ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2409/QĐ-UBND
|
Sơn La, ngày 05 tháng 11 năm 2020
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH KẾ HOẠCH VÀ KINH PHÍ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2021 VÀ KẾ HOẠCH
TÀI CHÍNH - NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC 3 NĂM (2021 - 2023) TỪ NGUỒN KINH PHÍ SỰ NGHIỆP
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TỈNH SƠN LA
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số
điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm
2019;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường năm
2014;
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước năm
2015;
Căn cứ Công văn số 2361/BTNMT-KHTC
ngày 04/5/2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về hướng dẫn xây dựng kế hoạch
và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 và kế hoạch tài chính ngân sách 03 năm
2021-2023 từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường;
Theo đề nghị của Sở Tài nguyên và
Môi trường tại Tờ trình số 832/TTr-STNMT ngày 26/10/2020.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết
định này Kế hoạch và kinh phí ngân sách nhà nước năm 2021 và Kế hoạch tài chính
- ngân sách nhà nước 3 năm (2021-2023) từ nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi
trường tỉnh Sơn La (có Kế hoạch kèm theo).
Điều 2. Quyết định này có hiệu
lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh;
Giám đốc các Sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành
phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và các tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm
thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Bộ Tài nguyên và Môi trường; (Báo cáo)
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư; (Báo
cáo)
- Bộ Tài chính; (Báo cáo)
- TT Tỉnh ủy; TT HĐND tỉnh; (Báo cáo)
- UBMTTQ VN tỉnh; (Báo
cáo)
- Chủ tịch UBND tỉnh; (Báo cáo)
- Các PCT UBND tỉnh;
- Như Điều 3;
- Trung tâm Thông tin;
- Lưu: VT - Biên 20bản
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Hồng Minh
|
KẾ HOẠCH VÀ KINH PHÍ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2021;
KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH - NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC 3 NĂM 2021 - 2023
TỪ NGUỒN KINH PHÍ SỰ NGHIỆP BẢO VỆ MÔI TRƯỜNGTỈNH
SƠN LA
(Ban
hành kèm theo Quyết định số 2409/QĐ-UBND ngày 05/11/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh
Sơn La)
Thực hiện Công văn số 2361/BTNMT-KHTC
ngày 04/5/2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch
và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước
3 năm 2021 - 2023 từ nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường của các tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương, UBND tỉnh Sơn La ban hành Kế hoạch thực hiện
như sau:
Phần thứ nhất
ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH VÀ
DỰ TOÁN NGÂN SÁCH SỰ NGHIỆP MÔI TRƯỜNG NĂM 2020, GIAI ĐOẠN 3 NĂM 2018 - 2020
I. Đánh giá công
tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường tỉnh Sơn La năm
2020 và giai đoạn 3 năm 2018 - 2020
1. Đánh giá thực
trạng công tác quản lý môi trường
Việc thi hành pháp luật về bảo vệ môi
trường được quan tâm chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết
quả tích cực, cụ thể: Công tác tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ môi trường được
quan tâm thực hiện đã góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường của cán
bộ, công chức, viên chức, người lao động và cộng đồng dân cư; các cơ sở sản xuất,
kinh doanh, dịch vụ từng bước nâng cao ý thức tuân thủ các quy định của pháp luật
về bảo vệ môi trường như: Lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo
vệ môi trường, lập hồ sơ đề nghị kiểm tra xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ
môi trường; chất lượng môi trường khu vực đô thị, vùng nông thôn và khu dân cư
tập trung đã từng bước được cải thiện.
Thực hiện lồng ghép công tác bảo vệ
môi trường với chiến lược, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, UBND
tỉnh đã ban hành các văn bản cụ thể hóa chỉ đạo của Trung ương, cụ thể như: Kế
hoạch thực hiện việc quản lý, thu gom, tiêu hủy bao gói thuốc bảo vệ thực vật
sau sử dụng trên địa bàn tỉnh Sơn La; Kế hoạch thực hiện đề án quản lý, thu
gom, tiêu hủy bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn tỉnh Sơn
La; Quyết định số 1932/QĐ-UBND ngày 07/8/2018 ban hành hướng dẫn thu gom, vận
chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; Kế hoạch thu gom, vận
chuyển và xử lý chất thải rắn y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh Sơn La; Kế hoạch
phòng ngừa ứng phó sự cố môi trường do thiên tai, bão lũ; Công văn số
1539/UBND-KT ngày 14/5/2019 về việc tăng cường công tác quản lý môi trường đối
với các tổ chức, cá nhân sản xuất, sơ chế, chế biến nông sản năm 2019; Quyết định
số 2195/QĐ-UBND ngày 04/9/2019 ban hành lộ trình thực hiện các mục tiêu phát
triển bền vững đến năm 2030; Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trên
địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2020-2021; Kế hoạch 198-KH/TU ngày 17/3/2020 của
Tỉnh ủy Sơn La thực hiện Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị về
tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến
đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, UBND tỉnh ban hành nhiều
văn bản chỉ đạo trên các lĩnh vực nhằm triển khai Luật Bảo vệ môi trường, Luật
Đa dạng sinh học; tăng cường công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi
trường, xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường; công tác thu gom, xử lý rác thải
khu vực nông thôn; tuyên truyền bảo vệ môi trường; công tác thanh tra, kiểm
tra, kiểm soát ô nhiễm môi trường; công tác phối hợp trong công tác bảo vệ môi
trường giữa các ngành trong tỉnh và bảo vệ môi trường lưu vực sông liên tỉnh;
công tác quan trắc môi trường, báo cáo môi trường hàng năm; đẩy nhanh tiến độ xử
lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; xử lý, khắc phục các điểm
nóng về ô nhiễm môi trường; tổ chức sắp xếp bộ máy quản lý nhà nước về môi trường,...
2. Đánh giá
tình hình triển khai Chỉ thị của Thủ tướng, Nghị quyết của Chính phủ
2.1. Đánh giá tình hình triển khai
Chỉ thị 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ cấp
bách về bảo vệ môi trường
Thực hiện Thông báo số 560-TB/TU ngày
07/11/2016 của Ban thường vụ tỉnh ủy Kết luận về việc thực hiện Kết luận số
02-KL/TW, Chỉ thị số 25/CT-TTg và Kế hoạch số 178/KH-UBND ngày 31/12/2016 của
UBND tỉnh triển khai Kết luận số 02-KL/TW và Chỉ thị số 25/CT-TTg trên địa bàn
tỉnh Sơn La, trong thời gian vừa qua UBND tỉnh Sơn La đã triển khai thực hiện
có hiệu quả Chỉ thị 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ và đạt được
một số kết quả cụ thể:
- Công tác bảo vệ môi trường được chú
trọng ngay từ giai đoạn lập dự án đầu tư cũng như xem xét, lựa chọn và phê duyệt
báo cáo đánh giá tác động môi trường, xác nhận Kế hoạch bảo vệ môi trường các dự
án nhằm ngăn chặn, kiểm soát chặt chẽ các dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu,
loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; các dự án đầu tư có yếu
tố công nghệ phải thực hiện thẩm định công nghệ, đăng ký chuyển giao công nghệ,
rà soát kiên quyết không cho phép sử dụng công nghệ trong danh mục cấm chuyển
giao theo quy định của Luật Khoa học Công nghệ, Luật chuyển giao công nghệ; thực
hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa như xem xét thẩm định về môi trường các dự
án đầu tư kết hợp với công tác thanh kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính.
- Về bảo vệ các nguồn nước sinh hoạt
trên địa bàn tỉnh: UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2415/QĐ-UBND ngày
02/10/2018 phê duyệt dự án lập phương án cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước
sinh hoạt đối với nhà máy nước số 1, số 2 thành phố Sơn La (nguồn nước Hang
Thẳm Tát Tòng, suối Nậm La) và nhà máy cấp nước Mai Sơn (nguồn nước suối
Nậm Pàn). Hiện nay đang triển khai cắm mốc, bàn giao mốc giới và quản lý bảo
vệ theo quy định.
- Nhiệm vụ ban hành các quy chuẩn kỹ
thuật môi trường của địa phương: Hiện nay tỉnh Sơn La đang áp dụng các tiêu chuẩn,
quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia. Trong thời gian tới UBND tỉnh Sơn La sẽ
tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành có liên quan tiếp tục nghiên cứu, xây dựng tham
mưu cho UBND tỉnh ban hành quy chuẩn kỹ thuật môi trường tỉnh Sơn La.
- Nhiệm vụ rà soát báo cáo đánh giá
tác động môi trường đã được phê duyệt, các công trình biện pháp bảo vệ môi trường
của các dự án đầu tư: UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường công
tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với
các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn. Công tác thanh tra, kiểm
tra tập trung vào các nội dung như: việc chấp hành các nội dung báo cáo đánh
giá tác động môi trường, đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải, hoàn thành
công trình bảo vệ môi trường, đăng ký hồ sơ chủ nguồn thải, hồ sơ cấp phép xả
nước thải vào nguồn nước, chế độ báo cáo quan trắc môi trường định kỳ hàng
năm,... Đặc biệt yêu cầu kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với các cơ sở có lượng
chất thải lớn, các cơ sở nằm ở khu vực đầu nguồn nước, các cơ sở khai thác
khoáng sản.
- Về yêu cầu tất cả các khu công nghiệp,
khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp xây dựng hệ thống xử lý nước
thải tập trung; buộc đối tượng có quy mô xả thải lớn lắp đặt các thiết bị kiểm
soát, giám sát tự động hoạt động xả thải theo quy định của pháp luật và truyền
số liệu trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường: UBND tỉnh Sơn La đã ban hành
Công văn số 3252/UBND-KT ngày 27/7/2020 yêu cầu các cơ sở tiến hành lắp đặt hệ
thống quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục, có camera theo dõi, truyền
số liệu trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường. Hiện nay trên địa bàn tỉnh
Sơn La có 08 cơ sở phải lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động,
cụ thể: Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Sơn La - Hệ thống xử lý nước thải
tập trung Khu Công nghiệp Mai Sơn; Công ty cổ phần chế biến nông sản BHL Sơn La
(Nhà máy chế biến tinh bột sắn); Chi nhánh Công ty cổ phần tinh bột sắn Phú Yên
Sơn La (Nhà máy chế biến tinh bột sắn); Công ty Cổ phần cao su Sơn La (Nhà
máy chế biến cao su Sơn La 28 - 10); Công ty Cổ phần chế biến tinh bột sắn
Thuận Châu (Nhà máy chế biến tinh bột sắn). Công ty Cổ phần đầu tư và
xây dựng Mộc Châu (Trạm xử lý nước thải sinh hoạt công suất 1.500 m3/ngày
đêm thị trấn Mộc Châu và Trạm xử lý nước thải sinh hoạt công suất 3.000 m3/ngày
đêm thị trấn nông trường Mộc Châu); Ban Quản lý các dự án ODA tỉnh Sơn La (Nhà
máy xử lý nước thải sinh hoạt thành phố Sơn La); Công ty Thủy điện Sơn La
(Trạm xử lý nước dẫn dầu của Nhà máy thủy điện Sơn La). Tính tới thời điểm
hiện tại, Công ty Thủy điện Sơn La đã lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động,
liên tục và đang truyền dữ liệu (thử nghiệm) về Sở Tài nguyên và Môi trường.
Đối với các cơ sở chưa tiến hành lắp đặt, trong thời gian tới Sở Tài nguyên và
Môi trường tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc lắp đặt Hệ thống quan trắc nước thải,
khí thải tự động, liên tục theo quy định.
- Về tập trung xử lý triệt để di dời
các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng: Hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có
32/32 cơ sở hoàn thành các biện pháp xử lý theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg và
Quyết định số 1788/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có: 13 cơ sở không
cần thực hiện chứng nhận (02 cơ sở đã dừng hoạt động; 11 cơ sở đã rà soát
đưa ra khỏi danh sách do quy mô công suất, lượng xả thải và mức độ ô nhiễm
không thuộc đối tượng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo tiêu chí tại
Thông tư số 04/2012/TT-BTNMT ngày 08/5/2012 của Bộ Tài nguyên và Môi trường);
15 cơ sở đã được chứng nhận hoàn thành các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường
nghiêm trọng; 04 cơ sở mới hoàn thành biện pháp xử lý ô nhiễm, đang nộp hồ sơ đề
nghị chứng nhận (Bệnh viện Phong và Da liễu; Bãi rác bản Khoang thành phố
Sơn La và Bệnh viện Đa khoa các huyện: Yên Châu, Sông Mã). Tỷ lệ xử lý cơ sở
gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đạt 100%.
- Về xử lý chất thải rắn: Trên địa
bàn thành phố Sơn La hiện nay đã được đầu tư Khu liên hợp xử lý chất thải rắn sử
dụng phương pháp ủ sinh học làm phân Compost với công suất 80 tấn/ngày; phương
pháp này thích hợp với loại chất thải rắn hữu cơ trong chất thải sinh hoạt chứa
nhiều cacbonhyđrat như đường, xenlulo, lignin, mỡ, protein, những chất này có
thể phân hủy đồng thời hoặc từng bước. Đối với rác thải sinh hoạt phát sinh tại
địa bàn các huyện được thu gom, vận chuyển về 12 bãi chôn lấp rác thải trên địa
bàn các huyện (01 bãi chôn lấp chưa được đưa vào sử dụng là bãi chôn lấp rác
thải bản Khoang huyện Quỳnh Nhai); công tác triển khai các điểm chôn lấp, xử
lý chất thải rắn đã được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng,
chính quyền, tạo mọi nguồn lực để thực hiện;
Đánh giá việc thực hiện một số chỉ
tiêu về quản lý chất thải rắn: Thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải mới tập
trung ở đô thị, thị trấn, mở rộng các xã ven đô thị, thị trấn; chất thải rắn
chưa được phân loại tại nguồn; ý thức, trách nhiệm của một bộ phận nhân dân
chưa cao, chưa có sự tham gia tích cực của cộng đồng; tiến độ đầu tư mới, cải tạo,
nâng cấp các bãi chôn lấp chất thải rắn đô thị theo tiêu chuẩn bãi chôn lấp hợp
vệ sinh còn chậm (hiện nay huyện Mường La chưa có bãi chôn lấp chất rác thải).
Về tỷ lệ thu gom chất thải rắn: Ở khu
vực đô thị đến thời điểm hiện tại đạt 90,5%; khu vực nông thôn đạt 69,5%.
- Về điều tra, đánh giá, khoanh vùng
và có kế hoạch xử lý các khu vực ô nhiễm còn tồn lưu trên địa bàn: Theo Quyết định
số 1946/QĐ-TTg ngày 21/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch
xử lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên
phạm vi cả nước, tỉnh Sơn La không có cơ sở trong danh mục điểm tồn lưu hóa chất
bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.
- Về rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy,
tăng cường năng lực quản lý môi trường, ưu tiên cấp huyện, xã; sử dụng nguồn sự
nghiệp môi trường để bố trí cán bộ hợp đồng phụ trách công tác bảo vệ môi trường
cấp xã: Toàn ngành tài nguyên và môi trường Sơn La có 463 công chức, viên chức (cấp
tỉnh 176, cấp huyện 84, cấp xã 203). Trong đó cán bộ trực tiếp làm công tác
bảo vệ môi trường là 223 người.
- Công tác tuyên truyền, vận động
nhân dân tham gia bảo vệ môi trường đã được quan tâm chỉ đạo với sự phối hợp của
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức đoàn thể, đã
nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường trên địa bàn toàn tỉnh. Hàng năm, UBND
tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan,
đơn vị, UBND các huyện, thành phố tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền phổ biến
pháp luật về bảo vệ môi trường. Công tác tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi
trường đã được triển khai đa dạng, dưới nhiều hình thức như: Xây dựng các phóng
sự tuyên truyền trên Báo Sơn La, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Đài Truyền
thanh - Truyền hình các huyện, thành phố; viết tin bài tuyên truyền công tác bảo
vệ môi trường (Hội nông dân), viết tin đăng trên thông báo nội bộ (Ban Tuyên
giáo Tỉnh ủy); Tổ chức lễ ký cam kết bảo vệ môi trường... Nội dung tuyên
truyền đề cập đến nhiều vấn đề như giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường,
nguyên nhân, tác hại và cách phòng chống ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường;
phòng ngừa, bảo vệ nguồn nước sạch, biểu dương các tổ chức, cá nhân tiêu biểu về
bảo vệ môi trường... Các tổ chức, đoàn thể đều lồng ghép nội dung về bảo vệ môi
trường vào các chương trình hội nghị, hội thảo, sinh hoạt chuyên đề của cơ
quan, đơn vị.
2.2. Đánh giá tình hình triển khai
Nghị quyết 08/NQ-CP ngày 23/01/2014 của Chính phủ Ban hành chương trình hành động
thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 03.6.2013 của Ban Chấp hành Trung ương về chủ
động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi
trường
a. Công tác ban hành văn bản chỉ đạo
thực hiện
Thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày
03.6.2013 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương đảng Khóa XI về chủ động
ứng phó với BĐKH, tăng cường QLTN và BVMT và các văn bản có liên quan, tỉnh Sơn
La đã thực hiện thể chế và ban hành các văn bản triển khai thực hiện: Kế hoạch
số 198-KH/TU của Tỉnh ủy Sơn La thực hiện Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của
Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng
phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Quyết định
701/QĐ-UBND ngày 06/4/2020 của UBND tỉnh phê duyệt kết quả thực hiện nhiệm vụ “Xây
dựng, cập nhật hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030 tầm
nhìn đến 2050 tỉnh Sơn La”; Quyết định số 707/QĐ-UBND ngày 06/4/2020 phê
duyệt kết quả thực hiện nhiệm vụ “Đánh giá khí hậu tỉnh Sơn La”; Công
văn số 2754/UBND-KT ngày 15/08/2019 về việc hỗ trợ hoạt động Đoàn Thanh niên
tham gia bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2019-2022.
b. Thực hiện các nhiệm vụ cụ thể
- Nâng cao nhận thức, kiến thức, hiểu
biết về BĐKH, thích nghi, sống chung với BĐKH trong nhân dân: Các hoạt động
phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai đã được quan tâm và có chuyển biến tích cực với
bối cảnh của BĐKH; đã huy động tốt nguồn lực tại chỗ, tranh thủ sự tham gia
đóng góp của các tổ chức, cá nhân, nhân dân trong công tác khắc phục hậu quả
thiên tai. Nhận thức của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân về ứng phó với
BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đã có những chuyển biến
tích cực, bước đầu đã quan tâm đến BĐKH và các tác động của BĐKH đến đời sống,
sản xuất; dần hình thành ý thức bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường, khai thác
sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên. Từ đó chủ động phòng, tránh
thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm dần thiệt hại về người, tài sản
do thiên tai gây ra.
- Đảm bảo an ninh lương thực thông
qua bảo vệ, duy trì hợp lý và quản lý bền vững quỹ đất cho nông nghiệp; chuyển
đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tạo giống mới thích ứng với BĐKH; hoàn thiện hệ
thống kiểm soát, phòng chống dịch bệnh; phân bổ, huy động nguồn lực và quản lý
rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; nâng cao nhận thức và tăng cường năng lực
thích ứng với BĐKH và quản lý rủi ro thiên tai.
- Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu khoa học,
ứng dụng công nghệ về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ
môi trường; khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất ứng dụng công nghệ, quy
trình sản xuất tiên tiến, sản phẩm thân thiện với môi trường. Chuyển giao các sản
phẩm, nhiệm vụ, chương trình, đề án đã hoàn thành như Đề án khuyến công; Kế hoạch
sản xuất sạch hơn, Chương trình tiết kiệm năng lượng để thích ứng với BĐKH, giảm
nhẹ phát thải khí nhà kính trên địa bàn tỉnh.
- Tổ chức nghiên cứu, khảo sát, đánh
giá tình hình BĐKH tác động đến hệ thống đô thị, vùng dễ bị tổn thương; rà
soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch vùng, quy hoạch chung các đô thị; nghiên cứu
xây dựng các giải pháp về quy hoạch bảo vệ những vùng bị ngập lụt, sạt lở đất;
xây dựng hệ thống thoát nước chống ngập, lụt, đồng thời, lồng ghép các nội dung
về BĐKH vào các quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chuyên ngành; dự án đầu tư
các hồ đập, kè suối thuộc các chương trình phòng chống bão lũ, giảm nhẹ thiên
tai như: Kè suối Nậm La; công trình thoát lũ xã Tông Cọ, huyện Thuận Châu; Công
trình thoát lũ bản Phiêng Hay, phai Kẹ, thành phố Sơn La và các công trình
phòng chống bão lũ giảm nhẹ thiên tai khác trên địa bàn tỉnh,... Đồng thời thẩm
định, phân bổ nguồn vốn khắc phục hậu quả thiên tai, chống biến đổi khí hậu như
nguồn vốn Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp.
- Xây dựng năng lực dự báo, cảnh báo,
chủ động phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu: Hệ
thống trạm khí tượng thủy văn quốc gia trên địa bàn tỉnh gồm 37 trạm quan trắc
khí tượng thủy văn và đo mưa do Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Bắc quản lý,
tỷ lệ các trạm được tự động hóa 6/10 trạm thủy văn và 100% số trạm đo mưa; Tính
đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh Sơn La có 42 đập, hồ chứa nước đã đi
vào vận hành thuộc đối tượng phải quan trắc và cung cấp thông tin dữ liệu khí
tượng thủy văn theo quy định tại Nghị định 48/2020/NĐ-CP ngày 15/4/2020 của
Chính phủ. Trong đó, có 15 đập, hồ chứa thủy điện và 27 đập, hồ chứa thủy lợi.
Đến nay, có 7 hồ chứa thủy điện (có dung tích từ 3.000.000m3 trở
lên) đã lắp đặt 21 trạm quan trắc KTTV và thực hiện quan trắc, cung cấp
thông tin dữ liệu cho cơ quan dự báo cảnh báo khí tượng thủy văn và cơ quan quản
lý nhà nước về tài nguyên và môi trường cấp tỉnh theo quy định; còn lại 8/15 hồ
chứa thủy điện (có dung tích từ 500.000m3 đến dưới 3.000.000m3)
và 27 hồ chứa thủy lợi chưa thực hiện quan trắc và cung cấp thông tin dữ liệu
khí tượng thủy văn theo quy định.
2.3. Đánh giá thực hiện Nghị quyết
35/NQ-CP về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường
UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 178/KH-UBND
ngày 31/12/2016 thực hiện Nghị quyết số 35/NĐ-CP ngày 18/3/2013 của Chính phủ về
một số vấn đề cấp bách về bảo vệ môi trường, kết quả triển khai như sau:
- Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành
pháp luật bảo vệ môi trường: Ở cấp tỉnh, năm 2018 đã tiến hành thanh tra, kiểm
tra về công tác bảo vệ môi trường với tổng số 27 đơn vị; năm 2019 là 97 đơn vị,
xử phạt hành chính với số tiền 1.797.500.000 đồng; năm 2020, đến thời điểm báo
cáo đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 13 đơn vị, xử phạt vi phạm hành chính với
số tiền 640 triệu. Các hành vi vi phạm chủ yếu là: Thực hiện không đúng, không
đầy đủ nội dung báo cáo ĐTM; giám sát chất thải định kỳ không đúng, không đầy đủ;
không lập kế hoạch quản lý môi trường; không lập kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự
cố môi trường.
- Nâng cao chất lượng, hiệu quả công
tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; đẩy mạnh hoạt động kiểm
tra, xác nhận sau thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường: UBND tỉnh đã
ban hành Thông báo số 04/TB-UBND ngày 12/01/2018 thông báo kết luận Hội nghị
triển khai kế hoạch bảo vệ môi trường năm 2018, theo đó đã chỉ đạo các sở,
ngành, UBND các huyện, thành phố: Tập trung nâng cao chất lượng, khắc phục ngay
các hạn chế trong công tác lập, thẩm định, triển khai thực hiện, hậu kiểm việc
thực hiện báo cáo ĐTM, KHBVMT của các dự án đầu tư, các cơ sở sản xuất kinh
doanh trên địa bàn tỉnh; Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Kế hoạch số
188/KH-STNMT ngày 19/3/2018 kế hoạch nâng cao chất lượng tham mưu, thẩm định
báo cáo đánh giá tác động môi trường, phương án cải tạo phục hồi môi trường đối
với các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Kết quả trong 2 năm 2018, 2019 và từ đầu
năm 2020 đến nay đã thẩm định, phê duyệt 68 báo cáo ĐTM; cấp giấy xác nhận hoàn
thành công trình bảo vệ môi trường cho 19 dự án.
- Chỉ đạo UBND cấp huyện, cấp xã hướng
dẫn tổ, bản xây dựng hương ước, quy ước gắn với bảo vệ môi trường: đã phối hợp
cùng UBND các huyện tổ chức triển khai, quán triệt Luật bảo vệ môi trường năm
2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Hướng dẫn xây dựng hương ước, quy ước bảo
vệ môi trường cho các cán bộ UBND cấp xã, phường và các Trưởng bản trên địa bàn
các huyện; đã ban hành sổ tay hướng dẫn phân loại, thu gom và xử lý rác thải tại
khu vực nông thôn.
2.4. Tình hình triển khai Chiến lược
bảo vệ môi trường Quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030
- Phòng ngừa, ngăn chặn việc phát
sinh các nguồn gây ô nhiễm môi trường, khu vực bị ô nhiễm môi trường:
Xác định bảo vệ môi trường là nội
dung phải được quan tâm và kết hợp hài hòa với phát triển kinh tế, tỉnh Sơn La
luôn chú trọng trong việc đảm bảo phát triển kinh tế nhưng không thể tách rời với
nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Ngay từ giai đoạn lập dự án đầu tư cũng như xem
xét, lựa chọn và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, xác nhận kế hoạch
bảo vệ môi trường luôn được kiểm soát chặt chẽ, thực hiện hạn chế, hướng tới loại
bỏ các loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; dần hạn
chế, tiến tới không cấp phép đầu tư mới hoặc đầu tư mở rộng đối với các loại
hình công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đặc biệt tại
các khu vực tập trung dân cư, các lưu vực sông, khu vực nhạy cảm về nguồn nước,
vùng ưu tiên cần phải bảo vệ; chú trọng phát triển các ngành kinh tế xanh, thân
thiện môi trường.
Các mô hình sinh thái, du lịch cộng đồng,
kết hợp phát triển kinh tế với phát triển du lịch, đồng thời hạn chế phát triển
công nghiệp, khai thác khoáng sản tại các khu vực có tiềm năng du lịch nhằm đảm
bảo sự hài hòa giữa mục tiêu bảo vệ môi trường với mục tiêu phát triển kinh tế
- xã hội.
Tổ chức thực hiện Đề án Kiểm soát ô
nhiễm môi trường do sử dụng túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt theo Quyết định
số 582/QĐ-TTg ngày 11/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ; từng bước xây dựng, hình
thành thói quen tiêu dùng thân thiện môi trường; mở rộng và tiếp tục thực hiện
việc dán nhãn sinh thái cho một số loại hình sản phẩm dịch vụ. UBND tỉnh đã ban
hành kế hoạch 203/KH-UBND ngày 29/11/2018 tổ chức các thực hiện các phong trào
chống rác thải nhựa trên địa bàn toàn tỉnh yêu cầu các cấp, ngành địa phương thực
hiện các hoạt động thiết thực tiến tới hình thành thói quen hạn chế sử dụng các
vật liệu khó phân hủy như túi nilon, vật liệu làm từ nhựa.
- Giải quyết cơ bản các vấn đề môi
trường khu công nghiệp, lưu vực sông và vệ sinh môi trường nông thôn:
Hàng năm, UBND tỉnh ban hành kế hoạch
bảo vệ môi trường tỉnh, theo đó có đề cập nội dung xây dựng kịch bản cập nhật,
bổ sung ứng phó với biến đổi khí hậu; nâng cao khả năng phòng tránh và hạn chế
tác động xấu của thiên tai, biến đổi khí hậu, bất lợi đối với môi trường; ứng
phó và khắc phục có hiệu quả sự cố môi trường do thiên tai gây ra, đặc biệt là
khu vực nông thôn.
Thực hiện có hiệu quả Chương trình mục
tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chỉ đạo ban hành các hướng dẫn, rà soát,
kiểm tra, đánh giá các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới hoàn thiện và duy trì
thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm. Đến nay đã có
41/188 xã trên địa bàn tỉnh được công nhận là xã đạt chuẩn về nông thôn mới.
- Nâng tỷ lệ khu đô thị, khu công
nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt yêu cầu; Nâng tỷ
lệ chất thải rắn được thu gom, tái sử dụng, tái chế hoặc thu hồi năng lượng, sản
xuất phân bón.
+ Nâng tỷ lệ đô thị hóa trên địa bàn
tỉnh Sơn La: Năm 2017 UBND tỉnh đã công nhận Khu trung tâm hành chính huyện Sốp
Cộp là đô thị loại V; nâng tỷ lệ đô thị hóa năm 2017 lên 14,04%. Năm 2018 UBND
tỉnh công nhận Khu trung tâm hành chính huyện Quỳnh Nhai lên đô thị loại V; Bộ
trưởng Bộ Xây dựng công nhận thị trấn Hát Lót huyện Mai Sơn đạt tiêu chí đô thị
loại IV, nâng tỷ lệ đô thị hóa năm 2018 lên 14,60%. Thành phố Sơn La đã được Thủ
tướng Chính phủ công nhận đạt tiêu chí loại II; đô thị Mộc Châu huyện Mộc Châu
đã được Bộ trưởng bộ Xây dựng công nhận đạt tiêu chí đô thị loại IV nâng tỷ lệ
đô thị hóa đạt 14,69%. Mục tiêu năm 2020 đạt 14,69%.
+ Việc xử lý nước thải tập trung khu
đô thị: Đã hoàn thành Dự án thu gom và xử lý nước thải thành phố Sơn La với quy
mô công suất 6.857m3/ngày đêm; dự án cấp thoát nước đô thị Mộc Châu (thị
trấn Mộc Châu và thị trấn Nông Trường) với công suất 4.500m3/ngày
đêm, nâng số đô thị có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn lên 3/12, đạt tỷ
lệ 25%.
+ Về tỷ lệ Khu công nghiệp, khu chế
xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt yêu cầu: Trên địa bàn tỉnh Sơn
La có 01 Khu công nghiệp (Khu công nghiệp Mai Sơn) hiện nay hệ thống xử
lý nước thải đang triển khai xây dựng và dự kiến đưa vào hoạt động năm 2021.
+ Tại thành phố Sơn La: Tỉnh Sơn La
đang vận hành dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn sử dụng phương pháp ủ sinh
học làm phân Compost với công suất 80 tấn/ngày.
- Kiểm soát, xử lý, giảm thiểu các
nguồn gây ô nhiễm tại nguồn:
Công tác thanh tra, kiểm tra về môi
trường luôn được tỉnh quan tâm, chú trọng và được duy trì thực hiện thường
xuyên; việc xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết
định 1788/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được nghiêm túc triển khai thực hiện,
đến nay trên địa bàn tỉnh 100% cơ sở trong danh mục ô nhiễm môi trường nghiêm
trọng đã hoàn thành đầu tư hệ thống xử lý chất thải.
- Đầu tư xây dựng công trình hạ tầng
về môi trường: Các dự án đầu tư xây dựng mới các công trình cung cấp nước sạch
khu vực nông thôn, đầu tư thu gom, xử lý rác thải, khu vực nông thôn đã được
quan tâm triển khai thực hiện; công tác quy hoạch, lập và triển khai các dự án
đầu tư xây dựng công trình thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tập trung tại các
đô thị đã và đang được thực hiện; các công trình xử lý chất thải y tế nguy hại
tại các cơ sở y tế tuyến huyện, tuyến tỉnh được đảm bảo kinh phí để duy trì hoạt
động thường xuyên.
- Thực hiện khai thác, sử dụng hiệu
quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên:
Công tác lập quy hoạch: Quy hoạch sử
dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu tỉnh Sơn La đã được
Chính phủ xét duyệt; các quy hoạch về tài nguyên nước đã được thông qua: Quy hoạch
phân bổ tài nguyên nước mặt, tài nguyên nước dưới đất tỉnh Sơn La đến năm 2020,
tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch tài nguyên nước (nội dung bảo vệ tài nguyên
nước) tỉnh Sơn La đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Phương án bảo vệ tài
nguyên khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Các hoạt động cấp phép, thanh tra, kiểm tra về đất đai, tài nguyên nước, khoáng
sản được duy trì thường xuyên nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác, sử dụng trái
phép, lãng phí thất thoát tài nguyên thiên nhiên.
- Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh
học: Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Sơn La đến năm 2020 và tầm nhìn đến
2030 đã được HĐND tỉnh thông qua; các hệ sinh thái quan trọng trên địa bàn tỉnh
được khoanh nuôi trong các khu bảo tồn; quy hoạch chi tiết các khu bảo tồn đã
được triển khai; thực hiện 01 dự án điều tra, thu thập bổ sung đa dạng sinh học
tại các xã Mường Lang, Mường Bang, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La.
- Tăng cường năng lực ứng phó biến đổi
khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính.
Hiện nay, hệ thống trạm khí tượng thủy
văn quốc gia trên địa bàn tỉnh gồm 37 trạm quan trắc khí tượng thủy văn và đo
mưa do Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Bắc quản lý phục vụ cho việc dự báo,
cảnh báo về diễn biến thời tiết khí hậu, thủy văn phục vụ cho công tác phòng chống
thiên tai và tìm kiếm cứu nạn để các cấp, các ngành và người dân chủ động phòng
tránh, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với BĐK. Bằng nhiều nguồn vốn khác nhau đã
đầu tư nâng cấp, sửa chữa các hồ chứa lớn nhằm đảm bảo an toàn công trình, bảo
đảm cấp nước, phòng chống lũ, duy trì môi trường sinh thái, đáp ứng nhu cầu nước
ngày càng tăng do phát triển dân sinh, kinh tế và thích nghi với biến đổi khí hậu.
Các dự án trồng rừng tập trung; khoanh nuôi tái sinh; bảo vệ rừng được tăng cường
thực hiện nhằm nâng tỷ lệ che phủ rừng làm giảm tỷ lệ phát thải khí nhà kính.
- Tuyên truyền, nâng cao ý thức trách
nhiệm bảo vệ môi trường: Công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường được thực
hiện thường xuyên, sâu rộng tới quần chúng nhân dân, các sự kiện như ngày môi
trường thế giới, quốc tế đa dạng sinh học, chiến dịch làm cho thế giới sạch
hơn... luôn được tổ chức phát động với sự tham gia của đông đảo cán bộ, học
sinh, quần chúng nhân dân, thể hiện bằng các hoạt động thiết thực như trồng cây
xanh, vệ sinh đường làng, ngõ xóm, nơi làm việc, khơi thông cống rãnh... tạo cảnh
quan thoáng mát, thân thiện với môi trường.
- Nghiên cứu ứng dụng khoa học, công
nghệ cho bảo vệ môi trường: Các đề tài nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ
về bảo vệ môi trường đã được triển khai và thực hiện rộng rãi như xử lý chất thải
nông nghiệp, chăn nuôi làm phân bón; các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, áp
dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất; sử dụng các chế phẩm sinh học trong khử
mùi tại các khu chôn lấp rác thải; các lò đốt rác, hệ thống xử lý nước thải
tiên tiến, hiện đại được xây dựng góp phần đáng kể vào xử lý chất thải y tế, nước
thải bệnh viện và nước thải từ các nhà máy sản xuất.
2.5. Đánh giá các chỉ tiêu về môi
trường
Các chỉ tiêu về môi trường đến hết
năm 2020 dự kiến đạt được như sau: Tỷ lệ che phủ rừng: 45,5%; Tỷ lệ dân cư nông
thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh: 95%; Tỷ lệ dân cư được sử dụng nước
sạch đô thị: 93,2%; Tỷ lệ các khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý
nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường: 0% (tỉnh Sơn La chưa có KCN
đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường);
Tỷ lệ các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý: 100%; Tỷ lệ chất
thải rắn đô thị được thu gom: 90,5%; Tỷ lệ chất thải y tế được xử lý: 98%; Tỷ lệ
khu đô thị có hệ thống xử lý nước thải, chất thải rắn đạt tiêu chuẩn: 25%.
(Chi
tiết tại Phụ lục 1 kèm theo)
2.6. Đánh giá tình hình thực hiện
Chỉ thị 27/CT-TTg ngày 17/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ nhằm chỉ đạo, giải quyết
kịp thời các vấn đề nhập khẩu và sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.
Đến thời điểm báo cáo, trên địa bàn tỉnh
không có tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nhập khẩu phế liệu và sử dụng
phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.
3. Đánh giá
tình hình triển khai các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ
3.1. Tình hình triển khai Quyết định
số 64/QĐ-TTg ngày 22/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt kế hoạch xử lý
triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng
Theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg
ngày 22/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ, trên địa bàn tỉnh Sơn La có 05 cơ sở,
trong đó: 02 cơ sở đã dừng hoạt động (nhà máy giấy Craft Mai Sơn, Nhà máy xi
măng Chiềng Sinh); 03/03 cơ sở còn lại đã được chứng nhận hoàn thành xử lý
triệt để (Công ty Mía Đường Sơn La; Bệnh viện Đa khoa tỉnh; Bệnh viện Lao và
Bệnh phổi Sơn La); Tiến độ xử lý: 03/03 cơ sở được xác nhận hoàn thành xử
lý triệt để lý chậm so với thời gian quy định tại Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg
ngày 22/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ.
3.2. Tiến độ xử lý của các cơ sở
có tên tại Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 01/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ
Theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày
01/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ, trên địa bàn tỉnh có 24 cơ sở gây ô nhiễm
môi trường nghiêm trọng (phải xử lý trong giai đoạn 2013-2014, 13 cơ sở; Phải
xử lý trong giai đoạn 2013-2017: 11 cơ sở) tiến độ xử lý cụ thể như sau:
- Thời hạn xử lý trong năm 2013-2014,
có 13 cơ sở gồm: Bệnh viện Tâm thần tỉnh Sơn La, Trung tâm giáo dục lao động tỉnh
Sơn La; Trung tâm giáo dục lao động thành phố Sơn La; Trung tâm giáo dục lao động
các huyện: Mai Sơn, Bắc Yên, Phù Yên, Mộc Châu, Thuận Châu, Mường La, Sông Mã,
Yên Châu, Sốp Cộp, Quỳnh Nhai. Trong năm 2013, đã rà soát và đưa ra khỏi danh
sách 11/13 cơ sở (trung tâm Giáo dục lao động các huyện thành phố tại Quyết
định số 1972/QĐ-UBND ngày 09/9/2013, lý do: 11 cơ sở trên có quy mô công suất,
lượng xả thải và mức độ ô nhiễm không thuộc đối tượng gây ô nhiễm môi trường
nghiêm trọng theo tiêu chí tại Thông tư số 04/2012/TT-BTNMT ngày 08/5/2012 của
Bộ Tài nguyên và Môi trường); 02/13 cơ sở còn lại đã được chứng nhận hoàn
thành các biện pháp xử lý triệt để ô nhiễm trọng năm 2018. Tiến độ xử lý chậm
so với yêu cầu đề ra tại Quyết định số 1788/QĐ-TTg .
- Thời hạn xử lý 2013 - 2017: 11 cơ sở
(Bệnh viện đa khoa các huyện: Phù Yên, Yên Châu, Thảo Nguyên Mộc Châu, Mai
Sơn, Mộc Châu, Bắc Yên, Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Sông Mã, Sốp Cộp, Mường La);
11/11 cơ sở đã hoàn thành các biện pháp xử lý; 09/11 cơ sở đã được chứng nhận.
Còn 02 cơ sở đang hoàn thiện hồ sơ chứng nhận (Bệnh viện đa khoa huyện Sông
Mã, Yên Châu).
3.3. Theo Quyết định số
1946/QĐ-TTg ngày 21/10/2010 phê duyệt kế hoạch xử lý phòng ngừa ô nhiễm môi trường
do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên phạm vi cả nước
Trên địa bàn tỉnh không có điểm, khu
vực bị ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật.
Để phòng ngừa ô nhiễm do hóa chất bảo
vệ thực vật, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3391/QĐ-UBND phê duyệt đề án
thu gom, tiêu hủy bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn tỉnh
giai đoạn 2018 - 2020; Quyết định số 1932/QĐ-UBND ngày 07/8/2019 ban hành hướng
dẫn thu gom, vận chuyển, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; triển
khai xây dựng các bể chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng (đến hết
năm 2018 đã xây dựng được 1.050 bể chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật).
3.4. Đánh giá tình hình triển khai
Quyết định 985a/QĐ-TTg ngày 01/6/2016 phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia về
quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025
Để phòng ngừa, giảm thiểu phát thải
khí thải, UBND tỉnh luôn chú trọng lựa chọn, ưu tiên các dự án có công nghệ sản
xuất, xử lý khí thải tiên tiến, hạn chế các lĩnh vực sản xuất có phát sinh nhiều
khí thải độc hại, các công nghệ, máy móc thiết bị lạc hậu nhằm kiểm soát tốt
môi trường không khí. Đưa nội dung quan trắc môi trường không khí vào chương
trình quan trắc môi trường hàng năm của tỉnh nhằm dự báo, đánh giá, kịp thời cảnh
báo và đưa ra giải pháp xử lý đối với các khu vực, các vùng có biểu hiện bị ô
nhiễm môi trường không khí. Công tác thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở sản
xuất, kinh doanh dịch vụ trong vấn đề phát thải khí thải được thực hiện thường
xuyên. Công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về quản lý chất lượng
không khí được quan tâm thực hiện; các kết quả quan trắc môi trường không khí
trong chương trình quan trắc môi trường tỉnh được công bố công khai, rộng rãi.
Đánh giá chung: Môi trường không khí
trên địa bàn tỉnh chưa có dấu hiệu bị ô nhiễm. Chỉ có một số địa điểm cục bộ xảy
ra tình trạng nồng độ bụi vượt tiêu chuẩn kỹ thuật về môi trường do tập trung mật
độ thi công xây dựng các công trình hạ tầng, các khu vực khai thác khoáng sản,...
3.5. Theo Quyết định số
1250/QĐ-TTg ngày 31/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc
gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
Hệ thống quản lý nhà nước về đa dạng
sinh học đã được kiện toàn từ cấp tỉnh đến cấp xã, cụ thể như sau:
- Đã kiện toàn: 12 Ban chỉ đạo bảo vệ
rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng cấp huyện; 202 Ban chỉ đạo bảo vệ rừng, phòng
cháy, chữa cháy rừng cấp xã, phường, thị trấn; củng cố, kiện toàn và thành lập
2.789 tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng.
- Trên địa bàn tỉnh có 15 hạt kiểm
lâm (12 hạt kiểm lâm huyện và 03 hạt kiểm lâm rừng đặc dụng), 01 ban quản
lý khu bảo tồn thiên nhiên, 02 ban quản lý rừng đặc dụng và 02 ban quản lý rừng
đặc dụng - phòng hộ với 356 cán bộ công chức, viên chức thực hiện công tác bảo
vệ rừng và đa dạng sinh học.
- Có khoảng 200 công chức địa chính
môi trường cấp xã thực hiện kiêm nhiệm công tác quản lý nhà nước ở cấp cơ sở về
đa dạng sinh học.
Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học của
tỉnh Sơn La đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được thông qua tại Nghị
Quyết số 79/NQ-HĐND ngày 16/7/2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh và đã được công bố
tại Quyết định 2125/QĐ-UBND ngày 13/8/2014 của UBND tỉnh Sơn La.
- Về đa dạng hệ sinh thái: tỉnh Sơn
La có 02 dạng hệ sinh thái đặc trưng:.
+ Hệ sinh thái rừng: Hiện nay trên địa
bàn tỉnh có 614.577 ha rừng gồm các dạng hệ sinh thái rừng tự nhiên (trên đồi
núi đá vôi, trên đồi đất), hệ sinh thái rừng trồng.
+ Hệ sinh thái đất ngập nước: Theo
Quyết định số 341/QĐ-BTNMT ngày 23/3/2012 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc
ban hành danh mục lưu vực sông nội tỉnh, trên địa bàn tỉnh Sơn La có hơn
1.587.800 ha.
- Về các khu bảo tồn thiên nhiên:
Theo Quyết định 3248/QĐ-UBND ngày 27/12/2018 của UBND tỉnh Sơn La, tổng diện
tích đất quy hoạch rừng đặc dụng là 87.852 ha, bao gồm 02 Khu rừng đặc dụng (Khu
rừng đặc dụng Xuân Nha trên địa bàn huyện Mộc Châu, Vân Hồ và Khu rừng đặc dụng
Tà Xùa trên địa bàn huyện Phù Yên, Bắc Yên); 02 Khu rừng đặc dụng - phòng hộ
(Khu rừng đặc dụng - phòng hộ Sốp Cộp trên địa bàn huyện Sốp Cộp, Sông Mã và
Khu rừng đặc dụng - phòng hộ Thuận Châu trên địa bàn huyện Thuận Châu) và
Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường La (trên địa bàn huyện Mường La).
- Về hành lang đa dạng sinh học:
Trong quá trình lập quy hoạch các khu bảo tồn đã thiết lập hành làng đa dạng
sinh học trong nội bộ để đảm bảo các loài sinh vật sống trong các vùng sinh
thái của cùng một khu bảo tồn có thể liên hệ với nhau.
- Về đa dạng loài: Theo kết quả điều
tra khảo sát của dự án Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Sơn La đến năm
2020 và tầm nhìn 2030, trên địa bàn tỉnh có số lượng loài sinh vật khá đa dạng,
cụ thể như sau:
+ Về thực vật: có 1796 loài thuộc 204
họ nằm trong 5 ngành thực vật bậc cao, trong tổng số 204 họ có trên 50 họ chỉ có
một loài, 42 họ có 3 loài, 53 họ có từ 4-9 loài, 25 họ có từ 10-19 loài và 17 họ
có trên 20 loài, trong đó có 1000 loài cây có ích. Trong tổng số 1796 loài có:
89 loài thực vật thủy sinh, 147 loài thực vật nổi, còn lại là các loài thực vật
cạn.
+ Về động vật: có 1117 loài côn trùng
thuộc 139 họ, 11 bộ, trong đó có 241 loài côn trùng quý hiếm; có 329 loài chim
thuộc 52 họ, 16 bộ (gồm cả các loại gia cầm nuôi trong các khu dân cư),
trong đó có 15 loài quý hiếm cần được bảo tồn; có 141 loài thú thuộc 31 họ, 12
bộ (bao gồm các loài tự nhiên hoang dã và vật nuôi), trong đó có 40 loài
quý hiếm cần được bảo tồn; có 122 loài bò sát - lưỡng cư (bao gồm các loài tự
nhiên hoang dã và vật nuôi), trong đó có 72 loài thuộc 16 họ thuộc 2 bộ có
vảy, 50 loài trong 5 họ thuộc bộ có đuôi và không đuôi, có 26 loài bò sát lưỡng
cư quý hiếm; có 391 loài động vật thủy sinh, trong đó có: 79 loài động vật nổi,
có 50 loài động vật đáy, 105 loài côn trùng nước, 157 loài cá (có 09 loài cá
quý hiếm).
- Về đa dạng nguồn gen: tỉnh Sơn La
có khá nhiều các giống cây trồng nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản quý hiếm đặc
hữu đang được nghiên cứu phục tráng bảo tồn, bao gồm: Các giống lúa nước: tan
nhe, tan hin, tan lo, tan lanh, săm ba tong, I1, nếp tan Mường Và; Các giống
lúa cạn: nếp con giòi, nếp đuôi trâu, nếp viêng, nếp cẩm; Các giống ngô: ngô nếp
mỡ gà, ngô H’mông; Giống khoai sọ Cù Cang; Các giống cây ăn quả: quýt ngọt, đào
mèo, xoài trứng Yên Châu, cam Mường Và; Giống rau cải H’mông; các giống cây
công nghiệp: chè san bản địa, cà phê Tirica, bông vải màu; Các giống vật nuôi:
bò u địa phương, trâu ngố, lợn địa phương 6 điểm trắng, gà H’mông, gà đen Sam
Kha, gà tre, ngỗng cỏ, ngan dé, vịt Mường Khiêng, vịt Mường Chanh, trâu đen Mường
Lạn; Các giống cá: cá sinh, cá nến, cá lăng, cá nheo..
II. Đánh giá tình
hình thực hiện nhiệm vụ, dự án bảo vệ môi trường sử dụng kinh phí sự nghiệp môi
trường năm 2020 và giai đoạn 3 năm 2018 - 2020
1. Kinh phí thực
hiện nhiệm vụ, dự án
Tổng kinh phí chi cho sự nghiệp bảo vệ
môi trường giai đoạn 2018-2020 là 422.422,7 triệu đồng, trong đó:
- Năm 2018, chi ngân sách cho sự nghiệp
bảo vệ môi trường là 126.010,7 triệu đồng. Trong đó:
+ Cấp tỉnh: 39.518,7 triệu đồng.
+ Cấp huyện: 86.492 triệu đồng (kinh
phí thực hiện nhiệm vụ công ích, kinh phí thu gom rác thải tại các xã).
- Năm 2019, chi sự nghiệp bảo vệ môi
trường là 136.143 triệu đồng. Trong đó:
+ Cấp tỉnh: 35.286 triệu đồng.
+ Cấp huyện: 100.857 triệu đồng (kinh
phí thực hiện nhiệm vụ công ích, kinh phí thu gom rác thải tại các xã).
- Ước thực hiện chi ngân sách cho sự
nghiệp bảo vệ môi trường cho năm 2020 là 160.269 triệu đồng. Trong đó:
+ Cấp tỉnh: 31.662 triệu đồng.
+ Cấp huyện: 128.607 triệu đồng (kinh
phí thực hiện nhiệm vụ công ích, kinh phí thu gom rác thải tại các xã).
(Chi
tiết tại Phụ lục 2 kèm theo)
2. Đánh giá thuận
lợi, khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ
môi trường
2.1. Thuận lợi
Việc triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo
vệ môi trường trong Kế hoạch bảo vệ môi trường của tỉnh năm 2020 về cơ bản đáp ứng
được tiến độ đề ra. Hoạt động thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời
các cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; rà soát,
hỗ trợ các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; tổ chức thẩm định và phê
duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường, dự án cải tạo phục hồi môi trường đối
với hoạt động khai thác khoáng sản; đề án bảo vệ môi trường, kế hoạch bảo vệ
môi trường của các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh được quan tâm thực hiện đồng
bộ.
2.2. Những tồn tại, vướng mắc
trong quá trình triển khai
- Mức chi sự nghiệp cho môi trường đã
được quan tâm đầu tư, tuy nhiên chưa đáp ứng được yêu cầu về bảo vệ môi trường
cấp thiết hiện nay..
- Nhiều nhiệm vụ, dự án đưa vào kế hoạch
bảo vệ môi trường hàng năm nhưng chưa cân đối được kinh phí hoặc cân đối ít,
dàn trải thực hiện dẫn đến tỷ lệ thực hiện kinh phí so với dự toán còn thấp.
- Một số cơ quan, đơn vị chưa chủ động
đề xuất các nhiệm vụ, dự án để giải quyết các vấn đề môi trường bức xúc theo
lĩnh vực, địa bàn quản lý, chưa thực hiện đánh giá thực hiện các nhiệm vụ, dự
án đã có trong kế hoạch bảo vệ môi trường tỉnh hàng năm dẫn đến việc đánh giá
chung về kết quả thực hiện kế hoạch hàng năm gặp nhiều khó khăn; nhiều nhiệm vụ
được đề xuất còn chưa sát với mục tiêu, nội dung bảo vệ môi trường nên không thể
tổng hợp, đưa vào kế hoạch để thực hiện.
- Sự phối kết hợp giữa các ngành
trong triển khai các dự án còn hạn chế dẫn đến tiến độ triển khai các dự án còn
chậm.
- Việc xây dựng kế hoạch còn chưa trọng
tâm, trọng điểm, chưa cân đối giữa khu vực đô thị và nông thôn, vấn đề xử lý
rác thải nông thôn chưa được quan tâm thỏa đáng.
Nguyên nhân của những tồn tại, vướng
mắc:
- Nguyên nhân khách quan: Nguồn ngân
sách của tỉnh còn hạn hẹp nên việc bố trí kinh phí để thực hiện theo kế hoạch
hàng năm còn hạn chế; có nhiều dự án do không cân đối được kinh phí nên chưa
triển khai thực hiện được.
- Nguyên nhân chủ quan: Trong thời
gian qua, công tác chỉ đạo thực hiện triển khai các nhiệm vụ, dự án về bảo vệ
môi trường mặc dù đã được quan tâm nhưng chưa thực sự sát sao.
- Công tác đôn đốc triển khai thực hiện
nhiệm vụ, dự án theo kế hoạch bảo vệ môi trường chưa được thực hiện đầy đủ.
- Một số cơ quan, đơn vị chưa chủ động
trong việc thực hiện triển khai theo kế hoạch đã ban hành.
Phần thứ hai
KẾ HOẠCH VÀ KINH PHÍ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
NĂM 2021 VÀ KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC 3 NĂM 2021-2023 TỪ NGUỒN KINH
PHÍ SỰ NGHIỆP BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
I. Kế hoạch bảo
vệ môi trường
1. Hỗ trợ xử lý các điểm gây bức
xúc môi trường ở địa phương
- Duy trì hoạt động của các công
trình bảo vệ môi trường của các dự án đã được đầu tư đảm bảo vận hành có hiệu
quả, xử lý đạt tiêu chuẩn kỹ thuật môi trường đối với nước thải, chất thải rắn
phát sinh.
- Triển khai thực hiện các dự án phân
loại, thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt khu vực đô thị và nông thôn
theo hướng giảm tỷ lệ chôn lấp, tăng tỷ lệ tái chế, tái sử dụng rác thải.
- Yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện
nghiêm các biện pháp bảo vệ môi trường đã cam kết trong báo cáo đánh giá tác động
môi trường nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường đặc biệt là ô nhiễm bụi,
khí thải khi triển khai thi công dự án trong khu vực đô thị, khu dân cư.
2. Phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm
môi trường
- Ban hành các văn bản quy phạm pháp
luật về bảo vệ môi trường theo thẩm quyền của HĐND, UBND các cấp (nếu có).
- Xây dựng và thực hiện chương trình
quan trắc môi trường năm 2021 - 2025; thực hiện tổng hợp số liệu quan trắc môi
trường hàng năm.
- Kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán, sử
dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học dùng trong nông nghiệp
và nuôi trồng thủy sản.
- Nâng cao chất lượng thẩm định và
phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường; xây
dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế -
xã hội của địa phương lồng ghép với nhiệm vụ bảo vệ môi trường.
- Kiểm soát chặt chẽ các nguồn xả thải;
tiếp tục bảo vệ tốt môi trường các lưu vực sông trên địa bàn tỉnh.
- Kiểm soát chặt chẽ các khu, cụm
công nghiệp trong việc xây dựng, vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung, lắp
đặt hệ thống thiết bị kiểm soát, giám sát hoạt động xả thải theo quy định của
pháp luật, truyền số liệu trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường.
- Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc
thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường, thực hiện các nội dung trong báo cáo
đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường/kế hoạch bảo vệ môi trường
đã được phê duyệt, xác nhận, tập trung chính vào các cơ sở phát sinh chất thải
lớn, các cơ sở chế biến cà phê khu vực đầu nguồn nước, các dự án lớn, tiềm ẩn
nguy cơ gây ra các sự cố môi trường.
- Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám
sát việc thực hiện các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường đối với các cơ sở đã
hoàn thành xử lý ô nhiễm môi trường triệt để.
- Tổ chức triển khai thí điểm, lộ
trình xã hội hóa công tác xử lý chất thải rắn khu vực nông thôn; trong đó ưu
tiên bố trí quỹ đất và quan tâm đầu tư xây dựng các công trình xử lý rác thải,
nước thải, hạ tầng kỹ thuật về môi trường, công nghệ xử lý môi trường phù hợp
trong khu vực nông thôn và nông nghiệp.
3. Quản lý chất thải
- Hỗ trợ vận hành hệ thống thu gom, vận
chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; vận hành lò đốt và hệ thống xử lý chất
thải y tế; vận hành hệ thống chôn lấp chất thải hợp vệ sinh.
- Tiếp tục triển khai Chiến lược quốc
gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 theo
Quyết định số 2149/QĐ-TTg ngày 17/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định
491/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chiến lược
quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050.
4. Bảo tồn đa dạng sinh học
Tổ chức triển khai Nghị Quyết
79/NQ-HĐND ngày 16/7/2014 thông qua Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Sơn
La và tầm nhìn đến năm 2030, Quyết định 3584/QĐ-UBND ngày 29/12/2014 của UBND tỉnh
Sơn La về việc phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát triển rừng đặc dụng tỉnh Sơn
La đến năm 2020, Quyết định 3248/QĐ-UBND ngày 27/12/2018 UBND tỉnh Sơn La phê
duyệt kết quả dự án rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng 2017-2025 và định
hướng đến năm 2030 tỉnh Sơn La. Trong đó, tập trung thực hiện các nhiệm vụ: Quy
hoạch diện tích đất rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh, các khu rừng đặc dụng, khu
bảo tồn thiên nhiên, khu bảo vệ cảnh quan, vườn thực nghiệm; Điều tra, thu thập
bổ sung thông tin đa dạng sinh học; triển khai mô hình quản lý rừng bền vững;
điều tra đánh giá, thử nghiệm và xây dựng cơ sở dữ liệu cây trồng, vật nuôi, vi
sinh vật quý hiếm; điều tra, đánh giá các sinh vật, vi sinh vật ngoại lai trên
với mục tiêu quản lý bền vững hệ thống rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh, góp phần
bảo vệ, bảo tồn và phát triển các hệ sinh thái rừng, bảo tồn đa dạng sinh học,
các nguồn gien động, thực vật rừng đặc hữu, quý hiếm nhằm phát huy và khai thác
có hiệu quả các tiềm năng, giá trị của rừng.
5. Tăng cường năng lực quản lý môi
trường
- Tổ chức tập huấn, đào tạo nghiệp vụ
nhằm tăng cường năng lực quản lý nhà nước về môi trường từ tỉnh đến cơ sở xã,
phường, nhằm đảm bảo năng lực quản lý trong ứng phó các vấn đề môi trường hiện
nay; đào tạo nghiệp vụ bảo vệ môi trường trong kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ
hóa lỏng theo quy định của Thông tư 43/2014/TT-BTNMT ngày 29/7/2014 của Bộ Tài
nguyên và Môi trường.
- Tăng cường năng lực quản lý nhà nước
cho Sở Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị trực thuộc: bố trí kinh phí sự nghiệp
môi trường để thu thập, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và thông tin tài nguyên
môi trường; kiện toàn Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh.
- Xây dựng đưa vào hoạt động và thống
nhất quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin về môi trường và đa dạng sinh học.
- Xây dựng và triển khai các mô hình
bảo vệ môi trường, mô hình tự quản tiên tiến ở địa phương.
6. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức
về bảo vệ môi trường
- Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động
tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho cộng đồng theo hướng đổi
mới nội dung, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền; phối hợp giữ các cơ quan quản
lý nhà nước với các tổ chức đoàn thể chính trị, cơ quan truyền thông đại chúng;
tổ chức thường xuyên các hoạt động bảo vệ môi trường; tổ chức các hoạt động hưởng
ứng Ngày môi trường Thế giới, Tuần lễ nước sạch và vệ sinh môi trường, chiến dịch
làm cho Thế giới sạch hơn.
- Xây dựng mô hình tự quản, tăng cường
vai trò của cộng đồng trong việc giám sát các hoạt động bảo vệ môi trường như
hương ước, quy ước bảo vệ môi trường của cộng đồng dân cư, bản, tổ dân phố.
- Từng bước xã hội hóa công tác bảo vệ
môi trường, tăng cường xây dựng và nhân rộng các mô hình, ưu tiên kinh phí sự
nghiệp môi trường cho công tác truyền thông giáo dục môi trường.
7. Tiếp tục triển khai thực hiện
Chỉ thị 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ cấp
bách về bảo vệ môi trường
Tiếp tục tổ chức thực hiện Kế hoạch số
178/KH-UBND ngày 31/12/2016 UBND tỉnh triển khai Kết luận số 02-KL/TW và Chỉ thị
số 25/CT-TTg , trong đó tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm:
- Tiến hành rà soát toàn bộ các tác động
đối với môi trường, các yêu cầu về công trình, biện pháp bảo vệ môi trường, các
quy chuẩn áp dụng, chương trình giám sát môi trường của các dự án đã được phê
duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, trong đó tập trung rà soát các dự
án có nguy cơ cao gây ô nhiễm, sự cố môi trường; kiến nghị điều chỉnh nếu cần
thiết. Trên cơ sở đó xác định các dự án cần ưu tiên quản lý, giám sát, kiểm tra
chặt chẽ trong quá trình vận hành thử nghiệm.
- Xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám
sát phù hợp đối với từng nhóm đối tượng được phân chia theo loại hình hoạt động.
Thực hiện chế độ kiểm tra, giám sát phù hợp với từng loại hình hoạt động.
- Rà soát, thống kê, hướng dẫn, yêu cầu
các cơ sở phải giám sát môi trường tự động liên tục để kết nối số liệu trực tuyến
với Sở Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
- Bảo vệ môi trường nông thôn và nông
nghiệp: nâng cao độ che phủ rừng, thực hiện các tiêu chí môi trường trong xây dựng
nông thôn mới, bảo vệ môi trường trong canh tác trên đất dốc;
- Bảo vệ môi trường trong lĩnh vực
công nghiệp: xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm do xả nước thải tại các cơ sở chế
biến; tăng cường quản lý đối với các nhà máy thủy điện, cơ sở khai thác, chế biến
khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng;
- Bảo vệ môi trường trong lĩnh vực đô
thị: tăng cường năng lực, hỗ trợ vận hành hệ thống: thu gom, vận chuyển, xử lý
chất thải rắn sinh hoạt; vận hành lò đốt và hệ thống xử lý chất thải y tế; vận
hành hệ thống chôn lấp chất thải hợp vệ sinh; xử lý chất thải nguy hại;
- Tổ chức thực hiện công tác bảo vệ
môi trường trong du lịch tại khu du lịch Quốc gia Mộc Châu - Vân Hồ theo Quyết
định số 2050/QĐ-TTg ngày 12/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy
hoạch tổng thể phát triển khu du lịch Quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La đến năm
2020, tầm nhìn đến năm 2030”.
II. Dự toán ngân
sách nhà nước năm 2021, kế hoạch tài chính ngân sách 3 năm 2021-2023
Tổng kinh phí 383.484 triệu đồng, cụ
thể:
- Cấp tỉnh là 355.184 triệu đồng: Năm
2021: 92.471 triệu đồng; Năm 2022: 98.220 triệu đồng; Năm 2023: 51.022 triệu đồng;
Lũy kế đến hết năm 2020 là 8.470 triệu đồng (nhiệm vụ chuyển tiếp đang thực
hiện); Đề nghị Ngân sách Trung ương hỗ trợ 105.000 triệu đồng.
- Cấp huyện là 28.300 triệu đồng: Năm
2021: 8.750 triệu đồng; Năm 2022: 9.750 triệu đồng; Năm 2023: 9.800 triệu đồng.
(Chi
tiết tại Phụ lục 3 và Phụ lục 4 kèm theo)
III. Giải pháp
1. Nâng cao năng lực quản lý của
các cơ quan nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường
- Kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về
môi trường từ cấp tỉnh đến huyện, xã; bảo đảm ở cấp huyện có cán bộ chuyên môn
về quản lý môi trường chuyên trách, cấp xã có cán bộ phụ trách công tác bảo vệ
môi trường.
- Phân công, phân cấp trách nhiệm quản
lý nhà nước về bảo vệ môi trường giữa các cấp, các ngành;
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm
tra, hậu kiểm, kiểm soát ô nhiễm môi trường đối với các dự án đầu tư, cơ sở sản
xuất kinh doanh: Các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản; các dự án thủy điện
vừa và nhỏ; các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng; các cơ sở chăn nuôi công nghiệp
tập trung đang hoạt động; các bãi chôn lấp chất thải đang hoạt động; các cơ sở
chế biến nông sản,...
- Rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành
mới một số cơ chế, chính sách về bảo vệ môi trường; định mức thu gom xử lý chất
thải rắn; quy chuẩn kỹ thuật môi trường của tỉnh; phí bảo vệ môi trường.
- Nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ
bảo vệ môi trường tỉnh, Quỹ sử dụng dịch vụ môi trường rừng.
2. Tăng cường quản lý đầu tư cho bảo
vệ môi trường và xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường
- Xây dựng và ban hành quy định về
phân bổ, quản lý, định mức chi sự nghiệp môi trường của tỉnh hàng năm và các
nguồn thu phí bảo vệ môi trường sử dụng hợp lý, hiệu quả, đúng mục đích nguồn
chi sự nghiệp môi trường.
- Tăng phân bổ ngân sách từ nguồn vốn
đầu tư phát triển cho một số nhiệm vụ, dự án trọng tâm về bảo vệ môi trường.
- Thu hút đầu tư các khu xử lý nhà
máy xử lý rác thải sử dụng công nghệ tiên tiến để phục vụ xử lý chất thải rắn tập
trung cho các huyện có điều kiện thu gom, xử lý tập trung như: Mộc Châu và Vân
Hồ; Quỳnh Nhai và Thuận Châu; Mai Sơn và Yên Châu; Phù Yên và Bắc Yên.
- Hỗ trợ các dự án đầu tư trong lĩnh
vực xử lý chất thải rắn như: giải phóng mặt bằng; ban hành đơn giá thu gom và xử
lý phù hợp với điều kiện của địa phương; đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng
rào.
- Đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ
môi trường trong đó tập trung vào việc tổ chức thu gom xử lý chất thải rắn sinh
hoạt, chất thải nguy hại nhằm phát huy tối đa mọi nguồn lực trong xã hội tham
gia vào bảo vệ môi trường;
- Sử dụng có hiệu quả nguồn vốn: hỗ
trợ của Trung ương, nguồn vốn của các tổ chức quốc tế về bảo vệ môi trường; nguồn
thu từ phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, phí bảo vệ môi trường đối với
hoạt động khai thác khoáng sản, phí sử dụng dịch vụ môi trường rừng.
- Xây dựng và tổ chức thực hiện cơ chế
tài chính phân bổ các nguồn thu từ phí bảo vệ môi trường tỉnh để hỗ trợ đầu tư
trở lại cho công tác bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
- Hỗ trợ đầu tư trang thiết bị để thu
gom chất thải rắn tại khu vực đô thị và nông thôn (hệ thống thùng rác, xe
gom, xe chở rác tại để thu gom chất thải có hiệu quả).
3. Thực hiện một số đề án, dự án
trọng điểm về bảo vệ môi trường
- Duy trì vận hành có hiệu quả các dự
án thoát nước và xử lý nước thải tại thành phố Sơn La, thị trấn Mộc Châu và thị
trấn Nông trường huyện Mộc Châu; các dự án xử lý chất thải tại các bệnh viện
tuyến tỉnh và tuyến huyện; xây dựng các khu chôn lấp, thu gom, xử lý chất thải
rắn tại các huyện, thành phố.
- Xây dựng, phê duyệt, tổ chức thực
hiện các dự án: cải tạo, phục hồi môi trường đối với các bãi chôn lấp chất thải
rắn đã dừng hoạt động; cải tạo phục hồi môi trường và tiến hành đóng cửa mỏ các
dự án khai thác khoáng sản đã dừng hoạt động; Đề án xử lý ô nhiễm môi trường đối
với hoạt động chế biến cà phê;
- Tổ chức triển khai thí điểm, lộ
trình xã hội hóa công tác xử lý chất thải rắn khu vực nông thôn; trong đó ưu
tiên bố trí quỹ đất thỏa đáng và quan tâm đầu tư xây dựng các công trình xử lý
rác thải, nước thải, hạ tầng kỹ thuật về môi trường.
- Tiếp tục triển khai Chiến lược quốc
gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 theo
Quyết định số 2149/QĐ-TTg ngày 17/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ.
- Tiếp tục tổ chức thực hiện Đề án tổng
thể xử lý chất thải y tế giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020 theo
Quyết định số 2038/QĐ-TTg ngày 15/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ.
- Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, dự
án đã được phê duyệt trong kế hoạch bảo vệ môi trường hàng năm.
4. Tăng cường công tác phòng ngừa,
phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường
- Xác định các tổ chức, cá nhân có
nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, khu vực bị suy thoái, ô nhiễm, sự cố môi trường
và nguồn gốc, mức độ, phạm vi ảnh hưởng xấu đến tài nguyên, môi trường.
- Xây dựng kế hoạch cụ thể về phòng
ngừa, đấu tranh chống tội phạm vi phạm pháp luật về môi trường, từ đó tham mưu,
đề xuất, kiến nghị và xử lý nghiêm minh mọi tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật
về bảo vệ môi trường.
- Nắm tình hình và điều tra cơ bản
toàn bộ các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh có phát sinh chất
thải nguy hại có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, hủy hoại tài nguyên môi trường;
phát hiện kịp thời các cơ sở xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường. Triển
khai các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu tác động xấu đến tài nguyên và môi
trường.
IV. Tổ chức thực
hiện
1. Sở Tài nguyên và Môi trường
Chủ trì hướng dẫn, đôn đốc các cơ
quan có liên quan thực hiện Kế hoạch này; kịp thời tổng hợp báo cáo kết quả thực
hiện về UBND tỉnh; chủ trì tham mưu các chương trình, dự án, đề án bảo vệ môi
trường; trực tiếp chỉ đạo, thực hiện các chương trình, dự án, đề án thuộc phạm
vi trách nhiệm của Sở.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Thực hiện lồng ghép bố trí các nguồn
vốn thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường đảm bảo chặt chẽ, hợp lý và hài hòa
yêu cầu bảo vệ môi trường với lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện
các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và dự án phát triển của tỉnh trong thời
gian tới; trong hoạt động xúc tiến đầu tư, cần chú ý ưu tiên các dự án có công
nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường.
3. Sở Tài chính
Căn cứ các nhiệm vụ được cấp có thẩm
quyền phê duyệt và khả năng cân đối ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu
cho ngân sách địa phương nguồn chi sự nghiệp môi trường, Sở Tài chính thẩm định
dự toán kinh phí, tham mưu trình HĐND tỉnh, UBND tỉnh phê duyệt để triển khai
thực hiện đảm bảo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
4. Sở Xây dựng
- Chủ trì phối hợp với các ngành, các
địa phương liên quan tới việc thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường trong
hoạt động xây dựng, xây dựng kết cấu hạ tầng cấp nước, thoát nước khu vực đô thị;
chỉ đạo thực hiện các chỉ tiêu, các công trình về xử lý nước thải sinh hoạt tại
các đô thị, khu dân cư tập trung, các điểm tái định cư thủy điện Sơn La.
- Hướng dẫn, chỉ đạo đảm bảo yêu cầu
về bảo vệ môi trường trong quy hoạch xây dựng đô thị, khu dân cư, khu tái định
cư, khu dịch vụ tập trung, khu, cụm công nghiệp.
- Phối hợp tham gia chủ trương đầu
tư, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường
các dự án đầu tư xây dựng theo thẩm quyền.
5. Sở Y tế
- Chủ trì rà soát, vận hành bảo dưỡng
các công trình bảo vệ môi trường thuộc lĩnh vực y tế như công trình xử lý nước
thải y tế, rác thải y tế nguy hại tại các bệnh viện chuyên khoa, đa khoa tuyến
tỉnh, tuyến huyện.
- Chỉ đạo các bệnh viện, các cơ sở y
tế thu gom, xử lý nước thải và vận hành thường xuyên, đạt tiêu chuẩn môi trường,
quy định kỹ thuật quốc gia về môi trường; bố trí thiết bị chuyên dụng để phân
loại bệnh phẩm, rác thải y tế tại nguồn; xử lý, tiêu hủy bệnh phẩm, rác thải y
tế, thuốc hết hạn sử dụng đảm bảo vệ sinh, tiêu chuẩn môi trường; các cơ sở chiếu
xạ, dụng cụ thiết bị y tế có sử dụng chất phóng xạ phải đáp ứng các yêu cầu về
an toàn hạt nhân và an toàn bức xạ.
- Chỉ đạo công tác bảo vệ môi trường
trong lĩnh vực khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh.
6. Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn
- Hướng dẫn, chỉ đạo các hoạt động bảo
vệ môi trường trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản; hướng
dẫn xử lý và tiêu hủy các chất thải trong hoạt động nông nghiệp như: dụng cụ,
bao bì đựng phân bón; thuốc bảo vệ thực vật; thuốc thú y; thức ăn chăn nuôi sau
khi sử dụng; thức ăn thủy sản chăn nuôi hết hạn sử dụng hoặc nằm ngoài danh mục
cho phép được lưu hành tại Việt Nam; bùn đất và thức ăn lắng đọng khi làm vệ
sinh ao nuôi trồng thủy sản.
- Tổ chức hướng dẫn cho nhân dân sử dụng
thuốc bảo vệ thực vật theo đúng quy định.
- Kiểm tra điều kiện của các tổ chức,
cá nhân hoạt động buôn bán thuốc bảo vệ thực vật. Thông báo công khai trên
phương tiện thông tin đại chúng các cơ sở kinh doanh buôn bán thuốc bảo vệ thực
vật đủ điều kiện, các cơ sở kinh doanh buôn bán thuốc bảo vệ thực vật không đủ
điều kiện để nhân dân và chính quyền địa phương biết.
- Tham mưu, đề xuất kinh phí thực hiện
tiêu chí số 17 về bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới, trong đó tập
trung đến việc hỗ trợ xử lý rác thải sinh hoạt của các xã đạt chuẩn nông thôn mới.
7. Công an tỉnh
- Chỉ đạo lực lượng công an toàn tỉnh
thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp
luật về bảo vệ môi trường, xâm phạm và hủy hoại tài nguyên môi trường; kiểm
tra, xử lý các loại phương tiện cơ giới đã hết niên hạn sử dụng tham gia giao
thông, các phương tiện cơ giới vận chuyển nguyên vật liệu, các loại chất thải
không đúng quy định, làm rơi vãi trên đường gây ô nhiễm môi trường.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát tình
hình chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp sản
xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh.
8. Các sở, ban, ngành có liên quan
Chủ trì phối hợp với các ngành có
liên quan đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật,
công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, công nghệ xử lý chất thải,... vào hoạt
động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ cũng như các hoạt động khác có ảnh hưởng tới
môi trường, nhất là công nghệ tái chế, tái sử dụng chất thải và có biện pháp chế
biến thành sản phẩm hữu ích phục vụ cho yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh
nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững.
Tăng cường công tác kiểm soát hoạt động
sản xuất kinh doanh hóa chất, phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật; kiểm
soát ô nhiễm môi trường đối với hoạt động trong cụm, điểm công nghiệp, tiểu thủ
công nghiệp, đồng thời có biện pháp tăng cường công tác bảo vệ môi trường đối với
các hoạt động sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đảm bảo phù hợp với quy
hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chợ và các khu thương mại.
Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc
chấp hành công tác bảo vệ môi trường của các cơ sở trong khu công nghiệp. Thực
hiện quan trắc, giám sát môi trường, kiểm soát ô nhiễm môi trường khu công nghiệp;
chỉ đạo thực hiện nghiêm nội dung đã cam kết trong báo cáo đánh giá tác động
môi trường về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ
biến các quy định của nhà nước về bảo vệ môi trường và tầm quan trọng của công
tác bảo vệ môi trường; nêu gương những tổ chức, cá nhân làm tốt công tác bảo vệ
môi trường, đồng thời phê phán những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi
trường.
9. UBND các huyện, thành phố
- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh
tra việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ sở sản
xuất, kinh doanh dịch vụ thuộc thẩm quyền quản lý; xử lý nghiêm các hành vi vi
phạm theo đúng thẩm quyền.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền,
giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, chú trọng, tập
trung vào các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo
vệ thực vật trên địa bàn.
- Cân đối kinh phí từ nguồn nông thôn
mới và sự nghiệp môi trường, ưu tiên cho hoạt động hỗ trợ thu gom xử lý rác thải
sinh hoạt ở nông thôn trên địa bàn.
- Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn
hướng dẫn các tổ, bản trên địa bàn xây dựng hương ước, quy ước gắn với bảo vệ
môi trường. Tổ chức vận động, tuyên truyền, hướng dẫn xử lý rác thải sinh hoạt,
bao bì hóa chất bảo vệ thực vật.
- Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn
hướng dẫn cho nhân dân phương pháp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng tiêu chuẩn,
hướng dẫn sử dụng.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền,
giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường cho các cơ
quan doanh nghiệp, cộng đồng dân cư trên địa bàn huyện, thành phố.
Phần thứ ba
ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ
1. Đối với Chính phủ, Thủ tướng
Chính phủ
Tăng mức phân bổ ngân sách Trung ương
cho các địa phương để triển khai các dự án, chương trình bảo vệ môi trường như:
xử lý nước thải sinh hoạt đô thị; chất thải rắn; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng
về bảo vệ môi trường cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cũng như các đối
tượng công ích; tăng cường năng lực quan trắc môi trường địa phương
2. Đối với Bộ Tài nguyên và Môi
trường
- Rà soát, báo cáo Quốc hội, Chính phủ
sửa đổi, bổ sung các quy định cho phù hợp giữa Luật bảo vệ môi trường và pháp
luật khác có liên quan; sửa đổi, bổ sung các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật
bảo vệ môi trường và chỉ đạo triển khai kịp thời Đề án tăng cường năng lực quản
lý môi trường các cấp.
- Rà soát các nội dung còn bất cập,
chưa rõ ràng trong các Nghị định, thông tư đã ban hành để ban hành, trình Chính
phủ ban hành, sửa đổi cho phù hợp.
- Hướng dẫn chi tiết việc ban hành
các quy chuẩn kỹ thuật môi trường của địa phương, tập trung vào các lĩnh vực có
nguy cơ gây ô nhiễm cao và các đô thị đông dân cư, khu vực có hệ sinh thái nhạy
cảm cần được bảo vệ.
- Tăng cường tổ chức các lớp tập huấn,
đào tạo, nâng cao nghiệp vụ về bảo vệ môi trường cho các cán bộ làm công tác quản
lý môi trường ở các địa phương.
- Ban hành định mức kinh tế kỹ thuật
làm cơ sở lập dự toán chi các nhiệm vụ về bảo vệ môi trường.