contract of technology transfer or intellectual property right transfer is associated with a transfer of machinery/equipment, only the value of transferred technology or intellectual property right is not subject to VAT. If such value cannot be separated, VAT shall be imposed on the total value of the transferred technology or intellectual property right and machinery/equipment.

Computer software including software products and software services as prescribed by law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Gold in the form of bullions, pieces, and other forms of unfashioned gold shall be identified in accordance with the law on gold management and trading.

23.[8] Exports that are natural resources and/or minerals which have yet to be processed into other products.

Exports that are products mainly derived from natural resources and minerals whose total value plus energy cost makes up at least 51% of the prime cost, except for some cases specified in Clause 1 Article 1 of the Decree No. 146/2017/ND-CP.

a) Natural resources and minerals are domestically obtained resources and minerals including metallic minerals, non-metallic minerals, crude oil, natural gas and coal gas.

b) The ratio of value of a natural resource/mineral and energy cost to the manufacturing cost shall be determined according to the following formula:

Ratio of value of a natural resource/mineral and energy cost to prime cost

=

Value of a natural resource/mineral + energy cost

x 100%

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Where:

Value of a processed natural resource/mineral is determined as follows: Value of a natural resource/mineral directly extracted is direct or indirect costs of extraction of such natural resource/mineral excluding costs of transport of such natural resource/mineral from place of extraction to place of processing. Value of a natural resource/mineral purchased for processing is the actual purchase price excluding costs of transport of such natural resource/mineral from place of purchase to place of processing.

Energy costs are costs of fuel, electrical energy and heat energy.

The value of a natural resource/mineral and energy cost shall be determined according to the accounting book value in line with the prime cost sheet.

The prime cost of a product includes direct material cost, direct labor cost and general manufacturing cost. Indirect costs of sale, administration, finance and other affairs are not included in the prime cost.

The ratio of value of natural resources/minerals and energy cost to prime cost of the exports shall be determined according to the previous year’s statement and apply stably in the exporting year. In the first year of export, this ratio shall be determined according to the investment plan and applied during the exporting year. Where the investment plan is not available, this ratio shall be determined according to the products actually exported.

c) If an enterprise does not export but sells its products to another enterprise that then exports such products, the enterprise purchasing then exporting the products shall declare VAT as levied on similar products exported directly by the manufacturing enterprise.

d) Departments of Taxation of provinces and cities shall cooperate with regulatory authorities within their provinces in instructing enterprises manufacturing, trading and exporting products derived from natural resources/minerals to determine natural resources/minerals exported without or after further processing into other products according to product characteristics and product manufacturing process in order to make declaration as prescribed.

In case the enterprise declares a natural resource/mineral that has been processed into other products but it is it is ungrounded for classifying them as other products, the Department of Taxation shall inform the General Department of Taxation that will cooperate with Ministries and regulatory authorities in determining such natural resource/mineral exported without or after further processing into other products in accordance with regulations of law according to the enterprise’s exports manufacturing process.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



25. Goods and services of the household or individual businesses that earn an annual turnover of VND one hundred million or lower.

The tax liability of the household business or individual business shall be determined in accordance with the law on tax administration.

26. The goods and services below:

a) Duty-free goods at duty-free shops prescribed by the Prime Minister.

b) Goods in national reserve sold by national reserve authorities.

c) Charged activities of the state according to the laws on fees and charged.

d) Bomb and mine clearance carried out by the army at the constructions funded by government budget.

If the goods that are not subject to VAT during importation are repurposed, VAT shall be declared and paid to the customs authority where the customs declaration is registered. The entities that sell goods to the domestic market must declare and pay VAT to their supervisory tax authorities.

Article 5. Cases in which it is not required to declare, assess and pay VAT

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Any taxpayer that receives a monetary compensation, bonus, allowance, payment for transfer of emission permits, or other revenues must make a receipt for such revenues. The taxpayer shall make receipts for spending according to the spending purposes.

If compensation is provided in the form of goods/services, the provider of compensation must issue an invoice, declare and pay VAT as if such goods/services are sold; the recipient of compensation shall declare and deduct tax as prescribed.

Any taxpayer that receives money from another entity to provide a service such as repair, warranty, sales promotion, or advertising must declare and pay tax as prescribed.

Example 10: Limited Liability Company P&C earns an interest from buying bonds and a dividend from buying shares of other companies. Limited Liability Company P&C is not required to declare and pay VAT on the interest buying bonds and the dividend.

Example 11: Enterprise A receives a compensation of 50 million dong for contract termination from company B. Company A shall make a receipt and is not required to declare and pay VAT on such amount.

Example 12: Enterprise X buys goods from enterprise Y. Enterprise X pays a deposit to enterprise Y and is paid an interest on that deposit by enterprise Y. Enterprise X is not required to declare and pay VAT on such interest.

Example 13: Enterprise X sells goods to company Z for totally 440 million dong. Under the contract, enterprise Z shall make payment in installments within 03 months with a late payment interest rate of 1% of the total payment per month. After 03 months, enterprise X receives from company Z an amount that includes 440 million dong in price and 13.2 million dong in late payment interest (440 million dong x 1% x 3 months). Enterprise X is not required to declare and pay VAT on that 13.2 million dong.

Example 14: Insurer A and company B signs an insurance contract. When insurance is claimed, insurer A pays compensation in cash to company B as prescribed by the law on insurance. Company B is not required to declare and pay VAT on this compensation.

Example 15: ABC is a milk joint-stock company that pays its distributors to do a sales promotion (in accordance with the laws on trade promotion), marketing, and product display. When receiving the payment, the distributors that use credit-invoice method shall issue VAT invoices and calculate VAT at 10%, the distributors that use direct methods shall only use sale invoices and pay direct VAT at the prescribed rate.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. The non-business organizations and individuals shall not pay VAT on the sale of their assets.

Example 16: Mr. A, who is not a businessperson, sells a 4-seat car to Mr. B for 600 million dong. Mr. A is not required to declare and pay VAT on the payment for the car.

Example 17: Mr. E, who is not a businessperson, pledges a 5-seat car at bank VC to take out a loan. Mr. E defaults on the loan when the repayment is due, thus bank VC liquidates the pledged car to recover the debt. The money collected from liquidating the car is not subject to VAT.

4. The entities that transfer project on investment in manufacturing of or trade in goods/services subject to VAT to other companies or cooperatives.

Example 18: Joint-stock Company P executes a project on construction of an industrial alcohol factory. In March 2014, 90% of the project is completed according to the design, and the investment is 26 billion dong. Due to financial difficulties, company P transfers the incomplete project to joint-stock company X for 28 billion dong. Company X receives and keeps executing this project. Company P is not required to declare and pay VAT on the value of the transferred project.

5. A company or cooperative that pays VAT using credit-invoice method and sells unprocessed or preprocessed farming, breeding, aquaculture products to another company or cooperative for commercial purposes shall be exempt from declaring and paying VAT. The selling price on the VAT invoice is VAT-exclusive price, the line of tax rate must be left blank and crossed out.

A company or cooperative that pays VAT using credit-invoice method and sells unprocessed or preprocessed farming, breeding, aquaculture products to other entities such as household businesses, individual businesses, other organizations or other individuals has to declare and pay 5% VAT according to Clause 5 Article 10 of this Circular.

A business household, individual business, enterprise, cooperative, or business entity that pays VAT directly on value added using direct method and sells unprocessed or preprocessed farming, breeding and aquaculture products for commercial purposes shall declare and pay VAT at 1% of the revenue.

Example 19: Company B, which pays VAT using credit-invoice method, purchases rice directly from the farmers or farming companies. This direct purchase of rice from the farmers or farming companies is not subject to VAT.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



When company B sells rice to company D, which is a noodle producer, company B is not required to declare and pay VAT on the rice sold to company D.

On the invoices issued to exporter C and company D, company B must specify that the sale price is VAT-exclusive. The line of tax rate must be left blank and crossed out.

When company B directly sells rice to consumers, 5% VAT shall be declared and paid in accordance with the instructions in Clause 5 Article 10 of this Circular.

Example 20: Company A, which is a business organization that pays tax using credit-invoice method, buys coffee beans from farmers, then sells them to business household H. 5% VAT shall be levied on the revenue from selling coffee beans to business household H.

Example 21: After purchasing tea leaves from a farmer, Mr. X’s household sells them to Mr. Y’s household. Mr. X’s household must calculate and pay direct VAT at 1% of the revenue from selling tea leaves to Mr. Y’s household.

If VAT on the invoices for the unprocessed products or preprocessed products that are sold to a company or cooperative has been declared, the seller and the buyer must adjust the invoices to be exempt from V.

6. When transferring depreciated in-use assets between a business establishment and its wholly-owned subsidiaries or among the these subsidiaries to serve the manufacturing or trade of goods/services subject to VAT, invoices and VAT payment are not required. The taxpayer that transfers their assets must make a Decision on asset transfer enclosed with the documents about the asset origins.

When transferring a fixed asset, the value of which has been reassessed, or when transferring an asset to another business establishment that manufactures or trades in goods/services that are not subject to VAT, VAT shall be paid and VAT invoices must be made.

7. Other cases:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Assets are contributed to establish a new company. Contributed assets must have: contribution record, partnership or cooperation contract; asset valuation record (made by a valuation council or the contributor or an organization licensed for valuation), and documents about asset origins.

b) Assets are circulated among financially dependent subsidiaries of an enterprise (hereinafter referred to as “dependent units”); assets are circulated when an enterprise is fully divided, partially divided, amalgamated, merged, or converted. When assets are so circulated, the taxpayer that has the circulated assets must make an asset circulation order enclosed with documents about the asset origins and is not required to issue invoices.

When assets are circulated among the financially independent subsidiaries or among the subsidiaries that have full legal status of the same taxpayer, the taxpayer that has the circulated assets must issue VAT invoice, declare and pay VAT as prescribed, except of the case in Clause 6 of this Article.

c) Compensation claimed from a third party under an insurance contract.

d) The delegated payments that are not related to the sale of goods/services of the taxpayer.

dd) The revenue from goods/services sold by agents, commissions paid to agents, including: postal and telecommunications services, lottery, air tickets, bus tickets, train tickets, ship tickets; international transport agents; air and maritime service agents entitled to 0% VAT; insurance agents.

e) Revenue and commissions on selling goods/services that are not subject to VAT.

g)[9] The business establishment is not required to pay VAT on re-import of exported goods returned by the foreign buyer. VAT on returned domestic goods shall still be declared and paid as prescribed.

h.[10] Organizations or enterprises paid remunerations by regulatory bodies for their provision of authorized collection or payment services.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Chapter II

BASIS AND METHODS OF TAX CALCULATION

Section 1. Basis for tax calculation

Article 6. Basis for tax calculation

The basis for tax calculation is taxable prices and tax rates.

Article 7. Taxable prices

1. Taxable prices of goods and services sold by taxpayer are VAT-exclusive price. Taxable prices of goods and services subject to special excise tax are the prices inclusive of special excise tax and exclusive of VAT.

Taxable prices of goods and services subject to environmental protection tax are the prices inclusive of environmental protection tax and exclusive of VAT; taxable prices of goods and services subject to both special excise tax and environmental protection tax are the prices inclusive of special excise tax and environmental protection tax but exclusive of VAT.

2. Taxable prices of imported goods are the prices at the border checkpoint (hereinafter referred to as “import price”) plus (+) import tax (if any) plus (+) special excise tax (if any) plus (+) environmental protection tax (if any). The border-gate import price shall be determined in accordance with regulations on prices for calculating import duties.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Taxable prices of the goods and services (whether bought externally or not) used as gifts, donations, or substitute for wages are the taxable prices of the same kinds or equivalent goods and services at the same time.

Example 22: Unit A manufactures electric fans and exchange 50 fans with company B for steel. The selling price (tax-exclusive) is VND 400,000/fan. Taxable price = 50 x VND 400,000 = VND 20,000,000.

Taxable prices of the invitations (complimentary) to art performances, fashion shows, beauty pageants, and sports competitions permitted by competent authorities are zero (0). The organizer of the show or competition is responsible for the quantity of invitations and recipients before the show or competition takes places. If the organizer charges these invitations, the organizer shall incur penalties in accordance with regulations of law on tax administration.

Example 23: Company X is permitted by a competent authority to hold a beauty pageant named “Người đẹp Việt Nam năm 20xx” (“Miss Vietnam 20xx”). Apart from the tickets that are sold, company X also sends invitations to some VIPs. The list of recipients is printed on these invitations. When declaring VAT, taxable price of the invitation is zero (0). If tax authority finds that company X collects money on these invitations, company X shall incur penalties in accordance with regulations of law on tax administration.

4.[11] Taxable prices of goods/services meant for internal use.

Goods internally circulated as supplies or semi-finished products serving the operation of a manufacturing or business establishment are exempt from VAT.

When a business establishment creates its own fixed assets (self-created) to serve the manufacture or sale of goods subject to VAT, the business establishment is not required to issue invoices when such fixed assets are completed and approved. Input VAT on self-created fixed assets shall be declared and deducted as prescribed.

When machinery, equipment, supplies, or goods are delivered as a loan, borrowing, or repayment, the business establishment is not required to issue invoices and pay VAT, provided contracts and relevant proof of payment are available.

Example 24: Unit A is a manufacturer of electric fans. Unit A installs 50 of these fans in its workshops to server its business operation. Unit A is not required to pay VAT on these 50 electric fans.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Example 26: Joint-stock company P builds a rest house for its workers. When the house is finished, company P is not required to issue an invoice. Input VAT on self-created fixed assets shall be declared and deducted as prescribed.

Example 27: Company Y is a company that produces bottled water. The VAT-exclusive price for a bottle on the market is VND 4,000. When company Y uses 300 bottles during its meeting, VAT shall not be paid.

Example 28: Company Y is a company that produces bottled water. The VAT-exclusive price for a bottle on the market is VND 4,000. Company Y delivers 300 bottles for purposes other than business purposes, company Y must declare and calculate VAT on these 300 bottles. The taxable price is VND 4,000 x 300 = VND 1,200,000.

When a business establishment using internal goods/services for business such as transport, aviation, rail transport, postal services and telecommunications, it is not required to calculated output VAT. The business establishment must issue written regulations on the types and quantity of goods/services used internally.

5. Taxable prices of goods and services used for sales promotion in accordance with trade laws are zero (0). In case they are not conformable with trade laws, tax shall be declared and paid as if they are used internally, given, or donated.

Some forms of sales promotion:

a) If goods or services are provided free of charge as samples or gifts, taxable prices are zero (0).

Example 29: Company P is a manufacturer of carbonated drinks. In 2014, company P does a sales promotion in the form of “buy 10 get 01 free” in May and December. The sales promotion in May 2014 is conformable with trade laws, thus taxable price of every product given free of charge in May 2014 is zero (0). The sales promotion in May 2014 is conformable with trade laws, thus taxable price of every product given free of charge in May 2014 is zero (0).

The sales promotion in December 2014 is not conformable with trade laws, thus company P must declare and pay VAT on the products given free of charge in December 2014.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Example 30: N is a telecommunications company that sells prepaid cards. Company N registers a sale promotion in the form of price reduction from April 01, 2014 to the end of April 20, 2014, during which a prepaid card is sold for 90,000 VND is stead of 100,000 VND. The taxable price of a prepaid card during the sales promotion is calculated as follows:

c) If vouchers are given when goods or services are sold, VAT on is not levied on the vouchers.

6. Taxable prices of asset rental such as housing, offices, workshops, warehouses, yards, vehicles, machinery, equipment are the VAT-exclusive rents.

If the rent is paid by installments or prepaid for a period of time, the taxable price is the installment or the prepaid amount exclusive of VAT.

The rent agreed by both parties is the rent written in the contract. If a rent bracket is prescribed by law, the rent must be charged within that bracket.

7. If a commodity is paid for by installments, the taxable price is the original price exclusive of VAT and interest.

Example 31: Company X sells a 100cc X motorbike and allows its customer to pay for the motorbike by installments. The total price exclusive of VAT is 25.5 million dong, including 25 million dong in selling price and 0.5 million dong in interest, thus the taxable price is 25 million dong.

8. Taxable prices for goods processing are the prices under the processing contracts exclusive of VAT, inclusive of wages, costs of fuel, machinery, raw materials, and other expenses serving the processing.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) If the price is inclusive of building materials, the taxable price is the VAT-exclusive price inclusive of building materials.

Example 32: Company B is contracted to complete a construction. The VAT-exclusive payment 1,500 million dong including 1,000 million dong in the value of building materials, then taxable price is 1,500 million dong.

b) If the price is exclusive of building materials, machinery, or equipment, the taxable price is the VAT-exclusive construction price exclusive of building materials, machinery, or equipment.

Example 33: Company B is contracted to complete a construction. The total value of the construction is 1,500 million dong (VAT-exclusive); the value of building materials provided by investor A is 1,000 million dong, then taxable price is 1,500 million dong - 1,000 million dong = 500 million dong.

c) Taxable prices of completed and transferred works are their VAT-exclusive value.

Example 34: Company X (party A) hires company Y (party B) to build a new workshop.

The total value (VAT-exclusive) of the construction is 200 billion dong, including:

- Construction value: 80 billion dong

- Value of equipment provided by party B: 120 billion dong

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Total amount payable: 220 billion dong

- Party A shall:

+ Receive the completed workshop and record an increase of 200 billion dong in the value of fixed assets (VAT-exclusive)

+ 20 billion dong in VAT may be deducted from output VAT on sold products or refunded.

If party A agrees to pay 80 billion dong to party B for the completed and transferred works, the taxable prices is 80 billion dong.

10.[12] Regarding real estate transfer, the taxable price shall be determined in accordance with regulations in Clause 1 Article 1 of Government’s Decree No. 49/2022/ND-CP dated July 29, 2022.

11. The VAT-exclusive remunerations or commissions for running an agent or brokering the sale of goods/services, export and import entrustment are taxable prices.

12. Taxable prices of the goods and services using special receipts on which the selling prices are VAT-inclusive, such as stamps, bus tickets, lottery tickets, etc.:

VAT-exclusive price =

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1 + tax rate (%)

13.[13] Taxable prices for electricity generation by the Vietnam Electricity (EVN) shall be determined in accordance with regulations in Clause 1 Article 1 of Government’s Decree No. 49/2022/ND-CP dated July 29, 2022.

14. Regarding casino business, prize-winning electronic games or betting entertainment services, the taxable price is excise tax-inclusive earnings from these services, excluding prizes or payouts already paid to customers.

Taxable price is calculated as follows:

Taxable price =

Collected amount

1 + tax rate

Example 41: In a tax period, a casino presents the following figures:

- Total amount collected from players at the exchange counter: 43 billion dong.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Actual revenue: 43 billion dong - 10 billion dong = 33 billion dong

The revenue of 33 billion dong is inclusive of VAT and special excise tax.

Taxable price is calculated as follows:

Taxable price =

33 billion dong

= 30 billion dong

1 + 10%

15. Taxable prices of transport and material handling services are the VAT-exclusive charges, whether the materials are handled by the taxpayer itself or by another service provider.

16. The price of an all-inclusive package of travel services (inclusive of meals, accommodation, and travel) is considered VAT-inclusive.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Taxable price =

Price of the package

1 + tax rate

If the price is inclusive of the costs of return flights, meals, accommodation, and other expenses overseas (if valid receipts are presented), such costs may be deducted from the taxable price. Input VAT on the goods and services serving the all-inclusive tour shall be deducted in full.

Example 42: Ho Chi Minh City Tourism company signs a contract to provide an all-inclusive package tour in Vietnam for 50 Thai tourists for 05 days. The total payment for the tour is USD 32,000. Ho Chi Minh City Tourism company must pay for the air tickets, meals, accommodation, and sightseeing under the contract. The payment for return air tickets is USD 10,000 (1 USD = 20,000 VND).

The taxable price is calculated as follows:

+ Taxable revenue:

(USD 32,000 - USD 10,000) x VND 20,000 = VND 440,000,000

+ Taxable price:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



= VND 400,000,000

1 + 10%

Ho Chi Minh City Tourism company may deduct the input VAT on the goods and services serving the tour.

Example 43: Hanoi Tourism company signs a contract to provide an all-inclusive tour in China for Vietnamese tourists for 05 days. The price is USD 400/tourist. Hanoi Tourism company must pay USD 300/person to China tourism company. Accordingly, the taxable price is: 400 - 300 = 100 (USD/person).

17. The collectible from pawnbroking services, including the interest and other revenues from the sale of pawned articles, is VAT-inclusive.

Taxable price is calculated as follows:

Taxable price = 

 Collectible

1 + tax rate

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Taxable price is calculated as follows:

VND 110 million

= VND 100 million

1 + 10%

18. The prices on the covers of the books subject to VAT according to the Law on Publishing are VAT-inclusive prices and shall be used to calculate VAT and revenues. If books are sold at prices other than the prices on the cover, VAT shall be imposed on the actual selling price.

19. Taxable prices of printing is the payment for printing. If the contractual price includes printing price and paper price, the taxable price is also inclusive of paper price.

20. VAT-exclusive remunerations or commissions on brokering assessment, brokering compensation examination, claiming compensation from a third person (including the costs) earned by the insurer are taxable prices.

21. In the case of service purchase in Clause 5 Article 3 of this Circular, taxable price is the VAT-exclusive price written in the service contract.

22. Taxable price of the goods and services mentioned in Clauses from 1 to 21 include the surcharges payable to the sellers.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Taxable price is expressed as VND. [14] (abrogated)

Article 8. Time for VAT calculation

1. For goods sale, VAT shall be calculated when the ownership or the right to use goods is transferred to the buyer, whether the payment is made or not.

2. For service provision, VAT shall be calculated when the service provision is completed or when the invoice for service provision is made, whether the payment is made or not.

For telecommunications services, VAT shall be calculated when comparing the data about telecommunications charge under the contracts between telecommunications service providers, but not later than 2 months from the month in which the charge is incurred.

3. For electricity and water supply, VAT shall be calculated when the electricity or water consumption is recorded.

4. For real estate trading, construction of infrastructure facilities, and construction of houses for selling, transfer or lease, VAT shall be calculated when payment is made according to the project schedule or the payment schedule specified in the contract. The business entity shall declare output VAT incurred in the tax period according to total collected amounts.

5. With regard to construction and installation activities, including shipbuilding, VAT shall be calculated at the time of commissioning and acceptance of the finished works, or their items, or construction/installation amounts, whether or not the payment is made.

6. For imported goods, VAT shall be calculated when the customs declaration is registered.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. 0% VAT is applied to exported goods and services; construction and installation overseas and in free trade zones; international transport; exported goods and services that are not subject to VAT, except for the cases in Clause 3 of this Article, in which 0% VAT is not applied.

Exported goods and services are those that are sold to overseas organizations and individuals and are consumed outside Vietnam, sold to the entities in free trade zones, or sold to foreign customers as prescribed by law.

a) Exported goods include:

- The goods exported to other countries, including those under entrustment contracts;

- The goods sold to free trade zones as prescribed by the Prime Minister; the goods sold to duty-free shops;

- The goods that are delivered to the recipients outside Vietnam;

- Parts and supplies for repairing, maintaining vehicles, machinery, and equipment of foreign entities, and those that are used outside Vietnam;

- Cases of deemed exportation:

+ Forwarded processed goods under trade laws on international goods trade and export processing.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



+ The goods exported to be sold at overseas fairs or exhibitions.

b) Exported services include the services directly provided for overseas organizations and individuals and are consumed overseas; the services provided for the entities in free trade zones and consumed within the free trade zones.

Overseas individuals include foreigners who do not reside in Vietnam and overseas Vietnamese who reside in foreign countries and also stay outside Vietnam during the service provision. Organizations and individuals in a free trade zone are those having completed business registration procedures and other cases specified by the Prime Minister of Vietnam.

Where a service is provided both in and outside Vietnam under a service contract signed by and between two taxpayers in Vietnam or having permanent establishments in Vietnam, the 0% rate only applies to the value of services provided outside Vietnam, except the case of insurance service for imported goods where the 0% rate applies to total value of the contract. If the value of service provided in Vietnam is not separately specified in the contract, the taxable price shall be determined according to the ratio (%) of costs incurred in Vietnam to total costs.

The service provider that is a taxpayer in Vietnam must provide documents proving that the services are provided outside Vietnam.

Example 45: Company B signs a contract with company C to provide some services including consultancy, survey, and design for company C’s project of investment in Cambodia (both company B and company C are Vietnamese companies). According to the contract, there are services that provided in Vietnam and services provided in Cambodia. 0% tax shall apply to the value of the services provided in Cambodia. Company B must pay VAT on the revenue from the services provided in Vietnam.

Example 46: Company D provides some services for company X, including consultancy, survey, and feasibility study on a project in Laos. Company D is paid 5 billion dong for this contract, inclusive of VAT on the services provided in Vietnam. The contract does not separate the revenue earned in Vietnam from the revenue earned in Laos. The expense incurred in Laos (cost of survey) is 1.5 billion dong and the expense incurred in Vietnam (cost of consolidating and reporting) is 2.5 billion dong.

The VAT-inclusive revenue from the services provided in Vietnam is calculated as follows:

5 billion dong x

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2.5 billion dong + 1.5 billion dong

= 3,125 billion dong

 

If company D presents documents proving that company D sent employees to Laos to carry out the survey, and the documents proving that company D purchased goods serving the survey in Laos, 0% tax shall be applied to the revenue from the services provided in Laos, which equals 1.875 billion dong (5 billion dong – 3.125 billion dong = 1.875 billion dong).

c) International transport prescribed in this Clause includes passenger transport and freight transport along international routes from Vietnam to other countries and vice versa, or any route the point of departure and point of destination of which are both in foreign countries, regardless of availability of vehicles for direct consignment. If the international transport contract includes a domestic segment, the domestic segment is also included in the international transport.

Example 47: Company X in Vietnam uses their ships to transport goods from Singapore to Korea. The revenue from this transport is considered revenue from international transport.

d) Aviation services and maritime services directly provided to overseas organizations or via agents, including:

0% tax shall be applied to the following aviation services: catering; aircraft takeoff and landing; airport apron; aircraft security; security screening; luggage conveyance at terminals; terrestrial technical services; aircraft protection; aircraft towing; aircraft guiding; passenger boarding bridges; air controlling; flight crew and passenger transport in the airport apron; freight handling and checking; passenger service charges for international flights from Vietnamese airports.

0% tax shall be applied to the following maritime services: ship towing; pilotage; sea rescue; wharves; freight handling; moorings; hatch control; hull cleaning; freight checking; registration.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Construction or installation overseas or in free trade zones;

- The goods and services that are not subject to VAT when being exported, except for the cases in Clause 3 of this Article, in which 0% tax is not applied;

- Aircraft or vessel repair services provided to foreign organizations or individuals.

2. Conditions for application of 0% tax:

a) The documents below are compulsory for exports:

- A sale contract, export processing contract, or export entrustment contract;

- Bank receipts for payment for exports and other documents prescribed by law;

- A customs declaration prescribed in Clause 2 Article 16 of this Circular.

If goods are delivered to a recipient outside Vietnam, the seller must provide documents proving the delivery of goods outside Vietnam such as: a contract to buy goods signed with an overseas buyer, a contract to sell goods signed with the buyer, documents proving that goods are received outside Vietnam such as commercial invoices, bills of lading, packaging notes, Certificates of Origin, etc.; bank receipt for the payment to the overseas seller by the taxpayer, bank receipt for the payment to the taxpayer by the buyer.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) The documents below are compulsory for exported services:

- A contract to provide services for an organization or individual in another country or in a free trade zone;

- Bank receipts for payment for exported services and other documents prescribed by law;

Apart from presenting the aforesaid documents, providers of repair services for foreign aircraft and sea vessels must follow the procedure for importing the aircraft or vessel to Vietnam, and follow the procedure for exporting them after they are repaired in order to be eligible for 0% tax.

c) The documents below are compulsory for international transport:

- An international passenger transport or freight transport contract between the service provider and the service buyer. For passenger transport, the contract may be substituted with tickets. Providers of international transport services must comply with regulations of law on transport.

- Documents proving that payment is made by bank transfer or another method considered bank transfers. Receipts for direct payment are compulsory for passenger transport.

d) For aviation services and maritime services:

d.1) 0% tax shall be applied to the services provided within the international airports and cargo terminals, provided the following documents are presented:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Receipts for bank transfers or other payments considered bank transfer. If services are provided for an overseas organization or airline on an irregular, unscheduled basis without any contract, a receipt for direct payment made by the overseas organization or airline is compulsory.

The aforesaid documents are not compulsory for passenger service charges.

d.2) 0% tax shall be applied to the maritime services provided within the port area, provided the following documents are presented:

- A service contract with an overseas organization or a shipping agent, or a written request for services by an overseas organization or shipping agent;

- Documents proving that the overseas organization or shipping agent makes payment to the service provider is made by bank transfer or another method considered bank transfer.

3.[15] The 0% tax rate shall not apply to:

- Overseas reinsurance; technology transfer, overseas transfer of intellectual property rights; capital transfer, credit extension, outward securities investment; derivative financial services; outbound postal and telecommunications services (including those provided for the entities in free trade zones; provision of sale of prepaid phone cards abroad or in free trade zones); exported products being natural resources and minerals as per Clause 23 Article 4 of the Circular; tobacco and alcoholic beverages imported then re-exported; goods and services provided for individuals who have not registered to do business in free trade zones, except for the cases defined by the Prime Minister.

Tobacco and alcoholic beverages that are imported then exported shall not incur output VAT upon export. However, input VAT shall not be deducted.

- Petroleum supplied domestically to motor vehicles of the businesses that operate in free trade zones;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Services that business establishments provide to the entities operating in free trade zones, such as: leasing of houses, conference rooms, offices, hotels, warehouses; transportation of workers; food and beverage (except the industrial catering service and food and beverage service rendered in free trade zones);

- The tax rate of 0% is not applicable to the following services provided in Vietnam to overseas entities:

+ Sports competition, art performances, cultural events, entertainment, conference, hotel, education, advertisement and tourism;

+ Online payment services;

+ Services in connection with the sale, distribution and consumption of goods in Vietnam.

Article 10. Tax rate of 5%


10% tax shall be levied on the goods and services below:

1.
Clean water serving manufacture and everyday life, except for bottled water and other soft drinks subject to 10% tax.

2.[16] Ores used for fertilizer manufacture; pesticides and growth stimulants for plants and animals, including:

a) Ores used for manufacture of fertilizers such as apatite ore used for manufacture of phosphate fertilizers, humus used as biofertilizers;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Growth stimulants for animals and plants.

3.[17] (abrogated)

4. Dredging channels, canals, ponds, and lakes serving agriculture; plant cultivation; preprocessing and preservation of agricultural products (except for dredging in-field trenches mentioned in Clause 3 Article 4 of this Circular).

Preprocessing and preservation of agricultural products include drying, husking, threshing, cutting, grinding, putting into cold storage, salting, and other usual means of preservation mentioned in Clause 1 Article 4 of this Circular.

5. The farming, breeding and aquaculture products that are unprocessed or preprocessed or preserved (defined in Clause 1 Article 4 of this Circular), except for the cases in Clause 5 Article 5 of this Circular.

The unprocessed farming products mentioned in this Clause include unhusked rice, husked rice, corn, potatoes, cassava and wheat.

6. Preprocessed latex in the form of crepe, sheets, rubber or nuggets; preprocessed turpentine; fishing nets, cords and fibers for making fishing nets; specialized fibers or cords for making fishing nets, regardless of raw materials.

7. Fresh foods for business, unprocessed forestry products for business, except for wood, bamboo sprouts, and the products enumerated in Clause 1 Article 4 of this Circular.

Fresh foods include the foods that have not been cooked or processed into other products, or have only been cleaned, skinned, cut, frozen, or dried in a way that they are still fresh foods such as meat of livestock and poultry, shrimps, crabs, fish, and other aquaculture products. 10% tax shall be levied on seasoned foods.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Example 49: Company A produces seasoned triggerfish under the following procedure: fresh triggerfish are caught and filleted, then seasoned with sugar, salt, solpitol, then packaged and frozen. The seasoned triggerfish is subject to 10% VAT.

8. Sugar; by-products during the sugar manufacture process including molasses, bagasse and mud waste.

9. Products made of jute, sedge, bamboo, rattan, thatch, reed, thysanoloena maxima Kuntze, dendrocalamus barbatus, straws, copra, coconut shells, hyacinth and other handicrafts made of recycled materials from agriculture being products produced or processed from main materials being jute, sedge, bamboo, reed, thysanoloena maxima Kuntze or dendrocalamus barbatus and thatch such as jute carpets, jute fibre, jute bags, jute strings, coconut fiber or sedge mats; grass brooms and ropes made of bamboo or coconut fibers, conical hats, bamboo blinds; bamboo chopsticks, dendrocalamus chopsticks; preprocessed cotton; newspaper printing paper.

10.[18] (abrogated)

11.[19] Medical equipment and tools including medical machines and equipment: screening, scanning and imaging equipment for medical examination and treatment; specialized equipment for surgery, treatment, emergency medical service vehicle; measuring instrument for measuring blood pressure, cardiac activities, pulse, blood transfusion instrument; syringes; contraception equipment; medical equipment requiring import permit, circulation registration certificate or notice on receipt of standard declaration according to regulations of law on healthcare or according to list of medical equipment under specialized management of Ministry of Health to which HS codes are assigned according to Vietnam’s nomenclature of exports and imports attached to the Circular No. 14/2018/TT-BYT dated May 15, 2018 of Minister of Health and amending documents (if any).

Medical cotton, bandages and first-aid; medical prevention and treatment medicine including final medicine products, pharmaceutical starting materials, except functional food; vaccine; medical biologicals, distilled water for diluting injectable medicines, intravenous fluids; hats, clothes, facemasks, surgical gloves, gloves, leg cover, shoe cover, towels, specialized medical gloves, breast implants and dermal fillers (excluding cosmetics); chemicals for experiment and sterilization for medical use.

12. Teaching aids including models, pictures, boards, chalks, rulers, compasses, other equipment and instruments for teaching, research, and scientific experimentation.

13. Artistic, exhibition, physical training and sporting activities; art performances; cinematography; importing, distributing, and showing films.

a) Artistic, exhibition, physical training and sporting activities except for revenues from the sale of goods, the lease of parking areas and from fair and exhibition booths.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Cinematography; importing, distributing, and showing films, except for the products mentioned in Clause 15 Article 4 of this Circular.

14. Children’s toys; books other than those that are not subject to VAT mentioned in Clause 15 Article 4 of this Circular.

15. Scientific and technological services which mean the activities that serve or assist in scientific research and technology development; the activities related to intellectual property; transfer of technologies, technical regulations and standards related to measurement, product quality, goods, nuclear and radiation safety, and atomic energy; consultancy, training, dissemination, and application of scientific and technological achievements to socio-economic fields under contracts for scientific and technological services defined in the Law on Science and Technology, not including online games and Internet-based entertainments.

16. Sale, lease, and lease purchase of social housing according to the Law on Housing. Social housing means the housing invested in by the state or the organizations and individuals from various economic sectors, which satisfy the criteria for housing in terms of selling prices, rents, and eligible buyers according to regulations of law on housing.

Article 11. Tax rate of 10%

10% tax shall be levied on the goods and services that are not mentioned in Article 4, Article 9 and Article 10 of this Circular.

The rates of VAT mentioned in Article 10 and Article 11 shall be uniformly applied to the each type of goods and services, whether they are imported, manufactured, processed, or traded.

Example 50: 10% tax is levied on apparel. That means the tax rate is always 10% whether such apparel is imported manufactured, processed, or traded.

VAT on the products made of recycled wastes and scrap is the same as VAT on the wastes and scrap when they are sold.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



If the rate of VAT in the preferential import tariff schedule is found unconformable with this Circular, this Circular shall apply. If different rates of VAT are applied to the same kind of goods that are imported or manufactured in Vietnam, the local tax authority and customs authority must send a report to the Ministry of Finance for guidance.

Section 2. TAX CALCULATION METHODS

Article 12. Credit-invoice method

1. Credit-invoice method is applied by the taxpayers that adhere to the accounting and invoicing practice according to accounting and invoicing laws, including:

a) Any taxpayer that earns at least one billion dong in annual revenue from selling goods and services Credit-invoice, provided the taxpayer adheres to the accounting and invoicing practice according to accounting and invoicing laws, except for household and individual businesses mentioned in Article 13 of this Circular;

b) Any taxpayer that voluntarily applies credit-invoice method, except for the household and individual businesses that pay tax using direct method mentioned in Article 13 of this Circular;

c) If a foreign entity supplying goods and services for exploring, developing and exploiting oil and gas pays VAT using credit-invoice method, Vietnamese party shall declare and pay VAT on their behalf.

2. The annual revenue mentioned in Point a Clause 1 of this Article is the revenue from selling taxable goods and services, which is calculated as follows:

a) Annual revenue earned by a taxpayer is determined by the taxpayer itself according to “Total revenue from selling goods and services subject to VAT” on the VAT declarations from November of the previous month to the end of October of the current year, which precedes the year in which tax accounting method may be changed; or on the VAT declarations from the fourth of the previous year to the end of the third quarter of the previous year, which precedes the year in which tax accounting method may be changed. The method shall be applied for two consecutive years.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Aggregate the revenue from selling goods and services subject to VAT on the monthly VAT declarations from November 2012 to the end of October 2013.

If the annual revenue calculated is 1 billion dong or more, enterprise A may apply credit-invoice method for 02 years (2014 and 2015).

If the annual revenue calculated is less than 1 billion dong, enterprise A must apply direct method according to Article 13 of this Circular for 02 years (2014 and 2015), unless enterprise A voluntarily applies credit-invoice method according to Clause 3 of this Article.

b) If the company has not operated for 12 months, the annual revenue shall be estimated by aggregating the revenue from selling goods and services subject to VAT on the monthly VAT declarations and dividing (:) it by the operational months, and then multiplying (x) it by 12 months. If the estimated annual revenue is one billion dong or more, the enterprise may apply credit-invoice method. If the estimated annual revenue is less than one billion dong, the enterprise must apply direct method for 02 years, unless it voluntarily applies credit-invoice method.

Example 52: Enterprise B was established and inaugurated from March 2013. To determine the tax accounting method applied in 2014 and 2015, enterprise B estimates its annual revenue by aggregating the revenue from selling goods and services subject to VAT on the monthly VAT declarations of March, April, May, June, July, August, September, October, and November, dividing (:) it by 9 months, and then multiplying (x) it by 12 months.

If the estimated annual revenue is one billion dong or more, the enterprise may apply credit-invoice method. If the estimated annual revenue is less than one billion dong, enterprise B must apply direct method for 02 years, unless it voluntarily applies credit-invoice method.

c) If the company starts declaring tax quarterly from July 2013, the annual revenue shall be calculated by aggregating the total revenue from selling goods and services subject to VAT on the monthly VAT declarations of October, November and December in 2012, the first six months of 2013, and the VAT declaration of the third quarter of 2013. If the annual revenue calculated is one billion dong or more, the enterprise shall apply credit-invoice method. If the annual revenue is less than one billion dong, the enterprise must apply direct method for 02 years, unless it voluntarily applies credit-invoice method.

d) If the taxpayer suspends their business for the whole year, the annual revenue is the revenue of the year preceding the year over which the business is suspended.

If the taxpayer suspends their business for a certain period of time in the year, the revenue earned during the operational months and quarters according to Point b of this Clause shall be considered annual revenue.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3.[20] Business establishments that voluntarily apply credit-invoice method include:

a) Any enterprise or cooperative that earns an annual revenue of below 1 billion dong from selling goods or providing services subject to VAT and adhere to regulations on bookkeeping and invoicing.

b) Any new enterprise derived from a project of a business establishment that pays VAT using credit-invoice method.

Any new enterprise that is making investment in a project approved by a competent authority and voluntarily applies credit-invoice method.

Any new enterprise or cooperative that has a project, which is not approved by a competent authority, an investment plan approved by a competent person of the company, and voluntarily applies credit-invoice method.

c) Any new enterprise or cooperative that makes investment, purchases, or receives capital contribution in the form of fixed assets, machinery, equipment, tools, or has a contract to lease business premises.

d) Any foreign entity doing business in Vietnam under a main contract or subcontract.

dd) [21] Any business entity that can separate input VAT from output VAT, excluding enterprises and cooperatives.

The tax calculation method of a business establishment shall comply with the VAT declaration documents and instructions in Article 11 of Circular No. 156/2013/TT-BTC (amended by Article 1 of Circular No. 119/2014/TT-BTC and Article 2 of Circular No. 26/2015/TT-BTC).

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) If a business establishment trades in jewelry, it must separate revenue from this operation and apply direct method to pay VAT thereon in accordance with Article 13 of this Circular.

b) When an enterprise applying credit-invoice method establishes branches (including those derived from its projects), the tax calculation method applied by the branches is the same as that applied by the enterprise if such branches declare VAT independently. Any branch that does not sell goods, does not earn revenue, or any branch in the same province as the headquarter which does not declare tax independently shall have tax declared at the headquarter of the enterprise.

c) Any new enterprise or cooperative that is not mentioned in Clause 3 of this Article shall apply the direct method prescribed in Article 13 of this Circular.

d) [23](abrogated)

5. VAT payable:

VAT payable

=

Output VAT

-

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Where:

a) Output VAT equals the total VAT on sold goods and services written on the VAT invoices.

The VAT amount written in the VAT invoice equals the taxable price of goods and services multiplied (x) by the VAT rate of such goods and services.

In case the selling price is VAT-inclusive, output VAT equals (=) selling price minus (-) taxable price according to Clause 12 Article 7 of this Circular.

The taxpayer that is eligible to use credit-invoice method must calculate and pay VAT on goods and services when they are sold. When issuing a sale invoice, the taxpayer must clearly write the VAT-exclusive prices, VAT, and total amount payable by the buyer. If the invoice only has the selling price (where special invoices are allowed) without specifying the VAT-exclusive price and VAT, the VAT shall be levied on the selling price.

Example 54: An enterprise sells F6 steels at VAT-exclusive price VND 11,000,000/tonne; 10% VAT = 1,100,000 VND/tonne. However, the selling price written on some invoices is VND 12,100,000/tonne. In this case, VAT will be VND 1,210,000/tonne (VND 12,100,000/tonne x 10%) instead of the pre-tax price of VND 11,000,000/tone. Taxpayers must adhere to accounting and invoicing practice in accordance with the laws on accounting and invoicing. In case the tax authority finds an incorrect VAT rate on an invoice for the sale of goods and services, follow the instructions below:

If the incorrect VAT rate is higher than that prescribed by the legislative documents on VAT, the taxpayer must pay tax at the rate written on the invoice; if the incorrect VAT rate is lower than that prescribed by the legislative documents on VAT, the taxpayer must pay tax at the rate prescribed by the legislative documents on VAT.

b) Input VAT equals (=) total VAT on invoice VAT for purchase of goods and services (including fixed assets) serving the manufacture or sale of taxable goods and services, VAT on receipts for payment of tax on imported goods or payment of VAT on behalf of a foreign organization, which does not have a legal status in Vietnam, or a foreigner doing business in Vietnam or earning income in Vietnam.

If special receipts, on which selling prices are VAT-inclusive, are permitted, the taxpayer may calculate VAT-exclusive prices and input VAT according to the VAT-inclusive prices and the instructions in Clause 12 Article 7 of this Circular.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Example 55: In a tax period, company A pays 110 million dong inclusive of VAT for deductible input services that are subject to 10% tax (special receipts bearing VAT-inclusive prices are used for the services), then deductible input VAT is calculated as follows:

110 million dong

x 10% = 100 million dong

1 + 10%

VAT-exclusive price is 100 million dong; VAT is 10 million dong.

In case the tax authority finds an incorrect VAT rate on an invoice issued by the goods buyer:

If the VAT rate on the invoice is higher than that prescribed by tax laws, input VAT shall be deducted at the rate prescribed by the legislative documents on VAT. If it is proven that the seller declared and paid tax at the rate on the invoice, input VAT may be deducted at the rate written on the invoice as long as it is certified by the supervisory tax authority of the seller. If the VAT rate on the invoice is lower than that prescribed by the legislative documents on VAT, input VAT shall be deducted at the rate written on the invoice.

In case the tax authority finds an incorrect VAT rate on an invoice issued by the goods seller: If VAT has been paid by the seller when goods are imported, and the VAT rate on the VAT invoice issued to consumer is equal to the VAT rate declared when goods are imported and when goods are sold, but this rate is lower than that prescribed by the legislative documents on VAT and the taxpayer is not able to collect additional payment from the consumer, then the payment collected from the consumer under the VAT invoice is considered inclusive of VAT at the rate prescribed by the legislative documents on VAT, which is used to calculate VAT payable and revenue subject to corporate income tax.

Example 56: In March 2014, taxpayer A, who is eligible to apply credit-invoice method, imports products named “CHAIR MM”, and has paid 5% VAT during importation. In May 2014, taxpayer A sells 01 “CHAIR MM” to buyer B for 100 million dong exclusive of VAT. Because 5% VAT has been paid during importation, the VAT invoice issued by taxpayer A to buyer B indicates 100 million dong in taxable price, 5% VAT, 5 million dong in VAT, and 105 million dong in total amount. This amount has been paid off by buyer B.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



The total payment made by buyer B, which is 105 million dong, is considered inclusive of 10% VAT. The correct VAT payable is:

105 million dong

x 10% = 9.545 million dong

1 + 10%

Additional VAT payable by taxpayer A:

9.545 million dong - 5 million dong = 4.545 million dong.

Taxable revenue from selling the “CHAIR MM” to buyer B:

105 million dong – 9.545 million dong = 95.455 million dong.

Article 13. Direct method

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



The added value of gold, silver or precious stones is the payment price of gold, silver or precious stones sold minus (-) the payment price of corresponding gold, silver or precious stones purchased.

The payment price of gold, silver or precious stones sold is the actual selling price written in the invoice issued when selling gold, silver or precious stones, including processing costs (if any), VAT and other surcharges or additional charges earned by the seller.

The payment price of gold, silver or precious stones purchased is the value, inclusive of VAT, of gold, silver or precious stones purchased, or imported, and used for trading or processing of corresponding gold, silver or precious stones to be sold.

If the added value of gold, silver or precious stones in a tax period is a negative number, it may be offset against the positive number of the added value of gold, silver or precious stones. If there is no positive number of the added value or the positive number of the added value is not sufficient for offsetting against the negative number of the added value, the latter shall be carried forward to the next period. Upon the end of a calendar year, the remaining negative number of the added value shall not be carried forward to the next year.

2. The VAT amount payable using the direct method is calculated by multiplying the rate (%) by revenue and applied as follows:

a) This method may be applied by the following entities:

- The operational enterprises and cooperatives that earn less than one billion dong in annual revenues, except for those that voluntarily apply credit-invoice method prescribed in Clause 3 Article 12 of this Circular;

- New enterprises and cooperatives, except for case of voluntary payment of VAT using credit-invoice method as prescribed in Clause 3 Article 12 of this Circular;

- Household and individual businesses;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- The business entities other than enterprises and cooperatives, except for those that voluntarily apply credit-invoice method.

b) Direct VAT rates applied to various business lines:

- From goods distribution or goods supply: 1%;

- From services or construction exclusive of building materials: 5%;<

- Manufacturing, transport, services associated with goods, construction inclusive of building materials: 3%;

- Other lines of business: 2%.

c) The taxable revenue is the total revenue from selling goods and services, which is written on the sale invoice for taxable goods and services, inclusive of the surcharges to which the seller is entitled.

The rates above are not applied to the revenue from selling the goods and services that are not subject to VAT and revenue from exported goods and services.

Example 57: Company A is a company that declares and pays VAT using direct method. Company A earns revenue from selling computer software and consultancy on company establishment. Company A shall not pay direct VAT from selling computer software, which is not subject to VAT), and must pay direct VAT at 5% of the revenue from consultancy on company establishment.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. The direct VAT payable by a household business or individual business that pays VAT at a flat rate depends on the declaration made by the taxpayer, the data of the tax authority, the result of the investigation into the taxpayer’s actual revenue, and opinions of the local Tax Advisory Council.

If the taxpayer that pays tax at a flat rate engages in multiple lines of business, the rate on the primary business line shall be applied.

4. The list of direct VAT rates mentioned in Clause 2 and Clause 3 of this Article is enclosed herewith.

Chapter III

TAX DEDUCTION AND REFUND

Section 1. TAX DEDUCTION

Article 14. Rules for deducting input VAT

1. Input VAT on goods and services serving the manufacture or sale of goods/services subject to VAT shall be deducted in full, including non-refundable input VAT on damaged goods.

Non-refundable input VAT on damage goods may be deducted in an event of natural disaster, blaze, damage that is not covered by insurance, degraded or expired goods that must be destroyed. The taxpayer must present sufficient documents to prove the damage not covered by insurance.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Input VAT on goods and services forming fixed assets such as canteen, recreation room, locker room, parking lot, restroom, water tank serving workers at the workplace, housing and medical facility for workers in industrial parks shall be deducted in full.

VAT on the rents for the houses for workers in an industrial park paid by the taxpayer may be deducted if the houses are conformable with laws on houses for workers in industrial parks in terms of design standards and rents. If the taxpayer builds or purchases houses outside the industrial parks serving workers in the industrial park, VAT on these housed may be deducted in full if they are conformable with the design standards applied to houses for workers in industrial parks.

When a taxpayer pays foreign experts for their works in Vietnam or holding managerial positions in Vietnam under labor contracts signed, the rent for houses for such foreign experts must not be deducted.

If the foreign experts are still employees of an overseas enterprise, receive wages and benefits from the overseas enterprise over the period of work in Vietnam, and the overseas enterprise and the taxpayer in Vietnam is signs a contract specifying that the taxpayer in Vietnam must cover the costs of accommodation for the foreign experts while they are working in Vietnam, then the VAT on the accommodation costs paid by the taxpayer shall be deducted.

2.[25] When goods and services (including fixed assets) are purchased to serve the manufacture or sale of both the goods/services that are subject to VAT and goods/services that are not subject to VAT, only VAT on the goods and services serving the manufacture or sale of the goods/services subject to VAT shall be deducted. The taxpayer must separate the deductible input VAT from non-deductible one. Otherwise, input VAT shall be deducted according to the ratio of revenue subject to VAT, revenue not subject to VAT to the total revenue from selling goods and services, including revenue not subject to VAT that cannot be separated.

The taxpayer that sells both goods/services that are subject to VAT and goods/services that are not subject to VAT may temporarily deduct all of the VAT on purchased goods, services, and fixed assets incurred in the month/quarter. At the end of the year, the taxpayer shall determine the actual deductible input VAT in the year and adjust the amount of input VAT deducted during the year.

3.[26] The input VAT on fixed assets, machinery, and equipment, including the input VAT on the lease of these assets, machinery, and equipment, and other input VAT relating to assets, machinery, and equipment such as warranty or repair shall be not deducted and shall be included in costs of fixed assets or the deductible expense prescribed in Law on Corporate Income Tax and its guiding documents in the following cases: specialized fixed assets used for the manufacture of weapons and specialized vehicles for security and defense; fixed assets, machinery, equipment of credit institutions, reinsurers and life insurers, securities companies, health facilities, training institutions; civil aircraft and yachts not used for commercial cargo transport, passenger transport, tourism or hotel operation.

With regard to fixed assets being cars with fewer than 9 seats (except for cars used for cargo transport, passenger transport, tourism, or hotel operation; cars used for display and test drive by car dealers) whose value is 1.6 billion dong or more (exclusive of VAT), the input VAT amount in proportion to the amount in excess of 1.6 billion dong shall not be deducted.

4. Some cases of VAT deduction:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Example 58: Enterprise X invests in raw materials and a factory to fillet tra fish and river catfish and produce frozen shrimps for export. Enterprise X has a closed production line, including the breeding line, ponds, fences, irrigation system, boats, and other raw materials such as feeds, veterinary medicines, and the processing line. Enterprise X may deduct input VAT on fixed assets and purchases that are not fixed assets during the manufacture and processing.

Example 58a:[27] Enterprise A invests in a raising zone and a factory to create a closed manufacture process from raising (including the lease of a raising zone in which the breeds, ponds, fences, irrigation system, ships, animal feeds, veterinary medicines, veterinary services, etc. are invested in by Company A) to processing tra fish fillets for export and domestic sale. During the manufacturing process, enterprise A has bought tra fish from other enterprises and farmer households. Tra fish bought externally are gathered at enterprise A’s ponds where enterprise A’s tra fish are raised before being brought into the factory. Tra fish raised by the enterprise and tra fish bought externally are processed into fish fillets in the factory in accordance with the procedure: Raw material - cleaning - head removal, skinning - gutting - filletting - salting - freezing - sale. Enterprise A shall declare VAT as follows:

- Enterprise A may deduct the whole input VAT on fixed assets and purchased goods/services that are not fixed assets serving the preparation of tra fish fillet preprocessing.

- Exported fillets of tra fish raised by enterprise A shall apply 0% tax. The enterprise may deduct input VAT on export of tra fish fillets in full. If the enterprise raise tra fish and then process them into tra fish fillets for export and domestic sale, the input VAT shall be proportional to the ratio of export revenue to the total revenue (revenue from export and revenue from domestic sale).

Example 59: Enterprise Y invests in raw materials and a factory to produce and process dairy (sterilized milk, yogurt, cheese, etc.). Enterprise Y has a closed production line, including the breeding line, farms, stables, fences, milking devices, sanitation system, raw materials such as feeds and veterinary medicine, and the processing line. Enterprise Y may deduct input VAT on fixed assets and purchases that are not fixed assets during the manufacture and processing.

b) If the taxpayer has a project of investment that is divided into multiple stages, has a closed production line, and uses non-taxable products to manufacture taxable goods, but non-taxable goods and services are provided during infrastructural development stage, the input VAT incurred during the infrastructural development stage in fixed assets may be deducted in full. The taxpayer must separate the VAT on the assets other than those serving manufacture of and trading in non-taxable goods and services to deduct tax according to the ratio of taxable revenue to total revenue from selling goods and services.

If the taxpayer makes a commitment to keep producing taxable products, VAT may be deducted during infrastructural development stage. If the input VAT incurred during the infrastructural development stage has been declared, deducted, and refund, but then found to be not eligible for deduction or refund, the taxpayer must make an adjustment and pay tax that has been deducted or refunded. If the taxpayer fails to make the adjustment, tax authority shall collect the tax arrears and impose penalties as prescribed. The taxpayer is totally responsible to the law for the report and explanation for the tax deduction and tax refund, which are submitted to tax authority.

If the taxpayer sells unprocessed or preprocessed agricultural, forestry and aquaculture products that are not subject to VAT, the VAT on purchases may also be deducted according to the ratio of revenue from selling taxable goods and services to the total revenue.

Example 60: Enterprise A has project on investment in a rubber plantation and incurs input VAT during infrastructural development stage. Enterprise A does not have raw materials to manufacture taxable products (including the unprocessed products or processed products that are subject to VAT) but have a project to build a factory to treat rubber latex into products subject to VAT) and declares to keep using the farming products to manufacture taxable products. Enterprise A may deduct the input VAT in full.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



If the enterprise uses part of the rubber latex for manufacturing taxable products, and sell the rest, the input VAT shall be deducted as follows:

- Input VAT on fixed assets (rubber tree plantation, processing factory, etc.) may be deducted in full (including VAT incurred during infrastructural development stage).

- Input VAT on goods and services shall be deducted according to the ratio of revenue from selling taxable goods and services to the total revenue.

c) The taxpayers (including the new business establishments) that provide both goods and services subject to VAT and goods and services that are not subject to VAT may provisionally deduct input VAT on fixed assets incurred during infrastructural development stage according to the ratio of revenue from selling goods and services subject to VAT to the total revenue according to their business and manufacturing plan. The provisionally deducted VAT shall be adjusted to the ratio of revenue from selling goods and services subject to VAT to the total revenue over three years from the first year in which revenue is earned.

Example 61: Z is a new enterprise derived from a project on investment in transport. According to the business plan, company Z is supposed to earn revenue from public passenger transport, advertising, vehicle maintenance and repair. The revenue from passenger transport by bus accounts for 30% of the total revenue. The infrastructural development stage lasts for 02 years (from June 2014 to May 2016), including buying vehicles, building bus stops and infrastructure. During this period, 70% of the input VAT on fixed assets and purchases serving the creation of the company is provisionally deducted and refunded (VAT on the vehicles used as public buses is not deducted). Enterprise Z is inaugurated and starts earning revenue from June 2016. Three years later, at the end of May 2019, the revenue from public passenger transport by bus makes up 35% of total revenue from goods and services. Enterprise Z shall reduce the deductible VAT by 5% (= 70% - 65%) and aggregate the arrears with the VAT payable in May 2019. The enterprise shall not incur any fine or late payment interest.

5. Input VAT on the goods (whether purchased externally or produced by the taxpayer) used as gifts, used for sale promotions or advertising serving the manufacture of sale of taxable goods may be deducted.

6. The VAT paid under a decision on tax imposition made by a customs authority shall be deducted in full, unless penalties for tax fraud or avoidance are imposed by the customs authority.

7. Input VAT on goods and services serving the manufacture or sale of taxable goods and services mentioned in Article 4 of this Circular must not be deducted, except for the following cases:

a) VAT on purchased goods and services serving the provision of goods and services for the foreign entities that use them as humanitarian aid or non-refundable aid according to Clause 19 Article 4 of this Circular shall be deducted in full;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



8. VAT shall be declared and deducted in the period during which it is incurred, whether the products are used or still in storage.

If the taxpayer finds that the input VAT is incorrectly declared, an adjustment may be made before the tax authority or a competent authority announces the decision on tax inspection at the taxpayer’s premises.

9. Input VAT that is not deductible shall be aggregated with costs to calculate corporate income tax, or aggregated with costs of fixed assets, except for the VAT on any purchase that costs 20 million dong or more without receipts for non-cash payments.

10. The headquarters that do not directly run the business, the administrative units affiliated to hospitals, medical stations, sanitariums, institutes, schools, etc. that are not taxpayers must not deduct or claim refund of input VAT on the purchases serving their operation.

If such units sell taxable goods and services, VAT on these goods and services shall be separately declared and paid.

Example 62: Though the headquarter of company A does not directly run the business and is funded by its affiliates, it leases out part of its office building. In this case, the headquarter must separately declare and pay tax on the office lease. Input VAT on goods and services serving the operation of the headquarter shall not be deducted or refunded.

11. Input VAT of goods and services serving provision of goods and services that are not subject to VAT mentioned in Article 5 of this Circular (except for Clause 2 and Clause 3 of Article 5) may be deducted in full.

12. When the taxpayer authorizes another entity to make a purchase, the invoice for which bears the name of the authorized buyer, input VAT on such purchase may be deducted in the following cases:

a) An insurer authorizes the policyholder to have the policyholder’s assets repaired (invoices for the repair cost and parts bear the name of the policyholder), then pays the policyholder for the invoices under the insurance contract. In this case the insurer may deduct VAT on such invoices. If the amount paid to the policyholder is 20 million dong or above, it must be made by bank transfer.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



13. When a non-business entity contributes assets to a limited liability company or a joint-stock company, the receipt for this contribution is the certificate of capital contribution and the asset transfer note. If the contributed assets are brand new, have legitimate invoices, and are accepted by the capital transfer council, the value of this contribution is the VAT-inclusive value written on the invoice. The recipient of the contribution may deduct the VAT on the invoice for the purchase of such assets from the contributor.

14. The taxpayer that switches over from direct method to credit-invoice method may start deducting VAT on purchases from the first tax period in which credit-invoice method is applied.

The taxpayer that switches over from credit-invoice method to direct method may aggregate the VAT on purchases that is not completely deducted before switching with deductible expenses when calculating the income subject to corporate income tax, except for the refundable VAT on the purchases that were made before switching according to Article 18 of this Circular and the legislative documents that were effective before this Circular comes into force.

Example 63: Company A is applying credit-invoice method in 2014 and 2015. From January 01, 2016, company A is no longer eligible to apply credit-invoice method. Company A sent a claim for tax refund the tax authority from November 2014 to the end of October 2015 (when revenue is calculated to decide the tax accounting method in 2016 and 2017). The claimed refund is 350 million dong and the input VAT that remains is 50 million dong according to the VAT declaration of November 2015. Company A shall receive the full refund of 350 million dong. The remaining input VAT of 50 million dong shall be transferred to the tax period of December 2015. If input VAT on the VAT declaration of December 2016 is not completely deducted, company A may aggregate it with deductible expenses when calculating the income subject to corporate income tax.

14a.[28] Input VAT on goods, services, fixed assets serving manufacture of: fertilizers, specialized machinery and equipment serving agricultural production, offshore fishing ships, animal feeds that are sold domestically shall be included in deductible expenses when determining income subject to corporate income tax instead of being declared and deducted, except for VAT on purchased of goods, services, fixed assets that are incurred before January 01, 2015, written on VAT invoices or proof of VAT payment upon importation and satisfy conditions for deduction, tax refund, and are eligible for tax refund as prescribed in Article 18 of Circular No. 219/2013/TT-BTC dated December 31, 2013 and this Circular.

15. Input VAT must not be deducted in the following cases:

- The VAT invoice is not legitimate, such as VAT is not written (except for special invoices on which selling prices are VAT-inclusive);

- The invoice does not contain or does not contain the correct name, address or TIN of the seller, thus rendering the seller unidentifiable;

- The name, address, or tax code of the buyer on the invoice is incorrect (except for the case in Clause 12 of this Article);

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- The invoice does not reflect the actual value of goods and services.

16. Other cases prescribed by the Ministry of Finance.

Article 15. Conditions for input VAT deduction [29]

1. Legitimate VAT invoices for purchases or receipts for payment of VAT on imported goods, or receipts for payment of VAT on behalf of foreign organizations that do not have Vietnamese legal status and the organizations and individuals, and the foreigners that do business or earn income in Vietnam.

2. Proofs non-cash payments for the purchases (including imported goods) that cost 20 million dong or more, except for the imports that cost below 20 million dong each, purchases that cost below 20 million dong inclusive of VAT, and imports being gifts, donations from overseas entities.

Receipts for non-cash payments include bank transfer receipts and other receipts for non-cash payments prescribed in Clause 3 and Clause 4 of this Article.

3. Bank transfer confirmations are documentary evidence proving the transfer of money from the buyer’s account to the seller’s account opened at providers of payment services under legitimate payment methods such as checks, payment orders, cash collection orders, bank cards, credit cards, SIM cards (digital wallets) and other means of payment as prescribed (including the cases in which the buyer transfer money from the buyer’s account to the seller’s account carrying the name of the owner of a sole proprietorship or from the buyer's account carrying the name of the owner of the sole proprietorship to the seller's account).[30]

a) Proofs of the buyer's payment to the seller's account or proofs of payments in the manners that are not conformable with applicable regulations of law are not eligible for deduction and refund of VAN on purposes that cost 20 million dong or more.

b) Any purchase that costs 20 million dong or more (VAT-inclusive) shall not be deducted if there is no bank transfer receipt.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Where the taxpayer does not have bank transfer receipts when making payments, the taxpayer shall declare a reduction of deducted input VAT on the value of goods/services without bank transfer receipts in the tax period during which the cash payment is made (even if the tax authority and competent authorities have decided an inspection of the tax period in which VAT is declared and deducted.

4. Other cases in which non-cash payments are used for deducting input VAT:

a) If goods and services are purchased by offsetting their value against the value of sold goods and services, or by lending goods under contracts, a certification of this kind of transaction and data comparison record made by both parties is compulsory. If the payment is offset against third party’s debt, a debt offsetting record made by all three parties is compulsory.

b) If the contract allows goods and services to be purchased on credit in the forms of loans or debt offsetting via a third party, it is required to have the loan contract and the receipts for transfer of money from the creditor’s account to the debtor’s account, even when the value of purchased goods and services is offset against the amount paid by the buyer on behalf of the seller or the amount provided for the buyer by the seller.

c) If a third party is authorized to receive the payment for purchases by bank transfer (including the case in which the seller requests the buyer to wire the payment to a third party appointed by the seller), this authorization must be agreed in the contract, and the third party must be a lawful legal person or natural person.

After the payment is made this way, if the remaining value that is paid in cash is 20 million dong or more, tax shall only be deducted if bank transfer receipts are presented.

d) If payment for purchases is wired to a third party’s account at a State Treasury, which is opened to enforce money collection, input VAT may be deducted.

Example 68:

Company A buys goods of company B and still owes money to company B. However, company B still owes tax to government budget. According to the Law on Tax Administration, when the tax authority collects company B’s money and assets that are held by company A to enforce tax decision, the money transferred by company A to the account at the State Treasury is considered bank transfer, and the corresponding VAT on purchased goods may be deducted.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Company C signs a business contract to provide goods with company D, and company D still owes company C for the goods.

A competent authority decides to collect the money owed to company C by company D and transfer it to an account at a State Treasury to resolve disputes over sale contracts between company C and its partners.

When company D transfers money the account at the State Treasury (this transfer is not stipulated in the contract between company C and company D), the transfer is also considered bank transfer and the corresponding VAT on purchased goods may be deducted.

5. When the total value of multiple purchases, each of which costs below 20 million dong, that are made in the same day is 20 million dong or more, tax shall only be deducted if bank transfer receipts are presented. The supplier is a taxpayer that has a TIN and pay VAT directly.

In case the taxpayer has financially dependent stores that use the same TIN and invoice form, if the invoice shall have the text "Cửa hàng số:" ("Store No.") to differentiate the taxpayer's stores and bears the seal of each store, then each store shall be considered a supplier.

Article 16. Conditions for deducting and refunding input VAT on exported goods and services

VAT on exported goods and services (except for the cases in Article 17 of this Circular) shall only be deducted and refunded when the documents mentioned in Clause 2 Article 9 and Clause 1 Article 15 of this Circular are presented. To be specific:

1. The contract to sell, process goods, or provide services for a foreign entity. If the exported is entrusted, the compulsory documents are the entrustment contract and the note of entrustment contract finalization or a debt comparison note between the entrusting party and the entrusted party, specifying the quantity, categories, value of exported goods, the export contract number; the date and amount of money on the bank transfer receipt for the payment between the foreign party and the entrusted party, the date and amount of money on the receipt for payment to the entrusting party by the entrusted party, number and date of the customs declaration of exported goods made by the entrusted party.

2. If customs procedure has been completed in accordance with instructions of the Ministry of Finance: the customs declaration.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



The customs declaration is not needed in the following cases:

- The software and export exported via electronic means. The taxpayer must follow the procedure for certifying that the buyer has received the exported services or software via electronic means in accordance with the laws on electronic commerce.

- The construction or installation executed overseas or in free trade zones.

- Supply of electricity, water, stationery, and goods serving everyday life of export processing company, including food and consumables (including personal protective equipment such as clothes, hats, shoes, boots and gloves).

3. Payment for exported goods and services must be made by bank transfer

a) Bank transfer means the transfer of money from the importer’s account to the exporter's account at banks in accordance with the contract and regulations of the banks. Payment receipts are credit notes of the exporter’s bank regarding the amount transferred from the importer’s account. If the payment is deferred, the agreement on deferred payment must be included in the export contract. When the payment is due, the taxpayer must obtain the bank transfer receipt. If the export is entrusted, it is required to have a bank transfer receipt issued by the foreign party to the entrusted party, and the entrusted party must pay by bank transfer for the exported goods to the entrusting party. If the foreign party directly pays the exporting party, the exporting party must have the bank transfer receipt and this payment must be stipulated in the contract.

b) The cases below are also considered bank transfer:

b.1) When the payment for exported goods and services is offset against a debt to a foreign entity, the following documents are compulsory:

- A loan contract (if the loan is due within 01 year); or certification of loan issued by the State Bank of Vietnam (if the loan is due after 01 year).

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



The export contract must allow the payment to be offset against the debt to a foreign entity.

- A certification of the debt offsetting made by the foreign entity.

- After offsetting, the remaining amount must be paid by bank transfer. The bank transfer receipts must be conformable with this Point.

b.2) When the payment for exported goods and services is offset against a debt to a foreign entity, the following documents are compulsory:

- Capital contribution contract.

- An export contract that allows payment for exported goods and services to be used as capital contribution to an overseas importer.

If the capital contribution is smaller than the revenue from exported goods, the difference must be paid by bank transfer in accordance with this Point.

b.3) If the foreign party authorizes a third party, which is a foreign entity, to makes the payment, such authorization must be agreed in the export contract (or the contract appendix or amendment).

b.4) It is considered a bank transfer if the foreign party requests a third party that is an organization in Vietnam to offset the payment against a debt to the foreign party by paying the amount payable to the exporter by bank transfer (provided the offsetting is agreed in the export contract, contract appendix or amendment); the bank of the exporter issues a credit note to certify the amount transferred from the third party’s account; and the exporter presents a debt comparison certified by the foreign party and the third party.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- The export contract (contract appendix or amendment) that contains the agreement on debt offsetting.

- The credit note issued by the bank, which acts as a payment receipt for the amount received by the Vietnamese exporter from the fourth party’s account.

- A debt comparison certified by relevant parties (between the exporter and importer, between the third party and the fourth party).

b.6) If the foreign party authorizes its representative office in Vietnam to transfer the payment to the exporter’s account, such authorization is agreed in the export contract, contract appendix, or amendments (if any).

b.7)31 If the foreign party (not applied to individuals) transfers the payment from a deposit account opened by the foreign party at a credit institution in Vietnam, this method of payment must be agreed in the export contract, the contract appendix or its amendment. The payment receipt is the credit note issued by the exporter’s bank about the amount received from the foreign buyer’s account who signs the contract.

If the importer is a foreign private company and the payment via the current account of the private company owner that is opened at a credit institution in Vietnam is agreed in the export contract (or contract appendix, amendment), this payment is considered bank transfer.

When checking the deduction and refund of tax on exported goods that are paid for via the bank account, the tax authority must cooperate with the credit institution where the account is opened to ensure that the payment and transfer is made for intended purposes and in accordance with law. Any person who brings money across the border upon entry must declare that such money is for making payment for each particular sale contract and export declaration, and present the sale contracts and export declaration for customs officials to check and compare. In case the entering person is not a representative of the foreign company that directly signs the sale contract with the Vietnamese company, it is required to have a power of attorney (in English or translated into Vietnam together with the original version in the language of an adjacent country) made by the foreign entity that signs such sale contract. This power of attorney is only warrants one time of bringing money into Vietnam and the amount of money under the sale contract must be specified thereon.

b.8) In case the foreign party makes the payment by bank transfer but the amount on the receipt does not match the amount payable under the contract:

- If the amount on the bank transfer receipt is smaller than the amount payable under the contract, the taxpayer must provide explanation such as transferring fee, price reduction due to insufficient quality or quantity (a written agreement between the buyer and the seller must be made in this case), etc.;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



The taxpayer is responsible for the explanation provided and the amendments (if any).

b.9) In case the foreign party makes the payment by bank transfer but name of the bank on the bank transfer receipt does not match that in the contract, it shall be considered legitimate if its contents indicate the names of the payer, the recipient, the number of the export contract, the amount payable that are consistent with the concluded export contract.

b.10) The taxpayer exports goods and services to a foreign party (second party), imports goods and services from another foreign party or buys goods from an entity in Vietnam (third party). If the taxpayer reaches an agreement with the second party and third party that the second party will pay the third party by bank transfer the amount the taxpayer is supposed to pay to the third party , this agreement must be specified in the export contract, import contract, or sale contract (or its appendix or amendment). The taxpayer must present the debt comparison certified by relevant parties (between the taxpayer and the second party, between the taxpayer and the third party).

b.11) In case the foreign party refuses the exported goods for legitimate reasons, and the taxpayer finds another buyer in the same country, the application for tax refund consists of every export document related to the export contract with the initial buyer (contract, customs declaration, invoices), a written explanation for the difference in the buyer’s name, and every export document related to the new buyer (contract, invoices, bank transfer receipt, and other necessary documents).

c) Other cases of payment for exported goods and services prescribed by the Government:

c.1) If the labor export company directly collects money from the workers, it is required to have receipts for such payments.

c.2) When goods are exported to be sold at a fair or exhibition overseas, and the revenue is remitted to Vietnam in foreign currency, the taxpayer must declares the revenue in foreign currency collected from selling goods overseas and the receipts for remittance to a bank in Vietnam.

c.3) When goods or services are exported to repay government debt, it is required to have a certification by a foreign trade bank that the exported goods has been accepted by the foreign party as repayment, or that the dossier has been sent to the foreign party. Payment receipts must comply with instructions of the Ministry of Finance.

c.4) Exported goods/services shall be paid in kind when the export is paid by offsetting the value of exported goods/services or payment for processing against the value of goods/services purchased from the foreign party.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- An export contract that contains the agreement on payment in kind.

- A contract to buy goods/services from the foreign party.

- A customs declaration of imported goods being offset against exported goods/services.

- A certification of the value of exported goods/services being offset against the value of imported goods/services.

- After offsetting, the difference must be paid by bank transfer. Bank transfer receipts must comply with this Clause.

c.5) The export of goods to bordering countries under the Prime Minister’s regulations on administration of border trading must comply with the instructions of the Ministry of Finance and the State Bank.

c.6) Some cases of goods and services using other methods of payments prescribed by relevant laws.

d) In the following cases, tax shall be deducted and refunded without bank transfer receipts:

d.1) If the foreign party defaults on the payment, the exporter must make a written explanation and use one of the following documents as a substitute for the bank transfer receipt:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- A petition sent to a court or competent authority of the buyer’s home country enclosed with a notification or certification of the receipt of this petition by the court or the competent authority (01 copy); or

- A court’s ruling that the taxpayer wins the case (01 copy); or

- Papers of foreign competent authorities certifying or notifying that the foreign party has gone bankrupt or insolvent (01 copy).

d.2) If exported goods must be destroyed due to their inferior quality, the exporter must submit a written explanation and may use the destruction record (or a paper certifying the destruction) issued by the agency in charge of the destruction (01 copy) enclosed with a bank transfer receipt for the destruction cost payable by the exporter, or enclosed with the paper proving that the destruction cost is covered by the buyer or a third party (01 copy).

If the importer is follows the procedure for goods destruction overseas, the destruction record (or a paper certifying the destruction) shall bear the importer's name.

d.3) If the exported goods is damaged, the exporter must make a written explanation and use one of the following documents as a substitute for the wire transfer receipt:

- A certification by a competent authority that the damage is incurred beyond Vietnam’s boundary (01 copy); or

- A record certifying that goods is damage in transit beyond Vietnam’s boundary (01 copy).

If the exporter has received a compensation for the damaged goods, a bank transfer receipt for the compensation must be enclosed (01 copy).

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



The exporter is responsible for the accuracy of the substitutes for the wire transfer receipt mentioned above.

4.32 Commercial invoices. The date of determining revenue from export to calculate tax is the date on which customs procedure completion is confirmed on the customs declaration.

Article 17. Conditions for deduction and refund of input VAT in some cases of deemed export

1. Compulsory documents for forwarded processed goods defined by the laws on international trade and export processing:

a) Export processing contract and its appendices (if any), specifying the recipient of goods in Vietnam.

b) VAT invoices specifying the processing price and the quantity of processed goods (under the contract signed with the foreign party), and name of the recipient appointed by the foreign party.

c) A forwarding note certified by the sender, the recipient, and the customs authority that monitors the processing contract.

d) Payment for processed goods must be made by bank transfer in accordance with Article 16 of this Circular.

The procedure for forwarding processed products and forwarding note must comply with instructions of the General Department of Vietnam Customs.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



In this case, Company A is a forwarding processor of goods for export. When sending the soles to company B, company A must specify the quantity, category, and specifications of the products. The 800 million dong in revenue from processing the soles is eligible for 0% VAT.

2. Compulsory documents for domestic exports:

a) A sale contract or a processing contract requiring goods to be delivered to a recipient in Vietnam;

b) A customs declaration of domestic exports has gone through customs procedure;

c) A VAT invoice or export invoice specifying the buyer’s name, recipient, and delivery address in Vietnam;

d) The goods sold to foreign traders and delivered to a location in Vietnam must be paid with convertible foreign currencies by bank transfer. Wire transfer receipts must comply with this Clause 3 Article 16 of this Circular. If the appointed recipient is authorized by the foreign party to pay the exporter, the currency used for payment must comply with the regulations of law on foreign exchange.

dd) The goods for in-country export of a foreign-invested company must be conformable with the investment license.

3. When goods and supplies are exported by a Vietnamese company to execute a construction overseas, the Vietnamese company must provide the following documents to deduct or receive VAT refund:

a) The customs declaration in accordance with Clause 2 Article 16 of this Circular.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) An export entrustment contract (if the export is entrusted).

4. When goods and supplies are sold by one Vietnamese company to another to execute a construction overseas and are received overseas, the Vietnamese company must provide the following documents to deduct or receive refund of VAT on exported goods:

a) The customs declaration in accordance with Clause 2 Article 16 of this Circular.

b) The exported goods must be consistent with the manifest of exported goods serving the execution of overseas construction, which is approved by the Director of the Vietnamese enterprise.

c) A sale contract between two Vietnamese companies specifying the delivery terms, the quantity, category and value of goods.

d) An export entrustment contract (if the export is entrusted).

dd) Bank transfer receipts.

e) VAT invoices for the goods.

If the holder of exported goods or goods deemed exports according to Article 16 and Article 17 of this Circular has obtained a certification from the customs authority but does not have one of the other documents, output VAT shall not be incurred but input VAT shall not be deducted. If any of the compulsory documents for forwarded processed goods and goods for in-country export is missing, VAT shall be paid as if they are sold domestically. If the regulations on bank transfer are not complied with or the payments are not considered bank transfer, the taxpayer shall not be eligible for 0% VAT, shall not incur output VAT, but must not deduct input VAT.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 18. Cases of VAT refund 33

1. The monthly or quarterly amount of input VAT which has not been fully deducted from the VAT paid by a taxpayer adopting the invoice credit method in the period shall be deducted from the VAT incurred in the subsequent period.

If a business taxpayer’s VAT is not fully deducted before the tax period of July 2016 (if tax is declared monthly) or of the 3rd quarter of 2016 (if tax is declared quarterly) but that taxpayer is eligible for VAT refund as per Clause 1 Article 18 of the Circular No. 219/2013/TT-BTC , tax authorities shall refund the tax as per the laws.

Example: Enterprise A declares VAT on quarterly basis. In the tax period of the 3rd quarter in 2016, its remaining deductible VAT is 80 million dong. It may be deducted from the VAT incurred in the 4th quarter of 2016. If the tax deductible is not fully deducted in the 4th quarter of 2016, the 1st quarter and the 2nd quarter of 2017, enterprise A may deduct it from the VAT incurred in the 3rd quarter of 2017 and in subsequent tax periods.

2.34 Business establishments shall be eligible for VAT refund regarding investment projects in accordance with regulations in Clause 3 Article 1 of Government’s Decree No. 49/2022/ND-CP dated July 29, 2022.

3.35 (replaced)

4.36 Refund of tax on exported goods and services

a) In a month (if tax is declared monthly) or quarter (if tax is declared quarterly), if the input VAT on exported goods/services (including goods that are imported and subsequently exported to non-tariff areas and the goods that are imported and subsequently exported to other countries) of a business establishment remains at least 300 million dong after being offset against, it shall be refunded by month or quarter. If such input VAT is less than 300 million dong, it shall be offset against in the next month/quarter.

In a month/quarter, if a business establishment has both exported goods/services and goods/services sold domestically, input VAT on purchases used for manufacturing of exported goods/services shall be separately recorded. Otherwise, input VAT shall be determined according to the ratio of revenue from exported goods/services to total revenue from goods/services accrued from the tax period succeeding the period in which tax is refunded to the current period in which tax refund is claimed.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Certain cases of eligibility for tax refund upon exportation: The business establishment that has goods exported through entrustment; the business establishment that processes exports for foreign principals on a contract basis; the business establishment that has goods and materials exported for overseas construction works; and the business establishment whose exports are delivered to other domestic entities as requested by the importers.

b) VAT will not be refunded if the goods are imported and then exported outside a customs controlled area in accordance with regulations of law on customs or the goods are exported outside the customs control area in accordance with regulations of law on customs.

c) The tax authority shall grant a refund before inspection if the taxpayer who is a manufacturer of exports has not incurred any penalty for smuggling, illegal cross-border transport of goods, tax evasion, tax fraud, trade fraud for two consecutive years or the taxpayer does not pose a high risk according to the Law on Tax Administration and its instructional documents.

5. A business establishment paying VAT using the credit-invoice method may claim refund of overpaid VAT or input VAT that remains after deduction upon its ownership transfer, conversion, merger, amalgamation, division, dissolution, bankruptcy or shutdown.

A business establishment that is dissolved or bankrupt or shut down before it is put into operation and thus has not incurred output VAT is not required to adjust the amount of VAT that was declared, deducted or refunded. Such business establishment must inform its supervisory tax authority of its dissolution, bankruptcy or shutdown as per regulations.

The refunded amount of VAT, upon a business establishment's completion of formalities as per the laws on dissolution or bankruptcy, shall be settled as per the laws on dissolution, bankruptcy and tax administration while the un-refunded amount of VAT shall not be refundable.

If a business establishment shuts down and incurs no output VAT on its main business activities, it shall return the tax refund to the state budget. If VAT-levied assets are sold, the relevant input VAT on such assets shall not be subjected to adjustment.

Example: In 2015, Enterprise A, being under investment, did not initiate any business operation. The input VAT of VND 700 million which was incurred during its investment phase was refunded by tax authorities in August 2015. Enterprise A, in February 2016, decided to dissolve due to hardship. It informed tax authorities of its intent to dissolve. Prior to Enterprise A's completion of legal formalities for dissolution, tax authorities did not reclaim the VAT refund. Enterprise A, in twenty days before its fulfillment of legal formalities for official dissolution in October 2016, sold one (01) asset. Input VAT on such asset which was refunded was not subjected to adjustment. Enterprise A shall make out a declaration of refund VAT on the unsold assets and return such refund.

6. Projects and programs financed by grant ODA, grant aids or humanitarian aids shall be eligible for VAT refund.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) VAT paid on goods and services shall be refunded to Vietnam-based organizations spending foreign entities’ humanitarian aids on such goods and services for projects and programs that utilize grant aids and humanitarian aids.

Example: Red Cross was aided an amount of 200 million dong by an international organization to purchase humanitarian goods for the people in disaster-stricken provinces. The pre-tax worth of the goods was 200 million dong, plus an amount of 20 million dong in VAT. Red Cross shall receive a refund of 20 million dong as per regulations.

VAT paid on the projects and programs financed by grant ODA shall be refunded in accordance with the guidelines of the Ministry of Finance.

7. Entities granted diplomatic immunities and privileges as per relevant laws shall receive a refund of VAT paid, according to the VAT invoice or the receipt stating the VAT-included price, on the goods and services that they purchase in Vietnam for consumption.

8. A foreigner or Vietnamese national residing overseas who carries a passport or immigration document issued by a foreign competent authority shall have VAT on goods purchased in Vietnam refunded when they are carried in his/her luggage upon exit from Vietnam. The refund of VAT shall be subject to the guidelines of the Ministry of Finance on VAT refund for the goods that foreigners and Vietnamese expatriates purchase in Vietnam and carry upon departure.

9. Tax refund for the businesses shall be at the discretion of competent authorities as per the laws and according to the cases of value added tax refund as defined in international treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory.

Article 19. Conditions and procedure for VAT refund

1. To be eligible for tax refund according to Points 1 to 5 Article 18 of this Circular, the taxpayer must pay tax using credit-invoice method, be issued with a Certificate of Business registration or investment license or practice certificate, or a decision on establishment issued by a competent authority, have a legal seal, keep accounting records in accordance with accounting laws, and have deposit accounts at banks according to the taxpayer’s TIN.

2. Input VAT that has been claimed on the VAT declaration must not be aggregated with the deductible tax of the next month.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 20. Place of tax payment

1. Taxpayer shall declare and pay VAT in the locality where the business is situated.

2. If the taxpayer that declares and pays VAT using credit-invoice method has a financially dependent manufacturing facility in a province other than the province where the headquarter is situated, VAT shall be paid in both provinces.

3. If an enterprise or cooperative that uses direct method has a manufacturing facility in a province other than that where the headquarter is situated, or engages in extraprovincial sale, the enterprise or cooperative shall pay direct VAT on the revenue earned from extraprovincial sale in the province where the sale is made. The enterprise or cooperative is not required to pay direct VAT on such revenue, which has been declared at paid, at the headquarter.

4. When a provider of telecommunications services provides postpaid telecommunications services in a province other than the province where their headquarter is situated, and establish a financially dependent branch that pays VAT using credit-invoice method and also provides postpaid telecommunications services in that same province, the provider of telecommunications services shall declare and pay VAT on postpaid telecommunications services as follows:

- VAT on the total revenue from postpaid telecommunications services of the provide shall be declared at the supervisory tax authority of the headquarter.

- VAT shall be paid in the provinces where the headquarter and the financially dependent branch are situated.

Direct VAT shall be paid at 2% of the revenue from telecommunications services provided in the province where the financially dependent branch is situated (postpaid telecommunications services are subject to 10% tax).

5. VAT shall be declared and paid in accordance with the Law on Tax Administration and its guiding documents.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



IMPLEMENTATION37

Article 21. Effect

1. This Circular comes into force from January 01, 2014 and supersedes the Circular No. 06/2012/TT-BTC dated January 11, 2012 and the Circular No. 65/2013/TT-BTC dated May 17, 2013 of the Ministry of Finance.

2. Any taxpayer that declares VAT quarterly from July 01, 2013 shall receive VAT refund before the tax period of January 2014 (if tax is declared monthly) or before the first quarter of 2014 (if tax is declared quarterly) if input VAT is not completely deducted after 03 consecutive tax periods.

Example 85: Enterprise A declares tax monthly in May and June 2013, and starts declaring tax quarterly from the third quarter of 2013. If input VAT incurred in May 2013, June 2013, and the third quarter of 2013 is not completely deducted, company A will receive a refund of VAT at the end of the third quarter of 2013.

Example 86: Enterprise B declares tax monthly in June 2013 and starts declaring tax quarterly from the third quarter of 2013. If input VAT incurred in June 2013, and the third quarter of 2013 and the fourth quarter of 2013 is not completely deducted, enterprise B will receive a refund of VAT at the end of the fourth quarter of 2013.

3. Before January 2014 (if tax is declared monthly) or before the first quarter of 2014 (if tax is declared quarterly), any taxpayer that is eligible for tax refund according to the Circular No. 06/2012/TT-BTC dated January 11, 2012 and the Circular No. 65/2013/TT-BTC dated May 2013 of the Ministry of Finance shall receive a VAT refund.

At the end of December 2013 (if tax is declared monthly) or the fourth quarter of 2013 (if tax is declared quarterly), the input VAT that is not completely deducted after less than 03 consecutive tax periods in 2013 shall be transferred to 2014 to deduct and claim refund according to Clause 1 Article 18 of this Circular.

Example 87: VAT incurred by enterprise A is not completely deducted in October, November and December 2013. Thus, enterprise A shall receive a VAT refund according to Clause 1 Article 18 of the Circular No. 06/2012/TT-BTC dated January 11, 2012 of the Ministry of Finance.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Example 89: Enterprise C incurs VAT in the third quarter of 2013. The input VAT that is not completely deducted in the fourth quarter of 2013 shall be transferred to 2014, during which tax refund will be considered, according to Clause 1 Article 18 of this Circular.

4. Every taxpayer shall deduct input VAT on fixed assets incurred before January 01, 2014 in accordance with the Circular No. 06/2012/TT-BTC dated January 11, 2012 and the Circular No. 65/2013/TT-BTC dated May 17, 2013 of the Ministry of Finance; the input VAT on fixed assets incurred from January 01, 2014 onwards shall be deducted in accordance with this Circular.

5. The input VAT on unprocessed or preprocessed farming, breeding, fishery products incurred before January 01, 2014 must be enumerated in the manifest of purchases on the VAT declaration of December 2013 or the fourth quarter of 2013.

Article 22. VAT collection

1. Tax authorities shall organize the collection of VAT and refund of VAT incurred by business establishments.

2. Customs authorities shall organize the collection of VAT on imported goods.

Difficulties that arise during the implementation of this Circular should be promptly reported to the Ministry of Finance for timely resolution./.

 

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



PP. MINISTER
DEPUTY MINISTER




Cao Anh Tuan

 

APPENDIX

RATES OF DIRECT VAT APPLIED TO VARIOUS BUSINESS LINES
(Enclosed with the Circular No. 219/2013/TT-BTC dated December 31, 2013 of the Ministry of Finance)

1) Goods supply and distribution: 1%

- Wholesaling and retailing goods (except for goods sold by agents that earn commissions).

2) Services, construction exclusive of building materials: 5%

- Accommodation, hotel, motel services;

- Leases on houses, land, stores, workshops, assets, and other personal chattels;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Postal services and mailing;

- Commissions for running agents, auction and brokerage services;

- Legal counseling, audit, accounting, and financial counseling; tax brokerage and customs brokerage;

- Data processing services, lease on information portals, IT and telecommunications equipment;

- Office assistance services and other business assistance services;

- Steambath, massage, karaoke, nightclub, billards, Internet, and video game services;

- Tailoring, laundry services; hairdressing services;

- Other repair services including computer repair and domestic appliance repair;

- Infrastructural development consultancy, design, and supervision services;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Construction and installation exclusive of building materials (including installation of industrial machinery and equipment).

3) Manufacturing, transport, services attached to goods, construction inclusive of building materials: 3%

- Manufacturing and processing products and goods;

- Mineral mining and processing;

- Cargo and passenger transport;

- Services attached to goods such as training, maintenance, technology transfers attached to goods sale;

- Food and drink services;

- Repair and maintenance of machinery, equipment, means of transport, automobiles, motorcycles and other motor vehicles;

- Construction and installation inclusive of building materials (including installation of industrial machinery and equipment).

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Production of products subject to 5% VAT under credit-invoice method;

- Provision of services subject to 5% VAT under credit-invoice method;

- Other lines of business not mentioned above.

 

[1] This is consolidated document of the following 12 Circulars:

- The Circular No. 219/2013/TT-BTC dated December 31, 2013 of the Ministry of Finance of Vietnam providing guidelines for the Law on Value-added tax and the Government’s Decree No. 209/2013/ND-CP dated December 18, 2013 elaborating and providing guidelines for the Law on Value-added tax, coming into force from January 01, 2014;

- The Circular No. 119/2014/TT-BTC dated August 25, 2014 of the Ministry of Finance of Vietnam providing amendments to the Circular No. 156/2013/TT-BTC dated November 06, 2013, Circular No. 111/2013/TT-BTC dated August 15, 2013, Circular No. 219/2013/TT-BTC dated December 31, 2013, Circular No. 08/2013/TT-BTC dated January 10, 2013, Circular No. 85/2011/TT-BTC dated June 17, 2011, Circular No. 39/2014/TT-BTC dated March 31, 2014 and Circular No. 78/2014/TT-BTC dated June 18, 2014 of the Ministry of Finance of Vietnam for reform and simplification of tax-related administrative procedures, coming into force from September 01, 2014 (hereinafter referred to as the “Circular No. 119/2014/TT-BTC).

- Pursuant to Circular No. 151/2014/TT-BTC dated October 10, 2014 of the Ministry of Finance of Vietnam providing guidelines for the Government's Decree No. 91/2014/ND-CP dated October 01, 2014 providing amendments to Decrees on taxation, coming into force from November 15, 2014 (hereinafter referred to as the “Circular No. 151/2014/TT-BTC”).

- The Circular No. 26/2015/TT-BTC dated February 27, 2015 of the Ministry of Finance of Vietnam providing guidelines for value-added tax and tax administration under the Government's Decree No. 12/2015/ND-CP dated February 12, 2015 providing guidelines for the Law on amendments to laws and decrees on taxation, and amendments to the Circular No. 39/2014/TT-BTC dated March 31, 2014 of the Ministry of Finance of Vietnam on invoices for goods sale and service provision, coming into force from January 01, 2015 (hereinafter referred to as “the Circular No. 26/2015/TT-BTC).

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- The Circular No. 130/2016/TT-BTC dated August 12, 2016 of the Ministry of Finance of Vietnam providing guidelines for the Government’s Decree No. 100/2016/ND-CP dated July 01, 2016 elaborating the Law on amendments to the Law on Value-added tax, the Law on Excise Tax and the Law on Tax Administration and some Circulars on taxation, coming into force from July 01, 2016 (hereinafter referred to as “the Circular No. 130/2016/TT-BTC”).

- The Circular No. 173/2016/TT-BTC dated October 28, 2016 of the Ministry of Finance of Vietnam providing amendments to the first paragraph of Clause 3 Article 15 of the Circular No. 219/2013/TT-BTC dated December 31, 2013 of the Ministry of Finance of Vietnam (as amended by the Circular No. 119/2014/TT-BTC dated August 25, 2014, Circular No. 151/2014/TT-BTC dated October 10, 2014, Circular No. 26/2015/TT-BTC dated February 27, 2015 of the Ministry of Finance of Vietnam), coming into force from December 15, 2016 (hereinafter referred to as “the Circular No. 173/2016/TT-BTC”).

- The Circular No. 93/2017/TT-BTC dated September 19, 2017 of the Ministry of Finance of Vietnam providing amendments to Clauses 3, 4 Article 12 of the Circular No. 219/2013/TT-BTC dated December 31, 2013 (as amended by the Circular No. 119/2014/TT-BTC dated August 25, 2014) and abrogating clause 7 Article 11 of the Circular No. 156/2013/TT-BTC dated November 06, 2013 of the Ministry of Finance of Vietnam, coming into force from November 05, 2017 (hereinafter referred to as “the Circular No. 93/2017/TT-BTC”).

- The Circular No. 25/2018/TT-BTC dated March 16, 2018 of the Ministry of Finance of Vietnam providing guidelines for the Government’s Decree No. 146/2017/ND-CP dated December 15, 2017 providing amendments to the Circular No. 78/2014/TT-BTC dated June 18, 2014 of the Ministry of Finance of Vietnam, and the Circular No. 111/2013/TT-BTC dated August 15, 2013 of the Ministry of Finance of Vietnam, coming into force from May 01, 2018 (hereinafter referred to as “the Circular No. 25/2018/TT-BTC”).

- The Circular No. 82/2018/TT-BTC dated August 30, 2018 of the Ministry of Finance of Vietnam abrogating contents of example 37 in point a.4 clause 10 Article 7 of the Circular No. 219/2013/TT-BTC dated December 31, 2013 of the Ministry of Finance of Vietnam providing guidelines for the Law on Value-added tax and the Government’s Decree No. 209/2013/ND-CP dated December 18, 2013 elaborating and providing guidelines for the Law on Value-added tax, coming into force from October 15, 2018 (hereinafter referred to as “the Circular No. 82/2018/TT-BTC”).

- The Circular No. 43/2021/TT-BTC dated June 11, 2021 of the Ministry of Finance of Vietnam providing amendments to clause 11 Article 10 of the Circular No. 219/2013/TT-BTC dated December 31, 2013 of the Ministry of Finance of Vietnam providing guidelines for the Law on Value-added tax and the Government’s Decree No. 209/2013/ND-CP dated December 18, 2013 elaborating and providing guidelines for the Law on Value-added tax (as amended by the Circular No. 26/2015/TT-BTC dated February 27, 2015 of the Ministry of Finance of Vietnam), coming into force from August 01, 2021 (hereinafter referred to as “the Circular No. 43/2021/TT-BTC”).

- The Circular No. 13/2023/TT-BTC dated February 28, 2023 of the Ministry of Finance of Vietnam providing guidelines for the Government's Decree No. 49/2022/ND-CP dated July 29, 2022 providing amendments to the Government’s Decree No. 209/2013/ND-CP dated December 18, 2013 elaborating and providing guidelines for some Articles of the Law on Value-added tax, as amended by the Decree No. 12/2015/ND-CP, Decree No. 100/2016/ND-CP and Decree No. 146/2017/ND-CP, and providing amendments to the Circular No. 80/2021/TT-BTC dated September 29, 2021 of the Ministry of Finance of Vietnam, coming into force from April 14, 2023 (hereinafter referred to as “Circular No. 13/2023/TT-BTC”).

This document supersedes none of 12 Circulars mentioned above.

[2] The Circular No. 119/2014/TT-BTC is promulgated pursuant to:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



The Law on value-added tax No. 13/2008/QH12 dated June 03, 2008 and the Law No. 31/2013/QH13 dated June 19, 2013 providing amendments to the Law on value-added tax;

The Government’s Decree No. 83/2013/ND-CP dated July 22, 2013 on guidelines for implementation of the Law on Tax Administration and the Law on Amendments to the Law on Tax Administration;

The Government’s Decree No. 209/2013/ND-CP dated December 18, 2013 elaborating and providing guidelines for the Law on Value-added Tax;

The Government’s Decree No. 51/2010/ND-CP dated May 14, 2010 on invoices for goods sale and service provision and the Decree No. 04/2014/ND-CP dated January 17, 2014 on amendments to the Decree No. 51/2010/ND-CP dated May 14, 2010;

The Government’s Decree No. 218/2013/ND-CP dated December 26, 2013 on guidelines for implementation of the Law on Corporate Income Tax;

The Government’s Decree No. 215/2013/ND-CP dated December 23, 2013 defining functions, tasks, powers and organizational structure of Ministry of Finance;

At the request of Director of the General Department of Taxation,

Reforming and simplifying administrative procedures related to tax, the Minister of Finance hereby provides guidelines for amendments to some contents as follows:”

- The Circular No. 151/2014/TT-BTC is promulgated pursuant to:
“The Law on Tax Administration No. 78/2006/QH11 and Law No. 21/2012/QH13 on Amendments to the Law on Tax Administration;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



The Law on Value-Added Tax No. 13/2008/QH12 dated June 03, 2008 and Law on Amendments to the Law on Value-Added Tax;

The Law on Corporate Income Tax No. 14/2008/QH12 and Law No. 32/2013/QH13 on amendments to the Law on Corporate Income Tax;

The Government’s Decree No. 83/2013/ND-CP dated July 22, 2013 on guidelines for implementation of the Law on Tax Administration and the Law on Amendments to the Law on Tax Administration;

The Government’s Decree No. 65/2013/ND-CP dated June 27, 2013 on guidelines for implementation of the Law on Personal Income Tax and the Law on Amendments to the Law on Personal Income Tax;

The Government’s Decree No. 209/2013/ND-CP dated December 18, 2013 on guidelines for implementation of the Law on Value-Added Tax;

The Government’s Decree No. 218/2013/ND-CP dated December 26, 2013 on guidelines for implementation of the Law on Corporate Income Tax;

The Government’s Decree No. 91/2014/ND-CP dated October 01, 2014 on amendments to tax decrees;

The Government's Decree No. 215/2013/ND-CP dated December 23, 2013 defining the functions, tasks, powers and organizational structure of the Ministry of Finance;

At the request of the Director of the General Department of Taxation,

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- The Circular No. 26/2015/TT-BTC is promulgated pursuant to:

The Law on Tax Administration No. 78/2006/QH11 and Law No. 21/2012/QH13 on amendments to the Law on Tax Administration;

The Law on Value-Added Tax No. 13/2008/QH12 dated June 03, 2008 and Law on Amendments to the Law on Value-Added Tax;

The Law No. 71/2014/QH13 on Amendments to Laws on Taxation;

The Government’s Decree No. 51/2010/ND-CP dated May 14, 2010 and the Government’s Decree No. 04/2014/ND-CP dated January 17, 2014 on invoices for goods sale and service provision;

The Government’s Decree No. 83/2013/ND-CP dated July 22, 2013 on guidelines for implementation of the Law on Tax Administration and the Law on Amendments to the Law on Tax Administration;

The Government’s Decree No. 209/2013/ND-CP dated December 18, 2013 on guidelines for implementation of the Law on Value-Added Tax;

The Government’s Decree No. 12/2015/ND-CP dated February 12, 2015 on guidelines for implementation of the Law on Amendments to Laws and Decrees on Taxation;

The Government's Decree No. 215/2013/ND-CP dated November 23, 2013 defining the functions, tasks, powers and organizational structure of the Ministry of Finance;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



The Minister of Finance provide guidelines for value-added tax, tax administration and invoices for goods sale and service provision as follows:”

- The Circular No. 193/2015/TT-BTC is promulgated pursuant to:

“The Law on Value-added Tax No. 13/2008/QH12 dated June 03, 2008 and Law on amendments to the Law on Value-added Tax No. 31/2013/QH13 dated June 19, 2013;

The Law No. 71/2014/QH13 on Amendments to Laws on Taxation dated November 26, 2014;

The Government’s Decree No. 209/2013/ND-CP dated December 18, 2013 on guidelines for implementation of the Law on Value-Added Tax;

The Government’s Decree No. 12/2015/ND-CP dated February 12, 2015 on guidelines for implementation of the Law on Amendments to Laws and Decrees on Taxation;

The Government's Decree No. 215/2013/ND-CP dated November 23, 2013 defining the functions, tasks, powers and organizational structure of the Ministry of Finance;

In furtherance of the Government’s Resolution the Government’s regular meeting - August 2015 dated September 07, 2015;

At the request of the Director of the General Department of Taxation,

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- The Circular No. 130/2016/TT-BTC is promulgated pursuant to:

“The Law on Tax Administration No. 78/2006/QH11 and Law No. 21/2012/QH13 on Amendments to the Law on Tax Administration;

The Law on Value-Added Tax No. 13/2008/QH12 dated June 03, 2008 and Law on Amendments to the Law on Value-Added Tax;

The Law No. 106/2016/QH13 on amendments to the Law on Amendments to Certain Articles of the Law on Value Added Tax, the Law on Special Excise Tax and the Law on Tax Administration;

The Law on Corporate Income Tax No. 14/2008/QH12 and Law No. 32/2013/QH13 on amendments to the Law on Corporate Income Tax;

The Government’s Decree No. 83/2013/ND-CP dated July 22, 2013 on guidelines for implementation of the Law on Tax Administration and the Law on Amendments to the Law on Tax Administration;

The Government’s Decree No. 218/2013/ND-CP dated December 26, 2013 on guidelines for implementation of the Law on Corporate Income Tax;

The Government’s Decree No. 100/2016/ND-CP dated July 01, 2016 on the implementation of the Law on Amendments to Certain Articles of the Law on Value Added Tax, the Law on Special Excise Tax and the Law on Tax Administration;

The Government's Decree No. 215/2013/ND-CP dated December 23, 2013 defining the functions, tasks, powers and organizational structure of the Ministry of Finance;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



The Minister of Finance promulgates a Circular to provide guidelines for implementation of the Government’s Decree No. 100/2016/ND-CP dated July 01, 2016 on the implementation of the Law on Amendments to Certain Articles of the Law on Value Added Tax, the Law on Special Excise Tax and the Law on Tax Administration and to Certain Articles of Tax-related Circulars as follows:”

- The Circular No. 173/2016/TT-BTC is promulgated pursuant to:

“The Law on Tax Administration No. 78/2006/QH11 and Law No. 21/2012/QH13 on Amendments to the Law on Tax Administration;

The Law on Value-added Tax No. 13/2008/QH12 and Law No. 31/2013/QH13 on amendments to the Law on Value-Added Tax; Law No. 71/2014/QH13 on Amendments to the Laws on taxation;

The Government’s Decree No. 209/2013/ND-CP dated December 18, 2013 providing guidance on some Articles of the Law on Value-Added Tax; the Government's Decree No. 91/2014/ND-CP dated October 01, 2014 on amendments to tax decrees;

The Government’s Decree No. 83/2013/ND-CP dated July 22, 2013 on guidelines for implementation of the Law on Tax Administration and the Law on Amendments to the Law on Tax Administration;

The Government’s Decree No. 12/2015/ND-CP dated February 12, 2015 on guidelines for implementation of the Law on Amendments to Laws and Decrees on Taxation;

The Government's Decree No. 215/2013/ND-CP dated December 23, 2013 defining the functions, tasks, powers and organizational structure of the Ministry of Finance;

At the request of the Director of the General Department of Taxation,

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- The Circular No. 93/2017/TT-BTC is promulgated pursuant to:

“The Law on Tax Administration No. 78/2006/QH11 and Law No. 21/2012/QH13 on Amendments to the Law on Tax Administration;

The Law on Value-Added Tax No. 13/2008/QH12 dated June 03, 2008 and Law on Amendments to the Law on Value-Added Tax;

The Government’s Decree No. 209/2013/ND-CP dated December 18, 2013 providing guidance on some Articles of the Law on Value-Added Tax; the Government's Decree No. 91/2014/ND-CP dated October 01, 2014 on amendments to tax decrees;

The Government’s Decree No. 83/2013/ND-CP dated July 22, 2013 on guidelines for implementation of the Law on Tax Administration and the Law on Amendments to the Law on Tax Administration;

The Government’s Decree No. 12/2015/ND-CP dated February 12, 2015 on guidelines for implementation of the Law on Amendments to Laws and Decrees on Taxation;

The Government's Decree No. 87/2017/ND-CP dated July 26, 2017 defining the functions, tasks, powers and organizational structure of the Ministry of Finance;

At the request of the Director of the General Department of Taxation,

The Minister of Finance promulgates a Circular on amendments to Clause 3 and Clause 4 Article 12 of Circular No. 219/2013/TT-BTC dated December 31, 2013 (amended by the Circular No. 119/2014/TT-BTC dated August 25, 2014) and abrogation of Clause 7 Article 11 of Circular No. 156/2013/TT-BTC dated November 06, 2013 as follows:”

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



“The Law on Securities No. 70/2006/QH11 dated June 29, 2006 and Law No. 62/2010/QH12 on amendments to the Law on Securities dated November 24, 2010;

The Law on Personal Income Tax No. 04/2007/QH12 dated November 21, 2007 and Law on amendments to the Law on Personal Income Tax No. 26/2012/QH13 dated November 22, 2012;

Pursuant to the Law on Enterprises No. 68/2014/QH13 dated November 26, 2014;

The Law No. 71/2014/QH13 on Amendments to Laws on Taxation dated November 26, 2014;

The Law No. 106/2016/QH13 on amendments to the Law on Amendments to Certain Articles of the Law on Value Added Tax, the Law on Special Excise Tax and the Law on Tax Administration;

The Government’s Decree No. 65/2013/ND-CP dated June 27, 2013 on guidelines for implementation of the Law on Personal Income Tax and the Law on Amendments to the Law on Personal Income Tax;

The Government’s Decree No. 12/2015/ND-CP dated February 12, 2015 on guidelines for implementation of the Law on Amendments to Laws and Decrees on Taxation;

The Government’s Decree No. 100/2016/ND-CP dated July 01, 2016 on the implementation of the Law on Amendments to Certain Articles of the Law on Value Added Tax, the Law on Special Excise Tax and the Law on Tax Administration;

The Government’s Decree No. 146/2017/ND-CP dated December 12, 2017 on amendments to the Government’s Decree No. 100/2016/ND-CP dated July 01, 2016 and Government’s Decree No. 12/2015/ND-CP dated February 12, 2015;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



At the request of the Director of the General Department of Taxation,

The Minister of Finance promulgates a Circular on guidelines for the Government’s Decree No. 146/2017/ND-CP dated December 12, 2017 on amendments to some articles of the Circular No. 78/2014/TT-BTC dated June 18, 2014 of the Ministry of Finance and Circular No. 111/2013/TT-BTC dated August 15, 2013 of the Ministry of Finance as follows:”

- The Circular No. 82/2018/TT-BTC is promulgated pursuant to:

“The Law on Tax Administration No. 78/2006/QH11 and Law No. 21/2012/QH13 on Amendments to the Law on Tax Administration;

The Law on Value-Added Tax No. 13/2008/QH12 and Law No. 31/2013/QH13 on amendments to the Law on Value-Added Tax; Law No. 71/2014/QH13 on Amendments to the Laws on taxation;

The Government’s Decree No. 209/2013/ND-CP dated December 18, 2013 providing guidance on some Articles of the Law on Value-Added Tax; the Government's Decree No. 91/2014/ND-CP dated October 01, 2014 on amendments to tax decrees;

The Government’s Decree No. 83/2013/ND-CP dated July 22, 2013 on guidelines for implementation of the Law on Tax Administration and the Law on Amendments to the Law on Tax Administration;

The Government’s Decree No. 12/2015/ND-CP dated February 12, 2015 on guidelines for implementation of the Law on Amendments to Laws and Decrees on Taxation;

The Government's Decree No. 87/2017/ND-CP dated July 26, 2017 defining the functions, tasks, powers and organizational structure of the Ministry of Finance;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



The Minister of Finance promulgates a Circular on repeal of Example 37 in Point a.4 Clause 10 Article 7 of the Circular No. 219/2013/TT-BTC of the Ministry of Finance dated December 31, 2013 providing guidance on implementation of the Law on Value-added Tax and the Government's Decree No. 209/2013/ND-CP dated December 18, 2013 providing guidance on some Articles of the Law on Value-Added Tax:”

- The Circular No. 43/2021/TT-BTC is promulgated pursuant to:

“The Law on Tax Administration dated June 13, 2019;

The Law on Value-Added Tax dated June 3, 2008; Law on amendment to Law on Value-Added Tax dated June 19, 2013;

The Decree No. 126/2020/ND-CP dated October 19, 2020 of the Government on elaborating to Law on Tax Administration;

The Government’s Decree No. 209/2013/ND-CP dated December 18, 2013 providing guidance on some Articles of the Law on Value-Added Tax; the Government's Decree No. 91/2014/ND-CP dated October 01, 2014 on amendments to tax decrees;

The Government's Decree No. 87/2017/ND-CP dated July 26, 2017 defining the functions, tasks, powers and organizational structure of the Ministry of Finance;

At the request of the Director of the General Department of Taxation,

The Minister of Finance of Vietnam promulgates a Circular on amendments to Clause 11 Article 10 of the Circular No. 219/2013/TT-BTC dated December 31, 2013 of Ministry of Finance providing guidance on implementation of the Law on Value-Added Tax and Government’s Decree No. 209/2013/ND-CP dated December 18, 2013 providing guidance on some Articles of the Law on Value-Added Tax (amended by the Circular No. 26/2015/TT-BTC dated February 27, 2015 of Ministry of Finance) as follows:”

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



The Law on Value-Added Tax dated June 03, 2008 and the Law on Amendments to the Law on Value-Added Tax dated June 19, 2013;

The Law on amendments to tax laws dated November 26, 2014 and the Law on amendments to the Law on value-added tax, the Law on Excise Tax and the Law on Tax Administration dated April 06, 2016;

The Law on Tax Administration dated June 13, 2019;

The Government’s Decree No. 209/2013/ND-CP dated December 18, 2013 providing guidelines for the Law on Value-added Tax;

The Government’s Decree No. 12/2015/ND-CP dated February 12, 2015 elaborating the Law on amendments to tax laws and decrees on taxation;

The Government’s Decree No. 100/2016/ND-CP dated July 01, 2016 elaborating and providing guidance on the Law on amendments to certain articles of the Law on value-added tax, the Law on excise tax and the Law on tax administration;

The Government’s Decree No. 146/2017/ND-CP dated December 15, 2017 providing amendments to the Government’s Decree No. 100/2016/ND-CP dated July 01, 2016 and the Government’s Decree No. 12/2015/ND-CP dated February 12, 2015;

The Government's Decree No. 49/2022/ND-CP dated July 29, 2022 providing amendments to the Government’s Decree No. 209/2013/ND-CP dated December 18, 2013 elaborating and providing guidelines for some Articles of the Law on Value-added tax, as amended by the Decree No. 12/2015/ND-CP, Decree No. 100/2016/ND-CP and Decree No. 146/2017/ND-CP;

The Government’s Decree No. 126/2020/ND-CP dated October 19, 2020 on elaboration of the Law on Tax Administration;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



At the request of the Director of the General Department of Taxation,

The Minister of Finance of Vietnam promulgates a Circular providing guidelines for the Government's Decree No. 49/2022/ND-CP dated July 29, 2022 providing amendments to the Government’s Decree No. 209/2013/ND-CP dated December 18, 2013 elaborating and providing guidelines for some Articles of the Law on Value-added tax, as amended by the Decree No. 12/2015/ND-CP, Decree No. 100/2016/ND-CP and Decree No. 146/2017/ND-CP, and providing amendments to the Circular No. 80/2021/TT-BTC dated September 29, 2021 of the Ministry of Finance of Vietnam as follows:”

[3] This Clause is amended according to Clause 1 Article 1 of the Circular No. 26/2015/TT-BTC, coming into force from January 01, 2015.

[4] This Clause is amended according to Clause 2 Article 1 of the Circular No. 26/2015/TT-BTC, coming into force from January 01, 2015.

[5] This Point is amended according to Clause 3 Article 1 of the Circular No. 26/2015/TT-BTC, coming into force from January 01, 2015.

(This Point is amended is amended for the first time by Article 8 of the Circular No. 151/2014/TT-BTC, coming into force from November 15, 2014).

[6] This Clause is amended according to point a Clause 1 Article 1 of the Circular No. 130/2016/TT-BTC, coming into force from July 01, 2016.

[7] This Clause is amended according to point a Clause 1 Article 1 of the Circular No. 130/2016/TT-BTC, coming into force from July 01, 2016.

[8] This Clause is amended according to Article 1 of the Circular No.25/2018/TT-BTC, coming into force from January 01, 2018.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



[9] This Point is added according to Clause 1 Article 3 of the Circular No. 119/2014/TT-BTC, coming into force from September 01, 2014.

[10] This point is added according to Article 1 of the Circular No. 193/2015/TT-BTC, coming into force from January 10, 2016.

[11] This Clause is amended according to Clause 2 Article 3 of the Circular No. 119/2014/TT-BTC, coming into force from September 01, 2014.

[12] This Clause is amended according to Clause 1 Article 1 of the Circular No. 13/2023/TT-BTC, coming into force from April 14, 2023.

(This Clause is amended for the first time by Clause 4 Article 1 of Decree No. 26/2015/TT-BTC, coming into force from January 01, 2015; and amended for the second time by clause 1 Article 1 of the Circular No. 82/2018/TT-BTC, coming into force from October 15, 2018).

[13] This Clause is amended according to Clause 2 Article 1 of the Circular No. 13/2023/TT-BTC, coming into force from April 14, 2023.

[14] Regulations on exchange rates applied when determining revenues and calculating taxes are annulled by Clause 4 Article 4 of the Circular No. 26/2015/TT-BTC, coming into force from 01 January, 2015.

[15] This Clause is amended according to Clause 2 Article 1 of the Circular No. 130/2016/TT-BTC, coming into force from July 01, 2016.

(The first bullet in Clause 3 Article 9 is amended for the first time by Clause 5 Article 1 of the Circular No. 26/2015/TT-BTC, coming into force January 01, 2015).

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



[17] This Clause is abrogated according to Clause 7 Article 1 of the Circular No. 26/2015/TT-BTC, coming into force from January 01, 2015.

[18] This Clause is abrogated according to Clause 7 Article 1 of the Circular No. 26/2015/TT-BTC, coming into force from January 01, 2015.

[19] This Clause is amended according to Article 1 of the Circular No. 43/2021/TT-BTC, coming into force from August 01, 2021.

(This Clause is amended for the first time according to Clause 8 Article 1 of the Circular No. 26/2015/TT-BTC, coming into force from January 01, 2015).

[20] This Clause is amended according to Clause 3 Article 3 of the Circular No. 119/2014/TT-BTC, coming into force from September 01, 2014.

[21] This Point is amended according to Clause 1 Article 1 of the Circular No. 93/2017/TT-BTC, coming into force from November 05, 2017.

(This point is amended for the first time according to Clause 3 Article 3 of the Circular No. 119/2014/TT-BTC, coming into force from September 01, 2014).

[22] This Clause is amended according to Clause 3 Article 3 of the Circular No. 119/2014/TT-BTC, coming into force from September 01, 2014.

[23] This point is abrogated according to clause 2 Article 1 of the Circular No. 93/2017/TT-BTC, coming into force from November 05, 2017.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



[24] This Clause is amended according to Clause 4 Article 3 of the Circular No. 119/2014/TT-BTC, coming into force from September 01, 2014.

[25] This Clause is amended according to point a Clause 9 Article 1 of the Circular No. 26/2015/TT-BTC, coming into force from January 01, 2015.

[26] This Clause is amended according to Article 9 of the Circular No. 151/2014/TT-BTC, coming into force from November 15, 2014.

[27] This example is added according to Clause 5 Article 3 of the Circular No. 119/2014/TT-BTC, coming into force from September 01, 2014.

[28] This Clause is added according to point b Clause 9 Article 1 of the Circular No. 26/2015/TT-BTC, coming into force from January 01, 2015.

[29] This Article is amended according to Clause 10 Article 1 of the Circular No. 26/2015/TT-BTC, coming into force from January 01, 2015.

(The first paragraph in Clause 3, Point c Clause 3, Point c Clause 4 of this Article are amended for the first time by Clause 6 Article 3 of the Circular No. 119/2014/TT-BTC, which has been effective since September 01, 2014; Point c Clause 3 of this Article is amended for the second time by Article 10 of the Circular No. 151/2014/TT-BTC, coming into force from November 15, 2014).

[30] This paragraph is amended according to Article 1 of the Circular No. 173/2016/TT-BTC, which has been effective since December 15, 2016.

(This paragraph is amended for the first time by Point b Clause 6 Article 3 of the Circular No. 119/2014/TT-BTC, which has been effective since September 01, 2014; is amended for the second time by Clause 10 Article 1 of the Circular No. 26/2015/TT-BTC, which has been effective since January 01, 2015).

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 32This Clause is amended by Clause 7 Article 3 of the Circular No. 119/2014/TT-BTC, which has been effective since September 01, 2014.

 33 This Article is amended by Clause 3 Article 1 of the Circular No. 130/2016/TT-BTC, which has been effective since July 01, 2016.

(Clause 3, Clause 4, Clause 5 of this Article are amended for the first time by Clause 12 Article 1 of the Circular No. 26/2015/TT-BTC, which has been effective since January 01, 2015).

34 This Clause is replaced according to Clause 3 Article 1 of the Circular No. 13/2023/TT-BTC, coming into force from April 14, 2023.

Provisions on refund of VAT on investment projects of business establishments engaging in conditional business lines shall apply from the date of entry into force of the Decree No. 100/2016/ND-CP dated July 01, 2016 as prescribed in clause 2 Article 2 of the Government’s Decree No. 49/2022/ND-CP dated July 29, 2022 as prescribed in clause 2 Article 3 of the Circular No. 13/2023/TT-BTC.

35 This Clause is replaced according to Clause 3 Article 1 of the Circular No. 13/2023/TT-BTC, coming into force from April 14, 2023.

36 This Clause is amended by Article 2 of the Circular No. 25/2018/TT-BTC, which has been effective since May 01, 2018.

(This clause is amended for the first time by Point b Clause 12 Article 1 of the Circular No. 26/2015/TT-BTC, which has been effective since January 01, 2015; is amended for the second time by Clause 3 Article 1 of the Circular No. 130/2016/TT-BTC, which has been effective since July 01, 2016).

37 Article 7 of the Circular No. 119/2014/TT-BTC, which has been effective since September 01, 2014, stipulates that:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. This Circular comes into force from September 01, 2014.

When a company needs time to prepare for following the procedures and making the forms provided in the Circulars mentioned in Clause 2 of this Article, it may choose the procedures and forms according to current regulations and the regulations on amendment by October 31, 2014 without being required to notify and register with the tax authority. The General Department of Taxation shall provide instructions on the implementation of this regulation.

2. The instructions and forms provided in the Circular No. 156/2013/TT-BTC dated November 06, 2013, Circular No. 111/2013/TT-BTC dated August 15, 2013, Circular No. 219/2013/TT-BTC dated December 31, 2013, Circular No. 08/2013/TT-BTC dated January 10, 2013, Circular No. 85/2011/TT-BTC dated June 17, 2011, Circular No. 39/2014/TT-BTC dated March 31, 2014 and Circular No. 78/2014/TT-BTC dated June 18, 2014 of the Ministry of Finance that is amended, replaced or annulled by this Circular are repealed.

3. Other administrative procedures related to taxation that are not mentioned in this Circular shall be implemented according to applicable regulations of law.

Difficulties that arise during the implementation of this Circular should be promptly reported to the Ministry of Finance for resolution./.”

- Articles 22, 24 and 25 of the Circular No. 151/2014/TT-BTC, coming into force from November 15, 2014, stipulate as follows:

“Article 22. Effect

This Circular comes into force from November 15, 2014.

Regulations in Chapter I of this Circular shall apply to the corporate income tax period from 2014.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 25. Responsibility for implementation

1. People’s Committees of provinces and central-affiliated cities shall direct competent agencies to correctly implement regulations of the Government and guidance of the Ministry of Finance.

2. The tax authorities are responsible for instructing organizations and individuals to implement regulations of this Circular.

3. Regulated entities of this Circular must implement the guidelines provided in this Circular.

Difficulties that arise during the implementation of this Circular should be promptly reported to the Ministry of Finance for consideration./.”

- Articles 4 and 5 of the Circular No. 26/2015/TT-BTC, coming into force from January 01, 2015, stipulate that:

“Article 4. Effect

1.  This Circular comes into force from the effective date of the Law No. 71/2014/QH13 on amendments to tax laws and the Government's Decree No. 12/2015/ND-CP on guidelines for the Law on Amendments to tax laws and decrees on taxation.

2. Clause 2 Article 1 of this Circular shall apply to the contracts to buy agriculture machinery signed before the effective date of the Law No. 71/2014/QH13 (those mentioned in Clause 11 Article 10 of Circular No. 219/2013/TT-BTC , which is amended in Clause 2 Article 1 of this Circular) under which the ownership or right of use is transferred after the effective date of the Law No. 71/2014/QH13.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. Regulations on List of invoices, receipts for purchases and sales, and regulations on exchange rates applied when determining revenues and calculating taxes in the following documents shall be annulled:

-  Circular No. 05/2012/TT-BTC dated January 05, 2012 and Decree No. 113/2011/ND-CP dated December 08, 2011.

- Circular No. 219/2013/TT-BTC dated December 31, 2013 and the Government's Decree No. 209/2013/ND-CP dated December 18, 2013.  

- Circular No. 156/2013/TT-BTC dated November 06, 2013.

- The Circular No. 119/2014/TT-BTC dated August 25, 2014.

5. Notices of tax exemption or reduction according to International Agreements submitted to tax authorities before this Circular comes into force shall be retained together with relevant documents in accordance with this Circular by agents or representative offices in Vietnam of foreign transport companies.

6. During the implementation of this Circular, if the documents cited in this Circular are amended or replaced, the new documents shall apply.”

Article 5. Responsibility for implementation

1. People’s Committees of provinces and central-affiliated cities shall direct competent agencies to correctly implement regulations of the Government and guidance of the Ministry of Finance.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3.  Regulated entities of this Circular must implement the guidelines provided in this Circular.

Difficulties that arise during the implementation of this Circular should be promptly reported to the Ministry of Finance of Vietnam for consideration./.”

- Article 2 of the Circular No. 193/2015/TT-BTC, coming into force from January 10, 2016, stipulates that:

“Article 2. Effect

1. This Circular comes into force from January 10, 2016.

2. Organizations or enterprises paid remunerations by regulatory authorities for their provision of authorized collection or payment services before the entry into force of this Circular shall follow instructions provided for in this Circular.

Difficulties that arise during the implementation of this Circular should be promptly reported to the Ministry of Finance (General Department of Taxation) for consideration and resolution./.”

- Articles 6 and 7 of the Circular No. 130/2016/TT-BTC, coming into force from July 01, 2016, stipulate that:

“Article 6. Effect

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Article 4 of this Circular takes effect from the tax period of 2016.

Article 7. Implementation

1. People’s Committees of provinces and central-affiliated cities shall direct competent agencies to correctly implement regulations of the Government and guidance of the Ministry of Finance.

2. The tax authorities are responsible for instructing organizations and individuals to implement regulations of this Circular.

3.  Regulated entities of this Circular must implement the guidelines provided in this Circular.

Difficulties that arise during the implementation of this Circular should be promptly reported to the Ministry of Finance of Vietnam for consideration./.”

- Article 2 of the Circular No. 173/2016/TT-BTC, coming into force from December 15, 2016, stipulates that:

“Article 2.

This Circular comes into force from December 15, 2016.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Article 3 of the Circular No. 93/2017/TT-BTC, coming into force from November 05, 2017, stipulates that:

“Article 3. Effect

This Circular comes into force from November 05, 2017.

Difficulties that arise during the implementation of this Circular should be promptly reported to the Ministry of Finance for consideration./.”

- Article 5 of the Circular No. 25/2018/TT-BTC, coming into force from May 01, 2018, stipulates that:

“Article 5. Effect

1. This Circular comes into force from May 01, 2018.

2. Cases that arise from February 01, 2018 and are the subject of the Decree No. 146/2017/ND-CP are specified in the Decree No. 146/2017/ND-CP and Article 1, Article 2, Clauses 2, 3 and 4 Article 3 of this Circular.

3. Difficulties that arise during the implementation of this Circular should be promptly reported to the Ministry of Finance of Vietnam for consideration.”

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



“Article 2.

1. This Circular comes into force from October 15, 2018.

2. Difficulties that arise during the implementation of this Circular should be promptly reported to the Ministry of Finance of Vietnam for consideration./.”

- Article 2 of the Circular No. 43/2021/TT-BTC, coming into force from August 01, 2021, stipulates that:

“Article 2. Effect

1. This Circular comes into force from August 01, 2021.

2. Difficulties that arise during the implementation of this Circular should be promptly reported to the Ministry of Finance of Vietnam for consideration./.”

- Article 3 of the Circular No. 13/2023/TT-BTC, coming into force from April 14, 2023, stipulates that:

“Article 3. Effect

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Provisions on refund of VAT on investment projects of business establishments engaging in conditional business lines as prescribed in clause 3 Article 1 of this Circular shall apply from the date of entry into force of the Decree No. 100/2016/ND-CP dated July 01, 2016 as prescribed in clause 2 Article 2 of the Government’s Decree No. 49/2022/ND-CP dated July 29, 2022.

Adjustments to value-added tax, late payment interest, and fines for administrative violations of tax (if any) according to regulations in Clause 2 Article 2 of Government’s Decree No. 49/2022/ND-CP dated July 29, 2022:

a) If a tax agency has issued decision to reclaim VAT refunds, impose late payment interest and fines for administrative tax offences, such tax agency shall issue a decision on adjustment according to Form No. 38 attached to Government’s Decree No. 118/2021/ND-CP dated December 23, 2021.  If the business establishment has additionally declared the reclaimed VAT refund, such business establishment and tax agency shall adjust the reclaimed VAT refund and late payment interest according to Form No. 02/KTT attached to Circular No. 80/2021/TT-BTC dated September, 29 2021 of the Ministry of Finance .

b) The reclaimed VAT refund whether the business establishment has offset the reclaimed VAT refund against VAT payable on business operation activities, late payment interest and fines for administrative violations of tax (if any) paid for state budget before the effective date of this Circular shall be adjusted according to regulations in Article 25 and Section 2, Chapter V of Circular No. 80/2021/TT-BTC dated September 29, 2021 of the Ministry of Finance. If over-reclaimed VAT refund is returned, it shall be taken from the VAT refund budget.

Difficulties that arise during the implementation of this Circular should be promptly reported to the Ministry of Finance for timely resolution./.”

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Văn bản hợp nhất 01/VBHN-BTC ngày 04/01/2024 hợp nhất Thông tư hướng dẫn Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định 209/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thuế giá trị gia tăng do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


22.986

DMCA.com Protection Status
IP: 157.55.39.54
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!