ỦY
BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
3843/QĐ-UBND
|
Thành
phố Hồ Chí Minh, ngày 10 tháng 11 năm 2021
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH PHƯƠNG ÁN PHÒNG, CHỐNG, ỨNG PHÓ THIÊN TAI THEO CẤP ĐỘ RỦI RO
THIÊN TAI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa
phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số
điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22
tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai
ngày 16 tháng 9 năm 2013; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống
thiên tai và Luật Đê điều ngày 17 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Khí tượng Thủy văn
ngày 23 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Luật Lâm nghiệp ngày 15
tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Nghị định số 66/2021/NĐ-CP
ngày 06 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của
Luật Phòng, chống thiên tai và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều;
Căn cứ Quyết định số 379/QĐ-TTg
ngày 17 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia
phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Căn cứ Quyết định số
18/2021/QĐ-TTg ngày 22 tháng 4 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về dự
báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai;
Quyết định số 02/QĐ-TWPCTT ngày 18
tháng 02 năm 2020 của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai về ban
hành sổ tay hướng dẫn xây dựng phương án ứng phó tương ứng theo các cấp độ rủi
ro thiên tai;
Căn cứ Quyết định số 2901/QĐ-BTNMT
ngày 16 tháng 12 năm 2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc công bố kết
quả cập nhật phân vùng bão, xác định nguy cơ bão, nước dâng do bão và phân vùng
gió cho các vùng ở sâu trong đất liền khi bão mạnh, siêu bão đổ bộ;
Căn cứ Quyết định số
59/2011/QĐ-UBND ngày 21 tháng 9 năm 2011 của Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành
Quy định về công tác phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai trên
địa bàn Thành phố;
Căn cứ Quyết định số
30/2015/QĐ-UBND ngày 29 tháng 6 năm 2015 của Ủy ban nhân dân Thành phố về ban
hành Quy chế hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ tại Thành phố Hồ Chí Minh;
Căn cứ Quyết định số 3481/QĐ-UBND
ngày 07 tháng 10 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố về ban hành Kế hoạch
triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm
nhìn đến năm 2050 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh;
Theo đề nghị của Thường trực Ban
Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố tại Tờ trình số
117/TTr-PCTT ngày 25 tháng 10 năm 2021.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Phương án
phòng, chống, ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn Thành
phố.
Điều 2. Hiệu lực
thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực kể từ
ngày ký và thay thế Quyết định số 5208/QĐ-UBND ngày 16 tháng 10 năm 2015 của Ủy
ban nhân dân Thành phố về ban hành Phương án phòng, tránh, ứng phó thiên tai
theo cấp độ rủi ro thiên tai xảy ra trên địa bàn Thành phố.
2. Trường hợp các văn bản dẫn chiếu tại
Quyết định ban hành Phương án này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực
hiện theo văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế đó.
Điều 3. Tổ chức
thực hiện
Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên
tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố, Ban Chỉ huy cấp Thành phố về các vấn đề cấp
bách trong bảo vệ rừng và Phòng cháy chữa cháy rừng, Chánh Văn phòng Ủy ban
nhân dân Thành phố, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị Thành phố, Chủ tịch Ủy
ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận - huyện, phường - xã - thị trấn chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
KT.
CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Võ Văn Hoan
|
PHƯƠNG ÁN
PHÒNG, CHỐNG, ỨNG PHÓ THIÊN TAI THEO CẤP ĐỘ RỦI RO THIÊN TAI TRÊN ĐỊA
BÀN THÀNH PHỐ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3843/QĐ-UBND ngày 10 tháng 11 năm 2021 của Ủy
ban nhân dân Thành phố)
Chương I
MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
Điều 1. Mục
đích
Hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do
thiên tai gây ra, đặc biệt là người, tài sản và các công trình trọng điểm. Kịp
thời di dời, sơ tán dân ở khu vực xung yếu, có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi
thiên tai đến nơi tạm cư kiên cố, chắc chắn, nhất là đối với người già, người
khuyết tật, trẻ em và phụ nữ mang thai. Chủ động phương án sẵn sàng ứng phó với
thiên tai trong điều kiện dịch bệnh.
Điều 2. Yêu cầu
1. Huy động sức mạnh của toàn bộ hệ
thống chính trị; tất cả các ngành, các cấp quán triệt và thực hiện nghiêm túc
phương châm “bốn tại chỗ” (Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật
tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và nguyên tắc “ba sẵn sàng” (Phòng ngừa chủ động, ứng
phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả).
2. Nhân dân Thành phố theo dõi chặt
chẽ diễn biến của thiên tai, tình hình dịch bệnh (nếu có), nghiêm chỉnh chấp
hành các chỉ đạo, hướng dẫn, cảnh báo của chính quyền, cơ quan chức năng trong
suốt thời gian từ trước, trong và sau khi xảy ra thiên tai; đồng thời chủ động,
nâng cao ý thức tự giác tham gia cùng chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể ở địa
phương trong công tác phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả do thiên tai
gây ra.
Chương II
CÁC LOẠI THIÊN
TAI VÀ CẤP ĐỘ CỦA CÁC LOẠI THIÊN TAI CÓ KHẢ NĂNG ẢNH HƯỞNG ĐẾN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ
Điều 3. Các loại
thiên tai có khả năng ảnh hưởng đến Thành phố
1. Bão, áp thấp nhiệt đới.
2. Mưa lớn, lũ (xả lũ), ngập lụt và
nước dâng.
3. Gió mạnh trên biển.
4. Sạt lở đất (sạt lở bờ sông, bờ biển),
sụt lún đất.
5. Nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn.
6. Lốc, sét, mưa đá và sương mù.
7. Động đất, sóng thần.
8. Cháy rừng do tự nhiên.
Điều 4. Cấp độ rủi
ro thiên tai có khả năng xảy ra đối với các loại thiên tai có nguy cơ ảnh hưởng
đến Thành phố
1. Đối với bão: cấp độ rủi ro cao nhất
là cấp 5.
2. Đối với áp thấp nhiệt đới: cấp độ
rủi ro cao nhất là cấp 3.
3. Đối với mưa lớn: cấp độ rủi ro cao
nhất là cấp 2.
4. Đối với lũ (xả lũ), ngập lụt: cấp
độ rủi ro cao nhất là cấp 3.
5. Đối với nước dâng: cấp độ rủi ro
cao nhất là cấp 3.
6. Đối với gió mạnh trên biển: cấp độ
rủi ro cao nhất là cấp 2.
7. Sạt lở đất (sạt lở bờ sông, bờ biển),
sụt lún đất: cấp độ rủi ro cao nhất là cấp 2.
8. Đối với nắng nóng: cấp độ rủi ro
cao nhất là cấp 2.
9. Đối với hạn hán: cấp độ rủi ro cao
nhất là cấp độ 2.
10. Đối với xâm nhập mặn: cấp độ rủi
ro cao nhất là cấp 2.
11. Cháy rừng do tự nhiên: cấp độ rủi
ro cao nhất là cấp 5.
12. Đối với lốc, sét, mưa đá: cấp độ
rủi ro cao nhất là cấp 2.
13. Đối với sương mù: cấp độ rủi ro
cao nhất là cấp 2.
14. Đối với động đất: cấp độ rủi ro
cao nhất là cấp 5.
15. Đối với sóng thần: cấp độ rủi ro
cao nhất là cấp 5.
Chương III
PHÂN CẤP TRONG
CHỈ ĐẠO, CHỈ HUY, ĐIỀU HÀNH PHÒNG, CHỐNG, ỨNG PHÓ THIÊN TAI THEO CẤP ĐỘ RỦI RO
THIÊN TAI
Điều 5. Bão và áp
thấp nhiệt đói
1. Đối với bão và áp thấp nhiệt đới ở
cấp độ rủi ro là cấp độ 3
a) Cơ quan chỉ đạo: Ban Chỉ huy Phòng
chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố.
b) Cơ quan chỉ huy:
- Cấp Thành phố: Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tư lệnh Thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ
đội biên phòng Thành phố, Công an Thành phố, Sở Y tế, Sở Giao thông vận tải, Sở
Tài nguyên và Môi trường và các sở, ban, ngành liên quan.
- Cấp huyện: Chủ tịch Ủy ban nhân dân
thành phố Thủ Đức và các quận - huyện.
- Cấp xã: Chủ tịch Ủy ban nhân dân
phường - xã - thị trấn.
c) Lực lượng ứng cứu: Quân đội, Bộ đội
biên phòng, Công an, Y tế, Thanh niên xung phong, Kiểm ngư, lực lượng xung kích
và các lực lượng khác của Thành phố, cấp huyện, cấp xã.
d) Phương tiện, trang thiết bị: máy
bay trực thăng, các loại ca nô, tàu thuyền, xuồng, xe chuyên dụng, các loại
phao, áo phao cứu sinh và các trang thiết bị thông dụng và chuyên dụng khác.
2. Đối với bão ở cấp độ rủi ro là cấp
độ 4
a) Cơ quan chỉ đạo: Ủy ban nhân dân
Thành phố
b) Cơ quan chỉ huy:
- Cấp Thành phố: Ban Chỉ huy Phòng chống
thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố.
- Cấp huyện: Chủ tịch Ủy ban nhân dân
thành phố Thủ Đức và các quận - huyện.
- Cấp xã: Chủ tịch Ủy ban nhân dân
phường - xã - thị trấn.
c) Lực lượng ứng cứu: Quân đội, Bộ đội
biên phòng, Công an, Y tế, Thanh niên xung phong, Kiểm ngư, lực lượng xung kích
và các lực lượng khác của Thành phố, cấp huyện, cấp xã.
d) Phương tiện, trang thiết bị: máy
bay trực thăng, các loại ca nô, tàu thuyền, xuồng, xe lội nước, các loại phao,
áo phao cứu sinh và các trang thiết bị thông dụng và chuyên dụng khác.
3. Đối với bão ở cấp độ rủi ro là cấp
độ 5
Thực hiện theo chỉ đạo của Chủ tịch
nước về tình trạng khẩn cấp. Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ đạo, chỉ huy và huy
động tổng lực các lực lượng của Thành phố để ứng phó, khắc phục hậu quả thiên
tai.
Điều 6. Mưa lớn,
lũ, ngập lụt và nước dâng
1. Đối với mưa lớn, lũ (xả lũ), ngập
lụt ở cấp độ rủi ro là cấp độ 1
a) Cơ quan chỉ huy:
- Cấp huyện: Chủ tịch Ủy ban nhân dân
thành phố Thủ Đức và các quận - huyện.
- Cấp xã: Chủ tịch Ủy ban nhân dân
phường - xã - thị trấn.
b) Lực lượng ứng cứu: Quân đội, Công
an, Thanh niên xung phong, lực lượng xung kích và các lực lượng khác của cấp
huyện, cấp xã.
c) Phương tiện, trang thiết bị: các
loại ca nô, xuồng, trạm bơm, máy bơm nước và các trang thiết bị khác.
2. Đối với mưa lớn ở cấp độ rủi ro là
cấp độ 2 và lũ (xả lũ), ngập lụt, nước dâng ở cấp độ rủi ro là cấp độ 2, cấp độ
3
a) Cơ quan chỉ đạo: Ban Chỉ huy Phòng
chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố.
b) Cơ quan chỉ huy:
- Cấp Thành phố: Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tư lệnh Thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ
đội biên phòng Thành phố, Công an Thành phố, Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng
và các sở - ban - ngành liên quan.
- Cấp huyện: Chủ tịch Ủy ban nhân dân
thành phố Thủ Đức và các quận - huyện.
- Cấp xã: Chủ tịch Ủy ban nhân dân
phường - xã - thị trấn.
c) Lực lượng ứng cứu: Quân đội, Bộ đội
biên phòng, Công an, Thanh niên xung phong, lực lượng xung kích và các lực lượng
khác của Thành phố, cấp huyện, cấp xã.
d) Phương tiện, trang thiết bị: các
loại ca nô, tàu thuyền, xuồng, trạm bơm, máy bơm nước, các loại phao, áo phao cứu
sinh và các trang thiết khác.
Điều 7. Gió mạnh
trên biển: ở cấp độ rủi ro là cấp độ 2
1. Cơ quan chỉ đạo: Ban Chỉ huy Phòng
chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố.
2. Cơ quan chỉ huy:
- Cấp Thành phố: Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tư lệnh Thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ
đội Biên phòng Thành phố, Công an Thành phố, Sở Giao thông vận tải và các sở -
ban - ngành liên quan.
- Cấp huyện: Chủ tịch Ủy ban nhân dân
huyện Cần Giờ.
- Cấp xã: Chủ tịch Ủy ban nhân dân
các xã - thị trấn ven biển của huyện Cần Giờ.
3. Lực lượng ứng cứu: Quân đội, Bộ đội
biên phòng, Công an, Thanh niên xung phong, Kiểm ngư, lực lượng xung kích và
các lực lượng khác của Thành phố, huyện Cần Giờ, các xã - thị trấn của huyện Cần
Giờ.
4. Phương tiện, trang thiết bị: các
loại ca nô, tàu thuyền, xuồng, các loại phao, áo phao cứu sinh và các trang thiết
bị thông dụng và chuyên dụng khác.
Điều 8. Sạt lở đất,
sụt lún đất
1. Đối với sạt lở đất (sạt lở bờ
sông, bờ biển), sụt lún đất ở cấp độ rủi ro là cấp độ 1:
a) Cơ quan chỉ huy:
- Cấp huyện: Chủ tịch Ủy ban nhân dân
thành phố Thủ Đức và các quận - huyện.
- Cấp xã: Chủ tịch Ủy ban nhân dân
phường - xã - thị trấn.
b) Lực lượng ứng cứu: Quân đội, Bộ đội
biên phòng, Công an, lực lượng xung kích và các lực lượng khác của cấp huyện, cấp
xã.
c) Phương tiện, trang thiết bị: máy cẩu,
máy xúc, xà lan, ca nô, máy cắt bê tông, máy đục bê tông và các loại trang thiết
bị khác.
2. Đối với sạt lở đất (sạt lở bờ
sông, bờ biển), sụt lún đất ở cấp độ rủi ro là cấp độ 2:
a) Cơ quan chỉ đạo: Ban Chỉ huy Phòng
chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố.
b) Cơ quan chỉ huy:
- Cấp Thành phố: Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tư lệnh Thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ
đội biên phòng Thành phố, Công an Thành phố, Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng,
Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở - ban - ngành liên quan.
- Cấp huyện: Chủ tịch Ủy ban nhân dân
thành phố Thủ Đức và các quận - huyện.
- Cấp xã: Chủ tịch Ủy ban nhân dân
phường - xã - thị trấn.
c) Lực lượng ứng cứu: Quân đội, Bộ đội
biên phòng, Công an, Thanh niên xung phong, lực lượng xung kích và các lực lượng
khác của Thành phố, cấp huyện, cấp xã.
d) Phương tiện, trang thiết bị: máy cẩu,
máy xúc, xà lan, ca nô, máy cắt bê tông, máy đục bê tông và các loại trang thiết
bị khác.
Điều 9. Nắng
nóng, hạn hán, xâm nhập mặn
1. Đối với nắng nóng, hạn hán, xâm nhập
mặn ở cấp độ rủi ro là cấp độ 1
a) Cơ quan chỉ huy:
- Cấp huyện: Chủ tịch Ủy ban nhân dân
thành phố Thủ Đức và các quận - huyện.
- Cấp xã: Chủ tịch Ủy ban nhân dân
phường - xã - thị trấn.
b) Lực lượng ứng cứu: Công ty TNHH MTV
Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi và các lực lượng của cấp huyện, cấp xã.
c) Phương tiện, trang thiết bị: trạm
bơm, máy bơm nước, các hệ thống thiết bị làm mát, ngăn mặn, các thiết bị cấp nước
và các trang thiết bị khác.
2. Đối với nắng nóng, hạn hán, xâm nhập
mặn ở cấp độ rủi ro là cấp độ 2
a) Cơ quan chỉ đạo: Ban Chỉ huy Phòng
chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố.
b) Cơ quan chỉ huy:
- Cấp Thành phố: Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tư lệnh Thành phố, Công an Thành
phố, Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở - ban - ngành liên quan.
- Cấp huyện: Chủ tịch Ủy ban nhân dân
thành phố Thủ Đức và các quận - huyện.
- Cấp xã: Chủ tịch Ủy ban nhân dân
phường - xã - thị trấn.
c) Lực lượng ứng cứu: Quân đội, Công
an, Thanh niên xung phong, lực lượng xung kích và các lực lượng khác của Thành
phố, cấp huyện, cấp xã.
d) Phương tiện, trang thiết bị: trạm
bơm, máy bơm nước, các hệ thống thiết bị làm mát, ngăn mặn, các thiết bị cấp nước
và các trang thiết bị khác.
Điều 10. Lốc, sét,
mưa đá, sương mù
1. Đối với lốc, sét, mưa đá, sương mù
ở cấp độ rủi ro là cấp độ 1
a) Cơ quan chỉ huy:
- Cấp huyện: Chủ tịch Ủy ban nhân dân
thành phố Thủ Đức và các quận - huyện.
- Cấp xã: Chủ tịch Ủy ban nhân dân
phường - xã - thị trấn.
b) Lực lượng ứng cứu: lực lượng xung
kích và lực lượng khác của cấp huyện, cấp xã.
c) Phương tiện, trang thiết bị: các
loại máy cắt bê tông, máy đục bê tông, cưa máy và các trang thiết bị cần thiết
khác.
2. Đối với lốc, sét, mưa đá, sương mù
ở cấp độ rủi ro là cấp độ 2
a) Cơ quan chỉ đạo: Ban Chỉ huy Phòng
chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố.
b) Cơ quan chỉ huy:
- Cấp Thành phố: Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tư lệnh Thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội
biên phòng Thành phố, Công an Thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở
- ban - ngành liên quan.
- Cấp huyện: Chủ tịch Ủy ban nhân dân
thành phố Thủ Đức và các quận - huyện.
- Cấp xã: Chủ tịch Ủy ban nhân dân
phường - xã - thị trấn.
c) Lực lượng ứng cứu: Quân đội, Bộ đội
biên phòng, Công an, Thanh niên xung phong, lực lượng xung kích và các lực lượng
khác của Thành phố, cấp huyện, cấp xã.
d) Phương tiện, trang thiết bị: các
loại xe cứu hộ, máy cắt bê tông, máy đục bê tông, của máy và các trang thiết bị
cần thiết khác.
Điều 11. Động đất,
sóng thần
1. Đối với động đất và sóng thần ở cấp
độ rủi ro là cấp độ 1
a) Cơ quan chỉ huy:
- Cấp huyện: Chủ tịch Ủy ban nhân dân
thành phố Thủ Đức và các quận - huyện.
- Cấp xã: Chủ tịch Ủy ban nhân dân
phường - xã - thị trấn.
b) Lực lượng ứng cứu: Quân đội, Bộ đội
biên phòng, Công an, lực lượng xung kích và các lực lượng khác của cấp huyện, cấp
xã.
c) Phương tiện, trang thiết bị: các
trang thiết bị cứu sập đổ công trình, tìm kiếm cứu nạn đường bộ, đường sắt,
trang thiết bị y tế và các trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn khác.
2. Đối với động đất và sóng thần ở cấp
độ rủi ro là cấp độ 2, cấp độ 3
a) Cơ quan chỉ đạo: Ban Chỉ huy Phòng
chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố.
b) Cơ quan chỉ huy:
- Cấp Thành phố: Sở Tài nguyên và Môi
trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tư lệnh Thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng
Thành phố, Công an Thành phố, Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng, Sở Y tế và
các sở - ban - ngành liên quan.
- Cấp huyện: Chủ tịch Ủy ban nhân dân
thành phố Thủ Đức và các quận - huyện.
- Cấp xã: Chủ tịch Ủy ban nhân dân
phường - xã - thị trấn.
c) Lực lượng ứng cứu: các lực lượng
chuyên trách, Quân đội, Bộ đội biên phòng, Công an, Y tế, lực lượng xung kích
và các lực lượng khác của Thành phố, cấp huyện, cấp xã.
d) Phương tiện, trang thiết bị: các
trang thiết bị cứu sập đổ công trình, tìm kiếm cứu nạn đường bộ, đường sắt,
trang thiết bị y tế và các trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn khác.
3. Đối với động đất và sóng thần ở cấp
độ rủi ro là cấp độ 4
a) Cơ quan chỉ đạo: Ủy ban nhân dân
Thành phố.
b) Cơ quan chỉ huy:
- Cấp Thành phố: Ban Chỉ huy Phòng chống
thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố.
- Cấp huyện: Chủ tịch Ủy ban nhân dân
thành phố Thủ Đức và các quận - huyện.
- Cấp xã: Chủ tịch Ủy ban nhân dân
phường - xã - thị trấn.
c) Lực lượng ứng cứu: các lực lượng
chuyên trách, Quân đội, Bộ đội biên phòng, Công an, Y tế, lực lượng xung kích
và các lực lượng khác của Thành phố, cấp huyện, cấp xã.
d) Phương tiện, trang thiết bị: các trang
thiết bị cứu sập đổ công trình, tìm kiếm cứu nạn đường bộ, đường sắt, trang thiết
bị y tế và các trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn khác.
4. Đối với động đất, sóng thần ở cấp
độ rủi ro là cấp độ 5
Thực hiện theo chỉ đạo của Chủ tịch nước
về tình trạng khẩn cấp. Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ đạo, chỉ huy và huy động
tổng lực các lực lượng của Thành phố để ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Điều 12. Cháy rừng
do tự nhiên
1. Đối với cháy rừng do tự nhiên ở cấp
độ rủi ro là cấp độ 1
a) Cơ quan chỉ huy:
- Cấp huyện: Chủ tịch Ủy ban nhân dân
thành phố Thủ Đức và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện có rừng.
- Cấp xã: Chủ tịch Ủy ban nhân dân
phường - xã - thị trấn có rừng.
b) Lực lượng ứng cứu: lực lượng cảnh
sát phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ cứu nạn thuộc Công an thành phố Thủ Đức và
các huyện, Kiểm lâm, lực lượng xung kích và các lực lượng khác của địa phương
có rừng.
c) Phương tiện, trang thiết bị: xe chữa
cháy, máy bơm nước và các phương tiện, trang thiết bị chữa cháy khác.
2. Đối với cháy rừng do tự nhiên ở cấp
độ rủi ro là cấp độ 2, cấp độ 3
a) Cơ quan chỉ đạo: Ban Chỉ huy cấp
Thành phố về các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.
b) Cơ quan chỉ huy:
- Cấp Thành phố: Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Công an Thành phố, Bộ Tư lệnh Thành
phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Thành phố và các đơn vị liên quan.
- Cấp huyện: Chủ tịch Ủy ban nhân dân
thành phố Thủ Đức và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện có rừng.
- Cấp xã: Chủ tịch Ủy ban nhân dân
phường - xã - thị trấn có rừng.
c) Lực lượng ứng cứu: Công an, Quân đội,
Kiểm lâm, Y tế, lực lượng xung kích và các lực lượng khác của Thành phố, lực lượng
cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ cứu nạn thuộc Công an thành phố Thủ Đức
và các huyện, Kiểm lâm, lực lượng xung kích và các lực lượng khác của địa
phương có rừng.
d) Phương tiện, trang thiết bị: xe chữa
cháy, máy bơm nước và các phương tiện, trang thiết bị chữa cháy khác.
3. Đối với cháy rừng do tự nhiên ở cấp
độ rủi ro là cấp độ 4
a) Cơ quan chỉ đạo: Ủy ban nhân dân
Thành phố.
b) Cơ quan chỉ huy:
- Cấp Thành phố: Ban Chỉ huy cấp
Thành phố về các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.
- Cấp huyện: Chủ tịch Ủy ban nhân dân
thành phố Thủ Đức và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện có rừng.
- Cấp xã: Chủ tịch Ủy ban nhân dân
phường - xã - thị trấn có rừng.
c) Lực lượng ứng cứu: Công an, Quân đội,
Kiểm lâm, Y tế, lực lượng xung kích và các lực lượng khác của Thành phố, lực lượng
cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ cứu nạn thuộc Công an thành phố Thủ Đức
và các huyện, Kiểm lâm, lực lượng xung kích và các lực lượng khác của địa
phương có rừng.
d) Phương tiện, trang thiết bị: máy
bay trực thăng, xe chữa cháy, máy bơm nước và các phương tiện, trang thiết bị
chữa cháy khác.
4. Đối với cháy rừng do tự nhiên ở cấp
độ rủi ro là cấp độ 5
Thực hiện theo chỉ đạo của Chủ tịch
nước về tình trạng khẩn cấp. Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ đạo, chỉ huy và huy
động tổng lực các lực lượng của Thành phố để ứng phó, khắc phục hậu quả cháy rừng.
Điều 13. Đối với các loại thiên tai ở cấp độ rủi ro cấp
2, cấp 3: các cơ quan được phân công chỉ đạo, chỉ huy nếu vượt quá khả năng phải
báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố để chỉ đạo, điều hành, xử lý trong từng tình
huống thiên tai.
Chương IV
CÁC BIỆN PHÁP
PHÒNG, CHỐNG, ỨNG PHÓ THIÊN TAI THEO CẤP ĐỘ RỦI RO THIÊN TAI
Điều 14. Bão và
áp thấp nhiệt đói
Các địa phương, đơn vị triển khai thực
hiện theo Phương án phòng, tránh, ứng phó khi bão, bão mạnh - rất mạnh đổ bộ trực
tiếp vào Thành phố ban hành tại Quyết định số 810/QĐ-UBND ngày 12 tháng 3 năm
2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố. Khi vượt quá khả năng ứng phó của Thành phố,
báo cáo và đề nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc
gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn hỗ trợ.
Điều 15. Mưa lớn,
lũ, ngập lụt và nước dâng
1. Đối với mưa lớn, lũ (xả lũ), ngập
lụt ở cấp độ rủi ro là cấp độ 1
Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và
các quận - huyện, Ủy ban nhân dân phường - xã - thị trấn căn cứ theo tình tình
thực tế khẩn trương triển khai phương án phòng, chống, ứng phó với mưa lớn, xả
lũ và ngập lụt tại địa phương. Thống kê, đánh giá thiệt hại và tổng hợp, báo
cáo về Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố.
2. Đối với mưa lớn ở cấp độ rủi ro là
cấp độ 2 và lũ (xả lũ), ngập lụt, nước dâng ở cấp độ rủi ro là cấp độ 2, cấp độ
3
Các địa phương, đơn vị thực hiện theo
Phương án chủ động phòng, chống, ứng phó tình trạng ngập lụt do mưa lớn, triều
cường và xả lũ trên địa bàn Thành phố ban hành tại Quyết định số 811/QĐ-UBND
ngày 12 tháng 3 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố. Khi vượt quá khả năng ứng
phó của Thành phố, báo cáo và đề nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống
thiên tai và Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn hỗ trợ.
Điều 16. Gió mạnh
trên biển
1. Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ căn
cứ theo tình tình thực tế khẩn trương triển khai phương án phòng, chống, ứng
phó với gió mạnh trên biển, trong đó tập trung cho công tác đảm bảo an toàn cho
người và tàu thuyền hoạt động trên biển.
2. Các địa phương, đơn vị triển khai
thực hiện theo Phương án đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền hoạt động trên
sông, trên biển, trong vùng nước cảng biển và công tác phối hợp tìm kiếm cứu nạn,
cứu hộ trên địa bàn Thành phố ban hành tại Quyết định số 812/QĐ-UBND ngày 12
tháng 3 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố.
Điều 17. Sạt lở
đất, sụt lún đất
1. Đối với sạt lở đất (sạt lở bờ
sông, bờ biển), sụt lún đất ở cấp độ rủi ro là cấp độ 1:
- Thông báo thường xuyên và liên tục
các vị trí bờ sông, bờ biển có nguy cơ sạt lở để người dân biết, chủ động di dời;
tổ chức tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm
đến nơi tạm cư an toàn.
- Thường xuyên kiểm tra các trường hợp
xây dựng công trình trên hành lang bảo vệ bờ sông, bờ biển; nếu phát hiện công
trình, vật kiến trúc xây dựng, xâm phạm trái phép thì kiên quyết xử phạt, buộc
tháo dỡ, khôi phục lại nguyên trạng; tổ chức cưỡng chế tháo dỡ nếu không chấp
hành.
- Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các chủ
đầu tư, chủ dự án thực hiện xây dựng công trình phòng, chống sạt lở, bảo vệ bờ
sông, bờ biển đúng tiến độ.
- Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức
và các quận - huyện, phường - xã - thị trấn căn cứ theo tình tình thực tế khẩn
trương triển khai phương án, kế hoạch phòng, chống, ứng phó với sạt lở bờ sông,
bờ biển, sụt lún đất tại địa phương. Thống kê, đánh giá thiệt hại và tổng hợp,
báo cáo về Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố.
2. Đối với sạt lở đất (sạt lở bờ
sông, bờ biển), sụt lún đất ở cấp độ rủi ro là cấp độ 2:
a) Công tác tổ chức phòng, tránh.
- Tiến hành cắm biển cảnh báo nguy hiểm
sạt lở, phân loại mức độ sạt lở và sắp xếp thứ tự ưu tiên xử lý sạt lở theo quy
định tại Điều 4 và Điều 5 Quyết định số 01/2011/QĐ-TTg ngày 04 tháng 01 năm
2011 của Thủ tướng Chính phủ, từ đó có biện pháp xử lý sạt lở phù hợp; trong
đó, ưu tiên các vị trí tập trung dân cư đông, các công trình trọng điểm, công
trình phục vụ quốc phòng - an ninh; tổ chức tuyên truyền cho nhân dân sinh sống
xung quanh để biết và chủ động phòng, tránh;
- Thường xuyên kiểm tra và xử lý đối
với những trường hợp vi phạm, lấn chiếm trái phép hành lang bảo vệ an toàn bờ
sông, bờ biển và lập các bến bãi trái phép gây sạt lở trên địa bàn thành phố;
- Khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực
hiện các công trình bảo vệ bờ sông, bờ biển; thường xuyên tổ chức kiểm tra các
tuyến kè bảo vệ bờ sông, bờ biển đã được đầu tư xây dựng để kịp thời phát hiện
các vị trí xuống cấp, hư hỏng và có kế hoạch duy tu, sửa chữa đảm bảo an toàn
công trình nhằm phát huy hiệu quả phòng, chống sạt lở;
- Đẩy nhanh tiến độ các dự án sắp xếp,
bố trí dân cư phòng tránh thiên tai tại thành phố Thủ Đức và các quận - huyện.
b) Công tác ứng phó và khắc phục hậu
quả:
Các sở - ban - ngành, đơn vị Thành phố
và các địa phương theo chức năng và nhiệm vụ được giao triển khai thực hiện
theo Quyết định số 16/2019/QĐ-UBND ngày 01 tháng 7 năm 2019 của Ủy ban nhân dân
Thành phố về ban hành Quy chế phối hợp trong công tác phòng, chống, xử lý sạt lở
bờ sông, bờ biển trên địa bàn Thành phố. Trong đó, tập trung một số nhiệm vụ
sau:
- Khẩn trương, kịp thời ứng cứu người,
trục vớt tài sản và đảm bảo an ninh, trật tự tại khu vực xảy ra sạt lở, sụt
lún;
- Tổ chức vận động và hỗ trợ nhân dân
di dời, sơ tán ra khỏi khu vực nguy hiểm đến nơi tạm cư an toàn; tổ chức tốt lực
lượng thường xuyên chốt chặn tại các vị trí đã xảy ra sạt lở, sụt lún; kiên quyết
không để người dân quay lại khu vực sạt lở, sụt lún để di dời tài sản hoặc ở lại
các căn nhà có nguy cơ tiếp tục sạt lở, sụt lún; bảo vệ tài sản của hộ dân sau
khi đã di dời, sơ tán.
- Kịp thời cứu trợ các cá nhân, hộ
gia đình bị thiệt hại sau thiên tai;
- Thống kê, đánh giá thiệt hại và đề
xuất các biện pháp khôi phục sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống cho Nhân dân.
Điều 18. Nắng
nóng, hạn hán, xâm nhập mặn
1. Đối với nắng nóng, hạn hán, xâm nhập
mặn ở cấp độ rủi ro là cấp độ 1
- Theo dõi chặt chẽ tình hình xâm nhập
mặn tại các trạm quan trắc được bố trí tại các cửa sông Sài Gòn, sông Đồng Nai,
sông Cần Giuộc, kênh Xáng, kênh Thầy Cai.
- Thông báo rộng rãi, kịp thời cho
Nhân dân biết về diễn biến thời tiết, thiên tai, mức độ xâm nhập mặn, khuyết
cáo người dân nuôi trồng thủy sản chủ động sử dụng nguồn nước phù hợp khi mặn
tăng cao hoặc chủ động chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản phù
hợp.
- Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức
và các quận - huyện, phường - xã - thị trấn căn cứ theo tình tình thực tế khẩn
trương triển khai phương án, kế hoạch phòng, chống, ứng phó với nắng nóng, hạn
hán và xâm nhập mặn tại địa phương. Thống kê, đánh giá thiệt hại và tổng hợp,
báo cáo về Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố.
2. Đối với nắng nóng, hạn hán, xâm nhập
mặn ở cấp độ rủi ro là cấp độ 2
Các địa phương, đơn vị theo chức năng
triển khai các nhiệm vụ sau:
- Triển khai các biện pháp bảo vệ sức
khỏe, phòng bệnh, đặc biệt là cho trẻ em và người già.
- Thực hiện các biện pháp tiết kiệm
tích trữ nguồn nước để đề phòng hiện tượng mùa khô và hạn hán kéo dài. Tận dụng
nguồn nước xả đẩy mặn nhà máy nước Tân Hiệp từ hồ Dầu Tiếng để lấy nước và trữ
nước trên các trục kênh chính phục vụ sản xuất.
- Xây dựng kế hoạch sản xuất vụ Đông
Xuân hợp lý, bố trí diện tích và cơ cấu, thời vụ gieo trồng phù hợp với năng lực
nguồn nước hiện có.
- Tăng cường công tác nạo vét, gia cố,
duy tu sửa chữa hệ thống kênh tưới để đảm bảo đủ cung cấp nước phục vụ sản xuất
nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, sinh hoạt, phòng chống cháy rừng. Chuẩn bị
phương tiện, trang thiết bị hỗ trợ cấp nước phòng, chống hạn khi cần thiết.
- Tổ chức vận hành các công trình thủy
lợi, các cống lấy nước, trạm bơm nước tưới đảm bảo điều kiện các công trình thủy
lợi vận hành tốt, cung cấp đủ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy
sản, phòng chống cháy rừng, hạn chế ô nhiễm nguồn nước.
- Chủ động phối hợp với Công ty TNHH
MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa xác định lịch xả nước của hồ Dầu
Tiếng để chủ động thông báo đến các địa phương, đơn vị lấy nước, trữ nước đủ
cho sản xuất nông nghiệp và phục vụ các mục tiêu khác.
Điều 19. Đối với
cháy rừng do tự nhiên
Khi xảy ra cháy rừng, chủ rừng, chính
quyền địa phương, tổ đội xung kích chữa cháy rừng, Cảnh sát phòng cháy chữa
cháy nơi gần nhất, cơ quan Kiểm lâm khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện
tại chỗ tham gia chữa cháy rừng; trong trường hợp nguy cơ xảy ra cháy lớn vượt
khả năng ứng cứu của lực lượng, phương tiện tại chỗ thì người chỉ huy chữa cháy
cao nhất tại hiện trường báo cáo với Ban Chỉ huy cấp Thành phố về các vấn đề cấp
bách trong bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng để được chỉ đạo về lực lượng,
phương tiện tham gia chữa cháy rừng.
Nguyên tắc chữa cháy: phát hiện sớm,
dập tắt đám cháy kịp thời triệt để không để xảy ra cháy lớn, cháy lan.
1. Các biện pháp chữa cháy rừng
a) Xây dựng và vận hành quy trình chỉ
đạo điều hành và chữa cháy rừng.
b) Xây dựng lực lượng và tổ chức đội
hình chữa cháy rừng. Người chỉ huy chữa cháy phải nắm vững địa bàn rừng khi xảy
ra cháy rừng: địa hình, nguồn nước, hệ thống giao thông, loại cây, loại rừng,
diện tích rừng dễ cháy, số lượng lực lượng tại chỗ, phương tiện, hậu cần tại chỗ
và các công trình phòng cháy hiện có, khả năng ứng cứu, hỗ trợ của các địa
phương liền kế.
c) Khi phát hiện đám cháy, tùy theo vị
trí, tính chất, quy mô đám cháy (loại cháy, cường độ), địa hình, tốc độ gió mà
huy động và tổ chức lực lượng chữa cháy cho phù hợp.
d) Nếu vượt quá tầm kiểm soát, Ban Chỉ
huy cấp huyện phải báo ngay cho Ban Chỉ huy cấp Thành phố về các vấn đề cấp
bách trong bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng để Trưởng ban phân công
nhiệm vụ cụ thể, phát lệnh huy động nhân lực, phương tiện ứng cứu, chữa cháy rừng.
2. Các biện pháp kỹ thuật chữa cháy rừng
Khi xảy ra cháy rừng tùy tình hình thực
tế có thể quyết định sử dụng các biện pháp chữa cháy thích hợp:
a) Biện pháp chữa cháy trực tiếp: sử
dụng tất cả các phương tiện từ thủ công đến cơ giới tại chỗ tác động trực tiếp
vào đám cháy để dập tắt lửa đối với những đám cháy diện tích nhỏ dưới 01 ha.
b) Biện pháp chữa cháy gián tiếp:
dùng phương tiện, lực lượng để giới hạn đám cháy, thường được áp dụng cho các
đám cháy lớn, phức tạp và diện tích đang cháy trên 01 ha và diện tích của khu rừng
còn lại rất lớn.
c) Bố trí lực lượng chữa cháy:
Trong mọi tình huống các lực lượng
tham gia chữa cháy luôn được phân thành những bộ phận chủ yếu, gồm: bộ phận chữa
cháy, bộ phận hỗ trợ, bộ phận cứu hộ và bộ phận hậu cần với các nhiệm vụ cụ thể;
- Bộ phận chữa cháy: có nhiệm vụ trực
tiếp sử dụng mọi công cụ, phương tiện và biện pháp cần thiết để khống chế và dập
tắt đám cháy được triển khai thành đội hình để tác nghiệp theo sự phân công của
người chỉ huy hiện trường tại thời điểm;
- Bộ phận hỗ trợ: có nhiệm vụ hỗ trợ
cùng bộ phận chữa cháy trong việc dẫn đường, vận chuyển máy móc, thiết bị chữa
cháy đến hiện trường, bảo vệ trật tự, dẫn đường cho lực lượng tiếp ứng, giúp đưa
người và tài sản của Nhân dân nếu có ra khỏi khu vực cháy;
- Bộ phận cứu hộ: có nhiệm vụ cứu hộ,
cấp cứu người bị nạn gồm nhân viên y tế của đơn vị chủ rừng và cán bộ, nhân
viên của Trung tâm Y tế của địa phương được điều động đến đảm trách;
- Bộ phận hậu cần: làm nhiệm vụ tiếp
nước, lương thực, nhiên liệu cho lực lượng tham gia chữa cháy rừng trong trường
hợp thời gian chữa cháy kéo dài.
Trong chữa cháy rừng phải đảm bảo kỹ
thuật an toàn trong khi chữa cháy, phải nắm chắc đặc điểm vùng rừng dễ cháy. Công
tác chuẩn bị dụng cụ, phương tiện chữa cháy phải đầy đủ và đảm bảo sử dụng tốt.
Điều 20. Lốc,
sét, mưa đá, sương mù
1. Đối với lốc, sét, mưa đá ở cấp độ
rủi ro là cấp độ 1
Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các
quận - huyện, Ủy ban nhân dân phường - xã - thị trấn căn cứ theo tình hình thực
tế khẩn trương triển khai phương án, kế hoạch ứng phó với lốc, sét, mưa đá tại
địa phương. Thống kê, đánh giá thiệt hại và tổng hợp, báo cáo về Ban Chỉ huy
Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố.
2. Đối với lốc, sét, mưa đá ở cấp độ
rủi ro là cấp độ 2
a) Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai
và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố khẩn trương triển khai phương án, kế hoạch ứng
phó với lốc, sét, mưa đá trên địa bàn Thành phố.
b) Các sở - ban - ngành, quận - huyện,
phường - xã - thị trấn triển khai công tác phòng, tránh và ứng phó:
- Trên đất liền:
+ Xây dựng các công trình, nhà ở kiên
cố, thường xuyên chằng chống nhà ở để tăng độ vững chắc nhằm đề phòng lốc xoáy,
mưa đá. Ở các cửa biển, ven biển, nơi trống trải, nếu nhà ở lợp bằng lá, tôn
tráng kẽm, fibro xi-măng, ngói có thể dằn lên mái nhà các loại thanh nẹp bằng gỗ,
sắt, dây kẽm cỡ lớn hoặc các bao chứa cát để hạn chế tốc mái khi xảy ra lốc
xoáy;
+ Chặt tỉa cành, nhánh của các cây
cao, dễ gãy đổ, cây nằm gần nhà ở, lưới điện...; kiểm tra mức độ an toàn, vững
chắc của các biển quảng cáo, pa nô, áp phích; các khu vực nhà lá, nhà tạm bợ và
các giàn giáo của công trình cao tầng đang thi công;
+ Khi có lốc xoáy cần sơ tán người
già và trẻ em ra khỏi những căn nhà tạm bợ, đến những nơi an toàn, vững chắc
hơn; tránh núp dưới bóng cây, trú ẩn trong nhà tạm bợ dễ bị ngã đổ gây tai nạn;
+ Tổ chức thông tin, tuyên truyền đến
Nhân dân những bản tin dự báo, cảnh báo mưa đá để chủ động phòng, tránh an toàn
cho người, vật nuôi, cây trồng và các tài sản khác; hạn chế tác hại của mưa đá
đối với các vật dụng, đồ dùng, máy móc...;
+ Thường xuyên theo dõi tình hình thời
tiết, thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời có biện pháp
phòng, tránh và ứng phó hiệu quả.
- Trên sông, biển:
Các cơ quan chức năng thông báo, yêu
cầu và kiểm tra các chủ phương tiện tàu, thuyền hoạt động trên sông, trên biển
phải đảm bảo các yêu cầu sau:
+ Toàn bộ thủy thủ, thuyền viên phải
mặc áo phao và chuẩn bị đầy đủ phao cứu sinh trên tàu, thuyền khi đang ở trên
sông, trên biển;
+ Khi thấy lốc xoáy, mưa đá thì phải
nhanh chóng trở vào bờ hoặc di chuyển tìm nơi tránh, trú an toàn;
+ Tổ chức hợp lý đội hình khai thác
trên biển, trong đó đảm bảo cự ly, khoảng cách hợp lý giữa các tàu, thuyền kịp
thời hỗ trợ nhau khi gặp nạn;
+ Thường xuyên kiểm tra hệ thống, thiết
bị thông tin liên lạc, đảm bảo luôn hoạt động hiệu quả để kịp thời thông báo
cho cơ quan chức năng khi gặp sự cố, tình huống nguy hiểm, bất lợi.
3. Đối với sương mù ở cấp độ rủi ro
là cấp 1 và cấp 2
Khi có sương mù xuất hiện, người điều
khiển phương tiện giao thông, tàu thuyền cần quan sát, giảm tốc độ và bật các
thiết bị tín hiệu dễ nhận biết để lưu thông an toàn.
4. Công tác tổ chức khắc phục hậu quả
Sau khi xảy ra lốc, sét, mưa đá và
tai nạn do sương mù làm hạn chế tầm nhìn gây ra, các sở - ban - ngành, Ủy ban
nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận - huyện theo chức năng, nhiệm vụ khẩn
trương huy động lực lượng, phương tiện, vật tư, thiết bị để nhanh chóng xử lý sự
cố, khắc phục hậu quả thiên tai, trong đó tập trung một số công việc cấp thiết:
- Khẩn trương cứu nạn, cứu hộ cho người
và tài sản;
- Chủ động tiến hành cắt điện cục bộ
tại nơi xảy ra sự cố ngay khi phát hiện tình trạng mất an toàn trong vận hành
lưới điện do bị ảnh hưởng của lốc, sét. Sau khi khắc phục, sửa chữa và đảm bảo
chắc chắn an toàn của hệ thống điện thì phải khôi phục lại ngay việc cung cấp
điện cho khu vực để Nhân dân ổn định sinh hoạt và sản xuất;
- Khẩn trương sửa chữa gia cố công
trình, nhà ở dân cư bị hư hỏng, thu dọn cây xanh bị ngã đổ và xử lý vệ sinh môi
trường theo quy định;
- Khắc phục các sự cố tàu thuyền bị
đánh chìm, trôi dạt, hư hỏng và tổ chức tìm kiếm người, tàu thuyền bị mất liên
lạc;
- Kịp thời cứu trợ các cá nhân, hộ
gia đình bị thiệt hại sau thiên tai;
- Thống kê, đánh giá thiệt hại và đề
xuất các biện pháp khôi phục sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống cho Nhân
dân.
Điều 21. Động đất,
sóng thần
1. Đối với động đất và sóng thần ở cấp
độ rủi ro là cấp độ 1
Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và
các quận - huyện, phường - xã - thị trấn căn cứ theo tình tình thực tế khẩn
trương triển khai phương án, kế hoạch phòng ngừa, ứng phó với động đất tại địa
phương. Riêng huyện Cần Giờ triển khai phương án, kế hoạch phòng ngừa, ứng phó
khi có cảnh báo hoặc xảy ra sóng thần. Tổng hợp, báo cáo về Ban Chỉ huy Phòng
chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố.
2. Đối với động đất và sóng thần ở cấp
độ rủi ro là cấp độ 2, cấp độ 3, cấp độ 4 và cấp độ 5.
Các địa phương, đơn vị triển khai thực
hiện theo Phương án Phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả động đất, sóng thần
trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh ban hành tại Quyết định số 3205/QĐ-UBND ngày
01 tháng 9 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố. Khi vượt quá khả năng ứng
phó của Thành phố, báo cáo và đề nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống
thiên tai và Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn hỗ trợ.
Điều 22. Tổ chức
di dời, sơ tán dân khi có thiên tai xảy ra
Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và
các quận - huyện, phường - xã - thị trấn, các cơ quan chức năng tổ chức di dời,
sơ tán dân trong các nhà ở không kiên cố, có khả năng bị đổ, sập và những khu vực
xung yếu để đảm bảo an toàn tính mạng cho Nhân dân.
1. Huy động lực lượng gồm: Quân sự, Bộ
đội biên phòng, Công an, Y tế, Chữ thập đỏ, Thanh niên xung phong, lực lượng
xung kích... cùng các phương tiện để giúp dân di chuyển nhanh.
2. Phân công lãnh đạo Ủy ban nhân dân
thành phố Thủ Đức và các quận - huyện, các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống
thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp huyện trực tiếp xuống địa bàn phường - xã -
thị trấn tại khu vực phải di dời, sơ tán dân và các điểm tạm cư để kiểm tra, tổ
chức thực hiện kế hoạch chu đáo, an toàn.
3. Bố trí lực lượng thực hiện nhiệm vụ
đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, hậu cần, chăm lo đời sống cho người
dân... tại nơi tạm cư và bảo vệ công trình, tài sản, nhà ở của người dân tại những
nơi đã di dời, sơ tán.
4. Số hộ dân, số người dự kiến di dời,
sơ tán
Khi bão đổ bộ trực tiếp vào địa bàn
Thành phố, số hộ dân, số người dự kiến di dời, sơ tán theo Phụ lục I đính kèm
Quyết định số 810/QĐ-UBND ngày 12 tháng 3 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố.
5. Các khu vực xung yếu và vị trí
tránh trú an toàn
a) Các vị trí xung yếu:
- Đối với bão đổ bộ trực tiếp vào địa
bàn Thành phố, các vị trí xung yếu theo Phụ lục II đính kèm Quyết định số
810/QĐ-UBND ngày 12 tháng 3 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố;
- Đối với mưa lớn, ngập lụt, lũ (xả
lũ) và nước dâng, các vị trí xung yếu theo Phụ lục I đính kèm Quyết định số
811/QĐ-UBND ngày 12 tháng 3 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố;
- Đối với vị trí có nguy cơ sạt lở bờ
sông (bao gồm cả kênh, rạch), bờ biển (theo Phụ lục I đính kèm) và theo
công bố của Ủy ban nhân dân Thành phố.
b) Các vị trí tránh trú an toàn khi xảy
ra thiên tai theo Phụ lục II đính kèm Quyết định số 810/QĐ-UBND ngày 12 tháng 3
năm 2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố.
Điều 23. Khi xảy ra thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh
diễn biến phức tạp, các sở, ban, ngành, đơn vị Thành phố, Ủy ban nhân dân thành
phố Thủ Đức và các quận - huyện ngoài việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ,
biện pháp phòng, chống, ứng phó thiên tai được quy định ở Chương này, phải tiến
hành đồng thời các nhiệm vụ, biện pháp phòng, chống, ứng phó với dịch bệnh được
quy định tại Chương V Phương án này.
Chương V
CÔNG TÁC PHÒNG,
CHỐNG, ỨNG PHÓ THIÊN TAI TRONG BỐI CẢNH DỊCH BỆNH
Điều 24. Một số
biện pháp phòng, chống thiên tai cần thiết thực hiện trong bối cảnh dịch bệnh
1. Trước thiên tai
a) Chủ động theo dõi sát tình hình,
diễn biến thiên tai, dịch bệnh và vùng có mức độ nguy cơ dịch bệnh.
b) Xây dựng, điều chỉnh, bổ sung kế
hoạch, phương án, kịch bản phòng, chống thiên tai đảm bảo phòng, chống dịch bệnh.
c) Xem xét quyết định thành lập Tổ công
tác gồm đại diện cơ quan Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, cơ quan y tế
ở các cấp để hỗ trợ thực hiện các hoạt động phòng, chống, ứng phó thiên tai, dịch
bệnh; tiêm phòng và xét nghiệm các thành viên Tổ công tác, lực lượng phòng, chống
thiên tai, dịch bệnh.
d) Rà soát, kiểm tra thông tin liên lạc
(số điện thoại, email...) và thống nhất cách thức liên lạc giữa các thành viên
Tổ công tác, lực lượng phòng, chống thiên tai, dịch bệnh.
đ) Tập huấn, huấn luyện các kiến thức,
kỹ năng cơ bản về phòng, chống, ứng phó thiên tai, dịch bệnh cho Tổ công tác, lực
lượng phòng, chống thiên tai, dịch bệnh.
e) Tuyên truyền, hướng dẫn theo nhiều
hình thức cho cộng đồng (đặc biệt đối tượng dễ bị tổn thương) về đảm bảo an
toàn thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh.
g) Cập nhật thường xuyên thông tin diễn
biến thiên tai, dịch bệnh; hiểu rõ nhiệm vụ, cơ chế phối hợp, phương án ứng phó
thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh; sử dụng đúng hướng dẫn các phương tiện,
trang thiết bị, vật tư, đồ bảo hộ y tế cần thiết được trang bị để đảm bảo an
toàn phòng, chống dịch bệnh khi thực hiện nhiệm vụ.
h) Tổ chức phương án di dời, sơ tán
dân, kiểm tra, đảm bảo các yêu cầu, điều kiện phòng, chống dịch bệnh theo quy định
trong hoạt động sơ tán dân, điểm tránh trú thiên tai an toàn (chi tiết theo
Phụ lục II đính kèm).
i) Bố trí, dự phòng các loại phương
tiện, vật tư phòng, chống thiên tai, sinh phẩm, vật tư y tế, trang thiết bị
phòng, chống dịch bệnh cần thiết. Lập, kiểm tra, đánh giá và báo cáo danh sách
các phương tiện, vật tư phòng, chống thiên tai, sinh phẩm, vật tư y tế, trang
thiết bị phòng, chống dịch bệnh sẵn có hoặc cần sửa chữa, bổ sung để chủ động,
sẵn sàng ứng phó trong tình huống các khu điều trị, chăm sóc và khu cách ly người
nhiễm bệnh dịch bị thiệt hại bởi thiên tai.
k) Chủ động dự trữ lương thực, thuốc
men, nước sạch, nước sinh hoạt, xăng dầu và các vật dụng cần thiết phòng, chống
dịch nhu khẩu trang, nước rửa tay, xịt khử khuẩn...
l) Số lượng nhu yếu phẩm phải đảm bảo
đủ dùng trong khoảng thời gian tương ứng với thời gian kéo dài của những trận
thiên tai đã từng xảy ra ở địa phương hoặc ít nhất phải đảm bảo trong khoảng thời
gian thiên tai xảy ra mà chua có sự cứu trợ.
m) Triển khai lực lượng canh gác, hướng
dẫn đảm bảo an toàn cho người, phương tiện tại những nơi nguy cơ rủi ro cao, thực
hiện nguyên tắc “5K” (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập -
Khai báo y tế) và các quy định của ngành y tế đảm bảo an toàn phòng, chống dịch
bệnh.
n) Tham gia hướng dẫn, hỗ trợ các tổ
chức, hộ gia đình gia cố, chằng chống nhà ở...; đồng thời, tuyên truyền, hướng
dẫn, nhắc nhở người dân thực hiện nguyên tắc “5K” và các quy định phòng, chống
dịch bệnh của ngành y tế để vừa đảm bảo tập trung phòng, chống, ứng phó thiên
tai vừa đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe cho nhân dân trong bối cảnh có dịch
bệnh.
2. Trong thiên tai
a) Triển khai phương án, kịch bản đã
xây dựng để điều hành, chỉ đạo, ra quyết định tại chỗ đảm bảo ứng phó theo tình
hình thiên tai, dịch bệnh.
b) Theo dõi diễn biến thiên tai, kiểm
tra các khu vực có nguy cơ cao, thường xuyên cập nhật thông tin thiên tai, dịch
bệnh trên địa bàn; thực hiện nguyên tắc “5K” và quy định đảm bảo an toàn phòng,
chống dịch bệnh khi thực hiện nhiệm vụ.
c) Sơ tán khẩn cấp người tại những
nơi xảy ra sự cố và các khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn. Trong quá trình sơ
tán người dân cần đảm bảo yêu cầu, điều kiện phòng, chống dịch bệnh; đồng thời,
bảo đảm an ninh, trật tự, bảo vệ tài sản tại khu vực xảy ra thiên tai, dịch bệnh
và tại nơi tránh trú an toàn (chi tiết theo Phụ lục II đính kèm).
d) Hỗ trợ các cơ quan phòng, chống dịch
bệnh đảm bảo giao thông, thông tin liên lạc, tiếp nhận, phân phối hàng viện trợ,
cứu trợ... cho những người dân bị ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh.
đ) Chủ động điều phối hợp lý nguồn lực
để hỗ trợ khi có yêu cầu khẩn cấp.
e) Theo dõi sát thông tin, tình hình
thiệt hại (nếu có) tại các điểm tránh trú an toàn, các khu vực điều trị, chăm
sóc và khu cách ly người bệnh khi thiên tai xảy ra.
g) Bố trí lều, trại, chỗ tránh mưa, nắng
đảm bảo khoảng cách an toàn phòng, chống dịch bệnh cho lực lượng phòng, chống
thiên tai trong các hoạt động thường trực ứng phó thiên tai.
h) Thực hiện nghiêm túc yêu cầu
phòng, chống dịch bệnh cho bản thân khi thực hiện nhiệm vụ; đồng thời kiểm tra,
hướng dẫn, nhắc nhở người dân thực hiện nguyên tắc “5K” và các quy định chống dịch
bệnh của ngành y tế.
i) Đảm bảo phương tiện, vật tư, trang
thiết bị luôn sẵn sàng để sử dụng và huy động kịp thời theo phương án ứng phó,
đặc biệt phát sinh tình huống khẩn cấp. Huy động, linh hoạt sử dụng các phương
tiện, vật tư phòng, chống thiên tai, sinh phẩm, vật tư y tế, trang thiết bị
phòng, chống dịch bệnh theo kế hoạch tại địa phương.
k) Phân bổ, hỗ trợ lương thực, thuốc
men, nước uống tại các điểm tránh trú an toàn và theo dõi tình hình để có thể hỗ
trợ nếu có yêu cầu.
3. Sau thiên tai
a) Xét nghiệm nhanh lực lượng phòng,
chống thiên tai, dịch bệnh, phun khử khuẩn toàn bộ diện tích trong điểm tránh
trú an toàn, thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt và rác thải y tế đảm bảo an
toàn phòng, chống dịch bệnh theo các quy định phòng, chống dịch bệnh của ngành
y tế.
b) Thu thập danh sách, thông tin và
kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế của người dân, hướng dẫn người dân rời điểm
sơ tán an toàn theo 01 chiều. Người dân tại điểm sơ tán an toàn rời trước; người
dân nghi nhiễm dịch bệnh trong khu vực, phòng cách ly tạm thời rời sau.
c) Khẩn trương phối hợp thực hiện nhiệm
vụ cứu chữa người bị thương, tìm kiếm người mất tích; hỗ trợ gia đình mai táng
người bị thiệt mạng, thực hiện nguyên tắc “5K”, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch
bệnh khi thực hiện nhiệm vụ.
d) Cung cấp lương thực, thực phẩm...
thuốc chữa bệnh, nhu yếu phẩm; hỗ trợ người dân từ nơi sơ tán trở về, sửa chữa,
thu dọn nhà cửa, vệ sinh môi trường đề phòng dịch bệnh; thực hiện nguyên tắc
“5K”, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, đồng thời kết hợp hướng dẫn, nhắc nhở
các hộ gia đình đảm bảo phòng, chống dịch bệnh.
đ) Hỗ trợ sửa chữa, khôi phục công
trình phòng, chống thiên tai, giao thông và các công trình hạ tầng công cộng;
thực hiện nguyên tắc “5K”, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh khi thực hiện
nhiệm vụ.
e) Đánh giá thiệt hại, nhu cầu cứu trợ,
hỗ trợ, triển khai ổn định đời sống của người dân, đặc biệt lưu ý tại các khu
giãn cách, cách ly phòng, chống dịch bệnh.
g) Rà soát, kiểm kê số lượng, đánh giá
chất lượng các phương tiện, vật tư phòng, chống thiên tai, sinh phẩm, vật tư y
tế, trang thiết bị phòng, chống dịch bệnh sau thiên tai để bổ sung, sửa chữa sẵn
sàng cho các đợt thiên tai tiếp theo.
h) Thực hiện các nhiệm vụ khắc phục hậu
quả, phục hồi tái thiết sau thiên tai trên địa bàn đảm bảo an toàn phòng, chống
dịch bệnh.
Điều 25. Nhiệm vụ
phòng, chống thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh
1. Nhiệm vụ chung
Các sở, ban, ngành, đơn vị Thành phố,
Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận - huyện phải chủ động ứng phó với
các tình huống thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp:
a) Thường xuyên theo dõi tình hình thời
tiết, thiên tai và diễn biến dịch bệnh qua các phương tiện thông tin đại chúng,
website của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Đài Khí tượng Thủy
văn khu vực Nam Bộ và Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn
Thành phố... để thông báo, hướng dẫn kịp thời cho các phòng, ban, đơn vị trực
thuộc, các cấp chính quyền, Nhân dân chủ động phòng, chống, ứng phó đảm bảo an
toàn hai mục tiêu kép: Chủ động phương án sẵn sàng ứng phó với thiên tai trong
điều kiện dịch bệnh.
b) Sẵn sàng điều chỉnh linh hoạt kế
hoạch, phương án ứng phó với thiên tai, dịch bệnh phù hợp theo hướng phát huy tối
đa phương châm “4 tại chỗ” để ứng phó kịp thời, hiệu quả trong điều kiện sự hỗ
trợ từ bên ngoài gặp nhiều hạn chế, đặc biệt là đảm bảo an toàn cho người dân tại
các khu vực cách ly do dịch bệnh và dự kiến nơi sơ tán dân do thiên tai.
c) Tập trung rà soát, bổ sung phương án
ứng phó thiên tai phù hợp với tình hình, điều kiện cụ thể tại địa phương, đơn vị
khi có dịch bệnh xảy ra, trong đó tập trung các nội dung như sau:
- Cập nhật phương án sơ tán dân theo
hướng tăng cường sơ tán tại chỗ, hạn chế sơ tán tập trung; chuẩn bị trang thiết
bị, máy móc cần thiết để đo thân nhiệt, phân loại các đối tượng để xây dựng
phương án sơ tán. Tăng cường công tác tuyên truyền người dân cài đặt các ứng dụng
hỗ trợ phát hiện, truy vết nhanh những người có nguy cơ lây nhiễm; giúp cho việc
truy vết, khoanh vùng dập dịch nhanh chóng.
- Sẵn sàng phương án huy động lương
thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu, hóa chất, chất khử trùng, khẩu trang y
tế... cho các địa điểm sơ tán dân.
- Lập danh sách các lực lượng phải
huy động để ứng phó thiên tai trong trường hợp dịch bệnh có khả năng diễn biến
phức tạp, đặc biệt là lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai ở cơ sở.
- Xây dựng phương án ứng phó thiên
tai cho các khu cách ly tập trung, các bệnh viện dã chiến.
- Chuẩn bị dụng cụ, trang thiết bị,
thuốc men, khẩu trang y tế... đảm bảo an toàn dịch bệnh cho các thành viên Ban
Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp trong trường hợp phải
tập trung chỉ đạo hoặc đi kiểm tra hiện trường cũng như các lực lượng được huy
động tham gia công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
- Tăng cường phương án kết nối, chỉ đạo
trực tuyến và ứng dụng công nghệ thông tin (email, phần mềm, mạng xã hội
facebook, zalo, viber...) phục vụ công tác chỉ đạo, chỉ huy điều hành ứng phó
và thông tin về thiên tai của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu
nạn các cấp.
2. Nhiệm vụ cụ thể
a) Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh
tật Thành phố
- Triển khai kế hoạch huy động lực lượng
y - bác sỹ tham gia vào Tổ công tác phòng, chống thiên tai, dịch bệnh.
- Chuẩn bị đủ cơ số phương tiện, vật
tư, thiết bị, thuốc men cần thiết để đáp ứng nhu cầu cứu thương và khắc phục hậu
quả, đảm bảo điều kiện sinh hoạt, cứu tế cho người dân, đặc biệt là người dân tại
các điểm sơ tán dân, tránh trú an toàn.
- Huy động hóa chất chất khử trùng,
khẩu trang y tế, trang thiết bị, máy móc cần thiết để đo thân nhiệt, phân loại
các đối tượng cho các điểm sơ tán dân, các khu tập trung lực lượng phòng, chống
thiên tai.
- Chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn
triển khai công tác kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh theo từng
tình huống thiên tai xảy ra; hướng dẫn, phối hợp lực lượng quân đội, Tổ công
tác phòng, chống thiên tai, Tổ hậu cần phường - xã - thị trấn và các đơn vị chức
năng có liên quan triển khai các phương án đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh
trong quá trình tổ chức cứu trợ, cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm cho người dân
tại các khu vực bị thiên tai.
b) Sở Công Thương phối hợp với các
đơn vị, địa phương cung ứng đầy đủ hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu
cho người dân trong bối cảnh xảy ra thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là các điểm
sơ tán dân, khu vực bị cách ly, phong tỏa do dịch bệnh; kịp thời điều phối việc
tổ chức cung ứng, phân phối hàng hóa cho người dân.
c) Bộ Tư lệnh Thành phố
- Phối hợp cùng với Công an Thành phố,
Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Thành phố, Lực lượng Thanh niên xung phong Thành
phố chuẩn bị lực lượng, bố trí cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng huy động các phương tiện,
trang thiết bị chuyên dụng, thông dụng để tham gia di dời, sơ tán dân, tìm kiếm
cứu nạn, đặc biệt là tại các khu vực xung yếu. Sẵn sàng phối hợp với các đơn vị,
hỗ trợ, tiếp ứng cho các địa phương khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh.
- Phối hợp với Sở Y tế, các sở -
ngành, đơn vị có liên quan và địa phương chuẩn bị sẵn sàng triển khai bệnh viện
dã chiến khi có yêu cầu của Ủy ban nhân dân Thành phố trong trường hợp dịch lan
rộng khi xảy ra thiên tai.
- Huy động nguồn lực tham gia hỗ trợ
các địa phương trong việc tổ chức vận chuyển, phân phối hàng hóa, lương thực thực
phẩm đến từng hộ gia đình, nhất là các hộ gia đình nằm trong vùng bị ảnh hưởng
bởi thiên tai và cách ly, phong tỏa do dịch bệnh.
d) Công an Thành phố, Lực lượng Thanh
niên xung phong Thành phố
- Triển khai các lực lượng để bảo vệ
an ninh trật tự, an toàn xã hội, các công trình trọng điểm, tài sản của Nhân
dân, Nhà nước và doanh nghiệp, ngăn ngừa các đối tượng xấu lợi dụng khi thiên
tai xảy ra để trộm cắp, cướp giật.
- Chỉ đạo các trạm, chốt tại địa
phương và các lực lượng hỗ trợ, tạo điều kiện cho các phương tiện vận chuyển
hàng hóa, lương thực, thực phẩm cứu trợ, đảm bảo lưu thông thông suốt, kịp thời
cung ứng đến người dân tại các khu vực bị ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh.
đ) Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Thành phố, Hội Chữ thập đỏ Thành phố
- Tổ chức tiếp nhận và cứu trợ về
lương thực, thực phẩm, thuốc men, hỗ trợ kinh phí cho người dân bị thiệt hại,
người dân phải di dời, sơ tán, gặp khó khăn do thiên tai kết hợp dịch bệnh sớm ổn
định cuộc sống.
- Phối hợp với Ủy ban nhân dân thành
phố Thủ Đức và các quận - huyện trong công tác điều phối, hỗ trợ các túi an
sinh miễn phí đến các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi thiên tai kết hợp
dịch bệnh.
e) Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức
và các quận - huyện
- Khẩn trương triển khai đồng thời
phương án chủ động phòng, chống thiên tai và phòng, chống dịch bệnh tại địa bàn
mình quản lý.
- Phối hợp với lực lượng vũ trang
đóng trên địa bàn, lực lượng chi viện, hỗ trợ từ cấp trên và huy động lực lượng
tại chỗ tổ chức di dời, sơ tán dân ở các khu vực xung yếu đến nơi tránh trú
thiên tai an toàn, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh; cung cấp các dịch vụ
hậu cần, trước hết là lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu, khẩu trang, thuốc
men, chăm sóc sức khỏe cho người dân, vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh,
bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội ở địa phương và nơi tạm cư trong bối cảnh
thiên tai kết hợp dịch bệnh.
- Triển khai ngay việc huy động lực
lượng khắc phục hậu quả sau thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh; đồng thời, nắm
chắc các phương tiện, trang thiết bị phòng, chống thiên tai, dịch bệnh hiện có
do các đơn vị trực thuộc quản lý và các phương tiện, trang thiết bị trưng dụng
trong Nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp đóng trên địa bàn để kịp thời huy động ứng
cứu khi cần thiết.
- Phối hợp các lực lượng y tế để sơ cấp
cứu, chữa bệnh cho người dân và phòng, chống dịch bệnh; tuyên truyền, hướng dẫn
người dân thực hiện biện pháp phòng, chống dịch bệnh khi xảy ra thiên tai.
g) Các sở, ban, ngành, đơn vị khác
theo chức năng triển khai các nhiệm vụ được giao để ứng phó với các tình huống
thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.
Chương VI
TRÁCH NHIỆM
PHÒNG, CHỐNG, ỨNG PHÓ VÀ KHẮC PHỤC HẬU QUẢ THIÊN TAI
Điều 26. Trách
nhiệm phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả đối với bão, áp thấp nhiệt đới,
gió mạnh trên biển, mưa lớn, lũ (xả lũ), ngập lụt, nước dâng, sạt lở đất (sạt lở
bờ sông, bờ biển), sụt lún đất, động đất, sóng thần
Các sở - ban - ngành, đơn vị Thành phố
và Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận - huyện căn cứ chức
năng triển khai các nhiệm vụ được Ủy ban nhân dân Thành phố quy định tại Quyết
định số 810/QĐ-UBND ngày 12 tháng 3 năm 2021 về ban hành Phương án phòng,
tránh, ứng phó khi bão, bão mạnh - rất mạnh đổ bộ trực tiếp vào Thành phố; Quyết
định số 811/QĐ-UBND ngày 12 tháng 3 năm 2021 về ban hành Phương án chủ động
phòng, chống, ứng phó tình trạng ngập lụt do mưa lớn, triều cường và xả lũ trên
địa bàn Thành phố; Quyết định số 812/QĐ-UBND ngày 12 tháng 3 năm 2021 về ban
hành Phương án đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền hoạt động trên sông,
trên biển, trong vùng nước cảng biển và công tác phối hợp tìm kiếm cứu nạn, cứu
hộ trên địa bàn Thành phố; Quyết định số 3205/QĐ-UBND ngày 01 tháng 9 năm 2021
về ban hành Phương án phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả động đất, sóng
thần trên địa bàn Thành phố và Quyết định số 16/2019/QĐ-UBND ngày 01 tháng 7
năm 2019 về ban hành Quy chế phối hợp trong công tác phòng, chống, xử lý sạt lở
bờ sông, bờ biển trên địa bàn Thành phố.
Điều 27. Trách
nhiệm phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn,
lốc, sét, mưa đá, sương mù
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn
a) Phối hợp với Ủy ban nhân dân thành
phố Thủ Đức và các quận - huyện có sản xuất nông nghiệp thường xuyên theo dõi
diễn biến tình hình thời tiết, nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn để phổ biến, cảnh
báo tình hình thời tiết, thiên tai đến từng địa phương; khuyến cáo, hướng dẫn
người dân chủ động chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp, sử dụng các chế phẩm
sinh học làm sạch môi trường nước trong ao, đầm nhằm hạn chế thay nước tránh
lãng phí.
b) Thường xuyên kiểm tra hoạt động
các công trình thủy lợi, các cống lấy nước đảm bảo điều kiện các công trình thủy
lợi vận hành tốt, cung cấp đủ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy
sản.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường
a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan
có liên quan lập quy hoạch, kế hoạch quản lý, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước,
phòng, chống suy thoái, cạn kiệt nguồn nước.
b) Tổ chức đánh giá hiện trạng môi
trường; điều tra, xác định khu vực môi trường bị ô nhiễm, tổ chức thực hiện các
biện pháp ngăn ngừa, khắc phục ô nhiễm, suy thoái và phục hồi môi trường nhằm hạn
chế ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất.
3. Các lực lượng vũ trang, gồm Bộ Tư
lệnh Thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Thành phố, Công an Thành phố triển
khai công tác ứng phó, sơ tán dân, tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả thiên
tai.
4. Sở Y tế, Hội Chữ thập đỏ Thành phố
và các bệnh viện triển khai công tác sơ cấp cứu, cứu thương, chữa trị người bị
nạn do thiên tai gây ra.
5. Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác
dịch vụ thủy lợi
a) Có biện pháp quản lý phân phối nước
hợp lý, sử dụng nước tiết kiệm và có hiệu quả, cấp nước cho sinh hoạt và trồng
trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Thường xuyên theo dõi, phát hiện, ngăn chặn
kịp thời, tham mưu, đề xuất các đơn vị chức năng xử lý các doanh nghiệp, cơ sở
sản xuất xả nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định
vào hệ thống công trình thủy lợi, gây ô nhiễm nguồn nước.
b) Thường xuyên kiểm tra, duy tu, sửa
chữa các công trình thủy lợi, đặc biệt là các cửa cống điều tiết để hạn chế thất
thoát nguồn nước.
c) Phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai
thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa trong việc tích trữ nước, mở nước đảm bảo
cung cấp đủ nước phục vụ sản xuất, ngăn mặn, có kế hoạch tích trữ nước trong nội
đồng để tưới, giữ ấm, chống cháy, tiêu xả phèn, ô nhiễm.
d) Chuẩn bị lực lượng, phương tiện,
trang thiết bị và nhiên liệu sẵn sàng ứng phó kịp thời khi có sự cố xảy ra.
6. Tổng công ty cấp nước Sài Gòn -
TNHH Một thành viên đảm bảo an toàn hệ thống, nguồn và lượng nước sạch cung cấp
cho Thành phố; dự kiến các phương án tổ chức cung cấp nước sạch kịp thời cho
người dân tại các khu vực bị mất nguồn nước và nguồn nước bị ảnh hưởng do thiên
tai gây ra.
7. Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức
và các quận - huyện
a) Triển khai kịp thời công tác ứng
phó và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra trên địa bàn mình quản lý.
b) Chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang
thiết bị và nhiên liệu sẵn sàng ứng phó kịp thời khi cần huy động.
c) Thực hiện các biện pháp tiết kiệm
nước để đề phòng hiện tượng mùa khô và hạn hán kéo dài. Tổ chức thông báo rộng
rãi cho Nhân dân biết về tình hình, diễn biến của thời tiết, hạn hán, xâm nhập
mặn để chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời; khuyến cáo, hướng dẫn người dân
chủ động chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp, sử dụng các chế phẩm sinh học
làm sạch môi trường nước trong ao, đầm nhằm hạn chế thay nước tránh lãng phí.
d) Các địa phương bị thiệt hại do
thiên tai có trách nhiệm kiểm tra, thống kê, đánh giá (nhanh, đầy đủ, chính
xác) và báo cáo cơ quan cấp trên kịp thời theo quy định.
8. Ủy ban nhân dân các phường - xã -
thị trấn
a) Thực hiện công tác phòng, chống, ứng
phó và khắc phục hậu quả thiên tai tại địa bàn mình quản lý theo chức năng, nhiệm
vụ được giao; những vấn đề vượt thẩm quyền, Ủy ban nhân dân các phường - xã -
thị trấn báo cáo ngay cho Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo giải quyết.
b) Ủy ban nhân dân các phường - xã -
thị trấn bị thiệt hại do thiên tai có trách nhiệm kiểm tra, thống kê, đánh giá
(nhanh, đầy đủ, chính xác) và báo cáo kịp thời cho cơ quan cấp trên theo quy định.
Điều 28. Trách
nhiệm phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả cháy rừng do tự nhiên
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn
a) Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm thường trực
24/24 giờ trong tất cả các ngày có dự báo cháy rừng từ cấp 3 trở nên, theo dõi
chặt chẽ diễn biến thời tiết; tiếp nhận tổng hợp tình hình, xử lý mọi thông tin
về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, đề xuất những phương án, xử lý kịp thời,
hiệu quả.
b) Phối hợp với Công an Thành phố, Bộ
Tư lệnh Thành phố trong việc chỉ huy, điều hành, huy động lực lượng, phương tiện
kịp thời ứng cứu, chữa cháy rừng khi xảy ra cháy lớn.
2. Công an Thành phố
a) Triển khai thực hiện các nhiệm vụ:
- Thành lập, quản lý hoạt động của
các đơn vị phòng cháy và chữa cháy rừng thuộc phạm vi quản lý của mình.
- Hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng
và thực hiện phương án phòng cháy và chữa cháy rừng.
- Chỉ đạo, kiểm tra và tổ chức huấn
luyện, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy rừng chuyên
ngành; lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của chủ rừng và lực lượng bảo vệ rừng
của cơ sở.
- Kiểm tra việc thực hiện những yêu cầu,
quy định về phòng cháy và chữa cháy, xử lý các vi phạm quy định về phòng cháy
và chữa cháy rừng.
- Đảm bảo an toàn về người và tài sản,
an ninh trật tự tại khu vực xảy ra cháy rừng.
b) Phối hợp với Bộ Tư lệnh Thành phố,
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc chỉ huy, điều hành, huy động
lực lượng, phương tiện kịp thời ứng cứu, chữa cháy rừng khi xảy ra cháy lớn.
3. Bộ Tư lệnh Thành phố
a) Phối hợp với Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn, Công an Thành phố trong việc chỉ huy, điều hành, huy động
lực lượng, phương tiện kịp thời ứng cứu, chữa cháy rừng khi xảy ra cháy lớn.
b) Chỉ đạo Ban Chỉ huy Quân sự thành
phố Thủ Đức và các huyện có rừng và các đơn vị quân đội đóng trên địa bàn xây dựng
phương án hiệp đồng trong phòng cháy, chữa cháy rừng; sẵn sàng huy động lực lượng,
phương tiện tham gia chữa cháy rừng khi có yêu cầu của cấp có thẩm quyền.
c) Chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện
những quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng đối với những diện tích rừng được
giao.
4. Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức
và các huyện có rừng
a) Xây dựng Kế hoạch ứng phó cháy rừng
để triển khai thực hiện trên địa bàn quản lý.
b) Tổ chức xây dựng lực lượng xung
kích tại chỗ, tổ chức luyện tập và chuẩn bị các điều kiện cần thiết khác cho
công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
c) Huy động lực lượng ứng cứu, chữa
cháy rừng khi vượt quá khả năng chữa cháy của lực lượng tại chỗ.
5. Ủy ban nhân dân các phường - xã -
thị trấn có rừng
a) Đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục ý
thức phòng cháy, chữa cháy rừng.
b) Tăng cường kiểm tra, đôn đốc chủ rừng,
chủ đất có cây lâm nghiệp thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng
theo quy định.
c) Huy động lực lượng tại chỗ cứu chữa
cháy rừng, báo cáo kịp thời diễn biến vụ cháy và đề xuất các biện pháp chữa
cháy cho cấp trên quản lý trực tiếp.
đ) Phối hợp với các cơ quan chức năng
điều tra, xác minh, làm rõ nguyên nhân cháy và khắc phục hậu quả sau cháy.
6. Đối với chủ rừng
a) Chủ rừng phải thực hiện đầy đủ các
quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy rừng; chịu trách nhiệm toàn diện
về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên diện tích được giao quản lý, sử dụng.
b) Thực hiện nghiêm chế độ thường trực,
tuần tra canh gác tại rừng, tổ chức lực lượng chữa cháy kịp thời và báo cáo
theo quy định.
c) Phối hợp và tạo điều kiện cho các
cơ quan chức năng điều tra, xác minh, làm rõ nguyên nhân vụ cháy rừng.
d) Có biện pháp tích cực, kịp thời khắc
phục hậu quả sau cháy rừng xảy ra.
Điều 29. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị Thành phố
và Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận - huyện triển khai
các nhiệm vụ theo Quyết định số 59/2011/QĐ-UBND ngày 21 tháng 9 năm 2011 của Ủy
ban nhân dân Thành phố ban hành Quy định về công tác phòng, chống, ứng phó và
khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn Thành phố và Quyết định số
30/2015/QĐ-UBND ngày 29 tháng 6 năm 2015 của Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành
Quy chế hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ tại Thành phố Hồ Chí Minh; đồng thời
phải trực tiếp chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của
đơn vị, địa phương mình thực hiện nhiệm vụ được phân công khi thiên tai xảy ra.
Các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp thực
hiện theo nhiệm vụ và địa bàn được phân công phụ trách.
Điều 30. Các tổ chức, lực lượng đóng trên địa bàn Thành
phố phải chịu mọi sự điều động và chấp hành nghiêm túc sự chỉ đạo của Trưởng
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố, Chủ tịch Ủy
ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận - huyện, đảm bảo cơ chế chỉ huy tập
trung, thống nhất trong công tác chuẩn bị, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên
tai đảm bảo quá trình xử lý sự cố thiên tai được kịp thời, nhanh chóng và an
toàn cho Nhân dân.
Điều 31. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu
nạn các cấp, các ngành thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo quy định.
Điều 32. Các sở, ban, ngành, đơn vị Thành phố, Ủy ban
nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận - huyện, phường - xã - thị trấn căn cứ
Phương án này rà soát, xây dựng Phương án phòng, chống, ứng phó thiên tai theo
cấp độ rủi ro thiên tai tại địa phương, đơn vị mình.
Chương VII
LỰC LƯỢNG,
PHƯƠNG TIỆN PHÒNG, CHỐNG, ỨNG PHÓ THIÊN TAI
Điều 33. Lực lượng
Lực lượng dự kiến huy động từ các cấp,
các ngành tham gia công tác phòng, chống, ứng phó khi xảy ra thiên tai đảm bảo
gần khoảng 30.000 người. Trong đó, lực lượng nòng cốt của Thành phố Hồ Chí Minh
là 4.240 người; lực lượng của thành phố Thủ Đức và các quận - huyện là 9.356
người; lực lượng các phường - xã - thị trấn là 16.020 người. Tùy theo tình hình
diễn biến và mức độ ảnh hưởng, thiệt hại của thiên tai, Ban Chỉ huy Phòng chống
thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố quyết định việc điều động và phân công,
bố trí lực lượng để chi viện cho các địa phương theo yêu cầu (chi tiết theo
Phụ lục III đính kèm).
Điều 34. Phương
tiện, trang thiết bị
Phương tiện, trang thiết bị dự kiến
huy động để phòng, chống, ứng phó với thiên tai gồm có phương tiện, trang thiết
bị cơ động, chi viện của các sở, ngành, đơn vị Thành phố và phương tiện, trang
thiết bị tại chỗ của thành phố Thủ Đức và các quận - huyện (chi tiết theo Phụ
lục IV đính kèm).
Phương án này được phổ biến đến các cấp,
các ngành, thông tin rộng rãi đến các tầng lớp Nhân dân, các đơn vị, doanh nghiệp
và đăng tải trên trang web của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu
nạn Thành phố (địa chỉ: http://www.phongchonglutbaotphcm.gov.vn mục Phòng chống
thiên tai/Phương án)./.
PHỤ LỤC I
CÁC VỊ TRÍ CÓ NGUY CƠ SẠT LỞ TRÊN ĐỊA BÀN
THÀNH PHỐ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3843/QĐ-UBND ngày 10 tháng 11 năm 2021 của Ủy
ban nhân dân Thành phố)
TT
|
Vị
trí sạt lở
|
Tuyến
sông, kênh,rạch
|
Phạm
vi sạt lở (m)
Dài x Rộng
|
Đánh
giá mức độ sạt lở
|
Ghi
chú
|
1
|
Bờ trái, cầu Phước Lộc về phía hạ
lưu + 1.000m, xã Phước Kiển (vị trí này được lập thành 02 dự án)
|
Rạch
Ông Lớn 2 - Phước Kiểng - Mương Chuối
|
415
x 10
|
Đặc
biệt nguy hiểm
|
- Khu vực đông dân cư
- Đã vận động 18/24 hộ dân bàn giao
mặt bằng
- Đã được lắp đặt biển cảnh báo sạt
lở
|
2
|
Bờ trái, thượng lưu ngã 3 Kinh Lộ đến
ngã Tắc Mương Lớn, xã Hiệp Phước
|
Rạch
Giồng - Sông Kinh Lộ
|
809
x 10
|
Đặc
biệt nguy hiểm
|
- 200m gần cầu Kênh Lộ có 15 hộ
dân, cách bờ 10m
- Đoạn 1: vận động bàn giao mặt bằng,
còn 01 hộ chưa bàn giao
- Đoạn 2: còn 191m chưa đồng ý bàn
giao
- Đã được lắp đặt biển cảnh báo sạt
lở
|
3
|
Bờ trái từ cầu Long Kiển về thượng
lưu 100m, về hạ lưu 630m
|
Sông
Phước Kiểng
|
630
x 10
|
Nguy
hiểm
|
- Khu vực có nhiều cụm dân cư sát bờ
(47 hộ dân chưa chấp thuận di dời)
- Đã được lắp đặt biển cảnh báo sạt
lở
|
4
|
Bờ phải, thượng lưu cầu Phước Lộc
|
Rạch
Ông Lớn 2 - Phước Kiểng - Mương Chuối
|
247
x 10
|
Đặc
biệt nguy hiểm
|
- Đây là khu vực tập trung dân cư
- Đã được lắp đặt biển cảnh báo sạt
lở
|
5
|
Bờ phải từ cầu Long Kiển về thượng
lưu 146m
|
Sông
Phước Kiểng
|
146
x 10
|
Đặc
biệt nguy hiểm
|
- Còn nhiều cụm dân cư sát bờ (vướng
27 hộ)
- Đã được lắp đặt biển cảnh báo sạt
1
|
6
|
Km 03+150. ngay Cầu tàu Bến Đò ấp
3, xã Hiệp Phước
|
Rạch
Giồng - Sông Kinh Lộ
|
600x3
|
Nguy
hiểm
|
- Khu vực bến đò;
- Ảnh hưởng 01 hộ dân đang sinh sống;
02 trụ điện
|
7
|
Bờ phải Km 3+600 thuộc tổ 3, ấp 4,
xã Hiệp Phước
|
Rạch
Giồng - Sông Kinh Lộ
|
520x3
|
Nguy
hiểm
|
- Ảnh hưởng 01 hộ dân đang sinh sống
|
8
|
Rạch Giồng, bờ phải, từ rạch Gò Me
đến tiếp giáp kè tổ 3, ấp 4
|
Rạch
Giồng
|
480x2
|
Nguy
hiểm
|
- Ảnh hưởng khoảng 22 hộ dân;
- Vị trí đã xảy ra sạt lở vào ngày
25/11/2018 đoạn giáp kè Trung tâm Quản lý đường thủy làm chủ đầu tư
- Đã được lắp đặt biển cảnh báo sạt
lở
|
9
|
Bờ phải rạch Bầu Le (thượng lưu cầu
Bầu Le), xã Hiệp Phước
|
Rạch
Bàu Le
|
150x5
|
Nguy
hiểm
|
- Ảnh hưởng 05 hộ dân
- Đã được lắp đặt biển cảnh báo sạt
lở
|
10
|
Tắc Sông Chà, bờ phải, giao với
sông Soài Rạp về hạ lưu Tắc Sông Chà
|
Tắc
Sông Chà
|
160
x 10
|
Nguy
hiểm
|
- Khu vực đất sản xuất nông nghiệp,
đã di dời dân
- Đã được lắp đặt biển cảnh báo sạt
lở
|
11
|
Kênh Bà Tổng, bờ phải, hạ lưu cầu
Bà Tổng, xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ
|
Kênh
Bà Tổng
|
30 x
10
|
Đặc
biệt nguy hiểm
|
- Khu vực tập trung đông dân cư
|
12
|
Km00+500, bờ trái tuyến Tắc An
Nghĩa (cách hạ lưu cầu An Nghĩa khoảng 400m), ấp An Nghĩa, xã An Thới Đông
|
Tắc
An Nghĩa
|
60x20
|
Đặc
biệt nguy hiểm
|
- Khu vực tập trung đông dân cư
đang vướng mặt bằng 03 hộ
- Đã được lắp đặt biển cảnh báo sạt
lở
|
13
|
Rạch Mốc Keo, bờ phải, khu dân cư
An Hòa, xã Tam Thôn Hiệp
|
Rạch
Mốc Keo
|
150x2
|
Nguy
hiểm
|
- Hiện trạng bờ rạch sạt lở, dân cư
sinh sống sát bờ rạch (khoảng 150 hộ)
- Đã được lắp đặt biển cảnh báo sạt
lở
|
14
|
Sông Lòng Tàu, khu vực đường thủy số
5, xã Tam Thôn Hiệp (từ trạm đường thủy số 5 đến rạch Tắc Cát)
|
Sông
Lòng Tàu
|
328
x 20
|
Nguy
hiểm
|
- Bên trong là khu dân cư và trục chính
đường Tam Thôn Hiệp, phía ngoài là trụ sở của Trạm đường thủy số 5;
- Ảnh hưởng 20 hộ dân.
- Đã được lắp đặt biển cảnh báo sạt
lở
|
15
|
Sông Lòng Tàu, tổ 37, ấp Trần Hưng
Đạo, xã Tam Thôn Hiệp (đoạn từ kè đá tổ 39, ấp Trần Hưng Đạo đến nhà ông Tư
Chấm)
|
Sông
Lòng Tàu
|
614x35
|
Nguy
hiểm
|
- Sạt lở làm biển cảnh báo sạt lở bị
sạt xuống sông;
- Bên trong là khu dân cư và trục
chính đường Tam Thôn Hiệp;
- Ảnh hưởng 40 hộ dân.
- Đã được lắp đặt biển cảnh báo sạt
lở.
|
16
|
Kênh Bà Tổng, ấp An Hòa, xã An Thới
Đông (khu vực kè Bà Tổng đến nhà ông Nguyễn Văn Năm)
|
Kênh
Bà Tổng
|
874
x 10
|
Nguy
hiểm
|
- Bên trong là khu dân cư và đường
bê tông nông thôn
- Ảnh hưởng 50 hộ dân
- Đã được lắp đặt biển cảnh báo sạt
lở
|
17
|
Rạch Xóm Củi, bờ trái, thượng lưu cầu
Xóm Củi + 100m, xã Bình Hưng
|
Rạch
Xóm Củi
|
570x2
|
Đặc
biệt nguy hiểm
|
- Đây là khu dân cư tập trung 146 hộ
(có 25 hộ dân nằm trong vùng sạt lở nguy hiểm cần di dời khẩn cấp)
- Đã được lắp đặt biển cảnh báo sạt
lở
|
18
|
Bờ phải sông Cần Giuộc ấp 2 xã Qui Đức
(phía sau trụ sở UBND xã Qui Đức)
|
Sông
Cần Giuộc
|
200x7
|
Nguy
hiểm
|
- Nằm trong khu vực có 20 hộ dân
sinh sống
- UBND huyện đã ra thông báo thu hồi
đất để thực hiện dự án
- Đã được lắp đặt biển cảnh báo sạt
lở.
|
19
|
Bờ phải sông Chợ Đệm - Bến Lức, xã
Tân Kiên
|
Sông
Chợ Đệm - Bến Lức
|
30x4
|
Đặc
biệt nguy hiểm
|
- Khu vực có 02 nhà sống ven sông
- Phạm vi ảnh hưởng chiều dài dọc bờ
là 5m
- Đã được lắp đặt biển cảnh báo sạt
lở
|
20
|
Sông Sài Gòn, bờ trái, hạ lưu cách
cầu Sài Gòn 500m, phường Bình An
|
Sông
Sài Gòn
|
180 x
10
|
Nguy
hiểm
|
Đây là khu dân cư tập trung, có nhiều
hộ dân xung quanh bị ảnh hưởng (11 hộ di dời)
|
21
|
Sông Sài Gòn, bờ trái, đối diện nhà
16/5 đến 16/13 Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền
|
Sông
Sài Gòn
|
100
x 10
|
Nguy
hiểm
|
- Đây là khu dân cư tập trung (08 hộ
di dời)
|
22
|
Rạch Giồng Ông Tố, bờ phải, thượng
và hạ lưu cầu Giồng Ông Tố 1, phường An Phú
|
Rạch
Giồng Ông Tố
|
150m
mỗi bên mố cầu
|
Đặc
biệt nguy hiểm
|
Đây là khu dân cư tập trung, có nhiều
hộ dân xung quanh bị ảnh hưởng (19 hộ)
|
23
|
Rạch Giồng Ông Tố, bờ trái, thượng
và hạ lưu cầu Giồng Ông Tố 1, P. Bình Trưng Tây
|
24
|
Bờ trái sông Sài Gòn (cách cầu Sài
Gòn 4,5km về phía thượng lưu thuộc khu đất số 61 đường Trần Ngọc Diện, phường
Thảo Điền)
|
Sông
Sài Gòn
|
100
x 10
|
Đặc
biệt nguy hiểm
|
01 hộ và khu đất của Văn phòng
Thành ủy
- Đã được lắp đặt biển cảnh báo sạt
lở
|
25
|
Sông Đồng Nai, bờ phải, đoạn từ phà
Cát Lái về phía hạ lưu đến xưởng đóng tàu Saigon Shipyard, thuộc phường Thạnh
Mỹ Lợi, Quận 2
|
Sông
Đồng Nai
|
225x5
|
Nguy
hiểm
|
- Một số hộ dân xây dựng nhà sàn
sát mép sông, có hiện tượng lún, nứt nghiêng ra sông
- Ảnh hưởng trực tiếp 30 hộ dân
- Đã được lắp đặt biển cảnh báo sạt
lở
|
26
|
Sông Sài Gòn - ngã ba sông Sài Gòn
- thượng lưu kênh Thanh Đa đến xưởng cơ khí Tiền Phong
|
Sông
Sài Gòn
|
2.797
x 10
|
Đặc
biệt nguy hiểm
|
- Đây là khu dân cư tập trung, có
nhiều hộ dân bị ảnh hưởng
- Đã được lắp đặt biển cảnh báo sạt
lở
|
27
|
Sông Sài Gòn, từ xưởng cơ khí Tiền
Phong đến ngã ba rạch Chùa
|
Sông
Sài Gòn
|
4.270
x 10
|
Đặc
biệt nguy hiểm
|
- Đây là khu dân cư tập trung, có
nhiều hộ dân bị ảnh hưởng
- Đã được lắp đặt biển cảnh báo sạt
lở
|
28
|
Sông Sài Gòn, từ rạch Chùa đến ngã
ba sông Sài Gòn - hạ lưu kênh Thanh Đa
|
Sông
Sài Gòn
|
2.772
x 10
|
Đặc
biệt nguy hiểm
|
- Khu dân cư tập trung (khu vực biệt
thự Lý Hoàng, có 3 hộ dân bị ảnh hưởng
- Đã được lắp đặt biển cảnh báo sạt
lở
|
29
|
Sông Sài Gòn, bờ phải, từ ngã 3
kênh Thanh Đa - sông Sài Gòn về phía hạ lưu 550m
|
Sông
Sài Gòn
|
100x7
|
Nguy
hiểm
|
- Đây là khu vực đất quốc phòng
(Kho xăng dầu VK 102 Phường 25 do Bộ tư lệnh Quân khu 7 quản lý);
- Thượng lưu tiếp giáp Bờ kè Thanh
Đa 1.1; hạ lưu tiếp giáp khu dân cư và khu đất của Công ty than miền Nam
|
30
|
Sông Sài Gòn, bờ trái, khu vực ký
túc xá Đại học Mỹ Thuật, phường Hiệp Bình Chánh
|
Sông
Sài Gòn
|
150x5
|
Nguy
hiểm
|
- Đây là khu vực tập trung dân cư
- Có 2 nhà dân lân cận bị ảnh hưởng
|
31
|
Sông Sài Gòn, bờ trái, khu vực đình
Bình Phước, ngã ba rạch Vĩnh Bình - sông Sài Gòn, khu phố 1, phường Hiệp Bình
Phước
|
250
x 10
|
- Đây là khu dân cư tập trung
- Có 2 nhà dân bị ảnh hưởng
- Đã được lắp đặt biển cảnh báo sạt
lở
|
32
|
Sông Sài Gòn, bờ trái, khu vực nhà
thờ Fatima, phường Hiệp Bình Chánh
|
Sông
Sài Gòn
|
300
x 10
|
Nguy
hiểm
|
- Nhà dân cách khu vực sạt lở khoảng
15m, có công trình kè của nhà thờ Fatima lân cận (80 hộ ảnh hưởng)
- Đã được lắp đặt biển cảnh báo sạt
lở
|
33
|
Kênh Tàu Hủ - Lò Gốm, trước kho 277
- 289, Bến Bình Đông, phường 14
|
Kênh
Tàu Hủ - Lò Gốm
|
100x2
|
Nguy
hiểm
|
- Phạm vi ảnh hưởng: chiều dài dọc
bờ là 100m
- Trước khu vực này có đường Bến
Bình Đông, xe cộ thường xuyên qua lại
|
34
|
Bờ phải rạch Tra, xã Tân Hiệp
|
Rạch
Tra
|
02
đoạn: mỗi đoạn= 30 x 8
|
Nguy
hiểm
|
- Đường giao thông vào HTX thực phẩm
Tân Hiệp
- Cách đường khoảng 8m có một số hộ
dân
|
35
|
Sông Sài Gòn, gói thầu 4A, dự án
công trình thủy lợi bờ hữu ven sông Sài Gòn, xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn
|
Sông
Sài Gòn
|
100x3
|
Nguy
hiểm
|
- Ảnh hưởng khoảng 69ha và 726 hộ
dân với 2.600 nhân khẩu thuộc ấp 3, xã Nhị Bình
- Đã được lắp đặt biển cảnh báo sạt
lở
|
PHỤ LỤC II
TỔ CHỨC SƠ TÁN DÂN VÀ KIỂM TRA CÁC ĐIỂM
TRÁNH TRÚ AN TOÀN PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI, DỊCH BỆNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3843/QĐ-UBND ngày 10 tháng 11 năm 2021 của Ủy
ban nhân dân Thành phố)
1. Điểm tránh
trú an toàn
a) Vị trí điểm tránh trú an toàn
- Gần nơi ở của người dân dự kiến sơ
tán tránh trú.
- An toàn trước cấp gió (đối với bão,
áp thấp nhiệt đới); không nằm vùng trũng thấp (đối với xả lũ, ngập lụt, nước
dâng); không gần khu vực ven biển (đối với sóng thần)...
- Đường đến điểm sơ tán không bị ngập
lụt...
b) Lưu ý tại điểm tránh trú an toàn:
- Diện tích đủ rộng để đảm bảo khoảng
cách an toàn phòng, chống dịch bệnh.
- Bố trí tại điểm tránh trú: diện
tích 01 vị trí là 1,2m x 2m (đảm bảo sinh hoạt và nghỉ ngơi); khoảng cách giữa
02 vị trí tối thiểu 2m.
- Lập biển chỉ dẫn lối đi sơ tán và
di chuyển 01 chiều trong điểm tránh trú an toàn.
- Lập sơ đồ vị trí, tên, địa chỉ, số
điện thoại người dân để phục vụ quản lý, giám sát phòng dịch tại điểm tránh
trú.
- Có quạt thông gió hoặc ô thông gió
trên cao để đảm bảo thông thoáng nhưng an toàn khi thiên tai xảy ra (bão, áp thấp
nhiệt đới, ngập lụt...).
- Có lối đi cho người khuyết tật đảm
bảo đúng kỹ thuật theo quy định tại Thông tư số 21/2014/TT-BXD ngày 29 tháng 12
năm 2014 của Bộ Xây dựng ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng công
trình đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng (nếu chưa đáp ứng được điều kiện
phải có giải pháp hỗ trợ).
- Hạn chế sử dụng điểm tránh trú có
nhiều cửa kính dễ đổ, vỡ do vật cứng va đập. Nếu phải sử dụng, phải có biện
pháp đảm bảo an toàn cho người dân (không để người dân nằm dưới cửa kính, gia cố
ván gỗ che kín cửa kính và chằng chống chắc chắn).
- Sàn nhà không trơn, trượt; nếu có
điểm trơn trượt phải có biển cảnh báo cho người dân.
- Tại mỗi cửa ra, vào nơi người dân
tránh trú, bố trí nước rửa tay sát khuẩn hoặc nước rửa tay, bình nước, khăn
lau. Treo hướng dẫn người dân rửa tay đúng cách phòng, chống dịch bệnh theo hướng
dẫn của cơ quan y tế.
- Bố trí bàn làm việc tại lối đi vào
điểm tránh trú để thực hiện các hoạt động phòng ngừa dịch bệnh: đo thân nhiệt,
khai báo y tế, phát khẩu trang (nếu người dân chưa có), rửa tay sát khuẩn và
phát tờ thông báo các quy định người dân phải thực hiện phòng, chống dịch bệnh
tại điểm tránh trú an toàn.
- Bố trí treo các bảng thông báo, hướng
dẫn phòng, chống dịch bệnh lên tường tại khu người dân tập trung (quy định
phòng, chống dịch bệnh; thông điệp “5K”; phương pháp rửa tay đúng cách; phương
pháp dùng khẩu trang đúng cách...).
- Khu vệ sinh cá nhân:
+ Vị trí nằm trong hoặc gần khu người
dân tập trung tránh trú. Trong trường hợp nằm tách biệt, xa hoặc ngoài trời thì
cần có biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân, đặc biệt với phụ nữ, trẻ em
gái, đối tượng dễ bị tổn thương.
+ Có giấy vệ sinh, nước sạch, nước rửa
tay, nước khử khuẩn sàn và thiết bị vệ sinh.
+ Phòng vệ sinh phải thông thoáng (quạt
thông gió hoặc ô thông gió trên cao).
+ Sàn nhà không trơn, trượt; nếu có
điểm trơn trượt phải có biển cảnh báo cho người dân.
+ Lối vào, vị trí đặt thiết bị vệ sinh,
rửa tay đảm bảo tiếp cận cho người khuyết tật (trong trường hợp điều kiện chưa
đáp ứng phải có giải pháp hỗ trợ).
- Phòng cách ly tạm thời được sử dụng
trong trường hợp phát hiện người nghi nhiễm hoặc có triệu chứng nhiễm dịch bệnh,
có F0 tại điểm tránh trú an toàn. Phòng cách ly tạm thời cần xem xét:
+ Vị trí phòng bố trí cách biệt, có lối
đi riêng.
+ Diện tích đặt 02 giường cho bệnh
nhân, bàn và không gian làm việc cho cán bộ y tế.
+ Có biển (KHU VỰC CÁCH LY) đặt bên
ngoài và rào chắn để người dân và trẻ em không đi vào khu vực.
- Bố trí bếp nấu nướng phục vụ ăn uống
của người dân và lực lượng canh trực tại điểm tránh trú.
- Phòng tắm: vị trí nằm trong hoặc gần
khu người dân tập trung tránh trú. Trong trường hợp nằm tách biệt, xa hoặc
ngoài trời thì cần có biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân, đặc biệt với phụ
nữ, trẻ em gái, đối tượng dễ bị tổn thương.
2. Sơ tán dân
- Lập danh sách và thông báo (qua loa
phát thanh, loa cầm tay, phát tờ thông báo đến từng hộ dân, tin nhắn...) với
người dân vị trí điểm tránh trú an toàn, lối đi an toàn để người dân chủ động
thực hiện khi có lệnh sơ tán. Đối với đối tượng dễ bị tổn thương, cần hỗ trợ,
phải lập danh sách, phân công lực lượng hỗ trợ và thông báo cho người dân (cung
cấp tên, số điện thoại cán bộ hỗ trợ người dân).
- Phân luồng, người cách người 2m và
bố trí người dân đến đúng vị trí đã được bố trí.
- Trong lúc đi sơ tán người dân cần đảm
bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh (đeo khẩu trang, giữ khoảng cách...).
- Tại các vùng có nguy cơ dịch bệnh
cao và rất cao, xem xét việc xét nghiệm nhanh ngẫu nhiên người dân tại điểm
tránh trú an toàn (có thể xét nghiệm gộp mẫu).
3. An ninh, trật
tự
Đảm bảo an ninh, trật tự trong thời
gian người dân sơ tán tại điểm tránh trú an toàn; đặc biệt sẵn sàng tình huống:
- Hoạt động gây rối, mất trật tự, an
ninh của người dân tại điểm tránh trú (tranh cãi, tranh chấp, đánh nhau hoặc
xúi giục người khác đánh nhau...).
- Hành động gây rối, hoảng loạn, lo lắng
khi phát hiện người nghi hoặc có triệu chứng nghi nhiễm, có F0 tại điểm tránh
trú an toàn.
4. Vệ sinh môi
trường, phòng, chống dịch bệnh
- Quy định và hướng dẫn người dân vứt
rác đúng vị trí, đúng thùng hoặc túi phân loại rác (rác sinh hoạt, rác y tế). Tất
cả khẩu trang y tế đã qua sử dụng phải đựng trong thùng hoặc túi đựng rác thải
y tế.
- Vị trí để thùng hoặc túi rác đặt ở
vị trí thuận lợi đi lại cho người dân, không quá xa nơi ở của người dân, không
gần hoặc đi qua phòng cách ly tạm thời, không bị ngập nước (đặt cao, khô ráo)
và có biển ghi “KHU ĐỂ RÁC”.
- Thùng hoặc túi đựng rác phải ghi rõ
“Rác sinh hoạt”, “Rác y tế” và có nắp đậy kín (đối với thùng) hoặc buộc kín (đối
với túi).
- Thu gom, xử lý rác thực hiện theo
quy định và hướng dẫn của cơ quan y tế.
5. Vật tư
phòng, chống dịch bệnh
Ngoài các vật tư phục vụ phòng, chống
thiên tai, một số vật tư thiết yếu, bao gồm:
- Phòng, chống dịch bệnh:
+ Nước rửa tay sát khuẩn.
+ Nước rửa tay có độ cồn trên 60%.
+ Khẩu trang y tế hoặc khẩu trang vải.
+ Nước súc họng (nước muối sinh lý
9%o).
+ Thuốc nhỏ mũi.
+ Bộ bảo hộ phòng chống dịch (bộ mũ,
áo, quần chống dịch cấp độ 3-4; kính bảo hộ; tấm che mặt; găng tay y tế; bao
giày; khẩu trang) đối với cán bộ y tế; cán bộ quản lý, giám sát điểm tránh trú;
người nghi hoặc có triệu chứng nghi nhiễm dịch bệnh tại phòng cách ly tạm thời
(đặc biệt đối với điểm tránh trú an toàn trong khu vực có mức độ nguy cơ dịch bệnh
cao, rất cao hoặc đã có dịch bệnh).
- Vệ sinh trong sinh hoạt:
+ Xà phòng hoặc nước rửa tay.
+ Giấy vệ sinh.
+ Nước khử khuẩn sàn và thiết bị vệ
sinh.
+ Thùng, túi đựng rác thải.
6. Phương tiện
Ô tô chuyên chở người nghi hoặc có
triệu chứng nghi nhiễm dịch bệnh, F0 đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch bệnh đến
khu cách ly, khu chăm sóc, điều trị.
7. Trang thiết
bị y tế
- Thiết bị đo thân nhiệt.
- Các thiết bị tối thiểu (theo hướng
dẫn của cơ quan y tế) xử lý trường hợp xuất hiện người nghi hoặc có triệu chứng
nghi nhiễm dịch bệnh, có F0 tại phòng cách ly tạm thời trước khi đưa đến khu
cách ly, khu chăm sóc, điều trị.
8. Tài liệu phục
vụ phòng, chống dịch bệnh tại điểm tránh trú an toàn
- Mẫu khai báo y tế theo quy định của
Bộ Y tế.
- Danh sách người dân tại điểm tránh
trú an toàn: tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại, thời gian đến điểm tránh trú,
thân nhiệt, tình hình sức khỏe.
- Bảng theo dõi thân nhiệt người dân
trong thời gian sơ tán tại điểm tránh trú an toàn theo từng ngày (có thể kiểm
tra thân nhiệt ngẫu nhiên).
- Sơ đồ vị trí người dân tránh trú.
- Thông báo các quy định người dân phải
thực hiện phòng, chống dịch bệnh tại điểm tránh trú an toàn.
- Thông báo, hướng dẫn treo tường:
+ Hướng dẫn rửa tay đúng cách phòng,
chống dịch bệnh.
+ Quy định phòng, chống dịch bệnh tại
điểm tránh trú an toàn.
+ Thông điệp “5K”.
+ Hướng dẫn sử dụng khẩu trang đúng
cách phòng, chống dịch bệnh.
- Biển chỉ dẫn, cảnh báo tại phòng cách
ly tạm thời, khu vệ sinh, khu tắm, các điểm trơn, trượt nguy hiểm, hướng di
chuyển, khu để rác (rác sinh hoạt, rác y tế).
9. Hậu cần
- Nước sạch đảm bảo cho người dân tại
nơi sơ tán.
- Bổ sung lương thực, thực phẩm và thuốc
tăng cường sức khỏe, sức đề kháng cho người dân. Đối với phụ nữ mang thai, người
cao tuổi, người mắc bệnh mãn tính cần lưu ý lương thực, thực phẩm có đủ chất:
chất đạm, vitamin C, vitamin D, vitamin E, selen, sắt, kẽm, thực phẩm chứa
flavonoid và omega3.
PHỤ LỤC III
LỰC LƯỢNG DỰ KIẾN HUY ĐỘNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3843/QĐ-UBND ngày 10 tháng 11 năm 2021 của Ủy
ban nhân dân Thành phố)
STT
|
LỰC
LƯỢNG
|
CẤP
THÀNH PHỐ
|
CẤP
HUYỆN
|
CẤP
XÃ
|
TỔNG
CỘNG
|
1
|
Quân sự
|
740
|
2.856
|
3.220
|
6.816
|
2
|
Bộ đội biên phòng
|
400
|
|
|
400
|
3
|
Công an
|
1.100
|
2.000
|
600
|
3.700
|
4
|
Y tế
|
500
|
1.100
|
|
1.600
|
5
|
Hội Chữ thập đỏ
|
100
|
900
|
|
1.000
|
6
|
Doanh nghiệp Công ích
|
|
1.000
|
|
1.000
|
7
|
Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị
|
400
|
|
|
400
|
8
|
Công ty TNHH MTV QL KT dịch vụ Thủy
lợi
|
200
|
|
|
200
|
9
|
Thanh niên xung phong
|
800
|
|
|
800
|
10
|
Lực lượng xung kích
|
|
1.500
|
12.200
|
13.700
|
Tổng cộng các lực lượng
|
4.240
|
9.356
|
16.020
|
29.616
|
PHỤ LỤC IV
PHƯƠNG TIỆN, TRANG THIẾT BỊ SẴN SÀNG HUY
ĐỘNG PHỤC VỤ PHÒNG, CHỐNG, ỨNG PHÓ THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3843/QĐ-UBND ngày 10 tháng 11 năm 2021 của Ủy
ban nhân dân Thành phố)
STT
|
PHƯƠNG
TIỆN, TRANG THIẾT BỊ
|
ĐƠN
VỊ TÍNH
|
SỐ
LƯỢNG
|
ĐƠN
VỊ QUẢN LÝ
|
|
1
|
Ca nô
|
chiếc
|
86
|
BCH Bộ đội biên phòng TP (37); Bộ Tư
lệnh TP (5); Công an TP (5); Lực lượng TNXP TP (2); Cảng vụ Hàng hải (5); Chi
cục Thủy sản (1); Công ty TNHH MTV QLKT dịch vụ Thủy lợi (1); Thanh tra Sở
Giao thông vận tải (3); TP.Thủ Đức (5); Quận 8 (1); Quận 12 (1); Gò Vấp (1);
Cần Giờ (14); Nhà Bè (3); Bình Chánh (2).
|
2
|
Xuồng cứu hộ
|
chiếc
|
50
|
Bộ Tư lệnh TP (2); Công an TP (12);
Lực lượng TNXP TP (7); Công ty TNHH MTV QLKT dịch vụ Thủy lợi (1); Quận 7
(1); Quận 8 (1); Quận 12 (5); Hóc Môn (1); Tân Phú (1); Cần Giờ (9); Nhà Bè
(3); Bình Chánh (7).
|
3
|
Ghe cứu hộ
|
chiếc
|
53
|
Công an TP (2); Lực lượng TNXP TP
(3); Cần Giờ (48).
|
4
|
Tàu kéo
|
chiếc
|
2
|
Lực lượng TNXP TP (2).
|
5
|
Tàu tìm kiếm cứu nạn
|
chiếc
|
10
|
Cảng vụ Hàng hải TP (1); BCH Bộ đội
biên phòng TP (2); Chi cục Thủy sản (2); Cần Giờ (5).
|
6
|
Phà
|
chiếc
|
20
|
Lực lượng TNXP TP (20).
|
7
|
Xe 04-29 chỗ
|
chiếc
|
75
|
Sở Y tế (2); Sở Xây dựng (1); Thanh
tra Sở Giao thông vận tải (31); Quận 8 (2); Quận 4 (1); Bình Tân (2); Nhà Bè
(10); Hóc Môn (26 chiếc).
|
8
|
Xe tải
|
chiếc
|
114
|
TP. Thủ Đức (23); Công an TP (2); Công
ty TNHH MTV QLKT dịch vụ Thủy lợi (4); Bộ Tư lệnh TP (2); Quận 1 (7); Quận 3
(4); Quận 4 (2); Quận 7 (6); Quận 8 (2); Quận 10 (5); Quận 12 (1); Cần Giờ
(54); Bình Chánh (2).
|
9
|
Xe cứu hộ
|
chiếc
|
26
|
Công an TP (4); Sở Y tế (10); Bộ Tư
lệnh TP (1); Quận 4 (1); Quận 11 (10).
|
10
|
Xe cứu thương
|
chiếc
|
13
|
TP. Thủ Đức (2); Bộ Tư lệnh TP (1);
Công an TP (2); Hội Chữ thập đỏ (1); Quận 3 (2); Bình Tân (1); Cần Giờ (4).
|
11
|
Xe cứu hỏa các loại
|
chiếc
|
81
|
Công an TP (18); Bộ Tư lệnh TP (3);
TP Thủ Đức (10); Quận 4 (7); Quận 11 (11); Bình Thạnh (12); Cần Giờ (3); Nhà
Bè (7); Tân Phú (10).
|
12
|
Xe chuyên dụng các loại
|
chiếc
|
67
|
TP. Thủ Đức (20); Công an TP (7); Lực
lượng TNXP TP (1); Bộ Tư lệnh TP (4); Công ty TNHH MTV QLKT dịch vụ Thủy lợi
(4); Quận 4 (1); Quận 7 (4); Quận 10 (6); Cần Giờ (11); Nhà Bè (2).
|
13
|
Máy phát điện
|
cái
|
274
|
TP. Thủ Đức (31); BCH Bộ đội biên
phòng TP (3); Công an TP (85); Bộ Tư lệnh TP (1); Lực lượng TNXP TP (12); Cảng
vụ Hàng hải TP (6); Chi cục Thủy sản (2); Công ty TNHH MTV QLKT dịch vụ Thủy
lợi (8); Sở Lao động TBXH (23); Thanh tra Sở Giao thông vận tải (1); Quận 1
(3); Quận 3(1); Quận 4 (8); Quận 6 (3); Quận 7 (8); Quận 8 (2); Quận 10 (6);
Quận 11 (7); Quận 12 (11); Bình Tân (3); Hóc Môn (4); Tân Bình (6); Tân Phú
(16); Phú Nhuận (6); Gò Vấp (1); Cần Giờ (22); Nhà Bè (6); Bình Chánh (4).
|
14
|
Máy bơm nước
|
cái
|
323
|
TP.Thủ Đức (30); Công an TP (5); Bộ
Tư lệnh TP (2); Lực lượng TNXP TP (15); Chi cục Thủy sản (2); Công ty TNHH
MTV QLKT dịch vụ Thủy lợi (35); Sở Lao động TBXH (140); Quận 4 (15); Quận 6
(1); Quận 7 (3); Quận 8 (11); Quận 10 (7); Quận 11 (3); Quận 12 (14); Củ Chi
(9); Tân Phú (6); Tân Bình (2); Gò Vấp (7); Cần Giờ (4); Nhà Bè (5); Bình
Chánh (13).
|
15
|
Máy cắt bê tông
|
cái
|
90
|
TP.Thủ Đức (3); BCH Bộ đội biên phòng
TP (3); Bộ Tư lệnh TP (2); Công an TP (18); Quận 1 (3); Quận 6 (11); Quận 7
(5); Quận 8 (1); Quận 10 (4); Quận 12 (5); Bình Tân (5); Hóc Môn (1); Củ Chi
(1); Tân Bình (7); Tân Phú (2); Phú Nhuận (5); Cần Giờ (6); Nhà Bè (5); Bình
Chánh (3).
|
16
|
Máy khoan đục bê tông
|
cái
|
112
|
TP.Thủ Đức (18); Công an TP (14); Bộ
Tư lệnh TP (1); Lực lượng TNXP TP (2); Công ty TNHH MTV QLKT dịch vụ Thủy lợi
(4); Sở Lao động TBXH (5); Quận 1 (2); Quận 4 (12); Quận 7 (3); Quận 8 (5);
Quận 10 (4); Quận 12 (8); Tân Bình (4); Bình Tân (3); Phú Nhuận (5); Cần Giờ
(10); Nhà Bè (6); Bình Chánh (3); Tân Phú (1).
|
17
|
Máy hàn cắt kim loại
|
cái
|
23
|
Lực lượng TNXP TP (2); Công ty TNHH
MTV QLKT dịch vụ Thủy lợi (9); Sở Lao động TBXH (12).
|
18
|
Máy bộ đàm
|
cái
|
396
|
TP.Thủ Đức (17); Lực lượng TNXP TP
(158); Chi cục Thủy sản (6); Quận 3 (2); Quận 4 (42); Quận 6 (13); Quận 7
(40); Quận 8 (10); Quận 10 (30); Quận 12 (10); Tân Bình (10); Tân Phú (3);
Phú Nhuận (10); Cần Giờ (33); Nhà Bè (2); Bình Chánh (10).
|
19
|
Máy vô tuyến
|
cái
|
15
|
BCH Bộ đội Biên phòng TP (13); Chi
cục Thủy sản (2)
|
20
|
Điện thoại vệ tinh
|
cái
|
39
|
Thành ủy (4); Ủy ban nhân dân Thành
phố (3); Bộ Tư lệnh Thành phố (3); Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng TP (3); Công
an TP (5); Lực lượng Thanh niên Xung phong TP (1); Văn phòng Thường trực Ban
CHPCTT và TKCNTP (3); Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam (1); Đài Khí tượng thủy
văn Khu vực Nam bộ (1); Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh (1); Tổng công ty
Điện lực Thành phố TNHH (1); Chi cục Thủy sản (1); Sở Xây dựng (1); Sở Nông
nghiệp và Phát triển Nông thôn (4); Sở Công Thương (1); Sở Y tế (1); Sở Tài
Chính (1); Sở Giao thông Vận tải (1); Sở Thông tin truyền thông (2); Sở Tài
nguyên và Môi trường (1); Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ (2)
|
21
|
Súng bắn pháo hiệu
|
cái
|
3
|
BCH Bộ đội Biên phòng TP (3)
|
22
|
Đạn pháo hiệu
|
cái
|
255
|
BCH Bộ đội Biên phòng TP(255).
|
23
|
Máy nén PDS185
|
cái
|
1
|
Bộ Tư lệnh TP (1).
|
24
|
Máy soi đa chiều
|
cái
|
1
|
Bộ Tư lệnh TP (1).
|
25
|
Máy soi dưới nước
|
cái
|
3
|
TP.Thủ Đức (2); Bộ Tư lệnh TP (1).
|
26
|
Thiết bị cứu hộ trong không gian hẹp
|
cái
|
1
|
Bộ Tư lệnh TP (1).
|
27
|
Máy thở oxy khẩn cấp
|
cái
|
2
|
Bộ Tư lệnh TP (2).
|
28
|
Khí tài phòng độc
|
cái
|
1
|
Bộ Tư lệnh TP (1).
|
29
|
Máy đo độ sâu
|
cái
|
1
|
Cảng vụ Hàng hải TP (1).
|
30
|
Máy cắt sắt
|
cái
|
15
|
BCH Bộ đội biên phòng TP (2); Công
an TP (5); Lực lượng TNXP TP (1); Công ty TNHH MTV QLKT dịch vụ Thủy lợi (1);
Quận 7 (1); Quận 11 (1); Phú Nhuận (2); Nhà Bè (1); Gò Vấp (1).
|
31
|
Cưa máy cầm tay các loại
|
cái
|
313
|
TP.Thủ Đức (45); BCH Bộ đội biên phòng
TP (1); Công an TP (6); Lực lượng TNXP TP (3); Sở Lao động TBXH (10); Quận 1
(3); Quận 3 (2); Quận 4 (27); Quận 6 (10); Quận 7 (23); Quận 8 (9); Quận 10
(8); Quận 11 (5); Quận 12 (12); Bình Tân (19); Bình Thạnh (9); Củ Chi (12);
Tân Bình (11); Tân Phú (11); Phú Nhuận (4); Gò Vấp (6); Cần Giờ (33); Nhà Bè
(14); Bình Chánh (24); Hóc Môn (6).
|
32
|
Áo phao
|
cái
|
18.449
|
TP.Thủ Đức (1.720); BCH Bộ đội biên
phòng TP (1138); Bộ Tư lệnh TP (470); Công an TP (2192); Lực lượng TNXP TP
(895); Chi cục Thủy sản (600); Công ty TNHH MTV QLKT dịch vụ Thủy lợi (140);
Thanh tra Sở Giao thông vận tải (40); Quận 1 (211); Quận 3 (205); Quận 4
(498); Quận 6 (420); Quận 7 (764); Quận 8 (621); Quận 10 (174); Quận 11
(156); Quận 12 (772); Bình Tân (340); Hóc Môn (400); Củ Chi (307); Tân Bình
(170); Tân Phú (110); Phú Nhuận (250); Cần Giờ (4.029); Nhà Bè (949); Bình
Chánh (719); Gò Vấp (310).
|
33
|
Phao tròn
|
cái
|
10.525
|
TP.Thủ Đức (623); BCH Bộ đội biên
phòng TP (920); Bộ Tư lệnh TP (560); Công an TP (1795); Lực lượng TNXP TP
(40); Chi cục Thủy sản (411); Thanh tra Sở Giao thông vận tải (10); Quận 1
(109); Quận 3 (39); Quận 4 (247); Quận 6 (50); Quận 7 (532); Quận 8 (650); Quận
10 (10); Quận 11 (75); Quận 12 (100); Bình Tân (260); Hóc Môn (170); Củ Chi
(248); Tân Bình (110); Tân Phú (80); Phú Nhuận (250); Cần Giờ (1450); Nhà Bè
(892); Bình Chánh (595); Gò Vấp (230).
|
34
|
Phao bè
|
cái
|
172
|
TP.Thủ Đức (31); BCH Bộ đội biên
phòng TP (15); Bộ Tư lệnh TP (20); Công an TP (28); Lực lượng TNXP TP (6); Quận
6 (4); Quận 7 (4); Quận 8 (7); Quận 4 (1); Quận 12 (12); Phú Nhuận (5); Cần
Giờ (9); Nhà Bè (2); Bình Chánh (27); Gò Vấp (1).
|
35
|
Phao cầm tay
|
cái
|
1.500
|
Lực lượng TNXP TP (1.500).
|
36
|
Phao dây
|
cuộn
|
141
|
TP.Thủ Đức (17); Công an TP (9); Quận
8 (65); Quận 12 (20); Bình Chánh (30).
|
37
|
Nệm hơi cứu hộ
|
cái
|
22
|
Công an TP (5); Bộ Tư lệnh TP (2);
Quận 1 (2); Quận 3 (3); Quận 4 (2); Quận 6 (1); Quận 10 (1); Quận 12 (2); Gò
Vấp (1); Bình Chánh (2); Tân Phú (1).
|
38
|
Thiết bị banh cắt thủy lực
|
bộ
|
12
|
Công an TP (6); Gò Vấp (3); Tân Phú
(3).
|
39
|
Dụng cụ cứu hộ đa năng
|
bộ
|
3
|
Bộ Tư lệnh TP
(1); Công an TP (1); Nhà Bè (1).
|
40
|
Quần áo bảo hộ
|
bộ
|
105
|
TP.Thủ Đức (65); Bộ Tư lệnh TP
(40).
|
41
|
Găng tay chuyên dụng
|
đôi
|
1.866
|
Quận 4 (60); Quận 11 (160); Tân Phú
(33); Nhà Bè (437); Bình Chánh (6); Gò Vấp (1.170).
|
42
|
Nón bảo hộ
|
cái
|
4.344
|
Bộ Tư lệnh TP (60); BCH Bộ đội Biên
phòng TP (38); Hội Chữ thập đỏ (78); TP Thủ Đức (530); Quận 1 (145); Quận 4
(305); Quận 6 (50); Quận 8 (69); Quận 10 (50); Quận 11 (330); Quận 12 (2);
Bình Tân (158); Hóc Môn (60); Tân Bình (262); Tân Phú (130); Phú Nhuận (200);
Gò Vấp (1165); Bình Thạnh (155); Cần Giờ (41); Nhà Bè (462); Bình Chánh (54).
|
43
|
Giày bảo hộ
|
đôi
|
20
|
Bộ Tư lệnh TP (20).
|
44
|
Bộ đồ chữa cháy
|
đôi
|
1.570
|
Bộ Tư lệnh TP (40); Quận 11 (432);
Tân Bình (3); Gò Vấp (1.095)
|
45
|
Bộ đồ lặn
|
bộ
|
63
|
BCH Bộ đội biên phòng TP (8); Bộ Tư
lệnh TP (20); Công an TP (34); Chi cục Thủy sản (1).
|
46
|
Ủng cách điện
|
đôi
|
15
|
TP. Thủ Đức (10); Công an TP (4); Lực
lượng TNXP TP (1).
|
47
|
Ủng cao su
|
đôi
|
2.125
|
TP.Thủ Đức (220); Bộ Tư lệnh TP (40);
Công an TP (10); Công ty TNHH MTV QLKT dịch vụ Thủy lợi (145); Quận 1 (200);
Quận 4 (70); Quận 6 (50); Quận 7 (460); Quận 8 (5); Quận 10 (80); Quận 11
(164); Bình Tân (168); Bình Thạnh (110); Hóc Môn (20); Tân Bình (20); Nhà Bè
(176); Bình Chánh (120); Tân Phú (67).
|
48
|
Găng tay cách điện
|
đôi
|
16
|
TP.Thủ Đức (10); Công an TP (6).
|
49
|
Ống nhòm
|
cái
|
113
|
TP.Thủ Đức (3); BCH Bộ đội biên
phòng TP (6); Công an TP (38); Cảng vụ Hàng hải TP (3); Lực lượng TNXP TP
(6); Chi cục Thủy sản (8); Quận 4 (8); Quận 7 (5); Quận 12 (8); Phú Nhuận
(5); Gò Vấp (4); Cần Giờ (15); Bình Chánh (4).
|
50
|
Bộ dây leo cứu nạn
|
bộ
|
59
|
Bộ Tư lệnh TP (2); BCH Bộ đội biên
phòng TP (8); Lực lượng TNXP TP (10); Quận 3 (39).
|
51
|
Đèn cứu hộ
|
cái
|
112
|
TP.Thủ Đức (13); BCH Bộ đội biên phòng
TP (4); Bộ Tư lệnh TP (5); Công an TP (12); Sở Xây dựng (10); Quận 1 (12); Quận
3 (2); Quận 8 (5); Quận 10 (14); Tân Bình (7); Cần Giờ (7); Bình Chánh (2);
Gò Vấp (16).
|
52
|
Đèn pin các loại
|
cái
|
2.289
|
TP.Thủ Đức (445); BCH Bộ đội biên
phòng TP (1); Công an TP (130); Lực lượng TNXP TP (84); Công ty TNHH MTV QLKT
dịch vụ Thủy lợi (22); Sở Xây dựng (2); Quận 1 (41); Quận 3 (19); Quận 4
(119); Quận 6 (4); Quận 7 (414); Quận 8 (12); Quận 10 (44); Quận 11 (66); Quận
12 (58); Bình Tân (97); Hóc Môn (57); Tân Bình (39); Tân Phú (36); Phú Nhuận
(5); Gò Vấp (217); Bình Thạnh (5); Nhà Bè (122); Bình Chánh (92).
|
53
|
Pa lăng
|
cái
|
7
|
Lực lượng TNXP TP (2); Công ty TNHH
MTV QLKT dịch vụ Thủy lợi (5).
|
54
|
Thang các loại
|
cái
|
366
|
TP.Thủ Đức (54); Bộ Tư lệnh TP (10);
Công an TP (10); Lực lượng TNXP TP (2); Quận 1 (12); Quận 3 (19); Quận 4
(21); Quận 8 (15); Quận 10 (75); Quận 11 (24); Quận 12 (4); Hóc Môn (22); Tân
Bình (10); Tân Phú (23); Phú Nhuận (18); Gò Vấp (11); Cần Giờ (9); Nhà Bè
(15); Bình Chánh (12).
|
55
|
Loa phóng thanh cầm tay
|
cái
|
907
|
TP.Thủ Đức (147); BCH Bộ đội biên
phòng TP (10); Công an TP (44); Lực lượng TNXP TP (7); Chi cục Thủy sản (2);
Quận 1 (20); Quận 4 (46); Quận 6 (32); Quận 7 (48); Quận 8 (21); Quận 10 (29);
Quận 11 (32); Quận 12 (23); Bình Tân (7); Hóc Môn (6); Củ Chi (24); Tân Bình
(20); Tân Phú (17); Phú Nhuận (2); Gò Vấp (248); Cần Giờ (32); Nhà Bè (37);
Bình Chánh (53).
|
56
|
Búa các loại
|
cái
|
654
|
TP.Thủ Đức (74); Lực lượng TNXP TP
(10); Công ty TNHH MTV QLKT dịch vụ Thủy lợi (19); Sở Xây dựng (1); Quận 1
(99); Quận 3 (5); Quận 4 (24); Quận 7 (12); Quận 8 (23); Quận 10 (34); Quận
11 (58); Quận 12 (13); Bình Tân (11); Hóc Môn (19); Củ Chi (12); Tân Bình
(43); Tân Phú (13); Phú Nhuận (80); Gò Vấp (12); Nhà Bè (77); Bình Chánh (5);
Công an TP (10).
|
57
|
Kềm cộng lực
|
cái
|
430
|
TP.Thủ Đức (32); Công an TP (62); Lực
lượng TNXP TP (2); Quận 1 (88); Quận 3 (10); Quận 4 (30); Quận 10 (3); Quận
11 (19); Quận 12 (2); Bình Tân (19); Hóc Môn (16); Củ Chi (3); Tân Bình (25);
Tân Phú (9); Phú Nhuận (17); Gò Vấp (4); Cần Giờ (7); Nhà Bè (53); Bình Chánh
(29).
|
58
|
Cuốc và xẻng
|
cái
|
2.587
|
TP.Thủ Đức (233); BCH Bộ đội biên
phòng TP (15); Công an TP (214); Lực lượng TNXP TP (20); Công ty TNHH MTV
QLKT dịch vụ Thủy lợi (71); Sở Xây dựng (2); Quận 1 (80); Quận 3 (26); Quận 4
(124); Quận 7 (425); Quận 8 (77); Quận 10 (102); Quận 11 (67); Quận 12 (127);
Bình Tân (61); Hóc Môn (420); Củ Chi (40); Tân Bình (92); Tân Phú (112); Phú
Nhuận (210); Gò Vấp (46); Bình Thạnh (10); Nhà Bè (222); Bình Chánh (206).
|
59
|
Xà beng
|
cái
|
671
|
TP.Thủ Đức (86); Công an TP (68);
Công ty TNHH MTV QLKT dịch vụ Thủy lợi (24); Quận 1 (11); Quận 3 (18); Quận 4
(26); Quận 7 (60); Quận 8 (29); Quận 10 (37); Quận 12 (18); Bình Tân (85); Hóc
Môn (24); Tân Bình (16); Tân Phú (26); Gò Vấp (3); Phú Nhuận (40); Nhà Bè
(54); Bình Chánh (46).
|
60
|
Dây (thừng, dù)
|
m
|
36.625
|
TP.Thủ Đức (2.900); Công an TP
(1.200); Quận 3 (200); Quận 4 (717); Quận 6 (4.300); Quận 7 (5.750); Quận 8
(4.000); Quận 10 (850); Quận 12 (40); Củ Chi (500); Hóc Môn (2.400); Phú Nhuận
(2.000); Cần Giờ (2350); Nhà Bè (2.688); Bình Chánh (6.730).
|
61
|
Nhà bạt các loại
|
cái
|
320
|
TP.Thủ Đức (20); Bộ Tư lệnh TP
(95); Công an TP (63); Lực lượng TNXP TP (5); Cảng vụ Hàng hải TP (3); Công
ty TNHH MTV QLKT dịch vụ Thủy lợi (7); Lao động TBXH (7); Quận 3 (2); Quận 4
(17); Quận 7 (14); Quận 10 (6); Quận 11 (2); Quận 12 (4); Bình Tân (1); Củ
Chi (4); Hóc Môn (2); Tân Bình (16); Tân Phú (2); Phú Nhuận (5); Cần Giờ
(10); Nhà Bè (13); Bình Chánh (18).
|
62
|
Cưa sắt cầm tay
|
cái
|
148
|
Công an TP (4); Quận 3 (7); Quận 4
(9); Quận 8 (16); Quận 11 (4); Bình Thạnh (2); Bình Tân (50); Phú Nhuận (10);
Nhà Bè (46).
|
63
|
Bao đựng cát
|
cái
|
52.086
|
TP.Thủ Đức (10.000); Quận 8 (1.400);
Bình Tân (3.845); Hóc Môn (5.400); Tân Bình (10.000); Gò Vấp (9.000); Cần Giờ
(2.000); Bình Chánh (9.700); Nhà Bè (741).
|
64
|
Túi cứu thương
|
túi
|
560
|
BCH Bộ đội Biên phòng TP (5); Hội
Chữ thập đỏ (200); Lực lượng TNXP (1); Quận 1 (48); Quận 3 (2); Quận 4 (4);
Quận 7 (10); Quận 8 (78); Quận 10 (9); Quận 11 (11); Tân Phú (17); Gò Vấp
(130); Bình Thạnh (26); Nhà Bè (1); Bình Chánh (18).
|
65
|
Nẹp cứu thương
|
cái
|
750
|
Hội Chữ thập đỏ TP (200); Quận 8
(312); Quận 10 (31); Quận 11 (147); Tân Bình (25); Tân Phú (23); Bình Chánh
(12).
|
66
|
Cáng cứu thương
|
cái
|
241
|
BCH Bộ đội Biên phòng TP (3); Công
an TP (20); Hội Chữ thập đỏ TP (25); TP Thủ Đức (8); Quận 1 (39); Quận 3 (2);
Quận 10 (10); Quận 11 (40); Quận 12 (10); Tân Bình (28); Tân Phú (45); Bình
Thạnh (11);
|
67
|
Băng ca cứu thương
|
cái
|
136
|
Quận 6 (5); Quận 7 (10); Tân Bình
(7); Phú Nhuận (20); Cần Giờ (81); Bình Chánh (13).
|