Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Kế hoạch 639/KH-UBND 2020 phòng chống dịch bệnh bạch hầu tỉnh Đắk Nông năm 2020 2021

Số hiệu: 639/KH-UBND Loại văn bản: Kế hoạch
Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Nông Người ký: Tôn Thị Ngọc Hạnh
Ngày ban hành: 28/10/2020 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK NÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Đ
ộc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 639/KH-UBND

Đắk Nông, ngày 28 tháng 10 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CÁC HOẠT ĐỘNG ĐÁP ỨNG PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH BẠCH HẦU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK NÔNG NĂM 2020 - 2021

Phần I

ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH BẠCH HẦU

I. TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH BẠCH HẦU

Bệnh Bạch hầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, nhiễm trùng - nhiễm độc do trực khuẩn Bạch hầu Corynebacterium Diphtheriae gây nên. Đường lây chủ yếu là đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với trực khuẩn Bạch hầu có trong dịch tiết từ mũi họng của bệnh nhân. Tổn thương của Bạch hầu là viêm, loét ở vùng mũi, họng, thanh quản với những màng giả mạc kèm theo biểu hiện nhiễm độc nặng, tổn thương khắp các cơ quan, nhất là hệ thần kinh trung ương, tim mạch, thận và thượng thận do ngoại độc tố (là độc tố do vi khuẩn tiết ra môi trường) theo hệ tuần hoàn và bạch huyết đi khắp cơ thể gây ra. Tất cả mọi đối tượng, lứa tuổi, giới tính đều có thể mắc bệnh Bạch hầu. Lứa tuổi dễ mắc bệnh là trẻ em dưới 15 tuổi, tỷ lệ nhiễm khoảng 15% - 20% ở trẻ chưa có miễn dịch. Biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay để phòng bệnh Bạch hầu là tiêm vắc xin để tạo kháng thể kháng độc tố Bạch hầu.

Trong những năm gần đây, dịch bệnh Bạch hầu đã xuất hiện trở lại ở một số địa phương tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Tại tỉnh Đắk Nông, tình hình dịch bệnh Bạch hầu từ năm 2004 đến năm 2019 chưa ghi nhận trường hợp mắc Bạch hầu. Tính đến ngày 27/10/2020, toàn tỉnh đã ghi nhận 14 ổ dịch1 bệnh Bạch hầu với tổng số 39 trường hợp mắc2, trong đó có 02 trường hợp tử vong3.

II. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG CHÍNH ĐÃ TRIỂN KHAI

1. Công tác chỉ đạo điều hành

- Ngay sau khi có ca bệnh đầu tiên tại huyện Krông Nô, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 2830/UBND-KGVX ngày 10/6/2020, Công văn số 3038/UBND-KGVX ngày 21/6/2020 chỉ đạo Sở Y tế và các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tập trung triển khai quyết liệt trong công tác phòng chống dịch; ban hành Kế hoạch số 341/KH-UBND ngày 26/6/2020 về triển khai các hoạt động đáp ứng và phòng chống bệnh Bạch hầu; thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Bạch hầu; ban hành Kế hoạch triển khai; thành lập đoàn kiểm tra, giám sát hướng dẫn về công tác phòng chống dịch và các văn bản chỉ đạo khác.

- UBND cấp huyện đã ban hành văn bản, kế hoạch, kiện toàn Ban chỉ đạo chống dịch và quyết liệt trong chỉ đạo phòng, chống dịch.

- Ngành Y tế:

+ Tiến hành ngay các cuộc điều tra, xác minh đánh giá ca bệnh, đồng thời kích hoạt các đội phản ứng nhanh, chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, vật tư, hóa chất, trang phục phòng, chống dịch xuống ngay địa bàn có ca bệnh để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định (khử khuẩn môi trường, uống thuốc dự phòng...).

+ Phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, xuống thực địa chỉ đạo công tác phòng, chống Bạch hầu tại các địa phương có ca mắc.

+ Xây dựng các kế hoạch chuyên môn, các văn bản chỉ đạo y tế địa phương tăng cường giám sát, xét nghiệm, khoanh vùng xử lý các ổ dịch Bạch hầu trên địa bàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

2. Chuyên môn kỹ thuật

2.1. Công tác tập huấn

Đã tổ chức 08 lớp tập huấn cho 202 cán bộ y tế tuyến tỉnh, huyện, xã về công tác chẩn đoán điều trị; giám sát, phòng chống, khoanh vùng và xử lý các ổ dịch/ca bệnh Bạch hầu trên địa bàn.

2.2. Điều tra xác minh ca bệnh, truy vết các trường hợp tiếp xúc gần

Ngành Y tế đã triển khai ngay các hoạt động truy vết, khám sàng lọc tại cộng đồng khu vực có ca bệnh để phát hiện sớm các ca mắc và quản lý toàn bộ các trường hợp tiếp xúc gần với các trường hợp mắc. Kết quả đã giám sát 39 ca mắc và quản lý, điều trị 1.770 trường hợp tiếp xúc gần với ca mắc tại Krông Nô (333 trường hợp), Đắk Glong (862 trường hợp), Đắk R’Lấp (284 trường hợp), Tuy Đức (291 trường hợp).

Tổ chức khám sàng lọc, giám sát phát hiện 101 trường hợp nghi ngờ (101/101 trường hợp này có kết quả xét nghiệm âm tính với vi khuẩn Bạch hầu), trong đó Krông Nô 41 trường hợp, Đắk Glong 47 trường hợp, Đắk R’Lấp 05 trường hợp, Đắk Song 02 trường hợp, Tuy Đức 05 trường hợp, Cư Jút 01 trường hợp.

2.3. Lấy mẫu xét nghiệm

Toàn ngành Y tế tiến hành lấy 1.296 mẫu xét nghiệm để tầm soát và xác định sớm các trường hợp mắc Bạch hầu (Tuy Đức 118 mẫu, Cư Jút 14 mẫu, Đắk Song 11 mẫu, Krông Nô 269 mẫu, Đắk R’Lấp 208 mẫu, Đắk Glong 615 mẫu, Bệnh viện đa khoa tỉnh 61 mẫu).

2.4. Công tác quản lý và uống thuốc điều trị

- Tổng số trường hợp tiếp xúc gần, có nguy cơ được khám sàng lọc và cho uống thuốc điều trị dự phòng là 4.496 trường hợp, trong đó có 4.496 trường hợp đã kết thúc liệu trình uống (Krông Nô 1.180 trường hợp, Đắk Glong 2.380 trường hợp, Đắk R’Lấp 567 trường hợp, Đắk Song 8 trường hợp, Tuy Đức 359 trường hợp, Cư Jút 02 trường hợp).

- Kết quả đã cấp 36.589 viên Erythromycin 500mg, 18.726 viên Erythromycin 250mg, 8.729 gói Erythromycin 250mg, 1.440 viên Azithromycin 500mg, 300 gói Azithromycin 250mg.

2.5. Thực hiện cách ly y tế

- Toàn bộ các trường hợp dương tính được cách ly tại Trung tâm Y tế huyện hoặc bệnh viện tuyến trên để điều trị.

- Các ca bệnh tiếp xúc gần được cách ly y tế tại nhà theo quy định.

- Tổ chức lập chốt cách ly y tế: Thành lập, bố trí các chốt kiểm soát, khoanh vùng cách ly 07 khu vực có dịch bệnh Bạch hầu: Thôn 6, Thôn 12 và Thôn 11, xã Quảng Hòa; Cụm 12, xã Đắk R’Măng; Bon Bu Ndoh, xã Đắk Wer; thôn Phú Vinh, xã Quảng Phú; Nhà May Mắn, xã Đắk Sor; bon Dâng Kriêng, xã Quảng Tân. Cách ly hơn 530 hộ, với khoảng 2.779 người.

2.6. Công tác khử trùng, khử khuẩn

- 100% hộ gia đình có trường hợp dương tính và tiếp xúc với trường hợp dương tính được thực hiện khử trùng, khử khuẩn bằng Cloramin B tối thiểu ngày 2 lần.

- Toàn bộ các trường học nơi ca bệnh dương tính và ca bệnh tiếp xúc với trường hợp dương tính được thực hiện khử trùng khử khuẩn ngày 2 lần bằng Cloramin B.

- Đã tiến hành xử lý tử thi bệnh nhân mắc bệnh Bạch hầu theo quy định trong xử lý tử thi bệnh truyền nhiễm nhóm B với các giải pháp như: Xử lý xe vận chuyển tử thi, phát khẩu trang cho người đến viếng, bố trí dung dịch sát khuẩn nhanh tại nhà có tử thi, khử khuẩn tử thi theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, đã tiến hành chôn tử thi vào lúc 17h30 ngày 20/6/2020 (sau 03 tiếng khi tử thi về địa phương) tại địa điểm chôn được xử lý bằng Vôi bột và Choloramil B.

2.7. Công tác tiêm vắc xin chống dịch Bạch hầu

- Giai đoạn 1: cho 09 xã có ca mắc Bạch hầu thuộc 04 huyện Krông Nô, Tuy Đức, Đắk Glong, Đắk R’Lấp với kết quả như sau:

+ Vòng 1: đạt 96% (67.114/69.950 đối tượng), đạt chỉ tiêu được Bộ Y tế giao là ≥ 90%.

+ Vòng 2: Mới đạt 70% (47.906/68.535 đối tượng), không đạt chỉ tiêu4 được Bộ Y tế giao là ≥ 90%.

- Giai đoạn 2: 27 xã còn lại thuộc 04 huyện: Krông Nô, Tuy Đức, Đắk Glong, Đắk R’Lấp; dự kiến triển khai từ 09/2020 - I2/2020T

- Giai đoạn 3: 35 xã còn lại thuộc 04 huyện: Đắk Song, Đắk Mil, Cư Jút và thành phố Gia Nghĩa; dự kiến triển khai từ 12/2020 - 01 /2021.

III. KHÓ KHĂN, TỒN TẠI

Tính từ năm 2004 đến nay, đây là lần đầu tiên tỉnh Đắk Nông ghi nhận bệnh Bạch hầu. Do đó, địa phương ít nhiều còn lúng túng trong công tác triển khai, chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác phòng, chống.

Các trường hợp mắc bệnh Bạch hầu ghi nhận tại địa phương không khu trú ở một nhóm tuổi nhất định nên đối tượng nguy cơ rộng, đa số các trường hợp mắc Bạch hầu đều chưa được tiêm chủng đầy đủ các mũi vắc xin cơ bản có thành phần Bạch hầu hoặc không rõ lịch sử tiêm chủng. Các trường hợp mắc Bạch hầu đã ghi nhận tập trung ở nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, nhóm đồng bào dân tộc thiểu số (H’Mong) có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, giao thông đi lại khó khăn, bất đồng ngôn ngữ, các nhà ở liền kề nhau, mật độ dân cư đông nên tiếp xúc gần với nhau thường xuyên, họp nhóm để đọc kinh cầu nguyện, người dân không hợp tác trong việc triển khai tiêm vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng do đó miễn dịch trong cộng đồng thấp nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng.

Một số bộ phận dân cư không đưa trẻ đi tiêm chủng nên tỷ lệ bao phủ vắc xin có thành phần Bạch hầu tại cộng đồng đạt thấp ở một số địa phương, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn. Đây là nhóm đối tượng nguy cơ dễ bị tấn công và bùng phát dịch.

Trung ương cắt giảm đột ngột nguồn vật tư bơm kim tiêm, hộp an toàn phục vụ chiến dịch tiêm chủng chống dịch với số lượng lớn mà kinh phí địa phương chưa kịp cân đối để mua sắm, do đó ảnh hưởng đến tiến độ và kết quả tiêm vắc xin chống dịch tại các xã có ca bệnh dương tính.

Trong thời gian triển khai tiêm chủng chiến dịch phòng, chống Bạch hầu cũng là thời điểm diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19 nên việc thực hiện tiêm chủng chống dịch trong thời gian kiểm soát dịch Covid-19 càng khó khăn hơn do phải huy động nhiều nhân lực để truyền thông, phân luồng, giãn cách dân trong suốt quá trình triển khai chiến dịch.

IV. DỰ BÁO NGUY CƠ

Trước thực trạng về tình hình dịch bệnh Bạch hầu, những tồn tại và khó khăn nêu trên, dự báo tình hình dịch bệnh Bạch hầu trong thời gian tới cảnh báo sẽ tiếp tục ghi nhận ca bệnh và nguy cơ lây lan trên diện rộng là rất lớn, đặc biệt là các vùng tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số nếu không tiếp tục triển khai sớm chiến dịch tiêm vắc xin Bạch hầu chống dịch để nâng cao tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng cũng như tăng cường giám sát phát hiện sớm ca bệnh, khoanh vùng và xử lý dịch kịp thời.

Phần II

KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI ĐÁP ỨNG CHỐNG DỊCH BẠCH HẦU NĂM 2020-2021

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

- Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm số 03/2007/QH12 ngày 21/11/2007 của Quốc hội.

- Nghị định số 101/2010/NĐ-CP ngày 30/9/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm về áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch.

- Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở Y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch.

- Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng.

- Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị.

- Thông tư số 38/2017/TT-BYT ngày 17/10/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành danh mục bệnh truyền nhiễm, phạm vi và đối tượng phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc.

- Nghị quyết số 24/2017/NQ-HĐND ngày 14/12/2017 của HĐND tỉnh Đắk Nông ban hành quy định các mức chi về công tác phí, chi hội nghị đối với các cơ quan, đơn vị có sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

- Thông tư số 26/2018/TT-BTC ngày 21/3/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020.

- Thông tư số 34/2018/TT-BYT ngày 16/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng.

- Thông tư số 17/2019/TT-BYT ngày 17/7/2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế về hướng dẫn giám sát và đáp ứng với bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm.

- Công điện số 862/CĐ-TTg ngày 08/7/2020 của Thủ tướng Chánh phủ về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh Bạch hầu.

- Quyết định số 3054/QĐ-BYT ngày 15/7/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc phê duyệt Kế hoạch tiêm vắc xin phòng, chống dịch Bạch hầu tại 04 tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông.

- Công văn số 379/VTN-DT ngày 21/6/2020 của Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh Bạch hầu.

- Kế hoạch số 341/KH-UBND ngày 26/6/2020 của UBND tỉnh về hoạt động đáp ứng phòng, chống dịch bệnh Bạch hầu trên địa bàn tỉnh Đắk Nông năm 2020.

- Kế hoạch số 524/KH-VTN ngày 06/8/2020 của Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên về việc triển khai tiêm vắc xin phòng chống dịch Bạch hầu tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên.

- Công văn số 4694/BYT-KHTC ngày 01/9/2020 của Bộ Y tế về việc đảm bảo kinh phí cho công tác phòng chống dịch bạch hầu tại các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên.

- Công văn số 629/VTN-DT ngày 14/9/2020 của Viện vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên vê việc đảm bảo tiến độ thực hiện Kế hoạch chiến dịch tiêm vắc xin Td cho nhóm từ 49 tháng tuổi trở lên.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Khống chế, bao vây, dập tắt ổ dịch;

- Hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ mắc, chết do bệnh Bạch hầu.

2. Mục tiêu cụ thể

- 100% các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh Bạch hầu đều được tiến hành điều tra, xác minh ca bệnh, khoanh vùng xử lý dịch và cách ly điều trị kháng sinh dự phòng theo quy định.

- 100% các ổ dịch Bạch hầu mới phát sinh ở quy mô xã, phường, thị trấn được kịp thời khoanh vùng, xử lý triệt để theo quy định, không để lan rộng và kéo dài.

- Tỷ lệ tiêm vắc xin chống dịch đạt ≥ 90 % cho tất cả các đối tượng từ 49 tháng tuổi trở lên theo quy mô thôn, bon.

- 100% các cơ sở y tế tổ chức tốt hệ thống cấp cứu, điều trị bệnh nhân, sẵn sàng khu vực cách ly, thuốc, trang thiết bị y tế thiết yếu tại các tuyến để tiếp nhận, điều trị kịp thời người bệnh; tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám, chữa bệnh.

- 100% người dân ở vùng dịch được cung cấp thông tin, tuyên truyền về bệnh Bạch hầu: triệu chứng, nguyên nhân, đường lây truyền và các biện pháp phòng chống...

- Bảo đảm an toàn tiêm chủng theo quy định tại Nghị định số 104/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng và một số văn bản có liên quan.

III. CÁC GIẢI PHÁP CHUYÊN MÔN

1. Công tác tổ chức, chỉ đạo điều hành

- Tùy theo diễn biến tình hình dịch bệnh Bạch hầu sẽ công bố dịch theo quy định.

- Chỉ đạo việc phối hợp liên ngành để tổ chức giám sát, phát hiện, quản lý các đối tượng có tiếp xúc gần với các trường hợp dương tính và các trường hợp có tiếp xúc gần với người tiếp xúc gần.

- Kiện toàn đội đáp ứng nhanh tại các tuyến. Duy trì đường dây nóng, tổ chức trực dịch từ tỉnh đến cơ sở nhằm thu thập thông tin và báo cáo kịp thời về tình hình dịch bệnh Bạch hầu trên địa bàn, duy trì hệ thống báo cáo hàng ngày và đột xuất khi có yêu cầu.

- Thủ trưởng các Sở, ngành, đoàn thể, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn chỉ đạo thực hiện nghiêm các nội dung phòng, chống dịch bệnh Bạch hầu trên địa bàn theo khuyến cáo, hướng dẫn của các Viện đầu ngành.

- Tăng cường trách nhiệm của UBND các cấp trong công tác phòng, chống dịch bệnh Bạch hầu, sớm phê duyệt kế hoạch phòng, chống dịch bệnh, hỗ trợ kinh phí địa phương để công tác phòng, chống dịch Bạch hầu được triển khai kịp thời.

- Chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, hóa chất, sinh phẩm, vật tư chuyên dùng, trang thiết bị cần thiết, trang bị phòng hộ cho công tác phòng, chống dịch bệnh Bạch hầu của tỉnh cho nhân viên y tế và người tiếp xúc tại cơ sở điều trị, vùng ổ dịch.

2. Công tác chuyên môn kỹ thuật

2.1. Truyền thông, giáo dục sức khỏe

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền rộng rãi trong cộng đồng về bệnh Bạch hầu: triệu chứng, nguyên nhân, đường lây truyền, đối tượng cảm nhiễm và các biện pháp phòng, chống, những hậu quả và thiệt hại nặng nề do bệnh để lại đmọi người dân có thể hiểu và chủ động tham gia phòng, chống.

- Đa dạng hóa các hình thức và ngôn ngữ truyền thông để chuyển tải đầy đủ hiệu quả các thông điệp truyền thông đến mọi tầng lớp, thành phần dân cư như: tổ chức tọa đàm về phòng, chống dịch bệnh Bạch hầu, phát sóng rộng rãi trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; truyền thông trên các phương tiện như Báo Đắk Nông, hệ thống truyền thanh huyện, thành phố và xã, phường, thị trấn; qua pano, tờ rơi, tờ gấp và tuyên truyền trực tiếp tại cộng đồng; truyền thông trên mạng xã hội. Nội dung và phương pháp tuyên truyền phải phong phú, ngắn gọn, cụ thể, súc tích, hấp dẫn và phù hợp với đặc điểm của từng địa phương để mọi người dân dễ tiếp thu và thực hiện, chú trọng tuyên truyền những biện pháp phòng, chống dịch bệnh Bạch hầu.

- Thông tin kịp thời, chính xác diễn biến dịch bệnh cũng như các hoạt động phòng, chống dịch của tỉnh để nhân dân chủ động áp dụng các biện pháp phòng dịch bệnh nhưng không hoang mang, lo lắng.

- Thực hiện truyền thông về nguy cơ, phòng, chống dịch bệnh Bạch hầu cho các đối tượng lãnh đạo, quản lý, chức sắc tôn giáo, người tham gia trực tiếp phòng, chống dịch và toàn thể người dân trong cộng đồng.

2.2. Đào tạo, tập huấn

Giao Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương tổ chức tập huấn hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật về công tác điều tra, giám sát, khoanh vùng và xử lý dịch bệnh, các biện pháp cần triển khai trong phòng, chống dịch bệnh Bạch hầu; công tác lấy mẫu triển khai xét nghiệm, điều trị và kiểm soát nhiễm khuẩn trong phòng, chống Bạch hầu cho cán bộ y tế các tuyến.

2.3. Giám sát, điều tra, xử lý dịch

- Yêu cầu tất cả các trường hợp bệnh xác định, các trường hợp bệnh lâm sàng hoặc có dấu hiệu, triệu chứng nghi ngờ mắc Bạch hầu phải được điều tra xác minh, giám sát đầy đủ, kịp thời và xử lý theo đúng quy định:

+ Tiến hành điều tra, xác minh thông tin và đánh giá các yếu tố nguy cơ liên quan đến bệnh Bạch hầu;

+ Giám sát, theo dõi chặt chẽ, cách ly y tế bắt buộc các trường hợp mắc và nghi ngờ mắc tại các ổ dịch;

+ Tiến hành điều tra dịch tễ học, lập danh sách các đối tượng tiếp xúc với trường hợp dương tính;

+ Lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp tiếp xúc với trường hợp mắc;

+ Giám sát công tác xử lý khử khuẩn vệ sinh môi trường: phun, lau chùi khử khuẩn môi trường tại ổ dịch và tại các hộ gia đình có các trường hợp dương tính hoặc có tiếp xúc với trường hợp dương tính ngay sau khi ghi nhận ca bệnh;

+ Kiểm tra, giám sát việc điều trị dự phòng bằng kháng sinh của các trường hợp nghi mắc và nhóm đối tượng tiếp xúc với trường hợp bệnh dương tính đảm bảo tất cả các đối tượng nguy cơ được điều trị đủ liệu trình.

- Tăng cường công tác giám sát chủ động tại các cơ sở y tế và cộng đồng, đặc biệt chú trọng tại các vùng lân cận ổ dịch, vùng giáp ranh với các địa phương có ca bệnh nhằm phát hiện sớm, khoanh vùng và xử lý kịp thời không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Nâng cao chất lượng hệ thống giám sát dựa vào sự kiện, phát huy vai trò của mạng lưới y tế thôn, buôn, bản, tổ dân phố trong việc phát hiện, khai báo kịp thời các trường hợp có triệu chứng nghi ngờ mắc Bạch hầu hoặc các trường hợp có tiếp xúc với ca dương tính trở về địa phương.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật trong hoạt động phòng, chống dịch bệnh Bạch hầu tại các tuyến.

- Kiểm tra, giám sát, hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến cơ sở về phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh, cách ly đối với các trường hợp bệnh dương tính, nghi ngờ, triển khai các giải pháp phòng, chống lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

- Tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, chỉ đạo tuyến cơ sở triển khai các biện pháp đáp ứng phù hợp với tình hình dịch bệnh Bạch hầu trên địa bàn.

- Tổ chức điều tra xác minh dịch, điều tra dịch tễ, giám sát các ổ dịch cũ có nguy cơ tiềm ẩn bùng phát dịch tại địa phương. Đưa ra các dự báo và đề xuất các biện pháp triển khai phòng, chống dịch cụ thể, kịp thời.

- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát, thu thập, quản lý dữ liệu, thống kê, phân tích đánh giá nguy cơ tình hình dịch bệnh để tham mưu triển khai các biện pháp phòng, chống phù hợp, kịp thời.

2.4. Thu dung, cách ly điều trị

- Tổ chức tốt hệ thống cấp cứu, điều trị bệnh nhân, sẵn sàng khu vực cách ly, thuốc, trang thiết bị y tế thiết yếu tại các tuyến để tiếp nhận, điều trị kịp thời người bệnh; tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Thu dung, cách ly và điều trị tại Trung tâm Y tế hoặc các bệnh viện tuyến trên toàn bộ những trường hợp có triệu chứng đặc hiệu hoặc có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh Bạch hầu.

- Tổ chức các đội cấp cứu lưu động nội viện, ngoại viện để sẵn sàng đáp ứng với mọi tình huống dịch để hỗ trợ tuyến dưới, chuyển điều trị bắt buộc tại cơ sở y tế đối với các trường hợp bệnh mới phát hiện tại cộng đồng trong vùng ổ dịch hoặc chuyển tuyến kịp thời đối với các trường hợp bệnh diễn tiến nặng mà cơ sở khám chữa bệnh tại địa phương không đủ năng lực để điều trị.

- Cách ly và điều trị dự phòng bằng kháng sinh theo phác đồ cho tất cả các đối tượng tiếp xúc gần với trường hợp mắc bệnh Bạch hầu.

2.5. Tiêm chủng vắc xin phòng bệnh Bạch hầu

2.5.1. Đối tượng tiêm và vắc xin sử dụng

- Đối tượng từ 02 tháng đến 12 tháng chưa tiêm chủng hoặc tiêm chưa đủ mũi thì tiêm 01 mũi vắc xin SII và triển khai tiêm các mũi tiêm tiếp theo cho đến khi đủ 3 mũi cơ bản theo quy định, mũi cách mũi 01 tháng.

- Đối tượng từ 18-24 tháng tuổi chưa tiêm tiêm nhắc mũi vắc xin có chứa thành phần Bạch hầu thì tiêm 01 mũi vắc xin SII;

- Đối tượng từ 24 - 48 tháng chưa tiêm nhắc mũi vắc xin có chứa thành phần Bạch Hầu thì tiêm 01 mũi vắc xin DPT.

- Đối tượng từ 49 tháng tuổi trở lên tiêm 02 mũi vắc xin Td, mỗi mũi cách nhau một tháng.

Lưu ý:

+ Không tiêm chủng vắc xin Td đối với các trường hợp tiêm vắc xin có chứa thành phần Bạch hầu - uốn ván trong vòng một tháng.

+ Đối với trẻ từ 2 tháng đến dưới 12 tháng tuổi đã tiêm đủ 3 mũi vắc xin DPT-VGB-Hib và trẻ từ 19 đến 48 tháng đã tiêm đủ 4 mũi vắc xin chứa thành phần Bạch hầu thì không tiêm nhắc vắc xin DPT-VGB-Hib (SII) và DPT trong đợt chiến dịch này.

+ Đối với trẻ từ 13 tháng đến 17 tháng được tiêm nhắc vắc xin DPT- VGB- Hib (SII) trong chiến dịch này thì sẽ không tiêm nhắc vắc xin DPT hoặc DPT- VGB-Hib lúc 18 tháng.

+ Những đối tượng được tiêm vắc xin Td trong kế hoạch này sẽ không tiêm vắc xin Td theo kế hoạch tiêm vắc xin Td tại vùng nguy cơ cao ban hành kèm theo Quyết định số 2155/QĐ-BYT ngày 25/5/2020 của Bộ Y tế.

2.5.2. Thời gian triển khai các giai đoạn của chiến dịch

a) Năm 2020: Thực hiện tiêm cho các đối tượng thuộc 02 giai đoạn (giai đoạn 1 và giai đoạn 2) cụ thể như sau:

* Giai đoạn 1

- Nội dung:

+ Triển khai tiêm vắc xin trong chương trình tiêm chủng thường xuyên: Thực hiện tiêm chủng định kỳ theo lịch, tiêm vét, tiêm bù vắc xin có thành phần bạch hầu cho tất cả các đối tượng trong độ tuổi tiêm chủng từ đủ 02 tháng đến 12 tháng chưa tiêm đủ 03 mũi tiêm cơ bản có thành phần bạch hầu hoặc 18 tháng đến 48 tháng chưa tiêm nhắc vắc xin có thành phần Bạch hầu.

+ Triển khai tiêm chủng vắc xin Td giảm liều chống dịch bạch hầu cho toàn bộ người dân (kể cả quân nhân, bộ đội biên phòng đóng quân tại địa phương) trong độ tuổi từ 49 tháng tuổi trở lên tại tất cả các xã có ghi nhận ca bệnh Bạch hầu.

- Phạm vi triển khai: 9 xã có ghi nhận ca bệnh dương tính gồm xã Quảng Phú, thị trấn Đắk Mâm, xã Đắk Sor, huyện Krông Nô; xã Quảng Hòa, xã Đắk R’măng, xã Đắk Som, huyện Đắk Glong; xã Đắk Wer, huyện Đắk R’Lấp và xã Đắk Ngo, xã Quảng Tân, huyện Tuy Đức.

- Thời gian triển khai: Từ tháng 6/2020 đến tháng 9/2020.

- Số lượng đối tượng triển khai từ 49 tháng tuổi trở lên: 69.950 đối tượng (đối tượng là quân đội, bộ đội biên phòng còn lại sẽ được triển khai tiêm ở giai đoạn 2).

* Giai đoạn 2:5

- Nội dung: Triển khai tiêm chủng vắc xin Td cho tất cả nhóm đối tượng từ 49 tháng tuổi trở lên tại 27 xã, phường còn lại của 4 huyện (Krông Nô, Đắk Glong, Đắk R ’Lấp, Tuy Đức) đã ghi nhận ca bệnh Bạch hầu.

- Đối tượng là quân nhân, bộ đội biên phòng đóng quân tại địa phương sẽ được thống kê và triển khai tiêm chủng tại từng địa phương cùng với người dân.

- Phạm vi triển khai: 27 xã/thị trấn còn lại thuộc 4 huyện Krông Nô, Đắk Glong, Đắk R’Lấp, Tuy Đức.

- Thời gian dự kiến triển khai: Từ tháng 9/2020 đến tháng 12/2020.

- Số lượng đối tượng triển khai: 210.147 đối tượng.

b) Năm 2021: Triển khai tiêm các đối tượng thuộc giai đoạn 3 cụ thể như sau:

* Giai đoạn 3:6

- Nội dung: Triển khai tiêm vắc xin Td cho toàn bộ người dân từ 49 tháng tuổi trở lên (bao gồm cả quân nhân, bộ đội biên phòng đóng quân tại địa phương) tại 4 huyện, thành phố còn lại trên địa bàn tỉnh: Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song và Gia Nghĩa.

- Phạm vi triển khai: Tại 35 xã thuộc huyện Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song và Thành phố Gia Nghĩa.

- Thời gian dự kiến triển khai: Từ tháng 12/2020 đến tháng 01/2021 (thời gian triển khai có thể thay đổi sớm hơn hoặc muộn hơn tùy thuộc vào khả năng cung ứng vắc xin của Trung ương)

- Số lượng đối tượng triển khai: 319.925 đối tượng

2.6. Triển khai xét nghiệm bằng kỹ thuật PCR

- Đơn vị thực hiện: Phòng xét nghiệm thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông.

- Nội dung triển khai:

+ Mời Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên về đào tạo, chuyển giao kỹ thuật;

+ Mua sinh phẩm, vật tư liên quan để triển khai xét nghiệm tìm vi khuẩn Bạch hầu bằng kỹ thuật PCR.

- Thời gian thực hiện: Từ Quý IV/2020.

2.7. Công tác hậu cần, vật tư, nhân lực

- Hiện tại, sử dụng các trang thiết bị, thuốc hóa chất và các vật tư khác có tại kho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và Trung tâm Y tế các huyện, thành phố. Ngoài các vật tư, trang thiết bị hiện có, tùy theo tính chất của dịch, Sở Y tế đề xuất tham mưu để huy động các phương tiện vận tải, xe cứu thương, trường học, khách sạn (làm bệnh viện dã chiến, khu cách ly điều trị bệnh nhân)... từ các Sở, Ban, ngành để kịp thời đáp ứng nhu cầu chống dịch.

- Bố trí đủ giường bệnh, thuốc sẵn sàng cấp cứu để điều trị bệnh nhân, hạn chế thấp nhất tử vong do bệnh Bạch hầu.

- Ưu tiên mua sắm thuốc kháng sinh, vắc xin và vật tư tiêm chủng chống dịch, sinh phẩm, môi trường và vật tư phục vụ công tác lấy mẫu, vật tư, trang phục phòng hộ, sinh phẩm, vật tư triển khai xét nghiệm.

- Đối với tuyến xã: Bổ sung lực lượng cộng tác viên, tình nguyện viên để tham gia, triển khai các biện pháp phòng, chống Bạch hầu trên địa bàn.

- Rà soát và đề xuất những chính sách, giải pháp phù hợp để đảm bảo đãi ngộ xứng đáng cho cán bộ y tế trong công tác phòng, chống Bạch hầu.

2.8. Công tác phối hợp liên ngành

Tăng cường phối hợp với các Sở, Ban, ngành: Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh và các đơn vị liên quan khác trong phòng, chống dịch bệnh Bạch hầu.

2.9. Thống kê báo cáo: Thực hiện thống kê báo cáo theo Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế về hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo dịch bệnh truyền nhiễm.

IV. KINH PHÍ

ĐVT: Ngàn đồng

Stt

Nội dung thực hiện

Nguồn kinh phí

Trung ương

Địa phương

Tổng kinh phí

Năm 2020 (dự kiến)

Năm 2021 (dự kiến)

Năm 2020

Năm 2021 (dự kiến)

1

Vc xin

4.300.000

4.900.000

0

0

9.200.000

2

Mua Bơm kim tiêm, hộp an toàn

0

0

1.160.000

 

1.160.000

3

Truyn Thông

0

0

129.000

 

129.000

4

Kiểm tra, giám sát, công tác tiêm chủng, điều tra, xác minh, xử lý ổ dịch,...

0

0

975.393

 

975.393

5

Vận chuyển vắc xin, vật tư tiêm chủng

0

0

41.820

 

41.820

6

Mua thuốc, vật tư, hoá chất phục vụ PCD

0

0

900.416

 

900.416

7

Hỗ trợ công tiêm

0

0

1.423.728

 

1.423.728

8

Tập huấn

0

0

30.162

 

30.162

9

Triển khai xét nghiệm tìm vi khuẩn Bạch hầu bằng kỹ thuật PCR

0

0

211.000

 

211.000

Tổng cộng

4.300.000

4.900.000

4.871.519

2.987.997

17.059.516

- Kinh phí Trung ương: Hỗ trợ nguồn vắc xin Td cho tỉnh để triển khai chiến dịch trên phạm vi toàn tỉnh.

- Kinh phí địa phương: Hỗ trợ các nội dung Trung ương không hỗ trợ liên quan đến hoạt phòng, chống dịch bệnh Bạch hầu (tập huấn, truyền thông, giám sát, xử lý dịch, mua thuốc, hóa chất, vật tư...) và chiến dịch tiêm vắc xin Td chống dịch bạch hầu (mua bơm kim tiêm, hộp an toàn, hỗ trợ công tiêm, giám sát, tập huấn, truyền thông, xăng xe, vật tư tiêu hao, biểu mẫu chiến dịch...) với tổng kinh phí năm 2020 - 2021 dự kiến là 7.859.516.000 (Bảy tỷ tám trăm năm mươi chín triệu, năm trăm mười sáu ngàn đồng chẵn), cụ thể như sau:

+ Năm 2020: 4.871.519.000 đồng (Sử dụng kinh phí được cấp theo Quyết định số 461/QĐ-UBND ngày 06/4/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh).

+ Năm 2021: Trên cơ sở các quy định hiện hành, tình hình diễn biến dịch bệnh, Sở Y tế phối hợp với Sở Tài chính và các Sở, Ban, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí triển khai thực hiện.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế

- Chỉ đạo triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Bạch hầu trên địa bàn tỉnh nói chung, đặc biệt tại các ổ dịch Bạch hầu theo đúng quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế; tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các trường hợp tiếp xúc gần, người tiếp xúc với người tiếp xúc gần, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm các trường hợp bệnh và nghi ngờ bệnh để cách ly, điều trị, điều trị dự phòng, khoanh vùng, xử lý ổ bệnh kịp thời, hiệu quả, không để dịch lây lan và bùng phát ra cộng đồng.

- Tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành, giám sát, hướng dẫn công tác vệ sinh, xử lý môi trường phòng, chống dịch bệnh Bạch hầu theo hướng dẫn Bộ Y tế, nhất là các địa bàn có dịch và khả năng bùng phát dịch cao.

- Chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chuẩn bị đầy đủ cơ sở cách ly, thuốc, vật tư, trang thiết bị, nhân lực... tổ chức tốt việc thu dung, lấy mẫu và triển khai xét nghiệm tìm vi khuẩn Bạch hầu bằng kỹ thuật PCR, cách ly, cấp cứu, điều trị bệnh nhân kịp thời, hạn chế tối đa số trường hợp biến chứng nặng và tử vong.

- Chủ động triển khai tập huấn, các chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao trách nhiệm của các địa phương, cộng đồng và nhận thức của người dân để tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh Bạch hầu tại cộng đồng. Xây dựng và cung cấp tài liệu truyền thông phòng, chống bệnh Bạch hầu cho các địa phương để nâng cao công tác tuyên truyền.

- Tổ chức rà soát, triển khai tiêm chủng phòng, chống bệnh Bạch hầu trên địa bàn tỉnh, không bỏ sót đối tượng.

- Theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh Bạch hầu, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo kịp thời; đồng thời cập nhật tình hình dịch, hàng ngày báo cáo về UBND tỉnh.

- Tùy tình hình dịch bệnh, chủ động phối hợp với Sở Tài chính đề xuất UBND tỉnh cấp bổ sung kinh phí phòng, chống dịch bệnh Bạch hầu theo yêu cầu.

2. Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND các huyện, thành phố

- Phối hợp với ngành Y tế đẩy mạnh truyền thông phòng, chống bệnh Bạch hầu trong trường học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; chỉ đạo tổ chức tốt công tác vệ sinh khử khuẩn trường học, tuân thủ tiêm chủng và điều trị dự phòng bệnh Bạch hầu theo hướng dẫn của ngành Y tế.

- Chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tăng cường công tác phối hợp liên ngành, đặc biệt là công tác phát hiện và báo cáo cho đơn vị Y tế cơ sở về các trường hợp nghi nhiễm bệnh để kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống, công tác phối hợp triển khai hoạt động tiêm chủng phòng chống dịch Bạch hầu.

3. Sở Thông tin và Truyền thông

- Chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông trên địa bàn tỉnh phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế tăng cường các hoạt động truyền thông, tuyên truyền về nguy cơ mắc bệnh Bạch hầu, triệu chứng, sự nguy hiểm của bệnh và các biện pháp phòng, chống để nâng cao nhận thức, ý thức tự giác và chủ động phòng, chống dịch bệnh cho người dân; các gia đình đi tiêm và đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch; các trường hợp có triệu chứng như: sốt, đau họng cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời. Phối hợp với Sở Y tế cập nhật, cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh Bạch hầu trên địa bàn tỉnh cho các cơ quan báo chí, truyền thông đảm bảo kịp thời, chính xác.

- Phối hợp với Công an tỉnh xử lý những trường hợp tung tin không đúng sự thật về tình hình dịch bệnh Bạch hầu gây hoang mang, lo lắng trong cộng đồng.

4. Sở Tài chính

Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, cân đối, bố trí kinh phí để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Bạch hầu trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định.

5. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở

Phát huy vai trò, trách nhiệm, thường xuyên bám sát cơ sở, nắm chắc tình hình nhân dân để phối hợp chặt chẽ với cơ quan liên quan phổ biến, tuyên truyền cho nhân dân những thông tin cần thiết, chính xác, góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh Bạch hầu; đề cao vai trò trách nhiệm mỗi người dân trong việc tự bảo vệ, nâng cao sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng trước dịch bệnh theo đúng các khuyến cáo của cơ quan y tế.

6. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Khẩn trương tổ chức triển khai lập tức công tác phòng, chống, khống chế kịp thời dịch bệnh Bạch hầu tại địa bàn, không để dịch bệnh Bạch hầu lan rộng, bùng phát trong cộng đồng; chủ động xây dựng Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh Bạch hầu trên địa bàn quản lý.

- Tăng cường công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh nói chung và dịch bệnh Bạch hầu nói riêng để nâng cao nhận thức cho cộng đồng và người dân; tổ chức tốt công tác vệ sinh môi trường, nhà cửa, trường học... nhất là vùng có ổ bệnh và vùng liên quan.

- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, Ban, ngành liên quan trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế thực hiện việc cách ly người bệnh, hạn chế đi lại vùng có ổ bệnh, tuân thủ điều trị dự phòng theo quy định.

- Hỗ trợ kinh phí cho các Trung tâm Y tế huyện, thành phố để tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Bạch hầu, chiến dịch tiêm vắc xin phòng chống dịch Bạch hầu kịp thời trên địa bàn.

- Tuyên truyền, vận động người dân thực hiện việc tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch đối với tất cả các loại vắc xin trong tiêm chủng mở rộng nói chung và vắc xin phòng bệnh Bạch hầu nói riêng; chỉ đạo tổ chức triển khai đầy đủ các hoạt động đáp ứng khi có ca bệnh, ca nghi bệnh Bạch hầu theo hướng dẫn của ngành Y tế.

- Báo cáo hàng ngày tình hình dịch bệnh Bạch hầu trên địa bàn và đề xuất phương hướng phòng, chống dịch (nếu có) về Sở Y tế để tổng hợp, tham mưu chỉ đạo.

Trên đây là Kế hoạch triển khai các hoạt động đáp ứng phòng, chống Bạch hầu trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Căn cứ nội dung Kế hoạch này, các đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức thực hiện. Giao Sở Y tế chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện, tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan có thẩm quyền theo quy định (Kế hoạch này thay thế Kế hoạch số 341/KH-UBND ngày 26/6/2020)./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Y tế (b/c);
- Viện VSDT Tây Nguyên (b/c);
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, Ban, ngành, hội, đoàn thể cấp tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- CVP, các PCVP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, CTTĐT, KGVX.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Tôn Thị Ngọc Hạnh

 

PHỤ LỤC

ĐỐI TƯỢNG, THỜI GIAN TRIỂN KHAI CHIẾN DỊCH TIÊM CHỦNG CHỐNG DỊCH TD VÀ NHU CẦU VẮC XIN VẬT TƯ TIÊM CHỦNG
(Kèm theo Kế hoạch số 639/KH-UBND ngày 28/10/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông)

TT

Địa phương

Tổ/thôn/bon

Đối tượng

Tổng cộng

Nhu cầu vắc xin, BKT

Đối tượng 7- 40 tuổi

49 tháng tuổi trở lên

Vắc xin Td (liều)

BKT 0,5ml (cái)

HAT (cái)

I

Giai đoạn 1: Tiêm chủng chống dịch tại 9 xã thuộc 4 huyện có ghi nhận ca bệnh dương tính. Thi gian triển khai: Tháng 6-9/2020

1

KrôngNô

0

1.021

17.069

18.090

42.331

35.818

358

2

Đắk Glong

0

4.901

14.500

19.401

45.398

38.414

384

3

Đắk R’Lấp

0

501

7.864

8.365

19.574

16.563

166

4

Tuy Đức

0

0

25.069

25.069

58.661

49.637

496

Tổng cng

0

6.423

64.502

70.925

165.965

140.432

1.404

II

Giai đoạn 2: Tiêm chủng chiến dịch tại 27 xã còn lại thuộc 4 huyện có ca bệnh dương tính. Thi gian dự kiến trin khai: Tháng 9- 12/2020

1

Krông Nô

0

0

54.834

54.834

128.312

108.571

1.086

2

Đắk Glong

0

0

42.454

42.454

99.342

84.059

944

3

Đăk R’Lấp

0

0

76.468

76.468

178.935

151.407

1.514

4

Tuy Đức

0

0

36.391

36.391

85.155

72.054

914

Tổng cộng

0

0

210.147

210.147

491.744

416.091

4.458

III

Giai đoạn 3: Tiêm chủng chiến dịch tại 4 huyện còn lại trên địa bàn tỉnh. Thi gian dự kiến triển khai: Tháng 12-01/2021

1

Đắk Song

0

0

74.831

74.831

175.105

148.165

1.482

2

Gia Nghĩa

0

0

47.020

47.020

110.027

93.100

931

3

Đắk Mil

0

0

104.068

104.068

243.519

206.055

2.061

4

Cư Jút

0

0

94.006

94.006

219.974

186.132

1.861

Tng cộng

0

0

319.925

319.925

748.625

633.452

6.335

Tổng 3 giai đoạn

0

6.423

594.574

600.997

1.406.333

1.189.974

12.197

 



1 Krông Nô: 03 ổ dịch, Đắk Glong: 08 ổ dịch, Đắk R’Lấp: 01 ổ dịch, Tuy Đức: 02 ổ dịch.

2 Krông Nô: 11 ca (Ngôi nhà may mắn: 03 ca, thôn phú Vinh: 08 ca); Đắk Glong: 19 ca (Quảng Hòa: 14 ca, Đắk R’Măng: 04 ca, Đăk Som: 01 ca); Đắk R’Lấp: 03 ca; Bon Bu Nđoh xã Đắk Wer, Tuy Đức: 06 ca (Đắk Ngo 04 ca, Quảng Tân 02 ca).

3 02 ca Tử vong (thôn 6, xã Quảng Hòa, huyện Đắk Glong; Cụm 12, Đắk R’măng, Đắk Glong)

4 Nguyên nhân không đạt chỉ tiêu là không thể triển khai tiêm chủng chống dịch được do Trung ương cắt nguồn cung ứng Bơm kim tiêm, hộp an toàn mà kinh phí địa phương chưa kịp cân đối để mua. Do đó, không triển khai tiêm tiếp tại 02 xã Đăk Som, huyện Đăk Glong (mới đạt tỷ lệ 30,9%) và xã Quảng Tân, huyện Tuy Đức (mới đạt 29,1%)

56 Thực hiện tiêm chủng theo Kế hoạch số 524/KH-VTN ngày 6/8/2020 của Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Kế hoạch 639/KH-UBND ngày 28/10/2020 về triển khai hoạt động đáp ứng phòng, chống dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh Đắk Nông năm 2020-2021

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


1.072

DMCA.com Protection Status
IP: 18.117.81.240
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!