ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 778/QĐ-UBND
|
Bắc Giang, ngày
10 tháng 12 năm 2018
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ LUÂN PHIÊN CÓ THỜI HẠN ĐỐI VỚI NGƯỜI
HÀNH NGHỀ TẠI CƠ SỞ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 14/2013/QĐ-TTG NGÀY
20/02/2013 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC GIANG GIAI ĐOẠN 2019 -
2025
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa
phương năm 2015;
Căn cứ Quyết định số
14/2013/QĐ-TTg ngày 20/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chế độ
luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại
cơ sở khám, chữa bệnh;
Căn cứ Thông tư số 18/2014/TT-BYT
ngày 02/6/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế Hướng dẫn thực hiện Quyết định số
14/2013/QĐ-TTg ngày 20/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chế độ
luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại cơ sở khám, chữa bệnh;
Xét đề nghị của Sở Y tế tại Tờ
trình số 70/TTr-SYT ngày 27/11/2018,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch thực
hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại cơ sở khám bệnh,
chữa bệnh theo Quyết định số 14/2013/QĐ-TTg ngày 20/02/2013 của Thủ tướng Chính
phủ, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2019 - 2025 (có Kế hoạch kèm
theo).
Điều 2. Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và
các đơn vị liên quan hướng dẫn, tổ chức thực hiện Kế hoạch được phê duyệt tại
Điều 1 của Quyết định này theo đúng quy định pháp luật.
Điều 3. Thủ trưởng các cơ quan: Văn phòng UBND tỉnh, Sở
Y tế, Sở Tài chính, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Kho bạc Nhà nước tỉnh; Chủ tịch UBND
các huyện, thành phố và các cá nhân, đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi
hành./.
Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Bộ Y tế (B/cáo);
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh;
- Lưu: VT, KGVX.
Bản điện tử:
- Chủ tịch, các PCT UBND
tỉnh;
- Các Sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Các cơ sở KCB công lập trên địa bàn;
- Văn phòng UBND tỉnh: LĐVP, TKCT, TH, TTTT.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Ánh Dương
|
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ LUÂN PHIÊN CÓ THỜI HẠN ĐỐI VỚI NGƯỜI HÀNH NGHỀ TẠI CƠ
SỞ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 14/2013/QĐ-TTG NGÀY 20/02/2013 CỦA
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ, TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC GIANG GIAI ĐOẠN 2019-2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số 778/QĐ-UBND ngày 10 tháng 12 năm 2018 của UBND tỉnh Bắc Giang)
I. CĂN CỨ XÂY DỰNG
KẾ HOẠCH
- Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017
của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm
sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
- Nghị định số 72/2018/NĐ-CP ngày
15/5/2018 của Chính phủ quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên
chức và lực lượng vũ trang.
- Quyết định số 14/2013/QĐ-TTg ngày
20/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chế độ luân phiên có thời
hạn đối với người hành nghề tại cơ sở khám, chữa bệnh.
- Thông tư 18/2014/TT-BYT ngày
02/6/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc hướng dẫn thực hiện Quyết định số
14/2013/QĐ-TTg ngày 20/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chế độ
luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
- Thông tư số 43/2013/TT-BYT ngày 11/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy
định chi tiết phân tuyến chuyên môn kỹ thuật đối với hệ thống cơ sở khám bệnh,
chữa bệnh.
- Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày
28/4/2017 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị;
- Kế hoạch số 45-KH/TU ngày 15/3/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang thực hiện Nghị quyết
TW 6 (Khóa XII) về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe
nhân dân và công tác dân số trong tình hình mới;
- Nghị quyết số 33/2017/NQ-HĐND ngày
8/12/2017 của HĐND tỉnh Bắc Giang quy định mức chi công tác phí, chi hội nghị đối
với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Bắc
Giang;
- Kế hoạch số 90/KH-UBND ngày 28/5/2018 của UBND tỉnh Bắc Giang Triển khai thực hiện Nghị quyết
số 139/NQ-CP ngày 31/12/2017, Nghị quyết số 137/NQ-CP ngày 31/12/2017 của Chính
phủ và Kế hoạch số 45-KH/TU ngày 15/3/2018 của Ban Thường
vụ Tỉnh ủy Bắc Giang thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) về tăng cường
công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và công tác dân số
trong tình hình mới.
II. MỤC ĐÍCH, YÊU
CẦU
1. Mục đích
- Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh
của các cơ sở khám, chữa bệnh công lập trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
- Giảm tình trạng quá tải cho các bệnh
viện tuyến trên.
- Chuyển giao kỹ thuật, công nghệ và
đào tạo cán bộ tại chỗ nhằm nâng cao tay nghề cho cán bộ y tế tuyến dưới.
2. Yêu cầu
- Việc cử cán bộ
đi luân phiên phải phù hợp với nhu cầu về số lượng và chất lượng chuyên môn của
tuyến dưới và khả năng đáp ứng của tuyến trên.
- Thực hiện chế độ luân phiên người
hành nghề có thời hạn ưu tiên cho các cơ sở khám chữa bệnh tuyến cơ sở.
- Đảm bảo tính công bằng, hiệu quả,
tránh lãng phí nguồn lực.
- Việc thực hiện chế độ luân phiên có
thời hạn phải được thực hiện theo kế hoạch được phê duyệt và đúng quy định.
III. NỘI DUNG
1. Chỉ tiêu
hàng năm
- Trung bình mỗi bệnh viện tuyến tỉnh
cử 5 đến 7 cán bộ luân phiên về hỗ trợ chuyên môn, thực hiện chuyển giao kỹ thuật
cho các bệnh viện tuyến huyện.
- Trung bình mỗi bệnh viện tuyến huyện
cử từ 3 đến 5 cán bộ luân phiên về Trạm Y tế trong huyện khám, chữa bệnh theo
buổi trong tuần và chuyển giao kỹ thuật cho mỗi Trạm Y tế, đảm bảo 100% số trạm
y tế có cán bộ luân phiên đến hỗ trợ chuyên môn.
2. Đối tượng luân phiên
Bác sĩ, điều dưỡng viên, hộ sinh
viên, kỹ thuật viên (sau đây gọi chung là người hành nghề) làm việc trong các bệnh
viện công lập trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, trừ các trường hợp sau:
- Người hành nghề là nữ đang mang
thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, nam nuôi con nhỏ một mình dưới 36
tháng tuổi.
- Người hành nghề đã có thời gian
công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó
khăn từ 24 tháng trở lên.
- Người hành nghề có hoàn cảnh đặc biệt
khó khăn: là con độc nhất trong gia đình có bố, mẹ già; người trực tiếp chăm
sóc bố, mẹ già yếu hoặc tàn tật, ốm đau thường xuyên; có vợ (hoặc chồng) bị tàn
tật không có khả năng chăm sóc con cái; bản thân không bảo đảm sức khỏe để công
tác xa nhà.
- Người hành nghề là nam quá 55 tuổi,
nữ quá 50 tuổi (trừ trường hợp tự nguyện).
- Các trường hợp đặc biệt khác do Thủ
trưởng đơn vị xem xét, quyết định đối với người hành nghề thuộc quyền quản lý.
3. Hình thức
Cử đi luân phiên theo cá nhân hoặc
theo nhóm chuyên môn, theo nhiều đợt, ở nhiều nơi theo nhu cầu của tuyến dưới.
4. Thời gian đi
luân phiên
- Là thời gian thực tế làm việc tại
cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến dưới của người hành nghề, tối thiểu là 6 tháng
được quy đổi bằng 132 ngày làm việc; tối đa 12 tháng được quy đổi là 264 ngày
làm việc (trừ trường hợp tự nguyện đi thời gian dài hơn). Thời gian tối đa của
mỗi đợt đi luân phiên không quá 60 ngày.
- Người hành nghề đi luân phiên có thời
hạn không liên tục được cộng dồn thời gian của các đợt để tính tổng thời gian
hoàn thành chế độ luân phiên có thời hạn làm cơ sở để giải quyết các chế độ
liên quan.
- Trường hợp người hành nghề đã đi
luân phiên có thời hạn theo quy định tại Quyết định số 1816/QĐ-BYT ngày 26
tháng 5 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế thì được tính là thời gian đi luân phiên
để công nhận hoàn thành chế độ luân phiên có thời hạn của người hành nghề.
5. Cách xác định
số người đi luân phiên hằng năm
a) Đối với các bệnh viện tuyến tỉnh
Căn cứ số giường bệnh kế hoạch được
giao hằng năm để xác định số cán bộ đi luân phiên của bệnh viện đó, cụ thể: đối với bệnh viện đa khoa, chuyên
khoa tuyến tỉnh: 01 cán bộ/50 giường bệnh. (Quyết định 4149/QĐ-BYT ngày
22/10/2008 của Bộ Y tế về việc quy định tạm thời định mức cán bộ chuyên môn được
cử đi luân phiên).
b) Đối với Bệnh viện đa khoa khu vực
Lục Ngạn và các bệnh viện đa khoa huyện
Căn cứ vào số lượng Trạm Y tế xã trên
địa bàn để cử cán bộ đi công tác. Hằng năm, mỗi Trạm Y tế
xã phải có tối thiểu 01 tuần (5 ngày làm việc) có cán bộ luân phiên của bệnh viện
đa khoa huyện trên địa bàn xuống hỗ trợ chuyên môn, ưu tiên đối với các Trạm Y
tế xã chưa có bác sỹ.
c) Dự kiến tổng số lượt cán bộ đi
luân phiên trong 7 năm (2019-2015): 651 người.
(Chi
tiết tại phụ lục kèm theo)
6. Quy trình thực
hiện chế độ luân phiên và chế độ báo cáo
Theo quy định tại Điều 3, Điều 4 và
Điều 5 Thông tư 18/2014/TT-BYT ngày 02/6/2014 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn thực
hiện Quyết định số 14/2013/QĐ-TT ngày 20/02/2013 của Thủ
tướng Chính phủ về việc thực hiện chế độ luân phiên có thời
hạn đối với người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
7. Xác nhận kết
quả từng đợt và xác nhận hoàn thành chế độ luân phiên
Theo quy định tại Điều 7, Điều 8
Thông tư số 18/2014/TT-BYT ngày 02/6/2014 của Bộ Y tế về
việc hướng dẫn thực hiện Quyết định số 14/2013/QĐ-TT ngày
20/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chế độ luân phiên có thời
hạn đối với người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
8. Phương thức và
chế độ chi trả đối với người hành nghề trong thời gian đi luân phiên
a) Chế độ tiền lương, phụ cấp hiện hưởng
- 100% tiền lương, các khoản phụ cấp
theo lương (không bao gồm phụ cấp ưu đãi nghề).
- Phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp độc hại,
phụ cấp đặc biệt, phụ cấp khu vực (nếu có) như đối với người hành nghề tại nơi
đến công tác. Trường hợp nơi đến luân phiên thực hiện các mức phụ cấp này thấp
hơn tại đơn vị được cử đi thì được giữ nguyên mức hiện hưởng.
- Phụ cấp đặc thù đối với viên chức y
tế như: phụ cấp thường trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật, phụ cấp chống dịch
và chế độ làm đêm, thêm giờ (nếu có) theo chế độ quy định.
- Được hưởng các quyền lợi khác như:
thu nhập tăng thêm, tiền thưởng (nếu có).
* Chế độ tiền lương và các khoản phụ
cấp hiện hưởng được chi trả cùng kỳ lương hằng tháng.
b) Chế độ đặc thù đối với người hành
nghề đi luân phiên
Được thực hiện theo quy định tại Khoản
2, Điều 9 Thông tư số 18/2014/TT-BYT ngày 02/6/2014 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn
thực hiện Quyết định số 14/2013/QĐ-TT ngày 20/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ về
việc thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người
hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
c) Chế độ công tác phí của người hành
nghề đi luân phiên
Được áp dụng mức chi theo quy định hiện
hành tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 của Bộ
Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị và theo chế độ công
tác phí quy định hiện hành tại Nghị quyết 33/2017/NQ-HĐND ngày 8/12/2017 của
HĐND tỉnh quy định mức chi công tác phí, chi hội nghị đối
với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập trên địa
bàn tỉnh Bắc Giang, cụ thể như sau:
* Chế độ tiền tàu, xe:
- Chế độ tiền tàu, xe đối với cán
bộ luân phiên từ đơn vị tuyến tỉnh xuống tuyến
huyện:
+ Đối với cán bộ đi luân phiên dài
ngày (>5 ngày liên tục): được thanh toán tiền tàu xe 01 lượt đi và 01 lượt về/tuần
với mức 100.000 đồng/lượt đối với huyện Sơn Động và 50.000 đồng/lượt đối với các huyện còn lại.
+ Đối với cán bộ, đi luân phiên ngắn
ngày (≤5 ngày): được thanh toán tiền tàu xe 01 lượt đi và 01 lượt về với mức
100.000 đồng/lượt đối với huyện Sơn Động và 50.000 đồng/lượt
đối với các huyện còn lại.
- Chế độ tàu xe với cán bộ luân
phiên từ huyện đi xuống các Trạm Y tế xã: với các Trạm Y tế xã cách xa bệnh viện từ 10 km trở lên (đối với các xã
thuộc địa bàn kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn theo các Quyết định của
Thủ tướng Chính phủ) và từ 15 km trở lên (đối với các xã
còn lại) mà tự túc bằng phương tiện cá nhân của mình thì được thanh toán khoán
tiền tự túc phương tiện: 50.000 đồng/ngày.
* Chế độ phụ cấp lưu trú: Nếu đi công tác cách trụ sở cơ quan từ 10 km trở lên (đối với các xã
thuộc địa bàn kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn theo các Quyết định của
Thủ tướng Chính phủ) và từ 15 km trở lên (đối với các xã còn lại): 100.000/người/ngày
và không quá 400.000 đồng/người/tháng đối với đợt đi luân phiên (áp dụng theo mức
khoán tối đa đi công tác trong tỉnh).
d) Chế độ ưu tiên
Người hành nghề hoàn thành xuất sắc
nhiệm vụ trong thời gian đi luân phiên (có quyết định khen thưởng của đơn vị,
nơi người hành nghề đến luân phiên) thì được xét ưu tiên nâng bậc lương trước
thời hạn, thay đổi chức danh nghề nghiệp khi đủ điều kiện theo quy định của
pháp luật và được hưởng các chế độ khen thưởng khác do đơn vị quy định.
9. Trách nhiệm
chi trả
a) Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cử người
hành nghề đi luân phiên có thời hạn xuống tuyến dưới có trách nhiệm thanh toán
các chế độ sau đối với người hành nghề đi luân phiên:
- 100% tiền lương, các khoản phụ cấp
theo lương (không bao gồm phụ cấp ưu đãi nghề).
- Phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp độc hại,
phụ cấp đặc biệt, phụ cấp khu vực (nếu có) như đối với người hành nghề tại nơi
đến công tác.
- Chế độ đặc thù đối với người hành
nghề đi luân phiên.
- Chế độ công tác phí của người hành
nghề đi luân phiên.
b) Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhận
người hành nghề từ tuyến trên đến luân phiên có trách nhiệm thanh toán các chế
độ sau:
- Phụ cấp đặc thù đối với viên chức y
tế như: phụ cấp thường trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật, phụ cấp chống dịch
và chế độ làm đêm, thêm giờ (nếu có) theo chế độ quy định.
- Các quyền lợi khác như: Thu nhập
tăng thêm, tiền thưởng (nếu có), phúc lợi tập thể của đơn
vị mình cho người hành nghề được cử đến luân phiên.
- Chế độ của người hành nghề tuyến dưới
được cử lên tuyến trên học tập để chuẩn bị tiếp nhận chuyển
giao kỹ thuật do đơn vị cử đi chi trả (theo chế độ quy định tại Thông tư số
40/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế
độ chi hội nghị và Nghị quyết số 33/2017/NQ-HĐND ngày
8/12/2017 của HĐND tỉnh quy định mức chi công tác phí, chi hội nghị đối với các
cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Bắc Giang).
Kinh phí chi trả chế độ của người hành nghề tuyến dưới được
cử lên tuyến trên học tập được tổng hợp chung vào dự toán kinh phí thực hiện kế
hoạch tiếp nhận hỗ trợ chuyên môn của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến dưới
theo phân cấp quản lý tài chính hiện hành.
V. KINH PHÍ
1. Tổng số kinh phí
- Kinh phí 01 năm: 350.000.000 VNĐ (Ba
trăm năm mươi triệu đồng).
- Tổng kinh phí giai đoạn 2019-2025
(07 năm): 2.450.000 VNĐ (Hai tỷ bốn trăm năm mươi triệu đồng), trong đó:
a) Chế độ trợ cấp đặc thù của cán bộ
y tế đi luân phiên
- Kinh phí trợ cấp đặc thù của cán bộ
y tế đi luân phiên 01 năm: 258.000.000 VNĐ (Hai trăm năm mươi tám triệu đồng).
- Tổng kinh phí trợ cấp đặc thù của
cán bộ y tế đi luân phiên giai đoạn 2019-2025 (7 năm): 1.800.000 VNĐ (Một tỷ tám trăm triệu đồng).
b) Chế độ công tác phí
- Chế độ công tác phí 01 năm:
90.000.000VNĐ (Chín mươi triệu đồng).
- Tổng công tác phí
cả giai đoạn 2019-2025 (07 năm): 630.000.000 VNĐ (Sáu trăm, ba mươi triệu đồng).
(Có
dự toán chi tiết kèm theo)
2. Nguồn kinh phí
a) Đối với chế độ phụ cấp đặc thù cho
người đi luân phiên
Dự toán ngân sách nhà nước giao theo
tổng quỹ lương, các khoản phụ cấp theo lương của các bệnh viện công lập khi xây
dựng dự toán chi ngân sách nhà nước hằng năm. Đối với đơn vị tự đảm bảo chi thường
xuyên (100%), tự cân đối trong chi thường xuyên hằng năm của đơn vị.
b) Chế độ công tác phí đối với người
đi luân phiên
Các bệnh viện công lập tự cân đối
trong định mức chi thường xuyên ngân sách nhà nước giao cho các đơn vị. Đối với
đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên (100%), tự cân đối trong chi thường xuyên hằng
năm của đơn vị mình.
VI. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Sở Y tế
- Sở Y tế, cơ quan thường trực tham
mưu cho UBND tỉnh, chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm
tra và tổ chức thực hiện kế hoạch sau khi được UBND tỉnh phê duyệt.
- Hàng năm chủ trì, lập dự toán gửi Sở
Tài chính thẩm định trình UBND tỉnh xem xét quyết định trình HĐND tỉnh phê duyệt.
Quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước chi cho việc thực hiện nhiệm vụ luân phiên có thời hạn của người hành nghề; huy động
các nguồn lực xã hội hóa cho các hoạt động luân phiên có thời hạn của người
hành nghề.
- Quyết định khen thưởng hoặc đề nghị
cấp có thẩm quyền khen thưởng cho các tổ chức, cá nhân có thành tích trong thực
hiện chế độ luân phiên có thời hạn.
- Chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực
hiện công tác thống kê, báo cáo UBND tỉnh và Bộ Y tế về việc thực hiện chế độ
luân phiên có thời hạn theo quy định.
2. Sở Tài chính
- Thẩm định dự toán trình UBND tỉnh
xem xét, quyết định trình HĐND tỉnh phê duyệt kinh phí thực hiện chế độ luân
phiên.
- Hướng dẫn việc quản lý, sử dụng
kinh phí chi cho việc thực hiện nhiệm vụ luân phiên có thời hạn của người hành
nghề đảm bảo hiệu quả, đúng quy định.
3. Bảo hiểm xã
hội tỉnh
Thẩm định, thanh quyết toán các dịch
vụ do người hành nghề đến luân phiên tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định
hiện hành.
4. Báo Bắc Giang,
Đài PT&TH tỉnh
Phối hợp với Sở Y tế và các cơ sở
khám bệnh, chữa bệnh thực hiện việc tuyên truyền, thông tin về hoạt động luân
phiên người hành nghề tới các đơn vị y tế và người dân
trong tỉnh theo nội dung kế hoạch này.
5. Cơ sở khám, chữa
bệnh cử người hành nghề đi luân phiên
- Thực hiện khảo sát, xác định nhu cầu
của đơn vị tiếp nhận người hành nghề đến luân phiên có thời hạn; hợp đồng trách
nhiệm với đơn vị về số lượng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, thời gian làm việc
của người hành nghề đến làm nhiệm vụ.
- Xây dựng kế hoạch hằng năm, thông
qua các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội của đơn vị, công khai kế hoạch
trong toàn đơn vị và điều động hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều động người
hành nghề đi luân phiên có thời hạn theo kế hoạch.
- Bố trí kinh phí để thực hiện chế độ
luân phiên có thời hạn người hành nghề của đơn vị theo quy định.
- Xây dựng dự toán kinh phí cử người
hành nghề đi luân phiên hỗ trợ tuyến dưới, gửi về Sở Y tế trước ngày 30 tháng 6
hằng năm, để tổng hợp, phối hợp Sở Tài chính trình Ủy ban nhân
dân tỉnh xem xét, quyết định.
6. Đơn vị tiếp nhận người hành
nghề đến thực hiện chế độ luân phiên
- Xác định nhu cầu về nhân lực cần bổ
sung, tăng cường phù hợp với yêu cầu thực tế, lập kế hoạch tiếp nhận người hành
nghề đến luân phiên có thời hạn và kỹ thuật chuyên môn cần hỗ trợ.
- Bố trí, sắp xếp chỗ ở, phương tiện
làm việc, phổ biến về phong tục tập quán của đồng bào địa phương cho người hành
nghề đến luân phiên có thời hạn.
- Thực hiện chi trả chế độ cho người hành
nghề luân phiên có thời hạn ở đơn vị theo quy định và bố trí kinh phí để bảo đảm
các điều kiện vật chất phục vụ công tác chuyên môn cho người hành nghề đến làm
việc.
- Xây dựng và ban hành quy chế phối hợp
làm việc giữa người hành nghề đi luân phiên có thời hạn và người hành nghề của
đơn vị.
- Xác nhận kết quả làm việc của người
hành nghề đến luân phiên.
7. Người hành nghề
đi luân phiên
- Chấp hành nội quy, quy chế và sự chỉ
đạo, điều hành của người đứng đầu cơ quan, đơn vị đến làm việc theo chế độ luân
phiên.
- Chấp hành quyết định điều động của
người đứng đầu cơ quan, đơn vị cử đi luân phiên có thời hạn; thực hiện đúng phạm
vi chuyên môn, thời gian, địa điểm làm việc được giao.
- Chấp hành các quy chế chuyên môn, đạo
đức nghề nghiệp theo quy định của Bộ Y tế.
- Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ
trong thời gian được cử đi luân phiên có thời hạn cho đơn vị trực tiếp cử đi
luân phiên./.