Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Quyết định 1304/QĐ-UBND 2021 Đề án trồng cây xanh tỉnh Bến Tre

Số hiệu: 1304/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bến Tre Người ký: Nguyễn Minh Cảnh
Ngày ban hành: 11/06/2021 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1304/QĐ-UBND

Bến Tre, ngày 11 tháng 6 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN TRỒNG CÂY XANH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE GIAI ĐOẠN 2021-2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Lâm nghiệp ngày 15 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 64/2010/NĐ-CP ngày 11 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về quản lý cây xanh đô thị;

Căn cứ Nghị quyết số 178/NQ-CP của Chính phủ ngày 12 tháng 12 năm 2020 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 năm 2020;

Căn cứ Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức phong trào “Tết trồng cây” và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng ngay từ đầu năm 2021;

Căn cứ Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 01 tháng 4 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025”;

Căn cứ Thông tư số 22/2019/TT-BXD ngày 31 tháng 12 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng QCVN 01:2019/BXD;

Căn cứ Quyết định số 30/2015/QĐ-UBND ngày 05 tháng 11 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc Quy định quản lý cây xanh trên địa bàn tỉnh Bến Tre;

Căn cứ Quyết định số 2939/QĐ-UBND ngày 10 tháng 11 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thành lập Ban điều hành Đề án trồng cây tỉnh Bến Tre;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 1589/TTr-SNN ngày 31 tháng 5 năm 2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án trồng cây xanh trên địa bàn tỉnh Bến Tre giai đoạn 2021-2025 (sau đây được viết tắt là Đề án trồng cây xanh).

Điều 2. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức triển khai Đề án trồng cây xanh và báo cáo kết quả thực hiện hàng năm về Ủy ban nhân dân tỉnh.

Căn cứ các nhiệm vụ được giao chủ trì, các Sở, ban, ngành và địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, dự trù kinh phí thực hiện gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp trình cấp có thẩm quyền xem xét phân bổ kinh phí thực hiện theo quy định.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch,các Phó CT UBND tỉnh;
- Chánh, các PCVP UBND tỉnh;
- Phòng: KT, TH, TCĐT;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Nguyễn Minh Cảnh

 

ĐỀ ÁN

TRỒNG CÂY XANH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE GIAI ĐOẠN 2021-2025
(Kèm theo Quyết định số: 1304/QĐ-UBND ngày 11 tháng 6 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre)

Phần I

MỞ ĐẦU

SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN TRỒNG CÂY XANH

Cây xanh được xem như lá phổi của trái đất. Ngoài tác dụng cung cấp nguồn oxy dồi dào cho bầu khí quyển để duy trì sự sống của mọi sinh vật trên hành tinh, cây xanh còn có tác dụng cải thiện khí hậu, điều hòa các luồng không khí; ngăn chặn và lọc bức xạ mặt trời, giảm hiệu ứng nhà kính, phân tán nguồn nhiệt, hạn chế tiếng ồn, cản gió, bụi, nhất là ở khu vực đô thị. Ngoài ra, cây xanh còn ngăn chặn quá trình bốc hơi nước, giữ độ ẩm đất và không khí, điều hoà mực nước ngầm, chống xói mòn, rửa trôi đất, qua đó góp phần giảm thiểu thiên tai lũ lụt gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Bên cạnh đó, cây xanh còn có vai trò quan trọng trong kiến trúc cảnh quan, là nguồn dược liệu quý giá dùng để chữa bệnh, tăng cường sức khỏe, cung cấp thực phẩm trực tiếp hoặc gián tiếp cho con người và các loài động vật. Có thể nói cây xanh có vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống của chúng ta. Sự sống trên trái đất không thể duy trì mà không có cây xanh.

Từ năm 1990 đến nay, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chương trình trồng rừng, phục hồi rừng và trồng cây phân tán nhằm phủ xanh đất trống đồi núi trọc, nâng cao độ che phủ rừng. Giai đoạn 2016 - 2020, thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững theo Quyết định số 886/QĐ-TTg ngày 16/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ, cả nước đã trồng được 1.134.000 ha rừng và 330 triệu cây phân tán (bình quân mỗi năm trồng 227 nghìn ha rừng và 66 triệu cây xanh phân tán); đưa diện tích có rừng đạt 14,6 triệu ha (gồm 10,3 triệu ha rừng tự nhiên và 4,3 triệu ha rừng trồng); nâng tỷ lệ che phủ rừng từ 40,84% năm 2015 lên 42% năm 2020, đạt chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII; qua đó đã tích cực góp phần phòng hộ, bảo vệ môi trường, tạo nguồn nguyên liệu từ gỗ rừng trồng trong nước cho công nghiệp chế biến, xuất khẩu lâm sản, phát triển kinh tế đất nước.

Tuy nhiên, chất lượng rừng tự nhiên hiện tại vẫn còn thấp; nhiều khu vực rừng phòng hộ vẫn chưa phát huy đầy đủ chức năng; chưa có nhiều cây bản địa đa tác dụng được đưa vào trồng rừng và cây phân tán; mật độ cây xanh ở các đô thị, khu dân cư tập trung, khu công nghiệp vẫn còn thấp so với nhiều nước trên thế giới. Mặt khác, cùng với sự tăng trưởng kinh tế liên tục trong một thời gian dài, là quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ ở Việt Nam, các cơ sở sản xuất, khu công nghiệp, đô thị tập trung,... được xây dựng ngày càng nhiều, cùng với đó là sự bùng nổ dân số ở các khu đô thị. Dưới tác động của con người, các yếu tố thuộc về tự nhiên, thiên nhiên đang dần bị mất đi, phát sinh nhiều nguồn ô nhiễm (đất, nguồn nước, rác thải, khói bụi, tiếng ồn…); áp lực của đời sống hiện đại gây ra cho con người những bất lợi về sức khỏe và tinh thần. Trong những năm qua, biến đổi khí hậu, thiên tai đã và đang diễn ra ngày càng phức tạp, với những yếu tố thời tiết hết sức cực đoan, bất thường đã ảnh hưởng rộng khắp đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, môi trường và các hệ sinh thái, đe dọa đến phát triển bền vững đất nước. Hơn lúc nào hết, việc đẩy mạnh công tác phát triển rừng phòng hộ và trồng thêm nhiều cây xanh là giải pháp hữu hiệu, là hành động vô cùng quan trọng và cần thiết để đảm bảo phát triển bền vững kinh tế, xã hội, môi trường của đất nước.

Thực hiện sáng kiến “Trồng một tỷ cây xanh trong 5 năm tới” của Thủ tướng Chính phủ phát động tại Kỳ họp lần thứ 10, Quốc hội khóa XIV; Nghị quyết số 178/NQ-CP ngày 12/12/2020 của Chính phủ; Chỉ thị số 45/CT-CP ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức phong trào “Tết trồng cây” và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng ngay từ đầu năm 2021; Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025”. Tỉnh Bến Tre xây dựng “Đề án trồng cây xanh trên địa bàn tỉnh Bến Tre, giai đoạn 2021 - 2025” để góp phần xây dựng tỉnh Bến Tre “xanh, sạch, đẹp”.

Phần II

KẾT QUẢ TRỒNG RỪNG VÀ CÂY PHÂN TÁN TỈNH BẾN TRE GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

I. KẾT QUẢ TRỒNG RỪNG

Tổng diện tích quy hoạch đất lâm nghiệp tỉnh Bến Tre giai đoạn 2013-2020 là 7.833 ha. Trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng diện tích trồng rừng tập trung trên địa bàn tỉnh Bến Tre được 163,66 ha, trong đó: Trồng rừng đặc dụng 16 ha; trồng rừng phòng hộ 147,66 ha.

Đến nay, tổng diện tích đất lâm nghiệp có rừng của toàn tỉnh là 4.367,99 ha, trong đó: Rừng đặc dụng 1.884,49 ha, rừng phòng hộ 2128,13 ha, rừng sản xuất 355,37 ha. Tỷ lệ che phủ của rừng trên tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh đạt 1,77%.

II. KẾT QUẢ TRỒNG CÂY PHÂN TÁN

Các năm qua, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre thường xuyên chỉ đạo các ngành, địa phương duy trì công tác trồng cây gây rừng và phát động phong trào “Tết trồng cây”; trồng cây nhân ngày “Môi trường Thế giới 05 tháng 6”, việc tổ chức lễ phát động trồng cây nhằm mục đích tuyên truyền, giáo dục mọi tầng lớp trong xã hội hiểu rõ lợi ích thiết thực của việc trồng cây, trồng rừng đối với đời sống xã hội, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu, để từ đó người dân nâng cao nhận thức và tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng.

Các địa phương hưởng ứng phong trào phát động trồng cây của tỉnh đã chủ động tổ chức phát động phong trào trồng cây ở địa phương mình. Các đài truyền thanh của huyện, xã cũng đã đẩy mạnh công tác truyền thông vận động người dân tham gia trồng cây, trồng rừng. Cùng với diện tích rừng ngập mặn được bảo vệ và phát triển, cây trồng phân tán hàng năm đã góp phần nâng lên độ che phủ, thích ứng với biến đổi khí hậu, cải thiện môi trường sống của con người.

Từ năm 2016 - 2020, toàn tỉnh đã thực hiện trồng được 4,2 triệu cây phân tán các loại; riêng năm 2020 thực hiện trồng được 751.860 cây xanh các loại. Cây phân tán được bố trí trồng trong khu vực đô thị, công sở, trường học, bệnh viện, doanh trại, trồng ven bờ đê, các tuyến quốc lộ, huyện lộ, đường liên xã…

III. TỒN TẠI, HẠN CHẾ, NGUYÊN NHÂN VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM

1. Một số tồn tại, hạn chế

a) Đối với trồng rừng

- Tỷ lệ che phủ rừng còn thấp chỉ đạt 1,77%.

- Trong giai đoạn 2016 - 2020 diện tích rừng bị mất 112,86 ha, nguyên nhân do sạt lở 104,41 ha, do rừng chết 8,48 ha.

- Tỉnh Bến Tre hiện có 2.584 ha diện tích rừng đặc dụng, trong đó diện tích rừng tự nhiên là 876,82 ha (33,81%); diện tích rừng trồng là 1.010,50 ha (39,11%); diện tích đất chưa có rừng là 696,68 ha (26,96%). Tổng trữ lượng của rừng là 192.887,1m3, trong đó trữ lượng rừng tự nhiên là 41.695,2m3 (21,62%); trữ lượng rừng trồng là 151.191,9m3 (78,38%). Rừng tự nhiên (trạng thái rừng gỗ ngập mặn nghèo và rừng gỗ ngập mặn phục hồi) có chất lượng xấu, hầu hết cây có đường kính nhỏ, chiều cao thấp. Qua rà soát khu rừng đặc dung Thạnh Phú hiện nay không đáp ứng đủ các tiêu chí của một khu rừng đặc dụng. Tỉnh đã xây dựng Phương án chuyển đổi rừng đặc dụng Thạnh Phú sang rừng phòng hộ trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tiếp tục thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng gắn với phát triển kinh tế xã hội của địa phương ngày càng hiệu quả hơn.

- Ngoài ra, hiện nay tỉnh Bến Tre có khoảng 25.000 ha diện tích nuôi tôm biển quảng canh cải tiến, hơn 20 năm qua, trong quá trình canh tác, đa số hệ thống cây rừng ngập mặn trong các khu nuôi đã bị người dân chặt phá, dẫn đến hiện tượng mất cân bằng sinh thái, từ đó làm cho mô hình nuôi thủy sản quảng canh thiếu tính bền vững.

- Tình trạng chặt phá, khai thác rừng trái phép còn xảy ra nghiêm trọng ở một số địa phương.

b) Đối với trồng cây phân tán

- Công tác phối hợp giữa cơ quan quản lý trực tiếp cây xanh với các đơn vị quản lý hạ tầng kỹ thuật chưa tốt (trồng cây xanh dưới hành lang lưới điện, trong hành lang an toàn giao thông… gây ảnh hưởng phải cắt ngọn, di dời); không gian phát triển mới hệ thống cây xanh còn nhiều khó khăn do hệ thống công viên ít được đầu tư mới; quỹ đất trồng cây xanh dọc đường giao thông hạn hẹp, dễ xung đột với hệ thống hạ tầng kỹ thuật.

- Điều kiện khí hậu, thời tiết nắng nóng, hạn mặn thâm nhập sâu, kéo dài đã ảnh hưởng đến tỷ lệ cây sống bình quân đạt chưa cao.

2. Nguyên nhân

a) Đối với trồng rừng phòng hộ và đặc dụng

- Công tác trồng rừng gặp nhiều khó khăn do hạn chế về quỹ đất trồng rừng.

- Mật độ dân số cao, sức ép vào rừng ngày càng tăng; do yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhiều diện tích rừng phải chuyển đổi mục đích.

- Tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ, thời tiết diễn biến phức tạp, thiên tai xảy ra thường xuyên hơn, ảnh hưởng không nhỏ tới tài nguyên rừng.

- Đời sống của người dân địa phương nhận khoán bảo vệ rừng rất khó khăn, thu nhập từ bảo vệ rừng không đủ trang trải cuộc sống hàng ngày. Để người dân sống gắn bó với rừng thì cần phải hỗ trợ điều kiện sinh kế cho họ thông qua việc chia sẻ lợi ích từ rừng, tạo điều kiện nuôi trồng và khai thác thuỷ sản dưới tán rừng để tăng thu nhập, ổn định đời sống và rừng sẽ được bảo vệ tốt hơn.

b) Đối với trồng cây phân tán

- Một số nơi việc tổ chức phát động“Tết trồng cây” và trồng cây phân tán còn mang tính hình thức, lãng phí, chưa thiết thực, hiệu quả nên tác dụng tuyên truyền, nâng cao nhận thức chưa cao. Không có sự chỉ huy thống nhất: chỗ trồng, chỗ không, nơi nào địa phương có quan tâm thì công việc trồng cây tương đối tốt, có nơi việc trồng cây chỉ mang tính chiếu lệ; việc chăm sóc, bảo vệ cây sau khi trồng chưa được quan tâm đúng mức, chưa có phân giao việc chăm sóc cây cho một tổ chức, hộ gia đình hay cá nhân cụ thể.

- Nguồn lực cho phát triển cây xanh, nhất là cây xanh đô thị chủ yếu còn dựa vào ngân sách Nhà nước; chưa có cơ chế, chính sách cụ thể để khuyến khích mọi thành phần kinh tế và Nhân dân tham gia xã hội hóa trồng cây xanh.

- Thiếu quy hoạch cây xanh và khâu quản lý về cây xanh còn lỏng lẻo nên tình trạng chặt phá, khai thác tuỳ tiện cây xanh đô thị diễn ra khá phổ biến. Việc trồng cây xanh ở những nơi công cộng vẫn còn mang tính tự phát, manh mún; việc lựa chọn, bố trí loại cây trồng chưa phù hợp ở từng công trình, từng địa phương, có rất nhiều trường hợp trồng cây được một thời gian sau đó chặt bỏ, cây rễ mọc ngang không vững dễ ngã đổ…

- Nhiều nơi tổ chức phát động “Tết trồng cây” và trồng cây phân tán trên đất công cộng chưa có chủ quản lý cụ thể nên cây trồng sau phát động chưa được quan tâm chăm sóc, bảo vệ, nghiệm thu, đánh giá hiệu quả và thống kê, báo cáo hàng năm.

3. Bài học kinh nghiệm

a) Trong phát triển rừng

- Việc triển khai thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020 đã thể hiện sự quan tâm của Đảng, Chính phủ. Quá trình tổ chức

thực hiện đã được sự quan tâm chỉ đạo của cấp uỷ đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương. Các chính sách được ban hành kịp thời, đầy đủ.

- Chương trình phát triển lâm nghiệp phù hợp với xu thế toàn cầu về ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua giảm phát thải do suy thoái và mất rừng; do vậy, đã huy động được nhiều nguồn lực của xã hội và cộng đồng quốc tế tham gia.

- Việc nghiên cứu, áp dụng các kỹ thuật, công nghệ tiến bộ, nhất là về giống, kỹ thuật, lựa chọn cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện cụ thể từng loại đất đai đã góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả trồng rừng. Tăng cường quản lý chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp, lựa chọn loài cây trồng phù hợp, chuẩn bị cây giống chất lượng tốt; tranh thủ thời vụ và thời tiết thuận lợi để trồng đảm bảo đạt tỷ lệ cây sống cao; thực hiện chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng, phân công trách nhiệm quản lý cụ thể để cây trồng, rừng trồng phát triển tốt.

- Quá trình thực hiện phát triển rừng song hành với việc triển khai cơ cấu lại ngành nông nghiệp và các cơ chế, chính sách của ngành, tạo điều kiện cho phát triển lâm nghiệp theo chuỗi giá trị.

b) Trong trồng cây phân tán

Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, động viên các cấp, các ngành và Nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng, nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp Nhân dân về vai trò, tác dụng, giá trị của rừng, ý nghĩa của việc trồng cây, trồng rừng, công tác bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hai là, để phát triển cây xanh đô thị và nông thôn, ngoài nguồn vốn ngân sách, cần huy động nguồn lực trong Nhân dân và các thành phần kinh tế khác trong và ngoài nước.

Ba là, việc tổ chức phát động“Tết trồng cây” và trồng cây phân tán phải thiết thực, hiệu quả, không phô trương hình thức; tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, các tổ chức chính trị- xã hội, trường học, lực lượng vũ trang và mọi tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng phù hợp với mùa vụ trồng cây, trồng rừng của từng địa phương ở từng thời điểm, địa điểm cụ thể.

Bốn là, sau khi thực hiện các phong trào trồng cây, các địa phương cần tổ chức kiểm tra đánh giá, rút kinh nghiệm, biểu dương khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân điển hình làm tốt; phát huy nhiệt tình và nhận thức của cộng đồng, những người tự nguyện tham gia phong trào. Quản lý cây xanh cần phân công rõ chức năng và nhiệm vụ của các cơ quan quản lý Nhà nước, trong đó chính quyền các cấp có trách nhiệm và vai trò quan trọng trong việc quản lý, bảo vệ, phát triển cây xanh trên địa bàn. Khuyến khích các hộ gia đình tự trồng cây xanh, chăm sóc, bảo vệ cây xanh góp phần xanh hóa môi trường sống.

Phần III

NỘI DUNG ĐỀ ÁN

I. CĂN CỨ

1. Căn cứ pháp lý

- Luật Lâm nghiệp năm 2017:

- Luật Bảo vệ môi trường năm 2014;

- Nghị định số 64/2010/NĐ-CP ngày 11 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về quản lý cây xanh đô thị;

- Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở;

- Nghị quyết số 178/NQ-CP của Chính phủ ngày 12 tháng12 năm 2020 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 năm 2020;

- Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức phong trào “Tết trồng cây” và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng ngay từ đầu năm 2021;

- Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 01 tháng 4 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025”.

- Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 9257:2012 về Quy hoạch cây xanh sử dụng công cộng trong các đô thị - Tiêu chuẩn thiết kế;

- Thông tư số 22/2019/TT-BXD ngày 31 tháng 12 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng QCVN 01:2019/BXD;

- Quyết định số 30/2015/QĐ-UBND ngày 05 tháng 11 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc Quy định quản lý cây xanh trên địa bàn tỉnh Bến Tre;

- Quyết định số 2939/QĐ-UBND ngày 10 tháng 11 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thành lập Ban điều hành Đề án trồng cây tỉnh Bến Tre;

2. Căn cứ thực tiễn

Trong những năm qua, tỉnh Bến tre chịu tác động của biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng rộng khắp đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Nhiệt độ tăng, nước biển dâng, các hiện tượng khí hậu cực đoan như mưa to, bão, sạt lở đất, nắng hạn kéo dài,… tiếp tục gia tăng cả về cường độ và tần suất, ảnh hưởng đến các mặt trong đời sống của con người, môi trường và các hệ sinh thái, đe dọa đến phát triển bền vững.

Cây xanh có vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và sự sống của con người. Cây xanh được xem như là lá phổi xanh của Trái đất, giúp điều hòa, làm sạch và cung cấp dưỡng khí cho sự sống của muôn loài. Các quần thể cây xanh và hệ sinh thái rừng tạo nên lớp phủ trên bề mặt trái đất ngoài các giá trị về bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan, còn có tác dụng bảo vệ môi trường trong quá trình canh tác nông nghiệp và cuộc sống của người dân. Ngoài ra, cây xanh còn có tác dụng tạo nên các đai rừng phòng hộ có tác dụng che chắn bão và giảm thiểu sạt lở ven sông, ven biển.

Nhiệm vụ bảo vệ, phát triển rừng và cây xanh phân tán luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, tuy nhiên chất lượng rừng vẫn chưa cao, rừng phòng hộ chưa phát huy đầy đủ chức năng, tỷ lệ cây xanh/người dân đô thị và nhiều khu vực nông thôn vẫn còn thấp so với nhiều nước trên thế giới. Trước sức ép của quá trình công nghiệp hóa, mật độ dân số tăng cao, hơn lúc nào hết, việc trồng và bảo vệ rừng, phát triển cây xanh bảo vệ môi trường có ý nghĩa sống còn, được Đảng, Nhà nước, Quốc hội quan tâm, được mọi tầng lớp xã hội và Nhân dân đồng tình, ủng hộ.

II. QUAN ĐIỂM

- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp chính quyền, cộng đồng dân cư và người dân đối với công tác phát triển rừng và trồng cây xanh; nâng cao chất lượng và giá trị các hệ sinh thái rừng, phát huy vai trò của rừng và cây xanh đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu.

- Phát triển cây xanh cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Phát huy truyền thống trồng cây do Bác Hồ khởi xướng, đưa việc trồng cây thật sự trở thành phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả của các cấp, các ngành, trong từng khu dân cư với sự tham gia tích cực của mọi người dân, tránh thực hiện phô trương, hình thức; là hành động thiết thực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

- Tăng cường xã hội hóa, thu hút mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế và lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế xã hội để trồng 10 triệu cây xanh. Trong đó, ngoài trồng rừng tập trung, cần tăng tỷ lệ trồng cây xanh phân tán tại vùng nông thôn, khu vực đô thị, đường giao thông, công trình hạ tầng đô thị, công trình giáo dục, y tế, văn hóa, lịch sử,… bảo đảm tỷ lệ cây xanh theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

- Trồng cây xanh phải đi đôi với chăm sóc, bảo vệ, quản lý, giám sát để bảo đảm cây trồng, rừng trồng tỷ lệ sống cao và sinh trưởng phát triển tốt.

III. MỤC TIÊU

Đến hết năm 2025, toàn tỉnh trồng được 10 triệu cây xanh, trong đó 8,208 triệu cây xanh trồng phân tán ở các khu đô thị và vùng nông thôn (mỗi nhà/cơ quan/đơn vị/khu phố có ít nhất 01 cây xanh, mỗi xã phường/thị trấn có ít nhất 01 hàng cây xanh, mỗi huyện/thành phố có ít nhất 01 vườn cây xanh) và 1,792 triệu cây xanh tập trung trong rừng phòng hộ và rừng trồng sản xuất nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, xây dựng tỉnh Bến Tre “xanh, sạch và đẹp” và sự phát triển bền vững.

IV. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI VÀ QUY MÔ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Đối tượng

Thực hiện trên đối tượng chủ yếu là trồng cây xanh phân tán và một phần diện tích trồng rừng tập trung (gồm trồng rừng phòng hộ, trồng mới rừng sản xuất là rừng gỗ lớn, không tính diện tích trồng rừng thay thế và trồng lại rừng sản xuất sau khai thác gỗ), trong đó:

a) Trồng cây xanh phân tán, gồm:

- Khu vực đô thị: Cây xanh công cộng (quảng trường, công viên, vườn hoa,...), cây xanh đường phố, cây xanh cảnh quan ven sông, hồ; khuôn viên công sở (cơ quan, trường học, bệnh viện,...) và cây xanh chuyên dụng khác.

- Khu vực nông thôn: Diện tích đất vườn, nương rẫy, trang trại, đất nông lâm kết hợp (trồng cây công nghiệp cần trồng cây phân tán che bóng), đất ven đường, ven kênh mương, bờ vùng (ở các ngư trường nuôi thủy sản và khu lâm ngư kết hợp), bờ đồng, các mảnh đất nhỏ phân tán khác có diện tích dưới 0,3 ha.

- Khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nhà máy, doanh trại; khu di tích lịch sử - văn hóa, khu tưởng niệm và công trình công cộng khác,...

b) Trồng cây xanh tập trung, gồm:

Trồng rừng ngập mặn phòng hộ ven biển, ven sông để chắn sóng, chắn gió, lấn biển.

c) Loài cây trồng

Trồng các loài cây thân gỗ, cây lâu năm, cây đa mục tiêu, rừng ngập mặn, ưu tiên các loài cây bản địa.

2. Phạm vi thực hiện: Trồng cây xanh phân tán, trồng rừng phòng hộ với mục đích gỗ lớn (không bao gồm trồng rừng thay thế và trồng rừng tái canh sau khai thác gỗ) trong phạm vi toàn tỉnh.

3. Quy mô: Trồng 10 triệu cây xanh trong thời gian 5 năm (từ 2021- 2025)

V. NHIỆM VỤ

Trồng thành công 10 triệu cây xanh phù hợp với điều kiện sinh thái, quy hoạch và quỹ đất hiện có của từng địa phương, trong đó:

1. Trồng cây phân tán: 8,208 triệu cây. Trong đó:

a) Khu vực đô thị: khoảng 0,5 triệu cây.

b) Khu vực nông thôn và các khu vực khác: khoảng 7,708 triệu cây.

2. Trồng rừng tập trung

- Diện tích 369,6 ha rừng phòng hộ. Trong đó:

+ Khu vực ven sông Ba Lai thuộc 2 huyện Ba Tri và Bình Đại 211,8 ha.

+ Khu vực huyện Thạnh Phú 157,8 ha (gồm khu vực đất Tỉnh đội quản lý tại xã An Điền 151,6 ha; khu vực xã Thạnh phong và Thạnh Hải 6,18 ha).

- Cây trồng: Tổng số cây dự kiến 1,792 triệu cây, mật độ bình quân 5.000 cây/ha. Trong đó:

+ Khu vực ven sông Ba Lai 1,00 triệu cây (gồm bần, mắm, phi lao);

+ Khu vực huyện Thạnh Phú 792 ngàn cây (gồm đước và phi lao).

3. Phân kỳ kế hoạch thực hiện giai đoạn 2021-2025

Từ năm 2021 - 2025, trồng 10 triệu cây. Trong đó:

- Năm 2021 trồng 1,797 triệu cây (700 ngàn cây phân tán; 1,097 triệu cây rừng tập trung, diện tích 230,6 ha);

- Năm 2022 trồng 2,041 triệu cây (1,691 triệu cây phân tán, 350 ngàn cây rừng tập trung, diện tích 70 ha);

- Năm 2023 trồng 2,039 triệu cây (1,939 triệu cây phân tán, 100 ngàn cây rừng tập trung, diện tích 20 ha);

- Năm 2024 trồng 2,039 triệu cây (1,939 triệu cây phân tán, 100 ngàn cây rừng tập trung, diện tích 20 ha);

- Năm 2025 trồng 2,084 triệu cây (1,939 triệu cây phân tán, 145 ngàn cây rừng tập trung, diện tích 29 ha);

(Chỉ tiêu kế hoạch trồng cây xanh giai đoạn 2021-2025 theo các phụ lục 2,3,4,5)

VI. CÁC DỰ ÁN THÀNH PHẦN

1. Hợp phần tự thực hiện từ nguồn kinh phí Đề án trồng cây xanh tỉnh

Bến Tre

a) Trồng rừng

- Diện tích 136 ha (gồm: 4 ha tại xã Tân Mỹ huyện Ba Tri, 123 ha đất bãi bồi hạ nguồn sông Ba Lai (huyện Bình Đại và Ba Tri); 3 ha Xã An Thủy huyện Ba Tri; 6,18 ha ở xã Thạnh Phong và Thạnh Hải huyện Thạnh Phú.

- Tổng số cây quy đổi 624 ngàn cây (loại cây trồng: bần, mấm, phi lao, đước, tràm bông vàng…).

b) Trồng cây phân tán trên địa bàn toàn tỉnh

Tổng số lượng lượng cây xanh dự kiến trồng là 8,181 triệu cây các loại. Được bố trí trên các khu vực như sau:

- Khu vực đô thị: Cây xanh công cộng (quảng trường, công viên, vườn hoa,...), cây xanh đường phố, cây xanh cảnh quan ven sông, hồ; khuôn viên công sở, cơ quan, trường học, bệnh viện,... và cây xanh chuyên dụng khác trong khu vực đô thị.

- Khu vực nông thôn: Diện tích đất vườn, nương rẫy, trang trại, đất nông lâm kết hợp (trồng cây công nghiệp cần trồng cây phân tán che bóng), đất ven đường, ven kênh mương, bờ vùng (ở các ngư trường nuôi thủy sản và khu lâm ngư kết hợp tại 3 huyện ven biển), bờ đồng, quanh nhà, các mảnh đất nhỏ phân tán khác có diện tích dưới 0,3 ha. Các khuôn viên công sở, cơ quan, trường học, bệnh viện,... ngoài khu vực đô thị.

- Các khu công nghiệp (Phú Thuận, An Hiệp, Giao Long...), cụm công nghiệp (Phong Nẫm, Long Phước, Tân Thành Bình, An Đức – thị trấn Ba Tri...) và các nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh ngoài khu công nghiệp.

- Các khu vực doanh trại (quân sự, công an, biên phòng).

- Các khu di tích lịch sử - văn hóa - du lịch: Khu vực Lạc Địa xã Phú Lễ, huyện Ba Tri (phía ngoài khu vực trồng cây xanh, phía trong khu vực trồng các giống dừa); khu di tích Đường Hồ Chí minh trên biển tại xã Thạnh Hải; các khu tưởng niệm và công trình công cộng khác,...

c) Nguồn vốn: Ngân sách tỉnh, Quỹ Tấm lòng vàng Bến Tre và nguồn xã hội hóa khác.

2. Hợp phần thực hiện từ nguồn vốn Ngân hàng Thế giới (WB)

Được thực hiện thông qua 2 tiểu dự án:

a) Dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sinh kế bền vững cho người dân vùng ven biển Ba Tri, tỉnh Bến Tre

- Trồng rừng 89 ha, đất bãi bồi hạ nguồn sông Ba Lai huyện Ba Tri.

- Cây trồng là mấm, tổng số cây trồng là 445.000 cây (mật độ 5.000 cây/ha).

- Thời gian thực hiện trồng 2021-2022.

- Nguồn vốn thực hiện WB.

- Tổng kinh phí cho hợp phần trồng rừng 2,52 tỷ đồng.

b) Dự án Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cải thiện sinh kế cho người dân khu vực Bắc Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu

- Trồng rừng 151,6 ha, đất do Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh quản lý, tại xã An Điền huyện Thạnh Phú.

- Cây trồng là đước, tổng số cây trồng là 758.000 cây (mật độ 5.000 cây/ha).

- Thời gian thực hiện trồng 2021-2022.

- Nguồn vốn thực hiện WB và đối ứng ngân sách tỉnh.

- Tổng kinh phí cho hợp phần trồng rừng 4,05 tỷ đồng (chưa tính phần cải tạo mặt bằng).

VII. KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

Tổng kinh phí thực hiện đề án giai đoạn 2021-2025 ước tính 166,962 tỷ đồng. Trong đó: Trồng cây phân tán 146,102 tỷ đồng, trồng rừng tập trung 20,860 tỷ đồng (chi tiết xem phụ lục 5).

Nguồn kinh phí thực hiện Đề án xác định chủ yếu từ nguồn vốn xã hội hóa và lồng ghép thông qua các chương trình, dự án đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025; ngoài ra có sử dụng một phần ngân sách địa phương cho hỗ trợ cây giống, công tác triển khai, hướng dẫn, tuyên truyền, hỗ trợ, kiểm tra, giám sát, đánh giá,… Cụ thể:

- Nguồn vốn Ngàn hàng thế giới (WB) 6,570 tỷ đồng để trồng rừng.

- Vốn ngân sách nhà nước (tỉnh) cho công tác triển khai, tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, đánh giá; xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật, tập huấn; cung cấp và hỗ trợ cây giống,… của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương khoảng 2,5 tỷ đồng (mỗi năm khoảng 500 triệu đồng)[1] dự kiến từ chương trình trồng cây phân tán giai đoạn 2021-2025.

- Còn lại là khoảng 157,9 tỷ đồng nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án cấp vùng và cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình Phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025) và vốn xã hội hóa từ các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng.

VIII. GIẢI PHÁP

1. Rà soát quỹ đất, xây dựng kế hoạch

- Quy hoạch không gian xanh, đất cây xanh đô thị phải tuân thủ theo Thông tư số 22/2019/TT-BXD ngày 31 tháng 12 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về ban hành Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về quy hoạch xây dựng QCVN 01:2019/BXD.

- Thực hiện một cách đồng bộ quy hoạch trồng, phát triển cây xanh cùng với quy hoạch phát triển đô thị, quy hoạch phát triển hạ tầng kỹ thuật, trong đó xác định rõ quỹ đất dành cho cây xanh, từ đó có biện pháp bảo vệ chống lấn chiếm. Tăng cường đầu tư xây dựng và kêu gọi các nguồn lực, các thành phần kinh tế tham gia đầu tư công viên cây xanh theo quy hoạch đô thị đã được duyệt.

- Các huyện, thành phố tổ chức phối hợp các ngành có liên quan rà soát quy hoạch sử dụng đất, trong đó xác định quỹ đất trồng rừng phòng hộ, đất trồng mới rừng sản xuất; đất quy hoạch trồng cây xanh đô thị, khu dân cư, khu cụm công nghiệp, khu văn hóa và du lịch, cơ quan, công sở, trường học, doanh trại quân sự/công an, đường giao thông; đất có thể trồng cây xanh nông thôn…; xây dựng kế hoạch trồng rừng, trồng cây xanh phân tán hàng năm và cả giai đoạn 2021 - 2025 để huy động nguồn vốn.

- Đảm bảo diện tích đất đai thuộc các đối tượng trồng cây phân tán phải có chủ quản lý cụ thể, rõ ràng. Diện tích đất có khả năng trồng cây thuộc các tổ chức và hộ gia đình thì các tổ chức và hộ gia đình có trách nhiệm quản lý và có kế hoạch cụ thể để trồng cây hàng năm. Tổ chức giao, khoán, cho thuê diện tích đất công, các công trình công cộng, đường xá, bờ kênh thuỷ lợi,... cho các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức; trong đó ưu tiên cho các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội khác đăng ký và trồng cây phân tán.

2. Về cây giống

- Căn cứ kế hoạch trồng cây hàng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty Cổ phần Công trình đô thị, Quỹ Tấm lòng vàng chủ động phối hợp các đơn vị có liên quan chuẩn bị cung cấp đủ số lượng cây giống có chất lượng với loài cây và tiêu chuẩn cây trồng phù hợp các tiêu chuẩn kỹ thuật và hướng dẫn kỹ thuật cụ thể.

- Danh mục các loài cây xanh trồng trong đô thị, tham khảo áp dụng theo Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 9257:2012 tại Phụ lục số 02 và theo phụ lục 1 của Quyết định số 30/2015/QĐ-UBND ngày 05 tháng 11 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre (xem chi tiết phụ lục 1 đính kèm Đề án).

- Đối với loài cây trồng rừng tập trung và trồng cây phân tán vùng nông thôn, lựa chọn áp dụng theo Danh mục các loài cây chủ yếu trồng rừng theo các vùng sinh thái lâm nghiệp theo Quyết định số 4961/QĐ-BNN-TCLN ngày 17/11/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Quyết định số 1125/QĐ-UBND ngày 29 tháng 5 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về Phê duyệt đơn giá một số loài cây giống lâm nghiệp; đơn giá trồng, chăm sóc và bảo vệ 01 ha rừng ngập mặn trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

- Tiếp tục nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng rừng có năng suất cao, sức chống chịu tốt, thích ứng với biến đổi khí hậu. Ưu tiên sử dụng cây bản địa, cây gỗ lớn lâu năm, cây đa tác dụng.

3. Về kỹ thuật

a) Đối với rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển

Thiết lập đai rừng phù hợp với điều kiện tự nhiên ở từng vùng; áp dụng biện pháp trồng rừng bằng loài cây có bộ rễ sâu bám chắc, ưu tiên cây bản địa, sinh trưởng được trong điều kiện khắc nghiệt và có khả năng chống chịu tốt; được trồng bổ sung tại những nơi chưa đủ tiêu chí thành rừng.

b) Đối với trồng cây xanh phân tán

* Khu vực đô thị

Lựa chọn loài cây và tiêu chuẩn cây trồng phù hợp với mục đích, cảnh quan và điều kiện sinh thái gây trồng của từng địa phương, từng khu vực cụ thể. Tổ chức trồng, chăm sóc cây theo quy trình trồng cây xanh đô thị và áp dụng thâm canh cao để cây đạt tỷ lệ sống cao, sinh trưởng, phát triển tốt, sớm phát huy tác dụng, cảnh quan. Thực hiện thiết kế, trồng cây xanh theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9257:2012 và Quyết định số 30/2015/QĐ-UBND , trong đó:

- Thiết kế cây xanh sử dụng công cộng đô thị phải phù hợp với từng loại đô thị và tổ chức không gian đô thị. Tổ chức hệ thống cây xanh sử dụng công cộng phụ thuộc phải căn cứ vào điều kiện tự nhiên, khí hậu, môi trường, cảnh quan thiên nhiên, điều kiện vệ sinh, bố cục không gian kiến trúc, quy mô, tính chất cũng như cơ sở kinh tế kỹ thuật, truyền thống tập quán cộng đồng của đô thị.

- Cây xanh đường phố phải thiết kế hợp lý để có được tác dụng trang trí, cảnh quan đường phố, cải tạo khí hậu, không gây độc hại, nguy hiểm và không ảnh hưởng tới các công trình hạ tầng đô thị.

- Cây xanh ven kênh rạch, ven sông phải có tác dụng chống sạt lở, bảo vệ bờ, dòng chảy, chống lấn chiếm mặt nước.

- Thiết kế công viên, vườn hoa phải lựa chọn loại cây trồng và giải pháp thích hợp nhằm tạo được bản sắc địa phương và phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương.

- Các loại cây trồng phải đảm bảo các yêu cầu sau: Cây phải chịu được gió, bụi, sâu bệnh; thân đẹp, dáng đẹp; có rễ ăn sâu, không có rễ nổi; cây lá xanh quanh năm, không rụng lá trơ cành hoặc cây có giai đoạn rụng lá trơ cành vào mùa đông nhưng dáng đẹp, màu đẹp và có tỷ lệ thấp; cây có hoa màu sắc phong phú theo 4 mùa; không có quả gây hấp dẫn ruồi muỗi; không có gai sắc nhọn, hoa quả mùi khó chịu; có bố cục phù hợp với quy hoạch được duyệt.

* Khu vực nông thôn

- Lựa chọn loài cây trồng phù hợp với điều kiện lập địa, tập quán canh tác.

- Ưu tiên trồng cây bản địa lâu năm, cây gỗ lớn, trồng cây đa mục đích.

Tổ chức trồng, chăm sóc rừng và cây xanh theo tiêu chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật cụ thể của từng loài cây.

4. Về huy động nguồn lực

Tăng cường huy động mọi nguồn lực xã hội, thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn triển khai để trồng và bảo vệ cây xanh, trong đó:

- Triển khai đồng bộ các chính sách của Nhà nước về phát triển lâm nghiệp và đầu tư bảo vệ và phát triển rừng được quy định tại Điều 20 và Điều 94 của Luật Lâm nghiệp 2017.

- Tăng cường huy động vốn từ xã hội hóa, vốn đóng góp hợp pháp của các doanh nghiệp và vận động tài trợ của các tổ chức, cá nhân tham gia trồng rừng, trồng cây xanh thông qua các dự án tài trợ hoặc sáng kiến thành lập quỹ trồng cây xanh của các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội, tập đoàn kinh tế,… sử dụng để mua vật tư, cây giống hỗ trợ cho các phong trào, dự án trồng cây phân tán.

- Kêu gọi các nhà tài trợ, hợp tác quốc tế, triển khai có hiệu quả các Dự án ODA đầu tư cho bảo vệ, phát triển rừng phòng hộ, trồng cây xanh.

- Kết hợp thực hiện lồng ghép các chương trình đầu tư công của nhà nước như: Kế hoạch phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021-2025; Chương trình hỗ trợ thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam[2] giai đoạn 2021-2025;

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; Các dự án phát triển hạ tầng đô thị, xây dựng khu công nghiệp, công sở, làm đường giao thông có hạng mục trồng cây xanh được các bộ ngành, địa phương triển khai thực hiện; các chương trình phát triển kinh tế xã hội khác,…

- Ngoài sự đóng góp về vốn để mua vật tư, cây giống; tích cực huy động nguồn lực về lao động, sự tình nguyện tham gia của các tổ chức, đoàn thể, quần chúng, các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh.

5. Tuyên truyền, giáo dục nâng cao năng lực, nhận thức

- Thường xuyên tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về vai trò, tác dụng của rừng và cây xanh trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, cung cấp giá trị kinh tế, xã hội. Cụ thể là việc thực hiện Đề án trồng cây xanh trên địa bàn tỉnh Bến Tre giai đoạn 2021 - 2025.

- Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, nâng chỉ tiêu trồng cây phân tán hàng năm cao gấp 2,4 lần so với bình quân giai đoạn 2016-2020.

- Phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức và trách nhiệm các cấp, các ngành, chủ rừng và toàn xã hội trong việc bảo vệ và phát triển rừng, trồng cây xanh.

- Tiếp tục xây dựng các tài liệu tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng phòng hộ và trồng, chăm sóc cây xanh đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Qua đó, các địa phương từ huyện, thành phố đến tổ nhân dân tự quản căn cứ theo điều kiện thực tế từng nơi phải có phân công tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ cây xanh đã trồng.

- Phát động phong trào thi đua như “Ngày Chủ Nhật xanh”, “Ngày Chủ Nhật nông thôn mới”, “Màu xanh cho tương lai”, “Trường xanh - sạch - năng động”… để kêu gọi, vận động toàn dân tham gia trồng cây, trồng rừng, tạo nên phong trào thường xuyên, liên tục, hiệu quả trong toàn xã hội. Đưa nhiệm vụ trồng cây trở thành phong trào thi đua trong cả hệ thống chính trị của các cấp, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và mọi người dân:

+ Giao trách nhiệm cho Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, phường, xã chỉ đạo cho các đơn vị công ty, xí nghiệp công ích trong địa bàn thực hiện các công trình trọng điểm “xanh, sạch đẹp” của địa phương mình. Một huyện, thành phố chọn 3 điểm để xây dựng công trình trọng điểm báo cáo Ban Điều hành đề án trồng cây huyện, thành phố. Thường xuyên tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo, đài phát thanh truyền hình,..) giáo dục ý thức xây dựng tỉnh Bến Tre “xanh, sạch và đẹp”.

+ Vận động mỗi hộ gia đình đăng ký với phường, xã việc trồng và bảo quản một cây trước nhà mình, Ban Điều hành đề án trồng cây sẽ hướng dẫn về giống và chăm sóc cây trồng, phần lớn cây do Ban Điều hành Đề án cung cấp.

+ Đối với các cơ quan, trường học, bệnh viện, khu cụm công nghiệp: Thường xuyên phát động thi đua (có chấm điểm) xây dựng tỉnh Bến Tre xanh, sạch đẹp tại trường học, cơ quan, bệnh viện. Định kỳ 2 tuần hoặc một tháng tổ chức cho học sinh hoặc thầy cô giáo, cán bộ công nhân viên cơ quan trồng và chăm sóc cây, hoa tại cơ sở mình, làm đẹp và làm đầu tàu dẫn dắt phong trào trồng cây đến các hộ dân. Xem xét đưa vào chương trình chính thức môn học môi trường, sinh thái giáo dục cho học sinh, sinh viên, cán bộ công nhân viên ý thức: yêu thiên nhiên, yêu cây cảnh, xây dựng thành phố, đô thị xanh, sạch, đẹp và phải làm cho điều đó ăn sâu trong tiềm thức của mỗi người.

+ Đối với các khu vực đường phố, khu vực chọn làm trọng điểm trồng cây của tỉnh: Chọn các địa điểm (công viên, trường học, khu công nghiệp,…), hoặc các tuyến đường chính (Chú ý chọn những đường mới mở) làm công trình trồng cây trọng điểm; làm điểm nhấn cho phong trào trồng cây xanh tại tỉnh. Qua đó làm kiểu mẫu cho các nơi noi theo; làm động lực cho phong trào chung. Tạo khu vực để người dân mỗi sáng có thể chạy bộ tập thể dục, thể thao.

6. Công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, báo cáo tình hình thực hiện đề án

a) Phân cấp quản lý

Thực hiện tốt việc phân cấp quản lý cây xanh theo quy định tại Điều 4, Quyết định 30/2015/QĐ-UBND. Trong đó:

- Sở Xây dựng là cơ quan tham mưu giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh.

- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện quản lý cây xanh trên địa bàn quản lý, trừ cây xanh thuộc phạm vi quản lý của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh.

- Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cây xanh trong khuôn viên các khu công nghiệp được Uỷ ban nhân dân tỉnh phân công quản lý.

- Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn, tổ chức thực hiện quản lý cây xanh trên địa bàn theo phân cấp và phân công của Ủy ban nhân dân cấp huyện, thành phố.

b) Kiểm tra, giám sát công tác quản lý, trồng, chăm sóc cây xanh và báo cáo tình hình thực hiện đề án

- Thành lập bộ phận chịu trách nhiệm công tác kiểm tra, giám sát thực hiện đề án từ tỉnh đến xã.

- Việc chọn địa điểm trồng, tiêu chuẩn kỹ thuật trồng phải bảo đảm đúng theo quy định hiện hành; trong quá trình thực hiện công trình trồng cây, đơn vị được giao chủ trì phải phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan thực hiện việc khảo sát, thống nhất và đề ra phương án thật khả thi (tránh trồng dưới đường điện, cáp viễn thông,các vị trí cửa ra vào cơ quan, cơ sở sản xuất kinh doanh và nhà dân).

- Tất cả các loại công viên, cây xanh đô thị và cây xanh ngoài đô thị phải được xác định chủ sở hữu, do tổ chức, cá nhân quản lý hoặc được giao quản lý theo quy định.

- Tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh đã trồng: nơi nào cây bị chết phải trồng bù lại; việc cắt tỉa cây xanh, chặt hạ và dịch chuyển cây xanh phải thực hiện đúng theo quy định. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức trong cộng đồng về trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh. Đồng thời xử lý nghiêm, đúng quy định các hành vi vi phạm về bảo vệ cây xanh, công viên và vườn hoa,…

- Sớm hoàn thành xây dựng và triển khai áp dụng phần mềm kỹ thuật số để quản lý, giám sát việc triển khai thực hiện đề án.

- Thực hiện tốt báo cáo kết quả thực hiện đề án theo định kỳ và đột xuất theo yêu cầu của lãnh đạo cấp trên.

IX. HIỆU QUẢ CỦA ĐỀ ÁN

1. Việc thực hiện Đề án sẽ góp phần thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu mà Việt Nam tham gia.

2. Phát huy sức mạnh từ nguồn lực xã hội, nâng cao ý thức, trách nhiệm và đóng góp của cộng đồng trong bảo vệ, phát triển rừng, trồng cây xanh.

3. Nâng cao chất lượng rừng và tăng tỷ lệ che phủ rừng góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai.

4. Nâng cao tỷ lệ cây xanh trên đầu người, tạo thêm cảnh quan, bóng mát, điều hòa khí hậu, bảo vệ sức khỏe con người. Góp phần xây dựng tỉnh Bến Tre “xanh, sạch và đẹp”, ở đâu cũng thấy có cây “đâm chồi, nảy lộc”; qua đó sẽ tạo Bến Tre trở thành nơi “đáng sống”.

5. Góp phần tạo thu nhập tăng thêm từ lâm sản ngoài gỗ phục vụ cho tiêu dùng thông qua các mô hình nông lâm ngư kết hợp.

X. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trách nhiệm của các sở, ngành, tổ chức có liên quan

a) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Là cơ quan thường trực Đề án, chủ trì phối hợp với các sở, ngành và các địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án này;

- Tổ chức duy trì và thực hiện có hiệu quả phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”hàng năm.

- Xây dựng Kế hoạch tổ chức thực hiện Đề án trồng 10 triệu cây xanh tỉnh Bến Tre hàng năm.

- Kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện Đề án; đầu mối tổng hợp kết quả thực hiện, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh;

b) Sở Tài nguyên và Môi trường

- Chủ trì, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương rà soát quy hoạch sử dụng đất cho phát triển rừng và trồng cây xanh, bảo đảm ổn định, lâu dài, đúng mục đích; dành quỹ đất đủ lớn cho phát triển cây xanh, bảo đảm các tiêu chuẩn diện tích đất cây xanh sử dụng công cộng theo quy định.

- Chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan xây dựng và triển khai thực hiện “Đề án Bến Tre xanh”.

- Đưa chỉ tiêu cây xanh vào theo dõi, quan trắc, báo cáo môi trường tỉnh hàng năm.

c) Sở Xây dựng

Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện nghiêm túc quy hoạch phát triển đô thị; khu công nghiệp; bảo đảm không gian quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật, diện tích đất cho phát triển cây xanh sử dụng công cộng theo các tiêu chuẩn, quy định hiện hành.

d) Sở Giao thông

Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện các dự án phát triển giao thông gắn với trồng cây xanh; bảo đảm 100% đường giao thông xây dựng mới được trồng cây xanh bóng mát, tạo cảnh quan theo các tiêu chuẩn, quy định hiện hành.

đ) Sở Giáo dục và Đào tạo

Phát động phong trào thi đua: “Ngày Chủ nhật xanh”, “Màu xanh cho tương lai”, “Trường xanh-sạch-năng động”... để tuyên truyền, kêu gọi, vận động cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, học viên tham gia trồng cây, tạo nên phong trào thường xuyên, liên tục, hiệu quả. Đưa nhiệm vụ trồng và chăm sóc cây xanh trở thành phong trào thi đua trong toàn ngành.

e) Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch

Chủ trì, rà soát tổ chức trồng cây xanh tại các khu di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Bến Tre, Sở Xây dựng, Ủy ban nhân dân huyện Ba Tri tổ chức trồng cây xanh khu vực Dự án Hồ nước ngọt xã Phú lễ huyện Ba Tri.

g) Tỉnh đoàn Bến Tre

Chủ trì phối hợp các cơ quan, ban ngành và địa phương thực hiện phát động phong trào thi đua trồng và chăm sóc cây xanh trang lực lượng đoàn viên thanh niên.

h) Ban Quản lý các khu công nghiệp

Tổ chức thực hiện quản lý trồng, chăm sóc cây xanh trong khu công nghiệp Giao Long và An Hiệp; đồng thời phối hợp các đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch và triển khai việc trồng cây trong khu công nghiệp Phú Thuận trong thời gian đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp.

i) Các sở, ngành khác có liên quan:

Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương tổ chức thực hiện Đề án.

k) Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị- xã hội, các tổ chức xã hội khác, doanh nghiệp, hiệp hội

- Phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội khác trong tuyên truyền, vận động thành viên tổ chức tham gia trồng cây, trồng rừng, chăm sóc, quản lý, bảo vệ cây xanh.

- Tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng về mục đích, ý nghĩa của việc trồng và bảo vệ rừng, cây xanh; động viên, khuyến khích, kêu gọi toàn dân tham gia trồng cây, trồng rừng, tạo nên phong trào thường xuyên, liên tục, hiệu quả trong toàn xã hội.

- Vận động, hướng dẫn quần chúng, Nhân dân ký các cam kết về bảo vệ rừng, bảo vệ cây xanh môi trường.

- Huy động nguồn vốn trong các tổ chức, doanh nghiệp; quyên góp của các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng cho phát triển cây xanh.

- Triển khai các hoạt động tình nguyện tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh.

l) Các cơ quan truyền thông (Đài Phát thanh truyền hình, Báo Đồng khởi...): Tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin, đại chúng về vai trò, tác dụng của rừng và cây xanh trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, cung cấp giá trị kinh tế, xã hội.

2. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Tổ chức xây dựng và thực hiện quy hoạch sử dụng đất, trong đó xác định quỹ đất trồng rừng phòng hộ, đất trồng mới rừng sản xuất; đất quy hoạch trồng cây xanh đô thị, đất phát triển trồng cây xanh phân tán vùng nông thôn; xây dựng và thực hiện kế hoạch trồng rừng, trồng cây xanh phân tán hàng năm và cả giai đoạn 2021-2025.

- Kêu gọi, huy động các tổ chức, doanh nghiệp tham gia, chung tay đóng góp thực hiện trồng cây xanh vì cộng đồng,…

- Chủ động chuẩn bị đủ cây giống có chất lượng với loài cây và tiêu chuẩn cây trồng phù hợp với các tiêu chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật cụ thể theo kế hoạch, dự án được duyệt.

- Xây dựng và tổ chức thực hiện các dự án phát triển cây xanh trên địa bàn. Giao chỉ tiêu kế hoạch trồng cây hàng năm cho các địa phương, cơ quan, đơn vị và từng khu dân cư. Tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, các tổ chức chính trị- xã hội, các tổ chức xã hội khác, trường học, lực lượng vũ trang và mọi tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng.

- Tổ chức kiểm tra, chỉ đạo, giám sát, phân công trách nhiệm cho các địa phương, tổ chức, các tổ chức chính trị- xã hội, các tổ chức xã hội khác trong quá trình trồng, chăm sóc, bảo vệ, quản lý rừng và cây xanh.

- Hàng năm tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc, biểu dương khen thưởng, nhân rộng điển hình những tổ chức, cá nhân làm tốt; đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi phá hại rừng, cây xanh.

3. Đề nghị Quỹ Tấm lòng vàng Bến Tre

- Tăng cường vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh hỗ trợ kinh phí thực hiện đề án.

- Đồng hành cùng Ban Điều hành Đề án trồng cây tỉnh tổ chức triển khai thực hiện đề án.

- Hỗ trợ Ban Điều hành Đề án trồng cây tỉnh xây dựng hoàn thành phần mềm số hóa việc theo dõi giám sát thực hiện đề án trong quý III/2021.

4. Đề nghị Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Tiếp tục hỗ trợ Ban Điều hành Đề án trồng cây tỉnh Bến Tre trong công tác thông tin, tuyên truyền kết quả thực hiện đề án, để từ đó huy động rộng rãi nguồn tài trợ trong xã hội để triển khai thực hiện có hiệu quả đề án.

XI. KẾT LUẬN

Cây xanh có vai trò đặc biệt quan trọng đối với đời sống con người. “Đề án trồng cây xanh trên địa bàn tỉnh Bến Tre, giai đoạn 2021 - 2025” được xây dựng và thực hiện trên địa bàn tỉnh, phù hợp với các chủ trương, định hướng của Đảng3, các chính sách, pháp luật của Nhà nước về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, vì sự phát triển bền vững của đất nước; được các cấp, các ngành, cộng đồng xã hội và mọi người dân đặc biệt quan tâm, đồng tình, ủng hộ.

Đề án được thực hiện sẽ làm tăng khả năng phòng hộ của rừng và cây xanh, góp phần giảm nhẹ những thiệt hại do bão lũ và thiên tai gây ra, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; phát triển lâm nghiệp đô thị, nâng cao kiến trúc cảnh quan, tăng chỉ tiêu cây xanh sử dụng công cộng trên đầu người; giảm phát thải khí nhà kính, tăng cường tích lũy các bon, bảo vệ môi trường. Đồng thời, cải thiện môi trường trong xây dựng nông thôn mới, cung cấp các giá trị, tạo thu nhập tăng thêm từ lâm sản ngoài gỗ, giải trí,...cho con người./.

 

PHỤ LỤC I

DANH MỤC VÀ TIÊU CHUẨN CÁC LOẠI CÂY TRỒNG
(Kèm theo Quyết định số 1304/QĐ-UBND ngày 11 tháng 6 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre)

1. Các loại cây trồng trong đô thị theo Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 9257:2012

TT

Khu chức năng

Tính chất cây trồng

Kiến nghị trồng cây

1

Cây xanh trường học

- Chọn cây cao to, tán rộng, cho bóng râm tốt, gây ấn tượng mạnh

- Chọn cây cho vườn trường: Chọn các loại cây bản địa, có hoa, lá. Số loài cây càng nhiều càng tốt để có thể giúp cho việc nghiên cứu, học tập của học sinh.

- Hạn chế việc trồng các loại cây ăn quả.

- Không chọn cây có gai, nhựa, mủ độc như: Cà dại, thông thiên, dứa dại. Không trồng các loại cây hấp dẫn ruồi muỗi như sanh, si, đa, đề.

- Cây trồng nên có bảng ghi tên, ngày tháng trồng, xuất xứ

- Bàng, phượng, muồng ngủ, muồng hoa đào, riềng riềng, hồng…

- Cây cảnh, cây bản địa: hồng, hải đường, ổ quạ, phong lan, địa lan

2

Cây xanh khu dân cư

- Tận dụng chọn giống cây địa phương để dễ dạng thích nghi với điều kiện sống

- Chọn cây chú ý phối kết màu sắc cả bốn mùa. Cây có hoa tạo vẻ mỹ quan, cảnh quan, vui mắt cho khu ở.

- Chọn cây có hương thơm, quả thơm

- Chọn cây có tuổi thọ cao

- Cành không giòn, không dễ gãy

- Cho bóng mát rộng

- Tránh trồng cây ăn quả hấp dẫn trẻ em

- Tránh những cây hoa quả hấp dẫn hoặc làm mồi cho sâu bọ, ruồi nhặng.

- Tránh những cây gỗ giòn, dễ gãy.

- Tránh những cây mùi khó chịu hoặc quá hắc

- Xà cừ, muồng hoa đào, Vông, hồng, sữa, ngọc lan, lan túa, long não, dạ hương

- Muồng ngủ, gạo, phượng, mí

- Bàng lang nước, muống hoa vàng, vàng anh

3

Cây xanh bệnh viện

- Chọn cây có khả năng tiết ra các chất fitolcid diệt trùng và màu sắc hoa lá tác dụng tới hệ thần kinh, góp phần trực tiếp điều trị bệnh

- Chọn cây có tác dụng trang trí: màu sắc trong sáng, vui tươi, tạo sức sống

- Chọn cây có hương thơm

- Long não, lan tua, ngọc lan, bạch đàn, dạ hương, hồng, mộc…

- Bánh hỏi, mai đào, móng bò trắng, địa lan, mai vàng, đào phai, cau đẻ, cau lùn…

- Ngọc lan, hoàng lan, lan tua, muồn, bàng lang, phượng, vàng anh

4

Cây xanh công viên, vườn hoa

- Chọn cây phong phú về chủng loại cây bản địa và cây ngoại lai, có vẻ đẹp

- Trồng cây đảm bảo bốn mùa có hoa lá xanh tươi

- Chọn cây trang trí phải có giá trị trang trí cao (hình thái, màu sắc, khả năng cắt xén)

- Các loại cây trang trí quý đặc biệt: Vạn tuế, bánh hỏi, trúc phật bà, trà mi, đỗ quyên, huyết dụ, cau bụi, cau lùn, cau ta.

5

Cây xanh khu công nghiệp

- Cây xanh cản khói, ngăn bụi: chọn cây có chiều cao, cây không trơ cành, tán lá rậm rạp, lá nhỏ, mặt lá ráp.

- Khu vực có chất độc hại NO, CO2, CO, NO2, trồng cây theo phương pháp nanh sấu và xen kẽ cây bụi để hiệu quả hấp thụ cao (tốt nhất tạo 3 tầng tán)

- Dải cây cách ly cùng loại khi diện tích hẹp và hỗn hợp khi cần dải cách li lớn

- Chọn loại cây chịu được khói bụi độc hại

- Đài loan, tương tư, dẻ, lai, phi lao, chùm bao lơn, săng, đào lá to, đậu ma, nụ nhãn, sấu, vải, thị trám, muồng đen…

- Găng, ô rô, duối trúc đào đỏ, cô tòng các loại, dâm bụt các loại, bóng nước, rêu đỏ, thảm cỏ lá tre, mào gà, nhội, xà cừ, chẹo, lát hoa

6

Cây trồng ở các bến tàu, bến xe, bến cảng, chợ

- Chọn cây bóng râm mát, tán rộng, chiếm diện tích mặt đất ít

- Chọn các cây có tác dụng chắn gió, chắn nắng (ở hướng Tây, hướng gió mùa đông Bắc)

- Chọn các loại thân cành dai, không bị gãy đổ bất thường, có hoa thơm, hoa đẹp

- Muồng, long não, nhội, xà cừ, ngọc lan, hoàng lan, lan tua

7

Cây trồng trên các vành đai xanh, giải xanh phòng hộ

- Chọn cây giống tốt, có bộ rễ khỏe, khó bị bão làm gãy, đổ nhằm tăng cường lượng ôxy, ngăn bớt tốc độ gió

- Trồng xen kẽ nhiều loài cây có ưu điểm của loài này hỗ trợ khuyết điểm cho loài khác, hạn chế sâu bệnh phá hoại rừng mảng

- Sấu, các loại muồng, bàng, quyếch, chẹo, long não, phi lao…

2. Các loại cây trồng theo Quyết định 30/2015/QĐ-UBND ngày 05 tháng 11 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre

a) Danh mục cây khuyến khích trồng trên địa bàn tỉnh Bến Tre

STT

Loài cây

Chiều cao thân (m)

Đường kính tán (m)

Chu kỳ sinh trưởng (tháng)

Tên Việt Nam

Tên khoa học

Kỳ rụng lá

Kỳ nở hoa

1

Bạch đàn

Eucalyptus

12-15

5-7

-

4-5

2

Bách tán

Araucaria excelsa r.br

40

4-8

-

4-5

3

Ban

Bauhinia variegatalinn

6-8

3-4

11-1

12-4

4

Bằng lăng

Lagerstroemia flosreginae retz

15-20

8-10

2-3

5-7

5

Bụt mọc

Taxodium distichum rich

10-15

5-7

2-3

4-5

6

Cẩm lai (Cẩm lai Bà Rịa) {IIA}

Dalbergia oliveri

15-30

8-15

-

-

7

Chiêu liêu

Terminalia tomentosa wight

15-30

8-15

3-4

5-6

8

Chò nâu

Dipterocarpus tonkinensis chev

30-40

6-10

-

8-9

9

Chuông vàng

Tabebuia aurea

5-8

4-6

-

3-5

10

Dầu nước (Dầu con rái)

Dipterocarpus alatus

20-30

8-10

-

5-6

11

Đài loan tương tư

Acacia confusa merr

8-10

5-6

-

6-10

12

Đề (Bồ đề)

Ficus religiosa linn

18-20

15-20

4

5

13

Gáo

Sarcocephalus cordatus miq

18

8-10

-

4-5

14

Gõ đỏ (Cà te) {IIA}

Afzelia xylocarpa

30-40

8-10

-

-

15

Gõ mật (Gụ mật) {IIA}

Sindora siamensis

30-35

8-10

-

-

16

Giáng hương (Dáng hương)

Pterocarpus pedatus pierre

20-25

8-10

3-4

-

17

Giáng hương trái to {IIA}

Pterocarpus macrocarpus

25-35

8-10

3-4

-

18

Hoàng lan (Ngọc lan tây)

Michelia champaca linn

15-20

6-8

-

5-6

19

Hoàng nam

Polyalthia longifolia

5-10

1-2

-

-

20

Kim giao

Podocarpus wallichianus C.presl

10-15

6-8

-

5-6

21

Liễu

Salyx babylonica linn

7-10

4-6

1-3

4-5

22

Lim xanh {IIA}

Erythrophleum fordii

30-35

7-8

-

-

23

Lim xẹt (Lim vàng)

Peltophorum tonkinensis a.chev

25

7-8

1-3

5-7

24

Đại phong tử

Hydnocarpus anthelmintica pierre

15-20

8-15

-

1-3

25

Long não

Cinnamomum camphora nees et ebern

15-20

8-15

-

3-5

26

Lộc vừng

Barringtoria racemosa roxb

10-12

8-10

2-3

4-10

27

Mai anh đào (Hoa anh đào)

Prunus serrulata

5-7

4-6

10-12

1-3

28

Mai vàng

Ochna integerrima

2-5

2-5

-

-

29

Me

Tamarindus indica l.

15-20

8-10

-

4-5

30

Me tây (Còng)

Samanea saman

10-15

0,5-0,6

-

1-6

31

Móng bò tím

Banhinia purpureaes l.

8-10

4-5

-

8-10

32

Mỡ

Manglietia glauca bl.

10-12

23

-

1-2

33

Muỗm

Mangifera foetida lour

15-20

8-12

-

2-3

34

Muồng đen

Cassia siamea lamk

15-20

10-12

-

6-7

35

Muồng hoa đào

Cassia nodosa linn

10-15

10-15

4

5-8

36

Muồng hoàng yến (bò cạp nước)

Cassia fistula l.

15

10

-

6-9

37

Muồng ngủ

Pithecoloblum saman benth

15-20

30-40

1-3

6-7

38

Núc nác

Oroxylum indicum vent

15-20

9-12

-

6-9

39

Ngọc lan

Michelia alba de

15-20

5-8

-

5-9

40

Nhạc ngựa (Dái ngựa lá to)

Swietenia mahogani jacq

15-20

6-10

1-2

4-5

41

Nhãn

Euphoria longan (lour) steud

8-10

7-8

-

2-4

42

Nhội

Bischofia trifolia hook f.

10-15

6-10

-

2-3

43

Nhựa ruồi

Ilex rotunda thunb

20

6-8

-

4-5

44

Phi lao (Dương)

Casuarina equisetifolia

15-25

6-8

-

-

45

Phượng vĩ

Delonix regia raf

12-15

8-15

1-4

5-7

46

Sanh

Ficus indiaca linn

15-20

6-12

-

6-7

47

Sao đen

Hopea odorata roxb

20-25

8-10

2-3

4

48

Sao xanh (Sang đào)

Hopea ferrea

20-25

8-10

-

-

49

Sau sau

Liquidambar formosana hance

20-30

8-15

-

3-4

50

Sếu (cơm nguội)

Celtis sinenscs person

15-20

6-8

12-3

2-3

51

Si (Gừa)

Ficus benjamina linn

10-20

6-8

-

6-7

52

Sung

Ficus glimeratq roxb

10-15

8-10

-

-

53

Sưa (Trắc thối, Huê mộc vàng) {IA}

Dalbergia tonkinensis prain

10-15

4-8

-

4-5

54

Tếch (Giá tỵ)

Tectona graudis linn

20-25

6-8

1-3

6-10

55

Thông nhựa hai lá

Pinus merkusili

30

8-10

-

5-6

56

Trám đen

Canarium nigrum engler

10-15

7-10

-

1-2

57

Trầm hương (Dó bầu)

Aquilaria crassna

10-20

6-10

-

-

58

Vàng anh

Saraca dives pierre

7-12

8-10

-

1-3

Chú thích:

{IA} Loài thực vật nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I theo Nghị định số 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ.

{IIA} Loài thực vật nguy cấp, quý, hiếm Nhóm II theo Nghị định số 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ.

b) Danh mục cây trồng hạn chế trong đô thị trên địa bàn tỉnh Bến Tre

STT

Loài cây

Họ thực vật

Lý do hạn chế trồng

Biện pháp hạn chế

Tên Việt Nam

Tên khoa học

1

Sữa (Mò cua)

Alstonia scholaris

Apocynaceae

Hoa có mùi gây khó chịu; cành nhánh giòn, dễ gãy

Hạn chế trồng tập trung quá 02 cây trong phạm vi bán kính 50m

2

Huỳnh liên (Sò đo bông vàng)

Tecoma stans

Bignoniaceae

Cành nhánh mềm, dễ gãy đổ khi mưa bão

Hạn chế trồng trên đường phố trong đô thị

3

Mù u

Calophyllum inophyllum

Calophyllaceae

Thân cây thường có dáng nghiêng; quả rụng nhiều ảnh hưởng vệ sinh đường phố

Hạn chế trên đường phố trong đô thị

4

Điệp phèo heo

Enterolobium cyclocarpum

Fabaceae

Rễ mọc ngang, lồi trên mặt đất gây hư hại vỉa hè và các công trình hạ tầng kỹ thuật; cành nhánh giòn dễ gãy

Hạn chế trồng trên đường phố trong đô thị

5

Lọ nồi (Đại phong tử)

Hydnocarpus anthelmintica

Flacourtiaceae

Quả to, rụng gây nguy hiểm

Hạn chế trồng trên đường phố trong đô thị

6

Xà cừ (Sọ khỉ)

Khaya senegalensis a.Juss

Meliaceae

Rễ mọc ngang, lồi trên mặt đất gây hư hại vỉa hè và các công trình hạ tầng kỹ thuật

Hạn chế trồng trên đường phố trong đô thị

7

Keo (các loại )

Acacia

Mimosoideae

Cành nhánh giòn, dễ gãy

Hạn chế trồng trên đường phố trong đô thị

8

Đa (Da, Đề, Sanh, Sung)

Ficus

Moraceae

Có rễ phụ làm hư hại công trình; dạng quả sung ảnh hưởng vệ sinh đường phố

Hạn chế trồng trên đường phố trong đô thị

9

Trứng cá

Muntingia calabura

Muntingiaceae

Quả khuyến khích trẻ em leo trèo; quả rụng ảnh hưởng vệ sinh môi trường

Hạn chế trồng trên vỉa hè đường phố trong đô thị; khi trồng với mục đích sử dụng công cộng khác phải có biện pháp bảo vệ phù hợp

10

Thông (các loại)

Pinus

Pinaceae

Cây có sâu bướm gây dị ứng mạnh khi tiếp xúc

Hạn chế trồng trên đường phố trong đô thị

11

Tre

Bambuseae

Poaceae

Cây có nhiều nhánh nhỏ thấp, phát triển bụi rậm

Hạn chế trồng trên đường phố trong đô thị

12

Gáo

Sarcocephalus cordatus miq

Rubiaceae

Cành nhánh giòn, dễ gãy; quả rụng ảnh hưởng vệ sinh đường phố

Hạn chế trồng trên đường phố trong đô thị

13

Trôm

Sterculia foetida 1

Sterculiaceae

Quả to, hoa có mùi

Hạn chế trồng trên đường phố trong đô thị; trồng tập trung quá 02 cây trong phạm vi bán kính 50m

14

Các loài cây ăn quả

 

 

Cây có quả khuyến khích trẻ em leo trèo; quả rụng ảnh hưởng vệ sinh đường phố

Khi trồng với mục đích sử dụng công cộng phải có biện pháp bảo vệ phù hợp

15

Đủng đỉnh

Caryota mitis

Arecaceae

Quả có chất gây ngứa

Hạn chế trồng trên đường phố trong đô thị

16

Sò đo cam

Spathodea Campanulata

Bignoniaceae

Hoa chứa chất độc; cây phát tán mạnh

Hạn chế trồng trên đường phố trong đô thị

17

Bàng

Terminalia catappa

Combretaceae

Dễ bị sâu (gây ngứa khi đụng phải)

Hạn chế trồng trên đường phố trong đô thị

18

Viết

Mimusops elengi Linn

Sapotaceae

Cây bị sâu đục thân gây chết khô

Hạn chế trồng trên đường phố trong đô thị

 

PHỤ LỤC II

PHÂN BỐ CHỈ TIÊU TRỒNG CÂY PHÂN TÁN GIAI ĐOẠN 2021-2025
(Kèm theo Quyết định số 1304/QĐ-UBND ngày 11 tháng 6 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre)

STT

Tên đơn vị

Thực hiện 2020

Kế hoạch 2021-2025

Giai đoạn 2021-2025

2021

2022

2023

2024

2025

1

TP. Bến Tre

3,720

3,500

8,000

8,000

8,000

8,000

35,500

2

H. Châu Thành

23,670

25,500

60,000

60,000

60,000

60,000

265,500

3

H. Giồng Trôm

5,000

6,000

14,000

15,000

15,000

15,000

65,000

4

H. Mỏ Cày Bắc

8,558

9,000

22,000

22,000

22,000

22,000

97,000

5

H. Mỏ Cày Nam

44,330

42,000

99,000

110,000

110,000

110,000

471,000

6

H. Chợ Lách

50,000

50,000

115,000

120,000

120,000

120,000

525,000

7

H. Bình Đại

189,700

184,000

449,000

530,000

530,000

530,000

2,223,000

8

H. Ba Tri

180,000

180,000

438,000

514,000

514,000

514,000

2,160,000

9

H. Thạnh Phú

200,000

200,000

486,000

560,000

560,000

560,000

2,366,000

Tổng cộng

704,978

700,000

1,691,000

1,939,000

1,939,000

1,939,000

8,208,000

Ghi chú: Chỉ tiêu phân bổ này đã tính số liệu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp…đăng ký hỗ trợ cho các huyện

 

PHỤ LỤC III

PHÂN BỐ CHỈ TIÊU TRỒNG RỪNG TẬP TRUNG GIAI ĐOẠN 2021-2025
(Kèm theo Quyết định số 1304/QĐ-UBND ngày 11 tháng 6 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre)

STT

Tên đơn vị

Thực hiện 2020

Kế hoạch 2021-2025

Giai đoạn 2021-2025

2021

2022

2023

2024

2025

1

Huyện Bình Đại

Diện tích (ha)

 

33.82

20

20

 

29

103

Số lượng (cây)

 

110,000

100,000

100,000

 

145,000

455,000

2

Huyện Ba Tri

Diện tích (ha)

7.26

89

 

 

20

 

109

Số lượng (cây)

18,150

445,000

 

 

100,000

 

545,000

Vốn WB

Diện tích (ha)

 

89

 

 

 

 

89

Số lượng (cây)

 

445,000

 

 

 

 

445,000

Vốn đề án

Diện tích (ha)

 

 

 

 

20

 

20

Số lượng (cây)

 

 

 

 

100,000

 

100,000

3

Huyện Thạnh Phú

Diện tích (ha)

 

107.78

50

 

 

 

157.8

Số lượng (cây)

 

542,000

250,000

 

 

 

792,000

Vốn WB

Diện tích (ha)

 

101.6

50

 

 

 

151.6

Số lượng (cây)

 

508,000

250,000

 

 

 

758,000

Vốn đề án

Diện tích (ha)

 

6.18

 

 

 

 

6

Số lượng (cây)

 

34,000

 

 

 

 

34,000

Tổng số

Diện tích (ha)

7.26

230.6

70

20

20

29

369.6

Số lượng (cây)

18,150

1,097,000

350,000

100,000

100,000

145,000

1,792,000

Ghi chú:

1- Nguồn vốn Dự án WB9: năm 2021 trồng rừng 89 ha, đất bãi bồi hạ nguồn sông Ba Lai thuộc huyện Ba Tri, 101,6 ha xã An Điền; năm 2022 trồng 50 ha tại An Điền.

2- Nguồn vốn tự thực hiện của đề án trồng cây:

- Năm 2021: Dự kiến đề xuất Công ty CP trồng 40 ha tại xã Đại Hòa Lộc, Thạnh Phước, Thới Thuận huyện Bình Đại và xã Thạnh Phong, Thạnh Hải huyện Thạnh Phú (vốn Công ty C.P do BQLDA rừng làm chủ đầu tư)

- Năm 2022 dự kiến trồng 20 ha tại xã Thới Thuận 15 ha, Thừa Đức 5 ha

- Năm 2023 trồng 20 ha tại huyện (khu vực xã Thới Thuận 15 ha, Thạnh Phước 5 ha)

- Năm 2024 trồng 20 ha (khu vực xã Bảo Thuận 10 ha, xã Tân Thủy 10 ha)

- Năm 2025 trồng 29 ha (xã Bảo Thạnh 5 ha, Bảo Thuận 5 ha, Thạnh Phước 5 ha, Thới Thuận 15 ha)

 

PHỤ LỤC IV

TỔNG HỢP PHÂN BỔ CHỈ TIÊU TRỒNG CÂY GIAI ĐOẠN 2021-2025
(Kèm theo Quyết định số 1304/QĐ-UBND ngày 11 tháng 6 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre)

STT

Tên đơn vị

Thực hiện 2020

Kế hoạch 2021-2025

Giai đoạn
2021-2025

2021

2022

2023

2024

2025

1

TP. Bến Tre

3,720

3,500

8,000

8,000

8,000

8,000

35,500

2

H. Châu Thành

23,670

25,500

60,000

60,000

60,000

60,000

265,500

3

H. Giồng Trôm

5,000

6,000

14,000

15,000

15,000

15,000

65,000

4

H. Mỏ Cày Bắc

8,558

9,000

22,000

22,000

22,000

22,000

97,000

5

H. Mỏ Cày Nam

44,330

42,000

99,000

110,000

110,000

110,000

471,000

6

H. Chợ Lách

50,000

50,000

115,000

120,000

120,000

120,000

525,000

7

H. Bình Đại

189,700

294,000

549,000

630,000

530,000

675,000

2,678,000

8

H. Ba Tri

180,000

625,000

438,000

514,000

614,000

514,000

2,705,000

9

H. Thạnh Phú

200,000

742,000

736,000

560,000

560,000

560,000

3,158,000

Tổng cộng

704,978

1,797,000

2,041,000

2,039,000

2,039,000

2,084,000

10,000,000

 

PHỤ LỤC V

KINH PHÍ TRỒNG CÂY GIAI ĐOẠN 2021-2025
(Kèm theo Quyết định số 1304/QĐ-UBND ngày 11 tháng 6 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre)

STT

Tên đơn vị

Đơn giá (ngàn đồng)

Kế hoạch 2021-2025

Giai đoạn 2021-2025

2021

2022

2023

2024

2025

I

SỐ LƯỢNG CÂY TRỒNG

 

Tổng số

 

1,797,000

2,041,000

2,039,000

2,039,000

2,084,000

10,000,000

1

Trồng cây phân tán

 

700,000

1,691,000

1,939,000

1,939,000

1,939,000

8,208,000

 

Cây cao 1-2 m

Chiếm 90%

630,000

1,521,900

1,745,100

1,745,100

1,745,100

7,387,200

 

Cây cao > 2 m

Chiếm 10%

70,000

169,100

193,900

193,900

193,900

820,800

2

Trồng rừng

 

1,097,000

350,000

100,000

100,000

145,000

1,792,000

 

Thuộc dự án WB

 

953,000

250,000

-

-

-

1,203,000

 

Thuộc đề án trồng cây

 

144,000

100,000

100,000

100,000

145,000

589,000

II

KINH PHÍ (ngàn đồng)

 

Tổng số

 

18,559,938

34,565,620

37,520,920

37,556,640

38,759,401

166,962,519

1

Trồng cây phân tán

 

12,460,000

30,099,800

34,514,200

34,514,200

34,514,200

146,102,400

 

Cây cao 1-2 m

12

7,560,000

18,262,800

20,941,200

20,941,200

20,941,200

88,646,400

 

Cây cao >2 m

70

4,900,000

11,837,000

13,573,000

13,573,000

13,573,000

57,456,000

2

Trồng rừng

 

6,099,938

4,465,820

3,006,720

3,042,440

4,245,201

20,860,119

 

Thuộc dự án WB (có chăm

 

5,220,000

1,350,000

 

 

 

6,570,000

 

Thuộc đề án trồng cây tính trồng và chăm sóc (*)

 

879,938

3,115,820

3,006,720

3,042,440

4,245,201

14,290,119

(*) Ghi chú: Đây là chi phí trực tiếp tính cho loại mấm trắng, mật độ 5.000 cây có túi bầu, theo Quyết định 1125/QĐ-UBND



[1] Trong thời gian qua hàng năm ngân sách tỉnh chi cho công tác trồng cây phân tán khoảng 400 triệu đồng/năm, từ cơ sở đó ước tính trong giai đoạn 2021-2025 mỗi năm ngân sách chi khoảng 500 triệu để hỗ trợ hoạt động trồng cây.

[2] Thỏa thuận Paris về BĐKH hoàn toàn không ràng buộc về mặt pháp lý. Nó không ra lệnh cho các quốc gia phải làm thế nào để giảm lượng khí thải nhà kính hoặc tăng cường khả năng phục hồi và thích ứng với khí hậu. Thay vào đó, Thỏa thuận khuyến khích họ thực hiện các cam kết của riêng mình thông qua “Đóng góp do quốc gia tự quyết định” hay NDC.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 1304/QĐ-UBND ngày 11/06/2021 về Đề án trồng cây xanh trên địa bàn tỉnh Bến Tre giai đoạn 2021-2025

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


1.426

DMCA.com Protection Status
IP: 18.217.140.224
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!