ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 26/KH-UBND
|
Hải Phòng, ngày
19 tháng 01 năm 2023
|
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 01/NQ-CP NGÀY 06/01/2023 CỦA CHÍNH
PHỦ VỀ NỘI DUNG CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG KINH DOANH, NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH
QUỐC GIA NĂM 2023 TẠI THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
I.
ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH
Trong năm 2022, thành phố
Hải Phòng đã nỗ lực thực hiện cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông qua
đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp
giảm thời gian đi lại và chi phí phát sinh.
Năm 2021, chỉ số PCI của
thành phố Hải Phòng xếp vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành phố, xếp vị trí thứ 2/11 tỉnh,
thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng, đạt 70,61 điểm, tăng 1,34 điểm và tăng 05 bậc
xếp hạng so với năm 2020. Đây là năm đầu tiên, thành phố Hải Phòng bứt phá mạnh
mẽ và vượt lên giữ vị trí Á quân trong bảng xếp hạng PCI, là lần thứ tư, thành
phố nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước và trong nhóm địa phương
có chất lượng điều hành kinh tế tốt. Chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index) đạt
91,8%, cao hơn 5,43% so với giá trị trung bình và dẫn đầu trong bảng xếp hạng
chỉ số cải cách hành chính năm 2021 của các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương;
xếp trong nhóm A gồm 03 tỉnh, thành phố có giá trị chỉ số Cải cách hành chính từ
90 điểm trở lên. Chỉ số Hài lòng đối với sự phục vụ hành chính (SIPAS) đạt
93,38%, tiếp tục duy trì vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành phố. Chỉ số Hiệu quả Quản
trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) đạt 44 điểm, lần đầu tiên xếp vào nhóm
cao nhất trong hơn 10 năm đánh giá.
Đến cuối năm 2022, Hệ thống
Một cửa điện tử và Dịch vụ công trực tuyến thành phố đã được triển khai tập
trung, thống nhất cho 35/35 Sở, ban, ngành, quận, huyện, 217/217 xã, phường, thị
trấn, cung cấp hơn 1.990 thủ tục hành chính, tạo thành hệ thống đồng bộ, hiện đại,
góp phần hiện đại hóa nền hành chính của thành phố; Cung cấp 1.232 dịch vụ công
trực tuyến, gồm: 1.002 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 230 dịch vụ công trực
tuyến mức độ 3, trong đó tích hợp, cung cấp 697 dịch vụ công trực tuyến mức độ
3, 4 lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Cổng dịch vụ công trực tuyến của thành phố
cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên mức độ 4. Thành phố đã thực hiện cấp
Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thành lập mới và thay đổi qua mạng chiếm tỷ
lệ 100% số hồ sơ; 100% doanh nghiệp khai thuế điện tử, trên 99% doanh nghiệp
đăng ký nộp thuế điện tử và thực hiện hoàn thuế điện tử cho 100% doanh nghiệp;
đã hoàn thành toàn diện triển khai hóa đơn điện tử đối với 100% tổ chức, doanh
nghiệp đang hoạt động với số lượng 20.233 tổ chức, doanh nghiệp và 1.035 hộ, cá
nhân kinh doanh trên địa bàn thành phố; 100% doanh nghiệp sử dụng chữ ký số
trong kê khai thuế và hải quan điện tử; doanh nghiệp kê khai thu nộp bảo hiểm
xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp qua giao dịch điện tử đạt 98,57%.
Việc triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin tại các ngành, đơn vị trong
thành phố Hải Phòng đã có nhiều chuyển biến tích cực; ngoài việc triển khai các
ứng dụng dùng chung, các ngành, đơn vị còn triển khai các ứng dụng chuyên
ngành, 10 ngành đã xây dựng hệ thống dữ liệu riêng nhằm phục vụ công tác quản
lý; tháng 10/2022, thành phố Hải Phòng đã khai trương Cổng Thông tin đất đai
thành phố. Công tác hỗ trợ doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất
kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 được đẩy mạnh;
tích cực triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng
cao năng suất, chất lượng, sản phẩm hàng hóa, phát triển tài sản trí tuệ, phát
triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; hỗ trợ
các doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá và tìm kiếm bạn hàng quốc tế, 100% sản phẩm
OCOP được đăng tải trên các sàn thương mại điện tử (voso.vn và postmart.vn).
Bên cạnh những kết quả đã
đạt được, thành phố Hải Phòng vẫn tồn tại một số việc như cải cách thủ tục hành
chính chưa đáp ứng yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tỷ lệ hồ sơ
nộp trực tuyến và trả kết quả trực tuyến tại các quận, huyện còn thấp so với
yêu cầu; việc thanh toán điện tử các tiền dịch vụ đối với người dân, doanh nghiệp
tại đa số các Sở, ban, ngành, địa phương chưa cao, tỷ lệ người hưởng lương hưu
qua tài khoản ATM còn thấp; các khoản trợ cấp chưa thực hiện được thanh toán
không dùng tiền mặt.
Để thực hiện quyết liệt
và tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về môi trường kinh doanh, nâng
cao năng lực cạnh tranh tại thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng ban
hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ về
nội dung cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia
năm 2023 với các nội dung như sau:
II. MỤC
TIÊU
Phấn đấu đạt được các chỉ
tiêu theo Kế hoạch nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) năm 2022 - 2023 của
thành phố nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, giữ vững vị trí xếp hạng PCI của
thành phố trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước và trong nhóm địa
phương có chất lượng điều hành kinh tế tốt.
Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ
môi trường kinh doanh, tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm
tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động; giảm chi phí đầu vào, chi phí
không chính thức; đẩy mạnh chuyển đổi số; tháo gỡ các rào cản, củng cố niềm tin
giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển.
Tập trung hoàn thành các
mục tiêu 100% thanh toán điện tử tại trường học, bệnh viện, công ty điện lực,
công ty cấp, thoát nước, công ty vệ sinh môi trường, các công ty bưu chính, viễn
thông trên địa bàn thành phố; khuyến khích người dân, doanh nghiệp thanh toán
không dùng tiền mặt bằng nhiều phương tiện khác nhau; các Sở, ngành, địa phương
tích cực thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt tại đơn vị.
III.
PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ THỰC HIỆN
1.
Nhiệm vụ chung của các Sở, ngành, đơn vị, Ủy ban nhân dân các quận, huyện
Tiếp tục thực hiện các
nhiệm vụ đã giao tại Kế hoạch số 26/KH-UBND ngày 07/02/2022 thực hiện Nghị quyết
số 02/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu
cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022
tại thành phố Hải Phòng.
2.
Nhiệm vụ cụ thể của một số Sở, ngành, đơn vị
2.1. Đẩy mạnh xây dựng
Chính quyền điện tử, hướng tới Chính quyền số
Sở Thông tin và Truyền
thông đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chính quyền điện tử, hướng tới Chính quyền số
theo Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 26/10/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy về chuyển
đổi số thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; theo dõi, đôn
đốc việc triển khai dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 tại các đơn vị theo các
Quyết định số 846/QĐ-TTg ngày 09/6/2017 và Quyết định số 877/QĐ-TTg ngày
18/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ.
2.2. Đẩy mạnh thanh toán
điện tử
a) Các trường học, bệnh
viện, công ty điện lực, công ty cấp, thoát nước, công ty vệ sinh môi trường,
các công ty bưu chính, viễn thông trên địa bàn thành phố
Yêu cầu 100% trường học,
bệnh viện, Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng, Công ty Cổ phần Cấp nước Hải
Phòng, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hải Phòng, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị
Hải Phòng, các công ty viễn thông, bưu chính trên địa bàn thành phố phối hợp với
các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để thu học phí,
viện phí, tiền điện, tiền nước... bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt,
ưu tiên giải pháp thanh toán trên thiết bị di động, thanh toán qua thiết bị chấp
nhận thẻ. Thời gian hoàn thành trước tháng 6/2023.
b) Sở Giáo dục và Đào
tạo, Sở Y tế, Sở Xây dựng, Sở Công Thương, Sở Thông tin và Truyền thông
Giao các Sở đôn đốc 100%
trường học, bệnh viện, công ty điện, công ty cấp, thoát nước, công ty vệ sinh
môi trường, các công ty viễn thông, bưu chính trên địa bàn thành phố thực hiện
mục tiêu 100% thanh toán điện tử, không dùng tiền mặt. Thời gian hoàn thành trước
tháng 6/2023.
c) Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội
Sở Lao động - Thương binh
và Xã hội tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người hưởng nhận các khoản trợ cấp
qua các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, phấn đấu trên địa bàn thành
phố đạt ít nhất 15% đến hết năm 2023.
d) Bảo hiểm xã hội
thành phố
Thực hiện các giải pháp vận
động, khuyến khích phát triển người nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội qua
các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt với mục tiêu đạt 75% số người nhận
lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, mai táng phí, tử tuất,... sử dụng phương tiện
thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực đô thị.
2.3. Đẩy mạnh cải cách về
đăng ký đất đai và đổi mới quản lý hành chính đất đai
Sở Tài nguyên và Môi trường
thực hiện cải cách thủ tục đăng ký quyền sở hữu và chuyển nhượng tài sản, trong
đó chú trọng nhiệm vụ: (i) Tập trung đầu tư xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở
dữ liệu đất đai; nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật, lập kế hoạch số hóa và lưu trữ
hồ sơ địa chính ở dạng số để đưa vào khai thác sử dụng tại Văn phòng đăng ký đất
đai và các Chi nhánh; (ii) ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện thủ tục
đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản
khác gắn liền với đất theo hướng dẫn.
2.4. Đẩy mạnh thực hiện
các giải pháp nhằm tạo chuyển biến vững chắc đối với các chỉ tiêu phát triển bền
vững
a) Sở Tài nguyên và
Môi trường, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
Tập trung xây dựng và thực
hiện chiến lược, kế hoạch trung, dài hạn với mục tiêu rõ ràng, lộ trình cụ thể
để tạo chuyển biến vững chắc đối với các chỉ tiêu có tính chất nền tảng những
khó cải thiện trong thời gian ngắn như bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nghèo
đa chiều.
b) Sở Kế hoạch và Đầu
tư
Khuyến khích doanh nghiệp
cơ cấu lại sản xuất, kinh doanh hướng tới phát triển bền vững, trong đó chú trọng
các yếu tố bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, tạo cơ hội việc làm cho
nhóm đối tượng dễ bị tổn thương.
2.5. Chấn chỉnh các hoạt
động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp
a) Thanh tra thành phố
Chủ trì xây dựng Kế hoạch
thanh tra của thành phố để đảm bảo không trùng lặp, chồng chéo; không làm cản
trở hoạt động bình thường của doanh nghiệp; Chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm
tra doanh nghiệp kém hiệu quả; rà soát, điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra
để đảm bảo không trùng lặp, chồng chéo; không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình
thường, đúng pháp luật của doanh nghiệp.
b) Các Sở, ngành, Ủy
ban nhân dân các quận, huyện
Phối hợp với Thanh tra
thành phố xây dựng Kế hoạch thanh tra; Chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra
doanh nghiệp kém hiệu quả; rà soát, điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra để
đảm bảo không trùng lặp, chồng chéo; không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường,
đúng pháp luật của doanh nghiệp.
2.6. Nâng cao các dịch vụ
hỗ trợ doanh nghiệp
Các Sở, ngành, Ủy ban
nhân dân các quận, huyện:
- Nâng cao hiệu quả các dịch
vụ hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; chú trọng giải
pháp tư vấn, đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp với các nội dung tái cấu
trúc doanh nghiệp, tài chính, nhân sự, thị trường, quản trị rủi ro, chuyển đổi
số, tham gia chuỗi giá trị bền vững, thủ tục hành chính,...
- Đa dạng hóa và phát triển
hiệu quả hệ thống dịch vụ phát triển kinh doanh, vườn ươm doanh nghiệp, trung
tâm hỗ trợ khởi nghiệp, cơ sở kỹ thuật dùng chung hỗ trợ doanh nghiệp, tư vấn
và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
- Thực hiện có hiệu quả
theo Kế hoạch số 95/KH-UBND ngày 12/4/2022 của Ủy ban nhân dân thành phố về hỗ
trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hải Phòng giai đoạn 2022-2025.
IV. TỔ
CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Thông tin và Truyền
thông tổ chức truyền thông, quán triệt, phổ biến Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày
06/01/2023 của Chính phủ về nội dung cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao
năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023 và Kế hoạch này của Ủy ban nhân dân thành
phố sâu rộng trong các ngành, các cấp.
2. Văn phòng Ủy ban nhân
dân thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi
nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục
hành chính. Căn cứ kết quả, thời hạn báo cáo của các Sở, ban, ngành, Ủy ban
nhân dân các quận, huyện để thực hiện đánh giá thi đua, khen thưởng hàng năm đối
với các Sở, ngành, đơn vị, địa phương.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư
tổ chức giám sát định kỳ hàng quý tình hình thực hiện Kế hoạch này và Kế hoạch
nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh PCI của thành phố tại các Sở, ban, ngành, Ủy
ban nhân dân các quận, huyện, đơn vị để quyết tâm thúc đẩy mạnh mẽ cải thiện
môi trường đầu tư kinh doanh trên toàn địa bàn thành phố.
4. Các Sở, ban, ngành, Ủy
ban nhân dân các quận, huyện xây dựng các giải pháp để nâng cao chỉ số DDCI của
đơn vị.
5. Thủ trưởng các Sở,
ngành, đơn vị, Ủy ban nhân dân các quận, huyện theo chức năng, nhiệm vụ được
giao, chủ động xây dựng Kế hoạch thực hiện và triển khai, đưa ra giải pháp tối
ưu, phù hợp để hoàn thành các chỉ tiêu nêu trong Kế hoạch này; báo cáo đánh giá
tình hình thực hiện các nội dung chỉ đạo tại Kế hoạch theo định kỳ hàng quý
trước ngày 10 của tháng cuối quý và báo cáo năm trước ngày 10/11, gửi Sở Kế
hoạch và Đầu tư tổng hợp.
6. Sở Kế hoạch và Đầu tư
xây dựng dự thảo báo cáo gửi Ủy ban nhân dân thành phố theo định kỳ hàng quý
trước ngày 15 của tháng cuối quý và báo cáo năm trước ngày 15/11 để Ủy ban
nhân dân thành phố gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng Chính phủ./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ KHĐT;
- TT TU, TT HĐND TP;
- CT, các PCT UBND TP;
- Các Sở, Ban, ngành TP;
- UBND các quận, huyện;
- VCCI HP, LMHTX và DN TP, các Hiệp hội DN trên địa bàn TP;
- Các trường học, bệnh viện, Công ty TNHH MTV Điện lực HP, Công ty CP Cấp nước
HP, Công ty TNHH MTV Thoát nước HP, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị HP,
các công ty viễn thông, bưu chính;
- Đài PT&TH HP, Báo HP, CĐ ANHP;
- CVP, các PCVP UBND TP;
- Các Phòng CV UBND TP;
- CV: TC2;
- Lưu: VT.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Anh Quân
|