HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 13/NQ-HĐND
|
Quảng Nam, ngày
12 tháng 7 năm 2019
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ MỘT SỐ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT VỀ BẢO HIỂM Y TẾ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH; HOẠT ĐỘNG CỦA MẠNG LƯỚI
Y TẾ CƠ SỞ TRÊN ĐỊA BÀN CÁC HUYỆN MIỀN NÚI CỦA TỈNH
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
KHÓA IX, KỲ HỌP THỨ 10
Căn cứ Luật
Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật
Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 04 tháng 12 năm 2015;
Sau khi xem
xét Báo cáo số 38/BC-ĐGS ngày 28 tháng 6 năm 2019 của Đoàn giám sát Thường
trực Hội đồng nhân dân tỉnh về tình hình thực hiện chính sách pháp luật về bảo
hiểm y tế giai đoạn 2016 - 2018 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam; mạng lưới y tế cơ
sở trên địa bàn các huyện miền núi của tỉnh và ý kiến thảo luận của đại biểu tại
kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thống nhất nội dung Báo cáo số 38/BC-ĐGS
ngày 28 tháng 6 năm 2019 của Đoàn giám sát Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh về
tình hình thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2016 - 2018
trên địa bàn tỉnh Quảng Nam; mạng lưới y tế cơ sở trên địa bàn các huyện miền
núi của tỉnh với các nội dung chủ yếu sau:
1. Trong thời
gian qua, các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng từ tỉnh đến cơ sở đã tập
trung chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, triển khai thực hiện chính sách
pháp luật về bảo hiểm y tế (BHYT). Tỷ lệ người dân tham gia BHYT qua các năm đều
tăng và vượt chỉ tiêu Chính phủ giao. Chất lượng khám, chữa bệnh cho các đối tượng
tham gia BHYT từng bước được nâng lên; tinh thần, thái độ phục vụ bệnh nhân được
cải thiện rõ rệt. Quỹ BHYT được quản lý, sử dụng khá hiệu quả, đúng quy định.
Việc thông tuyến đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khám, chữa bệnh; công
tác cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện
chính sách BHYT được tăng cường. Mạng lưới y tế cơ sở từng bước được sắp xếp
phù hợp; cơ sở vật chất được đầu tư, trang thiết bị cơ bản bảo đảm cho hoạt động
khám, chữa bệnh; nguồn nhân lực y tế có chất lượng từng bước được đào tạo, bổ
sung.
2. Tuy nhiên,
tình hình thực hiện chính sách pháp luật về BHYT, mạng lưới y tế cơ sở trên địa
bàn các huyện miền núi còn nhiều khó khăn, hạn chế: Tỷ lệ người dân tham gia
BHYT chưa đạt chỉ tiêu của tỉnh; bội chi quỹ BHYT tăng cao qua các năm; tình trạng
lạm dụng quỹ BHYT chưa được chấn chỉnh triệt để.
Các phòng khám
đa khoa khu vực được giao nhiệm vụ điều trị nội trú nhưng chưa được ngành BHXH
thanh toán chi phí tiền giường điều trị nội trú BHYT. Công suất sử dụng giường
bệnh ở hầu hết các bệnh viện, trung tâm y tế đều tăng cao, vượt chỉ tiêu giao.
Công tác lập và thực hiện kế hoạch đấu thầu thuốc, hóa chất, vật tư y tế có lúc
chưa kịp thời, còn một số bất cập. Công tác đào tạo kỹ thuật chuyên sâu cho
viên chức sự nghiệp y tế công lập theo Nghị quyết số 11/2017/NQ-HĐND ngày
19/4/2017 của HĐND tỉnh đạt kết quả thấp so với kế hoạch.
Quá trình sắp
xếp mạng lưới y tế theo Quyết định số 2348/QĐ-TTg ngày 05/12/2016 của Thủ tướng
Chính phủ và Quyết định số 3427/QĐ-UBND ngày 13/11/2018 của UBND tỉnh đối với một
số nội dung còn chậm. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của một số trung tâm y tế
huyện khu vực miền núi chưa đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh. Nhiều trạm y tế xã
miền núi xuống cấp, trang thiết bị còn thiếu; cơ cấu đội ngũ nhân viên y tế
chưa phù hợp. Chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhân viên y tế cơ sở còn thấp,
nhất là nhân viên y tế thôn bản. Chất lượng khám, điều trị ban đầu tại trạm y tế
còn hạn chế.
3. Những khó
khăn, hạn chế nêu trên chủ yếu do các nguyên nhân: Công tác chỉ đạo, điều hành,
thông tin tuyên truyền có lúc, có nơi thiếu thường xuyên, chưa hiệu quả. Một bộ
phận nhân dân chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng, trách nhiệm và quyền lợi của
cá nhân khi tham gia BHYT; một số tổ chức, doanh nghiệp chưa tuân thủ chính
sách pháp luật về BHXH, BHYT. Định mức quỹ khám, chữa bệnh còn thấp so với nhu
cầu khám, chữa bệnh và chi phí thực tế; phần lớn đối tượng tham gia BHYT tại tỉnh
thuộc đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, bảo trợ xã hội...có mức đóng thấp; yêu cầu
về sử dụng quỹ BHYT tiết kiệm, hiệu quả chưa được tuân thủ triệt để; việc thông
tuyến huyện cùng với sự phát triển mạnh mẽ số lượng thẻ BHYT tại các cơ sở y tế
ngoài công lập đặt ra nhiều thách thức đối với công tác quản lý khám, chữa bệnh,
quản lý và sử dụng quỹ BHYT. Trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp trong công tác đấu
thầu thuốc, hóa chất, vật tư y tế chưa cao. Công tác sắp xếp lại mạng lưới y tế
cơ sở còn chậm, mô hình hoạt động của một số phòng khám đa khoa khu vực, trạm y
tế chưa rõ ràng khiến việc phân tuyến khám, chữa bệnh, thanh toán chi phí điều
trị ngày giường nội trú gặp khó khăn. Nguồn lực đầu tư cho y tế cơ sở, nhất là
đối với một số cơ sở y tế vùng miền núi còn hạn chế. Số lượng, chất lượng, cơ cấu
đội ngũ nhân viên y tế cơ sở còn nhiều bất cập.
Điều 2. Để thực hiện tốt hơn nữa chính sách pháp luật
về BHYT trên địa bàn tỉnh và nâng cao chất lượng hoạt động của mạng lưới y tế
cơ sở trên địa bàn các huyện miền núi của tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh giao Ủy
ban nhân dân tỉnh tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
1. Kiến nghị Bộ
Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam
a) Hướng dẫn cụ
thể về mô hình hoạt động của đơn nguyên điều trị nội trú hay cơ sở 2, cơ sở 3 đối
với các phòng khám đa khoa khu vực sau khi sắp xếp thuộc bệnh viện, trung tâm y
tế huyện theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Công văn số 5251/BYT-KCB ngày 18/9/2017
về rà soát tổ chức, hoạt động của các phòng khám đa khoa khu vực và Công văn số
618/BYT-KCB ngày 25/01/2018.
b) Xem xét giải
quyết việc thanh toán điều trị nội trú từ ngày 01/01/2017 đến trước ngày
15/12/2018 tại các phòng khám đa khoa khu vực được tỉnh giao chức năng điều trị
nội trú.
c) Trình Thủ tướng
Chính phủ điều chỉnh Quyết định số 75/2009/QĐ-TTg ngày 11/5/2009, nâng mức phụ
cấp đối với nhân viên y tế thôn bản.
2. Căn cứ Quyết
định số 2348/QĐ-TTg ngày 05/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án
xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới;
tình hình thực hiện Nghị quyết số
47/2012/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về quy hoạch phát triển ngành y tế tỉnh đến
năm 2020, trình HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung quy hoạch hệ thống cơ sở khám, chữa
bệnh tích hợp vào quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh theo Luật Quy
hoạch.
3. Sơ kết việc
thực hiện Nghị quyết số 11/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ đào
tạo kỹ thuật chuyên sâu cho viên chức sự nghiệp y tế công lập tỉnh giai đoạn
2017–2021, trình HĐND tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung phù hợp tình hình thực tiễn.
4. Xem xét
trình HĐND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ đội ngũ nhân viên y tế thôn, bản, khối
phố kiêm nhiệm cộng tác viên dân số, gia đình và trẻ em, đảm bảo tinh gọn đầu mối,
phát huy hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ.
5. Tiếp tục
triển khai thực hiện lộ trình theo Quyết định số 3427/QĐ- UBND ngày 13/11/2018
của UBND tỉnh về ban hành Đề án Kiện toàn hệ thống tổ chức y tế tỉnh Quảng Nam;
nghiên cứu các hướng dẫn của Trung ương về mô hình hoạt động của phòng khám đa
khoa khu vực (trong đó quan tâm nội dung tại khoản 12 Điều 11 Nghị định
155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số quy định
liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ
Y tế), trên cơ sở đó xem xét điều chỉnh Quyết định số 3427/QĐ-UBND phù hợp với
tình hình thực tế hiện nay.
6. Rà soát,
đánh giá thực chất các tiêu chí chuẩn quốc gia về y tế xã, sắp xếp các trạm y tế
theo phân vùng 1, 2, 3 như quy định tại Mục I, II Bộ tiêu chí quốc gia về y tế
xã để có giải pháp đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực.
7. Tăng cường
công tác quản lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm quỹ BHYT; nâng cao trách nhiệm
trong công tác chỉ đạo, phối hợp, tổ chức thực hiện việc đấu thầu thuốc, hóa chất,
vật tư y tế; quản lý chặt chẽ việc thông tuyến, phân tuyến khám, chữa bệnh và bảo
đảm quyền lợi cho người tham gia BHYT.
8. Tổ chức tuyển
dụng viên chức sự nghiệp y tế đảm bảo chất lượng đáp ứng nhu cầu hoạt động của
các cơ sở y tế công lập, nhất là các trung tâm y tế huyện.
9. Bổ sung kế
hoạch đầu tư công trung hạn những công trình, trang thiết bị y tế cấp thiết
theo thứ tự, lộ trình ưu tiên trình HĐND tỉnh quyết định; đề xuất cơ chế khuyến
khích xã hội hóa lĩnh vực y tế; tiếp tục triển khai thực hiện lộ trình tự chủ đối
với cơ sở y tế công lập theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của
Chính phủ.
10. Chỉ đạo đẩy
nhanh lộ trình thực hiện bao phủ BHYT toàn dân, phát triển đối tượng tham gia
BHYT, chú ý nhóm đối tượng tại các doanh nghiệp, đối tượng thuộc địa bàn vừa ra
khỏi danh sách xã, thôn đặc biệt khó khăn; cương quyết xử lý theo quy định của
pháp luật đối với chủ sử dụng lao động cố tình nợ đọng, trốn đóng BHYT, BHXH.
Điều 3. Tổ chức thực hiện
1. Giao Ủy ban
nhân dân tỉnh tô chưc thực hiện Nghị quyết; báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh tại
kỳ họp thường lệ giữa năm 2020.
2. Giao Thường
trực Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát và phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh thực
hiện một số nhiệm vụ, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện các kiến nghị qua giám
sát tại kỳ họp thường lệ giữa năm 2020.
3. Các Ban của
Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên giám sát việc thực hiện
Nghị quyết này.
Nghị quyết
này được Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam khóa IX, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày
12 tháng 7 năm 2019.
Nơi nhận:
- UBTVQH;
- VP: QH, CTN, CP;
- Ban CTĐB của UBTVQH;
- Ban TVTU, TT HĐND, UBND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- VP: Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Đoàn ĐBQH;
- Các sở, ban, ngành đoàn thể tỉnh;
- TT HĐND, UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- TTXVN tại Quảng Nam;
- Báo QN, Đài PT-TH tỉnh;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Văn phòng HĐND tỉnh: CPVP, CV;
- Lưu: VT, TH (Hải).
|
CHỦ TỊCH
Phan Việt Cường
|