BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
04/VBHN-BNNPTNT
|
Hà Nội, ngày 04
tháng 01 năm 2024
|
THÔNG TƯ
HƯỚNG
DẪN MỘT SỐ NỘI DUNG QUẢN LÝ ĐẦU TƯ CÔNG TRÌNH LÂM SINH
Thông tư số 15/2019/TT-BNNPTNT ngày 30 tháng 10 năm
2019 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn một số nội
dung quản lý đầu tư công trình lâm sinh, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm
2020, được sửa đổi, bổ sung bởi:
Thông tư số 22/2023/TT-BNNPTNT ngày 15 tháng 12 năm
2023 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Sửa đổi, bổ sung một
số điều của các Thông tư trong lĩnh vực lâm nghiệp, có hiệu lực kể từ ngày 01
tháng 02 năm 2023.
Căn cứ Nghị định số 15/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng
02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
số 80/2015/QH13 ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Lâm nghiệp số 16/2017/QH14 ngày 15
tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Nghị định số 136/2015/NĐ-CP ngày 31 tháng
12 năm 2015 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư công;
Căn cứ Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng
6 năm 2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 68/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng
8 năm 2019 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng
11 năm 2018 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm
nghiệp;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm
nghiệp;
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
ban hành Thông tư hướng dẫn một số nội dung quản lý đầu tư công trình lâm sinh,[1]
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn một số nội dung quản lý đầu
tư công trình lâm sinh, bảo vệ rừng, gồm: lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự
toán và nghiệm thu; xử lý rủi ro do các nguyên nhân bất khả kháng.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, hộ gia
đình, cá nhân trong nước, cộng đồng dân cư liên quan đến việc triển khai công
trình lâm sinh trong các dự án đầu tư có sử dụng nguồn vốn đầu tư công (vốn
ngân sách nhà nước, vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị
sự nghiệp công lập dành để đầu tư theo quy định của pháp luật); liên quan đến
việc triển khai hoạt động bảo vệ rừng, công trình lâm sinh có sử dụng kinh phí
ngân sách nhà nước.
2. Khuyến khích các chủ đầu tư sử dụng các nguồn vốn
hợp pháp khác vào việc áp dụng các quy định tại Thông tư này.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
1. Công trình lâm sinh là công trình nông
nghiệp và phát triển nông thôn, được tạo thành từ việc thực hiện hoạt động đầu
tư lâm sinh theo thiết kế, dự toán, gồm: khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự
nhiên; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung; nuôi dưỡng rừng
tự nhiên; làm giàu rừng tự nhiên; cải tạo rừng tự nhiên; trồng rừng; chăm sóc rừng
trồng; nuôi dưỡng rừng trồng.
2. Nghiệm thu hạng mục là hoạt động đánh giá,
kết luận về kết quả thi công hạng mục so với thiết kế được phê duyệt.
3. Nghiệm thu hoàn thành là hoạt động đánh
giá, xác định diện tích thành rừng khi kết thúc giai đoạn đầu tư đối với các
công trình lâm sinh, bao gồm: trồng rừng; cải tạo rừng tự nhiên; khoanh nuôi
xúc tiến tái sinh tự nhiên; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ
sung.
Chương II
LẬP, THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT
THIẾT KẾ, DỰ TOÁN
Điều 4. Nguyên tắc lập hồ sơ
thiết kế, dự toán
1. Đối với các công trình lâm sinh đã được phê duyệt
dự án đầu tư, chủ đầu tư lập thiết kế, dự toán công trình lâm sinh. Đối với dự
án chỉ yêu cầu lập báo cáo kinh tế kỹ thuật, việc lập thiết kế, dự toán công
trình lâm sinh được thực hiện đồng thời với việc lập báo cáo kinh tế kỹ thuật.
2. Đối với công trình khoanh nuôi xúc tiến tái sinh
tự nhiên, bảo vệ rừng sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước: đơn vị sử dụng kinh
phí ngân sách nhà nước lập thiết kế, dự toán một lần cho nhiều năm hoặc lập thiết
kế, dự toán hằng năm theo kế hoạch ngân sách được, giao.
3. Chủ đầu tư hoặc đơn vị sử dụng kinh phí ngân
sách nhà nước thuê tư vấn lập hồ sơ thiết kế, dự toán hoặc tự lập khi có đủ điều
kiện, năng lực như tổ chức tư vấn.
Điều 5. Dự toán
Dự toán được tính toán trên cơ sở định mức kinh tế
kỹ thuật hiện hành. Các hạng mục chi phí gồm:
1. Chi phí xây dựng:
a) Chi phí trực tiếp, gồm:
Chi phí nhân công: chuẩn bị hiện trường, trồng,
chăm sóc, kiểm tra, giám sát, bảo vệ rừng và chi phí khác có liên quan;
Chi phí máy và thiết bị thi công: làm đất, vận chuyển
cây con bằng máy; san, ủi mặt bằng, làm đường ranh cản lửa và chi phí khác có
liên quan;
Chi phí vật tư: giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực
vật và các vật tư khác có liên quan.
b) Chi phí chung: được tính bằng 5,0% chi phí trực
tiếp, gồm:
Chi phí trang bị bảo hộ, an toàn lao động và bảo vệ
môi trường cho người lao động và môi trường xung quanh;
Chi phí vận chuyển máy móc, thiết bị thi công và lực
lượng lao động đến và ra khỏi công trường;
Chi phí bảo đảm an toàn giao thông phục vụ thi công
(nếu có).
c) Thu nhập chịu thuế tính trước: là lợi nhuận dự
tính trong dự toán xây dựng công trình, được tính bằng 5,5% tổng chi phí trực
tiếp và chi phí chung;
d) Thuế giá trị gia tăng thực hiện theo quy định của
nhà nước.
2. Chi phí thiết bị, gồm: mua sắm thiết bị công nghệ
(kể cả thiết bị công nghệ cần sản xuất, gia công), lắp đặt và thí nghiệm, hiệu
chỉnh thiết bị, vận chuyển, bảo hiểm thiết bị, đào tạo và chuyển giao công nghệ.
3. Chi phí quản lý: được tính bằng 3,0% của tổng
chi phí xây dựng và chi phí thiết bị, gồm: chi phí tổ chức quản lý công trình từ
giai đoạn chuẩn bị đến khi kết thúc, nghiệm thu đưa vào khai thác sử dụng.
4. Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng: được xác định bằng
dự toán chi tiết, gồm: khảo sát; lập thiết kế, dự toán; giám sát và các chi phí
tư vấn khác có liên quan.
5. Chi phí khác:
a) Rà phá bom mìn, vật nổ;
b) Xây dựng nhà tạm tại hiện trường để ở và điều
hành thi công; chi phí hoàn trả, phục hồi hạ tầng bị ảnh hưởng khi thi công;
c) Bảo hiểm công trình trong thời gian thực hiện.
Trường hợp công trình thuộc đối tượng khuyến khích mua bảo hiểm thì kinh phí
mua bảo hiểm được tính vào tổng mức đầu tư xây dựng công trình;
d) Kiểm toán, thẩm tra, phê duyệt quyết toán vốn đầu
tư;
đ) Kiểm tra, nghiệm thu trong quá trình thi công và
khi nghiệm thu hoàn thành của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;
e) Nghiên cứu khoa học công nghệ liên quan; lãi vay
trong thời gian xây dựng (trừ giá trị sản phẩm thu hồi được);
g) Thuế tài nguyên, phí và lệ phí theo quy định;
h) Các chi phí thực hiện các công việc khác.
6. Chi phí dự phòng:
a) Chi phí dự phòng cho khối lượng công việc phát
sinh được tính bằng 5,0% của tổng chi phí xây dựng, chi phí thiết bị, chi phí
quản lý, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng và chi phí khác;
b) Chi phí dự phòng cho yếu tố trượt giá được xác định
trên cơ sở thời gian xây dựng công trình (tính bằng tháng, quý, năm), khả năng
biến động giá trong nước và quốc tế.
7. Đối với công trình khoanh nuôi xúc tiến tái sinh
tự nhiên, bảo vệ rừng thực hiện bằng hình thức khoán cho hộ gia đình, cá nhân và
cộng đồng dân cư: giá trị khoán cho các đối tượng nhận khoán, chi phí lập hồ sơ
và các chi phí khác áp dụng định mức hỗ trợ của nhà nước theo các chính sách hiện
hành.
Điều 6. Hồ sơ đề nghị phê duyệt
thiết kế, dự toán
1. Tờ trình đề nghị phê duyệt thiết kế, dự toán
theo Mẫu số 01 Phụ lục III kèm theo Thông tư này.
2. Thuyết minh thiết kế được lập theo Mẫu tại Phụ lục
I kèm theo Thông tư này.
3. Dự toán được lập theo quy định tại Điều
5 Thông tư này.
4. Bản đồ thiết kế: xây dựng trên nền bản đồ địa
hình theo hệ quy chiếu VN 2.000 với tỷ lệ 1/5.000 hoặc 1/10.000. Trình bày và
thể hiện nội dung bản đồ áp dụng TCVN 11566:2016 về bản đồ quy hoạch lâm nghiệp.
5. Bản sao quyết định phê duyệt dự án đầu tư hoặc kế
hoạch vốn được giao đối với hoạt động sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước và
các tài liệu khác có liên quan.
Điều 7. Phê duyệt thiết kế, dự
toán công trình lâm sinh sử dụng vốn đầu tư công
1. Cơ quan thẩm định thiết kế, dự toán công trình
lâm sinh:
a) [2] Đối với các dự án do Bộ trưởng Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định đầu tư: Cục Lâm nghiệp chủ trì thẩm định
thiết kế, dự toán công trình lâm sinh;
b) Đối với các dự án do các Bộ, ngành trung ương
khác quyết định đầu tư: cơ quan chuyên môn trực thuộc chủ trì thẩm định thiết kế,
dự toán công trình lâm sinh;
c) Đối với các dự án do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp
tỉnh quyết định đầu tư: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì thẩm định
thiết kế, dự toán công trình lâm sinh;
d) Đối với công trình lâm sinh thuộc dự án do Chủ tịch
Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã quyết định đầu tư: Phòng chức năng cấp huyện
hoặc cơ quan kiểm lâm sở tại chủ trì thẩm định thiết kế, dự toán công trình lâm
sinh.
2. Cơ quan phê duyệt thiết kế, dự toán công trình
lâm sinh:
a) Cơ quan phê duyệt thiết kế, dự toán công trình
lâm sinh là cơ quan quyết định đầu tư dự án. Người quyết định đầu tư có thể
phân cấp hoặc ủy quyền phê duyệt cho cơ quan cấp dưới theo quy định;
b) Đối với dự án do Thủ tướng Chính phủ quyết định
đầu tư, chủ đầu tư là cơ quan, tổ chức, đơn vị được Thủ tướng Chính phủ giao.
Chủ đầu tư thực hiện thẩm quyền của người quyết định đầu tư, phê duyệt thiết kế,
dự toán công trình lâm sinh.
3. Quy trình thẩm định thiết kế, dự toán công trình
lâm sinh:
a) Chủ đầu tư nộp trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu
chính hoặc qua môi trường mạng (cổng dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công cấp
bộ, cấp tỉnh) 01 bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 6 Thông tư này
đến cơ quan chủ trì thẩm định;
b) Cơ quan chủ trì thẩm định kiểm tra tính hợp lệ của
hồ sơ; trả giấy tiếp nhận hoặc không tiếp nhận ngay cho chủ đầu tư đối với trường
hợp nộp trực tiếp; sau 02 ngày làm việc đối với các trường hợp nộp qua dịch vụ
bưu chính hoặc qua môi trường mạng;
c) Trong thời hạn 12 ngày làm việc kể từ ngày nhận
được hồ sơ hợp lệ, cơ quan chủ trì thẩm định tổ chức thẩm định và có báo cáo kết
quả thẩm định theo Mẫu số 02 Phụ lục III, dự thảo quyết định phê duyệt theo Mẫu
số 03 Phụ lục III kèm theo Thông tư này, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt;
d) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận
được báo cáo kết quả thẩm định, cấp có thẩm quyền quyết định phê duyệt thiết kế,
dự toán công trình lâm sinh và chuyển trả kết quả cho chủ đầu tư trong thời hạn
03 ngày làm việc kể từ ngày ký quyết định. Trường hợp không phê duyệt, cơ quan
có thẩm quyền quyết định thông báo bằng văn bản cho cơ thẩm định và chủ đầu tư
trong thời hạn 03 ngày làm việc.
Điều 8. Phê duyệt thiết kế, dự
toán công trình khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên, bảo vệ rừng sử dụng
kinh phí ngân sách nhà nước
1. Hồ sơ phê duyệt thiết kế, dự toán theo quy định
tại Điều 6 Thông tư này.
2. Đơn vị sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước tự
phê duyệt thiết kế, dự toán theo quy định của Luật Ngân sách.
Điều 9. Điều chỉnh thiết kế, dự
toán
1. Điều chỉnh thiết kế, dự toán trong các trường hợp:
a) Khi dự án đầu tư có yêu cầu điều chỉnh thiết kế,
dự toán công trình lâm sinh;
b) Khi có thay đổi về kinh phí được bố trí hằng năm
đối với công trình khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên, bảo vệ rừng sử dụng
kinh phí ngân sách nhà nước;
c) Trong quá trình thực hiện có yêu cầu phải điều
chỉnh thiết kế để bảo đảm chất lượng.
2. Hồ sơ điều chỉnh thiết kế, dự toán theo quy định
tại Điều 6 Thông tư này; thẩm định và phê duyệt điều chỉnh
thiết kế, dự toán theo quy định tại Điều 7 và Điều 8 Thông tư
này.
3. Trường hợp chỉ điều chỉnh cơ cấu các khoản mục
chi phí, không làm thay đổi giá trị dự toán đã được phê duyệt bao gồm cả chi
phí dự phòng, chủ đầu tư hoặc đơn vị sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước tổ chức
điều chỉnh và báo cáo người quyết định đầu tư hoặc cơ quan giao kinh phí về nội
dung điều chỉnh dự toán.
4. Chủ đầu tư hoặc đơn vị sử dụng kinh phí ngân
sách nhà nước xác định dự toán điều chỉnh làm cơ sở để điều chỉnh giá trị hợp đồng.
Chương III
NGHIỆM THU VÀ XỬ LÝ RỦI
RO TRONG GIAI ĐOẠN ĐẦU TƯ
Điều 10. Quy định chung về
nghiệm thu
1. Chủ đầu tư hoặc đơn vị sử dụng kinh phí ngân
sách nhà nước tiến hành nghiệm thu khi hoàn thành các hạng mục hoặc kết thúc
giai đoạn đầu tư. Thời điểm nghiệm thu phải được xác định cụ thể để đảm bảo
tính chính xác của kết quả nghiệm thu.
2. Thành phần nghiệm thu:
a) Đại diện chủ đầu tư hoặc đơn vị sử dụng kinh phí
ngân sách nhà nước: Lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật, cán bộ giám sát;
b) Đại diện đơn vị hoặc cá nhân thi công;
c) Các bên khác có liên quan:
Đại diện đơn vị tư vấn thiết kế tham gia theo đề
nghị của chủ đầu tư (nếu có);
Đại diện đơn vị tư vấn giám sát (nếu có);
Đại diện chủ quản lý, chủ sử dụng công trình (trong
trường hợp chủ đầu tư không phải là chủ quản lý, chủ sử dụng công trình);
Đại diện tổ chức, chính quyền xã, thôn bản, hợp tác
xã tham gia theo đề nghị của chủ đầu tư.
3. Hồ sơ nghiệm thu:
a) Quyết định thành lập hội đồng nghiệm thu (nếu
có);
b) Thiết kế, dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
c) Hợp đồng;
d) Báo cáo kết quả thực hiện;
đ) Biên bản nghiệm thu theo Mẫu số 04 Phụ lục III
kèm theo Thông tư này;
e) Tài liệu khác có liên quan.
4. Hình thức nghiệm thu:
a) Nghiệm thu hạng mục: áp dụng đối với các công
trình lâm sinh, bảo vệ rừng để xác định được khối lượng, chất lượng các hạng mục
công việc được thực hiện làm cơ sở để tạm ứng, thanh toán giá trị khối lượng
hoàn thành và quyết toán;
b) Nghiệm thu hoàn thành: áp dụng đối với các công
trình lâm sinh cần xác định được diện tích thành rừng để quản lý theo quy chế
quản lý rừng quy định tại Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính
phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp.
5. Trách nhiệm của chủ đầu tư hoặc đơn vị sử dụng
kinh phí ngân sách nhà nước trong quá trình nghiệm thu:
a) Cung cấp các tài liệu theo quy định tại khoản 3
Điều này;
b) Kiểm tra tính hợp pháp của đại diện các bên tham
gia nghiệm thu;
c) Hướng dẫn các bên liên quan về phương pháp, nội
dung nghiệm thu và ký biên bản nghiệm thu.
Điều 11. Nghiệm thu trồng rừng
1. Thời điểm nghiệm thu:
a) Nghiệm thu hạng mục: được tiến hành sau khi thực
hiện các biện pháp kỹ thuật;
b) Nghiệm thu hoàn thành: được thực hiện sau khi kết
thúc giai đoạn đầu tư.
2. Các chỉ tiêu nghiệm thu: thực hiện theo quy định
tại Mục I Phụ lục II kèm theo Thông tư này.
3. Nghiệm thu khối lượng, gồm: kiểm tra thực địa
toàn bộ diện tích, xác định vị trí ranh giới, đối chiếu với bản đồ thiết kế,
khoanh vẽ và xác định tỷ lệ thực hiện bằng đo đạc trực tiếp.
4. Nghiệm thu chất lượng: theo các tiêu chuẩn kỹ
thuật trồng rừng quy định trong thiết kế kỹ thuật được duyệt, cụ thể:
a) Đối với rừng trồng tập trung thuần loài: lập ô
tiêu chuẩn hình tròn có diện tích tối thiểu là 100 m2 trên tuyến đại
diện của lô nghiệm thu, số lượng ô tiêu chuẩn tối thiểu được quy định như sau:
Diện tích lô dưới 3 ha: 10 ô tiêu chuẩn;
Diện tích lô từ 3 đến dưới 5 ha: 15 ô tiêu chuẩn;
Diện tích lô từ 5 ha trở lên: tối thiểu 20 ô tiêu
chuẩn.
b) Đối với rừng trồng tập trung hỗn giao: lập ô tiêu
chuẩn hình vuông có diện tích tối thiểu 500 m2 trên tuyến đại diện của
lô nghiệm thu, số lượng ô tiêu chuẩn tối thiểu được quy định như sau:
Diện tích lô dưới 3 ha: 3 ô tiêu chuẩn;
Diện tích lô từ 3 đến dưới 5 ha: 5 ô tiêu chuẩn;
Diện tích lô từ 5 ha trở lên: 10 ô tiêu chuẩn.
c) Đối với rừng trồng hỗn giao theo băng: dùng
phương pháp rút mẫu ngẫu nhiên để kiểm tra tối thiểu 10% số băng trồng rừng
trong lô; đếm số lượng cây trên toàn bộ băng trồng. Trường hợp số băng trong lô
nhỏ hơn 10 phải kiểm tra ít nhất 01 băng;
d) Đối với rừng trồng hỗn giao theo đám: dùng
phương pháp rút mẫu ngẫu nhiên để kiểm tra tối thiểu 10% số đám trồng rừng cải
tạo trong lô. Trường hợp đám trồng có diện tích dưới 1000 m2 tiến
hành đếm số lượng cây trên toàn bộ đám trồng. Trường hợp diện tích đám trồng lớn
hơn 1000 m2 lập ô tiêu chuẩn theo quy định tại điểm a và điểm b khoản
này. Trường hợp số đám trồng trong lô nhỏ hơn 10 phải kiểm tra ít nhất 01 đám.
Điều 12. Nghiệm thu cải tạo rừng
tự nhiên
1. Thời điểm nghiệm thu:
a) Nghiệm thu hạng mục: được tiến hành sau khi thực
hiện biện pháp kỹ thuật;
b) Nghiệm thu hoàn thành: được thực hiện sau khi kết
thúc giai đoạn đầu tư.
2. Các chỉ tiêu nghiệm thu: thực hiện theo quy định
tại Mục I Phụ lục II kèm theo Thông tư này.
3. Phương pháp tiến hành: thực hiện theo quy định tại
khoản 3 và khoản 4 Điều 11 Thông tư này.
Điều 13. Nghiệm thu khoanh
nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên
1. Thời điểm nghiệm thu:
a) Nghiệm thu hạng mục: được tiến hành sau khi thực
hiện các biện pháp kỹ thuật;
b) Nghiệm thu hoàn thành: được thực hiện sau khi kết
thúc giai đoạn đầu tư.
2. Các chỉ tiêu nghiệm thu: thực hiện theo quy định
tại Mục IV Phụ lục II kèm theo Thông tư này.
3. Phương pháp tiến hành:
a) Nghiệm thu khối lượng: thực hiện theo quy định tại
khoản 3 Điều 11 Thông tư này;
b) Nghiệm thu chất lượng: theo các tiêu chuẩn kỹ
thuật được quy định trong thiết kế kỹ thuật được duyệt, lập ô tiêu chuẩn để
đánh giá các chỉ tiêu nghiệm thu, cụ thể:
Ô tiêu chuẩn có diện tích tối thiểu 1000 m2
trên tuyến đại diện của lô nghiệm thu, số lượng ô tiêu chuẩn tối thiểu được quy
định như sau:
Diện tích lô dưới 3 ha: 1 ô tiêu chuẩn;
Diện tích lô từ 3 đến dưới 5 ha: 3 ô tiêu chuẩn;
Diện tích lô từ 5 ha trở lên: 5 ô tiêu chuẩn.
Điều 14. Nghiệm thu khoanh
nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung
1. Thời điểm nghiệm thu:
a) Nghiệm thu hạng mục: được tiến hành sau khi thực
hiện các biện pháp kỹ thuật;
b) Nghiệm thu hoàn thành: được thực hiện sau khi kết
thúc giai đoạn đầu tư.
2. Các chỉ tiêu nghiệm thu: thực hiện theo quy định
tại Mục V Phụ lục II kèm theo Thông tư này.
3. Phương pháp tiến hành:
a) Nghiệm thu khối lượng: thực hiện theo quy định tại
khoản 3 Điều 11 Thông tư này;
b) Nghiệm thu chất lượng:
Đối với diện tích trồng rừng bổ sung thực hiện theo
quy định tại khoản 4 Điều 11 Thông tư này;
Đối với diện tích không trồng rừng bổ sung thực hiện
theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 13 Thông tư này.
Điều 15. Nghiệm thu chăm sóc rừng
trồng
1. Thời điểm nghiệm thu hạng mục: được tiến hành hằng
năm sau khi thực hiện các biện pháp kỹ thuật.
3. Các chỉ tiêu nghiệm thu: thực hiện theo quy định
tại Mục II Phụ lục II kèm theo Thông tư này.
2. Phương pháp tiến hành: thực hiện theo quy định tại
khoản 3 và khoản 4 Điều 11 Thông tư này.
Điều 16. Nghiệm thu bảo vệ rừng
1. Thời điểm nghiệm thu hạng mục: được tiến hành
vào cuối năm kế hoạch.
2. Chỉ tiêu nghiệm thu: thực hiện theo thiết kế được
duyệt và hợp đồng giao khoán.
3. Phương pháp tiến hành: kiểm tra thực địa toàn bộ
diện tích, căn cứ bản đồ thiết kế để xác định vị trí, ranh giới, tỷ lệ kết quả
thực hiện, cụ thể:
a) Trường hợp 100% diện tích rừng không bị tác động
phá hoại: được nghiệm thu hoàn thành 100% khối lượng công việc;
b) Trường hợp rừng bị phá hoại (chặt phá, xâm lấn,
phát, đốt rừng làm nương, rẫy, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng trái pháp luật...),
căn cứ tình hình cụ thể sẽ xác định thanh toán giá trị thực hiện hợp đồng theo
tỷ lệ, cụ thể:
Người nhận khoán bảo vệ rừng, người nhận kinh phí hỗ
trợ bảo vệ rừng được giao phát hiện rừng bị xâm hại và báo ngay cho cơ quan có
thẩm quyền (bên giao khoán hoặc chính quyền địa phương hoặc kiểm lâm địa bàn):
hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ rừng và được thanh toán tiền công theo hợp đồng.
Người nhận khoán bảo vệ rừng, người nhận kinh phí hỗ
trợ bảo vệ rừng được giao không phát hiện được rừng bị xâm hại hoặc phát hiện
nhưng không báo cho cơ quan có thẩm quyền: không được thanh toán tiền công bảo
vệ rừng đối với diện tích rừng bị xâm hại, tùy theo mức độ sẽ được xử lý theo
quy định của pháp luật.
Điều 17. Nghiệm thu nuôi dưỡng
rừng trồng
1. Thời điểm nghiệm thu hạng mục: được tiến hành hằng
năm sau khi thực hiện các biện pháp kỹ thuật.
2. Các chỉ tiêu nghiệm thu: thực hiện theo quy định
tại Mục III Phụ lục II kèm theo Thông tư này.
3. Phương pháp tiến hành: thực hiện theo quy định tại
khoản 3 và khoản 4 Điều 11 Thông tư này.
Điều 18. Nghiệm thu nuôi dưỡng
rừng tự nhiên
1. Thời điểm nghiệm thu hạng mục: được tiến hành hằng
năm sau khi thực hiện các biện pháp kỹ thuật.
2. Các chỉ tiêu nghiệm thu: thực hiện theo quy định
tại Mục IV Phụ lục II kèm theo Thông tư này.
3. Phương pháp tiến hành: thực hiện theo quy định tại
khoản 3 và khoản 4 Điều 11 Thông tư này.
Điều 19. Nghiệm thu làm giàu rừng
tự nhiên
1. Thời điểm nghiệm thu hạng mục: được tiến hành hằng
năm sau khi thực hiện các biện pháp kỹ thuật.
2. Các chỉ tiêu nghiệm thu: thực hiện theo quy định
tại Mục V Phụ lục II kèm theo Thông tư này.
3. Phương pháp tiến hành:
a) Nghiệm thu khối lượng: thực hiện theo quy định tại
khoản 3 Điều 11 Thông tư này;
b) Nghiệm thu chất lượng: thực hiện theo điểm c và điểm d khoản 4 Điều 11 Thông tư này;
Điều 20. Xử lý rủi ro do các
nguyên nhân bất khả kháng
1. Xử lý rủi ro do thiên tai:
a) Chủ đầu tư hoặc đơn vị sử dụng kinh phí ngân
sách nhà nước lập biên bản đánh giá tình hình thiệt hại, xác định nguyên nhân,
báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định điều chỉnh dự án đầu tư hoặc điều
chỉnh kế hoạch vốn được giao; điều chỉnh thiết kế và dự toán theo quy định tại Điều 9 Thông tư này;
b) Việc thống kê, đánh giá và báo cáo tình hình thiệt
hại do thiên tai gây ra, được thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số
43/2015/TTLT- BNNPTNT-BKHĐT ngày 23/11/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn và Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thống kê, đánh giá thiệt hại do
thiên tai gây ra và các văn bản có liên quan.
2. Xử lý rủi ro do các nguyên nhân khác:
Tùy theo quy mô và mức độ thiệt hại, chủ đầu tư hoặc
đơn vị sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước lập biên bản đánh giá tình hình thiệt
hại, xác định nguyên nhân, báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 21. Trách nhiệm của Cục
Lâm nghiệp[3]
1. Tổ chức thẩm định thiết kế, dự toán công trình
lâm sinh của các dự án do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định đầu
tư.
2. Kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc thực hiện
công tác lập, thẩm định phê duyệt và thực hiện của cơ quan, đơn vị có liên
quan.
3. Tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn trong việc xử lý các vướng mắc, tồn tại trong quá trình thực hiện
Thông tư này,
Điều 22. Trách nhiệm của cấp
quyết định đầu tư, quyết định phê duyệt thiết kế, dự toán
Người quyết định đầu tư, quyết định phê duyệt thiết
kế, dự toán theo quy định tại Điều 7 và Điều 8 Thông tư này
có trách nhiệm:
1. Quyết định việc phân cấp, ủy quyền thực hiện công
tác thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán phù hợp với quy định của pháp luật
và điều kiện cụ thể.
2. Thực hiện các quyền, trách nhiệm của người quyết
định đầu tư theo quy định của pháp luật đối với các dự án do mình quyết định đầu
tư.
3. Kiểm tra công tác thẩm định của các cơ quan
chuyên môn trực thuộc, xử lý, giải quyết kịp thời các vướng mắc.
Điều 23. Trách nhiệm của Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
1. Tổ chức thẩm định thiết kế, dự toán công trình
lâm sinh của các dự án do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định đầu tư.
2. Tham mưu, giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
và báo cáo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xử lý các vướng
mắc, tồn tại trong quá trình thực hiện Thông tư này của các cơ quan, đơn vị
trên địa bàn tỉnh.
Điều 24. Hiệu lực thi hành[4]
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01
tháng 01 năm 2020.
2. Thông tư số 23/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 của
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn một số nội dung quản lý công
trình lâm sinh hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.
3. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật
và các tiêu chuẩn viện dẫn tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc được
thay thế bởi văn bản khác thì áp dụng các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế
đó.
4. Trong quá trình thực hiện, nếu có những khó
khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan phản ánh kịp thời về Bộ
Nông nghiệp và Phát triển viện dẫn tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc
được thay thế bởi văn bản khác thì áp dụng các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc
thay thế đó.
4. Trong quá trình thực hiện, nếu có những khó
khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan phản ánh kịp thời về Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để nghiên cứu, giải quyết.
Điều 25. Quy định chuyển tiếp
1. Thiết kế, dự toán công trình lâm sinh đã được cơ
quan có thẩm quyền thẩm định trước ngày Thông tư này có hiệu lực nhưng chưa được
phê duyệt không phải thẩm định lại.
2. Việc điều chỉnh thiết kế và dự toán công trình
lâm sinh sau ngày Thông tư này có hiệu lực được thực hiện theo quy định của
Thông tư này./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (để đăng Công báo
và đăng tải trên Cổng TTĐT Chính phủ);
- Cổng TTĐT Bộ NN và PTNT (để đăng tải);
- Vụ Pháp chế Bộ NN và PTNT (để biết);
- UBND, Sở NN&PTNT các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Lưu: VT, LN.
|
XÁC THỰC VĂN BẢN
HỢP NHẤT
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Quốc Trị
|
[1] Thông tư số
22/2023/TT-BNNPTNT ngày 15 tháng 12 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn về Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư trong lĩnh vực
lâm nghiệp có căn cứ ban hành như sau:
Căn cứ Nghị định số
105/2022/NĐ-CP ngày 22 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Luật Lâm nghiệp
ngày 15 tháng 11 năm 2017;
Theo đề nghị của Cục trưởng
Cục Lâm nghiệp;
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các
Thông tư trong lĩnh vực lâm nghiệp.
[2] Điểm này được
sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư số
22/2023/TT-BNNPTNT ngày 15/12/2023 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư trong lĩnh vực lâm nghiệp
có hiệu lực kể từ ngày 01/02/2024.
[3] Tên điều này
được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư số
22/2023/TT-BNNPTNT ngày 15/12/2023 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư trong lĩnh vực lâm nghiệp
có hiệu lực kể từ ngày 01/02/2024.
[4] Điều này được
sửa đổi, bổ sung tại Điều 14 Thông tư số 22/2023/TT-BNNPTNT ngày 15 tháng 12
năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Sửa đổi, bổ
sung một số điều của các Thông tư trong lĩnh vực lâm nghiệp, có hiệu lực kể từ
ngày 01 tháng 02 năm 2023.