BỘ Y TẾ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2486/QĐ-BYT
|
Hà Nội, ngày 13
tháng 6 năm 2023
|
QUYẾT ĐỊNH
QUY
ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CỤC QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG
Y TẾ THUỘC BỘ Y TẾ
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Căn cứ Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng
9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 101/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng
8 năm 2020 của Chính phủ về sửa đổi Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9
năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức
của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 95/2022/NĐ-CP ngày 15 tháng
11 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bộ Y tế;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và
Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế, Bộ Y tế.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Vị trí, chức năng
1. Cục Quản lý Môi trường y tế là cục chuyên ngành
thuộc Bộ Y tế, có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Y tế thực hiện quản lý
nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về các lĩnh vực: Vệ sinh sức khỏe môi
trường; vệ sinh chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt; vệ sinh sức
khỏe trường học; vệ sinh lao động; phòng, chống bệnh nghề nghiệp, tai nạn
thương tích; quản lý hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong
lĩnh vực gia dụng và y tế; quản lý chất thải y tế, bảo vệ môi trường trong
khuôn viên cơ sở y tế theo quy định của pháp luật.
2. Cục Quản lý Môi trường y tế có tư cách pháp
nhân, có con dấu và tài khoản riêng, có trụ sở làm việc tại Thành phố Hà Nội.
Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn
1. Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành các
văn bản quy phạm pháp luật, các quy định chuyên môn, các tiêu chuẩn quốc gia,
quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, về các lĩnh vực: Vệ sinh sức khỏe môi trường; vệ
sinh chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt; vệ sinh sức khỏe trường
học; vệ sinh lao động; phòng, chống bệnh nghề nghiệp, tai nạn thương tích; quản
lý hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng
và y tế; vệ sinh trong mai táng, hỏa táng đối với các trường hợp chết do dịch bệnh
nguy hiểm; quản lý chất thải y tế, bảo vệ môi trường trong khuôn viên cơ sở y tế
theo quy định của pháp luật.
2. Xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương
trình, dự án, đề án về lĩnh vực được phân công, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt
và chỉ đạo, tổ chức triển khai, hướng dẫn thực hiện sau khi được phê duyệt.
3. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan
trình cấp có thẩm quyền ban hành, sửa đổi bổ sung danh mục bệnh nghề nghiệp được
hưởng bảo hiểm xã hội.
4. Về vệ sinh sức khỏe môi trường, vệ sinh chất lượng
nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt:
a) Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện và kiểm
tra, việc thực hiện các quy định của pháp luật về vệ sinh sức khỏe môi trường,
vệ sinh nhà tiêu hộ gia đình, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy chuẩn kỹ thuật
địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt theo quy định
của pháp luật;
b) Tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn nâng cao năng
lực về vệ sinh sức khỏe môi trường, vệ sinh nhà tiêu hộ gia đình, vệ sinh cá
nhân phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích
sinh hoạt;
c) Đầu mối tổ chức triển khai Phong trào Vệ sinh
yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân.
5. Chỉ đạo việc thực hiện các nội dung liên quan kiểm
soát tác động của ô nhiễm môi trường đến sức khỏe con người bao gồm:
a) Chỉ đạo việc xác định, công bố về giới hạn của
các chất ô nhiễm trong cơ thể con người có nguy cơ tác động đến sức khỏe con
người;
b) Chỉ đạo việc xác định, đánh giá, cảnh báo, theo
dõi và phát hiện triệu chứng, nguyên nhân của bệnh tật và các vấn đề về sức khỏe
con người có liên quan trực tiếp đến các chất ô nhiễm;
c) Chỉ đạo hướng dẫn các biện pháp bảo vệ sức khỏe
con người trước tác động của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và các yếu tố
môi trường bất lợi;
d) Đầu mối tổ chức triển khai: Kế hoạch ứng phó với
biến đổi khí hậu của ngành y tế; kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi
trường không khí thuộc nhiệm vụ của Bộ Y tế;
đ) Chỉ đạo việc: quản lý, thống kê, chia sẻ, công bố
thông tin về các vấn đề bệnh tật liên quan đến các chất ô nhiễm; đánh giá chi
phí và thiệt hại kinh tế do bệnh tật, các vấn đề về sức khỏe liên quan đến ô
nhiễm môi trường; quản lý, chia sẻ, trao đổi, công bố thông tin về các chất ô
nhiễm có tác động đến sức khỏe con người.
6. Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện: Đánh giá
phạm vi, đối tượng, mức độ tác động của sự cố môi trường đến sức khỏe con người;
các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tác động của sự cố môi trường đến sức khỏe
con người.
7. Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện và kiểm tra
việc thực hiện các quy định của pháp luật về vệ sinh trong mai táng, hỏa táng đối
với các trường hợp chết do dịch bệnh nguy hiểm theo quy định của pháp luật.
8. Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện và kiểm tra
việc thực hiện các quy định của pháp luật về vệ sinh phòng, chống bệnh tật học
đường; quản lý, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe học sinh, sinh viên và các nội dung y
tế trường học khác theo quy định của pháp luật.
9. Về vệ sinh lao động, phòng, chống bệnh nghề nghiệp
và phòng chống thương tích:
a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây
dựng cơ sở dữ liệu bệnh nghề nghiệp; điều tra bệnh nghề nghiệp; đầu mối chỉ đạo
rà soát danh mục nghề, công việc nặng nhọc độc hại và đặc biệt nặng nhọc độc hại
cho người lao động trong ngành y tế theo quy định của pháp luật;
b) Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện và kiểm tra
việc thực hiện các quy định của pháp luật về công tác an toàn, vệ sinh lao động,
phòng, chống bệnh nghề nghiệp trong các cơ sở y tế; vệ sinh lao động, phòng, chống
bệnh nghề nghiệp trong các cơ sở lao động theo quy định của pháp luật;
c) Quản lý, hướng dẫn và tổ chức thực hiện hoạt động
quan trắc môi trường lao động tại cơ sở lao động; chỉ đạo quan trắc môi trường
lao động tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp có nguy cơ cao gây bệnh nghề nghiệp;
đánh giá, kiểm soát, quản lý các yếu tố có hại tại nơi làm việc; xây dựng cơ sở
dữ liệu về hoạt động quan trắc môi trường lao động; đầu mối quản lý công bố tổ
chức hoạt động quan trắc môi trường lao động đủ điều kiện và tổ chức hoạt động
quan trắc môi trường bị đình chỉ, dừng hoạt động theo quy định của pháp luật;
d) Hướng dẫn theo thẩm quyền công tác quản lý vệ
sinh lao động, khám sức khỏe người lao động, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp,
quản lý sức khỏe người lao động tại nơi làm việc; quản lý về công tác cấp chứng
chỉ chứng nhận chuyên môn về y tế lao động, huấn luyện sơ cứu, cấp cứu tại nơi
làm việc theo quy định của pháp luật. Tổ chức thẩm định, trình cấp có thẩm quyền:
cấp lần đầu, cấp điều chỉnh, cấp lại và thu hồi giấy phép hoạt động khám điều
trị bệnh nghề nghiệp đối với các cơ sở khám bệnh chữa bệnh thuộc thẩm quyền cấp
phép của Bộ Y tế; phê duyệt danh mục kỹ thuật liên quan đến khám, điều trị bệnh
nghề nghiệp theo quy định của pháp luật. Đầu mối thông tin, quản lý cơ sở đào tạo
cấp chứng chỉ chứng nhận chuyên môn về y tế lao động; hướng dẫn huấn luyện sơ cứu,
cấp cứu tại nơi làm việc theo quy định của pháp luật;
đ) Chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện, kiểm tra
các hoạt động khám, điều trị bệnh nghề nghiệp, quan trắc môi trường lao động,
chăm sóc, nâng cao sức khỏe và hướng dẫn về dinh dưỡng cho người lao động tại
nơi làm việc. Đầu mối tổ chức triển khai chương trình chăm sóc và nâng cao sức
khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp;
e) Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện theo thẩm
quyền về công tác phòng, chống thương tích tại cộng đồng và sơ cấp cứu tại nơi
làm việc. Đầu mối tổ chức triển khai kế hoạch phòng, chống tai nạn thương tích
tại cộng đồng của ngành y tế. Hướng dẫn dự phòng các yếu tố nguy cơ gây tai nạn
thương tích tại cộng đồng và xử trí sơ cấp cứu ban đầu. Hướng dẫn xây dựng cộng
đồng an toàn, phòng chống tai nạn thương tích. Đầu mối giám sát số liệu về tai
nạn thương tích tại cộng đồng trong đó có tai nạn giao thông, đuối nước.
10. Về quản lý hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng,
diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế:
a) Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện và kiểm tra
việc thực hiện các quy định của pháp luật về hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng,
diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế;
b) Cấp, cấp lại, bổ sung, gia hạn, đình chỉ, thu hồi
số đăng ký lưu hành, giấy phép nhập khẩu, giấy chứng nhận lưu hành tự do đối với
hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y
tế; cấp phiếu tiếp nhận hồ sơ công bố đủ điều kiện thực hiện kiểm nghiệm, thực
hiện khảo nghiệm hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh
vực gia dụng và y tế; cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo hóa chất, chế phẩm
diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế theo quy định của
pháp luật.
c) Ban hành hướng dẫn quy trình chuyên môn về khảo
nghiệm chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế.
11. Về quản lý chất thải y tế, bảo vệ môi trường
trong khuôn viên cơ sở y tế:
a) Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện và kiểm tra
việc thực hiện các quy định của pháp luật về phân loại, thu gom, lưu giữ, quản
lý chất thải y tế và chất thải khác, bảo vệ môi trường trong khuôn viên cơ sở y
tế theo quy định của pháp luật;
b) Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện và kiểm tra
việc thực hiện cơ sở y tế xanh-sạch-đẹp.
c) Đầu mối quản lý, hướng dẫn, tổng hợp đề xuất,
xây dựng kế hoạch nhiệm vụ sử dụng kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường của Bộ
Y tế;
d) Tổ chức thẩm định và ký quyết định phê duyệt đề
cương và báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường của các đơn vị sử
dụng kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường của Bộ Y tế.
12. Quyết định chỉ định, chỉ định lại, tạm đình chỉ,
thu hồi quyết định chỉ định đối với các tổ chức chứng nhận hợp quy đối với thuốc
lá. Tổ chức tiếp nhận, quản lý hồ sơ và cấp, thu hồi, cấp lại: Giấy tiếp nhận bản
công bố hợp quy, giấy xác nhận công bố phù hợp quy định đối với thuốc lá.
13. Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện các hoạt động
thông tin truyền thông, phổ biến giáo dục pháp luật, đào tạo, huấn luyện về các
lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Cục theo đúng quy định của pháp luật.
14. Thực hiện công tác kiểm tra, tham gia thực hiện
thanh tra chuyên ngành về lĩnh vực được giao theo quy định của pháp luật.
15. Thực hiện công tác pháp chế, cải cách hành chính,
các hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ thông tin và hợp tác quốc
tế về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Cục theo quy định của pháp luật.
16. Tổ chức thực hiện công tác thống kê, xây dựng
cơ sở dữ liệu và báo cáo về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Cục theo quy
định của pháp luật.
17. Quản lý tổ chức, công chức, viên chức, người
lao động, tài sản, kinh phí được giao theo quy định của pháp luật và phân cấp của
Bộ trưởng Bộ Y tế.
18. Thực hiện các nhiệm vụ khác được Bộ trưởng Bộ Y
tế giao.
Điều 3. Tổ chức và cơ chế hoạt
động
1. Lãnh đạo Cục: Cục trưởng và các Phó Cục trưởng.
a) Cục Quản lý Môi trường y tế gồm Cục trưởng và
các Phó Cục trưởng do Bộ trưởng Bộ Y tế bổ nhiệm, miễn nhiệm theo các quy định
của pháp luật.
b) Cục trưởng chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và
trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Cục. Các Phó Cục trưởng giúp việc cho
Cục trưởng và chịu trách nhiệm trước Cục trưởng và trước pháp luật về các nhiệm
vụ được giao.
2. Tổ chức Cục gồm:
a) Văn phòng Cục;
b) Phòng Quản lý sức khỏe môi trường;
c) Phòng Quản lý môi trường cơ sở y tế;
d) Phòng Quản lý sức khỏe lao động.
Đơn vị sự nghiệp thuộc Cục: Trung tâm Thông tin môi
trường y tế.
3. Cơ chế hoạt động
a) Cục Quản lý Môi trường y tế hoạt động theo chế độ
thủ trưởng;
b) Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng Cục
và các Phòng, tổ chức thuộc Cục do Cục trưởng quy định trên cơ sở chức năng,
nhiệm vụ của Cục;
c) Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức danh lãnh đạo
Văn phòng Cục, lãnh đạo các phòng, tổ chức thuộc Cục thực hiện theo quy định của
pháp luật;
d) Các chức danh lãnh đạo Cục, lãnh đạo Văn phòng Cục,
lãnh đạo các phòng, tổ chức thuộc Cục được hưởng phụ cấp theo quy định của pháp
luật.
4. Biên chế
Biên chế của Cục Quản lý Môi trường y tế được xác định
theo quy định của pháp luật về vị trí việc làm và được điều chỉnh theo nhu cầu
vị trí việc làm do Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định trên cơ sở đề xuất của Cục trưởng
Cục Quản lý Môi trường y tế.
5. Kinh phí
Kinh phí hoạt động của Cục Quản lý Môi trường y tế
do ngân sách nhà nước cấp và các kinh phí hợp pháp khác.
Điều 4. Hiệu lực thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký ban hành.
2. Quyết định số 86/QĐ-BYT ngày 08 tháng 01 năm
2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Cục Quản lý Môi trường y tế thuộc Bộ Y tế hết hiệu lực kể từ ngày Quyết
định này có hiệu lực.
Điều 5. Trách nhiệm thi hành
Các ông bà: Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ,
Vụ trưởng, Cục trưởng thuộc Bộ Y tế và thủ trưởng các cơ quan, tổ chức có liên
quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 5;
- Văn phòng Chính phủ (để báo cáo);
- Bộ Nội vụ;
- Các Thứ trưởng Bộ Y tế;
- Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế;
- Y tế các ngành;
- Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế;
- Lưu: VT, TCCB, MT, PC.
|
BỘ TRƯỞNG
Đào Hồng Lan
|