ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1395/QĐ-UBND
|
Bình Phước, ngày
25 tháng 8 năm 2023
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN CƠ CẤU LẠI NGÀNH NÔNG NGHIỆP TỈNH GIAI ĐOẠN 2021-2025, ĐỊNH
HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
19/6/2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/1/2019;
Căn cứ Nghị quyết số 01-NQ/ĐH ngày 22/10/2020 của
Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025;
Căn cứ Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 10/7/2023 của
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về cơ cấu lại ngành Nông nghiệp tỉnh giai đoạn
2021-2025, định hướng đến năm 2030 (viết tắt là Nghị quyết số 11-NQ/TU);
Căn cứ Chương trình hành động số 17-CTr/TU ngày
30/9/2021 của Tỉnh ủy về việc ban hành Chương trình hành động của Ban Chấp hành
Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng,
nhiệm kỳ 2021-2026 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI,
nhiệm kỳ 2020-2025;
Căn cứ Quyết định số 612-QĐ/TU ngày 16/6/2022 của
Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc kiện toàn Ban Chủ nhiệm thực hiện Chương trình
phát triển nông nghiệp;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn tại Tờ trình số 185/TTr-SNN ngày 22/8/2023.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án cơ cấu lại ngành
Nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 (kèm theo nội
dung Đề án).
Điều 2. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ
tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức,
cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này, kể từ ngày ký./.
Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- TTTU, TT. HĐND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- CT, các PCT. UBND tỉnh;
- Trung tâm Phục vụ hành chính công;
- LĐVP, P. KT;
- Lưu: VT (NN-712/5).
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Trần Tuệ Hiền
|
ĐỀ ÁN
“CƠ
CẤU LẠI NGÀNH NÔNG NGHIỆP TỈNH GIAI ĐOẠN 2021-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030”
(Kèm theo Quyết định số: 1395/QĐ-UBND ngày 25/8/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh
Bình Phước)
DANH MỤC TỪ VIẾT
TẮT
Chữ viết tắt
|
Viết đầy đủ
|
HTX
|
Hợp tác xã
|
UBND
|
Ủy ban nhân dân
|
HĐND
|
Hội đồng nhân dân
|
UBMTTQ
|
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc
|
PTNT
|
Phát triển nông thôn
|
KHKT
|
Khoa học kỹ thuật
|
CSHT
|
Cơ sở hạ tầng
|
PCTT
|
Phòng chống thiên tai
|
NNUDCNC
|
Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
|
NLTS
|
Nông, lâm, thủy sản
|
GAP
|
Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt
|
GDP
|
Tổng sản phẩm quốc nội
|
TNHH
|
Trách nhiệm hữu hạn
|
MTV
|
Một thành viên
|
TT
|
Trồng trọt
|
CCN
|
Cây công nghiệp
|
CNC
|
Công nghệ cao
|
ATTP
|
An toàn thực phẩm
|
ATDB
|
An toàn dịch bệnh
|
AI
|
Trí tuệ nhân tạo
|
OCOP
|
Mỗi xã (phường) một sản phẩm
|
COP 26
|
Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên
Hợp Quốc năm 2021
|
VietGAP
|
Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt tại Việt Nam
|
VietGAHP
|
Quy trình thực hành chăn nuôi tốt tại Việt Nam
|
GlobalGAP
|
Thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu
|
Rainforest Alliance
|
Bộ quy tắc thực hành phát triển bảo tồn đa dạng
sinh học và phát triển bền vững trên toàn cầu
|
HACCP
|
Những nguyên tắc được sử dụng trong việc thiết lập
hệ thống quản lý an toàn thực phẩm
|
ISO
|
Tổ chức Tiêu chuẩn hoá quốc tế
|
GMP
|
Thực hành sản xuất tốt
|
OIE
|
Tổ chức Thú y thế giới
|
BRC
|
Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm do Hiệp
hội bán lẻ Anh quốc thành lập
|
FSC
|
Phát triển rừng bền vững
|
MỤC LỤC
PHẦN THỨ NHẤT, SỰ CẦN THIẾT, CĂN CỨ PHÁP LÝ XÂY
DỰNG ĐỀ ÁN
I. Sự cần thiết phải xây dựng Đề án
II. Những căn cứ pháp lý xây dựng Đề án
1. Văn bản của Trung ương
2. Văn bản của tỉnh
PHẦN THỨ HAI. KẾT QUẢ THỰC HIỆN TÁI CƠ CẤU NGÀNH
NÔNG NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2016-2020
I. Bối cảnh chung về tái cơ cấu ngành Nông nghiệp
tỉnh
II. Đánh giá kết quả đạt được giai đoạn
2016-2020
1. Tái cơ cấu lĩnh vực Nông nghiệp gắn với phát triển
kinh tế
2. Tái cơ cấu lĩnh vực Nông nghiệp gắn phát triển
xã hội
3. Bảo vệ môi trường
4. Thu hút đầu tư
5. Tái cơ cấu sản phẩm
6. Tái cơ cấu theo lĩnh vực
a) Lĩnh vực trồng trọt
b) Lĩnh vực chăn nuôi
c) Lĩnh vực thủy sản
d) Lĩnh vực lâm nghiệp
đ) Lĩnh vực cơ giới hóa, sơ chế, bảo quản sau thu
hoạch và chế biến
e) Lĩnh vực thủy lợi và PCTT
f) Tái cơ cấu Nông nghiệp gắn với xây dựng nông
thôn mới
g) Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu theo Quyết định
số 678/QĐ-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ
III. Đánh giá chung
1. Thuận lợi
2. Khó khăn, hạn chế
3. Nguyên nhân
a) Nguyên nhân khách quan
b) Nguyên nhân chủ quan
4. Cơ hội, thách thức
PHẦN THỨ BA. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU, ĐỐI TƯỢNG VÀ
PHẠM VI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
I. Quan điểm và mục tiêu
1. Quan điểm
2. Mục tiêu
2.1. Mục tiêu chung
2.2. Mục tiêu cụ thể
II. Đối tượng và phạm vi thực hiện
1. Đối tượng
2. Phạm vi
PHẦN THỨ TƯ. NHIỆM VỤ CỦA ĐỀ ÁN
I. Thực hiện cơ cấu lại sản phẩm nông nghiệp
1. Trồng trọt
2. Chăn nuôi
3. Lâm nghiệp
4. Thủy sản
5. Thủy lợi
II. Nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, tăng
năng suất lao động và ứng dụng KHCN, chuyển đổi số trong sản xuất
III. Tăng cường liên kết, phát triển chuỗi giá
trị, hệ sinh thái NN
1. Chuỗi ngành hàng cây công nghiệp
2. Chuỗi ngành hàng cây ăn quả
3. Chuỗi ngành hàng chăn nuôi (heo, gà)
4. Hệ sinh thái nông nghiệp
IV. Cơ cấu lại hình thức liên kết, hợp tác sản
xuất
V. Bảo quản, phân phối và tiêu thụ sản phẩm
1. Sơ chế, bảo quản, chế biến và giảm tổn thất sau
thu hoạch
2. Công nghiệp chế biến
3. Xây dựng thương hiệu
4. Phát triển thị trường
VI. Gắn kết phát triển Nông nghiệp với xây dựng
nông thôn mới, kết nối đô thị, đời sống nông dân
1. Phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông
thôn mới
2. Xây dựng nông thôn mới gắn với quá trình đô thị
hóa
3. Nông nghiệp với nông dân
PHẦN THỨ NĂM. CÁC NHÓM GIẢI PHÁP THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Triển khai thực hiện tốt các quy hoạch, đổi mới,
hoàn thiện cơ chế chính sách
2. Về khoa học công nghệ và chuyển đổi số
3. Về phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, đầu
tư vào Nông nghiệp
4. Về hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản
xuất nông nghiệp
5. Về thúc đẩy phát triển cơ giới hóa Nông nghiệp
và công nghiệp chế biến nông sản; phát triển công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ
logistic
6. Về tuyên truyền đảm bảo chất lượng, an toàn thực
phẩm
7. Về đào tạo nguồn nhân lực
8. Tăng cường năng lực hội nhập quốc tế; khai thác
tốt tiềm năng thị trường trong nước, từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới
và các cam kết quốc tế mà Việt Nam ký kết tham gia
9. Về bảo vệ tài nguyên, môi trường nông thôn, nâng
cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai
10. Về bảo quản, giảm tổn thất sau thu hoạch và chế
biến
11. Nhóm các công trình đầu tư ưu tiên
a) Đề án Nâng cấp và phát triển hệ thống thủy lợi,
khai thác nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của Nhân dân giai đoạn
2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030
b) Đề án NNUDCNC, NN sạch, NN hữu cơ trên địa bàn tỉnh
giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030
c) Các dự án phát triển lâm nghiệp
d) Đề án phát triển hệ thống sơ chế, bảo quản sau
thu hoạch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030
đ) Đề án phát triển vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh
động vật trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030
12. Nguồn vốn thực hiện
PHẦN THỨ SÁU. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Nông nghiệp và PTNT
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
3. Sở Tài chính
4. Sở Khoa học và Công nghệ
5. Sở Công Thương
6. Sở Tài nguyên và Môi trường
7. Sở Y tế
8. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội
9. Sở Nội vụ
10. UBMTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị -
xã hội; các Sở, ban, ngành đoàn thể liên quan
11. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Bình
Phước
12. Cục Quản lý thị trường tỉnh
13. Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và du lịch
tỉnh
14. UBND các huyện, thị xã, thành phố
PHỤ LỤC
Bảng 1. Diện tích gieo trồng, diện tích cho sản phẩm,
sản lượng một số cây trồng của tỉnh giai đoạn 2016-2020
Bảng 2. Số lượng quy mô, cơ sở chế biến một số nông
sản chính năm 2020
Bảng 3. Hiện trạng và quy mô các loại cây trồng chủ
lực các giai đoạn
Bảng 4. Hiện trạng và quy mô đàn các vật nuôi chủ lực
các giai đoạn
Bảng 5. Bộ Tiêu chí giám sát, đánh giá về cơ cấu lại
ngành nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030
Bảng 6. Chương trình thực hiện cơ cấu lại ngành
nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030
PHẦN
THỨ NHẤT
SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ PHÁP LÝ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
I. Sự cần thiết phải xây dựng
Đề án
Trên cơ sở Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 25/02/2021
của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp
giai đoạn 2021-2025 và Nghị quyết số 01-NQ/ĐH ngày 22/10/2020 của Đại hội Đại
biểu Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025) đã định hướng phát
triển Nông nghiệp của tỉnh với 03 nhiệm vụ trọng tâm: Tạo vùng nguyên liệu, chế
biến và hình thành liên kết chuỗi; 03 ngành trọng điểm: Chăn nuôi, trồng trọt,
lâm nghiệp; 03 sản phẩm xuất khẩu chủ yếu: Chăn nuôi (lợn, gà), hạt Điều, sản
phẩm từ gỗ; 03 giải pháp hỗ trợ tổng thể: Quy hoạch lại vùng sản xuất nguyên liệu;
chính sách thu hút, hỗ trợ; nông nghiệp công nghệ cao và mục tiêu xây dựng Bình
Phước thành tỉnh phát triển nông nghiệp toàn diện, hiệu quả, ứng dụng công nghệ
cao vào sản xuất; gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ.
Để đạt được kết quả trên đòi hỏi phải có chủ
trương, được thống nhất, đồng thuận cao từ tỉnh đến cấp huyện, xã và để ngành
Nông nghiệp phát huy vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế, đóng góp vào tăng trưởng,
phát triển kinh tế của tỉnh. Từ đó, việc xây dựng Đề án “Cơ cấu lại ngành
Nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” là hết sức cần
thiết và quan trọng, nhằm định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa
bàn tỉnh trong giai đoạn hiện nay.
II. Những căn cứ pháp lý xây dựng
Đề án
1. Văn bản của Trung ương
- Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị
lần thứ Năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về Nông nghiệp, nông dân,
nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
- Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ
Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng
Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
- Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của
Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp,
nông thôn.
- Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ
tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng
nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
- Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 16/11/2017 của Thủ
tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn
2017-2020.
- Quyết định số 703/QĐ-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ
tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất
giống phục vụ Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021- 2030.
- Quyết định số 885/QĐ-TTg ngày 23/6/2020 của Thủ
tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn
2020-2030.
- Quyết định số 1520/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 của Thủ
tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn
2021-2030, tầm nhìn 2045.
- Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 25/02/2021 của Thủ
tướng Chính phủ về việc Phê duyệt kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn
2021-2025.
- Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ
tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam
giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
- Quyết định số 858/QĐ-TTg ngày 20/7/2022 của Thủ
tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp
và chế biến nông lâm thủy sản đến năm 2030.
- Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 04/6/2020 của Thủ tướng
Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển công nghiệp chế biến nông,
lâm, thủy sản và cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp.
- Quyết định số 979/QĐ-BNN-KH ngày 15/3/2020 của Bộ
trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc ban hành Kế hoạch xây dựng Kế hoạch Tái
cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
2. Văn bản của tỉnh
- Nghị quyết số 01/NQ-ĐH ngày 22/10/2020 của Đại hội
Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần XI, nhiệm kỳ 2020-2025.
- Chương trình hành động số 17-CTr/TU ngày 30/9/2021
của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Toàn quốc
lần thứ XIII của Đảng, nhiệm kỳ 2021-2026 và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ
tỉnh Bình Phước lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.
- Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 10/7/2023 của Ban Chấp
hành Đảng bộ tỉnh về cơ cấu lại ngành Nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2021-2025, định
hướng đến năm 2030.
- Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND ngày 05/7/2019 của
HĐND tỉnh ban hành Quy định chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết
sản xuất và tiêu thụ sản.
- Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND ngày 12/7/2023 của
HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND ngày
05/7/2019 của HĐND tỉnh quy định về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu
thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- Nghị quyết số 19/2020/NQ-HĐND ngày 10/12/2020 của
HĐND tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
- Nghị quyết số 20/2021/NQ-HĐND ngày 07/12/2021 của
HĐND tỉnh ban hành Quy định về chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp sạch trên
địa bàn tỉnh Bình Phước.
- Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND ngày 31/3/2022 của
HĐND tỉnh ban hành Quy định về chính sách khuyến khích, ưu đãi và hỗ trợ đầu tư
trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
- Nghị quyết số 04/2022/NQ-HĐND ngày 12/7/2022 của
HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của quy định chính sách khuyến
khích, ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Bình Phước kèm theo Nghị quyết
số 01/2022/NQ-HĐND ngày 31/3/2022 của HĐND tỉnh Bình Phước.
- Quyết định số 2537/QĐ-UBND ngày 12/11/2015 của
UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành
Nông nghiệp và PTNT gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bình Phước
đến năm 2020.
- Quyết định số 2377/QĐ-UBND ngày 14/9/2021 của
UBND tỉnh về việc phê duyệt Chương trình phát triển thủy sản giai đoạn
2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.
- Kế hoạch số 195/KH-UBND ngày 08/5/2021 của UBND tỉnh
thực hiện Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 09/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về
việc phê duyệt Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn
2021-2025, định hướng đến năm 2030 và ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa nông
nghiệp.
- Kế hoạch số 14/KH-UBND ngày 17/01/2022 của UBND tỉnh
thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn
2021-2030, tầm nhìn 2045.
- Kế hoạch số 75/KH-UBND ngày 06/3/2023 của UBND tỉnh
thực hiện chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông, lâm,
thủy sản đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.
PHẦN
THỨ HAI
KẾT QUẢ THỰC HIỆN TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP GIAI ĐOẠN
2016-2020
I. Bối cảnh chung về tái cơ cấu
ngành Nông nghiệp tỉnh
Bình Phước là một trong 07 tỉnh thuộc vùng Đông Nam
Bộ với quy mô ngành NLTS năm 2020 là 16.618 tỷ đồng, chiếm 9,3% vùng kinh tế trọng
điểm phía Nam; 13,9% vùng Đông Nam Bộ. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất
trung bình mai đoạn 2016-2020 đạt 5,6%/năm, đạt tốc độ tăng trưởng khá. Cơ cấu
kinh tế trong ngành Nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, tăng tỷ trọng
trong ngành chăn nuôi; đã hình thành một số vùng chuyên canh cây trồng chủ lực;
ứng dụng phát triển sản xuất NNCNC, nông nghiệp sạch, hữu cơ, mang lại giá trị
và hiệu quả kinh tế cao. Đây là tiền đề rất quan trọng cần kế thừa và phát huy
cao độ đối với phát triển nông, lâm nghiệp cho những năm tiếp theo.
II. Đánh giá kết quả đạt được
giai đoạn 2016-2020
1. Tái cơ cấu lĩnh vực Nông
nghiệp gắn với phát triển kinh tế
a) Nông nghiệp tăng trưởng tương đối ổn định,
chuyển dịch đúng hướng
Trong giai đoạn này, lĩnh vực NLTS đạt tốc độ tăng
trưởng ổn định (5,6%/năm); sản xuất ngày càng đa dạng về cơ cấu sản phẩm (trồng
trọt, chăn nuôi, chế biến) và loại hình tổ chức (HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp),
đã từng bước hình thành các vùng sản xuất quy mô vừa và lớn, đặc biệt trong
chăn nuôi, cây lâu năm với xu thế đa dạng hóa tổ chức sản xuất cũng phát triển
song song với hình thức truyền thông như: HTX, tổ hợp tác, các nhóm kinh tế phi
chính thức, dựa trên nguyên tắc liên kết kinh tế tự nguyện giữa các nông hộ đã
trở nên phổ biến hơn.
Các doanh nghiệp của tỉnh xuất khẩu trên 200.000 tấn
nông sản với kim ngạch xuất khẩu đạt trên 01 tỷ USD, xuất đi 68 nước, vùng lãnh
thổ trên thế giới với thị trường xuất khẩu chủ yếu là: Mỹ, Singapore, Hà Lan,
Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc. Trong các mặt hàng nông sản xuất khẩu, sản phẩm nhân
hạt Điều Bình Phước được đánh giá có chất lượng tốt trên thế giới, đã xuất khẩu
đến hơn 40 quốc gia... Xuất khẩu năm 2016 đạt 58.873 tấn, năm 2020 tăng lên
67.273 tấn và đóng góp từ 30-45% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
Về cơ cấu trong nội bộ ngành chuyển dịch theo hướng
tăng dần tỷ trọng ngành chăn nuôi, tỷ trọng trồng trọt giảm từ 86,8% năm 2016
còn 77,4% năm 2020; tỷ trọng chăn nuôi tăng từ 13,1% lên 22,4% vào năm 2020
trong tổng giá trị sản xuất toàn ngành.
b) Nâng cao giá trị cạnh tranh của mặt hàng nông
sản
- Sản xuất nông nghiệp đã chú trọng đến liên kết sản
xuất, canh tác theo hướng nâng cao chất lượng, đa giá trị nhằm tăng khả năng cạnh
tranh. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất: Đến hết năm 2020, diện
tích cây trồng lâu năm được áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước là
6.088,9 ha, trong đó, cây Hồ tiêu 2.140,8 ha; Cà phê 1.242,2 ha; Ca cao 120,2
ha và cây ăn quả các loại 2.585,8 ha được tưới tiết kiệm nước. Các Khu NNUDCNC
bước đầu đi vào hoạt động, chủ yếu thực hiện dự án trồng chuối xuất khẩu, ứng dụng
khoa học, công nghệ của các nước như giống chuỗi Cavendish (nuôi cấy mô), sản
lượng 50 tấn/vụ/ha, mỗi năm thu hoạch 1,5 vụ.
- Cây ăn quả: Có 820 ha sản xuất đạt chứng nhận
VietGAP, GlobalGAP. 115/349 cơ sở chăn nuôi heo được công nhận an toàn dịch bệnh
(32,95%); 79/349 cơ sở chăn nuôi heo được chứng nhận an toàn thực phẩm
(22,64%); 119/349 cơ sở nuôi heo được chứng nhận VietGAP hoặc GlobalGAP
(34,1%). 10/87 trại gà được chứng nhận an toàn thực phẩm (11,49%); 48/87 trại
gà được công nhận an toàn dịch bệnh (55,17%); 13/87 trại đạt chứng nhận
VietGAP, GlobalGAP (14,94%).
- Chuyển đổi nhanh hình thức tổ chức sản xuất từ
nông hộ sang hợp tác, liên kết từ đó, hình thành các chuỗi giá trị nông sản,
nâng cao giá trị gia tăng, tăng sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường. Hiện
có 86 tổ hợp tác, 199 HTX và 01 liên hiệp HTX hoạt động trong lĩnh vực nông
nghiệp.
- Hình thành một số vùng chuyên canh, liên kết sản
xuất theo hướng hàng hóa, đặc biệt là các ngành hàng: Cao su, Điều, Hồ tiêu đã
tạo ra nguồn nguyên liệu quan trọng cho công nghiệp chế biến, cụ thể:
+ Cây Điều: Năng suất Điều giai đoạn 2016-2020
tăng, cụ thể: Năm 2016 năng suất 11,5 tạ/ha (diện tích 134.204 ha, sản lượng 152.332
tấn); năm 2020 năng suất 14 tạ/ha (diện tích 139.868 ha, sản lượng 188.881 tấn,
chưa tính diện tích cây Điều trong lâm phần khoảng 10.000 ha). Sản xuất được
chú trọng, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ dưới nhiều hình thức phù hợp với điều kiện
sản xuất và nhu cầu của nông dân, cụ thể: Chuỗi liên kết sản xuất có 38 HTX với
diện tích khoảng 3.000 ha; 08 đơn vị, doanh nghiệp tham gia đăng ký chỉ dẫn địa
lý “Hạt Điều Bình Phước” liên kết với các nông hộ, HTX; chuỗi Điều hữu cơ tiêu
chuẩn Mỹ/EU khoảng 3.200 ha. Cây điều được trồng tập trung tại các huyện: Bù
Gia Mập, Bù Đăng, Đồng Phú, Phú Riềng.
+ Cây Cao su: Năng suất cao su cơ bản giữ ổn định
khoảng 18,6 tạ/ha. Tuy nhiên, giá mủ Cao su trên thị trường liên tục giảm;
chính sách giao khoán, chuyển đổi đất rừng, cải tạo rừng nghèo kiệt, chuyển đổi
các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế thấp sang trồng Cao su đã thay đổi và giảm
dần nên diện tích trồng Cao su tăng không đáng kể. Năm 2020, diện tích 246.659
ha, tăng so với năm 2016 (234.850 ha) khoảng 11.809 ha; sản lượng 379.617 tấn,
tăng 70.632 tấn so với năm 2016.
+ Hồ tiêu: Năng suất giảm dần, cụ thể: Năm 2016 đạt
24,9 tạ/ha, năm 2020 đạt 19,2 tạ/ha, nguyên nhân: do giá hồ tiêu xuống thấp nên
nông dân ít chăm sóc, bón phân. Hồ tiêu được trồng tương đối tập trung, đã thu
hút doanh nghiệp tham gia, hình thành 01 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ tại
các vùng trồng tập trung với khoảng 2.000 ha (của Công ty TNHH Chế biến gia vị
Nesdspice). Hồ tiêu được khuyến khích trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, Rainforest
Alliance... để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Năm 2016, diện tích Hồ tiêu là 16.452
ha, giảm còn 15.890 ha vào năm 2020; sản lượng tăng từ 27.941 tấn năm 2016 lên
28.217 tấn năm 2020. Vùng trồng Hồ tiêu tập trung tại các huyện: Hớn Quản, Lộc
Ninh, Bù Đốp, Bù Gia Mập và Bù Đăng.
2. Tái cơ cấu lĩnh vực Nông
nghiệp gắn với phát triển xã hội
Hệ thống đường giao thông nông thôn trong giai đoạn
2016-2020 tăng 2.238,68 km, đa phần được cứng hóa. Đây là một yếu tố rất quan
trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là đối với sản
xuất nông nghiệp như: Phát triển trang trại, vùng sản xuất nguyên liệu Điều...
Đầu tư thủy lợi đang hướng sang phục vụ đa mục tiêu, vừa phục vụ sản xuất vừa
tăng khả năng cung cấp nước sinh hoạt nông thôn và đô thị, đáp ứng nhu cầu ngày
càng tăng về cấp, thoát nước phục vụ công nghiệp, dân sinh và nguồn nuôi trồng
thủy sản. Năm 2020, tổng năng lực tưới của hệ thống thủy lợi đạt 52.200 ha đất
canh tác, đảm bảo tưới cho 14.570 ha lúa, 24.000 ha rau màu và cây công nghiệp
ngắn ngày; 13.685 ha cây lâu năm, góp phần đáng kể vào việc tăng năng suất, sản
lượng và chất lượng các loại cây trồng.
Đến cuối năm 2020, hơn 98% số hộ dân có điện; 100%
xã có đường ô tô đến trung tâm và được nhựa, bê tông hóa; 98% người dân nông
thôn được tiếp cận nước sạch và 100 % hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ
sinh. Tỷ lệ hộ nghèo chung của toàn tỉnh còn 2,56% (theo chuẩn mới), thu nhập của
nông dân ngày càng tăng; thu nhập bình quân trên đầu người theo giá thực tế của
tỉnh đạt khoảng 67 triệu đồng/người/năm (tăng gần 2 lần so với năm 2016).
3. Bảo vệ môi trường
Sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường được
tăng cường thực hiện nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, giảm
thiểu tác động của hóa chất có trong thuốc bảo vệ thực vật, phân bón vô cơ tới
môi trường đất, nước, đa dạng sinh học. Diện tích sản xuất nông nghiệp sạch, hữu
cơ, theo các tiêu chuẩn chứng nhận đã hạn chế tối đa lượng hóa chất ra môi trường,
cụ thể: Có 9.710 ha (4,61% diện tích đất canh tác), trong đó, sản xuất sạch
6.490 ha, sản xuất hữu cơ 3.220 ha.
Đất đai, nguồn nước được sử dụng hiệu quả hơn; diện
tích trồng rừng tập trung giai đoạn 2016 - 2020 là 2.557 ha (trồng rừng đặc dụng
140 ha; trồng rừng sản xuất 2.417 ha (trồng mới 586 ha; trồng tái canh sau khai
thác 1.831 ha); trồng cây phân tán 313.250 cây; chăm sóc rừng trồng 8.064,3
ha). Việc chuyển đất sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là đất trồng lúa sang mục
đích phi nông nghiệp đã được giám sát chặt chẽ hơn.
Diện tích rừng tự nhiên được quản lý bảo vệ hữu hiệu.
Công tác trồng rừng được đẩy mạnh nhờ chính sách trồng rừng thay thế và mở rộng
các loài cây trồng trên rừng sản xuất (cây đa mục đích). Nhờ vậy, tỷ lệ che phủ
rừng và cây lâu năm trên toàn tỉnh đạt 74,8% (trong đó, tỷ lệ che phủ của rừng
là 23,01%; tỷ lệ che phủ của cây lâu năm 51,79%).
4. Thu hút đầu tư
a) Các chính sách của tỉnh
Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND ngày 05/7/2019 của
HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm Nông nghiệp
của tỉnh Bình Phước.
Các Quyết định ưu đãi, khuyến khích trong nông nghiệp
do UBND tỉnh ban hành: Quyết định số 2794/QĐ-UBND ngày 10/12/2018 ban hành Kế
hoạch hành động triển khai thực hiện Đề án “Phát triển HTX, liên hiệp HTX nông
nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 73/KH-
UBND ngày 27/3/2019 về liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa
HTX nông nghiệp với các doanh nghiệp đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh; Quyết định
số 06/QĐ-UBND ngày 04/01/2019 phê duyệt các ngành hàng sản phẩm nông nghiệp thực
hiện chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và
tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh...
b) Kết quả thực hiện
- Các sản phẩm Nông nghiệp được đầu tư chế biến phục
vụ không chỉ nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu, các sản phẩm chủ yếu gồm:
+ Cao su: Các nhà máy Cao su đóng chân trên trên địa
bàn đã thu mua, sơ chế cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân. Về chế biến sâu:
Hiện có các nhà máy chế biến gỗ MDF, viên nén; sản xuất nệm, gối mủ Cao su của
Công ty cổ phần Cao su Đông Phú... cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước.
+ Điều: Thu hút chuỗi hợp tác, liên kết vùng nguyên
liệu với 08 doanh nghiệp đăng ký Chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước”; khoảng
1.416 cơ sở, doanh nghiệp phục vụ sơ chế, chế biến các sản phẩm như: Điều nhân
trắng, Điều rang muối... phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu với công nghệ,
quy trình chế biến của ngành Điều của nước ta là tiên tiến so với thế giới.
+ Hồ tiêu: 02 HTX và 02 Công ty thu mua sơ chế, xuất
khẩu: Công ty TNHH Chế biến gia vị Nesdspice (huyện Đồng Phú) với quy mô 10.000
tấn/năm và Công ty TNHH Mỹ Lệ (huyện Lộc Ninh) với quy mô 4.500 tấn/năm.
+ Cây ăn quả: Có 04 đơn vị (03 doanh nghiệp, 01 HTX
và 01 hộ cá thể) tham gia sơ chế, bảo quản sau thu hoạch nhưng ở dạng bóc vỏ, cấp
đông lạnh và đóng gói, công suất đạt khoảng 100 tấn/năm.
+ Gỗ: Hiện có 298 cơ sở chế biến gỗ, trong đó, có
119 doanh nghiệp sản xuất (chủ yếu là ván thanh, ván lạng, gỗ xẻ, ván ép, phôi
gỗ, viên nén gỗ, palet, gỗ nội ngoại thất...) tập trung nhiều ở các huyện, thị
xã, thành phố: Chơn Thành, Đồng Phú, Đồng Xoài[1]. Trong đó, chế
biến gỗ ván MDF, ván dăm lớn, phát triển như: Nhà máy gỗ MDF VRG Dongwha công
suất 460.000 m3/năm; nhà máy Kim Tín MDF công suất 160.000 m3/năm,
góp phần quan trọng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu đến các
nước: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc...
- Chăn nuôi: Thu hút nhiều Tập đoàn, Công ty chăn
nuôi như: CP, Japfa Coomfeed Việt Nam, Newhope, CJ Vi Na, Sunjin Vi Na,
Emivest, Hòa Phước, Dabaco, BaF, Làng Sen, Thái Việt, Dehues... đầu tư phát triển
chăn nuôi.
5. Tái cơ cấu sản phẩm
a) Sản phẩm trồng trọt
Diện tích gieo trồng lúa giảm, diện tích các cây
công nghiệp lâu năm, đặc biệt là Cao su phát triển mạnh và cây ăn quả có giá trị
hàng hóa tăng nhanh (Cây công nghiệp lâu năm chiếm 97% và 90,43% diện tích gieo
trồng; Cây ăn quả chiếm 2,9% cây lâu năm và 2,68% diện tích gieo trồng). Một số
mô hình cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: sầu riêng (560-600 triệu đồng/ha),
Bưởi (300- 450 triệu đồng/ha), Chôm chôm (288-306 triệu đồng/ha), Nhãn (150-200
triệu đồng/ha), Chuối (100-120 triệu đồng/ha). Cây hàng năm chiếm 6% diện tích
gieo trồng.
Giá trị có sự chênh lệch rất lớn giữa nhóm sản xuất
truyền thống và nhóm sản xuất công nghệ cao, cụ thể: Nhóm sản xuất rau ăn lá
thông thường đạt 120-130 triệu đồng/ha; rau trồng công nghệ cao 700 triệu đồng/ha.
b) Sản phẩm chăn nuôi và thủy sản
Đàn Trâu, đàn Bò duy trì ổn định trên 50.000 con.
Đàn heo, gia cầm tăng nhanh, cụ thể: Đàn heo năm 2020 là 1.000.000 con (321.667
con năm 2016), tăng 310,9% (678.333 con). Chăn nuôi trang trại chiếm trên 90% tống
đàn. Đàn gia cầm năm 2020 là 7.550 nghìn con (4.772 nghìn con năm 2016), tăng
158,2% (2.778 nghìn con); chăn nuôi trang trại chiếm 70% tổng đàn. về hình thức
chăn nuôi chủ yếu trang trại thay thế dần mô hình chăn nuôi tận dụng nhỏ, lẻ
gia đình.
6. Tái cơ cấu theo lĩnh vực
a) Lĩnh vực trồng trọt
- Cây hàng năm: Diện tích gieo trồng cây hàng năm
giai đoạn 2016-2020 có chiều hướng giảm, cụ thể: Năm 2016, diện tích 41.256 ha;
năm 2020 là 27.665 ha (giảm 13.588 ha). Nguyên nhân: Do người dân chuyển đổi
sang trồng cây khác có giá trị kinh tế cao hơn; đồng thời, diện tích cây lâu
năm khép tán làm giảm diện tích trồng xen: Khoai mỳ, đậu, bắp... Một số diện
tích cây trồng chính như sau:
+ Lúa: Diện tích giai đoạn 2016-2020 giảm từ 12.190
ha năm 2016 còn 11.276 ha năm 2020 do chuyển đổi sang trồng các loại cây ngắn
ngày, công nghiệp và cây ăn trái nhưng năng suất tăng từ 32,4 tạ/ha (2016) lên
36,9 tạ/ha (2020).
+ Khoai mỳ: Diện tích giai đoạn 2016-2020 giảm mạnh
11.083 ha, do khoai mỳ chủ yếu trồng xen dưới tán cây trồng khác. Cụ thể: năm
2016, diện tích 17.003 ha, sản lượng 403.613 tấn; năm 2020, diện tích còn 5.920
ha, sản lượng 144.473 tấn (giảm 259.140 tấn).
+ Cây rau, thực phẩm khác: Diện tích cơ bản ổn định,
năm 2020 là 4.180 ha, sản lượng 29.516 tấn, cơ bản đáp ứng nhu cầu rau của tỉnh
về chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
+ Cây công nghiệp hàng năm khác: Năm 2020, diện
tích gieo trồng 332 ha, sản lượng 5.581 tấn, (giảm 366 ha), sản lượng giảm
3.789 tấn so với năm 2016.
- Cây lâu năm: Đã hình thành các vùng chuyên canh lớn,
cụ thể như sau:
+ Cây Điều: Năm 2020, diện tích 139.868 ha, năng suất
14 tạ/ha, sản lượng 188.881 tấn so với năm 2016, diện tích 134.204 ha, năng suất
11,5 tạ/ha, sản lượng 152.332 tấn. Diện tích tăng dần đều, tuy nhiên, sản lượng,
năng suất có biến đổi mạnh do cây chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu cực
đoan, nhất là trong niên vụ 2016-2017.
+ Cây Cao su: Năm 2020, diện tích 246.659 ha, năng
suất đạt 22 tạ/ha, sản lượng 407.000 tấn tăng 11.809 ha so với năm 2016 diện
tích 166.414 năng suất 18,6 tạ/ha, sản lượng 379.617 ha.
+ Cây Hồ tiêu: Sau giai đoạn 2011-2015 phát triển ồ
ạt, từ năm 2017 trở lại đây, giá Hồ tiêu có xu hướng giảm mạnh nên diện tích giảm
562 ha nhưng sản lượng tăng 276 tấn, cụ thể: Năm 2016, diện tích 16.452 ha,
năng suất 24,9 tạ/ha, sản lượng 27.941 tấn; năm 2020, diện tích 15.890 ha, năng
suất 29,8 tạ/ha sản lượng 28.217 tấn.
+ Cây Cà phê: Diện tích giảm 465 ha, cụ thể: Năm
2016, diện tích 15.081 ha, năng suất đạt 21,1 tạ/ha,sản lượng 29.796 tấn; năm
2020, diện tích 14.616 ha, năng suất đạt 20 ta/ha, sản lượng đạt 27.411 tấn.
+ Cây ăn quả: Có sự chuyển biến rõ nét theo hướng
tăng dần năm 2020 khoảng 12.342 ha (tăng 2.948 ha so với năm 2016). Tuy nhiên,
đối với cây ăn quả do đầu tư vốn lớn và kỹ thuật, chuyên môn khắt khe hơn so với
những cây trồng khác nên diện tích tăng chỉ ở những nơi có đủ nguồn nước, điện
3 pha, hệ thống thủy lợi và nông dân chịu khó, có khả năng tiếp cận, ứng dụng
khoa học công nghệ vào sản xuất.
(Có Bảng 1 chi tiết
đính kèm)
b) Lĩnh vực chăn nuôi
Ngành chăn nuôi đã có bước phát triển đột phá trong
giai đoạn này[2]. Sản xuất chăn nuôi đã tạo ra khối lượng sản
phẩm đáp ứng nhu cầu sử dụng trong tỉnh và khoảng 70% tiêu thụ ngoài tỉnh. Tuy
nhiên, dịch bệnh trong chăn nuôi như: Cúm gia cầm, Lở mồm long móng; bệnh Tai
xanh trên đàn gia súc, gia cầm; Dịch tả lợn Châu Phi... luôn có nguy cơ bùng
phát. Tuy nhiên, do thực hiện tốt công tác thú y nên đã khống chế đến mức thấp
nhất thiệt hại xảy ra.
c) Lĩnh vực thủy sản
Diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2020 là 1.811 ha,
giảm 7,7% (giảm 151 ha) so với năm 2016; sản lượng 5.400 tấn, tăng 0,1% (tăng
05 tấn) so với năm 2016. Tuy nhiên, vẫn không đạt chỉ tiêu Kế hoạch đề ra (giai
đoạn là 6.000 tấn).
Các hình thức nuôi thủy sản bao gồm: Nuôi ao đất,
ruộng trũng, lồng bè và hồ chứa, trong đó, hình thức nuôi ao chiếm tỉ trọng cao
nhất. Nuôi ao và ruộng trũng, tập trung ở các khu dân cư. Nuôi lồng bè tập
trung tại các hồ chứa lớn (hồ thủy điện Thác Mo, Cần Đơn và hồ thủy lợi Suối
Giai). Nuôi mặt nước lớn tại các công trình thủy lợi vừa và nhỏ.
d) Lĩnh vực lâm nghiệp
- Về cơ cấu diện tích, loại rừng: Tổng diện
tích đất lâm nghiệp năm 2020 là 173.488,45 ha. Trong đó, 31.219,58 ha đất rừng
đặc dụng; 43.263 ha đất rừng phòng hộ; 99.005,87 ha đất rừng sản xuất (theo Quyết
định số 580/QĐ-UBND ngày 10/3/2021 của UBND tỉnh).
- Về cơ cấu tổ chức, bộ máy hệ thống chủ rừng: Hiện
nay, trên địa bàn tỉnh còn các nông lâm trường quốc doanh sau:
+ Chủ rừng thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT quản lý:
Ban Quản lý Vườn Quốc gia Cát Tiên (trên địa phận tỉnh Bình Phước).
+ Chủ rừng trực thuộc UBND tỉnh quản lý: Ban Quản
lý Vườn Quốc gia Bù Gia Mập.
+ Chủ rừng thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT quản lý:
Ban Quản lý rừng phòng hộ Bù Đốp, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk Mai.
+ Chủ rừng thuộc UBND cấp huyện quản lý: Ban Quản
lý rừng phòng hộ Tà Thiết, Ban Quản lý rừng phòng hộ Lộc Ninh, Ban Quản lý rừng
phòng hộ Bù Đăng.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 03 Hạt Kiểm lâm
quản lý rừng và đất lâm nghiệp: Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Phú; Hạt Kiểm lâm liên
huyện, thị xã Phước Long - Bù Gia Mập và Hạt Kiểm lâm huyện Bù Đăng.
- Về một số chỉ tiêu thực hiện trong lĩnh vực lâm
nghiệp:
+ Diện tích giao khoán bảo vệ rừng giai đoạn
2016-2020 là 133.148 lượt ha, trung bình hàng năm giao khoán 26.630 ha.
+ Tổng diện tích trồng rừng tập trung giai đoạn
2016 - 2020 là 2.557 ha, (trồng rừng đặc dụng 140 ha; trồng rừng sản xuất 2.417
ha (trồng mới 586 ha; trồng tái canh sau khai thác chính 1.831,6 ha); trồng cây
phân tán 313.250 cây; Chăm sóc rừng trồng 8.064,3 ha).
+ Xây dựng và thực hiện Phương án quản lý rừng bền
vững: Trong giai đoạn 2016-2020, đã có 05 đơn vị (Ban Quản lý rừng phòng hộ Bù
Đốp, Đắk Mai, Bù Đăng; Lộc Ninh; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) đã xây dựng và được
phê duyệt Phương án quản lý rừng bền vững với tổng diện tích 33.806,4 ha (trong
đó, rừng rừng phòng hộ 14.949,5 ha; rừng sản xuất 18.856,9 ha).
+ Diện tích rừng được cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền
vững (FSC): Có 02 chủ rừng được cấp chứng chỉ rừng với tổng diện tích 10.759
ha.
+ Chi trả dịch vụ môi trường rừng: UBND tỉnh ban
hành các Quyết định[3]: Thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách
chi trả dịch vụ môi trường rừng, ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban
Chỉ đạo; phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện Chính sách chi trả dịch vụ môi
trường rừng trên địa bàn tỉnh; thành lập Hội đồng quản lý Quỹ, Ban kiểm soát,
Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh. Giai đoạn 2016-2020 số tiền dịch vụ môi trường
rừng thu được 128,01 tỷ đồng. Việc triển khai thực hiện tốt chính sách chi trả
dịch vụ môi trường rừng góp phần huy động được nguồn lực cho công tác quản lý bảo
vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, là nguồn thu lớn hàng năm của
các đơn vị chủ rừng trong điều kiện nguồn ngân sách nhà nước còn nhiều khó
khăn.
đ) Lĩnh vực cơ giới hóa, sơ chế, bảo quản sau
thu hoạch và chế biến
Đối với cơ giới hóa trồng trọt và lâm nghiệp:
+ Khâu làm đất đạt 90% (gồm loại máy cơ giới như:
Máy xới, máy cày).
+ Khâu xuống giống: Cây lúa, cây ngắn ngày đạt 10%;
các cây trồng khác thì nông dân vẫn làm thủ công (bằng tay, máy giản đơn) để xuống
giống, chưa có điều kiện đầu tư máy móc tiên tiến, hiện đại.
+ Khâu chăm sóc: Khâu làm cỏ các lĩnh vực đạt trên
80% băng máy (như máy phát có chuyên dùng hoặc máy cày, bừa chuyên dùng). Khâu
bón phân mới chỉ đạt dưới 01% (chủ yếu sử dụng sức lao động của con người).
Khâu tưới, tiêu đạt 85% diện tích sản xuất được tưới, tiêu bàng bơm điện, hệ thống
tưới tự động, chủ động. Khâu phun thuốc bảo vệ thực vật đạt 85% (bình phun xịt
bằng máy phát điện, máy cày và máy chuyên dùng, đa năng).
+ Khâu thu hoạch: Đối với cây lúa đạt 95% (máy gặt
đập liên hoàn). Các loại cây trồng khác vẫn làm thủ công hoặc máy giản đơn hoặc
tự chế.
+ Khâu vận chuyển: đạt 100% được vận chuyển bằng cơ
giới, chuyên dùng.
Cơ giới hóa trong chăn nuôi và thủy sản:
+ Đối với chăn nuôi quy mô trang trại, chăn nuôi
gia công: Mức độ cơ giới hóa về chuồng trại trên 60% (cung cấp nước, thức ăn tự
động, hệ thống làm mát, thông gió, có thể điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm, hệ thống
xử lý nước thải...).
+ Đối với chăn nuôi theo quy mô nông hộ, gia đình:
Việc áp dụng cơ giới hóa khoảng 10% (các máy cắt cỏ, máy nghiền, máy trộn thức
ăn, máy thái...).
+ Đối với khâu sơ chế, bảo quản sản phẩm chăn nuôi:
Hiện có 28[4] cơ sở giết mổ gia súc tập trung. Trong đó:
10% cơ sở giết mổ gia súc có ứng dụng cơ giới hóa (hệ thống giết mổ dây chuyền;
hệ thống đóng gói, hút chân không...), còn lại chủ yếu vẫn là cơ sở giết mổ thủ
công, công nghệ trung bình, truyền thống, đáp ứng nhu cầu của từng địa phương.
Đối với sơ chế, bảo quản sau thu hoạch và chế biến
nông sản:
+ Có 03 doanh nghiệp đã đầu tư kho lạnh, sơ chế,
đóng gói trái cây ở dạng bóc vỏ, cấp đông lạnh và đóng gói, công suất đạt khoảng
100 tấn/năm.
+ Có 01 HTX và 02 Công ty sơ chế, xuất khẩu: Quy mô
14.500 tấn/năm.
+ Có khoảng 298 cơ sở chế biến gỗ, trong đó, có 119
doanh nghiệp sản xuất (chủ yếu là ván thanh, ván lạng, gỗ xẻ, ván ép, phôi gỗ,
viên nén gỗ, palet, gỗ nội ngoại thất...) tập trung ở các huyện, thị xã, thành
phố: Chơn Thành, Đồng Phú, Đồng Xoài[5]; doanh nghiệp chế biến gỗ ván
MDF, ván dăm lớn, phát triển như: Nhà máy gỗ MDF VRG Dongwha công suất 460.000
m3/năm; nhà máy Kim Tín MDF công suất 160.000 m3/năm, góp
phần quan trọng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu đến các nước:
Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc...
+ Công ty TNHH CPV Food đầu tư khu phức hợp chế biến
sâu các sản phẩm thịt gà với quy mô 170 nghìn tấn sản phẩm/năm để xuất khẩu.
Công ty TNHH Japfa Coomfeed Việt Nam đầu tư nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi
công suất 420 nghìn tấn/năm, nhà máy giết mổ công suất 37,4 triệu con gà/năm; 374.000
con heo/năm; nhà máy chế biến thịt gia súc, gia cầm 2.000 tấn sản phẩm/năm.
+ Có 1.509 cơ sở chế biến thực phẩm nông sản. Trong
đó: có 1.416 cơ sở chế biến hạt Điều với trên 170 cơ sở chế biến sâu; 20 cơ sở
chế biến Cà phê, 06 cơ sở chế biến Tiêu, 67 cơ sở chế biến các sản phẩm chăn
nuôi (thịt gà, giò chả, nem, mật ong...). Với tổng công suất thiết kế khoảng
275.835 tấn/năm, quy mô vừa có 33 cơ sở (khoảng 2,17%), quy mô nhỏ 111 cơ sở
(khoảng 7,34%) và khoảng 1.351 cơ sở chế biến quy mô siêu nhỏ (90,49%). Có trên
30% các cơ sở chế biến thực phẩm áp dụng các chương trình quản lý chất lượng
tiên tiến: 101 cơ sở chế biến thực phẩm được chứng nhận các tiêu chuẩn quốc tế
về an toàn thực phẩm, 360 cơ sở áp dụng quy phạm thực hành sản xuất tốt (GMP).
(Có Bảng 2 chi tiết
đính kèm)
e) Lĩnh vực thủy lợi và phòng chống thiên tai
Thực hiện đầu tư xây dựng mới 02 đập dâng, 04 hồ chứa,
22,8 km kênh tưới và 3,091 km kênh tiêu; sửa chữa, nâng cấp 17 hồ chứa, 01 trạm
bơm và kiên cố hóa 3,3 km kênh nội đồng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 73 công
trình thủy lợi vừa và nhỏ các loại; trong đó: có 64 hồ chứa vừa và nhỏ, 07 đập
dâng, 01 trạm bơm và 01 hệ thống kênh sử dụng nước sau hồ thủy điện Cần Đơn. Tổng
dung tích của các hồ chứa 82,79 triệu m3. Nhiệm vụ các công trình:
Tưới 9.286 ha; tạo nguồn cấp nước sinh hoạt với công suất 133.642 m3/ngày
đêm.
Về công tác quản lý, khai thác: 55 công trình do tỉnh
quản lý (Công ty TNHH MTV Dịch vụ Thủy lợi Bình Phước); 09 công trình do huyện
quản lý; 03 Công trình do Ban Quản lý rừng đặc dụng Vườn Quốc gia Bù Gia Mập quản
lý; 06 công trình do các doanh nghiệp, tổ chức khác quản lý.
Tiếp tục triển khai thực hiện các Chương trình điều
tra, khảo sát, đồng thời, phối hợp tuyên truyền đến người dân về lợi ích của nước
sạch nhằm nâng tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh, cụ thể:
+ Phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức triển
khai tập huấn, cập nhật thông tin Bộ chỉ số theo dõi đánh giá nước sạch và vệ
sinh môi trường nông thôn. Kết quả, đến cuối năm 2020, tỷ lệ dân số sử dụng nước
sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 98% - đạt theo kế hoạch đề ra.
+ Kiểm tra cơ sở kinh doanh nước sinh hoạt nông
thôn, thực hiện quan trắc định kỳ chất lượng nguồn nước sinh hoạt nông thôn
trên địa bàn tỉnh. Kết quả đánh giá với 200 mẫu nước thực hiện quan trắc có 83%
nguồn quan trắc có chất lượng tốt, đạt tất cả 14 chỉ tiêu theo yêu cầu của quy
chuẩn QCVN 02:2009/BYT về chất lượng nước sinh hoạt. Thông qua các hoạt động
trên đã tuyên truyền, vận động đến người dân về lợi ích của nước sạch. Năm
2020, đưa tỷ lệ dân số sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 98%.
i) Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông
thôn mới
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X
nhiệm kỳ 2015-2020: đề ra mục tiêu đến năm 2020, toàn tỉnh có 50% (46/92) số xã
đạt chuẩn nông thôn mới. Kết quả: đến hết năm 2020, có 60 xã đạt chuẩn nông
thôn mới (không tính xã Tiến Thành và xã Tân Khai chuyển thành phường, thị trấn),
đạt 66,67%; 03 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới (TP. Đồng Xoài, thị xã
Phước Long, thị xã Bình Long); tỉnh không còn xã đạt dưới 8 tiêu chí.
g) Kết quả thực hiện một số tiêu chí theo Quyết
định số 678/QĐ-TTg ngày 19/05/2017 của Thủ tướng Chính phủ
Kết quả thực hiện Quyết định số 753/QĐ-UBND ngày
23/03/2021 của UBND tỉnh về việc phê duyệt kết quả thực hiện các tiêu chí như
sau:
- Tiêu chí số 9 - Tỷ lệ giá trị sản phẩm NLTS được
sản xuất dưới hình thức hợp tác và liên kết: Chỉ tiêu với miền Đông Nam Bộ ≥20%
(năm 2017 đạt 21,77%, năm 2018 đạt 25,12%, năm 2019 đạt 32,01%, năm 2020 đạt
28,19%).
- Tiêu chí số 10 - Tỷ lệ giá trị sản phẩm NLTS được
sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt (GAP) hoặc tương đương: Chỉ tiêu với
Miền Đông Nam bộ ≥10% (năm 2017 đạt 17,04 %, năm 2018 đạt 18,98%, năm 2019 đạt
25,75%, năm 2020 đạt 22,46%).
- Tiêu chí số 11 - Tỷ lệ diện tích sản xuất nông
nghiệp được tưới tiết kiệm nước: Chỉ tiêu với miền Đông Nam Bộ ≥15% (năm 2017 đạt
1,87%, năm 2018 đạt 1,85%, năm 2019 đạt 1,9%, năm 2020 đạt 2,21%). Chỉ tiêu này
không đạt: do diện tích đất nông nghiệp lớn, chủ yếu là Cao su. Mô hình này chỉ
mới tập trung vào các dự án, diện tích chuyển đổi mới cho cây ăn trái, rau, Hồ
tiêu, Ca cao... Bên cạnh đó, nguồn vốn ngân sách hỗ trợ hàng năm ít, khoảng 02
tỷ đồng trên toàn tỉnh nên chủ yếu dừng lại ở mô hình. Với các hộ dân thì nguồn
vốn lớn, sản xuất chưa bền vững nên không mặn mà đầu tư.
- Tiêu chí số 12 - Tỷ lệ rừng sản xuất được quản lý
bền vững có xác nhận: Chỉ tiêu với miền Đông Nam Bộ ≥30% (năm 2017 đạt 3,22%,
năm 2018 đạt 3,1%, năm 2019 đạt 3,11%, năm 2020 đạt 6,59%). Chỉ tiêu này không
đạt: Lý do: Chủ yếu các chủ rừng, doanh nghiệp tự đề xuất và do các tổ chức
không thuộc cơ quan nhà nước xác nhận làm cơ sở đầu ra của sản phẩm từ rừng (phục
vụ cho xuất khẩu) nên nội dung này cơ bản chưa được quan tâm.
- Tiêu chí số 13 - Tỷ lệ nông dân được đào tạo nghề
nông nghiệp: Chỉ tiêu với miền Đông Nam Bộ ≥49% (năm 2017 đạt 48%, năm 2018 đạt
52%, năm 2019 đạt 56%, năm 2020 đạt 58%).
- Tiêu chí số 14 - Tỷ lệ nữ trong số nông dân được
đào tạo nghề nông nghiệp: Chỉ tiêu với miền Đông Nam Bộ ≥40% (năm 2017 đạt
30,18%, năm 2018 đạt 22,9%, năm 2019 đạt 24,46%, năm 2020 đạt 24,68%): Chỉ tiêu
này không đạt. Lý do: Các khu công nghiệp trong tỉnh mở rộng, nhu cầu sử dụng lực
lượng nhân công cao nhất là giới nữ. Do đó, ít người tham gia các lớp đào tạo
nghề nông nghiệp.
III. ĐÁNH GIÁ CHUNG
1. Thuận lợi
Bình Phước nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía
Nam, có khoảng 258,939 km đường biên giới giáp với Vương quốc Campuchia, là cửa
ngõ và là cầu nối của vùng Đông Nam bộ với Tây Nguyên và Vương quốc Campuchia.
Đây là điều kiện thuận lợi đối với phát triển kinh tế - xã hội nói chung và
nông nghiệp nói riêng. Cùng với các chính sách mở, ưu đãi, có tài nguyên phong
phú, quỹ đất dồi dào, thổ nhưỡng, khí hậu rất thuận lợi cho phát triển cây công
nghiệp, cây ăn trái đặc sản, hệ thống cơ sở hạ tầng đang được cải thiện mạnh mẽ;
các cây trồng, vật nuôi chủ lực được sản xuất tập trung đã và đang là thế mạnh
thu hút đầu tư; năng suất, chất lượng nông sản đều có lợi thế lớn cho sản xuất
nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn.
Sản xuất nông nghiệp đã hình thành được những vùng
chuyên canh cây lâu năm có quy mô lớn (Cao su, Điều, Hồ tiêu). Các loại nông sản
đa dạng, phong phú, được người tiêu dùng trong và ngoài nước đánh giá cao và
tin dùng về chất lượng, hương vị đặc trưng (như: Hạt Điều, sầu riêng, Bơ sáp Mã
Dưỡng và Bưởi Da Xanh). Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và sản xuất nông
nghiệp bảo đảm an toàn thực phẩm đã bước đầu hình thành và phát triển. Việc áp
dụng các quy trình kỹ thuật sản xuất theo các tiêu chuẩn trong nước, quốc tế, sản
xuất cho năng suất cao, chất lượng tốt và thân thiện với môi trường, thích ứng
với biến đổi khí hậu được quan tâm, triển khai thực hiện.
Công tác tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến cáo và
thanh tra, kiểm tra, đánh giá, phân loại các cơ sở sản xuất nông, lâm nghiệp được
các cơ quan chức năng của tỉnh thường xuyên thực hiện. Giá trị sản xuất ngành
nông nghiệp đều tăng qua các năm. Dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi cơ bản được
kiểm soát và phát hiện kịp thời.
Tỉnh luôn quan tâm và ban hành các chính sách ưu
đãi, khuyến khích nhằm hỗ trợ cho các HTX nông nghiệp, tổ hợp tác, trang trại;
liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa HTX nông nghiệp với các
doanh nghiệp; phê duyệt các ngành hàng sản phẩm nông nghiệp; thực hiện chính
sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản
phẩm trên địa bàn tỉnh và chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp sạch.
2. Khó khăn, hạn chế
a) Phát triển chưa bền vững
Do công tác quy hoạch thời gian qua chưa thật sự hiệu
quả; giá cả nông sản không ổn định, đứt gãy một số khâu, phụ thuộc nhiều vào thị
trường, việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng còn chậm, sản xuất chưa gắn với tín
hiệu của thị trường, bền vững; Nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất còn ít,
chưa tương xứng với tiềm năng của ngành Nông nghiệp[6].
Diện tích sản xuất nông nghiệp tham gia chuỗi liên
kết còn ít, tính liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp chưa bền vững. Các HTX
đa phần mới thành lập, quy mô nhỏ, bước đầu tiếp cận với phương thức hợp tác,
liên kết nên chưa có hiệu quả rõ rệt. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tham gia hoạt
động về chế biến, xuất khẩu Điều chỉ mới tập trung ở khâu gia công, chế biến Điều
nhập khẩu, rất ít các hoạt động đầu tư hỗ trợ nông dân xây dựng chuỗi, phát triển
vùng nguyên liệu[7]. Tiềm năng phát triển cây ăn quả (Sầu riêng,
Mít, Bưởi) lớn nhưng chưa được đầu tư tương xứng với tiềm năng, bình quân của
khu vực Đông Nam Bộ; việc tăng diện tích các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế
cao còn tự phát, manh mún, diện tích đất trồng lúa sử dụng không hiệu quả, nhất
là diện tích đất chỉ trồng được 01 vụ.
Đối với chăn nuôi: Tỷ lệ chăn nuôi chuồng hở, gia
công, trang trại còn chiếm tỷ lệ cao. Thu nhập chưa ổn định, vấn đề phát triển
chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường, bền vững chưa được quan tâm đúng mức, giá
trị liên kết thấp.
Diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền
vững đạt thấp. Một số diện tích rừng tự nhiên phân bố không tập trung, nên rất
khó quản lý bảo vệ. Tiến độ thực hiện trồng rừng thay thế trên diện tích bán ngập
chậm, chưa đạt kế hoạch được giao.
b) Giá trị sản xuất nông nghiệp chưa cao
Chưa có chiến lược lớn về thị trường, sản phẩm xuất
khẩu vẫn chủ đạo là sản phẩm thô, đầu tư chế biến, bảo quản sau thu hoạch chưa
được quan tâm, chú trọng[8]. Nguồn lực thu hút đầu tư vào tỉnh còn rất hạn
chế cả về số lượng và chất lượng. Vì vậy, giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân
trên 01 ha đất canh tác cây lâu năm đạt thấp: Điều 50-55 triệu/ha; Cao su 65-70
triệu/ha; Cà phê 75-80 triệu/ha; Hồ tiêu 150-160 triệu/ha. Mặt khác, do xuất
thô thiếu thương hiệu nên giá nông sản chủ yếu (Cà phê, Hồ tiêu, Cao su...) bán
giá thấp hơn giá bình quân của thế giới. Công nghiệp chế biến mới dùng lại ở
gia công nguyên liệu cho quá trình chế biến tinh ở quốc gia khác khiến Bình Phước
mới chỉ dừng ở vị trí là vùng nguyên liệu cho sản xuất, chế biến nông, lâm sản.
c) Trình độ khoa học công nghệ ứng dụng vào sản
xuất nông nghiệp
Việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật còn chậm, thiếu gắn
kết giữa các khâu sản xuất - thu mua - chế biến - bảo quản - tiêu thụ sản phẩm,
nhất là chế biến sâu, dẫn đến năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế chưa
cao. Giá trị gia tăng đem lại chưa tương xứng với tiềm năng. Công tác phát triển
thương hiệu, tiêu chuẩn, quy chuẩn chưa quyết liệt dẫn đến sự cạnh tranh sản phẩm
nông sản Bình Phước trên thị trường thấp so với tiềm năng của tỉnh. Thiếu sự
liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân nên nông dân chưa quan tâm đến sản xuất
theo các tiêu chuẩn như: VietGAP, GlobalGAP..., chưa thực hiện truy xuất nguồn
gốc; việc áp dụng cơ giới hóa lĩnh vực trồng trọt còn một số khó khăn và sản xuất
nông nghiệp nói chung quy mô còn nhỏ; đa số lao động nông nghiệp chưa qua đào tạo,
chuyên nghiệp.
d) Hợp tác, liên kết theo chuỗi trong sản xuất
Hợp tác, liên kết sản xuất còn nhiều hạn chế do quy
mô nhỏ, lỏng lẻo. Hầu hết chỉ liên kết ngang, hoạt động của các tổ chức sản xuất
đại diện cho nông dân như: Câu lạc bộ, tổ hợp tác, HTX chưa đi vào chiều sâu,
hiệu quả thấp, số HTX ứng dụng công nghệ cao, tiêu chuẩn có bước phát triển tốt,
hiệu quả nhưng vẫn còn thấp (có 51/199 HTX). Các chuỗi liên kết nhiều nhưng hiệu
quả còn ít so với tiềm năng nông nghiệp của tỉnh.
Hiện nay, các trang trại chăn nuôi chủ yếu là nuôi
gia công cho các Công ty chăn nuôi hoặc cho Công ty chăn nuôi thuê trại mà chưa
tham gia trực tiếp vào xây dựng chuỗi. Các Công ty đặt chủ sở trên địa bàn tỉnh
khác, do đó, chưa nâng cao được giá trị chăn nuôi của tỉnh. Với nhóm cây ăn quả
còn gặp nhiều khó khăn, bất cập trong phát triển logistic, hệ thống kho lạnh,
sơ chế, chế biến sâu, phát triển thương hiệu, thị trường, tiêu chuẩn theo chuỗi
đa giá trị.
đ) Cơ sở hạ tầng nông thôn chưa đáp ứng nhu cầu
sản xuất
Kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn như: Hệ thống
đường, điện đã có bước phát triển lớn. Tuy nhiên, chỉ đáp ứng được nhu cầu điện
sinh hoạt của Nhân dân, điện phục vụ sản xuất (điện 3pha) phục vụ phát triển
kinh tế nông thôn, nhà máy phải đầu tư chi phí lớn. Hệ thống tưới, tiêu ở một
vài nơi còn thiếu, yếu về mạng lưới và công suất. Đường giao thông mới đầu tư đến
trung tâm xã, chưa đến vùng sản xuất. Kết cấu hạ tầng phục vụ bảo quản, chế biến
(nhà kho, sân phơi, bến bãi...) còn kém phát triển. Công nghiệp chế biến nông sản
có quy mô nhỏ, công nghệ, thiết bị lạc hậu. Đầu tư cho các công trình thủy lợi,
hồ đập chưa đáp ứng về yêu cầu thâm canh và chuyển dịch cơ cấu trong cây trồng,
vật nuôi, nguồn nước. Mặt khác, các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh hầu hết
là công trình cỡ nhỏ, rất khó để có thể cấp nước lâu dài và bền vững cho nhu cầu
cấp nước sạch trong đời sống và sản xuất công - nông nghiệp ngày một tăng lên
theo quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hóa, đặc biệt là các huyện vùng phía
Tây và Đông Bắc.
Hệ thống dịch vụ cung ứng vật tư đầu vào, thu mua
nông sản do tư nhân thực hiện nên có lúc, có nơi vẫn còn bán, tiêu thụ hàng giả,
kém chất lượng, gian lận thương mại, đầu cơ, tích trữ, khan hiếm hàng cục bộ ảnh
hưởng đến năng suất, chất lượng nông sản và sức khỏe người sản xuất...
Số tiêu chí nông thôn mới đạt chuẩn cao nhưng chất
lượng một vài tiêu chí, nhất là các tiêu chí về cơ sở hạ tầng (do nguồn lực
còn thấp, thiếu quỹ đất để xây dựng các công trình công cộng, giá cả vật liệu
xây dựng, giá nhân công tăng quá cao...); các tiêu chí kinh tế, tổ chức sản
xuất thiếu bền vững.
e) Về xóa đói, giảm nghèo
Tuy tỷ lệ hộ nghèo giảm nhưng nguy cơ tái nghèo
cao, công tác giảm nghèo chưa được bền vững, việc xây dựng “làng quê thành nơi
đáng sống” còn nhiều bất cập.
3. Nguyên nhân
a) Nguyên nhân khách quan
Biến đổi khí hậu đang có xu hướng gia tăng, giai đoạn
này đã xảy ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, mưa trái mùa, gió lốc, mưa
lũ lớn, hạn hán kéo dài gây ra thiệt hại sản xuất nông nghiệp và đời sống người
dân.
Tình trạng dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi diễn
biến phức tạp và thường xuyên trên cây Cao su, Hồ tiêu, đặc biệt là bọ xít muỗi
gây hại trên cây Điều vụ mùa 2016-2017 đã làm năng suất Điều giảm còn 07 tạ/ha.
Các loại bệnh trên vật nuôi như: Lở mồm long móng, Heo tai xanh... Nhiều loại dịch
bệnh mới phát sinh gây hại như: Dịch tả lợn Châu Phi, sâu keo mùa thu, Cúm gia
cầm có nhiều biến chủng. Dịch Covid-19 ảnh hưởng đến sản xuất, cung ứng, tiêu
thụ nông sản. Riêng đối với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi năm 2019 đã lây lan trên
cả nước, nhiều đàn heo bị tiêu hủy hoàn toàn khiến nông dân mất hết tài sản, thậm
chí còn nợ vốn vay chăn nuôi.
Thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản chưa được
khai thác tốt, thiếu ổn định và tính rủi ro cao. Chưa tạo dựng được thương hiệu
uy tín trên thị trường.
b) Nguyên nhân chủ quan
Công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch, quản lý giám
sát, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với quy hoạch chưa hiệu quả, đặc biệt
là công tác kiểm tra, giám sát sau khi quy hoạch được phê duyệt không được triển
khai đồng bộ do thiếu nguồn vốn đầu tư. Ý thức tham gia thị trường của Nhân dân
còn yêu, luôn chạy theo giá cả thị trường, dẫn đến một số quy hoạch bị phá vỡ.
Vì vậy, mặc dù các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về thủy lợi, NLTS đều đã được
phê duyệt nhưng đã xuất hiện những bất cập và không phù hợp với tình hình thực
tế. Hiện nay, theo Luật Quy hoạch năm 2017: các quy hoạch ngành, lĩnh vực gần
như không được thực hiện, trong khi quy hoạch chung của toàn tỉnh cho các giai
đoạn chưa được ban hành, dẫn đến việc ngành Nông nghiệp triển khai các công tác
chủ yếu dựa vào kế hoạch hàng năm, sự kết nối tầm nhìn dài hạn chưa được sâu.
Các chính sách hỗ trợ ngành Nông nghiệp và PTNT của
Trung ương được ban hành nhưng nguồn lực để thực hiện còn nhiều hạn chế. Tỉnh
hiện có chính sách hỗ trợ riêng cho nông nghiệp như: Nghị quyết số
07/2019/NQ-HĐND ngày 05/7/2019 của HĐND tỉnh quy định chính sách khuyến khích
phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh
Bình Phước; Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND ngày 12/7/2023 sửa đổi, bổ sung một số
điều của Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND ngày 05/7/2019 của HĐND tỉnh quy định về
chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa
bàn tỉnh Bình Phước; chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp sạch trên địa bàn tỉnh
Bình Phước đang được triển khai. Tuy nhiên, chưa ban hành được các chính sách
nông nghiệp đặc thù riêng, đặc thù để kích cầu, thúc đẩy phát triển sản xuất
trong tỉnh.
Vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn chưa tương xứng
với vị trí, vai trò, tiềm năng, thấp hơn rất nhiều so với nhu cầu phát triển của
ngành và chưa tương xứng so với các ngành khác, vốn từ Nhân dân không nhiều, đa
số các hộ dân không đủ điều kiện đầu tư dài hạn để thâm canh, thay đổi phương
thức canh tác.
Năng lực tiếp cận công nghệ của người nông dân còn
thấp, nhiều nông dân vẫn dựa trên kinh nghiệm, phương thức truyền thống. Công
tác Khuyến nông - Khuyến ngư tuy được quan tâm nhưng hệ thống Khuyến nông có chất
lượng (cấp tỉnh, huyện) đã bị sáp nhập, cấp xã không còn duy trì theo hệ thống[9]
nên khó khăn trong công tác hướng dẫn đại trà.
Nguồn nhân lực được đào tạo để phục vụ cho quản lý,
sản xuất, kinh doanh nông nghiệp còn thiếu nên tổ chức sản xuất chưa đạt hiệu
quả, thiếu liên kết. Nhận thức của một bộ phận cán bộ về vị trí và yêu cầu phát
triển Nông nghiệp và nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa chưa
đúng, đủ.
Công tác quản lý về giống vật nuôi, cây trồng, phân
bón, thuốc bảo vệ thực vật chưa được quản lý chặt chẽ. Vai trò của cơ quan nhà
nước chưa được thể hiện rõ; các chế tài về kinh doanh, sản xuất giống, phân
bón, thuốc bảo vệ thực vật chưa đủ mạnh để có thể kiểm soát. Công tác thanh
tra, kiểm tra chưa được thường xuyên liên tục, sự phối hợp tổ chức thực hiện giữa
ngành và UBND cấp huyện có nơi, có lúc còn thiếu đồng bộ. Nông dân còn lạm dụng
các loại thuốc kích thích, thuốc bảo vệ thực vật... và không tuân thủ các quy
trình sản xuất.
Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng chưa thật
sự bền vững, diện tích đất phù hợp để phát triển các loài cây có giá trị kinh tế
cao. Tuy nhiên, ngân sách tỉnh không đủ để bố trí vốn cho một số dự án phục vụ
mục tiêu quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và trồng rừng thay thế. Đối với việc
trồng rừng thay thế tại vùng bán ngập (lòng hồ Thủy điện Thác Mơ) phải có giấy
phép của Bộ Công Thương nên công tác trồng rừng bán ngập thực hiện còn chậm.
Công tác nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ
chưa kịp thời, chưa tạo bước đột phá trong nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Một số lĩnh vực đã có công nghệ mới nhưng chậm hoặc ít được chuyển giao vào sản
xuất.
Công tác xây dựng chiến lược thương hiệu, sản phẩm
chủ lực của tỉnh; tiêu chuẩn, chất lượng; sự quan tâm đến phát triển thị trường,
chế biến sâu gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ... chưa tương xứng với tiềm
năng của tỉnh.
4. Cơ hội, thách thức
Trong thập niên tới, trước diễn biến phức tạp của
kinh tế thế giới, địa chính trị thì thị trường nông sản thế giới diễn biến khó
lường. Mặt khác, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu toàn cầu và các cam kết
của nước ta với các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), thế hệ mới, các tổ chức
kinh tế đa phương, COP 26... do đó nông sản của tỉnh có nhiều cơ hội mở rộng thị
trường. Ngành nông nghiệp cần phải có sự thay đổi cơ bản về tư duy, nhận thức để
bắt kịp với xu hướng đó. Trong đó, xu thế chuyển dịch từ “sản xuất nông nghiệp”
sang “kinh tế nông nghiệp”, sản xuất cái mình có sang sản xuất cái thị trường cần
thích ứng với biến đổi khí hậu, thân thiện với môi trường, biến làng quê thành
“nơi đáng sống”; đa giá trị đang tạo ra sự thay đổi trong quản lý, đòi hỏi sự
đa dạng trong phát triển, sản xuất. Chú trọng đến phát triển cụm ngành - chuỗi
đa giá trị, chuyển từ đơn ngành sang đa ngành, liên vùng phát triển giá trị đa
tích hợp của hàng nông, lâm, thủy sản (kinh tế, xã hội, văn hóa bản địa, cảnh
quan, môi trường).
Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ về
gen, kiểm soát sâu bệnh và dịch bệnh, công nghệ bảo quản, chế biến, công nghệ số,
AI... tạo cơ hội để tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ quản lý của
các nước tiên tiến.
Diện tích đất nông nghiệp giảm nhanh, cùng hiện tượng
chuyển dịch lao động từ khu vực nông nghiệp, nông thôn sang công nghiệp, xây dựng,
dịch vụ; Biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất nông nghiệp,
đặc biệt là hạn hán và mưa trái mùa.
Đối với các nông sản chủ lực (Cao su, Điều, Hồ
tiêu) phải đối mặt với tình trạng cung vượt cầu có thể tiếp diễn, như: sự gia
tăng đáng kể mức dự trữ tồn kho Hồ tiêu ở các nước sản xuất Hồ tiêu trên thế giới;
cây Điều sẽ tiếp tục tăng năng suất nhờ các chính sách cải tạo giống và vùng trồng
nhưng sức ép từ sản phẩm nước ngoài, cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn
thay thế sẽ ngày càng lớn, thị trường quốc tế tăng trưởng chậm; Cà phê dự đoán
nhu cầu tăng, sản lượng Cà phê của các nước sản xuất lớn như: Việt Nam, Ấn Độ,
Indonesia sẽ không đủ để ổn định thị trường. Vì vậy, tồn kho Cà phê toàn cầu sẽ
giảm. Ngành cây ăn quả nhu cầu thị trường trong nước, thị trường Trung Quốc, Mỹ,
EU tăng trưởng ổn định và tiếp tục là thị trường chủ lực của giai đoạn 2021 -
2025; thị trường xuất khẩu có thể được khai thác mạnh mẽ hơn trong giai đoạn
2025 - 2030.
PHẦN
THỨ BA
QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU, ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI THỰC HIỆN ĐỀ
ÁN
I. Quan điểm và mục tiêu
1. Quan điểm
Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp trên cơ sở phát huy lợi
thế, thế mạnh nông nghiệp, khí hậu, thổ nhưỡng, đất đai của tỉnh; gắn với hiệu
quả kinh tế, đa dạng hệ sinh thái nông nghiệp, môi trường bền vững, tích hợp đa
giá trị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh nông sản; góp
phần bảo đảm an ninh lương thực, an toàn thực phẩm, an ninh nguồn nước, bảo vệ
môi trường bền vững; khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ, tuần
hoàn, xanh, thân thiện, thích ứng với môi trường. Chuyển mạnh từ sản xuất nông
nghiệp sang kinh tế nông nghiệp gắn với thị trường, đa giá trị. Phát huy lợi thế,
thế mạnh địa phương, đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu
hoạch, xây dựng thương hiệu (tỉnh, địa phương) và thị trường tiêu thụ. Tổ chức
lại sản xuất, kinh doanh nông nghiệp dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ,
chuyển đổi số, cách mạng công nghiệp 4.0, trong tất cả các khâu của nông nghiệp
và khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc
an ninh lương thực.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo động lực mới cho
phát triển nông nghiệp. Huy động, phát huy tối đa các nguồn lực để đầu tư, cải
tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn; thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp,
HTX đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh gắn với vùng nguyên liệu; khơi dậy
phong trào khởi nghiệp, sáng tạo của mọi thành phần kinh tế - xã hội nhằm tạo
nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người sản xuất, khu vực nông thôn gắn với xây
dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và an sinh xã hội.
2. Mục tiêu
2.1. Mục tiêu chung
Phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng,
giá trị gia tăng, nâng cao thu nhập cho người sản xuất và năng lực cạnh tranh sản
phẩm; góp phần bảo đảm ATTP, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, bảo vệ môi
trường, sức khỏe cộng đồng; xây dựng nên Nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô
lớn, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại và đẩy mạnh phát triển nông nghiệp
sạch, nông nghiệp hữu cơ, NNUDCNC, nông nghiệp tuần hoàn gắn với nhu cầu thị
trường.
2.2. Mục tiêu cụ thể
a) Giai đoạn 2021-2025
- Tốc độ tăng trưởng ngành Nông nghiệp bình quân đạt
3%/năm.
- Tốc độ tăng năng suất lao động NLTS đạt bình quân
7,0%/năm. Thu nhập của dân cư nông thôn tăng 1,5 lần so với năm 2020.
- Tỷ lệ giá trị sản phẩm Nông nghiệp được sản xuất
theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt hoặc tương đương[10]
đạt trên 10% đối với sản phẩm trồng trọt và 90% đối với sản phẩm chăn nuôi.
- Tốc độ tăng giá trị gia tăng công nghiệp chế biến
nông sản đạt trên 8,0%/năm[11].
- Tỷ lệ che phủ rừng và cây lâu năm đạt 71,7%.
b) Giai đoạn 2025-2030
- Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân đạt
2%/năm.
- Tốc độ tăng năng suất lao động NLTS đạt bình quân
6,0%/năm. Thu nhập của dân cư nông thôn tăng 2,5 lần so với năm 2020.
- Tỷ lệ giá trị sản phẩm Nông nghiệp được sản xuất
theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt hoặc tương đương[12]
đạt trên 15% đối với sản phẩm trồng trọt và 95% đối với sản phẩm chăn nuôi.
- Tốc độ tăng giá trị gia tăng công nghiệp chế biến
nông sản đạt trên 10%/năm.
- Tỷ lệ che phủ rừng và cây lâu năm đạt 65%.
II. Đối tượng và phạm vi thực
hiện
1. Đối tượng
Các đối tượng liên quan trực tiếp và gián tiếp đến
ngành Nông nghiệp (Nông nghiệp được hiểu theo nghĩa rộng bao gồm các lĩnh vực:
Trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản, PTNT).
2. Phạm vi
Các đối tượng được nêu tại phần đối tượng và địa
bàn tỉnh Bình Phước.
PHẦN
THỨ TƯ
NHIỆM VỤ CỦA ĐỀ ÁN
I. Thực hiện cơ cấu lại sản phẩm
Nông nghiệp
1. Trồng trọt
Cơ cấu lại sản phẩm trong lĩnh vực trồng trọt theo
hướng giảm dần diện tích đất trồng cây công nghiệp lâu năm, cụ thể: Giảm 16,8%,
tập trung loại cây như: Cà phê giảm 43% diện tích, Hồ tiêu giảm 28% diện tích,
Cao su giảm 19,4% diện tích, Điều giảm 9,1%, diện tích cây ăn quả tăng 60,83%,
rau màu các loại tăng 19,62%, gồm:
a) Cây Cao su
Chuyển một phần diện tích Cao su sang phát triển công
nghiệp, NNUDCNC. Đến năm 2025, tổng diện tích Cao su toàn tỉnh 225.000 ha, diện
tích cho thu hoạch trên 185.000 ha, năng suất 1,9 tấn/ha. Năm 2030, tổng diện
tích khoảng 200.000 ha, diện tích cho thu hoạch trên 165.000 ha, năng suất 2,2
tấn/ha. Tập trung phát triển tại các huyện: Bù Gia Mập, Bù Đăng, Phú Riềng, Đồng
Phú, Lộc Ninh, Hớn Quản.
Sử dụng các giống có năng suất mủ cao, đa mục đích,
phát triển theo hướng mủ - gỗ theo khuyến cáo của Tập đoàn Công nghiệp Cao su
Việt Nam.
Đẩy mạnh tái canh vườn cây hết tuổi khai thác và
thâm canh những vườn cây hiện có để nâng cao năng suất, chất lượng mủ, gỗ Cao
su.
b) Cây Điều
Chuyển một phần diện tích sang cây trồng khác và tập
trung phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị để phục vụ tiêu dùng
trong nước và xuất khẩu. Diện tích đến năm 2025 là 145.000 ha, năng suất 1,57 tấn/ha.
Đến năm 2030 là 138.000 ha, năng suất 1,88 tấn/ha. Ổn định vùng sản xuất Điều,
tiếp tục đầu tư cho 04 vùng trồng chính gồm: Bù Gia Mập, Bù Đăng, Phú Riềng, Đồng
Phú.
Tập trung nguồn lực thực hiện thành công Nghị quyết
số 11-NQ/TU ngày 15/4/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển ngành Điều
Bình Phước giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn đến năm 2030, trong đó, chú trọng:
+ Canh tác:
* Giống: Ưu tiên phát triển các giống mới do Bộ
Nông nghiệp và PTNT công nhận hoặc chọn lọc tại địa phương năng suất 2,5-4,5 tấn/ha
vào sản xuất.
* Kỹ thuật: Sử dụng các biện pháp thâm canh, xen
canh tăng năng suất, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng, đủ.
+ Tổ chức sản xuất: Thúc đẩy phát triển các hình thức
hợp tác, liên kết trong sản xuất, chế biến, ưu tiên hình thức HTX.
+ Chế biến: Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển vùng
nguyên liệu, xây dựng thương hiệu góp phần ổn định cho người dân trồng Điều.
Duy trì, ổn định ngành chế biến chú trọng đến chế biến sâu, gia tăng giá trị
các sản phẩm từ Điều.
+ Đẩy mạnh xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng, phát
triển nhanh liên kết, đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, xây dựng thương hiệu,
tiêu chuẩn gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ.
b) Cây Hồ tiêu
Chuyển một phần diện tích sang cây trồng khác và giảm
diện tích canh tác, đi vào chiều sâu, nâng cao chất lượng, đảm bảo ATTP, sản xuất
bền vững. Đến năm 2025, ổn định diện tích 13.000ha, năng suất 2,1 tấn/ha. Đến
năm 2030, diện tích 10.000 ha, năng suất 2,5 tấn/ha. Tăng diện tích trồng xen,
giảm diện tích trồng thuần để giảm áp lực về sinh vật gây hại. Xây dựng vùng sản
xuất Hồ tiêu tập trung, an toàn và chất lượng gắn với đầu tư các cơ sở chế biến,
phát triển tại các vùng trồng tập trung như: Lộc Ninh, Bù Đốp, Hớn Quản, Bù
Đăng, Bù Gia Mập, Phú Riềng. Sử dụng các giống có chất lượng cao, ít sâu bệnh,
thích ứng với điều kiện sản xuất của địa phương như: Tiêu Ấn Độ, Vĩnh Linh.
d) Cây Cà phê
Chuyển một phần diện tích sang cây trồng khác và giảm
dần diện tích đến năm 2025 là 12.000ha, năng suất 2,4 tấn/ha. Đến năm 2030, diện
tích giảm còn 8.000 ha, năng suất 2,6 tấn/ha. Đẩy mạnh tái canh và ghép cải tạo
các vườn Cà phê già cỗi; thực hiện trồng xen cây công nghiệp, cây ăn quả lâu
năm với những vùng Cà phê tái canh có đủ điều kiện tập trung tại một số huyện:
Bù Đăng, Bù Gia Mập, Phú Riềng... Tập trung sử dụng các giống Cà phê với phù hợp
với vùng Đông Nam Bộ như: TR4- TR9,TR11, TR12, TR13. Ngoài ra, có thể sử dụng
các giống hạt lai có năng suất, chất lượng tốt khác.
đ) Cây ăn quả
Mở rộng diện tích từ các loại cây trồng khác chuyển
đổi qua từ 12.342 ha (năm 2020) lên 17.000 ha vào năm 2025; đến năm 2030 đạt
20.000 ha. Tập trung vào thâm canh diện tích các cây ăn quả có triển vọng, kinh
tế cao, lợi thế như: sầu Riêng, Chuối, Bưởi, Mít, Xoài... Tích cực mở rộng liên
kết vùng, rải vụ thu hoạch và liên kết sản xuất gắn với thị trường. Phát triển ở
các vùng trồng tập trung và có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, đất đai thuận lợi,
phù hợp trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố, cụ thể:
+ Sầu Riêng: Tại các huyện, thị xã, thành phố: Bù
Đăng, Phú Riềng, Bù Gia Mập, Lộc Ninh, Hớn Quản, Phước Long, Chơn Thành, Bù Đốp.
+ Chuối: Tại các huyện, thị xã: Đồng Phú, Chơn
Thành, Hớn Quản, Bình Long, Phú Riềng.
+ Bưởi Da xanh: Tại các huyện, thị xã: Lộc Ninh, Bù
Đốp, Đồng Phú, Bù Gia Mập, Phú Riềng, Bù Đăng, Chơn Thành, Phước Long, Hớn Quản.
+ Mít: Tại các huyện, thị xã, thành phố: Lộc Ninh,
Bù Đốp, Bù Đăng, Bù Gia Mập, Bình Long, Hớn Quản, Chơn Thành, Đồng Xoài.
+ Nhãn: Tại các huyện, thị xã, thành phố: Bình
Long, Lộc Ninh, Đồng Xoài, Hớn Quản.
+ Chôm Chôm: Tại các huyện: Bù Đăng, Lộc Ninh, Bù Đốp,
Hớn Quản.
+ Bơ: Tại các huyện, thị xã: Phú Riềng, Lộc Ninh,
Bù Đăng, Bù Gia Mập, Bình Long.
Sử dụng các giống cây ăn quả có năng suất, chất lượng
cao, thị trường ưa chuộng như: Sầu Riêng RI6, sầu Riêng Dona; Xoài cát, Xoài Tứ
Quý; Nhãn Xuồng Cơm Vàng, Nhãn Thái; Bưởi Da Xanh, Quýt Đường, Cam Sành; Chôm
Chôm Nhãn, Chôm Chôm Thái; Mít Lá Bàng, Mít Siêu Sớm; Bơ Sáp Mã Dưỡng...
e) Cây dược liệu
Thí điểm, nhân rộng một số cây dược liệu nhằm tạo
vùng trồng ứng dụng công nghệ cao gắn với tiêu thụ sản phẩm với diện tích 100
ha như: Bạc Hà, Húng Chanh, Hương Nhu, Tía Tô, Sả Chanh, Bạch Đàn Sả Chanh,
Tràm Trà, Hoài Sơn, Sâm Bố Chính, Ích Mẫu... trên địa bàn các huyện: Bù Gia Mập,
Phú Riêng, Hớn Quản, Đông Phú và Bù Đăng.
f) Lúa
Đảm bảo cung cấp, đáp ứng một phần nhu cầu lương thực,
an ninh lương thực tại chỗ, nhất là vùng đồng bào dân tộc. Đến năm 2025, diện
tích đất lúa 5.907 ha, năng suất bình quân 3,5 tấn/ha; đến năm 2030, duy trì và
ổn định 5.493 ha, năng suất 3,65 tấn/ha. Duy trì các diện tích lúa có hiệu quả,
vùng trồng tập trung tại huyện: Bù Đăng (cánh đồng xã Đăng Hà), Bù Đốp (cánh đồng
xã Tân Tiến, Hưng Phước, Thanh Hòa), Lộc Ninh (cánh đồng xã Lộc Khánh, Lộc
Hưng, Lộc Quang, Lộc Thành).
Sử dụng các giống năng suất, chất lượng cao được thị
trường ưa chuộng, kháng sâu bệnh, có thời gian sinh trưởng ngắn ngày như:
OM5451, OM4900, Đài thơm 8, ST 24, ST 25...
Chuyển một phần diện tích đất Lúa kém hiệu quả sang
các loại cây hàng năm, cây lâu năm, kết hợp nuôi trồng thủy sản tại các vùng đất
phù hợp.
g) Khoai Mỳ
Chủ yếu trồng xen dưới tán các cây trồng khác hoặc
diện tích Cao su trồng mới nên có xu hướng giảm diện tích giữ mức 4.000 ha, chủ
yếu tập trung trồng xen, lựa chọn giống có năng suất cao, kháng bệnh hiệu quả.
h) Cây rau, thực phẩm khác
Phát triển các vùng rau tập trung, góp phần đảm bảo
nhu cầu của Nhân dân trong tỉnh và cung cấp một phần cho các tỉnh lân cận, góp
phần tham gia vào chuỗi tiêu thụ an toàn với Thành phố Hồ Chí Minh, chuỗi siêu
thị và hệ thống cửa hàng Bách Hóa Xanh. Đến năm 2025, diện tích 4.500 ha, năng
suất 8,5 tấn/ha. Năm 2030, diện tích 5.000 ha, năng suất 10 tấn/ha. Tập trung sản
xuất tại các huyện, thị xã, thành phố: Hớn Quản, Phú Riềng, Đồng Xoài, Đồng
Phú, Bù Đăng, Bình Long.
Áp dụng quy trình VietGAP để nâng cao năng suất, chất
lượng, đảm bảo ATTP và gia tăng giá trị. Xây dựng các mô hình trồng rau áp dụng
CNC tại các vùng quy hoạch CNC ở các địa phương và khu NNUDCNC. Hình thành các
vùng sản xuất rau chuyên canh gắn với sơ chế, chế biến và tiêu thụ. Xây dựng
chuỗi liên kết sản xuất, sơ chế và tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn tỉnh. Phấn
đấu đến năm 2030, diện tích trồng rau CNC 200 ha, ưu tiên cho các dự án đầu tư
vào vùng NNUDCNC của tỉnh; trên 50% diện tích rau chuyên canh sản xuất theo quy
trình VietGAP.
(Có Bảng 3 chi tiết
đính kèm)
2. Chăn nuôi
a) Chuyển dịch cơ cấu ngành chăn nuôi
Đưa tỷ trọng chăn nuôi chiếm khoảng 25% vào năm
2025 và 30% năm 2030 trong giá trị sản xuất nông nghiệp. Tạo bước chuyển đổi
nhanh và bền vững về hình thức chăn nuôi. Phát triển chăn nuôi trang trại theo
hướng CNC, liên kết chuỗi, từ chăn nuôi đến giết mổ, chế biến, tiêu thụ, đảm bảo
an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y; không chăn nuôi trong đô thị, giảm dần chăn
nuôi nhỏ lẻ, phân tán. Tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, năng suất cao,
chất lượng tốt, sức cạnh tranh cao, tăng giá trị gia tăng; đẩy mạnh chăn nuôi
theo hướng bán công nghiệp và công nghiệp trên 90% tổng đàn đối với gia cầm,
trên 96% đối với heo.
Xây dựng vùng chăn nuôi ATDB. Xây dựng giải pháp kỹ
thuật kiểm soát và hạn chế tối đa ô nhiễm do trang trại chăn nuôi quy mô lớn
gây ra.
b) Cơ cấu lại quy mô đàn và vật nuôi
- Đàn Heo: Tăng tổng đàn lên 2,7 triệu con vào năm
2025 và đạt 3,2 triệu con vào năm 2030. Phát triển chăn nuôi theo hướng công
nghiệp, với 96% được nuôi theo phương thức công nghiệp, bán công nghiệp. Sản lượng
xuất chuồng đến năm 2025 ước đạt 325.000 tấn, đến năm 2030 ước đạt 528.883 tấn.
Đồng thời, mở rộng quy mô đàn heo chăn nuôi theo hướng hữu cơ, truyền thống với
các giống heo bản địa. Trọng tâm phát triển tại các huyện có lợi thế về đất
đai, mật độ chăn nuôi thấp, có nhiều lợi thế. Hình thành và hoàn thiện các chuỗi
giá trị trong sản xuất heo thịt, trong đó: có chuỗi sản xuất heo thịt với công
suất giết mổ 374.400 con heo/năm và công suất chế biến sâu các sản phẩm từ heo
lên 1.000 tấn/năm của Công ty TNHH Japfa Coomfeed Việt Nam.
- Đàn gia cầm: Tăng tổng đàn gia cầm lên 18 triệu
con vào năm 2025 và 32 triệu con năm 2030. Phát triển chăn nuôi gia cầm theo
phương thức công nghiệp, với 90% được nuôi theo phương thức công nghiệp. Tiếp tục
phát triển chuỗi liên kết xuất khẩu[13]. Sản lượng xuất chuồng ước đạt
546.198 tấn vào năm 2025 và 843.611 tấn vào năm 2030. Sản lượng trứng ước đạt
1.150 triệu quả vào năm 2025 và 1.728 triệu quả vào năm 2030. Khu vực phát triển:
Tại các huyện, thị xã: Hớn Quản, Bình Long, Chơn Thành, Đồng Phú, Bù Đăng.
- Đàn Trâu, Bò, Dê: duy trì đàn Trâu, Bò khoảng
52.000 con, đàn Dê khoảng 150.000 con. Ứng dụng KHKT tăng thể trạng, tầm vóc,
năng suất, chất lượng; phát triển các mô hình chăn nuôi kết hợp trồng trọt, mô
hình sản xuất chăn nuôi, trồng trọt hữu cơ, tuần hoàn. Trọng tâm phát triển tại
các huyện có lợi thế về đất đai, mật độ chăn nuôi thấp như: Bù Gia Mập, Lộc
Ninh, Bù Đốp, Hớn Quản, Đồng Phú, Bù Đăng, Phú Riềng.
(Có Bảng 4 chi tiết
đính kèm)
c) Cơ cấu lại về giống vật nuôi
Tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp đầu tư các giống
Heo, Gà có chất lượng tốt, năng suất cao trên địa bàn tỉnh, đồng thời, phát triển
những giống có lợi thế của địa phương theo hướng sản xuất sản phẩm đặc trưng, đặc
sản của tỉnh.
d) Cơ cấu lại về phương thức sản xuất chăn nuôi
Phát triển chăn nuôi công nghiệp ứng dụng CNC,
ATDB, an toàn sinh học, chăn nuôi theo hướng hữu cơ, phát triển chăn nuôi con đặc
sản đặc trưng (Heo Rừng lai, Hươu, Nai, Dúi...) của địa phương, thúc đẩy liên kết
trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Đối với chăn nuôi nhỏ, lẻ, phân tán: Phát triển
chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường, ATDB, chú trọng phát triển chăn nuôi các
giống gia súc, gia cầm địa phương, đặc sản có chất lượng tốt, phù hợp với chăn
nuôi nông hộ, chăn nuôi hữu cơ; phát triển chăn nuôi chuỗi liên kết tổ hợp tác,
HTX.
đ) Chăn nuôi an toàn dịch bệnh
Phát triển chăn nuôi đảm bảo các điều kiện chăn
nuôi theo quy định, xây dựng các chuỗi sản xuất thịt Gà, Heo ATDB đạt các điều
kiện xuất khẩu, cụ thể:
- Đến năm 2030: 11 vùng cấp huyện được công nhận huyện
ATDB theo tiêu chuẩn Việt Nam, 06 huyện được công nhận ATDB theo tiêu chuẩn của
OIE. 100% cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô lớn được công nhận cơ sở an toàn dịch
bệnh, phát triển chuỗi chăn nuôi Heo, Gà an toàn sinh học hướng tới xuất khẩu.
- Khuyến khích phát triển chăn nuôi công nghiệp
theo hướng CNC, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường.
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động
chăn nuôi hướng dẫn, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.
e) Sản xuất chăn nuôi theo chuỗi liên kết (tổ hợp
tác, HTX)
Khuyến khích hình thành các tổ hợp tác, các HTX
liên kết các hộ sản xuất chăn nuôi nhỏ, lẻ, góp phần nâng cao năng suất, chất
lượng sản phẩm. Huy động tối đa nguồn lực thúc đẩy nâng cao sản lượng, đáp ứng
nhu cầu của thị trường, tăng giá trị sản xuất. Tiếp tục khuyến khích đầu tư
phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị, ATTP phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất
khẩu.
Đẩy mạnh liên kết chặt chẽ giữa “bốn nhà” (nông
dân, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà quản lý). Trong đó, liên kết chăn nuôi
giữa người dân với doanh nghiệp, thì doanh nghiệp là đơn vị cung ứng con giống,
thức ăn, hỗ trợ kỹ thuật, thuốc thú y và bao tiêu sản phẩm; người chăn nuôi xây
dựng chuồng trại, hệ thống xử lý chất thải theo yêu cầu, tổ chức sản xuất.
3. Lâm nghiệp
a) Cơ cấu diện tích và loại rừng
Thực hiện rà soát, tích hợp quy hoạch 03 loại rừng
trên địa bàn tỉnh vào quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia và quy hoạch tỉnh, phù
hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội địa phương.
Quản lý, bảo vệ rừng theo hướng phát triển bền vững
gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái. Thực hiện nghiêm
các chỉ tiêu về quy hoạch lâm nghiệp đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định
số 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022 của Chính phủ. Theo đó, tỉnh Bình Phước đến năm
2025, diện tích quy hoạch 03 loại rừng toàn tỉnh là 156.828 ha, trong đó, rừng
đặc dụng 31.348 ha, rừng phòng hộ 43.090 ha, rừng sản xuất khoảng 82.390 ha; đến
năm 2030, diện tích quy hoạch 3 loại rừng toàn tỉnh 147.547 ha, trong đó, rừng
đặc dụng 31.348 ha, rừng phòng hộ 43.090 ha, rừng sản xuất khoảng 73.109 ha.
b) Cơ cấu lại tổ chức, bộ máy hệ thống chủ rừng
Thực hiện kiện toàn lại tổ chức, bộ máy hệ thống chủ
rừng phù hợp với quy định pháp luật của Nhà nước và tình hình thực tế của địa
phương theo hướng: sắp xếp các Ban Quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng trực thuộc Sở
Nông nghiệp và PTNT; rà soát, sắp xếp, hợp nhất Ban Quản lý rừng phòng hộ Tà
Thiết vào Ban Quản lý rừng phòng hộ Lộc Ninh; chuyển giao diện tích đất lâm
nghiệp các Hạt Kiểm lâm đang quản lý về cho các Ban Quản lý rừng phòng hộ quản
lý theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
c) Về một số chỉ tiêu phát triển trong lĩnh vực
lâm nghiệp
- Phát triển rừng:
+ Đẩy mạnh công tác khoanh nuôi tái sinh, trồng rừng
sản xuất thâm canh, cây gỗ lớn, trồng rừng phòng hộ đầu nguồn sông, suối, hồ đập.
Điều chỉnh khoảng 1.000 ha diện tích đất bán ngập vào quy hoạch rừng phòng hộ
và thực hiện trồng mới trên diện tích này. Tiếp tục đảm bảo công tác trồng sau
khai thác phải song hành với việc khai thác rừng sản xuất là rừng trồng, tránh ảnh
hưởng xấu tới môi trường. Giai đoạn 2021 - 2030, kế hoạch trồng tái canh sau
khai thác chính là 3.532,6 ha, bình quân 353,26 ha/năm.
+ Hoàn thành nhiệm vụ của Đề án “Trồng một tỷ cây
xanh góp phần phát triển bền vững đất nước, giai đoạn 2021-2025” của của Thủ tướng
Chính phủ. Định hướng giai đoạn 2021-2030, tỉnh Bình Phước sẽ trồng 2,3 triệu
cây, trong đó, năm 2021 trồng 700 ngàn cây phân tán và tập trung, giai đoạn
2022-2030 sẽ trồng 1,6 triệu cây (bình quân là 178 ngàn cây/năm).
- Sử dụng rừng:
+ Tiếp tục thực hiện chủ trương đóng cửa rừng tự
nhiên đến năm 2030, không khai thác gỗ rừng tự nhiên; tập trung phát triển rừng
gỗ lớn, lâm sản ngoài số, đáp ứng cơ bản nhu cầu nguyên liệu cho ngành công
nghiệp chế biến gỗ và thị trường lâm sản; sản lượng nguyên liệu gỗ khai thác
hàng năm đạt khoảng 1,7 triệu m3.
+ Dịch vụ môi trường rừng: Rà soát, phát triển nguồn
thu các dịch vụ môi trường rừng để nâng cao thu nhập cho công tác quản lý bảo vệ
rừng và tái đầu tư vào phát triển lâm nghiệp.
+ Nghiên cứu, khai thác hợp lý lâm sản ngoài gỗ
trong rừng phòng hộ trên địa bàn các huyện Bù Gia Mập, Bù Đốp, để vừa đảm bảo
chức năng phòng hộ, vừa cung cấp nguyên liệu gỗ và lâm sản ngoài gỗ cho ngành
chế biến gỗ.
+ Triển khai Đề án quản lý, phát triển và nâng cao
hiệu quả kinh tế rừng gắn với phát triển du lịch. Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động
quản lý bảo vệ rừng gắn với phát triển du lịch sinh thái rừng theo hình thức
cho thuê rừng, thuê dịch vụ môi trường rừng tại các địa điểm có nhiều tiềm
năng, thế mạnh để phát triển du lịch như: Khu di tích lịch sử Căn cứ Bộ Chỉ huy
Miền Tà Thiết, Vườn Quốc Gia Bù Gia Mập, hồ thủy điện Cần Đơn, Trảng Cỏ Bù Lạch,
khu vực rừng tự nhiên tại huyện Đồng Phú giáp Chiến Khu D.
- Quản lý rừng: Quản lý, bảo vệ rừng toàn bộ diện
tích rừng tự nhiên rừng trồng theo hướng phát triển bền vững gắn với bảo tồn đa
dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái. Tập trung quản lý, bảo tồn và phát
triển rừng bền vững; hướng dẫn, thúc đẩy hoạt động cấp chứng chỉ rừng cho các
đơn vị chủ rừng Nhà nước, tư nhân cụ thể như sau:
+ Quản lý rừng bền vững: Đến năm 2025, hoàn thành
xây dựng phương án quản lý rừng bền vững đối với tất cả các đơn vị chủ rừng là
đơn vị nhà nước (143.824 ha). Đến năm 2030 tất cả diện tích trong quy hoạch 03 loại
rừng phải thực hiện xây dựng phương án quản lý rừng bền vững (147.457 ha).
+ Cấp chứng chỉ rừng: Thúc đẩy hoạt động cấp chứng
chỉ rừng cho các đơn vị chủ rừng Nhà nước, tư nhân giai đoạn 2021-2025 đạt
68.568 ha (diện tích trong quy hoạch 03 loại rừng là 16.375 ha; ngoài quy hoạch
03 rừng (do các công ty Cao su quản lý) là 52.193 ha) đạt tỷ lệ 30,59% trên diện
tích đơn vị đang quản lý. Giai đoạn 2026 - 2030 đạt 82.464 ha (trong diện tích
quy hoạch 03 loại rừng 30.232 ha; ngoài quy hoạch 03 loại rừng (do các công ty
Cao su quản lý) 52.232 ha) đạt tỷ lệ 36,79 % trên diện tích đơn vị đang quản
lý.
- Khai thác, chế biến gỗ:
+ Thúc đẩy hoạt động chế biến gỗ hướng tới xuất khẩu,
khuyến khích các doanh nghiệp tham gia chế biến các mặt hàng gỗ gia dụng có giá
trị.
+ Quy hoạch vùng nguyên liệu: Đảm bảo khoảng 5.000
ha rừng trồng gỗ nguyên liệu, nhằm tăng tính đa dạng nguồn nguyên liệu cho xuất
khẩu, hạn chế nhập khẩu gỗ từ nước ngoài.
+ Thực hiện các giải pháp tiến tới thúc đẩy thành lập
ít nhất 02 cụm công nghiệp chuyên về chế biến gỗ.
+ Nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ qua chế biến.
Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư dây chuyền thiết bị để sử dụng nguyên liệu
gỗ rừng trồng, gỗ Cao su, gỗ Điều và sản xuất sản phẩm xuất khẩu từ phế liệu,
mùn cưa, dăm gỗ.
4. Thủy sản
Đến năm 2025, sản lượng thủy sản ước đạt 4.900 tấn
và ổn định giá trị sản xuất đến năm 2030, duy trì bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại
các hồ chứa trên địa bàn tỉnh với diện tích 1.811 ha.
Tận dụng lợi thế mặt nước phát triển nuôi lông bè,
tại các hồ chứa nuôi mặt nước lớn, nhưng phải đảm bảo an toàn hồ đập và vệ sinh
môi trường. Bảo vệ diện tích ao nuôi truyền thông, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ
thuật, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Định hướng phát triển nuôi thủy sản hồ chứa, kết hợp
du lịch sinh thái, tập trung phát triển tại các xã có diện tích mặt nước lớn
trên địa bàn các huyện: Bù Đốp, Bù Gia Mập, Bù Đăng. Tăng cường quản lý, duy
trì nguồn lợi các loại thủy sản đặc sản của địa phương, như: Cá Lăng Nha, Cá
Lìm Kìm... xử lý những trường hợp vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ nguồn lợi
thủy sản.
5. Thủy lợi
Phát triển thủy lợi gắn với quy hoạch để phục vụ đa
mục tiêu cho sản xuất nông nghiệp; nuôi trồng thủy sản; cấp nước cho sinh hoạt
và công nghiệp; cụ thể: Đến năm 2025, góp phần đáp ứng tổng nhu cầu sử dụng nước
trên địa bàn tỉnh 3.346.351 m3/ngày đêm. Đến năm 2030, góp phần đáp ứng
tổng nhu cầu sử dụng nước trên địa bàn tỉnh là 3.810.506 m3/ngày
đêm. Nâng cấp 17 công trình thủy lợi; nâng cấp và phát triển mới hệ thống kênh
mương tưới nội đồng, với tổng chiều dài là 116,341km (trong đó: có 63,22 km đường
ống áp lực phục vụ tưới cho các loại cây công nghiệp và cây ăn quả). Nâng tổng
số công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh là 94 công trình (tăng mới 21 công
trình); diện tích phục vụ tưới thiết kế tăng khoảng 8.486 ha, tạo nguồn cấp nước
phục vụ sinh hoạt, công nghiệp khoảng 37.100 m3/ngày đêm. Trong đó,
diện tích phục vụ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước 6.876 ha, chủ yếu là cây ăn quả
như: Sầu riêng, Cam, Quýt, Nhãn và một số loại cây công nghiệp như: Hồ tiêu, Cà
phê...
Phân cấp quản lý các công trình thủy lợi, đẩy mạnh
tái cơ cấu và nâng cao hiệu quả hoạt động của Công ty TNHH MTV Dịch vụ Thủy lợi
Bình Phước và các tổ chức dùng nước trên địa bàn tỉnh.
Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động đối với đơn vị
quản lý, khai thác công trình thủy lợi và nước sinh hoạt. Đối với mô hình Công
ty TNHH MTV nhà nước quản lý, khai thác công trình thủy lợi. Cần tiếp tục đổi mới
phương thức hoạt động để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Đối với doanh nghiệp ngoài ngành quản lý công trình thủy lợi và UBND xã quản
lý, cần tổ chức quản lý hiệu quả công trình để phục vụ nhu cầu dùng nước trong
phạm vi công trình và đảm bảo an toàn công trình, nhất là trong mùa mưa lũ.
II. Nâng cao giá trị gia tăng
của sản phẩm, tăng năng suất lao động và ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi
số trong sản xuất
Tập trung sản xuất hàng hóa, kết hợp với đa dạng
sinh học, chất lượng cao, giá trị gia tăng cao, chú trọng đầu tư khâu sơ chế,
chế biến, bảo quản, chế biến; tăng cường ứng dụng các tiến bộ KHKT, công nghệ,
chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp.
Giảm tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động
xã hội; chuyển đổi nhanh cơ cấu và tỷ trọng lao động trong nông nghiệp; tăng cường
đào tạo lao động nông nghiệp thành “Nông dân chuyên nghiệp” trong cả sản xuất
và quản lý, điều hành.
Tăng cường ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại,
kết hợp với cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến và
bảo quản nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch. Ưu tiên số hóa, tự động hóa trong quản
lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
III. Tăng cường liên kết, phát
triển chuỗi giá trị, hệ sinh thái nông nghiệp
I. Chuỗi ngành hàng cây
công nghiệp
a) Cao su
Đẩy mạnh liên kết theo chuỗi đa giá trị sản phẩm từ
mủ cao su đến gỗ, mủ cao su thành phẩm, các loại cây trồng, vật nuôi dưới tán
cao su có giá trị gia tăng cao và cung ứng dịch vụ, sản phẩm chế biến sâu như:
Nệm, gối, găng tay, lốp xe ô tô, lốp xe máy, các sản phẩm phục vụ cho công nghiệp
cung cấp thị trường trong và ngoài nước, ưu tiên xuất khẩu.
b) Điều
Thúc đẩy hợp tác, liên kết sản xuất giữa người sản
xuất, HTX và doanh nghiệp gắn với sự hình thành và phát triển các nhà máy chế
biến điều nhằm đảm bảo vùng nguyên liệu có sản lượng ổn định, chất lượng cao, kết
hợp với phát triển các sản phẩm nông sản, đặc sản dưới tán điều. Đẩy mạnh, phát
triển thương hiệu “Hạt Điều Bình Phước” theo hướng đặc sản, đa giá trị, đa sản
phẩm; giảm áp lực cạnh tranh của hạt điều nhập khẩu, ưu tiên xuất khẩu, tiêu
dùng trong nước.
c) Hồ tiêu
Phát triển diện tích hồ tiêu trồng theo tiêu chuẩn
VietGAP, Rainforest Alliance, hữu cơ, đa dạng sinh học... theo liên kết chuỗi,
chế biến sâu đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
2. Chuỗi ngành hàng cây ăn
quả
Tập trung sản xuất theo hướng sạch, an toàn, đa dạng
sinh học, bền vững gắn với sơ chế, bảo quản, chế biến, xây dựng thương hiệu, nhận
diện đặc sản địa phương, truy xuất nguồn gốc và thị trường tiêu thụ trong nước,
xuất khẩu. Phát triển chuỗi liên kết, tìm kiếm thị trường trên cơ sở hợp tác giữa
nông dân và doanh nghiệp; xây dựng các HTX, tổ hợp tác, hội quán theo nhóm
ngành hàng, địa phương, đồng thời Nhà nước hỗ trợ quy hoạch, xây dựng vùng
nguyên liệu, cung cấp thông tin về thị trường, liên kết và kỹ thuật sản xuất, bảo
hiểm nông nghiệp.
a) Sầu riêng
Phát triển theo hướng sạch, bền vững, gắn với sơ chế,
đóng gói, chế biến, thị trường, thương hiệu, nhận diện đặc sản địa phương đáp ứng
yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu mang lại hiệu quả kinh tế cao.
b) Bưởi da xanh
Tìm kiếm thị trường ổn định tiêu thụ sản phẩm trên
cơ sở hợp tác giữa nông dân, doanh nghiệp và sự hỗ trợ của các cơ quan Nhà nước
về khoa học kỹ thuật, tín dụng để tạo nên mối liên kết, gắn kết, cam kết sản xuất
và cung ứng theo chuỗi giá trị bảo đảm tính ổn định, phát triển bền vững tại thị
trường trong nước, xây dựng thương hiệu.
c) Mít, Chuối, Xoài, Bơ...
Quy hoạch, khuyến cáo vùng trồng, đầu tư cơ sở hạ tầng
và hệ thống thủy lợi có trọng tâm, hình thành vùng nguyên liệu quy mô lớn. Hỗ
trợ người dân sản xuất theo tiêu chuẩn, kết nối với doanh nghiệp, thị trường
trong nước,từng bước tiếp cận thị trường thế giới có thương hiệu.
3. Chuỗi ngành hàng chăn
nuôi (Heo, Gà)
Quy hoạch vùng chăn nuôi ATDB, tăng tính tập trung,
hạn chế tình trạng phân tán nhiều trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Xây dựng
giải pháp kỹ thuật kiểm soát và hạn chế tối đa ô nhiễm do trang trại chăn nuôi
quy mô lớn gây ra. Xây dựng chuỗi giá trị đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ
sinh môi trường, kinh tế tuần hoàn theo hướng sinh thái xanh, bền vững gắn với
chuỗi giá trị (từ giống, thức ăn, thú y đến giết mổ, chế biến, tiêu thụ). Ưu
tiên thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu.
4. Hệ sinh thái nông nghiệp
Xây dựng các mô hình chuỗi trong hoạt động sản xuất
nông nghiệp mới làm hình mẫu cho các vùng chuyên canh, đáp ứng các yêu cầu thị
trường, như: Nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh, tiết kiệm tài nguyên và
giảm thải, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh,
nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp kết hợp công nghiệp (chế biến nông sản,
tái chế phế, phụ phẩm, sản xuất năng lượng tái tạo...), nông nghiệp kết hợp dịch
vụ (du lịch trải nghiệm, dịch vụ bảo vệ môi trường, dịch vụ đào tạo và cung cấp
chuyển giao công nghệ, dịch vụ kinh doanh nông sản...). Nghiên cứu đẩy mạnh
nông nghiệp đô thị; nông nghiệp du lịch, phát triển các mô hình nông nghiệp sạch,
NNUDDCNC cung cấp sản phẩm sạch phục vụ trong và ngoài đô thị.
IV. Cơ cấu lại hình thức liên
kết, hợp tác sản xuất
1. Nâng cao năng lực của từng chủ thể tham gia
liên kết
Về trình độ, kỹ năng đàm phán ký kết hợp đồng,
thông tin, định hướng thị trường, xây dựng thương hiệu cho cán bộ quản lý, điều
hành doanh nghiệp nông nghiệp, tổ chức đại diện nông dân (HTX, tổ hợp tác, hội
quán).
2. Đối với liên kết ngang
Phát triển đồng bộ, hiệu quả, có chất lượng, khuyến
khích, hỗ trợ nông dân tham gia các HTX, tổ hợp tác tạo vùng nguyên liệu theo
tiêu chuẩn, chất lượng, thương hiệu với quy mô đủ lớn gắn với nhu cầu, tín hiệu
thị trường; tăng cường liên kết giữa các HTX; giữa các doanh nghiệp; liên kết
vùng sản xuất.
3. Đối với liên kết dọc
Tập trung xây dựng, kết nối các doanh nghiệp nông
nghiệp, tổ chức đại diện nông dân liên kết theo chuỗi giá trị nhằm thúc đẩy
phát triển nhanh, mở rộng diện tích cây trồng, vật nuôi sản xuất theo quy trình
sản xuất tiêu chuẩn, an toàn, đa dạng sinh thái, thân thiện môi trường, đa giá
trị và bền vững; thu hút doanh nghiệp đầu tư, liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm,
thị trường; thúc đẩy liên kết, hợp tác giữa các HTX với các doanh nghiệp theo
chuỗi giá trị.
V. Bảo quản, phân phối và tiêu
thụ sản phẩm
Đây là khâu yếu, thiếu của nông nghiệp tỉnh. Do đó,
cần đặc biệt quan tâm, giúp ngành nông nghiệp tháo gỡ những nút thắt, khó khăn
đảm bảo sản phẩm nông sản đáp ứng được nhu cầu và yêu cầu của thị trường theo
chuỗi ngành hàng một cách bền vững, cụ thể:
1. Sơ chế, bảo quản, chế biến
và giảm tổn thất sau thu hoạch
a) Đối với Hồ tiêu
Cải thiện điều kiện kỹ thuật thu hái, làm khô: Vận
động, khuyến khích người dân không thu hái chùm quả xanh, thu hái các chùm quả
đạt 15% số quả chín, rải bạt phủ kín mặt đất nơi diện tích thu hoạch để tránh hạt
rơi xuống đất và để Hồ tiêu chín già, chùm Hồ tiêu có trên 50% số quả chuyển
màu vàng, đỏ mới hái.
Khâu sơ chế, bảo quản sau thu hoạch: Hỗ trợ, hướng
dẫn người dân, HTX, doanh nghiệp đầu tư sân phơi đúng kỹ thuật, máy sấy tiên tiến,
hạn chế tối đa sự nhiễm AchrotoxinA; khâu bảo quản cần khuyến khích người dân
không sử dụng bao đã chứa đựng phân bón, hóa chất nông nghiệp để chứa đựng, khi
đóng bao phải theo tiêu chuẩn, quy định để chống nấm mốc phát triển, làm giảm
chất lượng hồ tiêu và hỗ trợ, hướng dẫn xây dựng hệ thống kho đạt tiêu chuẩn kỹ
thuật để thu mua hoặc tạo điều kiện cho dân ký gửi hàng hóa tại các vùng sản xuất
tập trung.
b) Đối với Điều
Cải thiện điều kiện kỹ thuật thu hái, làm khô; đầu
tư hệ thống kho chứa đảm bảo kỹ thuật để nâng cao chất lượng “Hạt Điều Bình Phước”
nhân xuất khẩu. Đối với khâu thu hái, vận động và khuyến khích người dân không
thu hái quả xanh, cuống làm giảm chất lượng nhân hạt.
Khâu làm khô: Hỗ trợ HTX và doanh nghiệp đầu tư sân
phơi đúng kỹ thuật và các máy sấy tiên tiến, hạn chế tối đa sự nhiễm Ochrotoxin
A.
Khâu chế biến: Khuyến khích doanh nghiệp, HTX đổi mới,
ứng dụng tự động hóa các khâu như: sàng, hấp, chẻ, sấy, bóc lụa, hun trùng,
phân loại màu, rang hạt Điều, lò li tâm xả đáy, máy đo độ ẩm... Cải tiến, ứng dụng
công nghệ chế biến hiện đại, kết hợp với áp dụng các tiêu chuẩn Quốc tế về đảm
bảo chất lượng, an toàn thực phẩm nhằm giữ vững hạt Điều Bình Phước nói riêng,
Việt Nam nói chung duy trì vị trí số 01 thế giới về chế biến, xuất khẩu.
Khâu bảo quản: Xây dựng hệ thống kho đạt tiêu chuẩn
kỹ thuật để thu mua hoặc tạo điều kiện cho dân ký gửi hàng hóa tại các vùng sản
xuất hàng hóa.
c) Đối với Cà phê
Cải thiện điều kiện kỹ thuật thu hái, làm khô; khuyến
khích áp dụng kỹ thuật chế biến ướt, đầu tư hệ thống kho chứa đảm bảo kỹ thuật
để nâng cao chất lượng nhân, cụ thể:
- Khâu thu hái: Vận động, khuyến khích không thu
hái quả xanh.
- Khâu làm khô: Hỗ trợ người dân, HTX và doanh nghiệp
đầu tư sân phơi đúng kỹ thuật và các máy sấy tiên tiến, hạn chế tối đa sự nhiễm
Ochrotoxin A.
- Khâu chế biến: Khuyến khích áp dụng phương pháp
chế biến ướt nhằm gia tăng giá trị sản phẩm và giảm tổn thất về chất lượng.
- Khâu bảo quản: Xây dựng hệ thống kho đạt tiêu chuẩn
kỹ thuật để thu mua hoặc tạo điều kiện cho người dân ký gửi hàng hóa tại các
vùng sản xuất hàng hóa.
d) Đối với chế biến gỗ
Thực hiện chuyển dịch từ rừng gỗ nhỏ sang rừng trồng
gỗ lớn nhằm đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ, đặc biệt là chế
biến các mặt hàng gỗ gia dụng.
2. Công nghiệp chế biến
Tiếp tục đầu tư, hiện đại hóa các lĩnh vực công
nghiệp chế biến truyền thống như chế biến Điều, Cao su, rau quả, chăn nuôi, gỗ...
cụ thể như sau:
- Chế biến Cao su: Đổi mới công nghệ để chuyển đổi
cơ cấu sản phẩm theo hướng nâng cao chất lượng, phục vụ nhu cầu nguyên liệu cho
các ngành chế biến khác trong nước.
- Chế biến Hồ tiêu: Nâng cao chất lượng vùng trồng
đáp ứng nhu cầu chế biến đa dạng. Thu hút, hỗ trợ xây dựng thêm cơ sở, nhà máy
để chế biến, đa dạng sản phẩm phù hợp khẩu vị, nhu cầu sử dụng trong nước và xuất
khẩu.
- Chế biến Điều: Tiếp tục khuyến khích các doanh
nghiệp chủ động đổi mới công nghệ, hiện đại hóa dây truyền, máy móc, trang thiết
bị chế tạo ở trong nước và kết hợp với thủ công để gia tăng công suất, chất lượng
sản phẩm.
- Rau quả: Thu hút, hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng
cơ sở, nhà máy sơ chế, đóng gói, bảo quản rau, quả gắn với vùng nguyên liệu.
- Sản phẩm chăn nuôi: Hoàn thiện hệ thống cơ sở giết
mổ trên địa bàn tỉnh, các huyện hoàn thiện hệ thống giết mổ đáp ứng nhu cầu
tiêu thụ trên địa bàn đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm; phấn đấu xây dựng
01 cơ sở giết mổ công nghiệp. Khuyến khích đầu tư phát triển nhà máy giết mổ,
chế biến thịt gia súc, gia cầm tập trung ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp,
đặc biệt chế biến sâu, góp phần đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị chăn
nuôi. Phát triển một số thương hiệu sản phẩm chăn nuôi đặc trưng trên địa bàn tỉnh.
Xây dựng thành công vùng ATDB theo tiêu chuẩn Việt Nam và thế giới, tạo ra sản
phẩm chăn nuôi an toàn của Bình Phước và của cả nước, tạo sản phẩm mang tính
thương hiệu sản phẩm an toàn của tỉnh.
- Chế biến lâm sản: Tập trung tạo vùng nguyên liệu;
nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng, đáp ứng yêu cầu về cung cấp nguyên
liệu cho sản xuất trong nước và xuất khẩu; thực hiện quản lý rừng theo phương
án quản lý rừng bền vững và thúc đẩy cấp chứng chỉ rừng đối với rừng sản xuất
là rừng trồng. Tăng tỷ trọng chế biến sâu và xuất khẩu các sản phẩm gỗ và lâm sản
có giá trị gia tăng cao, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người
tham gia các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng.
3. Xây dựng thương hiệu
Tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả, chất lượng của
sản phẩm đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, gồm: Chỉ dẫn địa lý “Hạt Điều
Bình Phước”, Nhãn hiệu tập thể “Hồ tiêu Lộc Ninh”; Nhãn hiệu chứng nhận “Cao su
Bình Phước”; Nhãn hiệu tập thể “Gà thả vườn Thanh Lương” và “Nhãn tiêu da bò
Thanh Lương”.
Triển khai có hiệu quả các chính sách về hỗ trợ
phát triển tài sản trí tuệ và thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp; chương
trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống
truy xuất nguồn gốc.
4. Phát triển thị trường
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quản
lý, thu thập thông tin, dự báo thị trường, truy xuất nguồn gốc để tiếp cận thị
trường trên không gian mạng. Mở rộng thị trường truyền thống, xây dựng lòng
tin, uy tín với khách hàng. Đẩy mạnh phát triển các thị trường mới có tiềm
năng, các nước và vùng lãnh thổ mà nước ta đã ký, tham gia các hiệp định tự do
thương mại. Quan tâm phát triển thị trường trong nước thông qua các kênh phân
phối truyền thông, các kênh thương mại, thương mại điện tử và đưa các sản phẩm
nông sản của tỉnh lên các sàn giao dịch điện tử, cụ thể:
- Đối với sản phẩm chế biến chủ lực của tỉnh: Tiếp
tục phát triển, mở rộng thị trường quốc tế, trọng tâm là thị trường: EU, Mỹ,
Nga, Pháp, Trung Quốc. Xây dựng thương hiệu, lòng tin, uy tín với khách hàng,
đôi bên cùng có lợi.
- Đối với thực phẩm nông sản: Đẩy mạnh phát triển
các thị trường mới, thị trường tiềm năng, các nước và vùng lãnh thổ mà nước ta
đã ký kết như: Đức, Australia, các nước Châu Á... Mở rộng thị trường EU sau khi
ký kết Hiệp định Thương mại tự do như EVFTA...
- Quan tâm, chú trọng phát triển thị trường trong
nước qua các kênh phân phối truyền thống, các kênh thương mại, thương mại điện
tử và đưa các sản phẩm nông sản lên các sàn giao dịch điện tử như: Sàn giao dịch
nông sản Bình Phước, Voso.vn, Postmart.vn, Shopee.vn, Lazada.vn, Tiki.vn,
Sendo.vn,...
VI. Gắn kết phát triển nông
nghiệp với xây dựng nông thôn mới, kết nối đô thị, đời sống nông dân
1. Phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông
thôn mới
Tập trung nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho
Nhân dân khu vực nông thôn; xây dựng khu vực nông thôn thành nơi đáng sống, đi
về; có các giải pháp để đảm bảo nông dân luôn có tư liệu sản xuất.
Ban hành Bộ tiêu chí về nông thôn mới, nâng cao,
nông thôn mới kiểu mẫu để quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp,
nông thôn diễn ra liên tục, không có điểm dừng.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ chế đặc thù trong
xây dựng nông thôn mới, mỗi năm làm thêm 500 km đến 1000 km đường bê tông xi
măng và mở rộng sang các công trình thiết yếu khác (trường học, nhà văn hóa, cầu,
cống, vỉa hè...).
Tạo điều kiện xã hội hóa ở một số nội dung xây dựng
nông thôn mới như: Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, thu gom xử lỷ rác thải,
cấp nước sinh hoạt, bưu chính - viễn thông, dịch vụ giáo dục cấp mầm non, tiểu
học...
Tập trung giải quyết, tháo gỡ các tiêu chí khó
khăn, nổi cộm như: Giao thông, trường học, thu nhập, môi trường... Đồng thời,
tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư cho các công trình này, việc phân bổ cần
tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải.
Triển khai kịp thời, đầy đủ, đảm bảo công bằng,
khách quan các chương trình, chính sách, dự án thuộc các chương trình mục tiêu
quốc gia. Thực hiện giảm nghèo tập trung ở những xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, các
xã, thôn thuộc diện khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu
số. Giảm dần các chính sách hỗ trợ mang tính trợ cấp, tăng cường các chính sách
hỗ trợ sản xuất, tạo sinh kế cho hộ nghèo. Có cơ chế khuyến khích tính chủ động,
vươn lên, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại.
2. Xây dựng nông thôn mới gắn với quá trình đô
thị hóa
Cùng với quá trình đô thị hoá diễn ra mạnh mẽ, diện
tích đất nông nghiệp bị thu hẹp, nông nghiệp đô thị cần được quan tâm. Do có vị
trí thuận lợi trong giao thương giữa các tỉnh và khu vực. Trong tương lai, Bình
Phước sẽ là nơi cung cấp thực phẩm cho các khu công nghiệp phía Nam như: Đồng
Nai, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh... Trong thời gian tới, sẽ phát triển
các vùng chuyên canh rau, các loại hoa, kiểng như: Lan, Mai vàng, bon sai... có
giá trị kinh tế cao, phù hợp với kinh tế đô thị.
Đẩy mạnh phát triển các vùng nông nghiệp gắn với dịch
vụ du lịch sinh thái trải nghiệm trên các huyện: Bù Đăng, Bù Đốp, Lộc Ninh, Bù
Gia Mập.
3. Nông nghiệp với nông dân
Nông dân là chủ thể trong phát triển Nông nghiệp.
Nông dân là đơn vị kinh tế chủ lực, do đó cơ cấu lại ngành Nông nghiệp đảm bảo
giúp người nông dân có điều kiện tổ chức sản xuất, nâng cao trình độ canh tác, ứng
dụng công nghệ sản xuất tiến bộ đề cải thiện thu nhập, nhất là nhóm người
nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số và người dân những vùng khó khăn. Đẩy mạnh
phát triển kinh tế trang trại hiệu quả. Nâng cao chất lượng cuộc sống dân cư
nông thôn. Đảm bảo điều kiện học tập, chữa bệnh, sinh hoạt văn hóa, thể dục, thể
thao ở hầu hết các xã.
PHẦN
THỨ NĂM
CÁC NHÓM GIẢI PHÁP THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Triển khai thực hiện tốt
các quy hoạch, đổi mới, hoàn thiện cơ chế chính sách.
- Tổ chức triển khai thực hiện tốt quy hoạch tỉnh
thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, triển khai thực hiện các
chủ trương, định hướng lớn của tỉnh về thực hiện các nhiệm vụ phát triển ngành
nông nghiệp thuộc Chương trình hành động số 17-CTr/TU ngày 30/9/2021 của Tỉnh ủy,
tích hợp một số chủ trương của Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 15/4/2020 của Ban
Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển ngành Điều.
- Về chính sách: Xây dựng các chính sách phát triển
vùng nguyên liệu các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản của tỉnh, địa phương;
chính sách hỗ trợ cơ giới hoá, tự động hóa, khoa học - công nghệ; chính sách hỗ
trợ doanh nghiệp đầu tư, tích tụ đất đai theo chuỗi, chế biến sâu và xây dựng
thương hiệu, thị trường.
- Thực hiện có hiệu quả, thí điểm chính sách bảo hiểm
trong nông nghiệp nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro về thiên tai, dịch bệnh, thị
trường. Thực hiện các chính sách hỗ trợ cho lực lượng bảo vệ rừng nhằm ổn định
và nâng cao thu nhập, quản lý rừng bền vững.
- Khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất
và tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ sản xuất nông nghiệp sạch và chính sách khuyến
khích, ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Bình Phước trong nông nghiệp
và Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX, ưu tiên cho các HTX
nông nghiệp.
2. Về khoa học công nghệ và
chuyển đổi số
Nâng cao trình độ nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng
khoa học công nghệ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số, công nghệ
thông tin trong toàn bộ các khâu của chuỗi giá trị, kết nối đồng bộ với các
ngành, lĩnh vực khác để hình thành nền sản xuất nông nghiệp thông minh, sử dụng
hiệu quả nguồn tài nguyên, lao động, nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh
và phát triển bền vững của ngành; chuyển giao ứng dụng, nhân rộng trong thực tiễn
sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của nông dân, bảo vệ
môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính. Phát
triển thị trường công nghệ nông nghiệp trên cơ sở đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ.
Tăng cường đầu tư và xã hội hóa hoạt động nghiên cứu
khoa học và công nghệ trong sản xuất theo hướng kết hợp nghiên cứu cơ bản với
nghiên cứu ứng dụng, trong đó, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu
khoa học và chuyển giao công nghệ vào sản xuất. Ưu tiên, khuyến khích nghiên cứu
ứng dụng và chuyển giao công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công
nghệ sinh học; ứng dụng phát triển các hệ sinh thái nông nghiệp; các giải pháp
sinh thái phòng trừ các dịch bệnh mới; các công nghệ vi sinh vật làm phân hữu
cơ và xử lý chất thải trong môi trường nông thôn; công nghệ chính xác và công
nghệ số phục vụ sản xuất nông nghiệp thông minh; thúc đẩy ứng dụng quản lý sức
khỏe cây trồng tổng hợp trên cây trồng chủ lực của tỉnh; tăng cường sản xuất và
sử dụng phân bón hữu cơ, sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối và hiệu quả; quản
trị chất lượng trong chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp; cơ chế phân chia lợi
ích và rủi ro trong liên kết đảm bảo sự tham gia hưởng lợi của hộ nông dân
trong chuỗi giá trị; khuyến nông số; truy xuất nguồn gốc số...
Phát triển nông nghiệp theo tiêu chuẩn (VietGAP,
GlobalGAP, hữu cơ...) gắn với phát triển vùng nguyên liệu từng bước nhân ra diện
rộng và hình thành nền nông nghiệp an toàn, bền vững, hướng đến chất lượng,
theo thị trường.
Xây dựng hoàn thành Khu NNUDCNC trên địa bàn tỉnh
làm nơi trình diễn, tham quan, học tập kinh nghiệm và chuyển giao các mô hình ứng
dụng nông nghiệp công nghệ cao để nhân rộng.
Thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn; đẩy nhanh việc
nghiên cứu ứng dụng, áp dụng công nghệ của cuộc Cách mạng 4.0, công nghệ số và
công nghệ hiện đại khác để quản lý và quản trị sản xuất các lĩnh vực của ngành.
Tập trung xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn trong sản xuất, thị trường. Tổ chức
triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 18/5/2021 của Ban chấp hành Đảng
bộ tỉnh về chuyển đổi số đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
3. Về phát triển các hình thức
tổ chức sản xuất, đầu tư vào nông nghiệp
Nâng cao hiệu quả hoạt động của các hình thức tổ chức
sản xuất, năng lực và vai trò của các tổ chức hợp tác của nông dân trong việc tổ
chức sản xuất theo chuỗi từ cung cấp dịch vụ đầu vào, bảo quản, chế biến nông sản
và thị trường. Huy động, khơi dậy nguồn lực, thu hút mọi nguồn vốn đầu tư trong
và ngoài nước vào nông nghiệp. Tập trung, ưu tiên nguồn lực xã hội hóa, khuyến
khích, thu hút các doanh nghiệp, HTX và người dân tham gia, đầu tư vào Nông
nghiệp; khuyến khích người dân, doanh nghiệp khởi nghiệp, đầu tư cùng phát triển.
Đồng thời nâng cao năng lực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực Nông nghiệp về: dự
báo giá cả thị trường nông sản, dự báo xu hướng tiêu dùng nông sản của thị trường
trong nước và quốc tế; nghiên cứu ban hành các chính sách khuyến khích đầu tư,
hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm và phát triển thị trường nông sản. Đẩy mạnh hợp
tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, kết nối với chuỗi cung ứng
toàn cầu.
Đẩy mạnh triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại,
xúc tiến đầu tư nông nghiệp trong và ngoài nước. Đồng thời, ưu tiên thực hiện
có hiệu quả Kết luận số 366-KL/TU ngày 25/6/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về
phát triển thị trường các sản phẩm chủ yếu của tỉnh giai đoạn 2021-2025, định
hướng đến năm 2030 trong lĩnh vực Nông nghiệp.
Triển khai các Nghị quyết của HĐND tỉnh về hỗ trợ,
thúc đẩy sản xuất nông nghiệp: chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ
sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Bình Phước; chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp
sạch trên địa bàn tỉnh Bình Phước và chính sách khuyến khích, ưu đãi và hỗ trợ
đầu tư trên địa bàn tỉnh Bình Phước... để kêu gọi đầu tư các dự án nhà máy chế
biến trái cây, kho lạnh, cơ sở đóng gói; các dự án phát triển chăn nuôi theo
chuỗi từ thức ăn, con giống, giết mổ, chế biến, tiêu thụ.
Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng chợ đầu
mối, trung tâm đấu giá, sàn giao dịch thương mại điện tử, nhằm giới thiệu, quảng
bá, đấu giá sản phẩm nông nghiệp.
Tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng gắn với phát triển
nông thôn mới tạo điều kiện thuận lợi để người dân chuyển định hướng sang sản
xuất nông nghiệp sạch, an toàn gắn với bảo vệ môi trường.
Đẩy nhanh, phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế
biến nông, lâm, thủy sản và thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập
thể, HTX giai đoạn 2021-2025 cho các HTX nông nghiệp.
4. Về hoàn thiện hệ thống cơ
sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp
a) Thủy lợi
Tập trung thực hiện các dự án đã được UBND tỉnh phê
duyệt quy hoạch Thủy lợi tỉnh Bình Phước tại Quyết định số 2156/QĐ-UBND ngày
31/8/2017: ưu tiên đầu tư phát triển công trình thủy lợi phục vụ cây trồng cạn
có giá trị kinh tế cao (Sầu riêng, Bưởi, Hồ tiêu...); nâng cấp và bảo đảm an
toàn hệ thống hồ chứa; xây dựng các mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật tưới tiên
tiến, tiết kiệm nước; đẩy mạnh thực hiện chương trình đổi mới, nâng cao hiệu quả
quản lý, khai thác các công trình thủy lợi, chú trọng tăng cường công tác quản
lý, vận hành, duy tu, bảo dưỡng để nâng cao hiệu quả công trình; áp dụng kỹ thuật,
thiết bị mới công nghệ cao trong thiết kế, thi công quản lý các công trình thủy
lợi, cụ thể:
+ Giai đoạn 2021 - 2025: Đầu tư xây dựng mới 15 dự
án thủy lợi. Trong đó 08 dự án đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua bố trí
vốn đầu tư công trung hạn và 04 dự án từ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ và vốn vay
ADB đã được chấp thuận và đang triển khai thực hiện.
+ Giai đoạn 2026 - 2030: Đầu tư xây dựng mới 06 dự
án và 17 công trình sửa chữa để đảm bảo an toàn và nâng cao hiệu quả công
trình. Đề xuất vốn từ Trung ương hỗ trợ và nguồn vốn khác.
Tập trung đầu tư, hỗ trợ các chương trình, dự án, đề
án để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025: Diện tích tưới từ công trình thủy lợi
tăng 8.149 ha; diện tích tiêu tăng 700 ha; tạo nguồn cấp nước sinh hoạt và công
nghiệp khoảng 7.200 m3/ngày đêm. Đến năm 2030: Diện tích tưới từ
công trình thủy lợi tăng 500 ha; tạo nguồn cấp nước sinh hoạt và công nghiệp
khoảng 37.100 m3/ngày đêm.
b) Giao thông nội đồng
Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng
nông thôn mới để hoàn chỉnh hệ thống giao thông nội đồng; thực hiện theo cơ chế
đặc thù của tỉnh. Nhà nước hỗ trợ xi măng, người dân đóng góp để làm đường bê
tông kết nối các khu vực sản xuất; đường giao thông nội đồng được nối từ các
tuyến đường huyện, đường liên xã và đường giao thông nông thôn vào từng cánh đồng,
mặt đường tối thiểu rộng 3,5- 5,0 m, để các loại xe máy kéo, máy nông nghiệp,
xe vận chuyển nông sản có thể lưu thông và thực hiện tốt nhiệm vụ cơ giới hóa.
5. Về thúc đẩy phát triển cơ
giới hóa nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản; phát triển công nghiệp hỗ
trợ và dịch vụ logistic
Đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa đồng bộ ở tất cả các
khâu sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản, phù hợp với điều kiện từng vùng, từng
loại cây trồng, vật nuôi. Phát triển các tổ chức kinh doanh dịch vụ cơ giới hóa
nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ và đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát
triển sản xuất hàng hóa lớn trong Nông nghiệp.
Phát triển công nghiệp chế biến nông sản gắn với
phát triển các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung được cơ giới hóa đồng bộ,
theo nhu cầu và khả năng tiêu thụ của thị trường. Đẩy mạnh áp dụng tiến bộ
KHKT, CNC thân thiện với môi trường và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến
trong bảo quản, chế biến nông sản. Đa dạng hóa sản phẩm chế biến, tăng tỷ trọng
chế biến sâu; tăng chế biến từ các phụ phẩm của sản xuất nông nghiệp, tăng giá
trị gia tăng.
Phát triển công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ logistic
phục vụ Nông nghiệp. Xây dựng và triển khai cơ chế, chính sách khuyến khích
phát triển công nghiệp cơ khí, hóa chất và công nghệ sinh học phục vụ sản xuất
nông nghiệp và chế biến NLTS; thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng logistic,
nhất là hạ tầng giao thông vận tải; hạ tầng kho bãi phục vụ phát triển sản xuất,
bảo quản, chế biến nông sản.
6. Về tuyên truyền đảm bảo chất
lượng, an toàn thực phẩm
Tăng cường, đa dạng hóa các chương trình truyền
thông nhằm từng bước thay đổi nhận thức về sản xuất nông nghiệp, định hướng cho
người tiêu dùng tiêu thụ các sản phẩm sạch, hữu cơ, an toàn có mẫu mã nguồn gốc...
Phát triển các vùng trồng trọt và chăn nuôi an toàn
dịch bệnh, an toàn sinh học, nhất là ở các vùng sản xuất hàng hóa trọng điểm,
vùng sản xuất nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến. Tăng cường hệ thống kiểm
soát dịch hại, dịch bệnh xuyên biên giới và sự lan tràn dịch hại, dịch bệnh giữa
các vùng miền, địa phương. Khuyến khích cách tiếp cận đa ngành trong phòng trừ,
kiểm soát dịch bệnh.
7. Về đào tạo nguồn nhân lực
Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực
của ngành. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghiệp
hóa, hiện đại hóa nông nghiệp. Ưu tiên đào tạo nhân lực có trình độ chuyên môn
cao, đủ trình độ tiếp cận công nghệ hiện đại để tạo những bước đột phá trong
nghiên cứu, chọn, tạo và sản xuất giống, công nghệ di truyền, nông nghiệp ứng dụng
công nghệ cao. Đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn gắn với nhu cầu
thị trường, doanh nghiệp, HTX, đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển dịch cơ cấu
kinh tế khu vực nông thôn. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý ngành
nông nghiệp chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả, cụ thể:
- Liên kết với các trường Đại học, Cao đẳng, Trung
học nghề trong và ngoài nước; nhất là với các quốc gia có nền Nông nghiệp phát
triển để đào tạo lao động trực tiếp sản xuất tại các nông hộ, trang trại, doanh
nghiệp nông nghiệp, ban quản trị HTX Nông nghiệp và học sinh Trung học cơ sở
thành công nhân Nông nghiệp.
- Tiếp tục đào tạo và bố trí, sử dụng cán bộ chuyên
môn kỹ thuật thuộc các ngành về công tác tại UBND xã, Phòng Nông nghiệp và PTNT
huyện. Đào tạo và bố trí cán bộ KHKT có trình độ sau đại học về công tác tại
các cơ quan chuyện môn sâu thuộc ngành Nông nghiệp.
- Đưa cán bộ chuyên môn và nông dân đi đào tạo ở nước
ngoài (nhất là các quốc gia có nền Nông nghiệp phát triển) về phát triển NNUDCNC,
Nông nghiệp sinh thái đô thị, nông nghiệp sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng
cao để phục vụ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia
tăng và phát triển bền vững.
- Đào tạo và bố trí hợp lý lao động Nông nghiệp, thực
hiện tốt chính sách phát triển thị trường lao động trong tỉnh.
8. Tăng cường năng lực hội nhập
quốc tế; khai thác tốt tiềm năng thị trường trong nước, từ các hiệp định thương
mại tự do thế hệ mới và các cam kết quốc tế mà Việt Nam ký kết tham gia
Tổ chức lại thị trường trong nước phù hợp với xu thế
phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, tạo động lực thúc đẩy phát triển sản
xuất. Phát triển hệ thống bán lẻ; đẩy nhanh hoàn thành xây dựng thương hiệu cho
các sản phẩm nông sản chủ lực quốc gia, cấp tỉnh và đặc sản địa phương gắn với
chỉ dẫn địa lý, chất lượng cao, đảm bảo ATTP, thân thiện với môi trường.
Tăng cường năng lực nghiên cứu, đẩy mạnh kiểm soát
chất lượng theo các tiêu chuẩn quốc tế và khu vực, ứng dụng công nghệ thông tin
trong thu thập thông tin, dự báo và phân tích thị trường nông sản trong nước và
quốc tế; phát triển mạnh thương mại điện tử trong sản xuất, kinh doanh Nông
nghiệp. Kết nối thị trường nông sản của Việt Nam với chuỗi cung ứng nông sản
toàn cầu; triển khai có hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do đã ký kết.
9. Về Bảo vệ tài nguyên, môi
trường nông thôn, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống
thiên tai
Tăng cường công tác tuyên truyền vận động, nâng cao
ý thức về bảo vệ môi trường nông thôn. Xây dựng và triển khai chính sách xã hội
hóa công tác bảo vệ môi trường, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nông
thôn, đầu tư các khu xử lý rác thải tập trung quy mô liên xã, liên huyện, liên
tỉnh đảm bảo thu gom, vận chuyển và xử lý nước thải, chất thải rắn đáp ứng yêu
cầu bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh áp dụng các biện pháp sử dụng tiết kiệm nước và
vật tư nông nghiệp, giảm phát thải khí nhà kính; phối hợp quản lý tốt nguồn nước
các lưu vực sông và hệ thống thủy lợi bảo đảm quá trình khai thác, sử dụng hợp
lý, tiết kiệm, phục vụ có hiệu quả sự phát triển kinh tế - xã hội trước mắt và
lâu dài.
Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về lĩnh vực chăn
nuôi, thú y, tăng cường kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường tại các
cơ sở chăn nuôi, khuyến khích áp dụng giải pháp công nghệ mới công nghệ hiện đại
trong chăn nuôi, xử lý môi trường chăn nuôi, tăng cường áp dụng kinh tế tuần
hoàn, kinh tế xanh trong sản xuất.
10. Về bảo quản, giảm tổn thất
sau thu hoạch và chế biến
Triển khai hiệu quả chiến lược phát triển cơ giới
hóa nông nghiệp và chế biến NLTS đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Xây dựng chính
sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, ứng dụng vào bảo quản, giảm tổn thất
sau thu hoạch và chế biến nông sản.
Khuyến khích doanh nghiệp, HTX áp dụng hệ thống quản
lý chất lượng, hiện đại, tiên tiến, công nghệ 4.0 như: VietGAP, GlobalGAP, GMP,
ISO, HACCP, BRC, FSC... trong các khâu, nhất là sản phẩm chủ lực, đặc sản của tỉnh.
Hỗ trợ xây dựng các mô hình mới, điểm tham quan học
tập phù hợp với đặc thù của tỉnh.
11. Nhóm các công trình đầu
tư ưu tiên
Để định hướng cơ cấu lại ngành Nông nghiệp tỉnh
Bình Phước giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 được thực hiện đạt kết
quả tốt nhất, một trong những giải pháp quan trọng là cần xác định được những
chương trình và dự án ưu tiên đầu tư để thực hiện, gồm:
a) Đề án Nâng cấp và phát triển hệ thống thủy lợi,
khai thác nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của Nhân dân giai đoạn
2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030
Mục tiêu: Nhằm nâng cao năng lực phòng, chống
thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần hiện đại hóa kết cấu hạ tầng
nông nghiệp nông thôn và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2030. Đặc biệt
là đảm bảo đủ nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho Nhân dân cũng như phục vụ phát
triển của tất cả các ngành trên bàn tỉnh đến năm 2030.
Các hoạt động chính: Đầu tư các dự án theo
Quy hoạch thủy lợi vùng Đông Nam Bộ được Bộ Nông nghiệp và PTNT[14]
phê duyệt với nhiệm vụ:
+ Công trình xây dựng mới: 21 công trình.
+ Sửa chữa, nâng cấp và hoàn thiện hệ thống kênh:
17 công trình.
+ Phát triển diện tích tưới tiên tiến, tiết kiệm nước
đến năm 2025 đạt diện tích 10.000 ha.
+ Mục tiêu phát triển chương trình nước sạch nông
thôn: Đến năm 2025, 100% người dân sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Đề xuất công trình đầu tư:
+ Giai đoạn 2021-2025 đã và đang thực hiện xây dựng
mới 15 công trình thủy lợi, bao gồm: 07 công trình xây dựng từ nguồn vốn Trung
ương hỗ trợ và vay vốn ODA, 08 công trình xây dựng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh,
với Tổng mức đầu tư dự kiến 2.545 tỷ đồng (trong đó, vốn Trung ương hỗ trợ 886
tỷ đồng; vốn vay ODA 604 tỷ đồng; ngân sách tỉnh 1.055 tỷ đồng).
+ Giai đoạn 2026-2030: Đầu tư xây dựng mới 06 dự án
và 17 công trình thủy lợi sửa chữa để đảm bảo an toàn và nâng cao hiệu quả. Đề
xuất vốn từ Trung ương hỗ trợ và nguồn vốn khác, với tổng mức đầu tư 1.204 tỷ đồng.
+ Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông
thôn: Giai đoạn 2021-2030, xây dựng mới 3 công trình cấp nước tập trung; nâng cấp,
sửa chữa, mở rộng 05 tuyến ống của các công trình cấp nước hiện hữu với tổng mức
đầu tư 54 tỷ đồng.
b) Đề án Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ
cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn
2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030
Mục tiêu: Xây dựng nền sản xuất nông nghiệp
hiện đại, có sự đột phá về năng suất chất lượng, sản phẩm, có giá trị kinh tế
cao, thân thiện môi trường, thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Các hoạt động chính: Xây dựng khu NNUDCNC
làm nơi trình diễn, tham quan, học tập các mô hình về phát triển NNUDCNC; thực
hiện các hoạt động hỗ trợ, chuyển giao, xây dựng thương hiệu và phát triển thị
trường các sản phẩm NNUDCNC.
Đề xuất công trình đầu tư:
+ Xây dựng khu NNUDCNC: 1.700 tỷ đồng.
Nguồn kinh phí thực hiện: vốn đầu tư công.
+ Xây dựng nông nghiệp ứng dụng CNC, sạch, hữu cơ:
10 tỷ đồng.
Nguồn kinh phí thực hiện: vốn sự nghiệp.
+ Xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường:
17,5 tỷ đồng.
Nguồn kinh phí thực hiện: vốn sự nghiệp.
c) Các dự án phát triển lâm nghiệp
Mục tiêu: Xây dựng và phát triển rừng bền vững,
gắn phát triển rừng với phát triển du lịch sinh thái.
Các hoạt động chính: Triển khai các dự án
phát triển Lâm nghiệp, nâng cao năng lực rừng phòng hộ, đầu tư cơ sở hạ tầng rừng
đặc dụng Vườn Quốc gia Bù Gia Mập, núi Bà Rá.
Kinh phí đầu tư: 438,5 tỷ đồng.
Nguồn kinh phí thực hiện: Vốn đầu tư công.
d) Đề án Phát triển hệ thống sơ chế, bảo quản
sau thu hoạch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030
Mục tiêu: xây dựng hệ thống sơ chế, bảo quản
sau thu hoạch đáp ứng nhu cầu sản xuất của tỉnh; hạn chế giảm tổn thất sau thu
hoạch.
Các hoạt động chính: Thu hút, hỗ trợ xây dựng
các nhà máy, cơ sở bảo quản chế biến, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung.
Kinh phí đầu tư: 11,8 tỷ đồng.
Nguồn kinh phí thực hiện: Vốn sự nghiệp.
đ) Đề án Phát triển vùng chăn nuôi an toàn dịch
bệnh động vật trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030
Mục tiêu: Xây dựng vùng chăn nuôi ATDB gia
súc, gia cầm theo quy định của Việt Nam và tiêu chuẩn của OIE, tạo điều kiện
cho phát triển chăn nuôi bên vừng, chăn nuôi theo chuỗi, nâng cao giá trị sản
phẩm, cung cấp sản phẩm an toàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Các hoạt động chính: Thực hiện các giải pháp
quản lý, xây dựng vùng ATDB theo quy định của Việt Nam và của OIE.
Kinh phí: Tổng kinh phí 824 tỷ đồng, trong
đó:
+ Nguồn từ ngân sách Nhà nước (vốn sự nghiệp): 156
tỷ đồng.
+ Nguồn từ doanh nghiệp: 668 tỷ đồng.
12. Nguồn vốn thực hiện
Thực hiện đa dạng nguồn vốn, huy động và sử dụng hiệu
quả các nguồn lực để triển khai thực hiện đề án, bao gồm:
+ Vốn ngân sách nhà nước (đầu tư công, đầu tư phát
triển, sự nghiệp), vốn doanh nghiệp, vốn tài trợ quốc tế và các nguồn vốn huy động
hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
+ Vốn từ các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp
trong và ngoài nước tham gia thực hiện Đề án theo quy định của pháp luật; lồng
ghép trong các chương trình Mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác
có liên quan.
PHẦN
THỨ SÁU
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Nông nghiệp và PTNT
Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, địa
phương trong tỉnh triển khai thực hiện; nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách
huy động nguồn lực xã hội.
Tham mưu xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện cụ
thể, trong đó, giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị thực hiện.
Tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện hàng năm,
báo cáo UBND tỉnh và các Sở, ngành liên quan; đề xuất sửa đổi, bổ sung khi cần
thiết.
Tham mưu Bộ chỉ số giám sát, đôn đốc các ngành và
thực hiện đánh giá theo lộ trình.
Tham mưu UBND tỉnh quy định các sản phẩm chủ lực, sản
phẩm đặc sản địa phương.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và Sở,
ngành, địa phương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách thu hút vốn đầu
tư từ các thành phần kinh tế ngoài nhà nước cho Nông nghiệp, nông dân, nông
thôn; nghiên cứu cơ chế, chính sách phát triển các hình thức đầu tư có sự tham
gia của nhà nước và tư nhân (PPP/PPC).
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT lồng ghép các
chỉ tiêu về cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và PTNT vào kế hoạch phát triển kinh tế
- xã hội 05 năm và hàng năm của tỉnh.
Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các Sở, ngành
có liên quan cân đối, bố trí, lồng ghép các nguồn vốn thuộc Chương trình Mục
tiêu quốc gia, vốn đầu tư công và các nguồn vốn đầu tư hợp pháp khác để đảm bảo
thực hiện mục tiêu Đề án đề ra.
3. Sở Tài chính
Theo khả năng cân đối ngân sách, hàng năm, căn cứ
các quy định hiện hành tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh bố trí nguồn vốn thực
hiện Đề án, đồng thời, thực hiện thẩm định, quyết toán theo quy định.
4. Sở Khoa học và Công nghệ
Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTTN, các Sở,
ngành liên quan rà soát, các cơ chế, chính sách có liên quan tới tăng cường
năng lực nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ và tiến bộ kỹ thuật,
xã hội hóa nguồn lực cho phát triển khoa học, công nghệ. Đề xuất cơ quan có thẩm
quyền sửa đổi bổ sung nhằm hỗ trợ ngành Nông nghiệp thực hiện.
5. Sở Công Thương
Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT nghiên
cứu áp dụng các chính sách thương mại, các hàng rào kỹ thuật và điều hành hoạt
động xuất, nhập khẩu linh hoạt, hiệu quả tạo thuận lợi thúc đẩy xuất khẩu nông
sản và bảo vệ sản xuất trong nước, phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm,
thủy sản gắn với sản xuất công nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực.
6. Sở Tài nguyên và Môi trường
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTTN và các địa
phương, rà soát, kiểm soát chặt chẽ quy hoạch và quản lý, thực hiện quy hoạch sử
dụng đất Nông nghiệp (đặc biệt là đất lúa, đất rừng) và đề xuất các chính sách
liên quan đến đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học theo
hướng tạo thuận lợi cho Nông nghiệp, nông thôn, phát triển bền vững.
7. Sở Y tế
Phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và PTNT trong
quá trình triển khai Luật An toàn thực phẩm; chỉ đạo xây dựng và triển khai thực
hiện chiến lược an ninh dinh dưỡng và vệ sinh một trường nông thôn.
8. Sở Lao động, Thương binh
và Xã hội
Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT lập Kế
hoạch đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao phục vụ sản
xuất, kinh doanh Nông nghiệp, chế biến, bảo quản nông sản đáp ứng nhu cầu của
cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
9. Sở Nội vụ
Trên cơ sở đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT, tổ
chức thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định việc sắp xếp, kiện toàn cơ
cấu tổ chức của ngành Nông nghiệp và PTNT theo quy định của pháp luật, chủ
trương của Tỉnh ủy và tình hình thực tế tại địa phương.
10. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội; các Sở, ban, ngành, đoàn thể
liên quan
Tổ chức tuyên truyền đến các thành viên tham gia thực
hiện các mục tiêu Đề án và hỗ trợ nông dân, tổ hợp tác, HTX trong việc liên kết
sản xuất với các doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm.
11. Ngân hàng nhà nước Việt
Nam - Chi nhánh Bình Phước
Chỉ đạo các tổ chức tín dụng ưu tiên tập trung vốn
phục vụ lĩnh vực Nông nghiệp, nông thôn; tích cực triển khai các chương trình
tín dụng đối với lĩnh vực Nông nghiệp, nông thôn.
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT nghiên cứu áp dụng
cơ chế chính sách tín dụng hỗ trợ ngành Nông nghiệp thực hiện thành công Đề án
này.
12. Cục Quản lý thị trường tỉnh
Kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm hoạt động buôn lậu
và gian lận trong thương mại hàng NLTS.
13. Trung tâm Xúc tiến, đầu
tư, thương mại và du lịch tỉnh
Tổ chức các Chương trình xúc tiến thương mại, đầu
tư trong Nông nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX xúc tiến thương mại, mở rộng
thị trường, quảng bá tiềm năng, cơ hội của ngành Nông nghiệp tỉnh.
14. UBND các huyện, thị xã,
thành phố
Chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình dự án cụ
thể triển khai theo đặc thù của địa phương nhằm thực hiện tốt Đề án.
Phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và PTNT, các Sở,
ban ngành liên quan tổ chức thực hiện đề án; thực hiện nghiên cứu xây dựng các
chương trình phát triển Nông nghiệp phù hợp với thực tế, phát huy hết khả năng
và nội lực nhằm hiện thực hóa sự phát triển của ngành Nông nghiệp gắn với phát
triển nông thôn mới./.
PHỤ
LỤC
Bảng
1. Diện tích gieo trồng, diện tích cho sản phẩm, sản lượng một số cây trồng của
tỉnh giai đoạn 2016-2020
Chỉ tiêu
|
ĐVT
|
Năm 2016
|
Năm 2017
|
Năm 2018
|
Năm 2019
|
Năm 2020
|
Tốc độ tăng trưởng
bình quân (%)
|
Sản lượng lương thực có hạt
|
Tấn
|
44.350
|
57.144
|
59.053
|
55.974
|
56.444
|
6,2
|
Tổng Diện tích gieo trồng
|
Ha
|
452.697
|
455.783
|
456.634
|
458.132
|
461.141
|
0,5
|
- Cây hàng năm
|
"
|
41.256
|
40.959
|
37.875
|
34.159
|
27.665
|
-9,5
|
- Cây lâu năm
|
"
|
409.789
|
414.823
|
420.156
|
424.016
|
429.788
|
1,2
|
Trong đó:
|
|
|
|
|
|
|
|
+ Cây Công nghiệp lâu năm
|
"
|
400.587
|
405.089
|
409.163
|
411.616
|
417.032
|
1,0
|
+ Cây ăn quả
|
"
|
8.462
|
8.951
|
10.171
|
11.842
|
12.342
|
9,9
|
Một số cây chủ yếu
|
|
|
|
|
|
|
|
- Lúa
|
"
|
12.190
|
12.155
|
12.079
|
11.520
|
11.276
|
-1,93
|
- Bắp
|
"
|
4.533
|
4.511
|
4.199
|
3.889
|
3.198
|
-8,35
|
- Khoai Mỳ
|
"
|
17.003
|
15.939
|
13.614
|
10.330
|
5.920
|
-23,2
|
- Cao su
|
"
|
234.850
|
237.568
|
238.498
|
242.013
|
246.569
|
1,2
|
+ DT cho sản phẩm
|
"
|
166.414
|
175.572
|
189.295
|
197.387
|
206.389
|
5,5
|
- Điều
|
"
|
134.204
|
134.302
|
138.175
|
137.373
|
139.868
|
1,0
|
+ DT cho sản phẩm
|
"
|
132.632
|
132.550
|
135.694
|
133.960
|
135.893
|
0,6
|
- Tiêu
|
"
|
16.452
|
17.178
|
16.987
|
17.199
|
15.890
|
-0,87
|
+ DT cho sản phẩm
|
"
|
11.201
|
12.001
|
13.202
|
15.039
|
14.675
|
6,98
|
- Cà phê
|
"
|
15.081
|
16.041
|
15.503
|
15.031
|
14.616
|
-0,78
|
+ DT cho sản phẩm
|
"
|
14.100
|
14.991
|
14.464
|
14.181
|
13.698
|
-0,72
|
Sản lượng một số cây chủ yếu
|
|
|
|
|
|
|
|
- Lúa
|
Tấn
|
39.453
|
39.627
|
42.616
|
40.251
|
41.636
|
1,35
|
- Bắp
|
"
|
17.250
|
17.109
|
16.434
|
15.022
|
12.358
|
-8.0
|
- Khoai Mỳ
|
"
|
403.613
|
378.663
|
327.544
|
252.999
|
144.473
|
-22,6
|
- Cao su
|
"
|
306.985
|
330.089
|
355.623
|
369.037
|
379.617
|
5,45
|
- Điều
|
"
|
152.332
|
96.813
|
125.739
|
140.525
|
189.015
|
5,54
|
- Tiêu
|
"
|
27.941
|
33.768
|
24.305
|
29.945
|
28.217
|
0,25
|
- Cà phê (Nhân)
|
"
|
29.796
|
31.751
|
32.030
|
32.069
|
27.411
|
-2,0
|
Bảng
2. Số lượng, quy mô cơ sở chế biến một số nông sản chính năm 2020
TT
|
Sản phẩm chế biến
|
Số cơ sở chế biến
|
Công suất thiết
kế (tấn/năm)
|
Sản lượng thành
phẩm (tấn/năm)
|
Quy mô
|
Vừa
|
Nhỏ
|
Siêu nhỏ
|
1
|
Điều
|
1.416
|
205.277
|
61.581
|
30
|
110
|
1.262
|
2
|
Cà phê
|
20
|
2.150
|
376
|
0
|
0
|
20
|
3
|
Hồ tiêu
|
6
|
13.490
|
7.664
|
02
|
0
|
04
|
4
|
Chế biến các sản phẩm chăn nuôi (thịt Gà, giò chả,
nem, mật ong)
|
67
|
54.918
|
34.084
|
01
|
01
|
65
|
Tổng cộng
|
1.509
|
275.835
|
103.705
|
33
|
111
|
1.351
|
Bảng
3. Hiện trạng và quy mô các loại cây trồng chủ lực các giai đoạn
TT
|
Ngành hàng
|
ĐVT
|
Năm 2016
|
Năm 2020
|
Năm 2025
|
Năm 2030
|
So sánh
|
2016-2020
|
2020-2025
|
2020-2030
|
|
Tổng diện tích gieo trồng
|
ha
|
452.697
|
461.141
|
|
|
|
|
|
1
|
Lúa
|
ha
|
|
6.680
|
5.907
|
5.493
|
|
-773
|
-1.187
|
|
Năng suất
|
tạ/ha
|
32,4
|
36,9
|
35
|
36,5
|
4,5
|
-1,9
|
-0,4
|
Sản lượng
|
tấn
|
39.453
|
41.636
|
20.675
|
20.049
|
2.183
|
-20.961,50
|
-21.586,55
|
2
|
Rau
|
ha
|
4.711
|
4.180
|
4.500
|
5.000
|
-531
|
320
|
820
|
|
Năng suất
|
tạ/ha
|
66,5
|
70,6
|
85
|
100
|
4,1
|
14,4
|
29,4
|
Sản lượng
|
tấn
|
31.313
|
29.516
|
38.250
|
50.000
|
-1.797
|
8.734
|
20.484
|
3
|
Khoai mì
|
ha
|
17.003
|
5.920
|
4.000
|
4.000
|
-11.083
|
-1.920
|
-1.920
|
|
Năng suất
|
tạ/ha
|
237,4
|
244
|
244
|
244
|
6,6
|
0,00
|
0.00
|
Sản lượng
|
tấn
|
403.613
|
144.473
|
97600
|
97600
|
-259.140
|
-46.873
|
-46.873
|
4
|
Điều
|
ha
|
134.204
|
139.868
|
145.000
|
138.000
|
5.664
|
5.132
|
-1.868
|
|
Diện tích thu hoạch
|
|
132.632
|
135.893
|
140.000
|
133.500
|
3.261
|
4.107
|
-2.393
|
Năng suất
|
tạ/ha
|
1 1,5
|
14
|
15,7
|
18,8
|
2,5
|
1,7
|
4,8
|
Sản lượng
|
tấn
|
152.332
|
189.015
|
219.800
|
250.980
|
36.683
|
30.785
|
61.965
|
5
|
Cao su
|
ha
|
234.850
|
246.659
|
225.000
|
200.000
|
11.809
|
-21.659
|
-46.659
|
|
Diện tích thu hoạch
|
ha
|
166.414
|
206.389
|
185.000
|
165.000
|
39.975
|
-21.389
|
-41.389
|
Năng suất
|
tạ/ha
|
18.6
|
18.4
|
19
|
22
|
-0,2
|
0,6
|
3,6
|
Sản lượng
|
tấn
|
308.985
|
379.617
|
351.500
|
363.000
|
70.632
|
-28.117
|
-16.617
|
6
|
Hồ tiêu
|
ha
|
16.452
|
15.890
|
13.000
|
10.000
|
-562
|
-2.890
|
-5.890
|
|
Năng suất
|
tạ/ha
|
24,9
|
19,2
|
21
|
25
|
-5,7
|
1,8
|
4
|
Sản lượng
|
tấn
|
27.941
|
28.217
|
27.300
|
25.000
|
276
|
-917
|
-2.300
|
7
|
Cà phê
|
ha
|
15.081
|
14.616
|
12.000
|
8.000
|
-465
|
-2.616
|
-6.616
|
|
Năng suất
|
tạ/ha
|
21,1
|
20
|
24
|
26
|
-1,1
|
4
|
6
|
Sản lượng
|
tấn 1
|
29.796
|
27.411
|
28.800
|
20.800
|
-2.385
|
1.389
|
-6.611
|
8
|
Diện tích cây ăn quả các loại
|
ha
|
8.462
|
12.342
|
17.000
|
20.000
|
3.880
|
4.658
|
7.658
|
Bảng
4. Hiện trạng và quy mô đàn các loại vật nuôi chủ lực các giai đoạn
TT
|
Ngành hàng
|
ĐVT
|
Năm 2016
|
Năm 2020
|
Năm 2025
|
Năm 2030
|
So sánh
|
2016- 2020
|
2020- 2025
|
2020- 2030
|
1
|
Đàn Trâu
|
Con
|
12.491
|
12.289
|
52.000
|
52.000
|
-202
|
1.0171
|
1.071
|
2
|
Đàn Bò
|
Con
|
33.472
|
38.640
|
5.168
|
3
|
Đàn Dê
|
Con
|
103.500
|
152.000
|
150.000
|
150.000
|
48.500
|
-2.000
|
-2.000
|
4
|
Đàn Heo
|
Con
|
321.667
|
1.000.000
|
2.700.000
|
3.200.000
|
678.333
|
1.700.000
|
2.200.000
|
5
|
Đàn gia cầm
|
Nghìn con
|
4.772
|
7.357
|
18.000
|
32.000
|
2.585
|
10.643
|
24.643
|
Bảng
5. Bộ tiêu chí giám sát, đánh giá về cơ cấu lại ngành Nông nghiệp tỉnh giai đoạn
2021-2025, định hướng đến năm 2030
TT
|
Tên và nội dung
tiêu chí
|
Đơn vị tính
|
Toàn quốc đến
năm 2025
|
Tỉnh Bình Phước
|
Đến năm
2025
|
Đến năm
2030
|
1
|
Tốc độ tăng giá trị gia tăng ngành NLTS
|
%/năm
|
≥ 2,5
|
2,8
|
1,8
|
2
|
Tốc độ tăng giá trị gia tăng lĩnh vực trồng trọt
|
%/năm
|
≥ 1,8
|
1,4
|
0,9
|
3
|
Tốc độ tăng giá trị gia tăng lĩnh vực chăn nuôi
|
%/năm
|
≥ 3,5
|
7
|
4
|
4
|
Tốc độ tăng giá trị gia tăng lĩnh vực thủy sản
|
%/năm
|
≥ 3,3
|
4,5
|
4
|
5
|
Tốc độ tăng giá trị gia tăng lĩnh vực lâm nghiệp
|
%/năm
|
≥ 4,5
|
3
|
4,5
|
6
|
Tốc độ tăng giá trị gia tăng công nghiệp chế biến
nông sản
|
%/năm
|
≥ 8
|
8
|
10
|
7
|
Tốc độ tăng năng suất lao động NLTS
|
%/năm
|
≥ 7
|
7
|
6
|
8
|
Tỷ lệ giá trị sản phẩm NLTS được sản xuất dưới các
hình thức hợp tác và liên kết theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 07/5/2018
của Chính phủ
|
% (đến năm 2025)
|
≥ 30
|
30
|
40
|
9
|
Tỷ lệ giá trị sản phẩm được sản xuất theo các quy
trình sản xuất tốt (GAP) hoặc tương đương
|
% (đến năm 2025)
|
≥ 25
|
≥ 10 trồng trọt ≥
90 chăn nuôi
|
≥ 15 trồng trọt ≥
95 chăn nuôi
|
10
|
Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công
nghệ cao
|
% (đến năm 2025)
|
≥ 20
|
20
|
30
|
11
|
Tỷ lệ HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả
|
% (Đến năm 2025)
|
≥ 80
|
80
|
85
|
12
|
Tỷ lệ diện tích sản xuất nông nghiệp được tưới tiết
kiệm nước
|
% (đến năm 2025)
|
≥ 35
|
30% cây cần tưới
|
35% cây cần tưới
|
13
|
Tỷ lệ diện tích rừng sản xuất được quản lý bền vững
có xác nhận
|
% (đến năm 2025)
|
≥ 30
|
30,59
|
36,79
|
14
|
Tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo
|
% (đến năm 2025)
|
≥ 55
|
75
|
80
|
15
|
Tỷ lệ cơ sở sản xuất chăn nuôi lợn trên địa bàn xử
lý chất thải bằng biogas hoặc các giải pháp công nghệ xử lý, sử dụng hiệu quả,
sạch
|
% (đến năm 2025)
|
≥ 70
|
100% quy mô vừa trở
lên
|
100% quy mô vừa trở
lên
|
Bảng
6. Chương trình thực hiện Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp tỉnh giai đoạn
2021-2025, định hướng đến năm 2030
TT
|
Nội dung nhiệm
vụ
|
Sản phẩm
|
Nhiệm vụ
|
Thời gian
|
Địa điểm
|
Kinh phí (triệu
đồng)
|
Cơ quan chủ trì
|
Cơ quan phối hợp
|
Ghi chú
|
Tưới (ha)
|
Cấp nước (m3/ngày
đêm)
|
A
|
Phát triển sản xuất Nông nghiệp (I+II+III+IV)
|
|
|
|
|
|
2.333.800
|
|
|
|
I
|
CÁC DỰ ÁN, CHƯƠNG TRÌNH THUỘC ĐỀ ÁN NNUDCNC,
NÔNG NGHIỆP SẠCH, NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2021-2025, ĐỊNH
HƯỚNG NĂM 2030
|
1.727.500
|
|
|
|
1
|
Xây dựng khu NNUDCNC
|
|
|
|
2025-2030
|
|
1.700.000
|
Ban Quản lý khu
kinh tế
|
|
|
2
|
Xây dựng NNUDCNC, sạch, hữu cơ
|
|
|
|
|
|
10.000
|
|
|
|
2.1
|
Ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ trong sản
xuất NNUDCNC, nông nghiệp sạch, hữu cơ.
|
|
|
|
2022-2025
|
|
5.000
|
Sở Nông nghiệp và
PTNT
|
UBND các huyện, thị
xã
|
|
2.2
|
Hỗ trợ HTX, Doanh nghiệp sản xuất NNUDCNC, nông
nghiệp sạch, hữu cơ
|
|
|
|
2022-2025
|
|
5.000
|
Sở Nông nghiệp và
PTNT
|
UBND các huyện, thị
xã
|
|
3
|
Xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường
|
|
|
|
|
|
17.500
|
|
|
|
3.1
|
Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm,
dịch vụ trong Nông nghiệp
|
|
|
|
2022-2030
|
|
5.000
|
Sở Khoa học và
Công nghệ
|
UBND các huyện, thị
xã
|
|
3.2
|
Xúc tiến tiêu thụ hàng nông sản
|
|
|
|
2022-2025
|
|
5.000
|
Trung tâm Xúc tiến
Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh
|
UBND các huyện, thị
xã
|
|
3.3
|
Dự án tăng cường chuyển đổi số trong Nông nghiệp
|
|
|
|
2022-2020
|
|
5.000
|
Sở Thông tin và
Truyền thông
|
Các Sở ban ngành;
UBND các huyện, thị xã
|
|
3.4
|
Quản lý mã vùng trồng, cơ sở đóng gói và truy xuất
nguồn gốc nông sản trên địa bàn tỉnh
|
|
|
|
2022-2030
|
|
2.500
|
Sở Nông nghiệp và
PTNT
|
UBND các huyện, thị
xã
|
|
II
|
CÁC DỰ ÁN THUỘC LĨNH VỰC LÂM NGHIỆP
|
438.500
|
|
|
|
1
|
Dự án trồng rừng thay thế đối với công trình Dự án
chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác
|
|
|
|
|
Ban QLRPH Tà Thiết,
huyện Lộc Ninh
|
20.000
|
Sở Nông nghiệp và
PTNT
|
|
|
2
|
Đề án phát triển du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh
Bình Phước
|
|
|
|
|
Tỉnh Bình Phước
|
1.500
|
Sở Nông nghiệp và
PTNT
|
|
|
3
|
Dự án nâng cao năng lực phòng hộ trên địa bàn tỉnh
Bình Phước
|
|
|
|
|
Tỉnh Bình Phước
|
35.000
|
Sở Nông nghiệp và
PTNT chủ trì
|
|
|
4
|
Xây dựng công trình bảo vệ và phát triển rừng tại
Vườn quốc gia Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021-2025
|
|
|
|
|
Xã Bù Gia Mập, huyện
BGM Bù Gia Mập
|
168.000
|
Sở Nông nghiệp và
PTNT
|
|
|
5
|
Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển lâm
nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Bình Phước
|
|
|
|
|
Tỉnh Bình Phước
|
110.000
|
Sở Nông nghiệp và
PTNT
|
|
|
6
|
Mua sắm phương tiện phục vụ PCCCR (06 xe chuyên dụng)
|
|
|
|
|
Các đơn vị chủ rừng
|
9.000
|
Sở Nông nghiệp và
PTNT
|
|
|
7
|
Xây dựng hàng rào dây thép gai quanh chân núi bà
rá
|
|
|
|
|
Khu rừng di tích lịch
sử Núi Bà Rá
|
5.000
|
Sở Nông nghiệp và
PTNT
|
|
|
8
|
Dự án Nâng cao năng lực bảo vệ rừng - PCCCR trên
địa bàn tỉnh Bình Phước
|
|
|
|
|
Tỉnh Bình Phước
|
50.000
|
Sở Nông nghiệp và
PTNT
|
|
|
9
|
Xây dựng Chòi canh lửa rừng
|
|
|
|
|
Khu vực rừng tự
nhiên
|
5.000
|
Sở Nông nghiệp và
PTNT
|
|
|
10
|
Chương trình chăm sóc rừng
|
|
|
|
|
Tỉnh Bình Phước
|
35.000
|
Sở Nông nghiệp và
PTNT
|
|
|
III
|
CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ ĐỀ ÁN SƠ CHẾ, BẢO QUẢN
|
11.800
|
|
|
|
1
|
Thu hút, hỗ trợ xây dựng cơ sở, nhà máy sản xuất,
thu mua và sơ chế các loại rau, củ quả sạch phục vụ nhu cầu trong nước và xuất
khẩu
|
|
|
|
2022-2030
|
Các huyện, thị xã,
thành phố: Đồng Xoài, Bình Long, Hớn Quản, Lộc Ninh, Bù Gia Mập
|
2.000
|
UBND các huyện, thị
xã, thành phố
|
|
01 cơ sở x 2.000
triệu đồng
|
2
|
Thu hút, hỗ trợ xây dựng nhà máy, cơ sở xay xát,
bảo quản, tiêu thụ lúa gạo với công suất 10.000 tấn/năm
|
|
|
|
2022-2030
|
Các huyện: Lộc
Ninh, Hớn Quản, Bù Đăng, Bù Gia Mập
|
1.400
|
UBND các huyện, thị
xã
|
|
02 cơ sở x 700 triệu
đồng
|
3
|
Thu hút, hỗ trợ xây dựng 03 nhà máy, cơ sở sơ chế,
bảo quản các loại quả (trái cây) với công suất khoảng 5000 tấn/năm
|
|
|
|
2022-2030
|
Các huyện, thị xã:
Phước Long, Bù Đăng, Lộc Ninh, Bù Gia Mập
|
4.500
|
UBND các huyện, thị
xã
|
|
03 cơ sở x 1.500
triệu đồng
|
4
|
Thu hút, hỗ trợ xây sân phơi, kho chứa; hỗ trợ cải
tiến, nâng cấp công suất máy xay xát, công cụ phục vụ công tác sơ chế, bảo quản
lúa gạo tại các vùng trọng điểm nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch
|
|
|
|
2022-2030
|
Các huyện: Bù
Đăng, Bù Gia Mập, Bù Đốp, Hớn Quản, Lộc Ninh
|
2.500
|
UBND các huyện, thị
xã
|
|
05 cơ sở x 500 triệu
đồng
|
5
|
Thu hút, hỗ trợ xây dựng nhà máy sơ chế, chế biến
sản phẩm hạt tiêu
|
|
|
|
2022-2030
|
Các huyện, thị xã:
Bù Đốp, Lộc Ninh, Bình Long, Hớn Quản, Bù Gia Mập
|
1.400
|
UBND các huyện, thị
xã
|
|
02 cơ sở x 700 triệu
đồng
|
IV
|
ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN VÙNG CHĂN NUÔI ATDB
|
2022-2030
|
UBND các huyện,
thị xã
|
156.000
|
Sở Nông nghiệp và
PTNT
|
|
|
B
|
Thủy lợi và phòng chống thiên tai (I+II+III)
|
|
|
|
|
|
3.803.000
|
|
|
|
I
|
Các công trình thủy lợi
|
|
|
|
|
|
3.601.000
|
|
|
|
1
|
Giai đoạn 2021-2025 (1.1 + 1.2)
|
|
|
|
|
2.545.000
|
|
|
|
1.1
|
Các dự án đã được Trung ương hỗ trợ và vốn
khác
|
|
|
|
|
|
1.490.000
|
|
|
|
1.1.1
|
Hồ Tà Mai
|
Công trình xây dựng
mới
|
120
|
480
|
2021-2025
|
Xã Lộc Khánh, huyện
Lộc Ninh
|
240.000
|
Sở Nông nghiệp và
PTNT
|
UBND các huyện, thị
xã
|
Quyết định số
3156/QĐ- BNN-KH ngày 19/7/2021 của Bộ Nông nghiệp và PTNT
|
1.1.2
|
Hồ thị trấn Lộc Ninh
|
Công trình xây dựng
mới
|
70
|
720
|
2021-2025
|
Thị trấn Lộc Ninh,
huyện Lộc Ninh
|
Sở Nông nghiệp và
PTNT
|
UBND các huyện, thị
xã
|
1.1.3
|
Tăng cường khả năng thoát lũ Suối Rạt
|
Công trình xây dựng
mới
|
|
|
2021-2025
|
Thành phố Đồng
Xoài và huyện Đồng Phú
|
646.000
|
Sở Nông nghiệp và
PTNT
|
UBND các huyện, thị
xã, thành phố
|
Quyết định số
3327/QĐ- BNN-KH ngày 23/7/2021 của Bộ Nông nghiệp và PTNT
|
1.1.4
|
Hiện đại hóa thủy lợi thích ứng biến đổi khí hậu
trên địa bàn tỉnh Bình Phước
|
Công trình xây dựng
mới
|
|
|
2021-2025
|
|
|
|
|
|
|
Xây dựng và hiện đại hóa hệ thống thủy lợi tưới
vùng ven lòng hồ Dầu Tiếng
|
|
|
|
2021-2025
|
Huyện Hớn Quản
|
|
|
|
Quyết định số
631/QĐ-TTg ngày 20/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ
|
|
Xây dựng và hiện đại hóa hệ thống thủy lợi tưới
vùng ven lòng hồ Phước Hòa
|
|
|
|
2021-2025
|
Huyện Chơn Thành
|
|
|
|
|
Phát triển, hiện đại hoá và hoàn thiện hệ thống
kênh tưới thuộc hệ thống thủy lợi sau thủy điện Cần Đơn, huyện Bù Đốp
|
|
|
|
2021-2025
|
Huyện Bù Đốp
|
|
|
|
|
Nâng cấp và hiện đại hóa hệ thống kênh mương
các công trình huyện Lộc Ninh
|
|
|
|
2021-2025
|
Huyện Lộc Ninh
|
|
|
|
1.2
|
Vốn ngân sách địa phương
|
|
|
|
|
|
1.055.000
|
|
|
|
|
Dự án trong kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn
2021 - 2025 (Nghị quyết số 14/NQ-HĐND ngày 13/7/2020 của HĐND )
|
1.2.1
|
Xây dựng đập làm hồ nước cung cấp cho Trung tâm hành
chính huyện và đấu nối tuyến đường ĐT 760 chạy qua Trung tâm hành chính
|
Công trình xây dựng
mới
|
350
|
500 hộ dân
|
2021-2025
|
Xã Phú Nghĩa, huyện
Bù Gia Mập
|
90.000
|
|
|
|
1.2.2
|
Hồ Suối Cam 3
|
Công trình xây dựng
mới
|
|
6.000
|
2021-2025
|
Phường Tiến Thành
và xã Tân Thành, thành phố Đồng Xoài
|
550.000
|
|
|
|
1.2.3
|
Đầu tư cải tạo hệ thống thủy lợi, khai thông ngập
úng cánh đồng Sơn Long (từ khu vực hồ Đăk Tôn, P. Sơn Giang đến thôn An Lương
xã Long Giang)
|
Công trình xây dựng
mới
|
|
Tiêu: 80ha
|
2021-2025
|
Thị xã Phước Long
|
140.000
|
|
|
|
1.2.4
|
Hệ thống kênh nội đồng xã An Khương
|
Công trình xây dựng
mới
|
260
|
|
2021-2025
|
Xã An Khương, huyện
Hớn Quản
|
30.000
|
|
|
Quyết định số
154/QĐ-UBND ngày 19/01/2020 của UBND tỉnh
|
1.2.5
|
Xây dựng hệ thống kênh mương tưới tiêu cho cánh đồng
Đăng Hà
|
Công trình xây dựng
mới
|
500
|
|
2021-2025
|
Xã Đăng Hà, huyện
Bù Đăng
|
75.000
|
|
|
|
1.2.6
|
Cải tạo suối chống hạn (đoạn từ chân đập nước Lộc
Tấn đến cầu Lâm Trường)
|
Công trình xây dựng
mới
|
|
|
2021-2025
|
Thị trấn Lộc Ninh
và xã Lộc Thái, huyện Lộc Ninh
|
100.000
|
|
|
|
1.2.7
|
Xây dựng hồ chứa nước Bình Hà 2
|
Công trình xây dựng
mới
|
|
|
2021-2025
|
Xã Đa Kia, huyện
Bù Gia Mập
|
40.000
|
|
|
|
1.2.8
|
Xây dựng hệ thống kênh dẫn 06 km sử dụng nước sau
thủy điện Cần Đơn tưới cho cánh đồng Sóc Nê, xã Tân Tiến
|
Công trình xây dựng
mới
|
|
166
|
2021-2025
|
Xã Tân Tiến, huyện
Bù Đốp
|
30.000
|
-
|
|
|
2
|
Giai đoạn 2026-2030
|
|
|
|
|
|
1.056.000
|
|
|
|
2.1
|
Hồ số 3
|
Công trình xây dựng
mới
|
150
|
|
2026-2030
|
Xã Thanh Lương, thị
xã Bình Long
|
60.000
|
|
|
Đề xuất nguồn vốn
Trung ương hỗ trợ và nguồn vốn khác
|
2.2
|
Hồ Đức Thịnh
|
Công trình xây dựng
mới
|
150
|
5.000
|
2026-2030
|
Xã Minh Đức, huyện
Hớn Quản
|
53.000
|
|
|
2.3
|
Hồ Đar Ma
|
Công trình xây dựng
mới
|
200
|
2.000
|
2026-2030
|
Xã Đường 10, huyện
Bù Đăng
|
43.000
|
|
|
2.4
|
Hồ cửa khẩu Hoàng Diệu
|
Công trình xây dựng
mới
|
|
10.100
|
2026-2030
|
Xã Hưng Phước, huyện
Bù Đốp
|
100.000
|
|
|
2.5
|
Hồ Suối Cam 4
|
Công trình xây dựng
mới
|
|
10.000
|
2026-2030
|
Xã Tân Thành,
thành phố Đồng Xoài
|
400.000
|
|
|
2.6
|
Hồ Suối Cam 5
|
Công trình xây dựng
mới
|
|
10.000
|
2026-2030
|
Xã Tân Thành,
thành phố Đồng Xoài
|
400.000
|
|
|
II
|
Công trình sửa chữa để đảm bảo an toàn và nâng
cao hiệu quả công trình
|
2.360
|
36.192
|
|
|
148.000
|
|
|
|
1
|
Hồ NT2-Đội 7
|
Công trình sửa chữa
|
100
|
|
|
Xã Phước Minh, huyện
Bù Gia Mập
|
10.000
|
|
|
Quyết định số
3233/QĐ- BNN-KH ngày 21/7/2021 của Bộ Nông nghiệp và PTNT
|
2
|
Hồ Suối Giai
|
Công trình sửa chữa
|
500
|
20.000
|
|
Xã Tân Lập, huyện
Đồng Phú
|
30.000
|
|
|
3
|
Ông Thoại
|
Công trình sửa chữa
|
100
|
3.840
|
|
Xã Nghĩa Trung,
huyện Bù Đăng
|
10.000
|
|
|
Báo cáo số
90/BC-UBND ngày 16/4/2021 của UBND tỉnh
|
4
|
Suối Láp
|
Công trình sửa chữa
|
90
|
|
|
Xã Tân Hiệp, huyện
Hớn Quản
|
15.0.00
|
|
|
5
|
Bình Hà 1
|
Công trình sửa chữa
|
100
|
|
|
Xã Đa Kia, huyện
Bù Gia Mập
|
20.000
|
|
|
|
6
|
Đập dâng K2
|
Công trình sửa chữa
|
40
|
|
|
Xã Tân Tiến, huyện
Bù Đốp
|
15.000
|
|
|
Công văn số
1075/UBND-KT ngày 05/4/2021 của UBND tỉnh
|
7
|
Tân Đông
|
Công trình sửa chữa
|
80
|
|
|
Xã Tân Tiến, huyện
Bù Đốp
|
10.000
|
|
|
8
|
Đập dâng Tôn Lê Chàm
|
Công trình sửa chữa
|
220
|
|
|
Xã Lộc Thái, huyện
Lộc Ninh
|
10.000
|
|
|
9
|
Hồ Suối Ông
|
Công trình sửa chữa
|
30
|
|
|
Thị trấn Tân Khai,
huyện Hớn Quản
|
5.000
|
|
|
10
|
Hồ Bàu Thôn
|
Công trình sửa chữa
|
60
|
|
|
Xã Long Hưng, huyện
Phú Riềng
|
10.000
|
|
|
11
|
Hồ NT 10
|
Công trình sửa chữa
|
70
|
|
|
Xã Phú Riềng, huyện
Phú Riềng
|
5.000
|
|
|
12
|
Hồ NT9
|
Công trình sửa chữa
|
100
|
6.000
|
|
Xã Long Tân, huyện
Phú Riềng
|
5.000
|
|
|
13
|
Hồ Rừng Cấm
|
Công trình sửa chữa
|
100
|
3.000
|
|
Xã Lộc Tấn, huyện
Lộc Ninh
|
7.000
|
|
|
14
|
Hồ Lộc Quang
|
Công trình sửa chữa
|
550
|
|
|
Xã Lộc Quang, huyện
Lộc Ninh
|
6.000
|
|
|
15
|
Hồ Hưng Phú
|
Công trình sửa chữa
|
100
|
2.000
|
|
Xã Minh Hưng
|
5.000
|
|
|
16
|
Hồ Thọ Sơn
|
Công trình sửa chữa
|
120
|
1.152
|
|
Xã Thọ Sơn, huyện
Bù Đăng
|
5.000
|
|
|
17
|
Hồ Bù Rên
|
Công trình sửa chữa
|
|
200
|
|
Xã Bù Gia Mập, huyện
Bù Gia Mập
|
10.000
|
|
|
III
|
Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông
thôn (1 + 2)
|
|
|
|
|
|
54.000
|
|
|
|
1
|
Công trình đề xuất Nâng cấp, mở rộng
|
|
|
|
|
|
25.000
|
|
|
|
1.1
|
Nâng cấp, mở rộng hệ thống cấp nước sạch xã Minh
Hưng và thị trấn Đức Phong - huyện Bù Đăng
|
Nâng cấp, mở rộng
|
|
|
|
Thị trấn Đức
Phong, huyện Bù Đăng
|
5.000
|
|
|
|
|
- Nâng cấp cụm đầu mối công suất 5000m3/ngày
đêm
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
- Mở rộng 9.600m tuyến ống cấp nước
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1.2
|
Nâng cấp, mở rộng hệ thống cấp nước sạch các xã:
Lộc Hưng, Lộc Thái, Lộc Tấn và thị trấn Lộc Ninh thuộc công trình cấp nước Rừng
Cấm, huyện Lộc Ninh
|
Nâng cấp, mở rộng
|
|
|
|
Thị trấn Lộc Ninh,
huyện Lộc Ninh
|
3.500
|
|
|
|
|
- Mở rộng 7.000m tuyến ống cấp nước
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1.3
|
Nâng cấp, mở rộng hệ thống cấp nước sạch xã Nghĩa
Trung, huyện Bù Đăng
|
Nâng cấp, mở rộng
|
|
|
|
Xã Nghĩa Trung,
huyện Bù Đăng
|
2.500
|
|
|
|
|
- Sửa chữa, nâng cấp cụm đầu mối
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
- Mở rộng 5.000m tuyến ống cấp nước
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1.4
|
Nâng cấp mở rộng hệ thống cấp nước sạch các xã
Thiện Hưng Tân Tiến và thị trấn Thanh Bình, huyện Bù Đốp
|
Nâng cấp, mở rộng
|
|
|
|
Huyện Bù Đốp
|
10.500
|
|
|
|
|
- Sửa chữa, nâng cấp công suất cụm đầu mối lên
3.000 m3/ngày đêm
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
- Mở rộng 11.000m tuyến ống cấp nước
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1.5
|
Mở rộng mạng đường ống cấp nước xã Bù Nho và Long
Tân, huyện Phú Riềng
|
Nâng cấp, mở rộng
|
|
|
|
Xã Long Tân và xã
Bù Nho, huyện Phú Riềng
|
3.500
|
|
|
|
|
- Mở rộng 8.000m tuyến ống cấp nước
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2
|
Công trình đề xuất xây dựng mới
|
|
|
|
|
|
29.000
|
|
|
|
2.1
|
Xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt tập trung
xã Thống Nhất
|
Xây dựng mới
|
|
|
|
Xã Thống Nhất, huyện
Bù Đăng
|
10.000
|
|
|
Khu vực tập trung
dân cư và khó khăn về nguồn nước
|
2.2
|
Xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt tập trung
xã Long Bình
|
Xây dựng mới
|
|
|
|
Xã Long Bình, huyện
Phú Riềng
|
9.500
|
|
|
|
2.3
|
Xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt tập trung
xã Thanh An
|
Xây dựng mới
|
|
|
|
Xã Thanh An, huyện
Hớn Quản
|
9.500
|
|
|
|
|
TỔNG CỘNG
|
|
|
|
|
|
6.136.800
|
|
|
|
[1] Kim ngạch xuất khẩu gỗ của tỉnh năm 2020 đạt
128,3 triệu USD; xuất khẩu bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 124,2 triệu USD/
năm. Hàng năm, ngành gỗ đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh khoảng 5% và
chiếm bình quân 1,4% tỷ trọng của cả nước.
[2] Đàn trâu, bò duy trì ổn định trên 50.000
con. Đàn heo và gia cầm tốc độ tăng nhanh, cụ thể: Đàn heo tính hết năm 2020 là
1.000.000 con (321.667 con năm 2016), tăng 310,9% (678.333 con). Chăn nuôi
trang trại chiếm trên 90% tổng đàn. Đàn gia cầm tính hết năm 2020 là 7.550
nghìn con (4.772 nghìn con năm 2016), tăng 158,2% (2.778 nghìn con); chăn nuôi
trang trại chiếm 70% tổng đàn.
[3] Thực hiện Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày
24/9/2010 của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.
[4] Cụ thể: 23 cơ sở giết mổ gia súc với hệ thống
giết mổ treo; 03 cơ sở giết mổ gia cầm tập trung tại huyện Bù Đăng, Đồng Phú, Hớn
Quản; 02 nhà máy giết mổ, chế biến thịt gia súc, gia cầm gà huyện Chơn Thành phục
vụ nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
[5] Kim ngạch xuất khẩu gỗ của tỉnh năm 2020 đạt
128,3 triệu USD; xuất khẩu bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 124,2 triệu USD/
năm. Hàng năm, ngành gỗ đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu của tình khoảng 5% và
chiếm bình quân 1,4% tỷ trọng của cả nước.
[6] Khoản 1, Điều 14, Nghị định số 57/2018/NĐ-CP
ngày 17/4/2018 của Chính phủ “1... Ngân sách của tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương dành tối thiểu 5% vốn chi ngân sách địa phương hàng năm cho ngành
nông nghiệp để thực hiện”.
[7] Trên 90% diện tích (khoảng 3.200 ha Điều hữu
cơ) đều liên kết với doanh nghiệp ngoài tỉnh.
[8] Chỉ có khoảng 5% nông sản xuất khẩu là những
sản phẩm đã qua chế biến sâu, có bao bì nhãn mác, thương hiệu.
[9] Hệ thống khuyến nông cấp xã đang triển khai
dựa trên hình thức xã hội hóa, lồng ghép và được quy định trong Chương trình
MTQG xây dựng nông thôn mới.
[10] Tỷ lệ giá trị sản phẩm NNUDCNC đạt trên
20%, hình thành 01 khu NNUDCNC, 01 đến 02 vùng NNUDCNC và diện tích nhóm đất
nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt khoảng 1,0-1,5% theo từng loại đối tượng cây trồng.
[11] Tập trung chủ yếu các sản phẩm hạt Điều,
chăn nuôi và chế biến gỗ.
[12] Tỷ lệ giá trị sản phẩm NNUDCNC đạt trên
50%, hình thành 5 vùng NNỤDCNC và diện tích nhóm đất nông nghiệp sản xuất hữu
cơ đạt khoảng 1,5-2,0 % theo từng loại đối tượng cây trồng.
[13] Của Công ty TNHH CPV Food và Công ty TNHH
Japfa Comfeed Việt Nam với tổng công suất giết mổ 137.440.000 con và chế biến
sâu 171.000 tấn/năm (Công ty TNHH CPV Food giết mổ 100.000.000 con/năm, chế biến
sâu 170.000 tấn/năm; Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam giết mổ 37.440.000
con/năm, chế biến sâu 1.000 tấn/năm).