Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Kế hoạch 2938/KH-UBND 2020 phát triển kinh tế tập thể tỉnh Ninh Thuận năm 2021

Số hiệu: 2938/KH-UBND Loại văn bản: Kế hoạch
Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Thuận Người ký: Lưu Xuân Vĩnh
Ngày ban hành: 18/08/2020 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2938/KH-UBND

Ninh Thuận, ngày 18 tháng 8 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ NĂM 2021

Tiếp nhận Công văn số 4476/BKHĐT-HTX ngày 14/7/2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế tập thể năm 2021; trên cơ sở Đề cương xây dựng kế hoạch theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể năm 2021, với các nội dung chủ yếu như sau:

Phần thứ nhất

ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ NĂM 2020

I. Tình hình phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã

1. Đánh giá dựa trên các chỉ tiêu về hoạt động sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã, tổ hợp tác:

a) Về số lượng, doanh thu và thu nhập của hợp tác xã, tổ hợp tác

- Về hợp tác xã (HTX): Hoạt động của HTX trên địa bàn tỉnh tiếp tục duy trì ổn định và phát triển, trong 7 tháng năm 2020, có 05 HTX được thành lập mới1, nâng tổng số đến nay có 85 HTX đang hoạt động2, chủ yếu là lĩnh vực nông nghiệp có 66 HTX (chiếm 77,6%); sản xuất tiểu thủ công nghiệp 07 HTX (chiếm 8,2%); kinh doanh dịch vụ tổng hợp 05 HTX (chiếm 5,9%); lĩnh vực vận tải 04 HTX (chiếm 4,7%) và 03 Quỹ tín dụng nhân dân (chiếm 3,5%).

Doanh thu bình quân của HTX năm 2020 ước đạt 2.150 triệu đồng/HTX, tăng 2,4% so với năm 2019, trong đó doanh thu đối với các thành viên ước đạt 1.600 triệu đồng/năm, tăng 3,2% so với năm 2019; lợi nhuận bình quân ước đạt 210 triệu đồng/HTX, tăng 5% so với năm 2019; thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX ước đạt 40 triệu đồng/người, tăng 5,3% so với năm 2019.

- Về Tổ hợp tác (THT): Tổng số THT đang hoạt động tính đến ngày 31/7/2020 có 951 THT. Doanh thu bình quân của THT năm 2020 ước đạt 220 triệu đồng/năm, tăng 10% so với năm 2019; lợi nhuận bình quân ước đạt 40 triệu đồng/năm, tăng 9,1% so với năm 2019.

b) Về thành viên, lao động của HTX, THT:

- Tổng số thành viên của HTX ước đến ngày 31/12/2020 có khoảng 21.023 thành viên, trong đó số thành viên mới tham gia HTX khoảng 210 người. Tổng số lao động làm việc thường xuyên trong HTX là 560 người, tăng 1,8% so với năm 2019; số lao động đồng thời là thành viên HTX 360 người, tăng 1,4% so với năm 2019;

- Tổng số thành viên của THT ước đến ngày 31/12/2020 có khoảng 11.360 người.

c) Về trình độ cán bộ quản lý HTX: Tổng số cán bộ quản lý HTX ước đến ngày 31/12/2020 có khoảng 490 người, tăng 2,1% so với năm 2019, trong đó đã qua đào tạo đạt trình độ sơ cấp, trung cấp chuyên nghiệp là 155 người, tăng 3,3% so với năm 2019; trình độ cao đẳng, đại học là 70 người, tăng 7,7% so với năm 2019.

2. Đánh giá theo lĩnh vực:

a) Lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản: Toàn tỉnh hiện có 66 HTX đang hoạt động, trong đó có 03 HTX thủy sản và 63 HTX dịch vụ nông nghiệp, tập trung chủ yếu ở các vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm về lúa, nho, rau củ các loại. Hầu hết HTX lĩnh vực nông nghiệp hoạt động tương đối ổn định và có bước phát triển; một số HTX đã chủ động liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp sản xuất, gắn với bao tiêu sản phẩm nông nghiệp đặc thù của tỉnh như: Nho, măng tây, lúa giống, bắp giống, hạt điều,...; hoạt động dịch vụ ngày càng đa dạng, ngoài các loại dịch vụ thường xuyên3, một số HTX đã hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp trong việc ứng trước vật tư, phân bón, giống cây trồng, góp phần giảm bớt khó khăn về vốn đầu tư ban đầu, từng bước nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho hộ thành viên. Doanh thu bình quân của HTX nông nghiệp năm 2020 ước đạt 2.100 triệu đồng, tăng 9,4% so với năm 2019; lợi nhuận bình quân 250 triệu đồng/năm, tăng 13,6% so với năm 2019.

b) Lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp: Hiện có 7 HTX đang hoạt động, chủ yếu sản xuất các sản phẩm nghề truyền thống, cơ khí; một số HTX đã tích cực tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể như: Dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, Gốm Bầu Trúc, nước mắm Cà Ná,..., góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho thành viên. Doanh thu bình quân năm 2020 ước đạt 1.950 triệu đồng, tăng 2,6 % so với năm 2019; lợi nhuận bình quân một HTX khoảng 265 triệu đồng/năm.

c) Lĩnh vực vận tải: Có 04 HTX đang hoạt động, chất lượng dịch vụ được nâng lên, đáp ứng tốt hơn nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa. Doanh thu bình quân năm 2020 ước đạt 500 triệu đồng/HTX; doanh thu của HTX với thành viên là 75 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX 48 triệu đồng/năm; lợi nhuận bình quân một HTX khoảng 26 triệu đồng/năm.

d) Lĩnh vực kinh doanh tổng hợp: Hiện có 05 HTX đang hoạt động, chủ yếu là dịch vụ cung cấp điện, vệ sinh môi trường, kinh doanh vật tư nông nghiệp,... gắn với liên kết giữa doanh nghiệp, THT, nhóm cùng sở thích để tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp đặc thù của tỉnh như: Nho, táo, măng tây,... góp phần ổn định đầu ra cho các hộ thành viên. Doanh thu bình quân năm 2020 ước đạt 2.700 triệu đồng; lợi nhuận bình quân của HTX ước đạt 270 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân của thành viên khoảng 30 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân của lao động làm việc thường xuyên trong HTX khoảng 30 triệu đồng/năm.

đ) Lĩnh vực tín dụng: Có 03 Quỹ tín dụng nhân dân đang hoạt động ổn định, đảm bảo khả năng chi trả và kinh doanh có lãi, đáp ứng khá tốt nguồn vốn cho các thành viên. Tổng nguồn vốn hoạt động của 03 Quỹ tín dụng tính đến tháng 5/2020 là 166.978 triệu đồng; vốn điều lệ của 03 Quỹ là 6.259 triệu đồng, chiếm tỷ trọng 3,7% nguồn vốn hoạt động, tăng 2,07% so với năm 2019. Tổng dư nợ năm 2020 ước đạt 128.000 triệu đồng, tăng 1,04% so với năm 2019, chủ yếu là cho vay ngắn hạn phục vụ sản xuất nông nghiệp.

3. Một số mô hình hoạt động hiệu quả theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị:

Hiện nay, có 24 HTX lĩnh vực nông nghiệp tham gia mô hình liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp, HTX với nông dân sản xuất một số loại cây trồng chính như: Lúa, bắp, nho, măng tây xanh, điều hữu cơ,... Điển hình như:

(1) Mô hình sản xuất điều hữu cơ (Organic): HTX Điều hữu cơ Truecoop đã tham gia liên kết sản xuất điều hữu cơ theo tiêu chuẩn EU và USDA, với tổng diện tích trên 1.155 ha tập trung chủ yếu huyện Thuận Bắc và Bác Ái. HTX đã được Tổ chức Control Union Việt Nam cấp Giấy chứng nhận về sản xuất hữu cơ theo tiêu chuẩn EU và USDA và thu mua toàn bộ sản phẩm với giá bình quân 41.000- 42.000 đồng/kg, cao hơn giá thị trường tại thời điểm là 1.000-2.000 đồng/kg, tổng sản lượng thu mua đạt 1.672 tấn/năm.

(2) Mô hình cánh đồng lớn sản xuất bắp giống: Sản xuất bắp giống theo mô hình cánh đồng liền vùng, liền thửa liên kết với doanh nghiệp áp dụng cơ giới hóa vào khâu làm đất, ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật vào cánh đồng lớn; năng suất bình quân ước đạt 73 tạ/ha, tăng 15,4% so với cùng kỳ, được Công ty CP Giống cây trồng Miền Nam thu mua toàn bộ sản phẩm, lợi nhuận bình quân khoảng 40 triệu đồng/ha, cao hơn so với sản xuất bắp đại trà khoảng 20,5 triệu đồng/ha.

(3) Mô hình trồng măng tây xanh: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 02 HTX tham gia liên kết, hợp tác với Trang Trại Nông nghiệp Hữu cơ Tiên Tiến trồng măng tây xanh, áp dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm, với tổng diện tích gần 28 ha4 và được ký hợp đồng bao tiêu 100% sản phẩm, năng suất bình quân đạt 73 tạ/ha, sản lượng ước đạt 204,4 tấn.

(4) Mô hình cánh đồng lớn sản xuất nho tại xã Vĩnh Hải: HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thái An đã ký kết hợp đồng với các hộ tham gia sản xuất nho theo tiêu chuẩn VietGAP, với tổng diện tích gần 30ha/76 hộ tham gia gắn với bao tiêu sản phẩm; diện tích nho cho thu hoạch là 15 ha, năng suất bình quân ước đạt 20 tấn/ha, sản lượng ước đạt 300 tấn.

(5) Mô hình liên kết theo chuỗi giá trị lúa: Hiện có 16 HTX5 tham gia liên kết theo chuỗi giá trị lúa với các doanh nghiệp6 ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, với quy mô 2.224,83 ha/5.506 hộ dân, năng suất lúa bình quân vụ ước đạt 71 tạ/ha, sản lượng ước đạt 15.796 tấn, được doanh nghiệp tham gia liên kết thu mua lúa với giá cao hơn giá thị trường.

II. Kết quả thực hiện pháp luật và chính sách phát triển kinh tế tập thể

1. Kết quả triển khai triển khai Luật và các văn bản hướng dẫn:

Trong năm 2020, UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai thực hiện khá đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp về tiếp tục đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã theo Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 22/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương để tổ chức thực hiện và ban hành văn bản chỉ đạo tăng cường công tác phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh7.

2. Công tác quản lý Nhà nước về kinh tế tập thể:

Công tác quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể được tăng cường, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 375/KH-BCĐ ngày 15/02/2020 của Ban Chỉ đạo Phát triển kinh tế tập thể để chỉ đạo, điều phối, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch về phát triển kinh tế tập thể; hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo rà soát, xử lý hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh các hợp tác xã chưa đăng ký mã số thuế theo Công văn số 2314/BKHĐT-ĐKKD ngày 08/4/2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ban hành Quyết định phê duyệt quy trình nội bộ trong giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực thành lập và hoạt động của tổ hợp tác thuộc phạm vi chức năng quản lý của UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh (Quyết định số 401/QĐ-UBND ngày 26/03/2020) và triển khai đánh giá phân loại toàn diện các loại hình HTX theo Thông tư 01/2020/TT-BKHĐT ngày 19/02/2020 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Đồng thời, tập trung chỉ đạo hoàn thành báo cáo định hướng Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021-2030 (Báo cáo số 217/BC-UBND ngày 14/7/2020); báo cáo tình hình thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Công văn số 662/UBND-KTTH ngày 09/3/2020) và báo cáo tình hình phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã năm 2019 (Công văn số 85/UBND-KTTH ngày 14/01/2020); kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 70-KL/TW ngày 09/3/2020 của Bộ Chính trị thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (Kế hoạch số 24 72/KH-UBND ngày 14/7/2020).

3. Kết quả triển khai chính sách hỗ trợ, ưu đãi HTX:

a) Về chính sách hỗ trợ nguồn nhân lực HTX: Trong 7 tháng đầu năm 2020, đã tuyển dụng được 07 lao động trẻ, nâng tổng số đến ngày 31/7/2020 có 19 lao động trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc tại 18 HTX, hưởng lương từ nguồn kinh phí sự nghiệp Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, với tổng kinh phí hỗ trợ 1.178,3 triệu đồng. Ngoài ra, Chi cục Phát triển nông thôn phối hợp với Tổ chức Socodevi và Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn II tổ chức 01 lớp tập huấn cho 40 cán bộ quản lý hợp tác xã nông nghiệp.

b) Về chính sách hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại: Thông qua nguồn kinh phí khuyến công địa phương, sự nghiệp nông nghiệp và dự án tài trợ của Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV), Sở Công Thương, Chi cục Phát triển nông thôn đã phối hợp với Liên minh HTX tỉnh tổ chức cho 03 HTX Kinh doanh dịch vụ tổng hợp Xuân Hải, HTX Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Suối Đá và HTX Dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp tham gia hội chợ thương mại và Hội nghị kết nối cung cầu. Ngoài ra, Sở Công Thương đã tổ chức 5 phiên chợ hàng Việt thuộc Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia tại các huyện: Ninh Hải, Thuận Nam, Thuận Bắc, Ninh Sơn, Bác Ái và 01 phiên chợ hàng hàng Việt thuộc Chương trình xúc tiến thương mại địa phương năm 2020 tại huyện Ninh Phước.

c) Về hỗ trợ khoa học - công nghệ: Sở Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ thực hiện 03 dự án sở hữu trí tuệ: “Nhãn hiệu chứng nhận Bò vàng Ninh Thuận; Nhãn hiệu chứng nhận Chuối hột Mồ côi Phước Bình; Quản lý và phát triển Nhãn hiệu chứng nhận Măng tây Ninh Thuận” và đang xúc tiến thủ tục triển khai 02 dự án “Xây dựng nhãn hiệu chứng nhận OCOP” và “Nghiên cứu mở rộng phạm vi bảo hộ và hỗ trợ hoàn thiện hệ thống quản lý chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nho của tỉnh Ninh Thuận”. Đồng thời, triển khai 14 dự án VietGap tại 04 huyện (Ninh Hải, Ninh Phước, Ninh Sơn, Thuận Nam) và thành phố Phan Rang - Tháp Chàm. Ngoài ra, thông qua Dự án FLOW/EOWE đã hỗ trợ phát triển sản phẩm trà măng tây và hệ thống nhận diện thương hiệu, in nhãn mác bao bì sản phẩm măng tây cho HTX Dịch vụ nông nghiệp Châu Re, với tổng kinh phí hỗ trợ 44,73 triệu đồng.

d) Về chính sách tài chính - tín dụng: UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho HTX trong việc tiếp cận chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 và số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 của Chính phủ. Kết quả, tổng dư nợ tín dụng đến ngày 31/7/2020 là 2.645 triệu đồng/08 HTX và 01 THT. Trong đó: Dư nợ cho vay của Ngân hàng thương mại là 2.199 triệu đồng/05 HTX, chiếm 83,1%; cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội là 446 triệu đồng/3HTX và 01 THT, chiếm 16,9%.

đ) Về hỗ trợ thành lập mới HTX: UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác vận động thành lập mới HTX; tính đến ngày 31/7/2020 đã tổ chức 05 lớp tuyên truyền phổ biến Luật Hợp tác xã và các văn bản hướng dẫn của Trung ương, với trên 220 lượt người tham gia; đã hoàn tất thủ tục thành lập mới 05 HTX lĩnh vực nông nghiệp, dự kiến đến cuối năm 2020 tiếp tục vận động thành lập 04 HTX theo kế hoạch.

e) Về chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng: Kế hoạch vốn Chương trình mục tiêu xây dựng xây dựng nông thôn năm 2020 được UBND tỉnh giao cho các huyện, thành phố tại Quyết định số 484/QĐ-UBND ngày 25/12/2019, với tổng vốn bố trí đầu tư cơ sở hạ tầng 12.040 triệu đồng để hỗ trợ đầu tư 40 công trình dự án cho 24 HTX. Tính đến tháng 7/2020, đã phân bổ chi tiết 9.570 triệu đồng hỗ trợ đầu tư 31 công trình dự án cho 20 HTX trên địa bàn tỉnh.

g) Về chính sách đất đai: Tính đến ngày 31/07/2020, đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 25 HTX/30 vị trí đất/72.867 m2, nâng tổng số đến nay có 30 HTX được thuê đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất/135.851,8 m2.

4. Hợp tác quốc tế về kinh tế tập thể:

Một số mô hình hợp tác xã được thành lập mới thông qua tài trợ của các tổ chức quốc tế, hoạt động theo chuỗi giá trị ngành nông nghiệp đạt kết quả tích cực, góp phần thay đổi sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân vùng dự án như:

- HTX Dịch vụ nông nghiệp Tầm Ngân xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn do KOICA và Tập đoàn CJ (Hàn Quốc) tài trợ, được thành lập năm 2015, gồm 19 thành viên, hiện nay HTX đã tăng lên 34 thành viên hộ gia đình tham gia trồng ớt, với tổng diện tích 12 ha hoạt động theo mô hình sản xuất khép kín từ khâu canh tác, thu hoạch, sơ chế đến tiêu thụ sản phẩm. Tập đoàn CJ hỗ trợ chuyên gia hướng dẫn kỹ thuật canh tác, cung cấp ớt giống và cải tạo lại hệ thống dẫn tưới và bao tiêu toàn bộ sản phẩm thu hoạch. Doanh thu khoảng 220 triệu đồng/ha/vụ (3 tháng), lợi nhuận bình quân khoảng 140 triệu đồng/ha;

- Hợp tác xã Nho Evergreen Ninh Thuận được dự án Phát triển HTX Việt Nam (VCED) do tổ chức SOCODEVI thực hiện, được thành lập năm 2015, với tổng số 85 thành viên, vốn điều lệ 200 triệu đồng, bộ máy quản lý gồm 08 người, trong đó có 05 thành viên Hội động quản trị. Đến nay, HTX đã từng bước củng cố tổ chức hoạt động, mở rộng quy mô diện tích trồng nho trên 22 ha theo tiêu chuẩn VietGAP và hướng tới xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm thương hiệu nho Ninh Thuận. Ngoài ra, HTX được hỗ trợ đầu tư một số thiết bị như: Máy ép nho, cán nho, sấy nho và kho lạnh để bảo quản sản phẩm và mở rộng sản xuất các sản phẩm nho khô, nước giải khát từ nho và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy Chứng nhận nhãn hiệu của HTX và chỉ dẫn địa lý Nho Ninh Thuận. Hợp tác xã Nho Evergreen Ninh Thuận là HTX duy nhất trong tỉnh có bộ máy quản lý và điều hành hoàn thiện theo Luật Hợp tác xã năm 2012.

IV. Đánh giá chung

Hoạt động kinh tế tập thể trong năm 2020 tiếp tục được duy trì ổn định và có phát triển, quy mô sản xuất được mở rộng; một số mô hình HTX kiểu mới hoạt động có hiệu quả được nhân rộng; liên kết giữa các HTX với nhau và với các tổ chức kinh tế khác bước đầu có sự phát triển; công tác quản lý nhà nước đối với HTX được tăng cường; kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất của HTX được quan tâm đầu tư; hoạt động của HTX trên địa bàn tỉnh tiếp tục duy trì ổn định và phát triển khá; một số HTX chuyển đổi mô hình đã phát huy được năng lực, nâng cao hiệu quả hoạt động hình thành mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trong nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ thành viên HTX.

1. Các vấn đề tồn tại, khó khăn:

- Hầu hết các hợp tác xã chuyển đổi chưa thật sự tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc theo quy định của Luật Hợp tác xã như: Thành viên không góp vốn, chưa xác lập danh sách thành viên, chưa chấp hành đầy đủ các quy định về chế độ kế toán, thống kê, báo cáo tài chính theo quy định, dẫn đến khó khăn trong tổ chức, quản lý và hoạt động của HTX, nhất là khó khăn trong tiếp cận vốn vay tín dụng ngân hàng thương mại;

- Trình độ đội ngũ cán bộ quản lý HTX còn bất cập so với cơ chế quản lý mới, dẫn đến việc điều hành, xây dựng phương án kinh doanh còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu thị trường. Đa số HTX có vốn ít, quy mô sản xuất nhỏ, chưa xây dựng được chuỗi liên kết, khả năng huy động vốn của các hộ thành viên hạn chế.

2. Nguyên nhân:

- Đội ngũ cán bộ HTX phần lớn người lớn tuổi, ít được đào tạo chuyên môn nên việc điều hành hoạt động của HTX có mặt còn hạn chế, có nơi còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ cấp trên, chưa chủ động nghiên cứu thị thường, kết nối với doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh;

- Công tác kiểm tra, giám sát của một số Sở, ngành, địa phương chưa thường xuyên; một số HTX thực hiện chưa đầy đủ chế độ báo cáo theo quy định.

Phần thứ hai

KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ NĂM 2021

Trong năm 2021, dự báo tình hình kinh tế - xã hội sẽ tăng trưởng chậm lại và tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức. Hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động sâu rộng và đa chiều, các hiệp định thương mại tự do được thực thi và các cơ chế chính sách mới tiếp tục phát huy hiệu quả, sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển mới, nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức. Trong Tỉnh, nền kinh tế có bước phát triển mới, vị thế của Tỉnh được nâng lên, các cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ Tỉnh và những đột phá trong lĩnh vực kinh tế biển, năng lượng tái tạo, các dự án động lực thay thế được triển khai sẽ tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, tình hình biến đổi khí hậu, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt dịch bệnh Covid-19 là những khó khăn, thách thức cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung và kinh tế tập thể nói riêng trong năm 2021 và những năm tiếp theo.

I. Định hướng phát triển kinh tế tập thể: Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, đưa kinh tế tập thể thực sự là thành phần kinh tế quan trọng, góp phần cùng với kinh tế nhà nước ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị ở cơ sở và đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội. Khuyến khích phát triển bền vững kinh tế hợp tác, nòng cốt là HTX với nhiều hình thức liên kết, hợp tác đa dạng; nhân rộng các mô hình hợp tác hiệu quả; tạo điều kiện cho kinh tế hộ phát triển trên các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ; bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia.

II. Mục tiêu tổng quát: Tiếp tục củng cố, mở rộng và phát triển kinh tế tập thể trong các ngành, lĩnh vực, trong đó hình thức HTX là nòng cốt; khuyến khích phát triển HTX trong các lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ, gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, chương trình xây dựng nông thôn mới; xây dựng các mô hình liên kết sản xuất với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị; từng bước hình thành các cụm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, gắn với công nghiệp chế biến, tiêu thụ, đưa kinh tế tập thể thoát khỏi những yếu kém hiện nay và tiến tới có tỷ trọng ngày càng lớn trong GRDP của nền kinh tế.

III. Mục tiêu cụ thể

1. Giá trị gia tăng của khu vực kinh tế tập thể đóng góp vào GRDP của tỉnh khoảng 8,8-9%.

2. Tổ chức vận động thành lập mới khoảng 10-12 HTX và khoảng 10-15 THT thành lập mới.

3. Số lượng thành viên thu hút mới khoảng 200-300 thành viên, trong đó có khoảng 100-150 thành viên HTX và khoảng 100-150 thành viên THT.

4. Doanh thu bình quân của HTX đạt khoảng 2.200-2.250 triệu đồng/HTX/năm; doanh thu bình của THT đạt khoảng 260-270 triệu đồng/THT/năm.

5. Thu nhập bình quân của HTX khoảng 210-220 triệu đồng/HTX/năm, THT đạt khoảng 60-62 triệu đồng/THT/năm.

6. 100% cán bộ quản lý hợp tác được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về quản trị HTX.

IV. Các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế tập thể năm 2021

1. Củng cố, hoàn thiện công tác tổ chức, quản lý hoạt động đảm bảo đúng nguyên tắc theo Luật Hợp tác xã năm 2012: Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho HTX và chấn chỉnh hoạt động của các HTX để đi vào hoạt động thực chất theo đúng Luật Hợp tác xã. Tiến hành giải thể các HTX không hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả, không bảo đảm tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật Hợp tác xã, từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX sau chuyển đổi.

2. Công tác tuyên truyền: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Hợp tác xã và các chính sách về hỗ trợ phát triển HTX tới cán bộ, công chức và Nhân dân trong tỉnh; phổ biến các mô hình HTX kiểu mới hoạt động có hiệu quả, mô hình liên kết xây dựng cánh đồng lớn, mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị,... để tạo sự chuyển biến trong nhận thức của cán bộ, nhân dân về vai trò, tổ chức, vận hành của HTX kiểu mới theo Luật Hợp tác xã năm 2012.

3. Thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã:

- Triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ kinh tế tập thể, HTX gắn với chuỗi giá trị; đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới vào sản xuất, bảo quản và chế biến nông sản. Hình thành các vùng chuyên canh, đa dạng hóa sản phẩm; định hướng các THT, HTX xây dựng phương án sản xuất cụ thể để tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, ổn định, bảo đảm vệ sinh an toàn thực thẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường;

- Hỗ trợ, xây dựng và hình thành các mô hình liên kết chuỗi trên tất cả các lĩnh vực, tạo điều kiện, hỗ trợ việc tăng cường liên kết về kinh tế giữa các HTX với nhau và giữa HTX với các tổ chức kinh tế khác nhau nhằm huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển, mở rộng phạm vi hoạt động, quy mô sản xuất kinh doanh trên nguyên tắc tự chủ, tự nguyện, cùng có lợi, tạo điều kiện cung cấp nguồn đầu vào cho các doanh nghiệp, đồng thời giải quyết khâu tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho sản xuất, tạo điều kiện cho các HTX phát triển thuận lợi.

4. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể: Kiện toàn, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh, đặc biệt ở cấp huyện và nâng cao vai trò quản lý cấp xã đối với loại hình THT, đưa công tác quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể đi vào nề nếp. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác tỉnh cấp tỉnh, huyện theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao, tránh hình thức; coi trọng công tác kiểm tra, giám sát việc thi hành Luật Hợp tác xã, định kỳ sơ kết để tập trung tháo gỡ khó khăn cho HTX.

5. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của Liên minh HTX, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, hiệp hội trong phát triển kinh tế tập thể:

- Nâng cao hiệu quả hoạt động của Liên minh Hợp tác xã, bảo đảm thực hiện tốt vai trò là tổ chức đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thành lập HTX, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ HTX, THT, nhằm nâng cao năng lực quản trị và tổ chức sản xuất, kinh doanh cho các HTX, THT;

- Phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội để làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, hội viên, thành viên tự nguyện tham gia phát triển kinh tế hợp tác, HTX; tăng cường quan hệ phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, Liên minh Hợp tác xã trong hỗ trợ, khuyến khích và giám sát tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn.

V. Tổ chức thực hiện

1. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Căn cứ Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể năm 2021, cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 của Tỉnh để tổ chức triển khai thực hiện;

- Định kỳ 6 tháng và cả năm tổng hợp tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, báo cáo UBND tỉnh để có biện pháp chỉ đạo thực hiện.

2. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu bố trí kinh phí để thực hiện các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX trong dự toán ngân sách của Tỉnh năm 2021.

3. Các Sở quản lý ngành, UBND các huyện, thành phố trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế tập thể. Định kỳ 6 tháng và cả năm báo cáo tình hình thực hiện, gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

Trên đây là Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể năm 2021 trên địa bàn Tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, trình Chính phủ./.

(Đính kèm các Phụ lục về Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể năm 2021)

 


Nơi nhận:
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- CT, các PCT. UBND tỉnh;
- Các Sở: KH&ĐT, NN&PTNT, CT, GTVT;
- Chi nhánh Ngân hàng nhà nước tỉnh;
- Liên minh HTX tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- VPUB: LĐ, Khối NCTH;
- Lưu: VT. QMT

CHỦ TỊCH




Lưu Xuân Vĩnh

 

 

 

 



1 TP.PR-TC: HTX Vận tải Sao Đỏ Phan Rang; huyện Bác Ái: HTX Dịch vụ nông nghiệp Đồng Thuận, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Nam Miền Trung và huyện Ninh Hi: HTX SXKD và DV Nông nghiệp Hộ Hải.

2 Gồm: 38 HTX thành lập trước năm 2012 chuyển đổi sang mô hình mới và 47 HTX thành lập mới theo Luật HTX năm 2012.

3 Gồm các dịch vụ: Cung ứng thuốc bo vệ thực vật, thú y; giống cây trồng; giống vật nuôi; vật tư phân bón; điện; tưới tiêu; phơi sấy; làm đất; thu hoạch; khuyến ngư; tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp; chế biến nông lâm thủy sản; tín dụng nội bộ; vận tải; vệ sinh môi trường; hàng hóa tiêu dùng; dịch vụ khác...

4) Gồm: HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tuấn Tú, xã An Hải, với quy mô 20 ha; HTX Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp Châu Rế, xã Phước Hải, với quy mô 08 ha.

5) Gồm: HTX Bàu Trúc, HTX Bình Quý, HTX Phước Hậu, HTX Trường Thọ, HTX Như Bình, HTX Hoài Trung, HTX Vạn Phước, HTX Phước Khánh, HTX Phú Quý, HTX Mông Nhuận, Hữu Đức, HTX Ninh Quý, HTX Tân Hằng, HTX An Xuân, HTX Tân Lập 1 và HTX Bắc Phong.

6) Như: Nhà máy xay xát Kim Xuyến, Nhà máy xay xát Hưng Hào, Công ty CP Giống cây trồng Nha Hổ, Công ty CP Giống cây trồng Đông Nam, Nhà máy xay xát Thuận Phương.

7) Công văn số 600/UBND-KTTH ngày 02/03/2020 về việc tập trung triển khai các giải pháp phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của Liên minh HTX tỉnh; số 1923/UBND-KTTH ngày 29/5/2020 về việc khẩn trương triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Kế hoạch 2938/KH-UBND ngày 18/08/2020 về phát triển kinh tế tập thể năm 2021 do tỉnh Ninh Thuận ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


679

DMCA.com Protection Status
IP: 3.149.23.165
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!