CHÍNH PHỦ
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 101/2020/NĐ-CP
|
Hà Nội, ngày 28
tháng 8 năm 2020
|
NGHỊ ĐỊNH
SỬA
ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 123/2016/NĐ-CP NGÀY 01 THÁNG 9 NĂM
2016 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA
BỘ, CƠ QUAN NGANG BỘ
Căn cứ Luật Tổ chức
Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015 và Luật sửa
đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền
địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ;
Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một
số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ
quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang
bộ.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP
ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ:
1. Sửa đổi khoản 1, khoản 2 Điều 13
như sau:
“1. Trình Chính phủ:
a) Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu
tổ chức của bộ và của cơ quan thuộc Chính phủ được phân công quản lý;
b) Quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể các
cơ quan, tổ chức thuộc bộ, gồm: Tổng cục và tổ chức tương đương (sau đây gọi
chung là tổng cục), vụ và tổ chức tương đương (sau đây gọi chung là vụ), cục và
tổ chức tương đương (sau đây gọi chung là cục).
2. Trình Thủ tướng Chính phủ:
a) Quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn
vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ;
b) Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu
tổ chức của tổng cục thuộc bộ;
c) Quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể các
cơ quan, tổ chức thuộc tổng cục gồm: vụ và tổ chức tương đương (sau đây gọi
chung là vụ), cục và tổ chức tương đương (sau đây gọi chung là cục).”
2. Sửa đổi khoản 6 Điều 13 như
sau:
“6. Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của
các cơ quan chuyên môn về ngành, lĩnh vực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố
trực thuộc trung ương và Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh,
thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương.”
3. Sửa đổi khoản 7 và khoản 8 Điều
13 thành khoản 7 Điều 13 như sau:
“7. Quản lý vị trí việc làm, cơ cấu công chức theo
ngạch, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp, biên chế công chức và số lượng
người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.”
4. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 14
như sau:
“3. Quy định cụ thể tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo,
quản lý của các cơ quan, đơn vị thuộc bộ.”
5. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 18
như sau:
“3. Không tổ chức phòng trong vụ. Trường hợp vụ có
nhiều mảng công tác và khối lượng công việc yêu cầu phải bố trí từ 30 biên chế
công chức trở lên được cấp có thẩm quyền giao (sau đây gọi chung là biên chế
công chức) thì có thể thành lập phòng và số lượng phòng trong vụ thuộc bộ (nếu
có) phải được quy định tại Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và
cơ cấu tổ chức của bộ.”
6. Sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 18
như sau:
“5. Tiêu chí thành lập vụ:
a) Vụ được thành lập khi đáp ứng đủ các tiêu chí
sau:
Có chức năng, nhiệm vụ tham mưu về quản lý nhà nước
đối với ngành, lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của bộ;
Có phạm vi, đối tượng quản lý theo ngành, lĩnh vực;
Khối lượng công việc yêu cầu phải bố trí từ 15 biên
chế công chức trở lên.
b) Vụ thực hiện chức năng, nhiệm vụ tham mưu về
công tác quản trị nội bộ được thành lập khi khối lượng công việc yêu cầu phải bố
trí từ 15 biên chế công chức trở lên.”
7. Bổ sung Điều 18a và Điều 18b
như sau:
“Điều 18a. Tiêu chí thành lập phòng và tổ chức
tương đương phòng (sau đây gọi chung là phòng), số lượng cấp phó của người đứng
đầu phòng
1. Phòng thuộc cục thuộc bộ được thành lập khi đáp ứng
đủ các tiêu chí sau:
a) Có chức năng, nhiệm vụ tham mưu về quản lý nhà
nước đối với ngành, lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của cục hoặc được giao
tham mưu về công tác quản trị nội bộ của cục;
b) Khối lượng công việc yêu cầu phải bố trí từ 07
biên chế công chức trở lên.
2. Phòng thuộc chi cục thuộc cục thuộc bộ được
thành lập khi đáp ứng đủ các tiêu chí sau:
a) Có chức năng, nhiệm vụ tham mưu về quản lý nhà
nước đối với ngành, lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của chi cục hoặc được
giao tham mưu về công tác quản trị nội bộ của chi cục;
b) Khối lượng công việc yêu cầu phải bố trí từ 05
biên chế công chức trở lên.
3. Về số lượng cấp phó của người đứng đầu phòng:
a) Phòng thuộc cục thuộc bộ có từ 07 đến 09 biên chế
công chức được bố trí 01 cấp phó; có từ 10 đến 15 biên chế công chức được bố trí
không quá 02 cấp phó; có từ 16 biên chế công chức trở lên được bố trí không quá
03 cấp phó;
b) Phòng thuộc chi cục thuộc cục thuộc bộ có từ 05
đến 07 biên chế công chức được bố trí 01 cấp phó; có từ 08 biên chế công chức
trở lên được bố trí không quá 02 cấp phó.
4. Tiêu chí thành lập, số lượng cấp phó của người đứng
đầu phòng thuộc thanh tra, văn phòng, vụ thuộc bộ và phòng thuộc văn phòng, cục
thuộc tổng cục thuộc bộ thực hiện theo quy định về tiêu chí thành lập, số lượng
cấp phó của người đứng đầu phòng thuộc cục thuộc bộ.
5. Tiêu chí thành lập, số lượng cấp phó của người đứng
đầu phòng thuộc chi cục thuộc cục thuộc tổng cục thuộc bộ thực hiện theo quy định
về tiêu chí thành lập, số lượng cấp phó của người đứng đầu phòng thuộc chi cục
thuộc cục thuộc bộ.
Điều 18b. Tiêu chí thành lập chi cục và tương
đương (sau đây gọi chung là chi cục), số lượng cấp phó của người đứng đầu chi cục
1. Chi cục thuộc cục thuộc bộ được thành lập khi
đáp ứng đủ các tiêu chí sau:
a) Có đối tượng quản lý về chuyên ngành, lĩnh vực
thuộc chức năng, nhiệm vụ của cục theo quy định của pháp luật chuyên ngành;
b) Được phân cấp, ủy quyền của Cục trưởng để quyết
định về các vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của Cục trưởng;
c) Khối lượng công việc yêu cầu phải bố trí từ 15
biên chế công chức trở lên.
2. Về số lượng cấp phó của
người đứng đầu chi cục thuộc cục thuộc bộ:
a) Chi cục có từ 01 đến 03 phòng được bố trí 01 cấp
phó; có từ 04 phòng trở lên được bố trí không quá 02 cấp phó;
b) Chi cục không có phòng được bố trí không quá 02
cấp phó.
3. Tiêu chí thành lập, số lượng cấp phó của người đứng
đầu chi cục thuộc cục thuộc tổng cục thuộc bộ thực hiện theo quy định về tiêu
chí thành lập, số lượng cấp phó của người đứng đầu chi cục thuộc cục thuộc bộ”.
8. Sửa đổi khoản 3 Điều 19 như
sau:
“3. Văn phòng được thành lập phòng phù hợp với tiêu
chí thành lập phòng và nhiệm vụ công tác được giao.”
9. Sửa đổi khoản 3 Điều 20 như
sau:
“3. Thanh tra có con dấu và tài khoản riêng; được
thành lập các phòng nghiệp vụ theo quy định của pháp luật.”
10. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 và khoản
4 Điều 21 như sau:
“3. Việc thành lập cục phải đáp ứng đủ các tiêu chí
sau:
a) Có đối tượng quản lý về chuyên ngành, lĩnh vực
thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ theo quy định của pháp luật chuyên ngành;
b) Được phân cấp, ủy quyền của Bộ trưởng để quyết định
các vấn đề thuộc phạm vi quản lý nhà nước về chuyên ngành, lĩnh vực;
c) Khối lượng công việc yêu cầu phải bố trí từ 30
biên chế công chức trở lên.
4. Cơ cấu tổ chức của cục, gồm:
a) Phòng;
b) Văn phòng;
c) Thanh tra (nếu có);
d) Chi cục (nếu có);
đ) Đơn vị sự nghiệp công lập (nếu có).”
11. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 và khoản
4 Điều 22 như sau:
“3. Việc thành lập tổng cục phải đáp ứng đủ các
tiêu chí sau:
a) Có đối tượng quản lý nhà nước về chuyên ngành,
lĩnh vực lớn, phức tạp, quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội;
b) Chuyên ngành, lĩnh vực cần quản lý tập trung, thống
nhất ở trung ương, trường hợp đặc biệt do Chính phủ xem xét quyết định;
c) Được phân cấp, ủy quyền của Bộ trưởng để quyết định
các vấn đề thuộc phạm vi quản lý nhà nước về chuyên ngành, lĩnh vực.
4. Cơ cấu tổ chức của tổng cục, gồm:
a) Vụ;
b) Văn phòng;
c) Cục (nếu có);
d) Thanh tra (nếu có);
đ) Đơn vị sự nghiệp công lập (nếu có).
Việc thành lập vụ, cục thuộc tổng cục áp dụng các
tiêu chí như đối với thành lập vụ, cục thuộc bộ. Không thành lập phòng trong vụ
thuộc tổng cục.
Đối với tổng cục được tổ chức theo hệ thống ngành dọc
thì số lượng cục thuộc tổng cục, chi cục thuộc cục thuộc tổng cục (nếu có) đặt ở
địa phương được quy định tại quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của tổng cục.”
12. Bổ sung khoản 5 Điều 22 như sau:
“5. Số lượng cấp phó của người đứng đầu vụ, cục,
thanh tra, văn phòng thuộc tổng cục thuộc bộ:
a) Vụ thuộc tổng cục có từ 15
đến 20 biên chế công chức được bố trí không quá 02 cấp phó; có trên 20 biên chế
công chức được bố trí không quá 03 cấp phó;
b) Cục (trừ các cục đặt tại địa
phương), thanh tra, văn phòng thuộc tổng cục có dưới 04 tổ chức được bố trí
không quá 02 cấp phó; có từ 04 tổ chức trở lên được bố trí không quá 03 cấp
phó;
c) Tổng cục được tổ chức theo hệ thống ngành dọc có
cục trực thuộc đặt ở địa phương thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quyết
định số lượng cấp phó của người đứng đầu cục bảo đảm bình quân mỗi cục có 03 cấp
phó.”
13. Bổ sung khoản 3 Điều 31 như
sau:
“3. Trong quá trình thực hiện sắp xếp lại tổ chức,
số lượng cấp phó của người đứng đầu các tổ chức, đơn vị do sáp nhập, hợp nhất
có thể cao hơn quy định tại Nghị định này, nhưng khi có cấp phó nghỉ hưu hoặc
điều chuyển công tác thì không được bổ sung và phải có giải pháp điều chỉnh, sắp
xếp lại số cấp phó vượt quy định để bảo đảm trong thời hạn 3 năm kể từ ngày sáp
nhập, hợp nhất số lượng cấp phó của người đứng đầu các tổ chức, đơn vị phải thực
hiện theo đúng quy định.”
Điều 2. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng
11 năm 2020.
Điều 3. Trách nhiệm thi hành
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng
cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc
trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực
thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, TCCV (2b).
|
TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Xuân Phúc
|