ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 01/KH-UBND
|
Bình Định, ngày
01 tháng 01 năm 2022
|
KẾ HOẠCH
TIÊM VẮC XIN PHÒNG COVID-19 LIỀU CƠ BẢN VÀ NHẮC LẠI NĂM 2021
- 2022 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH.
I. SỰ CẦN
THIẾT VÀ CĂN CỨ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH
1. Sự cần thiết xây dựng kế
hoạch:
Tính đến ngày 31/12/2021, Việt Nam
ghi nhận hơn 1,7 triệu trường hợp mắc COVID-19, trong đó hơn 32 ngàn trường hợp
tử vong.
Tại Bình Định, các biện pháp
phòng, chống dịch đã được các cấp, các ngành triển khai đồng bộ dưới sự chỉ đạo
của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, UBND tỉnh nên tình hình dịch bệnh
về cơ bản vẫn đang được kiểm soát. Tuy nhiên, từ 15/10/2021 đến nay, số ca mắc
COVID-19 có xu hướng gia tăng. Tính đến 6h00 ngày 31/12/2021, toàn tỉnh ghi nhận
15.868 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 61 trường hợp tử vong.
Tiêm chủng vắc xin phòng
COVID-19 đã được triển khai tích cực tại các địa phương trong tỉnh từ tháng
6/2021. Đến ngày 24/12/2021, Bình Định đã tiếp nhận tổng số 2.192.706 liều vắc
xin; đã tổ chức tiêm được 1.934.267 liều vắc xin cho người từ 18 tuổi trở lên,
trong đó có 1.034.669/1.068.290 người được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin đạt tỷ lệ
bao phủ là 96,9%; 845.442 người đã được tiêm chủng đủ mũi vắc xin đạt tỷ lệ là
79,2%. Đã tổ chức tiêm chủng được 71.863 liều vắc xin cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi
trên địa bàn tỉnh đạt tỷ lệ 48,93% trẻ được tiêm 1 mũi vắc xin.
Trong bối cảnh mầm bệnh đã xâm
nhập vào trong cộng đồng, tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp và sự
xuất hiện của các biến chủng vi rút SARS-CoV-2 mới, nguy hiểm thì vắc xin phòng
COVID-19 là giải pháp hàng đầu để phòng, chống dịch bệnh. Nhằm ngăn chặn sự lây
lan của dịch bệnh, tăng cường hệ miễn dịch phòng bệnh COVID-19 cho những người
đã được tiêm chủng đủ liều cơ bản, giảm các biến chứng nặng và tử vong khi nhiễm
vi rút SARS-CoV-2 thì việc triển khai tiêm chủng liều bổ sung, liều nhắc lại vắc
xin phòng COVID-19 là vô cùng cần thiết.
2. Căn cứ xây dựng kế hoạch:
- Luật Phòng, chống bệnh truyền
nhiễm số 03/2007/QH12;
- Nghị định số 104/2016/NĐ-CP
ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng;
- Thông tư số 38/2017/TT-BYT
ngày 17/10/2017 của Bộ Y tế ban hành danh mục bệnh truyền nhiễm, phạm vi và đối
tượng phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc;
- Thông tư số 34/2018/TT-BYT
ngày 12/11/2018 của Bộ Y tế quy định chi tiết một số điều của Nghị định
104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng;
- Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày
26/02/2021 của Chính phủ về mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19;
- Các Quyết định của Bộ trưởng
Bộ Y tế: số 983/QĐ-BYT ngày 01/02/2021 phê duyệt có điều kiện vắc xin cho nhu cầu
cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19; số 1210/QĐ-BYT ngày 09/02/2021
phê duyệt Kế hoạch tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng vắc xin phòng
COVID-19 giai đoạn 2021 - 2022 do COVAX Facility hỗ trợ; số 1464/QĐ-BYT ngày
05/3/2021 ban hành hướng dẫn tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng vắc xin
phòng COVID-19; số 2908/QĐ- BYT ngày 12/6/2021 phê duyệt có điều kiện vắc xin
cho nhu cầu cấp bách trong phòng chống dịch bệnh COVID-19; số 3121/QĐ-BYT ngày
28/6/2021 phê duyệt có điều kiện vắc xin cho nhu cầu cấp bách trong phòng chống
dịch bệnh COVID-19; số 3355/QĐ-BYT ngày 08/7/2021 ban hành Kế hoạch triển khai
chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 năm 2021 - 2022; số 5772/QĐ-BYT ngày
20/12/2021 ban hành Biểu mẫu và quy trình cấp “Hộ chiếu vắc xin”; số
5785/QĐ-BYT ngày 21/12/2021 ban hành Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước
tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 dành cho người từ 18 tuổi trở lên;
- Các Công văn của Bộ Y tế: số
4198/BYT-KCB ngày 22/5/2021 về việc triển khai công tác an toàn tiêm chủng vắc
xin phòng COVID-19; số 3588/BYT- DP ngày 26/7/2021 về việc ban hành hướng dẫn tổ
chức buổi tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19; số 5488/BYT-KCB ngày 09/7/2021 về
việc hướng dẫn bảo đảm an toàn tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19; số
10722/BYT-DP ngày 17/12/2021 về việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 liều cơ bản và
nhắc lại.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung:
Tăng cường miễn dịch phòng bệnh
COVID-19 cho những người đã được tiêm chủng đủ liều cơ bản.
2. Mục tiêu cụ thể:
- 100% người từ 18 tuổi trở lên
đã tiêm đủ liều cơ bản (tiêm 1 hoặc 2 hoặc 3 mũi tùy theo loại vắc xin) bao gồm:
Người có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như người cấy ghép tạng, ung
thư, HIV, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc đã điều trị trong vòng 6
tháng…; người đã tiêm đủ liều cơ bản bằng vắc xin của hãng Sinopharm hoặc vắc
xin Sputnik V được tiêm liều bổ sung vắc xin phòng COVID-19 trong năm 2022.
- 100% người từ 18 tuổi trở lên
đã tiêm đủ liều cơ bản hoặc liều bổ sung được tiêm liều nhắc vắc xin phòng
COVID-19 trong năm 2022, theo thứ tự ưu tiên do Bộ Y tế quy định.
- Đảm bảo an toàn tiêm chủng
khi sử dụng vắc xin phòng COVID-19 theo quy định.
III. THỜI
GIAN, ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI TRIỂN KHAI
1. Nguyên tắc:
- Chiến dịch triển khai tại tất
cả các xã, phường, thị trấn (gọi chung là xã) trên toàn tỉnh.
- Sử dụng đồng thời tất cả các
loại vắc xin đủ điều kiện từ các nguồn cung ứng khác nhau để tăng độ bao phủ của
vắc xin cho người dân.
- Đảm bảo tiêm hết số lượng vắc
xin trước khi hết hạn sử dụng, tránh lãng phí.
- Huy động hệ thống chính trị -
xã hội tham gia chiến dịch tiêm chủng; huy động tối đa các lực lượng hỗ trợ triển
khai tiêm chủng, kể cả lực lượng y tế ngoài công lập, lực lượng công an, quân đội,
các tổ chức chính trị - xã hội, các ban, ngành, hội, đoàn thể như Đoàn thanh
niên, Hội phụ nữ....
- Đảm bảo tỷ lệ bao phủ và tỷ lệ
sử dụng vắc xin đạt 100% đối với người trong độ tuổi tiêm chủng đã được tiêm vắc
xin phòng COVID-19.
- Đảm bảo tối đa an toàn tiêm
chủng.
2. Thời gian thực hiện: Từ
tháng 12/2021 đến tháng 12/2022.
3. Đối tượng:
3.1. Tiêu chí các đối tượng
theo ưu tiên:
Căn cứ Công văn số 10722/BYT-DP
ngày 17/12/2021 của Bộ Y tế về việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 liều cơ bản và
nhắc lại thì đối tượng được tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 liều bổ sung và
nhắc lại bao gồm toàn bộ người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm chủng đủ liều cơ bản
vắc xin phòng COVID-19, cụ thể như sau:
3.1.1. Nhóm 1: Tiêm liều
bổ sung vắc xin phòng COVID-19
- Là người từ 18 tuổi trở lên,
đã tiêm chủng đủ liều cơ bản (1 hoặc 2 hoặc 3 liều tùy theo loại vắc xin), gồm:
+ Người có tình trạng suy giảm
miễn dịch vừa và nặng như người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang điều trị thuốc
ức chế miễn dịch hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng…;
+ Người đã tiêm đủ liều cơ bản
bằng vắc xin của hãng Sinopharm hoặc vắc xin Sputnik V.
- Loại vắc xin: Cùng loại với
liều cơ bản hoặc vắc xin mRNA.
- Khoảng cách: Tiêm 01 mũi bổ
sung sau 01 mũi cuối cùng của liều cơ bản từ 28 ngày đến 3 tháng.
Lưu ý: Đối với những người
có chỉ định tiêm liều bổ sung, sau khi đã tiêm liều bổ sung thì được coi là
hoàn thành liều cơ bản.
3.1.2. Nhóm 2: Tiêm liều
nhắc lại vắc xin phòng COVID-19
- Là người từ 18
tuổi trở lên, đã tiêm chủng đủ liều cơ bản (1 hoặc 2 hoặc 3 liều tùy theo loại
vắc xin), ưu tiên tiêm chủng cho các đối tượng theo thứ tự:
+ Người có bệnh nền;
+ Người cần được chăm sóc dài hạn
tại các cơ sở y tế;
+ Người từ 50 tuổi trở lên;
+ Người trực tiếp xét nghiệm,
chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19;
+ Nhân viên y tế.
+ Lực lượng tuyến đầu chống dịch.
- Loại vắc xin: Nếu các mũi
tiêm cơ bản hoặc bổ sung cùng loại vắc xin thì tiêm mũi nhắc lại cùng loại vắc
xin đó hoặc vắc xin mRNA; nếu trước đó đã tiêm các loại vắc xin khác nhau thì
nhắc lại bằng vắc xin mRNA. Nếu tiêm liều cơ bản hoặc bổ sung là vắc xin của
hãng Sinopharm thì có thể tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vắc xin mRNA hoặc
vắc xin véc tơ vi rút (vắc xin AstraZeneca).
- Khoảng cách: Tiêm 01 mũi nhắc
lại ít nhất 3 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản.
3.2. Dự kiến đối tượng tiêm
chủng:
Theo kết quả rà soát, báo cáo đối
tượng của các cơ quan, đơn vị, địa phương, tổng số đối tượng cần tiêm chủng dự
kiến là 1.422.311 người; trong đó:
- Nhóm 1: 449.644 người (người
đã tiêm đủ 02 liều vắc xin Vero Cell).
- Nhóm 2: 972.667 người.
4. Phạm vi triển khai: Trên
địa bàn toàn tỉnh.
5. Hình thức tổ chức: Tổ
chức tiêm chiến dịch tại các cơ sở tiêm chủng đủ điều kiện ở tất cả các tuyến
(tại các điểm tiêm chủng cố định và lưu động). Việc tổ chức tiêm chủng thực hiện
theo đúng quy định tại Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ
quy định về hoạt động tiêm chủng và các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế về tiêm
chủng; yêu cầu đảm bảo quy định về phòng chống COVID-19 tại điểm tiêm.
6. Dự kiến các điểm tiêm chủng:
Dự kiến tổ chức 175 cơ sở tiêm
chủng phục vụ chiến dịch tiêm chủng vắc xin COVID-19 gồm:
a) Tuyến tỉnh: Thành lập 05 điểm
tiêm chủng tại: Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện đa khoa khu vực Bồng Sơn, Bệnh
viện Bình Định, Bệnh viện đa khoa Hòa Bình, Bệnh viện Phong - Da liễu Trung
ương Quy Hòa.
b) Tuyến huyện: Sử dụng cơ sở
tiêm chủng tại 11 Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố.
c) Tuyến xã: Sử dụng cơ sở tiêm
chủng thuộc Tiêm chủng mở rộng tại 159 Trạm y tế xã, phường, thị trấn.
IV. NỘI DUNG
HOẠT ĐỘNG
1. Tập huấn
cho cán bộ y tế về việc triển khai vắc xin phòng COVID-19:
Sở Y tế chủ trì, tổ chức tập huấn
hướng dẫn triển khai kế hoạch sử dụng vắc xin phòng COVID-19 cho tuyến dưới trước
khi triển khai tiêm chủng ít nhất 07 ngày.
2. Cung ứng
vắc xin:
- Vắc xin đủ điều kiện được
cung ứng từ các nguồn khác nhau: Nguồn viện trợ của COVAX Facility, các quốc
gia; hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân và mua từ các nhà sản xuất khác nhau.
- Sở Y tế phân bổ vắc xin cho
các địa phương theo từng đợt cung ứng vắc xin của Bộ Y tế.
2.1. Thiết lập hệ thống dây
chuyền lạnh:
- Rà soát và bổ sung hệ thống
dây chuyền lạnh tại các đơn vị, tăng cường năng lực hệ thống dây chuyền lạnh
trong hệ thống tiêm chủng mở rộng phục vụ tiêm chủng vắc xin COVID-19.
- Xây dựng tài liệu tập huấn và
triển khai các hoạt động tập huấn về tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản vắc xin
cho các tuyến.
- Đảm bảo toàn bộ hệ thống dây
chuyền lạnh bảo quản đạt tiêu chuẩn GSP.
2.2. Tiếp nhận vắc xin, vật
tư tiêm chủng: Căn cứ vào kế hoạch phân bổ vắc xin của Bộ Y tế, thời gian
và phương thức phân bổ, Sở Y tế chủ trì, chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện
tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản và sử dụng theo đúng quy định.
2.3. Vận chuyển, bảo quản vắc
xin: Căn cứ loại vắc xin được phân bổ, Sở Y tế chủ trì, chỉ đạo các đơn vị
trực thuộc thực hiện tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản và sử dụng đúng quy định.
2.3.1. Vắc xin bảo quản ở
nhiệt độ từ 2°C đến 8°C
- Sử dụng dây chuyền lạnh tại
các đơn vị của Bộ Quốc phòng để bảo quản, vận chuyển vắc xin từ kho của Viện
Pasteur Nha Trang về tỉnh.
- Trong vòng 02 ngày sau khi có
Quyết định phân bổ vắc xin của Bộ Y tế, các đơn vị của Bộ Quốc phòng (Quân khu
5) tiếp nhận vắc xin từ kho khu vực vận chuyển về kho vắc xin Trung tâm Kiểm
soát bệnh tật tỉnh.
- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật
tỉnh tiếp nhận, bảo quản và cấp phát cho các đơn vị trong vòng 02 ngày sau khi
tiếp nhận theo phân bổ của Sở Y tế.
- Trung tâm Y tế các huyện, thị
xã, thành phố và các cơ sở tiêm chủng tiếp nhận vắc xin ngay khi có thông báo cấp
phát. Các đơn vị có đủ dây chuyền lạnh bảo quản vắc xin tại đơn vị trong những
ngày tổ chức tiêm chủng. Các đơn vị chưa có đủ hệ thống dây chuyền lạnh, Trung
tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh/Trung tâm Y tế cấp huyện cấp bổ sung hoặc huy động
tạm thời hòm lạnh, phích vắc xin từ các Trạm y tế xã, phường để triển khai chiến
dịch. Vắc xin còn tồn cuối đợt tiêm tại các đơn vị được trả lại cho Trung tâm
Kiểm soát bệnh tật tỉnh/Trung tâm Y tế cấp huyện và thông báo cho các đơn vị Bộ
Quốc phòng để điều phối.
2.3.2. Vắc xin bảo quản ở
nhiệt độ âm/âm sâu và có thể bảo quản ở nhiệt độ từ 2°C đến 8°C:
- Sử dụng dây chuyền lạnh tại
các đơn vị của Bộ Quốc phòng để bảo quản, vận chuyển vắc xin.
- Đơn vị cung ứng vận chuyển vắc
xin ở nhiệt độ âm/âm sâu và bàn giao cho các đơn vị của Bộ Quốc phòng để bảo quản
ở nhiệt độ từ 2ºC đến 8ºC.
- Trong vòng 02 ngày sau khi có
Quyết định phân bổ vắc xin của Bộ Y tế, các đơn vị của Bộ Quốc phòng (Quân khu
5) tiếp nhận vắc xin từ kho khu vực vận chuyển về kho vắc xin Trung tâm Kiểm
soát bệnh tật tỉnh.
- Trung tâm Y tế các huyện, thị
xã, thành phố và các cơ sở tiêm chủng tiếp nhận vắc xin ngay khi có thông báo cấp
phát và bảo quản tại kho vắc xin tuyến huyện trong tủ lạnh chuyên dụng. Cấp
phát cho các điểm tiêm chủng trên địa bàn trước buổi tiêm chủng theo kế hoạch của
địa phương.
- Vắc xin còn tồn cuối đợt tiêm
tại các đơn vị phải tạm thời bảo quản tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh/
Trung tâm Y tế cấp huyện và thông báo cho các đơn vị của Bộ Quốc phòng để điều phối.
Tổng thời gian bảo quản vắc xin ở nhiệt độ từ 2ºC đến 8ºC theo hướng dẫn của
nhà sản xuất (tối đa 31 ngày sau khi chuyển sang bảo quản ở nhiệt độ 2ºC đến
8ºC).
Lưu ý: Vắc xin đã bảo quản
ở nhiệt độ 2ºC đến 8ºC thì không đưa về bảo quản lại ở nhiệt độ âm.
2.3.3. Đối với vắc xin bảo
quản ở nhiệt độ từ -25°C đến -15°C
- Đơn vị cung ứng vận chuyển vắc
xin ở nhiệt độ âm và bàn giao cho các đơn vị của Bộ Quốc phòng ở nhiệt độ từ
-25ºC đến -15ºC.
- Trong vòng 02 ngày sau khi có
Quyết định phân bổ vắc xin của Bộ Y tế, các đơn vị của Bộ Quốc phòng (Quân khu
5) tiếp nhận vắc xin từ kho khu vực vận chuyển về kho vắc xin Trung tâm Kiểm
soát bệnh tật tỉnh.
- Trung tâm Y tế các huyện, thị
xã, thành phố và các cơ sở tiêm chủng tiếp nhận vắc xin ngay khi có thông báo cấp
phát và bảo quản tại kho vắc xin tuyến huyện trong tủ lạnh chuyên dụng. Cấp
phát cho các điểm tiêm chủng trên địa bàn trước buổi tiêm chủng theo kế hoạch của
địa phương.
Vắc xin Moderna được bảo quản
-25ºC đến -15ºC tại tuyến Quốc gia/khu vực; bảo quản ở 2ºC đến 8ºC ở tuyến tỉnh,
tuyến huyện và điểm tiêm chủng. Ghi ngày tháng theo dõi khi chuyển sang bảo quản
ở nhiệt độ 2ºC đến 8ºC, thời gian sử dụng khi chuyển sang bảo quản ở 2ºC đến
8ºC tối đa là 30 ngày.
Lưu ý: Sau khi rã đông và
vận chuyển ở nhiệt độ 2ºC đến 8ºC, tiếp tục bảo quản ở nhiệt độ từ 2ºC đến 8ºC
cho đến khi sử dụng. Không được để đông băng lại vắc xin đã được rã đông.
3. Tổ chức
tiêm chủng:
3.1. Tăng cường năng lực hệ
thống tiêm chủng:
- Tiếp tục rà soát, củng cố cơ sở
vật chất, trang thiết bị, vật tư, dây chuyền lạnh, nhân lực... cho các cơ sở
tiêm chủng cố định và lưu động.
- Lập danh sách các cơ sở tiêm
chủng đủ điều kiện kể cả công lập, ngoài công lập; có kế hoạch huy động toàn bộ
cơ sở tiêm chủng mở rộng, tiêm chủng dịch vụ trên địa bàn để tổ chức thực hiện
tiêm chủng trong trường hợp cần thiết.
- Xây dựng tài liệu, chương
trình, kế hoạch tập huấn cho cán bộ tham gia tiêm chủng ở các tuyến với các nội
dung: Tổ chức tiêm chủng, khám sàng lọc và tư vấn trước tiêm chủng, giám sát,
phát hiện và xử trí phản ứng sau tiêm chủng; sử dụng phần mềm nhập liệu và quản
lý đối tượng tiêm chủng; bảo quản, vận chuyển, sử dụng, theo dõi sự cố bất lợi
sau tiêm chủng cho từng loại vắc xin.
3.2. Tổ chức buổi tiêm chủng:
- Thực hiện theo Công văn số
3588/BYT-DP ngày 26/7/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn tổ chức buổi
tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19; Công văn số 4198/BYT-KCB ngày 22/5/2021 của
Bộ Y tế về việc triển khai công tác an toàn tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19;
Công văn số 5488/BYT-KCB ngày 09/7/2021 về việc hướng dẫn đảm bảo an toàn tiêm
chủng vắc xin phòng COVID-19; Quyết định số 3518/QĐ-BYT ngày 20/7/2021 của Bộ Y
tế về việc Ban hành Tiêu chí cơ sở an toàn tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.
- Khám sàng lọc trước tiêm chủng
thực hiện theo Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng
COVID-19 của Bộ Y tế (Theo mẫu Bộ Y tế hướng dẫn).
- Sử dụng hệ thống tiêm chủng mở
rộng sẵn có, các cơ sở tiêm chủng của các Bộ, ngành, các cơ sở tiêm chủng dịch
vụ của nhà nước, tư nhân và các cơ sở khác đủ điều kiện tiêm chủng.
- Trong trường hợp cần đẩy
nhanh tốc độ tiêm chủng thì bố trí các cụm điểm tiêm chủng lưu động tại các nhà
máy, khu công nghiệp để tiêm cho nhiều đối tượng cùng thời điểm.
3.2.1. Các hoạt động chuẩn
bị trước khi tiêm chủng:
- Điều tra, lập danh sách đối
tượng, lập kế hoạch tiêm chủng: Các địa phương lập danh sách đối tượng tiêm chủng
theo nhóm và thứ tự ưu tiên. Trên cơ sở số lượng vắc xin được phân bổ mỗi đợt để
có kế hoạch tiêm chủng, thông báo cho đối tượng đến điểm tiêm chủng theo khung
giờ, chia thành nhiều bàn, điểm tiêm chủng bảo đảm giãn cách phòng, chống dịch;
phải sử dụng tối đa công nghệ thông tin trong tiêm chủng, bố trí cán bộ hỗ trợ
sử dụng công nghệ thông tin trong tiêm chủng.
Các thông tin về đối tượng tiêm
chủng cần tổng hợp bao gồm: Họ và tên, ngày, tháng, năm sinh và địa chỉ nơi ở,
số chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân, điện thoại, nghề nghiệp, số thẻ
bảo hiểm y tế, bệnh nền và tiền sử dị ứng,…
- Chuẩn bị cơ sở vật chất:
Sử dụng các điểm tiêm chủng đã
được thành lập trong các đợt tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cơ bản tại các địa
phương. Có thể thay đổi hoặc mở rộng điểm tiêm chủng tùy vào thực tế mỗi địa
phương, nhưng phải đảm bảo đủ điều kiện theo quy định:
+ Bố trí khu vực chờ trước tiêm
chủng, sàng lọc, tư vấn, tiêm chủng, theo dõi và xử trí tai biến sau tiêm chủng
30 phút đảm bảo thông thoáng, đủ ghế ngồi và giữ khoảng cách giữa các đối tượng
được tiêm chủng, nhân viên y tế tham gia công tác tiêm chủng.
+ Bố trí điểm tiêm chủng theo
quy tắc một chiều, đảm bảo khoảng cách giữa các bàn/vị trí tiêm chủng để phòng
chống dịch theo thứ tự như sau: Bàn đón tiếp, hướng dẫn → Khu vực chờ trước
tiêm chủng → Bàn khám sàng lọc và tư vấn trước tiêm chủng → Bàn tiêm chủng →
Bàn ghi chép, vào sổ tiêm chủng → Khu vực theo dõi và xử trí tai biến sau tiêm
chủng.
+ Có nhà vệ sinh, thực hiện vệ
sinh, khử trùng cơ sở tiêm chủng và lau sạch nhà vệ sinh bằng dung dịch khử khuẩn
hàng ngày.
Lưu ý: Tại mỗi
cơ sở tiêm chủng, nếu tổ chức nhiều điểm tiêm thì nên tách biệt nhau để tránh tập
trung đông người, giảm nguy cơ lây nhiễm COVID-19 trong thời gian tổ chức tiêm
chủng tại điểm tiêm.
- Trang thiết bị
+ Chuẩn bị đầy đủ các trang thiết
bị, dụng cụ, vật tư tiêu hao cho tiêm chủng, biểu mẫu tiêm chủng.
+ Chuẩn bị trang thiết bị,
phương tiện xử trí cấp cứu tại chỗ và phương án cụ thể để xử trí cấp cứu trong
trường hợp cần thiết.
+ Có bồn rửa tay, xà phòng hoặc
dung dịch rửa tay ngay tại điểm tiêm chủng.
+ Các bề mặt thường xuyên tiếp
xúc phải được vệ sinh bằng các biện pháp thích hợp (ít nhất 1 lần/buổi khi có dịch
tại cộng đồng và ít nhất 1 lần/ngày khi không có dịch tại cộng đồng).
+ Chuẩn bị dung dịch sát khuẩn
tay nhanh, khẩu trang ngay tại vị trí cửa ra vào và các vị trí đối tượng tiêm
chủng, nhân viên y tế thường xuyên tiếp xúc (tay nắm cửa, thang máy…).
+ Sắp xếp bàn tiêm chủng với
nguyên tắc sắp xếp các dụng cụ thuận tiện cho cán bộ y tế khi thao tác. Trên
bàn tiêm chủng gồm có các thiết bị cần thiết cho việc bảo quản, tiêm vắc xin
như: phích vắc xin, bơm kim tiêm, khay đựng panh, panh, lọ đựng bông khô và lọ
đựng bông có cồn, hộp chống sốc, bút. Không để thuốc hoặc dụng cụ đựng bệnh phẩm
trên bàn tiêm. Hộp an toàn, túi hoặc hộp đựng vỏ lọ vắc xin, thùng rác đặt ở vị
trí thích hợp.
+ Các tài liệu chuyên môn theo
quy định; các áp phích, tờ rơi hướng dẫn các bước thực hiện tiêm chủng, lịch
tiêm chủng, theo dõi, chăm sóc, xử trí sự cố bất lợi sau tiêm chủng treo, dán
trên tường tại nơi thực hiện tiêm chủng để cán bộ y tế, các đối tượng tiêm chủng
và người dân có thể đọc, xem được.
- Nhân lực
+ Theo quy định tại Nghị định số
104/2016/NĐ-CP ngày 01/06/2016 của Chính phủ và Thông tư số 34/2018/TT-BYT ngày
12/11/2018 của Bộ Y tế.
+ Nhân viên tham gia tiêm chủng
phải được tập huấn về tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 và an toàn phòng, chống
dịch bệnh COVID-19; thực hiện theo dõi sức khỏe theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
+ Tại mỗi điểm tiêm chủng phải
có bảng phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng nhân viên; phác đồ xử trí phản vệ
theo quy định của Bộ Y tế (được treo tại khu vực tiêm và khu vực xử trí phản ứng
sau tiêm chủng).
- Thực hành đảm bảo vệ sinh
phòng chống dịch.
+ Nhân viên tham gia tiêm chủng
và người đến tiêm chủng, người nhà phải thực hiện các biện pháp bảo hộ cá nhân
như: đeo khẩu trang, rửa tay hoặc sát khuẩn tay thường xuyên.
+ Hạn chế nói chuyện, tiếp xúc
với người khác tại điểm tiêm chủng.
3.2.2. Tổ chức buổi tiêm
chủng:
- Các đơn vị rà soát các điều
kiện tiêm chủng theo quy định tại Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của
Chính phủ và Thông tư số 34/2018/TT-BYT ngày 12/11/2018 của Bộ Y tế.
- Bố trí và tổ chức buổi tiêm
chủng theo hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 ban hành
kèm theo Công văn số 1734/BYT-DP ngày 17/3/2021 của Bộ Y tế.
3.2.3. Các bước thực hiện
tiêm chủng:
- Bước 1: Tiếp nhận và phân loại
đối tượng đến tiêm chủng tại nơi tiếp đón; Hướng dẫn, kiểm tra đối tượng tiêm
chủng và người nhà đi cùng, thực hiện khai báo y tế điện tử; Phát khẩu trang cho
đối tượng tiêm chủng (nếu đối tượng không mang); Thực hiện đo thân nhiệt cho đối
tượng tiêm chủng.
- Bước 2: Cung cấp phiếu đồng ý
tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 để người được tiêm chủng đọc, điền thông tin
và ký nếu đồng ý tiêm chủng (Phụ lục 4 kèm theo).
- Bước 3: Sàng lọc đối tượng
trước khi tiêm chủng theo Quyết định 5785/QĐ-BYT ngày 21/12/2021 của Bộ Y tế về
việc ban hành Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng
COVID-19 dành cho người từ 18 tuổi trở lên. Tư vấn cho đối tượng tiêm chủng,
người giám hộ về tác dụng, lợi ích của việc sử dụng vắc xin và giải thích những
phản ứng có thể gặp sau tiêm chủng. Thông báo cho đối tượng tiêm chủng, người
giám hộ về tác dụng, liều lượng, đường dùng của loại vắc xin được tiêm chủng.
Tư vấn các thông tin về theo dõi sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.
- Bước 4: Thực hiện tiêm chủng
theo đúng chỉ định, bảo đảm an toàn theo quy định tại Điều 11 Thông tư số
34/2018/TT-BYT ngày 12/11/2018 của Bộ Y tế.
Lưu ý: Sử dụng phích vắc xin
để bảo quản vắc xin tại bàn tiêm chủng. Phích vắc xin phải có đủ bình tích lạnh
đã rã đông theo đúng quy định.
3.2.4. Sau khi tiêm chủng:
- Theo dõi người được tiêm chủng
ít nhất 30 phút sau tiêm chủng; hướng dẫn gia đình/đối tượng tiêm chủng theo
dõi tại nhà trong 03 ngày đầu sau tiêm chủng, tiếp tục theo dõi trong vòng 7
ngày và 28 ngày sau tiêm chủng về các dấu hiệu: toàn trạng, tinh thần, ăn, ngủ,
thở, phát ban, triệu chứng tại chỗ tiêm, thông báo cho nhân viên y tế nếu có dấu
hiệu bất thường. Liên hệ với bệnh viện hoặc các cơ sở y tế nếu sau tiêm chủng
có một trong các dấu hiệu như sốt cao (≥ 39°C), tím tái, khó thở... hoặc khi phản
ứng thông thường kéo dài trên 24 giờ sau tiêm chủng.
- Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tiếp
nhận trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng phải tiến hành cấp cứu, điều trị
và báo cáo Sở Y tế trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm tiếp nhận người bị tai biến.
Tổng hợp các trường hợp tai biến nặng, báo cáo theo quy định tại Điều 6 Nghị định
số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ và Điều 14, 15, 16 Thông tư số
34/2018/TT-BYT ngày 12/11/2018 của Bộ Y tế.
- Thu gom, lưu giữ, vận chuyển,
xử lý chất thải: Thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số
58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường
quy định về quản lý chất thải y tế; Công văn số 102/MT-YT ngày 04/03/2021 của Cục
Quản lý môi trường y tế về việc hướng dẫn quản lý chất thải y tế trong tiêm chủng
vắc xin phòng COVID-19 và các văn bản có liên quan.
3.2.5. Ghi chép báo cáo:
- Ghi đầy đủ thông tin vào phiếu
hoặc sổ tiêm chủng của đối tượng tiêm chủng và trên phần mềm quản lý thông tin
tiêm chủng, thông báo cho người được tiêm chủng về lịch tiêm mũi tiếp theo; Ghi
ngày tiêm chủng và ghi chép các sự cố bất lợi sau tiêm chủng trên phần mềm quản
lý thông tin tiêm chủng. Sau khi hoàn thành lịch tiêm phải cấp cho người được
tiêm chủng phiếu xác nhận đã được tiêm chủng.
- Báo cáo định kỳ, đột xuất: Chế
độ, hình thức, quy trình, thời gian và nội dung báo cáo theo quy định tại Thông
tư số 34/2018/TT-BYT ngày 12/11/2018 của Bộ Y tế.
- Báo cáo hàng ngày: Chế độ,
hình thức, quy trình, thời gian báo cáo theo quy định tại Thông tư số
34/2018/TT-BYT ngày 12/11/2018 của Bộ Y tế.
Lưu ý:
- Các cơ sở tiêm chủng tổng hợp,
báo cáo hàng ngày kết quả triển khai tiêm chủng và tình hình phản ứng sau tiêm
vắc xin phòng COVID-19 bằng email cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, địa chỉ
[email protected] trước 17 giờ 00 hàng ngày; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật
tỉnh Bình Định tổng hợp, báo cáo cho Sở Y tế và Dự án TCMR Quốc gia trước 17 giờ
30 hàng ngày.
- Các cơ sở tiêm chủng tổng hợp,
báo cáo kết quả đợt tiêm chủng trong vòng 03 ngày sau khi kết thúc đợt
tiêm chủng về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh
Bình Định tổng hợp báo cáo kết quả đợt tiêm chủng trong vòng 05 ngày sau
khi kết thúc chiến dịch tiêm chủng.
4. Đảm bảo
an toàn tiêm chủng:
- Tổ chức tập huấn về hướng dẫn
khám sàng lọc, xử trí tai biến nặng sau tiêm chủng; an toàn tiêm chủng.
- Thực hiện nghiêm túc việc
khám sàng lọc, phân loại đối tượng; thực hiện nghiêm túc chỉ định tiêm chủng,
hoãn tiêm, chống chỉ định theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Nhà sản xuất; chuyển
khám sàng lọc, tiêm chủng tại điểm tiêm của bệnh viện đối với các đối tượng
theo quy định.
- Các cơ sở tiêm chủng, điểm
tiêm chủng phải bố trí trang thiết bị, phương tiện, thuốc để xử trí cấp cứu tại
chỗ và phương án cụ thể để được hỗ trợ cấp cứu trong trường hợp cần thiết.
- Trung tâm Y tế huyện tổ chức
các Tổ cấp cứu tại đơn vị mình. Bệnh viện đa khoa tỉnh và Bệnh viện đa khoa khu
vực Bồng Sơn dự phòng tối thiểu 05 giường/bệnh viện để sẵn sàng xử trí trường hợp
tai biến năng sau tiêm chủng.
- Thực hiện 5K, giãn cách và
các biện pháp phòng, chống dịch tại các điểm tiêm chủng.
4.1. Phương án xử trí tai biến
nặng sau tiêm chủng tại các điểm tiêm chủng:
- Thực hiện xử trí sự cố bất lợi
sau tiêm chủng vắc xin COVID-19 theo các hướng dẫn chuyên môn (Hướng dẫn xử trí
cấp cứu phản vệ ban hành kèm theo Thông tư số 51/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của
Bộ Y tế; Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hội chứng giảm tiểu cầu, huyết khối
sau tiêm vắc xin COVID-19 ban hành kèm theo Quyết định số 1966/QĐ-BYT ngày
22/4/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế; Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm cơ tim
sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 ban hành kèm theo Quyết định số
3348/QĐ-BYT ngày 08/7/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế) và Công văn số 4198/BYT-KCB
ngày 22/5/2021 của Bộ Y tế về việc triển khai công tác an toàn tiêm chủng vắc
xin phòng COVID-19.
- Các điểm tiêm chủng phải chuẩn
bị đầy đủ cơ số thuốc, vật tư, phương tiện cấp cứu phản vệ theo quy định tại
Thông tư số 51/2017/TT-BYT ; phân công nhân viên có kinh nghiệm trực tiếp theo
dõi và xử trí các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng để xử trí ngay tại chỗ các
trường hợp phản ứng nặng (nếu có). Mỗi điểm tiêm phải bố trí 01 phòng cấp cứu từ
04 - 06 giường được trang bị đầy đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, phương
tiện cấp cứu,…; chuẩn bị sẵn sàng xe cứu thương được trang bị đầy đủ phương tiện
cấp cứu và Tổ cấp cứu ngoại viện (01 bác sĩ, 01 điều dưỡng) để chuyển đối tượng
tiêm về Bệnh viện/Trung tâm Y tế khi cần thiết.
- Các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh:
Trong thời gian triển khai tiêm chủng COVID-19, các bệnh viện phải dự phòng giường
bệnh hồi sức tích cực để sẵn sàng xử trí trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng.
- Để tránh mất thời gian lấy
thuốc ra khỏi tủ hoặc hộp thuốc vì diễn biến phản ứng phản vệ rất nhanh, mỗi
bàn tiêm chủng trước khi tiêm vắc xin và tại khu vực theo dõi phản ứng sau tiêm
chủng phải chuẩn bị và xử trí như sau:
+ Chuẩn bị sẵn 01 Bơm tiêm có
chứa dung dịch Adrenalin 1mg/1ml (rút sẵn 1ml thuốc Adrenalin 1mg/1ml vào bơm
tiêm gắn sẵn kim, đậy kín kim tiêm bằng nắp).
+ Khi thấy một trong các dấu hiệu
của phản vệ (khó thở, vật vã, phù nhanh, mạch nhanh nhỏ, đau quặn bụng, tiêu chảy…)
tiêm ngay 1/2 mg Adrenalin tiêm bắp (ưu tiên mặt trước bắp cơ đùi), sau đó theo
dõi và xử trí theo hướng dẫn xử trí cấp cứu phản vệ ban hành kèm theo Thông tư
số 51/2017/TT-BYT .
+ Kết thúc buổi tiêm chủng nếu
không sử dụng đến cần phải hủy bỏ bơm tiêm có chứa dung dịch Adrenalin 1mg/1ml.
Lưu ý: Yêu cầu đối
với mỗi điểm tiêm chủng:
- Trang bị thiết bị dây
chuyền lạnh bảo quản vắc xin, nhân lực y tế đã được tập huấn về tiêm chủng vắc
xin phòng COVID-19 và khám sàng lọc, xử trí cấp cứu phản ứng sau tiêm chủng.
- Sẵn sàng và khẩn trương tổ chức
cấp cứu (nếu có) theo hướng dẫn của Bộ Y tế, đồng thời báo cáo về Sở Y tế.
4.2. Cấp cứu lưu động:
- Xây dựng kế hoạch đáp ứng cấp
cứu đối với đối với sự cố bất lợi sau tiêm chủng theo cấp độ: xử trí tại chỗ, đội
cấp cứu lưu động, bệnh viện thường trực cấp cứu và bệnh viện phụ trách cấp cứu
theo vùng.
- Các đội cấp cứu lưu động của
các Bệnh viện chịu trách nhiệm hỗ trợ các điểm, cụm điểm hoặc huyện… tổ chức
tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. Các Tổ cấp cứu ngoại viện (ít nhất là 01 bác
sỹ được tập huấn về cấp cứu hồi sức cơ bản; 01 điều dưỡng, có các trang thiết bị,
vật tư, thuốc thiết yếu về cấp cứu theo quy định tại Quyết định số 3385/QĐ-BYT
ngày 18/9/2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành danh mục vali thuốc cấp cứu,
dụng cụ cấp cứu, thuốc thiết yếu và trang thiết bị thiết yếu trang bị cho một
kíp cấp cứu ngoại viện trên xe ô tô cứu thương (trong đó thay thuốc
Methylprednisolone Natri Succinate 40mg bằng thuốc Methylprednisolone 40mg).
- Các Tổ cấp cứu ngoại viện chuẩn
bị sẵn sàng và hỗ trợ cấp cứu các trường hợp có sự cố bất lợi sau tiêm tại điểm
tiêm chủng bảo đảm tiếp cận tới điểm tiêm trong thời gian dưới 10 phút, khi được
yêu cầu hỗ trợ từ các cơ sở tiêm chủng.
4.3. Bệnh viện thường trực:
- Các bệnh viện rà soát, lập danh
sách (kèm thông tin liên lạc) và phân công cán bộ (Khoa Hồi sức tích cực có
trang thiết bị và năng lực kỹ thuật) chịu trách nhiệm thường trực cấp cứu cho
người có sự cố nặng, nguy kịch sau tiêm vắc xin phòng COVID-19 của các xã, phường,
quận, huyện hoặc các điểm, cụm điểm tiêm chủng…
- Các Bệnh viện thường trực cấp
cứu phải chuẩn bị sẵn sàng và hỗ trợ xử trí, cấp cứu các trường hợp có sự cố nặng,
nguy kịch sau tiêm vắc xin phòng COVID-19 thông qua tư vấn từ xa hoặc trực tiếp
tại điểm tiêm chủng hoặc tiếp nhận cấp cứu, điều trị khi được yêu cầu hỗ trợ.
- Đánh giá việc chuẩn bị sẵn
sàng đáp ứng công tác xử trí sự cố bất lợi sau tiêm chủng: các cơ sở tổ chức
tiêm chủng thực hiện rà soát, đánh giá công tác chuẩn bị sẵn sàng đáp ứng xử
trí cấp cứu các sự cố bất lợi sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 bằng bảng
kiểm an toàn tiêm chủng (Phụ lục 01 kèm theo Công văn số 5488/BYT-KCB ngày
09/7/2021) ngay trước khi thực hiện buổi tiêm chủng.
5. Ứng dụng
công nghệ thông tin quản lý tiêm chủng:
Sử dụng nền tảng quản lý tiêm
chủng COVID-19 để triển khai chiến dịch tiêm chủng. Nền tảng bao gồm 04 thành
phần: (1) Cổng công khai thông tin tiêm chủng tại địa chỉ: https://tiemchungcovid19.gov.vn;
(2) Hệ thống hỗ trợ công tác tiêm chủng; (3) Hệ thống phục vụ công tác chỉ đạo
điều hành; (4) Ứng dụng số sức khỏe điện tử, cụ thể như sau:
5.1. Quản lý đối tượng tiêm
chủng:
- Thông tin về đăng ký tiêm chủng,
kế hoạch tiêm chủng, lịch tiêm chủng và các nội dung truyền thông đại chúng
liên quan được thông báo, cập nhật liên tục cho người dân trên cổng thông tin của
chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19.
- Việc đăng ký tiêm chủng và
khai báo y tế, cập nhật phản ứng sau tiêm chủng được thực hiện qua các hình thức:
Ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử” trên di động, cổng thông tin.
- Trong trường hợp nguồn vắc
xin hạn chế, việc lập danh sách đối tượng tiêm chủng, xếp lịch tiêm chủng theo
giờ phải được thực hiện trước khi thông báo cho người dân đăng ký tiêm. Trong
trường hợp đảm bảo đủ vắc xin, việc lập danh sách đối tượng tiêm chủng được thực
hiện sau khi thông báo cho người dân đăng ký tiêm trong trường hợp đủ số lượng
liều vắc xin cho tiêm chủng đại trà.
5.2. Quản lý cơ sở tiêm chủng:
- Công khai và cập nhật thường
xuyên thông tin vị trí, số bàn tiêm, thông tin người phụ trách trên cổng thông
tin của chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại địa chỉ: https://tiemchungcovid19.gov.vn.
- Cơ sở tiêm chủng phải cập nhật
thông tin số lượng liều vắc xin được nhập, số lượng tiêm được, số liệu tồn theo
ngày và số liệu này phải được cập nhật trên trang thông tin chỉ đạo điều hành của
Ban Chỉ đạo chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên Nền tảng quản lý tiêm
chủng COVID-19.
- Hệ thống phục vụ chỉ đạo điều
hành của Ban chỉ đạo chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 cập nhật trực tuyến
tra cứu theo cơ sở tiêm về kết quả số lượng người dân được tiêm, số lượng hoãn
tiêm và số lượng cấp chứng nhận tiêm chủng (lần 1 và lần 2 nếu có).
5.3. Quản lý tiếp nhận, vận
chuyển, bảo quản vắc xin:
- Báo cáo và cập nhật báo cáo của
Ban Chỉ đạo chiến dịch về số liều vắc xin được phân bổ và thông tin cơ sở làm
căn cứ phân bổ cho các địa phương; Tổng hợp báo cáo của địa phương về kế hoạch
phân bổ số lượng liều vắc xin đối với từng đợt phân bổ của Ban Chỉ đạo chiến dịch.
- Hệ thống phục vụ chỉ đạo điều
hành của Ban Chỉ đạo chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 cập nhật trực tuyến
thông tin về số lượng và thời điểm nhập, xuất, nhập lại các liều vắc xin tra cứu
theo số lô của nhà sản xuất của các tổng kho và các kho liên quan trong hệ thống
tiếp nhận, bảo quản và vận chuyển do Ban chỉ đạo quy định.
- Các đơn vị, cơ sở y tế liên
quan đến tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản thực hiện cập nhật thông tin, số lượng,
báo cáo trên Nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19.
5.4. Quản lý buổi tiêm chủng:
Trong quá trình thực hiện,
thông tin liên quan đến các bước cần được cập nhật trực tiếp lên Hệ thống hỗ trợ
công tác tiêm chủng của Nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19 theo 4 bước: Tiếp
đón/Khám sàng lọc và xác nhận đủ điều kiện tiêm/Tiêm và Theo dõi sau tiêm/Cấp
giấy xác nhận.
6. Quản lý
bơm kim tiêm và rác thải y tế sau buổi tiêm:
- Các cơ sở tiêm chủng có
phương án thu gom, xử lý bơm kim tiêm và rác thải y tế tại điểm tiêm chủng theo
quy định tại Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNM ngày 31/12/2015 của Bộ
Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải y tế và đặc điểm của vắc
xin COVID trong quá trình sử dụng vắc xin.
- Thực hiện phân loại, thu gom,
vận chuyển và xử lý chất thải theo hướng dẫn ban hành kèm theo Công văn số
102/MT-YT ngày 04/3/2021 của Cục Quản lý môi trường y tế.
Các cơ sở tiêm chủng phải có
phương án thu gom và xử lý bơm kim tiêm, rác thải y tế tại điểm tiêm theo quy định
của Bộ Y tế. Lọ vắc xin sau khi sử dụng phải được hủy bỏ và ghi chép, báo cáo.
7. Truyền
thông:
7.1. Nội dung truyền thông:
- Truyền thông chủ trương,
chính sách của Đảng, Nhà nước, các chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ về công tác
tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.
- Truyền thông vận động người
dân ủng hộ công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 theo tinh thần “Tiêm chủng
vắc xin phòng COVID-19 là quyền lợi đối với cá nhân, là trách nhiệm đối với cộng
đồng”; vận động người dân đi tiêm chủng khi đến lượt.
- Truyền thông Kế hoạch chiến dịch
tiêm chủng vắc xin phòng COVID- 19 tại trung ương và địa phương; hiệu quả của
tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trong phòng, chống dịch COVID-19, các khuyến
cáo về tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 an toàn, theo dõi và xử lý phản ứng
sau tiêm chủng.
- Phát hiện, nêu gương những cá
nhân điển hình trong phong trào thi đua hoàn thành kế hoạch tiêm chủng an toàn.
7.2. Các hoạt động truyền
thông:
- Truyền thông kịp thời, chính
xác trên các phương tiện thông tin đại chúng về chiến dịch tiêm chủng, vận động
người dân đi tiêm chủng khi đến lượt mình, các thông điệp, khuyến cáo tiêm chủng
an toàn, theo dõi phản ứng sau tiêm chủng thông qua các bài viết, phóng sự, tọa
đàm, giao lưu trực tuyến, chương trình truyền hình, phát thanh...
- Phối hợp các sở, ngành, cơ
quan, tổ chức truyền thông mạnh mẽ, đồng bộ, hiệu quả về hoạt động Chiến dịch
tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.
- Xây dựng các thông điệp, khuyến
cáo, tài liệu truyền thông về tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19; cung cấp trên
Kho dữ liệu điện tử tài liệu truyền thông phòng, chống dịch COVID-19 và tiêm chủng
vắc xin phòng COVID-19 để các địa phương sử dụng truyền thông đến người dân đi
tiêm chủng.
- Thực hiện Chiến dịch truyền
thông trên mạng xã hội về tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19; tổ chức các hoạt động
truyền thông trên mạng xã hội và các loại hình truyền thông ứng dụng internet về
Chiến dịch.
- Triển khai Đường dây nóng của
Sở Y tế và các địa phương cung cấp thông tin, tư vấn kịp thời cho người dân về
tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.
- Truyền thông về các tấm gương
điển hình trong công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.
- Tập huấn truyền thông tiêm chủng
vắc xin phòng COVID-19 và truyền thông về sự cố bất lợi sau tiêm chủng vắc xin
phòng COVID-19 cho các cơ quan báo chí, các cán bộ y tế và các lực lượng tham
gia Chiến dịch tiêm chủng.
8. Giám sát
chất lượng vắc xin và hoạt động tiêm chủng:
8.1. Giám sát hoạt động tiêm
chủng:
- Tuyến tỉnh, huyện chủ động cử
các đoàn kiểm tra, giám sát hoạt động trước, trong và sau khi triển khai chiến
dịch. Cán bộ giám sát có trách nhiệm theo dõi giám sát và hỗ trợ cơ sở tiêm chủng
thực hiện đúng các quy định của Bộ Y tế, đảm bảo chất lượng và an toàn tiêm chủng.
- Ban Chỉ đạo chiến dịch các cấp
theo dõi, giám sát hoạt động tiêm vắc xin phòng COVID-19; chỉ đạo đôn đốc bảo đảm
tiến độ tiêm chủng.
8.2. Giám sát chất lượng vắc
xin:
- Giám sát chặt chẽ tất cả các
khâu tiếp nhận, bảo quản, sử dụng vắc xin tại tất cả các tuyến.
- Phối hợp lấy mẫu vắc xin kiểm
định chất lượng định kỳ hoặc đột xuất theo chỉ đạo của Bộ Y tế.
8.3. Báo cáo kết quả tiêm chủng:
- Các cơ sở tiêm chủng, Trung
tâm Y tế cấp huyện thực hiện báo cáo hàng ngày và báo cáo kết thúc chiến dịch về
tình hình tiếp nhận vắc xin, sử dụng vắc xin cùng với báo cáo kết quả tiêm chủng.
- Sử dụng Hồ sơ sức khỏe của Bộ
Y tế để thực hiện báo cáo.
V. VẮC XIN
VÀ VẬT TƯ TIÊM CHỦNG
1. Dự kiến vắc xin:
- Vắc xin được cung ứng bởi Bộ
Y tế để tiêm chủng cho người dân trên địa bàn tỉnh theo quy định.
- Dự kiến vắc xin cần để triển
khai tiêm chủng toàn tỉnh là 1.422.311 liều, trong đó có 449.644 liều Vero Cell
để tiêm bổ sung, 972.667 liều tiêm nhắc (Phụ lục 1 kèm theo).
2. Dự kiến vật tư tiêm chủng:
- Vật tư trong tiêm chủng vắc
xin phòng COVID-19 được Bộ Y tế cung ứng một phần, bao gồm: Bơm kim tiêm vắc
xin, pha vắc xin, hộp an toàn.
- Dự kiến triển khai tiêm chủng
vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn tỉnh cần 1.564.560 bơm kim tiêm 1 ml, 32.390
bơm kim tiêm 5 ml và 15.980 hộp an toàn 5 lít (Phụ lục 2 kèm theo).
- Để kịp thời sử dụng ngay vắc
xin sau khi được cấp, Sở Y tế xem xét, đề xuất UBND tỉnh mua sắm bổ sung bơm
kim tiêm và hộp an toàn để phục vụ tiêm chủng trong trường hợp nguồn cấp phát của
Bộ Y tế thiếu hoặc chậm.
VI. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Sở Y tế:
- Chủ trì, phối hợp với các sở,
ban, ngành, đơn vị, địa phương tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của Kế
hoạch này theo đúng số lượng vắc xin được cấp không được để lãng phí bất cứ nguồn
vắc xin nào, đảm bảo đạt mục tiêu đề ra.
- Phân bổ và cấp phát kịp thời
vắc xin, vật tư tiêm chủng cho các địa phương để triển khai tiêm chủng ngay sau
khi tiếp nhận vắc xin. Chỉ đạo các đơn vị thực hiện bảo quản, sử dụng vắc xin
đúng quy định, tổ chức tiêm chủng an toàn, nhanh, hiệu quả.
- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc
xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các nội dung của kế hoạch này theo
quy định, đảm bảo phòng chống dịch COVID-19 trong thời gian tổ chức tiêm chủng
và an toàn tiêm chủng.
- Chỉ đạo thành lập điểm tiêm
chủng tại các bệnh viện để tiêm bổ sung, tiêm nhắc cho các đối tượng bị bệnh nền
nặng, suy giảm miễn dịch, bệnh nhân đang điều trị, người già yếu...
- Thành lập và phân công các đội
cấp cứu lưu động của các Bệnh viện chịu trách nhiệm hỗ trợ các điểm, cụm điểm
hoặc quận, huyện… tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.
- Rà soát, lập danh sách (kèm
thông tin liên lạc) và phân công các Bệnh viện trên địa bàn (có Khoa Hồi sức
tích cực có trang thiết bị và năng lực kỹ thuật) chịu trách nhiệm thường trực cấp
cứu cho người có sự cố nặng, nguy kịch sau tiêm vắc xin phòng COVID-19 của các
xã, phường, thị trấn hoặc các điểm, tiêm chủng… Lưu ý khoảng cách từ điểm tiêm
chủng đến Bệnh viện phù hợp.
- Căn cứ vào số lượng vắc xin,
vật tư được Bộ Y tế phân bổ theo từng giai đoạn, Sở Y tế phối hợp Sở Tài chính
kịp thời tham mưu UBND tỉnh triển khai các hoạt động mua sắm vật tư tiêm chủng,
trang thiết bị dây chuyền lạnh đảm bảo chủ động triển khai hoạt động tiêm chủng
vắc xin phòng COVID-19 và phù hợp tình hình chung trên toàn quốc.
2. Bộ chỉ huy quân sự tỉnh,
Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Sở Ngoại vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Giao
thông vận tải:
- Theo chức năng, nhiệm vụ được
giao, phối hợp chặt chẽ với ngành y tế trong triển khai các hoạt động của Kế hoạch
tiêm vắc xin phòng COVID-19 và hỗ trợ ngành y tế khi cần thiết.
- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc
thực hiện các hoạt động: Lập danh sách đối tượng thuộc diện tiêm chủng báo cáo
Sở Y tế, phối hợp đối chiếu, rà soát đối tượng tiêm chủng tại địa phương bảo đảm
không bỏ sót, không trùng lặp đối tượng.
- Phối hợp với ngành y tế tổ chức
kiểm tra, giám sát triển khai thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19.
3. Sở Thông tin và Truyền
thông: Chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí, Trung tâm Văn hóa - Thông
tin - Thể thao các huyện, thị xã, thành phố, Đài truyền thanh cơ sở truyền
thông sâu rộng trong cộng đồng về ý nghĩa, lợi ích của hoạt động tiêm chủng vắc
xin phòng COVID-19; ưu tiên bố trí thời lượng phát các thông điệp truyền thông
về chiến dịch tiêm chủng tại các địa phương trong thời gian diễn ra chiến dịch.
4. Công an tỉnh: Chỉ đạo
lực lượng công an huyện, thị xã, thành phố phối hợp Sở Y tế xây dựng phương án
bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn trong suốt thời gian tổ chức chiến dịch
tiêm chủng.
5. Ủy ban nhân dân các huyện,
thị xã, thành phố:
- Ban hành kế hoạch triển khai
chiến dịch tiêm chủng vắc xin COVID-19 trên địa bàn đảm bảo hiệu quả và an
toàn, tuyệt đối không để lãng phí nguồn vắc xin.
- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị
có liên quan tại địa phương tích cực phối hợp với ngành y tế tổ chức triển khai
thực hiện Kế hoạch này, đạt mục tiêu, kết quả đề ra.
- Kiểm tra, giám sát việc thực
hiện các nội dung của Kế hoạch trên địa bàn quản lý.
6. Đề nghị Ủy ban Mặt Trận Tổ
Quốc Việt Nam tỉnh và các hội, đoàn thể: Chỉ đạo các cấp hội, đoàn thể tích
cực phối hợp ngành y tế tế thực hiện truyền thông, vận động, giải thích cho người
dân hiểu rõ lợi ích của tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 và kế hoạch tiêm chủng
để người dân thực hiện đi tiêm chủng theo đúng hướng dẫn của ngành y tế.
Trong quá trình triển khai thực
hiện, mọi khó khăn, vướng mắc (nếu có) các đơn vị, địa phương kịp thời phản ảnh
về UBND tỉnh (qua Sở Y tế) để phối hợp giải quyết.
Yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan,
đơn vị liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện
Kế hoạch này./.
Nơi nhận:
- Bộ Y tế;
- Dự án TCMR Quốc gia (để báo cáo);
- Viện Pasteur Nha Trang (để báo cáo);
- TT.Tỉnh ủy; TT.HĐND tỉnh (để báo cáo);
- UBMT TQVN tỉnh và các hội, đoàn thể;
- Bộ chỉ huy quân sự tỉnh;
- Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh;
- Công an tỉnh;
- Các Sở: Ngoại vụ, GD&ĐT, TTTT, GTVT, Tài chính; Y tế;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Báo Bình Định, Đài PTTH Bình Định;
- Các PVP UBND tỉnh;
- Lưu VT, K15.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lâm Hải Giang
|