VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 285/TB-VPCP
|
Hà Nội, ngày 09
tháng 8 năm 2018
|
THÔNG BÁO
KẾT
LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG VƯƠNG ĐÌNH HUỆ TẠI CUỘC HỌP GIAO BAN BAN CHỈ ĐẠO ĐỔI MỚI
VÀ PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP VỀ TÌNH HÌNH SẮP XẾP, CỔ PHẦN HÓA, THOÁI VỐN, CƠ CẤU
LẠI DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC VÀ PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP 6 THÁNG ĐẦU NĂM; NHIỆM VỤ,
GIẢI PHÁP 6 THÁNG CUỐI NĂM 2018
Ngày 25 tháng 7 năm 2018, tại trụ sở Chính phủ, Phó
Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh
nghiệp đã chủ trì cuộc họp giao ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh
nghiệp (Ban Chỉ đạo ĐM&PTDN) về tình hình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn,
cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và phát triển doanh nghiệp 6 tháng đầu năm
2018; nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2018. Tham dự cuộc họp có các thành
viên Ban Chỉ đạo ĐM&PTDN, lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban quản lý vốn
nhà nước tại doanh nghiệp, lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Tài chính, Công Thương,
Xây dựng, Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Quốc phòng, Tư
pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân
dân thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban chứng khoán Nhà nước; Tổng công ty Đầu tư và
Kinh doanh vốn nhà nước, Công ty trách nhiệm hữu hạn Mua bán nợ; lãnh đạo một số
tập đoàn kinh tế. Sau khi nghe Thường trực Ban Chỉ đạo ĐM&PTDN báo cáo tổng
hợp và ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ kết
luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN
6 THÁNG ĐẦU NĂM 2018
1. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng -
Trưởng ban Ban Chỉ đạo ĐM&PTDN đã quyết liệt đôn đốc, chỉ đạo, trực tiếp họp,
làm việc tại một số cơ quan, đơn vị để nghe và chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn vướng
mắc, hoàn thiện cơ chế, chính sách, vừa đẩy nhanh tiến độ công tác sắp xếp, cổ phần
hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, vừa bảo đảm chặt chẽ, đúng
pháp luật, công khai, minh bạch.
Một số văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính
sách quan trọng đã được ban hành, có hiệu lực thi hành như Luật Hỗ trợ doanh
nghiệp nhỏ và vừa, các Nghị định hướng dẫn chi tiết, Nghị định số
126/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ, Nghị định số
32/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ, các Nghị định về điều lệ
và tổ chức hoạt động của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước...; nhiều
vấn đề cụ thể đã được chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời như liên quan đến ban hành các
văn bản hướng dẫn các quy định mới, xử lý đất đai, cổ phần hóa các doanh nghiệp
an ninh - quốc phòng, Đề án cơ cấu lại các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà
nước, phương án cổ phần hóa một số doanh nghiệp quy mô lớn... góp phần vào việc
đạt được một số kết quả tích cực trong hoàn thiện thể chế và công tác cổ phần
hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước 6 tháng đầu năm 2018.
2. Số tiền thu được từ chào bán cổ phần lần đầu ra
công chúng của các doanh nghiệp nhà nước đạt 22.457,29 tỷ đồng, cao hơn nhiều
so với số tiền thu về từ việc chào bán cổ phần lần đầu của cả năm 2017
(5.192,44 tỷ đồng). Tổng số tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn từ năm 2016 đến
nay đạt mức cao, khoảng 198.000 tỷ đồng, gấp 2,5 lần tổng số thu từ cổ phần
hóa, thoái vốn giai đoạn 2011 - 2015 (khoảng 78.000 tỷ đồng), số tiền thu từ cổ
phần hóa và thoái vốn nhà nước giai đoạn từ năm 2016 đến nay đã nộp vào Ngân
sách nhà nước theo quy định, đáp ứng nhu cầu vốn cho kế hoạch đầu tư công trung
hạn theo Nghị quyết của Quốc hội giao.
3. Thủ tướng Chính phủ đã cơ bản phê duyệt các Nghị
định điều lệ tổ chức và hoạt động, phương án cơ cấu lại của các tập đoàn kinh tế,
tổng công ty nhà nước theo thẩm quyền để các cơ quan, đơn vị liên quan tập
trung triển khai, thực hiện; phê duyệt hầu hết các Phương án tổng thể sắp xếp,
đổi mới công ty nông, lâm nghiệp của các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng
công ty nhà nước, trong đó đã hoàn thành sắp xếp lại theo các hình thức khác
nhau đối với 160/249 công ty, nông lâm nghiệp phải thực hiện sắp xếp.
4. Việc xử lý các tồn tại, yếu kém của 12 dự án,
doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương đã đạt được kết
quả bước đầu quan trọng, Sau hơn một năm triển khai, đến nay đã có 02 nhà máy
hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi, 04 dự án đã từng bước giảm lỗ và hoạt động
sản xuất kinh doanh dần đi vào ổn định, 01 dự án vận hành sản xuất trở lại được
một phần của Nhà máy, có dự án đã đủ điều kiện để đưa ra khỏi danh sách 12 dự
án yếu kém, qua đó duy trì việc làm và đời sống cho hàng nghìn lao động, góp phần
ổn định chính trị - xã hội tại địa phương, đồng thời tạo tiền đề quan trọng cho
việc thực hiện xử lý dứt điểm và có hiệu quả các dự án trong thời gian tới theo
kế hoạch và lộ trình đề ra.
5. Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, còn một
số tồn tại, hạn chế cần được xử lý trong thời gian tới. Một số bộ, ngành, địa
phương chậm triển khai, triển khai chưa có kết quả, kế hoạch cổ phần hóa, thoái
vốn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh và
Thành phố Hà Nội chiếm tương ứng 61% và 17,1% kế hoạch cổ phần hóa năm 2018 của
cả nước, nhưng đến nay việc cổ phần hóa còn rất hạn chế, hầu hết chưa hoàn
thành; chậm ban hành một số văn bản hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc trong quá
trình cổ phần hóa, thoái vốn; chưa thực hiện nghiêm túc, quyết liệt việc chuyển
giao quyền đại diện chủ sở hữu về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước,
đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán, chấp hành chế độ báo cáo theo quy định...
Những tồn tại, hạn chế nêu trên có nguyên nhân từ sự
chưa nghiêm túc, quyết liệt của một số bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp
trong triển khai, thực hiện, Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái
vốn trong giai đoạn này là doanh nghiệp có quy mô lớn, đất đai nhiều, phạm vi
hoạt động rộng nên việc xác định giá trị doanh nghiệp, Kiểm toán Nhà nước kiểm
toán kết quả xác định giá trị doanh nghiệp, bán cổ phần lần đầu gặp nhiều khó
khăn, thời gian kéo dài; các quy định mới về cổ phần hóa, thoái vốn mới được
ban hành theo hướng chặt chẽ hơn, quy định thời gian triển khai dài hơn, tối đa
hóa lợi ích của Nhà nước nên cần nhiều thời gian để triển khai thực hiện, nhiều
trường hợp doanh nghiệp phải thực hiện lại toàn bộ hoặc một số nội dung, công
đoạn liên quan; việc phê duyệt phương án sử dụng đất của doanh nghiệp cổ phần
hóa của các địa phương chậm...
II. CÁC NHIỆM VỤ CHỦ YẾU 6 THÁNG
CUỐI NĂM 2018
Trong 6 tháng cuối năm, để hoàn thành cao nhất kế
hoạch sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn năm 2018 đã đề ra, yêu cầu các Bộ, ngành,
địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước tiếp tục nghiêm túc, thực hiện có kết
quả các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và chỉ đạo Phó Thủ tướng,
Trưởng ban Ban Chỉ đạo ĐM&PTDN tại Thông báo số 72/TB-VPCP ngày 14 tháng 02
năm 2018, trong đó bổ sung, nhấn mạnh một số nhiệm vụ quan trọng sau:
1. Bộ Tài chính:
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thường
trực Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp tổ chức các đoàn công tác
thường xuyên, trực tiếp đôn đốc tại các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, chủ
động, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, bảo đảm hoàn thành cao nhất kế
hoạch cổ phần hóa, thoái vốn năm 2018.
- Chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức tốt
Hội nghị chuyên đề về đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà
nước, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước theo tinh thần Nghị quyết
số 12-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành
Trung ương khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh
nghiệp nhà nước và Nghị quyết số 60/2018/QH14 ngày 15 tháng 6 năm 2018 của Quốc
hội về tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về
quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp sau cổ phần hóa doanh
nghiệp nhà nước.
- Khẩn trương ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một
số điều của Thông tư số 219/2015/TT-BTC về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp
và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp (Thông tư hướng dẫn Nghị định
số 32/2018/NĐ-CP) trước ngày 31 tháng 8 năm 2018.
- Chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổng hợp, rà
soát danh sách các doanh nghiệp có đủ điều kiện nhưng chưa thực hiện đăng ký
giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán; công bố công khai, chỉ rõ lý
do, đề xuất hướng xử lý và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30 tháng 9
năm 2018.
- Hoàn thiện Quyết định về ban hành Quy chế chuyển
giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại
doanh nghiệp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định để Ủy ban sớm hoàn
thiện tổ chức, biên chế và các điều kiện liên quan để đi vào hoạt động.
- Khẩn trương thực hiện Báo cáo đánh giá thực chất
về hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam sau 30 năm, từ đó kiến nghị việc điều
chỉnh, bổ sung, sửa đổi, ban hành khuôn khổ pháp lý điều chỉnh phù hợp (phục vụ
cho Hội nghị tổng kết 30 năm đầu tư nước ngoài tại Việt Nam).
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
- Rà soát tình hình thực hiện các Quyết định của Thủ
tướng Chính phủ số: 58/2016/QĐ-TTg ngày 28 tháng 12 năm 2016; 31/2017/QĐ-TTg
ngày 17 tháng 7 năm 2017; 1232/QĐ-TTg ngày 17 tháng 8 năm 2017 để đề xuất, báo
cáo Thủ tướng Chính phủ khi có vướng mắc cần xử lý.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tích
cực chuẩn bị tổ chức Hội nghị tổng kết 30 năm đầu tư nước ngoài tại Việt Nam
- Chỉ đạo Tổng cục Thống kê khẩn trương hoàn thiện
và công bố Bộ chỉ số phát triển doanh nghiệp vào Ngày Doanh nhân Việt Nam (13
tháng 10 năm 2018).
3. Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản với thời
hạn cụ thể yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát, phê duyệt phương án sử dụng
đất theo quy định đối với các doanh nghiệp cổ phần hóa trong năm 2018 và các
năm tiếp theo; báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện.
4. Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương chỉ đạo, đẩy nhanh
tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý bảo đảm
thực hiện theo quy định và tiến độ.
5. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn thống nhất
việc đặt cọc, ký quỹ bằng ngoại tệ của các nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia đấu
giá mua cổ phần của doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa và khi thoái vốn.
6. Các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Lao động-Thương
binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bảo hiểm Xã hội
Việt Nam, Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan liên quan trong phạm vi chức năng,
nhiệm vụ khẩn trương rà soát Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm
2017 của Chính phủ để ban hành các văn bản hướng dẫn theo quy định tại Nghị định
này.
7. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân
dân thành phố Hồ Chí Minh quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn
các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý; trường hợp có khó khăn, vướng mắc thì kịp
thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết; đẩy nhanh tiến độ phê duyệt
phương án sử dụng đất của các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa có đất đai nằm
trên địa bàn theo đúng quy định.
8. Văn phòng Chính phủ phối hợp với Thường trực Ban
Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp:
- Tiếp thu các ý kiến phát biểu tại Hội nghị, hoàn
thiện Báo cáo, gửi: Thường trực Chính phủ, Ban Bí thư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội,
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội...,
làm cơ sở cho việc giám sát, đánh giá công tác sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn,
cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước.
- Hoàn thiện Danh mục điều chỉnh các doanh nghiệp
thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2016 - 2020 để đánh giá tình hình thực
hiện 6 tháng cuối năm và các năm tiếp theo trên cơ sở tổng hợp từ các chỉ đạo,
quyết định cá biệt của Thủ tướng Chính phủ, đề nghị, kiến nghị của các bộ,
ngành, địa phương.
- Yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh
tế, tổng công ty nhà nước phản ánh các khó khăn, vướng mắc, đề xuất các kiến
nghị, giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước phục vụ
cho Hội nghị chuyên đề về đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp
nhà nước, nhất là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước do Thủ tướng Chính phủ chủ
trì trong thời gian tới.
- Đôn đốc triển khai nhiệm vụ cổ phần hóa, thoái vốn,
bàn giao phần vốn nhà nước về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước,
đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán, rà soát đơn vị sự nghiệp
công lập đủ điều kiện cổ phần hóa đối với từng bộ, ngành, địa phương, tập đoàn
kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2018 - 2020, gửi kèm theo danh sách cụ
thể để các đơn vị có căn cứ rà soát và triển khai thực hiện.
9. Các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công
ty nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ được giao:
- Khẩn trương xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có
thẩm quyền ban hành Quyết định phê duyệt phương án cơ cấu lại các doanh nghiệp
nhà nước trực thuộc theo đúng Quyết định số 707/QĐ-TTg ngày 25 tháng 5 năm 2017
và tổ chức triển khai thực hiện.
- Chủ động tháo gỡ, khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực
hiện việc cổ phần hóa, thoái vốn, phấn đấu hoàn thành cao nhất kế hoạch cổ phần
hóa, thoái vốn năm 2018 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại các phương án
cụ thể và công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10 tháng 7 năm 2017, Quyết định số
1232/QĐ-TTg ngày 17 tháng 8 năm 2017.
Thực hiện bán cổ phần lần đầu đối với các doanh
nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ, cấp có thẩm quyền phê duyệt Phương án cổ phần
hóa. Trường hợp doanh nghiệp cổ phần hóa có cổ đông chiến lược thì lên kế hoạch,
triển khai kịp thời để bán cho cổ đông chiến lược theo đúng thời hạn quy định của
Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ.
10. Thường trực Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển
doanh nghiệp theo dõi sát tình hình thực hiện của các bộ, ngành, địa phương, phối
hợp với các cơ quan liên quan trực tiếp làm việc với một số đơn vị trọng điểm để
đôn đốc, đề xuất với Trưởng ban Ban Chỉ đạo ĐM&PTDN kịp thời chỉ đạo, tháo
gỡ các vướng mắc, khó khăn, đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn,
cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước 6 tháng cuối năm 2018 và các năm tiếp theo.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các cơ quan
liên quan biết và thực hiện./.
Nơi nhận:
- TTg, các PTTg;
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Tổng Bí thư
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước;
- Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC);
- Các thành viên Ban Chỉ đạo ĐM&PTDN;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: KTTH, CN, NN, PL,
QHĐP, TH, TCCV, TKBT.
- Lưu: VT, ĐMDN (2b).Linh
|
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM
Nguyễn Sỹ Hiệp
|