ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1282/QĐ-UBND
|
Tuyên Quang, ngày
14 tháng 9 năm 2020
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC THÔNG QUA PHƯƠNG ÁN ĐƠN GIẢN HÓA 08 THỦ TỤC HÀNH CHÍNH LĨNH VỰC
TƯ PHÁP; NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN; VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH THUỘC
THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT CỦA TỈNH TUYÊN QUANG NĂM 2020
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa
phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Nghị định số 63/2010/NĐ-CP
ngày 08/06/2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính; Nghị định số
48/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các
nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính; Nghị định số
92/2017/NĐ-CP ngày 07/08/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của
các Nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính;
Căn cứ Thông tư số 02/2017/TT-VPCP
ngày 31/10/2017 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ hướng dẫn về nghiệp
vụ kiểm soát thủ tục hành chính;
Thực hiện Quyết định số 16/QĐ-UBND
ngày 20/01/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang về việc ban hành Kế hoạch
rà soát, đánh giá thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang năm 2020;
Xét đề nghị của Chánh Văn phòng Ủy
ban nhân dân tỉnh.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Thông qua Phương án đơn giản hóa 08 thủ tục hành
chính lĩnh vực Tư pháp; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Văn hóa, Thể thao
và Du lịch thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh Tuyên Quang năm 2020 (có Phương án đơn giản hóa 08 thủ tục hành chính chi
tiết kèm theo).
Điều 2. Giao Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm
phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện Quyết định này.
Điều 3. Quyết định này có hiệc lực thi hành kể từ ngày
ký.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh;
Giám đốc Sở; Thủ trưởng Ban, Ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố;
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và các cơ quan, tổ chức, cá nhân
có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Cục KSTTHC-VPCP; (báo cáo)
- Chủ tịch UBND tỉnh; (báo cáo)
- Các PCT UBND tỉnh;
- CVP, các PCVP UBND tỉnh;
- Như Điều 3; (thực hiện)
- Cổng thông tin điện tử tỉnh; (đăng tải)
- Phòng Tin học - Công báo (đ/c Thủy, Tùng);
- Lưu: VT, KSTTHC (Mai).
|
CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Sơn
|
PHƯƠNG ÁN ĐƠN GIẢN HÓA 08 THỦ TỤC HÀNH CHÍNH (TTHC) LĨNH VỰC TƯ PHÁP;
NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN; VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH THUỘC THẨM
QUYỀN GIẢI QUYẾT CỦA TỈNH TUYÊN QUANG NĂM 2020
(Ban
hành kèm theo Quyết định số: 1282/QĐ-UBND ngày 14/9/2020 của Chủ tịch Ủy ban
nhân dân tỉnh Tuyên Quang)
I. LĨNH VỰC TƯ
PHÁP (03 thủ tục)
I.1. Thủ tục
hành chính cấp tỉnh (02 thủ tục)
* Lĩnh vực Lý lịch
tư pháp (01 thủ tục)
1. Thủ tục cấp
Phiếu lý lịch tư pháp cho công dân Việt Nam, người nước ngoài đang cư trú tại
Việt Nam
a) Nội dung đơn giản hóa:
Đề nghị bổ sung thêm trường hợp người được cấp
Phiếu lý lịch tư pháp là người chưa đủ 14 tuổi thì thời hạn cấp là 01 ngày.
Lý do:
Khoản 1 Điều 48 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 quy định
thời hạn cấp Phiếu lý lịch tư pháp như sau:
“Thời hạn cấp Phiếu lý lịch tư pháp không quá 10
ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu hợp lệ. Trường hợp người được cấp Phiếu lý lịch
tư pháp là công dân Việt Nam đã cư trú ở nhiều nơi hoặc có thời gian cư trú ở
nước ngoài, người nước ngoài quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 47 của Luật
này, trường hợp phải xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích quy định
tại khoản 3 Điều 44 của Luật này thì thời hạn không quá 15 ngày”.
Tại khoản 3 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự
2017 quy định tuổi chịu trách nhiệm hình sự như sau:
“Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi
phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt
nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150,
151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287,
289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.”.
Trên thực tế, các trường hợp người dưới 14 tuổi thường
có yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp với mục đích như: đi du học, du lịch, thăm
người thân tại nước ngoài v.v... Theo đó, phiếu lý lịch tư pháp là một trong những
thành phần hồ sơ cần được bổ sung, hoàn thiện nhanh chóng để gửi các cơ quan có
thẩm quyền kịp thời thẩm định, xét duyệt. Đồng thời theo quy định của Bộ luật
Hình sự, độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự của người phạm tội là từ đủ 14 tuổi
trở lên, còn người chưa đủ 14 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự đối với
mọi tội phạm. Vì vậy, khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp có thể tiến hành cấp
phiếu ngay cho người có yêu cầu mà không cần thực hiện tra cứu, xác minh thông
tin để cấp phiếu lý lịch tư pháp cho người dưới 14 tuổi vì đây là đối tượng
không phải chịu trách nhiệm hình sự trong mọi trường hợp.
b) Kiến nghị thực thi:
Bổ sung vào khoản 1 Điều 48 Luật Lý lịch tư pháp
năm 2009 đối với trường hợp người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp là người chưa
đủ 14 tuổi thì thời hạn cấp là 01 ngày.
c) Lợi ích phương án đơn giản hóa:
Tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm thời gian và chi
phí đi lại khi thực hiện thủ tục hành chính cho trường hợp người dưới 14 tuổi
có yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp.
* Lĩnh vực công chứng (01 thủ
tục)
1. Thủ tục xóa đăng ký hành
nghề công chứng
a) Nội dung đơn giản hóa:
Đề nghị thực hiện đồng thời 02 thủ tục hành chính:
thủ tục xóa đăng ký hành nghề công chứng và thủ tục thay đổi nội dung đăng ký
hoạt động của Văn phòng công chứng trong trường hợp Trưởng Văn phòng công chứng
không còn làm việc tại Văn phòng công chứng đó.
Lý do:
Thông tư số 06/2015/TT-BTP ngày 15/6/2015 của Bộ
trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật
công chứng quy định đối với trường hợp Trưởng Văn phòng công chứng không còn
làm việc tại tổ chức hành nghề công chứng thì Văn phòng công chứng phải thực hiện
đồng thời 02 TTHC: (1) Xóa đăng ký hành nghề công chứng (Điều 5 Thông tư
số 06/2015/TT-BTP); (2) Thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của Văn
phòng công chứng (Điều 18 Thông tư số 06/2015/TT-BTP).
Tuy nhiên, nếu tách riêng hai nội dung này thành
hai thủ tục khác nhau thì không cần thiết, mất nhiều thời gian và chi phí cho đối
tượng thực hiện TTHC, vì khi Văn phòng công chứng thực hiện thủ tục thay đổi nội
dung đăng ký hoạt động (đối với trường hợp Trưởng Văn phòng công chứng không
còn làm việc tại tổ chức hành nghề công chúng), thì trong thành phần hồ sơ có
Giấy đề nghị thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của Văn phòng công chứng đã thể
hiện rõ nội dung thay đổi Trưởng Văn phòng công chứng, Sở Tư pháp sẽ căn cứ vào
đó để thực hiện việc cấp lại giấy phép đăng ký hoạt động cho Văn phòng công chứng,
đồng thời xóa luôn đăng ký hành nghề và ra Quyết định thu hồi Thẻ công chúng
viên của Trưởng Văn phòng công chứng đó.
b) Kiến nghị thực thi:
Bổ sung quy định về thay đổi nội dung đăng ký hoạt
động trong trường hợp thay đổi Trưởng Văn phòng công chứng tại Điều 18 Thông tư
06/2015/TT-BTP ngày 15/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp theo hướng: trường hợp
Trưởng Văn phòng công chứng không còn làm việc tại Văn phòng công chứng thì Văn
phòng công chứng thực hiện đồng thời thủ tục thay đổi nội dung đăng ký hoạt động
của Văn phòng công chứng cùng với việc xóa đăng ký hành nghề công chứng.
c) Lợi ích phương án đơn giản hóa:
Tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm thời gian và chi
phí cho Văn phòng công chứng khi thực hiện thủ tục hành chính.
+ Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa:
7.507.520 đồng/năm.
+ Chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa:
3.607.770 đồng/năm.
+ Chi phí tiết kiệm: 3.899.750 đồng/năm.
+ Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 52%.
I.2. Thủ tục hành chính cấp xã
- Lĩnh vực hộ tịch (01 thủ tục)
1. Thủ tục cấp giấy xác nhận
tình trạng hôn nhân
a) Nội dung đơn giản hóa:
Đề nghị giảm trình tự kiểm tra, xác minh về tình trạng
hôn nhân đối với trường hợp người yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân đã từng
đăng ký thường trú tại nhiều nơi khác nhau.
Lý do:
Tại khoản 4 Điều 22 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP quy
định: “Trường hợp người yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân đã từng đăng ký
thường trú tại nhiều nơi khác nhau, người đó có trách nhiệm chứng minh về tình
trạng hôn nhân của mình. Trường hợp người đó không chứng minh được thì công chức
tư pháp - hộ tịch báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có văn bản đề nghị Ủy
ban nhân dân cấp xã nơi người đó đã từng đăng ký thường trú tiến hành kiểm tra,
xác minh về tình trạng hôn nhân của người đó”.
Tuy nhiên, trong trường hợp công dân cư trú ở nhiều
nơi, khi có yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân đã chứng minh tình trạng
hôn nhân trong thời gian cư trú ở địa phương khác trước đó bằng việc xin Giấy
xác nhận tình trạng hôn nhân trong thời gian cư trú ở địa phương cũ và nộp cho
UBND cấp xã nơi có hộ khẩu thường trú hiện tại. Sau thời gian (6 tháng sau)
Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân hết hạn hoặc công dân đã nộp cho cơ quan có
thẩm quyền. Nay lại có nhu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, nếu vẫn
yêu cầu công dân chứng minh tình trạng hôn nhân bằng cách xin Giấy xác nhận
tình trạng hôn nhân tại nơi cư trú trước đây hoặc UBND cấp xã nơi có hộ khẩu
thường trú hiện tại gửi văn bản xác minh là không cần thiết, dẫn đến kéo dài thời
gian giải quyết TTHC, gây tốn kém chi phí đi lại của công dân. Vì tình trạng
hôn nhân của công dân trong thời gian tại địa phương nơi cư trú trước đây vẫn
như thời gian đã được UBND cấp xã trước đó đã xác nhận và không thể thay đổi
nên việc yêu cầu phải xác minh là không cần thiết (trong trường hợp này nên
cho phép công dân được sử dụng Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do UBND cấp xã
mà công dân cư trú trước đó cấp đã được chứng thực theo quy định).
b) Kiến nghị thực thi:
Sửa đổi khoản 4 Điều 22 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP
ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi
hành Luật Hộ tịch theo hướng trường hợp công dân cư trú ở nhiều nơi, khi có yêu
cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân đã chứng minh tình trạng hôn nhân
trong thời gian cư trú ở địa phương khác trước đó thì khi xin cấp giấy xác nhận
tình trạng hôn nhân lần tiếp theo không cần phải chứng minh tình trạng hôn nhân
trong thời gian cư trú ở địa phương khác đã được chứng minh trước đó.
c) Lợi ích phương án đơn giản hóa:
Việc giảm trình tự xác minh về tình trạng hôn nhân
đối với trường hợp người yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân đã từng đăng ký
thường trú tại nhiều nơi khác nhau sẽ giảm thời gian và chi phí cho người dân
khi thực hiện thủ tục hành chính:
+ Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa:
4.543.710 đồng/năm.
+ Chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa:
3.607.770 đồng/năm.
+ Chi phí tiết kiệm: 935.940 đồng/năm.
+ Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 21%.
II. LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT
TRIỂN NÔNG THÔN (04 thủ tục hành chính cấp tỉnh)
* Lĩnh vực Phòng, chống thiên
tai (03 thủ tục)
1. Thủ tục Phê duyệt việc tiếp
nhận viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân
tỉnh
a) Nội dung đơn giản hóa:
Đề nghị quy định rõ số lượng hồ sơ mà đối tượng phải
nộp khi thực hiện TTHC.
Lý do:
Tại Khoản 3, Khoản 4 Điều 8 Nghị định số
50/2020/NĐ-CP ngày 20/4/2020 của Chính phủ quy định về tiếp nhận, quản lý và sử
dụng viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ và khắc phục hậu quả thiên tai có quy
định về trình tự, thành phần hồ sơ thực hiện TTHC. Tuy nhiên, không quy định rõ
số lượng hồ sơ.
b) Kiến nghị thực thi :
Đề nghị bổ sung quy định về số lượng hồ sơ thực hiện
TTHC tại Điều 8 Nghị định số 50/2020/NĐ-CP ngày 20/4/2020 của Chính phủ.
c) Lợi ích phương án đơn giản hóa:
Việc quy định rõ số lượng hồ sơ tạo điều kiện thuận
lợi cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính, tránh tình trạng
tiêu cực, yêu cầu nhiều bộ hồ sơ gây tốn kém chi phí cho tổ chức, cá nhân khi
thực hiện TTHC.
2. Thủ tục Phê duyệt Văn kiện
viện trợ quốc tế khẩn cấp để khắc phục hậu quả thiên tai không thuộc thẩm quyền
quyết định chủ trương tiếp nhận của Thủ tướng Chính phủ
a) Nội dung đơn giản hóa:
Đề nghị quy định rõ số lượng hồ sơ mà đối tượng phải
nộp khi thực hiện TTHC.
Lý do:
Tại Khoản 2 Điều 13 Nghị định số 50/2020/NĐ-CP ngày
20/4/2020 của Chính phủ quy định về tiếp nhận, quản lý và sử dụng viện trợ quốc
tế khẩn cấp để cứu trợ và khắc phục hậu quả thiên tai có quy định về trình tự,
thành phần hồ sơ thực hiện TTHC. Tuy nhiên, không quy định số lượng hồ sơ.
b) Kiến nghị thực thi:
Đề nghị bổ sung quy định về số lượng hồ sơ thực hiện
TTHC tại Điều 13 Nghị định số 50/2020/NĐ-CP ngày 20/4/2020 của Chính phủ.
c) Lợi ích phương án đơn giản hóa:
Việc quy định rõ số lượng hồ sơ tạo điều kiện thuận
lợi cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính, tránh tình trạng
tiêu cực, yêu cầu nhiều bộ hồ sơ gây tốn kém chi phí cho tổ chức, cá nhân khi
thực hiện TTHC.
3. Thủ tục Điều chỉnh Văn kiện
viện trợ quốc tế khẩn cấp để khắc phục hậu quả thiên tai không thuộc thẩm quyền
quyết định chủ trương tiếp nhận của Thủ tướng Chính phủ.
a) Nội dung đơn giản hóa:
Đề nghị quy định rõ thành phần hồ sơ và số lượng hồ
sơ mà đối tượng phải nộp khi thực hiện TTHC.
Lý do:
Tại Khoản 2 Điều 14 Nghị định số 50/2020/NĐ-CP ngày
20/4/2020 của Chính phủ quy định về tiếp nhận, quản lý và sử dụng viện trợ quốc
tế khẩn cấp để cứu trợ và khắc phục hậu quả thiên tai có quy định về trình tự
thực hiện TTHC. Tuy nhiên, không quy định thành phần và số lượng hồ sơ.
b) Kiến nghị thực thi:
Đề nghị bổ sung quy định về thành phần hồ sơ và số
lượng hồ sơ tại Điều 14 Nghị định số 50/2020/NĐ-CP ngày 20/4/2020 của Chính phủ.
c) Lợi ích phương án đơn giản hóa:
Việc quy định thành phần hồ sơ và số lượng hồ sơ sẽ
tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính;
đồng thời tránh tình trạng tiêu cực, gây phiền hà, nhũng nhiễu cho tổ chức, cá
nhân như: yêu cầu nộp thêm nhiều bộ hồ sơ hoặc nộp thêm các giấy tờ không cần
thiết,...
* Lĩnh vực Thú y (01 thủ tục)
1. Thủ tục Cấp Giấy chứng nhận
đủ điều kiện buôn bán thuốc thú y
a) Nội dung đơn giản hóa:
Đề nghị quy định rõ thành phần hồ sơ là bản sao, đồng
thời xuất trình bản chính để đối chiếu.
Lý do:
Tại Khoản 2 Điều 109 Chương VI Luật Thú y ngày
19/6/2015 quy định thành phần hồ sơ thực hiện TTHC, như sau:
+ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng
nhận đăng ký kinh doanh;
+ Chứng chỉ hành nghề thú y.
Tuy nhiên, trong thực tế khi thực hiện TTHC cho thấy
việc nộp các giấy tờ nêu trên chưa được quy định cụ thể là bản chính/bản sao/bản
sao có công chứng, chứng thực nên dễ xảy ra tình trạng công chức giải quyết
TTHC có hành vi nhũng nhiễu yêu cầu nộp giấy tờ với nhiều hình thức khác nhau,
gây phiền hà cho người dân trong việc nộp hồ sơ, thực hiện TTHC.
b) Kiến nghị thực thi:
Đề nghị sửa đổi Khoản 1 Điều 97 Mục 3 Chương V Luật
thú y ngày 19/6/2015 như sau:
“Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc
Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Bản sao Chứng chỉ hành nghề thú y;
Tổ chức, cá nhân khi thực hiện TTHC tại cơ quan
nhà nước có thẩm quyền phải mang theo bản chính các giấy tờ nêu trên và xuất
trình để công chức tiếp nhận hồ sơ đối chiếu”.
c) Lợi ích phương án đơn giản hóa:
Việc quy định rõ thành phần hồ sơ tạo điều kiện thuận
lợi cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính; đồng thời tránh tình
trạng tiêu cực, gây phiền hà, nhũng nhiễu cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện
TTHC.
III. LĨNH VỰC VĂN HÓA, THỂ THAO
VÀ DU LỊCH (01 thủ tục hành chính cấp tỉnh)
* Lĩnh vực Quảng cáo
1. Thủ tục thông báo sản phẩm
quảng cáo
a) Nội dung đơn giản hóa:
- Đề nghị sửa thành phần hồ sơ “Văn bản chứng
minh quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng bảng quảng cáo” thành “Văn bản chứng
minh quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng bảng quảng cáo đối với quảng cáo từ
20m2 trở lên và biển quảng cáo dưới 20m2 treo ở vị trí công cộng”.
Lý do: Hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo đối
với bảng quảng cáo treo tại vị trí các cửa hàng, cửa hiệu là không cần thiết,
vì trong thông báo sản phẩm quảng cáo đã có địa chỉ cụ thể thực hiện quảng cáo,
được chủ cửa hàng hoặc chủ cơ sở cho phép treo mới được treo, nên không cần thiết
phải chứng minh quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng địa điểm quảng cáo.
- Đề nghị sửa thành phần hồ sơ “Bản phối cảnh vị
trí đặt bảng quảng cáo ” thành “Bản phối cảnh vị trí đặt bảng quảng cáo đối
với bảng quảng cáo có diện tích 20m2 trở lên”.
Lý do: Trong thông báo sản phẩm quảng cáo đối
với bảng quảng cáo dưới 20m2 đã ghi địa điểm thực hiện quảng cáo. Mặt khác, trường
hợp tổ chức, cá nhân thực hiện quảng cáo xin thực hiện nhiều bảng quảng cáo nhỏ
dưới 20m2 mà mỗi bảng là 1 địa chỉ thì thành phần hồ sơ sẽ nhiều, gây lãng phí
cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện quảng cáo.
b) Kiến nghị thực thi:
Đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 6, khoản
7 Điều 29 Luật quảng cáo.
c) Lợi ích phương án đơn giản hóa:
Tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm thời gian, chi
phí cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện thủ tục hành chính:
- Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa:
24.180.000 đồng/năm
- Chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa:
14.580.000 đồng/năm.
- Chi phí tiết kiệm: 9.600.000 đồng/năm.
- Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 40%.