Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 4085/QĐ-BNN-KHCN Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Người ký: Nguyễn Việt Thắng
Ngày ban hành: 22/12/2008 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4085/QĐ-BNN-KHCN

Hà Nội, ngày 22 tháng 12 năm 2008

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH “HƯỚNG DẪN ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG TRONG CHẾ BIẾN THỦY SẢN"

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Luật Thuỷ sản ngày 26 tháng11 năm 2003;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 08 năm 2006 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ vào Nghị định 21/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 08 năm 2006 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ vào Thông tư 08/2006/TT-BTNMT ngày 08 tháng 9 năm 2006 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường;

Theo đề nghị của ông Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Hướng dẫn đánh giá tác động môi trường trong chế biến thủy sản"

Điều 2. Khuyến khích áp dụng "Hướng dẫn đánh giá tác động môi trường trong chế biến thủy sản" trong việc lập và thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 4. Các đơn vị thuộc Bộ, các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Nơi nhận:
- Như điều 4;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường (để b/c);
- Bộ trưởng (để b/c);
- TTr. Bùi Bá Bổng;
- Website VP Bộ;
- Lưu: VT, KHCN&MT.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Việt Thắng

HƯỚNG DẪN

ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG TRONG CHẾ BIẾN THỦY SẢN
(Kèm theo Quyết định số:4085/QĐ-BNN-KHCN ngày 22 tháng12 năm 2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

LỜI NÓI ĐẦU

Tại Điều 18 của Luật Bảo vệ môi trường - số 52/2005/QH11 - ngày 29/11/2005, có hiệu lực từ ngày 01/07/2006 của Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam đã quy định các dự án phát triển kinh tế xã hội phải thực hiện đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Trong đó có các dự án thuộc lĩnh vực thuỷ sản.

Về cấu trúc và nội dung cơ bản của một bản báo cáo ĐTM và ĐTM bổ sung được thể hiện trong Phụ lục 4 và Phụ lục 9 của Thông tư số 08/2006/TT-BTNMT ngày 08/9/2006 của Bộ Tài nguyên và Môi trường Hướng dẫn về đánh giá môi trường chiến lược, ĐTM và cam kết bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, do đặc thù của các loại hình sản xuất, kinh doanh và dịch vụ là khác nhau, nên cần phải có hướng dẫn cụ thể cho việc lập báo cáo ÐTM riêng cho từng ngành, từng lĩnh vực đặc thù.

Nhằm đáp ứng tình hình trên, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã tổ chức xây dựng Bản hướng dẫn ĐTM trong lĩnh vực chế biến thuỷ sản (CBTS), nhằm hướng dẫn cụ thể hóa các yêu cầu và nội dung của Bản báo cáo ĐTM cho lĩnh vực CBTS. Bản hướng dẫn này nhằm giúp cho các chủ dự án thực hiện tốt việc xây dựng báo cáo ĐTM,  giúp cho các cơ quan quản lý về môi trường thẩm định, phê duyệt báo cáo ÐTM trong lĩnh vực CBTS mang tính sát thực và hiệu quả hơn, đây còn là một tài liệu tham khảo tốt cho các tổ chức, cá nhân có liên quan đến môi trường và CBTS tham khảo.

Bản hướng dẫn này bao gồm 2 phần chính:

Phần I: Những vấn đề chung

Phần II: Hướng dẫn xây dựng Bản báo cáo Đánh giá tác động môi trường cho các dự án Chế biến thuỷ sản.


MỤC LỤC

LỜI NÓI ĐẦU

PHẦN I: NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG

1. Mở đầu

2. Mục đích của bản hướng dẫn

3. Phạm vi và đối tượng áp dụng của bản hướng dẫn

4. Nội dung báo cáo ĐTM

5. Nội dung báo cáo ĐTM bổ sung

PHẦn II: HƯỚNG DẪN XÂY DỰNG BẢN BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG CHO CÁC DỰ ÁN CHẾ BIẾN THUỶ SẢN

MỞ ĐẦU

1. Xuất xứ của dự án:

2. Căn cứ pháp luật và kỹ thuật của việc thực hiện ĐTM trong CBTS

3. Tổ chức thực hiện ĐTM

Chương 1: MÔ TẢ TÓM TẮT DỰ ÁN

1.1. Tên dự án

1.2. Chủ dự án

1.3. Vị trí địa lý của dự án

1.4. Nội dung chủ yếu của dự án

Chương 2: ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, MÔI TRƯỜNG VÀ KINH TẾ - XÃ HỘI

2.1. Các thông số môi trường nền

2.2. Xử lý tài liệu môi trường nền

2.3. Ðánh giá hiện trạng môi trường nền

Chương 3: ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG

3.1. Nguồn gây tác động

3.1.1. Nguồn gây tác động có liên quan đến chất thải

3.1.2. Nguồn gây tác động không liên quan đến chất thải:

3.1.3. Dự báo những rủi ro về sự cố môi trường do dự án gây ra:

3.2. Đối tượng, quy mô bị tác động

3.2.1. Tác động đến môi trường tự nhiên

3.2.2. Tác động đến môi trường sinh thái

3.2.3. Tác động đến môi trường kinh tế - xã hội

3.3. Đánh giá tác động

3.4. Đánh giá về phương pháp sử dụng

Chương 4:  BIỆN PHÁP GIẢM THIỂU TÁC ĐỘNG XẤU, PHÒNG NGỪA VÀ

ỨNG PHÓ SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG.

4.1. Biện pháp phòng ngừa ô nhiễm và sự cố

4.2. Các biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên

4.2.1. Giảm thiểu tác động gây ô nhiễm môi trường nước

4.2.2. Giảm thiểu tác động gây ô nhiễm môi trường không khí

4.2.3. Giảm thiểu tác động môi trường của chất thải rắn

4.3. Các biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái

4.4. Các biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường kinh tế - xã hội - nhân văn

Chương 5: CAM KẾT THỰC HIỆN BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Chương 6: CÁC CÔNG TRÌNH XỬ LÝ MÔI TRƯỜNG, CHƯƠNG TRÌNH QUẢN

LÝ VÀ GIÁM SÁT MÔI TRƯỜNG

6.1. Danh mục các công trình xử lý môi trường

6.2. Chương trình quản lý môi trường

6.3. Chương trình quan trắc, giám sát môi trường

6.4. Ðối tượng, chỉ tiêu quan trắc, giám sát môi trường

6.4.1. Giám sát môi trường không khí

6.4.2. Giám sát môi trường nước

6.4.3. Giám sát môi trường đất

6.4.4. Giám sát khác:

Chương 7: DỰ TOÁN KINH PHÍ CHO CÁC CÔNG TRÌNH MÔI TRƯỜNG

Chương 8: THAM VẤN Ý KIẾN CỘNG ĐỒNG

Chương 9:CHỈ DẪN NGUỒN CUNG CẤP SỐ LIỆU, DỮ LIỆU VÀ PHƯƠNG

PHÁP ĐÁNH GIÁ

9.1 Nguồn cung cấp số liệu, dữ liệu

9.2. Phương pháp áp dụng trong quá trình ĐTM

9.3. Nhận xét về mức độ chi tiết, độ tin cậy của các đánh giá

KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

1. Kết luận

2. Kiến nghị

PHỤ LỤC

TÀI LIỆU THAM KHẢO

DANH SÁCH NHỮNG NGƯỜI THỰC HIỆN

DANH SÁCH CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ ĐÃ THAM GIA GÓP Ý CHO BẢN HƯỚNG DẪN

CHÚ GIẢI CÁC CHỮ VIẾT TẮT

BOD

Biochemical oxygen demand - Nhu cầu oxy sinh hóa

BVMT

Bảo vệ môi trường

CBTS

Chế biến thủy sản

CL &ATVSTP

Chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm

COD

Chemical oxygen demand - Nhu cầu oxy hóa học

CTR

Chất thải rắn

DO

Dissolve oxygen - Oxy hòa tan

ĐTM

Đánh giá tác động môi trường

GMP

Good Manufacturing Practice - Quy phạm sản xuất tốt

HACCP

Hazard Analysis and Critical Control Point - Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn

ISO 14000

Tiêu chuẩn về môi trường

ONMT

Ô nhiễm môi trường

SSOP

Sanitation Standard Operating Procedures - Quy phạm vệ sinh

SXSH

Sản xuất sạch hơn

TCVN

Tiêu chuẩn Việt Nam

TN

Tổng Nitơ

Bộ TN&MT

Bộ Tài Nguyên và Môi trường

TP

Tổng Phốt pho

TSS

Total Supend Solid - Tổng lượng chất rắn lơ lửng

XLNT

Xử lý nước thải

Phần I:

NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG

1. Mở đầu

Những năm gần đây, được sự chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ TN&MT, sự phối hợp giữa Sở TN&MT và các Sở Thuỷ sản tại các địa phương, các cơ sở CBTS khi xây mới phải nằm trong quy hoạch và trước khi xây dựng đều phải xây dựng Báo cáo ĐTM.

Tuy nhiên, do chưa có một Bản Hướng dẫn cụ thể việc lập báo cáo ĐTM trong lĩnh vực CBTS vì vậy các cơ sở CBTS chỉ dựa vào các báo cáo ĐTM của các Bộ, ngành khác, không nêu bật được tính đặc thù của ngành CBTS. Điều này dẫn đến việc ĐTM trong lĩnh vực CBTS còn mang tính hình thức và máy móc gây khó khăn cho công tác quy hoạch, phê duyệt dự án và triển khai các giải pháp bảo vệ môi trường. Các dự án, cơ sở CBTS thường bị động, lúng túng trong việc ĐTM

Theo số liệu điều tra của nhiệm vụ: “Nghiên cứu, đánh giá hiện trạng môi trường các cơ sở CBTS, đề xuất các giải pháp quản lý” (Đỗ Văn Nam, Vụ KHCN - Bộ Thuỷ sản, 2004) thì đã có 182/244 doanh nghiệp đã xây dựng Báo cáo ĐTM. Thực tế cho thấy, các nhà máy được đưa vào vận hành một thời gian mới lập báo cáo ĐTM, do đó không xây dựng kế hoạch ngăn ngừa và xử lý ONMT phù hợp, đồng bộ với quá trình hoạt động của nhà máy. Đây là những nguyên nhân chủ yếu làm cho việc giải quyết các vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường của các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn và tốn kém sau khi đi vào hoạt động.

Ngành công nghiệp CBTS đang phát triển mạnh mẽ ở nước ta và là một trong những ngành công nghiệp đặc trưng có nguy cơ ô nhiễm, gây ra các tác động xấu nhất định đối với môi trường xung quanh và sức khoẻ cộng đồng, đặc biệt là do lượng nước thải sản xuất lớn, có chứa nhiều các chất ô nhiễm hữu cơ.

Theo quy định tại Ðiều 18 Luật Bảo vệ môi trường đã được Quốc hội Nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/7/2006 thì các dự án loại này có trách nhiệm lập Báo cáo ÐTM trình nộp cho các Cơ quan Quản lý Nhà nước về Bảo vệ môi trường để thẩm định.

Do vậy bản hướng dẫn này được biên soạn nhằm trợ giúp việc lập và thẩm định Báo cáo ÐTM đối với các dự án Nhà máy CBTS.

2. Mục đích của bản hướng dẫn

- Cung cấp những thông tin cần thiết để xây dựng báo cáo đánh giá tác động môi trường cho các dự án thuộc lĩnh vực CBTS.

- Hỗ trợ cho việc thực thi Luật bảo vệ môi trường và Luật thuỷ sản, thúc đẩy công tác quản lý và bảo vệ môi trường tốt hơn đối với hoạt động CBTS.

3. Phạm vi và đối tượng áp dụng của bản hướng dẫn

- Bản hướng dẫn này áp dụng cho tất cả các loại dự án mới, dự án bổ sung thuộc lĩnh vực CBTS trên địa bàn cả nước, có công suất thiết kế trên 1000 tấn sản phẩm/năm.

- Đối tượng sử dụng bản hướng dẫn này là các chủ dự án, các cơ quan tư vấn về môi trường, các cơ quan quản lý về bảo vệ môi trường, tất cả các cá nhân, các loại hình kinh tế trong và ngoài nước có tham gia vào hoạt động CBTS và các cơ quan tham gia ĐTM.

4. Nội dung báo cáo ĐTM

Theo Thông tư số 08/2006/TT-BTNMT ngày 08 tháng 9 năm 2006 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về đánh giá tác động môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường thì cấu trúc và nội dung của một bản báo cáo ĐTM phải bao gồm những phần sau:

Ngoài phần Mở đầu là phần giới thiệu những thông tin chung về dự án và công tác đánh giá tác động môi trường của dự án.

Chương 1 Mô tả tóm tắt dự án, trình bày các nội dung chính của dự án,...Chương 2 chỉ ra các số liệu điều tra, khảo sát về Điều kiện tự nhiên, môi trường và kinh tế - xã hội nơi thực hiện dự án. Chương 3 Đánh giá các tác động của dự án đến môi trường xung quanh. Chương 4 nêu ra các biện pháp giảm thiểu tác động xấu, phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường. Chương 5 đưa ra các Cam kết thực hiện biện pháp bảo vệ môi trường của chủ dự án. Chương 6 liệt kê và thuyết trình các công trình xử lý môi trường, chương trình quản lý và giám sát môi trường. Chương 7 Dự toán kinh phí cho các công trình môi trường. Chương 8 Tham vấn ý kiến cộng đồng về dự án và địa điểm thực hiện dự án cũng như những tác động của dự án đến môi trường nền. Chương 9 liệt kê, chỉ dẫn nguồn cung cấp số liệu, dữ liệu và phương pháp đánh giá tác động môi trường khi thực hiện dự án.

Phần Kết luận và kiến nghị đưa ra các ý kiến của chủ dự án về quá trình đánh giá tác động môi trường.

Danh mục các tài liệu tham khảo, liệt kê theo thứ tự ABC danh mục các tài liệu chính sử dụng khi thực hiện đánh giá tác động môi trường dự án. Cuối cùng là các Phụ lục kèm theo bao gồm: (1) Các số liệu, tài liệu đo đạc tại hiện trường, kết quả phân tích và tính toán, (2) Các văn bản pháp lý liên quan đến dự án (quyết định phê duyệt Luận chứng kinh tế - kỹ thuật (hoặc báo cáo nghiên cứu khả thi); quyết định phê duyệt thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán kinh phí thực hiện dự án; giấy phép đầu tư; các giấy tờ liên quan đến quyền sử dụng đất;...), (3) Tư liệu ảnh về khu vực dự án: hình ảnh về khu vực dự án; hình ảnh về hoạt động nghiên cứu tài nguyên và môi trường khu vực dự án; ...

5. Nội dung báo cáo ĐTM bổ sung

Phần 1. là Tên dự án/cơ sở đang họat động: Nêu đúng như tên trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được cấp quyết định phê duyệt trước đó. Trong trường hợp đã được đổi tên khác thì nêu cả tên cũ và tên mới và thuyết minh rõ về quá trình tính pháp lý của việc đổi tên này.  Nêu đầy đủ: tên, địa chỉ và phương tiện liên hệ với cơ quan, doanh nghiệp là chủ dự án/cơ sở đang họat động; họ tên và chức danh của người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp chủ dự án/cơ sở đang hoạt động tại thời điểm lập báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung.

Phần 2. Mô tả vị trí địa lý của dự án (tại thời điểm lập báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung)

Phần 3. Nêu nên những thay đổi về nội dung của dự án/cơ sở đang hoạt động: Mô tả chi tiết, rõ ràng về những thay đổi cho đến thời điểm lập báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung (trường hợp có thay đổi) như: địa điểm thực hiện; quy mô, công suất thiết kế; công nghệ sản xuất; nguyên liệu, nhiên liệu sản xuất; và các thay đổi khác nếu có.

Phần 4. Nêu nên những thay đổi về hiện trạng môi trường tự nhiên và các yếu tố kinh tế, xã hội của vùng thực hiện dự án/cơ sở đang hoạt động (cho đến thời điểm lập báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung)

Phần 5. Nêu nên những thay đổi về tác động môi trường và những biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực của dự án/cơ sở đang hoạt động (cho đến thời điểm lập báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung)

Phần 6. Nêu nên những thay đổi về chương trình quản lý và giám sát môi trường của dự án/cơ sở đang hoạt động (cho đến thời điểm lập báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung)

Phần 7. Thay đổi khác (cho đến thời điểm lập báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung)

Phần 8. Kết luận của chủ dự án về những thay đổi và bổ sung.

Phần II

HƯỚNG DẪN XÂY DỰNG BẢN BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG CHO CÁC DỰ ÁN CHẾ BIẾN THUỶ SẢN

Nội dung xuyên suốt của Phần này là đưa ra những hướng dẫn thực hiện các yêu cầu, nội dung của một bản Báo cáo Đánh giá tác động môi trường, trên cơ sở gắn liền với các đặc thù riêng của Dự án CBTS.

MỞ ĐẦU

Phần này cần trình bày tóm tắt sự cần thiết phải lập báo cáo ĐTM, nêu lên mục đích và ý nghĩa của nó. Những nội dung cần viết ở phần Mở đầu báo cáo còn bao gồm:

1. Xuất xứ của dự án:

Phần này cần đưa ra các thông tin sau:

- Mô tả tóm tắt về xuất xứ, hoàn cảnh ra đời của dự án xây dựng nhà máy CBTS, trong đó nêu rõ là loại dự án mới, dự án bổ sung, dự án mở rộng, dự án nâng cấp hay dự án loại khác.

- Tên của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phê duyệt dự án xây dựng nhà máy CBTS.

2. Căn cứ pháp luật và kỹ thuật của việc thực hiện ĐTM trong CBTS

Cần liệt kê các văn bản pháp luật và văn bản kỹ thuật làm căn cứ cho việc thực hiện ĐTM và lập báo cáo ĐTM của dự án, trong đó nêu đầy đủ, chính xác: Số văn bản, tên lạo văn bản, trích yếu văn bản, ngày ban hành, cơ quan ban hành của từng văn bản,…

Đối với các dự án CBTS có thể sử dụng các loại văn bản pháp luật và kỹ thuật như:

* Các văn bản pháp lý có liên quan đến hoạt động ĐTM trong CBTS:

[1]. Chỉ thị 36/2008/CT-BNN , ngày 20/2/2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường hoạt động bảo vệ môi trường trong nông nghiệp và phát triển nông thôn.

[2]. Luật Bảo vệ môi trường - số 52/2005/QH11 - ngày 29/11/2005, có hiệu lực từ ngày 01/07/2006 của Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam

[3]. Luật Thuỷ sản - số 17/2003/QH11 - ngày 26/11/2003, có hiệu lực từ ngày 1/7/2004 của Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam

[4]. Nghị định số 21/2008/NĐ-CP ban hành ngày 28/2/2008 của Chính phủ về Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường

[5]. Nghị định số 59/2005/NĐ-CP ngày 04/05/2005 của Chính phủ về Điều kiện sản xuất kinh doanh một số ngành nghề thuỷ sản

[6]. Nghị định số: 80/2006/NĐ-CP ban hành ngày 09/8/2006 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

[7]. Nghị định số 99/2007/NĐ-CP ngày 13/6/2007 của Chính phủ về Quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình.

[8]. Quyết định số 23/2006/QĐ-BTNMT ngày 26/12/2006 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc ban hành Danh mục chất thải nguy hại

[9]. Quyết định số 22/2006/QĐ-BTNMT ngày 18/12/2006 của Bộ Tài nguyên và Môi trường Về việc bắt buộc áp dụng Tiêu chuẩn Việt Nam về môi trường

[10]. Quyết định số 13/2006/QÐ-BTNMT của  Bộ Tài nguyên Môi trường, ngày  08/9/2006 về việc Ban hành Quy chế về tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, Hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM

[11]. Thông tư Số 02/2006/TT-BTS ngày 20/03/2006 của Bộ Thuỷ sản. Hướng dẫn thực hiện Nghị định của Chính phủ số 59/2005/NĐ-CP ngày 04/5/2005 về điều kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thuỷ sản.

[12]. Thông tư số 07/2007/TT-BTNMT về Hướng dẫn phân loại và quyết định danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường cần phải xử lý.

[13]. Thông tư số 08/2006/TT-BTNMT ngày 08/9/2006 của Bộ Tài nguyên và Môi trường Hướng dẫn về đánh giá môi trường chiến lược, ĐTM và cam kết bảo vệ môi trường.

[14]. Thông tư số 10/2007/TT-BTNMT ngày 22/10/2007 về Hướng dẫn bảo đảm chất lượng và kiểm soát chất lượng trong quan trắc môi trường.

[15]. Thông tư số 12/2006/TT-BTNMT ngày 26/12/2006 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Hướng dẫn điều kiện hành nghề và thủ tục lập hồ sơ đăng ký, cấp phép hành nghề, mã số quản lý chất thải nguy hại

* Các tiêu chuẩn Việt Nam về môi trường

[1]. TCVN 5937-2005: Chất lượng không khí - Tiêu chuẩn chất lượng không khí xung quanh

[2]. TCVN 5949-1998: Âm học - Tiếng ồn khu vực công cộng và dân cư - Mức ồn tối đa cho phép

[3]. TCVN 5942-1995: Chất lượng nước - Tiêu chuẩn chất lượng nước mặt

[4]. TCVN 5944-1995: Chất lượng nước - Tiêu chuẩn chất lượng nước ngầm

[5]. TCVN 5945-2005: Nước thải công nghiệp - Tiêu chuẩn thải

[6]. TCVN 5941-1995: Chất lượng đất - Giới hạn tối đa cho phép của dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật trong đất.

[7]. TCVN 6962-2001: Rung động và chấn động - Rung động do các hoạt động xây dựng và sản xuất công nghiệp - Mức độ tối đa cho phép đối với môi trường khu công cộng và dân cư.

[8]. TCVN 4206 - 96: Hệ thống lạnh - Kỹ thuật an toàn

* Các văn bản kỹ thuật liên quan đến hoạt động ĐTM trong CBTS:

- Dự án nghiên cứu khả thi và các hồ sơ liên quan đến quy hoạch của dự án:

+ Sơ đồ mặt bằng tổng thể, diện tích đất đai, nhà xưởng, số lượng công nhân, trình độ, sơ đồ tổ chức bộ máy,

+ Dự kiến nhu cầu về nguyên nhiên vật liệu,...loại hình chế biến, sơ lược quy trình công nghệ, sản phẩm chính, sản phẩm phụ, thiết bị máy móc chính,...

- Các tài liệu điều tra khảo sát hiện trạng môi trường,

- Tài liệu đánh giá nhanh hệ số ô nhiễm do Tổ chức Y tế Thế giới thiết lập là một trong những tài liệu rất cần thiết. Tài liệu này cho phép xác lập nhanh mô hình phát tán từ đó thấy được mức độ ảnh hưởng của các tác nhân gây ô nhiễm đến môi trường.

- Các báo cáo ĐTM của các Bộ ngành, cơ sở khác có liên quan đã được thực hiện như: ĐTM trong công nghiệp thực phẩm, trong y dược,...để có những kinh nghiệm và sự điều chỉnh cần thiết cho việc xây dựng báo cáo ĐTM của đơn vị mình.

3. Tổ chức thực hiện ĐTM

Yêu cầu:

- Nêu tóm tắt về việc tổ chức thực hiện ĐTM và lập báo cáo ĐTM của chủ dự án CBTS, trong đó chỉ rõ việc thuê hay không thuê dịch vụ tư vấn lập báo cáo ĐTM. Trường hợp có thuê dịch vụ tư vấn, nêu rõ cơ quan cung cấp dịch vụ; họ và tên người đứng đầu cơ quan cung cấp dịch vụ; địa chỉ liên hệ của cơ quan cung cấp dịch vụ.

- Danh sách những người trực tiếp tham gia lập báo cáo ĐTM của dự án CBTS, bao gồm họ tên, chức vụ, trình độ chuyên môn,...Những người này phải am hiểu về môi trường, các văn bản pháp luật và kỹ thuật về môi trường, có trình độ chuyên môn phù hợp với các công việc được giao trong hoạt động ĐTM.

Chương 1:

MÔ TẢ TÓM TẮT DỰ ÁN

Mục đích:

- Cung cấp đầy đủ các thông tin cần thiết về dự án CBTS, bao gồm quy mô, địa điểm, thiết kế, công nghệ, loại hình chế biến chính (Đông lạnh, hàng khô, đồ hộp, agar, bột cá, nước mắm, chế biến tận dụng),v.v.

- Là các căn cứ khoa học cho việc ĐTM cũng như đề xuất và lựa chọn áp dụng các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Yêu cầu:

Nội dung mô tả phải được trình bày xúc tích, đầy đủ, rõ ràng bằng ngôn ngữ phổ thông, dễ hiểu và cần được minh hoạ bằng những số liệu, biểu bảng, bản đồ, sơ đồ ở tỷ lệ thích hợp.

Phương pháp

Các phương pháp thường được sử dụng trong phần này là: phương pháp bản đồ, sơ đồ và các đặc điểm thiết kế để chỉ rõ địa điểm chính xác của dự án, mô tả địa điểm cùng với những sinh cảnh, cộng đồng và các hoạt động khác trong khu vực lận cận. Các chuyên gia đánh giá tác động môi trường cần phải đi đến hiện trường.

Việc mô tả dự án CBTS phải được thể hiện theo các nội dung dưới đây:

1.1. Tên dự án

Nêu chính xác tên trong báo cáo nghiên cứu khả thi hay báo cáo đầu tư của dự án CBTS.

1.2. Chủ dự án

Phần này cần nêu rõ các thông tin sau:

Tên cơ quan chủ dự án:............................................................................................

Địa chỉ:................................................................................................................................

Điện thoại:..........................................................Fax:.........................................................

E-mail:...............................................................Website:...................................................

Họ tên người đứng đầu/đại diện chủ dự án: ............................................................

Địa chỉ:................................................................................................................................

Điện thoại:........................................ Fax:....................................E-mail:...........................

1.3. Vị trí địa lý của dự án

Mô tả rõ vị trí địa lý (gồm cả toạ độ, ranh giới...) của địa điểm thực hiện dự án CBTS trong mối tương quan với các đối tượng tự nhiên như hệ thống đường giao thông; sông suối, ao hồ và các vực nước khác; hệ thống đồi núi,v.v., các đối tượng kinh tế xã hội (khu dân cư, đô thị, các đối tượng sản xuất - kinh doanh - dịch vụ, các công trình văn hoá - tôn giáo, các di tích lịch sử...) và các đối tượng khác xung quanh khu vực dự án, kèm theo sơ đồ vị trí địa lý thể hiện các đối tượng này, có chú giải rõ ràng

1.4 Nội dung chủ yếu của dự án

1.4.1. Mục tiêu của dự án CBTS

Những mục tiêu trước mắt và lâu dài của dự án xây dựng nhà máy CBTS phải được trình bày một cách rõ ràng, khi dự án được thực hiện thì sẽ mang lại những lợi ích gì về kinh tế - xã hội, đảm bảo phát triển bền vững và không gây ô nhiễm môi trường.

1.4.2. Mô tả dự án CBTS

Mô tả một dự án CBTS bao gồm những thông tin sau:

- Khối lượng và quy mô của các hạng mục công trình cần triển khai trong quá trình thực hiện dự án CBTS, kèm theo sơ đồ mặt bằng tổng thể bố trí tất cả các hạng mục công trình và các sơ đồ riêng lẻ cho từng hạng mục công trình. Các công trình được phân thành 2 loại sau:

+ Các công trình chính: công trình phục vụ mục đích sản xuất kinh doanh, dịch vụ của dự án CBTS bao gồm: Nhà xưởng chế biến chính, khu vực tiếp nhận nguyên liệu, hệ thống kho bảo quản, sân phơi, phòng máy lạnh, khu vực lò hơi, khu vực thu gom phế liệu, phòng kiểm định chất lượng, kho vật tư, văn phòng làm việc, khu bán và trưng bày sản phẩm,....

+ Các công trình phụ trợ: công trình hỗ trợ, phục vụ cho hoạt động của công trình chính như: đường giao thông (bên ngoài cơ sở và đường nội bộ), trạm biến thế cung cấp điện, trạm bơm và các công trình cung cấp nước, rãnh thoát nước mưa, cống thoát nước thải, di dân tái định cư, khuôn viên, cây xanh phòng hộ môi trường, hệ thống XLNT, CTR, nhà ăn, nhà vệ sinh, tường rào và các công trình khác.

- Mô tả tóm tắt về công nghệ thi công, công nghệ sản xuất, nguyên nhiên vật liệu, sản phẩm chính, phụ, công suất (tấn sản phẩm/năm), trang thiết bị, máy móc, công  nghệ vận hành của dự án,... của từng hạng mục công trình của dự án, kèm theo sơ đồ minh hoạ. Trên các sơ đồ minh hoạ này phải chỉ rõ các yếu tố môi trường có khả năng phát sinh như: nguồn phát sinh nước thải, CTR, khí thải, tiếng ồn, chấn động, nhiệt độ và các yếu tố gây tác động khác.

- Hệ thống quản lý môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm dự kiến áp dụng cho dự án (VD: ISO 14000, GMP, SSOP, HACCP,...).

- Một số thông tin khác giống như trong Luận chứng kinh tế kỹ thuật khả thi.

* Đối với báo cáo ĐTM bổ sung cần trình bày rõ những nội dung sau:

- Tên dự án/cơ sở đang họat động: Nêu đúng như tên trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được cấp quyết định phê duyệt trước đó. Trong trường hợp đã được đổi tên khác thì nêu cả tên cũ và tên mới và thuyết minh rõ về quá trình tính pháp lý của việc đổi tên này. Nêu đầy đủ: tên, địa chỉ và phương tiện liên hệ với cơ quan, doanh nghiệp là chủ dự án/cơ sở đang họat động; họ tên và chức danh của người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp chủ dự án/cơ sở đang hoạt động tại thời điểm lập báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung.

- Mô tả vị trí địa lý của dự án (tại thời điểm lập báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung)

- Nêu nên những thay đổi về nội dung của dự án/cơ sở đang hoạt động: Mô tả chi tiết, rõ ràng về những thay đổi cho đến thời điểm lập báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung (trường hợp có thay đổi) như: địa điểm thực hiện; quy mô, công suất thiết kế; công nghệ sản xuất; nguyên liệu, nhiên liệu sản xuất; và các thay đổi khác nếu có.

Chương 2

ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, MÔI TRƯỜNG VÀ KINH TẾ - XÃ HỘI

Mục đích

Phần nội dung này đưa ra những số liệu quan trắc, đo đạc các chỉ tiêu môi trường sẽ chịu tác động trực tiếp của dự án trong tương lai. Các số liệu này sẽ là căn cứ khoa học để đánh giá mức độ tác động của dự án đến điều kiện tự nhiên, môi trường và kinh tế xã hội (hay còn gọi là môi trường nền) tại nơi thực hiện dự án .

Các yêu cầu của số liệu môi trường nền

- Có đủ độ tin cậy, rõ ràng và phải rõ nguồn gốc xuất xứ. Số liệu này có thể lấy từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau như: các trạm quan trắc (monitoring) môi trường quốc gia và tỉnh, các công trình nghiên cứu khoa học, khảo sát trong nhiều năm đã được công bố chính thức hoặc dự án tự tiến hành khảo sát, đo đạc.

- Các số liệu, tài liệu phải bao gồm những yếu tố, thành phần môi trường trong vùng chịu tác động trực tiếp hay gián tiếp của dự án.

- Các số liệu phải được xử lý sơ bộ, hệ thống hoá, rõ ràng giúp cho người xử lý số liệu dễ dàng phân tích tổng hợp, phân chia thành các nhóm số liệu, nhận định đặc điểm của vùng nghiên cứu.

- Phương pháp đo lường khảo sát, phân tích, thống kê phải tuân thủ các quy định của các tiêu chuẩn môi trường Việt Nam (TCVN). Trong trường hợp thiếu TCVN có thể sử dụng tiêu chuẩn của nước ngoài có điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội tương tự.

Phương pháp sử dụng:

- Phương pháp kế thừa, thu thập các số liệu và các nghiên cứu trước đó.

- Phương pháp điều tra, khảo sát thực địa, đo đạc các chỉ tiêu chất lượng môi trường tại hiện trường nhằm đánh giá chất lượng môi trường và hệ sinh thái trước khi triển khai thực hiện dự án.

- Các phương pháp lấy mẫu, phân tích trong phòng thí nghiệm để xác định các chỉ tiêu lý hóa môi trường.

2.1. Các thông số môi trường nền

Việc khảo sát và quan trắc các thông số môi trường phải đạt mục đích thu thập đầy đủ các tài liệu, số liệu về các thành phần môi trường tự nhiên, khí tượng thủy văn, kinh tế, văn hoá - xã hội... Qua đó có thể đánh giá được hiện trạng môi trường trước khi thực hiện dự án, cũng như dự báo diễn biến môi trường khu vực nếu không thực hiện dự án.

Một số gợi ý về đánh giá môi trường nền nơi thực hiện dự án xây dựng nhà máy CBTS được thể hiện ở Bảng 2.1.

Bảng 2.1. Các thông số môi trường nền cần khảo sát và đánh giá trước khi thực hiện dự án xây dựng nhà máy CBTS.

TT

Môi trường và tài nguyên

Thông số

(1)

(2)

(3)

I. Điều kiện tự nhiên

1.1

Vị trí địa lý

Ðịa danh, toạ độ và địa lý của khu vực thực hiện dự án. Vị trí hành chính và giao thông

1.2

Ðặc điểm địa hình, địa mạo

Mô tả những đặc điểm địa hình của khu vực dự án một cách chi tiết (núi, đồi, đồng bằng...)

Khảo sát đặc điểm của nguồn tiếp nhận nước thải, chất thải, khí thải.

1.3

Ðặc điểm khí tượng, thuỷ văn

- Nhiệt độ, Lượng mưa, độ ẩm, Chế độ gió

- Các hiện tượng thời tiết bất thường, lũ lụt, ngập úng,...

- Sông, suối, đầm hồ (lưu lượng chế độ dòng chẩy)

II. Tài nguyên thiên nhiên

2.1

Tài nguyên đất

- Tổng diện tích đất tự nhiên

- Hiện trạng sử dụng đất (nông nghiệp, lâm nghiệp, chuyên dùng, đất ở, sử dụng khác, đất chưa sử dụng)

2.2

Tài nguyên nước mặt

- Hệ thống thuỷ văn, sông, hồ, kênh mương, hệ thống cấp thoát nước.

- Hiện trạng sử dụng tài nguyên nước mặt trong khu vực

2.3

Tài nguyên nước ngầm (và nước khoáng)

- Ðặc điểm địa chất thuỷ văn khu vực (tầng chứa nước, trữ lượng, chất lượng nước ngầm)

- Hiện trạng khai thác và sử dụng

2.4

Tài nguyên động thực vật

Các số liệu về thảm thực vật và hệ động vật trong khu vực thực hiện dự án. Cần đặc biệt chú ý đến những chủng loại đặc thù của khu vực hoặc có trong sách Ðỏ

III. Hiện trạng, đặc trưng lý – hoá môi trường

3.1

Chất lượng đất

Hàm lượng chất hữu cơ, tổng N, tổng P, độ pH, kim loại nặng, các tính chất cơ lý của nền đất.

4.2

Chất lượng nước mặt, nước ngầm

Nhiệt độ, pH , BOD5, COD, TSS, DO, NOx, độ đục, Amoni, tổng N, tổng P, dầu mỡ, Coliform, Clorua

4.3.

Chất lượng không khí

CO, CO2, NO2, SO2, bụi, Hydrocacbon, H2S, NH3, Clo

4.4

Tiếng ồn

- Mức ồn trung bình

- Mức ồn cực đại

IV. Hạ tầng cơ sở và dịch vụ

4.1

Giao thông

- Ðặc điểm của các tuyến đường giao thông (thuỷ, bộ) có liên quan đến hoạt động vận chuyển của dự án

- Tai nạn, sự cố giao thông

4.2

Dịch vụ, thương mại

Hiện trạng và khả năng cung cấp dịch vụ, thương mại

V. Ðặc điểm kinh tế - xã hội

5.1

Dân cư - lao động

Chú ý đến tình hình dân cư kiếm sống trong những khu vực thực hiện dự án và chịu tác động của dự án

5.2

Kinh tế

Việc phát triển dự án trong mối liên quan đến Quy hoạch phát triển kinh tế của vùng, tỉnh

5.3

Tình hình xã hội

- Y tế và sức khoẻ cộng đồng, dịch bệnh,...

- Mạng lưới và tình hình giáo dục dân trí

- Việc làm và thất nghiệp

5.4

Văn hoá lịch sử

- Các công trình văn hoá, lịch sử, du lịch có giá trị trong khu vực thực hiện dự án hoặc ở những khu vực lân cận chịu tác động của dự án.

- Thuần phong mỹ tục và phong tục tập quán của dân địa phương

2.2. Xử lý tài liệu môi trường nền

Số liệu môi trường nền sau khi được thu thập cần phải được xử lý và thể hiện trong báo cáo ÐTM một cách rõ ràng, đơn giản và mang tính định lượng cao. Đối với môi trường không khí, nước và đất đòi hỏi như sau:

+ Chỉ dẫn rõ ràng các số liệu đo đạc, phân tích tại thời điểm tiến hành ĐTM về chất lượng môi trường (lưu ý: các điểm đo đạc, lấy mẫu phải có mã số, có chỉ dẫn về thời gian, địa điểm, đồng thời phải thể hiện bằng các biểu, bảng rõ ràng và được minh họa bằng sơ đồ bố trí các điểm). Một số biểu mẫu xử lý số liệu môi trường nền được thể hiện trong Phụ lục 1 của bản hướng dẫn này.

+ Nhận xét về tính nhạy cảm và đánh giá sơ bộ sức chịu tải của môi trường

2.3. Ðánh giá hiện trạng môi trường nền

Dựa vào các số liệu đo đạc, điều tra về các thành phần môi trường nêu trên, tiến hành đánh giá hiện trạng chất lượng môi trường nơi thực hiện dự án CBTS trên cơ sở đối chiếu với tiêu chuẩn môi trường Việt Nam và các tiêu chuẩn khác liên quan của Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế, Bộ Công thương... đã ban hành theo các nội dung sau:

Môi trường vật lý: chất lượng nước mặt, nước ngầm, chất lượng không khí, khí hậu, tiếng ồn, chấn động, môi trường đất, tình hình lũ lụt;

Tài nguyên sinh vật: động vật, thực vật, sinh thái vùng, bao gồm cả sinh vật dưới nước và sinh vật trên cạn, cần đặc biệt quan tâm đối với động vật hoang dã và thực vật quý hiếm;

Tài nguyên đất: hiện trạng sử dụng đất, vấn đề giải phóng mặt bằng;

Công trình văn hoá, lịch sử: như là công trình tôn giáo, mồ mả, khu khảo cổ, công trình văn hoá - lịch sử, cảnh quan, du lịch;

Kinh tế - xã hội: dân số, nghề nghiệp, mức sống, điều kiện vệ sinh, sức khoẻ cộng đồng,...

Đặc biệt, cần đánh giá sơ bộ về tính nhạy cảm và sức chịu tải của môi trường nền

* Đối với báo cáo ĐTM bổ sung, phần này cần làm rõ những thay đổi về hiện trạng môi trường tự nhiên và các yếu tố kinh tế, xã hội của vùng thực hiện dự án/cơ sở đang hoạt động (cho đến thời điểm lập báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung).

Chương 3:

ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG

Mục đích:

Xác định được các nguồn thải, lượng hóa các tác động gây ONMT và suy thoái hệ sinh thái do hoạt động của dự án là căn cứ cho việc xác định mức độ, phạm vi ảnh hưởng và lựa chọn các giải pháp giảm thiểu các tác động xấu đến môi trường do hoạt động của dự án gây ra.

Yêu cầu:

Phải chỉ ra một cách định lượng, toàn diện những tác động trực tiếp và gián tiếp, ngắn hạn và dài hạn, những tác động tiềm ẩn và tích luỹ của dự án đến môi trường xung quanh.

Phương pháp đánh giá:

Có rất nhiều phương pháp đánh giá tác động khác nhau tuỳ từng trường hợp cụ thể. Đối với các dự án CBTS, việc đánh giá tác động môi trường nên áp dụng các phương pháp sau:

- Phương pháp liệt kê.

- Phương pháp ma trận.

- Phương pháp mạng lưới.

- Phương pháp so sánh.

- Phương pháp chuyên gia.

- Phương pháp đánh giá nhanh.

- Phương pháp nghiên cứu, khảo sát thực địa.

- Phương pháp mô hình hoá.

- Phương pháp phân tích chi phí, lợi ích.

- Phương pháp phân tích, đánh giá, kiểm toán chất thải.

3.1. Nguồn gây tác động

Trong phần này nên sử dụng các phương pháp phân tích và đánh giá của kiểm toán chất thải, xác định sự cân bằng vật chất trong quá trình sản xuất, chúng ta có thể phân các loại chất thải đó thành từng nhóm và xác định định tính cũng như định lượng các loại chất thải đó.

3.1.1. Nguồn gây tác động có liên quan đến chất thải:

Liệt kê chi tiết tất cả các nguồn có khả năng phát sinh các loại chất thải rắn, lỏng, khí cũng như các loại chất thải khác trong quá trình triển khai dự án. Tính toán định lượng và cụ thể hóa (về không gian và thời gian) theo từng nguồn. So sánh, đối chiếu với các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định hiện hành (nếu có).

3.1.1.1. Nguồn phát sinh chất thải trong giai đoạn thi công xây dựng nhà máy CBTS

Trong giai đoạn thi công thì mức độ gây tác động môi trường phụ thuộc rất lớn vào phương pháp, công nghệ, trang thiết bị, trình độ quản lý, tay nghề công nhân, chi phí tài chính,...Tuy nhiên, dù các yếu tố trên có được đảm bảo yêu cầu thì những tác động môi trường trong khi thi công vẫn xảy ra. Sau đây là một số tác nhân gây ô nhiễm thường xảy ra trong quá trình thi công xây dựng (Bảng 3.1.)

Bảng: 3.1. Nguồn phát sinh chất thải trong giai đoạn thi công xây dựng nhà máy CBTS

Tác nhân gây ô nhiễm

Nguồn gây ô nhiễm

CTR

- Nguyên vật liệu thừa, rơi vãi: gạch vỡ, tấm lợp, sắt vụn, đinh, gỗ, đất đá, giẻ lau, kính vỡ, bao bì,...

- Rác thải sinh hoạt của công nhân thi công: giấy lộn, nilông, rác và phế liệu thực phẩm thừa,...

Bụi

- Do quá trình vận chuyển nguyên nhiên vật liệu xây dựng, kết cấu thép, máy móc thiết bị vào khu vực dự án và vận chuyển trong nội bộ

- Do quá trình xây dựng, gia công, tháo gỡ, đào đắp, bốc xếp, phối trộn nguyên vật liệu xây dựng,...

- Do các động cơ, xe máy xây dựng trong quá trình hoạt động

Tiếng ồn

- Từ các phương tiện vận tải và hoạt động của các thiết bị,...

- Từ các hoạt động xây dựng như: máy trộn, máy ủi, máy xúc, xe lu, máy đóng cọc,...

Hơi khí độc

CO, CO2, NO2, SO2, hơi xăng,...phát sinh từ khí thải của các phương tiện vận tải, các phương tiện thi công cơ giới, trong quá trình gia công cơ khí như: hàn, cắt kim loại, sự phân huỷ các hợp chất hữu cơ của chất thải sinh hoạt do công nhân xây dựng thải ra,...

Nước thải

Trong giai đoạn xây dựng, nước cấp chủ yếu sử dụng vào việc trộn vữa, trộn bê tông, bảo dưỡng bê tông, đầm nền,...Nước thải của giai đoạn này gồm có nước rửa cát, đá, bảo dưỡng bê tông,...và nước thải sinh hoạt của công nhân xây dựng.

3.1.1.2.  Nguồn phát sinh chất thải trong giai đoạn hoạt động của nhà máy CBTS

Nguồn phát sinh chất thải của các doanh nghiệp CBTS có sự khác nhau, không chỉ phụ thuộc vào loại hình chế biến: đông lạnh, đồ hộp, hàng khô, nước mắm, agar – agar hay bột cá; mà còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: quy mô sản xuất, sản phẩm chính, yêu cầu thành phẩm, nguyên liệu đầu vào, mùa vụ, trình độ công nghệ sản xuất sản phẩm, trình độ tổ chức quản lý sản xuất... , trong đó  yếu tố kỹ thuật, công nghệ và yếu tố tổ chức, quản lý sản xuất có ảnh hưởng quyết định đến vấn đề BVMT của từng cơ sở.

Trên cơ sở phân tích quy trình công nghệ chế biến các sản phẩm chính chúng ta có thể nhận dạng và dự báo được các tác động môi trường khi dự án đi vào hoạt động.

1/ Các nguồn tác động môi trường trong chế biến các sản phẩm thủy sản khô.

Đối với các cơ sở CBTS khô thì yếu tố gây ô nhiễm môi trường chủ yếu là: mùi và chất thải rắn.

2/ Các nguồn tác động môi trường trong chế biến nước mắm.

Đối với các cơ sở chế biến nước mắm thì yếu tố gây ô nhiễm môi trường chủ yếu là: mùi.

3/ Các nguồn tác động môi trường trong chế biến bột cá.

Đối với các cơ sở chế biến bột cá thì yếu tố gây ô nhiễm môi trường chủ yếu là: mùi, CTR (bao bì).

4/ Các nguồn tác động môi trường trong chế biến Agar-agar.

Đối với các cơ sở chế biến Agar - agar thì yếu tố gây ô nhiễm môi trường chủ yếu là: nước thải, CTR (bã rong), mùi hóa chất.

5/ Các nguồn tác động môi trường trong chế biến đồ hộp thủy sản.

Đối với các cơ sở chế biến đồ hộp thủy sản thì yếu tố gây ô nhiễm môi trường chủ yếu là: nước thải, CTR.

6/ Các nguồn tác động môi trường trong chế biến thủy sản đông lạnh.

Đối với các cơ sở chế biến thủy sản đông lạnh thì yếu tố gây ô nhiễm môi trường chủ yếu là: nước thải, CTR.

* Bên cạnh những loại hình CBTS trên thì hiện nay, các cơ sở sơ chế thủy sản, các cơ sở chế biến tận dụng như: chế biến chitin-chitosan, thức ăn nuôi trồng thủy sản,...cũng gây nên các tác động xấu đến môi trường: Nước thải có nồng độ  các chất gây ô nhiễm cao, lượng chất thải rắn (vỏ nhuyễn thể, giáp xác, phế phụ phẩm thủy sản,...) nhiều, có chứa nhiều hóa chất, chất màu, mùi.

Trong quá trình hoạt động của nhà máy CBTS, ngoài việc phát thải do hoạt động sản xuất thì nước thải sinh hoạt, chất thải sinh hoạt cũng là một nguồn gây tác động môi trường đáng kể, cần phải đánh giá và đề ra các biện pháp giảm thiểu hữu hiệu.

Đối với từng dự án, từng loại hình chế biến và sản phẩm cụ thể mà có thể liệt kê, dự báo được các yếu tố sẽ gây tác động xấu đến môi trường. Nhìn chung, nguồn gây ONMT trong các cơ sở CBTS tập trung vào CTR, nước thải và khí thải. Trong đó, đặc biệt là nước thải vì đặc thù của CBTS là sử dụng nhiều nước, thành phần có chứa nhiều hợp chất hữu cơ, gây mùi hôi thối, là môi trường tốt cho các loại vi sinh vật gây bệnh phát triển,.... Do vậy, cần phải quan tâm đến vấn đề nước thải và XLNT khi dự án đi vào hoạt động.

3.1.2. Nguồn gây tác động không liên quan đến chất thải:

Liệt kê chi tiết tất cả các nguồn gây tác động không liên quan đến chất thải, như: xói mòn, trượt, sụt, lở, lún đất; xói lở bờ sông, bờ suối, bờ hồ; bồi lắng lòng sông, lòng suối, lòng hồ; thay đổi mực nước mặt, nước ngầm; xâm nhập mặn; xâm nhập phèn, biến đổi vi khí hậu; suy thoái các thành phần môi trường; biến đổi đa dạng sinh học và các nguồn gây tác động khác. Cụ thể hóa về mức độ, không gian và thời gian xảy ra. So sánh, đối chiếu với các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định hiện hành (nếu có).

3.1.3. Dự báo những rủi ro về sự cố môi trường do dự án gây ra:

Trong phần này, chủ dự án phải dự báo được những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình xây dựng và hoạt động của nhà máy CBTS.

Ngoài các biện pháp phòng chống sự cố chung như: chống sét, chống chập điện, chống cháy,....Trong các dự án CBTS khi đi vào hoạt động có thể phải kể đến các rủi ro về sự cố môi trường như sau:

- Ðối với dự án CBTS đông lạnh: sự cố có thể xảy ra dò rỉ khí NH3 ở bộ phận nén lạnh; nổ các nồi hơi, bình khí nén, khí hoá lỏng,....

- Ðối với dự án CBTS khô: do có sản phẩm khô, các trang thiết bị sấy bằng vật liệu dễ cháy, các bình gas lớn để phục vụ sấy thuỷ sản dễ xảy ra cháy nổ, cần đề phòng các rủi ro như phòng cháy.

- Đối với các nhà máy chế biến đồ hộp: cần chú ý đề phòng sự cố xảy ra do áp suất cao của các nồi hơi, nồi thanh trùng đồ hộp.

- Đối với chế biến agar: sử dụng rất nhiều hoá chất đặc biệt là NaOH đậm đặc, ở nhiệt độ cao, dễ gây tràn, đổ, gây bỏng cho người lao động.

- Đối với các nhà máy chế biến bột cá: cần quan tâm đến các kho bảo quản sản phẩm, do quá trình bảo quản bột cá rất dễ bị oxy hóa, sinh nhiệt gây cháy.

- Sự cố do việc tàng trữ các loại phụ gia, hoá chất không đúng quy định gây cháy nổ, rò rỉ, biến chất,...

- Sự cố do dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Các rủi ro, các sự cố môi trường do vi sinh vật, ký sinh trùng và dịch bệnh từ nguồn gốc nguyên liệu thủy sản gây ra. Hay còn gọi là chỉ tiêu về an toàn sinh học.

- Cần đánh giá khả năng xảy ra sự cố ngập lụt vào mùa mưa kéo theo các hậu quả ô nhiễm do nước mưa chảy tràn tạo nên (tràn nước thải, lấp đường cống thoát,...).

3.2. Đối tượng, quy mô bị tác động

Liệt kê tất cả các đối tượng tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội, tôn giáo, tín ngưỡng, di tích lịch sử và các đối tượng khác trong vùng dự án và các vùng kế cận bị tác động bởi chất thải, bởi các yếu tố không phải là chất thải, bởi các rủi ro về sự cố môi trường khi triển khai dự án; Mô tả cụ thể, chi tiết về quy mô không gian và thời gian bị tác động.

3.2.1. Tác động đến môi trường tự nhiên

3.2.1.1. Tác động đến môi trường nước

Để đánh giá được mức độ và phạm vi tác động của dự án đến môi trường nước thì cần phải làm rõ và xác định được:

- Lưu lượng nước thải sinh hoạt, sản xuất (các loại) sinh ra trong ngày, tháng, năm.

- Thành phần, nồng độ chất ô nhiễm, tải lượng ô nhiễm trong nước thải.

- Vị trí và khả năng tiếp nhận nước thải của các điểm nước mặt trong khu vực.

- Ðánh giá khả năng lan truyền và mức độ gây ô nhiễm môi trường nước (nhiệt độ cao, chất ô nhiễm) có thể xảy ra.

- Đánh giá việc ô nhiễm nước ngầm do việc thẩm thấu, rò rỉ từ hệ thống thoát và xử lý nước thải, từ khu tập trung CTR,...

3.2.1.2. Tác động đến môi trường không khí

Trong phần đánh giá về tác động của khí thải đến môi trường không khí khu vực cần làm rõ các nội dung sau:

- Các nguồn thải khí, lưu lượng khí thải của từng nguồn,

- Thành phần, nồng độ chất ô nhiễm, tải lượng ô nhiễm trong khí thải.

- Nguồn phát sinh tiếng ồn của nhà máy, mức độ gây ồn của từng nguồn.

- Tính toán mức độ lan truyền ảnh hưởng môi trường không khí khu vực theo thời gian và không gian trên cơ sở sử dụng các mô hình lan truyền khí (Sutton, Gausse, Screen 3, IGM...).

3.2.1.3. Tác động đến môi trường đất

Cần phải đánh giá chính xác mức độ tác động của việc đào đất, đắp đất và xói mòn đối với tài nguyên và hệ sinh thái nhất là trong giai đoạn thi công của dự án. Nêu rõ việc ảnh hưởng của nước thải, chất thải rắn đến chất lượng đất khi dự án đi vào hoạt động. Cần đề xuất các giải pháp phòng ngừa và kiểm soát các tác động xấu này.

3.2.2. Tác động đến môi trường sinh thái

Phần này cần nêu rõ các yếu tố gây tác động xấu đến môi trường sinh thái như: nước thải, khí thải, chất thải rắn.

- Hệ sinh thái thủy sinh: Nước thải của Nhà máy CBTS nếu không được xử lý sẽ làm thay đổi chất lượng nước của vùng tiếp nhận như: thay đổi pH, COD, BOD, DO, độ đục, sản sinh các khí độc trong thủy vực,....làm ảnh hưởng đến các hệ động thực vật, vi sinh vật dưới nước, ảnh hưởng đến khả năng tự làm sạch của khu vực tiếp nhận.

- Hệ sinh thái trên cạn: CTR và khí của Nhà máy CBTS sẽ có những ảnh hưởng nhất định. Nhìn chung, các động vật nuôi cũng như các loài động vật hoang dã đều rất nhạy cảm với sự ONMT. Hầu hết các chất ONMT không khí và môi trường nước đều có tác động xấu đến thực vật và động vật. Các chất gây ô nhiễm trong môi trường không khí như SO2, NO2 và bụi than, ngay cả ở nồng độ thấp cũng làm chậm quá trình sinh trưởng của cây trồng, ở nồng độ cao làm vàng lá, hoa quả bị lép, bị nứt, và ở mức độ cao hơn cây sẽ bị chết.

Với đặc điểm nêu trên cần thiết phải có những tính toán, dự báo về mức độ tác động này.

3.2.3. Tác động đến môi trường kinh tế - xã hội

Phần này, chủ dự án phải nhận dạng và định lượng được các tác động của việc xây dựng và vận hành nhà máy CBTS đến các nhân tố sau:

3.2.3.1. Tác động đến chất lượng cuộc sống con người

- Sức khoẻ của người lao động trực tiếp và cộng đồng xung quanh

- Kinh tế xã hội: tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động, nâng cao dân trí và ý thức văn minh đô thị, công nghiệp cho nhân dân trong khu vực...

3.2.3.2. Tác động đến tài nguyên và môi trường do con người sử dụng

- Cấp thoát nước: Khai thác nước ngầm, làm gia tăng mức chịu tải của hệ thống thoát nước tập trung hoặc làm gia tăng lưu lượng và dòng chảy, làm ô nhiễm các sông tiếp nhận nước thải. Vì vậy cần phải xem xét và đánh giá thực tế về khả năng tiêu thoát nước của khu vực dự án, khả năng xảy ra tình trạng ngập lụt...

- Giao thông vận tải: làm tăng mật độ giao thông, tăng hàm lượng bụi trên đường phố và khu vực xung quanh. Tuy vậy, chính sự phát triển của dự án cũng sẽ góp phần cải thiện hệ thống đường cũng như thúc đẩy quá trình đô thị hoá trong khu vực.

3.2.3.3. Tác động đến các công trình văn hoá lịch sử, khu du lịch

Các công trình văn hoá lịch sử, du lịch trong khu vực thực hiện dự án có thể bị tác động cần được mô tả và đánh giá cụ thể về các mặt: địa điểm, loại công trình, niên đại và giá trị tinh thần cũng như vật chất của công trình. Việc đánh giá tác động của dự án đối với các công trình văn hoá lịch sử, khảo cổ và du lịch phải đề cập tới các tác động gây nứt nẻ, lún sụt công trình, gây ô nhiễm, mất cảnh quan và đồng thời kiến nghị kế hoạch và biện pháp bảo vệ các công trình văn hoá lịch sử, du lịch trong khu vực dự án.

3.3. Đánh giá tác động

- ÐTM đối với dự án xây dựng nhà máy CBTS trước hết là đánh giá những tác động của dự án đến các yếu tố cảnh quan, môi trường tự nhiên, kinh tế - xã hội và các giá trị khác.

- Ðánh giá tác động môi trường đối với dự án loại này cần được tiến hành đối với cả ba giai đoạn thực thi dự án:

+ Giai đoạn chuẩn bị mặt bằng.

+ Giai đoạn thi công xây dựng nhà máy.

+ Giai đoạn vận hành nhà máy.

- Việc đánh giá tác động phải được cụ thể hóa cho từng nguồn gây tác động: Nước thải, CTR, khí thải, khói bụi, tiếng ồn,... và từng đối tượng bị tác động. 

- Mỗi tác động đều phải được đánh giá về mức độ, quy mô không gian và thời gian.

- Dự báo tác động gây ONMT của dự án được tiến hành sau khi đi khảo sát thực địa và vận dụng các kết quả thu được từ báo cáo mức độ ô nhiễm, nguồn và tính chất ô nhiễm. Khi đánh giá phải dựa trên các điều kiện cụ thể của từng dự án.

3.4. Đánh giá về phương pháp sử dụng

Phần này, chủ dự án phải đưa ra các đánh giá về độ tin cậy của các phương pháp  đã áp dụng, mức độ tin cậy của mỗi đánh giá đã thực hiện; những điều còn chưa chắc chắn trong đánh giá và lý giải tại sao, có đề xuất gì.

* Đối với báo cáo ĐTM bổ sung cần nêu rõ những thay đổi về đặc trưng, lưu lượng, khối lượng chất thải, nguồn phát sinh chất thải và các tác động của dự án/cơ sở đến môi trường.

Chương 4:

BIỆN PHÁP GIẢM THIỂU TÁC ĐỘNG XẤU, PHÒNG NGỪA VÀ ỨNG PHÓ SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG.

Yêu cầu:

Căn cứ vào các tác động môi trường nêu trong chương 3, đề xuất một cách cụ thể các biện pháp quản lý và kỹ thuật nhằm phòng tránh, giảm thiểu các tác động môi trường do việc thực hiện dự án gây nên.

Nguyên tắc:

- Giảm thiểu được tối đa các tác động xấu đến môi trường.

- Các biện pháp giảm thiểu phải có tính khả thi cao.

- Các biện pháp bảo vệ môi trường phải được thực thi suốt quá trình: chuẩn bị mặt bằng, xây dựng nhà máy và trong suốt quá trình hoạt động của nhà máy.

- Mỗi loại tác động xấu đã xác định đều phải có biện pháp giảm thiểu kèm theo và nêu rõ ưu nhược điểm, mức độ khả thi, hiệu suất/hiệu quả xử lý của biện pháp đó.

Dưới đây là những gợi ý về các biện pháp giảm thiểu tác động môi trường có thể được xem xét áp dụng đối với các dự án thuộc lĩnh vực CBTS:

4.1. Biện pháp phòng ngừa ô nhiễm và sự cố

Ðây là một trong những biện pháp rất quan trọng vì nó cho phép làm giảm lượng chất thải ngay tại nguồn và khắc phục được những ảnh hưởng bất lợi đối với môi trường do các chất ô nhiễm gây ra. Biện pháp này có thể được thực hiện theo các  hướng sau:

- Quy hoạch hợp lý  mặt bằng tổng thể của Dự án trên cơ sở xem xét đến các vấn đề môi trường có liên quan như:

+ Lựa chọn hướng hợp lý để sử dụng một cách tốt nhất các điều kiện thông gió tự nhiên góp phần cải thiện môi trường lao động bên trong nhà máy.

+ Xác định khoảng cách giữa các hạng mục công trình trong nhà máy cũng như giữa nhà máy và các khu dân cư để đảm bảo sự thông thoáng giữa các công trình, hạn chế lan truyền ô nhiễm, đảm bảo phòng cháy chữa cháy và giảm thiểu những ảnh hưởng trực tiếp do chất thải đối với con người và các công trình xung quanh.

+ Bố trí hợp lý các công đoạn sản xuất, các khu phụ trợ, khu kho bãi, khu hành chính và có dải cây xanh ngăn cách có tỷ lệ diện tích cây xanh trên tổng diện tích đất sử dụng của dự án hợp lý (có thể lên tới 20 - 25%). Các hệ thống thải khí, ống khói của nhà máy cần bố trí ở các khu vực thuận lợi cho việc giám sát và xử lý.

+ Khu vực bố trí trạm điện, khu XLNT tập trung, xử lý rác thải cần được đặt ở phía cuối hướng gió chủ đạo.

- Áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ sản xuất sạch hơn, ít chất thải.

- Thực hiện nghiêm túc Quy trình vận hành an toàn máy móc thiết bị, định mức nguyên vật liệu, nhiên liệu để quá trình diễn ra ở mức độ ổn định cao, giảm bớt lượng chất thải, ổn định thành phần và tính chất của chất thải tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý và xử lý chất thải.

Tại các cơ sở CBTS quy mô công nghiệp việc áp dụng tiêu chuẩn ngành, nâng cấp nhà xưởng, trang thiết bị công nghệ, áp dụng ISO 14000, GMP, SSOP, HACCP,  SXSH, kiểm toán năng lượng... Các chương trình này đều gắn với yếu tố môi trường, bảo vệ môi trường, giảm thiểu các chất gây ONMT một mặt giúp cơ sở đảm bảo CL&VSATTP; mặt khác hỗ trợ công tác quản lý môi trường được tốt hơn.

4.2. Các biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên

4.2.1. Giảm thiểu tác động gây ô nhiễm môi trường nước

Ðối với việc giảm thiểu tác động môi trường nước của nước thải Nhà máy CBTS có thể xem xét áp dụng các biện pháp sau:

- Phân luồng dòng thải bao gồm: các loại nước sạch, nước ô nhiễm cơ học, nước nhiễm bẩn hoá chất, chất hữu cơ và nước nhiễm bẩn dầu mỡ, chất rắn lơ lửng... Ðây là biện pháp vừa mang tính kỹ thuật vừa mang tính quản lý rất hữu hiệu và kinh tế để giảm bớt định mức tiêu hao nước cho sản xuất, tiết kiệm năng lượng đồng thời giảm đi một lượng đáng kể nước thải cần xử lý.

- Tuần hoàn tái sử dụng nước làm lạnh sẽ tiết kiệm được một lượng lớn nước (tối thiểu giảm 30% lượng nước thải). Áp dụng công nghệ SXSH để tiết kiệm lượng nước sử dụng.

- Khơi thông hệ thống thoát nước thải, bố trí hố ga và đặt giỏ thu gom CTR

- Ðối với nước thải làm lạnh có lưu lượng lớn và ít chất ô nhiễm nên điều quan tâm chủ yếu là giảm nhiệt độ của nước tới mức cho phép để không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái thuỷ sinh nơi nước thải đổ vào.

- Nước thải CBTS có chứa hàm lượng chất hữu cơ gây ô nhiễm cao nên cần phải đầu tư xây dựng hệ thống XLNT và nước thải sau xử lý phải đạt tiêu chuẩn môi trường cho phép.

4.2.2. Giảm thiểu tác động gây ô nhiễm môi trường không khí

Như trình bày trong chương 3, hoạt động của nhà máy dùng than hoặc dầu sẽ có tác động mạnh đến môi trường không khí do lượng khí thải chứa nhiều chất ô nhiễm rất lớn. Do vậy để giảm thiểu tác động môi trường không khí có thể xem xét áp dụng các biện pháp sau:

- Dùng nhiên liệu (than hoặc dầu) có hàm lượng lưu huỳnh thấp.

- Áp dụng công nghệ tiên tiến.

- Xây dựng ống khói có chiều cao phù hợp trong mối tương quan với lưu lượng, nồng độ khí thải, địa hình và điều kiện khí hậu khu vực.

- Trong các phân xưởng của nhà máy cần phải được thiết kế đảm bảo điều kiện vệ sinh công nghiệp, đảm bảo thông thoáng và đảm bảo chế độ vi khí hậu bên trong công trình nhất là tại những vị trí thao tác của người công nhân bằng cách thiết lập hệ thống thông gió tự nhiên, hệ thống thông gió hút, thông gió chung hoặc thông gió cục bộ (phân xưởng nghiền bột, phòng vận hành máy lạnh, phân xưởng chế biến,...).

- Tại các nguồn sinh ra khí thải độc hại và bụi cần lắp đặt các thiết bị xử lý khí, bụi có công suất phù hợp đảm bảo khí thải sau xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường cho phép.

- Sử dụng hóa chất tẩy rửa và khử trùng đúng liều lượng, đúng cách để giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí bên trong và bên ngoài nhà máy.

Những phương pháp thường được áp dụng đối với việc xử lý khí độc đặc biệt là SO2, NH3 là phương pháp hấp thụ dạng đệm hoặc dạng đĩa, phương pháp hấp thụ, phương pháp oxy hoá khử...

Các loại thiết bị lọc bụi than thường được áp dụng là: lọc bụi ống tay áo, lọc bụi túi, lọc bụi tĩnh điện.

- Áp dụng các biện pháp kỹ thuật và quản lý cần thiết để giảm thiểu việc sinh bụi do hoạt động của các phương tiện vận chuyển.

4.2.3. Giảm thiểu tác động môi trường của chất thải rắn

Chất thải rắn sinh ra trong quá trình hoạt động của Dự án như đã trình bày chương 3 bao gồm bã than, xỉ than, phế liệu, nguyên vật liệu rơi vãi trong quá trình vận chuyển. Vì vậy để giảm thiểu chất thải rắn có thể áp dụng các biện pháp sau:

- Tận thu bã thải, phế liệu theo quy trình thân thiện với môi trường.

- Phân loại CTR theo tính chất vật lý, hóa học của chúng để thuận tiện cho việc xử lý, tận dụng.

- Xây dựng và bố trí các phòng, thùng, bể để chứa và bảo quản phế liệu.

- Đối với rác thải sinh hoạt cần có biện pháp thu gom và xử lý tập trung.

4.3. Các biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái

Một Dự án xây dựng Nhà máy CBTS được triển khai sẽ tác động rất lớn đến môi trường sinh thái khu vực bởi các hoạt động tất yếu của nó như xây dựng hệ thống giao thông, công trình nhà xưởng, hạ tầng cơ sở và chất thải sinh ra trong quá trình hoạt động. Do vậy cần có những biện pháp giảm thiểu thích hợp như:

- Trong quá trình khảo sát, lựa chọn địa điểm thực hiện dự án cần phải quan tâm đến môi trường sinh thái, hệ động thực vật tại nơi đó, so sánh đánh giá lợi hại giữa các vị trí được đưa ra nhằm chọn được vị trí tối ưu cho dự án mà ít bị ảnh hưởng đến hệ sinh thái.

- Khống chế những tác động có hại tới điều kiện sinh thái tự nhiên bằng giải pháp sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên. Ðây là một yếu tố rất quan trọng cần phải được quan tâm.

- Các giải pháp kỹ thuật, quản lý thích hợp để hạn chế được sự phá vỡ cân bằng sinh thái.

4.4. Các biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường kinh tế - xã hội - nhân văn

Dự án xây dựng nhà máy CBTS có tác động đến kinh tế - xã hội - nhân văn tại xung quanh khu vực dự án. Do vậy, cần phải có các biện pháp thích hợp để giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường kinh tế - xã hội - nhân văn, trong đó chú ý đặc biệt đến những vấn đề sau:

- Di dân, đền bù,

- Cơ cấu việc làm cho người dân địa phương chịu tác động của dự án,

- Quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng phù hợp cho khu định cư mới

* Đối với báo cáo ĐTM bổ sung cần làm rõ những thay đổi, cập nhật về công nghệ, biện pháp, trang thiết bị giảm thiểu, phòng ngừa và ứng phó sự cố ô nhiễm môi trường của dự án/cơ sở tại thời điểm báo cáo ĐTM bổ sung.

Chương 5:

CAM KẾT THỰC HIỆN BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Cam kết của chủ dự án về việc thực hiện các biện pháp giảm thiểu các tác động xấu đã nêu trong chương 4; đồng thời, cam kết thực hiện tất cả các biện pháp, quy định chung về bảo vệ môi trường có liên quan đến quá tình triển khai, thực hiện dự án.

Chủ dự án phải cam kết rằng: khi dự án đi vào hoạt động thì các chỉ tiêu về chất lượng nước thải, khí thải, chất thải rắn và tiếng ồn phải đạt các tiêu chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn Ngành hiện hành. Không xâm phạm hệ sinh thái tự nhiên, thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ môi trường.

Tất cả các cam kết này đều phải được viết thành văn bản, có đầy đủ con dấu, chữ ký xác nhận của chủ dự án.

Chương 6:

CÁC CÔNG TRÌNH XỬ LÝ MÔI TRƯỜNG, CHƯƠNG TRÌNH QUẢN LÝ VÀ GIÁM SÁT MÔI TRƯỜNG

Mục đích:

Đưa ra những hướng dẫn xây dựng một chương trình quản lý môi trường và chương trình giám sát môi trường cũng như liệt kê danh mục các công trình xử lý môi trường làm cơ sở cho việc giám sát và quản lý môi trường sau này.

Yêu cầu:

Phần nội dung này phải đề xuất được các biện pháp quản lý và giám sát, quan trắc môi trường nhằm đảm bảo thực hiện có hiệu quả các biện pháp BVMT đã được nêu trong chương 4 đồng thời kịp thời phát hiện những khiếm khuyết trong quá trình thực hiện cũng như những biểu hiện suy thoái, ONMT do dự án gây ra để điều chỉnh, ngăn chặn.

Nguyên tắc:

- Những đề xuất dưới góc độ quản lý môi trường phải hết sức cụ thể và phù hợp với trình độ tổ chức, quản lý của cơ sở

- Những đề xuất về giám sát môi trường chỉ nên tập trung vào những thành phần môi trường, chỉ tiêu môi trường gây ONMT do hoạt động của dự án và những đối tượng chịu tác động của dự án.

6.1. Danh mục các công trình xử lý môi trường

- Liệt kê đầy đủ các công trình xử lý môi trường đối với CTR, lỏng, khí và chất thải khác trong khuôn khổ của dự án, kèm theo tiến độ thi công cụ thể cho từng công trình.

Đối với các dự án CBTS cần tập trung đầu tư các công trình, trang thiết bị quản lý, kiểm soát và xử lý ONMT như:

- Hệ thống XLNT

- Hệ thống xử lý CTR: các dụng cụ chứa đựng, thu gom, vận chuyển, xử lý CTR, phế liệu thuỷ sản

- Trang thiết bị an toàn và phòng chống sự cố môi trường:

+ Lắp đặt quạt thông gió, điều hoà nhiệt độ,...

+ Trang bị bảo hộ lao động

+ Lắp đặt các thiết bị an toàn cho nồi hơi, hệ thống lạnh

+ Xây dựng các biển báo, quy trình vận hành máy móc thiết bị an toàn,...

+ Xây dựng quy trình sử dụng và bảo quản hoá chất tẩy rửa, khử trùng,...

- Công trình xử lý tiếng ồn, khí thải, bụi,....

- Xây dựng tường rào, trồng cây xanh, cây cảnh,...

6.2. Chương trình quản lý môi trường

Với tầm quan trọng của công tác quản lý môi trường nêu trên, phần nội dung này cần đề cập đến các hoạt động của cơ sở dưới góc độ bảo vệ môi trường và thông thường bao gồm:

- Mô hình tổ chức, cơ cấu nhân sự cho công tác quản lý môi trường.

- Lập kế hoạch quản lý, triển khai các công tác bảo vệ môi trường tương ứng cho các giai đoạn: chuẩn bị mặt bằng, thi công công trình và vận hành công trình.

- Kế hoạch vệ sinh công nghiệp, an toàn thực phẩm và sản xuất sạch hơn

- Kế hoạch đào tạo, giáo dục nâng cao nhận thức môi trường, phòng chống sự cố môi trường và các nội dung quản lý môi trường khác có liên quan đến dự án

6.3. Chương trình quan trắc, giám sát môi trường

Quan trắc môi trường là một trong những hoạt động quan trọng của công tác quản lý chất lượng môi trường và cũng là một trong những phần rất quan trọng của công tác ĐTM.

Quan trắc môi trường là việc xác định một cách có hệ thống các số liệu về môi trường thông qua hàng loạt các lần đo đạc.

Theo dõi diễn biến chất lượng môi trường và kiểm soát mức độ gây ô nhiễm của Dự án sẽ do chính bản thân chủ đầu tư đứng ra tổ chức thực hiện với sự kết hợp với các cơ quan chuyên môn có chức năng. Việc giám sát, quan trắc môi trường cần phải được tiến hành liên tục trong suốt quá trình hoạt động của dự án. Chương trình giám sát, quan trắc môi trường cần xác định rõ:

- Ðối tượng quan trắc môi trường.

- Chỉ tiêu quan trắc môi trường

- Lựa chọn điểm quan trắc môi trường

- Thời gian và tần suất quan trắc.

- Nhu cầu thiết bị quan trắc.

- Nhân lực phục vụ cho quan trắc.

- Dự trù kinh phí cho quan trắc môi trường.

Các điểm quan trắc, giám sát môi trường phải được thể hiện trên bản đồ có độ chính xác và số liệu quan trắc môi trường phải được cập nhật, lưu giữ...

Các bước tiến hành quan trắc bao gồm:

- Xác định giới hạn, bản đồ, sơ đồ đo đạc, lấy mẫu,...

- Lựa chọn các chỉ tiêu cần quan trắc

- Tiến hành đo đạc, phân tích, lấy số liệu môi trường

- Đánh giá chất lượng môi trường thông qua việc so sánh, đối chiếu với Tiêu chuẩn Môi trường Việt Nam 2005.

6.4. Ðối tượng, chỉ tiêu quan trắc, giám sát môi trường

Những đối tượng quan trọng nhất cần phải có một chương trình giám sát chi tiết, cụ thể đối với dự án nhà máy CBTS là môi trường không khí, môi trường nước và môi trường đất  .

6.4.1. Giám sát môi trường không khí

- Ðối với môi trường không khí bên trong hàng rào nhà máy: Tại các phân xưởng sản xuất, lò hơi, phòng máy lạnh, khu vực sấy, nghiền,...

- Ðối với môi trường không khí khu vực xung quanh nhà máy:

+ Các điểm đo cách ống khói nhà máy ở những khoảng cách phù hợp theo hướng gió chủ đạo về mùa đông và mùa hè.

+ Các điểm đo tại những điểm dân cư ở những khoảng cách phù hợp theo hướng gió chủ đạo về mùa đông và mùa hè.

- Các điểm đo phải có bản đồ xác định địa điểm lấy mẫu kèm theo

- Thông số cần giám sát: Tiếng ồn, nhiệt độ, độ ẩm, bụi lơ lửng, khí SO2, H2S, NO2, NH3, CO và CO2.

+ Tại khu vực hệ thống XLNT cần giám sát: mùi, khí CH4, H2S.

Việc xác định các chỉ tiêu phân tích mẫu khí thải cũng căn cứ vào tiêu chuẩn Việt nam về khí thải công nghiệp và căn cứ vào các loại hình chế biến cụ thể, có thể lựa chọn các chỉ tiêu  phân tích mẫu khí thải như sau:

Bảng 6.1. Phân tích các chỉ tiêu chất lượng không khí trong các nhà máy  CBTS

TT

Thông số

Đông lạnh

Đồ hộp

Hàng khô

Bột cá

Nước mắm

Agar

1

Bụi lơ lửng

x

x

x

2

SO2

x

x

x

3

NO2

x

x

x

4

CO

x

x

x

x

x

5

NH3

x

x

x

x

x

6

Độ ẩm

x

x

7

CO2

x

x

x

x

8

Nhiệt độ

x

x

x

x

x

9

H2S

x

x

x

10

Clo

x

x

6.4.2. Giám sát môi trường nước

- Ðối với các công trình XLNT: 1 điểm đầu vào và 1 điểm đầu ra của hệ thống XLNT.

- Ðối với vực nước mặt tiếp nhận nước thải của nhà máy: Một vài điểm trên và dưới nơi tiếp nhận nước thải.

- Thông số cần giám sát: pH, độ đục, chất rắn lơ lửng, BOD5, COD, TN, TP, Coliforms...

Bảng 6.2. Phân tích các chỉ tiêu chất lượng nước thải trong các nhà máy CBTS

TT

Thông số

Đông lạnh

Đồ hộp

Hàng  khô

Bột cá

Nước mắm

Agar

1

pH

x

x

x

x

2

Nhiệt độ

x

x

x

x

3

TSS

x

x

x

x

x

x

4

Tổng N

x

x

x

x

x

5

Tổng P

x

x

x

x

x

6

BOD5

x

x

x

x

x

x

7

COD

x

x

x

x

x

x

8

Lipit(cá, surimi)

x

x

x

9

Coliform

x

x

x

x

x

10

Màu (sau xử lý)

x

x

x

x

11

Clo dư

x

x

x

x

x

6.4.3. Giám sát môi trường đất

Lựa chọn vị trí giám sát môi trường đất tại vùng đất bị ô nhiễm do bụi than, khí độc hoặc vùng đất bị ngập bởi nước thải.

Yếu tố giám sát: hàm lượng mùn, N, P, K, kim loại nặng, vi sinh vật, dư lượng hoá chất.

6.4.4. Giám sát khác:

Chỉ phải giám sát các yếu tố: xói mòn, trượt, sụt, lở, lún đất; xói lở bờ sông, bờ suối, bờ hồ; bồi lắng lòng sông, lòng suối, lòng hồ; thay đổi mực nước mặt, nước ngầm; xâm nhập mặn; xâm nhập phèn; và các nguồn gây tác động khác (nếu có) trong trường hợp tại khu vực thực hiện dự án không có các trạm, điểm giám sát chung của cơ quan nhà nước, với tần suất phù hợp nhằm theo dõi được sự biến đổi theo không gian và thời gian của các yếu tố này. Các điểm giám sát phải được thể hiện cụ thể trên sơ đồ với chú giải rõ ràng.

* Đối với báo cáo ĐTM bổ sung cần nêu nên những thay đổi về chương trình quản lý và giám sát môi trường của dự án/cơ sở đang hoạt động (cho đến thời điểm lập báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung)

Chú ý:

- Việc thiết kế chương trình quan trắc, quan trắc tại hiện trường, phân tích trong phòng thí nghiệm, xử lý số liệu và báo cáo kết quả quan trắc phải tuân thủ theo Thông tư số 10/2007/TT-BTNMT ngày 22 tháng 10 năm 2007 về Hướng dẫn bảo đảm chất lượng và kiểm soát chất lượng trong quan trắc môi trường.

- Tần suất giám sát cho từng thành phần môi trường theo hướng dẫn của Thông tư 08/2006/TT-BTNMT (tần suất giám sát đối với chất thải là 3 tháng/lần, môi trường xung quanh 6 tháng/lần).

Chương 7:

DỰ TOÁN KINH PHÍ CHO CÁC CÔNG TRÌNH MÔI TRƯỜNG

Tất cả các công trình xử lý môi trường, các thiết bị, dụng cụ giảm thiểu ONMT dự kiến xây dựng, lắp đặt và mua sắm, các chi phí giám sát và quan trắc môi trường từ khi tiến hành xây dựng và trong quá trình hoạt động của dự án phải được lập dự toán kinh phí đầy đủ, nhằm đảm bảo tính thực thi của chủ dự án CBTS.

Việc dự toán kinh phí cho các công trình môi trường được thực hiện theo:

1. Các tài liệu, hồ sơ liên quan đến dự án: Báo cáo đầu tư, luận chứng kinh tế - kỹ thuật,....

2. Các tài liệu kỹ thuật liên quan: chỉ tiêu, định mức, tính toán thiết kế, thông số kỹ thuật của máy móc thiết bị, các báo giá kèm theo,...

3. Các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, đặc biệt là Nghị định số 99/2007/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về Quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình.

Chương 8:

THAM VẤN Ý KIẾN CỘNG ĐỒNG

- Chủ dự án gửi văn bản đến Ủy ban nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã, phường thông báo về những nội dung cơ bản của dự án, những tác động xấu về môi trường của dự án, những biện pháp giảm thiểu tác động xấu về môi trường sẽ áp dụng và đề nghị góp ý kiến bằng văn bản.

- Trong trường hợp Ủy ban nhân dân hoặc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã, phường có yêu cầu đối thoại, chủ dự án phải phối hợp thực hiện. Kết quả cuộc đối thoại được ghi thành biên bản, trong đó phản ảnh đầy đủ những ý kiến đã thảo luận, ý kiến tiếp thu hoặc không tiếp thu của chủ dự án; biên bản có chữ ký (ghi họ tên, chức danh) của người chủ trì cuộc đối thoại và chủ dự án hoặc đại diện chủ dự án, kèm theo danh sách đại biểu tham dự.

- Những ý kiến tán thành, không tán thành của Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã, phường, của đại biểu tham dự cuộc đối thoại phải được thể hiện trong nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường.

- Các văn bản góp ý kiến của Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã, phường, biên bản cuộc đối thoại và các văn bản tham vấn cộng đồng khác (nếu có) phải được sao và đính kèm trong phần phụ lục của báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án.

Chương 9:

CHỈ DẪN NGUỒN CUNG CẤP SỐ LIỆU, DỮ LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP ĐÁNH GIÁ

9.1 Nguồn cung cấp số liệu, dữ liệu

Trong phần này, cần phải cung cấp đầy đủ thông tin sau đây:

- Nguồn tài liệu, dữ liệu tham khảo:

Liệt kê các tài liệu, dữ liệu tham khảo với các thông số về: tên gọi, xuất xứ thời gian, tác giả, nơi lưu giữ hoặc nơi phát hành của tài liệu, dữ liệu.

- Nguồn tài liệu, dữ liệu do chủ dự án tự tạo lập:

Liệt kê các tài liệu, dữ liệu đã tạo lập; xuất xứ thời gian, địa điểm mà tài liệu, dữ liệu được tạo lập.

9.2. Phương pháp áp dụng trong quá trình ĐTM

Mô tả tất cả các phương pháp đã sử dụng trong quá trình ĐTM.

- Danh mục các phương pháp sử dụng: Liệt kê đầy đủ các phương pháp đã sử dụng trong quá trình tiến hành ĐTM và lập báo cáo ĐTM, bao gồm các phương pháp về ĐTM, các phương pháp điều tra, khảo sát, nghiên cứu, thí nghiệm và các phương pháp có liên quan khác.

- Đánh giá mức độ tin cậy của các phương pháp đã sử dụng: Đánh giá mức độ tin cậy của phương pháp theo thang mức định tính hoặc định lượng tuỳ thuộc vào bản chất, tính chất và tính đặc thù của từng phương pháp áp dụng.

9.3. Nhận xét về mức độ chi tiết, độ tin cậy của các đánh giá

Nhận xét khách quan về mức độ chi tiết, độ tin cậy của các đánh giá về các tác động môi trường, các rủi ro về sự cố môi trường có khả năng xảy ra khi triển khai dự án và khi không triển khai dự án. Đối với những vấn đề còn thiếu độ tin cậy cần thiết, phải nêu lý do khách quan và lý do chủ quan (thiếu thông tin, dữ liệu; số liệu, dữ liệu hiện có đã bị lạc hậu; thiếu phương pháp; độ tin cậy của phương pháp có hạn; trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ về ĐTM có hạn; các nguyên nhân khác)

KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

1. Kết luận

Phải có kết luận về những vấn đề như: Đã nhận dạng và đánh giá được hết những tác động chưa, còn cái gì chưa rõ; đánh giá tổng quát về mức độ, quy mô của những tác động đã xác định; mức độ khả thi của các biện pháp giảm thiểu tác động; những tác động tiêu cực nào không thể có biện pháp giảm thiểu vì vượt quá khả năng cho phép của chủ dự án và kiến nghị hướng giải quyết.

2. Kiến nghị

Kiến nghị với các cấp, các ngành liên quan giúp giải quyết những vấn đề vượt khả năng giải quyết của dự án.

PHỤ LỤC 1

Một số biểu mẫu xử lý số liệu môi trường nền cho các dự án chế biến thủy sản

1. Môi trường đất

Biểu mẫu 01. Hiện trạng sử dụng đất ở khu vực dự án

Thời điểm khảo sát:......................................................

Cơ quan/đơn vị khảo sát:..............................................

TT

Mục đích sử dụng

Diện tích các loại đất

Ghi chú

Tổng

I

II

III

1.

Ðất nông nghiệp

2.

Ðất lâm nghiệp

3.

Ðất ở

4.

Ðất khác

...................

Tổng diện tích đất tự nhiên

Biểu mẫu 02. Kết quả phân tích chất lượng đất

Thời gian lấy mẫu....................................................

Vị trí lấy mẫu:..........................................................

Thời gian phân tích:.......................................................

Cơ quan/đơn vị phân tích:..............................................

TT

Chỉ tiêu

Ðơn vị

Ðiểm đo/lấy mẫu

Phương pháp lấy mẫu/thiết bị đo

Số 1

Số...

1

Hàm lượng chất hữu cơ

mg/kg

2

Nitơ tổng số

mg/kg

3

Phốtpho tổng số

mg/kg

4

Ðộ pH

2. Môi trường nước

Biểu mẫu 03. Kết quả phân tích chất lượng nước mặt

Thời gian lấy mẫu.....................................................

Vị trí lấy mẫu:...........................................................

Thời gian phân tích:........................................................

Cơ quan/đơn vị phân tích:...............................................

TT

Chỉ tiêu

Ðơn vị

Ðiểm đo/lấy mẫu

Phương pháp lấy mẫu/phân tích, thiết bị đo

Số 1

Số...

1

Nhiệt độ

oC

2

pH

-

3

BOD5

mg/l

4

COD

mg/l

5

TSS

mg/l

6

DO

mg/l

7

NO3

mg/l

8

NO2

mg/l

9

Amoni

mg/l

10

Tổng N

mg/l

11

Tổng P

mg/l

12

Dầu mỡ 

mg/l

13

Clorua

mg/l

14

Coliform

MPN/100 ml

Biểu mẫu 04. Kết quả phân tích chất lượng nước ngầm

Thời gian lấy mẫu....................................................

Vị trí lấy mẫu:..........................................................

Thời gian phân tích:.......................................................

Cơ quan/đơn vị phân tích:..............................................

TT

Chỉ tiêu

Ðơn vị

Ðiểm đo/lấy mẫu

Phương pháp lấy mẫu/phân tích, thiết bị đo

Số 1

Số...

1

Nhiệt độ

oC

2

pH

-

3

BOD5

mg/l

4

COD

mg/l

5

TSS

mg/l

6

DO

mg/l

7

NO3

mg/l

8

NO2

mg/l

9

Amoni

mg/l

10

Tổng N

mg/l

11

Tổng P

mg/l

12

Clorua

mg/l

3. Môi trường không khí

Biểu mẫu 05. Số liệu khí tượng thủy văn

Vị trí điểm đo:....................................... ……

Ngày đo: ........................................................

Cơ quan/đơn vị thực hiện:...................................

TT

Chỉ tiêu

Ðơn vị

Ðiểm đo/lấy mẫu

Phương pháp lấy mẫu/phân tích, thiết bị đo

Số 1

Số...

1

Hướng gió

2

Tốc độ gió

m/s

3

Nhiệt độ

0C

4

Ðộ ẩm

%

5

Áp suất

mbar

- Các số liệu khí tượng thủy văn khác tại vùng dự án:

+ Lượng mưa

+ Các hiện tượng thời tiết bất thường, lũ lụt, ngập úng,..

  + Sông, suối, đầm hồ (lưu lượng chế độ dòng chẩy)

Biểu mẫu  06. Chất lượng môi trường không khí

Thời gian lấy mẫu....................................................

Vị trí lấy mẫu:..........................................................

Thời gian phân tích:.......................................................

Cơ quan/đơn vị phân tích:..............................................

TT

Chỉ tiêu

Ðơn vị

Ðiểm đo/lấy mẫu

Phương pháp lấy mẫu/phân tích, thiết bị đo

TCVN để so sánh

Số 1

Số...

1

CO

mg/m3

2

CO2

%V

3

NO2

mg/m3

4

SO2

mg/m3

5

Bụi

mg/m3

6

Hydrocacbon

mg/m3

7

H2S

mg/m3

8

NH3

mg/m3

9

Clo

mg/m3

4. Tiếng ồn khu vực

Biểu mẫu 07. Kết quả khảo sát tiếng ồn khu vực

Vị trí đo: ........................................................

Ngày đo: ........................................................

Cơ quan/đơn vị thực hiện:....................................

Thời gian/địa điểm khảo sát

Độ ồn TB

(dBA)

Độ ồn cực đại

(dBA)

Phương pháp/thiết bị đo

TCVN để so sánh

5. Hiện trạng kinh tế - xã hội khu vực dự án.

Biểu mẫu 08. Phiếu điều tra hiện trạng kinh tế - xã hội

1. Khu vực điều tra:

- Tên khu vực điều tra:

- Số hộ dân: ..... (hộ). Tổng số dân: ..........(người). Bình quân:........ người/hộ.

- Tỷ lệ tăng dân số trung bình: ................. %.

2. Tình trạng đất đai:

- Tổng diện tích đất:............... (ha). Trong đó đất nông nghiệp: ............. (ha).

- Ðất công nghiệp: ..................(ha). Ðất khác: ........................................ (ha).

3. Tình hình kinh tế:

- Số hộ làm nông nghiệp: .............. (hộ). Phi nông nghiệp:...................... (hộ)

- Số người làm trong các xí nghiệp công nghiệp tại địa phương:............. (người)

- Thu nhập: Bình quân:......... đ/tháng.                   Cao nhất:............ đ/tháng

                   Thấp nhất:...........đ/tháng

- Số hộ giàu: ..........................(hộ). Số hộ nghèo:..............(hộ)

4. Các công trình công cộng, hạ tầng cơ sở trong khu vực:

- Cơ quan, Trường học, Viện nghiên cứu:................... (cơ sở)

- Nhà máy, Xí nghiệp công nghiệp: .............................(cơ sở)

- Bệnh viện, Trạm Y tế: ...............................................(cơ sở)

- Chợ: ..................... (cơ sở). Nghĩa trang:....................(cơ sở)

- Ðình, chùa, nhà thờ: ..................................................(cơ sở)

- Trình trạng giao thông, đường:

+ Ðường đất:........................ %.                       + Ðường cấp phối: ............%

+ Ðường bê tông: ...............  %.                       + Ðường gạch:.................. %

- Tình trạng cấp điện, nước:

+ Số hộ được cấp điện: ............. (hộ).

+ Số hộ được cấp nước: ............ (hộ)

5. Tình hình sức khoẻ:

- Số người mắc bệnh truyền nhiễm: ....... (người).

- Bệnh mãn tính: .....................................(người)

- Bệnh nghề nghiệp:.................................(người)

6. Các yêu cầu và kiến nghị của địa phương về vệ sinh môi trường:

..............................................................................................................................................

Xác nhận của địa phương

...................., Ngày..... tháng...... năm .......
Cơ quan/đơn vị điều tra
(Ký và ghi rõ họ tên)

PHỤ LỤC 2

Một số sơ đồ dây chuyền công nghệ XLNT thường được áp dụng trong các cơ sở CBTS.

Hình 1. Sơ đồ dây chuyền công nghệ XLNT CBTS công suất Q = 50 – 100 m3/ngày, BOD đầu vào < 500mg/l

Hình 2. Sơ đồ dây chuyền công nghệ XLNT CBTS công suất Q = 100 – 1500 m3/ngày, BOD đầu vào > 500 mg/l.

Hình 3. Sơ đồ dây chuyền công nghệ XLNT CBTS công suất Q = 100 – 1500 m3/ngày, BOD đầu vào > 500 mg/l

Hình 4. Sơ đồ dây chuyền công nghệ XLNT CBTS công suất Q = 100 – 1500 m3/ngày, BOD đầu vào > 500 mg/l, Cl> 1000 mg/l

Hình 5. Sơ đồ dây chuyền công nghệ XLNT CBTS công suất Q = 1500 – 5000 m3/ngày, BOD đầu vào < 500 mg/l. (L0)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

(Phục vụ công tác ĐTM trong CBTS)

Tài liệu Tiếng Việt

1. Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường - Cục Môi trường. Hướng dẫn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường Dự án nhà máy bia - rượu - nước giải khát, Hà Nội 1999 .

2. Chỉ thị 36/2008/CT-BNN , ngày 20/2/2008 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về việc tăng cường hoạt động bảo vệ môi trường trong Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

3. Hồng Xuân Cơ, Phạm Ngọc Hồ. Giáo trình đánh giá tác động môi trường. Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội, 1998.

4. Lê Hồng Hạnh và ctv. Giáo trình Luật Môi trường. Trường Đại học Luật Hà Nội,NXB Công an nhân dân, 2002.

5. Luật Bảo vệ môi trường Số 52/2005/QH11 ngày 29/11/2005, có hiệu lực từ ngày 01/07/2006 của Nước CHXHCN Việt Nam.

6. Luật Thuỷ sản (Luật số 17/2003/QH11) của Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam.

7. Nghị định số 21/2008/NĐ-CP ban hành ngày 28/2/2008 của Chính phủ về Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường

8. Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09/8/2006 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

9.  Nghị định số 81/2006/NĐ-CP ngày 09/8/2006 của Chính phủ Về xử phạt vi phạm hành chính trong linh vực bảo vệ môi trường.

10. Nghị định số 99/2007/NĐ-CP ngày 13/6/2007 của Chính phủ về Quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình.

11.  Quyết định số 13/2006/QÐ-BTNMT ngày 08/9/2006 của Bộ Tài nguyên Môi trường về việc Ban hành Quy chế về tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định báo cáo dánh giá môi trường chiến lược, Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.

12. Quyết định số 19/2002/QĐ-BTS ngày 18/9/2002 ban hành Quy chế Quản lý môi trường cơ sở chế biến thủy sản.

13. Thông tư Số 02/2006/TT-BTS ngày 20/03/2006 của Bộ Thuỷ sản . Hướng dẫn thực hiện Nghị định của Chính phủ số 59/2005/NĐ-CP ngày 04/5/2005 về điều kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thuỷ sản.

14. Thông tư số 07/2007/TT-BTNMT về Hướng dẫn phân loại và quyết định danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường cần phải xử lý.

15. Thông tư số 08/2006/TT-BTNMT ngày 08/9/2006 của Bộ Tài nguyên và Môi trường Hướng dẫn về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường.

16. Thông tư số 10/2007/TT-BTNMT ngày 22/10/2007 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về Hướng dẫn bảo đảm chất lượng và kiểm soát chất lượng trong quan trắc môi trường.

TCVN và TCN

A- Các tiêu chuẩn liên quan đến chất lượng không khí

1. TCVN 5937-2005 - Chất lượng không khí - Tiêu chuẩn chất lượng không khí xung quanh

2. TCVN 5938-2005 - Chất lượng không khí - Nồng độ tối đa cho phép của một số chất độc hại trong không khí xung quanh

3. TCVN 5939-2005 - Chất lượng không khí - Tiêu chuẩn khí thải công nghiệp đối với bụi và các chất vô cơ

4. TCVN 5940-2005 - Chất lượng không khí - Tiêu chuẩn khí thải công nghiệp đối với các chất hữu cơ

7. TCVN 6991:2001 - Chất lượng không khí - Khí thải công nghiệp - Tiêu chuẩn thải theo thải lượng của các chất vô cơ trong khu công nghiệp.

8. TCVN 6992:2001 - Chất lượng không khí - Khí thải công nghiệp - Tiêu chuẩn thải theo thải lượng của các chất vô cơ trong vùng đô thị

10. TCVN 6994:2001 - Chất lượng không khí - Khí thải công nghiệp - Tiêu chuẩn thải theo thải lượng của các chất hữu cơ trong khu công nghiệp.

11. TCVN 6995:2001 - Chất lượng không khí - Khí thải công nghiệp - Tiêu chuẩn thải theo thải lượng của các chất hữu cơ trong vùng đô thị.

B- Các tiêu chuẩn liên quan đến tiếng ồn

1. TCVN 5949-1998 - Âm học - Tiếng ồn khu vực công cộng và dân cư - Mức ồn tối đa cho phép

C- Các tiêu chuẩn liên quan đến chất lượng nước

1. TCVN 5942-1995 - Chất lượng nước - Tiêu chuẩn chất lượng nước mặt

2. TCVN 5943-1995 - Chất lượng nước - Tiêu chuẩn chất lượng nước biển ven bờ.

3. TCVN 5944-1995 - Chất lượng nước - Tiêu chuẩn chất lượng nước ngầm

4. TCVN 5945-2005 - Nước thải công nghiệp - Tiêu chuẩn thải

5. TCVN 6772:2000 - Chất lượng nước - Nước thải sinh hoạt- Giới hạn ô nhiễm cho phép.

6. TCVN 6773:2000 - Chất lượng nước - Chất lượng nước dùng cho thủy lợi.

7. TCVN 6774:2000 - Chất lượng nước - Chất lượng nước ngọt bảo vệ đời sống thủy sinh.

D- Các tiêu chuẩn liên quan đến chất lượng đất

1. TCVN 5941-1995 - Chất lượng đất - Giới hạn tối đa cho phép của dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật trong đất.

E- Các tiêu chuẩn liên quan đến rung động

1. TCVN 6962:2001 - Rung động và chấn động - Rung động do các hoạt động xây dựng và sản xuất công nghiệp - Mức độ tối đa cho phép đối với môi trường khu công cộng và dân cư.

F- Về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cơ sở chế biến thủy sản, kinh doanh nguyên liệu dùng cho chế biến thủy sản:

1. Tiêu chuẩn Ngành 28TCN130: 1998 Cơ sở chế biến thuỷ sản - Điều kiện chung đảm bảo VSATTP;

2. Tiêu chuẩn Ngành 28TCN137: 1999 Cơ sở sản xuất đồ hộp - Điều kiện đảm bảo VSATTP;

3. Tiêu chuẩn Ngành 28TCN138: 1999 Cơ sở chế biến thuỷ sản ăn liền - Điều kiện đảm bảo VSATTP;

4. Tiêu chuẩn Ngành 28TCN139: 1999 Cơ sở chế biến thuỷ sản khô - Điều kiện đảm bảo VSATTP;

5. Tiêu chuẩn Ngành 28TCN175: 2002 Cơ sở sản xuất nước mắm - Điều kiện đảm bảo VSATTP.

6. Tiêu chuẩn Ngành 28TCN136: 1999 Cơ sở sản xuất nhuyễn thể hai mảnh vỏ - Điều kiện đảm bảo VSATTP.

7. Tiêu chuẩn Ngành 28TCN129: 1998 Cơ sở chế biến thủy sản theo chương trình quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm.

8 Tiêu chuẩn Ngành 28TCN156:2000 Quy định sử dụng phụ gia thực phẩm trong chế biến thủy sản.

Tài liệu nước ngoài

1. Brinsfield, Russel B. And Douglas G. Phillips. 1977. “Waste Treatment and Disposal From Seafood Processing Plants - Xử lý chất thải và phế liệu từ các nhà máy chế biến thuỷ sản.” U.S. Environmental Protection Agency, ADA, OK 74820.

2. Carawan, Roy E., David P. Green, Frank B. Thomas, and Sam D. Thomas. 1986. Reduction in Waste Load From a Seafood Processing Plant - Giảm thiểu chất thải từ nhà máy chế biến thuỷ sản. The North Carolina Agricultural Extension Service. North Carolina State University, Raleigh, NC27695.89 PP.

3. Enviromental impact assessment in Thailand – Đánh giá tác động môi trưởng ở Thái Lan, South Africa, Malaysia and Denmark, Working report, February 2003.

4. Environmental Impact Assessment In Japan – Đánh giá tác động môi trường ở Nhật Bản, Ministry of the Environment, Government of Japan.

5. Environmental Impact Assessment Regulations and Strategic Environmental Assessment Requirements – Các yêu cầu và quy định về đánh giá tác động môi trường và đánh giá tác động môi trường chiến lược, Practices and Lessons Learned in East and Southeast Asia, April 2006.

6. Environmental Impacts from Meat and Fish Processing – Các tác động tới môi trường từ các cơ sở chế biến thịt và cá, Meat Research Corporation (MRC), 1995.

7. Guideline On Environmental Impact Assessment For Veterinary Medicinal Products - Hướng dẫn đánh giá tác động môi trường trong sản xuất thuốc thú y. Phase II, European Medicines Agency  Veterinary Medicines and Inspections, October 2005.

8. Guidelines for Environmental Management of Aquaculture Investments in Vietnam – Quy chế quản lý mô trường vùng nuôi trồng thuỷ sản, Technical Note, June 2006.

9. J. De Wit, P.T. Westra, A.J. Nell. Environmental Impact Assessment of Landless Livestock Ruminant Production Systems – Đánh giá tác động môi trường của hệ thống chăn nuôi gia súc, International Agriculture Center Wageningen, the Netherlands, January, 1996.

10. Composite Guidelines for the Environmental Assessment of Coastal Aquaculture Development - Hướng dẫn đánh giá tác động môi trường phát triển nuôi trồng thuỷ sản ven biển. Volume 1:  Guidelines, Aquaculture and Aquatic Resources Management Program, Asian Institute of Technology, Bangkok, Thailand.

11. Management Of Wastes From  Atlantic Seafood Processing Operations - Quản lý chất thải từ công nghiệp chế biến thuỷ sản, Final Report, Submitted by: AMEC Earth & Environmental Limited, December 5, 2003.

12. Roy E. Carawan, Ph.D. Processing Plant Waste Management Guidelines -Aquatic Fishery Products - Hướng dẫn quản lý chất thải trong các cơ sở chế biến thuỷ sản, Department of Food Science North Carolina State University, 1991.

Website:

1. http//www.nea.g

2. ov.vn - Cục Bảo vệ Môi trường

3. http://www.monre.gov.vn - Bộ Tài nguyên & Môi trường

DANH SÁCH NHỮNG NGƯỜI THỰC HIỆN

TT

Họ và tên

Cơ quan công tác

A

Chủ nhiệm nhiệm vụ

Đào Trọng Hiếu

Viện nghiên cứu Hải sản

B

Cán bộ tham gia nhiệm vụ

1

Đỗ Văn Nam

Vụ KHCN&MT (Bộ NN&PTNT)

2

Đặng Khánh

- nt -

3

Nguyễn Tiến Long

- nt -

4

Trần Lưu Khanh

TTQG quan trắc và cảnh báo MT

5

Đào Duy Hùng

Viện nghiên cứu Hải sản

6

Hoàng Thị Phượng

- nt -

7

Vũ Xuân Sơn

- nt -

8

Trần Thị Ngà

- nt -

9

Lê Hương Thuỷ

- nt -

10

Ngô Thị Thức

- nt -

DANH SÁCH CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ ĐÃ THAM GIA GÓP Ý CHO BẢN HƯỚNG DẪN

STT

TÊN CƠ QUAN, ĐƠN VỊ

1

Bộ TN&MT

2

Bộ Giao thông vận tải

3

Bộ KHCN

4

Bộ Công thương

5

Bộ Y tế

6

Ủy ban nhân dân, Bạc Liêu

7

Ủy ban nhân dân, Quảng Bình

8

Vụ KHCN - Bộ NN&PTNT

9

Vụ Pháp chế - Bộ NN&PTNT

10

Cục Chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối - Bộ NN&PTNT

11

Chi cục Chất lượng, ATVS và thú y thủy sản vùng 1 (Nafiqaved 1), HP

12

Chi cục Chất lượng, ATVS và thú y thủy sản vùng 3 (Nafiqaved 3) Nha Trang

13

Viện Nghiên cứu hải sản, Hải Phòng

14

Viện Kinh Tế & Quy hoạch thuỷ sản, Hà Nội

15

Viện Công nghệ thực phẩm, Hà Nội

16

Viện Công nghệ sinh học và Môi trường, ĐH Nha Trang

17

Sở KHCN, Hải Phòng

18

Sở TN&MÔI TRƯờNG, Hà Tây

19

Sở TN&MT, Hải Phòng

20

Sở Thuỷ sản, Hải Phòng

21

Sở Thuỷ sản, Cà Mau

22

Sở NN&PTNT Cần Thơ

23

Sở NN&PTNT Đà Nẵng

24

Sở NN&PTNT Tuyên Quang

25

Sở Tài nguyên và Môi trường, Khánh Hòa

26

Sở Thủy sản, Khánh Hòa

27

Sở Khoa học và Công nghệ, Khánh Hòa

28

Thanh tra Sở Thuy sản, Hải Phòng

29

TT năng suất Việt Nam

30

TT Tư vấn kỹ thuật về Môi trường - Hải Phòng

31

TT Công nghệ sinh học và môi trường (Enbiotech) – ĐH Dân Lập - HP

32

TT Quốc gia quan trắc và cảnh báo Môi trường – VHS

33

TT Khuyến ngư Hải Phòng

34

TT Khuyến ngư Khánh Hoà

35

TT Y học dự phòng - Hải Phòng

36

Doanh nghiệp tư nhân Chín Tuy

37

Cty CBTS F42 - Hải Phòng

38

Cty TNHH Chế biến và XK thủy sản Việt Trường -  Hải Phòng

39

Cty Đồ hộp Hạ Long - Hải Phòng

40

Công ty cổ phần Nha Trang Seafood – F17

41

Công ty TNHH Trúc An

42

Công ty TNHH Hoàng Hải, Nha Trang

43

Cơ Sở CB nước mắm Minh Tiến, Nha Trang

44

Công ty CBTS Nha Trang Fishco – F115

45

Công ty Đồ hộp thủy sản Nafico Nha Trang

46

Công ty cổ phần nước mắm, Nha Trang

47

Công ty TNHH Đại Thuận, Nha Trang

48

Tạp chí Thủy sản - Bộ NN&PTNT

49

Phòng NC CN Sau thu hoạch - VHS

50

Khoa Chế biến thủy sản (Bộ môn AT thực phẩm, công nghệ CBTS), ĐHNT

51

Khoa Nuôi trồng thủy sản (Bộ môn Quản lý Môi trường), ĐHNT

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 4085/QĐ-BNN-KHCN ngày 22/12/2008 về việc ban hành Hướng dẫn đánh giá tác động môi trường trong chế biến thủy sản do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


4.027

DMCA.com Protection Status
IP: 3.17.166.157
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!