Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Thông tư 04/2022/TT-BLĐTBXH tổ chức đào tạo trình độ trung cấp cao đẳng theo niên chế

Số hiệu: 04/2022/TT-BLĐTBXH Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Người ký: Lê Tấn Dũng
Ngày ban hành: 30/03/2022 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

Thời gian tối đa để hoàn thành chương trình đào tạo TC, CĐ

Ngày 30/3/2022, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH ban hành Thông tư 04/2022/TT-BLĐTBXH quy định về việc tổ chức đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng theo niên chế hoặc theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ.

Theo đó, thời gian tối đa để người học hoàn thành chương trình đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng như sau:

- Thời gian tối đa để người học hoàn thành chương trình bao gồm thời gian học các môn học, mô-đun và thời gian thi tốt nghiệp hoặc bảo vệ chuyên đề, khóa luận tốt nghiệp do hiệu trưởng quyết định:

+ Bảo đảm không vượt quá 1,5 lần thời gian đào tạo đối với chương trình từ hai đến ba năm học,

+ không vượt quá 02 lần thời gian đào tạo đối với chương trình từ một đến dưới hai năm học,

Lưu ý: Thời gian này không bao gồm thời gian bảo lưu quy định tại khoản 2 Điều 9 Thông tư 04/2022/TT-BLĐTBXH .

(Hiện hành, Thông tư 09/2017/TT-BLĐTBXH quy định thời gian tối đa không vượt quá 02 lần thời gian thiết kế cho chương trình từ hai đến ba năm học, không vượt quá 03 lần thời gian thiết kế cho chương trình từ một đến dưới hai năm học)

- Thời gian tối đa đối với người học cùng lúc hai chương trình bằng thời gian tối đa để hoàn thành chương trình có thời gian đào tạo dài hơn và được tính từ khi bắt đầu học chương trình thứ nhất;

- Hiệu trưởng có thể xem xét, quyết định kéo dài thời gian đào tạo tối đa đối với các trường hợp người học có giấy xác nhận khuyết tật theo quy định của Luật Người khuyết tật;

- Thời gian tối đa đối với chương trình đào tạo các ngành, nghề thuộc lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao có tính chất đặc thù do Bộ LĐTB&XH phối hợp với Bộ VHTT&DL thống nhất quy định.

Thông tư 04/2022/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 15/5/2022 và thay thế Thông tư 09/2017/TT-BLĐTBXH ngày 13/3/2017.

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH
VÀ XÃ HỘI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/2022/TT-BLĐTBXH

Hà Nội, ngày 30 tháng 3 năm 2022

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VIỆC TỔ CHỨC ĐÀO TẠO TRÌNH ĐỘ TRUNG CẤP, TRÌNH ĐỘ CAO ĐẲNG THEO NIÊN CHẾ HOẶC THEO PHƯƠNG THỨC TÍCH LŨY MÔ-ĐUN HOẶC TÍN CHỈ

Căn cứ Luật Giáo dục nghề nghiệp ngày 27 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 14/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Căn cứ Nghị định số 15/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 02 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Giáo dục nghề nghiệp;

Theo đề nghị của Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp,

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư quy định việc tổ chức đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng theo niên chế hoặc theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định về tổ chức và quản lý đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng theo niên chế hoặc theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ; quy chế kiểm tra, thi, xét công nhận tốt nghiệp.

2. Thông tư này áp dụng cho các trường trung cấp, trường cao đẳng, cơ sở giáo dục đại học được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp (sau đây gọi chung là trường).

3. Thông tư này không áp dụng đối với việc tổ chức đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng sư phạm.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Đào tạo theo niên chế là phương thức tổ chức đào tạo theo năm học với lớp học tương đối cố định trong toàn khóa học, cho phép học sinh, sinh viên (sau đây gọi chung là người học) cùng lớp thực hiện theo một kế hoạch đào tạo, thời khóa biểu chung, thống nhất.

2. Đào tạo theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ là phương thức đào tạo theo từng nội dung học tập được thiết kế thành những mô-đun, môn học, người học được chủ động lựa chọn mô-đun, môn học theo quy định của nhà trường để tích lũy cho tới khi hoàn thành khối lượng mô-đun, tín chỉ quy định trong chương trình.

3. Đào tạo trực tuyến là hình thức dạy học cho phép thực hiện một phần hoặc toàn bộ nội dung môn học, mô-đun trong chương trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng trên môi trường Internet để thay thế việc dạy học trực tiếp tại các địa điểm đào tạo của cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Điều 3. Chương trình và thời gian đào tạo

1. Chương trình đào tạo

a) Chương trình đào tạo thể hiện mục tiêu đào tạo, khối lượng kiến thức, yêu cầu về năng lực mà người học cần đạt sau khi tốt nghiệp; phạm vi và cấu trúc nội dung; phương pháp và hình thức đào tạo; cách thức đánh giá kết quả học tập. Chương trình đào tạo được xây dựng theo quy định tại Thông tư số 03/2017/TT-BLĐTBXH ngày 01 tháng 3 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình; tổ chức biên soạn, lựa chọn, thẩm định giáo trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng.

b) Chương trình đào tạo phải được công khai đối với người học trước khi tuyển sinh và khi bắt đầu khóa học. Những thay đổi, điều chỉnh liên quan đến chương trình đào tạo được công bố trước khi áp dụng, không gây tác động bất lợi cho người học.

2. Thời gian đào tạo là thời gian để người học hoàn thành một chương trình đào tạo cụ thể và đủ điều kiện để nhận bằng tốt nghiệp tương ứng với chương trình đào tạo đó, cụ thể:

a) Thời gian đào tạo trình độ trung cấp theo niên chế đối với người có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên từ một đến hai năm học tùy theo ngành, nghề đào tạo;

b) Thời gian đào tạo trình độ trung cấp theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ là thời gian tích lũy đủ số lượng mô-đun, tín chỉ quy định cho từng chương trình;

c) Thời gian đào tạo trình độ cao đẳng theo niên chế được thực hiện từ hai đến ba năm học tùy theo ngành, nghề đào tạo đối với người có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc tốt nghiệp trung cấp và có giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông hoặc giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông hoặc đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông theo quy định;

d) Thời gian đào tạo trình độ cao đẳng theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ là thời gian người học tích lũy đủ số lượng mô-đun, tín chỉ của từng chương trình.

3. Thời gian tối đa để người học hoàn thành chương trình

a) Thời gian tối đa để người học hoàn thành chương trình bao gồm thời gian học các môn học, mô-đun và thời gian thi tốt nghiệp hoặc bảo vệ chuyên đề, khóa luận tốt nghiệp do hiệu trưởng quyết định, bảo đảm không vượt quá 1,5 lần thời gian đào tạo đối với chương trình từ hai đến ba năm học, không vượt quá 02 lần thời gian đào tạo đối với chương trình từ một đến dưới hai năm học, không bao gồm thời gian bảo lưu quy định tại khoản 2 Điều 9 Thông tư này;

b) Thời gian tối đa đối với người học cùng lúc hai chương trình bằng thời gian tối đa để hoàn thành chương trình có thời gian đào tạo dài hơn và được tính từ khi bắt đầu học chương trình thứ nhất;

c) Hiệu trưởng có thể xem xét, quyết định kéo dài thời gian đào tạo tối đa đối với các trường hợp người học có giấy xác nhận khuyết tật theo quy định của Luật Người khuyết tật;

d) Thời gian tối đa đối với chương trình đào tạo các ngành, nghề thuộc lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao có tính chất đặc thù do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thống nhất quy định.

4. Thời gian tổ chức giảng dạy, học tập tùy thuộc vào điều kiện và hoàn cảnh thực tế được quy định cụ thể trong quy chế đào tạo của trường, do hiệu trưởng quyết định, đảm bảo các yêu cầu sau:

a) Thời gian giảng dạy, học tập được thực hiện trong thời gian từ 6 giờ đến 22 giờ hàng ngày, bao gồm cả ngày thứ 7 và chủ nhật, trừ các nội dung học tập đặc thù phải giảng dạy ngoài thời gian này mới đủ điều kiện thực hiện;

b) Thời gian giảng dạy, học tập bằng hình thức trực tuyến được thực hiện linh hoạt tùy theo điều kiện và hoàn cảnh thực tế của từng trường, do hiệu trưởng quyết định;

c) Thời gian giảng dạy, thực hành, thực tập tại doanh nghiệp được thực hiện theo thỏa thuận giữa nhà trường và doanh nghiệp nhưng phải đảm bảo quy định của pháp luật về thời gian làm việc.

5. Thời gian học khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông hoặc chương trình giáo dục trung học phổ thông theo hình thức giáo dục thường xuyên không tính vào thời gian đào tạo nghề theo quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều này.

Điều 4. Địa điểm đào tạo

1. Địa điểm đào tạo được thực hiện tại trường, phân hiệu của trường, các địa điểm liên kết đào tạo theo quy định tại Nghị định số 143/2016/NĐ-CP ngày 14/10/2016 của Chính phủ quy định điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và Nghị định số 140/2018/NĐ-CP ngày 08/10/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; tổ chức cho người học học tập, thực hành và thực tập tại doanh nghiệp trong và ngoài nước thông qua hợp đồng với doanh nghiệp theo quy định tại khoản 6 Điều 23 Luật Giáo dục nghề nghiệp.

2. Việc đào tạo trực tuyến được thực hiện linh hoạt về địa điểm do hiệu trưởng các trường căn cứ vào điều kiện thực tế quyết định nhưng phải đáp ứng các điều kiện cho việc đào tạo để bảo đảm chất lượng theo quy định.

Điều 5. Kế hoạch đào tạo

1. Căn cứ vào khối lượng học tập của chương trình đào tạo, hiệu trưởng phê duyệt kế hoạch phân bổ số môn học, mô-đun cho từng học kỳ, năm học.

2. Trước khi bắt đầu khóa học, trường phải công bố công khai kế hoạch đào tạo đối với khóa học đó. Kế hoạch đào tạo cho từng khóa học, năm học phải thể hiện: Thời gian, hoạt động của chương trình đào tạo; thời điểm bắt đầu và kết thúc mỗi học kỳ, năm học, khóa học; thời gian, thời lượng đào tạo các môn học, mô-đun trong chương trình; thời gian học lý thuyết, thực hành, thực tập; kế hoạch tổ chức các hoạt động thi, bảo vệ chuyên đề, khóa luận tốt nghiệp (nếu có); thời gian thi hết môn học, mô-đun, thi tốt nghiệp; thời gian nghỉ hè, lễ tết, khai giảng, bế giảng; thời gian học tập ngoại khóa và các nội dung khác.

3. Trường hợp đào tạo trực tuyến thì kế hoạch đào tạo phải quy định cụ thể các nội dung, môn học, mô-đun đào tạo bằng hình thức trực tuyến.

Điều 6. Đăng ký nhập học

1. Khi đăng ký nhập học người học phải nộp các giấy tờ theo quy định tại khoản 3 Điều 11 của Thông tư số 05/2021/TT-BLĐTBXH ngày 07 tháng 7 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định quy chế tuyển sinh và xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng. Giấy tờ khi người học nhập học phải được quản lý tại đơn vị thuộc trường hoặc được số hóa để quản lý bằng các phần mềm quản lý đào tạo nếu có.

2. Người học được tổ chức thành các lớp học theo các chương trình đào tạo và ngành nghề đào tạo cụ thể, phù hợp với từng hình thức tổ chức đào tạo do hiệu trưởng quyết định.

3. Người học được cấp thẻ học sinh, sinh viên để thuận tiện cho quản lý, theo dõi trong quá trình đào tạo. Khuyến khích các trường sử dụng thẻ học sinh, sinh viên điện tử để vừa thực hiện công tác quản lý đào tạo (thi, tra cứu kết quả học tập; học trực tuyến; sử dụng tại các thư viện điện tử, phòng máy tính, phòng thí nghiệm), vừa làm phương tiện thực hiện các giao dịch về tài chính (đóng học phí, nhận kinh phí, các giao dịch thương mại điện tử...) cũng như các giao dịch xã hội khác khi được chấp nhận.

4. Trường phải cung cấp đầy đủ thông tin cho người học về mục tiêu, nội dung và kế hoạch học tập của chương trình, quy chế đào tạo, nghĩa vụ và quyền lợi của người học.

Điều 7. Chuyển ngành, nghề đào tạo

1. Người học được chuyển ngành, nghề đào tạo đang học sang học một ngành, nghề đào tạo khác của trường.

2. Hiệu trưởng quy định cụ thể và quyết định cho phép người học chuyển ngành, nghề đào tạo khi:

a) Người học có đơn đề nghị chuyển đổi ngành, nghề đào tạo;

b) Ngành, nghề đào tạo dự kiến sẽ chuyển sang học phải có cùng hình thức tuyển sinh và các tiêu chí tuyển sinh bằng hoặc thấp hơn so với tiêu chí tuyển sinh của ngành, nghề đào tạo đang học;

c) Việc chuyển đổi ngành, nghề đào tạo phải được thực hiện ngay trong học kỳ đầu tiên của chương trình;

d) Không trong thời gian tạm dừng chương trình đang học, điều chỉnh tiến độ học, bị nhà trường kỷ luật từ mức cảnh cáo trở lên, bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

3. Thời gian học tối đa để người học chuyển ngành, nghề đào tạo hoàn thành chương trình được quy định tại khoản 3 Điều 3 của Thông tư này và được tính từ khi bắt đầu nhập học ngành, nghề trước khi chuyển.

Điều 8. Học cùng lúc hai chương trình

1. Điều kiện học cùng lúc hai chương trình

a) Người học có đơn đề nghị học cùng lúc hai chương trình;

b) Đã học xong học kỳ thứ nhất đối với chương trình có thời gian thực hiện từ một đến hai năm học, đã học xong học kỳ thứ hai đối với chương trình có thời gian thực hiện trên hai năm học. Kết quả học tập của từng học kỳ đã hoàn thành ở chương trình thứ nhất phải đạt loại khá trở lên;

c) Không trong thời gian tạm dừng chương trình đang học, bị kỷ luật từ mức cảnh cáo trở lên, bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

2. Người học thuộc diện phải điều chỉnh tiến độ học hoặc bị buộc thôi học ở chương trình thứ nhất thì bị buộc thôi học chương trình thứ hai.

3. Thời gian để người học hoàn thành hai chương trình được quy định tại khoản 3 Điều 3 của Thông tư này.

Điều 9. Tạm dừng chương trình và bảo lưu kết quả học tập

1. Bảo lưu kết quả học tập là việc nhà trường giữ nguyên kết quả người học đã học và thi đạt yêu cầu đối với các môn học, mô-đun trong một khoảng thời gian nhất định khi người học được tạm dừng chương trình đào tạo. Kết quả học tập các môn học, mô-đun bảo lưu được tính khi xếp loại kết quả học tập và đánh giá xếp loại tốt nghiệp.

2. Người học được tạm dừng chương trình đang học và được bảo lưu kết quả học tập nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều động thực hiện nghĩa vụ quân sự, tham gia phòng chống thiên tai, dịch bệnh; tham gia các kỳ thi, giải thi đấu quốc tế;

b) Vì lý do sức khỏe phải dừng học trong thời gian dài để điều trị, có giấy xác nhận của cơ sở y tế nơi khám, điều trị hoặc có giấy xác nhận khuyết tật theo quy định của Luật Người khuyết tật;

c) Chuyển nơi học từ trường này sang trường khác cùng ngành nghề đào tạo mà thời gian học ở trường khác có sự khác nhau về tiến độ;

d) Tham gia chương trình, dự án đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng hoặc do điều kiện, hoàn cảnh gia đình buộc phải dừng học tập;

đ) Trong thời gian bị kỷ luật ở mức đình chỉ học tập có thời hạn;

e) Bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng chưa có kết luận của cơ quan có thẩm quyền hoặc đã có kết luận của cơ quan có thẩm quyền nhưng không thuộc trường hợp bị xử lý kỷ luật ở mức buộc thôi học.

3. Thời gian được bảo lưu kết quả học tập không quá 5 năm tính từ khi dừng chương trình học tập và không tính vào thời gian tối đa hoàn thành khóa học. Người học có nhu cầu được bảo lưu kết quả học tập phải có đơn đề nghị hiệu trưởng xem xét, quyết định.

4. Người học được tạm hoãn học môn học, mô-đun theo kế hoạch đào tạo của trường và phải hoàn thành môn học, mô-đun đó trong quỹ thời gian tối đa hoàn thành chương trình nếu thuộc một hoặc các trường hợp sau:

a) Vì lý do sức khỏe không bảo đảm để học môn học, mô-đun đó và có giấy xác nhận của cơ sở y tế nơi khám hoặc điều trị;

b) Có lý do khác không thể tham gia học môn học, mô-đun đó, kèm theo minh chứng cụ thể và phải được hiệu trưởng chấp thuận;

5. Thời gian nghỉ học tạm thời được tính vào thời gian tối đa để người học hoàn thành chương trình được quy định tại khoản 3 Điều 3 của Thông tư này.

Điều 10. Công nhận và miễn trừ nội dung học tập

1. Công nhận kết quả học tập

a) Kết quả học tập của người học đã tích lũy từ một chương trình đào tạo khác, trình độ đào tạo khác hoặc từ một trường khác trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp được xem xét công nhận trong chương trình đào tạo đang theo học không phân biệt hình thức đào tạo trực tiếp hay trực tuyến, cụ thể: Được miễn học, miễn thi kết thúc môn học, mô-đun trong trường hợp đã học, đã thi kết thúc môn học, mô-đun đó trong chương trình khác và có nội dung, thời lượng phù hợp với môn học, mô-đun trong chương trình đang học; được miễn học một phần nội dung học tập trong môn học, mô-đun và phải tham gia thi kết thúc môn học, mô-đun trong trường hợp đã học nội dung đó trong chương trình khác nhưng chưa dự thi kết thúc môn học, mô-đun hoặc thời lượng và nội dung môn học, môn đun trước đây chưa phù hợp với thời lượng và nội dung của môn học trong chương trình đào tạo hiện hành. Việc xác định nội dung và thời lượng được miễn học do hiệu trưởng quyết định;

b) Hiệu trưởng xem xét công nhận những nội dung kiến thức, kỹ năng người học đã có trên cơ sở so sánh, đối chiếu với những nội dung của chương trình đào tạo hiện hành;

c) Việc công nhận kết quả, nội dung học được thực hiện theo từng môn học, mô-đun hoặc cả chương trình đào tạo;

d) Các trường công khai quy định việc công nhận kết quả và nội dung học tập trong chương trình đào tạo.

2. Người học được miễn trừ nội dung học tập không phân biệt hình thức đào tạo trực tiếp hay trực tuyến khi thuộc một trong những trường hợp sau:

a) Được miễn, giảm học môn học Giáo dục Quốc phòng và An ninh theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về chương trình, tổ chức dạy học và đánh giá kết quả học tập môn học Giáo dục Quốc phòng và An ninh thuộc khối các môn học chung trong chương trình đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng;

b) Được miễn học, miễn thi kết thúc môn học Giáo dục Chính trị thuộc khối các môn học chung trong chương trình đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng trong trường hợp đã tốt nghiệp từ trình độ tương đương trở lên hoặc có văn bằng, chứng chỉ tốt nghiệp chương trình trung cấp lý luận chính trị hoặc tương đương trở lên;

c) Được miễn học, miễn thi kết thúc môn Ngoại ngữ thuộc khối các môn học chung trong chương trình đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng trong trường hợp đã tốt nghiệp từ trình độ tương đương trở lên hoặc đã có trình độ ngoại ngữ tương đương trình độ được quy định tại Quyết định số 1982/QĐ-TTg ngày 18 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Khung trình độ quốc gia Việt Nam hoặc có văn bằng, chứng chỉ tốt nghiệp trình độ từ trung cấp ngoại ngữ trở lên;

d) Được miễn học, miễn thi kết thúc môn Tin học thuộc khối các môn học chung trong chương trình đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng trong trường hợp đã tốt nghiệp từ trình độ tương đương trở lên hoặc có kết quả kiểm tra đầu vào đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc có văn bằng, chứng chỉ tốt nghiệp trình độ trung cấp trở lên nhóm ngành, nghề công nghệ thông tin;

đ) Được miễn học, miễn thi kết thúc môn học Giáo dục thể chất thuộc khối các môn học chung trong chương trình đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng trong trường hợp là thương bệnh binh, có thương tật hoặc bệnh mãn tính làm hạn chế chức năng vận động; trong thời gian học tại trường đạt giải nhất, nhì, ba hoặc đạt huy chương trong các đợt thi đấu thể thao cấp ngành hoặc từ cấp tỉnh trở lên;

e) Có giấy xác nhận khuyết tật theo quy định của Luật Người khuyết tật được hiệu trưởng xem xét, quyết định cho miễn, giảm một số môn học, mô-đun hoặc miễn, giảm một số nội dung mà khả năng cá nhân không thể đáp ứng được.

Điều 11. Chuyển trường

1. Người học chuyển trường theo quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thì việc chuyển trường được thực hiện theo quyết định của cơ quan ra quyết định. Việc ra quyết định chuyển trường phải có sự đồng ý bằng văn bản của người học.

2. Người học chuyển trường theo nhu cầu cá nhân thì việc chuyển trường được thực hiện theo quy định của trường nơi chuyển đi và trường nơi chuyển đến. Hiệu trưởng chỉ xét tiếp nhận hoặc cho người học chuyển trường khi đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Có đơn đề nghị chuyển trường;

b) Không trong thời gian điều chỉnh tiến độ học, bị kỷ luật từ mức cảnh cáo trở lên, bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

c) Không chuyển trường khi đang học học kỳ cuối cùng của khóa học;

d) Khi chuyển sang trường nơi chuyển đến phải học đúng ngành, nghề đang học tại trường nơi chuyển đi.

3. Hiệu trưởng trường có người học xin chuyển đến quyết định việc tiếp nhận hoặc không tiếp nhận, người học ở trường nơi chuyển đến.

4. Thời gian tối đa cho người học chuyển trường hoàn thành chương trình được tính từ thời điểm nhập học ở trường nơi chuyển đi.

Điều 12. Kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ và thi kết thúc môn học, mô-đun

1. Kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ

a) Kiểm tra thường xuyên do giáo viên, giảng viên giảng dạy môn học, mô-đun thực hiện tại thời điểm bất kỳ trong quá trình học theo từng môn học, mô-đun bằng các hình thức: Kiểm tra vấn đáp trong giờ học; kiểm tra viết với thời gian làm bài bằng hoặc dưới 30 phút; kiểm tra một số nội dung thực hành, thực tập, chấm điểm bài tập và các hình thức kiểm tra, đánh giá khác.

b) Kiểm tra định kỳ được quy định trong chương trình môn học, mô-đun; kiểm tra định kỳ có thể bằng hình thức kiểm tra viết từ 45 đến 60 phút, chấm điểm bài tập lớn, tiểu luận, làm bài thực hành, thực tập và các hình thức kiểm tra, đánh giá khác.

c) Kiểm tra thường xuyên, định kỳ bằng hình thức trực tuyến do giáo viên, giảng viên giảng dạy môn học, mô-đun quyết định. Việc kiểm tra bằng hình thức trực tuyến đối với các nội dung thực hành chỉ áp dụng khi đáp ứng được các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo; hệ thống hạ tầng, thiết bị công nghệ thông tin và phải bảo đảm đánh giá chính xác, khách quan kết quả học tập của người học;

d) Quy trình kiểm tra, số bài kiểm tra cho mỗi môn học, mô-đun cụ thể được thực hiện theo quy định của hiệu trưởng, bảo đảm trong một môn học, mô-đun có ít nhất một điểm kiểm tra thường xuyên, một điểm kiểm tra định kỳ. Điểm kiểm tra thường xuyên, định kỳ được chấm theo thang điểm 10, làm tròn đến một chữ số thập phân.

2. Thi kết thúc môn học, mô-đun

a) Thi kết thúc môn học, mô-đun được thực hiện tại trường, phân hiệu, địa điểm đào tạo của trường; đơn vị liên kết đào tạo hoặc tại doanh nghiệp; được thực hiện trực tiếp hoặc trực tuyến khi đáp ứng được các điều kiện cho việc tổ chức thi;

b) Thi kết thúc môn học, mô-đun được thực hiện một hoặc nhiều lần sau khi học xong môn học, mô-đun hoặc cuối mỗi học kỳ;

c) Lịch thi kết thúc môn học, mô-đun phải được thông báo trước kỳ thi ít nhất 02 tuần. Từng môn học, mô-đun được tổ chức thi riêng biệt, không bố trí thi ghép một số môn học, mô-đun trong cùng một buổi thi của một người học;

d) Danh sách người học đủ hoặc không đủ điều kiện dự thi có nêu rõ lý do; danh sách địa điểm thi phải được công bố công khai trước ngày thi ít nhất 03 ngày làm việc;

đ) Người học tham gia kỳ thi phải được phổ biến về quyền hạn, nhiệm vụ, nghĩa vụ của mình trong kỳ thi;

e) Hình thức thi kết thúc môn học, mô-đun có thể là thi viết, vấn đáp, trắc nghiệm, thực hành, bài tập lớn, tiểu luận, bảo vệ kết quả thực tập theo chuyên đề hoặc kết hợp giữa các hình thức trên;

g) Thời gian làm bài thi đối với mỗi bài thi viết từ 60 đến 120 phút, thời gian thi đối với các hình thức thi khác hoặc thời gian thi với các môn học, mô-đun có tính đặc thù của ngành, nghề đào tạo hoặc thời gian thi trực tuyến do hiệu trưởng quyết định;

h) Đối với hình thức thi viết, mỗi phòng thi bố trí ít nhất hai cán bộ coi thi và không bố trí quá 50 người dự thi; người dự thi phải được bố trí theo số báo danh. Đối với hình thức thi khác, hiệu trưởng quyết định việc bố trí phòng thi và các nội dung liên quan khác;

i) Thi kết thúc môn học, mô-đun bằng hình thức trực tuyến được thực hiện khi đáp ứng được các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo; hệ thống hạ tầng, thiết bị công nghệ thông tin. Hiệu trưởng quy định cụ thể về hình thức và quy trình tổ chức thi nhằm bảo đảm đánh giá chính xác, khách quan kết quả học tập của người học và chống được gian lận trong quá trình thi. Diễn biến của buổi thi trực tuyến phải được ghi hình, ghi âm và xuất in kết quả bài thi để lưu trữ theo quy định tại khoản 3 Điều 19 Thông tư này.

Điều 13. Điều kiện dự thi kết thúc môn học, mô-đun

1. Điều kiện dự thi kết thúc môn học, mô-đun

a) Người học được dự thi kết thúc môn học, mô-đun phải đảm bảo tham dự ít nhất 80% thời gian học tập bao gồm: thời gian học lý thuyết, học tích hợp, thực hành, thực tập và đáp ứng được các yêu cầu khác quy định trong chương trình môn học, mô-đun;

b) Có điểm trung bình chung các bài kiểm tra thường xuyên, định kỳ đạt từ 5,0 trở lên theo thang điểm 10;

c) Người học có giấy xác nhận khuyết tật theo quy định thì được hiệu trưởng xem xét, quyết định ưu tiên điều kiện dự thi nhưng phải bảo đảm điều kiện về điểm trung bình các bài kiểm tra thường xuyên, định kỳ.

2. Số lần dự thi kết thúc môn học, mô-đun

a) Sau khi học xong môn học, mô-đun, người học đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này được dự thi kết thúc môn học, mô-đun. Nếu người học chưa dự thi kết thúc môn học, mô-đun lần thứ nhất vì lý do chính đáng thì được bố trí tham dự ở lần thi tiếp theo. Người có điểm thi lần thứ nhất thuộc loại chưa đạt được thi lại; số lần thi lại do hiệu trưởng quy định;

b) Người học có điểm thi đạt yêu cầu ở lần thứ nhất nhưng muốn có điểm cao hơn thì được đăng ký thi thêm 01 lần ở lần thi tiếp theo để cải thiện điểm số nhưng không được bảo lưu điểm thi trước đó. Điểm thi lần sau không được tính để xét học bổng;

c) Người học vắng mặt ở lần thi nào mà không có lý do chính đáng thì vẫn tính số lần thi và phải nhận điểm 0 cho lần thi đó và phải tham gia kỳ thi lại, số lần thi lại do hiệu trưởng quy định.

Điều 14. Học lại và thi lại

1. Người học phải học lại và thi lại môn học, mô-đun nếu thuộc một trong các trường hợp:

a) Không đủ điều kiện dự thi;

b) Đã hết số lần dự thi kết thúc môn học, mô-đun theo quy định nhưng điểm thi chưa thuộc loại đạt;

c) Người học theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ đăng ký học lại, thi lại để cải thiện điểm.

2. Người học phải học lại và thi lại không được bảo lưu điểm và thời gian học tập môn học, mô-đun của lần học trước đó và phải bảo đảm các điều kiện dự thi theo quy định tại khoản 1 Điều 13 của Thông tư này.

3. Trường hợp không còn môn học, mô-đun do chương trình đào tạo thay đổi thì hiệu trưởng quyết định chọn môn học, mô-đun khác phù hợp với mục tiêu của chương trình để thay thế.

Điều 15. Ra đề thi, chấm thi kết thúc môn học, mô-đun

1. Đề thi

a) Đề thi phải phù hợp với nội dung môn học, mô-đun đã quy định trong chương trình; được tổ chức bốc thăm ngẫu nhiên từ ngân hàng đề thi của trường; đối với hình thức thi trực tuyến hoặc bằng các phần mềm chuyên biệt, hiệu trưởng quy định cụ thể về cách thức xây dựng hoặc lựa chọn đề thi;

b) Đề thi đối với người có giấy xác nhận khuyết tật theo quy định của Luật Người khuyết tật do hiệu trưởng quyết định.

2. Chấm thi

a) Bài thi kết thúc môn học, mô-đun phải do ít nhất 02 giáo viên chấm, cho điểm độc lập và ký vào bài thi, phiếu chấm điểm, bảng tổng hợp điểm của người dự thi. Bài thi viết tự luận, trắc nghiệm phải được làm phách trước khi chấm; chấm thi vấn đáp, thực hành phải thực hiện trên phiếu chấm thi do hiệu trưởng quy định;

b) Điểm của bài thi là trung bình cộng điểm của các giáo viên chấm thi; trường hợp điểm của các giáo viên chấm thi có sự chênh lệch từ 1,0 điểm trở lên theo thang điểm 10 thì phải xem xét chấm lại; nếu chấm lại mà chưa thống nhất được điểm thì trưởng khoa hoặc trưởng bộ môn xem xét, giải quyết và là người quyết định cuối cùng về điểm bài thi;

c) Bài thi kết thúc môn học, mô-đun bằng hình thức trực tuyến; bài thi được chấm thông qua máy, phần mềm chuyên biệt và việc chấm phúc khảo bài thi do hiệu trưởng quy định cụ thể về hình thức và quy trình tổ chức thực hiện.

3. Công bố điểm thi

a) Điểm thi theo hình thức vấn đáp, thực hành hoặc bảo vệ báo cáo thực tập phải được công bố cho người học biết ngay sau khi chấm;

b) Đối với các hình thức thi, kiểm tra khác phải được công bố cho người học biết muộn nhất sau 10 ngày làm việc kể từ ngày thi.

Điều 16. Tính điểm môn học, mô-đun; điểm trung bình chung học kỳ, năm học, khóa học và điểm trung bình chung tích lũy

1. Điểm môn học, mô-đun

a) Điểm môn học, mô-đun bao gồm điểm trung bình các điểm kiểm tra có trọng số 0,4 và điểm thi kết thúc môn học, mô-đun có trọng số 0,6;

b) Điểm trung bình điểm kiểm tra là trung bình cộng của các điểm kiểm tra thường xuyên, điểm kiểm tra định kỳ theo hệ số của từng loại điểm. Trong đó, điểm kiểm tra thường xuyên tính hệ số 1, điểm kiểm tra định kỳ tính hệ số 2;

c) Điểm môn học, mô-đun được sử dụng theo thang điểm 10 trong đào tạo theo niên chế và thang điểm 4 trong đào tạo theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ.

2. Điểm trung bình chung học kỳ/năm học/khóa học và điểm trung bình chung tích lũy

a) Công thức tính điểm trung bình chung học kỳ/năm học/khóa học và điểm trung bình chung tích lũy:

Trong đó:

A: là điểm trung bình chung học kỳ/năm học/khóa học hoặc điểm trung bình chung tích lũy;

i: là số thứ tự môn học, mô-đun;

ai: là điểm của môn học, mô-đun thứ i;

ni: là số tín chỉ của môn học, mô-đun thứ i;

n: là tổng số môn học, mô-đun trong học kỳ/năm học/khóa học hoặc số môn học, mô-đun đã tích lũy.

b) Điểm trung bình chung tích lũy là điểm trung bình của các môn học, mô-đun mà người học đã tích lũy được tính từ đầu khóa học cho tới thời điểm được xem xét khi kết thúc mỗi học kỳ;

c) Điểm trung bình chung học kỳ/năm học/khóa học, điểm trung bình chung tích lũy bao gồm cả điểm môn học, mô-đun được bảo lưu, miễn trừ; không bao gồm điểm môn học điều kiện;

d) Trường hợp người học được tạm hoãn học môn học, mô-đun thì chưa tính khối lượng học tập của môn học, mô-đun đó trong thời gian được tạm hoãn.

3. Điểm trung bình chung học kỳ, năm học, điểm trung bình chung tích lũy để xét học bổng, khen thưởng sau mỗi học kỳ, năm học hoặc khóa học được tính theo kết quả điểm thi kết thúc môn học, mô-đun lần thứ nhất; để xét điều chỉnh tiến độ học, buộc thôi học được tính theo kết quả lần thi kết thúc môn học, mô-đun có điểm cao nhất.

4. Môn học Giáo dục thể chất, Giáo dục Quốc phòng và An ninh thuộc khối các môn học chung trong chương trình đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng là 2 môn học điều kiện. Kết quả đánh giá 2 môn học này không tính vào điểm trung bình chung học kỳ, năm học, điểm trung bình chung tích lũy, xếp loại tốt nghiệp nhưng là một trong các điều kiện để xét hoàn thành khối lượng học tập, xét điều kiện dự thi tốt nghiệp hoặc bảo vệ chuyên đề, khóa luận tốt nghiệp và được ghi vào bảng điểm cấp kèm theo bằng tốt nghiệp.

Điều 17. Xử lý vi phạm về kiểm tra, thi

1. Người học thi hộ, nhờ người thi hộ sẽ bị đình chỉ học tập một năm đối với vi phạm lần thứ nhất và bị buộc thôi học đối với vi phạm lần thứ hai.

2. Trong quá trình thi, nếu người học có hành vi gian lận hoặc sử dụng cụ hỗ trợ trái phép trong khi thi hoặc giúp đỡ, tiếp tay cho việc gian lận thì cán bộ coi thi sẽ lập biên bản và xem xét, quyết định để người học có hành vi gian lận được tiếp tục làm bài thi hoặc dừng việc thi. Trường hợp phải dừng thi thì bài thi đó của người học được đánh giá 0 điểm.

3. Trừ trường hợp quy định tại khoản 1 và 2 Điều này, hiệu trưởng quy định cụ thể các hình thức xử lý vi phạm về kiểm tra, thi đối với từng trường hợp, theo từng hình thức thi cụ thể và được quy định trong quy chế kiểm tra, thi, xét công nhận tốt nghiệp của trường.

Điều 18. Bằng tốt nghiệp, bảng điểm, giấy chứng nhận kết quả học tập

1. Người học được công nhận tốt nghiệp thì được hiệu trưởng cấp bằng tốt nghiệp. Mẫu bằng tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng được quy định tại Thông tư số 10/2017/TT-BLĐTBXH ngày 13 tháng 3 năm 2017 quy định về mẫu bằng tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng; in, quản lý, cấp phát, thu hồi, hủy bỏ bằng tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 24/2020/TT-BLĐTBXH ngày 30 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

2. Bảng điểm từng môn học, mô-đun của toàn khóa học được cấp cho người học kèm theo bằng tốt nghiệp trong đó ghi rõ tên ngành, nghề đào tạo, hình thức đào tạo, kết quả và tên môn học, mô-đun được miễn trừ, bảo lưu điểm; điểm thi tốt nghiệp hoặc điểm chuyên đề, khóa luận tốt nghiệp đối với đào tạo theo niên chế; điểm trung bình chung học tập toàn khóa học, xếp loại tốt nghiệp, lý do hạ mức xếp loại tốt nghiệp nếu có.

3. Người học chưa được công nhận tốt nghiệp được cấp giấy chứng nhận kết quả học tập các môn học, mô-đun đã học trong chương trình, trong đó phải ghi rõ hình thức đào tạo và lý do chưa được công nhận tốt nghiệp.

4. Hiệu trưởng chịu trách nhiệm tổ chức trao bằng tốt nghiệp cho người đủ điều kiện cấp bằng tốt nghiệp trong thời gian 30 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc môn thi tốt nghiệp cuối cùng đối với đào tạo theo niên chế hoặc kết thúc môn học, mô-đun cuối cùng trong chương trình đối với đào tạo theo tích lũy mô- đun hoặc tín chỉ.

5. Sinh viên tốt nghiệp cao đẳng các ngành, nghề thuộc lĩnh vực Máy tính và công nghệ thông tin; Công nghệ kỹ thuật; Kỹ thuật; Sản xuất và chế biến; Kiến trúc và xây dựng; Nông lâm nghiệp và thủy sản; Dịch vụ vận tải được công nhận danh hiệu kỹ sư thực hành; các ngành, nghề còn lại được công nhận danh hiệu cử nhân thực hành.

Điều 19. Quản lý hồ sơ, sổ sách đào tạo

1. Hiệu trưởng chịu trách nhiệm lập và quản lý hồ sơ đào tạo theo quy định tại Thông tư số 23/2018/TT-BLĐTBXH ngày 06 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về hồ sơ, sổ sách trong đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng; thực hiện bảo quản, lưu trữ, sử dụng hồ sơ, sổ sách đào tạo theo quy định của pháp luật và quy định của Thông tư này. Trường hợp trường giải thể thì phải bàn giao hồ sơ cho cơ quan quản lý có thẩm quyền.

2. Hồ sơ lưu trữ vĩnh viễn

a) Văn bản phê duyệt, ban hành chương trình đào tạo; hồ sơ ban hành giáo trình hoặc tài liệu giảng dạy; văn bản quy định về tổ chức, quản lý đào tạo;

b) Văn bản phê duyệt danh sách người học trúng tuyển, danh sách lớp;

c) Bảng điểm tổng hợp kết quả học tập của người học theo học kỳ, năm học, khóa học;

d) Hồ sơ công nhận kết quả tốt nghiệp đối với đào tạo theo niên chế gồm: Quyết định thành lập hội đồng thi tốt nghiệp; danh sách người học dự thi và kết quả thi, bản in kết quả thi đối với hình thức thi trực tuyến hoặc thi bằng phần mềm chuyên biệt trên máy tính, phiếu nộp bài thi có chữ ký của người học. Hồ sơ công nhận kết quả tốt nghiệp đối với đào tạo theo tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ gồm: Quyết định thành lập hội đồng xét tốt nghiệp, biên bản họp xét tốt nghiệp, bảng điểm tổng kết toàn khóa học;

đ) Quyết định công nhận tốt nghiệp, sổ cấp phát bằng tốt nghiệp cho người học;

e) Kế hoạch đào tạo đối với khóa học, năm học;

g) Hồ sơ khen thưởng, kỷ luật người học;

h) Hồ sơ liên kết đào tạo trong nước và nước ngoài.

3. Hồ sơ lưu trữ ít nhất 10 năm kể từ ngày công nhận tốt nghiệp cho người học

a) Hồ sơ tổ chức thi kết thúc môn học, mô-đun gồm: Kế hoạch thi và lịch thi; danh sách người dự thi và kết quả từng môn thi; phiếu nộp bài thi có chữ ký của người học và cán bộ coi thi; bản ghi âm, ghi hình buổi thi đối với hình thức thi trực tuyến;

b) Bảng điểm của người học gồm: Điểm kiểm tra thường xuyên, định kỳ; điểm thi kết thúc môn học, mô-đun; bản in kết quả thi, kiểm tra đối với hình thức thi, kiểm tra trực tuyến hoặc bằng phần mềm chuyên biệt trên máy tính có chữ ký của giáo viên, giảng viên giảng dạy và cán bộ quản lý chuyên môn.

4. Hồ sơ lưu trữ ít nhất 05 năm kể từ ngày công nhận tốt nghiệp cho người học

a) Hồ sơ phúc khảo bài thi kết thúc môn học, mô-đun, thi tốt nghiệp;

b) Sổ lên lớp của từng lớp học.

5. Hồ sơ lưu trữ ít nhất 01 năm kể từ ngày công nhận tốt nghiệp cho người học

a) Đề thi đã sử dụng, bài thi, phiếu chấm thi tốt nghiệp trong đào tạo theo niên chế.

b) Thời khóa biểu và phân công giáo viên, giảng viên giảng dạy.

Chương II

TỔ CHỨC ĐÀO TẠO THEO NIÊN CHẾ

Điều 20. Tổ chức lớp học

Đào tạo theo niên chế được tổ chức theo năm học, một năm học có 2 học kỳ, mỗi học kỳ có ít nhất 15 tuần thực học cộng với thời gian thi kết thúc môn học, mô-đun. Ngoài hai học kỳ chính, hiệu trưởng xem xét quyết định tổ chức thêm kỳ học phụ để người học có điều kiện được học lại, học bù. Mỗi học kỳ phụ có ít nhất 4 tuần thực học cộng với thời gian thi kết thúc môn học, mô-đun.

Điều 21. Xếp loại kết quả học tập

1. Sau mỗi học kỳ hoặc năm học, người học được xếp loại kết quả học tập theo thang điểm 10 như sau:

a) Loại xuất sắc: từ 9,0 đến 10;

b) Loại giỏi: từ 8,0 đến 8,9;

c) Loại khá: từ 7,0 đến 7,9;

d) Loại trung bình: từ 5,0 đến 6,9;

đ) Loại yếu: dưới 5,0.

2. Người học có điểm đạt loại giỏi trở lên bị hạ xuống một mức xếp loại nếu thuộc một hoặc nhiều trường hợp sau:

a) Bị nhà trường kỷ luật từ mức cảnh cáo trở lên trong học kỳ hoặc năm học được xếp loại kết quả học tập;

b) Có 01 môn học hoặc mô-đun trong học kỳ, năm học phải thi lại đối với loại xuất sắc; có 02 môn học hoặc mô-đun trở lên trong học kỳ, năm học phải thi lại đối với loại giỏi (không tính môn học điều kiện; môn học, mô-đun được tạm hoãn học hoặc được miễn trừ).

3. Kết quả học tập trong học kỳ phụ được gộp vào kết quả học tập trong học kỳ chính để xếp loại.

Điều 22. Điều chỉnh tiến độ học, buộc thôi học, tự thôi học

1. Người học chương trình có thời gian đào tạo từ 1,5 năm trở lên, kết thúc mỗi năm học, nếu thuộc một trong các trường hợp sau thì buộc phải điều chỉnh tiến độ và phải hoàn thành các môn học, mô-đun chưa đạt mới được xem xét, cho phép học tiếp các môn học, mô-đun mới; thời gian điều chỉnh tiến độ học được tính vào thời gian tối đa để hoàn thành chương trình quy định tại khoản 3 Điều 3 của Thông tư này, gồm:

a) Người học có điểm trung bình chung năm học từ 4,0 đến dưới 5,0 điểm theo thang điểm 10;

b) Người học có điểm trung bình chung năm học dưới 4,0 nhưng có giấy xác nhận khuyết tật theo quy định của Luật Người khuyết tật.

2. Người học bị buộc thôi học nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Kết thúc năm học có điểm trung bình chung dưới 4,0 điểm;

b) Đã hết thời gian tối đa để hoàn thành chương trình quy định tại khoản 3 Điều 3 hoặc đã hết số lần được thi tốt nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 24 của Thông tư này nhưng điểm thi tốt nghiệp hoặc điểm chuyên đề, khóa luận tốt nghiệp chưa thuộc loại đạt;

c) Bị kỷ luật ở mức buộc thôi học.

3. Người học không thuộc diện bị buộc thôi học, nếu thuộc một trong các trường hợp sau được đề nghị trường cho thôi học:

a) Người học tự xét thấy không còn khả năng hoàn thành chương trình do thời gian còn lại không đủ để hoàn thành chương trình theo quy định;

b) Vì lý do khác phải thôi học kèm theo minh chứng cụ thể và được hiệu trưởng chấp thuận.

4. Hiệu trưởng quy định cụ thể về thủ tục, quyền lợi, nghĩa vụ hoặc trách nhiệm của người học, bảo lưu kết quả học tập và quyết định việc điều chỉnh tiến độ học, buộc thôi học và tự thôi học của người học.

Điều 23. Kế hoạch và tổ chức các hoạt động thi, bảo vệ chuyên đề, khóa luận tốt nghiệp

1. Kế hoạch thi, bảo vệ chuyên đề, khóa luận tốt nghiệp phải được xây dựng và công bố công khai trước kỳ thi tốt nghiệp ít nhất là 04 tuần.

2. Nội dung, thời gian và hình thức tổ chức thi tốt nghiệp

a) Nội dung thi tốt nghiệp gồm: Môn thi Lý thuyết chuyên môn và môn thi Thực hành;

b) Thi Lý thuyết chuyên môn được tổ chức theo hình thức thi viết, vấn đáp hoặc trắc nghiệm; thời gian thi viết hoặc trắc nghiệm không quá 180 phút, thi vấn đáp không quá 40 phút chuẩn bị và 20 phút trả lời cho 1 thí sinh, được thực hiện theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến;

c) Thi Thực hành được tổ chức theo hình thức làm bài thực hành kỹ năng tổng hợp để hoàn thiện một sản phẩm, dịch vụ hoặc một phần sản phẩm, dịch vụ. Thời gian thi thực hành cụ thể do hiệu trưởng quy định đảm bảo phù hợp với đặc thù của ngành, nghề đào tạo;

d) Thi Thực hành bằng hình thức trực tuyến được áp dụng đối với những ngành, nghề thuộc lĩnh vực Nghệ thuật; Nhân văn; Báo chí thông tin; Kinh doanh, quản lý; Pháp luật; Dịch vụ xã hội hoặc các ngành nghề trong các lĩnh vực khác khi bảo đảm các yêu cầu:

Ngành, nghề thi tốt nghiệp không có yêu cầu bắt buộc về thiết bị, nguyên vật liệu thực hành hoặc ngành, nghề có các thiết bị, nguyên vật liệu thực hành có thể thay thế phù hợp với điều kiện thi trực tuyến; ngành, nghề có phần mềm thi, đánh giá chuyên biệt; đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về hạ tầng, thiết bị công nghệ thông tin, thiết bị ghi âm, ghi hình phục vụ quá trình thi.

đ) Hiệu trưởng quy định cụ thể về hình thức và quy trình tổ chức thi trực tuyến nhằm bảo đảm đánh giá chính xác, khách quan kết quả học tập của người học và chống được gian lận trong quá trình thi. Diễn biến của buổi thi trực tuyến phải được ghi hình, ghi âm và xuất in kết quả bài thi để lưu trữ theo quy định tại khoản 3 Điều 19 Thông tư này. Hình thức thi trực tuyến phải được sự đồng thuận của các thành viên hội đồng thi tốt nghiệp và người học.

3. Hội đồng thi tốt nghiệp

a) Hội đồng thi tốt nghiệp do hiệu trưởng quyết định thành lập, có ít nhất 05 người gồm: Chủ tịch hội đồng là hiệu trưởng hoặc phó hiệu trưởng phụ trách công tác đào tạo; Phó chủ tịch hội đồng là phó hiệu trưởng hoặc trưởng phòng đào tạo; Thư ký hội đồng và các ủy viên là cán bộ, giáo viên, giảng viên của trường, đại diện doanh nghiệp có cùng chuyên môn hoặc có chuyên môn gần với ngành nghề tổ chức thi;

b) Chủ tịch hội đồng thi tốt nghiệp chịu trách nhiệm quy định cụ thể và chỉ đạo toàn bộ các hoạt động thi, bảo vệ chuyên đề, khóa luận tốt nghiệp. Quyết định thành lập các ban, tiểu ban giúp việc hội đồng gồm: Ban thư ký, đề thi, coi thi, chấm thi, chấm chuyên đề, khóa luận tốt nghiệp và các ban giúp việc khác theo yêu cầu của kỳ thi;

c) Hội đồng thi tốt nghiệp thực hiện việc xét công nhận tốt nghiệp cho người học theo quy định tại Điều 26 của Thông tư này; trình hiệu trưởng xem xét, quyết định danh sách người học đủ điều kiện, không đủ điều kiện công nhận tốt nghiệp.

4. Ra đề thi, coi thi, chấm thi

a) Đề thi phải phù hợp với đề cương ôn thi, mỗi môn thi phải có một bộ đề thi chính và ít nhất một bộ đề thi dự phòng tương đương về nội dung kiến thức và có cùng thời gian làm bài thi đối với môn thi Lý thuyết chuyên môn;

b) Đề thi theo hình thức trực tuyến phải đảm bảo đáp ứng được các yêu cầu như đối với hình thức thi trực tiếp và tương đương về nội dung;

c) Điểm đáp án của đề thi theo hình thức thi viết, thực hành được chia nhỏ theo nội dung không quá 0,25 điểm theo thang điểm 10; trong đó, nếu điểm toàn bài thi có điểm lẻ là 0,25 thì quy tròn thành 0,5; có điểm lẻ là 0,75 thì quy tròn thành 1,0.

5. Chấm chuyên đề, khóa luận tốt nghiệp

a) Ban chấm chuyên đề, khóa luận tốt nghiệp có từ 3 đến 5 thành viên gồm: Trưởng ban, thư ký và các thành viên;

b) Ban chấm chuyên đề, khóa luận tốt nghiệp chỉ họp khi có từ 3 thành viên trở lên; trưởng ban và thư ký không được vắng mặt;

c) Ban chấm chuyên đề, khóa luận tốt nghiệp cho điểm bằng hình thức bỏ phiếu kín; điểm trung bình cộng của các thành viên là điểm chính thức của chuyên đề, khóa luận tốt nghiệp;

d) Biên bản chấm chuyên đề, khóa luận tốt nghiệp được lưu giữ như với biên bản chấm thi và được lưu hồ sơ theo quy định tại Điều 19 Thông tư này.

Điều 24. Điều kiện dự thi và số lần dự thi tốt nghiệp

1. Điều kiện dự thi tốt nghiệp:

a) Điểm tổng kết môn học, mô-đun trong chương trình từ đạt trở lên;

b) Không trong thời gian bị kỷ luật từ mức đình chỉ học tập có thời hạn trở lên, không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

c) Còn số lần dự thi và trong quỹ thời gian được dự thi tốt nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều này;

d) Người học không đủ điều kiện dự thi tốt nghiệp theo quy định tại điểm a khoản này, nếu còn quỹ thời gian để hoàn thành chương trình thì được hiệu trưởng xem xét, cho phép được hoàn thành các môn học, mô-đun chưa đạt và tổ chức xét điều kiện dự thi tốt nghiệp;

đ) Người học không đủ điều kiện dự thi tốt nghiệp do bị kỷ luật ở mức đình chỉ học tập có thời hạn, hết thời gian bị kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, có kết luận của cơ quan có thẩm quyền nhưng không thuộc trường hợp bị xử lý kỷ luật ở mức bị buộc thôi học thì được hiệu trưởng tổ chức xét điều kiện dự thi tốt nghiệp;

e) Người học có hành vi vi phạm kỷ luật hoặc vi phạm pháp luật chưa ở mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, hiệu trưởng phải tổ chức xét kỷ luật trước khi xét điều kiện dự thi tốt nghiệp cho người học đó.

2. Số lần dự thi tốt nghiệp

a) Người học có điểm thi tốt nghiệp dưới 5,0 thì được thi lại môn thi đó không quá 03 lần trong thời gian tối đa hoàn thành chương trình;

b) Thi lại lần thứ nhất cho người học có môn thi tốt nghiệp chưa đạt yêu cầu trong thời gian tối thiểu 30 ngày kể từ ngày công bố kết quả thi tốt nghiệp, thời gian thi lại do hiệu trưởng quy định;

c) Người học có giấy xác nhận khuyết tật theo quy định, nếu có môn thi tốt nghiệp có điểm dưới 5,0 thì được hiệu trưởng xem xét ưu tiên số lần dự thi lại môn thi tốt nghiệp đó trong quỹ thời gian tối đa hoàn thành chương trình;

d) Người học không tham dự thi tốt nghiệp vì lý do chính đáng và bất khả kháng thì chưa tính số lần thi đó và được bố trí dự thi ở kỳ thi khác. Nếu bỏ thi không có lý do chính đáng thì vẫn tính số lần dự thi đó và phải tham dự kỳ thi lại trong số lần được phép thi lại;

đ) Người học được miễn thi tốt nghiệp đối với môn thi trong trường hợp đã tham dự thi và được công nhận kết quả thi đạt yêu cầu đối với môn thi đó ở ngành, nghề và trình độ tương đương.

Điều 25. Chuyên đề, khóa luận tốt nghiệp

1. Hiệu trưởng quyết định lớp học và người học được làm chuyên đề, khóa luận tốt nghiệp; phân công giáo viên, giảng viên hướng dẫn làm chuyên đề, khóa luận tốt nghiệp theo đề nghị của khoa chuyên môn.

2. Khối lượng của chuyên đề, khóa luận tốt nghiệp không quá 5 tín chỉ và được quy định trong chương trình đào tạo cao đẳng.

3. Văn bản đề nghị cho người học bảo vệ chuyên đề, khóa luận tốt nghiệp của giáo viên, giảng viên hướng dẫn và toàn văn chuyên đề, khóa luận nộp về khoa chuyên môn trước khi bảo vệ 15 ngày; chuyên đề, khóa luận tốt nghiệp được giao cho hội đồng chấm trước khi bảo vệ ít nhất 10 ngày.

4. Kết quả chấm chuyên đề, khóa luận tốt nghiệp phải được công bố ngay sau buổi bảo vệ. Hiệu trưởng quy định việc bảo vệ lại hoặc cho người học chuyển sang thi tốt nghiệp đối với các trường hợp bảo vệ chuyên đề, khóa luận tốt nghiệp không đạt yêu cầu.

5. Đối với một số ngành, nghề đào tạo thuộc lĩnh vực Nghệ thuật, Sức khỏe, Thể thao, An ninh quốc phòng, hiệu trưởng quy định nội dung, hình thức chuyên đề, khóa luận tốt nghiệp phù hợp với đặc thù của ngành, nghề.

Điều 26. Điều kiện tốt nghiệp

1. Người học được công nhận tốt nghiệp khi đủ các điều kiện sau:

a) Điểm của mỗi môn thi tốt nghiệp hoặc điểm chuyên đề, khóa luận tốt nghiệp đạt từ 5,0 trở lên theo thang điểm 10;

b) Không trong thời gian bị kỷ luật từ mức đình chỉ học tập có thời hạn trở lên hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

c) Hoàn thành các điều kiện khác theo quy định của trường;

2. Trường hợp người học có hành vi vi phạm kỷ luật hoặc vi phạm pháp luật chưa ở mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, hiệu trưởng phải tổ chức xét kỷ luật trước khi xét điều kiện công nhận tốt nghiệp cho người học đó.

3. Trường hợp người học bị kỷ luật ở mức đình chỉ học tập có thời hạn, hết thời gian bị kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự và đã có kết luận của cơ quan có thẩm quyền nhưng không thuộc trường hợp bị xử lý kỷ luật ở mức bị buộc thôi học thì được hiệu trưởng tổ chức xét công nhận tốt nghiệp.

4. Chậm nhất sau 15 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc thi tốt nghiệp hoặc ngày bảo vệ chuyên đề, khóa luận tốt nghiệp, hội đồng xét tốt nghiệp tổ chức xét tốt nghiệp cho người học. Chậm nhất sau 05 ngày làm việc, kể từ ngày xét tốt nghiệp cho người học, hội đồng xét tốt nghiệp trình hiệu trưởng danh sách người học đủ điều kiện, không đủ điều kiện công nhận tốt nghiệp.

5. Chậm nhất sau 03 ngày làm việc kể từ ngày hội đồng xét tốt nghiệp có đề nghị, hiệu trưởng ra quyết định công nhận tốt nghiệp cho người học đủ điều kiện tốt nghiệp.

Điều 27. Điểm đánh giá xếp loại tốt nghiệp

1. Điểm đánh giá xếp loại tốt nghiệp đối với thi tốt nghiệp được tính theo công thức:

ĐTN =

3.ĐTB + 2.ĐTNTH + ĐTNLT

6

Trong đó:

ĐTN: điểm đánh giá xếp loại tốt nghiệp

ĐTB: điểm trung bình chung toàn khóa học

ĐTNTH: điểm môn thi Thực hành

ĐTNLT: điểm môn thi Lý thuyết chuyên môn

2. Điểm đánh giá xếp loại tốt nghiệp đối với bảo vệ chuyên đề, khóa luận tốt nghiệp được tính theo công thức:

ĐTN =

3.ĐTB + 2.Đ

5

Trong đó: Đ: điểm chuyên đề, khóa luận tốt nghiệp.

3. Xếp loại tốt nghiệp của người học được căn cứ vào điểm xếp loại tốt nghiệp và tính theo thang điểm 10 như sau:

a) Xuất sắc: từ 9,0 đến 10

b) Giỏi: từ 8,0 đến 8,9

c) Khá: từ 7,0 đến 7,9

d) Trung bình: từ 5,0 đến 6,9

4. Người học có điểm xếp loại tốt nghiệp đạt từ loại giỏi trở lên không có môn thi tốt nghiệp phải thi lại hoặc không phải bảo vệ lại chuyên đề, khóa luận tốt nghiệp sẽ bị giảm đi một mức xếp loại tốt nghiệp nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Có 01 môn học hoặc mô-đun trong học kỳ phải thi lại đối với loại xuất sắc; 02 môn học hoặc mô-đun trở lên trong học kỳ phải thi lại đối với loại giỏi (không tính môn học, mô-đun điều kiện; môn học, mô-đun được tạm hoãn học hoặc được miễn trừ);

b) Có khối lượng học tập phải học lại quá 10% thời lượng của chương trình;

c) Bị nhà trường kỷ luật từ mức cảnh cáo trở lên trong thời gian học tập tại trường không tính mức kỷ luật được quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 17 của Thông tư này;

5. Người học phải thi tốt nghiệp lại hoặc bảo vệ lại chuyên đề, khóa luận tốt nghiệp thì xếp loại tốt nghiệp như sau:

a) Có 01 môn thi tốt nghiệp phải thi lại hoặc bảo vệ lại chuyên đề, khóa luận tốt nghiệp một lần thì xếp loại tốt nghiệp cao nhất là loại khá;

b) Người học phải thi tốt nghiệp lại hoặc bảo vệ lại chuyên đề, khóa luận tốt nghiệp từ 02 lần trở lên thì xếp loại tốt nghiệp trung bình.

Chương III

TỔ CHỨC ĐÀO TẠO THEO PHƯƠNG THỨC TÍCH LŨY MÔ-ĐUN, TÍN CHỈ

Điều 28. Tổ chức lớp học

1. Lớp học được tổ chức theo từng môn học, mô-đun dựa vào đăng ký học tập của người học ở từng học kỳ. Hiệu trưởng quy định số lượng người học tối thiểu cho mỗi lớp học lý thuyết, thực hành đảm bảo điều kiện tổ chức đào tạo phù hợp với tình hình thực tiễn nhưng bảo đảm lớp học tích hợp, thực hành không quá 18 người học đối với nghề bình thường; không quá 10 người học đối với ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.

2. Tùy điều kiện thực tế, một năm có thể tổ chức từ 2 - 3 học kỳ, gồm học kỳ chính và học kỳ phụ. Học kỳ chính là học kỳ bắt buộc phải học, mỗi học kỳ chính có ít nhất 15 tuần gồm thời gian thực học và thời gian thi. Học kỳ phụ không bắt buộc phải học, trong học kỳ phụ người học học các môn học, mô-đun chậm tiến độ ở học kỳ chính, hoặc học lại các môn học, mô-đun chưa đạt, hoặc để cải thiện điểm số, hoặc học vượt các môn học, mô-đun có ở các học kỳ sau nếu trong học kỳ phụ có lớp. Mỗi học kỳ phụ có ít nhất 6 tuần gồm thời gian thực học và thời gian thi.

Điều 29. Đăng ký khối lượng học tập

1. Trước mỗi học kỳ, người học phải đăng ký học tập theo quy chế đào tạo của trường. Khối lượng học tập người học đăng ký trong mỗi học kỳ như sau:

a) Khối lượng học tập tối thiểu không nhỏ hơn 2/3 khối lượng trung bình một học kỳ theo kế hoạch học tập;

b) Khối lượng học tập tối đa không quá 3/2 khối lượng trung bình một học kỳ theo kế hoạch học tập;

c) Không quy định khối lượng học tập tối thiểu đối với học kỳ phụ.

2. Người học được đăng ký học lại môn học, mô-đun có lần thi cuối đạt điểm D theo quy định tại Điều 31 của Thông tư này để cải thiện điểm trung bình chung tích lũy.

3. Khối lượng đăng ký học tập của người học theo từng học kỳ được ghi vào phiếu đăng ký học do nhà trường lưu giữ.

Điều 30. Rút bớt khối lượng học tập đã đăng ký

1. Việc rút bớt khối lượng học tập đã đăng ký được thực hiện sau 2 tuần kể từ đầu học kỳ chính, sau 1 tuần kể từ đầu học kỳ phụ. Tùy theo điều kiện cụ thể, hiệu trưởng quy định khối lượng học tập tối đa được rút bớt. Ngoài khối lượng học tập được rút bớt, môn học, mô-đun vẫn được giữ nguyên trong phiếu đăng ký học, nếu người học không học môn học, mô-đun này sẽ xem như tự ý bỏ học và phải nhận điểm F theo quy định tại Điều 31 của Thông tư này.

2. Người học chỉ được rút bớt khối lượng học tập đã đăng ký khi có đơn đề nghị gửi nhà trường và được nhà trường chấp thuận.

Điều 31. Quy đổi điểm môn học, mô-đun và điểm trung bình chung học kỳ, điểm trung bình chung tích lũy

1. Quy đổi điểm môn học, mô-đun thành điểm chữ

a) Điểm môn học, mô-đun được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Thông tư này theo thang điểm 10 sau khi làm tròn đến một chữ số thập phân được chuyển thành điểm chữ như sau:

Loại đạt:

A: từ 8,5 đến 10

B: từ 7,0 đến 8,4

C: từ 5,5 đến 6,9

D: từ 4,0 đến 5,4

Loại không đạt:

F: dưới 4,0

b) Đối với những môn học, mô-đun chưa đủ cơ sở để tính điểm khi xếp mức đánh giá được sử dụng các kí hiệu sau:

I: Chưa đủ điểm thành phần để đánh giá do được phép hoãn kiểm tra, thi;

X: Chưa nhận được kết quả kiểm tra, thi;

R: Đối với môn học, mô-đun được miễn hoặc được cho phép chuyển điểm kèm theo kết quả.

c) Việc xếp loại ở mức điểm F ngoài những quy định đã nêu ở điểm a khoản này, còn áp dụng cho trường hợp người học vi phạm nội quy thi kiểm tra, thi quy định tại Điều 17; tự ý bỏ học theo quy định tại khoản 1 Điều 30 của Thông tư này;

d) Việc xếp loại theo mức điểm I được áp dụng cho các trường hợp: Trong thời gian học hoặc trong thời gian thi kết thúc môn học, mô-đun, người học bị ốm hoặc tai nạn không thể dự thi, nhưng phải được hiệu trưởng cho phép; người học không tham dự đủ bài kiểm tra thường xuyên, định kỳ hoặc thi hết môn học, mô-đun vì những lý do khách quan, được nhà trường chấp thuận. Trừ các trường hợp đặc biệt do hiệu trưởng quy định, trước khi bắt đầu học kỳ kế tiếp, người học có mức điểm I phải hoàn thành xong các điểm kiểm tra thường xuyên, định kỳ còn nợ để được chuyển điểm;

đ) Việc xếp loại theo mức điểm X được áp dụng đối với những môn học, mô-đun mà đơn vị tổng hợp kết quả đào tạo chưa nhận được báo cáo kết quả học tập của người học từ đơn vị đào tạo chuyển lên;

e) Ký hiệu R được áp dụng cho các trường hợp: Điểm môn học, mô-đun được đánh giá ở các mức điểm A, B, C, D trong đợt đánh giá đầu học kỳ (nếu có) đối với một số môn học, mô-đun được phép thi sớm để giúp người học học vượt. Những môn học, mô-đun được công nhận kết quả, khi người học chuyển từ trường khác đến hoặc công nhận giữa các chương trình.

2. Để tính điểm trung bình chung học kỳ, điểm trung bình chung tích lũy, điểm chữ của mỗi môn học, mô-đun được quy đổi sang điểm số theo thang điểm 4 như sau:

A tương ứng với 4

B tương ứng với 3

C tương ứng với 2

D tương ứng với 1

F tương ứng với 0

Trường hợp sử dụng thang điểm chữ có nhiều mức hơn, do hiệu trưởng quy định và cũng được quy đổi sang điểm số theo thang điểm từ 0 tới 4.

3. Điểm trung bình chung học kỳ và điểm trung bình chung tích lũy được xác định theo khoản 2 Điều 16 của Thông tư này.

Điều 32. Xếp loại kết quả học tập

1. Xếp loại kết quả học tập của người học theo học kỳ căn cứ vào điểm trung bình chung tích lũy theo thang điểm 4 như sau:

Xuất sắc: từ 3,50 đến 4,00

Giỏi: từ 3,00 đến 3,49

Khá: từ 2,50 đến 2,99

Trung bình: từ 2,00 đến 2,49

Yếu: dưới 2,00

2. Người học có điểm đạt loại giỏi trở lên bị hạ xuống một mức xếp loại nếu thuộc một hoặc nhiều trường hợp sau:

a) Bị nhà trường kỷ luật từ mức cảnh cáo trở lên trong học kỳ xếp loại kết quả học tập, không tính mức kỷ luật được quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 17 của Thông tư này.

b) Có 01 môn học hoặc mô-đun trong học kỳ phải thi lại đối với loại xuất sắc, 02 môn học hoặc mô-đun trở lên trong học kỳ phải thi lại đối với loại giỏi, không tính môn học, mô-đun điều kiện; môn học, mô-đun được tạm hoãn học hoặc được miễn trừ.

3. Kết quả học tập trong học kỳ phụ được gộp vào kết quả học tập trong học kỳ chính để xếp loại.

Điều 33. Cảnh báo kết quả học tập, buộc thôi học, tự thôi học

1. Cảnh báo kết quả học tập được thực hiện theo từng học kỳ, giúp cho người học có kết quả học tập kém biết và có kế hoạch học tập thích hợp để cải thiện kết quả học tập. Việc cảnh báo kết quả học tập của người học được thực hiện khi:

a) Tổng số môn học, mô-đun không đạt trong học kỳ vượt quá 50% khối lượng học tập đã đăng ký đầu kỳ;

b) Điểm trung bình chung học kỳ đạt dưới 1,2 đối với học kỳ đầu của khóa học, dưới 1,5 đối với các học kỳ tiếp theo;

c) Hiệu trưởng quy định số lần cảnh báo kết quả học tập và hình thức thông báo tới người học.

2. Sau mỗi học kỳ, người học bị buộc thôi học nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:

a) Có số lần cảnh báo kết quả học tập vượt quá quy định của nhà trường;

b) Đã hết quỹ thời gian tối đa để hoàn thành chương trình được quy định tại khoản 3 Điều 3 của Thông tư này;

c) Bị kỷ luật ở mức buộc thôi học.

3. Người học không thuộc diện bị buộc thôi học, nếu thuộc một trong các trường hợp sau được đề nghị trường cho thôi học:

a) Người học tự xét thấy không còn khả năng hoàn thành chương trình do thời gian còn lại không đủ để hoàn thành chương trình theo quy định;

b) Vì lý do khác phải thôi học kèm theo minh chứng cụ thể và được hiệu trưởng chấp thuận.

4. Hiệu trưởng quy định về thủ tục, quyền lợi, nghĩa vụ hoặc trách nhiệm của người học, kết quả học tập đã tích lũy được bảo lưu và quyết định việc buộc thôi học hoặc tự thôi học của người học.

Điều 34. Điều kiện tốt nghiệp

1. Kết thúc khóa học, hoặc khi người học tích lũy đủ số mô-đun, tín chỉ theo quy định trong chương trình, hiệu trưởng thành lập hội đồng xét tốt nghiệp cho người học.

2. Người học được công nhận tốt nghiệp khi đủ các điều kiện sau:

a) Tích lũy đủ số mô-đun, tín chỉ quy định của chương trình;

b) Điểm trung bình chung tích lũy của toàn khóa học theo thang điểm 4 đạt từ 2,0 trở lên;

c) Hoàn thành các yêu cầu bắt buộc khác theo quy định của chương trình;

d) Không trong thời gian bị kỷ luật từ mức đình chỉ học tập có thời hạn trở lên hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

đ) Có đơn đề nghị được xét tốt nghiệp trong trường hợp đủ điều kiện tốt nghiệp sớm hoặc muộn so với thời gian của chương trình.

3. Trường hợp người học có hành vi vi phạm kỷ luật hoặc vi phạm pháp luật chưa ở mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, hiệu trưởng phải tổ chức xét kỷ luật trước khi xét điều kiện công nhận tốt nghiệp cho người học đó.

4. Trường hợp người học bị kỷ luật ở mức đình chỉ học tập có thời hạn, hết thời gian bị kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự và đã có kết luận của cơ quan có thẩm quyền nhưng không thuộc trường hợp bị xử lý kỷ luật ở mức bị buộc thôi học thì được xét công nhận tốt nghiệp.

Điều 35. Xếp loại tốt nghiệp

1. Xếp loại tốt nghiệp được xác định căn cứ điểm trung bình chung tích lũy của toàn khóa theo quy định tại khoản 1 Điều 32 Thông tư này.

2. Người học có điểm xếp loại tốt nghiệp đạt từ loại giỏi trở lên sẽ bị giảm đi một mức xếp loại tốt nghiệp nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Có 01 môn học hoặc mô-đun trong học kỳ phải thi lại đối với loại xuất sắc, 02 môn học hoặc mô-đun trở lên trong học kỳ phải thi lại đối với loại giỏi không tính môn học, mô-đun điều kiện; môn học, mô-đun được tạm hoãn học hoặc được miễn trừ;

b) Có khối lượng học tập phải học lại quá 10% thời lượng của chương trình đào tạo;

c) Bị kỷ luật từ mức cảnh cáo trở lên trong thời gian học tập tại trường, không tính mức kỷ luật được quy định tại khoản 2 , khoản 3 Điều 17 của Thông tư này.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 36. Trách nhiệm của các trường

1. Tự chủ, tự chịu trách nhiệm lựa chọn phương thức đào tạo theo niên chế hoặc theo tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ phù hợp với điều kiện cụ thể của trường nhưng phải đảm bảo chất lượng đào tạo đối với từng chương trình.

2. Thực hiện đào tạo liên thông cho người học các ngành, nghề, trình độ mà trường đang đào tạo theo quy định tại Thông tư số 27/2017/TT-BLĐTBXH ngày 21 tháng 9 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định đào tạo liên thông giữa các trình độ trong giáo dục nghề nghiệp; thực hiện liên kết đào tạo theo quy định tại Thông tư số 29/2017/TT-BLĐTBXH ngày 15 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về liên kết tổ chức thực hiện chương trình đào tạo.

3. Căn cứ Thông tư này các trường xây dựng, ban hành quy chế đào tạo, quy chế kiểm tra, thi và xét công nhận tốt nghiệp và các quy định cụ thể về việc tổ chức, quản lý đào tạo đối với trường mình theo từng phương thức và loại hình đào tạo.

4. Trước khi bắt đầu khóa học, các trường phải công khai các điều kiện bảo đảm chất lượng; mục tiêu, khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học cần đạt sau khi tốt nghiệp; chương trình của từng ngành, nghề đào tạo; thời gian tối đa để hoàn thành chương trình đối với từng ngành, nghề cụ thể; quy chế đào tạo; kế hoạch đào tạo đối với khóa học, năm học; thời gian dự kiến thi tốt nghiệp; quy chế kiểm tra, thi và xét công nhận tốt nghiệp.

Điều 37. Ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức đào tạo

1. Các trường được tự chủ trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức đào tạo của trường, cụ thể:

a) Xây dựng hạ tầng, đầu tư công nghệ, trang thiết bị công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong đào tạo;

b) Xây dựng các chương trình quản lý tổ chức đào tạo bao gồm quản lý chương trình đào tạo, đội ngũ nhà giáo; hồ sơ điện tử người học từ khi vào trường đến khi tham gia thị trường lao động và các nội dung khác phục vụ cho hoạt động đào tạo của trường trên môi trường mạng máy tính;

c) Xây dựng hệ thống đào tạo trực tuyến bao gồm việc học tập trực tuyến (e-learning), hệ thống quản lý học tập trực tuyến (LMS - Learning Management System), hệ thống quản lý nội dung học tập (LCMS - Learning Content Management System);

d) Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thực tế ảo (VR - Virtual Reality), thực tế tăng cường (AR - Augmented Reality) vào hỗ trợ đào tạo thực hành;

đ) Số hóa chương trình, giáo trình, tài liệu dạy học, giáo án, hồ sơ, sổ sách đào tạo; kế hoạch, tiến độ đào tạo; xây dựng thư viện điện tử phục vụ cho quá trình tổ chức đào tạo.

2. Các hoạt động tổ chức đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng theo niên chế hoặc theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ thông qua ứng dụng công nghệ thông tin phải bảo đảm tuân thủ theo quy định tại Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 38. Chế độ báo cáo

1. Hiệu trưởng báo cáo bằng văn bản công tác đào tạo của trường theo năm thực hiện tính đến ngày 31 tháng 12 hàng năm về cơ quan trực tiếp quản lý trường; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương nơi đặt trụ sở của trường trước ngày 10 tháng 01 của năm tiếp theo. Báo cáo bao gồm các nội dung chính như: Số liệu tuyển sinh, tốt nghiệp, thôi học và đang học trong năm, dự kiến tốt nghiệp trong năm sau, tốt nghiệp đã có việc làm trong thời gian 12 tháng theo đối tượng đầu vào, ngành nghề đào tạo, khóa đào tạo và hình thức đào tạo; số lượng các chương trình đào tạo được xây dựng mới, cập nhật, chỉnh sửa bổ sung; việc liên kết đào tạo (ngành nghề, đơn vị liên kết, địa điểm liên kết); tình hình khen thưởng, kỷ luật hoặc xử lý vi phạm (nếu có) và những thuận lợi, khó khăn trong tổ chức đào tạo và đề xuất kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền.

2. Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương báo cáo bằng văn bản tổng hợp tình hình đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng của các trường trên địa bàn theo năm thực hiện tính đến ngày 31 tháng 12 hàng năm về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trước ngày 25 tháng 01 của năm tiếp theo.

3. Ngoài chế độ báo cáo được quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này, hiệu trưởng, giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm báo cáo với cơ quan có thẩm quyền về các vấn đề khác có liên quan đến tổ chức đào tạo theo quy định của pháp luật hoặc báo cáo đột xuất khi có yêu cầu.

Điều 39. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 5 năm 2022. Thông tư số 09/2017/TT-BLĐTBXH ngày 13 tháng 3 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Quy định việc tổ chức thực hiện chương trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng theo niên chế hoặc theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ; quy chế kiểm tra, thi, xét công nhận tốt nghiệp hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

2. Trường hợp các văn bản viện dẫn tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì thực hiện theo văn bản mới ban hành.

3. Đối với các khóa tuyển sinh trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực, các trường thực hiện việc tổ chức đào tạo theo các quy định hiện hành tại thời điểm bắt đầu khóa học cho đến khi kết thúc khóa học.

4. Trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh phức tạp và các trường hợp bất khả kháng khác, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để nghiên cứu, giải quyết.

Điều 40. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tổ chức Chính trị - Xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các trường trung cấp, trường cao đẳng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính ph
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- HĐND, UBND, Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương;
- Công báo, Cổng thông tin điện tử Chính phủ;
- Các đơn vị thuộc Bộ LĐTBXH, Trung tâm thông tin
để đăng Website Bộ;
- Lưu: VT, TCGDNN (20 bản).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Lê Tấn Dũng

MINISTRY OF LABOR – WAR INVALIDS AND SOCIAL AFFAIRS
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence – Freedom – Happiness
---------------

No. 04/2022/TT-BLDTBXH

Hanoi, March 30, 2022

 

CIRCULAR

ORGANIZATION OF INTERMEDIATE-LEVEL AND COLLEGE-LEVEL TRAINING BY ACADEMIC YEAR OR ACCORDING TO THE METHOD OF ACCUMULATING MODULES OR CREDITS

Pursuant to the Law on Vocational Education dated November 27, 2014;

Pursuant to Decree No. 14/2017/ND-CP dated February 17, 2017 of the Government on functions, duties, entitlements, and organizational structure of the Ministry of Labor – War Invalids and Social Affairs;

Pursuant to Decree No. 15/2019/ND-CP dated February 1, 2019 of the Government elaborating a number of Articles and implementation of the Law on Vocational Education;

At the request of the General Director of Directorate of Vocational Education and Training,;

The Minister of Labor – War Invalids and Social Affairs hereby promulgates the Circular on organization of intermediate-level and college-level training by academic year or according to the method of accumulating modules or credits.

Chapter I

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 1. Scope and regulated entities

1. This Circular provides for the organization and management of intermediate-level and college-level training by academic year or according to the method of accumulating modules or credits; regulations on tests, examinations, and consideration of graduation recognition.

2. This Circular applies to intermediate schools, colleges, and higher education facilities with certificates of registration of vocational education (hereinafter referred to as "schools").

3. This Circular does not apply to the organization of training at pedagogic intermediate level and pedagogic college level.

Article 2. Interpretation of terms

For the purpose of this Circular, the following terms shall be construed as follows:

1. “Training by academic year” means a method of organizing training by school year with relatively fixed classes in the whole course, allowing students (hereinafter referred to as “learners”) of the same class to follow a unified and general training plan and timetable.

2. "Training according to the method of accumulating modules or credits” means a method of training according to each learning content designed as modules and subjects, allowing learners to proactively select modules and subjects according to regulations of the school to accumulate until they complete the number of modules and credits prescribed in the program.

3. “Online training” means a teaching method that allows the implementation of a part of or the whole subject or module in the intermediate-level or college-level training program on the internet, replacing direct teaching at training locations of the vocational education facility.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Training program

a) Training programs must show training targets, amount of knowledge, and requirements for capacity that learners need to achieve after they graduate; scope and structure of contents; training methods and forms; methods of assessing learning results. The development of training programs shall be in accordance with regulations of Circular No. 03/2017/TT-BLDTBXH dated March 1, 2017 of the Minister of Labor – War Invalids and Social Affairs on procedures for the development, appraisal, and promulgation of programs; organization of compilation, selection, and appraisal of intermediate-level and college-level training textbooks.

b) Training programs shall be publicized for learners before enrollment and at the beginning of the course. Any changes or adjustments to training programs shall be announced before applucation, preventing negative impacts to learners.

2. Training time is the time for a learner to complete a specific training program and be eligible for receiving a diploma corresponding to that training program, specifically:

a) The time of intermediate-level training by academic year for an individual who has at least a middle school diploma is one to two years, depending on the training profession or occupation;

b) The time of intermediate-level training according to the method of accumulating modules or credits is the prescribed time for the full accumulation of the number of modules or credits for each program;

c) The time of college-level training according to academic year is two to three school years, depending on the training profession or occupation of an individual who has a high school diploma or intermediate school diploma and a certificate of completion of the general education program or certificate of sufficient high school culture knowledge or has learned and qualified for sufficient high school culture knowledge as per regulation;

d) The time of college-level training according to the method of accumulating modules and credits is the time learners fully accumulate the number of modules and credits of each program.

3. The maximum time for learners to complete the program

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) The maximum time for a learner who participates in two programs at the same time is the maximum time to complete training programs with longer training time, starting from the beginning of the first training program;

c) The principal may consider and decide to extend the maximum training time in cases where learners have certificates of disabilities as per regulation of the Law on People with Disabilities;

d) The Ministry of Labor – War Invalids and Social Affairs shall cooperate with the Ministry of Culture, Sports, and Tourism in stipulating the maximum time for training programs of professions and occupations in particular fields of culture, arts, and sports.

4. The time of organization of training and learning depends on the actual conditions and situations shall satisfy the following requirements as specified in training regulations of the school decided by the principal:

a) The time of training and learning is from 6 am to 10 pm every day, including Saturday and Sunday, excluding particular learning content that must be taught outside of this time;

b) The time for online teaching and learning is flexible, depending on the actual conditions and situations of each school and the principal's decision;

c) The time for teaching, practice, and internship at an enterprise shall comply with the agreement between the school and the enterprise, ensuring compliance with the law on working time.

5. The time for learning the amount of high school culture knowledge or the high school education program according to the continuous education form is not included in the vocational training time as prescribed in Clauses 2, 3, 4 of this Article.

Article 4. Training locations

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. The online training shall be flexible in terms of locations decided by principals of schools based on their actual conditions, satisfying conditions for training for quality assurance as per regulation.

Article 5. Training plan

1. The principal shall, based on the learning amount of the training program, approve the plan for distribution of the number of subjects and modules for each semester or school year.

2. Before starting a course, the school shall publicly announce the training plan for that course. The training plan for each course or school year must show: The time, operations of the training program; start and end time of each semester, school year, and course; training time and duration of subjects and modules in the program; time to learn the theory, practice, and intern; plan for the organization of examinations, defense of graduation thematic assignment or thesis (if any); the time to complete all of the examinations of subjects, modules, and graduation exam; time for the summer holiday, Tet holiday, and opening and closing ceremony; extracurricular learning time and other contents.

3. In the case of online training, the training plan must specify contents, subjects, and modules for such a form of training.

Article 6. Registration of enrollment

1. When registering for enrollment, learners must submit documents prescribed in Clause 3 Article 11 of Circular No. 05/2021/TT-BLDTBXH dated July 7, 2021 of the Minister of Labor – War Invalids and Social Affairs stipulating regulations on enrollment and determination of enrollment targets at intermediate level and college level. Enrollment documents of learners shall be managed at units affiliated to the school or digitalized for management by training management software (if any).

2. Learners shall be organized into classes according to specific training programs and professions suitable for each form of training organization decided by the principal.

3. Learners will be provided with student cards for convenient management and monitoring during the training. Schools are recommended to use electronic student cards to perform training management (exams, looking up learning results; online learning; use at electronic libraries, computer rooms, laboratories) and use them as tools to conduct financial transactions (paying tuition fees, receiving funds, conducting e-commerce transactions, etc.) as well as other social transactions when approved.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 7. Chainging training profession or occupation

1. A learner may change his/her current training profession or occupation to another training profession or occupation of the school.

2. The principal shall specify and decide to allow a learner to change his/her training profession or occupation when:

a) The learner has submitted a written request on changing his/her training profession or occupation;

b) The training profession or occupation the learner wishes to change to must have the enrollment method and criteria of the same level or lower compared to his/her current training profession or occupation;

c) Changing the training profession or occupation must be conducted in the first semester of the program;

d) The learner must not be in the period of suspension of his/her current program or adjustment of learning progress, or be disciplined by the school from a warning level or higher or prosecuted for criminal liability.

3. The maximum learning time for learners to change their training profession or occupation and complete their program, as prescribed in Clause 3 Article 3 of this Circular, starts from their enrollment in the training profession or occupation before changing them.

Article 8. Learning two programs at the same time

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) The learner has submitted a written request on learning two programs at the same time;

b) The learner has completed the first semester of the program with a training time from one to two years or has completed the second semester of the program with a training time of more than two years. The learning result of each semester completed in the first program must at least be good;

c) The learner must not be in the period of suspension of his/her current program or be disciplined by the school from a warning level or higher or prosecuted for criminal liability.

2. Learners subject to adjustment of learning progress or expulsion from the first program will receive expulsion from the second program.

3. The time for learners to complete two programs at the same time is prescribed in Clause 3 Article 3 of this Circular.

Article 9. Temporary suspension of the program and Preservation of learning results

1. Preservation of learning results means the school will maintain the learning results and qualifications of subjects and modules learners have achieved in a fixed period of time if learners wish to temporarily suspend their training program. Preserved learning results of subjects and modules will be included in the learning result classification and graduation classification and assessment.

2. A learner may temporarily suspend his/her current program and have his/her learning results preserved if:

a) He/she is mobilized by a competent authority to perform military duty, participate in preventing and controlling the epidemic, or participating in international contests or competitions;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) He/she wishes to transfer to a different school to study the same training profession or occupation with differences in learning progress between schools;

d) He/she participates in an overseas labor program or project under a contract, or he/she has to stop his/her learning process due to his/her family circumstances and conditions;

dd) He/she is currently disciplined at the level of a definite learning suspension;

e) He/she is prosecuted for criminal liability but has yet to receive a conclusion from competent authorities, or has received a conclusion, but it is not subject to expulsion.

3. The preservation time of learning results shall not exceed 5 years after temporarily suspending the learning program, and it is not included in the maximum time to complete the learning course. Learners who wish to preserve their learning results shall request the principal to consider issuing a decision in writing.

4. A learner temporarily suspends his/her subject or module according to the training plan of the school and has to finish that subject or module within the maximum time for completing the program if:

a) He/she cannot ensure the completion of that subject or module due to health issues and has a certificate of a medical examination and treatment facility;

b) He/she cannot participate in that subject or module due to other reasons with specific proofs and receives an approval of the principal;

5. The time of temporarily suspension is included in the maximum time for learners to finish the program as prescribed in Clause 3 Article 3 of this Circular.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Recognition of learning results

a) The learning results of a learner accumulated from a different training program, training level, or a different school in the vocational education system may be considered for recognition in the current training program regardless of learning forms (online or direct), specifically: The learner may be exempted from learning or final exam of the subject or module in case he/she has learnted and completed the final exam for that subject or module in a different program that has the content and duration consistent with the subject or module in his/her current program; or the learner may be exempted from a part of the content of the subject or module and has to take the final exam of that subject or module in case he/she has learnt its content in a different program but have yet to take the final exam or the duration and content of the previous subject or module are not consistent with the duration and content of the subject or module of the current training program. The principal shall decide the exempted learning content and duration;

b) The principal shall consider recognizing the content of knowledge and skills that learners have based on comparison with the content of current training programs;

c) The recognition of results and learning contents shall be carried out according to each subject, module, or the whole training program;

d) Schools shall disclose regulations on recognition of learning results and contents in each training program.

2. A learner may be exempted from learning contents regardless of training forms (online or direct) if:

a) He/she is exempted from the National Defense and Security Education subject according to regulations of the Ministry of Labor – War Invalids and Social Affairs on program and organization of teaching and assessment of learning results of the National Defense and Security Education subject in the block of general subjects in the intermediate-level or college-level training program.

b) He/she is exempted from the learning and final exam of the Politics Education subject in the block of general subjects in the intermediate-level or college-level training program in case he/she has graduated from an equivalent training level or has a graduation certificate or diploma of an intermediate political theory program or equivalences;

c) He/she is exempted from the learning or final exam of the Foreign Language subject in the block of general subjects in the intermediate-level or college-level training program in case he/she has graduated from an equivalent training level or has an equivalent foreign language level as prescribed in Decision No. 1982/QD-TTg dated October 18, 2016 of the Prime Minister on approving the Vietnam National Framework Level or has at least a graduation certificate or diploma of an intermediate foreign language level;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



dd) He/she is exempted from the learning and final exam of the Physical Education subject in the block of general subjects in the intermediate-level or college-level training program in case he/she is a war invalid that has injuries or chronic diseases that limit his/her motor function; he/she achieves first, second, or third place or medals in sectoral or provincial sports competitions or higher while learning at the school;

e) He/she has a certificate of disabilities according to the Law on People with Disabilities and is considered by the principal for exemption from certain subjects or modules or exemption from certain contents that he/she cannot satisfy.

Article 11. School transfer

1. If a learner transfers his/her school according to a decision of a competent state management agency, the transfer shall comply with such decision of that agency. The decision on school transfer must be agreed on by the learner in writing.

2. If a learner transfers his/her school according to personal demand, the school transfer shall comply with regulations of his/her current school and the school he/she wishes to transfer to. The principal shall only consider receiving or permitting the learner, who wishes for a school transfer, satisfies the following requirements:

a) He/she has an application for school transfer;

b) He/she is not in the period of adjustment of learning progress, disciplined by the school from a warning level or higher, or prosecuted for criminal liability.

c) He/she does not perform a school transfer when learning the last semester of the course;

d) He/she shall learn the current profession or occupation at the school he/she is transferring.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. The maximum time for the learner to apply for a school transfer to complete his/her program is counted from his/her enrollment time in the current school.

Article 12. Regular exam, periodic exam, and final exam of the subject or module

1. Regular exams and periodic exams

a) The teacher in charge of the subject or module shall organize regular exams at any time during the learning process according to each subject or module in various forms, including oral exams during classtime, written exams with a time limit of 30 minutes or less; practice exams of certain contents, homework marking, and other forms of exam and assessment.

b) Periodic exams are specified in the program of the subject or module; a written periodic exam has a time limit of 45 to 60 minutes, marking of assignments, essays, practice exams, internship, and other forms of exam and assessment.

c) Teachers in charge of the subject or module shall decide on the online regular or periodic exam. Online practice exams are applicacle when they satisfy conditions for physical facilities and training equipment; infrastructure system, and information technology devices, ensuring accurate and objective assessment of the learner's learning results;

d) Procedures for exams and the number of exams for each specific subject or module shall comply with regulations of the principal, ensuring at least one grade of a regular exam and one grade of a periodic exam for a subject or module. A regular or periodic exam is graded according to a 10-point scale, rounded to one decimal place.

2. Final exams of subjects and modules

a) Final exams of subjects and modules are conducted at the school, its branches, its training locations, joint-training units, or enterprises directly or via online methods when satisfying conditions for the organization of exams;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) The schedule for the final exam of a subject or module must be disclosed at least 2 weeks before the exam. Each exam of a subject or module must be organized separately; joint exams of several subjects or modules in the same exam session of a learner are prohibited.

d) The list of learners eligible or ineligible for participating in the exam must specify reasons; the list of exam locations must be disclosed before the exam day at least 3 working days;

dd) Learners who participate in the exam must be disseminated with their entitlements, duties, and tasks;

e) The form of a final exam of a subject or module may be written, oral, multiple-choice, practice, assignment, internship result defense according to topics, or a combination of all of the mentioned forms;

g) The time limit for a written final exam is 60 to 120 minutes; the principal shall decide on the time limit for final exams in other forms, the time limit of particular subjects or modules of the training profession or occupation, or the time limit for online final exams;

h) Regarding written final exams, each exam room must have at least 2 examiners and no more than 50 participants; participants must be arranged according to their registration number. Regarding exams in other forms, the principal shall decide on the arrangement of exam rooms and relevant contents;

i) An online final exam is applicable when it satisfies conditions for physical facilities, training equipment; infrastructure system, and information technology devices. The principal shall elaborate forms and procedures for organizing exams to ensure an accurate and objective assessment of learners’ learning results, preventing cheating during the exam. An online final exam must be videotaped and recorded, and its results must be printed out for storing as prescribed in Clause 3 Article 19 of this Circular.

Article 13. Conditions for participating in the final exam of a subject or module

1. Conditions for participating in the final exem of a subject or module

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) The learner must have a Grade Point Average (GPA) of regular and periodic exams of 5,0 or higher on a 10-point scale;

c) The principal will consider and decide on prioritizing exam conditions for learners who have a certificate of disabilities according to regulations, however, they must ensure the condition specified in Point b of this Clause.

2. Number of attempts at final exams of subjects and modules

a) After completing a subject or module, the learner who meets the condition prescribed in Clause 1 of this Article is eligible for participating in the final exam of such subject or module. If the learner has not taken the first attempt at the final exam of the subject or module and has legitimate reasons, he/she will be arranged to participate in the next exam. Regarding learners who have not passed on their first attempt and are subject to retake; the principal shall stipulate the number of attempts;

b) The learner who have passed the final exam on his/her first attempt but wants to score a higher grade may register for another attempt in the next exam to improve their grade, but he/she will not be able to preserve his/her previous grade. The grade of the second-attempt test will not be used for consideration for a scholarship;

c) If a learner is absent from any exam without a legitimate reason, the score will still be counted, and he/she shall receive a grade of 0 for that exam and have to retake that exam. The principal shall decide on the number of attempts.

Article 14. Repeating a failed subject or module and retaking an exam

1. A learner must repeat a subject or module and retake an exam of a subject or module if:

a) He/she is ineligible for participating in the exam;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Learners who follow the method of accumulating modules or credits may only register for a repeat of a subject or module or retake of an exam of a subject or module for grade improvement.

2. Learners who have to repeat a subject or module and retake an exam of a subject or module may not preserve their grade, and their previous learning time of that subject or module must meet conditions for participation in the exam as prescribed in Clause 1 Article 13 of this Circular.

3. In case a subject or module is unavailable due to changes in the training program, the principal shall replace it with another subject or module suitable for the target of the program.

Article 15. Issuing exam and marking final exam of a subject or module

1. Exam

a) An exam must be consistent with the content of a subject or module prescribed in the program and randomly drawn from the school’s exam bank; regarding exams organized via online methods or specialized software, the principal shall elaborate on the method of developing or selecting exams;

b) The principal shall decide on the exam for people with certificates of disabilities in accordance with regulations of the Law on People with Disabilities.

2. Marking

a) A final exam of a subject or module must at least be graded by 2 teachers who give separate grades and provide their signatures on the exam, marking sheet, and summary of participants' grades. Written exams and multiple-choice exams must have their heading removed before marking; the marking of oral exams and practice exams must be carried out on marking sheets prescribed by the principal;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) An online final exam of a subject or module is graded by a specialized machine or software. The principal shall decide on the method and procedure for reviewing an exam.

3. Disclosure of exam grades

a) The grades of oral exams, practice exams, or internship report defense must be disclosed to learners right after their marking;

b) Regarding other forms of exams, the grade must be disclosed to learners within 10 days after the examination date.

Article 16. Grade determination of a subject or module, GPA of a semester, school year, course, and accumulative GPA

1. Grade of a subject or module

a) The grade of a subject or module includes the average grade of exam grades multiplied by 0,4 and the final exam grade multiplied by 0,6 of that subject or module;

b) The average exam grade is the average grade of regular exam grades and periodic exam grades according to the coefficient of each type of grade. In which, regular exam grades is multiplied by 1 and periodic exam grades is multiplied by 2;

c) The grade of a subject or module is based on a 10-point scale in training according to academic year and a 4-point scale according to the method of accumulating modules or credits.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) The formula to calculate the GPA of a semester/school year/course and accumulative GPA:

https://thuvienphapluat.vn/doc2htm/00509295_files/image001.gif

Which:

A: is the GPA of a semester/school year/course or accumulative GPA;

i: is the ordinal number of the subject or module;

ai: is the grade of the subject or module no. i;

ni: is the number of credits of the subject or module no. i;

n: is the total number of subjects or modules in a semester/school year/course or the accumulated number of subjects or module.

b) The accumulative GPA is the average grade of subjects or modules accumulated by the learner from the start of the course to the time of consideration at the end of each semester;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) In case the learner temporarily suspends the learning of a subject or module, the learning volume of that subject or module during the suspension period will not be calculated.

3. The GPA of a semester, school year, or the accumulative GPA used for consideration for a scholarship or commendation after each semester, school year, or course is determined according to the grade of the first-attempt final exam of a subject or module. The highest grade of an attempt at the final exam of a subject or module is used for consideration for adjustment of learning progress or expulsion.

4. The Physical Education subject and National Defense and Security Education subject in the block of general subjects in the intermediate-level or college-level training program are conditional subjects. The assessment result of the above-mentioned subjects will not be included in the GPA of a semester, school year, the accumulative GPA, or the graduation grade, but it is one of the conditions for consideration for completion of the learning volume, participation in the graduation exam, defense of graduation thematic assignment or thesis, recorded in the transcript issued with the diploma.

Article 17. Handling of exam violations

1. A learner who participates in the exam for another learner or has another person participate in the exam will receive a one-year suspension from learning for the first offense and an expulsion for the second offense.

2. During the exam, if a learner cheats, uses an illegal aid, helps, or abets cheating acts, the examiner will make a record and consider deciding whether that learner can continue his/her exam or not. If his/her exam must be stopped, it will be graded 0.

3. Except for cases prescribed in Clauses 1 and 2 of this Article, the principal shall elaborate methods of handling exam violations for each case according to each specific form of the exam; such methods shall be prescribed in regulations on tests, examinations, and consideration of graduation recognition of the school.

Article 18. Diplomar, transcript, and certificate of learning results

1. If a learner is eligible for graduation recognition, the principal will grant that learner a diploma. The form of intermediate-level and college-level diplomas is prescribed in Circular No. 10/2017/TT-BLDTBXH dated March 13, 2017 on forms of intermediate-level and college-level diplomas; the printing, management, grant, revocation, and termination of intermediate-level and college-level diplomas are amended by Circular No. 24/2020/TT-BLDTBXH dated December 30, 2020 of the Minister of Labor – War Invalids and Social Affairs.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. A learner who has yet to receive graduation recognition may receive a certificate of learning results of learnt subjects or modules in the program, which specifies the training form and reason for not getting a graduation recognition.

4. The principal shall organize the awarding of diplomas for learners eligible for the grant of diplomas within 30 working days from the end date of the last final exam regarding training according to academic year or at the end of the last subject or module in the program regarding training according to the method of accumulating modules or credits.

5. Learners who graduate from the college-level of professions or occupations in fields of Computer and Information Technology; Engineering Technology; Engineering; Production and Processing; Architecture and Construction; Agriculture, Forestry, and Fishery; Transportation Service shall be recognized as practicing engineers; remaining professions and occupations shall be recognized as practicing bachelors.

Article 19. Management of training records and books

1. The principal shall make and manage training records in accordance with regulations of Circular No. 23/2018/TT-BLDTBXH dated December 6, 2018 of the Minister of Labor – War Invalids and Social Affairs on records and books in training at intermediate and college levels; preserve, store, and use training records and books in accordance with the law and regulations of this Circular. In case of dissolution, hand over records to a competent management agency.

2. Records that are stored permanently

a) Approval and issuance documents of training programs; issuance records of textbooks or training documents; documents of regulations on training organization and management;

b) Approval documents of the list of admitted learners and the list of classes;

d) Recognition records of graduation results regarding training according to academic year include the Decision on Establishment of the graduation exam council; the list of learners participating in the exam and exam results, prints of exam results for exams organized via online methods or a specialized software on the computer, exam submission sheets signed by learners. Recognition records of graduation results regarding training according to the method of accumulating modules or credits include the Decision on Establishment of the graduation consideration council, minute of the graduation review meeting, transcript summarizing the entire course;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



e) Training plans for courses and school years;

g) Commendation and discipline records of learners;

h) Records of domestic and international joint training.

3. Records that are stored for at least 10 years from the date of graduation recognition for learners

a) Records of organization of final exams of subjects and modules include the exam plan and schedule; list of participants and exam results of each subject; exam submission sheets signed by learners and examiners; videos and audio records of online exams;

b) Transcripts of learners include regular and periodic exam grades; final exam grades of subjects and modules; prints of exam results regarding exams organized via online methods or a specialized software on the computer signed by teachers, lecturers, and professional managers.

4. Records that are stored for at least 5 years from the date of graduation recognition for learners

a) Records for review of final exams of subjects, modules, and graduation exams;

b) Attendance books of each class.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Used exams and graduation exam marking sheets in training according to academic year.

b) Timetables and assignments of teachers and lecturers.

Chapter II

ORGANIZATION OF TRAINING ACCORDING TO ACADEMIC YEAR

Article 20. Organization of classes

Training according to academic year is organized by school year, each school year has 2 semesters, and each semester has at least 15 weeks of actual learning plus the time for final exams of subjects and modules. Aside from two main semesters, the principal shall consider issuing a decision on organization of sub-semesters to facilitate learners to repeat their subject or module or have catch-up classes. Each sub-semester has at least 4 weeks of actual learning plus the time for final exams of subjects or modules.

Article 21. Classification of learning results

1. After each semester or school year, learning results of learners will be classified based on a 10-point scale as follows:

a) Excellent: from 9,0 to 10;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Good: from 7,0 to 7,9;

d) Acceptable: from 5,0 to 6,9;

dd) Fail: below 5,0.

2. A learner who has a very good grade or higher will have his/her grade deducted by one classification level if:

b) He/she is disciplined by the school at a warning level or higher in the semester or school year that he/she receives the classification of learning results;

b) He/she has to retake an exam of a subject or module in the semester or school year regarding the excellent classification; he/she has to retake exams of 2 subjects or modules or more in the semester or school year regarding the very good classification (excluding conditional subjects; temporarily suspended or exempted subjects or modules).

3. Learning results in the sub-semester shall be combined with learning results in the main semester for classification.

Article 22. Adjustment of learning results, expulsion, and voluntary withdrawal from school

1. At the end of each school year, if learners of the program with a training time of 1,5 years or more fall into one of the following cases, they shall be forced to adjust their learning progress and complete failed subjects or modules for consideration for learning new subjects or modules; the time of learning progress adjustment is included in the maximum time to complete the program as prescribed in Clause 3 Article 3 of this Circular:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Learners who have the GPA of the school year of below 4,0 and certificates of disabilities in accordance with the Law on People with Disabilities.

2. A learner will receive an expulsion if he/she falls into the following cases:

a) He/she has a GPA below 4,0 at the end of the school year;

b) He/she fails to pass the graduation exam, thematic assignment, or thesis after the expiry date of the maximum time to complete the program prescribed in Clause 3 Article 3 or after all valid attempts to participate in the graduation exam as prescribed in Clause 2 Article 24 of this Circular.

c) He/she is expelled.

3. Learners who are not subject to expulsion may request for a withdrawal from the school in one of the following cases:

a) Learners consider that they are not able to complete the program due to insufficient remaining time to complete the program as per regulation;

b) Learners have to withdraw from the school due to other reasons with legitimate and specific reasons approved by the principal.

4. The principal shall elaborate on procedures, rights, tasks, or responsibilities of learners who wish to preserve their learning results and decide on the adjustment of learning results, expulsion, and voluntary withdrawal from the school of learners.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. The plan for the exam and defense of graduation thematic assignment or thesis must be developed and disclosed at least 4 weeks before the graduation exam.

2. Content, time, and form of organization of the graduation exam

a) The content of the graduation exam includes Specialized Theory Examination Subject and Practice Examination Subject;

b) The Specialized Theory Exam may be organized in the form of written, oral, or multiple-choice; the time for completion shall not exceed 180 minutes for the written or multiple-choice exam, and the oral exam time shall not exceed 40 minutes with 20 minutes of preparation for a learner.

c) The Practice Exam is organized in the form of a general skill practice exam to complete a product, service, or a part of a product or service. The principal shall stipulate the specific time for completion of the Practice Exam, ensuring consistency with the characteristics of training professions or occupations;

d) The online Practice Exam is applicable to professions and occupations in the field of Arts; Humanities; Information Press; Business and Management; Law; Social Service or professions and occupations in other fields if they satisfy the following requirements:

Professions or occupations for graduation exams that do not have mandatory requirements for equipment, practice materials, professions or occupations that have replaceable equipment and practice materials suitable for online exams, or professions or occupations that have specialized exam and assessment software that fully satisfy requirements for infrastructure, information technology equipment, and audio and video recording equipment for the exam process.

dd) The principal shall elaborate forms and procedures for organizing online exams to ensure an accurate and objective assessment of learners’ learning results, preventing cheating during the exam. An online final exam must be videotaped and recorded, and its results must be printed out for storing as prescribed in Clause 3 Article 19 of this Circular. The form of online exams must be agreed on by members of the graduation exam council and learners.

3. The graduation exam council

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) The President of the graduation exam council shall elaborate and direct all of the exams and defenses of graduation thematic assignment or thesis; decide on the establishment of divisions and small divisions to support the council, including divisions of secretary, exam, examiners, exam marking, theses and graduation theses marking, and other supporting divisions according to requirements of the exam;

c) The graduation council shall consider granting graduation recognition for learners as prescribed in Article 26 of this Circular; present the list of learners eligible or ineligible for graduation recognition to the principal for consideration and decision.

4. Issuance, supervision, and marking of exams

a) An exam must be consistent with the exam outline, each subject exam must have a main set of exams and at least a set of backup exams that is equivalent in terms of knowledge content and have the same time limit for completion with the Specialized Theory Examination Subject;

b) Online exams must satisfy the same requirements for direct exams and are equivalent regarding content;

c) The answer points of exam questions in the form of written and practice exams are divided according to the content, not exceeding 0,25 on a 10-point scale; in which, if the total grade of the exam has an odd grade of 0,25, it will be rounded to 0,5; if the odd grade is 0,75, it will be rounded to 1,0.

5. Marking of graduation thematic assignment or thesis

a) The marking division of graduation thematic assignment and thesis has from 3 to 5 members, including the Head, secretary, and its members;

b) The marking division of graduation thematic assignment and thesis has from 3 to 5 members, including the Head, secretary, and its members;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Minutes of marking graduation thematic assignment and thesis are stored as for minutes of exam marking and archived as prescribed in Article 19 of this Circular.

Article 24. Conditions for participating in graduation exams and the number of attempts

1. Conditions for participating in graduation exams:

a) The final grade of the subject or module in the program is at least qualified;

b) The learner is not disciplined by the school from a definite learning suspension level or higher or prosecuted for criminal liability.

c) The number of exam attempts within the time limit for taking the graduation exam is prescribed in Clause 2 of this Article;

d) A learner who is ineligible for participating in the final exam as prescribed in Point a of this Clause, if his/her tine fund is sufficient for completion of the program, the principal shall consider and permit such learner to complete failed subjects or modules, and organize the consideration of graduation exam conditions;

dd) A learner who is ineligible for participating in the final exam due to a definite learning suspension after his/her learning suspension time or prosecution for criminal liability period with a conclusion of a competent authority and is not subject to expulsion shall be considered for participating in the graduation exam by the principal;

e) If a learner commits a disciplinary violation or violates the law not at the level of criminal liability prosecution, the principal shall organize a disciplinary review before considering the conditions for taking the graduation exam for that learner.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) If a learner has a graduation exam grade of below 5,0, he/she may retake that subject exam no more than 3 times in the maximum time to complete the program.

b) A learner will take the first retake for a failed subject of the graduation exam within at least 30 days from the date of disclosure of graduation exam results, the time of the retake shall be decided by the principal;

c) If a learner who has a certificate of disabilities as per regulation has a graduation subject exam graded below 5,0, the principal shall consider prioritizing the number of attempts to retake such graduation subject within the maximum time to complete the program;

d) Learners who do not participate in the graduation exam due to legitimate reasons and force majeure may participate in another graduation exam without losing an attempt at the missed exam. If learners miss the exam without legitimate reasons, a number of attempts at such exam will be counted, and has to retake within the number of attempts for participating in the exam;

dd) dd) Learners are exempted from the graduation exam regarding the subject exam they have participated in qualified for that subject in the equivalent profession, occupation, and level.

Article 25. Graduation thematic assignment and thesis

1. The principal shall decide on classes and learners eligible for conducting graduation thematic assignments and theses; assign teachers or lecturers to provide guidelines on graduation thematic assignments and theses at the request of the specialized department.

2. The volume of the graduation thematic assignment or thesis shall not exceed 5 credits and is prescribed in the college-level training program.

3. The written request for learners to defend their graduation thematic assignments or theses of guiding teachers or lecturers and the full texts of graduation thematic assignments or theses shall be submitted to the specialized department 15 days before the defense; graduation thematic assignments or theses shall be handed over to the marking council before the defense at least 10 days.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5. Regarding a number of training professions or occupations in the fields of Arts, Health, Sports, and National Defense and Security, the principal shall stipulate the content and form of graduation thematic assignment or thesis suitable for particular professions or occupations.

Article 26. Conditions for graduation

1. A learner is recognized for graduation if he/she satisfies the following conditions:

a) The grade of each graduation examination subject or graduation thematic assignment or thesis is 5,0 or higher based on a 10-point scale;

b) The learner is not disciplined from a definite learning suspension level or higher or prosecuted for criminal liability;

c) The learner has satisfies other conditions as per regulation of the school;

2. e) If a learner commits a disciplinary violation or violates the law not at the level of criminal liability prosecution, the principal shall organize a disciplinary review before considering the conditions for graduation recognition for that learner.

3. In case a learner is disciplined at the level of suspension from learning for a definite period, after his/her learning suspension time or prosecution for criminal liability period with a conclusion of a competent authority and is not subject to expulsion, the principal shall organize the consideration and recognition of graduation.

4. Within 15 working days after the end date of the graduation exam or defense of graduation thematic assignments or theses, the graduation consideration council shall organize graduation consideration for the learner. Within 5 working days after the date of graduation consideration for the learner, the graduation consideration council shall present the list of learners eligible or ineligible for graduation consideration to the principal.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 27. Graduation assessment and classification grade

1. The graduation assessment and classification grade is calculated according to the formula:

DTN

3.DTB + 2.DTNTH + DTNLT

6

Which:

DTN is the graduation assessment and classification grade

DTB is the GPA of the whole course

DTNTH is the grade of the Practice Examination Subject

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. The graduation assessment and classification grade for graduation thematic assignments or theses is calculated according to the formula:

DTN

3.DTB + 2.DCD

5

Which: DCD is the grade of the graduation thematic assignment or thesis.

3. The graduation classification of a learner is based on the graduation classification grade and a 10-point scale as follows:

a) Excellent: from 9,0 to 10

b) Very good: from 8,0 to 8,9

c) Good: from 7,0 to 7,9

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. A learner with at least a very good graduation classification grade who does not have to retake any graduation examination subject or does not have to re-defend his/her graduation thematic assignment or thesis will have his/her graduation classification grade deducted by one graduation classification level if:

a) He/she has to retake an exam of a subject or module in the semester regarding the excellent classification; he/she has to retake exams of 2 subjects or modules or more in the semester regarding the very good classification (excluding conditional subjects or modules; temporarily suspended or exempted subjects or modules).

 b) He/she has to repeat a learning volume that exceeds 10% of the duration of the program;

c) He/she is disciplined by the school at a warning level or higher during his/her learning time at the school, excluding the disciplinary level prescribed in Clause 2 and Clause 3 Article 17 of this Circular;

5. The graduation classification of a learner who has to retake the graduation exam or re-defend his/her graduation thematic assignment or thesis is as follows:

a) The highest graduation classification is good if he/she has to retake 1 graduation examination subject or re-defend his/her graduation thematic assignment or thesis once;

b) The highest graduation classification is acceptable if he/she has to retake his/her graduation exam or re-defend his/her graduation thematic assignment or thesis 2 times or more.

Chapter III

ORGANIZATION OF TRAINING ACCORDING TO THE METHOD OF ACCUMULATING MODULES OR CREDITS

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Classes are organized according to each subject or module and the learning registration of learners in each semester. The principal shall stipulate the number of mandatory learners for each theory or practice class, ensure conditions for the organization of training are consistent with actual situations, and ensure integrated and practice classes have no more than 18 learners for common professions; no more than 10 learners for heavy, hazardous, and dangerous professions or occupations in accordance with the list promulgated by the Ministry of Labor – War Invalids and Social Affairs.

2. Depending on actual conditions, there can be 2 – 3 semesters per year, including main semesters and sub-semesters. The main semester is compulsory, each main semester has at least 15 weeks, including the actual learning time and exam time. The sub-semester is optional, in the sub-semester, learners will learn subjects or modules that are behind schedule in the main semester, retake failed subjects or modules, improve their grades, or learn in advance subjects or modules in the following semesters if classes are available in the sub-semester. Each sub-semester must have at least 6 weeks, including the actual learning time and exam time.

Article 29. Registration of learning volume

1. Before each semester, a learner must register for learning volume as per training regulation of the school. The registered learning volume in each semester:

a) The minimum learning volume shall not be less than 2/3 the average volume of a semester according to the learning plan;

b) The maximum learning volume shall not exceed 3/2 the average volume of a semester according to the learning plan;

c) The minimum learning volume is not regulated regarding sub-semesters.

2. Learners may re-register for a subject or module whose final exam grade is D as prescribed in Article 31 of this Circular to improve their accumulative GPA.

3. The registered learning volume of a learner by each semester is recorded in the registration sheet stored by the school.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. The reduction of registered learning volume shall be conducted after 2 weeks from the beginning of the main semester or after 1 week from the beginning of the sub-semester. Depending on specific conditions, the principal shall stipulate the maximum learning volume eligible for a reduction. Aside from the reduced learning volume, subjects or modules remain the same on the registration sheet, if learners do not learn these subjects or modules, it will be considered a voluntary withdrawal, and they will receive an F as prescribed in Article 31 of this Circular.

2. Learners may only have their registered learning volumes reduced if they request the school in writing, and such requests must be approved by the school.

Article 31. Conversion of grades of subjects or modules, semester GPA, and accumulative GPA

1. Converting grades of subjects or modules into letter grades

a) The grade of a subject or module determined as prescribed in Clause 1 Article 16 of this Circular based on a 10-point scale, after being rounded to one decimal place, will be converted to a letter grade as follows:

Passed:

A: from 8,5 to 10

B: from 7,0 to 8,4

C: from 5,5 to 6,9

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Failed:

F: below 4,0

b) Regarding subjects or modules that are ineligible for calculation of grades when rating assessment, use the following symbols:

I: Not enough component grades for assessment due to permission to postpone the exam;

X: Test results have not been received;

R: For subjects or modules that are exempted or allowed for grade conversion, attached with results

c) The symbol F, in addition to regulations prescribed in Point a of this Clause, also applies to cases where learners violate exam rules prescribed in Article 17; voluntarily withdraw from learning as prescribed in Clause 1 Article 30 of this Circular;

d) The symbol I applies to the following cases: The learner is ill or has an accident during his/her learning time or final exam time, so he/she cannot take the exam but must be permitted by the principal; the learner does not take enough regular, periodic, or final exams of a subject or module due to objective reasons justified by the principle. Aside from special cases stipulated by the principal, before the start of the next semester, the learner who has a grade I must complete outstanding regular or periodic exams for conversion of grades;

dd) The symbol X applies to subjects or modules for which the learning result summary unit has not received reports on learning results of learners from the training unit;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. The semester GPA, accumulative GPA, and letter grades of each subject or module are converted to grades on a 4-point scale as follows:

A corrensponds to 4

B corresponds to 3

C corresponds to 2

D corresponds to 1

F corresponds to 0

If a letter scale with more levels is used, the principal shall stipulate it, and the conversion of grades shall also be conducted based on a scale of 0 to 4.

3. The semester GPA and accumulative GPA are determined as prescribed in Clause 2 Article 16 of this Circular.

Article 32. Classification of learning results

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Excellent: from 3,50 to 4,00

Very good: from 3,00 to 3,49

Good: from 2,50 to 2,99

Acceptable: from 2,00 to 2,49;

Fail: below 2,00

2. A learner who has a very good grade or higher will have his/her grade deducted by one classification level if:

a) He/she is disciplined by the school at a warning level or higher during the classification semester, excluding the disciplinary level prescribed in Clause 2 and Clause 3 Article 17 of this Circular.

b) He/she has to retake an exam of a subject or module in the semester regarding the excellent classification; he/she has to retake exams of 2 subjects or modules or more in the semester regarding the very good classification (excluding conditional subjects or modules; temporarily suspended or exempted subjects or modules).

3. Learning results in the sub-semester shall be combined with learning results in the main semester for classification.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. A learner with bad learning results will receive warnings of learning results by each semester as notifications for him/her to have appropriate learning plans for improvement of learning results. The learner will receive warnings of learning results when:

a) His/her total number of failed subjects and modules exceeds 50% of the registered learning volume at the beginning of the semester;

b) His/her semester GPA is below 1,2 for the first semester of the course or below 1,5 for the following semesters;

c) The principal specifies the number of warnings of learning results and the form of notification to the learner.

2. After each semester, A learner will be expelled if:

a) He/she receives a number of warnings of learning results that exceeds the prescribed number as per regulation of the school;

b) The maximum time limit for completing the program has expired as prescribed in Clause 3 Article 3 of this Circular, but the learner has not completed the program;

c) He/she is expelled.

3. Learners who are not subject to expulsion may request for a withdrawal from the school in one of the following cases:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Learners have to withdraw from the school due to other reasons with legitimate and specific reasons approved by the principal.

4. The principal shall elaborate on procedures, rights, tasks, or responsibilities of learners, preserved or accumulated learning results, and decide on the adjustment of learning results, expulsion, and voluntary withdrawal from the school of learners.

Article 34. Conditions for graduation

1. At the end of the course, or when learners accumulate sufficient modules or credits as prescribed in the program, the principal shall establish a graduation consideration council for learners.

2. A learner is recognized for graduation if he/she satisfies the following conditions:

a) He/she has accumulated sufficient modules or credits as prescribed in the program;

b) His/her GPA of the whole course is at least 2,0 on a 4-point scale;

c) He/she has completed other mandatory requirements prescribed in the program;

d) He/she is not disciplined at a level of suspension from learning for a definite period or more or is prosecuted for criminal liability;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. If a learner commits a disciplinary violation or violates the law not at the level of criminal liability prosecution, the principal shall organize a disciplinary review before considering the conditions for graduation recognition for that learner.

4. In case a learner is disciplined at the level of suspension from learning for a definite period, after his/her learning suspension time or prosecution for criminal liability period with a conclusion of a competent authority and is not subject to expulsion, the principal shall organize the consideration and recognition of graduation.

Article 35. Classification of graduation

1. The classification of graduation is determined based on the accumulative GPA of the whole course as prescribed in Clause 1 Article 32 of this Circular.

2. A learner with at least a very good graduation classification grade will have his/her graduation classification grade deducted by one graduation classification level if:

a) He/she has to retake an exam of a subject or module in the semester regarding the excellent classification; he/she has to retake exams of 2 subjects or modules or more in the semester regarding the very good classification (excluding conditional subjects or modules; temporarily suspended or exempted subjects or modules);

 b) He/she has to repeat a learning volume that exceeds 10% of the duration of the program;

c) He/she is disciplined by the school at a warning level or higher during his/her learning time at the school, excluding the disciplinary level prescribed in Clause 2 and Clause 3 Article 17 of this Circular;

Chapter IV

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 36. Schools shall:

1. Practice autonomy and be responsible for selecting training methods according to academic year or accumulation of modules or credits suitable for their specific conditions, ensuring training quality for each program.

2. Provide bridge programs for learners who is learning professions, occupations, and training levels provided in schools as prescribed in Circular No. 27/2017/TT-BLDTBXH dated September 21, 2017 of the Minister of Labor – War Invalids and Social Affairs on provision of bridge program between levels of vocational education; Provide joint training as prescribed in Circular No. 29/2017/TT-BLDTBXH dated December 15, 2017 of the Minister of Labor – War Invalids and Social Affairs on joint implementation of training programs.

3. Rely on this Circular to promulgate regulations on training, exams, consideration for graduation recognition, and specific regulations on organization and management of training according to each training method and type.

4. Before the start of the course, disclose conditions for quality assurance; mandatory target, knowledge volume, and requirements for capacity that learners have to achieve after graduation; programs of each training profession or occupation; the maximum time to complete a program for specific professions or occupations; training regulations; training plans for the course or school year; estimated time for graduation exams; regulations on exam and consideration for graduation recognition.

Article 37. Application of information technology to organization of training

1. Schools are autonomous in applying information technology to their organization of training, specifically:

a) Development of infrastructure and investment in technology, technological equipment satisfying requirements for digital transformation in training;

b) Development of training organization management programs, including management of training programs and teaching staff; digital records of learners from when they enter the school to when they join the labor market, and other contents serving the school's training activities in the computer network environment;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Research and application of Virtual Reality (VR) and Augmented Reality (AR) to practice training support;

dd) Digitalization of programs, textbooks, learning materials, teaching plans, records, training documents; training plans and progress; development of electronic libraries serving the training process.

2. Intermediate-level or college-level training activities according to academic year or the method of accumulating modules or credits via application of information technology must ensure compliance with regulations of this Circular and relevant laws.

Article 38. Regulations on reports

1. The principal shall send annual written reports on the training work of the school according to the implementation year by December 31 to the school governing body; the local Department of Labor - War Invalids and Social Affairs, where the school is headquartered before January 10 of the succeeding year. Reports include several main contents such as data on enrollment, graduation, withdrawal from learning, learning in the year, estimated graduation in the following year, graduates who have jobs for 12 months according to input entities, training professions or occupations, training courses and forms; the number of newly developed, updated, or amended programs; joint training (professions or occupations, associate units, and locations); situations of commendation, disciplinary actions, handling of violations (if any), and advantages and disadvantages in training, and requests or suggestions sent to competent agencies.

2. Directors of Departments of Labor – War Invalids and Social Affairs of provinces or centrally affiliated cities shall send annual written reports on the summary of the performance of intermediate-level or college-level training of schools in their areas till December 31 to the Ministry of Labor - War Invalids and Social Affairs before January 25 of the succeeding year

3. Aside from regulations on reports prescribed in Clause 1 and Clause 2 of this Article, principals of schools and Directors of Departments of Labor - War Invalids and Social Affairs of provinces or centrally affiliated cities shall report on other matters related to the organization of training to competent agencies in accordance with the law or send irregular reports when requested.

Article 39. Entry into force

1. This Circular comes into force as of May 15, 2022. Circular No. 09/2017/TT-BLDTBXH dated March 13, 2017 of the Minister of Labor – War Invalids and Social Affairs on implementation of intermediate-level and college-level training programs according to academic year or methods of accumulating credits or modules; regulations on exams and consideration for graduation recognition will expire when this Circular comes into force.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Regarding enrollment courses, before this Circular comes into force, schools shall organize training according to current regulations from the time of starting the course until the end.

4. In case of natural disasters, complicated epidemics, and other force majeure, agencies, organizations, and individuals shall timely report to the Ministry of Labor – War Invalids and Social Affairs for study and settlement.

Article 40. Implementation responsibilities

Ministries, ministerial agencies, governmental agencies, People’s Committees of provinces and centrally affiliates cities, Socio-political Organizations, Departments of Labor – War Invalids and Social Affairs, intermediate schools, colleges, relevant agencies, organizations, and individuals shall implement this Circular./.

 

 

 

PP. MINISTER
DEPUTY MINISTER




Le Tan Dung

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Thông tư 04/2022/TT-BLĐTBXH ngày 30/03/2022 quy định về việc tổ chức đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng theo niên chế hoặc theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


73.381

DMCA.com Protection Status
IP: 3.138.175.166
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!