Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 328/KH-UBND Loại văn bản: Kế hoạch
Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội Người ký: Vũ Thu Hà
Ngày ban hành: 31/12/2023 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 328/KH-UBND

Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2023

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG PHỤC HỒI CHỨC NĂNG GIAI ĐOẠN 2023-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Thực hiện Quyết định số 569/QĐ-TTg , ngày 24/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển hệ thống Phục hồi chức năng giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Công văn số 4560/BYT-KCB ngày 20/7/2023 của Bộ Y tế về việc xây dựng kế hoạch phát triển hệ thống Phục hồi chức năng giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội xây dựng Kế hoạch Phát triển hệ thống Phục hồi chức năng giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội như sau:

PHẦN I

ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG HỆ THỐNG PHỤC HỒI CHỨC NĂNG VÀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH QUỐC GIA PHÁT TRIỂN PHỤC HỒI CHỨC NĂNG GIAI ĐOẠN 2014-2020

I. Thông tin chung

Hà Nội là Thủ đô, Thành phố trực thuộc Trung ương và là một trong hai đô thị loại đặc biệt, là trung tâm chính trị, văn hóa, giáo dục, một trong hai trung tâm kinh tế quan trọng của nước Việt Nam. Với diện tích 3.359,84 km² và dân số khoảng 8,4 triệu người. Hà Nội có 30 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 12 quận, 17 huyện và 01 thị xã.

- Hệ thống y tế của thành phố Hà Nội gồm:

+ 30 Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã; 579 Trạm Y tế xã, phường, thị trấn.

+ 41 Bệnh viện đa khoa, chuyên khoa công lập trực thuộc Sở Y tế Hà Nội trong đó: 01 Bệnh viện Phục hồi chức năng; 04 Bệnh viện đa khoa hạng 1 có Khoa Phục hồi chức năng/khoa Vật lý trị liệu; 22 Bệnh viện đa khoa hạng 2 (trong đó, 06 Bệnh viện có khoa Vật lý trị liệu-Phục hồi chức năng và đơn nguyên phục hồi chức năng, 16 Bệnh viện ghép khoa Y học cổ truyền, Phục hồi chức năng); 01 Bệnh viện đa khoa hạng 3 có hoạt động phục hồi chức năng ghép với khoa Y học cổ truyền; 05 Bệnh viện chuyên khoa có hoạt động phục hồi chức năng nhưng hoạt động theo đặc thù chuyên ngành tim, phổi, tâm thần; 09

Bệnh viện chuyên khoa khác không có phục hồi chức năng.

+ Trên địa bàn Thành phố có các Bệnh viện trực thuộc Trung ương, Bộ, ngành và các Bệnh viện, cơ sở y tế ngoài công lập.

II. Thực trạng công tác Phục hồi chức năng và kết quả triển khai Kế hoạch Quốc gia phát triển Phục hồi chức năng giai đoạn 2014-2020

1. Thực hiện các chính sách, pháp luật và phối hợp liên ngành

- Thực hiện Quyết định số 4039/QĐ-BYT ngày 06/10/2014 của Bộ Y tế về phê duyệt Kế hoạch quốc gia về phát triển Phục hồi chức năng giai đoạn 2014-2020. Để triển khai thực hiện Luật, các chính sách, qui định pháp luật về Phục hồi chức năng (PHCN) và chăm sóc sức khỏe người khuyết tật (NKT), UBND Thành phố đã ban hành các kế hoạch thực hiện công tác phát triển PHCN giai đoạn 2014-2020 trên địa bàn Thành phố:

+ Quyết định số 2620/QĐ-UBND ngày 26/5/2016 của UBND Thành phố về việc phê duyệt Đề án Tầm soát, phát hiện sớm một số tật, bệnh bẩm sinh thông qua sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh của thành phố Hà Nội giai đoạn 2016 - 2025.

+ Kế hoạch số 208/KH-UBND , ngày 15/12/2014 của UBND Thành phố về Thực hiện Đề án trợ giúp xã hội và Phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020.

+ Quyết định số 3662/QĐ-UBND ngày 16/6/2017 của UBND Thành phố Ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật trên địa bàn Thành phố năm 2017-2018.

+ Kế hoạch số 90/KH-UBND ngày 17/4/2017 của UBND Thành phố về Thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về Quyền của người khuyết tật thành phố Hà Nội.

- Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được phân công, Sở Y tế, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ trì, tham mưu UBND Thành phố ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các Sở, ban, ngành và địa phương phối hợp triển khai các hoạt động của kế hoạch một cách đồng bộ hoặc lồng ghép vào các chương trình mục tiêu/dự án khác, tránh chồng chéo nhằm mang lại hiệu quả cao nhất cho cộng đồng. Chính vì vậy, trong thời gian qua, việc thực hiện chính sách pháp luật về PHCN và chăm sóc sức khỏe NKT đã tạo ra những chuyển biến tích cực đối với cuộc sống của đối tượng. Sự thay đổi về nhận thức xã hội giúp cho NKT tự tin hơn, hòa nhập vào đời sống xã hội ngày càng thuận lợi. Với vai trò chủ đạo của Nhà nước, hoạt động trợ giúp NKT đã thu hút sự quan tâm, phát huy trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư, từng bước giảm dần những rào cản, cải thiện việc đáp ứng các nhu cầu, quyền lợi của NKT, tạo động lực để họ phát huy năng lực, vươn lên hòa nhập với xã hội.

- Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách, pháp luật về PHCN và chăm sóc sức khỏe NKT vẫn còn những khó khăn, hạn chế như: Đời sống của một bộ phận không nhỏ NKT còn nhiều khó khăn, NKT thuộc hộ nghèo còn chiếm tỷ lệ cao. Còn một số NKT chưa được tiếp cận hoặc tiếp cận chưa đầy đủ các chính sách ưu đãi của Nhà nước về y tế, giáo dục, dạy nghề, việc làm… Một bộ phận cán bộ và người dân nhận thức chưa đầy đủ về PHCN và chăm sóc sức khỏe NKT, coi nhiệm vụ này thuộc trách nhiệm của ngành Y tế và Lao động-Thương binh và Xã hội và trợ giúp NKT chỉ là hoạt động từ thiện. Thêm vào đó, ở một số nơi, công tác chỉ đạo triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về PHCN và chăm sóc sức khỏe NKT còn chậm, chưa kịp thời, thiếu sâu sát, vẫn còn tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với NKT.

2. Triển khai Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng (PHCNDVCĐ)

- Triển khai và duy trì chương trình PHCNDVCĐ tại ít nhất 50% số xã/phường/thị trấn trong 1 năm.

- Người khuyết tật có nhu cầu được tiếp cận với các dịch vụ PHCN phù hợp để hòa nhập cộng đồng với chỉ tiêu:

+ Tại các xã vùng 3: từ 70% trở lên.

+ Tại các xã vùng 2: từ 80% trở lên.

+ Tại các xã vùng 1: từ 90% trở lên.

- 100% các cơ sở PHCN có hoạt động tuyên truyền về phòng ngừa khuyết tật, PHCN và PHCNDVCĐ, góp phần nâng cao nhận thức về các nội dung này cho lãnh đạo các cấp và cộng đồng.

- 70% số trẻ từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm khuyết tật bẩm sinh, rối loạn phát triển và được can thiệp sớm các dạng khuyết tật.

- Xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện hoạt động từ Thành phố đến quận/huyện/thị xã, xã/phường/thị trấn. Chú trọng công tác phòng ngừa khuyết tật, phát hiện sớm, can thiệp sớm trẻ khuyết tật để cải thiện chất lượng cuộc sống của người khuyết tật về mọi mặt.

- Nâng cao chất lượng hoạt động cho cán bộ chuyên trách của các quận/huyện/thị xã để hướng dẫn các xã, phường, thị trấn việc xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai các hoạt động về PHCN hàng năm.

- Duy trì việc thực hiện hoạt động quản lý sức khỏe khuyết tật và PHCN tại 579 trạm y tế và 30 Trung tâm Y tế quận/huyện/thị xã hàng năm.

- Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội phối hợp với các Trung tâm Y tế (TTYT) tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn cho cộng tác viên, chuyên trách chương trình và nhóm hỗ trợ Chương trình PHCN về lập kế hoạch điều tra khuyết tật và phân loại khuyết tật tại cộng đồng; hướng dẫn PHCN tại nhà cho NKT có nhu cầu PHCN tại cộng đồng; hướng dẫn NKT và gia đình lập kế hoạch luyện tập cá nhân cho NKT để NKT được hỗ trợ các dụng cụ PHCN phù hợp với bản thân; khảo sát nhu cầu và hướng dẫn cách sử dụng các dụng cụ trợ giúp; hướng dẫn biểu mẫu điều tra thông tin NKT. Qua đó giúp cho việc quản lý, triển khai chương trình PHCNDVCĐ thực hiện có hiệu quả.

+ Tổ chức 30 lớp tập huấn kỹ thuật PHCN cơ bản cho cộng tác viên, chuyên trách chương trình PHCN với tổng số 2.700 học viên tham dự, sau tập huấn 100% cộng tác viên, chuyên trách chương trình tại các xã triển khai nắm được các kỹ thuật PHCN cơ bản và đủ năng lực để tiếp cận và hướng dẫn người nhà, NKT thực hiện PHCN một số dạng khuyết tật tại cộng đồng.

+ Tổ chức 60 lớp tập huấn tại các Bệnh viện chuyên khoa đầu ngành để nâng cao trình độ nhận thức cho các cán bộ làm PHCN ở các Bệnh viện, các TTYT với hơn 4.800 học viên tham dự.

- Tại các Trạm Y tế xã, phường, thị trấn tổ chức khám phát hiện khuyết tật, phân loại và lập kế hoạch can thiệp sớm tại địa phương, chuyển tuyến điều trị và PHCN cho người khuyết tật theo quy định. Lập danh sách, phát hiện những người tàn tật, phân loại theo các nhóm khuyết tật để quản lý Trạm Y tế. Người khuyết tật được thăm khám sức khỏe định kỳ 01 lần/năm. Thực hiện lồng ghép các hoạt động PHCNDVCĐ với hoạt động của các chương trình y tế khác.

- 100% các xã, phường, thị trấn thực hiện PHCN tại nhà cho người khuyết tật, theo dõi định kỳ, hướng dẫn PHCN cho người khuyết tật, đánh giá sự tiến bộ của người khuyết tật, tư vấn và tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật được tiếp cận với các dịch vụ y tế giáo dục, lao động và các hoạt động xã hội khác.

- Hỗ trợ thành lập và hỗ trợ các hoạt động của Câu lạc bộ người khuyết tật tại địa phương.

- Tổng số NKT được điều tra, phát hiện, quản lý: 224.666 người, trong đó:

+ Khuyết tật vận động: 76.713 người (34,2%).

+ Nghe, nói: 40.802 người (35,5%).

+ Nhìn: 89.841 người (79,1%).

+ Trí tuệ: 9.909 (4,4%).

+ Thần kinh, Tâm thần: 24.095 người (10,7%).

+ Khác: 19.053 người (8,5%).

- Tổng số NKT có nhu cầu PHCN: 44.578 người (19,8%). Số NKT được đi học: 38.552 người (17,2%); số NKT đã lập gia đình: 97.379 (43,3%); số NKT tham gia các hoạt động khác: 109.602 người (48,8%).

3. Tăng cường hệ thống cung cấp dịch vụ và chuyên môn kỹ thuật

- Thực hiện Thông tư số 46/2013/TT-BYT ngày 31/12/2013 của Bộ Y tế Quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của cơ sở phục hồi chức năng, Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội và các khoa PHCN của các bệnh viện tuyến thành phố, tuyến huyện đã triển khai đạt từ trên 90% các kỹ thuật PHCN đúng tuyến và vượt tuyến theo Thông tư số 43/2013/TT-BYT ngày 11/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết phân tuyến chuyên môn kỹ thuật đối với hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

- Thực hiện các Đề án, kế hoạch của UBND Thành phố về dự phòng, phát hiện sớm, can thiệp sớm trẻ em khuyết tật và quản lý PHCN tại tuyến y tế cơ sở.

+ Sở Y tế đã ban hành Kế hoạch số 2473/KH-SYT ngày 06/6/2016 của Sở Y tế Hà Nội về triển khai Đề án Tầm soát, phát hiện sớm một số tật, bệnh bẩm sinh thông qua sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh của thành phố Hà Nội giai đoạn 2016 - 2025. Triển khai kế hoạch hàng năm, giao chỉ tiêu cho các quận, huyện, thị xã thực hiện. Kết quả thực hiện: Tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh đạt 80%; Tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc các bệnh khiếm thính, suy giáp trạng và thiếu men G6PD đạt 85%; Tỷ lệ trẻ từ 0 đến 60 tháng tuổi được sàng lọc khiếm thính đạt 50%; Tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc tim bẩm sinh đạt 50%.

+ Hàng năm, Sở Y tế giao Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội phối hợp với Hội cứu trợ trẻ em khuyết tật thành phố Hà Nội tiến hành khám sàng lọc, phát hiện sớm, can thiệp sớm trẻ em khuyết tật đối với trẻ em dưới 6 tuổi theo từng địa phương, đối với những trường hợp nặng được đưa về Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội can thiệp hoặc tư vấn, hướng dẫn người nhà đưa trẻ đi tuyến trên khám và can thiệp chuyên khoa theo Bảo hiểm y tế hoặc một số chương trình nhân đạo khác.

- Thực hiện nhiệm vụ khám, chữa bệnh, PHCN và chăm sóc sức khỏe NKT: Hoạt động PHCN có bước đột phá trong chăm sóc sức khỏe toàn diện, đã thu dung nhiều đối tượng có nhu cầu PHCN và điều trị các bệnh mãn tính, bệnh nghề nghiệp, ... cho cán bộ và Nhân dân.

+ Bệnh viện PHCN đã triển khai nhiều kỹ thuật mới trong chuyên môn như: Trị liệu hướng mục tiêu GDT, Tập giao tiếp tăng cường và thay thế AAC công nghệ cao talk tablet, Thang điểm thiết lập mục tiêu GAS, Phục hồi chức năng từ xa Opentelerehab, Tiêm Botulinum toxine vào điểm vận động để điều trị co cứng cơ, Tập bắt buộc bên liệt PCIMT cho trẻ em và CIMT cho người lớn, Đo áp lực bàng quang bằng máy niệu động học, Điều trị bằng Oxy cao áp, những kỹ thuật chuyên sâu trong điều trị PHCN người bệnh đột quỵ, người bệnh sau chấn thương sọ não, chấn thương tủy sống và PHCN người bệnh sau chấn thương, sau phẫu thuật khác.

+ Đối với trẻ em: PHCN trẻ tự kỷ, trẻ bại não, trẻ chậm phát triển tâm thần, vận động, trẻ vẹo cột sống, xơ hóa cơ ức đòn chũm, trẻ có bàn chân khoèo.

+ Đối với người già có PHCN người bệnh Parkinson, người bệnh Alzheimer, người bệnh sau đột quỵ não, ….

- Công tác nghiên cứu khoa học, chỉ đạo tuyến về PHCN: Trong 10 năm qua, Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội đã triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học và các sáng kiến cải tiến kỹ thuật:

+ 01 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Thành phố “Đánh giá hiệu quả mô hình phục hồi chức năng toàn diện cho trẻ bại não thể co cứng dưới 6 tuổi tại thành phố Hà Nội.

+ 24 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở và 37 sáng kiến cải tiến kỹ thuật nâng cao hiệu quả trong điều trị, PHCN người bệnh.

+ Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội thực hiện chuyển giao kỹ thuật PHCN cho các Bệnh viện đa khoa tuyến huyện. Chất lượng khám, chữa bệnh PHCN được cải thiện và NKT được tiếp cận các dịch vụ PHCN sẵn có, hạn chế tình trạng chuyển tuyến.

4. Nguồn lực

- Nhân lực: Các Bệnh viện đa khoa và chuyên khoa đều có nhân lực làm PHCN, trong đó:

+ Bệnh viện đầu ngành PHCN có nguồn nhân lực đảm bảo phát triển chuyên ngành PHCN: Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sỹ chuyên khoa II: 04; Thạc sỹ, Bác sỹ chuyên khoa I: 03; Bác sĩ đào tạo PHCN cơ bản: 06; Kỹ thuật viên PHCN: 24, Điều dưỡng làm PHCN: 30.

+ Các Bệnh viện chuyên khoa và đa khoa: Tiến sĩ/Bác sỹ chuyên khoa II: 05; Thạc sỹ/Bác sỹ chuyên khoa I: 18; Bác sỹ đã học chuyên khoa PHCN cơ bản: 49; Kỹ thuật viên: 88; Y sỹ Y học cổ truyền, Y sỹ đa khoa, Điều dưỡng làm PHCN: 115; CBYT khác làm PHCN: 125.

- Đầu tư trang thiết bị PHCN:

+ Bệnh viện đầu ngành PHCN có đủ trang thiết bị PHCN cho người bệnh, thiếu trang thiết bị phục vụ cho chẩn đoán và trang thiết bị thực tế ảo phục vụ cho người bệnh sa sút trí tuệ và thiếu xưởng dụng cụ chỉnh hình để cung cấp những dụng cụ cho người khiếm khuyết về vận động.

+ Các Bệnh viện đa khoa và chuyên khoa khác có các trang thiết bị cơ bản để hoạt động PHCN, còn thiếu nhiều trang thiết bị PHCN đặc biệt là ở các Bệnh viện đa khoa tuyến huyện có khoa PHCN.

- Đầu tư cơ sở vật chất: Bệnh viện PHCN đã được cải tạo, sửa chữa khu điều trị, nhà ăn cho bệnh nhân. Các Bệnh viện trên địa bàn Thành phố đã được đầu tư, nâng cấp đảm bảo công tác khám, chữa bệnh, PHCN.

5. Công tác đào tạo, tập huấn

Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội (chuyên khoa đầu ngành) tổ chức tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ PHCN của các Bệnh viện đa khoa, chuyên khoa trong Thành phố, cho cán bộ chuyên trách tại các TTYT quận/huyện/thị xã: mỗi năm tổ chức tại Bệnh viện đầu ngành 7- 9 lớp (từ năm 2014 đến nay tổ chức được 66 lớp, thời gian dịch COVID-19 năm 2020, 2021 tổ chức online mỗi năm 2 lớp), tổ chức tập huấn tại các Trung tâm y tế cho cán bộ chuyên trách về PHCN tại các Trạm Y tế xã, phường, thị trấn về phân loại khuyết tật, tổng hợp và mẫu báo cáo, PHCN một số mặt bệnh giúp phát hiện sớm, can thiệp sớm như: Tự kỷ, Đột quỵ não, ….

III. Đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu của kế hoạch phát triển Phục hồi chức năng giai đoạn 2014-2020

(Phụ lục kèm theo)

IV. Đánh giá các khó khăn tồn tại, hạn chế và nguyên nhân

- Tại các Trung tâm y tế: Nhân lực về Phục hồi chức năng và Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng còn thiếu, chưa có kinh phí cho việc điều tra quản lý người khuyết tật trên địa bàn Hà Nội, chưa đánh giá được hết các nhu cầu Phục hồi chức năng tại cộng đồng, cán bộ chuyên trách PHCN tại Trung tâm Y tế đa số kiêm nhiệm nhiều chương trình với trình độ Bác sĩ, Y sĩ, Điều dưỡng, nhưng chưa được đào tạo cơ bản về chuyên ngành Phục hồi chức năng nên việc phát hiện sớm để điều trị kịp thời và can thiệp sớm người khuyết tật còn nhiều hạn chế.

- Công tác truyền thông chưa được quan tâm nhiều nên người dân chưa nhận thức đúng mức về vai trò quan trọng của Phục hồi chức năng và Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng. Thiếu kinh phí cho các hoạt động Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng (PHCNDVCĐ) nên chưa đáp ứng được nhu cầu của cộng đồng và của người khuyết tật.

- Một số dịch vụ kỹ thuật PHCN chưa có giá nên chuyên ngành PHCN khó phát triển, khó mở rộng: Hoạt động trị liệu, Vận động trị liệu, Vật lý trị liệu, Ngôn ngữ trị liệu, Dụng cụ chỉnh hình,…

- Nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị đã được đầu tư nhưng chưa đáp ứng nhu cầu về điều trị Phục hồi chức năng của người bệnh, chưa có các trang thiết bị hiện đại phục vụ nhu cầu điều trị của đông đảo Nhân dân.

PHẦN II

KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG PHỤC HỒI CHỨC NĂNG GIAI ĐOẠN 2023 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

I. Mục đích, yêu cầu

1. Mục đích

- Triển khai cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 24/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình phát triển hệ thống Phục hồi chức năng giai đoạn 2023- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm củng cố kiện toàn hệ thống Phục hồi chức năng tại các cơ sở y tế thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng người khuyết tật.

- Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng người khuyết tật; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của kế hoạch, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của đối tượng, thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội trên địa bàn Thành phố.

2. Yêu cầu

- Bảo đảm thực hiện tốt Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 01/11/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật và Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11 tháng 5 năm 2022 trong công tác nâng cao chất lượng bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người khuyết tật và Nhân dân.

- Đề ra các giải pháp thực hiện sát với tình hình thực tế và điều kiện nguồn lực của địa phương. Bố trí ngân sách và có cơ chế, chính sách tăng cường công tác huy động nguồn lực để triển khai, thực hiện các hoạt động của Kế hoạch.

- Các Sở, ban, ngành thuộc UBND Thành phố, các ban, ngành ở địa phương, tổ chức, đơn vị phối hợp chặt chẽ, đồng bộ và thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch; tổ chức sơ kết, tổng kết thực hiện theo quy định.

II. Mục tiêu, chỉ tiêu

1. Mục tiêu chung

Bảo đảm người khuyết tật và người có nhu cầu được tiếp cận dịch vụ Phục hồi chức năng có chất lượng, toàn diện, liên tục và công bằng, giảm tỷ lệ khuyết tật trong cộng đồng, góp phần vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe Nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030

a) Tăng cường phòng ngừa khuyết tật trước sinh và sơ sinh, phát hiện và can thiệp sớm khuyết tật, giảm tỷ lệ khuyết tật trong cộng đồng.

- Đảm bảo trên 90% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật.

- 90% xã, phường, thị trấn triển khai mô hình Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.

b) Duy trì, củng cố, kiện toàn và phát triển hệ thống mạng lưới cơ sở Phục hồi chức năng.

- Đảm bảo trên 90% cơ sở Phục hồi chức năng (gồm: Bệnh viện Phục hồi chức năng; Trung tâm Phục hồi chức năng, khoa Phục hồi chức năng thuộc các cơ sở y tế) được duy trì, củng cố, kiện toàn và đầu tư phát triển.

c) Nâng cao chất lượng dịch vụ kỹ thuật Phục hồi chức năng.

- Phấn đấu Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội đạt mức chất lượng từ khá trở lên theo tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện của Bộ Y tế.

- 100% các Bệnh viện và các đơn vị cung cấp dịch vụ Phục hồi chức năng trực thuộc Sở Y tế đạt chỉ tiêu phát triển chuyên môn kỹ thuật, dụng cụ chỉnh hình, Phục hồi chức năng theo quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

d) Phát triển nguồn nhân lực Phục hồi chức năng

- Phấn đấu đạt tỷ lệ nhân viên y tế làm việc trong lĩnh vực Phục hồi chức năng tối thiểu 0,5 người/10.000 dân.

3. Tầm nhìn đến năm 2050

a) Phục hồi chức năng được phát triển tại tất cả các tuyến trong và ngoài ngành Y tế với sự đa dạng về phương pháp can thiệp đảm bảo cung cấp dịch vụ Phục hồi chức năng toàn diện, liên tục, chất lượng.

b) Đẩy mạnh hoạt động Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng trở thành biện pháp chiến lược để giải quyết vấn đề khuyết tật trên địa bàn thành phố; Tiếp tục duy trì hoạt động Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng ở tất cả các xã, phường, thị trấn; các quận, huyện, thị xã và được tích hợp trong nhiều dịch vụ xã hội khác ngoài cơ sở y tế.

c) Mọi người dân đều được tiếp cận với các dịch vụ sàng lọc, phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật và các kỹ thuật Phục hồi chức năng thiết yếu, phù hợp theo nhu cầu.

III. Đối tượng, phạm vi

- Đối tượng của Chương trình: Bệnh viện Phục hồi chức năng, khoa Phục hồi chức năng, các Bệnh viện đa khoa và chuyên khoa, Trạm Y tế xã, phường, thị trấn; người khuyết tật và các đối tượng có nhu cầu Phục hồi chức năng.

- Phạm vi thực hiện: toàn thành phố Hà Nội.

IV. Các giải pháp và nhiệm vụ chủ yếu

1. Tăng cường công tác quản lý, lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện các chính sách pháp luật về Phục hồi chức năng

- Thực hiện các quy định của pháp luật về Phục hồi chức năng người khuyết tật, phối hợp các sở, ngành xây dựng Kế hoạch và bố trí kinh phí để đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn đảm bảo cho người khuyết tật, người dân Thủ đô có nhu cầu được chăm sóc, Phục hồi chức năng.

- Tăng cường phối hợp giữa các Sở, ngành trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở Phục hồi chức năng.

- Tổ chức triển khai các quy định, chính sách pháp luật về Phục hồi chức năng thuộc ngành y tế và các Sở, ngành liên quan.

2. Tăng cường cung cấp các dịch vụ dự phòng, phát hiện sớm khuyết tật, quản lý, điều trị, chăm sóc người khuyết tật và người bệnh.

- Phòng ngừa và giảm ảnh hưởng của khuyết tật: các cơ sở PHCN tổ chức tuyên truyền về phòng ngừa khuyết tật, PHCN, PHCNDVCĐ, góp phần nâng cao nhận thức về các nội dung này cho lãnh đạo các cấp và cộng đồng.

- Khám phát hiện để can thiệp Phục hồi chức năng sớm: Thực hiện sàng lọc phát hiện sớm khuyết tật bẩm sinh, rối loạn phát triển và can thiệp sớm các dạng khuyết tật cho trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi.

- Triển khai thực hiện Đề án Mở rộng Tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030 theo Quyết định số 3370/QĐ-UBND ngày 16/9/2022 của UBND thành phố Hà Nội.

- Đánh giá nhu cầu sử dụng các biện pháp can thiệp Phục hồi chức năng trong quá trình khám, điều trị cho người bệnh. Các biện pháp can thiệp phải được thực hiện liên tục, toàn diện theo các giai đoạn tiến triển của bệnh tật. Sử dụng kỹ thuật vận động trị liệu, vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu, tâm lý trị liệu, chỉnh hình, thiết bị y tế, dụng cụ Phục hồi chức năng và các biện pháp can thiệp khác.

- Phối hợp giữa chuyên khoa Phục hồi chức năng với các chuyên khoa khác; giữa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh với cá nhân, gia đình, cộng đồng và cơ quan, tổ chức khác; thực hiện Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.

- Tư vấn cho người bệnh và gia đình người bệnh về Phục hồi chức năng, tâm lý, giáo dục, hướng nghiệp và hòa nhập cộng đồng. Điều chỉnh, cải thiện điều kiện tiếp cận môi trường sống phù hợp với tình trạng sức khỏe.

3. Duy trì, củng cố, nâng cấp, phát triển hệ thống Phục hồi chức năng và phát triển chuyên môn kỹ thuật Phục hồi chức năng

- Duy trì, củng cố, kiện toàn và phát triển Bệnh viện Phục hồi chức năng hiện có, quan tâm đầu tư Bệnh viện Phục hồi chức năng đầu ngành và phát triển các Trung tâm, khoa Phục hồi chức năng của các cơ sở y tế trong Thành phố. Khuyến khích phát triển mạng lưới cơ sở Phục hồi chức năng ngoài công lập.

- Củng cố và phát triển Trạm Y tế xã, phường, thị trấn đảm bảo cung cấp dịch vụ PHCN theo phân tuyến chuyên môn kỹ thuật và PHCNDVCĐ.

- Duy trì, củng cố, nâng cấp và phát triển các Bệnh viện, Trung tâm Chỉnh hình - Phục hồi chức năng, các đơn vị cung cấp dịch vụ Phục hồi chức năng thuộc các Sở, ngành trên cơ sở quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trên địa bàn Thành phố.

- Phát triển chuyên môn kỹ thuật, tăng cường ứng dụng phương pháp mới, kỹ thuật mới, chuyên sâu và phối hợp điều trị, chuyển tuyến trong lĩnh vực Phục hồi chức năng; thực hiện các chương trình, đề án, dự án về PHCN, trong đó chú trọng phòng ngừa, phát hiện sớm, can thiệp sớm trẻ em khuyết tật.

4. Đảm bảo nguồn nhân lực

- Nâng cao năng lực, chất lượng đào tạo và dạy nghề của các cơ sở đào tạo và dạy nghề chuyên khoa Phục hồi chức năng, khuyến khích các cơ sở tư nhân tham gia đào tạo nhân lực Phục hồi chức năng.

- Tăng cường đào tạo liên tục, cập nhật kiến thức, kỹ năng về Phục hồi chức năng cho đội ngũ nhân viên y tế Phục hồi chức năng phù hợp với chức danh nghề nghiệp và vị trí việc làm.

5. Nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế

- Xây dựng chương trình, kế hoạch hợp tác với Tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ hoạt động về lĩnh vực Phục hồi chức năng.

6. Tăng cường truyền thông và vận động xã hội

- Tuyên truyền, phổ biến, vận động các cấp, các ngành, đoàn thể và người dân trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật, các hướng dẫn chuyên môn về Phục hồi chức năng, các khuyến cáo về phòng ngừa, phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật.

- Xây dựng và cung cấp các chương trình, tài liệu truyền thông về Phục hồi chức năng; đa dạng hóa phương thức, cách thức trên các kênh truyền thông.

- Khuyến khích, huy động các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước triển khai thực hiện các chương trình hỗ trợ người khuyết tật.

7. Kiểm tra, giám sát, thông tin báo cáo, đánh giá

- Tổ chức giám sát, đánh giá, báo cáo các hoạt động, tiến độ thực hiện kế hoạch và các chính sách liên quan của các sở, ngành, địa phương.

V. Kinh phí thực hiện

- Kinh phí thực hiện Kế hoạch từ nguồn Ngân sách Nhà nước theo phân cấp ngân sách hiện hành, nguồn do quỹ Bảo hiểm y tế chi trả, nguồn huy động xã hội hóa và các nguồn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

VI. Tổ chức thực hiện

1. Sở Y tế

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch.

- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, Trung tâm Y tế phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện công tác chỉ đạo tuyến về PHCN.

- Tăng cường đào tạo và bổ sung cán bộ, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ để thành lập khoa Phục hồi chức năng theo yêu cầu chuyên môn; chuyển giao kỹ thuật chuyên môn cho tuyến dưới.

- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền và các tầng lớp Nhân dân về vai trò PHCN trong phòng và chữa bệnh.

- Tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực PHCN.

- Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết triển khai Kế hoạch, báo cáo UBND Thành phố và Bộ Y tế.

2. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội

- Triển khai các hoạt động truyền thông giáo dục về vai trò, tầm quan trọng của Phục hồi chức năng và triển khai các hoạt động nâng cao sức khỏe, dự phòng, phát hiện sớm và quản lý điều trị, Phục hồi chức năng cho người lao động thuộc phạm vi quản lý.

- Khuyến khích các cơ quan, doanh nghiệp quốc doanh và doanh nghiệp tư nhân tiếp nhận người khuyết tật vào làm việc; tạo điều kiện trong việc thực hiện chế độ ưu đãi đối với các cơ sở sản xuất dành riêng cho người khuyết tật.

3. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Phối hợp với Sở Y tế triển khai các hoạt động truyền thông giáo dục về vai trò, tầm quan trọng của Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng; triển khai các hoạt động nâng cao sức khỏe, dự phòng, phát hiện sớm và quản lý Phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật tại các trường học.

- Phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đưa trẻ khuyết tật (các giác quan bình thường) ở độ tuổi đi học vào học các trường, lớp bình thường như mọi trẻ khác; mở các lớp học dành riêng cho người khiếm thị; tham gia các hoạt động PHCNDVCĐ.

4. Sở Tài chính

- Phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu, báo cáo UBND Thành phố trình HĐND Thành phố bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch từ nguồn chi thường xuyên ngân sách cấp Thành phố theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách Thành phố.

5. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Phối hợp Sở Y tế trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn theo quy định của Luật Đầu tư công và các quy định liên quan để thực hiện Kế hoạch.

6. Bảo hiểm xã hội Thành phố

- Phối hợp với Sở Y tế, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội và các địa phương đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động người khuyết tật tham gia Bảo hiểm y tế.

- Phối hợp Sở Y tế trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các hướng dẫn chi trả Bảo hiểm y tế đối với các dịch vụ Phục hồi chức năng theo quy định hiện hành nhằm mở rộng diện bao phủ Bảo hiểm y tế và bảo hiểm quyền lợi hợp pháp cho người khuyết tật khi tham gia Bảo hiểm y tế.

7. Các Sở, ngành liên quan: Trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ có Kế hoạch lồng ghép các nội dung về PHCNDVCĐ vào các hoạt động của Sở, ngành để phối hợp triển khai thực hiện Kế hoạch.

8. Đề nghị Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hà Nội và các tổ chức thành viên: Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ tham gia tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này; chỉ đạo các đoàn, hội cơ sở đẩy mạnh truyền thông, lồng ghép công tác tuyên truyền, giáo dục tư vấn pháp luật, chính sách đến đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, vận động hội viên và Nhân dân tham gia thực hiện chương trình phát triển hệ thống PHCN và nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người khuyết tật; đồng thời phối hợp với các ngành vận động các tổ chức, cá nhân tham gia ủng hộ Quỹ giúp đỡ người khuyết tật.

9. UBND các quận, huyện, thị xã

- Xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch triển khai Chương trình nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người có công với cách mạng, người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật và các đối tượng cần trợ giúp xã hội giai đoạn 2021-2030 và hàng năm phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương.

- Chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình PHCNDVCĐ; tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức hoặc tham gia thực hiện hoạt động PHCNDVCĐ.

- Tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá, sơ kết, tổng kết việc thực hiện, báo cáo UBND Thành phố (qua Sở Y tế)

Trên đây là Kế hoạch Phát triển hệ thống Phục hồi chức năng giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn thành phố Hà Nội. Uỷ ban nhân dân Thành phố đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, các tổ chức đoàn thể, yêu cầu các sở, ban, ngành Thành phố, Uỷ ban nhân dân các quận, huyện, thị xã nghiêm túc triển khai thực hiện. Định kỳ báo cáo kết quả thực hiện hàng năm về UBND Thành phố (thường trực Sở Y tế) để tổng hợp báo cáo Bộ Y tế theo quy định./.


Nơi nhận:
- Bộ Y tế;
- Đồng chí Bí thư Thành ủy;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND Thành phố;
- Chủ tịch UBND Thành phố;
- Các Phó Chủ tịch UBND Thành phố;
- Ủy ban MTTQVN Thành phố;
- Các Sở, ban, ngành Thành phố;
- UBND quận, huyện, thị xã;
- CVP, PCVP P.T.T Huyền;
- Phòng: KGVX, TH;
- Lưu: VT, KGVX.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Vũ Thu Hà

PHỤ LỤC

ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC CHỈ TIÊU, MỤC TIÊU CỦA KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN PHỤC HỒI CHỨC NĂNG GIAI ĐOẠN 2014-2020
(Kèm theo Kế hoạch số 328/KH-UBND ngày 31/12/2023 của UBND Thành phố Hà Nội)

TT

Mục tiêu/ Chỉ tiêu

Chỉ tiêu đặt ra đến năm 2020

Kết quả thực hiện

Đánh giá
Đạt/không đạt

Lý do

1

Mục tiêu 1

Củng cố và phát triển mạng lưới PHCN

Chỉ tiêu 1

Tuyến Thành phố: Sở Y tế có cán bộ theo dõi công tác PHCN; 100% Bệnh viện đa khoa Thành phố thành lập khoa PHCN và trên 50% các Bệnh viện chuyên khoa thành lập khoa PHCN

100% các Bệnh viện ĐK của Thành phố thành lập khoa PHCN.

Có 01 Bệnh viện PHCN Thành phố

Đạt

Các Bệnh viện chuyên khoa không có khoa PHCN

Không đạt

Không đủ nhân lực PHCN nên các Bệnh viện lồng ghép với các khoa khác

Chỉ tiêu 2

Tuyến huyện: 100% Bệnh viện huyện có tổ chức PHCN (khoa, phòng, tổ PHCN), trong đó có bác sỹ (hoặc y sỹ), kỹ thuật viên được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về chuyên ngành PHCN

Có 4/13 Bệnh viện tuyến huyện có khoa Vật lý trị liệu –PHCN;

9/13 Bệnh viện hoạt động lồng ghép với khoa Y học cổ truyền.

Đạt

Chỉ tiêu 3

Tuyến xã: 100% Trạm Y tế xã có phân công cán bộ y tế phụ trách công tác PHCN, cán bộ này được bồi dưỡng kiến thức cơ bản về PHCN

100% số Trạm Y tế xã có phân công cán bộ y tế phụ trách công tác PHCN, có kiến thức cơ bản về PHCN

Đạt

2

Mục tiêu 2

Đẩy mạnh công tác PHCNDVCĐ

Chỉ tiêu 1

50% số xã/phường/thị trấn triển khai và duy trì chương trình PHCNDVCĐ

Trên 50% số xã/phường/thị trấn triển khai và duy trì chương trình PHCNDVCĐ

Đạt

Chỉ tiêu 2

Người khuyết tật có nhu cầu được tiếp cận với các dịch vụ PHCN phù hợp để hòa nhập cộng đồng với chỉ tiêu:

- Tại các xã vùng 3: từ 70% trở lên

- Tại các xã vùng 2: từ 80% trở lên

- Tại các xã vùng 1: Từ 90% trở lên

Người khuyết tật có nhu cầu được tiếp cận với các dịch vụ PHCN phù hợp để hòa nhập cộng đồng

Đạt

Chỉ tiêu 3

- 100% các cơ sở PHCN có hoạt động tuyên truyền về phòng ngừa khuyết tật, PHCN và PHCNDVCĐ, góp phần nâng cao nhận thức về các nội dung này cho lãnh đạo các cấp và cộng đồng

100% các cơ sở PHCN có hoạt động tuyên truyền

Đạt

Chỉ tiêu 4

- 70% số trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm khuyết tật bẩm sinh, rối loạn phát triển và được can thiệp sớm các dạng khuyết tật

70%

Đạt

3

Mục tiêu 3

- Nâng cao năng lực cho cán bộ chuyên ngành PHCN, phấn đấu đến năm 2020 đạt các chỉ tiêu sau

Chỉ tiêu 1

Bệnh viện PHCN có đầy đủ chức danh chuyên môn theo quy định tại Điều 4, Thông tư số 46/2013/TT- BYT

Bệnh viện PHCN có Phó giáo sư, Tiến sĩ, Bác sỹ chuyên khoa II, Bác sỹ chuyên khoa I, Thạc sĩ, Bác sĩ PHCN cơ bản

Đạt

Chỉ tiêu 2

100% các khoa PHCN có nội dung đào tạo liên quan đến các chức danh chuyên môn theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 46/2013/TT-BYT , gồm: bác sỹ chuyên khoa PHCN, y sỹ chuyên khoa PHCN, cử nhân kỹ thuật y học, cử nhân ngôn ngữ (âm ngữ) trị liệu, kỹ thuật viên vật lý trị liệu, kỹ thuật viên hoạt động trị liệu, kỹ thuật viên ngôn ngữ (âm ngữ) trị liệu, kỹ thuật viên dụng cụ chỉnh hình

100% các khoa PHCN có nội dung đào tạo liên quan đến các chức danh chuyên môn theo quy định tại Điều 4, Thông tư số 46/2013/TT- BYT, gồm: bác sỹ chuyên khoa PHCN, y sỹ chuyên khoa PHCN, cử nhân kỹ thuật y học, cử nhân ngôn ngữ (âm ngữ) trị liệu, kỹ thuật viên vật lý trị liệu, kỹ thuật viên hoạt động trị liệu, kỹ thuật viên ngôn ngữ (âm ngữ) trị liệu nhưng không có kỹ thuật viên dụng cụ chỉnh hình

Đạt

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Kế hoạch 328/KH-UBND ngày 31/12/2023 phát triển hệ thống Phục hồi chức năng giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn Thành phố Hà Nội

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


269

DMCA.com Protection Status
IP: 18.116.40.53
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!